Lượm lặt tin 21-7-14

Phần Lan chặn lô vũ khí đi Ukraine

Theo Helsingin Sanomat, lô hàng này xuất phát từ Việt Nam

Hải quan Phần Lan nói lô vũ khí gửi tới Ukraine đã bị chặn hồi cuối tháng Sáu

Hải quan Phần Lan nói họ đã chặn một lô vũ khí đang trên đường tới Ukraine, theo hãng tin Reuters

Lô hàng gồm “các vật liệu quân sự” đã bị chặn tại sân bay Helsinki hồi cuối tháng Sáu, hải quan Phần Lan nói hôm thứ Sáu 18/7.

Nhật báo Helsingin Sanomat, có đông thuê bao nhất tại Phần Lan và khối các nước Bắc Âu, nói rằng lô hàng vận chuyển qua đường hàng không này gồm số lượng lớn các thiết bị dùng để điều khiển tên lửa, tuy tin này không được hải quan Phần Lan xác nhận.

Hãng tin DPA của Đức trích lời ông Sami Rakshit, người đứng đầu lực lượng kiểm tra của hải quan Phần Lan nói: “Thông tin sơ bộ cho thấy đó là hàng quân sự.”

Thông tin sơ bộ cho thấy đó là hàng quân sự. Không phải là vũ khí, đạn dược mà hầu như chắc chắn là thuộc về những loại vũ khí nhất định nào đó.

Sami Rakshit, Trưởng Lực lượng Kiểm tra, Hải quan Phần Lan

“Không phải là vũ khí, đạn dược mà hầu như chắc chắn là thuộc về những loại vũ khí nhất định nào đó.”

“Đó là các vật liệu quân sự đang trên đường tới Ukraine,” ông Rakshit nói với Reuters. “Chúng không có các giấy phép cần thiết kèm theo.”

Lô hàng xuất xứ từ vùng Viễn Đông, nhưng “không phải Nga, Trung Quốc hay Bắc Hàn”, ông Rakshit xác nhận với DPA.

Ông Rakshit cho biết cơ quan hải quan Phần Lan đang điều tra xem ai là người sẽ nhận lô hàng tại Ukraine, mà theo Helsingin Sanomat là ở vùng viễn đông của Ukraine.

Miền đông Ukraine là khu vực đang trong cuộc khủng hoảng, với những người ly khai thân Nga đối đầu ác liệt với các lực lượng chính phủ.

Hôm thứ Năm 17/7, chiếc phi cơ dân sự MH17 của hãng hàng không Malaysia khi bay ngang qua vùng trời này đã bị bắn hạ, nhiều khả năng là do tên lửa, khiến toàn bộ 298 người trên khoang tử nạn.

Chính phủ Ukraine và phe phiến quân thân Nga ở nước này đổ lỗi cho nhau về thảm kịch, trong lúc chính phủ đưa ra điều mà họ cho là chứng cứ cho thấy phe phiến quân đã nhận trách nhiệm.

Phi cơ MH17 được cho là bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa tầm trung đất đối không Buk do Nga sản xuất

‘Lô hàng lớn’

Quân đội Phần Lan đang hỗ trợ hải quan điều tra chính xác về chức năng sử dụng của các phụ tùng thiết bị thuộc hệ thống tên lửa, Reuters nói.

Theo Helsingin Sanomat, lô hàng này xuất phát từ Việt Nam, và cơ quan hải quan Phần Lan đang điều tra xem liệu có phải các phụ tùng đã được bảo dưỡng tại Việt Nam hay không, cũng như lý do khiến Phần Lan được chọn làm điểm trung chuyển trong vận đơn.

Tuy nhiên, BBC chưa có điều kiện kiểm chứng với phía Việt Nam về tin này.

Cơ quan hải quan cũng sẽ chú ý tới hãng hàng không đã vận chuyển lô hàng nhằm xác định vai trò của hãng trong toàn bộ vụ việc. Tuy nhiên, tới thời điểm này hãng hàng không chưa bị nghi vấn về việc vi phạm quy định xuất khẩu.

Hải quan Phần Lan nói lô hàng là một trong những lô vũ khí lớn nhất mà họ từng chặn được. Trong nhiều năm qua, họ đã chặn được khoảng mười vụ nghi là thiết bị quân sự, trong đó có một số vụ nhằm gửi tới các nước đang đối diện lệnh cấm vận vũ khí.

Năm ngoái, hải quan nước này tham gia vào một vụ điều tra xuyên biên giới liên quan tới nỗ lực đưa lậu các phụ tùng xe tăng vào Syria đang có chiến sự, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí quốc tế, thông qua ngả Phần Lan.

————————————————————-

10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới

Macau, trung tâm casino của thế giới đã vượt qua Thụy Sỹ để đứng thứ 4 trong danh sách những vùng đất có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Báo cáo được Ngân hàng thế giới (World Bank – WB) công bố vào đầu tháng 7/2014.

Cụ thể, Macau có GDP bình quân đầu người tăng từ 77.196 USD năm 2012 lên 91.376 USD trong năm 2013. Trong khi đó, Thụy Sỹ có GDP bình quân đầu người tăng khá chậm từ 78.929 UDS năm 2012 lên gần 80.825 USD trong năm 2013.

Macau hiện là điểm đến hàng đầu của ngành công nghiệp bài bạc thế giới. Báo cáo cho thấy, năm ngoái ngành casino của vùng đất này đạt 45 tỷ USD lợi nhuận, cao gấp 7 lần doanh thu của các casino tại Las Vegas cùng kỳ. Tuy nhiên, do tác động của World Cup, tháng 6/2014, lợi nhuận từ kinh doanh casino của Macau đã giảm 3,7% so với tháng 6/2013. Đây là lần sụt giảm lợi nhuận duy nhất của Macau trong 5 năm qua, WB cho biết.

10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới:

1. Luxemburg

Luxembourg có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới với 111.162 USD

2. Na Uy

Na Uy xếp thứ hai với 100.819 USD

3. Qatar

Qatar xếp hạng 3 với GDP bình quân đầu người đạt 93.352 USD

4. Macau

Macau, trung tâm của ngành công nghiệp casino thế giới, đứng thứ 4 với GDP bình quân đầu người đạt 91.376 USD

5. Thụy Sỹ

Thụy Sỹ giữ vị trí thứ 5 với 80.528 USD GDP bình quân đầu người

6. Úc

GDP bình quân đầu người của Úc đạt 67.468 USD trong năm 2013, đứng thứ 6

7. Đan Mạch

Đan Mạch chạm mốc 58.930 USD vào năm 2013.

8. Thụy Điển

Thụy Điển giữ vị trí thứ 8 với GDP bình quân đầu người đạt 58.164 USD

9. Singapore

Singapore giữ vị trí thứ 9 với 55.182 USD

10. Mỹ

Đứng thứ 10 với GDP bình quân đầu người đạt 53.143 USD, Mỹ đã loại người hàng xóm Canada ra khỏi top 10 của bảng xếp hạng năm nay

Trần Huỳnh Duy Thức – Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Cơ hội để VN thoát khỏi cái bóng đè của TQ hàng nghìn năm nay (2)

Trần Huỳnh Duy Thức

tranhuynhduythuc.jpg
Xuyên mộc, 20/06/2014Thưa ba thương kính,

Mấy hôm rồi con không mơ thấy má nhưng kỳ lạ là con liên tục gặp những người bạn Mỹ, Nhật trong 3 đêm qua, mà toàn nói chuyện về Biển Đông, Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên con mơ thấy họ. Giấc mơ vẫn là bí ẩn với khoa học. Nhưng những người bạn này lại nói những chuyện rất thực tế. Nhiều giấc mơ khi thức dậy thì con không còn nhớ gì nhưng 3 đêm qua thì con lại nhớ rất rõ như là một cuộc gặp mặt ngoài đời vậy. Về Biển Đông họ có một vài nhận định khác nhau nhưng tất cả đều có cùng dự đoán là sẽ phải trải qua một giai đoạn đen tối nhưng không kéo dài. Giai đoạn này, TQ sẽ thực hiện một chiến lược khống chế VN một cách tinh vi bằng những thủ đoạn ghê gớm, ở bề nổi lẫn phần chìm, ở tất cả các phuơng diện kinh tế; chính trị; ngoại giao; quốc phòng, đe dọa vũ lực và thậm chí là sẵn sàng sử dụng vũ lực khi tìm được một cái cớ. Bằng mọi giá TQ phải đạt được sự thừa nhận, chí ít là một sự làm ngơ thụ động hoặc phản đối chiếu lệ của VN đối với tham vọng của họ. Nhưng nếu họ thất bại với chiến lược này thì toàn bộ kế hoạch của họ sẽ phá sản. Khi ấy hòa bình thế giới sẽ đứng trước nguy cơ vô cùng nghiêm trọng vì chính quyền TQ rất nhiều khả năng phải chủ động khai chiến để tránh né và chuyển hướng áp lực của dư luận trong nước đối với sự phá sản nói trên. Họ buộc phải làm dù biết khả năng giành thắng lợi cuối cùng rất thấp,nhưng nếu không làm thì khả năng tồn tại của họ bị đe dọa ngay lập tức. Những tình huống tương tự như thế đã từng xảy ra ở các nước đã gây nên các cuộc chiến thế kỷ 20. Những người bạn cũng đồng ý với con rằng nếu kịch bản chiến tranh như trên nổ ra thì VN sẽ là nơi nhận hậu quả đầu tiên và thảm khốc nhất, mà có thể hàng trăm năm sau chưa ngóc đầu lên được. Trong 3 người bạn thì có 2 người tin rằng chiến lược khống chế VN của TQ sẽ thất bại nên họ sẽ phải chấm dứt màn kịch “trỗi dậy hòa bình” và “hiện nguyên hình”. Vì vậy mà VN đang giữ một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hòa bình cho thế giới. Nhưng nếu VN chấp nhận “thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông lệ thuộc” thì hòa bình đó sẽ không bền vững vì TQ sẽ có một bàn đạp quan trọng chiến lược từ VN để tiếp tục bành trướng ra toàn khu vực. Chiến tranh cũng sẽ xảy ra không sớm thì muộn. Còn nếu VN không chấp nhận thứ hòa bình, lệ thuộc đó mà lại chưa có được một thế trận quốc phòng toàn cầu thì TQ gần như chắc chắn sẽ “tiên hạ thủ vi cường”. TQ chỉ buộc phải kiềm chế không dám hạ thủ khi mà họ không có chút cơ may thành công nào ngay lập tức sau khi động thủ. Và trong một tình huống như vậy –TQ gặp phải bế tắc trong kế hoạch bành trướng ra ngoài thì họ sẽ gặp phải vấn đề cực lớn từ bên trong. Khi đó sẽ xuất hiện những cơ hội cực lớn để TQ thay đổi dân chủ. Một TQ dân chủ là một đảm bảo bền vững cho nên hòa bình thế giới cũng như chính sự thịnh vượng và văn minh của họ. Người bạn Nhật nói nước Nhật đang đua tốc lực tối đa cho hòa bình, tranh thủ từng giờ một và nhận xét rằng Việt Nam đang còn chậm quá. Trong khi TQ đang nỗ lực hết tốc lực “khống chế VN” để đạt được thứ “hòa bình viễn vông”.

Nếu ba đi đến Bắc Kinh vào năm 2008 thì ba sẽ cảm nhận rõ hơn về những nhận định trên. Thời điểm đó Mỹ và Châu Âu bắt đầu rơi vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng còn TQ thì vẫn tiếp tục tăng trưởng phát triển cao, báo chí TQ hết sức ca ngợi sự sáng suốt và lãnh đạo tài tình của Đảng và nhà nước TQ, đẩy tinh thần tự tôn dân tộc lên cao ngất, bắt đầu xem thường mọi nước khác. Đó cũng là thời điểm họ chuẩn bị để công bố đường lưỡi bò chính thức ra LHQ. Con đọc được rất nhiều các bài báo và những học giả TQ lúc ấy, đại ý rằng: “Đây là thời điểm lịch sử để TQ lấy lại công bằng, đòi lại những gì thuộc về TQ từ nhiều ngàn năm trước nhưng đã bị chà đạp và tước đoạt bởi các thế lực hắc ám…”, và rằng: “Nếu Đảng và Nhà nước không hoàn thành sứ mạng này thì sẽ có tội với nhân dân, với lịch sử, với sự hy sinh xương máu…”. Nói chung là đầy tham vọng, kích động và hận thù. Những ngọn lao như vậy đã được phóng ra thì không thể dừng được mà phải theo tới cùng. Trên mạng có đầy rẫy các bài viết công phu đề ra kế hoạch quân sự cho các lãnh đạo TQ đánh chiếm VN chớp nhoáng, làm bàn đạp tấn công toàn diện, khống chế toàn bộ Biển Đông không cho Mỹ kịp trở tay, v.v… Những bài viết như vậy được tung hô điên loạn bởi cộng đồng mạng. Dù chính phủ TQ cho rằng đó không phải là quan điểm của họ, chỉ thuần túy là sự tự do ngôn luận, nhưng ở một đất nước mà báo chí bị kiểm duyệt nghiêm nhặt như TQ thì chẳng ai tin rằng nó không được ngầm cổ súy bởi chính quyền.

Chính quyền TQ giờ phải liên tục, không ngừng thỏa cơn khát “dân tộc cực đoan” mà chính họ tạo ra cho hàng trăm triệu người. Nếu không làm được thì cơn khát này cũng sẽ nuốt chửng cả họ. Do vậy con không ngạc nhiên gì khi họ hết thiết lập vùng nhận diện không phận phòng không ADIZ trên biển Hoa Đông thì đến HD-981 dù cái giá phải trả là quá lớn so với giá trị nhận được. Tương tự như Nga buộc phải sáp nhập Crimea sau khi đã thất bại ê chề trong việc nuôi dưỡng chính quyền Yanukovich vậy. Dù biết trước cái giá mà nước Nga phải trả là rất đắt như hiện nay: bị cô lập, cấm vận; mất thể diện và kinh tế đứng trước nguy cơ suy sụp nhưng Putin không thể không làm. Cơn khát “Đại Nga” có thể nuốt chửng ông ta trước khi những hậu quả trên xảy ra cho nước Nga. Dù chiến thuật này chỉ giúp Putin đối phó được trong ngắn hạn nhưng nó đã làm Ukraine hiện giờ bị mất Crimea. Vì không dự liệu để có được chiến lược ngăn chặn hiệu quả nên Ukraine đã phải chịu thiệt hại lớn. Con nghĩ đây là một bài học rất quý giá cho VN mình hiện nay. Một vấn đề tương tự nhưng nghiêm trọng hơn hoàn toàn có thể xảy ra cho VN từ phía TQ. Chính quyền TQ khôn ngoan hơn Nga rất nhiều. Sẽ có nhiều chuyện khó lường khác chứ không phải chỉ là Tây Nguyên hay kiểu kế hoạch tấn công chớp nhoáng nói trên. Nếu VN không sẵn sàng một chiến lược ngăn chặn phù hợp thì mình sẽ phải chịu những thiệt hại rất lớn và lâu dài.

Kể cũng tiếc cho TQ. Nếu họ thực tâm muốn trỗi dậy thì chỉ 20-30 năm nữa thôi họ sẽ trở thanh quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, sống hòa bình; dân chủ; thân thiện với mọi nước khác và được tôn trọng còn hơn cả người Mỹ, Nhật… Nhưng họ lại nóng vội, chọn con đường dân tộc và tham vọng. Con có thể khẳng định rằng trong thời đại này những cách sử dụng hận thù làm công cụ đều sẽ dẫn đến thất bại. Một ví dụ nhãn tiền là Morsi ở Ai Cập và hiện giờ là Maliki ở Iraq: Maliki khi thành thủ tướng đã ra sức trả thù những người Hồi giáo Sunni đã theo chế độ Saddam Husen trước đây, đồng thời kích động hận thù của người Hồi giáo Shiite với Hồi giáo Sunni để lấy phiếu bầu của dòng Shiite vốn chiếm đa số ở Iraq. Từ đó ông ta loại trừ hầu hết những người Sunni ra khỏi chính trường và đưa những kẻ bất tài trung thành với mình vào thay thế. Rõ ràng là ông ta nuôi dưỡng chia rẽ sắc tộc, tôn giáo thay vì đoàn kết dân tộc; khoét sâu thù hận thay vì hòa giải, hòa hợp. Hậu quả là giờ đây người Hồi Giáo Sunni đang nổi lên đánh chiếm hơn 1/3 diện tích Iraq và đang đe dọa nghiêm trọng đến chính quyền Maliki. Con xem tin thấy thật đáng nhục nhã, chỉ vài ngàn phiến quân tiến công mà khiến 30 ngàn quân Maliki bỏ của chạy lấy người. Đúng là những kẻ bất tài. Ông Morsi thì vừa mới nhận án tử hình, không biết có thoát khỏi cái chết không. Dùng hận thù thì sẽ giống như chơi dao có ngày đứt tay vậy.

Biết là vậy nhưng với TQ thì thật khó mà dừng lại. Chính quyền TQ đang bị hiệu ứng do chính họ tạo ra là “Bịt tai trộm chuông”. Họ cố gắng bưng bít người dân nước họ nhưng thực ra là bịt chính lỗ tai mình. Nếu không thì họ đã có thể nghe được những lời cảnh báo nghiêm khắc nhưng chân thành dành cho họ. Trong lịch sử thế giới, chưa có một cường quốc, đế quốc nào dám tham vọng độc chiếm, kiểm soát tự do hàng hải cả. Cho dù là nước Anh vào thời kỳ mà “mặt trời không lặn” hay là nước Mỹ siêu cường sau thế chiến II, chưa từng tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển/ tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất như Địa Trung Hải/ kênh đào Suez, Vịnh Caribé/ kênh đào Panama. Vậy mà TQ lại dám bất chấp luật pháp quốc tế để tuyên bố hơn 80% diện tích Biển Đông thuộc về mình. Do đó nhân loại phải tin rằng nếu TQ trỗi dậy thành một đế quốc thì đó sẽ là một đế quốc tham vọng và tàn hại nhất từ trước đến nay. Cho nên nhân loại yêu hòa bình đã và đang cùng nhau, âm thầm lẫn công khai, gián tiếp lẫn trực diện thực hiện nhiều cách thức để ngăn chặn hoặc loại trừ đế quốc đó. Có lẽ không có cách nào để chính quyền TQ nghe lọt tai những điều cảnh báo như vậy, trừ những người TQ còn tỉnh táo và yêu chuộng hòa bình. Do đó khó mà tránh được một giai đoạn đen tối ba à.

Nhưng trong giấc mơ mới hồi rạng sang nay, người bạn Mỹ dùng một châm ngôn tiếng Anh để nói về tình huống của VN là: “Greatest growth occurs during the darkest hours”. Con rất thích và hoàn toàn tin vào câu này. “Sự trưởng thành vĩ đại diễn ra trong những giờ phút đen tối nhất”. VN mình đang đứng trước một bước chuyển mình như vậy. Nhưng chỉ có một ngõ hẹp để dân tộc lách qua an toàn trong khoảnh khắc để đến với con đường thịnh vượng, văn minh, hòa bình cho mình và thế giới. Con tin đất nước mình sẽ đi trên con đường sáng sủa rộng mở đó chứ không phải trên những ngõ ngách đen tối dẫn tới ngõ cụt trong hang u ám. Nhưng ba cũng hãy sẵn sàng tinh thần cho những giờ phút tối tăm khó thể tránh được mà phải vượt qua ba nhá!

Kính ba,
Con Thức

Câu chuyện Di cư vào miền Nam của tôi

dicu1954_2Năm 1954, tôi vừa tốt nghiệp văn bằng Tú tài II qua kỳ thi vào tháng 6 tại Hà nội, thì được tin quân đội quốc gia đã rút khỏi miền quê tôi tại Huyện Xuân Trường Tỉnh Nam Định để ra Hải phòng bằng đường thủy. Và một số bà con ruột thịt của tôi cũng tìm cách kiếm được thuyền bè để mà đi theo đoàn quân tới được thành phố cảng này. Tôi lại có ông anh cả thuộc đơn vị quân đội trú đóng ở Quảng Yên sát với mỏ than Hòn Gai. Nên vào đầu tháng 7, tôi đã tìm cách đi từ Hà nội đến Hải phòng để tìm gặp bà con và đi thăm gia đình ông anh luôn thể.

Trước khi rời Hà nội, tôi phải đến nhà Thầy Nguyễn Ngọc Cư là Phó Trưởng Ban Giám Khảo kỳ thi Tú Tài, để xin Thầy cấp cho một Giấy Chứng Nhận Đã Thi Đậu Tú Tài, để nộp kèm theo hồ sơ ghi danh vào Đại học. Dù đã biết rõ tôi là học trò của Thầy tại trường Chu Văn An, mà đã thi đậu trong kỳ thi vừa qua, Thầy vẫn phải cẩn thận rà lại danh sách các thí sinh trúng tuyển, rồi mới cấp cho tôi một “Giấy Chúng Nhận Tạm Thời” để tùy nghi sử dụng. Thầy nói : Giấy Chứng Nhận Chính Thức phải do Nha Học Chánh thuộc Bộ Giáo Dục cấp phát, chứ Ban Giám Khảo chỉ có thể cấp Giấy Chứng Nhận Tạm Thời mà thôi. Biết tôi có ý định vào miền Nam, Thầy cầu chúc tôi lên đường gặp nhiều may mắn.

Ở vào tuổi 20 lúc đó, tôi nhìn cuộc đời với nhiều lạc quan tin tưởng, nên chẳng hề e ngại trước cuộc phiêu lưu phải rời xa quê hương đất Bắc, để mà đi tới miền Nam xa xôi cả mấy ngàn cây số. Một phần đó là do tính ưa thích đi đây đi đó xông pha mạo hiểm của tuổi trẻ – như cụ Nguyễn Công Trứ nói : “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây – Cho phỉ sức vãy vùng trong bốn bể”. Nhưng phần lớn chính là do động cơ thúc đảy bởi cái chuyện “phải tránh thoát khỏi cái nạn cộng sản độc tài nham hiểm “, mà đang sắp sửa bủa vây, bao trùm xuống khắp miền Bắc.

Tôi phải ở lại thành phố Hải phòng đến hơn một tháng, thì mới tìm được phương tiện chuyên chở vào đến Sài gòn hồi giữa tháng 8. Đó là nhờ một ông chú là cháu của bà nội tôi, tên là chú Nhân. Chú làm việc tại cơ quan hành chánh phụ trách về việc sắp xếp tàu bè đi vào Nam, nên đã xin cấp trên ưu tiên cấp phát giấy tờ di chuyển cho tôi và một bà cô là Cô Nguyệt để leo lên được chiếc tàu khá lớn của quân đội Pháp có tên là Gascogne. Con tàu này chuyên môn chở quân trang quân dụng cho quân đội, nên không có đủ tiện nghi như là tàu chở hành khách thông thường. Nhưng mà lúc đó, lớp người di cư tỵ nạn chúng tôi đâu còn có sự lựa chọn nào khác, miễn là đi thoát khỏi miền Bắc cộng sản là được may mắn lắm rồi. Số lượng hành khách trên tàu lúc đó có đến 7 – 800 người, phần đông là từ các tỉnh xa thuộc đồng bằng sông Hồng mà sớm ra được tới Hải phòng để kịp đi vào Nam trong mấy chuyến đầu tiên được tổ chức cấp tốc sau ngày ký kết Hiệp Định Geneva 20 Tháng Bảy 1954, chia đôi đất nước. Mãi mấy tháng sau, thì mới có loạt các tàu của Mỹ với các tiện nghi thoải mái hơn để chuyên chở số lượng rất đông đảo người di cư từ Bắc vào Nam.

Con tàu chạy trong chừng ba ngày, thì đến Cap Saint Jacques, tức là cảng Vũng Tàu bây giờ, để chuẩn bị vào cửa sông đi đến bến Nhà Rồng của thành phố Sài gòn. Sau khi tàu cập bến ít lâu, thì chúng tôi được xe chuyên chở đưa tới nơi tạm cư là trường Tiểu học Tôn Thọ Tường trên đường Trần Hưng Đạo bây giờ (mà hồi đó vẫn còn mang tên Pháp là Boulevard Galliéni) cũng gần với Chợ Bến Thành.

Lúc đó bên phía đối diện với ngôi trường, thì có một tòa nhà lớn đang được xây cất, mà sau này chính là rạp chiếu phim Đại Nam. Bà con di cư chúng tôi được các công nhân ở đây thật là hào phóng cấp cho một số gỗ ván gỡ ra từ giàn “cốt pha”(coffrage), để dùng làm củi đun cơm, nấu nước. Đó thật là một nghĩa cử đầu tiên của người dân Sài gòn đối với lớp người mới chân ướt chân ráo từ ngòai Bắc vào miền Nam – chuyện này khiến cho tôi cứ nhớ hoài.

Chúng tôi được mấy bà con đến được Sài gòn vài ba tuần lễ trước, nên họ tìm đến để chỉ dẫn đường đi nước bước tại cái thành phố rộng mênh mông này. Riêng tôi thì gặp lại một số bạn bè cũng từ Hà nội hay từ Nam Định mà đến đây trước như Võ Thế Hào, Trần Ngọc Vân, Nguyễn Phi Hùng . Các bạn cũng giúp tôi việc này chuyện nọ trong bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ.

I – Những kỷ niệm khó quên của Sinh viên Di cư.

Sau vài bữa, thì tôi làm xong thủ tục ghi danh ở Đại học Saigon và được nhận vào ở trong Trường Gia Long là nơi được dành riêng cho các sinh viên di cư. Tại đây, sinh viên chúng tôi được cư ngụ trong khu ký túc xá, nên có đày đủ tiện nghi về nơi ăn chốn ở, nhà vệ sinh, phòng tắm giặt thật là đàng hoàng tươm tất. Ban tiếp cư còn lo cho chúng tôi mỗi ngày ba bữa ăn đày đủ. Và mỗi tháng chúng tôi còn được cấp phát cho một số tiền nho nhỏ để chi tiêu lặt vặt.

Cũng tại nơi tạm cư này, có lần chúng tôi lại được tiếp đón cả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cùng phái đoàn chánh phủ đến thăm nom và úy lạo sinh viên nữa. Nói chung, thì sự chăm sóc của nhà nước đối với lớp người di cư đầu tiên trong mấy tháng cuối năm 1954 rõ ràng là đã được tổ chức hết sức chu đáo, gọn gàng. Đặc biệt là mấy trăm sinh viên từ Hanoi như tôi đã được hưởng một chế độ ưu đãi quá tốt đẹp, vượt xa ngoài sự mong ước của nhiều người trong hàng ngũ chúng tôi.

Nhưng rồi đến lúc các học sinh tựu trường, thì sinh viên chúng tôi phải di rời ra cư ngụ tại khu lều vải được dựng lên trên nền đất của Khám lớn Sài gòn cũ sát bên Tòa Án, để trả lại trường ốc cho nữ sinh Gia Long. Vào cuối năm, trời Saigon nắng nực nên vào ban trưa nhiều anh em chúng tôi phải tìm cách chạy đến các công sở lân cận, nơi có nhiều bóng cây che rợp cho bớt nóng. Và chúng tôi đã ăn cả hai cái Tết Tây và Tết Ta đầu năm 1955, tại khu lều vải tạm trú này.

II – Vài chuyện ngộ nghĩnh tại Khu Lều Khám Lớn.

Xin vắn tắt ghi lại vài chuyện vui vui ngộ nghĩnh trong dịp vui xuân năm Ất Mùi 1955 tại Khu Lều Khám Lớn như sau đây.

1 – Một nhà báo người Pháp của tờ “Le Parisien libéré” đến chụp hình và phỏng vấn sinh viên chúng tôi. Anh chụp ảnh lia lịa về cái cảnh anh Lưu Trung Khảo viết mấy câu đối Tết bằng chữ Hán. Từ đó mà sinh viên chúng tôi tặng cho anh Khảo cái biệt danh “Ông Đồ Khảo”.

Hồi đó sinh viên chúng tôi đều nói rành tiếng Pháp, nên đã trả lời các câu hỏi của anh nhà báo này một cách suôn sẻ thỏai mái. Tôi còn nhớ đã nói với anh ấy rằng : “Chúng tôi vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của sự tàn bạo của người cộng sản độc tài. Do đó mà phải bỏ lại quê hương ở miền Bắc để đi tìm được tự do tại miền Nam này. Cụ thể là riêng trong gia đình tôi, thì đã có hai người bị cộng sản sát hại. Đó là vào năm 1947 công an cộng sản đã giết ông cậu là em của mẹ tôi tên là Tống Văn Dung và đem quăng xác ông xuống con sông Trì Chính ở Phát Diệm .Và họ còn đến tận nhà bắt cả cha tôi là Đoàn Đức Hải từ năm 1948 mang đi biệt tích luôn…”

2 – Cũng vào dịp Tết Ất Mùi này, Đoàn Sinh viên Di cư chúng tôi còn thực hiện được một tờ Đặc san lấy tên là “Lửa Việt’ với chủ đề là “Xuân Chuyển Hướng” với các cây bút sau này rất nổi danh, đó là Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sĩ Tế, Dõan Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền v.v…

3 – Và riêng tại căn lều gồm 8 người của tôi, thì để mừng xuân anh bạn Bùi Đình Nam đã ra tay làm đầu bếp chiên cho chúng tôi một món bí tết thật đặc sắc. Chúng tôi lại còn được uống cả một chai rượu chát hiệu Beaujolais của Pháp nữa. Miếng ngon này làm cho bọn trẻ chúng tôi lúc đó mới ở vào cái tuổi đôi mươi, thì không bao giờ mà chúng tôi lại quên được.

Thật là những kỷ niệm khó quên của cái thời bọn thanh niên trai trẻ chúng tôi mới đến sinh sống nơi miền đất xa lạ Sài gòn này. Cuối cùng, thì vào khoảng sau Tết Âm lịch không lâu, chúng tôi được dọn đến khu Đại học xá Minh Mạng vừa mới xây cất xong. Sinh viên di cư chúng tôi là những người đầu tiên đến cư ngụ tại khu cư xá này với đày đủ tiện nghi phòng ốc, giường tủ, điện nước …Và cứ như vậy cuộc sống của chúng tôi lần hồi đi vào mức ổn định và hòa nhập được với nền nếp của cả thành phố thủ đô của miền Nam tự do, phồn thịnh và thanh bình.

III – Chuyện về các anh chị em trong gia đình của tôi.

Còn về phần riêng gia đình các anh chị em ruột thịt của tôi, thì kẻ trước người sau chúng tôi đều quy tụ lại được với nhau trên mảnh đất miền Nam an lành, và nâng đỡ bảo bọc nhau xây dựng lại cuộc sống mới. Lúc đó các anh chị lớn đều ra sức hợp với nhau mà chăm lo chu đáo cho mấy em còn nhỏ dại cỡ tuổi 10 – 16, vì cha mẹ chúng tôi đều đã khuất bóng từ trước rồi.

Và rồi đến lượt các cháu thuộc thế hệ thứ hai trong đại gia đình chúng tôi , thì các cháu đều đã thành đạt tại miền Nam này. Vì thế, khi các cháu khôn lớn, thì đều bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ vì đã hy sinh hết mình, để mà đem được các cháu vào miền Nam – và nhờ đó mà các cháu có được những cơ hội tốt đẹp để học tập và gặt hái được nhiều thành công trên đời. Điều này càng rõ rệt, vì sau năm 1975 chúng tôi được gặp lại bà con từ quê hương ngoài Bắc vào thăm, thì họ đều xác nhận là họ bị cán bộ cộng sản đàn áp, bóc lột, chèn ép kỳ thị tàn bạo đến độ túng đói khốn khổ điêu đứng vô cùng!

* * Năm 2014 này, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Đặt Chân đến miền Nam Tự Do (1954 – 2014), tôi xin ghi lại một số kỷ niệm riêng tư của mình như là một chứng từ của một thanh niên là một thành viên của khối gần một triệu người di cư tỵ nạn cộng sản, mà đã phải bỏ lại tất cả tài sản nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả cha ông trên đất Bắc để đi xây dựng cuộc sống mới tại miền đất tự do, no ấm và an hòa ở phía Nam của tổ quốc Việt nam.

Và nhân dịp này, với tư cách là một người thụ ơn, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân các quốc gia đã góp phần yểm trợ cho công cuộc di chuyển và định cư vĩ đại của cả triệu đồng bào chúng tôi trong những ngày tháng đen tối đó. Và tôi cũng không quên công lao của các nhân viên Chánh phủ, của Quân đội miền Nam Việt nam, và của biết bao nhiêu cơ quan thiện nguyện khác mà đã lo lắng chăm sóc thật là chu đáo tận tình cho lớp người di cư chúng tôi vào thuở đó. Dù chỉ là một cá nhân nhỏ bé, lời nói của tôi lại hết sức trung thực, như là một biểu hiện của sự cảm thông sâu sắc và quý mến chân thành đối với tất cả các vị ân nhân đáng kính của cả một thế hệ người di cư từ miền Bắc Việt nam năm 1954 vậy.

Nhân tiện, tôi cũng thấy cần phải ghi lại nơi đây tấm lòng quảng đại nhân ái của nhân dân miền Nam – đã mở rộng vòng tay đón nhận và bao bọc che chở cho bà con ruột thịt là nạn nhân khốn khổ bất hạnh của nạn độc tài cộng sản, nên đã phải bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn ở ngòai Bắc để tìm tự do tại miền Nam. Ân nghĩa đó thật là cao cả rộng lớn như Trời Biển và đã góp phần củng cố thêm cho Sức mạnh tổng hợp của tòan thể Dân tộc chúng ta nữa.

Thành phố Costa Mesa California, tháng Bảy năm 2014

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Kỷ niệm 60 năm hiệp định Genève (20-7-1954) – Việc thi hành hiệp định Genève

eca86ba05494149e2cd538Nhân kỷ niệm 60 năm hiệp định Genève (20-7-1954), chúng ta thử nhìn lại Cộng Sản Việt Nam (CSVN) dựa vào lý do nào để khởi binh tấn công Nam Việt Nam (NVN)?

Hiệp định Genève

Danh xưng chính thức đầy đủ của hiệp định Genève về Việt Nam là Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Hiệp định nầy được viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt, có giá trị như nhau. Hai nhân vật chính ký vào hiệp định Genève là Henri Delteil, thiếu tướng, thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Bộ Quốc phòng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH tức Việt Minh cộng sản). Đại diện các nước khác cùng ký vào hiệp định Genève còn có Anh, Liên Xô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng), Lào Cambodia. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam (QGVN) và Hoa Kỳ không ký vào bản hiệp định nầy.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (gọi tắt là hiệp định Genève)gồm có 6 chương, 47 điều, trong đó các điều chính như sau:

Việt Nam được chia thành hai vùng tập trung, ranh giới tạm thời từ cửa sông Bến Hải, theo dòng sông, đến làng Bồ-Hô-Su và biên giới Lào Việt. [Cửa sông Bến Hải tức Cửa Tùng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 nên người ta nói nước Việt Nam được chia hai ở vĩ tuyến 17.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc và Quốc Gia Việt Nam ở phía nam Viêt Nam. Dọc hai bên bờ sông, thành lập một khu phi quân sự rộng 5 cây số mỗi bên, để làm “khu đệm”, có hiệu lực từ ngày 14-8-1954. Thời hạn tối đa để hai bên rút quân là 300 ngày kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Cuộc ngưng bắn bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 27-7 ở Bắc Việt, 1-8 ở Trung Việt và 11-8 ở Nam Việt. Mỗi bên sẽ phụ trách tập họp quân đội của mình và tự tổ chức nền hành chánh riêng. Cấm phá hủy trước khi rút lui. Không được trả thù hay ngược đãi những người đã hợp tác với phía đối phương. Trong thời gian 300 ngày, dân chúng được tự do di cư từ khu nầy sang khu thuộc phía bên kia. Cấm đem thêm quân đội, vũ khí hoặc lập thêm căn cứ quân sự mới. Tù binh và thường dân bị giữ, được phóng thích trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi thực sự ngừng bắn. Sự giám sát và kiểm soát thi hành hiệp định sẽ giao cho một Uỷ ban Quốc tế. Thời hạn rút quân riêng cho từng khu vực kể từ ngày ngừng bắn: Hà Nội (80 ngày), Hải Dương (100 ngày), Hải Phòng (300 ngày), miền Nam Trung Việt (80 ngày), Đồng Tháp Mười (100 ngày), Cà Mau (200 ngày). Đợt chót ở khu tập kết Trung Việt (300 ngày).

Ai vi phạm hiệp định Genève

Hiệp định này ký kết ngày 20-7-1954 chỉ là một hiệp định có tính cách thuần tuý quân sự. Cũng giống như hiệp ước đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 27-7-1953 ở Triều Tiên, hiệp định không phải là một hòa ước, và không đưa ra một giải pháp chính trị nào cho tương lai Việt Nam.

Chính phủ QGVN dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm lo tập trung và rút toàn bộ lực lượng của mình về miền Nam vĩ tuyền 17 đúng thời hạn và đúng theo quy định của hiệp định. Điều nầy chẳng những báo chí lúc bấy giờ đã trình bày, mà cho đến nay, chẳng có tài liệu sách vở nào cho thấy là chính phủ QGVN đã gài người hay lưu quân ở lại đất Bắc. Như thế, trong việc thi hành hiệp định Genève, chính phủ QGVN đã thi hành đúng đắn hiệp định.

Trái lại, nhà nước VNDCCH do Việt Minh cộng sản cầm đầu đã không tuân hành quy định trong hiệp định Genève. Sau đây là hai bằng chứng cụ thể do phía cộng sản đưa ra về sau:

Thứ nhứt, tại hội nghị Liễu Châu (Liuzhou) thuộc tỉnh Quảng Tây (Kwangsi), giữa thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai và chủ tịch nhà nước VNDCCH Hồ Chí Minh từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, tức trước khi hiệp định Genève được ký kết, Hồ Chí Minh đã đưa ra kế hoạch là sẽ chỉ rút những người làm công tác chính trị bị lộ diện; phần còn lại thì ở lại để chờ đợi thời cơ nổi dậy. Số ở lại có thể đến 10,000 người. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị (Chu Ân Lai và hội nghị Genève) Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, tựa đề là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 27 “Hội nghị Liễu Châu then chốt”. Nguồn: Internet).

Thứ hai, Việt Minh cộng sản chẳng những chôn giấu võ khí, lưu 10,000 cán bộ, đảng viên ở lại Nam Việt Nam, mà còn gài những cán bộ lãnh đạo cao cấp ở lại miền Nam như Lê Duẫn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm… (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, New York: Osinbook, 2012, tt. 271-273), để chỉ huy Trung ương cục miền Nam (TƯCMN). Trung ương cục miền Nam được thành lập ngày 20-1-1951, chỉ huy toàn bộ hệ thống cộng sản ở Nam Việt Nam (Tháng 10-1954, TƯCMN đổi thành Xứ ủy Nam Bộ. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành TƯĐ (khóa III) đảng LĐ (ngày 23-1-1961) ở Hà Nội, Xứ ủy Nam Bộ trở lại thành TƯCMN.)

Hai tài liệu trên đây do phía cộng sản Việt Nam tiết lộ, chứ không phải tài liệu tuyên truyền của NVN hay Tây Phương. Như vậy, rõ ràng trong khi chính phủ QGVN tôn trọng hiệp định Genève, nhà nước VNDCCH đã có kế hoạch vi phạm hiệp định đã ký kết.

Cộng sản đòi hỏi điều không có

Hiệp định Genève chỉ là một hiệp định đình chiến, thuần túy quân sự và không đưa ra một giải pháp chính trị. Thế mà ngày 19-7-1955, thủ tướng BVN là Phạm Văn Đồng gởi thư cho thủ tướng Nam Việt Nam (NVN) là Ngô Đình Diệm yêu cầu mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955, như đã quy định trong hiệp định Genève để bàn về việc tổng tuyển cử nhằm thống nhất đất nước. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: The Maillard Press, 1989, tr. 17.) Ngày 10-8-1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm bác bỏ đề nghị của Phạm Văn Đồng, vì cho 1955 rằng chính phủ QGVN tức NVM không ký các văn kiện Genève nên không bị ràng buộc phải thi hành.

Tuy sau đó chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), thay chính phủ QGVN, nhiều lần từ chối, Phạm Văn Đồng vẫn nhắc lại đề nghị nầy hằng năm vào các ngày 11-5-1956, 18-7-1957, và 7-3-1958, để chứng tỏ BVN quan tâm đến chuyện thống nhứt đất nước, và nhằm tuyên truyền với các nước trên thế giới. Lần cuối, Ngô Đình Diệm, lúc đó là tổng thống VNCH, bác bỏ đề nghị của Phạm Văn Đồng vào ngày 26-4-1958.

Một điều lạ lùng là trong hiệp định Genève, không có một điều khoản nào nói đến việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước mà nhà cầm quyền CS cứ nhất định đòi hỏi tổ chức tổng tuyển cử theo hiệp định Genève. Thật ra, sau khi hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ở Lào và ở Cambodia được ký kết, các phái đoàn tham dự hội nghị Genève họp tiếp vào ngày 21-7-1954, nhằm bàn thảo bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”. Bản tuyên bố gồm 13 điều; quan trọng nhất là điều 7, ghi rằng: Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó (Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Sài Gòn: Trình Bày, 1973, tr. 53. Xem bản Pháp văn của tuyên ngôn nầy, vào: google.com.fr., chữ khóa: Déclaration finale de la Conférence de Genève en 1954.)

Chủ tịch phiên họp là Anthony Eden (ngoại trưởng Anh) hỏi từng phái đoàn, thì bảy phái đoàn là Anh, Pháp, Liên Xô, CHNDTH, VNDCCH, Lào và Cambodge trả lời miệng rằng “đồng ý”. (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, cuốn 5, Paris: Nxb. Nam Á 2002, tr. 2642.) Tất cả bảy phái đoàn đều trả lời miệng chứ không có phái đoàn nào ký tên vào bản tuyên bố, nghĩa là bản tuyên bố không có chữ ký. Đây chỉ là lời tuyên bố (déclaration) của những phái đoàn, có tính cách dự kiến một cuộc tổng tuyển cử trong tương lai ở Việt Nam, không có chữ ký, thì chỉ có tính cách gợi ý, hướng dẫn chứ không có tính cách cưỡng hành. Một văn kiện quốc tế không có chữ ký thì làm sao có thể bắt buộc phải thi hành? Hơn nữa, những hiệp định với đầy đủ chữ ký mà còn bị CSVN vi phạm trắng trợn, huống gì là bản tuyên bố không chữ ký.

Phái đoàn QGVN và phái đoàn Hoa Kỳ không ký vào hiệp định Genève ngày 20-7-1954 và cũng không đồng ý bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21-7-1954. Hai phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố riêng của mỗi phái đoàn để minh định lập trường của chính phủ mình.

Cộng sản bịa đặt lý do để tấn công QGVN

Cộng sản BVN vi phạm hiệp định Genève, nhưng lại bịa đặt ra hai lý do để tấn công NVN: 1) Nam Việt Nam không tôn trọng hiệp định về việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. 2) Nam Việt Nam là tay sai đế quốc Mỹ nên BVN quyết định chống Mỹ cứu nước.

Về lý do thứ nhứt, như trên đã viết, hiệp định Genève không đề cập đến giải pháp chính trị tương lai cho Việt Giải pháp tổng tuyển cử nằm trong điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”. Bản tuyên bố nầy lại không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nào, nên chỉ có tính cách khuyến cáo chứ không có tính cách bắt buộc phải thi hành.

Lý do thứ hai hoàn toàn có tính cách tưởng tượng vì sau năm 1954, Hoa Kỳ viện trợ kinh tế cho Nam Việt Nam tái thiết đất nước, ổn định cuộc sống của dân chúng sau chiến tranh, chứ Hoa Kỳ không viện trợ quân sự, chưa đem quân vào Việt Nam.

Nếu để cho VNCH yên bình xây dựng kinh tế với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, thì đến một lúc nào đó chắc chắn VNCH với nền kinh tế tự do sẽ phát triển và vượt xa VNDCCH với nền kinh tế chỉ huy theo đường lối cộng sản. Đó chính là điều mà VNDCCH thực sự lo lắng. Sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho NVN chẳng những khiến BVN rất quan ngại, mà sự hiện diện của người Hoa Kỳ tại NVN còn khiến cho cả Trung Cộng chẳng yên tâm.

Lúc đó, Hoa Kỳ đang giúp Trung Hoa Dân Quốc bảo vệ Đài Loan chống Trung Cộng. Hoa Kỳ còn giúp bảo vệ Nam Triều Tiên và Nhật Bản, nên Trung Cộng mạnh mẽ chống đối Hoa Kỳ chẳng những tại Đông Á, mà còn chống Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới, hơn cả Liên Xô chống Hoa Kỳ. Nay người Hoa Kỳ lại có mặt ở NVN, gần sát với Trung Cộng, nên Trung Cộng rất quan ngại cho an ninh phía nam của chính Trung Cộng.

Hơn nữa, cho đến năm 1960 là năm BVN khởi động chiến tranh tấn công NVN, Hoa Kỳ chỉ viện trợ kinh tế cho NVN chứ Hoa Kỳ không đem quân vào NVN. Chỉ sau khi BVN tấn công và uy hiếp mạnh mẽ NVN, Hoa Kỳ mới đem quân vào giúp NVN năm 1965. Vì vậy, chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” năm 1960 là hoàn toàn bịa đặt. Như thế, BVN cố tình đưa ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” vừa để kêu gọi lòng yêu nước của người Việt Nam vốn có tinh thần chống ngoại xâm, vừa để xin viện trợ cộng sản quốc tế và thi hành nghĩa vụ quốc tế, như Lê Duẫn đã từng nói “Ta đánh Mỹ là đánh cho cả Trung Quốc, cho Liên Xô” (Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991-2000, trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 24-1-2013.)

Kết luận

Hiệp định Genève là hiệp định đình chỉ quân sự. Chính thể QGVN hay VNCH tức NVN đã thi hành đúng hiệp định. Trong khi VNDCCH liên tục vi phạm hiệp định nầy. Do tham vọng quyền lực, do chủ trương bành trướng chủ nghĩa cộng sản và do làm tay sai cho Liên Xô và Trung Cộng, VNDCCH mở cuộc chiến từ năm 1960, tấn công Việt Nam Cộng Hoà dưới chiêu bài thống nhất đất nước và chống Mỹ cứu nước. Nhân kỷ niệm 60 năm hiệp định Genéve xin ôn lại điều nầy để giới trẻ trong và ngoài nước thấy rõ nguyên nhân của cuộc chiến 1960-1975, làm cho đất nước điêu tàn và khoảng 3 triệu người Việt tử vong, xuất phát từ VNDCCH hay BVN do đảng Lao Động hay đảng Cộng Sản Việt Nam điều khiển.

Điều nầy càng làm sáng tỏ chính nghĩa của VNCH, cương quyết chống lại CSBVN, bảo vệ nền tự do dân chủ ở NVN, chống lại sự xâm lăng của cộng sản và sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Dầu thất bại, chính nghĩa tự do dân chủ của VNCH vẫn luôn luôn sáng ngời và luôn luôn là mục tiêu tối hậu mà nhân dân Việt Nam hiện đang cố gắng vươn tới.

© Trần Gia Phụng

————————————-

Đảng ký các hiệp định dưới mắt triết gia

untitledNhân 60 năm Hiệp định Geneve được ký kết, Biên tập viên ĐCV chép lại một đoạn trong cuốn “Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối” để bạn đọc thấy được một phần quan điểm của triết gia Trần Đức Thảo về viêc Đảng Cộng sản Việt Nam ký hiệp định Genève và sau này là hiệp định Paris.

Nhân vật “tôi” là Trần Đức Thảo và “họ” là những cán bộ cao cấp của Đảng.

“Sau khi ký kết Hiệp định Genève hay Paris, họ hỏi tôi nghĩ sao về việc ký kết ấy? Tôi hỏi lại họ: Ký như vậy là có thật sự mong muốn hòa bình hay không? Hay chỉ để câu thời gian, để tổ chức chuẩn bị chiến tranh cho ác liệt hơn. Ký như vậy là đã đạt được mục đích cuối cùng của cách mạng hay chưa? Liên Xô Trung Quốc có thật sự muốn ta ký kết để chấm dứt chiến tranh cách mạng hay không mà sao cứ tuồn vũ khí cho ta?”

“Tôi thường xuyên nhắc nhở Đảng không nên dối trá trong việc ký kết. Ký kết dối trá về lâu về dài dân sẽ hiểu ra rằng dối trá là chính sách cai trị của Đảng, thì rồi sẽ sinh ra loạn trong xã hội. Từ đó sinh ra tâm thức muốn sống thì phải thường xuyên gian trá. Thế là sẽ loạn, loạn từ nếp suy nghĩ trong đầu, từ thói quen gian trá trong hành động ở mỗi người rồi lan ra toàn xã hội. Những ký kết, những chính sách, những công trình có cái gốc dối trá như thế sẽ là mần mống gieo hậu họa. Sự thực khi Đảng mở lại chiến tranh, là đã cơ bản chủ động xé hai hiệp định hòa bình đã ký. Tôi cảnh báo hậu qủa tai hại khi Đảng muốn tiếp tục chiến tranh trong những hoàn cảnh nước ta chưa đủ sức, nhưng không ai lắng nghe.

Tuyên truyền thì đổ mọi tội lỗi cho phe địch. Trong khi Đảng dùng thủ đoạn gian lận mai phục, khai triển lực lượng ở lại miền Nam, để rồi xé bỏ hiệp định. Thế nên chính sách dùng thủ đoạn, dùng dối trá đã thành nếp ăn sâu vào việc quản lý và điều hành xã hội.”

(Trang 146, 147 Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối; Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ 2014)

Biên tập viên ĐCV
© Đàn Chim Việt