Nhân bức thư ngỏ của 61 đảng viên kỳ cựu Đảng Cộng sản Việt Nam: dân chủ trong Đảng với chọn lựa gì?

Nam Dao
430041_10151104992663359_1881741336_n.jpg
                                                                                                                                                                                          
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bức thư ngỏ của 61 vị đảng viên là một động viên rất lớn cho những người đang đau đáu âu lo về sự tồn vong của dân tộc Việt Nam trước nguy cơ xâm lăng phương Bắc. Bức thư kêu gọi thể hiện dân chủ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi tiến hành Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2006. Trong ý nghĩa dân chủ như cơ chế cho phép từng thành viên tiến tới một quyết định chung, đầu tiên là phải hỏi họ có những chọn lựa nào. Quyết định có tác động xã hội rộng khắp, sâu xa, cao nhất là thể chế chính trị một đất nước. Chọn lựa gì là câu hỏi buộc phải đề xuất minh bạch. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng lãnh đạo theo Hiến Pháp 2013, phải chọn lựa giữa hai giải pháp đối cực: 1- Thể chế dân chủ pháp trị (hệ luận là Thoát Trung, dứt khoát không mô phỏng chế độ chính trị Trung Quốc) và 2- Tiếp tục thể chế độc quyền đảng trị, giải pháp có thể gọi là Thuộc Trung, tái lập Việt Nam ở cấp quận huyện của xã hội Trung Quốc với tất cả những hệ lụy lệ thuộc về văn hóa, chính trị, kinh tế và quân sự, ngoại giao.

Bức thư ngỏ kêu gọi giải pháp 1: những đảng viên và những thành viên khác trong xã hội nếu chia sẻ giải pháp này phải tiếp sức bằng những thảo luận về phương cách Thoát Trung. Lấy một thí dụ về kinh tế: giảm lệ thuộc Trung Quốc bằng cách tìm nguồn nhập khẩu mới (từ những nước ASEAN chẳng hạn) và thay dần nhập khẩu (import- substitution) những nguyên vật liệu (da giày, vải vóc, phụ liệu trong công nghiệp nhẹ…); kiểm soát việc nhập cư nguồn lao động từ Trung Quốc và thay thế những người nhập cư trái phép; hủy bỏ hoặc thương lượng lại những dự án Trung Quốc trúng thầu nhưng đình đốn triển khai; tìm phương án bảo vệ nông sản phẩm bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn… Xin nhắc ý Đức Thánh Trần 6 thế kỷ trước: “…nếu chúng ào ạt vào thì không sợ. Nhưng sợ nhất là chúng từng bước xâm lấn, như tằm ăn dâu…’’. Mười năm nay tằm vào gặm dâu từ Bắc chí Nam, nhả bùa tham nhũng, bằng mọi thủ đoạn quận huyện hóa nền kinh tế Việt Nam.

Giải pháp Thuộc Trung đã dẫn xã hội Việt Nam đến đâu? Có phải là đến tình trạng hiện tại với một nền kinh tế oèo oặt không hiệu quả, tham nhũng tràn lan, đạo đức suy thoái, xã hội gần như mất định hướng, khiếp nhược trước họa xâm lăng, đối ngoại không nguyên tắc làm mất lòng tin của nhiều đối tác có khả năng là bạn trong thế giới hội nhập toàn cầu hiện nay? Mặt khác, và rất quan trọng, là chính nền kinh tế Trung Quốc hiện đang chênh vênh, bong bóng bất động sản có thể bùng nổ (40% xây dựng tồn đọng không ai mua) kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng ăm ắp nợ xấu. Tiếng là giàu (khi chỉ nhìn GDP, hiện là một khái niệm gây tranh cãi), nhưng Trung Quốc thực sự không có miếng: những sản phẩm công nghệ cao như Iphone làm ra, bán khoảng 200 USD một đơn vị thì Trung Quốc chỉ thu về được 7 USD chi phí cho lắp ráp, phần còn lại là tiền mua những linh kiện về bộ nhớ, hình ảnh, v.v. từ Âu-Mỹ. Đây chỉ là một thí dụ trong rất nhiều gợi ra để nói cho ngay, kinh tế Trung Quốc chủ yếu vẫn còn là kinh tế gia công. Hiện lương lao động Trung Quốc tăng, nhiều doanh nghiệp từ từ chuyển khỏi Trung Quốc đến những nơi lao động rẻ, nạn thất nghiệp tạo áp lực trên phân bố lợi tức vốn rất bất bình đẳng (1% người giàu kiểm soát gần 30% GDP) và có thể gây bạo loạn ở một số địa phương phía Bắc và Tây Bắc… Mô phỏng mô hình kinh tế Trung Quốc sẽ đưa Việt Nam đến vực bờ một sụp đổ trong tương lai không mấy xa.

Về những mặt văn hoá, quân sự, ngoạo giao, thiển nghĩ các nhân sĩ và chuyên gia uy tín trong nước cũng như hải ngoại cùng nhau nói tiếng nói trung thực nay là chuyện gấp rút phải làm. Trong thời đại Internet, những người theo giải pháp 2 buộc phải lên tiếng. Và trước toàn dân, xin nhắc “Khôn không qua lẽ, khoẻ chẳng qua lời’’. Những phản biện trong một thế giới đa nguyên với thông tin mở sẽ là một cách vừa chấn dân khí, vừa mở dân trí. Với một lực lượng “dư luận viên” khá đông đảo, chắc chắn giải pháp 2 sẽ được một giàn hòa tấu tung hô với mọi cung nhịp rôm rả.

Cuộc luận chiến giữa hai giải pháp cho phép những đảng viên ở mọi cấp cơ sở, từ những Bộ, Ban, Ngành cho đến các địa phương, tiếp cận với lý lẽ, sai trái, và từ đó chọn lựa giải pháp của mình. Xin nhớ, những đảng viên này sẽ bầu Đại biểu, và những người này sẽ cùng những ủy viên Trung ương khóa XI bầu ra ủy viên Trung ương khóa XII. Ngay chuyện bầu những người đại biểu này cũng không nên áp đặt mệnh lệnh, phải tôn trọng tính dân chủ, để mỗi thành viên tự mình quyết định trên cơ sở lợi hại của sự lựa chọn giữa hai giải pháp 1 và 2 nói trên. Có thể trước Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Trung ương bàn về quan hệ Việt Nam -Trung Quốc. Nhân dân hẳn hết lòng mong mỏi trong hội nghị này nguyên tắc dân chủ cũng sẽ được tuân thủ.

Tình thế đất nước trước sự xâm lấn lãnh thổ lãnh hải Việt Nam do Trung Quốc mưu đồ từ thời Hội nghị Thành Đô khiến lòng yêu nước của nhiều tầng lớp nhân dân sôi sục. Bức thư ngỏ của 61 đảng viên kỳ cựu là một bước tích cực, cần nhưng ai cũng rõ là chưa đủ. Trong số những nhà bình luận, có người cho rằng bức thư vẫn nặng tâm thế kiến nghị “xin, cho’’ hoà hoãn, có người bảo bức thư không thực tiễn, chỉ là tiếng kêu suông của một bầy chim trong nắng quái chiều tà.

Nhưng còn nắng, cứ nắng.

Còn kêu được, cứ kêu.

Nếu không đến đâu thì chỉ còn một kết luận, như Yeltsin đã làm ở Mạc Tư Khoa vào tháng 12 năm 1991 gần ¼ thế kỷ trước.

Giàn khoan HD-981: Cú sốc của Thủ tướng Dũng

Kami
Giàn khoan HD-981 rút khỏi lãnh hải Việt nam được phía Trung quốc cho biết là do đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng có lẽ việc Trung quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt nam là một hành động mang tính chiến thuật, với mục đích nhằm ngăn chặn Việt Nam đang có biểu hiện thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc là điều ít ai nghĩ tới.Diễn biến chính trường VN

Từ đầu năm 2014, chính trường Việt nam có nhiều dấu hiệu cho thấy phe của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở thế thượng phong và có khả năng có thể khuynh loát hệ thống chính trị Việt nam. Một số nguồn tin đáng tin cậy cho biết phe cải cách của ông Nguyễn Tấn Dũng đang được sự ủng hộ của quá bán (9/16) các nhân vật trong Bộ Chính trị, đó là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh, Lê Thanh Hải, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng. Trong khi phe bảo thủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tỏ ra yếu thế hơn gồm có: Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị, Trần Đại Quang. Riêng ông Trương Tấn Sang vẫn giữ vai trò trung lập, tuy hơi nghiêng về phe cải cách, song ông này chỉ ủng hộ những cải cách về kinh tế. Điều quan trọng hơn cả là phe cải cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nắm đa số các ủy viên trong Ban Chấp hành TW, với bằng chứng là sự thắng lợi của phe này đạt được khi bầu bổ xung hai thành viên Bộ Chính trị trước đó. Đó là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã trúng cử thay vì hai ứng viên được coi là nặng ký hơn là ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng Ban Nội chính TW và ông Vương Đình Huệ, trưởng Ban Kinh tế TW là những người được cho là thuộc về phe Đảng.

Chính vì thế nên trong thông điệp đầu năm mới 2014 của mình, Thủ tướng Nguyễn Tán Dũng đã không ngại ngần đề cập tới vấn đề cải cách thể chế chính trị, đúng vào ngày Bản Hiến pháp 1992 Sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Điều đó xảy ra vào lúc chỉ còn chưa đầy 2 năm Đại hội Đảng khóa XII sẽ khai mạc vào đầu năm 2016, đây là lúc các phe phái trong Đảng sẽ thỏa thuận làm cơ sở để chia chác quyền lực. Việc Thủ tướng Dũng sinh năm 1949 đã giữ chức Thủ tướng 2 nhiệm, kỳ theo quy định nếu muốn tại vị thì ông Dũng phải đảm nhận chức vụ mới như Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội hoặc chức vụ Tổng Bí thư. Theo nhận định chung của dư luận, thì một người có tham vọng và có bề dày chính trị như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì việc ông ta đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Đảng CSVN khóa 12 sẽ là lựa chọn duy nhất thích hợp để có thể thực hiện việc tiến hành cải cách thể chế chính trị để đưa chính trị Việt nam theo mô hình của Putin ở nước Nga hiện nay.

Tuy nhiên trước đó, sau Đại hội lần thứ XI, khi ấy phe của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang mạnh, đó là thời gian sóng gió nhất của Thủ tướng Dũng. Vào thời điểm Hội nghị TW 4, khi trong các đơn vị quân đội có luồng tin đồn cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiến hành cải cách thể chế chính trị, thay đổi Hiến pháp để biến mình thành một vị Tổng thống. Đây là lý do chính đã khiến Thủ tướng Dũng bị đưa ra kiểm điểm tại HN TW 6 – khóa XI diễn ra vào tháng 10.2012. Khi ấy người ta tưởng ông Thủ tướng sẽ “ngã ngựa”, vậy mà như nhờ một phép thần, Thủ tướng Dũng đã vượt qua và đã giành thắng lợi một cách ngoạn mục trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành TW. Và trái lại người ta đã được chứng kiến sự thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi không dấu được nước mắt trước ống kính truyền hình trong phiên bế mạc. Cũng qua cuộc thử sức này đã cho thấy uy tín trong đảng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn rất cao và rất khó có thế lực nào có thể hạ bệ được đồng chí trong thời điểm đó và kể cả trong hiện tại.

Đến đầu năm 2014, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người sẽ nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng CSVN đã trở thành việc gàn như không phải bàn cãi. Người ta hy vọng ông Dũng với vai trò Tổng Bí thư Đảng CSVN sẽ là người tiến hành cải cách thể chế chính trị hiện tại để tiến tới chức vụ Tổng thống mới của Việt nam. Như thông điệp đầu năm mới là xây dựng một nhà nước Dân chủ và Nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật. Rồi những tháng trước Hội nghị TW 9 (tháng 5.2014), một lần nữa tin đồn này lại nóng trở lại, khi ấy ở Việt nam người ta hồ hởi xầm xì cho rằng sắp tới Việt nam sẽ có sự thay đổi thể chế chính trị dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng. Lúc đó người ta tin rằng ông Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn có năng lực dùng quân đội, công an để điều khiển, khống chế Trung ương và Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy thế mạnh của phe ông Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm trước Hội nghị TW 9 đã đến mức nào?

Nên nhớ, trong trường hợp để Việt nam thoát vòng cương tỏa của Trung quốc và trở thành một mắt xích quan trọng trong vòng vây Trung quốc của Hoa kỳ ở phía Thái Bình dương, đó là trục Nhật bản, Đài loan, Philippines… là điều Bắc kinh sợ nhất. Đây không chỉ là mối đe dọa cho các đối thủ chính trị của Thủ tướng Dũng trong nội bộ ban lãnh đạo của Việt nam, mà còn là mối lo sợ của nước láng giềng Trung quốc trong việc kiểm tỏa chính trị Việt nam. Và tất nhiên ban lãnh đạo Trung quốc hết sức bực tức và nghĩ rằng họ cần phải ra tay để đảo ngược tình thế này, để ngăn chặn không để Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.

Lá bài giàn khoan HD-981

Cần phải thừa nhận giấc mộng độc chiếm Biển Đông của chính quyền Trung quốc đã và đang là hiện thực, chỉ trong vài chục năm với chính sách bành trướng lãnh hải theo chiến lược gặm nhấm dân dần đã biến Trung quốc từ một quốc gia hầu như không có chỗ đứng trong Biển Đông, đến nay Trung quốc đã có không ít các đảo, bãi đá ngầm trong khu vực Biển Đông. Điều này dần dần đã giúp Trung quốc không ngừng tăng vị thế trong khu vực có tranh chấp. Cho đến nay, với việc đóng hàng loạt các giàn khoan di động kiểu như HD-981, Trung quốc đã chứng tỏ họ có toàn quyền mang đến hoặc rút đi các giàn khoan này, với mục đich neo đậu và tiến hành công tác thăm dò dầu khí mà hầu như không gặp phải bất kỳ trở ngại nào đáng kể.

Việc Trung Quốc bất ngờ rút giàn khoan trước thời hạn vì giàn khoan đã hoàn tất công việc cần thiết và rất thành công. Theo phía Trng quốc, việc di chuyển giàn khoan là một động thái hoàn toàn mang tính thương mại, được thực hiện trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước họ, mà không hề ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Điều này khác so với tuyên bố ban đầu của họ là giàn khoan sẽ hoạt động tới ngày 15.8.2014. Trước đó nhiều chuyên gia đánh giá cho rằng việc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông là bước khởi đầu trong việc khẳng định chủ quyền của Trung quốc thông qua đường Lưỡi Bò chín đoạn và sở dĩ họ chọn vùng lãnh hải của Việt nam vì Trung quốc đã nắm được tử huyệt của ban lãnh đạo Đảng CSVN thông qua mối bang giao hợp tác chiến lược và toàn diện trong khuôn khổ 4 tốt và 16 chữ vàng. Do vậy việc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng lãnh hải của Việt nam chắc chắc sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào đáng kể.

Trong bài viết “Tại sao Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 sớm hơn dự kiến” trên tờ The Diplomat mới đây, GS.Carl Thayer chuyên gia phân tích của Học viện quốc phòng Australia cho biết 1 trong 4 lý khiến Trung quốc rút giàn khoan là nhằm “Ngăn chặn Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc” là một điều đáng quan tâm nhất. Nói cho đúng, cũng theo bài báo trên cho biết: “Vào tháng Năm vừa qua, các nhà ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết rằng rằng các quan chức của Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc lặng lẽ tâm sự rằng ban đầu khi được yêu cầu từ chính quyền để triển khai dàn khoan HD 981 họ đã từ chối, vì cho rằng khu vực thăm dò không phải là một ưu tiên cao vì không có trữ lượng dầu khí đáng kể”. Điều đó cộng với tin “Trước khi các hoạt động khoan dò được thực hiện bởi HD 981, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã đưa ra một báo cáo vào năm 2013, kết luận rằng khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa không có tiềm năng hydrocacbon thông thường đáng kể.”. “… theo các nhà phân tích an ninh hàng hải có thẩm quyền truy cập vào hình ảnh vệ tinh cho biết những dấu hiệu vào cuối tháng 5.2014 từ HD-981 có thể quan sát được, cho thấy rằng giàn khoan đã phát hiện ra một số hydrocarbon. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng chỉ có khoảng mười phần trăm trữ lượng dầu khí sẽ được phục hồi để sử dụng trong thương mại.”

Điều đó cho thấy việc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực Biển Đông của chính quyền Trung quốc là một giải pháp tình thế mang tính “đột xuất” mà hoàn toàn không được chuẩn bị trước và hành động này đơn thuần mang tính chất chính trị chứ hoàn toàn không phục vụ cho mục đích thương mại như phía Trung quốc tuyên bố. Phải chăng các diễn biến chính trị trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN như phân tích ở trên, là lý do quan trọng khiến phía Trung quốc phải ra tay, thông qua việc đưa giàn khoan HD-981 để đảo ngược tình thế vốn đang có những triệu chứng rất bất lợi cho họ?

Sự ứng cứu từ Trung quốc

Trung quốc biết rất rõ rằng rất nhiều người trong Bộ Chính trị Đảng CSVN, kể các các nhân vật đang thuộc về phe “cải cách” của Thủ tướng Dũng cũng rất lo ngại phản ứng của Trung Quốc trước việc nếu Việt nam thúc đẩy quan hệ quân sự với Mỹ và họ sẵn sàng lựa chọn một giải pháp không làm mất lòng Trung quốc để đảm bảo tính an toàn trong sự nghiệp chính trị của họ.

Trong 02 tháng với sự hiện diện của HD-981 trên Biển Đông, ngay lập tức các hoạt động và các lời tuyên bố cứng rắn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng tỏ là một người đang làm chủ cuộc chơi, với hy vọng tạo ra một sự đồng thuận từ trong Bộ Chính trị trong cách đối phó với vụ khủng hoảng giàn khoan trên Biển Đông. Trong lúc phe bảo thủ trong Đảng của TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn rất dè dặt, thận trọng để giữ đường lối thân Trung Quốc như từ trước đến nay. Đỉnh cao là phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, khi trả lời báo chí ở Philippines, khi cho rằng “Nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”, kể cả việc cho rằng Việt nam sẽ theo gương Philippines khởi kiện Trung quốc đã nhận được sự đồng tình của đa số dân chúng Việt nam.

Nhưng ít ai, kể cả Thủ tướng Dũng lại có thể nghĩ rằng việc biểu thị thái độ chống Trung quốc một cách triệt để như vậy là điều làm hại ông ta và vô tình những cái đó đã trở thành ngòi nổ trong việc tranh cãi gay gắt về quan điểm chống Trung quốc, phương án pháp lý khởi kiện Trung quốc và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ trong Bộ Chính trị. Dù rằng với Thủ tướng Dũng, trở ngại lớn nhất của ông ta là phe bảo thủ thân Trung quốc với sự hậu thuẫn của Trung quốc, nhưng bản thân ông không hình dung được rằng Trung quốc đã dùng chiêu một mũi tên trúng nhiều đích. Họ chấp nhận mất nhiều mất công sức khi sử dụng giàn khoan HD-981 như một con bài tẩy nhằm đảo ngược thế cờ tương quan lực lượng trong ban lãnh đạo Việt nam. Kể cả việc tạo ra các vụ bạo động có tổ chức sau biểu tình ôn hòa ở các khu công nghiệp Bình Dương, Vũng Áng… diễn ra trong sự im lặng đáng ngờ của các lực lượng công an.

Đó cũng là nguyên nhân sự xuất hiện của Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì trong chuyến thăm Việt nam trong hai ngày 17-18.6.2014. Trong chuyến thăm này với thái độ rất cứng rắn, không dấu vẻ đe dọa Dương Khiết Trì đã lớn tiếng yêu cầu Việt nam phải chấm dứt những hành động quấy rôi và phản đối giàn khoan của Trung Quốc, không được lôi kéo các nước tham dự vào vấn này, không để Mỹ và phương Tây lợi dụng diễn biến hoà bình phá hoại 2 nước. Đồng thời cảnh cáo nếu Việt Nam vi phạm nguyên tắc đó thì Việt Nam sẽ chịu hậu quả. Không những thế, cùng lúc truyền thông Trung Quốc những ngày này đã chỉ trích đích danh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vì đã có những phát biểu mạnh mẽ lên án Trung Quốc.

Tất cả những cái đó chứng tỏ đã có một kịch bản có sẵn nhằm gây căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung. Điều đó hoàn toàn phù hợp với các phân tích, nhận định trước đó về chuyến thăm Việt nam của Dương Khiết Trì, khi cho rằng với động cơ và mục đích rất thâm hiểm. Đó là nhằm trấn an cho một bộ phận lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thân lệ Trung Quốc rằng Trung Quốc luôn đứng sau họ. Với điều kiện họ phải kiềm chế được các phản ứng đối với Trung Quốc từ phía ban lãnh đạo Việt nam. Với mục đích chính để chia rẽ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, vì hơn ai hết Trung Quốc hiểu rất sâu tình hình nội bộ Việt Nam.

Lật ngược thế cờ

Ngay sau đó, chuyến thăm Hoa kỳ chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh theo lời mời của Ngoại trưởng Hoa kỳ John Kerry trong lúc vụ việc giàn khoan đang ở hồi căng thẳng đã bị hủy bỏ mà không giải thích lý do. Thay vào đó là chuyến thăm của Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị một nhân vật dược cho là giáo điều và thân Trung quốc với kết quả không hài lòng. Và trong cuộc họp đột xuất của Bộ Chính trị tổ chức sau chuyến thăm của Dương Khiết trì kết thúc, người ta thấy các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Thiện Nhân, Phùng Quang Thanh đã ủng hộ quan điểm của phía Trung quốc. Nghĩa là số người đứng về phía thân Trung quốc tăng lên từ 6 người thành 9 người và số người trong phe cải cách giảm xuống từ 9 người còn 7 người, đáng chú ý là hai Bộ trưởng Quốc phòng và Công an đã không cùng quan điểm với Thủ tướng Dũng. Điều đó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của ông Thủ tướng trong ban lãnh đạo Đảng CSVN.

Lập tức cán cân lực lượng giữa các phe phái trong Bộ Chính trị đã đảo chiều, đẫn đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập tức đã đứng về phe thiểu số và đang có nguy cơ sẽ bị cô lập trong Bộ Chính trị. Vì đa số thành viên của Bộ Chính trị đều thấy rằng quan điểm chống Trung quốc và thân phương Tây của ông Dũng có thể gây bất ổn và xáo trộn về chính trị, đó là điều hoàn toàn bất lợi cho Đảng và cá nhân họ. Điều này có nghĩa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có nguy cơ bị gạt qua một bên trong bộ máy lãnh đạo của Đảng CSVN. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc Việt nam gia nhập TP, cái mà phe cải cách của Thủ tướng Dũng xem là chìa khóa để đa dạng hóa kinh tế Việt nam, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Trong lúc những người ủng hộ thỏa hiệp với Trung Quốc vẫn thấy sự cần thiết duy trì vai trò chủ đạo của khu vực Kinh tế nhà nước, cho dù khu vực này trên thực tế đã hoạt động không có hiệu quả. Song họ tin rằng những cải cách và các nhượng bộ của Chính phủ Việt nam do yêu cầu của Mỹ để được tham dự vào TPP là quá lớn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát nền kinh tế của Nhà nước.

Đây là thành tích triệt hạ đáng kể của phe chống Thủ tướng Dũng, nhằm chặn đứng xu thế cải cách có xu hướng thân phương Tây của phe “cải cách” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Hành động này xảy ra giữa lúc nền kinh tế Việt nam đang lao đao và xã hội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, mà TPP là một cứu cánh theo cách nhìn của mọi phía. Song đối với Trung quốc, điều đó trái với chính sách ngăn chặn Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc của họ

Kết:

Các học giả quốc tế cho rằng “Việt nam sẽ mất trọn Biển Đông nếu như nội bộ ban lãnh đạo của Việt nam không thống nhất được với nhau” và điều đó Trung quốc đã thành công. Có thông tin cho rằng phía Trung quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt nam tiêu tốn mỗi ngày tốn gần 1 triệu USD, vị chi sau hơn hai tháng họ đã chịu mất số tiền hơn 60 triệu USD. Đến lúc này có lẽ người ta mới hiểu rõ lý do vì sao Bắc kinh đột nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông. Đó là với mục đích chính là để lật ngược thế cờ tương quan giữa các phe phái trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN, đồng thời để hỗ trợ cho nhóm thân Trung quốc với hy vọng tiếp tục khống chế Việt nam trong vòng cương tỏa của họ trong thời gian tới. Điều đó cho thấy chỉ mất 60 triệu USD mà lật ngược thế cờ là một cái giá quá rẻ mà Trung quốc phải bỏ ra với một đối thủ quan trọng như Thủ tướng Dũng.

Ngày 02 tháng 8 năm 2014

© Kami

***************

Tôi tán đồng phản hồi của khách PCT cho bài viết này  trên Dân luận

Khách PCT (khách viếng thăm) gửi lúc 20:50, 03/08/2014 – mã số 124780

Bác Kami à,

Nếu 3D của bác chống Tàu thì hãy chống thật lòng, chống hết sức, nói gì làm đó theo sức – tức theo quyền hạn chính danh TTg của mình, thì đảng và nhân dân sẽ hiểu, sẽ tin và sẽ ủng hộ. Từ nay đến ĐH12 còn hơn 1 năm nữa, nếu tực sự muốn và vô tư chống Tàu (vì yêu nước, không phải vì chơi cờ vây với phe 2L) thì 3D có thể àm được nhiều việc lớn, lật thế cờ là dễ dàng, vì dân và đa số đảng viên đều không theo Tàu.

Nhưng nếu 3D “chống Tàu” chỉ bằng miệng lưỡi và ngó trước ngó sau xem có hiệu quả không, chỉ chống Tàu để giành ghế TBT với phe kia, thì dân và đa số đảng viên đầu thấy hết và ghét, và khinh, thì nguy cơ bị gạt ra không đúng thì cũng chẳng oan, vì thế là rất điếm…

Lại đem TPP ra để câu đảng và dân, rằng nó là rất cần cho VN mà bản thân 3D và toàn bộ sậu chỉ lo tham những và phá hoại kinh tế thì TPP để làm gì? Để kinh tế vững hơn cho các nhóm lợi ích của 3D vơ vét được nhiều hơn?

Thế cho nên, bác Kami nói hay cho ai còn thương được, cho 3D thì thật là khó thương! Đã gần hết 2 nhiệm kỳ TTg rồi mà đất nước ngày càng mất dân chủ hơn, oạn hơn, vô văn hóa hơn. Kinh tế thì ngày càng phụ thuộc Tàu và nợ công vượt GDP xa rồi, trong đó nợ không có khả nang trả phải đi vay tiếp để trả là chính!

Cách làm chính trị đúng đắn và hiệu quả nhất của một TTg ở bất kỳ đâu là làm kinh tế sao cho tốt và minh bạch, là phát triển kinh tế. 3D đã không làm được kinh tế vì cả không muốn làm và cả không thể làm, không biết làm, và chỉ làm điều ngược lại là phá kinh tế và in tiền, đi vay để con cháu trả, thì đứng làm chính trị kiểu chống Tàu miệng lưỡi, không ai tin đâu.

Tôi không bênh bọn đảng thân Tàu tý nào, rất ghét, nhưng cũng không thể bênh 3D như bác Kami được, nó ngựơng mồm lắm!

PCT

Khai trừ đảng ông Nguyễn Đăng Trừng: Răn đe hay phản dụng? Chính trị – xã hội

Phạm Chí Dũng

Ông Nguyễn Đăng Trừng cùng Đoàn LS Tp.HCM biểu quyết
về tuyên bố lên án Trung quốc Ngày 5 tháng 1 năm 2008
Thành ủy thắng 1-0

(VNTB) Có lẽ rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc 3 đảng viên chủ động tuyên bố bỏ đảng vào cuối năm 2013, vào lần này Thành ủy TP.HCM đã đi trước một bước. Quyết định “sa thải” khỏi hàng ngũ đảng viên cộng sản đối với ông Nguyễn Đăng Trừng là rất dứt khoát, mạnh mẽ, đầy chủ ý răn đe và có thể khiến cho ông không khỏi đau đớn.

Đau đớn không kém là cách thức công bố quyết định kỷ luật: một trong hiếm hoi lần Ban Tuyên giáo thành ủy tổ chức họp báo – như đối với một sự kiện trọng đại.

Nếu nhìn từ góc độ kết luận của Ban thường vụ Thành ủy TP. HCM, ông Nguyễn Đăng Trừng là người đã tạo nên “sự kiện trọng đại” mà cấp ủy đảng thành phố này không thể bỏ qua: từ năm 2012, trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn, ông Trừng đã có khuyết điểm, vi phạm, trong đó có việc thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư thành phố vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn; chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013 – 2018) không đúng qui trình, thiếu công khai, minh bạch; phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán, gia trưởng…

Từ đó, những người trong Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM kết luận ông Trừng đã vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của tổ chức Đảng do điều lệ Đảng qui định, vi phạm điều lệ Đoàn Luật sư TP và qui chế làm việc của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng đoàn.

Nội dung được nhấn mạnh trong kết luận trên đối với ông Trừng là “vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn”. Một trong những vi phạm được chỉ ra là ông Trừng lợi dụng chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, không thông qua Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, tự ý ký 4 văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo của UBND TP, của Liên Đoàn luật sư Việt Nam; đồng thời xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013 – 2018) đối với một số cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy TP và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; chiếm giữ con dấu của Đoàn Luật sư TP, gây khó khăn cho hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI mà đến nay vẫn chưa tiến hành được…

Hội luật sư độc lập?

Cuối cùng, người bị khai trừ đã bị cho là “thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện cụ thể như: vô tổ chức, vô kỷ luật, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm trái nghị quyết của tổ chức đảng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, gia trưởng, gây mất đoàn kết nội bộ, không còn đủ tư cách đảng viên”.

Thông thường, đảng viên “có vi phạm” được vận động để “tự kiểm điểm”, cho đến khi không còn thuyết phục được nữa thì mới bị kỷ luật.

Là một nhân vật tương đối có tiếng tăm trong giới trí thức Sài Gòn, cũng là một quan chức hội đoàn có thâm niên lâu năm của Đoàn Luật sư TP.HCM và thuộc độ tuổi cha chú so với lớp ủy viên thường vụ thành ủy hiện thời, ông Nguyễn Đăng Trừng đương nhiên là đối tượng mà đảng không dễ bắt nạt.

Tuy nhiên, quyết định khai trừ ông mang tính chất rất nặng nề, không chỉ đề cập không kiêng nể về chuyện ông “vô tổ chức, vô kỷ luật”, mà cả về việc “xuyên tạc”. Cách nào đó, có thể hiểu ông Trừng đã bị xem là đối tượng có “hành vi chống đối” đảng và chính quyền.

Những năm tháng trước đây, tuy không phải là một tổ chức nổi bật về tố chất phản biện chính sách, song Đoàn Luật sư TP.HCM vẫn là một trong những tiêu điểm được cấp ủy đảng ủy chính quyền “săn sóc” khá chăm chút. Từ đầu năm 2013 đến nay, khi làn sóng phản ứng chính sách chính trị xuất hiện từ nhóm “Kiến nghị 72” và sau đó lan sang nhiều hội đoàn dân sự độc lập khác, nhiều ý kiến trong hệ thống chính quyền đã bộc lộ lo ngại không giấu diếm rằng có thể sẽ xuất hiện một tổ chức luật sư mang tính độc lập, và nếu có mầm mống này thì cần phải ngăn chặn ngay.

Một số văn bản kiến nghị của Đoàn Luật sư TP.HCM do ông Nguyễn Đăng Trừng ký tên có thể đã thể hiện phần nào tính cách “độc lập”, phản bác sự can thiệp của đảng vào hoạt động luật sư, khiến Trung ương và Thành ủy TP.HCM lúng túng cao độ, mà kết quả là người ta phải tìm cách “dập từ trong trứng nước” tư tưởng ly khai.

Quyết định khai trừ đảng đối với ông Trừng có thể mới chỉ là nước cờ đầu tiên của Thành ủy TP.HCM.

Răn đe hay phản dụng?

Tuy thế, một số dư luận cho rằng lẽ ra với tư thế trí thức cũ của Sài Gòn, ông Nguyễn Đăng Trừng không nên để sự thể vượt quá tầm kiểm soát của ông như ngày hôm nay. Nếu quả thực ông có chí khí đấu tranh với “những hành vi sai trái trong đảng” và bảo vệ tính cách độc lập của giới luật sư, nếu ông chủ động tuyên bố từ chức và ra khỏi đảng như các ông Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đắc Diên… vào cuối năm 2013, sẽ khó có cơ hội cho cơ quan đảng bộ TP.HCM xúc phạm đến danh dự của ông Trừng bằng việc chủ động ra quyết định khai trừ mới đây.

Còn sắp tới, hãy chờ xem việc khai trừ ông Nguyễn Đăng Trừng có thể tạo ra hiệu ứng răn đe hoặc bị phản tác dụng, gây ra phản ứng tâm lý xã hội như thế nào và đến mức độ nào, nhất là đối với một bộ phận đảng viên về hưu vốn đã tích tụ mầm mống “chống đối” và tư tưởng “thoái đảng’”.

Cũng mới đây, một nhóm 61 đảng viên kỳ cựu, đứng đầu là tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đã gửi thư cho Ban chấp hành trung ương đảng, đòi hỏi đảng phải thay đổi. Chiếu theo điều lệ đảng, nội dung trong bức thư có thể dễ dàng bị suy diễn là “trái với đường lối, quan điểm của đảng”.

Phạm Chí Dũng

Ngô Nhân Dụng – Tập sống trong Dân chủ

Ngô Nhân Dụng
“Dân Chủ không phải là một vở kịch viết sẵn, cứ theo như thế mà diễn. Nhiều nước lật đổ được chế độ độc tài rồi lại bị đổi ngược thế cờ; có khi lại rơi vào một chế độ độc tài khác. Không phải cứ chấm dứt một chế độ độc tài là có một bữa tiệc Dân Chủ bày ra.”


ĐCSVN: Biểu tượng và thần tượng. (Ảnh: Internet)Nếu ngày mai Ðảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố xóa bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp (đảng hết độc quyền lãnh đạo) rồi tổ chức bầu cử tự do trong sáu tháng, thì kết quả sẽ ra sao? Ðảng viên cộng sản sẽ thắng hay những người yêu tự do dân chủ sẽ thắng? Có thể đoán rằng các lãnh tụ cộng sản hiện nay sẽ tranh cử và thắng nhiều hơn những người đối lập. Vì trong cuộc tranh cử họ có sẵn một guồng máy mạnh hơn, nhiều tiền vận động hơn, tiền của đảng cũng như của các ứng cử viên. Trong khi những nhà đấu tranh cho dân chủ hiện nay, những người yêu dân chủ thật sự, thiếu cả hai thứ đó.

Năm 1989 Ðảng Cộng Sản Albania đã làm đúng như vậy. Ðêm hôm trước, Tường Berlin đổ, đêm hôm sau họ truất phế tổng bí thư (nắm quyền hơn 40 năm) để trút hết tội lỗi lên một người. Rồi xóa bản hiến pháp độc quyền, giải tán đảng, lập đảng mới, tổ chức bầu cử. Và họ thắng cử. Mấy năm sau, dân Albania thấy đất nước chẳng tiến bộ gì được, đã bầu cho một liên minh các đảng đối lập lên thay. Nhưng liên minh này cũng chưa biết làm chính trị dân chủ là như thế nào, không đoàn kết được với nhau để có được những chính sách phục hưng kinh tế, cho nên kỳ bầu cử sau đó lại thua. Ðảng cộng sản cũ lại thắng vì họ vẫn có nhiều tiền hơn, và học được kỹ thuật tranh cử nhanh hơn.

Dân Việt Nam thế nào cũng sẽ sống dân chủ tự do. Chắc chắn như vậy. Khi dân chủ hóa thì dân quyết định, bằng lá phiếu chọn người nắm quyền cai trị. Những nhà đấu tranh dân chủ hiện nay chắc đã nghĩ đến viễn tượng đó; chắc nhiều người đã chuẩn bị. Họ sẽ phải tranh cử, và tranh cử với các đảng viên cộng sản.

Trong các cuộc bầu cử sau này chỉ có một trường hợp mà họ không lo bị thua đảng cộng sản (cũ, đã đổi tên), là thay đổi bằng bạo lực. Một cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ cộng sản. Chính quyền mới cấm các đảng viên cộng sản không được tranh cử trong một thời hạn 5 năm, 10 năm hay vĩnh viễn. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, các lãnh tụ và đảng viên cộng sản vẫn có thể đứng đằng sau giật dây cho một đảng ABC nào đó, và sử dụng tiền bạc cũng như guồng máy tay chân của họ giúp cho đảng ABC đắc cử.

Nhưng dân Việt Nam có muốn một cuộc thay đổi bằng bạo lực không? Hơn nữa, những người thiết tha với dân chủ và kính trọng các quy tắc dân chủ cũng không muốn cấm đoán bất cứ một công dân nào không cho sử dụng quyền tự do ứng cử.

Cho nên, ngay từ bây giờ các nhà đấu tranh dân chủ ở nước ta cần học kinh nghiệm tranh đấu trong khuôn khổ thể chế dân chủ. Thí dụ, cần học kinh nghiệm sống về vận động tranh cử. Nước Indonesia đang cho chúng ta một bài học, không nên bỏ qua.

Tháng Tư vừa qua, dân Indonesia đã đi bỏ phiếu bầu hai viện Quốc Hội. Ðây là cuộc bầu cử thứ tư kể từ năm 1998, khi chính quyền quân phiệt Suharto bị lật đổ sau 30 năm kìm giữ nước này trong vòng lạc hậu. Có 46 đảng chính trị ghi tên, sau chỉ còn 12 đảng (và 3 đảng ở địa phương Aceh) đủ điều kiện tranh cử. Kết quả là Ðảng Dân Chủ Ðấu Tranh về đầu chiếm gần 20% số phiếu, còn Ðảng Dân Chủ của đương kim Tổng Thống Bambang Yudhoyono chỉ được 10%, mất một nửa số phiếu ủng hộ.

Từ đầu năm nay, trong số các ứng cử viên tổng thống người được dư luận ủng hộ nhất là ông Joko Widodo, gọi thân mật là Jokowi. Người đứng thứ nhì là Tướng Prabowo Subianto. Hai ứng cử viên trái ngược hẳn nhau.

Joko Widodo (tức Jokowi) 53 tuổi, đang là đô trưởng thủ đô Jakarta, xuất thân là thuộc một gia đình trung lưu, chính ông cũng nghèo, làm nghề bán đồ đạc dùng trong nhà. Khác với các nhà chính trị Indonesia, ông không được học đại học ngoại quốc. Widodo nổi tiếng từ khi đắc cử làm thị trưởng thành phố Solo, ông đã đề cao quy tắc minh bạch, công khai, cải cách để dân chúng được theo dõi và biết guồng máy hành chánh làm việc ra sao. Thị Trưởng Jokowi tạo thêm nhiều công viên xanh cỏ, đặt ghế cho dân ngồi chơi. Ông được dân tin tưởng, mặc dù đã giải tỏa cả những khu bán hàng rong cản trở lưu thông; cho nên đã được tái cử với 90% số phiếu.

Năm 2012 Widodo đắc cử làm đô trưởng Jakarta, trong một năm rưỡi qua đã đưa ra chương trình bảo trợ y tế cho người nghèo và di tản được những khu nhà ổ chuột vào mùa mưa luôn luôn bị ngập nước; một việc mà chính quyền trước kia nói mãi mà chưa ai làm. Ông được tiếng là người lo những vấn đề thực tế của dân, và đặc biệt được coi là rất trong sạch, trong một xứ đầy tham nhũng từ thời độc tài quân phiệt.

Widodo đưa ra nhiều dự án cải tổ giao thông công cộng, cải thiện hệ thống thoát nước và đổ rác cho thành phố. Ông đã đi thăm các ngõ hẻm, lắng nghe người dân nói, chuyện xưa nay ít nhà chính trị nào làm.

Tướng Prabowo Subianto, 62 tuổi, thuộc một gia đình giàu có bậc nhất ở Jakarta; nhờ những quan hệ với chế độ quân phiệt cũ. Ông đã lấy con gái Tướng Suharto, nay đã li dị nhưng bà vẫn đi vận động tranh cử cho chồng cũ. Người em ông, một doanh nhân giàu có, cũng đi vận động cho anh. Nhưng sức mạnh đáng kể của Subianto là được hai đại gia ủng hộ, họ làm chủ năm trong số 12 hệ thống truyền hình trên toàn quốc. Tướng Subianto đã ra tranh cử tổng thống hai lần, không thành công nhưng ông có rất nhiều kinh nghiệm; có thể nói ông đã chuẩn bị cuộc tranh cử từ nhiều năm qua. Tháng Ba vừa qua, tới sân banh vận động tranh cử bằng máy may trực thăng, được nhiều người công kênh trên vai.

Còn Jokowi chỉ chính thức tranh cử tổng thống từ Tháng Ba, sau khi chủ tịch đảng của ông là bà Megawati Sukarnoputri, một cựu tổng thống, con gái Sukarno, vị tổng thống đầu tiên của Indonesia, chính thức tuyên bố bà không ứng cử.

Ðầu năm nay, các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy Jokowi dẫn trước Prabowo 39% trong tỷ số được dân tín nhiệm. Nhưng đến ngày 30 Tháng Sáu vừa qua, Prabowo đã vượt lên, chỉ còn thua Jokowi gần 4% (46% so với 42.6%)

Tại sao uy tín ông Joko Widodo bị tụt xuống nhanh như vậy?

Vì Prabowo biết sử dụng các kỹ thuật tranh cử, còn Widodo phải nói là một tay mơ.

Trước hết, Prabowo đã tranh cử hai lần rồi, có sẵn một guồng máy, được nhiều đài truyền hình ủng hộ, và có tài hùng biện. Nhưng tai hại nhất cho Widodo là có những tin đồn, hoàn toàn bịa đặt nhưng lại được nhiều người tin. Người ta đồn rằng Widodo là người gốc Trung Hoa chứ không phải là dân Indonesia chính cống. Chưa hết, Widodo bị tố là theo đạo Thiên Chúa, không phải người Hồi Giáo. Ở một quốc gia 90% theo Hồi Giáo, dù rất ôn hòa, một người ngoại đạo khó tranh cử tổng thống! Hơn nữa, phần lớn người Thiên Chúa Giáo là gốc Hoa, hai điều đó phù hợp với nhau khiến lời đồn đãi dễ được tin hơn.

Joko Widodo ngây thơ, tìm cách cải chính những lời đồn tai hại này. Ông đưa ra cả giấy chứng nhận ông đã đi hành hương ở thánh địa Mecca, một trong năm bổn phận của tín đồ Hồi Giáo. Khi nhắc đi nhắc lại các lời cải chính, Widodo đã vô tình giúp cho tin đồn được loan truyền rộng hơn. Mà không phải ai nghe xong tin đồn cũng đi tìm coi tin cải chính ra sao! Widodo không học kinh nghiệm của Tổng Thống Barack Obama. Trong hai lần ông tranh cử, có tin đồn ông không sinh ở Mỹ, thiếu điều kiện để ứng cử. Obama không bao giờ nhắc đến các lời đồn này. Ða số cử tri nghĩ đó là một chuyện bịa đặt, không quan tâm đến nữa. Một quy luật trong việc tranh cử, giống như trong chiến tranh, là chính phe mình phải quyết định đánh trận ở địa bàn nào, vào thời gian nào mình có lợi thế nhất. Trong cuộc tranh cử, địa bàn là các “đề tài thảo luận” trong dân chúng, suốt mùa tranh cử. Ðể cho đối phương ấn định đề tài là đã thua một bước rồi. Bị cuốn vào đó, là rất ngây thơ, dại dột.

Ðiều đáng lo cho Widodo là hai ứng cử viên tổng thống có những chương trình tranh cử giống nhau. Cả hai đều nhấn mạnh đến việc bảo vệ tài nguyên quốc gia, không cho người ngoại quốc khai thác thủ lợi. Cả hai đều nói sẽ bảo vệ các xí nghiệp trong nước chặn bớt hàng nhập cảng; cùng đề cao việc xây dựng thêm đường, cầu, bến cảng, và giảm bớt trợ cấp giá xăng. Hai ứng cử viên khác nhau nhất là trong cá tính.

Widodo có thành tích đã làm được việc ở thành phố Solo, và rất trong sạch. Nhưng đối thủ lại chỉ trích rằng các dự án lớn của ông cải tiến thủ đô Jakarta chậm trễ chưa tiến được bước nào (vì phải giải tỏa nhiều khu dân cư, chưa thương thuyết được với dân), nên để cho ông cai trị Jakarta rút kinh nghiệm …thêm 5 năm nữa! Một nhược điểm khác của Widodo là ông không được những người cùng đảng ủng hộ hết mình. Ðối thủ lại tìm các tố rằng ông hoàn toàn bị bà Megawati Sukarnoputri giật dây.

Prabowo bị tố cáo đã vi phạm nhân quyền trong khi làm tướng, nhưng ông ta giải thích rằng: Tôi chỉ làm bổn phận của một quân nhân! Ông cũng bị chỉ trích là chủ trương thay đổi hiến pháp Indonesia, không cho dân trực tiếp bầu tổng thống mà để Quốc Hội bầu; như vậy các đảng phái chính trị dễ thao túng hơn.

Prabowo cũng đưa ra nhưng lời hứa quá hão huyền, như sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 10% một năm; các chuyên viên kinh tế biết rằng được 5% đã quý lắm rồi. Nhưng đại đa số dân chúng không mấy ai quan tâm đến những “chi tiết” chuyên môn như thế.

Và cuối cùng: Ông Joko, thường được gọi là Jokowi đã thắng cử và ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng thống của mình từ ngày 20/10/2014.

Dân Chủ không phải là một vở kịch viết sẵn, cứ theo như thế mà diễn. Nhiều nước lật đổ được chế độ độc tài rồi lại bị đổi ngược thế cờ; có khi lại rơi vào một chế độ độc tài khác. Không phải cứ chấm dứt một chế độ độc tài là có một bữa tiệc Dân Chủ bày ra.

Ngô Nhân Dụng,
ngày 27 Tháng Bảy năm 2014.