Việt Nam phải ưu tiên cho một vụ kiện theo UNCLOS để hạn chế các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên biển

Giang Le
Mấy hôm trước nhà văn Phạm Thị Hoài đặt câu hỏi: “Bao nhiêu bản đồ thì đủ?”. Câu hỏi này không chỉ liên quan đến một quyển sách về bản đồ cổ được xuất bản gần đây với đầy lỗi mà còn đụng chạm đến một vấn đề khác quan trọng hơn nhiều: liệu Việt Nam có đang đi đúng hướng chuẩn bị tài liệu và lập luận cho một vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông – Hoàng Sa – Trường Sa?Nhiều người Việt (trước đây tôi cũng vậy) rất hồ hởi khi ai đó tìm ra được một bản đồ cổ thể hiện HS-TS là của VN. Tôi có cảm giác giới chuyên gia Việt hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực này, sưu tầm bản đồ, tài liệu cổ để chứng minh chủ quyền của mình trên HS-TS trong giai đoạn trước thế kỷ 20. Giới luật gia quốc tế gọi cách tiếp cận này là sử dụng “historical title”.

Như tôi đã giải thích trước đây, UNCLOS không chấp nhận khái niệm “historical title” (trừ một số trường hợp rất hãn hữu) bởi vậy hướng đi này chủ yếu nhắm đến việc kiện đòi lại chủ quyền HS-TS chứ không phải tranh chấp ranh giới biển với TQ. Tuy nhiên áp dụng historical title trong tranh chấp chủ quyền HS-TS cũng có những hạn chế mà bài báo dưới đây chỉ ra.

Thứ nhất, nói gì thì nói luật pháp quốc tế về cơ bản dựa trên nền tảng luật phương Tây nên những bằng chứng, lập luận về “historical title” theo truyền thống phương Đông (của cả VN lẫn TQ) đều có thể không phù hợp. Có học giả quốc tế cho rằng thậm chí khái niệm quốc gia và chủ quyền (nhất là chủ quyền trên các hòn đảo xa bờ) ở châu Á trước khi người da trắng đến rất mơ hồ và không phù hợp với những khái niệm hiện đại. Bởi vậy những bản đồ, chiếu chỉ, gia phả cổ có thể không có nhiều giá trị như chúng ta vẫn tưởng.

Thứ hai, ngay cả nếu “historical title” của VN được chứng minh và thừa nhận, để đảm bảo chủ quyền không bị mất, VN phải chứng minh được đã thực thi chủ quyền trên HS-TS một cách liên tục và hiệu quả. Việc cử hải đội ra khai thác trên các hòn đảo này không chắc đã đủ để chứng minh việc thực thi chủ quyền dưới mắt một trọng tài/quan tòa phương Tây. Trên thực tế, một số học giả quốc tế cho rằng cả VN và TQ đã không thực thi chủ quyền đầy đủ cho đến đầu thế kỷ 20.

Hai tác giả của bài báo dưới đây* (và không chỉ có họ) khẳng định cột mốc để đánh giá việc VN hay TQ có chủ quyền trên HS-TS là năm 1951 khi tại hội nghị San Francisco Nhật từ bỏ quyền chiếm đóng tất cả các đảo trên Biển Đông. Nếu đây trở thành quan điểm chính thống của tòa thì như nhà văn Phạm Thị Hoài nói, tất cả các bản đồ cổ chỉ còn giá trị nghiên cứu. Như vậy nỗ lực của các chuyên gia VN phải là đi thu thập các tài liệu chứng minh chủ quyền từ sau năm 1951 (hoặc cùng lắm từ đầu thế kỷ 20) chứ không phải chỉ nhăm nhăm đi tìm bản đồ, chứng chỉ trong thế kỷ 18-19.

Cuối cùng, VN phải chấp nhận một sự thật là TQ đang chiếm đóng Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa. Việc kiện tụng đòi lại chủ quyền trên 2 quần đảo này sẽ rất khó khăn và lâu dài trong khi TQ đang càng ngày càng có các hoạt động bành trướng (ví dụ: giàn khoan, tàu cá). Bởi vậy VN phải ưu tiên cho một vụ kiện theo UNCLOS để hạn chế các hoạt động bành trướng của TQ trên biển chứ không nên quá tốn thời gian và công sức cho vấn đề chủ quyền HS-TS. Nếu vậy những bằng chứng cho thấy đảo Triton không support được sự sống nên không có EEZ quan trọng hơn nhiều một bản đồ cổ chứng minh hòn đảo đó là của VN.

* http://journals.cambridge.org/action/displayAbstract?fromPage=online&aid=9307232&fileId=S0922156514000284

Chính quyền Việt Nam mắc nợ ‘khủng khiếp’

Ông Trịnh Tiến Dũng, một chuyên gia kinh tế khẳng định, các doanh nghiệp nhà nước nợ “khủng khiếp” và chính quyền Việt Nam không thể phủ nhận đây là nợ của mình.

192789-vn-140803-no-400.jpg
Tuy phủ nhận trách nhiệm đối với chuyện nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước nhưng những khoản nợ này vẫn tồn tại như các trái bom có thể nổ bất kỳ lúc nào. (Hình minh họa: Báo Dân Trí)Ông Dũng là cựu trợ lý của trưởng ban cải cách khu vực công của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Hồi Tháng Sáu vừa qua, Bộ Tài Chính Việt Nam công bố báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công của chính quyền Việt Nam.

Theo báo cáo vừa kể, tính đến hết năm ngoái, Việt Nam nợ 1,913,000 tỷ đồng, tương đương 53.4% GDP, trong đó nợ của chính phủ Việt Nam là 1,488,000 tỷ đồng, tương đương 41.5% GDP.

Tính đến hết năm 2013, tổng số dự án được chính phủ Việt Nam bảo lãnh để vay là 104 dự án, trong đó có 23 dự án đã trả xong nợ.

Riêng năm ngoái, chính phủ Việt Nam bảo lãnh cho tám dự án vay $3.161 tỷ từ các tổ chức tín dụng ngoại quốc hoặc phát hành trái phiếu quốc tế.

Cả Bộ Tài Chính lẫn chính quyền Việt Nam liên tục khẳng định, những khoản nợ khác của các doanh nghiệp nhà nước không thể xem là nợ của chính quyền. Các doanh nghiệp nhà nước tự vay và tự trả.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định đó là một kiểu ngụy biện. Chính quyền Việt Nam ngụy biện như thế để trấn an mọi người rằng, nợ nần của chính quyền Việt Nam chưa vượt quá mức 65% GDP.

Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế, nếu nợ nần vượt quá mức 65% GDP thì an ninh tài chính quốc gia không còn an toàn.

Theo ông Dũng, dù những khoản vay của các doanh nghiệp nhà nước được chính quyền Việt Nam bảo lãnh rồi được gộp vào khối nợ chung của chính quyển, chỉ chừng 4.2% đến 6.9% tổng nợ quốc gia nhưng tỷ lệ đó không phản ánh đúng thực chất nợ nần và thực tế vay trả.

Tại một cuộc hội thảo về nợ công, diễn ra hồi trung tuần tháng trước, ông Dũng đưa ra nhiều dẫn chứng để bác bỏ lập luận, các doanh nghiệp nhà nước tự vay và tự trả nợ. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước không liên quan đến nợ nần của chình quyền.

Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp Vinashin. Năm 2009, tập đoàn nhà nước này phá sản và để lại khoản nợ 89,000 tỉ đồng, tương đương 52% GDP của năm 2009. Sau đó, chính quyền Việt Nam đã tổ chức chuyển nợ của Vinashin cho Vinalines và Petro Vietnam, bổ sung vốn, khoanh nợ. Tuy Vinashin “tự vay” nhưng rõ ràng trả là do chính quyền Việt Nam, kể cả phát hành trái phiếu để bù đắp và vì thế khiến ngân sách thâm thủng.

Không riêng ông Dũng, hai ông Phạm Thế Anh và Ðinh Tuấn Minh cũng đã sử dụng nhiều số liệu để chứng minh rằng, tổng các khoản nợ của hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã vay mà không được chính quyền Việt Nam bảo lãnh, nên không được kể là nợ công, tương đương 40.9% GDP.

Nếu tính đúng, tính đủ, cộng cả nợ nần chính thức lẫn nợ nần của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, những khoản chưa thanh toán khi thực hiện các công trình hạ tầng, nợ nần của chính quyền Việt Nam hiện nay xấp xỉ 98.2% GDP.

Hai ông Phạm Thế Anh và Ðinh Tuấn Minh khẳng định, các khoản vay ngoại quốc, vay các nhân hàng trong nước, vay lẫn nhau của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, dù không được chính quyền Việt Nam bảo lãnh vẫn đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Nếu không muốn những quả bom này phát nổ, việc cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa những doanh nghiệp này phải “triệt để,” không thể “hình thức” nhưng thực tế cho thấy, đến nay, cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa những doanh nghiệp này vẫn như trò đùa. (G.Ð.)

Nông dân Việt Nam sẽ “làm chơi, ăn thiệt”?

Gia Minh – PGĐ Ban Việt ngữ

Nông dân miền Nam sau vụ mùa. AFP photo

Gần đây một kỹ sư tư nhân cùng nông dân tại một số tỉnh ở khu vực miền bắc thử nghiệm phương pháp mới giúp giảm đầu tư chi phí, công cán, phân bón nhưng năng suất lại cao hơn. Tuy nhiên, bộ chủ quản vẫn chưa hay biết gì về phương pháp đó.

Nông dân phấn khởi

Rất nhiều nông dân Việt Nam cho đến thế kỷ 21 này vẫn còn phải chịu cảnh chân lấm tay bùn, ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’, dù rằng tại nhiều nơi trên thế giới các loại máy móc nông cơ có thể giúp giảm bớt công sức bỏ ra trên đồng ruộng mà năng suất mỗi ngày một cao hơn.

Mơ ước của bao người nông dân Việt là được cảnh ‘làm chơi, ăn thiệt’ như thế với công cán và đầu tư bỏ ra được bù đắp xứng đáng bằng những vụ mùa bội thu để có thể trang trải mọi chi phí, rồi còn dư mà nuôi sống gia đình và bán ra để đáp ứng những nhu cầu khác của cuộc sống.

Ba vụ mùa qua, một số nông dân trồng lúa tại xã Việt Đức, huyện Yên lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, vui mừng vì với phương pháp canh tác mới do kỹ sư Chu Văn Tiệp từ Hà Nội lên phổ biến, họ đã phần nào đạt được yêu cầu là giảm chi phí, công sức mà năng suất tăng lên chừng 20%.

Ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Đức, nói về điều này:

Công nghệ tuyệt vời, đầu tiên chỉ có 3 hộ làm thôi nay mở rộng lên đến từ 550 đến 600 hộ. Diện tích đầu tiên chỉ có 0,2 héc ta còn bây giờ khoảng 150 héc ta. Năng suất thì cao hơn năng suất thông thường. Chi phí cấy giảm nhiều so với cấy bình thường. Khi cắt chỉ 3-4 khóm là một tay nặng, trước phải 8-9 khóm.

Ở đây đã thử nghiệm đến vụ thư tư rồi và dân mở diện tích. Chính quyền quá ủng hộ, huyện thấy hiệu quả nên đề xuất xin mở rộng diện tích. Chính chủ tịch huyện cũng phóng xe xuống xem mô hình này như thế nào và để nghị mở rộng ra toàn huyện.

Đầu tiên thì dân nghi ngờ vì đang cấy từ 45 đến 50 khóm một mét vuông nay chỉ cấy từ 12-16 khóm/mét vuông thì ai mà chẳng nghi ngờ! Giờ cấy trung bình 14 khóm/mét vuông mà năng suất tăng từ 10-20%.

Ở đây đã thử nghiệm đến vụ thư tư rồi và dân mở diện tích. Chính quyền quá ủng hộ, huyện thấy hiệu quả nên đề xuất xin mở rộng diện tích.

» Ông Nguyễn Văn Hà, xã Việt Đức

Chỉ có công nghệ mới thôi, còn giống nào làm cũng được, các giống thông thường. (Phương pháp) đơn giản ai làm cũng được, cứ người nọ chuyền tai và chỉ cho người kia là được.

Công nghệ này giúp giảm được nhiều yếu tố kể cả sâu bệnh, kể cả giống, kể cả công lao động, thuốc bảo vệ thực vật.

Tại hợp tác xã Sao Cát, ở An Lý, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cũng thuộc vùng đồng bằng bắc bộ, nông dân ở đó hiện ứng dụng phương pháp của kỹ sư Chu Văn Tiệp đang được bà con tại xã Việt Đức, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc đang làm.

Ông Hoàng Công Thắng, phó chủ nhiệm hợp tác xã Sao Cát, thừa nhận sự hiệu quả của phương pháp mới do kỹ sư Chu Văn Tiệp nghiên cứu ra, dù rằng mức độ theo ông này chỉ khoảng 10% mà thôi:

Qua hai vụ thì thấy đúng là có hiệu quả, giảm nhiều chi phí và năng suất tăng 10%.

Huyện đồng lòng thực hiện

Phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hà Thái Nguyên, sau khi xuống thực tế tại địa phương ứng dụng phương pháp mới trong canh tác lúa, cũng có đánh giá về phương pháp này như sau:

Tại huyện Yên Lạc cũng ba vụ rồi, như thế hiệu quả tốt. Đầu vào của sản xuất giảm đi và sâu bệnh cũng hạn chế. Dù chưa được công nhận nhưng tại Yên Lạc vẫn tiếp tục triển khai đến vụ mùa này là vụ thứ tư.

Việc này không có gì vì làm có hiệu quả thì anh em làm thôi. Chúng tôi đang triển khai đến một số xã khác nữa. Cái gì thấy có hiệu quả cho dân thì triển khai thôi.

Bà con nông dân ra ruộng đối chứng luôn. Mô hình này có đối chứng giữa cấy thông thường và cấy theo ‘mô hình’ của ông Tiệp: năng suất hơn, quả chắc hơn, đầu vào giống ít hơn, sâu bệnh chống chọi tốt hơn vì nó hấp thụ năng lượng tốt hơn.

Áp dụng thực ra không biết các nhà nghiên cứu như thế nào để ra được, anh em không nắm được, nhưng rõ ràng dễ dàng thôi. Tác giả còn ký với nông dân mà không bằng thì đền!

Thông tin cho hay còn có một số địa phương khác thuộc Thái Bình cũng đang thử nghiệm phương pháp canh tác mới của Kỹ sư Chu Văn Tiệp.

Tác giả giới thiệu

Một nông dân trên cánh đồng miền Bắc Việt Nam. AFP photo

Vậy phương pháp canh tác mới mà cả nông dân và cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện đều thừa nhận có hiệu quả như vừa nêu như thế nào?

Chính tác giả là kỹ sư Chu Văn Tiệp trình bày về phương pháp đó như sau:

Vừa rồi tôi công bố thêm một phương pháp gieo cấy lúa mới: cấy từ 8-16 khóm trên một mét vuông mà năng suất tăng tối thiểu 20% và tối đa 60% so với IPM và SRI. Khi triển khai rất được nông dân hoan nghênh vì giảm 50% giá thành.

Tại đồng bằng Sông Hồng hiện nay để trồng ra một cân lúa, nông dân phải chi từ 4500 đến 5000 đồng/kg; bán chỉ được 6000-6500 đồng/kg. Nhưng với công nghệ này thì chỉ còn 2200-2500 đồng/kg lúa.

Công nghệ này tôi đã đăng ký độc quyền sáng chế tháng 8 năm 2012. Cục Sở hữu Trí Tuệ đạ chấp nhận đơn và chờ đủ 36 tháng người ta cấp bằng độc quyền sáng chế.

Công trình này có hai phát minh khoa học, đó là ứng dụng công nghệ mới vào phương pháp gieo cấy hoàn toàn mới trong lịch sử thế giới về công nghiệp cấy lúa. Phát minh thứ nhất là định luật hiệu ứng hàng biên tối ưu; định luật thứ hai là sức đẻ bông tối ưu trên khóm.

Phải dựa vào uy tín cả nhân để đưa vào địa phương và chỉ cần lúc đầu 2-3 hộ làm thì vụ sau có hằng trăm rồi đến hằng ngàn hộ làm theo. Người ta bỏ hẳn công nghệ của ông Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp, đang làm.

» Kỹ sư Chu Văn Tiệp

Khi ứng dụng hai định luật này thì các khóm lúa tôi trồng đều to bông, to khóm và không có sâu bệnh giống như hàng đầu bờ, chứ không phải chỉ có hàng đầu bờ mới có.

Còn ứng dụng kết hợp qui luật sức đẻ bông tối ưu vào thì số bông đạt gấp hai đến ba lần số bông trên khóm theo các công nghệ ngoài (công nghệ) mà tác giả đang triển khai kể cả IPM và SRI. Số bông theo phương pháp của tác giả (tôi) bằng với phương pháp của các vị ấy nhưng ăn đứt ở chỗ hiệu ứng hàng biên, tức tăng số hạt bình quân tối thiểu 20% và tối đa 60%, phổ cập 25-30%. Do đó giảm chỉ còn từ 8 đến 16 khóm, từ đó mạ giảm, công cấy giảm, công cắt giảm, công làm mạ giảm, chi phí thóc giống giảm, giảm 30% phân bón các loại, giảm 100% thuốc trị bệnh và giảm 50% thuốc trừ sâu. Sản phẩm sạch hơn tất cả các phương pháp gieo cấy hiện trên thế giới có. Tôi đã công bố tại nhiều hội nghị khoa học trong nước. Ở Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc làm, Thái Bình bắt đầu ứng dụng, Hà Nội cũng bắt đầu ứng dụng.

Tôi làm chui, vì Nhà nước họ có công trình quốc gia với kinh phí lớn theo chương trình SRI và IPM. Công nghệ SRI xuất phát từ Madagascar, gọi là biện pháp thâm canh tổng hợp bền vững sinh thái, gồm cả chục biện pháp nhưng chỉ tăng chừng trên dưới 10% năng suất. Sau đó người ta sáng chế ra IPM tức công nghệ hữu cơ xanh sạch, không dùng phân hóa học, không dùng phân chuồng mà dùng phân hữu cơ. Đại khái như thế nhưng cuối cùng cũng chỉ tăng được trên dưới 10% so với lúa cấy 35-50 khóm của cuộc cách mạng xanh khởi xướng bởi Viện Lúa Quốc tế vào thập niên 60 thế kỷ trước. Bây giờ đó vẫn là phương pháp gieo cấy phổ cập tại các nước, trong đó có Việt Nam. Vì tôi là nhà khoa học độc lập, không có phòng thí nghiệm, không có trung tâm- trạm- trại, không có bộ máy, không có người giúp việc, không có kinh phí mà dùng kinh phí của gia đình thôi.

Phải dựa vào uy tín cả nhân để đưa vào địa phương và chỉ cần lúc đầu 2-3 hộ làm thì vụ sau có hằng trăm rồi đến hằng ngàn hộ làm theo. Người ta bỏ hẳn công nghệ của ông Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp, đang làm.

Bộ chưa rõ

Vấn đề được nêu ra với ông Phạm Đồng Quảng, cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, thế nhưng ông này cho biết vẫn chưa nghe nói gì về phương pháp mà nông dân một số tỉnh tại khu vực đồng bằng bắc bộ đang thử nghiệm thành công như thế:

Chúng tôi không nắm được thông tin này. Muốn áp dụng, phổ biến thì phải được công nhận, phải được thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá có hiệu quả trong sản xuất.

Nông dân Việt Nam lâu nay được ngành nông nghiệp chỉ dẫn ứng dụng các mô hình canh tác do các cơ quan quốc tế phổ biến như Quản trị Vụ mùa Tổng hợp ICM (integrated crop managememt), quản trị sâu bệnh tổng hợp IPM (intergrated pests management), hoặc hệ thống thâm canh lúa SRI (system of rice intensification)… Tất cả cũng đều mục đích giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, không sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu….

Đối với phương pháp của một kỹ sư nông nghiệp như ông Chu Văn Tiệp mà qua đối chứng của chính người nông dân tại một số vùng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ cho thấy có hiệu quả hơn những cách thức họ ứng dụng lâu nay; hẳn cần có sự theo dõi, đánh giá kịp thời của ngành chủ quản là Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam. Mục đích để có kiểm chứng khoa học chứ không thể để như hiện nay cho nông dân và ông Chu Văn Tiệp tự thân mày mò thực hiện.

Phạm Chí Dũng: Nhà nước cần chấp nhận hoạt động ôn hòa của xã hội dân sự

Thụy My
Nhà báo Phạm Chí Dũng – Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Hội NBĐLVN) – vừa nhận hai giấy triệu tập liên tiếp của Cơ quan an ninh điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu anh phải đến trụ sở cơ quan này vào 8h sáng các ngày 4/8 và 5/8 để “trả lời các bài viết trên Internet”.

Được biết ngày 4/8 cũng là thời điểm một cuộc sinh hoạt định kỳ của Hội NBĐLVN được tổ chức tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Ngày 5/8 là ngày họp mặt các nhóm xã hội dân sự tại Saigon.

Với giấy triệu tập lần 1, nhà báo Phạm Chí Dũng đã từ chối không đến, nhưng đành vắng mặt trong buổi họp vì bị ngăn chặn. Còn hôm nay 05/08/2014, anh đã chấp nhận đến trụ sở công an để làm việc. Sau khi kết thúc buổi làm việc này, anh cho đài RFI biết:

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Một chi tiết thú vị là tôi lại gặp chính ông Lê Đình Thịnh – điều tra viên mà vào năm 2012 đã tham gia bắt và hỏi cung tôi. Lần này, điều tra viên hỏi khá nhiều về Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nội dung xoay quanh mục đích tôn chỉ của Hội và một số vấn đề khác. Có vẻ họ rất quan tâm đến tiêu chí “hoạt động ôn hòa” của Hội và cố gắng dò tìm xem hội này thực sự ôn hòa hay có định xách động dân chúng không.

Tôi trả lời thẳng là Hội NBĐLVN là tổ chức nghề nghiệp về báo chí, đã tuyên bố hoạt động ôn hòa tức sẽ luôn ôn hòa về quan điểm, trong đó có quan điểm chính trị. Nhà nước Việt Nam luôn đa nghi, nhưng sẽ hoài công vì Hội NBĐLVN chẳng bao giờ có ý định “lật đổ chế độ”.

Tuy nhiên, mục tiêu chính của Hội là phản biện, và Hội chấp nhận các luồng quan điểm và ý kiến đa chiều, kể cả trái chiều giữa các hội viên để tạo nên một môi trường đa nguyên tư tưởng theo đúng nghĩa.

Về ngày thành lập 4/7 của Hội NBĐLVN trùng với ngày Quốc khánh Mỹ, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng rất ý nghĩa, vì điểm thời gian này tương hợp với Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hơn hai trăm năm trước – năm 1776. Nhưng không thể lấy sự trùng hợp về thời điểm như thế để quy cho Hội NBĐLVN là “theo đuôi Mỹ”.

Họ cũng cho rằng có thể tôi bị “cuốn theo đô la và ảo vọng”, tức “khen Mỹ” nhiều quá. Tôi trả lời thẳng là: “Các anh có chứng minh được chúng tôi dùng nguồn tiền bất hợp pháp cho hoạt động của Hội NBĐLVN không? Các anh có bao giờ thấy tôi hoang tưởng chính trị không? Vừa qua sau vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của Hoa Kỳ và phương Tây thì liệu Trung Quốc có nhượng bộ Việt Nam không? Như vậy cần thấy rằng phải cố mà xây cho được mối quan hệ đồng minh với Mỹ chứ. Quan hệ này không chỉ bảo toàn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam mà còn có lợi cho cả đảng của các anh đấy”.

Nội dung hỏi và trả lời chỉ có thế. Sau đó họ đề nghị tôi ký xác nhận vào những bài viết của tôi trên mạng Internet, nhưng tôi yêu cầu họ về nhà tôi để tôi tự in các bài viết từ trên mạng rồi mới có thể ký được.

Điều đọng lại cuối cùng nhưng ấn tượng nhất đối với tôi sau buổi làm việc hôm nay là Cơ quan ANĐT không hề đề cập đến việc hình thành Hội NBĐLVN là đúng hay sai luật pháp, cũng không đả động gì đến việc “xử lý vi phạm” hay bắt bớ nào đối với các hội viên của Hội NBĐLVN.

Họ cũng không đề cập đến cụm từ “đối lập chính trị” mà giới dư luận viên đã luôn dùng để công kích và quy chụp Hội NBĐLVN trong gần ba chục bài viết trên mạng trong một tháng qua, hay truy tìm nguồn tài chính của Hội mà có thể họ luôn cho rằng không minh bạch. Và Cơ quan ANĐT cũng chỉ hỏi về hoạt động của cá nhân tôi chứ không đề cập đến bất cứ người nào khác trong Hội NBĐLVN.

Tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước Việt Nam cần chấp nhận hoạt động ôn hòa của các hội đoàn dân sự độc lập, và thay vì điều tra xét hỏi và triệu tập liên miên mà có thể phạm vào việc lạm dụng quyền lực, họ nên đối thoại với chúng tôi về những giải pháp cho đất nước.

Nhà cầm quyền sách nhiễu các blogger vì phiên họp thường kì của các tổ chức XHDS sáng nay 5/8/2014

Dân Luận tổng hợp
Dân Luận: Sáng nay, 5/8/2014 diễn ra phiên họp thường kì của các tổ chức Xã Hội Dân Sự tại vp Công Lý & Hòa Bình, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng Q3 Sài Gòn.

Đây là lần thứ 3 diễn ra cuộc họp thường kì này. Tuy nhiên, để duy trì mỗi thành viên của các tổ chức XHDS luôn phải tìm cách thoát khỏi sự ngăn cản, sách nhiễu của nhà cầm quyền Việt Nam.

Ngày hôm qua, lên tục thông tin về các blogger bị sách nhiễu được cập nhật trên mạng như:
Ts Phạm Chí Dũng bị CSKV đến nhà đưa giấy triệu tập lần 2 của Cơ quan ANĐT. Tiếp đó vào lúc 15h ngày hôm qua blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) cũng nhận được giấy triệu tập lần 2 và yêu cầu 16h cùng ngày phải có mặt tại CA tỉnh Khánh Hòa với nội dung “làm việc về các bài viết có nội dung xấu trên facebook”. Trong khi đó tin từ anh Nguyễn Bắc Truyển cho biết CSKV khu ở trọ nhà anh đã đến ngay trong đêm kiểm tra hộ khẩu và yêu cầu anh sáng nay 7h30 phải có mặt tại đồn công an trình diện. Vào lúc khoảng 22h tối hôm qua cô Nguyễn Nữ Phương Dung (Miu Mạnh Mẽ) cũng chia sẻ trên FB cá nhân rằng CSKV gửi giấy mời ngay trong đêm và yêu cầu cô 8h sáng mai lên phường làm việc về vấn đề an ninh trật tự.

Giấy triệu tập lần 2 của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh yêu cầu 1 tiếng sau có mặt tại CA tỉnh Khánh Hòa với nội dung “làm việc về các bài viết có nội dung xấu trên facebook”.
Chiều ngày 4/8/2014, Công an khu vực đến nhà TS Phạm Chí Dũng đưa tiếp giấy triệu tập lần 2 của Cơ quan ANĐT , cũng với nội dung làm việc tương tự giấy triệu tập lần 1.Trao đổi với blogger Phạm Lê Vương Các – sinh viên luật vừa tham dự báo cáo định kỳ phổ quát về nhân quyền của LHQ (UPR) Thụy Sỹ, – về việc gửi giấy triệu tập tùy tiện của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động dân chủ, anh cho biết: Căn cứ Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Bộ Công An Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Khoản 1.1 Mục 1 có viết: “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt. Việc triệu tập bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thực hiện theo quy định tại các điều 129, 133, 135, 136, 137 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003”.

Vì vậy hiển nhiên giấy triệu tập chỉ được gửi đến bị can, bị cáo, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân dự. Nếu công an gửi giấy triệu tập không dựa trên chứng cớ hoặc căn cứ pháp lý thì đây chính là hành vi tùy tiện trái pháp luật của công an. Thêm nữa trong việc viết giấy mời cho công dân, hiện nay chưa có vi luật định cho việc giấy mời này. Thông thường họ mời lên chỉ với tư cách quản lý nhà nước khi cần làm việc gì đó với công dân. Còn việc đi hay không là tùy , vì hoàn toàn ko có điều khoản nào quy định cho việc này.

Ngoài việc viết giấy mời triệu tập gây áp lực, nhà cầm quyền còn huy động lực lượng an ninh trinh sát ngoại tuyến để ngăn chặn những ai họ nghi ngờ sẽ đến tham dự cuộc họp. Blogger Nguyễn Hoàng Vi – Đại diện cho Mạng Lưới Blogger – Điều phối viên cuộc họp lần này cho biết, vào tối hôm qua khi cô đi taxi đến nhà thờ Kỳ Đồng để chuẩn bị trước cho cuộc họp mặt thì bị an ninh mặc thường phục chặn đầu xe taxi không cho đi.


An ninh tùy tiện chặn đầu xe không cho chiếc taxi chở Nguyễn Hoàng Vi đi.Anh Hoàng Văn Dũng – Thành viên Con Đường Việt Nam cũng cho chúng tôi hay, sáng nay, để đến được phiên họp anh phải tìm cách trốn chạy để thoát khỏi hơn 3 an ninh trực ngay sát cửa nhà.

Việc ngăn cấm công dân đi lại tự do trên đất nước của mình, nhà cầm quyền Việt Nam đang liên tục vi phạm nghiêm trọng vào điều 13 – quyền tự do đi lại và cư trú trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của LHQ.

Cuộc họp các tổ chức XHDS lần đầu tiên diễn ra vào ngày 5/6/2014 tại chùa Liên Trì với mong muốn họp mặt các tổ chức XHDS bàn thảo về những vấn đề cấp thiết của đất nước trước tình hình xã hội rối ren hiện nay tại Việt Nam. Trước tình trạng hàng loạt sự việc sách nhiễu các nhà hoạt động dân chủ trước phiên họp các tổ chức XHDS vừa qua, có vẻ như nhà cầm quyền Việt Nam đang e ngại mối kiên kết của các tổ chức XHDS và không muốn cuộc họp này sẽ diễn ra thường kỳ.

Dù bị đàn áp sách nhiễu ngăn cản nhưng cuộc họp sáng nay vẫn diễn ra lúc 8h45 và kết thúc tốt đẹp lúc 10h50, Dân Luận sẽ sớm tóm tắt nội dung đến cho bạn đọc theo dõi.

Danh sách các Hội nhóm tham gia sáng nay:

1. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự
2. Hội Tù Nhân Lương Tâm
3. Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
4. Cao Đài
5. Phật Giáo Hòa Hảo
6. Tin Lành
7. Bạch Đằng Giang Foundation
8. Hội Phụ Nữ Nhân Quyền
9. Hội Anh Em Dân Chủ
10. Hội Nhà báo Độc lập
11. Mạng Lưới Blogger Việt Nam
12. Con Đường Việt Nam
13. Hội Bầu Bí Tương Thân
14. Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế
15. Liên Đới Dân Oan
16. Lao Động Việt
17. Hiệp Hội Dân Oan
18. Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo
19. No – U Saigon

Thông điệp đầu năm của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được thực hiện đến đâu?

Trần Quang Thành thực hiện

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra Thông điệp 2014 rất hoành tráng với những lời hứa hẹn đây ấn tượng về cải cách thể chế; về tạo điều kiện để dân chúng tiếp cận mạng thông tin toàn cầu nhằm mở rộng tự do, dân chủ, tiếp cận thông tin; về gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn và nông dân vv và vv

Bảy tháng đã trôi qua, lời hứa và thực thi lời hứa của Thủ tướng ra sao? Câu hỏi đó được giải đáp phần nào qua cuộc phỏng vấn nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức của phóng viên Trần Quang Thành

Mời quí vị theo dõi!

Trần Quang Thành: Xin chào nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức

Nguyễn Hoàng Đức: Vâng, xin chào nhà báo Trần Quang Thành

TQT: Đầu năm 2014, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đưa ra một thông điệp mới rất hoành tráng. Ông hứa cải tiến thể chế. Ông lại hứa mở rộng tự do, dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân tự do phát biểu, tự do lên tiếng. Ông lại hứa hẹn với nông dân sẽ có những món tiền giúp cho nông dân phát triển nông nghiệp để nông thôn tiến bộ hơn trong cuộc sống hiện nay. Bảy tháng đã trôi qua, nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức thấy những lời hứa hẹn cua ông Thủ tướng đã đi đến đâu?

NHĐ: Chúng ta phải hiểu rõ bản chất và căn nguyên của nó. Một chính trị gia của Ý là ông Machiavelli có nói là lãnh đạo muốn tồn tại thì phải hứa liên tục bởi vì khi anh ngừng hứa thì anh ngừng làm cho nhân dân hy vọng. Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là tái cơ cấu, thì tái cơ cấu để làm gì, khi nền kinh tế đang đổ nát rồi. Với cả Vinashin và Vinalines nợ chầy bây chưa trả. Nợ đọng nợ xấu nhiều thế nào thì chúng ta không có thống kê chính xác chân thực, để đánh giá được vấn đề. Nhưng nó rất là khủng khiếp rồi, nó vượt qua ngưỡng an toàn bao nhiêu Kilomet thì chúng ta cũng chỉ áng chừng thôi.

Câu chuyện tái cơ cấu là thế này: Bây giờ bản chất của quyền lực chính trị là người ta phải giữ ghế. Nhưng mà hứa tự do dân chủ cho nhân dân. Nếu bây giờ nhân dân càng tự do dân chủ thì đảng cộng sản lãnh đạo độc tài lại càng sợ mất chỗ, thế thì làm thế nào để thực hiện đây? Hầu như nguyên lý căn bản không thể xử lý được mâu thuẫn này, đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, chúng ta nhìn một chút là khi khoán hợp tác xã ra đời và ông bí thư ở Vĩnh Phú bị kỷ luật khi đưa ra việc khoán và cuối cùng cả nước đi theo bước chân của ông là khoán ruộng đất. Tôi đã đi về vùng nông thôn tôi thấy một điều thế này: Tất cả các cán bộ ban chủ nhiệm hợp tác xã là họ chống lại khoán ruộng đất bởi họ đang có nhu cầu đánh kẻng cho nhân dân đi làm rồi họ chia chác điểm, chia chác thóc và tất cả các bổng lộc thu ở đấy. Bây giờ họ khoán cho nông dân thì tất cả các uy lực của họ trở thành là vớ vẩn, lèo phèo hết. Vì vậy họ chống lại cái tốc độ khoán ruộng đất ấy hơn ai hết. Giờ đây việc tái cơ cấu cả nền kinh tế cũng như thế. Cụ thể hơn là cổ phần hóa các cơ sở kinh tế quốc doanh, tạm gọi là tư nhân hóa. Rồi xuất hiện cả những vấn đề lớn chính trị ở trong kinh tế đó là công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Công đoàn độc lập ra đời thì lại là một hình thức của ông Walesa của Ba lan xuất hiện, Công đoàn đại đoàn kết, người ta sẽ phản ứng lại cái việc độc tài của cái công đoàn của đảng chuyên bảo vệ cho giới chủ mà không thực sự đứng về phía công nhân. Tái cơ cấu thì anh sẽ phải cổ phần hóa sẽ làm mất cái cơ cấu quốc doanh mà cơ cấu quốc doanh ấy là để trao cho nhiều nhân vật quyền lực. Tôi kể anh một chuyện thật 100% và nó vẫn diễn ra hàng ngày ở đây. Cách đây 20 năm tôi vào Sài Gòn có một anh chỉ làm giám đốc một công ty khoảng 20 người thôi mà anh ta đi một chiếc xe Lada cũ. Xe Lada khi ấy chỉ có hàng thứ trưởng mới được đi. Cơ quan của anh ta chỉ có 20 người nhưng anh ta cứ nghiễm nhiên đi xe Lada nghĩa là phải đổ xăng rồi nuôi một lái xe, phải có chỗ giữ xe. 20 người nhân viên của anh ta không thể chịu nổi chi phí cho chiếc xe ấy vào thời điểm ấy và anh ta tuyên bố luôn: Chúng tôi cần những người trung thành chứ không cần những người tài. Bởi vì người trung thành thì làm cho chúng tôi vẫn có chức, còn người tài thì làm anh ta mất chức. Thế thì câu chuyện của chúng ta bây giờ vẫn thời sự. Bây giờ chúng ta tái cơ cấu quốc doanh, lại cổ phần hóa tư nhân thì lại phá vỡ cơ cấu quyền lực. Chúng ta đều biết người châu Á, người Trung Quốc và người Việt Nam rất nặng về học để làm quan. Học bao nhiêu đèn sách cuối cùng chỉ để làm quan, ăn trên ngồi trốc. Bây giờ cô phần hóa, tư nhân hóa, dân sự hóa thì nó phá vỡ cái cơ cấu quyền lực. Cho nên đây là một mâu thuẫn không thể giải quyết được, là điều khó khăn duy nhất khiến họ nói một đằng làm một nẻo. Nếu anh không hưa hẹn thì anh sẽ chấm dứt vai trò lãnh đạo, nhưng giờ anh hứa hẹn thì có làm được không? Chẳng hạn như ngày xưa người ta đã nói rất nhiều rồi những “nghị quyết như 192 đánh từ vai đánh xuống” hoặc chống tham nhũng thì chống từ ai và đến ai thì phải dừng lại. Có nhiều đại biểu Quốc hội đã nói rồi, chỉ có người lãnh đạo có quyền lực thì mới tham nhũng được chứ còn anh nông dân, anh công nhân thì làm gì có quyền để mà tham nhũng. Nên tôi tóm lại khi tái cơ cấu thì lại mất chỗ địa vị và chỗ đứng của người cầm quyền mà chuyện ấy họ thực hiện cực kỳ khó. Chúng ta lại soi sang Trung Quốc một chút, vừa rồi họ ra cái lệnh là kê khai tài sản và không cho một số gia đình gửi tiền ra nước ngoài và nếu anh không khai báo thì anh phải mất chức, thì một loạt quan chức Trung Quốc họ xin mất chức luôn để họ giữ cái khoản tiền ấy, bởi vì họ cho rằng họ đã thu được một món rất khá để họ hạ cánh an toàn.

TQT: Như vậy có nghĩa là điều đấu tiên ông Thủ tướng haa cải tiến thể chế thì bảy tháng qua vẫn giẫm chân tại chố và ông học chính trị gi nước Ý là hứa, cứ hứa và hứa để dân cứ hy vọng và hy vọng mà thồi có phải không thưa nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức?

NHĐ: Chúng ta thấy nó đúng về bản chất và cả tính nguyên lý của nó. Đây là mâu thuẫn có tính chất hạt nhân bên trong. Anh cải cách thế nào nhưng mà quyền lực người ta nghĩ là phải có bởi cải tổ cơ cấu là mất hàng loạt cái ghế mà họ đã ngồi ấm chỗ rồi thì làm sao họ cải cách được. Bởi vì cải cách thì phải có cơ cấu mới, có chức năng mới thì họ có dám từ bỏ cái cơ cấu cũ, chức năng cũ để hình thành cái cơ cấu mới, chức năng mới không. Đấy là vấn đề then chốt.

TQT: Lại nói về vấn đề sử dụng phương tiện thông tin hiện đại internet để mở rộng dân chủ, thông tin của nhân dân. Vậy nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức thấy bảy tháng qua việc thực hiện vấn đề này tiến triển ra sao?

NHĐ: Cái này vẫn theo truyền thống chính trị của Việt Nam lâu rồi. Họ tồn tại bằng chiến thuật chứ không phải bằng chiến lược vĩ mô. Ví dụ tái cơ cấu hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp là một chiến lược vĩ mô. Thấy đúng thì phải làm luôn nhưng mà họ vẫn không làm. Bởi vì nó mâu thuẫn ngay trong bản chất. Cách nói của giới lãnh đạo Việt Nam, lúc nào cũng nói chung chung, nào là “tăng cường” nào là “quyết tâm” rồi là “lên đỉnh cao” nhưng mà nghe nó cứ nhàn nhạt như là chuyện ở đâu ấy. Người ta rất sợ cụ thể đi vào một việc nào. Rất nhiều cuộc họp ở Việt Nam, có một số người là chuyên gia viết. Trước cả cuộc họp họ đã viết xong diễn văn bế mạc từ lâu rồi. Nó toàn là những diễn văn vô cảm ở đấy chỉ tồn tại một số thủ thuật để câu giờ. Bởi cái thắng lợi, bản chất của chính trị là trụ vững, và họ thì hoàn toàn hiểu điều ấy. Họ cần cái thông tin rồi những lời hứa nó phát triển trên Internet nhưng điều đó không quá quan trọng đối với họ, bởi chiến lược vĩ mô ở trong đầu, cái lời nói và cái hành động không bao giờ đi đôi với nhau. Khi lời nói phát ra là những lời có tính chất thủ thuật chính trị.

TQT: Gần đây có một tổ chức xã hội dân sự mới ra đời. Có thể nói gần như họ tự do hoạt động, không bị nhà nước kiểm soát. không bị khủng bố. Phải chăng đó là lới hứa của ông Thủ tướng được thực hiện thưa nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức?

NHĐ: Cái này cũng đúng một phần. Nhiều người trí thức tin ông Nguyễn Tấn Dũng là một ngọn cờ cấp tiến. Chúng ta biết rằng Myanma trước cũng độc tài nhưng họ buộc phải thay đổi và họ đã dũng cảm thay đổi. Thế thì Việt Nam có dám dũng cảm thay đổi, dám học theo tấm gương ấy không? Thế thì ông Nguyễn Tấn Dũng hoặc là cái phái cấp tiến cũng bị ép rất nhiều bởi vì nếu họ không cải tổ thì tình trạng ứ đọng lâu ngày quá, dòng nước không chảy nó sẽ ung thối. Ông triết gia Nietzsche nói rằng con rắn nó không tự lột xác thì nó sẽ chết. Lâu nay người ta rất sợ bị lột xác. Họ gọi là tự diễn biến. Diễn biến họ đã sợ rồi nói gì đến cả sự lột xác. Bị o ép nhiều và do xu hướng thời đại về mặt dân sự, dân chủ không thể cưỡng được thì họ cũng phải tìm cách thích hợp, cộng với sức ép của quốc tế, với sức ép của trí thức và của nhân dân nhưng phái bảo thủ họ vẫn nặng, liệu có chuyển được hay không?

TQT: Khi còn là Chủ tịch ASEAN, chính ông Nguyễn Tấn Dũng đã đi gợi ý cho Myanma nên thay dổi và mở rộng tự do, dân chủ. Nghe theo lời khuyên, người Myanma họ đã làm. Bây giờ phải chăng ông Nguyễn Tấn Dũng đã thua người Myanma trong cải cách tự do, dân chủ?

NHĐ: Hồi ấy Myanma họ độc tài nặng nề hơn cả Việt nam. Nguyễn Tấn Dũng sang đấy thì phải nói thế để ra vẻ mình thực tiễn hơn,ưu việt hơn. Nói theo thời, gọi là tát nước theo mưa. Nhưng sau đó họ cải cách quá nhanh, cải cách 180 độ luôn thì người Việt Nam mình có dám làm không. Chúng ta nên nhớ là não trạng của người Việt Nam là não trạng rất cố kỵ và bảo thủ. Với thay đổi tư tưởng có tính chất 180 độ thì người Việt Nam và người Trung Quốc hầu như chưa có.

TQT: Gọi là tự do, dân chủ. Gọi là tự do internet. Gọi là tự do phát biểu. Đó là những lời ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong thông điệp 2014. Nhưng mà bảy tháng trôi qua, người ta thấy 2 blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào đã chính thức ngồi tù với 2 bản án. Lại thêm một blogger nữa Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị bắt giam sắp sửa hết hạn 3 tháng mà chưa thấy động thái gì đưa ra xét xử. Lại thấy một loạt các động thái khác như khóa sổ một loạt các trang mạng Faceboock. Vậy phải chăng giữa lời nói và việc làm của ông Nguyễn Tấn Dũng luôn trái ngược nhau như ông đã nói như ông đã từng nói nếu không chống được tham nhũng thì ông từ chức. Bây giờ ông không dám hứa ông từ chức khi cải cách thể chế không thành công. Nhưng ông sẽ làm gì đây thưa nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức?

NHĐ: Làm chính trị thì người ta không thể thẳng ruột ngựa được. Ông Nguyễn Tấn Dũng làm chính trị phải có mưu mẹo. Ông ta không phải là ngoại lệ. Có thể ông ta có một chút cấp tiến một chút tiến bộ và nhiều người dân Việt Nam hy vọng vào điều ấy. Sự thể đúng như anh nói khi một số blogger bị bắt, bị xử thì hình như có hai lực lượng, một lực lượng thì mở một lực lượng thì đóng, và Nguyễn Tấn Dũng vẫn chịu sức ép này. Lực lượng bảo thủ vẫn mạnh hơn, nếu bên cấp tiến mạnh hơn thì sự việc đã cởi mở hơn rồi. Cái việc mà phải hướng về phía bảo thủ hoặc cấp tiến thì người ta vẫn cho rằng làm chính trị thì phải chiến thắng, tức là phải giữ được cái chỗ đứng của mình.

TQT: So sánh giữa ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ lúc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có lẽ một ông rất to mồm, một ông rất kín tiếng. Có người nói ông Nguyễn Tấn Dũng cấp tiến, đấu tranh mạnh mẽ. Ông nói tình hữu nghị không được viển vông. Ông lại nói rằng phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Nhưng ông chỉ nói câu giờ. Bây giờ đợi Trung Quốc rút giàn khoan ông lại nói rút là phải rút hẳn. Phải chăng ông ấy chỉ nói và nói chứ ông ấy chẳng làm gì?

NHĐ: Cái chính là bây giờ lực mạnh nhất vẫn là Đảng lãnh đạo và Đảng cộng sản vẫn là lực lượng bảo thủ nhất và là thân Tàu nhất. Nguyễn Tấn Dũng có làm được không? Khi mà đồng chí X bị kiểm điểm thì thậm chí sắp đo ván mà vẫn gượng đứng ngay được. Đồng chí X này bị đòn nặng lắm và không thể toàn quyền thao tác được. Mà thể chế Việt Nam là thể chế không ai chịu trách nhiệm. Một nhà lãnh đạo nước ngoài nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam đông quá không ai chịu trách nhiệm. Nên không có một nhà lãnh đạo có thể chuyển hướng xoay bản lề mà chính họ là một cụm lãnh đạo rất là đông rất ít có khả năng có một vai trò cá nhân đứng lên có thể xoay vần được.

TQT: Tại sao người Việt Nam chúng ta bây giờ cứ phải sống trong nuôi hy vọng, nuôi hy vọng và nuôi hy vọng. Còn trong thực tế vẫn là cuộc sống đầy đau thương và bất hạnh?

NHĐ: Nói thế cũng không đúng vì cái thế sự nó ở đặc biệt khi Trung Quốc kéo dàn khoan vào. Đặc biệt khi Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ nhất trí thông qua hiệp định dân sự về nhà máy điện nguyên tử cho Việt Nam, thì trong nội hàm chứa nhiều vấn đề đấy, và chứa rất nhiều cú hích và xúc tác rất lớn đối với tình hình của Việt Nam nghĩa là nó tiến triển rất nhiều chứ không phải là không tiến triển gì.

TQT: Vậy để cho tình hình ngày càng tiến triển và nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, mỗi người chúng ta phải làm gì thưa ông?

NHĐ: Dân trí Việt Nam còn rất là yếu, quan trí cũng yếu, thậm chí là giới trí thức cũng rất là yếu. Mà trí thức là bản lề cho cuộc thay đổi, thì giới trí thức Việt Nam chưa đóng được vai trò bản lề cho sự thay đổi. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn kịch bản của Myanma cho Việt Nam mà hy vọng Không có nghĩa chúng ta ngủ yên để hôm sau có một thể chế mới nhưng tất cả những vận động từ bên ngoài và bên trong, và sự vận động này nó đang ở mức tất yếu, tức là những nội hàm nó đang phơi bày lộ ra giống như dây điện đã bóc vỏ rồi, như dây điện trần trụi chạm tay vào nó giật đại loại như thế. Người Trung Quốc có câu thế này “Trời không ở mãi với một nhà”. Hạ, thượng, trung Hán như Đường Tống, Nguyên, Minh, Thanh chẳng hạn thế mà ở Việt Nam dù có thể dân trí chưa tới nhưng hiện có thể xoay vần bên trên thượng tầng và thêm một yếu tố nữa tôi gọi là vỡ quẻ là “trời không ở mãi với một nhà” nó đang hình thành.

TQT: Như vậy chúng ta sẽ tin là đất nước chúng ta nhất định sẽ có sự chuyển hướng để cho đất nươc vừa dân chủ, vừa tự do, vừa hùng cường đúng với nguyện vọng của nhân dân phải không nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức?

NHĐ: Tôi vẫn hiểu ý anh hỏi là chúng ta phải có một ý thức dân chủ trước khi có một cơ cấu dân chủ, cả châu Âu, cả Mỹ và Pháp, chúng ta không thể có dân chủ tự do khi không có ý thức về dân chủ và tự do. Nhưng theo tôi ý thức dân chủ tự do đến Việt Nam theo cách này đó là xã hội dân sự phải là tất yếu. Từ đó sẽ là môi trường để xây dựng ý thức dân chủ. Nền kinh tế hiện nay phải tái cơ cấu, phải cổ phần hóa nghĩa là phải được dân sự hóa. Bởi bản chất nhà nước là không thể nào làm được kinh tế và nhà nước đã thâm thủng và vô hiệu lực về kinh tế thế nào chúng ta hiểu rồi. Chính chủ nghĩa Marx nói hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng, và sự sụp đổ hàng loạt nước ở Đông Âu, ở Liên Xô là do kinh tế chứ còn chính trị họ đang cực vững, họ đang tuyên truyền cực vững. Nhưng sự yếu kém về kinh tế làm sụp đổ cả thượng tầng vĩ mô đấy. Ở Việt Nam chúng ta thấy hạ tầng kinh tế là không còn gì nữa. Tất cả nợ đọng và nợ xấu, những cái bãi nhà gọi là nghĩa địa bất động sản rất là nhiều. Tất cả hầu như không vận động. Cái ý thức dân sự tất yếu trong dân sự phải xuất hiện trước ý thức về dân chủ và tự do, nghĩa là ý thức cổ phần hóa về kinh tế và dân sự nó phải đến trước.

TQT: Xin cảm ơn nhà bình luận Nguyễn Hoàng Đức.

NHĐ: Xin chào nhà báo Trần Quang Thành