Lượm lặt tin 31-7-14

Dân biểu Mỹ gửi thư lên Tổng thống phản đối TPP cho VN

Thư do Dân biểu Frank Wolf khởi xướng được 16 dân biểu Cộng hòa và 16 dân biểu Dân chủ đồng ký tên nêu rõ 'để Quốc hội Mỹ ủng hộ thỏa thuận TPP với Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội cấp thiết phải có những thay đổi đáng kể về mặt nhân quyền'.

Thư do Dân biểu Frank Wolf khởi xướng được 16 dân biểu Cộng hòa và 16 dân biểu Dân chủ đồng ký tên nêu rõ ‘để Quốc hội Mỹ ủng hộ thỏa thuận TPP với Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội cấp thiết phải có những thay đổi đáng kể về mặt nhân quyền’.

Hàng chục dân biểu thuộc lưỡng đảng trong Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 29/7 gửi thư cho Tổng thống Barack Obama không đồng ý cho Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP nếu không có những cải thiện nhân quyền cụ thể từ chính phủ Hà Nội.

Thư do Dân biểu Cộng hòa Frank Wolf khởi xướng được 16 dân biểu Cộng hòa và 16 dân biểu Dân chủ đồng ký tên nêu rõ để Quốc hội Mỹ ủng hộ thỏa thuận TPP với Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội cấp thiết phải có những thay đổi đáng kể về mặt nhân quyền, cải tổ luật lệ đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, và tỏ rõ cam kết về pháp quyền.

Thư bày tỏ quan ngại sâu sắc về thành tích nhân quyền, quyền của người lao động, và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Những người đồng ký tên dẫn ra hàng loạt các vi phạm điển hình như việc tù đày các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động tôn giáo, và những tiếng nói chỉ trích nhà nước khiến Việt Nam trở thành quốc gia giam tù nhân chính trị nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, với ít nhất 212 người đang bị cầm tù và nhiều người khác đang bị quản thúc tại gia.

Các dân biểu ký tên trong thư nói Quốc hội Mỹ sẽ khó để cho Việt Nam gia nhập TPP nếu Hà Nội không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu bao gồm phóng thích tất cả tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, sửa đổi các điều luật cản trở quyền tự do tôn giáo như nghị định 92, chấm dứt yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải được nhà nước công nhận và kiểm soát, và cho phép hình thành các tổ chức công đoàn độc lập nằm ngoài sự quản lý của nhà nước.

Chính phủ hai nước Việt-Mỹ đều bày tỏ mong muốn sớm đúc kết các cuộc thương lượng về TPP trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, để TPP được thông qua, ngoài sự phê chuẩn của Tổng thống cần phải có sự nhất trí của cả lưỡng viện trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Nếu không được đa số ủng hộ ở Hạ viện hoặc chỉ cần 1 thành viên trong Thượng viện chặn lại thì Việt Nam cũng không vào được TPP.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một nhà vận động được nhiều người biết đến về vấn đề nhân quyền và TPP của Việt Nam, cho biết:

“Hiện nay có hai nút chặn mà nút chặn quan trọng nhất là ở Hạ viện vì ở Hạ viện đã có đa số các dân biểu lên tiếng rồi. Khoảng từ 250-260 dân biểu không đồng ý cho Việt Nam vào TPP nếu như không có những cải thiện căn bản về nhân quyền. Tại Thượng viện cũng có một số thượng nghị sĩ kể cả Chủ tịch Tiểu ban đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương trong Thượng viện đã tuyên bố thẳng thừng rằng không muốn cứu xét cho Việt Nam vào TPP nếu Việt Nam không cải thiện đáng kể về nhân quyền.”

Tiến sĩ Thắng nhấn mạnh những nỗ lực của giới hoạt động nhân quyền và các nhà lập pháp Hoa Kỳ hiện nay không nhằm ngăn cản TPP cho Việt Nam, mà là để thỏa thuận tự do mậu dịch này thật sự đến với một đất nước tự do-dân chủ và tôn trọng nhân quyền:

“Chúng tôi không chặn TPP cho Việt Nam mà chỉ đặt điều kiện là nếu muốn có mậu dịch tự do thì phải thật sự với một dân tộc tự do. Khi nào người dân làm chủ nền kinh tế xã hội , lúc đó những quyền lợi mậu dịch mới đến với người dân. Hiện nay, tất cả những quyền lợi ấy sẽ không được phân bổ đến người dân mà nhiều khi lại củng cố thêm hệ thống quyền lực để trấn áp, khống chế , đàn áp người dân, tạo thêm những bất công xã hội nặng nề hơn nữa. Đây là một cơ hội để đòi hỏi chính quyền Việt Nam nếu muốn hưởng các quyền lợi từ tự do mậu dịch và thế giới tự do thì bắt buộc phải cải tổ nhân quyền một cách căn bản, không quay lui được nữa.”

Những dân biểu ký tên trong thư gửi Tổng thống Obama nói những điều kiện về nhân quyền họ nêu lên thể hiện các giá trị toàn cầu cũng như cam kết của Hoa Kỳ về tự do mậu dịch để đảm bảo rằng TPP sẽ không dẫn tới những hậu quả khôn lường do hậu thuẫn những vi phạm.

Thư của các dân biểu Mỹ nhấn mạnh TPP không chỉ là một thỏa thuận tự do thương mại mà còn là một thông điệp với thế giới rằng mỗi thành viên trong đó là một đối tác đáng tin cậy.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ khuyến cáo rằng không đảm bảo Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể thì việc chấp thuận TPP cho Hà Nội sẽ càng làm tăng thêm các vi phạm nhân quyền của chính phủ độc đảng do cộng sản lãnh đạo.

Báo Quân đội Nhân dân của nhà nước Việt Nam trong bài viết nhan đề ‘Tư duy lỗi thời và ảo tưởng ngây thơ’ cáo buộc các tổ chức phản động nước ngoài bịa đặt, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền để cản trở Việt Nam tham gia TPP.

Bài báo nói ‘Tư duy dùng vấn đề dân chủ, nhân quyền để áp đặt chính sách lên các quốc gia đã ngày càng tỏ ra lỗi thời trong quan hệ quốc tế. Những ai nghĩ rằng, để được Hoa Kỳ chấp nhận trở thành thành viên TPP, Việt Nam phải thay đổi chế độ xã hội, pháp luật quốc gia chỉ là một ảo tưởng ngây thơ.’

——————————————

Facebook thắng lớn nhờ “cơn lốc” di động

Mạng xã hội lớn nhất hành tinh có 1,3 tỉ người dùng, tổng doanh thu tăng 61%. Quảng cáo trên di động chiếm 62% trong doanh thu từ quảng cáo so với 41% của năm ngoái.
 

Với 1 tỉ người dùng dịch vụ Facebook thường xuyên cập nhật mạng xã hội từ trên các thiết bị cầm tay, CEO Mark Zuckerberg và các đồng sự đã có cơ hội nhân đôi lợi nhuận trong quý 3 vừa qua, vượt mức dự đoán của các nhà phân tích phố Wall.

Theo báo cáo doanh thu mới nhất của Facebook, mạng xã hội với 1,3 tỉ người dùng ghi nhận doanh số từ quảng cáo trên di động tăng với tốc độ chóng mặt, chiếm 62% trong tổng doanh thu từ quảng cáo trong 3 tháng kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua. Năm ngoái, con số này chỉ là 41% doanh thu quảng cáo. Tổng doanh thu của mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã tăng gần 61%, đạt 2,9 tỉ USD so với mức thu 1,8 tỉ USD trong năm ngoái.

Trong 3 tháng vừa qua, lợi nhuận của Facebook tăng gần 138%, đạt 791 triệu USD, tức 30 cents/cổ phiếu, tăng từ mức 333 triệu USD.

Theo số liệu mới nhất, có gần 1,1 tỉ người dùng truy cập Facebook ít nhất 1 lần mỗi tháng trên một thiết bị di động, tăng 31% so với năm ngoái.

Tại Hội nghị với các nhà phân tích, CEO trẻ tuổi Mark Zuckerberg cho biết đang rất hài lòng với hoạt động kinh doanh của Facebook trên thiết bị di động, và cơ hội tăng trưởng vẫn còn rất nhiều.

Mark Zuckerberg cho hay người dùng tại Mỹ dành 40 phút mỗi ngày để sử dụng Facebook trên điện thoại. “Đây là ứng dụng sử dụng nhiều thời gian hơn bất cứ ứng dụng nào”. Tuy nhiên, Zuckerberg cho hay, người dùng Mỹ dành tới 9 tiếng để tương tác với các dịch vụ giải trí trên điện thoại, máy tính, và TV. Đối với Facebook, di động là mảnh đất màu mỡ.

Cổ phiếu của Facebook đã tăng 170% trong 12 tháng qua, đưa mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đứng trong Top doanh nghiệp hoạt động tốt nhất Standard & Poor’s 500 trên sàn chứng khoán.

Trước đó, cổ phiếu Facebook tăng kỉ lục lên 72,59 USD hồi tháng 3, và giá trị cổ phiếu của mạng xã hội này tăng khoảng 30% trong năm nay với 71,29 USD/cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch ngày hôm qua.

Giới phân tích cũng tin rằng Facebook sẽ chiếm hơn 22% doanh thu từ quảng cáo trên di động trong năm nay. Theo dự đoán của công ty phân tích thị trường eMarketer, doanh thu của Facebook năm nay sẽ tăng từ mức 5,4% trong năm 2012 khi hãng này bắt đầu bán cổ phiếu ra công chúng.

Tuy nhiên, Google vẫn là ông vua trên thị trường quảng cáo di động. Dù vậy, giới phân tích dự đoán Google sẽ giảm dần miếng bánh của mình, và sẽ chiếm giữ chưa tới 50% thị trường, giảm so với mức 52,6% trong năm 2012. Trong khi đó, Twitter, tiểu mạng xã hội là đối thủ của Facebook hiện đang là hãng có mức doanh thu lớn thứ 3 trên thị trường quảng cáo di động, dự kiến sẽ giữ 3% thị phần trong năm nay.

Giới phân tích cũng nhận thấy tiềm năng từ dịch vụ quảng cáo trên video khi Facebook bắt đầu ra mắt tính năng quảng cáo 15 giây trước mỗi đoạn video trên mạng xã hội của mình.

Ngoài ra, mạng chia sẻ hình ảnh Instagram mà Facebook mua lại trước đó cũng sẽ là một “mỏ vàng” của mạng xã hội này. Facebook đã bắt đầu đưa banner quảng cáo trên Instagram từ hồi tháng 11 năm ngoái.

NGUỒN: DÂN TRÍ

————————————————-

Một nông dân ở Vùng Lãnh thổ Bắc Australia đã tạo ra một loại xoài “có một không hai” là xoài có mùi vị dừa.

Một quả xoài malibu. (Nguồn: abc.net.au)
Một quả xoài “malibu”. (Nguồn: abc.net.au)

Sau nhiều năm mò mẫm lai tạo, ông Leo Skliros, một nông dân tại vùng Berry Springs, phía Nam Darwin, đã thành công với giống xoài có hương vị dừa, dễ ra hoa, kết quả.

Trái xoài có hình thon dài vì một trong những giống xoài gốc để tạo ra nó là giống Irwin – loại xoài có trái dài màu đỏ.

Giống xoài gốc còn lại thuộc giống xoài Kensington Pride, loại được giới trồng xoài ở Australia ưa chuộng vì quả to và hương vị đậm đà.

Ông Skliros cho biết ông phải mất 3-4 năm để phát triển được loại xoài này và rất khó để dự đoán được kết quả của việc lai tạo trong những năm đầu. Tuy nhiên, việc lai tạo là biện pháp cần thiết để phát triển hiệu quả ngành trồng trọt.

Ông dự định đặt tên giống xoài mới là “malibu” – tên một loại rượu rum có hương vị dừa.

Theo ông Skliros, cần 2-3 năm nữa ông mới có thể tung loại xoài mới “malibu” ra thị trường với quy mô thương mại.

Trang web của hội Nhà Báo Độc Lập bị phá hoại

imagesChỉ sau 10 ngày khởi sự trang web Việt Nam Thời Báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – trang báo này đã bị một bàn tay hacker lẩn khuất phá hoại nặng nề.

Đúng vào 27/7/2014 – thời điểm Đảng và Nhà nước kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam – cho đến nay trang Việt Nam Thời Báo đã hầu như tê liệt. Rất nhiều độc giả quen thuộc đã không thể truy cập.

Vụ việc phá hoại quá kém tính chính danh trên lại xảy ra ngay sau khi ít nhất 30 trang facebook của những người đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị xâm hại – một sự kiện mà đã lôi kéo mối lưu tâm đặc biệt của những tổ chức quốc tế về nhân quyền và tự do báo chí về cái cách “làm thế nào để tiêu diệt giới blogger” đang xảy ra nhan nhản đầy trắng trợn ở Việt Nam.

Những vụ phá hoại facebook cá nhân và trang web Việt Nam Thời Báo lại xảy ra ngay trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Úc được tổ chức ngay tại Hà Nội. Cùng thời gian đó, lần đầu tiên một cuộc hội thảo cũng ở Hà Nội về chủ đề “truyền thông phi nhà nước” sẽ được khơi thông bởi Đại sứ quán Úc, với thành phần mời gồm các bên như tổ chức xã hội dân sự độc lập, cơ quan chính quyền và đảng Cộng sản.

Vẫn chưa phải hết, những vụ phá hoại quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trên facebook và nhắm vào trang web của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam lại như vô tình khá gần gũi với thời điểm mà Phái đoàn Việt Nam vừa chấp nhận những khuyến nghị cơ bản về tự do báo chí, tự do lập hội, xã hội dân sự… tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào cuối tháng 6/2014.

Hoàn toàn không khác hành vi ném đá giấu tay của những nhóm côn đồ hữu hình trên đường phố đối với giới đấu tranh dân chủ, cơn ung thư ác tính vô hình nhằm hủy hoại cơ thể dân chủ hóa Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều trang báo, blog và facebook tranh đấu cũng bởi thế vẫn có thể bị xâm hại và bị triệt phá trong thời gian tới.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam xin thông báo thực trạng bế tắc đối thoại như trên, đồng thời lên án mạnh mẽ chiến dịch phá hoại trang Việt Nam Thời Báo – một hành vi mà chỉ có thể đối chiếu với cơn ung hoại thuộc về giai đoạn cuối.

Ban biên tập Việt Nam Thời Báo vô cùng xin lỗi độc giả trong nước và ngoài nước bởi sự cố không hề mong muốn này. Với tâm nguyện bằng mọi cách duy trì tiếng nói tối thiểu cho báo giới độc lập và những người dân thấp cổ bé họng, chúng tôi sẽ cố gắng hồi phục trang web Việt NamThời Báo trong thời gian sớm nhất.

Chân thành cám ơn quý độc giả và những người quan tâm đến tương lai Tự do báo chí ở Việt Nam.

Ngày 28 tháng 7 năm 2014
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
Chủ tịch
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

TT Nguyễn Tấn Dũng quyết triệt hạ đường sống của các nhà hoạt động VN

Hoàng Trần
Giới bất đồng chính kiến VN bị cấm làm việc cho các tổ chức nước ngoài

Giới hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ Việt Nam sẽ “không được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam”, đây là lệnh cấm vừa được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành hôm 28/7.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, lệnh cấm được áp dụng đối với 6 nhóm đối tượng bao gồm công an, quân đội; cán bộ công chức nhà nước; những người đang công tác trong những lãnh vực liên quan đến bí mật quốc gia, bao gồm cả vợ hoặc chồng…

Cũng theo nghị định này, các tổ chức và cán nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ bị cấm tuyển dụng đối với những người bị cho là ”gây nguy hại đến an ninh quốc gia” như: các cựu tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, giới tranh đấu cho dân chủ…

Các đối tượng bị cấm được nêu ra trong phần 5 và 6 của nghị định bao gồm những người “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tiết lộ bí mật nhà nước hoặc an ninh quốc gia”.

“Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành bản án hình sự của Tòa án hoặc người chưa được xóa án tích, chưa hết thời hạn, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật hình sự.”

‘Cử nhân luật’ ký luật rừng

Lệnh cấm có tên gọi “Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam” sẽ chính thức sẽ có hiệu lực vào 15/9/2014 sắp tới.

Theo nghị định, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam bao gồm cả các tòa đại sứ và lãnh sự quán các nước, các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận, các hãng truyền thông quốc tế…

Người ký ban hành lệnh cấm trên là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được nói có bằng cử cử nhân luật.

Bằng thủ đoạn triệt hạ đường sống của những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã một lần nữa lộ rõ bản chất hung bạo của ông ta đối với tất cả nhưng ai bị quy chụp là ”gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

Thật kỳ quái khi gần đây xuất hiện một số vị tự nhận là “nhân sỹ trí thức” hết lời tâng bốc Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí có vị còn ảo tưởng đến mức sẵn sàng ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng lên làm tổng thống cùng với hy vọng hão huyền rằng ông ta sẽ trở thành một Boris Yeltsin của Việt Nam (!?).

Giải quyết khủng hoảng chính trị bằng việc củng cố quyền lực cho một kẻ độc tài, phải chăng là sự bế tắc tuyệt vọng hay lại là một sai lầm bi đát nữa đây?

Hoàng Trần

Thư gửi bé Đậu

Be Dau

Con thương yêu của bố,

Khi sinh con ra trên đời này thì bố mẹ đã đến tuổi có thể sắp có cháu, đó là một thiệt thòi rất lớn với con. Mẹ hay đùa là bố mẹ chỉ còn khoảng ba chục năm nữa ở bên con, biết làm sao được với số phận con nhỉ. Nhưng bố vẫn ngàn lần cảm ơn số phận đã mang con đến cho bố mẹ, bố chấp nhận những khó khăn không thể tránh khỏi khi mai này con lớn lên trong cảnh cha già con cọc. Chính vì thế bố muốn viết thư này cho con để mai sau, khi nhỡ ra con còn chưa hiểu việc đời mà bố đã đi xa thì đây là những dòng tâm tư để con hiểu được lòng bố.

Con được sinh ra trong hoàn cảnh xã hội rất rối ren, lòng người ly tán, đất nước bị xâm lăng. Gia đình mình vốn thuộc loại công thần trong xã hội miền Bắc, được nhiều người quyền cao chức trọng cũng như người dân nể trọng. Nếu xã hội vẫn bình bình như trước đây thì đó là một lợi thế mà chắc chắn con sinh ra sẽ được đủ đầy hơn mọi người. Nhưng than ôi, cái chế độ mà gia đình ta cũng như nhiều gia đình khác đổ cả máu và mồ hôi để phụng sự nó hàng chục năm về trước đã không còn vì đất nước, vì nhân dân nữa. Người ta đã phản bội tất cả những gì đã hứa với dân để vun vén cho quần thần, cho gia tộc của họ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức băng hoại, tài nguyên kiệt quệ, công nhân làm đĩ, nông dân ăn mày, trí thức hạ mình, tổ quốc lâm nguy, nợ nước ngoài đến đời con chắc chắn chưa trả được.

Tất cả những điều đó là hậu quả của sự nói dối. Người ta nói dối để có nhiều người ủng hộ cách mạng cướp chính quyền. Người ta nói dối để dân tộc lao vào đánh nhau như quân thù hòng phục vụ mưu đồ của nước lớn. Người ta nói dối để giữ vững quyền lực sinh sát điều khiển xã hội muôn đời. Người ta nói dối để người dân tự hào trong vũng lầy nghèo đói. Kẻ nào dám thốt lên sự thật ngược ý họ thì không những bản thân mà gia đình sẽ khốn nạn. Thế rồi khi sống trong sự dối trá hơn nửa thế kỷ, cả xã hội dần quên đi những gì thuộc về quy luật của tự nhiên, đó là sự thật. Không có sự thật thì vĩnh viễn không cái gì có thể tồn tại và phát triển được. Cái cây muốn tồn tại được thì cái rễ phải lần tìm đến chỗ có nước, cái lá phải vươn đến ánh mặt trời. Sẽ ra sao nếu nó bị đánh lừa đến chỗ không có nước, không có nắng… con người cũng như vậy thôi con ơi.

Sự thật là điều kiện sống còn để mọi cơ thể sống trong tự nhiên hay cấu trúc xã hội phát triển. Mọi cơ thể sống thì phải có sự trao đổi chất, nếu thông tin phản hồi méo mó thì mọi cấu trúc sống sẽ không thể tự hấp thu hay loại bỏ những gì cần thiết trong quá trình tồn tại và phát triển. Xã hội loài người cũng vậy, và vì thế sự thật mới quan trọng đến nhường nào. Thế mà vì sự thật, đã bao người thức tỉnh vùng lên đấu tranh trong xã hội để rồi nhận lấy kết cục bi thảm khôn lường. Cũng có những người vì mạng sống của họ, vì gia đình của họ, họ phải chấp nhận sống chung với sự giả dối. Bố không trách họ vì quyền được sống của mỗi con người là tối cao, nhưng nếu cứ chấp nhận mãi như vậy thì hậu quả đã rõ ràng. Đó chỉ là cách sống mòn và thế hệ sau đã lãnh đủ.

Bố có thể có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận cuộc sống giả dối, tung hô những điều dối trá, tận dụng những quan hệ và lợi thế sẵn có thì sẽ chả thiếu thứ gì. Rồi khi mai này đất nước tan hoang, ta có thể ra nước ngoài sinh sống không cần biết nước Việt ra sao. Rồi con sẽ được sống trong môi trường bình yên với những điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa tốt nhất. Nhưng con ơi, không ai chọn được tổ quốc, không ai lựa được gia đình. Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con. Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.

Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố.

Bố yêu con rất nhiều, bé Đậu tuyệt vời của bố!

Hà Nội
2h30 sáng ngày 30/7/2014

Đăng với sự đồng ý của tác giả Nguyễn Lân Thắng

@Danluan

Hòa hoãn thay đối đầu?

Trung Quốc đã dời giàn khoan 981 khỏi thềm lục địa Việt Nam

Vụ giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đã thu hút chú ý của dư luận quốc tế.

Bắc Kinh đã quyết định di dời giàn khoan này sớm hơn thời hạn một tháng, phần nào giải tỏa căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thế nhưng theo một số nhà quan sát, như Tiến sỹ Zachary Abuza – chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á, sự kiện giàn khoan cho thấy nguy cơ chia rẽ to lớn trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong bài viết đăng trên mạng Asia Times Online, Tiến sỹ Abuza nhận định rằng Việt Nam tỏ ra không đủ sức để đáp trả sự khiêu khích trên biển của Trung Quốc.

“Nhưng tác hại lớn nhất là hành động của Trung Quốc đã cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng về cách thức phản ứng đối với sự hung hăng của Bắc Kinh.”

Thái độ của lãnh đạo Việt Nam trước và sau chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng Sáu cho thấy khác biệt giữa hai trường phái: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được cho là ít khoan nhượng hơn, trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thiên về hòa hoãn và chú trọng quan hệ lâu năm giữa hai bên.

Ông Abuza viết: “Ngay sau khi ông Dương rời Hà Nội, Bộ Chính trị Đảng CSVN họp để bàn cách đối phó”.

Theo thông tin mà ông có, một nhóm đứng đầu là Thủ tướng Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trương phản ứng cứng rắn, thậm chí đối đầu với lý do càng nhân nhượng Trung Quốc sẽ càng tiến tới.

Quyết định nhượng bộ thay vì đối đầu Trung Quốc là thất bại cho những người muốn cải cách kinh tế trong nước.

Nhóm này đề xuất một chiến lược nhiều mặt trong đó có việc đệ trình hồ sơ tương tự Philippines lên Tòa Trọng tài Quốc tế và vận động Asean thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đồng thời phát triển quan hệ với Nhật Bản, Hoa Kỳ, tham gia hiệp định thương mại TPP…

Trong nhóm này, theo ông Abuza, còn có một số nhân vật khác mà ông cho là thuộc ‘phe cải cách’ như Bí thư TP HCM Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân…

Nhóm đối trọng dẫn đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngược lại, không muốn khiêu khích Bắc Kinh hoặc có bất kỳ động thái gì làm gia tăng căng thằng. Nhóm này không đưa ra chiến lược, mà chỉ chủ trương giải tỏa căng thẳng với Trung Quốc vì lợi ích lâu dài của cả hai bên.

Nhóm này được cho là không ủng hộ kiện Trung Quốc và đặt câu hỏi về chủ ý của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam.

Trong số các nhân vật thuộc nhóm thứ hai, theo tác giả bài viết, có ông Tô Huy Rứa, Lê Hồng Anh, Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thiện Nhân, và cả Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Nghiêng về đa số?

Hai người có khả năng gây thay đổi nếu theo một trong hai nhóm trên là Chủ tịch Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Tuy nhiên hai người này đã ngả về phía nhóm thứ hai dường như đông đảo hơn và Bộ Chính trị đã thông qua chính sách giải tỏa căng thẳng với Trung Quốc. Khả năng kiện Bắc Kinh tưởng như rất gần thì nay xa vời.

Tàu Việt Nam và Trung Quốc đối đầu trong vụ giàn khoan

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hủy chuyến thăm Mỹ được loan báo rộng rãi trước đây và thay vào đó, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị tới Washington và New York.

Chính sách của Việt Nam với Asean cũng mang tinh thần giảm căng thẳng là chủ đạo, với kêu gọi về một bản COC nay bị lui về phía sau.

Bốn lý do giải thích cho kết cục này là: hậu quả kinh tế khi Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam; Việt Nam biết rõ Trung Quốc sẽ không nhượng bộ về Biển Đông; một số nhân vật còn hy vọng là Trung Quốc sẽ không đụng tới quần đảo Trường Sa một khi đã chiếm được toàn bộ Hoàng Sa; và nhận thức là quan hệ hòa bình với nước láng giềng quan trọng hơn nguồn lợi từ Biển Đông.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Zachary Abuza, quyết định hòa hoãn của Hà Nội có thể mang lại các hậu quả thậm tệ.

Trước hết là nó sẽ khiến Trung Quốc còn hung hăng hơn trong tìm kiếm chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả củng cố đường yêu sách chín đoạn.

Việc Trung Quốc dời giàn khoan không có gì khác là vì toan tính lợi ích của chính Trung Quốc chứ không vì gì khác.

Ông Abuza cho rằng đa số người Việt Nam không biết về quyết định giảm căng thẳng với Trung Quốc của ban lãnh đạo.

Nếu họ tin rằng lãnh đạo của họ đã lùi bước trước Trung Quốc thì tính chính danh của lãnh đạo Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên tác hại lớn nhất của nó là đào sâu thêm chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN, gây thêmđe dọa cho nền kinh tế.

“Quyết định nhượng bộ thay vì đối đầu Trung Quốc là thất bại cho những người muốn cải cách kinh tế trong nước.”

Những người này muốn đa dạng hóa kinh tế, thoát lệ thuộc vào Trung Quốc và cải cách toàn diện khu vực nhà nước đồng thời gia nhập TPP.

Theo Tiến sỹ Abuza, “cửa sổ cơ hội cho Việt Nam tham gia TPP đang khép lại nhanh chóng”.

Hiện đang có quan ngại là có thể chỉ còn một hoặc hai hội nghị trung ương nữa trước Đại hội XII để thúc đẩy ý tưởng cải cách, và các hội nghị trung ương còn lại sẽ chỉ tập trung vào công tác tổ chức đại hội.

Điều này, theo nhận định của tác giả bài viết, sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc và cản bước của các nhà cải cách.

‘Lùi bước trước Trung Quốc sẽ đe dọa tính chính danh của Đảng’