Luật sư Lê Công Định – Tưởng niệm Giáo sư Vũ Văn Mẫu

090617095727_lecongdinhsoumen226283LS Lê Công Định
Hôm nay vừa tròn 100 năm ngày sinh của Giáo sư Vũ Văn Mẫu (25/7/1914 – 25/7/2014). Là một học giả lỗi lạc về luật pháp và chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 tại miền Nam, ông từng là Thượng nghị sĩ, Ngoại trưởng và Thủ tướng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, ngoài ra ông còn là Khoa trưởng và Giáo sư thực thụ của Đại học Luật khoa Sài Gòn. Ông qua đời năm 1998 tại Paris.

Giáo sư Vũ Văn Mẫu có kiến thức uyên bác về cựu và tân học, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Latin và Hán. Ông trước tác nhiều tác phẩm luật học rất giá trị bằng tiếng Việt, mà cho đến nay chưa ai có thể so sánh. Tác phẩm của ông được các giáo sư luật đối chiếu danh tiếng thế giới như René David và John E.C Brierley trích dẫn trong các tác phẩm của mình.

Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông thông qua các tác phẩm ông để lại, từ sách, giảng văn, tạp chí, đến cả luận án tiến sĩ luật mà ông đệ trình tại Pháp. Năm 1989 tôi tốt nghiệp trường luật XHCN, đầy tự tin vì là sinh viên giỏi và chịu khó học hỏi, tích lũy kiến thức. Trong công việc đầu tiên của mình sau khi ra trường, trợ lý Trưởng Phòng Công chứng Nhà nước, tôi được tiếp xúc kho tư liệu và thư viện của Phòng Chưởng khế Sài Gòn trước năm 1975. Thú thật, khi đọc các văn kiện pháp lý và chứng thư công chứng được soạn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trong kho tàng ấy, tôi đã hiểu từ mơ hồ đến … không hiểu gì cả.

Nhanh chóng nhận ra rằng mình đã hoàn toàn không được trang bị những quan niệm nền tảng của một nền học thuật pháp lý đúng nghĩa, tôi lập tức tìm đến các hiệu sách cũ còn bày bán các sách, giảng văn và tạp chí luật được ấn hành tại Sài Gòn trước đây. Một trong những tác giả mà tôi đọc nhiều nhất chính là Giáo sư Vũ Văn Mẫu, hầu như mọi trước tác của ông bằng tiếng Việt và tiếng Pháp tôi đều đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí học được cả cách hành văn chính xác, ngắn gọn song trau chuốt từ ông.

Năm 1993 lần đầu tiên được diện kiến Giáo sư Vũ Văn Mẫu tại tư gia trên đường Sương Nguyệt Ánh, nhờ tháp tùng thầy của tôi là Tiến sĩ luật Đào Quang Huy (Đại học Luật khoa Sài Gòn), tôi thật ấn tượng về nếp sống bình dị và phong thái tự tại của một bậc đại trí ẩn dật như ông. Ông kể lại việc đệ trình luận án tiến sĩ luật vào năm 1948 và sau đó thi bằng Agrégation (Thạc sĩ luật) khó khăn như thế nào để làm giáo sư luật tại Pháp. Ông cũng thuật lại nhiều sự kiện hậu trường lúc đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng dưới thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và giữ cương vị Thủ tướng trong chính quyền của cố Tổng thống Dương Văn Minh.

Một người thầy đáng kính khác của tôi là Tiến sĩ luật Võ Phúc Tùng (Đại học Luật khoa Sài Gòn), trong những câu chuyện sau giờ dạy riêng cho tôi về nền văn chương và luật học của Pháp, đã kể một mẩu chuyện mà ông ấn tượng về Giáo sư Vũ Văn Mẫu. Vì muốn viết một luận án tiến sĩ luật với đề tài “Les droits de la personne humaine sur son corps” (tạm dịch, quyền của con người trên thân thể của mình) (cần lưu ý, cho đến năm 1975, tại Đại học Luật khoa Sài Gòn hầu hết các luận án tiến sĩ ngành tư pháp phải viết và đệ trình bằng tiếng Pháp dù thầy và trò đều là người Việt), nên thầy tôi đến xin ý kiến của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, lúc ấy vừa là giáo sư, vừa là Thượng nghị sĩ. Vừa nghe xong, vị giáo sư nói ngay rằng: “Tại sao anh lại chọn một công trình nghiên cứu khó khăn như thế? Lĩnh vực này không có nhiều tài liệu khảo cứu. Sau luận án tiến sĩ của Giáo sư Pháp André Decocq vào năm 1960 nhiều người muốn đào sâu thêm, nhưng hầu như không ai thành công với đề tài này. Anh phải thận trọng nếu không giới học giả Pháp sẽ chỉ trích anh.” Sau đó, vị giáo sư hướng dẫn thầy tôi tìm các tài liệu cần quan tâm.

Thầy tôi nói, sau khi nghe Giáo sư Vũ Văn Mẫu góp ý, ông choáng váng và tự hỏi rằng với bao nhiêu công việc quản lý và giảng dạy đại học, cùng hoạt động chính trị hàng ngày bận rộn như thế, vị giáo sư ấy tìm đâu ra thì giờ để có thể đọc rất nhiều về các lĩnh vực khác nhau của luật pháp, bởi trước đấy thầy tôi từng xin ý kiến của một vài giáo sư khác về đề tài luận án của mình, nhưng chưa thấy ai hiểu thấu đáo lĩnh vực quá chuyên sâu này!

Đối với các vị thầy của tôi, Tiến sĩ Võ Phúc Tùng và Tiến sĩ Đào Quang Huy, cũng như đối với nhiều vị học giả và luật sư khả kính khác thời Việt Nam Cộng Hòa, Giáo sư Vũ Văn Mẫu là một ngọn đuốc soi đường của nhiều thế hệ. Mặc dù chỉ là hậu bối và không trực tiếp lắng nghe ông giảng dạy, song gia tài học thuật ông để lại cũng đủ để tôi trang bị một hệ thống kiến thức nền tảng về luật học và nhận ra đâu là khoa học thật sự.

Nhân tiện, xin lạc đề một chút, trong thời gian bị giam và điều tra vào năm 2009, một vài vị tướng an ninh đến gặp tôi và xưng là tiến sĩ luật. Lúc trò chuyện với họ, bỗng nhớ về Giáo sư Vũ Văn Mẫu và các thầy của tôi, bất giác tôi mỉm cười thích thú. Cũng là một chữ “tiến sĩ” đó, mà sao khác xa nhau thế? Giá mà họ đừng khệ nệ với bằng cấp “tiến sĩ” như thi sĩ Tú Xương mô tả, chắc tôi đã kính trọng hơn nhiều lắm!

Trở lại câu chuyện, hôm nay nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, tưởng nhớ đến ông, tôi vẫn không thôi ao ước một ngày trên đất nước này, người Việt có được một nền luật pháp và học thuật pháp lý đạt đến tầm vóc và đỉnh cao của thế giới văn minh Tây phương, mà một thời tại mảnh đất miền Nam tưởng chừng chúng ta đã gần đạt đến.


(Hình đính kèm là tập luận án của Giáo sư Vũ Văn Mẫu đệ trình tại Đại học Luật khoa Paris ngày 1/7/1948)(Có thể tham khảo thêm bài viết của Luật sư Lê Quang Vy tại https://www.facebook.com/quangvy.le.5)

Tàu cộng đứng sau Bitexco muốn quản lý vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long trong “chỉ” 50 năm tới?

1353835056-halong2600x300Phan Châu Thành

Bão Tàu đã ngầm chuyển mùa?

Mấy hôm nay, trên thế giới vụ 7×7 – “bảy số bảy” (chiếc Boing 777 số hiệu MH17 bị hạ từ ngày 17/7/2+0+1+4=7) vẫn chưa rõ do ai bắn, nhưng cái cách kẻ độc tài hống hách lạnh lùng như Putin bù lu bù loa đổ lỗi cho chiến tranh ở Đông Ucraine (do chính hắn tạo ra và hậu thuẫn) làm cả thế giới nhìn vào nước Nga nghi ngại. Trong nước thì “cơn bão/cái gai” HD981 mập mờ “rút ra”/lắng xuống, nhưng nhiều báo nói nó vẫn đang cắm trên biển VN, thậm chí còn gần bờ hơn thêm 30 hải lý nữa, làm dân chẳng biết tin gì nữa. Rồi cơn bão số 2 vào làm chết 7 người ở các tỉnh QN, LS… làm dân ta quên luôn cơn bão giàn khoan…

Bão đã chuyển mùa, đến cơn số 2 số 3 rồi, mong rằng đến cơn bão số 7 sẽ là bão “độc” ngàn năm nhấn chìm các giàn khoan xâm lược của Tàu (chỉ mong vậy thôi, vì tôi biết một giàn khoan như thế phải được thiết kế dễ dàng chịu được những con sóng trăm năm…)

Kẹt giữa những dòng thông tin nội/ngoại ngồn ngộn như thế, có một thông tin kinh tế lẻ loi sẽ chẳng ai để ý, đó là tin Quảng Ninh đang xem xét giao việc quản lý vịnh Hạ Long và Bái Tử Long 50 năm tới cho tư nhân – tập đoàn Bitexco… Tôi lại linh cảm nó là điều tệ hại đang đến, nó mới chính là dấu hiệu một cơn bão khác cực kỳ độc hại với nước ta đang đến, vẫn từ phương Bắc như HD981, nhưng nó chuyển sang dạng mới – bão Tàu ngầm… đến tỉnh biên giới biển Quảng Ninh.

Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long thực sự là gì?

Đầu tiên, hãy xác định rõ vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long thực sự là gì, thì mới biết ai thực sự nên và muốn làm chủ nó nhất hiện nay?

Với người dân Việt bình thường thì vịnh Hạ Long chỉ là điểm du lịch biển, còn vịnh Bái Tử Long thì đa số không biết là gì ngoài “cũng là một điểm du lịch tiếp sau Hạ Long như thế ở Quảng Ninh”, hết.

Nhưng nếu ta nhìn bằng con mắt cảnh giác thì phải/nên nhìn từ góc độ của nhà địa quân sự và địa kinh tế, và mọi chuyện sẽ khác hẳn.

Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là không gian biển đảo rộng lớn khoảng trên dưới 4000 km2 diện tích các đảo, nội hải và lãnh hải (bằng hơn 2 tỉnh Thái Bình, gấp khoảng 10 lần quốc gia Singapore, và gấp trên 20 lần khu KT và vịnh Vũng Áng…) có gần 3,000 đảo đất và đá vôi được Unesco công nhận là Di sản Thiên nhiên và Do sản Địa chất của Thế giới, và có gần 300 km biển giới biển phía bắc đầu tiên của nước ta, tiếp xúc với trên 300 km chiều dài của EEZ – vùng đặc quyền kinh tế của VN trong vịnh Bắc Bộ, tiếp giáp trực tiếp với EEZ của TQ…

Từ con mắt nhà địa quân sự, ai quản lý Hạ Long và Bái Tử Long người đó quản lý cổng vào Việt Nam từ phương bắc. Lịch sử vệ quốc của VN cũng chứng tỏ điều đó, nhờ địa hình có gần 3,000 đảo được gọi là rồng biển chắn che cho đất nước ta đó.

Về kinh tế hiện nay, vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, ngoài tiềm năng du lịch, chính là nơi tập kết hàng năm hàng vài triệu tấn hàng xuất/nhập lậu từ/đến TQ để từ đó các phương tiện thủy nội địa phân bổ đi khắp các tỉnh ven biển VN đến hay sang TQ. Người ta đã ước tính hàng buôn lậu từ TQ trên biển còn lớn hơn xuất nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới và xuất nhập khẩu chính ngạch cộng lại. Trị giá giao dịch của hàng lậu trên biển VN-TQ hàng năm tại vùng biển này ước khoảng 20-30 tỷ USD (có tài liệu nói khoảng 40-50 tỷ USD hàng năm), không có sổ sách thống kê, đang và sẽ tiếp tục dễ dàng lũng đoạn toàn bộ nền kinh tế Việt Nam như hiện nay.

Ví dụ: Để được ra đảo Vĩnh Thực làm lính biên phòng vài năm, một người lính biên phòng Quảng Ninh phải đút lót cho cấp trên không dưới 500 triệu đồng, (sĩ quan thì giá ra đảo cao hơn nhiều, hàng vài tỷ vnđ) và sẽ thu lợi sau vài năm “công tác” ở đó, vì đó là điểm kiểm soát và thu tô của biên phòng VN từ các bên buôn lậu trên biển, và từng người lính được chia tiền tô đó từ từng chuyến canh gác cho buôn lậu các bên…

Vấn đề thực sự hiện nay của vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long

Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long đối với nước Việt, dân tộc chúng ta thực sự là những viên ngọc quí, thậm chí với cả thế giới, nhưng không phải những con gà đẻ trứng vàng, chưa phải. Để biết trân trọng và khai thác những viên ngọc quí những người chủ của nó trước hết cũng phải ở những tầm cao tương xứng về văn hóa, chính trị xã hội, và mức sống kinh tế. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ hủy hoại những kho tàng quí báu mà cha ông để lại đó. Rất tiếc là điều đó đã và đang xảy ra.

Vấn đề thực sự của hai vịnh – tuyệt tác thiên nhiên đó hiện nay là môi trường tự nhiên – cái làm nó là tuyệt tác – đang bị hủy hoại nghiêm trọng nặng nề bởi chế độ quản lý và khai thác vô trách nhiệm và bởi sự phát triển kinh tế ồ ạt ở đó và trên bờ bất chấp hậu quả giết chết môi trường. Những hoạt động không có kiềm chế và kiểm soát trong khai thác khoáng sản như than, đá vôi, sản xuất gạch ngói xi măng, đóng tàu, vạn tải thương mại trên vịnh, san lấp bờ biển làm hàng chục các khu đô thị và khu kinh tế và khu du lịch của Quảng Ninh suốt dọc biển QN từ Quảng Yên đến Móng Cái chỉ một hai chục năm qua đã hầu như biến hai vịnh trên thành vùng nước chết độc hại với thủy sản, nhất là ở phần trung tâm của chúng ngay Cửa Lục hay cửa Vạn Hoa… Với tốc độ này, chỉ 10-20 năm tới hai vịnh trên sẽ thành vùng nước chết và đến các đảo cũng sẽ chết theo.

Vì vậy, không phải doanh thu từ khai thác hai vinh trên thấp chỉ 200 tỷ vnđ là vấn đề của hai vịnh đó, nếu những nhà lãnh đạo Quảng Ninh thực sự có lương tâm và muốn tìm ra giải quyết. Vịnh Hạ long và Bái Tử Long cần bảo vệ về môi trường. 200 tỷ vnđ cách đây 10 năm là 10-20% ngân sách của tỉnh rồi, chứ không phải 2% như hiện nay.

Vấn đề là bảo vệ môi trường hai vịnh Hạ Long và Bái Tử Long để chúng tồn tại bền vững cân bằng vẫn là những tuyệt tác Thiên nhiên cho cả con cháu chúng ta hưởng, thì nó mới được khai thác hiệu quả và bền vững được.

Ai thực sự nên và muốn quản lý vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long?

Khi đã biết sơ qua vấn đề thực sự và vịnh Hạ Long và Bái Tử Long thực sự là gì về an ninh quốc phòng và an ninh kinh tế đối với nước ta thì câu trả lời cho câu hỏi ai nên quản lý chúng là rất rõ ràng: chỉ có chính quyền minh bạch của VN phải làm và phải đặc biệt chú tâm làm tốt việc đó, vì an ninh quân sự và kinh tế quốc gia.

Thế mà hiện nay, chính quyền Quảng Ninh/VN không chỉ không làm tốt mà còn muốn bàn giao việc quản lý hai vịnh lớn cực kỳ quan trọng đó của VN cho công ty tư nhân là Bitexco, vì “lý do” việc quản lý và khai thác hai vịnh đó hiện nay chỉ mang lại hàng năm 200 tỷ vnđ hay 2% doanh thu của tỉnh. Rõ ràng, đó là sai lầm cố ý lớn, vì lý do “kinh tế của tỉnh” ở đây không thể đứng trên an ninh kinh tế và an ninh quân sự quốc gia.

Nếu không phải sai lầm chủ ý, mà chắc chắn là không phải vậy, thì lý do nâng cao 2% kinh tế của tỉnh chỉ là để che đậy một âm mưu rất lớn của ai đó mà ngay cả an ninh kinh tế và quân sự quốc gia người ta cũng sẵn sàng bỏ qua. Đó là gì vậy? Và những kẻ đó là ai? Bitexco ư? Vậy Bitexco là ai? Tại sao “bỗng nhiên” họ muốn quản lý vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long?

Bitexco là ai? Đứng sau Bitexco là ai?

Bitexco xuất phát từ công ty tư nhân xuất phát từ một xưởng đóng chai nước uống, rồi vì là con ông cháu cha, là sân sau của quan chức mà chiếm không được rất nhiều đất đai nên đi vào bất động sản, và cứ thế đi lên bằng hai chân điển hình như mọi công ty tư bản đỏ: chiếm đất của nước của dân “làm bất động sản” của mình và rửa tiền cho các quan chức… Đứng sau Bitexco là các quan chức lớn cấp trung ương và nhiều tỉnh thành mà ai quan tâm hay giao tiếp làm ăn đều có thể biết rõ và đều phải biết rõ.

Thành Tập đoàn công ty cổ phần tư nhân lớn nổi danh, không làm du lịch hay môi trường, chỉ tiếp tục lấy đất trung tâm Sài Gòn và các đô thị khác xây các cao ốc Bitexco… Nói tóm lại là Bitexco không quan tâm miếng bánh giả con con trị giá có 200 tỷ đồng/năm để lặn lội từ SG ra tận tỉnh cực Bắc là Quảng Ninh, và càng không có kinh nghiệm gì làm du lịch hay bảo vệ môi trường. Cái Bitexco quan tâm phải là những cụm tiền rất lớn chỉ cần chiếm lấy và “rửa qua” bằng thế mạnh quan hệ với chính quyền. Vì vậy, bản chất của vụ “quản lý vịnh trong 50 năm” này là khác, rất quan trọng mà họ bắt buộc phải làm, rất “ngon” vì họ muốn làm… Đó cũng là lý do tại sao Quảng Ninh không làm việc đó trong công khai đấu thầu (nếu thực sự mục đích là minh bạch) mà lại chỉ có chuẩn bị giao trực tiếp trên 4000 kms biển với gần 3000 đảo cho một “công ty tư nhân” tạm đóng thế vai CSVN và CS Tàu?

Giống như công ty tài chính đảng của tỉnh Đồng Nai là Tín Nghĩa đã đưa Formosa (Đài Loan) ra thuê khu CN Vũng Áng Hà Tĩnh 70 năm cho chủ thật là TQ bỏ tiền và tạm đứng sau, đứng sau Bitexco và vụ “quản lý vịnh Hạ Long + Bái Tử Long” này chắc chắn cũng là bọn TQ, vì chỉ có TQ là thèm vùng biển phía bắc VN nhất… vì tham vọng điên cuồng chiếm nước Việt của chúng hiện nay.

Nhất là, sau khi cố gắng thuê đặc khu KT Vân Đồn 120 năm cũng của Quảng Ninh không/chưa thành, TQ càng thèm vịnh Hạ long và Bái Tử Long hơn. (Vân Đồn là huyện đảo lớn nhất của Quảng Ninh bên cạnh vịnh Bái Tử Long, diện tích khoảng 600 km2, tức rộng gấp rưỡi Singapore).

Báo động an ninh kinh tế và an ninh lãnh thổ quốc gia!

Nếu Quảng Ninh (thực chất là đảng CSVN) giao việc quản lý khai thác trên 4000 km2 biển và gần 3000 đảo cho Bitexco rồi công ty này giao lại cho hay “liên doanh” với các công ty TQ thì coi như TQ sẽ làm chủ hoàn toàn phần biển đảo phía Bắc lãnh thổ vốn là phên dậu an ninh quốc gia VN, tức là cửa ngõ phía Bắc sẽ bị mở toang cho TQ! Biên giới biển VN ở phía Bắc sẽ bị đâỷ lên bờ và lãnh thổ quốc gia thu hẹp lại mất trên 3000 km2 đẹp bậc nhất nữa… Vì thế, phải báo động an ninh lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm!

Về kinh tế, việc buôn lậu trên biển Quảng Ninh hiện nay vốn đã không được kiểm soát đang làm lũng đoạn sản xuất kinh doanh nội địa, thì nay nếu giao TQ quản lý vịnh Hạ Long/Bái Tử Long thì hàng lậu TQ sẽ tràn ngập ngụa toàn lãnh thổ VN, sẽ làm lũng đoạn và chết hẳn nền kinh tế VN và sẽ khiến nó không chỉ phụ thuộc TQ mà phải tự biến thành một cái đuôi vật vờ của kinh tế TQ! Báo động an ninh kinh tế là vì thế!

Tóm lại, không còn nghi ngờ gì nữa, đó sẽ là tiếp diễn mới cho một cuộc xâm lăng không súng đạn của TQ theo chiến lược tằm ăn dâu – nhưng ăn cả mảng lớn, sau khi TQ đã thử cắn một miếng ở biển Đà Nẵng bằng giàn HD981 vừa qua, TQ lại quay về tấn công kinh tế và vẫn chiếm cả lãnh thổ VN…

Lại một chiêu bài bán nước mới rất thâm độc và tội ác của đảng CSVN đang được kín đáo bày ra cho giặc Tàu vào xâm lược! Không cần đến 50 năm, chỉ cần 10-15 năm nữa là cộng sản VN dần bán sạch hết đất nước này cho Tàu rồi, lúc đó dân Việt muốn Vượt biên cũng khó, vì ngoài Biển Đông CSVN cũng đã chắc tay sung cùng Tàu khai thác rồi…

Dân Việt ta ơi, hãy lên tiếng, hãy đứng lên trước khi quá muộn!

*********************************

Sau Bitexco, tập đoàn Tuần Châu muốn “thâu tóm” Vịnh Hạ Long

(VnMedia)  Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 23/7, Tỉnh đã nhận được được công văn đề nghị của Tập đoàn Tuần Châu về việc muốn tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long.

Như vậy, sau tập đoàn Bitexco, Tập đoàn Tuần Châu là đơn vị thứ 2 muốn được “thâu tóm” Vịnh Hạ Long trong vòng 50 năm. Như vậy, dự kiến sẽ có cuộc chạy đua giữa hai Tập đoàn này để ghành được quyền quản lý, thu phí vịnh Hạ Long.

Bà Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long cũng cho hay, theo tính toán của Ban về mức doanh thu phí tham quan và cơ chế tài chính của tỉnh đang thực hiện năm 2014 thì số thu ngân sách cho tỉnh dự kiến cho 10 năm khoảng 6.023 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dự kiến mà Bitexco đưa ra là khoảng 4.700 tỷ đồng. Do đó đề xuất của Bitexco chưa hợp lý.

Được biết, chủ trương mời các doanh nghiệp vào đấu thầu thu phí, khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long đã có từ năm 2013. Các bên sẽ tham gia đầu thầu quyền quản lý Vịnh Hạ Long trong vòng 10 năm.

Trước đó, Tập đoàn Bitexco cũng đã có tờ trình về đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long tại tỉnh Quảng Ninh.

Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch do Tập đoàn Bitexco đưa ra gồm 5 phần chính: Hiện trạng du lịch của vịnh, đề xuất phương án kinh doanh, đề xuất mô hình nhượng quyền, kế hoạch triển khai và năng lực của Tập đoàn.

Mục tiêu đặt ra của Đề án nhằm phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho Vịnh Hạ Long; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp.

Đồng thời, đảm bảo tính phù hợp với chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính an toàn du lịch cho Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Trên cơ sở đó, Bitexco đề xuất phương án kinh doanh với 6 mục tiêu cơ bản: Tạo thương hiệu du lịch mạnh; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp;

Đảm bảo tính phù hợp với chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính phù hợp với chiến lược vùng; thu hút sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu quốc tế; nâng cao chất lượng khách du lịch; thu hút lao động trong lĩnh vực du lịch.

Tập đoàn đề nghị tỉnh nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm.

Anh Đào  

Dương Hoài Linh – 11 tỉ USD làm được những gì?

Dương Hoài Linh
Với thu nhập bình quân đầu người $1,540/năm, 11 tỉ USD nuôi được 7.142.800 người ăn rồi đi chơi không, chiếm khoảng 1/10 dân số Việt Nam.

Một bệnh viện với đầy đủ thiết bị hiện đại, khoảng 1.000 giường bệnh có giá 100 triệu USD/cái, 11 tỉ có thể xây được 110 cái.

Một trường học khang trang với 100 phòng học có giá $20 triệu/cái 11 tỉ có thể xây 550 cái.

Một cây cầu chắc chắn, thẩm mỹ, hiện đại có giá $50 triệu/chiếc 11 tỉ có thể xây 220 cái.

Một km đường cao tốc ở Việt Nam tốn $12 triệu/km, Trung Quốc $5 triệu/km, Mỹ $4,5 triệu km. Lấy giá ở Việt Nam 11 tỉ có thể làm 916 km. Theo giá ở Mỹ có thể làm 2.444 km.

Một căn hộ chung cư trung bình ở Việt Nam có giá 1 tỉ VND tức $50.000, $11 tỉ có thể xây dựng 220.000 căn hộ.

Giá lương thực $430/tấn, $11 tỉ có thể mua 25, 58 triệu tấn.

Vài con số sơ khởi để các bạn thấy giá trị của con số 11 tỉ. Đây là số tiền viện trợ không hoàn lại của Việt Kiều mà người ta quen gọi là “kiều hối”. Số tiền được chắt ra từ mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người con nước Việt lang bạt trên khắp thế giới. Chỉ tính riêng trong mười năm gần đây số tiền đó đã lên đến cả 100 tỉ Mỹ kim. Tất nhiên nó được gởi cho thân nhân của họ nhưng sự chi dùng của những người này đã đem đồng tiền ấy hòa vào huyết mạch của cả nền kinh tế đất nước.

Kiều hối thường được gởi để nuôi người già và những người mất khả năng lao động ở Việt nam. Những người mà ở các nước như Mỹ, Châu Âu thường phải dành một ngân sách nhà nước để lo việc ăn ở cho họ đến cuối đời. Ở Việt Nam “kiều hối”đã làm thay điều đó. Như vậy phải nói rằng chính phủ Việt Nam đã gần như được cho không một khoản viện trợ đều đặn hàng năm không phải trả lãi. Nó khác với vốn vay ODA có lãi suất, kèm theo điều kiện phải mua hàng của các nước cho vay để xây dựng cơ bản. Nó cũng khác với các khoản vay từ các ngân hàng lớn trên thế giới”đời này trả không xong, đời con đời cháu phải trả”. Nếu chính phủ dành khoản tiền này cho xây dựng, mỗi năm một hạng mục thì sẽ có biết bao bệnh viện, trường học, cầu đường, nhà cửa… được xây trong mười năm qua. Nhưng thực tế trẻ em đi học bằng gì? cô giáo qua sông bằng gì? mỗi giường bệnh chứa bao nhiêu người? trường học làm bằng gì? Chắc không cần nói nhiều.

Trên thực tế “kiều hối” chảy vào bất động sản, tạo ra một thị trường địa ốc với giá cao ngất ngưởng, rồi hình thành một tầng lớp tư sản mới “tiền đông như quân Nguyên”. “Kiều hối” làm cân bằng cán cân thương mại mậu dịch, khiến cho doanh nghiệp nhà nước tha hồ lỗ mà chẳng hề hấn gì, để biến Vinalines, Vinashine, ụ nổi… thành chuyện nhỏ. Có khi “kiều hối” cũng biến thành “ngoại tệ” cho những chuyến công cán nước ngoài của các quan, chi trả cho học phí du học của các thái tử, công chúa, hoặc biến thành siêu xe, du thuyền, mỹ phẩm hàng hiệu đắt tiền mà các quan dành tặng cho bồ nhí… Trước đây thời bao cấp các quan có thắp đuốc cũng không tìm đâu ra tờ 100 đô, nay thì nhờ “kiều hối” các quan có thể thoải mái dùng nó để thắp đuốc tìm giày cho người đẹp trong hộp đêm.

Nếu biết rằng trước 1975, mỗi năm miền Nam chỉ cần từ 700 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ tiền viện trợ để tạo ra một xã hội phồn thịnh, trong đó người nông dân với chính sách “người cày có ruộng” không những dư ăn mà còn đủ để nuôi “Việt Cộng nằm vùng” thì hiện tại cho dẫu đồng đô la có mất giá 10 lần, 11 tỉ đô cũng không phải là con số nhỏ. Số tiền đó đa số đến từ Mỹ và Châu Âu, nơi mà bọn”phản động” gấp nhiều lần các “khúc ruột ngàn dặm”. Thế nhưng… dù không muốn, dù gián tiếp chúng vẫn đang vỗ béo cái chính quyền đang ngày đêm coi họ là “thế lực thù địch”.

Bởi vậy, đôi lúc ngẫm nghĩ cũng thấy buồn cười. Mỗi Việt Kiều về thăm quê đều được dẫn tham quan các công trình “thay da đổi thịt” được “vay một nửa, ăn một nửa” từ vốn nước ngoài đang mọc lên hàng ngày trên mọi miền đất nước, để thấy rằng “Ơn Đảng, ơn Bác, ơn cách mạng” đất nước đã đổi mới hiện đại như ngày hôm nay.

Có biết đâu rằng, giá như…

Đất nước chỉ toàn bọn “phản động” thì chỉ với 11 tỉ hàng năm…. Việt Nam đã có hàng trăm bệnh viện vĩ đại, hàng nghìn trường học tiện nghi, hàng nghìn km xa lộ thêng thang, hàng trăm cây cầu nổi tiếng và cả những chuyến tàu điện cao tốc.

Tiếc rằng tất cả vẫn chỉ là giá như…

Phỏng vấn ông Carlyle Thayer: Trong óc người Trung Quốc, đòi hỏi đường chín vạch là yêu cầu chính đáng

Vietnam Film Club thực hiện tại Washington, DC ngày 12-7-2014

TAMMY PHAM (Vietnam Film Club): Thưa ông, khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, thì Bắc Kinh đã có những toan tính gì?

CARLYLE THAYER: Tôi nghĩ là hiện nay câu trả lời chưa được rõ ràng lắm về mặt chiến-thuật lẫn chiến-lược. Ngay cái thời-điểm họ đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam cũng là bất ngờ. Bởi vì tháng 10 năm ngoái Phó-thủ-tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc sang thăm Việt Nam, thì báo đài Trung Quốc cho là những khó khăn trong quan-hệ hai nước đã được tháo gỡ.

Hai bên đã đồng-ý lập ra ba ủy-ban làm việc, trong đó có một ủy-ban liên-quan đến các vấn-đề biển đảo. Đã có nhiều lời tuyên-bố là không có bên nào sẽ có hành-động xen vào chuyện của bên kia. Như vậy là quan-hệ đang trên đường cải thiện. Thế mà như từ trên trời rơi xuống, không hề có một hành-động khiêu khích nào từ phía Việt Nam mà tôi có thể thấy, bổng nhiên họ đưa cái giàn khoan vào.

Nhưng câu hỏi chiến-lược lớn hơn thì khá rõ, đó là, trong óc của người Trung Quốc, con đường chín vạch không phải là một con đường tưởng-tượng, mà thuộc vùng ảnh-hưởng chính-đáng của họ. Họ đã cho Hải Nam đưa ra những luật lệ như về đánh cá, để tạo thành một căn-bản pháp-lý ở địa-phương. Như vậy, mọi sự dưới mắt họ là hợp pháp và họ muốn làm trùm, họ muốn các nước khác công-nhận là Trung Quốc có chủ-quyền và quyền chủ-quyền trên những đảo và vùng biển mà Trung Quốc vẫn cho là thuộc về họ.

Trong trường-hợp đó, việc đưa giàn khoan vào chỗ họ đã hạ đặt theo họ chỉ là một chuyện thực-thi chủ-quyền bình-thường của họ. Quả thế, lúc đầu Trung Quốc khá lúng túng khi tìm cách giải-thích chuyện ấy. Họ nói nó nằm trong vùng lãnh-hải của Trung Quốc. Nhưng cùng lúc họ lại bảo là nó nằm 17 hải-lý cách đảo Tri-tôn, như vậy là nằm ngoài lãnh-hải của họ. Sau đó, họ lại sửa lại là nó nằm trong vùng kế cận, nghĩa là cộng thêm 12 hải-lý nữa. Nhưng thêm 12 hải-lý thì lại có vấn-đề liên-hệ đến quan-thuế và một vài chi-tiết khác. Thành thử Trung Quốc đã không dùng được luật quốc-tế để biện minh cho hành-động của họ.

Việc hạ đặt cái giàn khoan đó liên-hệ đến vấn-đề chủ-quyền và quyền chủ-quyền của họ dưa trên dầu hỏa và khí đốt tiềm-tàng ở đó. Nhưng rồi họ cũng vẫn sẽ phải giải thích về thời-điểm đích-xác đặt giàn khoan ở đó vì Việt Nam không hẳn là đã “nằm ở trong túi” của Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng không hẳn là đã về hùa với chính-sách tái-cân-bằng lực-lượng của Hoa-kỳ ở trong vùng. Tuy hiện chưa rõ là Việt Nam có muốn xích lại gần Hoa-kỳ hay không, nhưng trong quốc nội, hành-động của Trung Quốc chắc chắn đã tỏ ra phản tác-dụng.

Cùng lúc tôi cũng vẫn tự hỏi, tôi không nghĩ là thời-điểm đích-xác cũng như vị-trí hạ giàn khoan kia chỉ là một sự ngẫu-nhiên, là Công-ty dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc và một vài thành-phần của Giải-phóng-quân và Hải-quân Trung Quốc bỗng-nhiên quyết-định chuyện đó, đặc-biệt với số tàu mà họ đã đem ra vì họ không nghĩ là phía Việt Nam sẽ có phản-ứng mạnh như thế. Vì thế, việc định thời-điểm và nhắm vào Việt Nam là chuyện hãy còn mù mờ. Nhưng mục-đích chiến-lược lớn của họ thì khá rõ, đó là Trung Quốc cho đây là vùng biển lịch-sử của họ và họ sẽ làm mọi sự cần thiết để khẳng-định quyền của họ.

TAMMY PHAM: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để đối phó với các hành động của Trung Quốc hiện nay và ngăn ngừa những động thái tương tự trong tương lai?

CARLYLE THAYER: Việt Nam ở vào một thế yếu. Kẻ yếu thì không có bao nhiêu vũ-khí trong tay, ngoại-trừ việc dựa vào ngoại-giao và luật quốc-tế. Có điều khá rõ ràng là nếu Việt Nam đã trả đáp bằng một biện-pháp quân-sự thì chắc chắn sẽ gặp một phản-ứng quân-sự áp-đảo. Đó là lý-do tại sao Việt Nam đã giữ hải-quân của mình ở các hải-cảng. Việt Nam thực-sự không có nhiều lựa chọn, bởi Trung Quốc đã đưa ra lúc đầu là 50 tàu, rồi lên đến 70 tàu, 80 tàu, và bây giờ là trên 100 tàu với khoảng 20 chiến-hạm. Rõ ràng là Trung Quốc muốn bày ra một sức mạnh áp-đảo.

Trong trường-hợp này, Việt Nam có thể làm một số chuyện. Trước hết là tối-thiểu về mặt luật-pháp quốc-tế cho thấy là mình không gật đầu trước việc làm kia, như đưa lực-lượng duyên hải và các tàu kiểm ngư ra để thông-báo trong 3 thứ tiếng, rằng đây là lãnh-thổ chủ-quyền của Việt Nam, rằng Trung Quốc nên dời đi, như vậy Trung Quốc không bao giờ có thể nói với quốc-tế là Việt Nam đã thuận ý.

Thứ hai là về con đường ngoại-giao, trước hết là qua ASEAN và sau là qua các quốc gia khác. Và chuyện này đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ giữa các bộ-trưởng ngoại-giao của ASEAN khi lần đầu tiên họ đưa ra một bản tuyên-bố đứng riêng về vấn-đề này, bày tỏ một sự quan ngại nghiêm trọng về những chuyện gì đã xảy ra ảnh-hưởng đến hòa-bình và ổn-định ở trong vùng. Và tuy họ không nhắc đến tên Trung Quốc, họ chưa bao giờ họ nhắc đến tên Trung Quốc ngay từ bản tuyên-bố đầu tiên vào năm 1992, nhưng việc ra tuyên-bố này cũng vẫn quan trọng vì trước đây đã có một vài sự lủng củng trong nội-bộ ASEAN.

Theo tôi được biết, mặc dầu Campuchia đã bắt đầu nêu ra một hai vấn-đề và Mã Lai còn phản-đối khá gắt, việc họ đưa ra được một tuyên-bố là quan trọng từ quan-điểm của ASEAN và nhất là Việt Nam, tổ-chức khu-vực này đã lên tiếng và đây là cơ-sở cho một nước như Hoa Kỳ can-thiệp vào vấn-đề đứng về phía ASEAN. Ở hội-nghị CSIS (của Trung-tâm Nghiên cứu Chiến-lược Quốc-tế) vào tháng 7 năm nay, người ta đã trình bầy khá rõ là vì sao Hoa Kỳ đang thúc đẩy một giải-pháp dùng luật quốc-tế để ngăn chặn các hoạt-động tìm cách đổi thay nguyên-trạng.

Cũng có ngoại-giao với Nhật Bản để cho nước này tăng cường viện-trợ cho các lực-lượng tuần duyên của Việt Nam và Quốc-hội Nhật Bản vào tháng 7 này cũng đang nghiên cứu vấn-đề này. Và trong quá-khứ, Việt Nam đã ngoại-giao với Trung Quốc, và khi ông Lý Khắc Cường sang Việt Nam, người ta đã nói đến những đường giây nóng giữa hai nước. Nhưng khi Việt Nam gọi mấy đường giây nóng này thì không có ai trả lời. Họ đề nghị gởi một đặc-sứ sang Trung Quốc cũng không xong, kể cả khi đề nghị gởi ông Tổng-bí-thư Đảng Cộng sản sang bên ấy, chuyện đó cũng bị từ chối.

Trong cuộc đối-thoại chiến-lược Shangri-La, tôi hỏi ông bộ-trưởng Quốc-phòng Việt Nam, trong một cuộc họp mở rộng cho công-chúng là họ đã tiếp-xúc với cộng-đồng hải-ngoại chưa thì ông ta bảo rằng Trung Quốc chưa có trả lời, rằng họ đang đánh một ván cờ bắt bí. Do vậy nên việc đưa các lực-lượng bán quân-sự như lực-lượng duyên hải và kiểm ngư ra là một cách đánh dấu sự hiện diện của Việt Nam nhưng đó vẫn là một ván bài đang thua vì Trung Quốc vẫn đang mở rộng vùng kiểm-soát của họ và gây tổn-hại cho ít nhất 29 tàu của phía Việt Nam.

Vả lại, phía Việt Nam cũng không có bao nhiêu tàu đủ nặng ký để đương đầu với Trung Quốc. Tàu lớn nhất của phía Việt Nam là 2000 tấn thì chỉ mới bằng những tàu nhỏ nhất của Trung Quốc, và như vậy là một trò chơi bất cân-bằng. Nhưng dầu sao phía Việt Nam cũng đã ghi được điểm cho mình, đó là về mặt trận ngoại-giao với khu-vực và với các nước ngoài vùng.

Ngoài ra, không có bao nhiêu chuyện Việt Nam có thể làm được trong lúc này. Mà nếu ở trong vùng và ở trên thế-giới Việt Nam có thể đứng lên và khiêu khích thì Trung Quốc có thể lật thế cờ và nói ngay là Việt Nam là phe hiếu chiến. Do đó nên Việt Nam chỉ có thể trông mong là đến giữa tháng 8, tức là thời-điểm mà Trung Quốc nói là họ sẽ hoàn-tất việc thăm dò của họ và rút giàn khoan ra. Đó cũng là vào mùa bão nữa và như vậy, cả hai bên đều không còn lý-do để duy trì sự hiện diện của tàu bè của mình trong vùng. Và điều đó có thể dẫn đến việc mở cửa cho một cuộc đối-thoại.

TAMMY PHAM: Thưa ông, như ông thấy, Hà Nội đã không có được mấy thiện cảm trong khối ASEAN. Trong khi đó thì Phi Luật Tân được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và nhiếu quốc gia khác, vì mục tiêu của họ rõ ràng. Ông có nghĩ rằng Việt Nam có can đảm chống lại Trung Quốc như Phi Luật Tân đang làm hay không?

CARLYLE THAYER: Trường-hợp của Phi Luật Tân là một bài học cho Việt Nam, bởi trong nhiều năm, họ đã có nhiều lần ngồi xuống với Trung Quốc, song cuối cùng họ đành phải đưa vấn-đề ra tòa án quốc-tế. Họ bảo họ đã cạn kiệt mọi con đường thương-lượng, mặc dầu Trung Quốc vẫn nói là cửa vẫn mở.

Nhưng thẳng thắn mà nói thì Trung Quốc đòi là phải chấp nhận chủ-quyền của Trung Quốc trước đã rồi nói gì mới nói. Tôi được nghe chuyện đó từ một nguồn tin từ chính tòa án quốc-tế, và hiển-nhiên thì Phi Luật Tân không chấp nhận được. Nhưng Phi Luật Tân và Mỹ là đồng-minh mà Việt Nam thì không phải là đồng-minh của Mỹ. Phi Luật Tân và Mỹ có một hiệp-định quốc-phòng với nhau. Để cập-nhật-hóa vấn-đề thì ít nhất Thủ-tướng Việt Nam đã nói là Việt Nam đang nghiên cứu chuyện đi con đường pháp-lý nhưng vấn-đề là tính làm vào lúc nào.

Ở cuộc đối-thoại Shangri-La khi bộ-trưởng Quốc-phòng Phạm Quang Thanh được hỏi về vấn-đề này thì ông ta bảo đó sẽ là nước cờ cuối cùng. Chuyện quan trọng là người của Phi Luật Tân cũng vừa từ Hà-nội về và nói, “Việt Nam cũng đang lập hai hồ-sơ, một về Hoàng Sa và một vềTrường Sa. Hà-nội sắp đi cùng với chúng tôi.” Nhưng ông Thanh lại nói là Phi Luật Tân chỉ đang “lợi-dụng” chúng tôi thôi.

Vấn-đề là nếu Việt Nam đi con đường pháp-lý thì họ sẽ nêu ra các vấn-đề nào? Và cho mục-đích nào? Theo một nguồn tin thì họ sẽ phân-biệt hai hồ-sơ Hoàng-sa và Trường-sa. Theo một nhà luật-gia ở bên Bỉ thì Việt Nam có thể đi với Phi Luật Tân và nạp cho tòa án quốc-tế một lời tuyên-bố là chúng tôi cũng có lợi-ích được thấy kết-quả trong vụ kiện của Phi Luật Tân

Thế không có nghĩa là Việt Nam bắt buộc phải theo chân Phi Luật Tân. Nhưng nếu có những quốc-gia khác đi theo gương Phi Luật Tân, thì người ta phải để ý, nếu những lời tuyên-bố tương-tự được chồng chất lên thì các vị tài-phán sẽ chú ý và vấn-đề không còn chỉ là chuyện giữa hai nước nữa.

Đó là một. Hai là Việt Nam có thể nhập vào với Phi Luật Tân. Nhưng đôi ba điểm của Phi Luật Tân lại có thể làm cho lập-trường của Việt Nam yếu đi. Hay là Việt Nam có thể đi kiện một cách độc-lập và yêu-cầu có một sự phán xét riêng biệt, trong trường-hợp đó những khác-biệt giữa Việt Nam và Phi Luật Tân lại có thể làm hại cho cả đôi bên và làm lợi cho Trung Quốc tùy theo vụ kiện diễn-tiến ra làm sao. Ngoài ra, lại còn trường-hợp của quần-đảo Hoàng-sa mà Việt Nam có thể đòi chủ-quyền do bởi hành-động xâm-lăng của Trung Quốc vào năm 1974.

Ở đó không có vấn-đề trông chờ là sẽ có một giải-pháp pháp-lý vì chắc chắn là Trung Quốc sẽ không chịu ra tòa. Nhưng có những luật-gia quốc-tế cho rằng Việt Nam vẫn nên kiện bởi như vậy sẽ chứng tỏ là Việt Nam sẵn sàng đi theo con đường giải-quyết các tranh-chấp bằng luật-pháp quốc-tế, qua một tòa án quốc-tế để đòi chủ-quyền mà đằng nào mình cũng muốn đòi. Có một ông bộ-trưởng Nhật-bản cho rằng Nhật-bản cũng nên đi con đường đó trong trường-hợp quần-đảo Senkaku và đẩy Trung Quốc vào chỗ họ phải chứng minh quan-điểm của họ.

Còn một vấn-đề thứ ba, đó là những sự thiệt hại của các ngư-dân Việt Nam. Họ quan-niệm vấn-đề ra sao và họ muốn được đền bù như thế nào, họ có những phương-thức nào để đòi. Song câu trả lời là chỉ có các quốc gia là có thể kiện tụng trong những cuộc tranh chấp trên biển như thế này, và quốc gia nào mà cho các tàu đó đăng ký là quốc gia phải khởi kiện.

Bằng cách nhấn mạnh vào con đường pháp-lý này thì Việt Nam sẽ được sự đồng-tình của các nước trong ASEAN, sự ủng-hộ chính-trị của ASEAN vì nhiều nhất cũng sẽ chỉ được có thế thôi. Nhưng với sự chuyển hướng trong chính-sách của Mỹ quay sang các biện-pháp pháp-trị dựa trên luật quốc-tế thì Việt Nam không những có thể trông chờ vào sự ủng-hộ của Mỹ mà còn vào cả sự ủng-hộ của Nhật, Úc, Nam-Hàn, Ấn-độ và tất cả những quốc gia lớn khác có vai trò trên biển này.

Tuy-nhiên, dựa vào luật quốc-tế cũng có mặt trái của nó, đó là như trong trường-hợp Phi Luật Tân. Ngay như phán-quyết của tòa án có áp-dụng liền và không chấp nhận khiếu nại thì vẫn không có các biện-pháp chế-tài. Bởi thế nên nếu Trung Quốc nhất quyết khăng khăng phủ-nhận thì chúng ta cũng không có cách nào ép Trung Quốc chấp nhận gia-nhập cộng-đồng thế-giới trong chuyện này.

TAMMY PHAM: Việt Nam và Trung Quốc có những mối quan hệ thay đổi khác nhau trong chiến tranh, sau chiến tranh, và đặc biệt sau sự sụp đổ của khối cộng sản Nga và Đông Âu. Hội nghị Thành Đô được cho là tái xác định lại quan niệm về quan hệ Việt-Trung. Theo nhận xét của ông, thì những thay đổi quan hệ đó nói lên điều gì? Đi theo một lý tưởng? Hay quan hệ nước lớn nước nhỏ theo chủ nghĩa sô vanh?

CARLYLE THAYER: Năm 1990 khi tìm cách sáp lại gần với Trung Quốc, Việt Nam muốn liên-minh trở lại với Bắc Kinh nhưng phía Trung Quốc họ nói: “Đồng-chí, không phải đồng-minh.” Do đó, chuyện chính là Trung Quốc muốn cho thấy mình là một cường-quốc, và từ năm 1990, Việt Nam đã tìm cách làm một chư-hầu trung kiên trong một hệ-thống tuế cống mới, và trong đó ý-thức-hệ chắc chắn là có một vai trò.

Và tôi nhớ là vào năm 1992, nghĩa là ít lâu sau đó, có vụ Crestone và ở vịnh Yuen-an (?) khi Trung Quốc tìm cách đưa một giàn khoan vào, thì ở Trung-ương Đảng Việt Nam có một cuộc thảo-luận sôi nổi về chuyện này và tôi nhớ có phóng-viên tờ Viễn Đông Kinh Tế trích một nguồn tin cao-cấp nói rằng Trung Quốc dùng xã-hội-chủ-nghĩa “như một dây thừng để cột tay của Việt Nam.”

Làm cách nào dùng ý-thức-hệ để lấy lòng Trung Quốc, song lại trông chờ được thưởng như là nhảy theo mọi người trong quan-hệ quốc-tế? Làm sao có thể như dưới thời Thành Cát Tư Hãn? Vì vậy nên tôi nghĩ là Việt Nam bao giờ cũng nghĩ là dùng ý-thức-hệ để hội-nhập như họ đã làm để có được một quan-hệ đặc-biệt với Trung Quốc.

Và từ khi nối lại bang-giao họ đã có được một quan-hệ chiến-lược, một đối-tác chiến-lược toàn-diện dẫn đến hai đảng có những quan-hệ hợp-tác lâu dài: ở mức quốc gia họ đã có những ban chỉ-đạo trung-ương và do đó, Việt Nam đã nghĩ là họ có thể chia ngăn các cuộc tranh chấp ở trong Biển Đông bằng cách dựa lên ý-thức-hệ và chiều theo ý Trung Quốc để có thể nhảy lên theo toa tàu của Trung Quốc về mặt trục lợi kinh tế.

Vì thế nên khi giàn khoan 981 được hạ đặt, nó đảo ngược lại tất cả những việc làm trên kia, nó làm mất tin tưởng chiến-lược vào nhau. Do đó nên ngày hôm nay Việt Nam vẫn còn đang tranh-luận về chuyện này và tôi đã nói đùa với mấy người bạn Việt Nam của tôi là nếu Việt Nam đi con đường xã-hội-chủ-nghĩa thì nó nên là xã-hội-chủ-nghĩa với những đặc-trưng Việt Nam (thay vì Trung-hoa) để gộp những lợi-ích quốc gia của Việt Nam vào trong đó.

Cô biết không, nhắc đến lợi-ích dân-tộc là một vấn-đề tranh cãi dữ lắm khi nó được đưa vào ngôn ngữ hàng ngày ở Việt Nam vì nó không hẳn là đi đôi với những quyền-lợi của công-nhân và các lực-lượng xã-hội ở trong quốc gia đó. Vào năm 2003 và rồi vào năm 2013, Việt Nam xác-định Trung Quốc và Hoa Kỳ là những quốc gia cần hợp-tác tuy có thể là vừa hợp-tác vừa phải tranh đấu hay thậm chí đối đầu. Tuy-nhiên, trong một nỗ-lực nhìn lại vào năm 2013, họ tự hỏi không hiểu họ có dùng quan-niệm đó một cách hữu hiệu không.

Đối với các quốc gia xã-hội-chủ-nghĩa, mình có thể có những bất đồng ý-kiến và phải giữ vững lập-trường nhưng với một đế-quốc như Hoa-kỳ, chúng ta có nhiều khu-vực rộng lớn không thể đồng-ý với nhau như về nhân-quyền và dân-chủ, nhưng đôi bên vẫn có những điểm tụ-hội về lợi-ích cần nối kết với nhau.

Vì vậy nên ngày hôm nay, việc Việt Nam không có khả-năng đối phó với Trung Quốc trong khi cần củng-cố quan-hệ với Hoa-kỳ. Không phải vì những mục-đích chiến-thuật tức-thời mà vì những mục-đích dài hạn như mở rộng kinh tế của Việt Nam, gia-nhập TPP [Hiệp-ước đối-tác xuyên Thái-bình-dương] và đi tìm tất cả những cái lợi khác như giáo-dục, khoa-học kỹ-thuật, tất cả chỉ là những chuyện đãi bôi.

Chính quan-hệ toàn-diện là bằng-chứng cho tất cả những chuyện đó bởi đôi bên đã làm tất cả những chuyện ấy, do đó nên ta thấy có một sự rụt rè không dám tiến tới vì ý-thức-hệ, vì Việt Nam vẫn nhìn vào mình như một nước xã-hội-chủ-nghĩa, một nước muốn dùng chuyện ấy vào việc tăng cường sự hợp-tác của Trung Quốc. Nhưng mặt trái của đồng tiền ấy là Trung Quốc muốn đó phải là xã-hội-chủ-nghĩa với những đặc-trưng Trung-hoa, trong đó Trung Quốc đóng một vai trò nổi bật.

TAMMY PHAM: Nhiều người Việt Nam tin rằng đảng Cộng sản Việt Nam mang nợ Trung Quốc qua nhiều, khó mà thoát ra được áp lực của Trung Quốc. Xin ông nhận xét về nhận định này hiện đang lan tràn trong nước, và cả trong các đảng viên cộng sản.

CARLYLE THAYER: Điều đó khó nói, và đó sẽ là một cuộc vật lộn đối với các đảng-viên được huấn luyện ở ngoài Việt Nam, nhất là những người tôi đã có dịp gặp. Tôi đã có lần viết một bài mang tên,“Cái ác ôn của địa-lý” dựa trên một cuốn sách nói về “cái ác ôn của khoảng cách” của nước Úc. Một nước da trắng, của người Âu nhưng lại nằm ở Á-đông thay vì nằm ở phía Bắc Đại-tây-dương. Nói về cái “ác ôn của địa-lý” tôi đã có lần nói là Việt Nam với 90 triệu người thật ra chỉ bằng một tỉnh vừa của Trung Quốc, người ta đã đáp trả ngay: “Ông nói thế là tiêu-cực quá! Chúng tôi có nhiều cái tích-cực chia xẻ với Trung Quốc, như văn-hóa, tư tưởng chính-trị, tôn-giáo…”

Chắc chắn rồi, Việt Nam không thể phủ-nhận gia-tài, di-sản của mình, nhưng chuyện quan-trọng là Việt Nam phải biết diễn-dịch lại một cách sáng-tạo, như Việt Nam có căn-cước riêng của mình, có lịch-sử riêng của mình, vì nói cho cùng Việt Nam đã lấy lại độc-lập từ Trung Quốc. Nhưng tôi cho là cô cũng đúng, bởi tôi nghe người ta nói là những chuyên-gia về Trung Quốc nghĩ như người Trung Quốc.

Mà đó không phải là một lời chỉ-trích vì Trung Quốc bao giờ cũng hành-động một cách trịch thượng và Việt Nam phải đoán trước được để ngoan ngoãn chiều theo. Họ nghĩ: “Nếu mình làm chuyện này, nghĩa là sát gần đến Hoa-kỳ thì Trung Quốc sẽ nhào đến ngay, và như vậy là ta không đến gần Hoa-kỳ và sẽ làm giảm được áp-lực kia đi ngay.”

Chính-sách này là chính-sách đã có từ khá lâu như ta đã thấy, và cái cân-bằng trong một thế-giới đa-cực mà Việt Nam muốn thấy từ Trung Quốc, Nga, Ấn-độ, Nhật-bản và Hoa-kỳ thì chỉ có ba nước là thường hằng trong chính-sách của Việt Nam. Với Nga, là có vấn-đề với Hoa-kỳ, Trung Quốc thì bây giờ là một anh bạn đáng ngờ. Đâu có ai trông chờ cuộc tranh chấp này giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi Trung Quốc là nước bạn độc-nhất có quan-hệ chiến-lược và toàn-diện với Việt Nam. Vậy mà Trung Quốc đã làm những việc khuynh-đảo hoàn-toàn mối quan-hệ đó.

Nhưng tôi cho là chuyện nhất quyết xảy ra, không tránh được là các thành-phần trẻ sẽ lên. Có một đại-hội Đảng sắp tới, với một Trung-ương Đảng ngày càng có tiếng nói của mình, họ không phải là những thành-phần trẻ nhất trong Đảng nhưng chẳng bao lâu nữa họ sẽ như thế. Một lớp lãnh-đạo mới sẽ hiện ra và toàn-cầu-hóa có nghĩa là họ sẽ tái-tạo một căn-cước Việt Nam trong khung-cảnh toàn-cầu chứ không phải là ở trong một thế-giới với Trung-hoa là rốn vũ-trụ.

TAMMY PHAM: Có thể nào ông tiên đoán những động thái trong những ngày tới, một vài tháng hay một hai năm tới, liệu Trung Quốc có tiếp tục các hành động xâm lấn, đặc biệt khi biết rằng Hoa Kỳ đang bận rộn những nơi khác mà Trung Quốc lại thừa dịp để thực hiện các động thái mới?

CARLYLE THAYER: Chúng ta không thể tin được điều Trung Quốc nói. Cài giàn khoan 981 là một cái giàn khoan rất đắt tiền. Nó được thiết kế để đi vào chỗ nước sâu. Nó rất, rất là đắt tiền. Rồi Trung Quốc đang bành trướng lực-lượng tuần duyên của họ, ngân-sách Quốc-phòng của họ tăng trên 10 điểm mỗi năm. Phải mất cả nhiều thập kỷ thì mới đảo ngược được.

Đó là chuyện khá rõ ràng. Không ai thiết kế giàn khoan để ngồi ở nhà. Người ta đem chúng ra biển để tìm dầu và khai thác. Trung Quốc tự thuyết-phục mình là trữ-lượng dầu khí ở Biển Đông là tới bảy lần ước-lượng của phía Hoa-kỳ. Và như vậy ta có thể thấy là ở trong đầu họ thì đây là một lượng tài-nguyên rất đáng kể và họ nhắm khai thác năng-lượng ở đó. Và họ cũng để ý đến các nguồn lợi cá của địa-phương nữa.

Họ đã làm ô-nhiễm nguồn nước, làm kiệt quệ các lượng cá ở đó nên họ xây tàu ngày càng lớn và cuối cùng thì thế nào cũng đi đến đụng chạm, không chỉ riêng gì với Việt Nam và Phi Luật Tân là chuyện đang xảy ra lúc này, mà còn cả với Mã-lai-á, Nam-dương, In-đô-nê-xia.

Và chúng ta đã trông thấy ở hội-nghị CSIS, vị đại diện của Mã-lai-á đã tiết-lộ là ở Quốc-hội nước ấy gần đây, nói bằng tiếng Mã-lai, ông Bộ-trưởng Quốc-phòng khi nói đến những xâm lấn của Trung Quốc thì không phải chỉ có ở bãi ngầm James Shoal mà còn cả ở một địa-điểm khác nữa, nghĩa là hai vụ khác nhau.

Và những nhận-định này đã được ghi vào trong Công-báo của Mã-lai-á nhưng không được mấy ai để ý vì không có bao nhiêu người đọc tiếng Mã-lai. Rồi đến lượt In-đô-nê-xia cũng đã yên ắng đưa ra những video Youtube cho thấy nước này từ khá nhiều năm nay cũng đã có những đụng độ giữa hải-quân họ với hải-quân Trung Quốc. Cả hai nước sau này đều đã tăng cường sức mạnh quân-sự của họ, họ cũng đã nâng cấp quan-hệ quân-sự với Hoa-kỳ nhưng làm một cách lẳng lặng, không lộ hẳn như Phi Luật Tân, nhưng những xu-hướng đó thì vẫn đang tiếp tục.

Như vậy tương-lai sẽ không là một vùng hòa-bình, ổn-định và hợp-tác mà sẽ là tranh chấp vì Trung Quốc không chỉ vì năng-lượng, vì nghề cá, vì áp-chế quyền-lực của họ, vì gân guốc quân-sự của họ đối lại với sự sa sút tương-đối, không hẳn là sa sút hoàn-toàn, của Mỹ trong khi Trung Quốc thì đang đi lên.

Do đó, ở địa-vị của tôi ở Úc-châu, như một đồng-minh của Mỹ, thì tôi rất đau lòng thấy những vụ xích mích nội-bộ ở Hoa-thịnh-đốn, vấn-đề tài-trợ, thấy Mỹ ở trong một hoàn-cảnh không mấy thuận-lợi.

Nhưng rồi Mỹ là một cường-quốc toàn-cầu và nếu có chuyện không hay xảy ra ở Trung-đông thì Mỹ sẽ bị chia trí và không tập trung được vào Á-đông Thái-bình-dương. Trong trường-hợp đó Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy các lợi-ích của họ, không bằng phương-tiện quân-sự nhưng bằng những phương-tiện khác. Và tất cả các quốc gia trong vùng sẽ phải đương đầu với tình-trạng đó trong vài thập niên tới.

TAMMY PHAM: Ở Việt Nam tinh thần chống Trung Quốc là khá phổ biến như ta có thể thấy trong các cuộc biểu tình cả trong nước lẫn ở ngoài này. Theo ông thì những cuộc biểu tình đó có tác dụng gì không? Hay là người Việt nên hành động, phản ứng ở tầm chiến lược hơn?

CARLYLE THAYER: Dân-tộc-chủ-nghĩa và chủ-nghĩa yêu nước là một cái gươm hai lưỡi. Chúng rất tốt nếu dùng đúng dịp, nhưng nếu chúng thúc đẩy chúng ta đến những hành-động hấp tấp quyết-định trong lúc nóng nảy, những hành-động vội vã có thể trở thành phản tác-dụng.

Tôi nghe thấy ở trên các đài hải-ngoại của người Việt đề nghị là Việt Nam nên nhào ra chộp lấy quân cờ đầu trong một ván cờ tướng. Nhưng rồi tôi nói, quý-vị biết chuyện gì không, Trung Quốc nó có tới hai lần số quân cờ của mình nên ta phải cẩn thận. Nhưng những nhà dân-tộc-chủ-nghĩa ở Việt Nam đã không tạo ra sự thuyết phục. Họ cho là Thủ-tướng Dũng vì nói thẳng thừng nên uy-tín của ông ta nhảy vọt lên mặc dầu trước đây, họ chỉ-trích ông ta về cách ông ta quản-lý kinh tế, do đó nên cũng có những khác-biệt.

Về mặt này tuy cũng đã có những phát biểu từ ông Chủ-tịch nước và ông Tổng-thư-ký đảng, là chúng ta phải bảo-vệ chủ-quyền biển đảo. Song thực ra là để thỏa mãn dư luận trong Việt Nam mà thôi. Việt Nam cần phải chứng tỏ với Trung Quốc là những lực-lượng quốc-nội của Việt Nam thực-sự vững mạnh và những chính-sách của Trung Quốc là sai lầm.

Nhưng nếu ta vặn ngược đồng-hồ trở về những cuộc biểu tình lúc đầu, thì sau đó, đã có một đại diện Việt Nam đi sang Trung Quốc và hai bên đã đồng-ý là nên lái dư-luận đó sang hướng khác. Và thế là sau đó có đàn áp mấy vụ biểu tình ở trong nước.

Nhưng nay ta có thể thấy là đã có một số trí-thức Việt Nam và đảng-viên về hưu, như vừa rồi ta thấy có ông Tương Lai viết một bài xã-luận ở trên tờ New York Times; ông ta là một người tôi gặp từ năm 1981, lúc bấy giờ hình như ông là một phát-ngôn-nhân của chính-phủ. Nhưng bây giờ ông đã về hưu và ông viết như một ông quan xưa dùng hết cả uy-tín của ông ta có từ thời tham-chính để nói lên sự bất bình của ông đối với vấn-đề ý-thức-hệ và tính e ngại rủi ro của Bộ Chính-trị không muốn đảo lộn bất cứ điều gì.

Tôi không hẳn là khuyến cáo nên làm điều gì vội vã, không suy nghĩ, nhưng tôi cũng cho là Việt Nam tự đóng lại các lựa chọn của mình bằng cách không chấp nhận các tình tự dân-tộc. Việt Nam, cũng như Úc-châu, nên phải có toàn-quyền lựa chọn chính-sách ngoại-giao của mình. Trung Quốc cứ nói như trong thời chiến-tranh lạnh là “chúng tôi sẽ buôn bán với quý-vị nhưng chuyện kia là không thể thương thảo” và cũng tương-tự, VN cũng phải có cái ý-hướng muốn biết mình đi đâu, mình là ai. Nhất là tuổi trẻ.

Gần đây, tôi có dịp đi nói chuyện ở một số đại-học địa-phương và họ đòi hỏi phải thảo-luận về Biển Đông. Tôi được nhắc nhở nhẹ nhàng là không nên nói đến những chuyện mà nhiều quan-chức Việt Nam không thể nói được giữa công-chúng. Nhưng chắc chắn là áp-lực sẽ ngày càng mạnh, nhất là vì sắp tới một Đại-hội Đảng, tôi không nghĩ là ai có thể đắc cử trở lại ở trong Đảng nếu họ dám thúc đẩy một chính-sách thỏa-hiệp với Trung Quốc.

Nhưng ngược lại cũng không thể là một chính-sách chống đối không khoan nhượng, họ sẽ phải đưa ra một sự chuyển hướng mới trong quan-hệ ngoại-giao của Việt Nam, trong đó ý-thức-hệ sẽ không còn là một căn-bản để hợp-tác với Trung Quốc nữa mà cơ-sở đó phải là lợi-ích quốc gia của Việt Nam.

TAMMY PHAM: Xin cám ơn ông đã chia sẻ những nhận định quý báu của ông trong buổi phỏng vấn hôm nay.