Lượm lặt tin 23-7-14

Thị trưởng thắng cử tổng thống Indonesia

Ông Widodo được xem là ứng viên sẽ dứt bỏ quá khứ độc đoán của Indonesia

Thị trưởng Jakarta được lòng dân Joko Widodo sẽ chiến thắng trong bầu cử tổng thống đầy thử thách ở Indonesia theo kết quả công bố trên truyền hình.

Dù ủy ban bầu cử chưa chính thức tuyên bố nhưng kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Widodo, còn được biết tới với tên Jokowi, giành 53,15% số phiếu.

Đối thủ của ông, cựu tướng Prabowo Subianto, được 46.85% phiếu bầu và tuyên bố rút khỏi tiến trình bầu cử vì cho rằng có gian lận.

Ông cũng tuyên bố sẽ thách thức kết quả bầu cử.

Ủy ban bầu cử theo dự kiến sẽ công bố kết quả vào lúc 20:00 giờ địa phương, vốn trùng với giờ ở Việt Nam.

Ông Widodo được xem như ứng viên cải cách và rứt bỏ quá khứ độc đoán trong khi ông Subianto lại gắn với giới cầm quyền truyền thống và được sự ủng hộ của các tài phiệt truyền thông.

Trước khi xác nhận có kết quả chính thứ, chủ tịch đảng PDI-P của ông Widodo, Megawati Sukarnoputri, đã nói về chiến thắng nhân danh ứng viên cùng người ra tranh phiếu cùng với ông là Jusuf Kalla.

“Tôi muốn tuyên bố rằng chúng tôi, đảng ủng hộ và đề cử Joko Widodo và Jusuf Kalla tranh cử, đã thắng,” bà Sukarnoputri nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba.

Chính trường Indonesia bấy lâu nay đều bị áp đảo bởi những nhân vật từ thành phần quân đội và có máu mặt trong chính trị nước này.

*********************

Liệu Putin có qua khỏi khủng hoảng?

Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây chỉ trích ông Putin

Một số nước phương Tây, nhất là Anh và Hoa Kỳ, đã có những phát biểu mạnh mẽ ám chỉ sự liên quan gián tiếp của Nga tới vụ rơi máy bay dân sự tại vùng phiến quân kiểm soát ở Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói Nga đã cung cấp hệ thống phòng không cho quân nổi dậy và một số nhân vật chủ chốt của phe này là công dân Nga.

Anh hiện đang kêu gọi có những trừng phạt kinh tế mạnh hơn với Nga nhưng chưa được sự ủng hộ của Pháp và Đức.

Câu hỏi được một số chuyên gia nêu ra là liệu cuộc khủng hoảng mới này sẽ ảnh hưởng thế nào tới vị trí của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước khi máy bay của hàng không Malaysia bị bắn rơi, hai tác giả Clifford Gaddy và Barry Ickes viết trên trang Brookings Brief rằng càng trừng phạt và cô lập ông Putin thì [Phương Tây] càng đi xa khỏi mục tiêu trước mắt là ngăn ông Putin tại Ukraine và phản tác dụng trong việc đạt mục tiêu lâu dài là cải biến Nga thành một quốc gia bình thường, hiện đại và hội nhập toàn cầu.

Họ bình luận: “Trừng phạt chỉ dẫn đến chỗ ông Putin kiểm soát kinh tế mạnh hơn và làm yếu đi phần hiện đại và tương đối độc lập của kinh tế Nga.

“Cấm vận cũng sẽ làm tăng quyền lực chính trị của ông Putin và tập hợp dư luận xung quanh ông ta.”

Điều này đúng ít nhất cho tới tháng trước khi truyền thông Nga nói có tới 86% dân Nga ủng hộ ông Putin.

Tờ Bấm Moscow Times nói sự cứng rắn của ông Putin đối với Ukraine trong đó có sáp nhập Crimea và sự ủng hộ phe nổi dậy của ông góp phần mang lại sự ủng hộ này.

Báo cũng nói lần duy nhất ông Putin có sự ủng hộ cao hơn, mức kỷ lục 88%, là khi Nga có cuộc chiến ngắn ngủi với Georgia hồi năm 2008.

Các nhà bình luận có tiếng của Nga cũng được dẫn lời nói ông Putin sẽ khó có thể thay đổi lập trường với quân nổi dậy vì như vậy sẽ đánh mất chìa khóa cho sự ủng hộ hiện nay từ số dân chúng hiếu chiến và những người theo chủ nghĩa quốc gia, gồm cả nhóm đang sát cánh cùng quân nổi dậy ở Ukraine.

Tương lai Putin

Từ cái nhìn địa chính trị, nhà bình luận George Friedman của Bấm trang Stratfor cho rằng Ukraine vừa là vùng đệm ngăn nước Nga và các nước nằm trong liên minh quân sự NATO, vừa là nơi trung chuyển dầu khí của Nga qua châu Âu.

Vì lý do này ông Putin sẽ không chịu nhân nhượng và sẽ cố gắng để Ukraine là một nước bất ổn nhằm cản trở nước này gia nhập NATO.

Ông Putin đã tính toán sai ở Ukraine, không dự đoán được sự sụp đổ của một đồng minh, không có những phản ứng có hiệu quả và rồi bối rối khi phải giành lại thế trận.

Nhà phân tích George Friedman

Nhưng ông Friedman cũng nhận định: “Về lâu dài, các chính trị gia tính toán sai và quản lý sai thường khó tồn tại được.

“Ông Putin đã tính toán sai ở Ukraine, không dự đoán được sự sụp đổ của một đồng minh, không có những phản ứng có hiệu quả và rồi bối rối khi phải giành lại thế trận.

“Việc điều hành kinh tế của ông gần đây cũng không sáng sủa gì.

“Có những đồng nghiệp của ông nghĩ rằng họ có thể quản lý tốt hơn và có nhiều yếu nhân ở châu Âu muốn ông ra đi.

“Ông cần nhanh chóng thay đổi hiện trạng này nếu không ông sẽ bị thay thế.”

Ông Friedman nhắc lại rằng trong lịch sử nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev cũng từng bị phế truất vì sai lầm kinh tế và ngoại giao.

Nhưng ông Friedman cũng cảnh báo không có gì đảm bảo người thay thế ông Putin thực sự sẽ làm cho tình hình tốt đẹp hơn.

Ông nói Lenin đã tệ nhưng Stalin còn tệ hơn.

@bbc

**************************************

WASHINGTON, DC (NV) – Đại Tá Lương Xuân Việt, tư lệnh phó Sư Đoàn 1 Thiết Kỵ, Fort Hood, Texas, vừa được Tổng Thống Barack Obama đề cử thăng cấp Chuẩn Tướng hôm 20 Tháng Năm và có tên trong danh sách ngày 4 Tháng Sáu, đệ trình Thượng Viện Hoa Kỳ. Theo thông lệ, danh sách này coi như chính thức và đợi ngày Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua. Ông sẽ là sĩ quan cấp tướng gốc Việt đầu tiên trong quân đội Hoa Kỳ.

Đại Tá Lương Xuân Việt phát biểu tại Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 5, 2011,

 tại sân vận động Bolsa Grande High School, Garden Grove. (Hình: Huy Phương/Người Việt)

“Đại Tá Lương Xuân Việt được thăng cấp chuẩn tướng là niềm hãnh diện và vẻ vang cho các anh em quân nhân Mỹ gốc Việt nói riêng và cho cộng đồng người Việt, nói chung. Ông là một ngôi sao sáng của thế hệ chúng tôi,” cựu Trung Tá Ross Nguyễn, chủ tịch hội quân nhân Mỹ gốc Việt (VAAFA) và là sĩ quan gốc Việt phục vụ 28 năm đơn vị công binh tác chiến của quân đội Hoa Kỳ, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.“Ông Lương Xuân Việt từng là tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 82 Biệt Kích Dù, rồi nắm chức trung đoàn trưởng Sư Đoàn 101 Không Kỵ. Sau đó, ông là tư lệnh phó Sư Đoàn 1 Thiết Kỵ cho đến nay. Chức vụ này thường phải do sĩ quan cấp tướng đảm nhiệm,” người cựu sĩ quan gốc Việt nói.

“Hồi Tháng Tư năm nay, khi ông về giữ chức tư lệnh phó đơn vị hiện thời, chúng tôi đã thấy xác xuất để Đại Tá Việt lên cấp tướng rất cao. Trong tinh thần chiến hữu, ông là niềm hãnh diện cho các quân nhân người Mỹ gốc Việt. Ông còn là gương sáng và là mẫu người lãnh đạo cho giới trẻ gốc Việt mai sau,” vị chủ tịch hội VAAFA nói.

“Chúng tôi thường đi uống cà phê khi gặp nhau tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Lúc ấy ông mới thuyên chuyển về Fort Hood, Texas,” Cựu trung Tá Ross Nguyễn nói.

Theo trang nhà của Sư Đoàn 1 Không Kỵ, Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt cùng gia đình tị nạn chính trị và định cư năm 1975 tại Hoa Kỳ. Ông nhập ngũ sau khi tốt nghiệp Đại Học USC.

Đơn vị đầu tiên ông phục vụ là Trung Đoàn 8 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 1 tại Fort Carson, Colorado, với chức vụ trung đội trưởng chống xe tăng và đại đội trưởng bảo trì của sư đoàn.

Năm 1993, ông được thuyên chuyển đến Fort Bragg, North Carolina, phục vụ Trung Đoàn 325 Không Kỵ, Lữ Đoàn 82 Nhảy Dù, thuộc Sư Đoàn 2, với chức vụ Phụ tá chỉ huy trưởng hành quân của sư đoàn, sau là đại đội trưởng Đại Đội Alpha. Trong khi giữ chức vụ này, ông được chuyển đến Haiti để tham gia cuộc “Hành Quân Vì Dân Chủ” với chức vụ chỉ huy trưởng lực lượng “Theater Quick Reaction Force.”

Sau đơn vị ở Fort Bragg, ông được được chọn gia nhập Trung Tâm Huấn Huyện Liên Quân ở Fort Polk, Louisiana, với chức vụ quan sát viên thanh tra. Ông theo học Trường Cao Đẳng Chỉ Huy và Tham Mưu và được chuyển đến Lực Lượng Đặc Nhiệm Phía Nam Âu Châu (SETAF). Ông là chỉ huy trưởng kế hoạch và sĩ quan hành quân Lữ Đoàn 173 Không Kỵ thuộc Trung Đoàn Nhảy Dù 508 của Sư Đoàn 1, tại Vicenza, Ý. Nơi đây ông được điều đến Kosovo và Bosnia-Herzegovina trong kế hoạch của Lực Lượng Đối Phó Chiến Lược của khối NATO.

Ông tham gia và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Fort Bliss, Texas để hỗ trợ Bộ Nội An. Năm 2005, ông là chỉ huy trưởng Lữ Đoàn 3 Dã Chiến, Trung Đoàn Nhảy Dù 505 của Sư Đoàn 82 Nhảy Dù. Ông tham gia đơn vị hành quân “Operation American Assist,” trợ giúp nạn nhân bão Katrina ở New Orleans, chiến dịc hành quân Freedom 06-08 “War on Terror” ở Iraq.

Năm 2009, Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt chỉ huy Lữ Đoàn 3 Dã Chiến (Rakkasans) thuộc Sư Đoàn Nhảy Dù 101. Năm 2010, Lữ Đoàn 3 tham gia cuộc hành quân “Enduring Freedom 10-11” ở Afghanistan. Sau khi chỉ huy đơn vị này, ông được mời làm thành viên an ninh quốc gia “National Security Fellow” và giám đốc “Pakistan Afghanistan Coordination Cell” thuộc bộ tham mưu hỗn hợp J5.

Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt tốt nghiệp đại học USC văn bằng Biological Sciences và bằng cao học Military Arts and Science.

Ông là con trai duy nhất trong gia đình có 7 chị em gái đều thành công trên đất Mỹ. Thân phụ ông là Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Lương Xuân Đương, đã qua đời năm 1997 tại California. Thân mẫu của ông sinh sống tại Los Angeles. Qua Mỹ năm 1975, khi chưa đầy 10 tuổi, gia đình ông chọn thành phố Mountain View, California để sinh sống

Bitexco đề xuất được quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long trong 50 năm

Tập đoàn Bitexco vừa có đề xuất với tỉnh Quảng Ninh về việc nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Ngày 22/7, UBND tỉnh tổ chức họp nghe báo cáo Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long của Tập đoàn Bitexco.

Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch do Tập đoàn Bitexco đưa ra gồm 5 phần chính là hiện trạng du lịch Vịnh, đề xuất phương án kinh doanh, đề xuất mô hình nhượng quyền, kế hoạch triển khai và năng lực của Tập đoàn.

Mục tiêu đặt ra của Đề án nhằm phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho Vịnh Hạ Long; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp, đồng thời đảm bảo tính phù hợp với chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính an toàn du lịch cho Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Trên cơ sở đó, Bitexco đề xuất phương án kinh doanh với 6 mục tiêu cơ bản là tạo thương hiệu du lịch mạnh; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp; đảm bảo tính phù hợp với chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính phù hợp với chiến lược vùng; thu hút sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu quốc tế; nâng cao chất lượng khách du lịch; thu hút lao động trong lĩnh vực du lịch.

Tập đoàn đề nghị tỉnh nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm. Hợp đồng thực hiện trên nguyên tắc là tận dụng thế mạnh các bên, chia sẻ rủi ro và lợi ích hợp lý; giảm thiểu sự thay đổi, không gây ảnh hưởng bất lợi cho các bên; giảm bớt trách nhiệm, rủi ro và đảm bảo doanh thu cho tỉnh; mang lợi ích kinh tế đủ hấp dẫn cho nhà đầu tư tư nhân.

Tại cuộc họp, các sở, ngành cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng như: thời gian nhượng quyền theo đề xuất; không gian thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong đó bao hàm cả không gian dưới nước, trên bờ và các vùng phụ cận có liên quan; giải pháp cụ thể, lộ trình giải quyết mối quan hệ, cơ chế quản lý, khai thác, phát triển du lịch trên Vịnh giữa Bitexco với các đơn vị, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện nay…

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao đề án của Tập đoàn Bitexco đồng thời khẳng định đây mới chỉ là những bước nghiên cứu ban đầu. Vì vậy, đề nghị Tập đoàn Bitexco cử các chuyên gia cùng làm việc với sở, ngành liên quan trong tỉnh nhằm làm rõ hơn các nội dung của đề án hợp tác.

Đánh giá cao sự quan tâm, mong muốn hợp tác với tỉnh của Tập đoàn Bitexco, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Bitexco đổi tên đề án thành Nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, chủ trương của tỉnh là bàn giao cho nhà đầu tư về quản trị khai thác, vì vậy giao cho Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về nội dung; tiếp thu các ý kiến tham gia, góp ý của các sở, ngành để sớm hoàn thiện bản đề án.

Nguồn Theo DVO/QNP

****************************

Đại gia sở hữu khối tài sản nghìn tỷ của Bitexco là ai?

Người xây lên những công trình nhà ở, trung tâm thương mại, cao ốc đẹp long lanh có vốn đầu tư lên tới nghìn tỉ đồng là ông Vũ Quang Hội – chủ tịch HĐQT Công ty Bitexco.

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) thành lập tại Thái Bình, đi lên từ dệt may, nước khoáng.bởi cha ông Hội là ông Vũ Quang Huy. Ông Huy là người đã biến thương hiệu nước khoáng Vital của Thái Bình thành một thương hiệu nổi tiếng.

Năm 70 tuổi, ông Vũ Quang Huy về quê xây nhà, ở ẩn, làm việc thiện, để lại công ty cho các con, trong đó nắm trọng trách là Vũ Quang Hội.

Đại gia sở hữu khối tài sản nghìn tỷ của Bitexco là ai? - Ảnh 1

Ông Hội sinh năm 1963, tuổi Quý Mão, từng là kỹ sư chế tạo mãy của Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Ông Hội được giới truyền thông ưu ái gọi là “Người xây lên những biểu tượng” bởi ông chính là tác giả của những công trình được thiết kế tinh tế, hiện đại, sang trọng và đẳng cấp, như Khu đô thị The Manor, trung tâm thương mại The Vineyard, Tháp tài chính nổi danh thế giới Bitexco…

Năm 2002, khi ông Hội cùng vợ đứng trên tầng thượng của Tòa nhà Chrysler ở Thành phố New York, một suy nghĩ hiện lên trong đầu: “Chrysler Building không phải là tòa nhà cao nhất, nhưng chưa bao giờ bị lu mờ hay lãng quên vì nó là niềm tự hào của người New York. Mình sẽ xây dựng một tòa tháp để người Việt Nam tự hào, như người New York có Chrysler Building, hay người Malaysia tự hào có tòa tháp đôi Petronas”.

Khi ý tưởng xây dựng một tòa nhà cao nhất Việt Nam được tiết lộ, cả giới địa ốc, bất động sản không khỏi ngạc nhiên, xen lẫn nghi ngờ. Trước đây, chưa người Việt Nam nào có đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để xây dựng những tòa nhà vượt chiều cao 40 tầng. Hầu hết các dự án cao tầng ở Việt nam thời điểm đó đều do nhà đầu tư nước ngoài triển khai.

Nhiều tờ báo “đả kích” dự án cao 262 m của ông. Ông lẳng lặng mời các công ty hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới như AREP, Zapata Studio, LERA, Turner (Mỹ), Hyundai (Hàn Quốc). DSA (Anh)… cùng nghiên cứu để xây dựng công trình. Mơ ước ấp ủ đó là Việt Nam phải được hiện diện trên bản đồ kiến trúc thế giới bằng chính công trình của mình, một đóa sen thanh thoát vươn lên bầu trời TP.HCM.

Đại gia sở hữu khối tài sản nghìn tỷ của Bitexco là ai? - Ảnh 2

Để thực hiện khát vọng này, ông buộc phải bỏ thêm hàng trăm triệu USD, giảm 30% diện tích sử dụng. Hàng chục chuyên gia giỏi các nước đã tụ họp trên một du thuyền ở Vịnh Hạ Long để cùng ông tính toán. Và kết quả của những đêm thâu đó, cũng như những nỗ lực của bao ngày tháng vất vả trên công trình là, ngày 31/10/2010, Tháp Tài chính Bitexco, công trình đẳng cấp thế giới cao 262 m được khánh thành. Tháp Tài chính Bitexco Financial Tower, với kiến trúc và tiện nghi đẳng cấp, là biểu tượng của sự phát triển kinh tế và thịnh vượng không chỉ của TP.HCM, mà còn của cả Việt Nam.

Bitexco, cho đến nay vẫn là công ty tư nhân thuộc sở hữu gia đình ông Hội, là một tập đoàn đa ngành với các dự án kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển bất động sản, cơ sở hạ tầng, đến năng lượng thủy điện, sản xuất hàng tiêu dùng, thương mại, khai thác và thăm dò khoáng sản.

Ông Vũ Quang Hội hiện là chủ tịch Công ty TNHH SXKD XNK Bình minh (Bitexco), đồng chủ tịch HĐQT CTCP Xây lắp và Đầu tư Sông Đà.

Bên cạnh tòa tháp chọc trời Bitexco Financial Tower, Bitxco còn là nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng Bitexco đứng kế cận ở số 19 Nguyễn Huệ; khu The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những tòa tháp chung cư cao cấp đầu tiên tại TP. HCM.  Tại Hà Nội, ngoài khu nhà ở, văn phòng và thương mại cao cấp The Manor, The Vineyard, Bitexco còn là chủ của khách sạn JW Marriott Hà Nội với thiết kế đặc biệt hình con rồng nằm trên một quả đồi bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Bên cạnh đó là dự án khu đô thị hiện đại Bitexco Central Park sắp khởi công tại quận Hoàng Mai về phía Nam thủ đô.

Chia sẻ triết lý kinh doanh là, ông Hội cho rằng thời điểm này là lúc nghĩa vụ chính trị – nghĩa vụ đóng góp cho đất nước bằng suy nghĩ và hành động tích cực, phải đặt lên hàng đầu.

Tâm niệm về cuộc đời, ông Hội chia sẻ: “Tôi dạy các con tôi rằng, ai cũng đi một chuyến tàu cuộc đời và cũng xuống ga cuối cùng. Cuối cùng, anh để lại giá trị gì cho đời?”

Thảo Ly (tổng hợp) / Nguoiduatin

Khi nào giàn khoan quay lại?

Nguyễn Ngọc Già
Có thể không phải một mà một số giàn khoan sẽ đồng loạt quay lại biển Đông trong thời gian nào đó?

Cũng có thể biểu tượng “bá chủ” châu Á không chỉ là giàn khoan mà thay vào đó, những “vật thể” khác trong các động thái khác, với những biểu hiện ngang ngược không hề thua kém, hoặc “êm đềm”“trầm tĩnh” hơn?

Dù sao, đưa “biểu tượng” giàn khoan quay lại, tạm coi là… “điển hình bành trướng” trong cục diện, biển ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia, để nói về mưu đồ thôn tính của nhà cầm quyền Bắc Kinh, không tính riêng Việt Nam, mà còn cả Asean với một tương lai trăm năm, toàn cầu cũng đều biết [1]: “…chẳng có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc cũng đòi chủ quyền trên Mặt trăng và các hành tinh này” như Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile nhận định hóm hỉnh lại không kém mỉa mai về lòng dạ tham lam vô bờ bến của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Phải chăng có TPP dính líu?

Nhiều lý do được đưa ra, khi giàn khoan 981 được Bắc Kinh kéo ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam: thời tiết, kinh tế, áp lực ngoại giao thế giới v.v…

Đài RFA cho biết, một trong những hồ nghi có thể xem là tác nhân trực tiếp [2]: “…Vậy thì Trung Quốc kéo giàn khoan đi có phải là theo thỏa thuận với Việt Nam? Theo thỏa thuận như vậy nghĩa là Việt Nam đã chịu nhượng bộ một điều nào đó chăng? Hay là Việt Nam đã hứa hẹn không liên minh với nước khác để chống Trung Quốc?…”

Dù sao, nhà báo Việt Long vẫn đề nghị độc giả nên xem tất cả lý giải đều là suy luận và nên cảnh giác trước việc “rút giàn khoan”, dù tất cả có thể tạm “thở phào… nửa hơi”.

Trong 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, chỉ riêng có nước CHXHCNVN theo chế độ độc tài toàn trị và là “đàn em”, dù không phải đáng tin cậy lắm, nhưng có thể điều khiển được theo ý Bắc Kinh muốn.

“Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” của nhà cầm quyền Việt Nam gần như bị Trung Cộng chi phối và phá hoại hầu hết trên nhiều loại thị trường, cùng với hàng trăm ngàn người Hoa và các “biệt khu” trải dài khắp Trung – Nam – Bắc và luôn nhận được nhiều ưu ái, thiên vị từ trung ương cho chí các địa phương Việt Nam.

Trang Dân Luận có bài [3]: “Book Hunter Club – TPP là mối đe dọa lớn với tự do thông tin trên Internet”, trong có đoạn: “…Cuối năm 2013, Foreign Policy, một tờ báo đại diện cho một nhóm có mong muốn thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ, đã treo giải thưởng 70 nghìn $ cho Wikileaks nếu website này có thể lấy được bản thảo đang được thảo luận của Hiệp định TPP và công bố cho công chúng…”.

Bài viết nêu trên nhằm chỉ ra mối nguy hại về việc thông tin bị bưng bít. Dù ban đầu TPP khuyến khích tất cả các tổ chức NGO tham gia góp ý và xây dựng cũng như việc đàm phán dựa trên tinh thần tự do và đa phương, tuy nhiên [3] “…sau khi dự thảo SOPA bị công luận chỉ trích dữ dội và không được thông qua, các dự thảo luật quốc tế như TPP đã thay đổi phương thức đàm phán: đàm phán song phương và bí mật”.

Dù Hoa Kỳ “bật đèn xanh” [4] vào tháng năm 2013, dường như nước CHNDTH chưa mặn mà tham gia vào TPP.

Nhận định về “đèn xanh” đã bật lên, giáo sư nổi tiếng (tại Trung Quốc) – Zhang Yunling của Viện Khoa học Xã hội nói [4]: “Mỹ có thể không thực sự hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia vào TPP bởi quy mô khổng lồ của thị trường nước này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ trong việc định hình các quy tắc thương mại mới trong TPP” – Một nhận định khá kiêu căng.

Không có gì ngạc nhiên với những lời của Shang Yunling, nếu như chúng ta biết ngạn ngữ “dò đá qua sông”. Ngạn ngữ này thường chỉ ra những người, dù cẩn trọng nhưng kém tự tin vào bản lĩnh và tri thức, dù có thể họ rất giàu có nhưng không có đủ tính can trường, hào sảng. Thường những người như thế, họ ít khi chịu và dám trả giá, nếu như họ không thấy “chắc ăn”, bởi một khi trượt chân là nước lũ cuốn họ mất tăm, vì thế, đẩy người khác “dò đá” giữa “lòng sông” mà ngay cả họ cũng không rõ “nông sâu” thế nào là điều họ tự cho phép được làm, đặc biệt đối với những kẻ đã lỡ nhận “ân huệ” – từ họ – đó trở thành trách nhiệm buộc phải chu tất? Đây là “đặc tính” của những người sẵn sàng hưởng thành quả, trong khi bất chấp “sinh mạng” kẻ nhận “ân huệ” đang phải trả giá thay.

Cho đến khi câu chuyện “mua thông tin” với giá 70.000 USD được công bố, nhiều người mới hiểu ra TPP không nhất thiết phải là sân chơi bình đẳng và công khai, thuần túy trên lĩnh vực kinh tế.

Chẳng lẽ thông tin được “treo giá bèo” như thế, Bắc Kinh không quan tâm (?).

Phải chăng còn có lý do nào khác, ngoài nội dung thượng dẫn, làm cho quá trình đàm phán TPP buộc phải “rút vào hoạt động bí mật” mà trang Foreign Policy đòi mua nội dung bản thảo đang được bàn luận?

Như vậy, nối tiếp những ý kiến của nhà báo Việt Long, câu hỏi có thể kéo dài thêm ra: “Theo thỏa thuận như vậy nghĩa là Việt Nam đã chịu nhượng bộ một điều nào đó chăng? Nhượng bộ đó, có phải liên quan đến quá trình đàm phán gia nhập TPP của Việt Nam? Nhượng bộ đó như là Việt Nam trở thành hình thức gần giống như một dạng “nội ứng” cho Trung cộng?”

Những động thái khả nghi?

Thế giới đã thay đổi quá nhiều, bởi kinh tế không những gắn liền với chính trị mà không thể không đề cập đến các thủ đoạn cần thiết, trong việc hợp tác làm ăn sao cho có thể cắt được “cái đuôi” dài loằng ngoằng, vô nghĩa, đầy vướng víu mà nền “kinh tế thị trường” vốn dĩ không tài nào dung chứa được.

Vài tháng qua, lần lượt một số tù nhân lương tâm được thả: Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hữu Cầu cho đến Đinh Đăng Định (chết vì ung thư với nghi vấn bị CS đầu độc trong tù), nếu không tính ông Huỳnh Anh Trí được thả vào cuối năm ngoái (vừa qua đời vị bệnh AIDS, nhiễm virus HIV trong tù).

Điều này làm một số người hồ hởi gọi là “đợt thả tù nhân lương tâm lớn nhất” tính từ 1975 và động thái đó coi như “một chân đã đặt vào TPP”. Những nhận định có vẻ trên mức lạc quan.

Song song đó, một vài tổ chức xã hội dân sự vừa được xem như hoạt động công khai với sự “làm ngơ” từ phía cầm quyền, cùng một số nhà hoạt động xã hội như: nghệ sĩ Kim Chi, Tô Oanh, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Đình Hà v.v… mới đây từ Mỹ trở về, có vẻ như “an toàn” cho đến nay, sau khi một số người khác bị ngăn cấm xuất ngoại theo lời mời của quốc tế.

Có vẻ những dẫn giải nói trên được xem như “thành tâm chính trị” của nhà cầm quyền Việt Nam đối với quyền lập hội và tự do ngôn luận, tự do báo chí – một số đòi hỏi từ quốc tế khi Việt Nam muốn gia nhập TPP?

TPP, theo những sơ khởi chính đòi hỏi mà nhiều người biết: quyền lập hội độc lập không chịu sự chi phối từ ĐCSVN, các doanh nghiệp bình đẳng hoạt động, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, các nguyên vật liệu phục vụ xuất nhập khẩu phải xuất phát trong nội khối TPP v.v… những yếu tố như thế có đến mức cần giấu kỹ trong bàn thảo?

Sau khi giàn khoan được kéo đi, trong những lời từ phía cầm quyền Việt Nam, nhiều người chú ý đến phát ngôn của ông Lê Hoài Trung – Đại sứ, trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc [5]: “Việt Nam sẵn sàng xem xét những khả năng hợp tác với Trung Quốc trong hoạt động thăm dò dầu mỏ trên Biển Đông, nhưng với điều kiện những hoạt động này không vi phạm chủ quyền các quốc gia trong khu vực”. Lời phát ngôn từ một viên chức ngoại giao cấp cao chứng tỏ hai chế độ độc tài toàn trị vẫn “thắm tình hữu nghị” với “vận mệnh tương quan” (?).

Chiếu theo phát biểu [6] của ông Trần Duy Hải – Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, khi nói về công hàm 1958: “…không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được…”, nhà cầm quyền Trung Quốc có thể “đáp từ” Lê Hoài Trung: “Nước CHNDTH chúng tôi không quan tâm đến “thiện chí” của Việt Nam, bởi quý vị không có khả năng hợp tác cái mà quý vị không sở hữu và không quản lý” (?).

Do đó phát biểu của viên đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc hoặc lời của ông thủ tướng: “Yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại vùng biển Việt Nam”, những tưởng không có “giá trị” đáng kể đối với những người đã gọi mình là “đứa con hoang” và kêu gọi hãy mau mau quay về “đoàn tụ gia đình” (?!).

“Giả mù sa mưa” là điều có thể lý giải cho những phát ngôn đôi bên như thế (?).

Nếu thành công và nếu thất bại?

Nước CHXHCNVN rất thèm muốn tham gia vào TPP là điều khó chối cãi. Vậy, giới cầm quyền Việt Nam xem như có 2 trường hợp: thành công hoặc thất bại.

Trường hợp thất bại, có lẽ đó là điều mà không mấy người cộng sản muốn nhìn thấy. Người ta bảo, một khi thất bại trong việc tham gia TPP, xu hướng CSVN càng nghiêng dốc thẳng về Trung Cộng. Việt Nam lúc đó, có thể nhanh chóng trở thành một khu tự trị thuộc Tàu với thời gian không xa lắm.

Trường hợp thành công, cũng theo dư luận, giới cầm quyền Việt Nam sẽ nhích lại gần Mỹ và phương Tây hơn. Tình trạng tự do – dân chủ – nhân quyền sẽ dần cởi mở, bớt ngột ngạt hơn. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam sẽ dần thoát khỏi sự “chỉ đạo” của Trung cộng để trở thành một quốc gia độc lập về mọi mặt. Lúc bấy giờ, có thể nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng trong một ngày không xa. Không biết số người mà tin tưởng mãnh liệt vào điều này, có khi nào nghĩ về một “con chip” đã được cấy vào “hệ thống TPP”, một khi nước CHXHCNVN được chấp nhận kết nạp vào đấy?

Khi người cộng sản thành công với TPP, giá mua thông tin 70.000 USD, trở nên vô nghĩa và tỏ ra không cần thiết?

Một khi nước CHXHCNVN thành công khi gia nhập TPP, ngoài việc cải thiện bộ máy quản lý cũng như thay đổi các chính sách, các bộ luật dân sự và kinh tế khác, điều quan trọng nhất, chắc rằng họ cần số vốn lớn, nhằm đáp ứng các yêu cầu và các chuẩn mực theo quy định TPP?

Trong số báo Tuổi Trẻ ra ngày 26/6/2014, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – ủy viên Ủy ban MTTQVNTP đặt câu hỏi với chủ tịch nước Trương Tấn Sang [7]: “…Trung Quốc đưa ra “miếng mồi” 20 tỉ USD ODA và 100 tỉ USD tín dụng. Bên cạnh đó họ nói không ràng buộc về chính trị nhưng thực chất như thế nào?”. Câu hỏi không thấy nhận được hồi đáp từ ông Sang.

Chẳng ai cho không ai mà không kèm điều kiện gì. Ngay cả dù đó là “người anh em chí cốt” nhưng hành động trên thực tế gần bảy mươi năm qua, chưa bao giờ người Việt Nam thấy một kiểu gì đó như là “tình cho không biếu không”.

Kết

Công hàm 1958, hội nghị Thành Đô và những cam kết quan trọng (giữa hai nhà nước không phải do dân bầu lên) ảnh hưởng đến tồn vong dân tộc, gây hiểm họa rất lớn cho Tổ quốc Việt Nam, người CSVN còn dám qua mặt cả dân tộc, giấu đút riêng để tự tung tự tác ký. Những nội dung dù quan trọng trong TPP, so ra không thể nào sánh nổi về sự suy vong Tổ quốc, lệ thuộc ngoại bang.

Người ta cũng tin một chân lý: không có gì mà người cộng sản không dám làm.

Có lẽ, “thao quang dưỡng hối” vẫn còn đắc dụng, cho đến khi kết quả TPP được chính thức hoàn thành với kết quả Việt Nam vào được hay không?

Nguyễn Phú Trọng bị Tập Cận Bình từ chối tiếp đón như chỉ dấu một “phế nhân” không còn sử dụng được? Phải chăng từ đó, Nguyễn Tấn Dũng bỗng trở nên đắc dụng hơn với tư cách điều khiển toàn bộ nền kinh tế Việt Nam? Học thuyết “mèo trắng mèo đen” của Đặng Tiểu Bình vẫn còn đó.

Ông Phạm Chí Dũng trả lời [8] phỏng vấn đài SBTN hôm 14/6/2014: “…có thể là ngay trong năm nay, vào khoảng tháng 9, tháng 10 sẽ có những tín hiệu mới về vấn đề TPP, tức nhà nước Việt Nam có thể được tham gia vào TPP một cách đặc cách chứ không phải theo cách bình thường…”. Đó là một nhận xét đáng lưu tâm.

Gọi tên cho đúng bản chất của mọi hiện tượng, sự vật chưa bao giờ là dễ dàng. Chỉ duy, nếu “nhà nước” Việt Nam được gia nhập chính thức vào TPP, chưa chắc người Việt Nam hưởng lợi ích nào đó mà các quốc gia: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ có vẻ đều nằm trong bàn tay của… nhà cầm quyền Trung Quốc với “con chip” đã được cấy thành công?

Ngoài Việt Nam, không rõ các quốc gia khác (tham gia trong TPP) có biết thành ngữ: “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”?

Nói cách khác, thành công hay thất bại khi nước CHXHCNVN gia nhập TPP sẽ trở thành tác nhân quan trọng nhất đối với việc kéo giàn khoan rầm rộ quay lại biển Đông, hoặc giả, được thể hiện bằng hình thức “êm đềm”“bền bỉ” nào đó, nó vẫn biểu lộ Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ cuồng vọng thôn tính cả vùng Asean mà các nhà quan sát đều đồng thuận gọi bằng tên “tằm ăn dâu” – một ý nghĩa không thể phù hợp hơn, khi xét về “chiến tranh kinh tế”?

Dù thành công hay thất bại khi gia nhập TPP, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ còn không đầy hai năm để “làm nên lịch sử”. Vấn đề đặt ra, đó có phải là “lịch sử” như “cái thùng rác” để phi tang quá khứ, như đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc mô tả?

Chỉ e ngại, quyết định thành bại không phải đến từ nỗ lực của giới cầm quyền Việt Nam, nếu như học thuyết “mèo trắng mèo đen” và thành ngữ “nuôi ong tay áo” bị phát hiện sớm?

Nguyễn Ngọc Già
_______________

[1] http://tuoitre.vn/The-gioi/499968/se-co-ngay-trung-quoc-doi-chu-quyen-ca-mat-trang.html

[2] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-s-behind-china-withdrawing-the-oil-drill-07172014110754.html

[3] https://www.danluan.org/tin-tuc/20140714/book-hunter-club-tpp-la-moi-de-doa-lon-voi-tu-do-thong-tin-tren-internet

[4] http://www.trungtamwto.vn/tpp/dam-phan-tpp-my-da-bat-den-xanh-cho-trung-quoc

[5] http://vietnamese.ruvr.ru/news/2014_07_17/274752498/

[6] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140523_vietnam_noi_ve_congham_pvdong.shtml?ocid=socialflow_facebook

[7] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/614696/chu-tich-nuoc-phai-bao-ve-bang-duoc-chu-quyen-thieng-lieng.html

[8] http://boxitvn.blogspot.com/2014/06/nha-bao-pham-chi-dung-hoi-luan-voi-giao.html

Lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn gì ở biển Đông?

 

Trung Quốc cũng đã có hàng không mẫu hạm. Tàu sân bay Liêu Ninh được tu sửa lại từ một tàu sân bay cũ của Nga Trung Quốc cũng đã có hàng không mẫu hạm. Tàu sân bay Liêu Ninh được tu sửa lại từ một tàu sân bay cũ của Nga
Trung Quốc cũng đã có hàng không mẫu hạm. Tàu sân bay Liêu Ninh được tu sửa lại từ một tàu sân bay cũ của Nga

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm chức Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 năm 2012, thế giới liên tục chứng kiến những hành động được coi là gây hấn và chưa từng có từ trước tới nay của nước này ở biển Đông. Các học giả quốc tế có những nhận định khác nhau về những diễn biến này liên quan đến chính sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc mới. Việt Hà có bài tổng hợp và tường trình.

Những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về đường lối chiến lược của nhà lãnh đạo Trung Quốc mới Tập Cận Bình, mặc dù trước đó đã có không ít những lạc quan về một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong khu vực, ít nhất cũng là so với thời gian trước năm 2012 với những nhà lãnh đạo cũ của Trung Quốc.

Lạc quan ngắn ngủi

Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã cho thế giới và nhất là những nước láng giềng châu Á nhỏ bé hơn mình thấy thiện chí muốn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, thể hiện qua các chuyến viếng thăm của ông và Thủ tướng Trung Quốc Lý Kế Cường tới các nước ASEAN  bao gồm các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhận xét về cử chỉ này từ các lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói:

Hoàng Anh Tuấn: khi chúng tôi thấy các lãnh đạo mới của Trung Quốc nhậm chức vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013 với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Kế Cường, chúng tôi đã có hy vọng  và thậm chí có nhiều hy vọng hơn trong khu vực về một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian dài. Chúng tôi chưa bao giờ thấy trước đó, chỉ trong vòng một năm nhậm chức lãnh đạo, cả Chủ tịch và Thủ Tướng Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm chính thức đến 10 nước ASEAN. Đây là một diễn tiến mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó.

Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 10 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng ông hy vọng thương mại hai chiều Trung Quốc ASEAN sẽ đạt mức 2 nghìn tỷ đô la vào năm 2020, tức là tăng hơn 2 lần rưỡi so với con số 400 tỷ đô là vào năm trước đó.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Kế Cường đến Việt Nam vào tháng 10 năm 2013, lãnh đạo hai nước đã đồng ý sẽ tiếp tục theo đuổi hợp tác trên biển theo 3 nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau và từng bước. Hai bên thiết lập một nhóm làm việc về hợp tác và phát triển trên biển theo cơ cấu làm việc cấp chính phủ hiện có. Cả hai bên cũng cam kết sẽ sử dụng đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp. Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đến Trung Quốc vào tháng 6 cùng năm, lãnh đạo hai nước cũng đã nhất chí phải kiềm chế các hành động để không làm phức tạp thêm vấn đề tại biển Đông.

Tuy nhiên, Việt nam và các nước trong khu vực đã hoàn toàn bất ngờ trước hành động đặt giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước vào đầu tháng 5 vừa qua, và việc Trung Quốc huy động hàng trăm tàu các loại bao gồm tàu chiến để bảo vệ giàn khoan ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn nói:

Hoàng Anh Tuấn: hành động của Trung Quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng mặt khác thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không một ai đoán trước.

Trong hội thảo về biển Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC vào hai ngày 10 và 11 tháng 7 vừa qua, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam cáo buộc Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi chủ quyền bằng cách làm phức tạp thêm vấn đề tại biển Đông bằng nhiều hình thức.

Trần Trường Thủy:  Trung Quốc đang gia tăng các đòi hỏi chủ quyền của mình qua phạm vi và bằng các biện pháp làm phức tạp thêm tình hình ngay tai hiện trường, qua chính sách ngoại giao và nội địa.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy cáo buộc Trung Quốc đang chuẩn bị các bước cần thiết để mở một vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông tương tự như vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Bên cạnh đó Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách chia rẽ ASEAN như đã làm trước kia bằng cách đưa ra các lời hứa và cam kết hợp tác về kinh tế với các nước trong ASEAN vốn không có những tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại biển Đông. Theo tiến sĩ Trần Trường Thủy, những hành động gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đã chuyển từ chiến thuật gây hấn do phản ứng lại sang chủ động gây hấn.

Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình

Có một số ý kiến được các học giả quốc tế đưa ra về mối liên quan giữa những hành động gần đây của Trung Quốc và chính sách của nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình. Đáng chú ý là ý kiến của học giả Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, Hoa Kỳ. Phát biểu trong một hội thảo gần đây về biển Đông, học giả Yun Sun nhận định:

Yun Sun:  Trung Quốc thấy là sự kiềm chế hành động của Trung Quốc trong quá khứ đã không cải thiện được vị thế của Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền một chút nào và việc Trung Quốc không hành động đã dẫn đến việc các nước khác gia tăng sự hiện diện và đòi hỏi chủ quyền của họ tại biển Đông. Vì vậy để cải thiện vị trí của mình trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai, Trung Quốc đã phải thay đổi quan niệm về hiện trạng không thân thiện của Trung Quốc… ở mức rộng và cao hơn, Trung Quốc đã có chiến lược quốc gia từ nhiều năm trước về xây dựng một cường quốc biển. Trong khi sự mở rộng của hải quân Trung Quốc gặp nhiều trở ngại tại biển Hoa Đông từ phía Nhật bản và xuống tới Philippines. Biển Đông cho hải quân Trung Quốc một khu vực dễ dàng hoạt động hơn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế, các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực biển Đông hiện không có khả năng cạnh tranh về mặt trang bị quân sự với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước ASEAN vẫn tiếp tục chia rẽ về cách tiếp cận với Trung Quốc trong vấn đề này.

Học giả về Trung Quốc thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, ông Christopher Johnson, cho rằng, những hành động chưa từng có trước đây của Trung Quốc ở biển Đông thực ra đã nằm trong một chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Tuy nhiên ông thừa nhận, Chủ tịch Tập Cận Bình có cái nhìn về Trung quốc khác với những người tiền nhiệm.

Christopher Johnson: Ông Tập Cận Bình có cái nhìn mang tính tư tưởng hơn so với những người tiền nhiệm trước đó về thế giới và vị trí của Trung Quốc trên thế giới…

Trong nhiều bài báo và phân tích gần đây trên thế giới, các học giả cũng nói đến học thuyết mới của ông Tập Cận Bình về cái mà ông gọi là ‘Giấc mộng Trung Hoa’. Trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc vào ngày 19 tháng 8 năm 2013, ông Tập Cận Bình đã nói ‘việc thực hiện Giấc mộng Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc’. Học thuyết mới này theo đánh giá của các học giả quốc tế xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn khôi phục lại hình ảnh của một đất nước Trung Hoa vĩ đại trong quá khứ, và điều này có ảnh hưởng nhất định đến chính sách ngoại giao của nước này.

Để thực hiện những mục tiêu mà mình đưa ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện thâu tóm việc kiểm soát các hoạt động liên quan đến các hoạt động đòi và bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Học giả Christopher Johnson cho rằng, những gì đã xảy ra gần đây trên biển Đông đều có sự đồng ý và chỉ đạo từ ông Tập Cận Bình. Điều này khác với những gì diễn ra dưới thời ông Hồ Cẩm  Đào, người bị chỉ trích là đã mất kiểm soát với các cơ quan phụ trách vấn đề chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Học Giả Christopher Johnson cũng cho rằng ông Tập Cận Bình là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn so với những các lãnh đạo Trung Quốc trước đó. Điều này kết hợp với việc thâu tóm quyền lực của ông Tập Cận Bình, học giả Johnson cho rằng sẽ rất khó để đoán biết được những hành động trong tương lai của ông ở các khu vực tranh chấp.

Trung Quốc vừa rút giàn khoan HD 981 khỏi vùng biển mà Việt Nam đòi chủ quyền, trước thời hạn mà họ đề ra là ngày 15 tháng 8. Cho đến lúc này, rất khó có thể đoán biết được những hành động tiếp theo của Trung Quốc. Tuy nhiên, cả học giả Yun Sun và Johnson đều cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục duy trì một mức căng thẳng nhất định ở biển Đông, vừa đủ để không khiến Hoa Kỳ phải can thiệp mạnh nhưng cũng vẫn đủ để lãnh đạo Trung Quốc đạt được đích thắng lợi mà ông nhắm tới.

@RFA