Cười chút chơi – Luận văn của học sinh lớp 10

view-large-animal-frogs-yellow-eyes_650025

Đề bài 10 :”Sau khi đọc tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, em có suy nghĩ gì về nhân vật chị Dậu?”

*Bài làm của bạn NHT lớp 10B, viết:

“Sau khi chiêu xong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, em có suy nghĩ như sau: Chị Dậu là một nàng con gái có bộ lòng yêu chồng, thương con cực đại. Nàng ta rất chi dũng cảm, không sợ roi vọt. Chẳng hạn, khi thấy chồng bị đánh đập, nàng hùng dũng chưởng lại bằng mấy cú ka-ra-tê hết sức đẹp mắt… ”

* Bài làm của bạn NAT, lớp 10B PTTH, đã viết:

” Trong kho tàng văn học VN, ca dao dân ca rất giàu tình nghĩa… Trong các tác phẩm đó em thích nhất là tác phẩm “Tắt đèn” của chị Dậu. Vì nó đã thể hiện tinh thần chống lại sự bóc lột phụ nữ của chế độ phong kiến. Chứng tỏ chị đã bán con và chó để thể hiện tinh thần kiên quyết đó…”

Nông dân Dương Nội biểu tình trước Bộ công an sáng 12/8/2014

Nguyên Thọ, cộng tác viên Dân Luận
unnamed_10.jpg
Bức xúc trước việc nhà cầm quyền Việt Nam không giải quyết thỏa đáng chuyện thu hồi đất đai của nông dân Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), sáng 12/8/2014 hơn 60 người tiếp tục xuống đường biểu tình đòi quyền con người mà cụ thể là quyền tư hữu đất đai, yêu cầu nhà cầm quyền thả những người bị bắt trước đó. Lần biểu tình này là lần thứ 3 của nông dân Dương Nội trong tháng 8/2014.Xuất phát lúc 9 giờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, đoàn biểu tình của nông dân Dương Nội tuần hành đến trụ sở Bộ công an số 1, Nguyễn Thượng Hiền. Trên đường đi hai người con của nhà hoạt động Cấn Thị Thêu là Trịnh Bá Phương và Trịnh bá Tư căng khẩu hiệu “Quyền con người cho bố mẹ tôi”. Những người khác có các khẩu hiệu như là:

– “Phản đối công an bắt người vô tội!”

– “Bảo vệ quyền con người”

– “Trả tự do cho người vô tội!”

– “Bắt người vô tội để cướp đất là một tội ác!”

Theo sát đoàn là một xe ô tô của công an quận Hà Đông và an ninh phường Dương Nội. Một số người dân trên đường đi đã đem nước và bánh cho những người biểu tình. Khi đến trước trụ sở Bộ CA, bà con đấu tranh để được vào nộp đơn trình báo về vụ việc Trịnh Bá Phương bị tấn công ngày 7-8 vừa qua khi đi biểu tình.

Lúc 14 giờ, anh Trịnh Bá Phương cùng 4 người khác được vào trụ sở Bộ CA nộp đơn. Tiếp anh Phương là người công an tự xưng Trưởng ban tiếp dân của Bộ CA. Ông ấy đồng ý nhận đơn và hứa sẽ gửi thông báo đến bà con sau.

Anh Phương cho biết: “Thái độ ông ấy rất bình thường thậm chí còn tỏ ra ủng hộ bà con. Ông ấy có nói là khi đi đường mà gặp côn đồ thì chúng em có quyền tự vệ chính đáng, và công nhận việc thu hồi đất là việc đầu cơ đất đai, có khuất tuất. Gia đình ông ấy cũng bị thu hồi đất nên khá đồng cảm. Ông còn cho biết thêm là bà con làng xóm ở quê ông ấy là Mỹ Đức, Hà Nội cũng bị bắt giam 10 người…”

Sau khi nộp đơn bà con Dương Nội tự giải tán và ra về an toàn. Một người trong đoàn cho biết người dân Dương Nội sẽ biểu tình tiếp tục cho đến khi nào quyền con người được tôn trọng, và thả những người dân bị bắt oan trước đó.

don_trinh_bao_1.jpgdon_trinh_bao_2.jpgdon_trinh_bao_3.jpg

Ls Lê Công Định – 7 máy điện thoại và password riêng của các emails

Ls Lê Công Định

1.Vừa rồi một người bạn của tôi, đảng viên ĐCSVN, hỏi vì sao ngày xưa tôi dùng chi cả 7 điện thoại, đến nỗi khi bị bắt phía công an bày lên bàn chụp hình tất cả. Câu hỏi này tôi cũng thường nghe nhiều từ lúc ra tù. Nhân đây xin kể sự thật. Cho đến tháng 6/2009 tôi có hai số điện thoại, một cho giao dịch công việc và một cho quan hệ bạn bè, nên chỉ dùng 2 máy điện thoại mà thôi. Khi công an ập vào bắt tôi và khám xét văn phòng làm việc, họ lục tung các tủ đựng đồ đạc cá nhân của tôi và lôi ra mọi thứ, trong đó có 5 điện thoại đã hư mà tôi không còn sử dụng nữa..

Tôi giải thích đó là các điện thoại hư và không có sim bên trong, họ mở ra kiểm tra và cũng biết tình trạng như thế. Tuy nhiên, sau đó một người trong số họ bỗng dưng bày hết cả 7 điện thoại lên bàn và yêu cầu tôi ngồi yên phía sau. Tôi chưa kịp suy nghĩ mục đích của hành động đó, thì một người cầm máy ảnh từ ngoài cửa phòng bước vào chụp nhanh một tấm hình. Đến lúc ra tù tôi mới thấy bức ảnh này xuất hiện khắp nơi trên mạng như một bằng chứng rằng tôi đã có nhiều hoạt động bí mật, không đường đường chính chính, nên mới sử dụng cùng lúc nhiều điện thoại như vậy. Quả là khôi hài! Nghe tôi kể, người bạn đảng viên ĐCSVN lắc đầu, kết luận: “Nhà sản lắm chiêu trò quá! Tôi cũng thuộc nhà sản nhưng không nghĩ ra nổi mấy trò đó!”

Một chuyện khác, sau khi kết thúc điều tra vụ án của tôi, Cơ quan an ninh công bố bản kết luận điều tra, mà về sau Viện Kiểm sát dựa vào đó “xào nấu” thành bản cáo trạng, rồi Tòa án “nêm nếm” thành bản án, trong đó có một chi tiết rất lý thú. Đại ý, các bản văn này đều ra nêu sự kiện, rằng nhóm chúng tôi đã cố tình lập các hộp thư điện tử (emails) và đặt ra mật khẩu riêng (password) cho những emails đó “nhằm đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng”! Lúc một điều tra viên vào gặp và yêu cầu tôi đọc, nêu ý kiến, rồi ký nhận bản kết luận điều tra. Khi xem đến chi tiết nêu trên tôi đã bật cười ha hả.

Anh điều tra viên nhìn tôi, hỏi có chuyện gì thú vị à, tôi trả lời rằng dù tôi hoàn toàn không đồng ý với nội dung và nhận định của bản văn này, chắc chắn các anh sẽ vẫn giữ nguyên, không thay đổi, nên miễn cho tôi có ý kiến theo yêu cầu; tuy nhiên, đối với chi tiết về password riêng của các emails, các anh nên sửa lại, vì ai lập email mà chẳng phải đặt mật khẩu một cách tự động, bởi đây là vấn đề kỹ thuật bắt buộc, nếu đánh giá một sự việc đương nhiên theo hướng có âm mưu lén lút như vậy, thiên hạ ắt sẽ cười nhạo cả ngành an ninh. Anh điều tra viên gượng cười một cách khó chịu, nhưng vẫn không sửa, vì sau đó tôi có dịp đọc lại các bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, thì thấy họ vẫn giữ nguyên chi tiết hài hước ấy.

Thêm một chuyện khác, có lần trong lúc thẩm vấn tôi, một điều tra viên đã lên giọng chê trách tôi phụ lòng của nhà nước cho tôi đi du học nước ngoài, khi thành tài trở về, đã không phục vụ nhà nước để đền ơn, mà còn quay lại “chống phá” (!?). Tôi trả lời, xin lỗi anh, tôi không nhận một xu của nhà nước Việt Nam để đi du học, nhưng lại được chính phủ Pháp và chính phủ Mỹ cấp học bổng sang học ở nước họ, nên nếu không mang ơn 2 chính phủ đó, sao tôi lại phải đền ơn nhà nước Việt Nam cho chuyện du học này (?). Anh ấy đáp tỉnh bơ, nếu nhà nước cấm không cho anh xuất cảnh thì làm sao anh đi du học được, riêng điều đó thôi cũng là cái ơn phải trả (!?). Tôi nhìn anh điều tra viên sững sờ và thầm nghĩ đó cũng là lý lẽ sao (?). Hóa ra công dân cần được ban phát quyền tự do đi lại, chứ không hẳn đã được Hiến pháp Việt Nam mặc nhiên thừa nhận quyền ấy. Thật là cao kiến!

FB Lê Công Định

Mỹ đi lại được mời về?

Nguyễn Giang
Câu chuyện về hai điểm nóng đang bùng phát dữ dội, một ở Iraq, một ở Nigeria khiến người ta lại có dịp phàn nàn về Hoa Kỳ.


Người dân Iraq vùng bị quân IS xua đuổi đang chờ cứu trợ quốc tếNhưng các đài báo ở Anh và cả Trung Đông và châu Phi lần này không muốn người Mỹ đi, mà lại than phiền sao họ không quay lại hoặc vào cuộc mạnh hơn để ngăn Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm Boko Haram.

Đài ITV ở Anh còn có vẻ trách cứ Tổng thống Barack Obama sao không ‘hung hăng hơn’ (more aggressive) mà bỏ đi nghỉ hè với gia đình sau khi tuyên bố Mỹ chỉ giúp Iraq không kích quân IS chứ nhất định không đổ bộ trở lại.

Đuổi đi rồi cố gọi về?

Trên truyền hình BBC tối hôm qua, Chủ Nhật, người ta cũng trích lời lực lượng Kurdistan yêu cầu Hoa Kỳ phải giúp bắn phá quân IS hơn nữa.

Chính quyền Mỹ còn bị phê đã không vũ trang cho lực lượng du kích peshmergas của người Kurd để họ đủ sức chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Khổ nỗi, sau cuộc chiến Iraq, chính Hoa Kỳ vì tôn trọng tính thống nhất lãnh thổ của Iraq – gồm ba phần khác nhau rõ rệt, Hồi giáo Sunni, Shia và Kurdistan – nên đã không trao vũ khí hạng nặng cho quân Kurd.

Hoa Kỳ can thiệp quá thì đương nhiên bị chỉ trích, nhưng muốn tách ra, không dính líu nữa thì lại bị phê là thiếu trách nhiệm

Hoa Kỳ can thiệp quá thì đương nhiên bị phê, nhưng muốn tách ra, không dính líu nữa (disengagement) thì lại bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm.

Thực ra tôi không lạ với giọng văn phê phán Mỹ đã thành truyền thống ở những nước châu Âu như Pháp.

Nhưng có vẻ như ở cả các nước từng muốn Hoa Kỳ đi cho nhanh như Iraq nay lại có ‘trào lưu’ mong họ trở lại.

Philippines cũng từng mời Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ ở Subic Bay hồi năm 1991, nhưng gần đây nay lại ký thỏa thuận để thủy quân lục chiến Hoa Kỳ luân chuyển qua, giúp họ luyện quân, bảo vệ biển đảo.

Việt Nam, dù còn khác biệt nhiều về quan niệm nhân quyền và thể chế chính trị, cũng muốn Hoa Kỳ trở lại và có sự hiện diện rõ rệt hơn ở Biển Đông để cân bằng lại với Trung Quốc.


Ông Obama bị phê phán đã không ra tay đánh phe IS mạnh hơn nữa Quả thật là Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã và đang bị phê phán từ nội bộ nước Mỹ vì thiếu quyết đoán, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Một số cây bút như Steve Hunley cho rằng ngoại giao Mỹ đang ‘thoái lui’, thậm chí ‘gần sụp đổ’ (near collapse), hay gần đây nhất là bà Hillary Clinton lên tiếng nói ông Obama quá lưỡng lự ở Syria, gửi ra tín hiệu ‘Mỹ yếu’ cho cả thế giới.

Bà nói lời của ông Obama chỉ ‘khuyên bảo đừng làm việc dại dột’ với các nước không thể là chính sách ngoại giao có nguyên tắc cho Mỹ được.

Nhưng đó là chuyện của Hoa Kỳ.

Còn nhìn ra bên ngoài, phê phán Mỹ không đơn thuần là một phản ứng tình thế mà còn có gốc rễ trong lịch sử, khiến cách nhìn mọi hành vi tốt hay xấu của Washington cũng rất đa dạng.

Nhiều kiểu bài Mỹ

Các nước lớn như Nga và Trung Quốc nếu có bài Mỹ cũng là chuyện dễ hiểu vì tầm vóc và vị thế khiến họ là đối thủ cạnh tranh ‘tự nhiên’ của Hoa Kỳ.

Pháp thì từ thời Charles de Gaulle đã luôn phản ứng lại Mỹ vì mặc cảm tự cao văn hóa và vì mất vị thế đế quốc.

Một số giới tại Anh đến nay vẫn không ưa Hoa Kỳ vì cho rằng Anh có truyền thống sâu sắc, tinh tế hơn.

Nhưng đây là một phần chưa hết của nỗi ngậm ngùi mà Anh rơi xuống hàng đồng minh nhỏ hơn Mỹ từ Thế Chiến 2 vì mất hết các thuộc địa.

Nhưng trên bình diện rộng hơn, ý thức hệ và tư duy chính trị của một nước cũng giúp thói bài Mỹ nảy nở.


Không quân của Hải quân Mỹ đã oanh kích trở lại vùng Bắc Iraq, ngăn quân ISCác đảng cộng sản và thiên tả thường rơi vào bệnh ‘left-wing paranoia’, một chứng hoang tưởng có màu sắc giai cấp và đổ cho giới tư bản Mỹ mọi tội lỗi trên đời này.

Họ tin rằng tư bản Mỹ – từ các tay buôn chứng khoán đến giới sản xuất vũ khí, dầu lửa – luôn có mục tiêu tối thượng là chiếm đoạt thị trường toàn cầu.

Từ đó, người ta tin vào các thuyế́t âm mưu rằng tư bản Mỹ dùng các dạng luật lệ bất chính để kiểm soát vốn liếng, tỷ giá tiền tệ, và chính quyền Hoa Kỳ ra chính sách gì thì cũng để phục vụ cho tư bản Mỹ.

Cũng vì thế, họ thường không trả lời được câu hỏi Hoa Kỳ đầu tư là để giúp một chính quyền ‘xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội’, ‘bảo vệ Hồi giáo’, hay để thúc đẩy nước này giống Mỹ hơn.

Các nước có chế độ độc đoán thiên hữu thì lại dễ dị ứng với ‘văn hóa Mỹ’ vì đầu óc dân tộc chủ nghĩa và vì lý do tôn giáo.

Đôi khi họ ngăn chặn hiện đại hóa vì coi đó là biểu hiện của thói bá quyền văn hóa (cultural hegemony) từ Mỹ.

Họ sẵn sàng nhận viện trợ từ nhưng không phải để mở rộng dân chủ, tự do theo mô hình Mỹ mà để củng cố vị trí ‘khách hàng duy nhất’ của mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Điểm chung của lãnh đạo cả phe tả và hữu ở mọi nước là đều muốn giáo dục Mỹ cho thế hệ trẻ của họ và không ai từ chối các thành quả văn minh ‘Made in USA’.

Nếu gộp cả bệnh bài Mỹ của phe tả và phe hữu lại thì ta có thể thấy hiện ra một nghịch lý: cả hai đều cần nước Mỹ nhưng chỉ cần những phần phù hợp với nhu cầu của họ.


Bài Mỹ trở thành một điểm chung cho nhiều quốc gia và thế hệNhư thế, vấn đề không phải ở chỗ nước Mỹ hay dở ra sao mà là nhu cầu của bạn thế nào.

Người ta cũng nói về ‘khả năng’ chơi với Mỹ, hàm ý Hoa Kỳ vốn thực dụng và điều quan trọng là tầm của bạn đến đâu thì nước Mỹ chơi với bạn đến đó.

Chuyện Hoa Kỳ bỏ Nam Việt Nam vẫn đang được nhắc đến trong bối cảnh hậu Afghanistan, Iraq và bài của tác giả Nguyễn Tiến Hưng ‘Từ Watergate tới sụp đổ Sài Gòn’ vẫn thu hút nhiều bạn đọc Việt Nam trên trang nhà của chúng tôi.

Nhưng tôi chưa thấy ai đặt câu hỏi nếu vào lúc này mà không còn nước Mỹ nữa thì tình hình thế giới sẽ diễn biến ra sao?

Những bài học dân chủ hóa từ Indonesia

Athena, cộng tác viên Dân Luận

Tự do báo chí phải có trước khi chế độ thay đổi: Vào năm 1997, có một cuộc tranh cãi về tự do báo chí và dân chủ hóa ở Indonesia. Lúc đó tổng thống Suharto vẫn còn nắm quyền. Những nhà đấu tranh cho dân chủ đã không đặt vấn đề lật đổ ông Suharto ngay lập tức mà điều đầu tiên họ yêu cầu là đảm bảo tự do báo chí.

Ngày 9 tháng Bảy vừa qua, nhân dân Indonesia đã đi bỏ phiếu để bầu ra vị tổng thống của riêng họ trong 5 năm sắp tới. Mặc dù trong thời gian diễn ra cuộc tranh cử, sự ủng hộ có lúc giảm xuống nhưng chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về ông Widodo, đô trưởng của thành phố Jakarta. Điều đặc biệt trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống này chính là ở sự trái ngược của 2 ứng cử viên.

10538458_633112940143161_1368800509415188099_n.jpg
Người thứ nhất, ông Joko Widodo thường được gọi với cái tên thân mật là Jokowi. Ông Widodo xuất thân trong một gia đình trung lưu, bản thân ông trước đây cũng từng làm nghề bán đồ đạc trong nhà. Ông không được đi du học nước ngoài, chỉ học đại học trong nước.Người còn lại, chính là tướng Prabowo, thuộc gia đình giàu có vào bậc nhất ở Indonesia, có quan hệ mật thiết với chế độ cũ. Chưa hết, ông Prabowo còn được 2 đại gia truyền hình ủng hộ. Trước đây ông từng ra tranh cử 2 lần nhưng đều không thành công. Có thể nói ông Prabowo có nhiều kinh nghiệm trong việc tranh cử hơn hẳn so với ông Jokowi.

Trong một đất nước còn nhiều hỗn loạn sau cuộc chính biến (Indonesia lật đổ chế độ độc tài Suharto năm 1998), tâm lý thường thấy là người dân sẽ bỏ phiếu cho người đã có sẵn nền tảng về cả kinh tế lẫn kinh nghiệm chính trị như ông Prabowo. Vậy thì lý do gì đã giúp ông Widodo, một người thiếu cả hai điều kiện trên, đánh bại được đối thủ của mình, nhất là khi hai người có chương trình tranh cử giống y hệt nhau?

Thứ nhất, trước khi ra tranh cử tổng thống, ông Widodo đã từng kinh qua chức thị trưởng thành phố Solo và thống đốc Jakarta. Trong thời kỳ này ông được người dân yêu mến vì đã có những cải thiện đáng kể cho nền hành chính công ở thủ đô. Ngoài ra, ông cũng tạo thêm nhiều các công viên, đặt ghế đá cho người dân ngồi nghỉ ngơi.

Với một đất nước có dân số đông thứ tư thế giới, bên cạnh luật pháp và giáo dục thì các vấn đề về khu dân cư, nước sạch và môi trường luôn là điều tối quan trọng. Không giống như các quan chức tiền nhiệm hứa mà không làm, bản thân ông Widodo cũng xuất thân từ tầng lớp trung lưu nên ông rất hiểu những vấn đề mà người dân đang gặp phải. Chính vì vậy ông đã đưa ra chương trình bảo trợ y tế cho người nghèo, di tản người dân khỏi các khu ổ chuột tồi tàn, không đảm bảo vệ sinh.

Thứ hai, cương lĩnh tranh cử của ông Widodo rất rõ ràng và có nhiều điểm đáng chú ý. Ai cũng biết Indonesia là một quốc gia có diện tích trải dài trên hàng chục nghìn hòn đảo lớn nhỏ nên trong cương lĩnh của mình ông Widodo đã nhấn mạnh việc tái phân chia các nguồn lực kinh tế, bao gồm cả đất đai và cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm loại bỏ khoảng cách giàu nghèo có nguy cơ làm phân rã mối quan hệ trong xã hội vốn đã được xem là “đa sắc tộc” cũng như thực hiện luôn các chương trình xóa đói giảm nghèo.

Sau hàng chục năm có lẽ người dân Indonesia đã chán ngán nạn tham nhũng, quan liêu tràn làn trên đất nước nên lời hứa về việc xóa bỏ tình trạng này cũng giúp cho hình ảnh của ông Widodo trước công chúng được cải thiện rất nhiều. Trong lúc làm thống đốc ở Jakarta, ông Widodo đã làm rất tốt điều này nên người dân càng có cơ sở để tin vào lời hứa của ông.

Thứ ba, những người ủng hộ ông Widodo nói rằng họ yêu mến ông bởi ông “rất giống với chúng tôi”. Giờ đây, người dân Indonesia sau nhiều năm sống dưới chế độ độc tài, họ mong muốn có một người lãnh đạo giống họ, đồng cảm với họ, thấu hiểu họ hơn là những kẻ chỉ biết ra những mệnh lệnh khô cứng, đối xử với họ không như một công dân bình thường. Giống như người dân Mỹ đã từng rất kỳ vọng ở ông Obama – tổng thống da màu đầu tiên, người dân Indonesia cũng đặt nhiều hy vọng vào ông Joko Widodo, tổng thống đầu tiên xuất thân từ tầng lớp bình dân và không có bất cứ quan hệ nào với chế độ độc tài Suharto.

Dù trong quá trình tranh cử, ông Widodo đã mắc sai lầm khi quá sa đà vào việc giải quyết các tin đồn không đáng có dẫn đến việc số phiếu ủng hộ bị sụt giảm ít nhiều nhưng cuối cùng ông vẫn trở thành tổng thống. Giờ đây với cương vị mới, ông Widodo cần có nhiều kỹ năng để làm nhiều việc như ông đã hứa hơn là những ý chí và quyết tâm nhưng không thể trở thành hiện thực. Điều quan trọng đầu tiên ông phải làm bây giờ là xóa bỏ triệt để tình trạng tham nhũng đã bào mòn đất nước này. Hơn ai hết, người dân Indonesia cũng như ông Widodo hiểu rằng họ đã phải vất vả như thế nào khi lật đổ chế độ độc tài, vượt qua khó khăn của quá trình chuyển giao quyền lực để có được cuộc bầu cử của ngày hôm nay. Ai đó đã viết “dân chủ không phải là một vở kịch viết sẵn cứ theo đó mà diễn. Nhiều nước lật đổ chế độ độc tài rồi lại bị đổi ngược thế cờ; rơi vào một chế độ độc tài khác. Không phải cứ chấm dứt một chế độ độc tài là có một bữa tiệc dân chủ bày ra.”

Dưới đây là một số bài học mà đất nước Indonesia đã rút tỉa trong suốt 15 năm:

Chế độ dân chủ phụ thuộc vào tất cả mọi người: Một nền dân chủ hoàn thiện không chỉ dựa vào một vài cá nhân đơn lẻ hay người lãnh đạo được dân chúng bầu ra. TẤT CẢ mọi người dân cần phải tham gia vào quá trình này. Không gian để mọi công dân tham gia vào chính trị và sự xuất hiện của xã hội dân sự đã giúp tiến trình chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ ở Indonesia được dễ dàng hơn.

Càng nhiều người tham gia thì nền dân chủ càng vững mạnh: Việc cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử hồi tháng Sáu là một tín hiệu cực tốt vì nó phản ánh rằng những người dân ở đây muốn đóng vai trò thực sự trong một đất nước dân chủ, điều này cho thấy nền dân chủ ở đây sẽ tồn tại lâu dài.

Sử dụng các công cụ mới để tăng tính minh bạch: Phần lớn các công cụ dùng để thiết lập một thể chế chính trị dân chủ hơn ở Indonesia được phát triển bởi những người dân thông qua nguồn lực cộng đồng (crowdsourcing). Tuy nhiên những công cụ này vẫn chưa trở thành một phần của hệ thống chính quyền: Chính quyền vẫn tiến hành các cuộc họp kín và không có nghĩa vụ phải công khai các dự luật mới được thông qua trong thời gian nhất định trước công chúng.

Vượt qua rào cản kỹ thuật số: Các nhà hoạt động xã hội Indonesia vẫn chưa vượt ra khỏi tầng lớp trung lưu. Họ thường chỉ tác động tới những người đủ tiền để sở hữu máy tính và nối mạng internet, con số này chỉ chiếm 10% dân số.

Các đảng phái chính trị cần nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp thường dân: Những đảng phái này đã dựa dẫm quá nhiều vào những cá nhân lỗi lạc nhưng họ cũng cần phải phát triển “bộ máy chính trị” trên toàn quốc để giúp những công dân bình thường cũng có cơ hội vươn lên thông qua quy trình chính trị hợp lý.

Sẽ mất rất nhiều năm để xây dựng nền dân chủ: Hiện tại chất lượng của nền dân chủ ở Indonesia vẫn còn thấp. Luật pháp lỏng lẻo, tham nhũng tràn lan, việc kiểm soát lực lượng vũ trang chưa hoàn thiện, và sự thiếu hụt trong việc bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu sổ. Chúng tôi muốn một đất nước với nền dân chủ vững chắc chứ không đơn thuần là có các thủ tục giống nền dân chủ. Việc này sẽ cần rất nhiều thời gian.

Cân bằng quyền lực giữa tổng thống và các đảng phái: Chúng tôi đã sửa đổi hiến pháp sau sự sụp đổ của nhà độc tài Soeharto, mục đích chính là để giảm thiểu quyền lực của tổng thống. Chúng tôi vẫn cần giảm số lượng của các đảng trong nghị viện, hiện tại thì có tất cả 10 đảng, như vậy thì người điều hành có thể tránh được các cuộc giao dịch chính trị.

Khuyến khích sự đa nguyên trong mọi ý kiến: Khi Indonesia có hệ thống dân chủ được vận hành tốt, nền dân chủ sẽ được phản ánh trong cuộc đấu về ý tưởng giữa các ứng viên, chứ không phải là cuộc thi đấu về sức mạnh tài chính hay khả năng bôi nhọ, nói xấu nhau.

Chế độ thay đổi nhưng người cũ vẫn có thể nắm quyền: Một trong những đóng góp của tổng thống Habibie với tư cách là người chuyển giao quyền lực là vẫn giữ được tầng lớp tinh hoa về chính trị và kinh tế của đất nước không bị ảnh hưởng bởi các biến động xã hội. Việc tầng lớp tinh hoa – đặc biệt là những người bị thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1998 – giữ vững được sức mạnh và trở về với quyền lực ban đầu của họ đã được phản ánh trong chiến dịch tranh cử của ông Prabowo. Cuộc bầu cử, nếu chỉ có mình nó, không có nghĩa là dân chủ.

Tầng lớp trung lưu trong xã hội giúp chính phủ đi đúng hướng: Tầng lớp trung lưu mới nổi có xu hướng hỗ trợ nhiều định hướng phát triển trong nước. Hơn nữa, tầng lớp này còn thường xuyên quan tâm tới chất lượng các ban ngành trong chính phủ. Từ đó, họ có tiếng nói trong việc thúc đẩy cải cách, tăng hiệu suất làm việc của chính phủ và tính minh bạch, nâng cao việc quản lý.

Báo chí, luật pháp và quân đội đều đóng vai trò nhất định: Luật báo chí, luật tự do thông tin, quân đội trung lập trong các vấn đề chính trị là biểu tượng của một nền dân chủ hoạt động hiệu quả. Cuộc bầu cử cho thấy rõ tầm quan trọng của tự do thông tin, ví dụ Ủy ban Bầu cử có thể tiết lộ các thông tin chưa qua xử lý được thu thập từ các địa điểm bỏ phiếu cho thấy đây chính là một phần của tính minh bạch.

Một bản sắc dân tộc vững chắc sẽ hỗ trợ cho nền dân chủ: Tất cả các nền dân chủ mới nổi đều phải đối mặt với cùng một thách thức – đó chính là viêc tạo ra sự tăng trưởng toàn diện và trao quyền cho người dân được điều khiển chính tương lai của họ. Indonesia có một lợi thế: không giống như các quốc gia khác có cùng mức độ đa dạng và thiếu hụt, toàn bộ người dân nước này đều chia sẻ rộng rãi một ý niệm về đất nước Indonesia. Sức mạnh này không nên bị đánh giá thấp một chút nào.

Tiến hóa chứ không phải là cách mạng lật đổ: Đã 15 năm kể từ khi tiến hành dân chủ hóa, Indonesia vẫn phải giải quyết các khó khăn tồn đọng. Những người làm việc dưới chế độ Suharto cần phải được lãng quên đi và mặc dù điều này không đơn giản, nhưng các sửa chữa cơ bản sẽ đến cùng với tiến trình dân chủ.

Tự do báo chí phải có trước khi chế độ thay đổi: Vào năm 1997, có một cuộc tranh cãi về tự do báo chí và dân chủ hóa ở Indonesia. Lúc đó tổng thống Suharto vẫn còn nắm quyền. Những nhà đấu tranh cho dân chủ đã không đặt vấn đề lật đổ ông Suharto ngay lập tức mà điều đầu tiên họ yêu cầu là đảm bảo tự do báo chí.

Dân chủ có nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau: Rất nhiều người dân Indonesia tỏ ra lung túng trước khái niệm “dân chủ” và nó có ý nghĩa gì với họ, nhưng dù thế nào thì cách nhìn nhận từ cả hai phía đều đáng được tôn trọng.

Tự do ngôn luận là biểu hiện của nền dân chủ: Tôi đã nói chuyện với rất nhiều thanh niên về vấn đề bầu cử và họ đã đưa ra các ý kiến rất nghiêm túc. Họ nói rất thoải mái và không hề dè chừng, và đó chính là nên dân chủ thực thụ, vậy nên tôi nghĩ rằng việc thể hiện tiếng nói của bản thân đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển hóa ở Indonesia.

Khi người dân không còn sợ hãi sự trở lại của người trong chế độ độc tài, lúc đó nền dân chủ đã đạt được thành tựu nhất định: Ông Prabowo, ứng cử viên tổng thống có mối quan hệ mật thiết trong chế độ độc tài Suharto, đã dành được rất nhiều phiếu ở cấp cơ sở hồi tháng Sáu, điều đó rõ ràng cho thấy một lượng lớn người dân không hề lo lắng về việc hiến pháp có thể bị đe dọa, hay những thông điệp hỗn độn ông Prabowo đưa ra để thể hiện cam kết của mình.

Nguồn tham khảo:

1/ http://www.theguardian.com/global-development-professionals-network/2014/jul/11/indonesia

2/ Ngô Nhân Dụng – Bài Học Dân Chủ Tù Indonesia

3/ Chân dung Tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo, VOV.