Lượm lặt tin 18-7-2014

Người dân Hà Nội chóng mặt với giá cả leo thang

Xăng vừa tăng giá chưa đầy một tuần lễ, tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm ở Hà Nội đều tăng vọt đến mức chóng mặt.

Theo báo Một Thế Giới, giá rau quả, thịt, thủy hải sản… ở các chợ khắp Hà Nội từ sáng ngày 16 tháng 7 đều tăng ít nhất từ 5% đến 10%. Cư dân các khu vực đi chợ Cầu Giấy, chợ Hôm, chợ Kim Liên, chợ Thành công đều than trời như bọng, vì đã phải ra bỏ ra ít nhất 25 cent cho mỗi một thứ, từ mớ rau cho đến vài trăm gram thịt.



Góc chợ bán rau quả tại Hà Nội. (Hình: báo Một Thế Giới)

Ðồng thời, các loại thực phẩm sống như thịt heo, thịt bò, thịt gà… cũng đều tăng ít nhất 50 cent mỗi kí lô. Như vậy, giá thịt heo nay lên đến 120,000 đồng, tương đương 6 đô la một kg; thịt bò khoảng 320,000 đồng, tương đương 16 đô la một kg; và thịt gà ta giá khoảng 140,000 đồng, tương đương 7 đô la một kg.

Theo một tiểu thương bán rau quả ở chợ Cầu Giấy, giá vận chuyển giờ đây đã đắt hơn giá hàng hóa vì giá xăng lên cao kỷ lục. Một người khác ở chợ Kim Liên khẳng định rằng, giá cả tăng vọt theo giá xăng đã trở thành “quy luật” của thị trường hàng hóa ở Việt Nam.

Theo ông Mạnh Hùng, chủ một sạp hải sản ở chợ Kim Liên cho hay, giới tiểu thương chẳng hề hấn gì trong tình hình trên, chỉ có người dân than trời như bọng vì túi tiền mỗi lúc một cạn dần.

Ông Mạnh Hùng nói thêm: “Tôi làm nghề mua-bán hải sản đã 5 năm nay, chưa bao giờ giá xăng tăng mà giá cả hàng hóa không tăng.”

Cũng theo báo Một Thế Giới, nỗi cay đắng vì giá cả leo thang ở Việt Nam mấy ngày qua, đặc biệt tại Hà Nội, đang đè nặng trên vai các bà nội trợ.

Bà Hoàng Thanh, cư dân quận Ðê La Thành, Hà Nội cho biết, “có bằng lòng hay không cũng thế thôi. Chẳng thay đổi được gì nên không muốn quan tâm làm gì nữa.

————————————————–

Nga bắn hạ phi cơ chiến đấu Ukraine

Phi cơ chiến đấu SU-25 của Ukraine.

Phi cơ chiến đấu SU-25 của Ukraine.

Quân đội Ukraine hôm nay thông báo một máy bay phản lực của Nga vừa bắn hạ một phi cơ chiến đấu của Ukraine ở miền Đông Ukraine giữa lúc Tổng thống Nga lên án vòng chế tài mới nhất của Mỹ đối với Moscow.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko cho hay một phi đạn từ máy bay chiến đấu của Nga đã bắn hạ chiếc Su-25 của Ukraine khi đang bay trên không phận miền Đông nước này tối hôm qua, nhưng viên phi công đã thoát thân an toàn.

Các thành phần ly khai thân Nga lên tiếng nhận trách nhiệm bắn một phi đạn trúng một máy bay Su-25 khác của Ukraine cũng tại miền Đông Ukraine trước đó trong ngày hôm qua. Phi công đã xoay sở cho máy bay hạ cánh an toàn.

Kyiv nói chiếc máy bay vận chuyển quân sự của Ukraine bị bắn rơi ở khu vực Luhansk miền Đông nước này hôm thứ hai cũng có thể là do một phi đạn từ Nga.

Cũng trong ngày hôm nay, văn phòng Tổng thống Petro Poroshenko cho hay Tổng thống đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Ukraine đáp lại các bằng chứng về việc nã pháo quân đội Ukraine từ phía lãnh thổ của Liên bang Nga.

Hôm qua, các hình ảnh video tung lên internet cho thấy cảnh các bệ phóng đa rocket Grad bắn vào lãnh thổ Ukraine từ thị trấn Gukovo gần biên giới của Nga với Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, hôm nay tuyên bố vòng trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ nhắm vào Nga sẽ làm đình trệ các quan hệ song phương và tác hại đến các doanh nghiệp của cả hai nước.

Lời phát biểu trên truyền hình được ông Putin đưa ra nhân chuyến thăm Brazil, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo các biện pháp chế tài mới đối với các ngân hàng và các công ty năng lượng của Nga đáp lại sự ủng hộ của Nga dành cho phong trào nổi dậy ly khai thân Nga ở Ukraine.

Ông Putin nói: “Các biện pháp chế tài này có hiệu ứng ngược và dĩ nhiên sẽ đẩy các quan hệ Mỹ-Nga tới ngõ cụt, gây ra các thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Tôi tin chắc là nó cũng làm tổn hại đến các lợi ích chiến lược quốc gia lâu dài của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.”

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga sẽ không chấp nhận sự hăm dọa từ Mỹ và có quyền có biện pháp trả đũa.

Về gói chế tài Nga, phát biểu hôm thứ tư tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ nói ông đã nhiều lần thúc giục Moscow có các bước xoa dịu khủng hoảng Ukraine và rằng cho tới nay Nga vẫn không đáp ứng bất kỳ khuyến nghị nào của Hoa Kỳ.

Một thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho hay các biện pháp trừng phạt mới nhất ngăn cấm các khoản tài chính từ Hoa Kỳ cho hai công ty quốc doanh lớn của Nga là công ty sản xuất khí đốt Novatek và công ty dầu Rosneft. Hai công ty này cũng bị hạn chế tiếp cận các thị trường vốn.

4 quan chức cao cấp của Nga bao gồm Chủ tịch Quốc hội cũng bị nhắm mục tiêu trong gói trừng phạt mới này.

Thêm vào đó, các biện pháp chế tài cũng nhắm vào 8 xưởng vũ khí của Nga sản xuất hàng loạt các loại vũ khí bao gồm các loại vũ khí nhỏ, đạn súng cối và xe tăng.

Gói chế tài cũng nhắm tới một xưởng đóng tàu chính ở bán đảo Crimea.

Lực lượng Nga chiếm đóng phần lãnh thổ này của Ukraine trước đây trong năm, sau đó Quốc hội Nga bỏ phiếu sáp nhập bán đảo này bất chấp phản đối từ Kyive và gần như toàn bộ các chính phủ phương Tây.

Tại Brussels (Bỉ) hôm thứ tư, Liên hiệp Châu Âu cũng tìm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga bao gồm một lệnh cấm Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, nơi cấp tài chính cho các dự án trong lĩnh vực công của Nga, không được cấp các khoản vay mới cho Nga.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí yêu cầu Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu ngưng các khoản vay mới cho Nga.

Bộ Ngoại giao Nga hôm nay tố cáo Liên hiệp Châu Âu chịu áp lực từ Mỹ ban hành các chế tài đối với Nga.

 

Lê Công Định – Hệ thống tư pháp phải xem trọng vấn đề bảo vệ tự do cá nhân, hơn là bỏ lọt sót tội phạm Tư tưởng triết học Pháp luật

Lê Công Định
 ju

Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh: “Tòa xử án phải không gây oan sai cho ai, không bỏ lọt sót tội phạm và không có anh Hai, anh Ba, anh Tư nào hết”.Nhân đây xin phân tích ngắn gọn một quan niệm sai lầm về hình luật vẫn được duy trì trong hệ thống luật pháp Việt Nam từ 1945 ở miền Bắc và từ 1975 trên cả nước.

Hình luật tại hầu hết các quốc gia đều xem trọng vấn đề bảo vệ tự do cá nhân, hơn là bỏ lọt sót tội phạm.

Bảo vệ tự do cá nhân đòi hỏi quy trình buộc tội phải tuân thủ một thể thức luật định nghiêm ngặt, tuyệt đối loại bỏ mọi khả năng thiên vị về phía hoặc áp đặt từ phía công quyền. Chứng cứ buộc tội phải minh bạch về hành vi phạm pháp và không dung nạp bất kỳ sự suy đoán theo hướng có tội hoặc bất lợi nào cho bị can và bị cáo. Luật sư thủ giữ một vai trò thiết yếu, có tiếng nói tương đương bất kỳ cơ quan tố tụng nào, từ điều tra, truy tố đến xét xử.

Chứng cứ buộc tội phải được thách thức công khai tại một phiên tòa, trong đó thẩm phán chỉ giữ vai trò chủ tọa, chứ không có quyền nhận định và kết luận bị cáo có hay không có tội. Bồi thẩm đoàn tuy không can thiệp vào tiến trình xét xử tại tòa, nhưng được quyền quyết định có hay không có hành vi phạm tội sau khi lắng nghe luật sư và công tố viên tranh luận không giới hạn về chứng cứ. Nếu chứng cứ không rõ ràng, dứt khoát không kết tội, dù nhiều có nhiều tình tiết khả nghi cao. Nếu bồi thẩm đoàn biểu quyết xác định bị cáo có tội trên cơ sở chứng cứ minh bạch, thẩm phán sẽ lượng định hình phạt theo luật.

Ngược lại quan niệm tôn trọng tự do cá nhân, chủ đích không bỏ lọt sót tội phạm sẽ dẫn đến một số tình trạng thường thấy ngày nay ở Việt Nam: tra tấn nghi can tại đồn công an khi phát hiện hành vi phạm pháp; giam giữ vô thời hạn vì không tìm được chứng cứ; suy đoán theo hướng có tội, thay vì vô tội; cản trở và hạ thấp vai trò của luật sư khi tham gia điều tra và biện hộ tại tòa; chú trọng “án tại hồ sơ” hơn là tranh luận tại phiên tòa công khai; viết án sẵn và xin ý kiến chỉ đạo xét xử từ tòa cấp trên hoặc ban nội chính của đảng bộ địa phương; v.v… và v.v…

Một khi đặt mục tiêu không bỏ lọt sót tội phạm, làm sao có thể giảm tình trạng gây oan sai cho công dân? Đặt hai mục tiêu này ngang nhau, đương nhiên cơ quan tố tụng sẽ thiên về phía không bỏ lọt sót tội phạm và mãi mãi gây oan sai cho người vô tội như đang diễn ra hàng ngày. Cải cách tư pháp cần phải có cái nhìn thoát hẳn lối mòn suy nghĩ của các quan chức ngành tư pháp hiện nay. Tự do cá nhân phải được thượng tôn thì may ra công lý mới có thể đạt được như mong ước của Chủ tịch nước.

Đằng sau sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan

Việt-Long – RFA
protest-agst-china

Người dân Huế biểu tình chống Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981

Courtesy of tuoitrenews.com May 11,2014

Lâu lắm chúng ta mới có một đề tài thích thú, là việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi lãnh hải đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Có điều gì đáng chú ý nhất quanh tin này?

Lý do thô thiển

Trước hết, Trung Quốc đã kéo giàn khoan bất hợp pháp này ra khỏi lãnh hải chủ quyền của Việt Nam trước thời hạn họ đặt ra là 15 tháng 8. Trung Quốc nói vì lý do bão tố, nhưng lý do đó không đứng vững vì giàn khoan nước sâu như vậy đã được thiết kế để chống mọi loại bão tố dù có mạnh hơn bão Thần Sấm vừa tàn phá Philippines.

Trung Quốc lại nói đã hoàn thành kế hoạch thăm dò và tìm thấy có nguyên liệu ở dưới thềm lục địa, nên kéo giàn khoan ra để phân tích các dữ liệu đã thu thập được, hầu chuẩn bị giai đoạn kế tiếp. Lý do này mới nghe có vẻ hợp lý, nhưng vẫn không phải lý do thực sự, bởi vì nhiều chuyên gia quốc tế về khai thác dầu khí đã cho biết khu vực đó không có nguyên liệu, nếu có thì trữ lựong cũng không đáng khai thác, và Trung Quốc hiển nhiên phải biết trước về điều này, nhưng vẫn đem đặt giàn khoan vào đó.

Trung Quốc đã biết nhưng vẫn đem giàn khoan đến đặt. Lý do là, như chúng ta đã nói trên diễn đàn này, Trung Quốc làm như thế vì lý do chính trị hơn là kinh tế hay vì nhu cầu nguyên liệu. Trung Quốc chỉ thực hiện lời tuyên bố huênh hoang rằng những giàn khoan nước sâu của họ đặt ở đâu thì chủ quyền lãnh hải của họ lấn tới đó. Nói cách khác Bắc Kinh chỉ nhằm xác định chủ quyền bất hợp pháp của họ trên vùng lãnh hải thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Nghị quyết của Hoa Kỳ? Thoả thuận ngầm với Việt Nam?

Một điểm khác nữa, một dữ kiện mà người ta chưa kết luận được đó là một sự trùng hợp hay tiền đề của một hệ quả, đó là Trung Quốc kéo giàn khoan này ra khỏi lãnh hải Việt Nam sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng cho biển Đông. Và nghị quyết được công bố sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không thành công về giải pháp cho vấn đề tranh chấp biển Đông trong hội nghị Đối thoại chiến lược và kinh tế ở Bắc Kinh. Liệu trong hội nghị Đối thoại chiến lược đó đã có sự sắp xếp để đưa tới việc kéo lui giàn khoan HD-981 chăng?

Câu trả lời là không. Nếu có sự sắp xếp thì quốc hội Hoa Kỳ đã không phải ra nghị quyết. Quốc hội Mỹ chỉ ra nghị quyết để đòi hỏi một điều gì mà hành pháp đã không đòi hỏi được trong một cuộc thương thảo với một quốc gia nào đó. Thêm nữa, Hoa Kỳ xưa nay không có thông lệ giả vờ nói có thành không, nói không là có trong thông cáo chung với một quốc gia khác. Đó là uy tín và thể diện quốc tế của người Mỹ.

Vậy thì Trung Quốc kéo giàn khoan đi có phải là theo thỏa thuận với Việt Nam? Theo thỏa thuận như vậy nghĩa là Việt Nam đã chịu nhượng bộ một điều nào đó chăng? Hay là Việt Nam đã hứa hẹn không liên minh với nước khác để chống Trung Quốc?

hd-981-n-fleet
Giàn khoan HD-981 với đoàn tàu Trung Quốc bảo vệ, gây hấn – Courtesy of worldnews.com

Không thể trả lời được những câu hỏi suy luận, mà phải có dữ kiện thực tế và chính xác, được nhiều nguồn độc lập xác định thì mới có thể kết luận, tuy rằng câu hỏi nêu một giả thuyết có cơ sở luận lý. Khi loại trừ lý do là từ phía Mỹ, thì nhìn diễn tiến phản ứng mềm yếu chờ thời của Việt Nam, người ta thường có suy nghĩ như đã nói.  Thêm vào đó, trên diễn đàn này, khi phân tích thái độ hòa hoãn của Việt Nam thể hiện qua lời phát biểu cầu hòa của đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng, tại hội nghị Đối thoại Shangri-La, diễn đàn từng nói đại ý là “Việt Nam có thể đang cố thể hiện lập trường hoà bình, hòa hoãn, để chờ đến thời hạn giữa tháng 8 là lúc Trung Quốc nói sẽ kéo giàn khoan đi khỏi nơi đang khai thác, vì đã cầu hòa thì phải nói chuyện hoà bình”. Sau đó Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng trong lúc dư luận của người Việt trong và ngoài nước chỉ trích dữ dội lời phát biểu cầu hòa của đại tướng Phùng Quang Thanh. Chỉ có một lần Thủ tướng Dũng phát biểu trong nội bộ, với cử tri Hải Phòng hôm 2 tháng 7, nguyên văn là “Trung Quốc bất chấp đạo lý cũng như thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, đã ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, và Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện Trung Quốc.

Thở phào… nửa hơi

Rồi đến hôm nay, hẳn nhiên Hà Nội phải thở phào một cái khi sự chờ đợi nhẫn nhục đó đưa đến kết quả mong muốn. Thở phào được trong lúc này, người ta vẫn không khỏi lo xa cho tương lai. Liệu Trung Quốc sẽ rút lui vĩnh viễn việc đặt giàn khoan bất  hợp pháp trong lãnh hải biển Đông không?

Đó đúng là mối lo của tất cả mọi người Việt.  Trung Quốc chỉ tạm lui một bước là vì phản ứng dữ dội của nhiều quốc gia trước hết là Việt Nam rồi đến Mỹ, Nhật, Philippines… kế đó là vì nguy cơ Hà Nội buộc lòng phải tách khỏi “sư phụ” Bắc Kinh quá tàn ác để bắt tay làm bạn và nhờ vả vào Mỹ hay Nhật, Úc, hay tất cả các nước tự do. Bắc Kinh có thể không muốn mất hẳn một nước bạn tối quan trọng về phương diện địa chính trị ở cửa ngõ phía nam lục địa.

Khi Việt Nam quyết tâm thực sự khởi kiện Trung Quốc trước các toà quốc tế là lúc Việt Nam dứt khoát cắt đứt mối quan hệ ức hiếp với xứ đàn anh khổng lồ. Bắc Kinh không muốn dồn một đối thủ vào chân tường để họ phải phá tường nhảy ra khỏi vòng kiềm toả.  Trong khi đó hầu như không có một nước nào trên thế giới lên tiếng ủng hộ việc làm sai trái của Bắc Kinh, mà xung quanh lục địa Trung Hoa chỉ thấy toàn đối thủ. Thứ tư 16 tháng 7 lại có thêm Liên minh Nghị viện Pháp ngữ thông qua nghị quyết về vấn đề biển Đông, lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy Bắc Kinh tìm giải pháp hoà bình với Hà Nội.

Nhưng tạm lui một bước nghĩa là sẽ tiến hai ba bước. Chúng ta nhớ rằng dã tâm của Trung Quốc là chiếm trọn biển Đông vì đó là địa bàn sinh tử đối với công cuộc phát triển của họ. Trung Quốc sẽ chưa thôi thực hiện dã tâm đó, bằng mọi cách, khi cứng khi mềm, cho đến khi gặp phải phản ứng quân sự của Mỹ hay của Nhật, hay cả liên minh Mỹ Nhật Úc Ấn sẵn sàng đại chiến, thì mới chịu bỏ tham vọng hỗn hào.

Sau khi dừng bước tiến để điều nghiên tình thế, thăm dò phản ứng, vận động và lũng đoạn nội bộ đối phưong, đem quyền lợi nhử mồi phe thân Hoa, tiêu diệt thành phần chống Hoa, Bắc Kinh sẽ thực hiện bước kế tiếp.  Và có thể trước khi hoàn thành kế hoạch vừa nói, Trung Quốc sẽ bất ngờ đem đặt những giàn khoan khác ở tận lãnh hải Trường Sa là vùng không có mối liên hệ địa lý nào với lục địa Trung Hoa.

Không quên cảnh giác

Dù sao đến nay nhiều người Việt đã có thể thở phào một nửa hơi, còn nửa hơi vẫn phải cầm lại để chờ. Thở phào được nửa hơi sau khi người ta nín thở chờ xem Hà Nội có hoan nghênh hay ca ngợi hành động này của Bắc Kinh hay không, nhưng may là đến nay, đêm thứ năm 17 tháng 7, 2014, vẫn chưa có nhà lãnh đạo nào của Việt Nam đồng thanh xướng ca những câu “16 chữ vàng bốn tốt” ngô nghê chỉ làm xấu hổ!

Nguợc lại, chính quyền Việt Nam đã có phản ứng thích đáng trước việc Trung Quốc kéo giàn khoan dời đi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp chính phủ tuyên bố yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam. Bộ ngoại giao đồng thanh tuyên bố tương tự.  Vậy là có thể thở phào hết một hơi vào giây phút hiện nay, để tiếp tục hồi hộp đề phòng Trung Quốc sắp tiến lên hai ba bước.

Đề phòng thì phải làm gì? Việt Nam phải thực sự đoàn kết và tiến hành các vụ kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế, mà đừng sợ thua kiện vì bất kỳ lý do nào. Đừng để đối phương dỗ ngọt, hoãn binh hầu tấn công chính trị vào nội bộ giới lãnh đạo của mình. Thêm vào đó, tiếp tục tăng cường quân lực.

@rfa

Trung Quốc rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981: Thắng lợi của Việt Nam?

Nguyên Thọ, cộng tác viên Dân Luận
Sáng ngày 16/7/2014, China đã rút toàn bộ tàu cá, tàu hộ tống lẫn giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và trở về đảo Hải Nam sau 73 ngày xâm phạm. Nguyên nhân nào của việc rút chạy hàng loạt này? Cơn bão Thần sấm (Rammasun) sắp đến, hay những sức ép từ phía Mỹ, biện pháp đấu tranh “mềm dẻo” của Việt Nam đã có kết quả?

Thắng lợi của Việt Nam?

Tràn ngập khắp các mặt báo điện tử online của Việt Nam miêu tả: sự rút đi của Trung Quốc (TQ) lần này là do sự kiên trì của các lực lượng thực thi pháp luật như Kiểm ngư, Cảnh sát biển, cùng sự đấu tranh về mặt ngoại giao khắp các “mặt trận”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định: Nếu TQ rút giàn khoan trước thời gian mà họ đã ngang ngược tuyên bố là 15/8 thì đó không phải là vì cơn bão. Bởi lẽ giàn khoan này đã được thiết kế để chịu đựng “siêu bão”. Cho nên cơn bão chỉ là cái cớ để họ nói với thiên hạ. Đây là sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Đây là một phát biểu thiếu hiểu biết của một người mang danh là tướng!

* Đầu tiên, thiết kế của giàn khoan chỉ chịu được bão cấp 12, nhưng thực tế cơn bão “Thần Sấm” trên cấp 13, gió giật 200km/h, khi đi qua Philippines đã tàn phá nặng nề với 11 người chết. Khi cơn bão đi qua, không ai bảo đảm được các thiết bị đắt tiền trên boong giàn khoan sẽ còn nguyên vẹn và tính mạng của những chuyên gia dầu khí được an toàn.

* Thứ hai để duy trì giàn khoan trên vùng biển “có tranh chấp” cần một đội tàu hộ tống hùng hậu, không ai dại để cả tỷ đô ngoài biển rồi bỏ chạy vào bờ (trừ khi là chân đế cố định, người ta sẽ shutdown giàn rồi sơ tán người); hoặc để lại giàn khoan cùng những chiếc tàu hộ tống cho sóng bão vùi dập?!

* Thứ ba, Việt Nam hoàn toàn không có một “cuộc chiến pháp lý” đúng nghĩa với TQ. Trong việc này TQ tỏ ra là một nước lớn và áp dụng đúng chiêu sách “Tiên hạ thủ vi cường”, khi Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh đã gửi ‘thư bày tỏ lập trường’ của họ về hoạt động của giàn khoan Haiyang Shiyoy 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm 9/6, và yêu cầu người đứng đầu tổ chức này cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng. TQ đã lớn tiếng vu cáo Việt Nam xâm phạm chủ quyền, cản trợ hoạt động thăm dò dầu khí bình thường của nước này và kích động bạo loạn khiến 4 công nhân tử vong.

Thực tế

Hơn 2 tháng qua, trên vùng biển Hoàng Sa nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981, đội tàu Việt Nam chỉ có các nhiệm vụ sau đây:

– Tuyên truyền pháp luật bằng các loại loa công suất lớn, ban đầu là tiếng Việt sau khá hơn bổ sung thêm tiếng anh và tiếng TQ.

– Cơ động vòng tránh những cú đâm va, tiến vào sâu nhất đến mức có thể. Kết quả là chỉ một lần duy nhất tàu kiểm ngư của Việt Nam lọt vào đến vị trí cách giàn khoan 4 hải lý. Những ngày còn lại tàu Việt Nam bị đẩy đuổi với khoảng cách trên 10 hải lý!

– Cho phép những phóng viên trong nước và quốc tế đi theo tàu, thông tin về sự vi phạm trắng trợn, ngông cuồng của TQ đến các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế. Đây có thể được coi là điểm sáng duy nhất của “lực lượng chấp pháp” này!

Kết quả thực sự là gì?

Việt Nam buộc phải bồi thường cho Formosa và các công ty khác cả triệu đôla Mỹ, khi kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, châm ngòi cho biểu tình bạo động không thể kiểm soát của công nhân với danh nghĩa “chống TQ” trong những ngày đầu TQ kéo giàn khoan vào thăm dò.

“Trong 75 ngày đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 có 27 tàu kiểm ngư bị đâm va hư hỏng, 15 kiểm ngư viên bị thương khi bị các tàu Trung Quốc tấn công.

Thông tin do ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết chiều nay 16.7 trong cuộc trao đổi với báo chí trước hành động Trung Quốc di chuyển giàn khoan Haiyang 981 về phía đảo Hải Nam.”

Thiệt hại là rõ ràng khi phía VN không có hành động kháng cự nào khả dĩ trước sự táo tợn của đội tàu Trung Quốc. Chiếc lược ban đầu Trung Quốc chỉ dùng các tàu kiểm ngư đâm va tàu Việt Nam, nhưng những chiếc mũi tàu không được thiết kế để làm việc này nên dẫn đến hư hại. Sau đó TQ chuyển sang dùng vòi rồng công suất lớn, nhưng chỉ hiệu quả với tàu kiểm ngư, vì có những tấm kính mỏng manh mà thôi. Cuối cùng, TQ sử dụng đội tàu kéo với thiết kế tàu có tốc độ cao để đâm va, đặc điểm tàu này là thiết kế mũi chắc chắn, tránh thiệt hại khi đâm tàu khác. Tàu kéo Việt Nam không thiếu, thậm chí còn dư dả và hiện đại với các đội tàu kéo của PTSC, VietsovPetro… hay những con tàu kéo CSB, kiểm ngư… Ấy vậy mà họ bỏ xó khiến hình ảnh “chấp pháp” của VN méo mó lệch lạc, không khác gì chuột đâm đầu vào giành miếng ăn của mèo!

Trên hết Trung Quốc khẳng định được yêu sách chủ quyền 9 đoạn (hay 10 đoạn) của đường lưỡi bò là rõ ràng, không nói suông. TQ có thể tốn kém hàng chục triệu đô la để duy trì hoạt động của giàn khoan cùng đội tàu hộ tống, nhưng đã có một khoản “hời” khi gửi thành công lời tuyên bố đanh thép đến các nước có tranh chấp chủ quyền: Nói được, làm được! TQ còn thành công khi biến vùng biển không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, hướng sự chú ý của toàn đất nước đến sự tranh chấp chủ quyền này, mà tạm quên đi những bất ổn từ bên trong nội bộ TQ hay khu vực Nội Mông Tân Cương.

Tương lai cho Việt Nam

Nói đi cũng phải nói lại, Haiyang Shiyou 981 là “mảnh xương cá” khá sắc chẹn cổ họng, làm cho nhà cầm quyền VN phải xem xét lại toàn bộ chính sách đối với TQ từ trước đến nay:

– Biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa được thoải mái tuôn tràn trên các mặt báo và truyền hình dù thời điểm này mấy năm trước vẫn còn là vấn đề nhạy cảm.

– Những cựu chiến binh chống Tàu mặt trận Vị Xuyên đã được biết đến và vinh danh bởi Chủ tịch Sang.

– Các hội đoàn Xã hội dân sự đã ngồi cùng với nhau thảo một bản tuyên bố chung về vấn đề giàn khoan Haiyang Shiyou 981, việc mà trước đây chưa từng có tiền lệ.

Trong lúc này báo chí Việt Nam đang ca ngợi “chiến thắng thần thánh” của VN khi buộc TQ phải rút giàn khoan vô điều kiện! Việt Nam một lần nữa hãy tự nhìn lại mình và đánh giá đâu là thực chất của vấn đề?!

TQ chế tạo ra 4,5 giàn khoan nước sâu không phải để làm trò chơi, mà chiếc lược bành trướng xuống phía Nam lại rõ ràng. Còn tiếp tục sử dụng chính sách “đu dây” thì Việt Nam còn chịu tổn thất lòng tin đối với Mỹ và các nước khác. Sẽ chẳng có ai bênh vực với một nước vi phạm nhân quyền, dối trá-sáng đi với TQ, trưa bắt tay Nga và tối thì đi đêm với Mỹ!