Thế lưỡng nan hậu giàn khoan TQ

Chưa rõ VN tính toán ra sao nếu TQ đưa HD981 hoặc các giàn khoan khác trở lại vùng biển.

Ngay vào thời điểm tin tức về giàn khoan Trung Quốc trên truyền thông đang vỡ òa, có người đã lo lắng, sau khi giàn khoan HD-981 rút khỏi biển Việt Nam, liệu mọi chuyện, một lần nữa, rồi lại sẽ rơi vào im lặng như trước đây.

Việc nhà nước (Việt Nam) hạn chế hay khuyến khích báo chí quốc doanh “xả stress”, sau một đợt “ngủ đông” kéo dài về cuộc ‘xâm lăng toàn diện’ Việt Nam của Trung Quốc, đặt ra những tình huống lưỡng nan cho cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý tới đây.

Nếu cuộc chạy “sô” lập trường dâng cao sẽ dẫn đến nỗi lo “chùm nho Bắc Kinh nổi giận”, nếu cái nồi hơi “phê Trung, đả Giàn” (phê Trung Quốc, đả Giàn khoan) hạ nhiệt thì ngược lại, biết lấy gì “chống lưng” cho cuộc vận động dư luận đòi đảo cũng như đòi biển bị cướp và bị chiếm?

‘Pháo xịt ngòi’

Theo Tân Hoa xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chiều 16/7 cho biết, việc chuyển giàn khoan là sự sắp xếp từ trước của các doanh nghiệp trên biển, chẳng liên quan gì tới bất cứ một nhân tố bên ngoài nào.

Nếu cuộc chạy “sô” lập trường dâng cao sẽ dẫn đến nỗi lo “chùm nho Bắc Kinh nổi giận”, nếu cái nồi hơi “phê Trung, đả Giàn” hạ nhiệt thì ngược lại, biết lấy gì “chống lưng” cho cuộc vận động dư luận đòi đảo cũng như đòi biển bị cướp và bị chiếm?

TS. Đinh Hoàng Thắng

Ý ông này “cãi cối cãi chầy”: Chúng tôi (tức Trung Quốc) rút trước một tháng so với dự kiến không phải vì tính toán sai lầm và do áp lực quốc tế đâu nhé! Trung Quốc rút giàn khoan càng không phải vì Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm (nóng) với Chủ tịch Tập Cận Bình một ngày trước khi chúng tôi ra tuyên bố đâu nhé!?

Đúng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tiết lộ một phần của bí mật…

Phần của bí mật đó là ông Obama đã nói gì với ông Tập sau hơn hai tháng Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” khiêu khích, thách thức, hiếp đáp đối với một nước nhỏ (đang bị họ quở trách là “đứa con hoang đàng”)?

Liệu Trung Quốc đã thật sự hoàn thành sứ mệnh “nắn gân dư luận”?

Liệu Trung Quốc đã lãnh đủ những thứ Trung Quốc đáng ra phải nhận?

Sự trỗi dậy muộn màng của Trung Quốc trong một trật tự tương đối an bài bởi những thiết chế quốc tế về an toàn và tự do hàng hải mách bảo cho những thế lực nuôi cuồng vọng sắp xếp lại bàn cờ khu vực cũng như trên toàn cầu rằng, thời của họ chưa đến hoặc thời của họ đã qua.

Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên Quốc vụ Viện TQ Dương Khiết Trì hôm 18/6.

Phép thử của những kẻ chủ xướng “Trung Hoa Mộng” khi nào thật sự mới kết thúc?

Chẳng có gì bảo đảm, Trung Quốc sẽ không “tái xuất giang hồ”, đẩy “biên giới di động” trở lại vị trí cũ, hoặc sang một vị trí mới. Vì đường lưỡi bò “tham ăn háu đói” đâu chỉ ra đời từ thời Tưởng Giới Thạch.

Nó là sản phẩm từ ngàn năm của điều được cho là “căn tính sói”, sản phẩm của não trạng coi 14 nước láng giềng là man di của một “Trung Hoa quân chủ chuyên chế” (từ của GS Trần Ngọc Vương).

Các lựa chọn

Một nửa sự mờ ám chưa hẳn đã là sự mờ ám toàn phần. Người Việt, cả ‘thủ lĩnh’ lẫn ‘thảo dân’ sẽ còn mất nhiều công sức để phát hiện, để đối phó! Cơn sốt truyền thông hai tháng qua mới chỉ đủ để công luận qua “cơn ngái ngủ”.

Nhân cơ hội vừa qua, xác lập lại một tư thế mới trong bang giao với các nước láng giềng và thế giới, dù lớn hay bé, như giữa các quốc gia với nhau; thậm chí, nếu muốn, như giữa các thực thể địa – chính trị

TS. Đinh Hoàng Thắng

Có một sẽ có hai. Trong một tình huống rõ như ban ngày, Việt Nam là bậc thang đầu tiên để ‘Thiên triều’ đi xuống biển Đông Nam Á, từ đó trổ ra Thái Bình Dương để ăn thua “đủ” với các cường quốc muốn giữ nguyên trạng.

Nhưng rồi “sự trỗi dậy” ấy, cho dù bằng hòa bình như đang quảng bá hay bằng chiến tranh như từng chuẩn bị, dường như cho thấy con sư tử già thức giấc quá muộn.

Dẫu sao mặc lòng, giờ đây ngồi tính lại hơn thiệt (cost and benefit), Trung Quốc đang nhận ra những sự thật không mấy ngọt ngào.

Về phần thế giới, phải thấy các nhà bình luận có lý khi qua những vụ như vừa rồi đã khái quát nên một Trung Quốc “chưa giàu đã già”, “chưa hùng đã hung”.

Còn Việt Nam có thể đứng trước những lựa chọn nào?

Thứ nhất, nhân cơ hội vừa qua, xác lập lại một tư thế mới trong bang giao với các nước láng giềng và thế giới, dù lớn hay bé, như giữa các quốc gia với nhau; thậm chí, nếu muốn, như giữa các thực thể địa – chính trị. Đây là cơ hội để Việt Nam có được một con đường thẳng và tương đối nhanh để đi tới hưng khởi.

Thứ hai, trở lại “đường ray cũ” như một tập quán “bóng đè”, như một định mệnh của lịch sử. Việt Nam sẽ trở thành “trái độn” cho những xung đột có thể có giữa các thế lực lớn. Đây là con đường trở lại ‘kiếp chư hầu’, ‘thuộc quốc’ vốn đã quá bẽ bàng trong lịch sử.

Đều là thành viên của Việt tộc, chúng ta phải hiểu tại sao Trần Hưng Đạo được dân phong Thánh, gọi là Đức Thánh Trần.

Trung Quốc tuyên bố không rút mà chỉ chuyển đổi vị trí của giàn khoan HD-981 vì lý do thời tiết.

Khi xã tắc lâm nguy thì sự đồng thuận cao giữa triều đình với thần dân, đặc biệt là giữa những nhân vật trọng yếu của triều đình với nhau (mặc dầu trong đám ấy cũng có kẻ toan tính chuyện hàng giặc) là vô cùng quan trọng. Trần Hưng Đạo, vì nước bỏ qua thù nhà, góp phần giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên.

Không “há miệng chờ sung”

Pháo Tàu tuy đã “xịt ngòi” nhưng thuốc pháo còn nguyên.

Và những vòi rồng, những súng phun nước, thậm chí các dàn pháo đủ loại (Trung Quốc đã “lột truồng” để phóng đại thêm tính côn đồ) vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng.

Lựa chọn của ‘nạn nhân’ trong trường hợp này khá hạn hẹp.

Cũng còn may mà thế lưỡng nan không chỉ xuất hiện trong bang giao Việt-Trung.

Thế lưỡng nan còn phản ánh cả ở tương quan giữa TQ với các nước khu vực và với các đại cường: “Lụt thì lút cả làng”. An ninh của VN trở thành một bộ phận của an ninh khu vực, thậm chí toàn cầu

TS. Đinh Hoàng Thắng

Thế lưỡng nan còn phản ánh cả ở tương quan giữa Trung Quốc với các nước khu vực và với các đại cường: “Lụt thì lút cả làng”.

An ninh của Việt Nam trở thành một bộ phận của an ninh khu vực, thậm chí toàn cầu. Tuy nhiên, cũng không thể “há miệng chờ sung”.

Ngay giữa ngã ba đường, Việt Nam đã buộc phải chủ động tiến hành nhiều cuộc chinh chiến ngoài ý muốn để góp phần ngăn chặn thảm họa cho toàn khu vực.

Và an ninh và phát triển cho Việt Nam, hòa bình và công lý cho Biển Đông, đó là con đường mở ra ở phía trước, nhưng không phải là một sứ mệnh bất khả thi!

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà nghiên cứu về tình hình quốc tế và khu vực, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện đang sinh sống tại Hà Nội.

@bbc

Vụ MH17: Băng ghi âm ‘tố cáo phe ly khai’

Máy bay MH17 đang bay từ Amsterdam để đến Kuala Lumpur

Chính phủ Ukraine công bố cái mà họ gọi là những đoạn hội thoại qua phone giữa phe ly khai thân Nga và sĩ quan Nga. Nội dung nói rằng phe ly khai đã bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia Airlines.

An ninh Ukraine đưa cuộc đàm thoại bằng tiếng Nga lên YouTube chỉ vài giờ sau vụ việc.

BBC chưa thể xác nhận tính chân thực của các đoạn băng.

Đoạn băng thứ nhất

[Giọng nam, được nói là lãnh đạo ly khai Igor Bezler]: Nhóm Thợ mỏ [bí danh] đã bắn hạ một máy bay, rơi ngay đằng sau Yenakiyevo.

[Đại tá Geranin] Phi công. Phi công đâu?

[Bezler] Đã đi để tìm và chụp hình máy bay. Nó đang bốc khói.

[Giọng nam thứ hai, được cho là đại tá tình báo quân đội Nga Vasily Geranin] Mấy phút trước?

[Bezler] Chừng 30 phút trước.

Đoạn băng thứ hai

[Giọng nam, được chú thích là ‘Người Hy Lạp’] Vâng, Thiếu tá.

[Thiếu tá] Bọn Chernukhino đã bắn hạ máy bay.

[Hy Lạp] Ai bắn vậy?

[Thiếu tá] Từ chốt chặn Chernukhino. Dân Cossack ở Chernukhino.

[Hy Lạp] Vâng, Thiếu tá.

[Thiếu tá] Máy bay tan xác trên bầu trời, gần mỏ than Pertropavlovskaya. Thi thể ban đầu đã được tìm thấy. Một thường dân.

[Hy Lạp] Anh biết gì ở đó?

[Thiếu tá] 100% là máy bay dân sự.

[Hy Lạp] Có nhiều người không?

[Thiếu tá] Tro tàn rơi ngay xuống sân sau.

[Hy Lạp] Máy bay loại gì?

[Thiếu tá] Tôi chưa biết vì chưa đến gần xác máy bay. Tôi chỉ nhìn ở chỗ những thi thể ban đầu rơi xuống. Ở đó có tàn tro của giá đỡ, ghế ngồi, thi thể.

[Hy Lạp] Hiểu rồi. Có vũ khí không?

[Thiếu tá] Không có. Đồ dân thường, y tế, khăn, giấy vệ sinh.

[Hy Lạp] Có giấy tờ không?

[Thiếu tá] Có. Một sinh viên Indonesia. Đại học Thompson.

Đoạn băng thứ ba

[Giọng nam, được nói là của một tay súng] Về máy bay bị bắn ở khu vực Snezhnoye-Torez. Đó là máy bay dân sự. Rơi gần Grabovo. Nhiều thi thể phụ nữ, trẻ em. Dân Cossack đang có mặt ở đó.

Họ nói trên tivi đó là máy bay vận tải AN-26 của Ukraine, nhưng họ cũng nói có chữ Malaysia Airlines viết trên máy bay. Nó làm gì trên lãnh thổ Ukraine?

[Giọng nam, được cho là lãnh đạo Cossack Nikolai Kozitsyn] Có nghĩa là họ mang theo điệp viên. Bọn chúng không nên bay. Đang có chiến tranh mà.

@bbc

Có phải tên lửa đất đối không bắn hạ chiếc máy bay Flight 17 của hãng hàng không Malaysia?

Michael Pearson | CNN
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ

Hệ thống tên lửa đất đối không Buk của Nga Loại vũ khí nào có thể bắn hạ một máy bay dân dụng đầy hành khách bay ở độ cao 10 ngàn kilomet?

Đó là câu hỏi quan trọng nhất trong quá trình điều tra vụ rớt máy bay Flight 17 của hãng hàng không Malaysia, khi mà nhà chức trách đang xác định cái gì phải chịu trách nhiệm cho vụ rớt máy bay hôm thứ Năm tại khu vực đang có xung đột ở miền Đông Ukraina.

Hệ thống radar cho thấy hệ thống tên lửa đất đối không được bật và bám đuổi một máy bay nào đó ngay trước khi chiếc máy bay bị rớt. Một quan chức cao cấp Hoa Kỳ nói với CNN. Và một hệ thống thứ hai đã ghi lại dấu hiệu nhiệt khi chiếc máy bay bị bắn trúng. Hoa Kỳ đang phân tích quỹ đạo của tên lửa để tìm ra nguồn gốc của vụ tấn công, quan chức này cho biết.

Anton Gerashchenco, cố vấn Bộ Nội Vụ Ukraina, nói trên Facebook rằng “khủng bố” đã bắn vào chiếc máy bay bằng hệ thống tên lửa đất đối không có tên gọi là Buk.

Một quan chức Ukraina cũng cho CNN biết hôm thứ Năm rằng phiến quân đã khoe rằng họ bắn hạ được một chiếc máy bay khác vào khoảng thời gian mà chiếc Flight 17 biến mất.

Nhưng vũ khí nào có thể bắn hạ được chiếc máy bay dân dụng của hãng hàng không Malaysia?

Những quả tên lửa vác vai đôi khi xuất hiện trong tay của nhóm phiến quân và ly khai, nhưng nó không thể bắn hạ được máy bay phản lực dân dụng, chuyên gia nói.

“Ở độ cao bình thường thì những chiếc máy bay phản lực dân dụng sẽ nằm ngoài tầm của những hệ thống phòng không xách tay như loại vũ khí thường thấy trong tay của phiến quân ở Đông Ukraina”, Nick de Larrinaga, người bên tạp chí Defence Weekly – một tạp chí nổi tiếng về công nghệ vũ khí và tin tức quân sự, cho biết.

Những quả tên lửa vác vai như thế chỉ có thể đạt độ cao 5 ngàn mét, Rick Francona – chuyên gia phân tích quân sự của CNN và một trung tá không quân Hoa Kỳ về hưu, cho biết.

“Điều này có nghĩ là vũ khí sử dụng là một tên lửa đất đối không, hoặc không đối không, và tôi nghĩ rằng đất đối không có lẽ là giả thiết tốt nhất hiện nay“, ông nói.

Một ứng cử viên là hệ thống tên lửa Buk, được phát triển dưới thời Liên Bang Xô Viết, và được sử dụng bởi cả lực lượng quân sự Nga lẫn Ukraina.

Hệ thống tên lửa này, được biết dưới tên SA-11 trong các lực lượng NATO, được sử dụng bởi cả Nga lẫn Ukraina, theo Kevin Ryan, chuẩn tướng đã về hưu , giám đốc dự án Tình báo và Phòng Thủ tại Trung tâm Belfer về Khoa học và Quan hệ Quốc Tế tại Đại học Harvard.

Hệ thống này thừa sức bắn hạ máy bay ở độ cao 10 ngàn mét, ông nói.

Hệ thống tên lửa kiểu này được trang bị cho quân đội Nga ở mức sư đoàn [10-15 ngàn lính – chú thích của người dịch].

“Như vậy quân đội Nga ở phía bên kia biên giới Ukraina sẽ có những vũ khí kiểu này”, ông nói.

Các khả năng khác là hệ thống tên lửa S-200 do Nga sản xuất, sử dụng bởi quân đội Ukrana; hay S-300 hoặc S-400 của phía bên Nga. Vũ khí này tương ứng với hệ thống tên lửa phòng ngự Patriot của Hoa Kỳ.

Điều khó có thể xẩy ra là phía lực lượng ly khai thân Nga có thể tiếp cận được với hệ thống vũ khí phức tạp này và dung nó để bắn hạ máy bay dân dụng, Ryan nói.

“Cần phải có rất nhiều huấn luyện và phối hợp với nhau để bắn loại tên lửa này và trúng được một mục tiêu nào đó”, ông nói.

Thường thì một khẩu đội tên lửa đất đối không như thế bao gồm một xe chỉ huy, một xe radar, một số bệ phóng tự vận hành, một xe nạp đạn và vài chiếc xe chuyên chở tên lửa mới cho khẩu đội nếu cần, theo Dan Wasserbly, biên tập người Mỹ cho IHS Jane.

Ryan kết luận rằng nếu máy bay thực sự bị bắn rơi, thì lực lượng quân sự chuyên nghiệp – có thể là cố tình hay cố ý – là người đứng đằng sau.

“Đây không phải là loại vũ khí mà vài gã cao bồi có thể lôi ra từ garage và bắn”, ông nói.

Trần Huỳnh Duy Thức – Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Cơ hội để VN thoát khỏi cái bóng đè của TQ hàng nghìn năm nay

Trần Huỳnh Duy Thức
Xuyên Mộc, 14/06/2014

Thưa ba thương kính,

Sáng nay thấy ba vẫn khỏe mạnh nên con rất vui nhưng con cũng đọc được những ưu tư trong lòng ba. Ba đừng bận tâm quá nhiều, mọi chuyện sẽ nhanh tốt đẹp thôi. Không có cuộc chuyển mình nào dễ dàng cả. Sự chuyển mình vĩ đại càng gian truân. Con thường có dự cảm đúng. Hồi đầu tháng 4, như con viết cho ba trong bức thư 16A, con linh cảm đất nước đang bước tới một bước ngoặt lịch sử. Dù không biết được nó sẽ là gì nhưng con hiểu rằng trong một bối cảnh như vậy, thể nào cũng có một sự kiện gì đó sẽ dẫn đến biến cố lớn và đặt đất nước trước một thách thức nghiêm trọng – nhưng cũng là một cơ hội lớn. Đó chính là bước ngoặt TQ đặt giàn khoan HD-981 hồi đầu tháng 5. Con biết mọi người đang rất lo lắng nhưng dự cảm của con lại tốt. Con tin rằng bước ngoặt này sẽ dẫn đến một bước rẽ vĩ đại cho dù đang có nhiều ngã ngách đen tối chực chờ. Đây không chỉ là dự cảm. Đó còn là sự nhìn thấy theo quy luật phát triển đất nước tất yếu. Thế và lực của dân tộc VN đã thay đổi rất nhiều. Thế giới cũng đã biến đổi sâu sắc, bước vào một giai đoạn toàn cầu hóa mới vô cùng sâu rộng, bứng lung lay tận gốc chủ nghĩa thực dân; đế quốc; hành xử đơn phương cá lớn nuốt cá bé bằng vũ lực. Thế giới này sẽ không dung thứ cho những kẻ coi chủ quyền của người khác là ao nhà, là của riêng của mình, trên cả bình diện quốc gia lẫn quốc tế.

Nhân loại tiến bộ đã không tiếc sức 7 thập kỷ qua từ sau thế chiến thứ II để xây dựng những thiết chế và luật pháp quốc tế nhằm ngăn ngừa chiến tranh thế giới và những cuộc xâm lấn của kẻ mạnh. Chuẩn mực và thái độ hành xử của loài người vì vậy mà đã thay đổi văn minh hơn. Người ta không còn đề cao sức mạnh cơ bắp của cường quyền, mà trái lại coi thường và phỉ báng nó, sẵn sàng hợp lực để biến cải nó hoặc loại trừ nó. Do vậy chắc chắn là những kẻ nói trên nếu không tỉnh ngộ, cấu kết với nhau thì sẽ bị cả thế giới nguyền rủa và chuốc lấy thất bại nhục nhã.

Con rất để ý đến chính sách và các phát biểu của TQ về “sự trỗi dậy hòa bình” của họ. Họ luôn cố gắng che đậy bằng ngôn từ ôn hòa. Nhưng khi họ nói họ là dân tộc đã bị trải qua nhiều đau thương bởi sự chà đạp của các nước mạnh thực dân đế quốc nên không muốn lập lại điều đó, thì tiếp theo họ chỉ trích các cường quốc hiện nay tìm cách ngăn cản những cách thức “chính đáng” của TQ mà các cường quốc này trước đây đã từng thực hiện tương tự. Đến đây thì có thể thấy điều TQ ngụ ý “không muốn lặp lại” không có nghĩa là TQ cam kết không thực hiện các chính sách thực dân đế quốc với các nước nhỏ, mà có nghĩa là TQ sẽ không để mình bị chà đạp lần nữa. Không để người khác chà đạp mình là một khát vọng chính đáng của các dân tộc. Nhưng thực hiện nó bằng cách chà đạp dân tộc khác thì là điều mà thế giới ngày nay không bao giờ chấp nhận. Thế giới đó có đủ sức mạnh của các thiết chế và luật pháp quốc tế để ngăn chặn hoặc dập tắt tham vọng đó.

Con đến TQ rất nhiều và cũng có nhiều bạn bè ở đó nên cảm nhận được một chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà chính quyền của họ đã khéo léo xây dựng lâu nay dựa trên việc khích động tinh thần tự tôn dân tộc bằng những hận thù đối với Nhật và các nước phương Tây đã xâu xé TQ hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nếu ba để ý thì sẽ thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà trong vòng 20 năm qua đã có cực kỳ nhiều các bộ phim TQ được đầu tư rất bài bản và công phu với dàn diễn viên gạo cội đóng về các đề tài cận đại, cường điệu quá mức những nỗi nhục mà các nước nói trên gây ra cho người TQ để làm họ sôi sục và đổ trách nhiệm hết cho các nước này. Các bộ phim đó dù mang danh nghĩa của các hãng tư nhân nhưng thực ra là được âm thầm tài trợ khổng lồ bởi chính phủ.

Năm 2008 con nói chuyện với một giáo sư TQ, một nguời có khuynh hướng ủng hộ các chính sách nói trên của chính phủ nước này, ông ta thừa nhận rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một sách lược kín được khéo léo thực hiện và che đậy ở TQ. Tuy nhiên ông ta cho rằng đó là điều cần thiết để vực dậy một TQ đã suy nhược và để rửa những mối nhục dân tộc trước đây. Khi con nói với ông ta rằng từ đầu thế kỷ 20 đến nay, chưa có một quốc gia dân tộc cực đoan nào không chuốc lấy sự thất bại ê chề cho dù đã đạt được một thời kỳ tăng cường được đáng kể tiềm lực quốc gia, thì ông ấy bảo rằng TQ sẽ biết dừng đúng lúc – tức là họ sẽ không gây hấn, xâm lược các nước khác. Con đáp lại ông ấy rằng hy vọng ấy rất mong manh vì nhân nào quả đấy nên ở bên trong cái quả đó thì không thể ngăn được nó phình to ra. Do vậy khả năng ngăn dừng ấy nếu có thì chỉ có thể đến từ bên ngoài. Ông ta không phản đối, chỉ nói rằng: “cái đó còn tùy cơ trời”. Con không cảm nhận được cái cơ mà ông ấy nói nhưng con lại có cảm nhận của riêng mình về một “thiên cơ” khác.

15/06/2014

Có một điều nguy hiểm là phần đông trí thức TQ cũng giống như vị giáo sư nói trên, lại đổ lỗi cho nguyên nhân chính làm TQ bị tụt hậu và chà đạp vào thế kỷ 19 là bởi các cường quốc thời đó, tức là từ bên ngoài. Nhưng hôm đó con đã tranh luận với ông ấy rằng nguyên nhân chính là từ bên trong, từ chính sự yếu kém của người dân và chính quyền của TQ cũng như VN hay bất kỳ những nước nào tụt hậu thời đó. Họ đã u mê những thứ lỗi thời và sẵn sàng đánh đổi chủ quyền của mình đã bảo vệ những cái u mê và lỗi thời đó. Cùng một thời điểm vào giữa thế kỷ 19, người Nhật đã tỉnh ngộ thoát khỏi cơn mê và bắt đầu cuộc duy tân Minh Trị, còn người TQ và VN càng lậm sâu vào cơn mê đó. Bà Từ Hy là người cầm quyền tối cao ở TQ vào thời đó, đã sẵn sàng bán nhượng bất kỳ đảo, đất nào cho phương Tây để làm thuộc địa hay tô giới để đổi lấy sự “yên ổn” nhằm có thể trấn áp được các phong trào canh tân đất nước đe dọa đến ngôi vị của mình. Bà ta đàn áp dã man những người yêu nước, kể cả con ruột mình là vua Quang Tự, để dập tắt mọi tư tưởng đổi mới. Bà ta là một điển hình của loại thống trị hèn với giặc ác với dân để được sống sa hoa trên sự nghèo hèn của cả một dân tộc. Nếu TQ không tự làm mình suy yếu thì không thể có nước nào chà đạp được họ. Nếu họ không chấp nhận đánh đổi chủ quyền của mình và đoàn kết lại thì chẳng có nước nào, liên minh nào đủ sức xâm chiếm, xâu xé họ vào lúc đó. Nếu người dân TQ đã không cam chịu thân phận nô lệ cho chính quyền thối nát của Từ Hy thì đã không có những sự đánh đổi chủ quyền đầy ô nhục như vậy. Xét cho cùng, nguyên nhân gốc của sự ô nhục đó là từ nội tại. Những học giả chân chính ở TQ đều hiểu như vậy, chính quyền TQ trong thâm tâm của mình cũng nhìn nhận như thế. Nhưng vì để nhanh chóng xây dựng được một chủ nghĩa dân tộc cho hơn 1 tỷ người với nhiều sắc tộc phức tạp khác nhau, tiếng nói khác nhau thì việc khơi dậy những sự ô nhục chung của mọi người là một cách hiệu quả. Nhưng nó cũng tất yếu tạo ra sự cực đoan, quá khích và hận thù.

Con cảm thấy tiếc cho chính quyền TQ. Họ đã có công và thành công trong việc vực dậy một TQ suy nhược nghiêm trọng từ cuối những năm 1970 đến giờ. Họ đã tận dụng được môi trường hòa bình và ra sức chứng minh tinh thần hòa bình với thế giới để có được sự phát triển vượt bậc. Nhưng mua danh ba vạn mà bán danh có 3 đồng. Chỉ trong 1 thời gian ngắn từ đầu 2009 đến giờ, họ đã đánh mất gần hết những son phấn mà họ ra sức tô trát trong hơn 30 năm qua. Con nghĩ là họ đã tính toán sai lầm về thời điểm nhưng đã phóng lao thì phải theo lao. Họ cho rằng Mỹ và phương Tây đang bị rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ 2008 và sẽ kéo dài ít ra 10 năm. Quân lực Mỹ thì bị hút vào Trung Đông, NATO thì sẽ bị kềm chân bởi các chính sách tranh chấp của Nga. Do vậy nếu họ hành động nhanh chóng trong một vài năm thì không ai đủ sức ngăn chặn họ và họ sẽ đặt thế giới vào chuyện đã rồi. Nên họ chính thức công bố đường chín đoạn đầu 2009 và liên tục gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông và Hoa Đông. Họ tăng mạnh mức độ tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ với VN, Philippines, Nhật và các nước khác. Và họ đã lầm, dù đang khó khăn nhưng các nước này vẫn tìm được sự ủng hộ quốc tế và dựa vào các thiết chế và luật pháp quôc tế cũng như sự liên kết đa phương để bảo vệ mình. Nhưng sai lầm nhất có lẽ là với VN, họ nghĩ rằng VN là nơi họ dễ dàng áp đặt nhất nhưng không ngờ rằng nhân dân VN phản ứng rất quyết liệt ngay từ khi họ chuẩn bị công bố đường lưỡi bò vào cuối 2008. Các vụ kế tiếp như cắt cáp tàu BM-02, đâm chìm tàu cá và đánh đập ngư dân VN đầu vấp phải sự cương quyết phản đối của nhân dân và nhà nước VN. Rồi đến vụ HD-981 này, TQ không chỉ phải đối phó nhân dân và chính quyền VN mà còn vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của quốc tế từ chính giới đến dư luận. Giờ đây TQ chắc đã phải nhận ra rằng không dễ chọn VN làm bàn đạp để bành trướng toàn Biển Đông, và rằng: “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng. Nhân dân VN sẽ không chấp nhận đánh đổi chủ quyền để nhận thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc”, tương tự như bà Từ Hy của TQ đã từng làm trước đây.

Vấn đề Biển Đông giờ đây đã được quốc tế hóa thành công. Vì vậy mà tham vọng lưỡi bò của TQ sẽ không bao giờ thành hiện thực. Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục, Nhật đang thay đổi chính sách an ninh cho phép can dự và tham gia phòng vệ tập thể. Con đồ rằng không lâu nữa sẽ hình thành một tổ chức tương tự như NATO cho châu Á Thái Bình Dương, có thể gọi là PATO. TQ có tăng cuờng quốc phòng, tiềm lực chiến tranh đến đâu đi nữa thì cũng không đủ sức để liều lĩnh và phiêu liêu quân sự. Hơn nữa, đang bước vào giai đoạn mà kinh tế TQ đi vào suy thoái còn kinh tế Mỹ, Nhật và EU thì bắt đầu phục hồi mạnh mẽ. Cơ hội “đánh nhanh bằng hòa bình” của TQ đã qua đi và sẽ không trở lại nữa. VN cũng sẽ tỉnh táo để không rơi vào bẫy khiêu khích của TQ, tạo cớ sử dụng vũ lực cho họ. TQ sẽ phải tìm lúc để xuống thang và giữ mặt, đồng thời cài đặt lại quan hệ với VN để thực hiện một kế hoạch khác dài hơi hơn. Nhưng bát nước đã đổ, có làm gì thì cũng không thể được lại như cũ. Mặt khác, sức nước của VN đang dâng lên rất mạnh mẽ, không dễ gì chấp nhận để TQ áp đặt. Vấn đề Biển Đông cũng không còn là chuyện riêng của VN và TQ, đã trở thành vấn đề quốc tế được đặc biệt quan tâm. Ngay cả TQ có tạo dựng vụ HD-981 để xây dựng các sân bay quân sự trên các đảo Trường Sa của VN thì họ cũng sẽ gặp phải sự phản ứng và đối phó hiệu quả của cộng đồng quốc tế, càng thúc đẩy các nước trong khu vực liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Lợi thế của các sân bay nhỏ này chẳng thấm vào đâu so với sức mạnh liên kết khu vực. TQ tạo ra một cái cớ không thể tuyệt vời hơn để các nước có thể đường đường chính chính xiết chặt tay nhau mà không bị mất đi chính nghĩa, ngược lại còn được ủng hộ. Tương tự như Nga, đem Crimea về, lợi thế đại quân sự chẳng có gì tăng thêm mà lại thành gánh nặng kinh tế, đồng thời tạo ra 1 cái cớ hoàn hảo để NATO tăng cường và triển khai sự hiện diện quân sự áp sát biên giới của mình. Cục diện địa quân sự mới hiện nay cực kỳ bất lợi cho Nga, gần như xóa sạch thành tựu hơn 20 năm của nước này từ thời Yelsin nhằm ngăn chặn xu hướng mở rộng về phía đông của NATO. Ukraina gia nhập tổ chức này là chắc chắn và lấy lại Crimea chỉ còn là vấn đề thời gian. Kinh tế Nga đang suy thoái nhanh, nếu họ không có những điều chỉnh kịp thời theo hướng dân chủ thì những biện pháp cấm vận tiếp theo sẽ làm cho nền kinh tế này suy sụp nhanh chóng. Do vậy họ đang phải tìm cách xuống thang. Trong thời đại này, một bước sai lầm chiến lược sẽ phải trả nhiều giá đắt.

Cho nên ba đừng quá lo lắng. Con hiểu được tâm trạng đó của mọi người, nhưng con lại thấy rằng đây là cơ hội ngàn năm để VN thoát khỏi cái bóng đè của TQ hàng nghìn năm nay, rồi vươn lên mạnh mẽ. Đó cũng là thời cơ để VN ta đòi lại Hoàng Sa và những đảo Trường Sa đã bị TQ đánh chiếm. Đây chính là “thiên cơ” mà con nói ở trên nhưng không phải là cái mong từ trên trời rơi xuống. Mà đây là dịp hiếm có để dễ dàng xoay chuyển góc nhìn – thay đổi nhận thức của con người VN về hướng đúng theo xu thế của quy luật phát triển tất yếu. Chỉ cần như vậy thôi thì những nguồn năng lượng mới khổng lồ của đất nước sẽ được tạo ra mà không có gì cản trở được.

Muốn vậy, chỉ cần chân thành tôn trọng tất cả luật pháp quốc tế trong quốc gia và nhiệt thành thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế trên thế giới. Chỉ thế thôi thì người dân VN sẽ được tôn trọng và bảo vệ không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Và kết quả tất yếu là VN sẽ dân chủ và thịnh vượng, và xây dựng được thế trận quốc phòng toàn cầu như con đã viết cho ba trong thư 20A hồi đầu tháng này. Thế trận đó sẽ bảo vệ vững chắc tổ quốc VN và góp phần quan trọng đảm bảo hòa bình cho thế giới. Luật pháp quốc tế cũng chính là công cụ quan trọng nhất để chúng ta lấy lại Hoàng Sa, TQ cứ cố mà xây dựng hạ tầng trên đó đi chắc chắn sẽ đến ngày họ phải trao trả lại tất cả cho VN. Con thấy rõ như vậy, chỉ đơn giản bằng xoay góc nhìn.

Gọi là thiên cơ vì đây là thời điểm mà nếu thực hiện sách lược trên thì VN sẽ được cả lòng dân trong nước lẫn quốc tế – tức là Nhân hòa. VN, Biển Đông và châu Á Thái Bình Dương nói chung là tâm điểm của thế giới trong thế kỷ 21 này – Chính là Địa lợi. VN đang đứng trước một vận hội lịch sử, có đủ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Con tin là nhân dân VN cùng với các lãnh đạo xuất sắc của đất nước sẽ vượt qua được các ngõ ngách đen tối để bước trên con đường rực sáng rộng mở. Con có niềm tin mãnh liệt đặc biệt vào con đường đó từ 10 năm qua không chỉ vì thấy được sự phát triển theo quy luật tất yếu, mà còn vì con cảm nhận được một sứ mạng đặc biệt của dân tộc Lạc Hồng vì hòa bình thế giới. Ba cứ thử hình dung nếu chiến tranh thế giới nổ ra thì thế giới này sẽ tan nát đến thế nào. Nhưng điều đáng sợ nhất là VN sẽ là nơi nhận hậu quả đầu tiên và thảm khốc nhất vì vị trí địa chính trị của mình. Thật kỳ lạ là mỗi khi con viết hay nghĩ về điều này thì tim con lại đập rất mạnh. Ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh như vậy nằm ở Châu Á TBD, chứ không phải Trung Đông hay Châu Âu. Mà VN thì dễ bị biến thành vùng tranh chấp gay gắt nhất ở khu vực này. Nếu không có sách lược khôn ngoan, đúng đắn thì chúng ta sẽ lãnh đủ.

Hôm nay là Ngày của Cha, con nghĩ không có quà tặng hay lời chúc nào ý nghĩa hơn là làm ba yên lòng, vứt bỏ được ưu tư nên con viết những điều trên. Nhưng đây không phải là những lời lẽ trấn an mới được viết ra, mà là những suy nghĩ con đã tâm huyết 10 năm nay. Con chắc là ba sẽ cảm nhận được niềm tin của con để biến thành niềm lạc quan cho mình. Con mong rằng niềm lạc quan này cùng với bài thơ sẽ là món quà nhân ngày của Cha là ba thích.

Giờ chắc đã qua ngày 16/6, trời đang đổ mưa to. Chắc ba đang ngủ ngon. Con cũng đi ngủ và mong gặp má. Hôm nay cũng ít bù mắt, chắc con sẽ ngủ ngon,

Kính ba,
Con Thức

Bơi trong lý thuyết kinh tế mù mờ

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Sau gần ba mươi năm đổi mới đi theo điều gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lần đầu tiên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hàm ý nhận thức về lý thuyết này còn quá mù mờ. Câu hỏi đặt ra là có thể tiếp tục phát triển đất nước khi nền kinh tế phải bơi trong hỏa mù lý thuyết hay không.

Sự vớt vát từ quá khứ?

Mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng nói: “…Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” Nhưng Việt Nam vẫn đang bươn chải với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:

“Cho tới giờ tôi chưa nghe ông lãnh đạo nào, hay chuyên gia nào định nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ thời kỳ 1985 ra chính sách đổi mới Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho đến bây giờ cũng chẳng ai biết được cái định hướng xã hội chủ nghĩa nó là cái gì. Cho nên sắp tới đây các vị lãnh đạo đảng và nhà nước nên nói rõ hơn nữa định hướng xã hội chủ nghĩa là làm sao. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có nói sơ sơ định hướng xã hội chủ nghĩa là phục vụ cho những công ích xã hội. Nhưng như thế cũng không đủ vì nền kinh tế đâu phải chỉ là để phục vụ công ích xã hội.”

Tại Hà Nội ngày 14/7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa 10 về “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Cổng thông tin Chính phủ đưa tin về việc này cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ sẽ có bản báo cáo lên Bộ Chính Trị với những vấn đề rất nhạy cảm. Thí dụ như: “ Nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ; chưa có đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; môi trường kinh doanh, vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa doanh nghiệp, thành phần kinh tế…”

000_Hkg8239642-250.jpg
Một người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích đánh dấu kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội hôm 03/2/2013

Những trích dẫn vừa nêu cho thấy lý thuyết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một áp đặt khác thường do đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, một sự cứu chữa nửa vời trước sự phá sản của nền kinh tế tập trung theo mô hình cộng sản Liên Xô cũ.

Cố Giáo sư Đặng Phong (1939-2010) một chuyên gia kinh tế đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế có uy tín của một số trường Đại học ở Hà Nội, từng nhận định về vấn đề này với Đài ACTD:

“Xã hội chủ nghĩa là sự vớt vát thuộc quá khứ mà mình không thể chấp nhận nó nữa, nhưng mình không thể thẳng thắn tuyên bố giã từ nó cho nên dùng một chữ rất mơ hồ chung chung như vậy. Bây giờ mà mải mê đi tìm xã hội chủ nghĩa thì không bao giờ tìm thấy giá trị thật của nó đâu. Cái nội dung thật của nó là cái gì thì không tìm thấy đâu. Nó là một món nợ của lịch sử. Người Việt Nam chưa bao giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, nhưng Việt Nam đã đi theo con đường đó mà ngày nay chưa ai dám thẳng thắn tuyên bố rằng con đường đó là sai lầm. Bởi vì tuyên bố như thế rất nguy hiểm về mặt tâm lý xã hội.”

Doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo

Tại cuộc họp ngày 14/7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện thái độ cầu thị, khi ông mạnh dạn lập lại những ý kiến của chuyên gia, nhân sĩ, trí thức của hàng loạt các cuộc hội thảo kinh tế trong ba năm vừa qua. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng đã lưu ý việc tổng kết Nghị quyết cũng cần phải làm rõ thêm một bước về vấn đề Nhà nước và thị trường; Nhà nước làm tới đâu, làm những gì; cái nào là thị trường phải theo quy chế kinh tế thị trường, đồng thời cũng phải làm rõ vấn đề dân chủ trong kinh tế; vấn đề hội nhập quốc tế và độc lập tự chủ.

“Vừa rồi Thủ tướng nói rất rõ, Nhà nước không có quyền đi ra kinh doanh mà cạnh tranh với nhân dân. Nhà nước tạo ra mọi điều kiện, cơ chế chính sách môi trường để cho dân doanh phát triển làm cho nền kinh tế phát triển. Thủ tướng nói rất rõ nhưng Thủ tướng một mình không quyết định được phải trình lên Bộ Chính trị, tại vì mọi chuyện trên đất nước Việt Nam này phải được Bộ Chính trị quyết định. Thủ tướng có một tư duy rõ ràng về vai trò của Chính phủ trong vấn đề phát triển kinh tế nhưng Thủ tướng không thể một mình quyết định được.”

Theo ông Bùi Kiến Thành Đảng và Nhà nước Việt Nam cần thay đổi tư duy một cách tích cực, nếu không muốn đất nước tụt hậu so với khu vực và thế giới. Ông nói:

“Các vị lãnh đạo đi ra nước ngoài cũng vẫn nói  Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, yêu cầu Mỹ yêu cầu Châu Âu và khắp mọi nơi mà các vị đến, yêu cầu công nhận chúng tôi là nền kinh tế thị trường. Như vậy rõ ràng chúng ta muốn hội nhập vào nền kinh tế thị trường của thế giới. Nhưng mà nó có sự không ăn khớp tức là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Vấn đề này tư duy chưa rõ ràng, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì làm gì có nền kinh tế thị trường được. Mong rằng trong những tháng, năm tới các lãnh đạo nhà nước có một tư duy rõ ràng hơn nữa thì nền kinh tế mới phát triển được.”

30 năm mở cửa, áp dụng kinh tế thị trường nửa vời với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng của giai đoạn ngăn sông cấm chợ, lạm phát 800%. Đất nước đã tự túc lương thực và dư thừa để xuất khẩu, nhưng một nền kinh tế thị trường nửa vời đã chỉ có thể giúp Việt Nam thoát nghèo chứ không thể giàu lên được. Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trong khi kinh tế các nước trong khu vực vốn dĩ đã cách biệt khá xa với Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên đẩy lùi Việt Nam về phía sau.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói với chúng tôi, sẽ là thảm họa cho Việt Nam nếu đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam không sớm thay đổi tư duy, chấp nhận cải tổ dân chủ và áp dụng nền kinh tế thị trường thực sự.

Báo chí quốc tế nói về vụ dời giàn khoan

Trung Quốc nói việc di chuyển giàn khoan là quyết định ‘mang tính thương mại’

Tin về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam đã đăng tải rộng rãi trên truyền thông quốc tế và thu hút nhiều ý kiến bình luận từ giới quan sát.

Tạp chí The Diplomat ngày 17/7 đăng bài của cây bút Shannon Tiezzi trong đó cho rằng nguyên nhân chính của quyết định này là do Bắc Kinh nhận thấy “không có nhiều lợi ích trong việc giữ giàn khoan ở vị trí hiện tại”.

“Từ một góc nhìn chiến lược, giàn khoan đã đạt được mục đích của mình,” theo tác giả.

“Trung Quốc đã chứng minh rằng nước này có khả năng đưa giàn khoan vào hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa dưới sự yểm trợ của lực lượng hải quân để bảo vệ giàn khoan trước các tàu Việt Nam.”

“Bắc Kinh cũng đã chứng minh rằng mình có khả năng kháng cự lại sự chỉ trích từ bên ngoài, đồng thời phớt lờ và phản công khi Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực cáo buộc Trung Quốc gây hấn”.

‘Đặt tiền lệ mới’

Chính quyền Bắc Kinh sẽ coi như là họ đã thành công trong việc đặt một tiền lệ mới, trong đó nước này có thể áp đặt cách diễn giải của mình về những ranh giới trong khu vực mà không gặp phải bất lợi đáng kể nào

Tạp chí The Diplomat

Bài viết cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố đã tìm thấy dầu khí trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho họ đưa giàn khoan trở lại vào bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển giàn khoan, theo tác giả, cũng là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Hà Nội và “bắt đầu thảo luận về việc hợp tác trên những lĩnh vực khác”.

Một bài khác của tác giả Clint Richards, cũng trên The Diplomat, thì cho rằng “mặc dù Trung Quốc đã tạm rút lui vào lúc này, nhiều khả năng nước này đang có một cuộc chơi dài hạn”.

Trung Quốc đã “chứng minh rằng nước này có thể hoàn thành mục tiêu của mình, bất chấp sự phản đối từ khu vực và những cuộc đụng độ xảy ra gần như mỗi ngày”, bài viết có đoạn.

Tác giả cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ coi như là họ đã thành công trong việc “đặt một tiền lệ mới, trong đó nước này có thể áp đặt cách diễn giải của mình về những ranh giới trong khu vực mà không gặp phải bất lợi đáng kể nào”.

Cũng theo ông Richards, “lãnh đạo Trung Quốc giờ đây cảm thấy họ có thể lặp lại những vấn đề này vào bất cứ thời gian và địa điểm nào họ muốn trong tương lai, và cán cân an ninh khu vực sẽ không bị mất thăng bằng quá nghiêm trọng hoặc chuyển hẳn sang hướng bất lợi cho họ”.

‘Mối tình sóng gió’

Quốc hội Việt Nam đã không ra nghị quyết riêng về Biển Đông trong kỳ họp kết thúc hồi cuối tháng 6

The Economist trong khi đó so sánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc như một “mối tình sóng gió”.

Tạp chí này dẫn lời của tiến sỹ Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, cho rằng quyết định di chuyển giàn khoan của Trung Quốc có thể là do muốn “làm giảm đi phần nào sự khó xử của Hà Nội” trong cách ứng xử với Bắc Kinh.

“Hai quốc gia cộng sản này có một lịch sử phức tạp, hình thành từ thù hằn, nghi ngờ và cả những sự hợp tác miễn cưỡng,” bài viết có đoạn.

“Cả hai không thể nào không tranh cãi và rồi lại làm lành”.

“Trung Quốc là một đồng minh ý thức hệ, một đối tác thương mại quan trọng, và là một cường quốc quân sự đang trỗi dậy”.

“Ngay cả bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có một bộ phận đông đảo thân Trung Quốc” và “đề cao mối quan hệ với Bắc Kinh hơn việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước áp lực ngày càng lớn trong việc bảo vệ chủ quyền và xem xét lại sự lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế.

“Họ nghĩ rằng nếu thất bại trong việc đáp ứng những yêu cầu này, tính chính danh của Đảng sẽ bị làm cho sứt mẻ”, theo tác giả.

“Dù sao đi nữa, đó cũng là một đảng được hình thành từ công cuộc chống ngoại xâm”.

Dân mạng Trung Quốc giận dữ

Ngay cả bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có một bộ phận đông đảo thân Trung Quốc

Tạp chí The Economist

Quyết định di chuyển giàn khoan của Bắc Kinh đã khiến cư dân mạng Trung Quốc phản ứng giận dữ và cho rằng điều này là do áp lực từ Hoa Kỳ, tờ Washington Post trong bài ngày 16/7 cho biết.

Một người được Washington Post dẫn lời nói quyết định này là “đáng xấu hổ”, trong khi một người khác nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc yếu ớt như loài ‘sứa biển’.

“Hay là chuyển văn phòng của Obama sang Trung Quốc?”, một người khác đặt câu hỏi.

“Có khi như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chấp nhận đề nghị của ông ta”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng quyết định di chuyển giàn khoan hoàn toàn là “mang tính thương mại” chứ không phải do áp lực từ bên ngoài.

Tân Hoa Xã hôm 16/7 dẫn thông cáo từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết nguyên nhân di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 là do mùa bão sắp bắt đầu.

Quyết định này được Bắc Kinh đưa ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED), nơi mà căng thẳng trên Biển Đông được cho là đã nằm cao trong nghị trình.

Tuy nhiên, trong bài viết trên The Diplotmat, tác giả Shannon Tiezzi cho rằng “sau hàng tháng trời bị chỉ trích, bao gồm cả những bài phát biểu nóng bỏng ở Đối thoại Shangri-La, Bắc Kinh vẫn không có chút dao động nào trong sự tính toán của mình, vì vậy khó có khả năng S&ED đã trở thành nơi quay đầu của họ”.