Đọc cuối tuần – Gái miền Tây lưu lạc xứ người

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
@RFA
Ảnh chỉ mang tính minh họa chụp tại Sài Gòn năm 2011.
Ảnh chỉ mang tính minh họa chụp tại Sài Gòn năm 2011.

Nỗi buồn cho gái miền Tây

Những cô gái miền tây trôi dạt từ Lục Tỉnh lên Sài Gòn rồi lại theo thời gian, theo tuổi đời, trôi dạt ra Trung, ra Bắc với thân phận của gái giang hồ rày đây mai đó, đời không biết sẽ trôi về đâu. Cũng có nhiều cô sinh con đẻ cái trên đường lưu lạc, cũng có cô sống mãi độc thân với nghề gái gọi, cave, cho đến lúc tuổi già bóng xế, không còn đủ nhan sắc để nương náu qua ngày, lại phải đi ăn xin qua ngày đoạn tháng nơi xứ người. Thiên hình vạn trạng nỗi buồn cho gái miền Tây.

Hiền, tên tục là Bé Hiền, năm nay 27 tuổi, theo giới nhà nghề chân dài miền Tây thì tuổi này đã bắt đầu ngấp nghé bước vào tuổi xế chiều của nghề buôn hương bán phấn, chia sẻ:“Mùa này hết mùa rồi, đi làm này làm khác sống chứ đâu có làm cái nghề đó nữa. Thu nhập bèo quá, ở nhà nhiều hơn đi làm, thì cứ làm chực này kia để sống chứ có làm gì đó đâu…”

Theo Hiền nói thì cô quê ở Bến Tre, tuy mới 27 tuổi đời nhưng đã có mười hai năm làm nghề buôn hương bán phấn ở khắp ba miền đất nước. Năm cô mười lăm tuổi, bị cha dượng chiếm mất phần trong trắng của cuộc đời và đánh đập, xua đuổi ra đường. Buồn bã lên Giồng Trôm, cô gặp một đàn chị mười sáu tuổi, đã có hai năm thâm niên bán dâm, đàn chị này nhận Hiền làm em kết nghĩa và chỉ dạy cho cách tồn tại cũng như các chiêu thức mời khách của một cô gái bán dâm thứ thiệt

Hiền theo đàn chị này vào bưng cà phê ở một quán phố huyện với mức lương 300 ngàn đồng mỗi tháng, nhờ vào việc bưng cà phê và dựa vào chỗ trọ dành cho nhân viên phục vụ quán, Hiền và đàn chị đã tìm được khá nhiều khách để hẹn hò và hành lạc theo kiểu ăn bánh trả tiền. Nhưng chẳng bao lâu, các nhóm bảo kê bắt đầu chú ý hai cô gái này và đòi trả tiền bảo kê. Hai cô lại tiếp tục lên thành phố Sài Gòn để phục vụ trong một tiệm massage ở quận Gò Vấp.

Và khi lên đến Sài Gòn, cuộc đời của Hiền giống như con cá được ra đến biển lớn, có muôn vàn thứ hấp dẫn để Hiền mãi mê bán dâm kiếm tiền mua sắm, khách làng chơi ở Sài Gòn cũng chơi sộp hơn so với khách ở Bến Tre. Các cô gái ở đây phải cạnh tranh, phải có tôn chỉ và đóng thuế cho các má mì, bảo kê. Nhưng bù vào đó, khoản tiền kiếm được đủ để khám phá mọi thứ, kể cả việc hút chích tốn kém và đắt đỏ.

Và cũng ở Sài Gòn, Hiền biết được thế nào là luật chơi cũng như cách phân loại khách làng chơi. Đương nhiên là trong năm loại khách làng chơi, từ hạng long, hạng nhẹ, hạng trung, hạng nặng đều đã qua tay Hiền, nghĩa là từ hạng thanh niên loi choi cho đến quan chức cấp tỉnh đều đã từng qua đêm với Hiền.

Nhưng ở những hạng siêu nặng và ngoại hạng, nghĩa là quan chức cấp bộ và cỡ trên bộ thì Hiền không dám mơ sẽ được phục vụ vì ngoài yếu tố nhan sắc, còn phải đòi hỏi sự ngây thơ, trong trắng và có lý lịch tương đối đỏ. Những thứ này Hiền không có được nên cơ hội đổi đời của một cô gái làm tiền như Hiền là hoàn toàn không có giữa đất Sài Gòn. Nhưng dẫu sao, cô vẫn tự hào với nguyên tắc không bao giờ phục vụ Tàu khựa của mình cho dù phải lưu lạc về tận miền Trung khỉ ho cò gáy như hiện tại.

Quyết không bán dâm cho TQ

Một cô gái miền Tây khác, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Nếu mà có chút trình độ hoặc chút khôn khéo thì khi còn chút nhan sắc thì vớ lấy anh nào đấy rồi về vườn, bỏ nghề chứ nếu không thì cứ theo nghiệp này luôn thì cũng sẽ có những hoàn cảnh nào đó, như họ nuôi con, hoặc hoàn cảnh họ đặt vào như vậy hoặc họ bị lừa, làm má mì, cáo già thì làm má mì, hoặc người họ kiếm ít vốn rồi họ về quê họ lấy chồng, lập nghiệp hoặc họ nuôi con… Cái nghề đó mà nếu nhiễm bệnh thì do họ thiếu kiến thức, cũng như cái xui rủi, tai nạn nghề nghiệp.

Tại ở Việt Nam chưa có công nhận mại dâm nên người ta nhìn họ với góc độ là làm công việc bẩn thỉu, không có tốt nhưng đó là quy luật cung cầu, nó phải có. Thì họ làm cái nghề đó có gì đâu mà xấu, vì có người mua mới có người bán. Tại vì hiện tại so với hệ thống pháp luật, chiếu theo đó thì họ làm công việc phạm pháp, không có được bảo vệ về sức khỏe, danh dự và nhiều thứ khác. Em mong rằng đến một lúc nào đó nước mình nhìn nhận vấn đề này là một sự thật và nếu không ngăn chặn được thì phải quản lý nó.”

Theo cô gái này cho biết, thời gian gần đây, giống như một thông điệp ngầm nhằm chống bành trướng Trung Quốc, tất cả các cô gái làng chơi đều quyết tâm không phục vụ khách Trung Quốc cho dù giá thành có đắt cỡ nào. Và bất kì cô gái nào chấp nhận phục vụ cho khách Trung Quốc, mà theo cách gọi của giới giang hồ là bọn Tàu khựa thì xem như kẻ phản động và trong chốc lát sẽ bị tống khứ ra khỏi làng chơi và có thể bị rút thẻ đỏ vĩnh viễn ở các làng chơi Sài Gòn.

Nhưng đáng tiếc là vẫn không thiếu những cô gái làng chơi thuộc nhóm sắp hết hạng vẫn lén lút bắt khách Trung Quốc rồi tìm ra những nhà trọ vùng ngoại ô hoặc các bụi rậm ở gần cư xá Thanh Đa hoặc làng đại học Thủ Đức để hành lạc. Và hành vi này nằm ngoài khả năng quản lý của giới giang hồ yêu nước.

Nhưng nói đi thì như vậy, nếu đặt ngược vấn đề để thẩm định giá trị giữa một cô gái giang hồ chấp nhận bán thân cho Tàu khựa vì chén cơm manh áo lúc tuổi đã mãn hạn nhan sắc với một quan chức với đầy đủ quyền lực và tiền bạc trên tay vẫn chấp nhận làm thân trâu ngựa cho kẻ ngoại bang Trung Quốc để thêm phần vinh thân phì gia… Thì cô gái giang hồ vẫn còn một chút giá trị để so sánh và vẫn có nhiều thứ để thông cảm, thấy đáng thương hơn kẻ làm quan theo kiểu Lê Chiêu Thống kia.

Và, đó cũng là nỗi niềm, là dấu hiệu của sự tàn tạ đang đến gần ở những cô gái miền Tây trôi dạt xứ người, có cô về Sài Gòn, có cô ra Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, thậm chí có cô trôi dạt sang tận Trung Quốc với thân phận nô lệ tình dục và đường về nhà quá ư xa lắc xa lơ. Ngày về dường như không tìm thấy. Tất cả họ là nỗi đau của một bộ phận người bị đẩy xuống tầng lớp đáy của xã hội bởi nghèo khổ và không được ăn học đến nơi đến chốn.

Trong câu chuyện về các cô gái miền Tây trôi dạt, ở bài tường trình này, chúng tôi chưa nhắc đến một số cô bị mắc phải HIV/AISD và những cô bị mắc bệnh nan y, họ gặp những thảm cảnh lúc tuổi xuân đã tàn có thể nói là quá thê thảm và không còn gì đau khổ hơn. Nhưng, nhìn chung, hình như cuộc đời các cô gái miền Tây trôi dạt đều có một mẫu số chung là nghèo khổ, không có học vấn và ước mơ thoát thân để cứu gia đình.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

 

Biển Đông: Giàn khoan Trung Quốc và đấu tranh chính trị nội bộ ở Hà Nội

Trọng Nghĩa
Sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan vào hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đã lên tiếng dọa kiện Bắc Kinh ra trước tòa án quốc tế nhưng vẫn chưa hành động. Trong bài phân tích công bố ngày 16/07/2014, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc giải thích thái độ rụt rè của Việt Nam bằng giả thuyết: Sự cản trở của phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam được ông mệnh danh là «accommodationist».

Bài viết « Biển Đông: Giàn khoan Trung Quốc và đấu tranh chính trị nội bộ tại Hà Nội – South China Sea: China’s Oil Rig and Political In-fighting in Hanoi » bao gồm một số câu trả lời phỏng vấn báo chí. Được sự đồng ý của Giáo sư Thayer, RFI xin giới thiệu nguyên văn phần hỏi-đáp.

HỎI: Đấu đá nội bộ giữa hai phe thân Trung Quốc và thân Mỹ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngăn cản không cho Việt Nam có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc ngay cả trước vụ giàn khoan HD-981. Giáo sư có thể xác nhận điều này hay không, và dựa trên yếu tố nào để chứng minh?

ĐÁP: Việt Nam đã cân nhắc hành động pháp lý chống lại Trung Quốc từ sáu năm nay, theo các nguồn tin từ Hà Nội. Khi xẩy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981, Việt Nam đã xem xét hai phương pháp tiếp cận riêng biệt, một liên quan đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và một liên quan đến quần đảo Trường Sa.

Sự kiện Việt Nam vẫn chưa khởi động vụ kiện chống Trung Quốc, và cũng không hỗ trợ vụ kiện của Philippines, là bằng chứng cho thấy phương án pháp lý không đảm bảo được một đa số trong Bộ Chính trị.

Điều cũng đáng ghi nhận là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã công khai tuyên bố mạnh mẽ về các hành động pháp lý. Theo ông, hành động pháp lý sẽ phụ thuộc vào thời gian. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nói tại Đối thoại Shangri-La rằng lựa chọn pháp lý là một phương sách cuối cùng.

Có tin cho rằng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm gần đây, đã cảnh cáo Việt Nam về việc tìm kiếm hành động pháp lý.

HỎI: Trung Quốc hiện đã di chuyển giàn khoan trước thời hạn giữa tháng Tám như từng nói lúc ban đầu. Như vậy có thể nói rằng phe thân Trung Quốc đã giành được thế thượng phong hay không? Nếu đúng thì tại sao? Nếu không, thì tại sao không?

ĐÁP: Việc Trung Quốc rút giàn khoan dầu sẽ làm cho căng thẳng giảm ngay lập tức. Trung Quốc cũng sẽ rút hạm đội hơn một trăm chiếc tàu và chiến hạm. Điều này sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam rút lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư ra khỏi khu vực. Do đó, sẽ có cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam để thảo luận về cách đưa quan hệ hai nước trở lại hướng cũ.

Phe gọi là ủng hộ Trung Quốc, hoặc là thỏa hiệp (accommodationist), sẽ chống lại bất kỳ hành động nào có thể sẽ làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là phương án pháp lý và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ không có khả năng xẩy ra trong tương lai gần. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nguy cơ bị gạt qua một bên.

Một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến sẽ cân nhắc lợi hại của hành động pháp lý chống Trung Quốc. Cuộc họp đó sẽ chuyển khuyến nghị lên Bộ Chính trị.

HỎI: Theo quan điểm của phe thân Trung Quốc, hậu quả của việc xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ như thế nào? Cũng như thế, theo quan điểm của phe thân Mỹ, việc tiếp tục thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ có hại ra sao về chính trị và kinh tế?

ĐÁP: Xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến áp lực tiêu cực, thậm chí biện pháp trừng phạt từ phía Trung Quốc. Xích lại quá gần với Hoa Kỳ sẽ kéo theo một số đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ, đòi Việt Nam chứng tỏ tiến bộ về nhân quyền và áp lực của Mỹ đòi quyền tiếp cận Việt Nam rộng rãi hơn về quân sự, chẳng hạn như Vịnh Cam Ranh, gia tăng các chuyến Hải quân ghé cảng và các cuộc tập trận chung.

Phe gọi là thân Mỹ sẽ cảm thấy rằng việc thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tự do hành động của Việt Nam và đưa Việt Nam vào thế phục tùng và lệ thuộc Trung Quốc. Sự phụ thuộc ý thức hệ sẽ làm giảm triển vọng cải cách kinh tế ở Việt Nam.

HỎI : Việc Trung Quốc rút giàn khoan ảnh hưởng ra sao đến đấu đá nội bộ giữa hai phe tại Việt Nam? Trường đấu có thể kết thúc thế nào?

ĐÁP: Sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan sẽ dẫn đến việc giảm căng thẳng và làm tăng khả năng các cuộc đàm phán song phương cấp cao Việt-Trung. Điều đó sẽ có lợi cho những người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc. Đấu đá trong nội bộ Đảng có khả năng tăng cường độ trên những bất đồng về lợi ích ngắn hạn so với lợi ích lâu dài.

HỎI : Đấu tranh giữa phe ủng hộ Trung Quốc với phe thân Mỹ sẽ nhào nặn cách Việt Nam xử lý các cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc như thế nào?

ĐÁP: Nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tục chia rẽ giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Việt Nam sẽ thận trọng tiến hành việc này và một cách thất thường.

Còn về cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc, nhóm thỏa hiệp sẽ tự kiểm duyệt chính mình. Họ sẽ phủ quyết bất kỳ chính sách nào có khả năng khơi dậy sự giận dữ của Trung Quốc. Họ sẽ liên kết với Trung Quốc, tức là tránh chỉ trích Trung Quốc với hy vọng rằng Việt Nam sẽ được thưởng công về kinh tế cho hành vi tốt của mình.

Vấn đề là việc chia sẻ cùng một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa sẽ trói tay Việt Nam và hạn chế khả năng hoạt động vì lợi ích dân tộc. Tóm lại, cuộc đấu đá tiếp tục giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích dân tộc của mình và chống lại áp lực từ Trung Quốc.

HỎI: Liệu việc Trung Quốc rút giàn khoan có liên quan đến việc Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc vào tuần trước, và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây vài ngày?

ĐÁP: Việc Trung Quốc rút giàn khoan không liên quan trực tiếp đến nghị quyết của Thượng viện Mỹ và các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vì các quyết định loại này không thể được thực hiện dưới sự thúc ép của tình hình.

Trung Quốc có thể là đã quyết định dời giàn khoan, vì dữ liệu thương mại đầy đủ đã được thu thập và họ không có gì để mất khi kết thúc sớm hoạt động thăm dò dầu khí. Chắc chắn là bão Rammasun sắp đến cũng tác động đến quyết định rút sớm.

Cuối cùng, Trung Quốc cũng chú tâm đến chính sách chiến lược. Họ muốn tác động đến một cuộc họp quan trọng sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà mục tiêu là quyết định nên hay không nên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc và, rất có thể là tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

60 năm dài nhìn lại – Bài học từ Hiệp định Geneva 1954

Ông Tạ Quang Bửu, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại buổi ký Hiệp định Genève 1954. Photo courtesy of wikipedia
Ông Tạ Quang Bửu, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại buổi ký Hiệp định Genève 1954.
Photo courtesy of wikipedia

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA / RFA

Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết nhằm giúp chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và cả Đông Dương. Thế nhưng mục tiêu đó đã không đạt được; trái lại chiến tranh lại diễn ra suốt trong mấy mươi năm sau đó, ngăn chặn sự phát triển của Việt Nam về mọi mặt.

TQ nhượng bộ Pháp và miền Nam?

Gia Minh hỏi chuyện sử gia Phạm Cao Dương hiện ngụ tại California, Hoa Kỳ về những điểm đáng chú ý của Hiệp định Geneva 1954 và bài học cần rút ra. Trước hết ông cho biết:

Phạm Cao Dương: Trước hết Hội nghị Geneva năm 1954 không phải được nhóm họp sau ngày sự kiện Điện Biên Phủ chấm dứt, mà nó đã được triệu tập từ trước rồi (từ ngày 26 tháng 4). Mục tiêu của hội nghị ban đầu không phải bàn về Việt Nam mà bàn về chiến tranh Cao Ly (Triều Tiên). Việc bàn về Việt Nam vào ngày 8 tháng 5 mới bắt đầu và không phải là chính. Nhưng vì tình hình tại Việt Nam thay đổi: biến cố, trận chiến Điện Biên Phủ chấm dứt nên người ta họp vào ngày đó.

Thứ hai, sách trong nước thường ca ngợi đó là chiến thắng của phía Việt Minh. Điều đó không hoàn toàn đúng, vì nếu chúng ta theo dõi những gì xảy ra trước đó khi ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp sang họp với Chu Ân Lai ở Liễu Châu, người ta thấy phía Việt Minh tức tối lắm. Sau này ông Võ Nguyên Giáp có nói rằng khi ông thuyết trình thì bản đồ đưa ra ‘đỏ’ hết tất cả; nhưng đến khi Chu Ân Lai thuyết trình thì theo lời ông Võ Nguyên Giáp ‘Bác và tôi rất ngỡ ngàng’ vì sự nhượng bộ mà Chu Ân Lai dành cho phía Pháp và miền Nam.

Lý do hai ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không vừa ý vì hai ông tin tưởng được nhiều lợi thế hơn những gì mà phía Chu Ân Lai và Molotov (ngoại trưởng Nga lúc đó) buộc phía Việt Minh phải chấp nhận. Trước hết là sự hiện diện của bộ đội Việt Minh ở Miên và Lào. Chủ trương của Việt Minh hồi đó là muốn nâng đỡ hai tổ chức cộng sản bên Miên và Lào (Pathet Lào và Khmer Issarak). Phía đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa luôn phủ nhận không có sự hiện diện của bộ đội bên hai nước đó, nhưng cuối cùng Chu Ân Lai và Molotov ép buộc Việt Minh phải phần nào chấp nhận điều đó, và sau đó chấp nhận luôn. Có nghĩa chấp nhận đã rút rồi nhưng vẫn còn một phần ở lại bên Miên và Lào. Do vậy Pháp và phía Miên, Lào không chấp nhận nên cuối cùng chấp nhận ‘nếu còn sẽ rút đi’.

Điểm nữa về phân chia lãnh thổ. Khi có sự chia đôi, bên phía người Pháp đề nghị vĩ tuyến 19 và phía Việt Minh muốn vĩ tuyến 13 hay ít ra là vĩ tuyến 16; nhưng cuối cùng cũng hai ông Chu Ân Lai, Molotov và phía người Pháp – Mendes France, thỏa thuận vĩ tuyến 17.

Đến chuyện ngày bầu cử thống nhất, đầu tiên Phạm Văn Đồng muốn 6 tháng, nhưng sau đó lên 1 năm và 2 năm. Quyết định cuối cùng là năm 1956, tức 2 năm sau.

Cần phải để ý là Trung Quốc trong thời điểm đó mới làm chủ được lục địa Trung Hoa và chưa có vai trò quốc tế nào nên họ muốn vai trò nào đó, và Hội nghị Geneva là cơ hội để họ đóng vai trò đó.

Gia Minh: Việc tuyển cử như ông nói được thống nhất vào năm 1956, sau đó Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa có đề nghị với phía miền Nam, nhưng miền Nam từ chối. Lý do vì sao thưa ông?

Phạm Cao Dương: Thực ra phía miền Nam mà buổi đầu là Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và sau này là Việt Nam Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm, không chấp nhận bản Tuyên bố Cuối cùng. Chúng ta nên nhớ sự thỏa thuận ở Geneva gồm hai phần: phần thứ nhất là đình chiến và phần thứ hai là chính trị. Phần đình chiến được ký kết hẳn hoi, có nhiều bản thỏa ước; còn phần chính trị không có bản thỏa ước được ký kết mà chỉ là Bản Tuyên bố Cuối cùng được các bên chấp nhận bằng miệng mà thôi.

Phía Quốc gia Việt Nam lúc đó và sau này là Việt Nam Cộng Hòa thì không chấp nhận Bản Tuyên bố Cuối cùng đó. Phía Mỹ cũng không chấp nhận. Nên nếu không chấp nhận thi hành cuộc bầu cử đó chẳng qua vì họ không bị ràng buộc về phương diện pháp lý.

Thứ hai nữa, nếu có bầu cử phải cần những điều kiện tối thiểu để có sự công bằng. Đằng này chưa chắc có sự công bằng đó, thành ra miền Nam không chấp nhận cũng có lý của họ.

Bài học kinh nghiệm

Gia Minh: Sau 60 năm rồi, ông thấy có những bài học gì?

Phạm Cao Dương: Trong những hoạt động bang giao quốc tế, các quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trên, kể cả đồng minh cũng đứng hàng thứ không quan trọng. Nếu bên Trung Quốc vì quyền lợi riêng mà hy sinh đồng minh là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thì đó cũng là điều tự nhiên mà thôi. Nhưng Hà Nội không thấy điều đó!

Thứ hai nếu nhìn vào thế giới trong thời gian đó và những năm tiếp theo, không phải chỉ có Việt Nam bị chia đôi. Còn nhiều nước khác bị chia đôi nữa nhưng không có nước nào dùng võ lực để tiến chiếm nước kia. Còn Việt Nam thì chuyện đó đã xảy ra.

Nhưng hậu quả là Hà Nội không có đủ thực lực để tự mình đánh xuống miền Nam nên phải dựa vào thế của Trung Quốc; Hà Nội và cả miền Nam đều không nhận ra điều, không biết đánh lá bài của Trung Quốc. Vì hồi đó Trung Quốc không muốn người Mỹ vào miền Nam và hiện diện tại miền Nam, họ muốn dùng người Pháp để giữ không cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam.

Gia Minh: Cám ơn sử gia Phạm Cao Dương.