Face Book : Vợ tôi bị bệnh gì?

Đi làm thì thôi, về đến nhà là vợ tôi lại ôm lấy cái máy tính. Nhiều khi chị giúp việc dọn cơm lên, gọi mãi mà Lan vẫn chưa chịu xuống ăn khiến tôi bực mình: “Thôi, đừng kêu nữa, bả ôm cái máy tính cũng no rồi”.

Trước đây vợ tôi có thời gian quan hệ trên mức bình thường với một ông bạn đồng nghiệp. Chuyện vỡ lỡ, anh chàng kia bị đuổi việc, còn vợ tôi thì sau đó cũng phải chuyển sang chỗ làm khác. Tôi đâm đơn ly hôn. Cả nhà vợ qua năn nỉ xin cho vợ tôi một cơ hội.

Tôi đành nhắm mắt cho qua, lòng cũng nghĩ thôi thì ở đời ai mà chẳng có lỗi lầm, quan trọng là biết nhận lỗi và khắc phục. Vợ tôi đã quay đầu thì tôi cũng nguyện làm bến bờ bình yên cho cô ấy để hai đứa nhỏ có đủ cha mẹ.

Vợ tôi bị bệnh gì?
Yên ổn được chừng một năm thì Lan lại lên mạng và quen với nhiều người. Những buổi offline, cà phê cà pháo thường xuyên diễn ra. Công bằng mà nói thì mới đầu nàng cũng rủ tôi đi cùng nhưng tôi không thích những kiểu bạn bè ấy nên từ chối. Lan đi một mình, được khoảng 6 tháng thì có người nói với tôi về chuyện lăng nhăng của vợ mình với một anh bạn chung nhóm.

Tôi hỏi thẳng: “Em nói thật đi, có hay không? Nếu em nói có, anh sẵn sàng để em ra đi với tình yêu của em”. Nhưng Lan chối đây đẩy. Nàng còn thề bán mạng là mình với anh kia chỉ là bạn thân, tính tình hợp nhau nên hay tâm sự chuyện vui buồn. Tôi nói: “Anh không khó khăn, hẹp hòi nhưng bạn bè trong sáng thì chơi, còn có chuyện này chuyện kia phía sau thì phải chấm dứt vì anh không muốn mang tai tiếng. Anh khổ vì em bấy nhiêu đã đủ rồi”. Vợ tôi lại thề thốt. Lần này Lan toàn thề độc khiến tôi phải bịt miệng nàng lại: “Thôi, thôi, anh tin rồi, đừng nói trước bước không qua”.

Thật lòng là niềm tin đối với vợ trong tôi đã không còn như thuở ban đầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu gia đình đổ vỡ thì cũng chẳng hay ho gì, chỉ làm khổ con cái. Riêng tôi thì cũng đã ngán ngẫm chuyện vợ chồng. Nếu ly hôn, chưa chắc tôi đã có đủ niềm tin để tiếp tục tìm kiếm tình yêu đích thực cho cuộc đời mình. Thôi thì lành làm gáo, vỡ làm muôi. Vợ sao thì chịu vậy, miễn cô ấy tu tâm, dưỡng tánh là được.

Vợ tôi bị bệnh gì?

Lần này vợ tôi giữ lời hứa. 1 năm rồi 2 năm không có tiếng tai gì. Tôi bắt đầu thấy lòng vui trở lại. Đôi khi vợ chồng gần gũi, tôi cũng tìm thấy cảm giác rung động như ngày xưa. Tôi mừng vì gương vỡ lại lành và có hi vọng sẽ sáng như xưa. Với niềm tin ấy, tôi không quá chú ý đến hành vi, cử chỉ, đi đứng, giờ giấc của vợ nữa.

Cho đến gần đây, tôi để ý thấy vợ tôi hay cười một mình, vẻ mặt tươi tỉnh hẳn lên. Nàng ít đi chơi với bạn bè, thay vào đó, nàng lên mạng đọc tin tức, tìm hình ảnh đẹp, đi du lịch online, học nấu ăn trên mạng… Nói chung tôi thấy những thú vui của vợ tôi rất lành mạnh, bổ ích nên càng yên tâm hơn.

Cho đến cách nay khoảng 2 tuần, tôi phát hiện… vợ tôi có đến 4 trang facebook! Tôi phát hiện điều đó trong lúc đi tìm một tài liệu cũ trong máy tính và tình cờ thấy một tập tin mà trong đó vợ tôi ghi các tài khoản facebook và password. Mới đầu tôi hốt hoảng vì tưởng vợ tôi là… tin tặc. Sau đó tôi tò mò mở ra xem. Thì ra tất cả các trang facebook đó đều của vợ tôi. Điều khác thường là nó mang tên nhiều người, khi là đàn ông, khi là phụ nữ, có cả một nick tự xưng là Việt kiều ở Mỹ với avatar là một gã đàn ông rất điển trai…

Vợ tôi bị bệnh gì?

Mấy ngày sau, tôi dần phát hiện vợ tôi làm một chuyện rất kỳ quặc: Dùng những nick khác nhau để… ve vãn mình! Chưa hết, Lan còn cho các nick ảo ấy… ghen tuông, tranh giành, gây gổ với nhau. Đến nước này thì tôi thật sự bó tay.

Vợ tôi có vấn đề về tâm thần hay đó chỉ là một trò đùa? Hay là vợ tôi nghiện facebook và đó là cách giải cơn nghiện của nàng? Có ai giải thích được hiện tượng này hay không? Nếu nó là hiện tượng không bình thường thì vợ tôi bị bệnh gì vậy và có cần chữa trị tâm lý hay không?

Tuấn Nam
@Ngườilaodong

Cô dâu Việt ở làng nghèo Trung Quốc

(Dân trí) – Đám cưới của họ được sắp đặt vì tiền, nhưng một số cô dâu Việt Nam, dù không tìm thấy “chàng hoàng tử” của mình khi sống ở những ngôi làng nghèo xa xôi của Trung Quốc, vẫn hài lòng với những gì họ đang có.

Nguyen Thi Hang tại cửa hàng bán đồ tạp hóa ở Linqi.
Nguyen Thi Hang tại cửa hàng bán đồ tạp hóa ở Linqi.

“Về mặt kinh tế, cuộc sống ở đây,Trung Quốc, khấm khá hơn”, Nguyen Thi Hang, một trong hơn hai chục phụ nữ Việt kết hôn với những người đàn ông ở Linqi cho biết.Thị trấn này là mảng chắp lại của những ngôi làng, xem giữa những cánh đồng ngô, nằm sâu trong những dãy núi của Hà Nam, một trong những tỉnh nghèo hơn của Trung Quốc. Nó cũng cách Việt Nam tới tận 1.700km. Nhưng đây là thị trường mới cho ngành mai mối hôn nhân đang nở rộ ở châu Á.

Ngành này đang được “tiếp liệu” nhờ nhu cầu của đàn ông nông thôn Trung Quốc, những người khó có thể tìm được vợ khi tình trạng bất cân bằng giới tính trong nước ngày một lớn.

Hang, 30 tuổi, đến Linqi vào tháng 11 năm ngoái. Cô đang phải nỗ lực giao tiếp với khách hàng tại cửa hàng bụi bặm của mình, nơi cô bán mỳ, cô-ca, và thuốc lá.

Cô cho biết điều kiện sống cơ bản của cô, một phòng ngủ bé xíu với những bức tường bê tông, và một nhà vệ sinh ở xa, ngoài trời, cạnh chuồng gà, còn khá hơn so với ngôi nhà trước của cô.

“Chúng tôi đã sống trong ngôi nhà gạch kém chất lượng ở Việt Nam và chúng tôi làm nông, làm việc quần quật trên cánh đồng lúa”, cô nói.

Cô cũng cho biết hôn nhân của cô với người đàn ông 22 tuổi địa phương do gia đình cô sắp đặt, với lễ cưới nho nhỏ được tổ chức ở cả quê cô và Trung Quốc.

“Tôi biết họ cho gia đình tôi ít tiền, nhưng tôi đã không dám hỏi cha mẹ về điều đó”, cô nói. “Người thân của tôi nói tôi cưới một người đàn ông Trung Quốc. Họ nói họ sẽ chăm sóc cho vợ họ và tôi sẽ không phải làm việc nặng nhọc, chỉ việc tận hưởng cuộc sống”, cô nói và mỉm cười với những đứa trẻ đang mua kẹo.

Chồng cô, công nhân xây dựng, đi xa suốt năm và đã không có nhà khi phóng viên AFP tới thăm. Nhưng người bố chồng tóc đã điểm bạc của cô dường như tự hào về thành viên mới của gia đình.

“Phụ nữ Việt giống như chúng tôi. Họ làm mọi việc và chăm chỉ”, Liu Shuanggen nói. “Không dễ gì tìm vợ ở nơi này. Phụ nữ khan hiếm.”

Trai ế

Vu Thi Hong Thuy khoe ảnh người chồng Trung Quốc.
Vu Thi Hong Thuy khoe ảnh người chồng Trung Quốc.

Tỉ lệ sinh 118 bé trai/100 bé gái theo thống kê của chính phủ đã trở thành điệp khúc của ở Trung Quốc. Suốt nhiều thế kỷ, ở Trung Quốc, nhiều gia đình đã chọn sinh con theo giới tính, chọn bé trai thay vì bé gái.

Bất cân bằng giới tính đã dẫn đến sự bùng nổ trong “giá cô dâu”, khiến những người đàn ông ở vùng quê nghèo cảm thấy nặng nề nhất.

“Để kết hôn, gia đình cô dâu thường đòi xe, nhà. Vì vậy chỉ dễ kết hôn khi bạn có nhiều tiền”, người bán hàng có tên Wang Yangfang cho hay. “Ở Việt Nam, họ đòi với giá thấp hơn.”

Người dân ở Linqi cũng hé lộ giá chung để cưới một phụ nữ Việt là 20.000 Tệ (3.200USD), bằng ¼ giá của một cô dâu nội địa. Chính vì vậy mà hơn 20 phụ nữ Việt đã có gia đình mới ở khu vực này trong những năm gần đây.

Nhưng thương mại hôn nhân cũng không tránh khỏi những lạm dụng.

Ở một nhà bảo trợ tại Việt Nam, phóng viên AFP đã nói chuyện với hơn chục cô gái cho biết đã bị gia đình, bạn bè, thậm chí bạn trai lừa bán làm vợ cho đàn ông Truung Quốc.

Chính phủ Myanmar cho biết một báo cáo năm 2011 cho thấy hầu hết các vụ buôn người ở nước này là “ép buộc các cô gái và phụ nữ kết hôn với đàn ông Trung Quốc”.

Theo tờ China Daily, chỉ riêng năm 2012, cảnh sát Trung Quốc đã “giải cứu và trao trả” 1.281 phụ nữ nước ngoài bị bắt cóc và hầu hết là tới từ Đông Nam Á.

Các chuyên gia cũng cho rằng tình trạng luật pháp lỏng lẻo ở các vùng nông thôn khiến hàng ngàn vụ việc khác không bị phát hiện.

Ở Linqi, nhiều gia đình từ chối nói về các thành viên tới từ Việt Nam của họ.

Cô dâu chạy trốn

Khó có thể nói có bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người. “Không có con số chính xác”, giáo sư xã hội học Feng Gang, Đại học Chiết Giang cho biết. “Dường như tỷ lệ kết hôn ép buộc không lớn”.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc thường xuyên đưa tin về các vụ “cô dâu chạy trốn” ít lâu sau khi kết hôn.

Song cũng có một số trường hợp kết hôn tự nguyện. Đàn ông ở Linqi đã đến làm việc ở Việt Nam. Vu Thi Hong Thuy, 21 tuổi, đã gặp chồng mình như vậy. “Chúng tôi quen biết nhau, yêu nhau, rồi kết hôn”, cô nói.

“Ở Việt Nam…chúng tôi làm việc quần quật, nhưng có thể không đủ sống. Tôi nghĩ cuộc sống của tôi khá hơn, với chỉ một mình chồng làm việc.”

Bất chấp căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam-Trung Quốc, các trang web “hẹn hò Việt Nam” vẫn nhộn nhịp, với nhiều hình của phụ nữ Việt được miêu tả là “tốt bụng”, “ngoan”.

“Chúng tôi lấy 3.000 Tệ để sắp xếp các cuộc hẹn ở thành phố Hồ Chí Minh. Nếu hai bên đồng ý cưới, thêm 36.000 Tệ nữa để sắp xếp lễ cưới, gồm cả chụp ảnh”, một nhân viên của trang web cho hay.

Và cũng có điều kiện trong trường hợp cô dâu chạy trốn. “Nếu người phụ nữ ly hôn hoặc chạy trốn trong vòng 2 tháng đầu, chúng tôi sẽ có trách nhiệm tìm người khác”, cô cho biết thêm.

Vũ Quý

Theo AFP

Ơi cô gái miền Tây!

Lê Diễn Đức
Tôi rất thích các cô gái miền Tây, có lẽ vì từ lúc chưa biết miền Tây là gì đã chịu ảnh hưởng của bài hát “Ngẫu hứng lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến.

Hình ảnh cô gái miền Tây thon thả, da trắng mịn mà, tóc dài với “dáng đứng Bến Tre,” trong bộ bà ba, gây ấn tượng đậm nét trong tôi.

Con gái miền Tây xinh đẹp có lẽ do thổ nhưỡng và điều kiện sống thoải mái, khoáng đạt. Họ hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc con cái mẫn cán và chiều chồng.

Những điều này từ lâu đã đi vào tục ngữ, ca dao Nam Bộ.

“Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
Ðội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương”…

Con gái miền Tây ngoan, bao dung và dâng hiến:

“Thịt bò, thịt sấu,
Tai gấu, gân nai,
Bột khoai, bún nấm,
Nước mắm, tiêu hành,
Sâm banh, rượu chát,
Cô nhắc, la ve,
Cà phê, bánh mì sữa,
Ðãi anh một bữa
Cho phỉ ân tình,
Ngày sau anh có ở bạc biết tình con gái ngoan.”

Con gái miền Tây sở hữu một chất giọng ngọt ngào, nói chuyện thật thà, dễ nghe, khiến những ai khó tính nhất cũng phải dịu xuống:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”

Họ cũng nhí nhảnh và tinh nghịch thông minh:

“Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời,
Một trăm thứ ong, ong chi không đánh?
Một trăm thứ bánh, bánh chi không nhưn?
Một trăm thứ gừng, gừng chi không lá?
Một trăm thứ cá, cá chi không đầu,
Một trăm thứ trầu, trầu chi không cuống?
Một trăm thứ rau muống, rau muống chi không dây?
Một trăm thứ cây, cây chi không trái?
Một trăm thứ gái, gái chi không chồng”…

Bên cạnh sắc đẹp và những đức tính tốt trời cho ấy, họ còn có đầu óc năng động và sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp và xã hội.

Không cần nói đâu xa, một số phụ nữ đẹp và tài giỏi quê ở miền Tây Nam Bộ hiện đang là biểu tượng của giới doanh nhân Việt Nam.

Mai Kiều Liên, một phụ nữ có khuôn mặt dịu dàng, đắm thắm, tổng giám đốc Vinamilk, đứng thứ 25 trong danh sách “50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á” do tạp chí “Forbes” bình chọn.

Mã Ðào Ngọc Bích, cô gái Sóc Trăng, có nét đẹp sang trọng, hấp dẫn, tổng giám đốc công ty Thiên Thần Sắc Ðẹp (Viện chăm sóc da công nghệ cao Angel Beauty) được vinh danh nữ doanh nhân Việt Nam xuất sắc năm 2013.

Ðặng Thu Thảo, sinh viên đại học Tây Ðô, hoa khôi của đồng bằng sông Cửu Long, đại diện cho sắc đẹp của Việt Nam khi cô đoạt vương miện Hoa Hậu năm 2012.

Lỡ dại

Thật không may cho tác giả của bài “Gái miền Tây và 3 chữ ‘N’ nổi danh thiên hạ” đăng trên tờ “Trí Thức Trẻ” hôm 12 tháng 8, 2014.

Tác giả đã dại dột “vơ đũa cả nắm” khi nhận xét “phần lớn gái miền Tây cũng là những cô gái ‘ngu dốt’vô đối.”

Bài viết bị dư luận “ném đá” tơi bời, cho là một kiểu câu “view” rẻ tiền, kỳ thị vùng miền, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam!

Không oan lắm, tuy nhiên trong bối cảnh xã hội hiện nay, tôi có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với người viết bài đó.

Trong bài viết, tính tích cực không thiếu. Nét đẹp và đức tính ngoan ngoãn của các cô gái miền Tây rõ ràng đã được tác giả đánh giá cao xen lẫn nét hài hước:

“Về độ “ngon,” độ “ngoan” thì tôi dám quả quyết không gái miền nào địch được gái miền Tây.”

“Xin được nói về chữ “ngon” của gái miền Tây trước – cái làm tôi choáng ngợp đầu tiên. “Ngon” ở đây tôi muốn nhắc tới chính là vẻ đẹp cơ thể với làn da trắng, dáng chuẩn của gái miền Tây. Giọng nói ngọt ngào đó của các em gái miền Tây, tôi không tìm thấy ở con gái miền nào hết.

Ngoài ra, theo tôi đánh giá, gái miền Tây còn nổi tiếng là những cô gái “ngoan” đúng với nghĩa đen. Tôi khâm phục bởi em cũng như nhiều cô gái miền Tây đã gặp vì thấy em rất có hiếu với bố mẹ và gia đình của mình”…

Tác động của xã hội

Ðọc toàn bài viết ta có thể suy đoán đối tượng mà tác giả nhắm tới là các cô gái miền Tây trẻ tuổi. Những gì đang diễn ra trong xã hội miền Tây đã có tác động vào nhận định của tác giả.

Trên báo chí trong nước trước đó cũng đã có một số bài tuy không nói xấu nhưng phản ảnh một thực trạng chẳng tốt đẹp gì.

Bài “Gia đình bạn trai cấm yêu vì em là gái miền Tây” [VnExpress 14.04.2014] có đoạn:

“Cha mẹ bạn trai cấm cản vì cho rằng người miền Tây như em không đàng hoàng, đàn bà con gái thì chỉ biết đi làm gái tiếp thị bia, massage…

Như em biết, con gái miền Tây đa số được ba mẹ rất cưng chiều ít phải làm lụng từ nhỏ. Ðiều kiện làm ăn sông nước vất vả nên công việc chủ yếu từ bao đời là đánh bắt và công việc ấy dành cho đàn ông, nên những cô gái thường chăm lo việc nhà, ít được đi học và an phận ở nhà lo nội trợ.

Từ nếp sống đó dẫn đến suy nghĩ trong nhiều gia đình miền Tây muốn con gái của họ lấy được những người chồng giàu có để được nương nhờ. Hơn thế nữa, nhiều cô gái không được học hành nên sự hiểu biết còn hạn hẹp. Một số ít vì không phải bươn chải cực khổ, nên vẻ đẹp như nét duyên trời cho, cộng thêm giọng nói ngọt ngào là nguyên nhân thu hút họ vào những ngành nghề nhạy cảm mà xã hội không chấp nhận được.” [1]

Một bài khác “Gái miền Tây lười, ít học và muốn một bước lên bà chủ” [Vitalk.vn ngày 02.11.2013] viết:

“Chung quy lại cũng chỉ vì hai chữ, nghèo và lười. Trong mắt con gái miền Tây, họ sợ nhất là nghèo đói, vậy nên câu cửa miệng của những cô gái nơi này là “không có tiền cạp đất mà ăn à?” Họ muốn giàu nhưng không chịu khó làm lụng, không được học hành đến nơi đến chốn nên cách duy nhất là phải tìm cách kiếm một thằng chồng giàu có, một bước lên bà chủ. Nhưng không phải ai cũng may mắn như Ngọc Trinh, có sự nghiệp, được nhiều người biết tới. Nhiều cô có chút nhan sắc đành sống bằng nghề buôn hương bán phấn như hoa hậu Mỹ Xuân. Những cô gái khác có nhan sắc thuộc hàng tầm tầm thì nghĩ ngay đến những ông chồng già nua nhưng giàu có xứ Ðài Loan hoặc Hàn Quốc. Tất nhiên họ không biết rằng những phế phẩm của xã hội bên đó mới chấp nhận lấy gái Việt Nam. Và họ gào lên khi biết mình bị lừa, thậm chí, không chịu được khổ cực, họ đành phải nhảy lầu để kết thúc.” [2].

“Phong trào” con gái miền Tây “sôi sục” lấy chồng nước ngoài đã có tiền lệ suốt từ nhiều năm qua. Ðiều này dường như đã “ăn sâu vào tâm trí” người dân nơi đây.

Bài “Buồn vì vấn nạn lấy chồng ngoại quốc” trên tờ Nông Nghiệp ngày 15.01.2014, viết:

“Có hàng trăm ngàn cuộc hôn nhân mà đa số là gái miền Tây. Ðài Loan bão hòa, sang đến Hàn Quốc, cũng đa số con gái miền Tây. Giờ thì tới lấy chồng Trung Hoa lục địa. Các cô gái có chữ hiếu, nhưng các cô ít học, đơn giản về hạnh phúc và bản thân cái nghèo nó còn nhục hơn là đi lấy chồng mà không yêu. Ðó là vấn nạn như mọi vấn nạn chứ không chỉ là phong trào, hay hiện tượng nữa.” [3]

Theo bà Lê Thị Mai, trưởng bộ môn Xã Hội Học của Ðại Học Tôn Ðức Thắng, đồng bằng sông Cửu Long có đặc trưng “gạo trắng nước trong,” môi trường sống quá dễ làm cho người ta lười và chỉ muốn hưởng thụ.

Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng-Thương Binh và Xã Hội nói, “Việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài vì lý do kinh tế đã làm biến đổi chuẩn mực xã hội, thay đổi quan niệm về giá trị hôn nhân trong một bộ phận người dân. Chính những biểu hiện và nhận thức sai lệch này đã đẩy không ít cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo biến cuộc hôn nhân của mình với người đàn ông không quen biết thành phương tiện để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo.”

Ông Ðoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn Hóa Học, Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, nhận định:

Cùng với văn hóa thoáng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, chính nền giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long còn quá yếu, đặt biệt với phụ nữ, đã đưa đến những hệ lụy trên.”

Bà Lê Thị Mai cho rằng, “Vì tính cách của nhiều người dân ở vùng này lười nên không nhận thấy tầm quan trọng của tri thức, tự bằng lòng với bản thân, tính cạnh tranh thấp và an phận. Cùng với vùng miền núi phía Bắc, miền Tây đang có thành quả giáo dục kém nhất nước, đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ.” [4]

Xử lý quá quắt

Trong bối cảnh tổng thể trên, việc tác giả thêm chữ “N” thứ ba cho “phần lớn” các cô gái miền Tây cũng là điều dễ hiểu. Nó xuất phát từ cái nhìn vào một hiện trạng phổ biến và tâm lý va chạm với thực tế phũ phàng.

Báo điện tử “Trí Thức Trẻ” bị đình bản 3 tháng, xử phạt hành chính 207 triệu đồng vì bài viết là quá quắt và xử lý tùy tiện theo cảm tính của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Bị dư luận chỉ trích, tờ báo rút bài xuống và đã có lời xin lỗi chân tình, thiết nghĩ cũng đã đủ. Lấy chế độ quản lý báo chí độc quyền để ra một quyết định hành chánh xử phạt là đi quá giới hạn của quyền được nói của người dân. Nếu tờ báo bị kiện vì ai đó cảm thấy bị tổn thương, thì nơi giải quyết phải là tòa án. Nhưng bài báo lại không tấn công một cá nhân cụ thể nào, mà kiện tập thể thì nghị định của thủ tướng lại không cho phép.

Trong một xã hội báo chí tự do, tờ báo chắc chắn sẽ chẳng mệnh hệ gì, ngoài sự phê phán của dư luận.

CzesBaw MiBosz, giải thưởng Nobel Văn học 1980, có “thành tích” nói xấu dân tộc Ba Lan, vẫn được Quốc Hội Ba Lan vinh danh. Ông từng viết, “Nếu người ta cho tôi phương pháp, tôi sẽ làm nổ tung đất nước này trong không trung,” hoặc “Người Ba Lan phải là con lợn”…

Với Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), cũng không ai nói ông “xúc phạm” dân, khi viết:

“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan”


Ghi chú:[1]: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-tinh/gia-dinh-ban-trai-cam-yeu-vi-em-la-gai-mien-tay-2977281.html

[2]: http://vitalk.vn/threads/gai-mien-tay-luoi-it-hoc-va-muon-mot-buoc-len-ba-chu.12870/

[3]: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/120136/tam-su-voi-co-da-huong/buon-vi-van-nan-lay-chong-ngoai-quoc.html

[4]: http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/noi-buon-phu-nu-mien-tay.html

Đảng CSVN giỏi hay không giỏi?

Đoan Trang
Nhân chuyện chú Ba cháu vừa chỉ thị cho toàn ngành CAND phải ngăn chặn việc hình thành các tổ chức phản động, cháu chợt có mấy ý nghĩ thế này, xin kính thưa cùng các cụ:

Bên Tuyên giáo lâu nay vẫn tôn vinh Đảng ta tài tình, sáng suốt, mềm dẻo, khéo léo, linh hoạt, v.v. Ngoài ngành tuyên giáo thì cũng có nhiều người nói cộng sản rất giỏi, thể hiện ít nhất là trong việc Đảng duy trì được quyền lực độc tôn tới hơn 80 năm qua, tiêu diệt mọi thành phần đối kháng; cá nhân, tổ chức, đảng phái nào loe ngoe chống phá cũng đều bị đập tan hết. Thậm chí có người còn sợ là Đảng giỏi quá, không có ai thay được, “bây giờ mà cộng sản sập là cũng chết dở chứ không đùa đâu”.

Nhiều người khác thì lại bảo cộng sản nói chung là lũ ngợm, học luật ở bưng, học kinh tế ở Bun (tức là Bulgaria), thậm chí chả học hành gì, chui từ rừng rú ra, kéo cả nước xuống hố, v.v.

Từ hai luồng quan điểm trái ngược nhau này, đưa đến một cuộc tranh luận ngấm ngầm và kéo dài về năng lực của Đảng.

Cá nhân nhà cháu thấy, một cách ngắn gọn thì có thể nói rằng: Phàm cái gì liên quan đến phạm trù “xây” thì Đảng yếu kém, còn cái gì liên quan đến phạm trù “phá” thì Đảng rất là giỏi.

* * *

Nhà cháu xin lấy vài cái ví dụ (hơi thô sơ một tí) thế này: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây cầu thì khó chứ phá cầu rất dễ. Làm quy hoạch kiến trúc tổng thể cho thật văn minh, tạo ra những công trình xứng tầm khu vực và thế giới thì khó, chứ giải tỏa mặt bằng, cưỡng chế đất đai, rất dễ.

Trong chính sách kinh tế, Đảng phát triển kinh tế sao mà khó khăn, loay ha loay hoay, chứ cải tạo tư sản, vơ vét tài nguyên, dùng cơ sở hạ tầng như phá, thì nhanh ghê lắm. Ở cái nền kinh tế theo định hướng XHCN của Đảng, các doanh nghiệp xây dựng uy tín, tạo ra những thương hiệu nổi tiếng thì trật cà trật vuột, chứ phá hoại, làm hỏng, làm mất thương hiệu và uy tín, thì là chuyện bình thường, rất thường.

Trong đời sống chính trị cũng vậy. Đảng xây dựng lòng tin, tình yêu nước, trách nhiệm cộng đồng trong dân chúng thì khó khăn, có thể nói thẳng ra là không làm được; chứ Đảng phá hoại lòng tin, tình yêu nước, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của dân hết sức thành thục.

Thế cho nên chẳng lạ, khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, xã hội dân sự không ngóc đầu lên được, mà các phong trào đối kháng, chống cộng, thì thất bại liểng xiểng suốt hàng chục năm nay. Bởi vì Đảng không xây mà chỉ chủ trương phá, mà lại phá quá giỏi. Cái gì có chữ “phá”, Đảng làm đều giỏi cả: phá tư sản, phá kinh tế, phá rừng, phá núi, phá đường, phá thương hiệu, phá uy tín, đương nhiên là cả “phá án” luôn, trong đó có phần “phá phản động”.

* * *

Thưa các cụ,

Nhà cháu trộm nghĩ: Thật ra có năng lực phá hoại cũng rất tốt. Nói chung cũng phải có phá thì mới có xây chớ. Như trong triết học Ấn Độ, có thần Brahma sáng tạo thì cũng phải có thần Shiva hủy diệt mới được.

Vấn đề chỉ là năng lực phá hoại đó nên được đặt vào đâu? Công cuộc lãnh đạo, xây dựng đất nước mà lại giao cho một đảng chỉ có tài phá thì thôi xong dân Việt rồi…

Nói đến đây nhà cháu lại nhớ tới lời Lech Walesa, nhà hoạt động công đoàn, cựu tổng thống Ba Lan sau cải cách: “Người cộng sản là những tổ sư chuyên về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi. Cái mà chúng tôi phải đối đầu hôm nay là biến tô súp cá đó thành cái hồ cá lại…”.

Nhân tiện, cũng xin nhắc lại để các cụ nhớ: Ấy là về chuyện chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa. Các bằng chứng về chủ quyền của nước ta ở Hoàng Sa-Trường Sa, trong cổ sử, đều vững chắc cả. Chỉ từ khi đời ta có Đảng, mới sinh ra công hàm này, tuyên bố nọ, sách giáo khoa kia, bản đồ ấy… để đến bây giờ bọn dân chúng ta phải đau đầu lo dọn dẹp, lo đấu tranh giành lại chủ quyền, mệt ơi là mệt! Như thế đúng ra phải gọi là dân làm, Đảng phá mà.

Tham nhũng và khủng hoảng

Nguyễn Xuân Nghĩa
Ðồ cổ Tống-Thanh của Trung Quốc

Khi Tập Cận Bình mở chiến dịch bài trừ tham nhũng, từ ruồi con đến cọp lớn đều bị diệt, ta có thể nêu câu hỏi: phải chăng, nếu không diệt tham nhũng thì lãnh tụ mới lên từ gần hai năm nay không thể đưa công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc qua một hướng tốt đẹp hơn? Nếu hiểu rõ thực tế ngàn năm của xứ này, điều cần thiết cho người Việt Nam vì đang bị Trung Quốc uy hiếp, ta có thể nhìn ra một quy luật khác.

Tham nhũng là một thuộc tính của hệ thống chính trị Trung Quốc và đưa đến sự thịnh suy hay lẽ hợp tan của quốc gia này.

***

Trước hết, xin nhắc lại vài chi tiết về thời sự đã bị lãng quên.

Thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư, tổng lý Quốc Vụ Viện là Thủ Tướng Ôn Gia Bảo được coi là nhân vật ôn hòa có tinh thần cải cách. Là người thân tín của Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương, trước khi ông này bị cách chức sau vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 và quản thúc tại gia cho đến chết, Ôn Gia Bảo có cái vẻ thân dân. Cùng Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào, ông tạo ra hình ảnh thực tiễn của một thế hệ lãnh đạo mới sau Chủ Tịch Giang Trạch Dân và “Cánh Thượng Hải” cùng “Thái Tử Ðảng” nổi tiếng tham ô.

Vậy mà trước khi đảng Cộng Sản Trung Hoa tổ chức Ðại hội 18 để đưa thế hệ thứ năm lên lãnh đạo, tờ New York Times trong số ra ngày 25 tháng 10, 2012, có một bài điều tra gần năm ngàn chữ về tài sản của gia đình Ôn Gia Bảo, từ bà mẹ 90 tuổi đến các con cháu, lên tới hai tỷ bẩy (2.7) Mỹ kim. Dĩ nhiên là tờ báo bị chặn và bài viết bị bóc trên trang mạng.

Khi ấy, ta nhớ đến lời phát biểu của Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào: “Không giải quyết nạn tham nhũng, Trung Quốc sẽ sụp đổ. Nhưng nếu ta giải quyết quá mạnh tay, đảng sẽ tan rã.” Bây giờ, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm, Tập Cận Bình ra tay giải quyết nạn tham nhũng. Và có vẻ như không lo ngại sự tan rã của đảng.

Có thật không?

Trước bài viết của tờ NYT, cuối tháng 6 năm 2012, hệ thống thông tin kinh doanh Bloomberg (và tờ Bloomberg Business Week) có một bài viết về tài sản kinh doanh của gia đình và thân tộc của người sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc là Tập Cận Bình: gần 400 triệu Mỹ kim. Trang mạng của Bloomberg dĩ nhiên cũng bị chặn. Và tờ NYT còn cho biết gia đình họ Tập đã kín đáo “giải tư,” bán ra, một số tài sản trước khi ông ta lên nhậm chức để khỏi bị tai tiếng.

Nếu tò mò tìm hiểu thêm, ta còn được biết là phóng viên điều tra của Bloomberg được cho nghỉ, để khỏi gây vấn đề kinh doanh với nhà nước Trung Quốc.

Tức là bên ngoài, từ giới ngoại giao, tình báo, đầu tư và công ty lượng giá trái phiếu cùng rủi ro tín dụng và chính trị, đều biết tới thuộc tính tham nhũng của hệ thống Trung Quốc. Vì quyền lợi, họ luồn lách qua hệ thống đó chứ chẳng mơ hồ gì về chuyện cọp lớn hay ruồi nhỏ.

***

Chuyện ấy đả thông câu hỏi ở trên: Tập Cận Bình có thực tâm giải trừ tham nhũng để phát triển không? Và đưa chúng ta về văn hóa và lịch sử Trung Hoa.

Ngày xưa, hoàng đế nhận “thiên mệnh” nào đó của đấng tối cao để cai trị bá tánh qua hệ thống quan lại của triều đình từ trung ương tới các địa phương. Ngày nay, tổng bí thư đảng cũng nhận lãnh một sứ mệnh của đảng, do nhân dân trao phó, để cai trị quốc dân qua hệ thống quan lại từ trung ương tới địa phương, được gọi là đảng viên và cán bộ.

Hệ thống thư lại ấy có quyền trưng thu ở dưới để dâng một phần lên trên cùng tờ biểu màu hồng về tinh hình sinh hoạt của thần dân. Họ giữ lại một phần cho mình, để ban phát cho vây cánh ở dưới, và mọi người đều ngợi ca sự thái hòa nhờ các đức của hoàng đế hay tấm lòng của đảng…

Chúng ta trở lại chuyện hiện đại là chu kỳ kinh tế, hay “kinh tế cũng là chính trị,” nội dung của cột báo này.

Khi hệ thống quan lại của đảng hay triều đình mà trưng thu quá nhiều và bỏ túi quá chặt thì bá tánh ở dưới bất mãn, hoàng đế hay trung ương ở trên phải ngó xuống. Giải trừ tham nhũng trở thành cuộc đấu trí và đấu lực giữa trung ương và các lãnh chúa địa phương, với tương quan lực lượng có thay đổi theo thời gian.

Nếu trung ương đủ giàu mạnh mà thắng thì sẽ có cải cách hay biến pháp với một số đại thần bị từ hình hay đảng viên cao cấp bị kỷ luật. Nhưng nếu hệ thống tham ô của các quan lại cấu kết với nhau quá chặt thì hoàng đế bó tay ở trung ương. Khủng hoảng có thể bùng nổ, với sự xuất hiện của các thế lực mới, để lập ra triều đại mới. Người ta gọi đó là “cách mạng,” hay cái lẽ hợp tan của một quốc gia quá rộng lớn có quá nhiều dị biệt…

Lịch sử Trung Quốc từ thồi Tần Hán đến nay đã có cả ngàn trường hợp như vậy.

Với kiến thức hiện đại hơn của thế kỷ 21, ta thấy tham nhũng là một vấn đề kinh tế vì liên quan đến tiền tài, lại có khía cạnh luật pháp vì liên hệ đến chính pháp, mà có nguyên nhân và bản chất chính trị. Nó là một biểu hiện kinh tế của bất công chính trị khi thiểu số có đặc quyền lại lợi dụng quyền đó để tìm đặc lợi. Tham nhũng có thể xảy ra trong mọi xã hội, nhưng rất khó giới hạn và diệt trừ trong các xã hội mà người dân không có quyền.

Sau khi Tập Cận Bình lên lãnh đạo, đã có gần hai vạn đảng viên mọi cấp bị điều tra, nhiều con cọp lớn như các tướng Từ Tài Hậu hay Quách Bá Hùng của Bộ Chính Trị cũ, thuộc khóa 16 và 17, đã vào cũi. Trong chiều hướng ấy, việc một lãnh tụ như Chu Vĩnh Khang bị điều tra là điều đáng chú ý vì chưa từng xảy ra trong đảng.

Họ Chu thuộc Thường Vụ Bộ Chính Trị khóa 18, sau khi cầm đầu hệ thống an ninh (Bộ Công An), tình báo (Bộ Quốc An), luật pháp và tòa án (Ban Chính Pháp Trung Ương), làm Bí thư tỉnh Tứ Xuyên và lãnh đạo khu vực dầu khí, v.v… Nhưng có hai chi tiết còn đáng chú ý hơn:

Chu Vĩnh Khang từng đỡ đầu cho Bí Thư Bạc Hy Lai để thách thức quyền lực của Tập Cận Bình, người có cái gáy dầy tới gần 400 triệu Mỹ kim.

Tiếng là một mục tiêu giai đoạn để cải cách và chuyển hướng kinh tế, chiến dịch diệt trừ tham nhũng chỉ thể hiện một vụ tranh đoạt quyền bính để bảo vệ quyền lợi của vây cánh trước sức nặng và sức cản của các thế lực đã cấu kết từ thời Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân. Nói rõ hơn, khi Hoàng đế gọi là Nhân Dân không được có tiếng nói trên cái ngai mơ hồ của cách mạng, triều đình từ trung ương tới địa phương đang mở ra cuộc chiến vì quyền lợi.

Ngẫm chuyện xưa:

Ðược Hoàng Ðế Càn Long sủng ái, Hòa Thân có thể mở chiến dịch diệt trừ quan lại tham ô để triệt hạ các vây cánh khác chung quanh ngai vàng. Sau đại hội đảng năm 1796, khi Càn Long lui về làm thái thượng hoàng, Hoàng Ðế Gia Khánh vẫn chưa dám điều tra Hòa Thân. Chỉ sau sau khi Càn Long tạ thế năm 1799, chiến dịch đánh cọp Hòa Thân mới mở màn, và kết thúc bằng một bảng tổng kết tài sản: bằng 15 năm tích lũy của công khố nhà Ðại Thanh! Cho nên, tham nhũng tại Trung Quốc cũng xưa như chuyện đồ cổ của Trung Hoa.

Chúng ta chỉ nhớ đến hai chi tiết liên quan đến Việt Nam.

Ngoài sự chống đối của phe thủ cựu, việc cải cách gọi là biến pháp của Vương An Thạch đời Tống đã thất bại bên trong cũng vì nạn tham ô của phe tân pháp, và tan vỡ bên ngoài vì chiến công của Lý Thường Kiệt vào năm 1075. Gần với chúng ta hơn, chính thủ lãnh tham nhũng là Hòa Thân, và Tổng Ðốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An, đã ăn hối lộ của Quang Trung Hoàng Ðế mà tác động vào chánh sách đối ngoại của Càn Long theo cái hướng có lợi cho Việt Nam.

Ngày nay, lãnh đạo Việt Nam đang nằm trong cái túi của các Hòa Thân đỏ lè. Khi Trung Quốc khủng hoảng – lại chuyện hợp tan cố hữu – may ra Việt Nam sẽ khá!

Nguyễn An Dân – Bước chuyển mới của quân đội Việt Nam?

Tướng Dempsey cùng Tướng Đỗ Bá Tỵ duyệt đội quân danh dự sáng 14/8
Tướng Dempsey cùng Tướng Đỗ Bá Tỵ duyệt đội quân danh dự sáng 14/8

Nguyễn An Dân

Tiếp theo sau chuyến thăm của Thượng Nghị Sĩ John McCain, người dân Việt Nam một lần nữa lại vui mừng khi lần đầu tiên kể từ sau năm 1975 đến nay, Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ, Đại Tướng Martin Dempsey sang thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội VN, Thượng Tướng Đỗ Bá Tỵ, theo công bố chính thức của Bộ Ngoại Giao VN.

Nếu hai chuyến thăm viếng Việt Nam của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ trước đây mang tính biểu trưng cho sự xích lại gần nhau về tổng thể giữa hai bên Việt-Mỹ thì chuyến thăm này của ông Dempsey sẽ cụ thể hóa sự xích gần nhau lại của quân đội hai nước. Về Mỹ thì không bàn, đối với quân đội Việt Nam, việc này có thể được coi như khởi đầu cho giai đoạn phá sản của lý luận “xem Mỹ là thù địch”. Và do đó, từ nay hệ thống tuyên huấn của Tổng Cục Chính Trị-Bộ Quốc Phòng VN nên bỏ bài giảng “chống diễn biến hòa bình của đế quốc Mỹ” trong công tác tuyên huấn cho quân nhân binh sĩ.

Sự chuyển dịch này của quân đội hai nước xích lại gần nhau dĩ nhiên cũng không thể “khởi nguồn từ chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị” mà là kết quả lâu dài và là chỉ dấu cho thấy xu hướng cải cách trong Đảng CSVN đã chiếm ưu thế. Xin trình bày qua một số nét chính để độc giả nhận diện cụ thể hơn

Chuyện về các ông tướng

Sau 1975, quan hệ Việt-Trung xấu đi, và căng thẳng biên giới kéo dài. Một trong những người lính lăn lộn hơn 15 năm ở vùng biên giới khi đó là nhân vật chính trong cuộc đón tiếp ông Dempsey ngày hôm nay, Thượng Tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng- Tổng Tham Mưu Trưởng QĐ Việt Nam. Có thể nói rằng sự thăng tiến đến vị trí hôm nay của Tướng Tỵ là nằm trong kế hoạch “tách bớt ảnh hưởng từ Trung Quốc vào quân đội” của người đứng đầu nhóm cải cách, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Dường như sau “vụ nổ sập tường nhà riêng ở Hà Nội” năm 2007 mà dư luận cho rằng “do tình báo Trung Quốc thực hiện”, ông Nguyễn Tấn Dũng lo ngại rằng một vụ đảo chính có thể xảy ra nên đã chủ động bãi chức hết 5 ông tướng ở quân khu Thủ Đô, và thay vào đó bằng các tướng lĩnh thân tín nhằm siết chặt an ninh cho chính phủ VN???

Song song đó, một loạt sự cải cách trong quân đội để giảm vị thế của “nhóm tướng lĩnh thân Trung Quốc” cũng được thực hiện, từ năm 2007 trở đi, các “công thần” trong cuộc chiến năm 1979 bắt đầu được trọng dụng. Như tướng Đỗ Bá Tỵ thăng lên Tư Lệnh Quân Khu 2 rồi Tổng Tham Mưu Trưởng, hay tướng Lê Hữu Đức sang nắm tư lệnh không quân, là những ví dụ dễ thấy.

Sự cải cách này cũng đi thẳng vào một đơn vị mà từ lâu dư luận xì xào “hình như Trung Quốc nắm quyền chi phối”, đó là Tổng Cục 2 – Tổng Cục Tình Báo Quân Đội. Chuyện nội bộ nhà binh thì khó ai rõ trừ người trong cuộc, nhưng bức thư góp ý của Tướng Võ Nguyên Giáp cùng liên danh gần 40 tướng tá cao cấp cho thấy thông tin là tướng Nguyễn Chí Vịnh, nắm chức Tổng Cục Trưởng Tổng Cục 2 năm đó đã có nhiều “sai lầm về an ninh quốc gia, mất cảnh giác để Trung Quốc chi phối” là có cơ sở???

Đến năm 2009, nhóm cải cách gây dựng vây cánh trong quân đội đã tạm ổn, bắt đầu xử lý vấn đề tổng cục 2 bằng cách “thăng chức cho tướng Nguyễn Chí Vịnh lên thứ trưởng phụ trách đối ngoại”. Quyết định này đã gây nhiều chỉ trích, nhưng tinh ý sẽ thấy ra sự thăng chức này thực ra là làm tước bớt quyền lực của tướng Vịnh mà không gây ra “cơn địa chấn trong quân đội”. Từ tư lệnh tình báo đầy quyền sinh sát, tướng Vịnh trở thành thứ trưởng “không quân” và sau đó chỉ còn tham gia vào việc đi lại với quân đội các nước Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan… Thậm chí chương trình “đối thoại cấp thứ trưởng quốc phòng hàng năm” do tướng Vịnh và đồng nhiệm TQ đưa ra từ năm 2009 (sau khi tướng Vịnh hết nắm tổng cục 2) cũng đã bị ông Trương Tấn Sang chấm dứt năm 2013.

Năm 2012 nhóm cải cách đi tiếp một quân cờ nữa, đưa tướng Đỗ Bá Tỵ từ Quân Khu 2 về nắm bộ tổng tham mưu, để bắt đầu chiến dịch “thoát Trung cho quân đội”. Đến lúc này thì chỉ còn các chức danh Bộ Trưởng Quốc Phòng và Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị là không do nhóm cải cách sắp xếp, còn lại thì đa số các chức vụ chỉ huy trung cấp trong quân đội đều do Tướng Tỵ sắp xếp. Một ví dụ dễ thấy là gần đây, Trung Tướng Phan Văn Dỹ, chính ủy quân khu 7, đã đi nhiều nơi phát biểu về “chống Trung Quốc”. Tướng Dỹ còn nói “mua thêm tàu chiến là để bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa”.

“Nín thở qua sông”

Sự “rục rịch” của nhóm cải cách trong quân đội Việt Nam làm Trung Quốc “không hài lòng”. Từ năm 2007 trở đi ta thấy Trung Quốc gây áp lực để Việt Nam quy phục lại bằng cách gia tăng bắt giữ tàu cá, cắt cáp thăm dò dầu khí….cũng là có một phần mục đích nhằm để giảm bớt đà cải cách quân đội Việt Nam của nhóm thủ tướng.

Cao trào nhất là vào năm 2012, Tập Cận Bình trong tư thế “người kế vị” cùng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội TQ- Tướng Triệu Bỉnh Đức, đã “mời” thượng tướng Đỗ Bá Tỵ qua thăm với mục đích “phủ dụ và huấn thị”. Ý thức được cần “lùi một để tiến hai”, tướng Tỵ khi ở Trung Quốc đã không tiếc lời ca ngợi quan hệ giữa hai đảng, hai quân đội và hứa sẽ “ tiếp tục thúc đẩy và nâng tầm quan hệ quân đội hai bên”. Bài “nín thở qua sông” của tướng Tỵ đã thành công, ru ngủ được cả Trung Quốc và phe thân Tàu trong Đảng CSVN, nhưng sau đó tướng Tỵ âm thầm chuẩn bị cho chương trình đi Mỹ hội kiến tướng Martin Dempsey năm 2013. Bên cạnh đó nhóm của tướng Tỵ còn thúc đẩy giao lưu, tập huấn, đào tạo của quân đội Mỹ dành cho quân đội VN, cũng như quan hệ với quân đội các nước Asean khác cũng tiến mạnh.

Các nhà quan sát ít chú ý những chuyện nhỏ nhưng là những chỉ dấu của các “quan hệ ủng hộ nhau của nhóm cải cách”. Một ví dụ tiêu biểu là khi dư luận ồn ào về việc con gái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ( Nguyễn Thanh Phượng) đứng sau vụ Văn Giang – Ecopark để “cướp đất của dân”, thì chính nhóm tướng Tỵ đã trưng ra một số tài liệu cho thấy con gái của Ba Dũng không liên quan đến vụ này.

Năm 2013, có những luồng dư luận ồn ào về việc sửa hiến pháp theo hướng “phi chính trị hóa quân đội” làm nhóm bảo thủ lo ngại. Cao trào nhất là việc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải lên tiếng “phi chính trị hóa quân đội là suy thoái lý tưởng XHCN”. Liệu tướng Tỵ có liên quan gì vào không, khi mà trên website “tự công bố là chính thức”- www.dobaty.net đều không hề có dấu hiệu nào về cờ đỏ búa liềm hay các tuyên huấn của đảng như website của các ủy viên TW đảng khác. Thay vào đó là các tin về hoạt động của chính phủ và các bài viết mang tư tưởng tiến bộ xã hội.

Tướng Tỵ còn một cú “ghi bàn” trong sự kiện giàn khoan HY-981. Khi đó Campuchia, sau chuyến thăm của Tổng Tham Mưu Trưởng QĐ Trung Quốc Phòng Phong Huy tháng 5/2014, đã “im lặng” về vấn đề giàn khoan. Tháng 06/2014, sau chuyến đi Campuchia của tướng Tỵ, Campuchia ngay sau đó cũng lên tiếng ủng hộ VN. Cũng trong thời kỳ giàn khoan, các hoạt động nhộn nhịp về ngoại giao quốc phòng của VN với các nước Asean khác như Philippin, Indonesia cũng do tướng Tỵ xúc tiến và chủ trì.

Tương lai Quân Đội Việt Nam

Như vậy có thể thấy rõ, chiến lược “thoát Trung” trong quân đội và quan hệ quân đội Việt-Mỹ có những bước khởi đầu “sang trang” như hôm nay là thành quả của một kế hoạch lâu dài của hai bên. Việc ngày hôm nay đón Đại Tướng Martin Dempsey sang Việt Nam là thành quả của một xu thế “thoát Trung” ở quân đội của nhiều tướng lĩnh Việt Nam trong nhóm cải cách. Họ đã tận dụng sự “phân công” của Bộ Chính Trị để âm thầm phát triển thế lực nội bộ, định hướng thế cuộc theo hướng có lợi cho nhóm mình, chứ không phải “do ông Nghị sang Mỹ” như nhóm bảo thủ đang cố gắng tuyên truyền để “tranh công” và lấy uy tín với nhân dân.

Hi vọng rằng với đà đi lên của tư duy dân chủ pháp trị theo xu thế chung của quốc tế, hình ảnh tương lai của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam sẽ mang dáng dấp theo kiểu “website tự công bố là chính thức của Tướng Đỗ Bá Tỵ”. Không “mang theo” các tuyên huấn của đảng hay chút dấu ấn nào của cờ đỏ búa liềm. Quân Đội là phải thế, chỉ chiến đấu và hi sinh vì quốc gia, vì bảo vệ dân tộc, không nên và không thể là công cụ của bất kỳ đảng phái chính trị nào.

_______________

Tư liệu dùng trong bài viết:

http://www.navytimes.com/article/20140814/NEWS05/308140057/Dempsey-first-Joint-Chiefs-chairman-visit-Vietnam-since-1971

https://nr-029.appspot.com/www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080730_military_reshuffle.shtml

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ch%C3%AD_V%E1%BB%8Bnh

http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%97_B%C3%A1_T%E1%BB%B5

http://nguyentandung.org/tong-tham-muu-truong-do-ba-ty-hoi-kien-pho-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh.html

http://www.diendan.org/viet-nam/38-tuong-linh-va-lao-thanh-len-an-nguyen-chi-vinh

http://dobatyvn.blogspot.com/

http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/tuong-do-ba-ty-sang-tham-campuchia-3042415/

Nguyễn An Dân
Trí Nhân Media