Phạm Thành – Thân Mỹ, sao không?

Phạm Thành

Đã đến lúc phải hô to: Không thân Mỹ, không học tập Mỹ là ngu…

Nước Mỹ là một nước văn minh nhất thế giới, có một nền dân chủ hàng đầu thế giới, kinh tế mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiến tiến hiện đại nhất thế giới, quân sự mạnh nhất thế giới. Thân được với nước Mỹ, làm đồng minh với Mỹ, là được nằm trong nhóm lợi ích với nước Mỹ thì dân chủ sẽ có, kinh tế sẽ được hà hơi tiếp sức phát triển, khoa học kỹ thuật sẽ được thăng tiến mạnh mẽ… Thực tế những nước nào thân Mỹ, đồng minh với Mỹ, dù què quặt tới đâu sau vài chục năm thân Mỹ đều trở thành nước dân chủ, mạnh về kinh tế, mạnh về quân sự, có uy tín cao trên trường quốc tế. Nhật, Hàn Quốc, Singapor, Thái Lan, Đài Loan… ở châu Á là những hình ảnh nhãn tiền, không thể chối cãi, biện minh.

Chống lại Mỹ kiểu gì rồi đất nước kiểu gì cũng bị tiêu vong. Nga Cộng là một cường quốc, âm mưu đối đầu với Mỹ, đang phải trả giá đắt trên con đường suy sụp.

Tầu Cộng, một cường quốc về dân số (1,3 tỷ người), không chơi với Mỹ, tính từ năm 1972 đến nay, thì lam sao có máy bay, tầu ngầm và có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới như bây giờ; làm sao dám lớn giọng với thế giới và đặc biệt làm sao có tàu thuyền kéo đến xâm lược biển Đông như vừa xảy ra…

Ở nước ta đã có một thời chống Mỹ. Sau chống Mỹ, bốn, năm triệu thanh niên trai tráng, những tinh hoa của dân tộc đã phải bỏ mạng, đất đai sông núi bị bom cày,đạn xới, đạn găm đến tanh bành, tan hoang. Đất nước rơi vào tình trạng bị huy diệt cả vật chất lẩn tinh thần. Chúng ta đã gặt được gì sau sự hy sinh mất mát to lớn mang tính hủy diệt đó. Chỉ được đất nước thống nhất. Ngòai ra, chúng ta đã mất toàn diệt và triệt để. Dân chủ – Không. Tự do – Không. Ấm no – Không. Tiến bộ xã hội – Không. Không những thế, sau khi thống nhất, nước ta lại rơi vào thảm họa loạn tán do phải chạy nạn cộng sản với trên ba triệu người vượt biên, chủ yếu bằng đường biển, trong đó có nửa triệu người bỏ xác trên biển làm mồi cho cá tôm.

Ta không đổ tội cho mưu đồ của ai đó đưa đường chỉ lối cho sự sai lầm lich sử chết người này, bởi chúng ta cần thống nhất. Nhưng sai lầm ấy cần phải được sửa sai. Như nước Nhật đã từng sửa sai sau khi thất trận. Nước Nhật mang nỗi đau hai quả bom nguyên tử của Mỹ tàn sát người và đất nước họ, nhưng trong nỗi khốn cùng đó, người Nhật vẫn bình tĩnh nhận ra, chỉ có thân mới Mỹ, đồng minh với Mỹ đất nước mới có thế đứng dậy được và mạnh lên được. Sau hai mươi năm chọn bạn mà chơi, người Nhật đã chứng minh sự đúng đăn khi chọn Mỹ là đồng minh; sau bốn mươi năm, người Nhật càng thấy đúng; sau sáu mươi năm sự đúng đắn trong chọn bạn mà chơi leo thang lên mức tuyệt vời. Nước Nhật từ một nước phát xít trở thành một nước dân chủ theo thể chế chính trị tam quyền phân lập như nước Mỹ mà còn là nước giầu về kinh tế, chỉ đứng sau nước Mỹ, mạnh về khoa học kỹ thật, đặc biệt nhân cách sống của người Nhật được cả thế giới kính trọng.

Không còn gì phải vướng víu khi kết luận: Chơi với Mỹ, đồng minh với Mỹ chỉ có được. Chỉ có dân tộc nào ngu mới không dám thân Mỹ, chỉ có dân tộc nào tâm thần mới chống lại Mỹ.

Nước ta là một nước đang ở chế độ độc tài đang trị. Không như nước Nhật khi bắt đầu thân với Mỹ đang ở chế độ phát xít. Hơn thế, lãnh đạo đảng ta lại luôn luôn giữ vững đường lối xây dựng một nhà nước của dân, do dân,vì dân với mục tiêu là dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Muốn có điều đó không có sự lựa chọn nào khác là phải cầu thân với nước Mỹ và học tập nước Mỹ. Vì sao phải cầu thân và học tập nước Mỹ? Vì nước Mỹ là một nước dân chủ nhất, giầu có nhất, khoa học kỹ thuật hiện đại tiên tiến nhất, quân sự cũng mạnh nhất; Vì những mục tiêu đề ra của đảng ta đang hiện hữu rất rõ ràng trên đất Mỹ. Hãy thân với Mỹ, làm đồng minh của Mỹ để được tận mặt nhìn thấy, sờ thấy nước Mỹ và đem những điều nhìn thấy, sờ thấy đó ứng dụng vào nước Việt Nam.

Chỉ có cách như vậy thì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của đảng ta mới có điều kiện để thành hiện thực.

Nếu không thân Mỹ và học Mỹ thì đường lối và mục tiêu của đảng ta đề ra chỉ nhằm lừa dân dụ, ru ngủ dân để mưu lợi, mưu danh cho một nhóm đảng viên cầm quyền mà thôi.

Ngô Nhân Dụng – Dân Chủ không thể xin, cho

Ngô Nhân Dụng
Một bức thư ngỏ mới công bố của 61 đảng viên Cộng Sản Việt Nam kêu gọi đảng thay đổi, phải “đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ;” và phải tách khỏi đường lối lệ thuộc Trung Cộng. Lá thư này rất đáng hoan nghênh, mặc dù rất nhiều đảng viên cộng sản cất lên lời kêu gọi như vậy từ mấy năm nay rồi; nhiều người còn công khai tuyên bố từ bỏ đảng Cộng Sản.

 Lá thư ngỏ này đáng chú ý vì trong 61 người ký tên có nhiều vị lần đầu bày tỏ ý kiến về hai vấn đề chính trị quan trọng nhất: nội trị và ngoại giao. Ðối với thể chế chính trị trong nước, những người ký tên yêu câu xóa bỏ chế độ cộng sản; mặc dù trong thư không nói thẳng ra những chữ đó. Họ công nhận đảng Cộng Sản Việt Nam đã phạm tội “dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm… theo mô hình xô-viết.” Sau đó, dù thay đổi kinh tế nhưng “vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc.” Do đó, họ yêu cầu giới lãnh đạo đảng phải “thay đổi cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội,… chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ… xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ.”

Ðối với việc ngoại giao, họ yêu cầu giới lãnh đạo đảng phải ý thức “mưu đồ biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới” của Cộng Sản Trung Quốc. Họ yêu cầu cấp lãnh đạo đảng “từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng;… bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ,… thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.” Cụ thể hơn, ban lãnh đạo đảng “phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.” Hơn nữa, đảng Cộng Sản “phải cho nhân dân được biết những sự thật” về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Ðô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế, v.v…”

Ngoài ra 61 vị ký tên còn yêu cầu “Ðại hội toàn quốc lần thứ XII” sắp tới được chuẩn bị “với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ.” Nói cách khác, quý vị yêu cầu nội bộ đảng Cộng Sản cũng phải dân chủ hóa.

Nói tóm lại, những lời “yêu cầu” trong bức thư cũng là những điều mà rất nhiều người Việt Nam đang đòi hỏi đảng Cộng Sản phải làm. Vì vậy, bức thư ngỏ này đáng hoan nghênh.

Trong bức thư ngỏ này thấy ba điều đáng chú ý. Thứ nhất, danh sách các chữ ký không xếp theo thứ tự ABC, hay già trẻ, chức vụ cao thấp, mà xếp theo tuổi đảng, từ người đã vào đảng năm 1939 xuống tới người vào đảng năm 1996. Thứ hai, bức thư này chỉ nhắm gửi cho các người đồng đảng, từ ban chấp hành trung ương xuống các đảng viên. Thứ ba, quan trọng nhất, là quý vị đứng tên chỉ thỉnh cầu mà không đòi hỏi, không tranh đấu. Họ không cho biết nếu cấp trên vẫn lờ đi, không nghe, không biết, không thấy lá thư này (như vẫn phản ứng trước các kiến nghị tương tự trước đây), thì quý vị sẽ có hành động gì chăng. Những lời yêu cầu “dân chủ” trong bức thư không kèm theo hai chữ “tự do,” cũng là một điều đáng chú ý. Vì các ông Stalin, Mao Trạch Ðông cũng đều tự nhận là dân chủ, họ còn nói chế độ của họ dân chủ gấp vạn lần nền dân chủ ở các nước tư bản. Nhưng họ chỉ nói dân chủ mà không đả động gì đến những quyền tự do cơ bản giúp con người sống có phẩm giá, gọi là “nhân quyền.”

Vì vậy, những người ngoài đảng Cộng Sản Việt Nam có thể thất vọng. Thái độ tôn kính người nhiều tuổi đảng cho thấy các người ký tên vẫn giữ một thứ tôn ti trật tự hoàn toàn nội bộ. Chỉ nêu lên các thỉnh cầu mà không đòi hỏi, không tranh đấu, chứng tỏ 61 người vẫn tuân thủ một tôn ti trật tự nội bộ. Dân chủ hóa đất nước và chống Trung Cộng bành trướng là những mối quan tâm của 90 triệu người Việt Nam. Không phải chuyện riêng của các đảng viên cộng sản. Nhưng 61 vị đảng viên trên chỉ thỉnh cầu cấp trên trong đảng thay đổi, chứ không nói gì với người chung quanh. Ðây là thói quen do suốt nửa thế kỷ sống trong một chế độ “xin, cho” tạo ra. Ðọc xong bức thư chúng ta có cảm tưởng mình đang “đọc trộm” thư riêng của người khác; họ không có ý gửi cho mình đọc những chuyện nội bộ của họ. Vì vậy, rất nhiều người thất vọng; mặc dù vẫn kính trọng thiện chí của quý vị đã ký tên.

Một người Việt Nam có suy nghĩ, trước cảnh đảng Cộng Sản “đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh” chắc phải kêu gọi tất cả đồng bào cùng lo xây dựng lại. Phải phát triển kinh tế; muốn thế phải xây dựng dân chủ; và phải phục hưng văn hóa. Ðây là chuyện chung của cả nước, không thể giao cho mấy chục người trong một đảng cầm quyền định đoạt hết được.

Từ 100 năm trước đây Phan Châu Trinh đã đặt một thứ tự ưu tiên cho ba việc kể: Phục hưng văn hóa là điều quan trọng nhất (dân khí, dân trí), kinh tế hưng thịnh (dân sinh) là hậu quả tự nhiên. Khi Phan Tây Hồ đặt các ưu tiên như vậy, cụ không nói đến thứ tự thời gian mà nhấn mạnh đến tầm quan trọng. Trong ba lãnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, thì dân khí, dân trí có vai trò quyết định. Một nước làm ăn giầu có hơn mà dân trí, dân khí vẫn thấp kém thì sẽ không thể tiến xa được, nhất là trong thời đại “kinh tế tri thức” hiện nay. Một nước mở cửa thị trường mà không có luật pháp minh bạch, thì riêng nạn tham nhũng không thôi cũng khiến cho kinh tế chậm lụt mãi mãi. Cho nên nếu không dân chủ hóa thì kinh tế khó phát triển. Nhưng một nước thiết lập thể chế dân chủ rồi mà dân khí, dân trí chưa phấn khởi, thì nền dân chủ sẽ chỉ có trên giấy tờ. Dân khí phấn khởi khi nào mọi công dân coi “việc nước” cũng là phận sự của chính mình. Do đó, chính mình phải quan sát, theo dõi, kiểm tra những người đang nắm quyền hành trong nước. Việc xây dựng chế độ tự do dân chủ là việc của toàn dân, chứ không thể giao khoán cho một nhóm người nào cả. Ðó không phải là “công tác mới” của hàng chục triệu đảng viên cộng sản Việt Nam! Họ không thể quyết định thay cho 90 triệu con người.

Muốn phục hưng dân khí của người Việt Nam thì những nhà trí thức phải có thái độ và hành động mới. Cứ tiếp tục thái độ “xin cho” thì không bao giờ “phấn dân khí” được. Dân khí sẽ bùng lên khi thấy những hành động quyết liệt, cam đảm. Không thể rụt rè, xin xỏ. Bức thư yêu cầu đảng Cộng Sản “chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ” nhưng lại nói thêm, “một cách kiên quyết nhưng ôn hòa.” Có người Việt Nam nào bây giờ đang đòi thay đổi chế độ bằng bạo lực đâu, mà phải lo lắng như vậy? Một bức thư “yêu cầu” thay đổi với lời lẽ lễ phép từ đầu đến cuối, như vậy không đủ chứng tỏ các người soạn thư rất ôn hòa hay sao? Có lời lẽ nào trong thư tỏ ra muốn bạo động, quá khích đâu? Văn tức là người. Ðọc cái đuôi “kiên quyết nhưng ôn hòa” người ta cảm thấy một tình trạng tâm thần không yên ổn, vừa nói vừa lo ngại sẽ bị chụp mũ, bị đàn áp, tù tội, lo bị gán cho cái tội “xét lại, chống đảng” như kinh nghiệm đã dậy. Thái độ này khó mà giúp cho công việc “phấn dân khí.”

Cho nên, chúng tôi ước mong các đảng viên Cộng Sản Việt Nam sẽ đồng ý và phổ biến bức thư của 61 đảng viên mới công bố, nhưng yêu cầu quý vị hãy bầy tỏ thái độ một cách kiên quyết hơn nữa. Phải nói thẳng rằng đây là những đòi hỏi tối thiểu của chúng tôi. Phải xác định rằng nếu lá thư này không được trả lời, nếu các yêu cầu này không được thỏa mãn trong vòng ba tháng, sáu tháng, chúng tôi sẽ từ bỏ đảng, sẽ kêu gọi đồng bào tập họp trong một (hay nhiều) đảng mới, tranh đấu buộc đảng Cộng sản phải thay đổi: Thực hiện tự do dân chủ và hành động cương quyết với Trung Quốc. Ông Nguyễn Hữu Thọ từng nói, đại ý: Muốn tự do thì phải tranh đấu chứ không thể xin người ta ban cho được. Gần 40 năm rồi, nhiều người không còn nhớ câu đó nữa.

Dấu hiệu về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Việt Nam

Phạm Chí Dũng

Minh họa của Khều (Người lao động

Ngay sau khi nửa đầu năm 2014 vừa trôi qua, thị trường tín dụng Việt Nam đã lộ diện một ứng cử viên rất dồi dào cho triển vọng phá sản: Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn (Agribank).

Tất cả đều “quán quân”

Tỷ lệ nợ xấu “siêu khủng” vượt cả vốn điều lệ, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm đến 89% vốn điều lệ, quá nhiều lỗ hổng trong quản trị ngân hàng mà đã dẫn đến hàng loạt sai phạm lớn tại một số chi nhánh,… là những huyệt đạo ung thư còn trên cả ác tính ở Agribank.

Nhưng phải mất đến 7 tháng tính từ cuối kỳ năm 2013, những số liệu về bản chất của Agrinbank mới được cơ quan kiểm toán nhà nước công bố.

Chỉ tính đến thời điểm cuối năm 2013, nợ có khả năng mất vốn tại Agribank lên tới 23,652 tỷ đồng, chiếm đến 59.23% tổng dư nợ xấu và bằng đến 89% vốn điều lệ. So với vốn điều lệ là 29,605 tỷ đồng, tổng nợ xấu của Agribank lên tới xấp xỉ 40,000 tỷ đồng, tức cao hơn vốn điều lệ của ngân hàng này đến hơn 10,000 tỷ đồng.

Kết quả của cơ quan kiểm toán nhà nước cũng lần đầu tiên “tiết lộ” tỷ lệ nợ xấu của Agribank vào cuối năm 2013 là 8.16%, tăng đến 34.43% so với cùng kỳ năm 2011. Có thể xem đây là tỷ lệ quán quân nếu so với tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 7.8%.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng được cơ quan kiểm toán công bố mới chỉ dựa chủ yếu vào số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó và với tất cả những gì mà giới ngân hàng đã mặc nhiên thao túng dữ dội từ nhiều năm qua, ngay cả một số chuyên gia nhà nước cũng phải thốt lên “Không thể tin được!” khi chứng kiến số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại.

Không thể tin được!

Khác biệt rất nhiều báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, một con số của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vào tháng 2, 2014 đã cho biết tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng Việt Nam lên tới 13%.

Ngay từ giữa năm 2001, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín khác trên thế giới là Fitch Ratings cũng đã công bố tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Việt Nam là 13%.

Trong khi đó, số liệu công bố về tỷ lệ nợ xấu của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam luôn thấp hơn rất nhiều – dao động trung bình chỉ khoảng 5-6%. Cũng từ năm 2011 đến nay, Ngân Hàng Nhà Nước đã ít nhất 8 lần thông tin về tỷ lệ nợ xấu với vũ điệu nhảy múa của các số liệu là hết sức bất nhất, hoàn toàn thiếu căn cứ thuyết minh và quá kém độ tin cậy.

Gần đây nhất, Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình – người mà vào năm 2011 bị Global Finance, một tạp chí tài chính quốc tế có uy tín, xếp hạng là một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành kém nhất thế giới – vừa công bố tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Việt Nam “đã bất ngờ vượt hơn 4%.”

Nhưng với rất nhiều chuyên gia tài chính, hiện tượng tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến lại hầu như không bất ngờ. Thực trạng không thể phủ nhận là cho đến nay, đã gần như chưa có bất kỳ khoản nợ xấu nào được xử lý trọn vẹn. Trong khi công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) chỉ mới mua được khoảng 10% số nợ xấu của cá ngân hàng thương mại nhưng lại chưa biết bán lại cho ai, nợ xấu cộng lãi vẫn đều đặn tăng tiến.

Hơn 70% nợ xấu thuộc về thị trường bất động sản. Thị trường này lại không chỉ thuộc về con nợ doanh nghiệp nhà đất mà còn đang ngày đêm siết bóp buồng tim các ngân hàng ôm nợ. Hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp và một tỷ lệ lớn phân khúc căn hộ trung cấp đang tồn đọng chưa có lối thoát ở Hà Nội, Sài Gòn và Ðà Nẵng vẫn là cơn ác mộng “một buổi sáng thức giấc không nợ nần” của nhiều đại gia.

Mới đây, một đại gia bất động sản có tiếng ở Ðà Nẵng đã phải tự bắn vào đầu mình để chấm dứt kiếp nạn nợ nần và phá sản.

“Rất rủi ro”

Agribank lại là cái tên không thể thiếu trong danh sách những ngân hàng ôm nợ xấu bất động sản. Từ giữa năm 2011, ngân hàng này đã lộ dần dấu hiệu nợ xấu bất động sản dâng cao vời vợi. Cũng từ đó và khó có thể xem là mối trùng hợp ngẫu nhiên, hàng loạt vụ bê bối tài chính đã xảy ra ở Agribank. Cho đến nay, ngân hàng này đã đương nhiên chiếm giải quán quân trong hệ thống ngân hàng về số quan chức bị bắt và bị truy tố.

Vào tháng 1 năm 2013, ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Agribank, đã bị bắt với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại 3,900 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Ðúng một năm sau, cơ quan công an lại bắt giam Kiều Trọng Tuyến, nguyên phó tổng giám đốc Agribank, với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền lên tới 3,900 tỷ đồng.

Cũng còn những vụ đại án liên quan đến Agribank đưa ra xét xử là sai phạm tại công ty cho thuê tài chính II, khi có đến 11 bị cáo trong vụ án này bị truy tố. Hoặc vụ án với 11 bị can bị đề nghị truy tố liên quan đến vụ thất thoát hơn 1,000 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh 6 TP. HCM…

Với mọi “giải quán quân” mà Agribank cầm chắc trong tay, bài toán tài chính quốc gia đang lộ diện: vấn đề và hậu quả của Agribank sẽ ra sao, ứng với quy mô tài sản trên 600,000 tỷ đồng và quy mô tín dụng trên 500,000 tỷ đồng – đứng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Cho đến lúc này, giới chuyên gia ngân hàng đã hầu như đoan chắc: nếu Agribank có “mệnh hệ” gì, số phận của nó sẽ tác động lớn, thậm chí là ghê gớm đến thị trường tín dụng.

“Riêng Agribank nếu không rốt ráo cơ cấu lại thì rất rủi ro” – Kiểm toán trưởng của cơ quan kiểm toán nhà nước Phạm Thanh Sơn thừa nhận.

Ðã đến lúc giới điều hành tín dụng của chính phủ không thể ém nhẹm được vụ việc và có thể sẽ là “vụ án” Agribank. Vượt hơn nhiều so với nhiều ngân hàng “bạn,” ngân hàng này sở hữu mối quan hệ sở hữu chéo được coi là chồng lấn và khủng khiếp. Sẽ không ngạc nhiên nếu Agribank sụp đổ, hiệu ứng domino của nó sẽ lan rộng ra rất nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Ai sẽ mất ngủ?

Còn điều được coi là “trách nhiệm điều hành tín dụng” của Ngân Hàng Nhà Nước và cá nhân Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình?

Nếu vào năm 2012 ông Bình rất tự tin “sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ”, còn báo chí gần như bị cấm không được đề cập đến những dấu hiệu đổ vỡ của ngân hàng, thì từ đầu năm 2014, hiện tượng có vẻ khá lạ lùng là từ “đổ vỡ” còn được chính Ngân Hàng Nhà Nước nhắc đến. Và cũng không phải vô cớ mà Quốc Hội Việt Nam đã mau chóng thông qua Luật Phá Sản sửa đổi, trong đó dành hẳn một chương cho việc tiễn biệt các tổ chức tín dụng ngắc ngoải.

Nếu vào năm 2012, tất cả những gì mà Ngân Hàng Nhà Nước muốn làm chỉ là “tái cấu trúc hệ thống ngân hàng,” thì dường như cơ quan này đã “buông” vào năm 2014 với “quyết tâm”: chỉ cần duy trì 15-17 ngân hàng trong tổng số hơn 30 ngân hàng hoạt động hiện thời.

Thế nhưng, vẫn chưa có bất kỳ đường hướng hay kể cả chiến thuật xử lý nào cho cơn băng hoại đang lan ra với gia tốc ngày càng mạnh mẽ. Không một ngân hàng lớn nào muốn “ôm” nợ xấu của các ngân hàng nhỏ, trong khi nếu không ghép được ngân hàng “yếu kém” vào ngân hàng “lành mạnh” thì sẽ chẳng còn gì là biện pháp hữu hiệu nữa.

Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu chính Agribank – nằm trong nhóm ngân hàng lớn nhất và được coi là nhóm lợi ích có mối liên can sâu đậm nhất với một số chính khách nào đó – trở nên vô phương cứu chữa. Khi đó, không chỉ các ngân hàng lớn buộc phải “cứu” Agribank, mà chắc chắn Ngân Hàng Nhà Nước và có thể cả Bộ Chính Trị sẽ phải mất ngủ với ca bệnh quá nan giải này. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 6, 2014, Ngân Hàng Nhà Nước đã có một cuộc “thay máu” gần như toàn diện dàn lãnh đạo cấp cao của Agribank.

Cuối năm khủng hoảng ngân hàng?

Vào nửa đầu năm 2007, Nouriel Roubini – người được biệt danh là “tiến sĩ tận thế” – bắt đầu nói thẳng thừng về mối nguy lớn đối với ngân hàng khổng lồ Lehman Brothers của nước Mỹ. Tuy nhiên chẳng mấy người tin vào dự báo của ông. Nhưng đến tháng 10, 2007, Lehman Brothes bất chợt sụp đổ ngay trước mũi chính phủ Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng tài chính nước Mỹ lập tức khởi sự và lan ra một phần lớn các quốc gia phát triển.

Không thể coi Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt vào thời gian này và trong bối cảnh được xem là hết sức “nhạy cảm” hiện nay. Người ta đang chờ đợi những dấu hiệu tan vỡ đầu tiên của một ngân hàng đầu tiên, để từ đó dự đoán hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với kịch bản khủng hoảng như thế nào, có thể xảy ra vào ngay cuối năm nay và cho cả những năm tới.

Agribank là cái tên ưu tiên hàng đầu cho những dấu hiệu đầu tiên đó. Nhưng có vẻ không chỉ là dấu hiệu, mọi sự đã trở nên nguy hiểm và cấp tính. Kịch bản cần nêu ra lúc này là nếu không chỉ Agribank mà còn vài ba cái tên khác bị trôi vào danh sách “tử thần,” ngay cả Ngân Hàng Nhà Nước cũng phải bó tay, còn nền kinh tế Việt Nam, vốn đã tuột chân xuống hố suy thoái, sẽ điêu đứng đến mức nào.

Theo Người Việt