Lương Xuân Việt, từ cậu bé tị nạn thành tướng quân đội Mỹ

Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt
Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt

Sau nghi thức chào quốc kỳ và bài quốc ca trầm hùng do ban quân nhạc của Sư Ðoàn 1 Thiết Kỵ trình tấu, Trung Tướng Mark Milley, người cử hành nghi lễ, nhắc đến kỷ niệm 40 năm sắp đến của Tháng Tư Ðen, để giới thiệu nguyên nhân tại sao Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt và hơn một triệu đồng hương của ông hôm nay có mặt tại Mỹ.
Trung Tướng Mark Milley hoàn toàn chiếm lấy sự chú ý của cử tọa, nhất là giới truyền thông Hoa Kỳ, khi ông kể lại cuộc đời cậu bé tị nạn Việt Nam 9 tuổi thành vị tướng trong quân đội Mỹ.
Tất cả bắt đầu vào Tháng Hai, 1975, Trung Tướng Milley kể, sau khi thân phụ của Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt là ông Lương Xuân Ðương, lúc đó là thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến trở về nhà sau khi đi một vòng thanh tra khắp các chiến trường.
Thiếu Tá Lương Xuân Ðương buồn bã báo cho gia đình biết ông nghĩ có lẽ Sài Gòn sẽ thất thủ vào Tháng Tư, và bắt đầu tính đến chuyện tìm cách đưa gia đình rời khỏi Việt Nam.
Nhưng đi bằng cách nào?
Trung Tướng Milley đặt câu hỏi, rồi tự trả lời: “Thoạt đầu ông (Lương Xuân Ðương) nghĩ sẽ đưa cả gia đình cùng đi, rồi lại nghĩ làm sao có thể đưa được gia đình 10 người đi cùng một lúc cho an toàn, chắc ông chỉ có thể mang được hai người con gái và cậu con trai duy nhất. Một lúc nào đó, ông lại nghĩ chắc rút vào rừng một mình để tìm cách thu góp binh sĩ, tạo lực lượng đánh lại cộng sản.”
Rất may, trong những giờ cuối của chiến tranh Việt Nam vào cuối Tháng Tư, cả gia đình Thiếu Tá Lương Xuân Ðương được quân đội Hoa Kỳ giúp đỡ an toàn thoát khỏi Việt Nam.
Những năm sau này, nhớ lại những ngày hoảng loạn cuối Tháng Tư, 1975, Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt thường nhắc đến việc được bố trao cho chiếc samsonite màu nâu và bắt “phải bảo vệ nó bằng tính mạng.” Chiếc samsonite này, “mà giờ này tôi vẫn còn nhớ như in trong óc,” chứa tất cả giấy tờ của gia đình, tài sản duy nhất mà gia đình họ Lương mang đi theo được.
Thắm thoát đã hơn 39 năm.
“Việt và bảy chị em của ông giờ đây tự nguyện là công dân Mỹ.” Trung Tướng Mark Milley nói, và khẳng định: “Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt đã phục vụ đất nước vĩ đại này trong danh dự từ nhiều thập niên qua. Ngày hôm nay, không có ai trong bộ quân phục… Không có ai trong bộ quân phục ngày hôm nay có thể là biểu hiện cho những tính cách cần có của một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ thích hợp hơn Việt.”
Trong phần phát biểu đầy cảm xúc, Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt ngỏ lời cảm ơn gia đình, mẹ, các con, người vợ thân yêu, bảy người chị em “huyền thoại” của mình, và tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ trong quân lực VNCH, trong đó nhiều người là đồng đội với thân phụ ông, rằng: “Nếu không có sự hy sinh bảo vệ cho chính nghĩa tự do của quý vị, chúng ta không có ngày hôm nay.”
Về thân phụ, ông nói: “Trong ngày vui này, tôi chỉ biết thầm cám ơn bố tôi. Ông là người đã cho tôi hiểu thế nào là ba chữ Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm.”
Về câu hỏi của phóng viên nhật báo Người Việt sau buổi lễ, là nếu giờ đây được ngồi trước mặt thân phụ, ông sẽ nói gì với cha, vị tân chuẩn tướng đáp trong nụ cười, dù mắt long lanh xúc động: “Thật sự thì tôi rất gần với Bố tôi. Tất cả những ảnh hưởng về quân sự, về lãnh đạo thì đều của thân phụ tôi, và tôi rất gần với ông. Và tôi nghĩ là nếu bây giờ tôi được gặp bố, thì tôi chỉ muốn được ôm lấy bố một lần.”

@Người Việt

Lễ thăng cấp Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt Vị Tướng Mỹ gốc Việt đầu tiên

Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt tại buổi họp báo thăng cấp

 

 

Blogger Ðiếu Cày có thể được trả tự do

Thân nhân blogger Ðiếu Cày, người đang bị án tù 12 năm vừa nhận được “giấy mời” đi đóng án phí để nhờ đó sẽ được cứu xét giảm án hay “đặc xá.”

Nhiều tổ chức, cá nhân, cả trong nước lẫn quốc tế nhiều lần lên tiếng đòi tự do cho Blogger Ðiếu Cày. (Hình: Getty Images)

Anh Nguyễn Trí Dũng, con trai ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày, người nổi tiếng qua các bài viết và hành động tích cực biểu tình chống Trung Quốc bá quyền, mới nhận được tờ “giấy mời” đi đóng “án phí” để ông “có điều kiện thuận lợi trong việc chấp hành hình phạt tù, có điều kiện được giảm án – đặc xá.”

Tờ “giấy mời” bâng quơ “Kính gửi thân nhân của Nguyễn Văn Hải” không nói rõ gửi cho ai tên gì và người ký tên gửi giấy mời là ông chấp hành viên Lê Văn Kiệt, đề ngày 6 tháng 8, 2014.

Ðiều đáng nói là ông Nguyễn Văn Hải là một tù nhân bị bản án hình sự nhưng cơ quan đứng ra đòi “án phí” lại là viên chức của “Cục Thi Hành Án Dân Sự TP. HCM.”

Số tiền đòi phải trả cho ông Hải là “về việc Nguyễn Văn Hải phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 200,000 đồng án hình sự phúc thẩm.”

Cái giấy mời nói rõ là về bản án phúc thẩm số 276/2012/HSPT ngày 28 tháng 12, 2012 tức là ngày ông ra tòa kháng án bản án sơ thẩm buộc tội ông “tuyên truyền chống nhà nước” CSVN.

Theo anh Nguyễn Trí Dũng viết trên Facebook, “Ông (Nguyễn Văn Hải) Ðiếu Cày cho đến bây giờ còn chưa nhận được quyết định thi hành án và bản án phúc thẩm.”

Trong khi đó thì cơ quan “Thi Hành Án Dân Sự” lại có số thứ tự bản án của ông để đòi án phí “dân sự” chứ không phải hình sự, một điều bất bình thường.

“Việc gửi 1 ‘giấy mời… đóng án phí’ với gợi ý về việc trả tự do cho ông Hải rất có thể đến từ một nhu cầu cải thiện hình ảnh khẩn cấp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam,” anh Nguyễn Trí Dũng bình luận về nội dung của tờ “giấy mời.”

Tuy nhiên, blogger Ðiếu Cày đã nhiều lần cả quyết và ngay tại các phiên tòa, ông đều tuyên bố mình vô tội, không phạm luật lệ nhà nước CSVN. Thậm chí ông đã tuyệt thực nhiều lần kéo dài cả tháng trời trong tù để phản đối nhà tù không chuyển các đơn thư khiếu nại của ông.

“Về phía gia đình, chúng tôi luôn khẳng định là ông Nguyễn Văn Hải vô tội vì những việc làm của ông là đúng với hiến pháp và pháp luật không cấm. Ngoài ra đã rất nhiều lần cán bộ an ninh điều tra chia sẻ rằng phải bắt ông Hải để ngoại giao với Trung Quốc. Sau rất nhiều đơn thư khiếu nại đến tất cả các cấp không được trả lời. Chúng tôi chỉ còn mong ước rằng công lý được thực thi, những gì các cơ quan hành pháp đã vi phạm phải được nhìn nhận và khắc phục, hoặc đơn giản hơn là dám trả lời những đơn thư khiếu nại của chúng tôi. Ngoài việc đó ra cơ quan chức năng còn có thể tùy tiện thả tự do cho ông Nguyễn Văn Hải không cần lý do (hoặc dàn dựng lên vài lý do), cũng giống như lúc đã bắt ông Hải, để thể hiện rõ bản chất của chế độ,” anh Nguyễn Trí Dũng viết trên Facebook.

Anh cũng nhắc lại câu nói của cha mình trong những lần gặp ông trước đây khi đi thăm là “bố có thể ở tù đến chết để cho tất cả mọi người được biết đến thực trạng của người tù chính trị ở Việt Nam.”

Sau những lần căng biểu ngữ chống Trung Quốc ở Sài Gòn, blogger Ðiếu Cày (năm nay 62 tuổi) đã bị nhà cầm quyền vu cho tội danh “trốn thuế,” kết án ông hai năm rưỡi tù hồi năm 2008.

Mãn hạn tù, chế độ Hà Nội không trả tự do cho ông mà giữ luôn rồi phạt ông thêm bản án khác với 12 năm tù vì cáo buộc ông góp phần thành lập “Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do” và trang báo điện tử “phát tán” hàng trăm bài của ông và người khác viết chống phá chế độ.

Tờ “giấy mời” đóng án phí từ cơ quan “thi hành án dân sự“gửi thân nhân ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày (án hình sự). (Hình: Facebook Nguyễn Trí Dũng)

Cùng một vụ án với ông còn có cả blogger Tạ Phong Tần, bị kết án 10 năm tù, và blogger Phan Thanh Hải bị án tù 5 năm.

Ông Nguyễn Văn Hải đã được trao một số giải thưởng nhân quyền quốc tế vì đã can đảm đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do phát biểu bất chấp tù tội hay nguy hiểm đến sinh mạng.

Tổng Thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu nhân ngày tự do báo chí quốc tế từng nêu tên ông là những người công dân can đảm của thế giới.

Hoa Kỳ đã áp lực rất nhiều, đòi chế độ Hà nội trả tự do cho ông cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác.

Phái đoàn của hai nghị sĩ John Mccain và Sheldon Whitehouse đang có mặt ở Hà Nội, trước phái đoàn này vài ngày là phát đoàn của Nghị Sĩ Robert Corker, đều đề cập đến nhân quyền với chế độ Hà Nội như những điều kiện để giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí sát thương.

@NguoiViet

Phạm Chí Dũng: Người Mỹ bắt tay giới bảo thủ Hà Nội?

Thụy Mi, RFI

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse đến American Center ở Hà Nội dự cuộc họp báo ngày 08/08/2014.
REUTERS/Kham

Sự kiện hai Thượng nghị sĩ Mỹ là John McCain (đảng Cộng hòa, bang Arizona) và Sheldon Whitehouse (đảng Dân chủ, bang Rhode Island) đến thăm Việt Nam một cách khá bất ngờ, trong ba ngày kể từ 08/08/2014 đã gây chú ý trong dư luận.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà bình luận chính trị ở Saigon về vấn đề này.

RFI: Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Là người theo dõi sát thời sự trong nước, anh có chú ý đến những chi tiết nào trong chuyến đi thăm Việt Nam của hai Thượng nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là một chính khách tên tuổi như ông John McCain ?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng: Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain là người phụ trách Ủy ban quân vụ – một cơ quan được xem là quan trọng trong Quốc hội Hoa Kỳ, đương nhiên có vai trò xung yếu đối với việc “quyết định” cơ chế bỏ cấm vận vũ khí đối với một quốc gia quá nhạy cảm chính trị như Việt Nam.

Bất ngờ là chỉ một tuần sau chuyến đi không tuyên bố trước tới Hoa Kỳ của Phạm Quang Nghị – người cho tới thời điểm này đang được xem là có thể kế vị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đại hội Đảng lần thứ 12 vào năm 2016, vào ngày 07/08/2014 ông John McCain và đồng viện Dân chủ Sheldon Whitehouse đã đột ngột đến Hà Nội. Thông tin ban đầu của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, ba hồ sơ quan trọng là an ninh khu vực, nhân quyền và thương mại sẽ được phái đoàn nghị sĩ Mỹ thảo luận với cấp lãnh đạo Việt Nam.

Một chi tiết đáng chú ý không kém là ngay trước chuyến đến Việt Nam đột ngột trên, Thượng nghị sĩ Bob Coker của Hoa Kỳ cũng vừa kết thúc một chuyến thăm viếng tại Hà Nội, với cuộc gặp hầu hết những người được xem là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam.

Chưa đầy một tuần sau khi Thượng nghị viện Mỹ “nhất trí” về Thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam, đến lượt Hạ nghị viện Hoa Kỳ ghé mắt một nghị quyết cho phép Mỹ bán vũ khí sát thương cho quốc gia cựu thù nhưng vẫn chưa thể “hòa giải”. Dự thảo nghị quyết này nêu về an ninh hàng hải tại Châu Á – Thái Bình Dương, đã được hai dân biểu Forbes và Hanabusa đệ trình để Hạ viện thông qua. Điểm ấn tượng nhất liên quan đến “khách thể” Việt Nam trong dự thảo là trong các khuyến cáo về mặt chính sách đối với chính quyền Mỹ, khuyến nghị thứ 13 liên quan đến quan hệ Mỹ – Việt đã bật đèn xanh cho việc bán vũ khí cho Hà Nội.

RFI: Như vậy gần đây có vẻ Quốc hội Mỹ lại quan tâm hơn đến Việt Nam, trong khi trước đây các hoạt động trao đổi chủ yếu từ phía chính quyền ?

Khác hẳn với thời gian nửa cuối năm 2013 và đầu năm 2014 với vai trò chủ đạo thuộc về Chính phủ Mỹ, những tuần lễ gần đây lại chứng kiến hình ảnh “lên ngôi” của giới nghị sĩ Hoa Kỳ.

Những dữ liệu gần đây cũng cho thấy thật khó hoài nghi rằng đã không diễn ra một chuỗi logic đàm luận và móc ráp giữa các động thái mới đây của Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị, sự chuẩn thuận nhanh chóng của lưỡng viện Hoa Kỳ cùng những chuyến công du Việt Nam của các nghị sĩ Mỹ. Móc xích có vẻ lộ diện nhất là chuyến thăm “đáp lễ” của John McCain đã diễn ra ngay sau cuộc “diện kiến” chính khách Mỹ của ông Phạm Quang Nghị.

Một thông tin bên lề nhưng cũng rất đáng lưu tâm khác là gia đình blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) vừa nhận giấy mời của Chi cục thi hành án dân sự quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu thay mặt cho ông Hải đóng tiền án phí sơ thẩm và phúc thẩm hình sự để “đủ điều kiện xem xét giảm án đặc xá”.

RFI: Thông tin bên lề này có liên quan gì, theo anh ?

Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) chính là một trong những tù nhân lương tâm kỳ cựu và có tiếng nhất ở Việt Nam, bị bắt và bị xử án đến hàng chục năm tù giam chỉ vì đấu tranh phản kháng Trung Quốc. Ông cũng nằm trong danh sách ưu tiên mà Chính phủ Mỹ thường trao cho phía Việt Nam để đòi hỏi trả tự do.

Động thái giấy mời này đã khiến rộ lên dự đoán về khả năng Điếu Cày có thể được trả tự do trong không bao lâu nữa. Ngày gửi giấy mời lại trùng với ngày mà Thượng nghị sĩ John McCain đến Việt Nam. Nếu có thể so sánh, cần nhắc lại là ngay trước và sau chuyến công du Hà Nội của nữ Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính trị Wendy Sherman của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào đầu tháng 3/2014, Nhà nước Việt Nam đã phóng thích một loạt 5 tù nhân lương tâm, kể cả một người bị coi là “rất cứng đầu” như ông Cù Huy Hà Vũ.

Sự việc trên cũng dẫn tới một giả thiết là trong hoặc sau chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, phía Việt Nam đã chấp nhận thông báo cho phía Mỹ những nhượng bộ về nhân quyền, cụ thể là thả nhiều hơn và “chất lượng hơn” tù nhân lương tâm.

RFI: Có vẻ như quan hệ Việt – Mỹ đang có những bước chuyển khá ngoạn mục, đặc biệt là từ sau vụ giàn khoan Trung Quốc ?

Bây giờ, phương trình chính trị Việt – Mỹ đã trở nên phức hợp nhưng cũng thú vị hơn. Những chủ đề an ninh, thương mại và nhân quyền mà ông John McCain, chứ không phải một quan chức cấp cao nào của Chính phủ Mỹ, mang trách nhiệm bàn thảo với giới lãnh đạo Việt Nam, dường như phát lộ dấu hiệu Quốc hội Mỹ đang đóng vai trò khá then chốt đối với tương lai quan hệ Mỹ – Việt. Rất có thể, chuyến làm việc này của John McCain sẽ mang tính “tiền trạm” để Quốc hội Mỹ quyết định về một vấn đề còn hệ trọng hơn hẳn giữa hai quốc gia: đối tác chiến lược.

Dự đoán này là có thể có cơ sở khi tại cuộc chào từ biệt với ông Trương Tấn Sang, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear đã nói bóng gió về triển vọng “đối tác chiến lược Việt – Mỹ” trong tương lai. Khác với khái niệm “đối tác toàn diện” được thỏa thuận giữa ông Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tháng 7/2013, từ sau vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc mà đã khiến đảo lộn không khí chính trị ngoài Biển Đông, nhu cầu về đối tác chiến lược được chính tư lệnh quân đội Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương gợi mở, còn giới lãnh đạo Việt Nam thì tất nhiên không bỏ ngoài tai lời gợi ý hấp dẫn này.

Nếu chuyến đi của John McCain tùy thuộc vào lời mời của Phạm Quang Nghị, điều có vẻ đáng ngạc nhiên là người Mỹ đang như chú tâm đến mối quan hệ với giới lãnh đạo bảo thủ bên Đảng ở Hà Nội, thay cho những đồn đoán trước đây về vai trò nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước phương Tây. Và nếu khả năng này xảy ra, Quốc hội Mỹ và sau lưng là Chính phủ Mỹ đang muốn chứng nhận việc Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ dành cho họ vai trò gì trong bầu không khí chính trị ở Việt Nam, và lẽ dĩ nhiên bao hàm cả vị trí của Hoa Kỳ ở khu vực Biển Đông.

RFI: Nếu thực sự là phía Mỹ đang quan tâm hơn đến phe bảo thủ ở Việt Nam, thì sẽ có những thay đổi gì, theo anh ?

Logic tiếp theo là nếu chuyến công du của John McCain “thành công tốt đẹp” với những người bên đảng Cộng sản Việt Nam, thời gian tới sẽ chứng kiến những thay đổi không nhỏ về chính trị đối ngoại của Việt Nam, mối tương quan chính trị đối nội và cả về một không khí cởi mở hơn mà Nhà nước Việt Nam “đặc cách” dành cho giới hoạt động dân chủ và nhân quyền tại quốc gia này.

Nếu kịch bản phóng thích tù nhân lương tâm được lặp lại như đầu năm 2014, sắp tới sẽ có một số những cái tên đáng chú ý có thể được trả tự do như Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Lý…

Và nếu một số tù nhân lương tâm được trả tự do trong tháng 8/2014, đây chính là một tín hiệu khá rõ ràng về khả năng sắp tới Nhà nước Việt Nam nhận được một số “đặc cách” về mua vũ khí sát thương, tham gia vào TPP và có thể cả hứa hẹn cho “đối tác chiến lược” với người Mỹ trong những năm tới.

Nhưng làm gì thì làm, giới lãnh đạo Việt Nam phải nhanh nhanh lên mới được. Vì thời gian cho họ chỉ còn đúng một quý nữa, tức nếu đến tháng 11/2014 khi Quốc hội Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà phía Việt Nam vẫn chưa hoàn tất thủ tục vào TPP, thì coi như sau đó sẽ chẳng còn mấy nghị sĩ Mỹ quan tâm đến những vấn đề riêng tư của lãnh đạo Việt Nam nữa.

RFI: RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng.