12 nhà vô địch Olympia không trở về: Câu hỏi đã có lời đáp

Ngô Thiệu Phong

Dân Luận: Buồn làm chi, vẫn có những em sinh viên du học trẻ tuổi, tài cao và đẹp trai như tài tử điện ảnh học xong quay về nước làm ở Thành đoàn đây này!

Trong 13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì chỉ có 1 người trở về Việt Nam lập nghiệp. Cá nhân tôi không bất ngờ, chỉ thấy thú vị và háo hức nếu ai đó viết về người duy nhất quay về cố hương.

Chẳng phải chờ lâu đâu, trong bối cảnh báo chí thèm tin như hôm nay thì chỉ mai kia, thể nào anh em đồng nghiệp cũng “săn” được nhân vật đặc biệt này. Còn 12 người đang làm việc tại Úc hoặc một nước nào đó thì chắc hơi khó, mà có tìm được cũng dễ gì tiếp xúc.


Hầu hết các quán quân cuộc thi Olympia đều không quay về Việt Nam làm việc. Họ sẽ ngại trò chuyện với nhà báo. Ngộ nhỡ nhà báo trưng ra cái clip cách đây vài năm, trên truyền hình hùng hồn tuyên bố: Nào là đến cuộc thi này để học hỏi, giao lưu là chính; nào là sẽ đem kiến thức về xây dựng quê hương đất nước…

Chọc vui vậy để các em tỉnh táo, tránh rập khuôn, sáo rỗng khi phải nói trong các cuộc thi (nhất là trên TV) thôi. Với tôi, 12 em đang học tập làm việc ở nước ngoài là một cơ hội tốt cho cá nhân các em và cho cả đất nước.

Khoa học đâu có biên giới. Thành tựu khoa học là phục vụ chung nhân loại cơ mà. Hà cớ gì cứ nhất nhất đòi hỏi các em phải về nước sau khi hoàn thành việc học? Chúng ta đã chấp nhận thế giới này là thế giới phẳng, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, thế hệ 8x, 9x giờ phải là công dân toàn cầu… vậy chẳng nên bó buộc ở phạm vi lãnh thổ trong việc lao động, học tập và nghiên cứu. Ở đâu người ta phát huy tốt nhất khả năng bản thân thì không nên cản trở.

Trong một quốc gia cũng thế thôi. Ở đâu trên thế giới cũng đều chấp nhận quyền tự do cư trú của công dân trong hiến pháp. Họ ở Bắc hay Nam là quyền của họ. Hà Nội là thủ đô nhưng không nhất thiết chỉ có người Tràng An thanh lịch. Người Nghệ An, Thanh Hóa, Sài Gòn vẫn thoải mái sống và làm việc. Một nền kinh tế thị trường, một thế giới chấp nhận sự cạnh tranh để làm động lực cho sự phát triển thì cần thiết có một tư duy mở, thoáng đãng, tránh cục bộ, đố kị hẹp hòi. Nước Mỹ hùng cường một phần vì biết phát triển chính sách đa sắc tộc, đa văn hóa. Người giỏi luôn có cơ hội, có vị trí xứng đáng, bất kể màu da và xuất thân ra sao.

Liệu có một Đặng Thái Sơn không, nếu như anh không được học tập tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, dưới sự hướng dẫn của những người thầy tài năng như Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov?

Liệu có một Ngô Bảo Châu không, nếu như anh không được đào tạo và nghiên cứu ở những trung tâm toán học hàng đầu thế giới?

Chẳng nói đâu xa, cứ kiểm kê lại chính sách trải thảm đỏ nhận thủ khoa sẽ rõ. Cũng là trọng dụng nhân tài về với địa phương đấy nhưng có cái gì đó hình thức, kiểu thùng rỗng kêu to, hời hợt và thiếu bền vững. Kết quả ra sao đến giờ này mọi người đều biết.

Cách đây khoảng trên chục năm, tôi nhớ không chính xác lắm, hình như tại Đồng Mô – Hà Nội, diễn ra một hội thảo khá lớn, quy tụ nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp (phần đông là Việt Kiều) để trả lời mỗi câu hỏi: Vì sao sau làn gió mát lành của ĐỔI MỚI, họ quay lại cố hương hăm hở, hào hứng bao nhiêu, thì khi ra đi, lại âm thầm và xót xa bấy nhiêu. Vì sao họ chán nản và rút dần khỏi Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản: Môi trường làm việc, nghiên cứu không có, trong khi lại đầy rẫy những thủ tục “rất Việt Nam”.

Chỉ lấy vài ví dụ gần đây ai cũng biết: Tàu ngầm Trường Sa, Yết Kiêu loay hoay, “lên bờ xuống ruộng” với biết bao thủ tục; tàu bay VAM 2 đắp chiếu nằm kho sống chung với nhện và bóng tối thay vì chao liệng trên bầu trời cùng nắng, gió và mây.

Vậy nên, thay vì trách cứ các em, mà cũng chẳng ai trách đâu, rằng sao không phụng sự tổ quốc, thì hãy hỏi làm cách nào để gỡ bỏ mọi rào cản, tạo mọi điều kiện để tài năng trở về nước. Và cũng chẳng nên bận tâm lắm với cuộc thi của truyền hình. Họ tạo ra sân chơi để phát hiện tài năng như thế cũng là quý lắm rồi.

Theo Ngô Thiệu Phong/VOV.VN

Giải mã chuyến đi Mỹ của Bí thư Hà Nội

Ông Phạm Quang Nghị thăm Mỹ

Ông Phạm Quang Nghị gặp gỡ Thượng nghị sỹ John McCain.

Chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiều tầng thông điệp mà giới quan sát trong và ngoài nước đang theo dõi.

Hôm 04/8/2014, Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích từ Úc, nói với BBC chuyến đi mang theo thông điệp của người lãnh đạo Đảng ở Việt Nam về vị trí của ông Nghị.

Ông Thayer nói: “Đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cho thấy ông Phạm Quang Nghị như là một ứng cử viên mà ông Trọng đề cử kế tục ghế Tổng Bí thư và ông Nghị cần kinh nghiệm đối ngoại. Đây là bước mở đầu để thử thách năng lực của ông.”

Theo nhà phân tích này, ông Nghị nay có thể đáp lại những ai trong Đảng thách thức ông về kinh nghiệm đối ngoại ở quốc tế.

GS Thayer nói thêm: “Trước những ai đặt dấu hỏi tại sao một ông Bí thư Thành ủy ở Hà Nội lại đi Mỹ, ông ấy định đạt mục đích gì. Nay ông Nghị có thể nói lại rằng ông ấy cũng có thể có quan điểm không kém cạnh gì so với một người trẻ hơn là ông Phạm Bình Minh, một người chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị.

“Nay ông ấy có thể nói với những ai chỉ trích rằng ông ấy đã ở Washington và ông ấy đã có kinh nghiệm.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cho thấy ông Phạm Quang Nghị là một ứng cử viên mà ông Trọng đề cử kế tục ghế Tổng Bí thư.

GS Carl Thayer

Theo nhà nghiên cứu từ Úc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể vẫn không từ bỏ mục tiêu là một ứng cử viên cho chức vụ Tổng Bí thư.

GS Thayer nói: “Tôi có tới Việt Nam trong nhiều chuyến đi gần đây. Việt Nam đang tiến hành nhiều cuộc họp ở Trung ương Đảng để tới gần hơn việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới.

“Có thông tin nói ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ được tạo cho một tư thế hợp thức, hợp lệ với việc quy chế giới hạn tuổi tác ở 65 tuổi có vẻ sẽ được gỡ bỏ với một hay hai cá nhân. Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là vẫn muốn và quan tâm tới chức vụ lãnh đạo cao cấp nhất đó của Đảng.”

Trở lại chuyến công du của ông Nghị tới Mỹ, theo nhà phân tích, Trung Quốc sẽ ‘quan tâm’ tới chuyến đi này.

“Tất nhiên là Trung Quốc quan tâm. Trung Quốc đang đọc những ý hướng chính trị trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam, và gần đây họ đã chứng kiến phản ứng kiên quyết, mạnh mẽ cả trong xã hội chống lại động thái gây hấn của Trung Quốc.

“Một trong những lý do và là lý do chính để rút sớm giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 là để ngăn chặn Việt Nam trở nên thường trực chống đối lại Trung Quốc. Việc rút giàn khoan làm tháo ngòi nổ tình thế, họ không chỉ rút giàn khoan mà cùng ngày hôm đó đã thả 13 ngư dân Việt Nam bị bắt.”

Nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đã không dự kiến được hết sự phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam, kể cả các ủy viên trong Bộ chính trị lẫn các cựu ủy viên và do đó họ đã thấy phải thay đổi để tránh sự thù địch và căng thẳng quá mức.

Ông Phạm Quang Nghị thăm Mỹ

Ông Phạm Quang Nghị cũng làm việc với một số tổ chức, hội phái chính trị ở Mỹ.

“Trung Quốc thấy là không thể để chiếm được một lô dầu khí với một mũi khoan mà mất đi cả một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” ông Thayer nói thêm.

‘Một giai đoạn mới’

Cũng về chuyến đi của ông Nghị, hôm thứ Hai, nhà phân tích chính trị Jonathan London từ Đại học Thành thị Hong Kong nói:

“Nhiều người suy đoán là nó có liên quan việc trong tương lai sắp tới, ông Phạm Quang Nghị cũng có thể thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và đó là một dịp để giới thiệu ông với các nước quan trọng như Mỹ chẳng hạn.

“Nhưng cũng có những người cho rằng việc ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ cho thấy có một phái nào đó trong lãnh đạo Việt Nam chưa sẵn sàng cho phép Bộ Ngoại giao quyết định quan hệ song phương giữa hai nước Việt – Mỹ.

Dù sao quan hệ của hai nước cũng đang phát triển một cách mạnh mẽ hơn so với trước.

PGS. TS. Jonathan London

“Dù sao đã có một lãnh đạo lớn của Đảng mà có thể là một trong những người sẽ có quyền lực lớn nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam sang Mỹ, thì dù sao quan hệ của hai nước cũng đang phát triển một cách mạnh mẽ hơn so với trước.

“Và chúng ta đang thấy sự phát triển song phương của quan hệ Mỹ – Việt đang đi vào một giai đoạn mới.”

Cũng hôm 04/8, một cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, đưa ra bình luận về chuyến đi của ông Nghị từ góc độ một thông điệp với Trung Quốc.

Ông Xương Hùng nói với BBC : “Việc ông Phạm Quang đi Mỹ thể hiện rất rõ ‘hội chứng Nguyễn Cơ Thạch’ vẫn còn đang có tác dụng ở trong giới lãnh đạo của Việt Nam. Nó như một tín hiệu đối với Trung Quốc rằng chúng tôi xử lý vấn đề với Mỹ cũng nằm trong chính sách đối xử với Trung Quốc, chứ không lệch khỏi con đường mà Trung Quốc có thể không kiểm soát được.”

‘Gõ cửa phương Tây’

Hội nghị Thành Đô

Một số nhà quan sát nói hội nghị Thành Đô khiến Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc

Ông Hùng giữ quan điểm cho rằng ông Nguyễn Cơ Thạch mất ghế bộ trưởng ngoại giao sau hội nghị Thành Đô 1990 vì ông bị Trung Quốc cho là nhân vật chống Bắc Kinh.

Ông Xương Hùng nói thêm: “Việc cử ông Phạm Quang Nghị đi cũng còn có một ý khác rằng ông Phạm Quang Nghị sẽ là một nhân vật rất quan trọng của Việt Nam trong quan hệ đối với Mỹ.

“Cái thông điệp hơi thâm, lấy một người lãnh đạo Đảng để thay thế một người lãnh đạo nhà nước đi thăm nước Mỹ. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chính sách của Việt Nam cho đến bây giờ vẫn chưa thay đổi, vẫn đánh đu trong quan hệ giữa hai nước này, mà họ không có tư tưởng rằng mối quan hệ phải tạo ra một niềm tin, tạo ra sự tin cậy.”

Hôm thứ Hai, một chuyên gia ở Hà Nội nghiên cứu về chính sách quan hệ ngoại giao của Việt Nam, muốn giấu tên, nói với BBC:

“Việc ông Nghị đi Mỹ là một tín hiệu phức tạp. Tín hiệu này cho thấy phe bảo thủ trong Đảng có vẻ muốn chủ động và trực tiếp hơn trong quan hệ với Mỹ, trong lúc cả đối sách của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ hậu vụ giàn khoan còn chưa rõ ràng.

“Và chính sự chưa rõ ràng này cũng có thể là một tín hiệu làm Trung Quốc quan tâm hơn. Đó là nếu anh gây áp lực quá mạnh, ngay phe bảo thủ, thân hữu về ý thức hệ với Trung Quốc cũng có thể sẽ bị lay chuyển lập trường và gõ cửa phương Tây,” ý kiến này nói với BBC.

20 đại học kinh doanh tốt nhất Mỹ năm 2014

Trường Đại học Stanford đã lần thứ hai vượt qua các đối thủ khác ở bờ Đông Hoa Kỳ để giành vị trí trong top các trường đại học kinh doanh hàng đầu năm 2014 do Forbes bình chọn. Tầm ảnh hưởng của Silicon Valley đã mở rộng ra khắp California khi bang này có đến một nửa trong top 10 trường đầu tiên của danh sách này.
Forbes xếp hạng những trường đại học kinh tế dựa trên tỷ lệ kinh doanh của mỗi trường – số lượng cựu sinh viên và sinh viên thành công trong việc trở thành một nhà kinh doanh hay nhà sáng lập, so với tổng số học viên của trường (đã tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp) do Linked cung cấp.
Sau đây là 20 trường nằm trong danh sách của Forbes và những điểm đặc biệt của chúng:
1. Đại học Stanford

Các nhà kinh doanh tốt nghiệp từ đây thường bắt đầu công việc ngay cả khi còn chưa có bằng cấp. Trong số đó có những doanh nhân nổi tiếng như Larry Page và Sergey Brin với Google; Jerry Yang và David Filo với Yahoo; Evan Spiegel và Snapchat… 2. Học viện Công nghệ Massachusetts

Cuộc thi dành cho các học viên doanh nhân, với giải thưởng là 100.000 đô la ở học viện này đã dẫn đến việc thành lập của hơn 130 công ty và 2.500 việc làm.
3. Đại học California, Berkeley

Berkeley có ba khu vườn mới mở trong khuôn viên trường, bao gồm cả SkyDeck. Đây là một nỗ lực của văn phòng nghiên cứu cùng các trường kinh doanh và kỹ thuật của trường này.
4. Đại học Cornell

Được thành lập vào năm 2001, hệ thống mạng doanh nhân Cornell đã tổ chức hàng trăm sự kiện cho 20.000 cựu sinh viên, sinh viên, nhân viên, phụ huynh và bạn bè của họ.
5. Đại học California, Los Angeles (UCLA)

Đại học bang UCLA là nơi tổ chức thứ hai của cuộc thi lập trình hàng năm ở LA, với sự tham gia của 4.000 lập trình viên.
6. Học viện Công nghệ California

Caltech tự hào vì có 32 cựu sinh viên và giảng viên đoạt giải Nobel trong tổng số chưa đến 2.300 sinh viên ở Pasadena.
7. Đại học Brown

Giáo sư nổi tiếng Barrett Hazeltine đã dạy kinh tế và kỹ thuật ở đây trong khoảng nửa thế kỷ. Trong số học trò của ông có những nhà sáng lập Nantucket Nectars.
8. Đại học Princeton

Jeff Bezos tài năng từng là chủ tịch của Hội học sinh Khai thác và Phát triển Vũ trụ tại trường đại học này. Ông đã đóng góp 15 triệu đô la xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học thần kinh ở đây.
9. Đại học Pepperdine

Liên kết với hội Nhà thờ Thiên chúa giáo, Đại học Pepperdine – một trường đại học tư của California, từng là nơi mà nhà sáng lập ra eHarmony, Neil Clark Warren theo học.
10. Cao đẳng Darthmouth

Mạng lưới Kinh doanh Darthmouth (DEN) đã hỗ trợ cho hơn 500 dự án và công ty từ năm 2001.
11. Viện Bách khoa Rensselaer (RIP)

RIP, thành lập ở Troy, New York vào năm 1824, là trường đại học công nghệ và khoa học lâu đời nhất trong “thế giới nói tiếng Anh”.
12. Đại học Yale

Ông trùm viễn thông John Malone khởi đầu là một sinh viên kỹ sư điện tại Yale; từ đó đến nay ông đã quyên góp 74 triệu đô la cho trường đại học này.
13. Đại học Clark

Matthew Goldman đã biến những bài học kinh tế ở Clark thành Blue Man Group – chương trình triệu đô trên toàn quốc, mà ông là người đồng sáng lập.
14. Đại học Syracuse

Cổ phần khổng lồ của Daniel D’Aniello – một sinh viên tốt nghiệp hạng ưu của trường, được dùng để tài trợ cho chương trình thực tập, cung cấp kinh nghiệm kinh doanh cho 20 sinh viên hằng năm.
15. Đại học Southern Methodist (SMU)

Những sinh viên được chọn ở trường kinh tế của SMU được học về những kinh nghiệm đầu tư mạo hiểm thông qua việc điều hành Quỹ Liên doanh mạo hiểm Cox MBA.
16. Đại học New York (NYU)

NYU sẽ mở một phòng Lab Doanh nhân rộng tới 179.832 mét vuông, ở ngay trung tâm Làng Greenwich vào mùa thu này để các sinh viên có thể trao đổi ý tưởng với nhau.
17. Đại học Howard

Sean “Diddy” Combs đã lấy bằng tiến sĩ danh dự của mình vào đầu năm nay, sau gần 25 năm bỏ học khỏi đây để xây dựng đế chế âm nhạc riêng của ông.
18. Đại học bang San Diego (SDSU)

Nhà đồng sáng lập Rubio’s Grill, Ralph Rubio, thưởng thức món taco cá đầu tiên của mình vào kì nghỉ xuân ở SDSU; công ty này hiện đang sở hữu hơn 190 nhà hàng trên toàn Hoa Kỳ.
19. Đại học Colorado, Boulder

Trường đại học này được Blackstone Group đầu tư 4 triệu đô la để xây đựng một mạng lưới doanh nhân cho toàn bang.
20. Đại học California, Santa Barbara (UCSB)

Vào tháng bảy, UCSB và thành phố lân cận Goleta đã cho xây dựng một vườn ươm rộng 137.160 mét vuông tại Oldtown Goleta.
Những trường đại học còn lại nằm trong top 50:21. Đại học San Francisco
22. Đại học Nam California
23. Đại học Texas ở Austin
24. Đại học Carnegie Mellon
25. Đại học Miami
26. Đại học Northwestern
27. Đại học Denver
28. Đại học Boston
29. Đại học Mỹ
30. Đại học Brigham Young
31. Đại học Miami – Oxford
32. Đại học Brandeis
33. Học viện Công nghệ Florida
34. Đại học Harvard
35. Đại học Maryland – College Park
36. Đại học Hofstra
37. Nam Illinois Đại học Carbondale
38. Đại học Tulsa
39. Đại học Tufts
40. Đại học Michigan – Ann Arbor
41. Đại học Notre Dame
42. Đại học Pennsylvania
43. Đại học Washington – Seatle
44. Đại học Clarkson
45. Đại học Lehigh
46. Đại học bang Pennsylvania
47. Đại học San Diego
48. Cao đẳng Boston
49. Đại học bang Colorado
50. Đại học Rice.

@Doanhnhansaigon

Bốn lãnh đạo Việt tuổi trẻ, tài cao lại đẹp trai như tài tử

Linh San

anle20 : Rất tiếc bài này đã được báo Người Đưa Tin gỡ bỏ ngay sau khi đăng.

Tại sao bài báo lại bị rút xuống ? Chứng tỏ chuyện đề bạt này có chuyện khuất tất ,gian dối !

Ông Nguyễn Bá Cảnh, Nguyễn Minh Triết, Lê Trương Hải Hiếu, Nguyễn Thanh Nghị là những quan chức tuổi trẻ tài cao và đẹp trai như tài tử điện ảnh của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Cảnh – Thành ủy viên trẻ nhất của Thành uỷ Đà Nẵng

Ông Nguyễn Bá Cảnh (31 tuổi, quê Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) – con trai của Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh vừa được chỉ định vào Thành ủy Đà Nẵng.


Ông Nguyễn Bá Cảnh – Thành ủy viên trẻ nhất của Thành uỷ Đà Nẵng.Trong danh sách 4 Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng vừa được chỉ định, ông Nguyễn Bá Cảnh là người trẻ nhất.

Ông Nguyễn Bá Cảnh từng là học sinh xuất sắc của Trường THPT Phan Chu Trinh.

qdz1406979908.jpg
Ông Nguyễn Bá Cảnh (phải) trong ngày được bầu làm Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng (4/2/2013).Ông thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với số điểm cao, từng đi du học và có trình độ thạc sĩ quản lý công, cao cấp chính trị.

Trước đó, ông Cảnh từng đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng, Phó bí thư, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng.

Ths. Nguyễn Minh Triết – Phó bí thư tỉnh đoàn Bình Định 24 tuổi

Như tin tức đã đưa từ trước, thạc sỹ Nguyễn Minh Triết sinh năm 1990, con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được T.Ư Đoàn cử về Tỉnh đoàn Bình Định từ tháng 6 vừa rồi.

sgk1406979908.jpg
Anh Nguyễn Minh Triết (áo trắng) làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định nhiệm kỳ 2013 – 2017.Thạc sỹ Nguyễn Minh Triết là Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam.

Anh Triết từng là học sinh chuyên Lý trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), sang Anh từ năm 2004 và học A-level (dự bị đại học) ở Michael College.

Năm 2006, anh bắt đầu học tập tại Đại học Queen Mary cho tới 2009.

Sau 7 năm tu nghiệp ngành kỹ thuật hàng không và chế tạo máy,Minh Triết được cấp bằng Thạc sỹ Kỹ thuật Ðộng cơ Siêu thanh.

Minh Triết được Ðại Học Queen Mary (London) cấp học bổng học tiếp tiến sĩ, làm giảng viên cùng những cơ hội công việc hấp dẫn khác, nhưng anh chọn trở về Việt Nam để cống hiến tuổi trẻ cho quê hương đất nước. Việc thạc sỹ Nguyễn Minh Triết, 23 tuổi, thủ lĩnh của hơn 7.500 du học sinh Việt Nam tại Anh, bất ngờ về nước làm cán bộ Đoàn khiến bạn bè ngỡ ngàng.

Ông Lê Trương Hải Hiếu – Phó Chủ tịch quận 1, TP.HCM

Ông Lê Trương Hải Hiếu sinh năm 1981, là con trai của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM.

Ông từng theo học khoa Luật thương mại (ĐH Luật TP.HCM), 4 năm liền tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh với vai trò thủ lĩnh.

nef1406979908.jpg
Ông Lê Trương Hải Hiếu Phó Chủ tịch quận 1, TP.HCM.Từ 2005 đến 2007, ông Hiếu được thành phố cử đi học cao học ngành Quản trị kinh doanh ở Mỹ, từ một chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ của Thành ủy.

Về nước, ông Hiếu công tác tại Thành đoàn TP.HCM, sau đó làm Bí thư Quận đoàn 1. Trước khi trở thành Phó chủ tịch quận 1, ông Hiếu là Bí thư phường Bến Thành (quận 1).

Ông Lê Trương Hải Hiếu cũng được biết đến là cán bộ trẻ năng động thế hệ 8x với nhiều sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính khi làm Bí thư phường, Đáng chú ý là việc áp dụng phần mềm điện tử quản lý dân cư bằng dấu vân tay.

Ông Nguyễn Thanh Nghị – Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang

Từ tháng 3, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị (SN 1976, quê Cà Mau, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) được Bộ Chính trị điều động về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

rph1406979908.jpg
Ông Nguyễn Thanh Nghị – Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Trước khi công tác tại Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị là phó hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM. Ông Nghị có bằng tiến sĩ tại Đại học George Washington (Hoa Kỳ), ông giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng từ tháng 11/2011 khi mới 35 tuổi.Ông Nghị hiện 38 tuổi, là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, xuất thân từ gia đình truyền thống cách mạng. Ông là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Linh San

Nguyễn Sơn Bá – Ai nói Đảng Cộng Sản lãnh đạo?

Nguyễn Sơn Bá

“…Do vậy chúng ta nên hoan nghênh thái độ và hành động can trường của các vị đã ký tên vào Thư Ngỏ nêu trên. Bất chấp hiệu quả của việc làm, họ chấp nhận hứng chịu tất cả các hậu quả mà thái độ, hành động của họ có thể đưa đến. Đó là một thái độ anh hùng…”

Ngày 28/07/2014 có bức thư ngỏ của 61 đảng viên gửi lên Ban Chấp Hành Trung Ương và toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Về phần nội dung, các người ký tên nêu lên một số nhận định về tính cách thiếu dân chủ và những sai lầm của Đảng trong nhiệm vụ lãnh đạo đất nước. Những sai lầm này đã đưa đến tình trạng thoái hóa hiện nay trong các cơ quan chính quyền cũng như trong xã hội. Nạn tham nhũng lan tràn và đất nước Việt Nam bị đưa vào thế lệ thuộc Trung Quốc.

Họ yêu cầu Đảng phải nhanh chóng thay đổi, từ bỏ chế độ cộng sản toàn trị để chuyển sang đường lối dân chủ và dân tộc. Đồng thời họ yêu cầu Ban lãnh đạo có sự trong sáng hơn trong quan hệ với Trung Quốc và công bố những hiệp ước đã được ký kết như những thỏa thuận với Bắc Kinh ở Hội Nghị Thành Đô năm 1990 và nhanh chóng kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan, ra Toà Án Quốc Tế.

Đây là lần đầu tiên, một tập thể trong Đảng cộng sản Việt Nam, lấy tư cách thành viên, lên tiếng, không phải để van xin góp ý mà để yêu cầu, đòi Ban lãnh đạo Đảng phải làm một số việc mà họ cho là đúng với chức năng và nghĩa vụ của một đảng cầm quyền. Trong tập thể này, có sự hiện diện tiêu biểu cho 3 thế hệ đảng viên, có người gia nhập Đảng từ năm 1939 đến những người vào trong năm 1996. Họ đại diện cho một đa số thầm lặng chưa muốn hoặc chưa dám phát biểu. Vẫn còn một số đảng viên chưa dám quyết định lấy lại quyền tự do cá nhân của mình vì lý đó này hay lý do khác.

Có lẽ mọi người còn nhớ, đến nay các thành phần trong xã hội, từ nhân sĩ đến trí thức hoặc đảng viên, khi có bất đồng chính kiến, chỉ dám van xin kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Và tất cả các văn kiện gửi lên đều bị vứt thẳng vào sọt rác và không bao giờ được hồi âm. Thêm vào đó, họ chẳng được những người mà họ chống đối coi trọng vì họ vẫn còn nằm trong vị thế thần phục. Tư cách họ kém cả những người dân oan.

Do vậy chúng ta nên hoan nghênh thái độ và hành động can trường của các vị đã ký tên vào Thư Ngỏ nêu trên. Bất chấp hiệu quả của việc làm, họ chấp nhận hứng chịu tất cả các hậu quả mà thái độ, hành động của họ có thể đưa đến. Đó là một thái độ anh hùng của những con người còn chút lương tâm và lý tưởng trong một tổ chức mà đại đa số các thành viên chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân và nếu cần thì đem bán cả lương tâm và cả nước.

Chúng ta cũng nên mừng cho họ vì họ đã thắng được nỗi sợ và sự hù dọa, thắng được cái ích kỷ cá nhân, bỏ qua lợi ích riêng để phục vụ quyền lợi tập thể của xã hội mà họ là một thành viên. Họ đã giành lại cho họ quyền Tự Do và lấy lại sự Tự Trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn có những điều làm cho chúng ta thất vọng, khi họ đề cập đến Đảng. Không rõ vì họ nhằm lẫn, chưa hiểu, hoặc đã hiểu nhưng chưa tiện nói ra vì sự việc quá phũ phàng. Đó là điều quan trọng mà họ biết từ trong nội bộ Đảng nhưng vẫn không công bố để cho mọi người được rõ:

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chết từ lâu. Nó đã chết từ khi nó mất chính nghĩa và lý tưởng, từ khi nó cai trị đất nước không phải vì nước vì dân, từ khi quyền lực trong Đảng bị các phe nhóm cướp lấy để phục vụ quyền lợi cá nhân. Một đảng chính trị là một tổ chức trong đó các thành viên tham gia để đóng góp vào việc xây dựng một lý tưởng chung chứ không phải để chia phần một tài sản vừa cướp được hay sẽ lấy được. Đó chỉ là một tổ chức băng đảng chứ không còn là một tổ chức chính trị.

Do vây, nếu 61 vị ký tên trên bức thư ngỏ chưa ý thức được điều này, họ sai lầm rất lớn. Cái đảng cộng sản mà các vị đề nghị thay đổi chỉ là một cái xác không hồn mà các tập đoàn thời cơ lợi ích mượn danh để thay phiên nhau thống trị đất nước. Nó là nơi đào tạo một giai cấp mới đang lên của các thành phần tư sản đỏ, làm giàu do tham nhũng, cướp của công và cướp của dân. Màu cờ của Cộng sản Việt Nam đã trở thành màu cờ của Tư sản đỏ.

Ngoài ra, nếu họ nghĩ rằng, một ngày đẹp trời nào đó, sẽ có dân chủ trong nội bộ Đảng cộng sản, họ lại thêm một sai lầm khác. Vì từ lâu Đảng không còn là một tổ chức của các đảng viên, không nhằm vào mục đích thực hiện lý tưởng chung của đoàn thể mà chỉ là một công cụ của tập đoàn lãnh đạo độc tài.

Và có một điều mà tự họ đã thấy nhưng không nói ra trong bức thư này là trong những năm gần đây, tất cả các quyền lực trong nước cũng như trong Đảng đã tập trung vào trong tay một số người ngày càng ít và hiện nay chỉ còn một, là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông là hậu duệ của ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ Tịch Nước, Thường trực Bộ Chính Trị phụ trách quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Ông Dũng đã nắm lấy tất cả quyền lực trong tay từ công an đến quân đội và ngoại giao nhờ người cha nuôi và đám đàn em, như ông Phùng Quang Thanh đệ tử của ông Lê Đức Anh và ông Phạm Bình Minh là đàn em.

Ngày nay trong Đảng cộng sản, cái cụm từ « lãnh đạo tập thể » trở thành trống rỗng.

Từ độc tài tập thể, chính quyền Hà Nội đã trở thành độc tại cá nhân. Quyền thế của ông Dũng bây giờ còn hơn cả Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch Quốc hội, và cả ba ông cộng lại. Chính các vị này cũng biết thân nên chẳng dám kêu ca gì cả. Ngay cả trong tổ chức Đảng, những cơ cấu đầu não từ Ban Chấp hành Trung Ương đến Ban Bí Thư chỉ còn là những công cụ thi hành các chỉ thị của Ông. Ông nằm trên cả bản Hiến pháp được biểu quyết năm 2013 trong đó có quy định Chủ Tịch Nước là cơ quan quyền lực cao nhất và Đảng lãnh đạo.

Bây giờ Đảng không còn là cái gì cả, vì ông Dũng có thể nói Đảng là « tao » như ông Lê Đức Thọ đã từng nói trước đây. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành một vị Vua của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đất nước là của Ông, đất của Ông, Ông muốn lấy lúc nào cũng được (các dân oan rõ tình trạng này hơn ai hết) và Nước của Ông, Ông muốn bán cho ai cũng được.

Nói tóm lại, trong những nhân định được nêu ra trong Bức Thư Ngỏ của 61 vị đảng viên cộng sản, có một nhận định cốt lõi mà các vị không nêu lên là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cáo chung từ lâu.

Sự kiện này cần được thông báo cho mọi người biết, đặc biệt là cho các thành phần dân chủ yêu nước vì cái việc mà họ đòi hỏi từ bấy lâu nay, bây giờ đã thành hiện thực. Điều 4 của Hiến Pháp « Đảng lãnh đạo » nay đã bị xóa bỏ, không còn thực chất nữa. Đảng đã chết và ông Dũng thay thế Đảng để lãnh đạo.

Tổ chức hiện nay còn lại chỉ là sự hỗn hợp của 2 loại thành phần. Một bên là những phần tử chẳng có công lao gì trong cuộc cách mạng thống nhất đất nước, chỉ vào Đảng vì lợi ích, để tiến thân và làm giàu. Bên kia là những đảng viên tiếc nhớ thời kỳ oan liệt khi họ còn đấu tranh cho một lý tưởng, một chủ nghĩa. Bây giờ mặc dù họ biết lý tưởng và chủ nghĩa đó sai nhưng vẫn cố bám víu vào một dĩ vãng đã phai mờ. Họ tiếc hối vì họ đã bỏ công để đóng góp xây dựng cái gì đó mà đến giờ họ mới biết là mộng tưởng. Họ không nên vì vậy mà tự che mắt để không nhìn thấy một sự thật hiển nhiên. Có thể nói là nếu dân là nạn nhân của chế độ, họ là con tin của Đảng và của chính họ.

Hiện nay Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ còn là một tấm bình phong được dùng để bao che hành động của một tập đoàn thời cơ và lợi ích mà ông Dũng đã tạo dựng và là người đứng đầu.

Bây giờ tiếng nói của ông Dũng là tiếng nói của Đảng vì Đảng là ông Dũng. Chỉ có ông Dũng và tập đoàn cơ hội còn cần dựng hình ảnh của Đảng lên để núp sau lưng và có lý cớ để tiếp tục làm những chuyện tai hại cho đất nước mà trước nay ông vẫn làm, nghĩa là đàn áp dã man các thành phần yêu nước, tham nhũng và nối giáo với ngoại bang với chiêu bài để bảo vệ Đảng.

Thật ra Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chết từ lâu. Nó không lãnh đạo gì cả. Cái tổ chức mà chúng ta nhìn thấy hiện nay chỉ là nơi tập trung của những con tin và một đám lâu la mà “Anh Tư” là lãnh tụ.

Xin hỏi toàn thể các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam : vì sao Đảng đã chết? Có phải các tập đoàn lợi ích độc tài bán nước đã giết Đảng hay không?

Nguyễn Sơn Bá
01/08/2014

TQ ‘giương móng vuốt bắt con hổ họ Chu’

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức thông báo điều tra một trong những chính trị gia quyền uy nhất, cựu lãnh đạo an ninh Chu Vĩnh Khang.

Trong động thái chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình đã chiến thắng trong trận đấu khó khăn giành quyền chỉ huy tối cao, Tân Hoa xã nói ông Chu sẽ bị điều tra do các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cách nói để ám chỉ tội tham nhũng.

“Không cần biết con hổ to như thế nào, một khi vi phạm pháp luật… và vi phạm luật lệ đảng, con hổ đó sẽ khó có thể thoát được lồng sắt.”

Đây là phán quyết từ cơ quan ngôn luận của đảng, Nhân dân Nhật báo, khi đưa tin về vụ điều tra ông Chu Vĩnh Khang.

Nhưng với sự bẽ bàng của ông ta, chính trị Trung Quốc bước vào giai đoạn chưa từng có. Ông Chu là chính trị gia cấp cao nhất bị làm nhục theo cách này trong nhiều thập niên qua.

Trong giai đoạn đổi mới từ 35 năm qua, có bộ quy tắc không thành văn rằng những người mới lên nắm quyền không tấn công những người đã rời chức, nỗ lực nhằm tránh tình trạng thanh trừng chính trị man rợ trong thời Mao.

Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu sau khi điều hành mạng lưới an ninh đầy quyền lực cùng lúc với ông Tập Cận Bình được thăng chức lãnh đạo Đảng năm 2012.

Nhưng với thông báo về vụ điều tra ông Chu, Chủ tịch Tập đã xé bỏ bộ quy tắc dành riêng cho chính giới cấp cao Trung Quốc, và các chính trị gia quyền lực một thời khác đang lo lắng mình có thể là người tiếp theo.

Ông Chu Vĩnh Khang thời còn làm lãnh đạo công an

Biến mất trước công chúng

Chu Vĩnh Khang nổi lên từ một gia đình nghèo và trở thành k‎ỹ sư ngành dầu khí, dần thăng tiến qua các cấp bậc trong đảng để lên nắm công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc rồi sau đó dẫn dắt Tứ Xuyên, tỉnh lỵ có 80 triệu dân.

Đỉnh cao sự nghiệp của ông là chiếc ghế trong đội ngũ chính trị cao nhất của đảng, Ủy viên thường trực Bộ chính trị.

Ngoài ngôi làng ở quê nhà, khó có thể nói ông là người được yêu quý ở Trung Quốc, nhưng tới năm 2012, ông có thể đạt được cái tiếng là người đáng sợ nhất.

Thông báo từ cơ quan thông tấn chính thống của Trung Quốc không ghi rõ chi tiết các cáo buộc đối với ông Chu.

Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng, số phận của ông đã được định đoạt khi người mà ông bảo trợ, Bạc Hy Lai, thất thế sau việc vợ ông liên quan tới vụ sát hại một doanh nhân người Anh đầy tai tiếng.

Rõ ràng là ông Chu Vĩnh Khang đã gặp rắc rối khi bỗng biến mất trước công chúng từ năm ngoái.

Trong những tháng sau đó, tên tuổi ông không được truyền thông Trung Quốc nhắc tới, nhưng lần lượt các đồng minh chính trị của ông, trong ngành dầu khí, ở tỉnh Tứ Xuyên hay trong bộ máy an ninh, đều trở thành con mồi cho chiến dịch chống tham nhũng ngày càng khốc liệt.

Các thành viên gia đình, tài xế, vệ sỹ, và những người được ông bảo trợ cũng bị sa lưới. Thông báo điều tra ông chỉ là vấn đề thời gian.

Vụ xử Bạc Hy Lai khiến nhiều nhân vật sửng sốt

‘Cả hổ lẫn ruồi’

Hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc thiếu hệ thống bầu cử để có chỗ cho người mới và ý tưởng mới và chiến dịch chống tham nhũng thường được coi là phương thức tiện lợi để lãnh đạo mới khống chế đối thủ và củng cố quyền lực.

Nhưng khi làm nhục một nhân vật cấp cao đến thế, ông Tập Cận Bình đang đánh tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông rất khác.

Suốt nhiều năm, các lãnh đạo Đảng Cộng sản đã cảnh báo rằng tham nhũng tràn lan là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của đảng. Khó phóng đại nghi ngờ sâu sắc của dân chúng đối với tầng lớp lãnh đạo.

Khi kinh tế phát triển mạnh, các quan chức cấp cao vơ vét hàng tỷ từ tài sản công, rất nhiều trong số đó giấu của trong các tài khoản và tài sản ở nước ngoài.

Các chỉ trích gia cáo buộc ông Tập là người giả nhân giả nghĩa khi một số người trong gia đình ông trở nên giàu có hơn trong những năm gần đây.

Nhưng tuyên bố quyết tâm trị “cả hổ lẫn ruồi” của ông đã được sự ủng hộ của dân chúng và gửi tín hiệu tới hệ thống đảng và chính quyền rằng ông thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề tư lợi, đặc biệt là với những ai có thể có ý định cản trở kế hoạch đổi mới kinh tế của ông.

Hàng ngàn quan chức đã bị điều tra và không có dấu hiệu cho thấy chiến dịch này sẽ ngưng lại.

Nhân dân Nhật báo viết hôm 29/07: “Tình hình vẫn dữ dội và phức tạp… Đấu tranh chống tham nhũng sẽ không kết thúc. Lôi được Chu Vĩnh Khang ra không phải là hết. Đây chỉ là một bước, một giai đoạn. Bất kỳ ai tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt.”

Với ông Tập Cận Bình, đây là chiến thắng cá nhân quan trọng. Ông đã kết liễu những nghi ngại về việc liệu ông có thể hạ một trong những “con hổ” lớn nhất này và chứng tỏ mình là người đứng đầu mạnh mẽ không ai địch nổi.

Nhưng một bình luận trên mạng xã hội đưa ra vào đêm có thông báo điều tra rằng liệu ông Chu có thực sự là “vua của bầy hổ hay cũng chỉ là một con hổ thường mà thôi?” Và rất nhiều người Trung Quốc khác đồn đoán về “bầy hổ” còn lại vẫn đang tự do, những cựu lãnh đạo hay lãnh đạo đương chức che chắn cho các đế chế doanh nghiệp tham nhũng của người trong gia đình.

Hơn nữa, thông báo này chẳng có gì là cứu vãn danh tiếng của Đảng cả.

Cú đánh chính trị trọng đại lại chỉ được chuyển tải bằng một dòng ngắn gọn trên các cơ quan thông tấn và truyền thông nhà nước cho thấy người Trung Quốc hay công chúng thế giới vẫn chỉ được phép biết ít ỏi về các vấn đề nội chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.