Chuyện ‘tế nhị’ và những chuyến đi ‘quá trời’

Đào Tuấn

Chi phí tiền tỷ ra đi theo các chuyến công cán. Ảnh minh họa

Trong nước cũng thế, ngoài nước cũng vậy. Trung ương cũng nhiều, địa phương cũng lắm. Hóa ra, chuyện lãng phí, chuyện trùng lắp là chuyện của… “chúng ta”.

Những con số “tế nhị”

Ngày 3/10/2013, bản tin trên một tờ báo điện tử dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Tôi vừa từ nước ngoài về, Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga Phạm Xuân Sơn cho biết bình quân một năm đón tiếp từ 200- 220 đoàn công tác từ Việt Nam sang, có đoàn tới 60 người”. Nhưng cũng chỉ rất nhanh sau đó, câu trên đã được sửa lại thành “một Đại sứ cho biết…”.

Có thể, số đoàn vẫn chỉ là 200-220, nhưng rõ ràng “Một Đại sứ”, khác với “Đại sứ Phạm Xuân Sơn”. Có thể, vì những con số là tế nhị nhạy cảm cũng không biết chừng.

Giá cho một cặp vé khứ hồi đi Moscow rẻ nhất là 17 triệu VNĐ, hạng thương gia lên tới 52 triệu. Không khó để tự những người nông dân tính ra một năm như thế, họ phải làm ra bao nhiêu thóc chỉ để phục vụ cho các đoàn công tác nước ngoài.

Huống chi “đoàn” không phải lúc nào cũng 60 người, nhưng chắc chắn không đoàn nào là 1 người. Huống chi Nga chỉ là một trong khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Huống chi, cũng theo đại sứ Phạm Xuân Sơn kể, lãnh đạo tổng cục Du lịch từng sang tổ chức hội thảo quốc tế bằng cách đưa cho đại sứ quán mấy cuốn băng video, mấy tờ bướm quảng cáo, vài cuốn sách hướng dẫn du lịch nhỏ xíu rồi cùng với đoàn cán bộ chuyên môn… “đi đâu đó”.

Vậy thì có bao nhiêu “tấn thóc” đi đâu đó ra nước ngoài mỗi năm?

3.780 đoàn năm 2012 và 3.200 đoàn năm 2013. Đây là con số mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chính thức công bố.

Phải dừng lại để nhấn mạnh rằng, có lẽ đây là lần đầu tiên những thống kê chính thức về chuyện công cán nước ngoài được công khai trước nhân dân. Dù về nguyên tắc, trước nay chẳng ai quy định đó là tế nhị hay nhạy cảm cả.

Và những con số đó được Phó Thủ tướng nhắc tới kèm theo một lời than “Nhiều nước bạn phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự. Điều này gây nên sự lãng phí tiền của đất nước”.

Còn người nói cho lòng dân hai chữ “quá trời” thì chính là Thủ tướng. “Tôi nghe báo cáo có nước bạn thấy đoàn Việt Nam đến người ta sợ. Các đồng chí phải xem lại cái này, đi quá trời thế này, dù có giảm nhưng còn tới 3.200 đoàn như vậy là rất lớn”- ông nói.

“Lớn” ở đây không chỉ là nhiều, mà còn là những phí tổn khổng lồ. Cho dù về lý thuyết, chuyến công cán nào cũng đều được thuyết minh là cần thiết, là hiệu quả.

Chuyện của… “chúng ta”

Tình trạng công tác trong nước cũng tệ không kém. Chủ tịch An Giang kèm theo việc “kêu trời” trước con số 70 đoàn vào công tác mỗi năm đã nêu kỷ lục có đoàn ở tới… 3 tháng, đã mở ngoặc liệt kê thêm bao nhiêu khoản chi phí. Từ tiền vé máy bay, tiền ăn ở, tiền khách sạn… Trong khi, dù không “hỏi câu tương tự”, nhưng cũng là thanh kiểm tra những vấn đề trùng lắp.

Nhưng nói cho cùng, các địa phương cũng chẳng phải chỉ là nạn nhân. Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Quảng Bình than thở trên Tiền phong trước tình trạng có lúc ông phải “bù đầu” cáng đáng công việc cho 3 vị phó chủ tịch cùng lúc đi công tác nước ngoài. Trong 10 tháng của năm, một tỉnh nghèo như Quảng Bình mà có đến 98 đoàn đi công tác nước ngoài.

Trong nước cũng thế, ngoài nước cũng vậy. Trung ương cũng nhiều, địa phương cũng lắm. Hóa ra, chuyện lãng phí, chuyện trùng lắp là chuyện của… “chúng ta”.

Cần nhắc lại rằng năm nào Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế công tác nước ngoài. Năm nào Bộ tài chính cũng yêu cầu chỉ đi trong trường hợp cần thiết. Cũng khối địa phương có trát rành rành hai chữ hạn chế, nhưng xem ra, các bộ ngành địa phương vẫn còn nặng nề lắm với tư tưởng “làng Vũ Đại”: Hạn chế là hạn chế ai đó, chắc trừ mình ra.

Nhớ hồi tháng 9, tại Thái Lan, khi bàn về dự án ngân sách, chuyện công du “nhiều thứ 3 trên thế giới” của thủ tướng nước này đã được đưa ra mổ xẻ, kèm thêm con số chi phí 9,4 triệu USD. 52 chuyến công du. Chi phí 9,4 triệu USD. Trong khi thống kê thương mại cho thấy đất nước đang thâm hụt 18 tỷ USD.

Người dân Thái Lan, với tư cách những người đóng thuế, ít nhất cũng có số liệu cụ thể về chi phí và hiệu quả để tự mình đánh giá.

“Bây giờ phải hết sức cân nhắc đoàn đi, yêu cầu đi, số lượng người đi… phải hết sức chặt chẽ. Tôi đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rà soát lại, để có cách kiểm soát và báo cáo Ban Bí thư về vấn đề này”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Có lẽ, muốn tránh lãng phí từ những chuyến công du thì ngoài việc thẳng thắn về con số các đoàn công cán nước ngoài, Chính phủ nên có một bản bạch hóa những chuyến công cán cho từng bộ ngành, từng địa phương.

Để ít nhất khi ký công lệnh cho cán bộ đi nước ngoài, các vị thủ trưởng đáng kính của chúng ta có thể ước lượng ngay được số tiền mà người dân của mình phải “vắt mồ hôi quy xăng” cho những chuyến đi đắt đỏ đó.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng và TPP

Nguyễn An Dân
Mấy ngày nay dư luận và nhất là giới luật sư xôn xao về việc Luật Sư (sau đây viết tắt là LS) Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm đoàn luật sư TpHCM, đã bị khai trừ khỏi đảng. Lý do theo như quyết định công bố là “xem nhẹ vai trò của đảng đoàn trong hoạt động của đoàn LS TpHCM, có biểu hiện tha hóa về lý tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”

Từ chuyện LS Nguyễn Đăng Trừng

Việc LS Trừng bị Đảng Cộng Sản VN khai trừ hôm nay chính là kết cục tất yếu của một quá trình lâu dài mà bắt nguồn là việc hình thành và ra đời của Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, được trù bị từ năm 2006 và chính thức thành lập năm 2009. Khi đó, tiếng nói khách quan của LS Nguyễn Đăng Trừng khi phản đối sự áp đặt của đảng vào hội nghề nghiệp của các LS trên toàn quốc rất mạnh mẽ đã làm “phật lòng trung ương đảng”

Vào 3 năm trước khi Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam thành lập, năm 2006, giới LS đã xôn xao khi “biết trước” một ông cựu chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, ông Lê Thúc Anh, sẽ làm chủ tịch liên đoàn, dù ông này chưa hề có 1 ngày hành nghề luật sư.

Với bề dày kinh nghiệm là một LS “tiền bối” thuộc thế hệ trước 1975, LS Nguyễn Đăng Trừng quá hiểu một ông chủ tịch liên đoàn “không có kinh nghiệm luật sư” sẽ chẳng thể làm được gì có ích cho liên đoàn lẫn đóng góp gì vào sự tiến bộ của tư pháp Việt Nam hiện đã và đang phải hội nhập quốc tế, nên đã cực lực phản đối và “bất hợp tác”. Đỉnh điểm của việc này là bác bỏ đơn gia nhập vào đoàn LS TpHCM của ông Lê Thúc Anh vì ông này “chưa trải qua học và hành nghề luật”, một quyết định đúng theo Luật Luật Sư.

Việc phản ứng hợp tình hợp lý của LS Trừng đã phá vỡ “truyền thống” của trung ương đảng. Đó là truyền thống bổ nhiệm các quan chức về hưu hay “không biết sắp xếp ghế nào cho ngồi” vào nắm ban chủ tịch các hội đoàn “cánh tay nối dài của đảng” để làm tai mắt cho đảng. Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Hội Liên Hiệp Thanh Niên…đều có thành phần chủ tịch đoàn là các quan chức đảng viên này kia ở trung ương chuyển ngành qua làm lãnh đạo chứ không phải xuất thân từ nghề nghiệp.

Đang ở vị trí thay mặt vài ngàn luật sư ở TpHCM, LS Trừng quá hiểu nếu các hội đoàn nghề nghiệp dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo do đảng chỉ định sẽ chẳng mang lại hay làm được gì cho quyền lợi các hội viên và sự lớn mạnh của hiệp hội. Chuyện nông dân Việt Nam ngày càng bần cùng hóa, phụ nữ Việt Nam phải xuất ngoại lấy chồng và bán dâm vì nghèo khó ngày càng nhiều và lan rộng ra nhiều tầng lớp. Rồi công nhân, thanh niên phạm pháp vì sinh kế càng ngày càng gia tăng dù có các hội tương ứng như trên…chính là một bằng chứng ai cũng thấy rõ. LS Trừng vì quan ngại cho tương lai các luật sư hội viên nên vì quyền lợi tập thể mà đứng ra chỉ trích và phản ứng với sự áp đặt của đảng vào nhân sự của liên đoàn chứ không phải vì ông là người “chuyên quyền, độc đoán” nhưng quy kết trong văn bản kỷ luật.

Trong quyết định kỷ luật cũng nói rõ là “LS Trừng đã nhiều lần chống lại, ngăn trở, phản ứng lại các quyết định của đảng đoàn LS và Ủy Ban Nhân Dân TpHCM”. Rõ ràng đây là biểu hiện của sự can thiệp của đảng và chính quyền vào hoạt động của Đoàn LS. Đoàn LS là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải 1 ban của đảng, hay 1 cơ quan hành chính cấp dưới của chính quyền TpHCM. Đoàn LS TpHCM ra đời theo nhu cầu của các luật sư thành viên, sao lại có việc đảng đoàn và Ủy Ban Nhân Dân TpHCM “chỉ đạo” ông chủ nhiệm phải làm thế này thế nọ nếu các việc đó không phải từ nhu cầu tập thể của các hội viên??? Nếu Ông Trừng làm sai luật thì xử lý theo luật, không sai luật thì đó là việc của đoàn LS TpHCM, các luật sư thành viên không phản ứng, mắc gì đến đảng mà đảng dùng nó làm lý do kỷ luật đảng viên ???.

Luật sư là một giới trí thức hơn ai hết có nhu cầu tìm hiểu và tôn trọng sự thật. Thêm nữa, cái khác biệt của hội nghề nghiệp luật sư so với các hội nghề nghiệp khác là yếu tố thượng tôn pháp lý và đạo lý. Nếu ông Trừng phạm vào việc “tha hóa về đạo đức, lối sống” thì tôi tin là các luật sư khác trong đoàn sẽ tự động bài xích ông Trừng trước khi đảng lên tiếng vì các LS là người có kiến thức, có óc quan sát và nhận định sắc sảo (yêu cầu nghề nghiệp phải có). Đằng này sau khi trao đổi với nhiều luật sư có uy tín và thâm niên trong đoàn luật sư, đều thấy sự buồn đau, chua xót và “tức tối” thay cho LS Trừng, như vậy sự thật có nằm ở kết luận của văn bản kỷ luật của đảng về tư cách cá nhân của LS Trừng không ???

Điều đáng lo ngại cho chính các luật sư ở đây là sau việc LS Trừng công khai phản đối việc áp đặt sai nguyên tắc pháp luật của đảng vào hoạt động của của đoàn LS rồi bị đảng khai trừ nhằm hất ông ra khỏi ghế chủ nhiệm, sắp tới sẽ còn có LS nào “dám” hành động như ông Trừng để tự mình bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và các đồng nghiệp ??? Có bao nhiêu luật sư đã từng lắng nghe và thấy chua xót vì các nhận định của quần chúng “nói cho cùng, luật sư ở Việt Nam chỉ là vật trang sức cho tòa mà thôi”, “ mấy ông ấy làm cò chạy án là chính chứ cãi cọ gì, án do đảng quyết chứ có phải căn cứ vào luật đâu”, “tòa xử sao chả được, kiến cãi khoai thôi”.

Một người phụ nữ ở nông thôn Việt Nam phải làm mãi dâm vì sinh kế, chịu đủ tủi nhục và hiểm họa dù bản thân người đó là đối tượng quan tâm và là thành viên của Hội Nông Dân ( vì là gia đình nông dân) , của Hội Phụ Nữ ( vì là phụ nữ), của Hội Liên Hiệp Thanh Niên ( vì là thanh niên) cho thấy điều gì khi đảng đóng vai trò cầm nắm các hội đoàn này ???. Là trí thức, dĩ nhiên các luật sư không cần bán thân như thế, nhưng đã có và sẽ trong tương lai, liệu rằng các luật sư vì hoạt động trong 1 nền tư pháp mà đảng quyền cao hơn pháp quyền, sẽ bán lương tâm đạo đức nghề nghiệp, “bán” luật pháp và pháp lý để tồn tại và đi lên không ?? Hay là lựa chọn lối đi như LS Nguyễn Đăng Trừng đã chọn, đó là bỏ qua danh vọng và quyền chức do đảng ban tặng, để tranh đấu cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình nhằm phát triển nghề nghiệp, đóng góp vào sự hoàn thiện của pháp luật Việt Nam

Nghĩ đến chuyện Việt Nam gia nhập TPP

LS Nguyễn Đăng Trừng là thành viên-hội viên của nhiều tổ chức LS danh tiếng ở Asean, Châu Á và quốc tế, việc đảng khai trừ ông ta sẽ gây một tiếng vang không mấy tốt đẹp cho thanh danh của đảng trong đối ngoại và trong chính sách “trí thức vận” là điều sẽ phải xảy đến. Và hơn nữa còn là nhiều hệ lụy kéo theo không chỉ đảng thiệt hại mà dân tộc và đất nước cũng phải gánh chịu, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang “rất muốn và phải là thành viên của TPP”

Trong các tiêu chí mà các nước thành viên TPP xét kết nạp thành viên mới như Việt Nam, yếu tố tự do- tự quyết của các hội đoàn nghề nghiệp là yếu tố bắt buộc phải có theo 8 công ước của liên đoàn lao động quốc tế quy định (cụ thể là công ước 87 về quyền lập hội). Việc LS Trừng chủ động ngăn chặn và phản ứng việc can thiệp sâu của đảng vào liên đoàn luật sư đúng theo pháp luật là điều cần thiết phải được chính phủ và ngành tư pháp Việt Nam ủng hộ để dùng điều này chứng minh cho các nước thành viên TPP khác như Mỹ thấy rằng tại Việt Nam, đảng và nhà nước luôn tôn trọng và quyết tâm thực thi cải cách để họ nhanh chóng thông qua cho Việt Nam gia nhập khối

Trong tư thế kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào Trung Quốc, một kẻ thù xâm lược cả dân tộc đều công nhận thì việc gia nhập sân chơi TPP sẽ là 1 ưu thế quan trọng trong việc “thoát Trung” về kinh tế để mang lại sự phát triển bền vững hơn về sau. Nếu cứ để xảy ra các việc như đảng khai trừ những đảng viên có xu hướng cải cách như LS Trừng sẽ dẫn đến làm chậm (hoặc có thể hủy bỏ) lại TPP lần này thì rất tai hại. Thiệt hại của nó là vô cùng lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang bí lối ra như lúc này. Thành ra chuyện LS Trừng bị khai trừ đảng không còn là chuyện của riêng hai bên này nữa, mà nó sẽ là hệ lụy kéo dài về sau cho sự hội nhập quốc tế của Việt Nam., nếu các lãnh đạo nhà nước không quyết tâm bảo vệ những “hạt nhân” như LS Nguyễn Đăng Trừng. Và sau cùng, ai sẽ chịu trách nhiệm về “bước lùi” này của đất nước trong lúc “ngặt nghèo” này ???

Vừa mới đây ngày 29/07/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói các luật sư và các hội đoàn luật sư cần phải “tự chủ và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa” thì ngay sau đó LS Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ đảng vì “phát huy tự chủ và đổi mới mạnh mẽ”. Tôi nghĩ ông Trương Tấn Sang cần đề nghị đảng xét lại việc này nếu ông thực sự coi trọng giới luật sư như ông phát biểu khi thăm liên đoàn LS vào ngày 01/08/2014. Song song đó, nên chăng các luật sư thuộc đoàn LS TpHCM, những người mà 20 năm qua luôn bỏ phiếu ủng hộ LS Nguyễn Đăng Trừng làm chủ nhiệm, cùng kiến nghị Chủ Tịch Nước, người đứng đầu tư pháp, xem xét lại quyết định này.

Đa số dư luận đều nghĩ rằng việc khai trừ LS Nguyễn Đăng Trừng là do thành ủy TpHCM quyết định nhưng tôi e rằng không phải. Mâu thuẫn của LS Trừng và trung ương đảng đã có từ năm 2007 đến nay kéo dài qua nhiều sự việc. Đến nay ông mới bị kỷ luật cho thấy trong thời gian mấy năm qua một bộ phận của Thành Ủy có ủng hộ ông nhưng hôm nay họ phải chấp hành chỉ đạo của Trung Ương thì đúng hơn. Việc các đại biểu quốc hội TpHCM lúc gần đây phát ngôn đều kêu gọi cải cách thể chế mạnh mẽ cho thấy xu hướng đó (cao trào là việc ông nghị viên “bảo hoàng hơn vua” Hoàng Hữu Phước ủng hộ làm ngay Luật Biểu Tình và Luật Lập Hội vừa qua là 1 ví dụ rõ nét).

Theo tình hình phía Mỹ cho thấy, hiện nay đã có nhiều hạ nghị sĩ và một số thượng nghị sĩ đang chú ý và phản đối tình trạng đảng cộng sản đang cầm quyền luôn có những can thiệp quá sâu vào các hội đoàn nghề nghiệp tại Việt Nam. Nên chăng chính phủ cần xem xét lại việc LS Trừng bị kỷ luật, vì rõ ràng điều này cũng sẽ ảnh hưởng vào nhận xét của chính giới Mỹ trong việc kết nạp Việt Nam vào TPP, cũng như để các trí thức khác (như GS Ngô Bảo Châu) đang và sẽ yên tâm khi cộng tác cùng chính phủ để cống hiến tài năng cho đất nước và dân tộc.

Trong tương lai với đà nâng cao dân trí cùng việc hội nhập quốc tế, việc xây dựng một nền dân chủ pháp trị là điều tiên quyết phải có để đất nước và dân tộc lớn mạnh. Trong đó, vai trò của các luật sư là không nhỏ, việc cùng bảo vệ nhau để bảo vệ tính minh bạch, thượng tôn pháp luật của cộng đồng luật sư là điều mà quần chúng mong mỏi trước khi quần chúng “nhờ cậy” luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tôi hi vọng rằng dù Luật Sư Trừng đã bị đảng khai trừ nhưng cộng đồng các luật sư có tâm, có tầm và có lương tri nghề nghiệp sẽ tiếp tục con đường của ông đã đi trong việc góp phần cải cách chính trị ở Việt Nam.

Nguyễn An Dân