Day: 15/08/2014
Lượm lặt tin 15-8-14
Đại tướng Mỹ Martin Dempsey thăm VN
Tướng Dempsey cùng Tướng Đỗ Bá Tỵ duyệt đội quân danh dự sáng 14/8
Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, hiện đang ở Hà Nội trong chuyến thăm chính thức kéo dài từ 13/8-16/8.
Ông là tướng lĩnh cao cấp nhất của Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam kể từ sau cuộc chiến Việt Nam.
Lễ đón chính thức Tướng Dempsey được cử hành sáng thứ Năm 14/8 tại Trụ sở Bộ Quốc phòng.
Các nguồn tin nói chuyến thăm này là để đáp lại lời mời của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người đã thăm Mỹ hồi tháng Sáu năm ngoái.
Tướng Dempsey được dẫn lời nói với Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ rằng đây là “một trong những điểm sáng” trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Sau lễ đón, Tướng Dempsey và đoàn đã có hội đàm với phía Việt Nam để thảo luận hợp tác quốc phòng song phương.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay “hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai, đào tạo; tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác thực thi pháp luật trên biển”.
Theo chương trình, ông Dempsey sẽ đến chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; thăm thành phố Đà Nẵng và Dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất dioxin và một số đơn vị khác ở Đà Nẵng.
Sự kiện này diễn ra sau một loạt các chuyến đi của chính giới Mỹ tới Việt Nam, gây phỏng đoán về quyết định bỏ cấm cận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam, mở đường cho quan hệ quốc phòng giữa hai nước cựu thù.
Tướng lĩnh cao cấp nhất
Hai đoàn Việt-Mỹ đã có hội đàm
Hàng trăm nghìn lính Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975.
Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
Tướng Dempsey được dẫn lời nói với các quan chức quốc phòng Việt Nam rằng ông rất nóng lòng thực hiện chuyến thăm của mình.
Theo ông, cả Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đều hối thúc ông làm việc này.
“Họ nói: ‘Điểm đến cho anh ngay lúc này là Việt Nam’.”
Lần cuối một chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Việt Nam là Đô đốc Thomas Moorer, tới miền Nam Việt Nam năm 1971.
Năm ngoái, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ có chuyến thăm Mỹ sáu ngày từ 17/6-22/6, trong đó ông lần đâu tiên tới Lầu Năm Góc.
——————————–
Vĩnh biệt Robin Williams

Tổng thống Barack Obama lên tiếng tưởng nhớ diễn viên Mỹ nổi tiếng qua các vai hài, Robin Williams, người vừa qua đời tại nhà riêng ở tuổi 63 trong vụ nghi là tự tử.
Ông Obama là một trong nhiều người gửi lời chia buồn tới gia đình người quá cố: “Williams đến cuộc đời chúng ta như một người ngoài hành tinh – nhưng ông đã chạm được vào mọi khía cạnh trong tâm hồn con người.”
“Ông khiến chúng ta cười, khóc. Ông đem tài năng vô cùng to lớn của mình hào phóng trao tặng cho những người cần nhất – từ những quân nhân đóng ở nước ngoài cho tới những người bị đặt bên lề phố.”
Cảnh sát hạt Marin, bang California, nói ông qua đời một lúc sau khi có điện thoại từ nhà ông yêu cầu cấp cứu vào khoảng giữa trưa giờ địa phương.
Williams nổi tiếng vì những bộ phim như Good Morning Vietnam và Dead Poets Society, ông từng được giải Oscar cho vai diễn trong phim Good Will Hunting.
————————————–
Nhà đối kháng ‘suy sụp vì trại tù’

Ông Cao Trí Thịnh là luật sư nổi tiếng trong lĩnh vực nhân quyền
Nhà đối kháng hàng đầu Trung Quốc, Cao Trí Thịnh, đã “hoàn toàn suy sụp” sau ba năm trong tù, theo lời luật sư.
Ông Cao, vừa được trả tự do tuần trước, nay là người không cảm xúc, “không thể hiểu được”, và bị mất nhiều răng do suy dinh dưỡng, luật sư Jared Gensher nói.
Là luật sư nhân quyền nổi tiếng, ông Cao từng biện hộ cho người Công giáo và người theo phong trào Pháp Luân Công.
Có cáo buộc ông bị dày vò về thể xác và tâm lý khi ở trong tù.
Sụt cân
Nhóm vận động Freedom Now tại Mỹ cáo buộc khẩu phần ăn ít ỏi hàng ngày khiến ông sụt 20 kg.
Tổ chức này nói ông bị biệt giam trong phòng thiếu ánh sáng, và gần như không được gặp ai.
Theo Freedom Now, vợ của ông đã nói chuyện với chồng và nay “tuyệt vọng” vì những gì ông gánh phải.
Bà Cảnh Hòa được dẫn lời: “Điều duy nhất tôi lo sợ hơn việc chồng bị giết là việc ông bị đau khổ triền miên, tra tấn và vẫn cho sống.”
Người vợ và hai con đã sống ở Mỹ từ 2009, và bà kêu gọi chính phủ Trung Quốc cho chồng sang Mỹ chữa bệnh.
Luật sư Gensher mô tả: “Ông ấy có thể nói vài từ, trả lời câu hỏi qua vài từ, mô tả mình đã trải qua cái gì.”
“Nhưng ông không đối thoại được đầy đủ, và có những lúc ông ấy tự độc thoại.”
Ông Cao, một luật sư nổi tiếng về nhân quyền, bị bắt đầu năm 2009. Ông bị buộc tội kích động lật đổ.
Ông được ra tù một thời gian ngắn vào năm 2010, khi đó ông cho hay đã bị đánh đập trong tù. Ngay sau đó, ông Cao mất tích.
Báo chí nhà nước năm 2011 nói ông bị tù bổ sung ba năm vì vi phạm quy định quản chế.
Luật sư Cao Trí Thịnh là một người từng mạnh mẽ chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc. Ông cũng từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động và người dân tộc thiểu số. Ông được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2008.
Ông cũng đấu tranh vì tự do tôn giáo, đặc biệt cho quyền của phong trào Pháp Luân Công bị cấm ở trong nước.
Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và Liên Hiệp Quốc nhiều lần kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho ông.
Một chủ trương lương bổng đang hạ thấp uy tín Đảng, cần bãi bỏ!
“…Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ròng rã suốt hơn 30 năm của thế kỷ trước, và tiếp theo là những năm tháng khó khăn nghèo thiếu trăm bề của đấy nước do hậu quả của chiến tranh, nhưng chúng ta vẫn giữ được sự công bằng nhất định trong xã hội, ít nhất là ở việc hưởng thụ vật chất của đội ngũ cán bộ Nhà nước và nhân dân. Mỗi cán bộ đều có chế độ, thang lương và được hưởng sự đãi ngộ theo thang lương như nhau… Khó khăn thiếu thốn, nhưng chính sự công bằng đó lại là cơ sở làm nên sự ổn định trong đời sống xã hội.
Nhưng bây giờ thì đã khác quá rồi. Sự khó hiểu bắt đầu từ việc phân chia ra các loại hình cán bộ hành chính Nhà nước và viên chức sự nghiệp. Có thể phân tích cụ thể như sau:
Sự phân biệt giữa các loại hình cán bộ cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ở loại hình này có thể chia ra làm ba loại như sau:
1. Cán bộ công tác ở các cơ quan Đảng, được hưởng phụ cấp công tác Đảng, khoảng trên 50 % lương chính thức cùng với những chế độ khác.
2. Cán bộ cở các cơ quan hành chánh Nhà nước được hưởng khoảng 30% phụ cấp so với mức lương cơ quan, cùng với các chế độ khác;
3. Cán bộ nhà nước ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong đó gồm những người làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước với nhiều tri thức, nhiều nhà khoa học tiêu biểu… lại được xếp vào loại viên chức sự nghiệp, và không có một chút phụ cấp nào ngoài lương.
Cùng một hệ số như nhau. Tại các cơ quan Đảng và cơ quan hành chính nhà nước thì được nhận số tiền từ bảng lương gấp rưỡi, hoặc gấp đôi những nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ tại cơ quan sự nghiệp. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có chuyện như vậy?
Phụ cấp nghề nghiệp là loại phụ cấp dành cho loại hình lao động đặc thù. Công tác Đảng gắn với việc đưa ra chủ trương đường lối, nghị quyết, hay quản lý nhà nước, công tác quản lý lãnh đạo là thứ lao động phổ thông, thời nào chẳng phải thế, tại sao lại có quyền được hưởng phụ cấp cao hơn, trong khi đó các nhà khoa học trí thức, văn nghệ sĩ với lao động nghiên cứu sáng tạo lại không được hưởng chính sách này?”
Từ bài viết của nhà văn Trần Cao Sơn, từ chính sách hưởng lương gấp rưỡi, gấp đôi của cán bộ các cơ quan đảng, trong lúc cuộc sống cán bộ sự nghiệp, hưu trí lương không đủ sống, trong lúc hàng vạn người dân đói kém, năm nào Chính phủ cũng chi ra hàng ngàn tấn gạo để cứu đói… là một bất công lớn, tạo nên mâu thuẫn trong nội bộ cán bộ, đảng viên, tạo nên sự ghét bỏ của nhân dân.
Người ta đã tìm ra nhiều cách giải thích chủ trương lạ lùng này:
– Một là. Phải chăng Đảng công sản là đảng độc quyền, lại độc đảng, nên có quyền làm bất cứ việc gì có lợi cho mình, bất chấp đạo lý, bất chấp dân tộc, nhân dân?
– Hai là. Phải chăng cán bộ cơ quan hành chính sự nghiệp là “phận tôi đòi” nên có lương là may rồi
– Ba là. Công chức Đảng nhà nước đều đã có thang bảng lương theo hệ số được hưởng. Tăng lương là tăng lương chung. Anh có quyền gì hưởng cao hơn người khác gấp rưỡi, gấp đôi các nhà khoa học đầu ngành, trí thức văn nghệ sĩ? Phải chăng đây là hình thức tham nhũng tập thể có bảo kê ?. Ở các nước khác, Đảng muốn hoạt động phải có ngân sách riêng, đảng không được lấy ngân sách quốc gia (tức tiền đóng thuế của dân) để tiêu xài như của riêng mình.
Từ khi Đảng do chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập đến nay đã 84 năm, không có thời kỳ nào cán bộ cơ quan Đảng lại được hưởng lương cao gấp đôi cán bộ sự nghiệp như nhiệm kỳ này. Trong kháng chiến và xây dựng miền Bắc, có khẩu hiệu “Đảng viên đi trước / Làng nước theo sau”. Bây giờ thì “Đảng viên ăn trước!”. Phải chăng đó là sự thoái hóa tập thể, do tư tưởng “ăn trên ngồi trốc”? Người Việt Nam có thành ngữ rất hay để chị bọn tham ăn: ”Miếng thịt là miếng nhục” (nhục cũng có nghĩa là thịt). Chính sách này làm giảm thêm uy tín của Đảng vốn đã không còn cao trong nhân dân.
Thông tin những điều oái oăm này, tôi đề nghị các đảng viên công sản ở các cơ quan sự nghiệp, đảng viên cộng sản hưu trí hãy lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Bạn đọc bốn phương hãy phân tích lẽ phải để loại bỏ chủ trương này ra khởi đời sống Việt Nam.
Trong bài thơ Tự vấn, nhà thơ Phùng Quán đã viết: Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn? Tôi có quyền gì được hơn nhân dân tôi một mét vuống nhà ở? Tôi có quyền gì? Tôi có quyền gì?”. Đảng phải luôn luôn tự vấn như Phùng Quán mới tạo nên uy tín của mình.
Tuấn Khanh – Phụ nữ Việt Nam tệ lắm không?
Chẳng phải lần đầu tiên “tiêu chuẩn” của vùng miền được bày ra, tạo nên những cuộc tranh cãi trên báo chí Việt Nam, bao gồm cả những ngôn ngữ và ý kiến hạ thấp nhau, nhưng với đợt bài viết lần này, nó không những chỉ ra sự dốt nát và tồi tệ của người viết, tổng biên tập tờ báo… mà còn chỉ ra phần nội thương không bao giờ được chữa lành trong lòng dân tộc Việt, dù có cờ trống hô vang bao nhiêu đi nữa về việc thống nhất địa lý, nay đã gần 40 năm.
Gọi là nội thương, vì trong những câu chuyện tưởng chừng như là lời nhận định riêng tư, chia sẻ, thì nó lại ẩn giấu không biết bao nhiêu là điều nhầy nhụa của lòng kỳ thị, chán ghét lẫn nhau. Sự phân biệt Bắc Nam trước đây có thể chỉ là những nhận định mang tính dân gian, nhưng nhờ vào những bài viết như vậy, mới bật ra được một thực tế rằng sự kỳ thị đó vẫn nằm trong đầu của nhiều người, kể cả những người có quyền cho đăng hay không những bài viết như vậy. Một thực tế bật ra về chuyện dân tộc Việt có những lớp người như đang miễn cưỡng phải chung sống với nhau, dựa trên lý do có quá nhiều sự khác biệt, ghét bỏ nhau về văn hoá, chính trị, đời sống… trong suốt mấy mươi năm chia cắt vì chiến tranh, chia cắt về quan điểm, mà mãi chưa quen được vì sự chung đụng trong thời thống nhất và phát triển đầy bất cập.
Nhưng hãy tạm thời gác lại câu chuyện nội thương cho một bài viết khác, ở đây, chúng ta hãy nói về người phụ nữ Việt Nam trong chế độ xã hội chủ nghĩa.
Một anh bạn làm báo lâu năm ở Miền Nam, khi đọc bài viết này, đã tức giận gửi thư cho toà soạn phát hành bài viết này, rằng nếu không rút xuống và xin lỗi, anh sẽ gửi đơn kiện vì phỉ báng phụ nữ miền Nam. Cũng giống như trước đó, một bạn nữ người Hà Nội cũng làm trong nghề báo, khi đọc được những dòng mỉa mai phụ nữ Bắc, đã viết trên facebook “chắc phải bỏ nghề thôi, báo chí bây giờ thật thối nát kinh tởm”. Nhưng cần nhìn kỹ hơn, báo chí thối nát cũng chỉ là một phần. Thối nát đến từ âm mưu thoả hiệp cho xuất hiện những ý tưởng ngu xuẩn đó, cũng như thối nát nằm sẳn trong đầu của giới lãnh đạo truyền thông, mà chắc chắn là những người tự gọi là đàn ông.
Những người phụ nữ miền Bắc lặng lẽ đọc từng câu chỉ trích cay nghiệt về mình, và rồi tới những người phụ nữ miền Nam sửng sờ thấy mình bị xô về phía tệ hại nhất. Họ bị từng nhát dao của nền báo chí vinh quang xã hội chủ nghĩa lách vào từng đường gân, thớ thịt, cắt móc và trưng bày như những món hàng định giá để được chọn. Trong những bài sớ tâu lên vua chúa Trung Quốc ngày xưa, giới quan lại phục vụ cho sự hưởng thụ của triều đình vẫn phân loại phụ nữ ở Giang Nam, Tô Châu… với những đặc tính khác nhau cho dễ chọn lựa. Chỉ vài bài viết của nền báo chí xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại hôm nay, với cách phân loại phụ nữ cho nhu cầu của mình, Việt Nam hôm nay sao nghe không khác gì một triều đại phong kiến đang thối nát mục rữa, và phụ nữ bị xếp vào một đẳng cấp hèn mọn.
Chúng ta đừng bao giờ ngạc nhiên khi lâu nay, các đoạn video bắt được phụ nữ bán dâm, công an chỉ làm nhục và phô bày họ, còn giới mua dâm là đàn ông – thì luôn phải được dè dặt tính toán là có nên công khai tên họ hay không. Trở lại câu chuyện năm 2011, làm chấn động khắp nơi về ông hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm Sầm Đức Xương ở Hà Giang, sau khi bị phát hiện là cưỡng dâm, mở đường dây bán dâm phục vụ cho quan chức từ học sinh nữ của trường mình quản lý, thì chỉ có các nữ sinh là luôn khốn đốn trong vòng vây chính quyền.
Phụ nữ Việt Nam tệ lắm không? Và từ lúc nào, họ trở nên bé mọn và dễ dàng bị chà đạp như vậy trong xã hội hiện tại, lại được ca ngợi là một xã hội đáng sống nhất? Những câu chuyện cũ được nhắc lại, chỉ để giới thiệu những điều sỉ nhục dễ dàng đến với phụ nữ Việt hôm nay, là một tiến trình, chứ không là vô tình. Nó xé rách những vỏ bọc màu mè và sáo rỗng về quyền con người và giá trị phụ nữ Việt trong cuộc sống này, vẫn được tuyên truyền vào từng đợt lễ lạc hay thậm tuyên như những trò hề.
Trong một chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam, tôi vô tình ngồi gần các cô gái miền Tây đi lấy chồng xứ người. Khi hỏi thăm về gia cảnh, tôi được biết một sự thật khác so với những gì báo chí hay nói. Hầu hết những người phụ nữ trẻ này chọn lấy người chồng ở rất xa vì muốn giúp điều gì đó cho gia đình, và tự mình muốn thoát khỏi cuộc sống không lối thoát ở thôn quê. Khi hỏi về vấn nạn bị chồng Đài Loan đánh đập, một cô gái đã cười hồn nhiên nói “Không phải ai cũng bị như vậy, báo chí nói quá. Nhưng nếu như có bị đánh ở Đài Loan, tụi em còn được báo chí xứ đó lên tiếng giùm, chứ ở Việt Nam, lấy một ông chồng say xỉn rồi bị đánh chết cũng không ai lo cho mình”. Dĩ nhiên đây là một trong nhiều cách để giải thích cho chuyện phụ nữ miền Tây Nam Bộ Việt Nam ồ ạt lấy chồng ngoại quốc sau 1975, kể từ thời Nhà nước xã hội chủ nghĩa nắm quyền, nhưng không thể ngu ngốc và hoang tưởng như một vị tiến sĩ xã hội học, đảng viên CSVN, từng nhận định rằng do ít ý thức về đức hạnh mà phụ nữ Nam Bộ thường hay lấy chồng ngoại.
Sau sự kiện các bài viết đầy tính kỳ thị, và xúc phạm người phụ nữ Việt vào giữa tháng 8/2014, nhiều nơi đã rút bài đăng lại xuống, do sự phản ứng của độc giả. Nhưng đó không là một tín hiệu hoàn toàn tốt. Cội rễ của sự thối nát truyền thông vẫn đâu đó, lùi bước chỉ là một cách đối phó. Rồi đây chúng ta sẽ lại bắt gặp những đề tài như vậy nay mai. Xin đừng tức giận mà hãy đếm, vì đó là những tiếng chuông cuối cùng, báo hiệu sự cáo chung của nền báo chí lá cải xã hội chủ nghĩa, vốn được dung dưỡng bấy lâu nay.
Ðảng viên CS Nguyễn Ðăng Trừng bị khai trừ, một bài học cho những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời

Ngày 30-7, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM – đã công bố Quyết định số 3030 – QĐNS/TU về việc thi hành kỷ luật đảng viên Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư Đảng đoàn, luật sư Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM.
Sau khi đọc bản tin trên mạng internet, chúng tôi không ngạc nhiên mà chỉ tiếc là ông Nguyễn Đăng Trừng đã không hành động như người bạn đồng môn chí thân Lê Hiếu Đằng, cũng là đồng chí hoạt động nằm vùng cho Việt cộng và trở thành một trong những thủ lãnh hàng đầu của cái gọi là “Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy”(Sau đây xin gọi tắt “Phong trào”).
Lê Hiếu Đằng đã “phản tỉnh” trước khi qua đời một thời gian ngắn, tuy muộn màng, nhưng dứt khoát bằng hành động tự thú sai lầm và công khai tuyên bố quyết định ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), cùng một số hành động sau đó. Trong khi Nguyễn Đăng Trừng, theo chỗ chúng tôi được biết, cũng đã “phản tỉnh” từ lâu như Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên được kết nạp qua “Phong trào”, nhưng vẫn giấu mặt, để giờ đây bị khai trừ khỏi đảng. Đã thế, điều gây thắc mắc cho mọi người quan tâm, là không biết luật sư Nguyễn Đăng Trừng nghĩ sao, có toan tính gì mà lại gửi văn thư số 135D/ĐLS ngày 1-8-2014 “Về việc yêu cầu thu hồi quyết định kỷ luật”?
I/- ĐÔI NÉT VỀ LUẬT SƯ NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, học luật tại Đại học Luật khoa Sài Gòn cùng với người em trai là Nguyễn Đăng Liêm, cả hai đều được Việt cộng móc nối tham gia “Phong trào” và được bí mật kết nạp vào đảng CSVN. Nguyễn ĐăngTrừng, từng là Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên đoàn Luật khoa và Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Đăng Trừng cùng Lê Hiếu Đằng tham gia “Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình” của Luật sư Trịnh Đình Thảo như một lực lượng chính trị quần chúng hổ trợ cho cái gọi là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” trên khắp các thành thị Miền Nam để cướp chính quyền. Vì tham gia Liên minh này, Nguyễn Đăng Trừng và một số cựu sinh viên luật nằm vùng khác cũng như nhiều sinh viên nằm vùng ở các phân khoa khác đã lộ mặt nên phải trốn vào bưng, sau khi làm cuộc “Tổng tiến công” mà không thấy nhân dân nổi dậy (mà chỉ thấy nhân dân bỏ chạy khi VC đến) nên đã bị thảm bại.
Sau 30-4-1975 cả hai anh em Trừng và Liêm đều trở thành sĩ quan công an tại Thành phố HCM. Theo một công an là cấp dưới của Nguyễn Đăng Trừng phạm tội tham ô bị nhốt chung phòng với người viết ở Sở Công an Thành phố khoảng năm 1979-1980, thì lúc đó Trừng mang cấp bậc Đại úy công an Đội trưởng KT.2 (Phòng bảo vệ kinh tế). Người công an này cho biết ông Trừng rất thanh liêm, điển hình là tem phiếu cấp mua xăng dùng không hết thì trả lại, không đem bán lại kiếm thêm tiền “cải thiện” (đời sống vốn khó khăn lúc bấy giờ) như phần đông cán bộ công nhân viên khác. Ông Trừng chỉ có tật hay nổi nóng với cấp dưới….
Sau này chúng tôi được biết thêm, Nguyễn Đăng Trừng cùng em trai là Trung úy Công an Nguyễn Đăng Liêm (từng giữ chức Trưởng Công an Cảng Sài Gòn) đều bị thuyên chuyển ra khỏi ngành công an. Nguyễn Đăng Trừng thì thuyên chuyển qua giữ chức Phó Đoàn bào chữa viên nhân dân Thành phố HCM (lúc đó chưa có quy chế luật sư đoàn) mà Trưởng đoàn là Triệu Quốc Mạnh, một Thẩm phán công tố Việt Nam Cộng Hòa, cũng là một đồng môn luật khoa hoạt động nằm vùng cho Việt cộng. Năm 1989 Đoàn Luật sư Thành phố HCM được thành lập, một thời gian sau, Triệu Quốc Mạnh được cử làm Khoa Trưởng trường luật đầu tiên tại Sài Gòn để đáp ứng với chính sách “Mở cửa”, Nguyễn Đăng Trừng lên thay làm Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố HCM cho đến ngày bị khai trừ khỏi đảng, trước khi tổ chức Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018).
Lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng CSVN theo Quyết định khai trừ ngày 30-7-2014 là vì “Theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, từ năm 2012, đảng viên Nguyễn Đăng Trừng – Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM – trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn đã có khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư TP HCM, không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn theo Quy chế làm việc đã ban hành. Thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP HCM vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm Quy chế làm việc của Đảng đoàn. Chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch, phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán…”
Như vậy là quá rõ, tóm gọn lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ là vì đã thực hiện nhiệm vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành Phố HCM một cách tùy tiện theo sáng kiến cá nhân, ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng.
II/- MỘT BÀI HỌC CHO CÁC ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN PHẢN TỈNH NỬA VỜI
Ls Nguyễn Đăng Trừng là một đồng môn Luật khoa Sài Gòn, không xa lạ với người viết, song không phải là bạn, càng không phải là “đồng chí” về mặt lý tưởng, vì ngay từ thời tuổi trẻ đến nay người viết vẫn đứng trên lập trường Quốc gia Dân Tộc, kiên trì đấu tranh cho lý tưởng tự do, dân chủ. Trong khi đồng môn Nguyễn Đăng Trừng cho đến lúc này bề ngoài vẫn tỏ ra trung thành với lý tưởng cộng sản, thể hiện qua thực tế vẫn đứng trong hàng ngũ của đảng CSVN, dù bị khai trừ vẫn gửi thư yêu cầu lãnh đạo đảng bộ Thành phố HCM rút lại quyết định khai trừ.
Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, Ls Nguyễn Đăng Trừng cũng như cố Luật gia Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên đảng CSVN nói chung, các đảng viên được kết nạp vào đảng qua “Phong trào” trước năm 1975 nói riêng, nhờ thực tế đều đã lần hồi “phản tỉnh” từ lâu. Nhưng tất cả chỉ là sự “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt” vì không dám công khai nói lên sự phản tỉnh của mình và không dám có những hành động cụ thể, tích cực tiếp theo để cải sửa những sai lầm của đảng CSVN, để chứng tỏ một sự phản tỉnh hoàn toàn.Vì vậy, về mặt khách quan, người ta cho rằng họ là những kẻ vì sợ bị bộ máy chuyên chính trấn áp, sợ tù tội, sợ mất đặc quyền, đặc lợi vốn dành cho giai cấp cán bộ đảng viên, nên đã chọn thái độ “mũ ni che tai” hay “ngậm miệng ăn tiền”. Nhưng về mặt chủ quan, để biện minh cho thái độ này thì cho đây là sự chọn lựa khôn ngoan, phù hợp với thực tế khi mà tương quan lực lượng vẫn chưa cân sức giữa đảng và chế độ độc tài toàn trị CS tại Việt Nam với các lực lượng chống đảng và chế độ. Nghĩa là “tình thế cách mạng chưa chín muồi” nên các đảng viên dù phản tỉnh vẫn giấu mặt chờ thời, để có “vỏ bọc đảng viên” thực hiện “đấu tranh nội bộ” chống lại những sai trái của Đảng, dù không đạt hiệu quả cao, nhưng an toàn và ít nhiều góp phần thúc đẩy Đảng lùi dần về phía dân chủ, tạo ra “tình thế cách mạng chín muồi”. Đây là cách biện minh của những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời. Phải chăng Nguyễn Đăng Trừng cũng đã và đang thực hiện theo cách biện minh này?
Cách biện minh trên có phải chỉ là ngụy biện để che đậy thực chất hèn nhát của các đảng viên CS dù phản tỉnh vẫn không giám công khai nói lên và chứng tỏ sự phản tỉnh của mình bằng hành động? Để có câu trả lời chính xác, đề nghị các đảng viên CS sản phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt hãy đọc lại lời của cựu đảng viên Lê Hiếu Đằng sau khi phản tỉnh đã Viết trong những ngày nằm bịnh như lời trăn trối với các đồng chí cùng cảnh ngộ trước khi nhắm mắt, rằng “… Tôi muốn nhắn anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi? Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày…. Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.” Nguồn Bô Xít VN
Vậy thì, từ sự kiện đảng viên CS Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng, những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt cần rút ra bài học kinh nghiệm gì?
Theo thiển ý, để tránh tình trạng bị “bắn sẻ” như đảng viên Nguyễn Đăng Trừng (khai trừ từng đảng viên phản tỉnh, phản đảng) hay “phản tỉnh lẻ tẻ” chẳng có hiệu quả gì, cần thiết phải có sự liên kết “phản tỉnh tập thể” cùng lúc của tất cả các đảng viên đã và đang “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt”. Vì chỉ có như thế mới tạo được sức mạnh và sức nặng tổng hợp đủ vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ nền chuyên chính vô sản (bảo vệ Đảng), tạo ra được “Tình thế cách mạng chín muồi”, buộc được “bộ não xơ cứng của đảng” phải chuyển đổi theo ý nguyện của nhân nhân và chiều hướng có lợi cho dân cho nước.