Lượm lặt tin 15-7-14

Phi cơ TQ ‘lướt xuống gần tàu VN’

Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng vì vụ giàn khoan

Truyền thông Việt Nam đồng loạt trích nguồn từ Cục Kiểm ngư Việt Nam nói rằng hôm 12/7, Trung Quốc cho một phi cơ do thám quần thảo trên khu vực các tàu thuyền Việt Nam hoạt động gần giàn khoan Hải Dương-981.

Các báo, gồm cả Thông tấn xã Việt Nam, đều nhấn mạnh rằng “đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Vì thế, cũng có trang chạy tin nói “phi cơ Trung Quốc bay vào không phận Việt Nam”.

Vẫn theo các nguồn tin này, từ 7 giờ 40 đến 9 giờ sáng 12/7, một máy bay cánh bằng của Trung Quốc đã quần thảo bốn vòng ở độ cao 200-300 m phía trên khu vực các tàu Việt Nam “đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền”.

Có báo nói chiếc phi cơ Trung Quốc còn hạ xuống thấp ở độ cao chỉ 500 mét trước khi bay đi.

Theo trang Người Lao Động, khi đó, “các tàu cá của Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tổ chức đánh bắt thủy sản ở Tây-Tây Nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 (của Trung Quốc) khoảng 42-45 hải lý.

Cùng lúc, vẫn theo các nguồn Việt Nam tại khu vực này có “các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc được sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh, một tàu dịch vụ hậu cần”.

Các tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc “ép hướng, ngăn cản không cho tiếp cận vào gần giàn khoan 981 để khai thác thủy sản”.

Thông Tấn Xã Việt Nam nói hôm 14/7, Trung Quốc “vẫn duy trì số lượng lớn 108-112 các loại tàu bảo vệ quanh giàn khoan”.

Căng thẳng ở Biển Đông tăng lên cao sau khi tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc cho giàn khoan 981 đến đóng tại vùng phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc hiện chiếm giữ và gọi là Tây Sa.

————————————————–

Du lịch Việt Nam muốn miễn visa du khách Bắc Mỹ và một số nước

Tổng Cục Du Lịch Việt Nam đề nghị đơn phương miễn visa cho du khách Bắc Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Hồng Kông, Đài Loan và kéo dài thời gian miễn visa cho du khách bảy quốc gia khác.

Du khách làm thủ tục nhập cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Việt Nam hiện đã thực hiện đơn phương miễn visa trong vòng 15 ngày cho công dân Nga, Nhật, Nam Hàn, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển. Tổng Cục Du Lịch Việt Nam đề nghị tăng thời gian cư trú không cần visa cho công dân bảy quốc gia này lên thành 30 ngày.

Tổng Cục Du Lịch Việt Nam còn đề nghị cải tiến quy trình cấp visa tại cửa khẩu và nghiên cứu việc cấp visa điện tử. Những đề nghị vừa kể được đưa ra tại cuộc họp của Hội Đồng Tư Vấn Du Lịch. Hội đồng này bao gồm một số viên chức ngành du lịch, thương mại, Phòng Thương Mại Châu Âu, lãnh đạo một số công ty du lịch, vận tải, khách sạn.

Theo Tổng Cục Du Lịch, những đề nghị liên quan tới visa nhằm giúp ngành du lịch vượt qua những khó khăn hiện tại, duy trì mức độ tăng trưởng trong hai năm tới. Tháng trước, trong cuộc đối thoại giữa đại diện chính quyền Việt Nam với  cộng đồng doanh nghiệp, nhóm công tác du lịch thuộc Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam cũng đã đưa ra những đề nghị tương tự.

Vào thời điểm đó, Tổng Cục Thống kê cho biết, lượng du khách đến Việt Nam trong Tháng Sáu giảm rất mạnh. Trong khi đó, lượng du khách Trung Quốc và du khách các quốc gia khác vào Việt Nam qua các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc giảm một nửa so với Tháng Năm.

Nhóm công tác du lịch thuộc Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam nhận định, những cuộc bạo động liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch trong Tháng Sáu mà sẽ còn kéo dài.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do nhóm này thực hiện tại 18 khách sạn ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam thì tổng số đêm nghỉ khách sạn bị hủy cho đến Tháng Bảy là khoảng 15,000 và tổng số tiền bị tổn thất tương đương $1.8 triệu.

Bị ảnh hưởng nặng nhất là các khách sạn ở miền Nam (có tới 40% tổng số đơn đặt phòng bị hủy, mất 39% tổng doanh thu trong giai đoạn từ Tháng Năm đến Tháng Bảy). Một số khách sạn cho biết, số lượng đơn đặt phòng tiếp tục bị hủy đến tận Tháng Chín. Một sân golf ở miền Trung Việt Nam đã bị hủy 500 lượt đơn đặt hàng, tổn thất khoảng $50,000.

Những thiệt hại vừa đề cập, xảy ra ngay vào thời điểm ngành du lịch Việt Nam đang có một số chuyển biến tích cực. Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho biết, dù lượng du khách của Tháng Sáu giảm đáng kê so với Tháng Năm, nhưng nếu tính trên tổng số, lượng du khách quốc tế trong sáu tháng đầu năm nay vẫn tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhóm công tác du lịch, trong bốn tháng đầu năm 2014, giai đoạn chưa xảy ra các cuộc bạo động, số du khách đến Việt Nam tăng 27% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó có hơn 800,000 du khách đến từ Hồng Kông và Trung Quốc.

Nhóm này nhận định, công dân các quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Hồng Kông, Đài Loan, sẽ đem lại doanh thu lớn cho du lịch Việt Nam. Cũng vì vậy, họ đề nghị ngoài việc miễn visa, Việt Nam nên kéo dài thời gian cho phép cư trú không cần visa đến 30 ngày.

Năm ngoái, ngành du lịch Việt Nam đã đóng góp 150 ngàn tỉ đồng, tương đương 4% GDP. Cũng vì vậy, kể từ giữa Tháng Ba năm nay, Việt Nam bắt đầu tăng thời gian cư trú không cần visa cho du khách tất cả các quốc gia đến đảo Phú Quốc lên 30 ngày. Việt Nam từng thử nghiệm việc miễn visa cho du khách tất cả các quốc gia đến đảo Phú Quốc từ năm 2005 nhưng khống chế thời gian cư trú không cần visa trong vòng 15 ngày.

—————————————————————–

New York: Người Hoa mặc đồ thầy tu đi xin tiền

NEW YORK (NV) – Tại Times Square, trung tâm sầm uất của thành phố New York, chen lẫn giữa những người kiếm tiền lẻ tại nơi khách bộ hành trong trang phục của Mickey Mouse, Elmo, hay Superman, nay xuất hiện thêm những nhân vật mới trong chiếc áo cà sa, theo tin của New York Times.

(Hình minh họa: Mike Clarke/AFP/Getty Images)

Họ hầu hết là người Hoa, đầu cạo trọc, miệng nở nụ cười trong chiếc áo thầy tu màu cam, nhưng có khi có cả màu xám hoặc nâu.

Bài bản của họ là chúc bình an và phân phát bùa chú. Họ xin tiền cúng dường của người qua đường, thậm chí còn trưng hình ảnh ngôi chùa cần xây cất.

Không những thế, họ còn mở sổ cho xem tên những người đã ký vào quỹ hiến tặng, và chỉ cho thấy số tiền những người đó cho.

Theo báo NYT, họ trông có vẻ là các nhà sư Phật Giáo, ngoài ra cũng có một số nhỏ phụ nữ với y phục tương tự nhưng nói là nữ tu đạo Lão.

Không ai có thể biết rõ họ là ai và từ đâu tới. Cảnh sát cũng làm ngơ mà chỉ can thiệp khi nào họ trở nên hung hăng.

Khi một số Phật tử đối chất với họ, hỏi họ thuộc tăng đoàn nào và cả về giáo lý của Phật pháp, thì họ hoặc là im lặng hoặc bỏ đi nơi khác.

Bình thường, người ta làm trò mua vui thiên hạ để ai muốn cho bao nhiêu thì cho, nhưng những người này hỏi xin tiền một cách xông xáo hơn.

Họ chìa bùa hoặc vòng đeo tay ra tặng để hỏi tiền bố thí, nếu không thỏa mãn với số tiền hiến tặng, họ đòi thẳng $20 trở lên.

Trong năm nay, cảnh sát New York đã bắt giữ ít nhất chín người tự xưng là tu sĩ Phật Giáo, hầu hết về hành vi đòi tiền một cách hung tợn hoặc bán đồ không có giấy phép.

 

Nghị quyết 412: có lạc quan quá sớm?

Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington.

Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA /RFA
2014-07-14

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày một lấn lướt trên Biển Đông Thượng viện Mỹ đã ra nghị quyết với số phiếu tuyệt đối yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981, giữ nguyên hiện trạng và không được cản trở lưu thông hàng hải đã khiến một bầu không khí lạc quan bao trùm đối với người quan tâm đến vấn đề này. Mặc Lâm phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy khoa bang giao quốc tế tại đại học George Madison để tìm hiểu thêm vấn đề sau đây:

Mặc Lâm: Thưa Giáo sư vừa qua Thượng Viện Hoa Kỳ đã ra nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông mà không ít người lạc quan cho là Quốc hội Hoa Kỳ chính thức ủng hộ các nước tranh chấp trong đó có Việt Nam. Ông có lạc quan không trước nội dung của nghị quyết này?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không lạc quan bởi vì nếu mình đọc kỹ nghị quyết của Thượng Viện thì mình thấy nó không thay đổi gì cả. Tất cả những điều nói trong nghị quyết thì hành pháp đã làm rồi. Thí dụ như ổng (Thượng viện) chỉ trích Trung Quốc về đường chín đoạn. Chỉ trích Trung Quốc dùng võ lực hay dùng cách cưỡng chế và tìm cách thay đổi nguyên trạng. Ông ấy chỉ trích Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông rồi lại nói trong đó ông ấy có quyền lợi việc tự do lưu thông trên đường biển nhưng ông ấy không có lập trường gì trong việc tranh chấp cả. Ông ấy muốn đứng giữa và nói mình có quyền lợi trong việc đang xảy ra, nhất là cách giải quyết tranh chấp. Ông ấy muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa bình chứ không phải võ lực.

Riêng trong trường hợp của Nhật thì ổng không nói là ổng trung lập được mà phải nói rằng đảo Senkaku do Nhật quản lý và hiệp ước chung Mỹ Nhật áp dụng cho những trường hợp này và Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ những nơi mà Nhật quản lý. Trường hợp này đảo Senkaku do Nhật quản lý và nếu Trung Quốc tấn công thì ông ấy can thiệp ngay lập tứcGS Nguyễn Mạnh Hùng

Bây giờ về cái cách ông ấy muốn gì thì mình thấy ổng muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, bằng luật quốc tế, bằng trọng tài quốc tế bằng phát triển phương cách đối xử chung. Ông ấy muốn phát triển đối tác với các nước Á châu, tìm cách tăng cường phòng thủ của các đối tác. Ông ấy ủng hộ sự tiếp tục hiện diện của quân sự Mỹ và vùng Thái Bình Dương.

Tất cả các điều này thì hành pháp Mỹ đã làm rồi, ông ấy không thêm gì cả. Nếu có thêm, có giá trị nào đó thì thể hiện rằng Mỹ hiện nay đang có một đồng thuận trong các cấp lãnh đạo về chính sách ở Biển Đông mặc dù hiện nay đang có phân hóa trầm trọng giữa hai đảng. Quốc hội nói ủng hộ thì chỉ có thế thôi, không có gì mới.

Mặc Lâm: Có phải do Quốc hội Mỹ không chịu phê chuẩn luật biển quốc tế UNCLOS 1982 nên mọi lên tiếng của họ xem ra khó thuyết phục các nước đã ký tên vào đấy, đặc biệt là Trung Quốc?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Ông ấy không phê chuẩn cái luật biển quốc tế thì ông ấy không có tư cách chính thống để làm việc đó. Hai nữa là ổng muốn củng cố hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ và muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các nước Á châu. Việc các nước Á châu muốn là phát triển hơn qua Hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mà muốn như vậy thì Quốc hội Mỹ phải biểu quyết đạo luật người ta gọi là Fast Track Authority bây giờ gọi là Track Promotion Authority, luật này Quốc hội đã biểu quyết cho Tổng thống Bush rồi nhưng đến ông Obama thì Quốc hội không chịu biểu quyết rộng rãi để ông ấy có quyền rộng rãi hơn trong việc điều đình việc kết ước. Hai điều này tôi thấy rất quan trọng thì ổng không làm!

Mặc Lâm: Trước các hành động đơn phương áp đặt sức mạnh quân sự trên toàn bộ khu vực của Trung Quốc thì Việt Nam phải tìm một chỗ dựa cho mình. Theo Giáo sư nếu không còn lối thoát nào khác buộc Việt Nam phải lên tiếng nhờ Mỹ bảo hộ để tránh sự hiếp đáp của Trung Quốc, trong trường hợp ấy theo ông thì việc gì sẽ xảy ra?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không thấy Việt Nam đưa đề nghị nào nhờ Mỹ bảo hộ cả. Quyền lợi của Mỹ ở đâu mà có thề bảo hộ khơi khơi một nước không phải là đồng minh của mình? Ngay Phi Luật Tân mà họ còn đòi Mỹ lên đòi Mỹ xuống buộc Mỹ phải cam kết là anh có công nhận là có hiệp ước đó không và anh có tôn trọng không? Họ gọi ông đại sứ Mỹ đến và ông đại sứ phải nói là đồng ý, nước Nhật cũng thế.

Việt Nam không có hiệp ước gì cả mà muốn điều đình ký một Hiệp ước liên minh cũng phải kín và thương thuyết lâu dài lắm chứ không phải một sớm một chiều mà thành được đâu.

Mặc Lâm: Không thể kêu gọi Mỹ nhanh chóng vào cuộc giúp cho mình và đơn thân độc mã như vậy liệu Việt Nam phải làm gì trước sự áp đặt của Bắc Kinh?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trong trường hợp thông thường mình bị một nước lớn mà nó áp đặt mình như thế thì có hai cách, một là mình nhân nhượng nó hai là nếu không nhân nhượng thì phải có hai việc, tự mình mình phải khỏe đã, mà khỏe có nghĩa là trong nước mình phải đoàn kết với nhau.

Mặc Lâm: Nhưng Giáo sư cũng biết Việt Nam đang bị lên án là đã tỏ ra nhường nhịn vượt sự cho phép qua rất nhiều sự kiện, không lẽ cứ nhường nhịn mãi cho tới khi mất tất cả?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nói là những cái khả năng có thể làm, nghĩa là possible solutions, khả thể thôi chứ tôi không khuyên họ phải nhường nhịn. Cái đó không có phải nói rõ để tránh hiểu lầm tôi không khuyên nhường nhịn, nếu mà thua thì phải nhường nhịn thôi. Nều mình không chịu nhường nhịn thì mình có nhiều giải pháp khác chứ.

Trong trường hợp không nhường nhịn thì như tôi dã nói là phải tăng cường khả năng nội bộ của mình. Khả năng nội bộ ngoài yếu tố mạnh về kinh tế, chính trị không phụ thuộc về kinh tế nhiều thì phải đoàn kết đã. Nhất là trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất phải đoàn kết về một chính sách căn bản nào đó. Hai nữa mình yếu như vậy thì bao giờ mình cũng phải làm giống như mình không có tiền đi mua mà phải đi vay. Mình không có lực thì phải mượn lực người khác.

Lực đó là cái lực của thế giới, có thể là vô hình thí dụ như là sự ủng hộ của quốc tế, trong trường hợp này tôi thấy không ăn thua gì cả. Thứ hai là phải có đối lực mà đối lực hay đối trọng thì phải kiếm một nước lớn mà nó có khả năng và nó bằng lòng bảo vệ cho mình. Trong điều kiện đó thì phải có nhiều sự thương lượng và phải có sự trả giá chứ không phải dễ dàng mà làm được.

Mặc Lâm: Cái phao cuối cùng trong vấn đề này phải chăng là nước Nhật, khi họ có cùng một tình trạng như Việt Nam và hơn nữa họ đã đưa ra rất nhiều đề nghị hợp tác?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nước Nhật bây giờ cương quyết hơn nhưng phải từ từ lắm. Hiến pháp đó không một sớm một chiều thay đổi được tuy nhiên cách giải thích hiến pháp của họ bây giờ rộng rãi hơn và họ cũng nói rõ họ muốn giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Thế nhưng mà nước Nhật không phải là đối trọng của Trung Quốc. Đối trọng của Trung Quốc hữu hiệu nhất chỉ là Mỹ thôi. Nếu không đi thẳng với Mỹ thì có thể đi với Nhật hay qua nước khác.

Trên nguyên tắc nói thì dễ lắm nhưng việc làm thì không dễ bởi vì nó tùy thuộc vào tình hình nội bộ của mình. Nó tùy thuộc vào quyền lợi cá nhân của mình. Nó tùy thuộc vào việc mình muốn cái gì và người ta đòi cái gì để mình được cái muốn đó. Những cái đó là những chuyện phải suy tính và thương lượng lâu dài chứ không phải một sớm một chiều mà làm được.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo sư.

Khu vực đang theo dõi và nóng lòng chờ một sự dứt khoát mạnh mẽ của Việt Nam

Mạnh Kim
Dự hội thảo thường niên lần thứ tư về biển Đông do Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tổ chức ngày 10 và 11-7-2014 (1616 Rhode Island Ave, NW, Washington, DC), với chủ đề “Recent Trends in the South China Sea and U.S. Policy”, dân biểu Cộng hòa Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Hoa Kỳ, đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc và cáo giác nước này là “tham ăn, gây hấn trơ tráo”. Nhận định rằng “đã đến lúc chúng ta phải thay đổi đối thoại và phải giảm bớt sự tôn trọng trong ngôn ngữ ngoại giao”, Mike Rogers cũng yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có biện pháp đối phó trực diện hơn với Bắc Kinh, và Mỹ nên tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo lẫn hợp tác quân sự với các quốc gia trong khu vực…

Nhìn ở một góc độ, có thể diễn dịch rằng ý kiến Mike Rogers là sự chỉ trích thường thấy và quá quen thuộc trong chính trường Mỹ, khi phe đối lập luôn moi móc để hạ uy tín cánh chính trị cầm quyền. Nó dường như chỉ phản ánh một cuộc đấu đá nội bộ nước Mỹ không hơn không kém. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, rộng hơn, chỉ trích Mike Rogers không hẳn là chuyện nội bộ của riêng nước Mỹ. Nó là một vấn đề quốc tế, liên quan chính sách đối ngoại có ảnh hưởng lâu dài đến lợi ích chính trị và tương lai nước Mỹ.

Đến giờ thì có thể khẳng định Barack Obama không phải George W. Bush và John Kerry không phải Hillary Clinton. Xem ra cặp đôi Obama-Kerry “hợp rơ” nhau hơn, và xem ra không phải tự nhiên mà bà Hillary chỉ “phò” Obama có một nhiệm kỳ. Khó có thể nói Obama đang bỏ lỏng trận địa nhưng cũng khó có thể nói Obama đang thật sự thành công trong việc kiềm chế Trung Quốc. Nếu cách tiếp cận vấn đề của Obama đối với Trung Quốc như vài năm qua vẫn được thực hiện, sẽ chẳng có lý do gì để Bắc Kinh chần chừ “thôn tín” khu vực bằng chiến lược càn quét cấp tập như đang diễn ra.

Với Trung Quốc bây giờ, việc chỉ trích, lên án, tố cáo, bày tỏ bất bình… gì gì đó sẽ không thể mảy may có tác dụng. Bắc Kinh đã lộ rõ bộ mặt trơ tráo bất chấp dư luận, vậy thì “lên án” có hiệu quả gì? Quan sát đòn thế ứng xử trong các hồ sơ quốc tế khác, đặc biệt Syria, Bắc Kinh đã “đọc” được “bài tủ” của Obama. Và như vậy Trung Quốc cứ mạnh tay dồn hết tốc lực để đặt biển Đông vào thế sự đã rồi. Họ chắc chắn tranh thủ ráo riết thực hiện kế hoạch “bình định” khu vực trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Obama.

Nói cách khác, với Trung Quốc bây giờ, chỉ bằng việc “đánh động dự luận quốc tế” thôi thì không ăn thua. Điều này cũng nên được xem là một thực tế mà Việt Nam cần phải nhìn nhận để từ đó buộc phải thay đổi chiến thuật. Đừng hòng mong Trung Quốc chùn bước, nếu Mỹ, Việt Nam, và khu vực không có bất kỳ biện pháp cứng rắn và cụ thể nào.

Ở đây không phải là nói đến chiến tranh, là “xúi” phải đánh nhau bằng súng đạn, mà nói đến một sách lược đối phó trực diện và mang tính công nhiều hơn thủ. Đó là sự can đảm đứng lên kêu gọi xây dựng quan hệ quốc phòng với các nước khu vực, sự dứt khoát rõ ràng trong việc tìm ra giải pháp giảm thiểu lệ thuộc kinh tế, sự mạnh mẽ kết nối với những nước lớn khu vực như Nhật, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Sự tự tin ở đây không phải là các câu nói mơ hồ đại loại “Việt Nam không liên kết với bất kỳ nước lớn nào để chống lại một nước khác” mà phải là ngược lại mới đúng, bằng các cam kết giấy trắng mực đen về “đối tác chiến lược” toàn diện, đặc biệt quân sự, và đặc biệt với Nhật. Không tranh thủ sự cứng rắn và quyết tâm của Shinzo Abe ở thời điểm này thì còn chờ đến lúc nào, trong khi Abe không thể vĩnh viễn ngồi ghế thủ tướng để “thấy khi nào tiện và thích hợp” thì mới ngỏ lời? Sự tự tin ở đây không phải là “kêu gọi các nước lên án Trung Quốc” mà là phải cùng các nước khu vực “gom” hồ sơ lôi Trung Quốc ra tòa…

Có thể thấy một điều là khu vực đang theo dõi và nóng lòng chờ một sự dứt khoát mạnh mẽ của Việt Nam. Không phải do uy tín chính trị hoặc ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam tại khu vực, cũng chẳng phải Việt Nam có giá trị như một đầu tàu có thể lôi kéo cả khu vực, mà là bởi Việt Nam đang được mặc định là một vệ tinh của Trung Quốc. Do đó, độ rung chấn chắc chắn sẽ lớn và gây sốc nếu “vệ tinh” này tự tạo ra đủ lực để bứt thoát khỏi quỹ đạo Bắc Kinh. Không chỉ gây sốc, mức độ rung chấn của sự kiện còn sẽ tạo ảnh hưởng mang lại hiệu ứng dây chuyền. Xét về nhiều mặt, Việt Nam, dù sao, cũng hơn Myanmar nhiều. Giá trị của sự kiện Việt Nam bứt khỏi Trung Quốc cũng sẽ mang lại nhiều “phần thưởng” hơn nhiều.

Thời gian rõ ràng không đứng về phe mình. Việc “mua thời gian” để chờ Mỹ hoặc Nhật ra tay rồi “tùy cơ ứng biến”, nếu điều này thực sự có, rõ ràng là một giải pháp ở thế đường cùng chứ không phải lá bài của một nhà chiến lược chủ động. Cục diện đang nghiêng về Trung Quốc, phải thừa nhận như vậy. Chờ họ đánh rồi mới tính cách gỡ, theo cách khá bị động như của Obama, hoặc rất bị động như của Việt Nam, sẽ chỉ có thể nếm mùi thất bại. Để đánh Trung Quốc, phải ra tay chủ động, phải ra đòn trên mọi mặt trận, như kiểu Shinzo Abe. Nước Mỹ đang cần một Shinzo Abe và châu Á-Thái Bình Dương đang cần rất nhiều Shinzo Abe!

Trung Quốc tiết lộ video hiếm hoi về cuộc chiến lãnh thổ ở biển Đông

Michaela Del Callar
Huỳnh Phan chuyển ngữ
Chúng tôi ở đây! Đảo Hoàng Nham đây! Quốc kỳ trương lên rồi!” một nhà báo Trung Quốc (TQ) kêu lên sau khi đắc thắng giương lá cờ đỏ của TQ trên một hòn đá san hô nhô lên ở vùng biển khơi phía tây bắc Philippines.

Chỉ ngay ngoài khơi Malaysia, thuỷ thủ TQ thực hiện buổi chào cờ trên boong tàu để biểu thị sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với bãi ngầm James đang có tranh chấp, cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km. Trong một diễn biến nguy hiểm hơn, một tàu khảo sát TQ đâm vào một tàu nhỏ Việt Nam trong vùng biển tranh chấp.

Những cảnh phim hấp dẫn, bao gồm cả cảnh nhiều người chưa từng thấy, được chọn lọc từ một phim tài liệu truyền hình 8 phần mang tên “Hành trình trên biển Nam Hải” đã được đài truyền hình trung ương TQ CCTV 4 phát sóng từ ngày 24 đến 31 tháng 12 năm ngoái. Với tường thuật bằng tiếng Trung và phụ đề tiếng Anh, phim tài liệu này cũng đã được đăng tải trên trang web của CCTV để cả thế giới vào xem.

Trong một nước cộng sản Châu Á đầy bí mật, bộ phim tài liệu hơn ba giờ cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về cách TQ hoạt động trong bóng tối để củng cố yêu sách chủ quyền ở vùng biển chiến lược, bí mật theo dõi đối thủ, và từng bước hình thành một sự hiện diện vũ trang để ngăn chặn những đối thủ nào thách thức yêu sách xa xưa và việc bành trướng hiện nay của họ.

Toàn bộ câu chuyện được thuật theo cái nhìn của các phóng viên CCTV, tháp tùng riêng biệt với các nhân viên hải giám TQ, tuần tra biển, thi hành luật pháp, ngư dân và các chuyên gia biển trong các chuyến đi xuyên vùng biển lộn xộn này.

‘Một thông báo ớn lạnh’

Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về tranh chấp biển Đông, nói rằng đoạn video nhắm vào nhiều loại khán giả. Sự kiện nó bằng tiếng Trung với phụ đề tiếng Anh, cho thấy rằng đối tượng chính của nó là trong nước, nhưng cũng có nghĩa là để phục vụ như một lời cảnh báo cho các chính phủ đối địch, ông nói.

“Đoạn video là một hình thức bảo đảm rằng chính phủ TQ đang ở tuyến đầu trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của TQ ở biển Đông”, ông Thayer nói với GMA News Online.

Ông nói thêm rằng video này cũng là “một thông điệp ớn lạnh cho các nước có tranh chấp rằng TQ sẽ dùng sức mạnh ‘cơ bắp’ như đâm tàu để thực thi ‘quyền chủ quyền’.”

“Từ khi có video này, bằng chứng rộ lên về việc Cảnh sát biển TQ đã đưa chuyện đâm tàu vào tàu thành một mục trong chiến thuật của họ”, ông Thayer nói.

Đi kèm với nền nhạc êm dịu, bộ phim tài liệu dài đưa ra những hình ảnh toàn cảnh vùng nước màu ngọc lam này mà họ nói là chứa đựng nhiều tài nguyên hóa thạch và sinh vật biển tươi tốt, cùng các đảo lớn nhỏ xa xôi với những bãi cát trắng xoá. Bộ phim tài liệu này rõ ràng được thiết kế để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong các khán giả TQ và lôi kéo cả nướcvề tính cấp bách của việc bảo vệ lãnh thổ rộng lớn ngoài khơi bên ngoài đảo Hải Nam cực Nam của TQ.

Bô phim thấm đượm lòng yêu nước và cảm xúc.

Một lính TQ trong bộ đồng phục ngụy trang trên một rạn san hô xa nói rằng anh bảo vệ mảnh đất lãnh thổ tranh chấp nằm chỗ hư không này trong 16 năm. Nhiệm vụ lạ thường của anh sắp kết thúc, anh nói và bật khóc.

“Sau khi kết thúc nhiệm vụ, tôi có thể không có cơ hội nào khác để đến Nam Sa”, người lính tuyệt vọng nói, dùng tên tiếng Trung cho quần đảo được quốc tế biết đến với tên quần đảo Spratly (Trường Sa).

Chuỗi các đảo lớn nhỏ, rạn san hô và đảo san hô hầu hết đều cằn cỗi này đang có tranh chấp giữa TQ, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Các đảo/đá này được cho là giàu trữ lượng dầu khí và nằm gần các tuyến đường biển quốc tế lớn.

“Tôi làm nhiệm vụ hết mình tới giây phút cuối cùng, tôi nghĩ thế. Tôi tới đây khi 18 tuổi, tràn đầy tuổi xuân. Sau khi chúng tôi rời khỏi nơi này, chỉ có 16 năm này mới đáng nhớ”, anh nói, giải thích rằng sự hy sinh của mình là một cách biểu lộ lòng yêu nước.

“Tiền là vô dụng ở đây. Các quan hệ rất đơn giản. Động cơ đến đây cũng đơn giản. Đó chỉ là để đáp đền”.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, trong một cảnh quay ngày 13 tháng 4 năm 2013, cho thấy đang chào đón một chiếc ghe chở ngư dân nhìn có vẻ mệt mỏi thuộc cộng đồng Đàm Môn ven biển Hải Nam sau một đợt đánh cá dài ngày. “Chúc mừng các bạn trở về về an toàn!” Tập Cận Bình mỉm cười nói.

“Chúc các bạn một vụ thu hoạch tốt mỗi khi đánh cá trên biển,” ông nói, và sau đó chụp chung với những ngư dân sạm nắng này một ảnh lưu niệm. Sau đó, như dự đoán, nhà lãnh đạo TQ và các ngư dân vỗ tay hoan nghênh ngay đúng cùng một lúc trước máy quay thu cảnh tượng hân quan này.

Bị Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây và châu Á chỉ trích về việc xâm lược lãnh thổ, TQ sử dụng bộ phim tài liệu để phát sóng về lập trường của họ với thế giới.

“Kể từ thời Tây Hán, về cơ bản, các khu vực biển Đông là một phần lãnh thổ của TQ”, một chuyên gia bản đồ TQ nói với CCTV.

Bản đồ xưa của TQ được chiếu lên màn hình, với người dẫn chuyện nói rằng biển Đông luôn luôn là một phần của tất cả các địa giới lãnh thổ “không có ngoại lệ”.

“Dựa trên một số lượng lớn các tài liệu lịch sử cũng như rất nhiều các nghiên cứu văn bản nghiêm túc và khắt khe, các đảo trên biển Đông thuộc về TQ. Không thể phủ nhận, đó là một sự kiện lịch sử cơ bản”, một nhà phân tích TQ nói.

Thành phố Tam Sa

Trong một nỗ lực để tuyên truyền rằng TQ đã có quyền kiểm soát chính trị và hành chính đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp, bộ phim tài liệu này tô đậm sự xuất hiện của thành phố Tam Sa, được thành lập vào năm 2012 với cơ sở chính tại quần đảo Hoàng Sa, hay Tây Sa theo tiếng Trung. Mặc dù do TQ kiểm soát, cụm đảo lớn nhỏ và các rạn san hô đang có tranh chấp với Việt Nam và Đài Loan.

Vùng đất lớn nhất của Tây Sa, đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), được mô tả như những mảnh bất động sản phát triển nhất tại khu vực tranh chấp này, giống như một thành phố nhỏ.

Nó có một siêu thị, một ngân hàng, một bưu điện, một cơ sở lọc muối cho nước uống, các tòa nhà thấp, và một đường chính được gọi là đường Bắc Kinh. Có điện thoại di động, kết nối Internet, truyền hình cáp với 52 kênh, và một đài phát thanh gọi là “Tiếng nói biển Nam Hải” liên tục phát đi các bản tin thời tiết cho ngư dân. Một ảnh chụp từ trên không cho thấy đường băng dài của Vĩnh Hưng.

Trên đảo Vĩnh Hưng của Tây Sa, khoảng 70 ngư dân TQ nhận được 500 nhân dân tệ trợ cấp hàng tháng.

Lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân được chiếu đang khua súng trường và tiến hành các cuộc tập trận chiến đấu ở Vĩnh Hưng nhưng an ninh tổng thể của khu vực tranh chấp đã được giao cho lực lượng cảnh sát được gọi là chi đội Công an biên phòng Quỳnh Hải. Chi đội Quỳnh Hải giám sát 110 “trạm dịch vụ báo động” để theo dõi và đáp ứng với các ngư dân gặp nạn bất cứ nơi nào trong khu vực.

Với sự phát triển ở Tam Sa, các chuyên gia trẻ và sinh viên vừa ra trường đang đến sống và làm việc ở thành phố dù ở xa xôi này. Khách du lịch TQ cũng đã bắt đầu đến tham quan, theo CCTV.

Cuộc chiến để kiểm soát biển Đông

Bộ phim tài liệu nhắm vào những nỗ lực của TQ để tăng cường sự nắm giữ của họ trên vùng biển rộng lớn mà họ nó nói rằng Bắc Kinh đã mất 42 đảo vào tay các nước tranh chấp khác. Một hệ thống tuần tra và giám sát đã được thành hình trên biển Đông và các căn cứ triển khai-phía trước đã được thành lập để bảo vệ chủ quyền TQ.

Để phô diễn hỏa lực, CCTV cho thấy nhân viên hải giám TQ trên boong của một con tàu, chỉa súng về phía một mục tiêu tưởng tượng trong một cuộc diễn tập chiến đấu. Dù vậy, không có việc phô diễn lực lượng quân sự, phản ánh chiến lược lực lượng dân sư và bán quân dân sự ở tuyến trước thay vì Quân đội Giải phóng khổng lồ, để tránh cho quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh có chỗ biện minh cho việc can thiệp quân sự trong khu vực của TQ.

Trong khi tung ra khả năng hỏa lực của mình, TQ xua tan nỗi sợ hãi, thường bị Washington lên tiếng rằng sự hiện diện ngày càng tăng của họ cuối cùng sẽ đe dọa tự do hàng hải trong khu vực. Họ nói nền kinh tế khổng lồ của mình phát triển mạnh trong những tuyến đường biển mở mà 60% hàng hóa ngoại thương và 80 % dầu nhập khẩu của họ đi ngang qua đó.

Thay vì là một mối đe dọa, TQ được tô vẽ như là “thiên thần giám hộ” của vùng biển tranh chấp, nơi mà TQ đã tổ chức nhiệm vụ cứu hộ thậm chí cho các thủy thủ nước ngoài. Theo bộ phim này từ năm 2007 đến năm 2012, tuần tra TQ đã cứu 18 000 người.

Nhưng bộ phim tài liệu gửi một thông điệp rõ ràng rằng TQ sẽ không ngần ngại hành động khi lợi ích của họ bị đe dọa.

Trong một cảnh quay về cuộc đụng độ năm 2007 tại quần đảo Hoàng Sa, một chiếc tàu thực thi luật biển của TQ đã được lệnh đâm vào một tàu nhỏ Việt Nam bị cáo buộc là cố phá hoại một cuộc khảo sát dầu của Bắc Kinh.

“Chúng tôi không khoan nhượng đối với tàu thuyền của bất kỳ bên nào tham gia vào các hành vi cố tình phá hoại. Khi nào mà chỉ huy ra lệnh, có thể là ủi, đâm hoặc đụng, chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện nhiệm vụ của mình”, Đại úy Yong Zhong của tàu Hải giám 84 từng tham gia vào việc đối chọi với Việt Nam nói.

Bộ phim tài liệu cũng nói tới cuộc đụng độ với Việt Nam năm 1974 làm chết 18 thủy thủ TQ.

Chỉ ngay ngoài khơi của Malaysia, thuỷ thủ TQ đã được cho thấy trong một đoạn video đang tổ chức một buổi lễ chào cờ vào ngày 23 tháng 4 năm 2013 để khẳng định tượng trưng quyền sở hữu và kiểm soát của TQ đối với bãi ngầm James. Các quan chức Malaysia đã tức giận bởi hành động của TQ và kể từ đó đã triển khai tàu hải quân để bảo vệ bãi ngầm James khỏi việc mà họ gọi là sự xâm nhập của TQ vào khu vực tranh chấp rất gần bờ biển của họ.

Ở bãi cạn Scarborough (Panatag Shoal), mà TQ gọi là đảo Hoàng Nham, đoàn của CCTV quay phim cách họ treo cờ TQ lên trên một khối san hô hồi tháng 11 năm 2012. “Chúng tôi đã có một bảng hiệu ở đây”, một nhân viên thực thi pháp luật TQ cho biết. “Philippines nhổ nó lên. Họ đặt một bảng hiệu và chúng tôi nhổ nó đi.” Một cuộc giằng co trong quá khứ ở bãi cạn nầy cũng được mô tả, cho thấy một tàu thực thi pháp luật TQ bảo vệ ngư dân TQ trước một tàu khu trục nhỏ “nước ngoài”.

TQ cũng tiết lộ một hoạt động “tối mật” mà họ tổ chức tháng 8 năm 1994 để xây dựng các công trình kiến trúc ở đá Vành Khăn (Mischief Reef). Trái ngược với sự bảo đảm của TQ vào lúc đó là họ chỉ xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân, TQ đã thừa nhận trong bộ phim tài liệu này rằng các công trình kiến trúc đó có ý để dùng như là một kho tiếp liệu và bây giờ là một tiền đồn quân sự được trang bị với các đĩa vệ tinh và các chức năng như một căn cứ quân sự tuyến trước của TQ trong quần đảo Trường Sa.

Ba mục tiêu

Tuần tra của TQ trong khu vực tranh chấp có ba mục tiêu: Xác lập sự hiện diện để ngăn chặn, thực hiện giám sát đối với các bên yêu sách khác, và khẳng định quyền kiểm soát lãnh thổ của TQ, theo Chen Huabei, Phó tổng giám đốc Cục quản lý hải dương quốc gia Nam Hải.

“Chỉ thông qua thực thi pháp luật làm cho thấy sự xuất hiện của mình bằng cách tuần tra trong vùng biển mà chúng tôi xác định thẩm quyền, chúng tôi mới có thể tuyên bố chủ quyền tốt nhất đối với các vùng biển này,” Chen nói.

Các tàu tuần tra của TQ được quay đang bí mật theo dõi các tiền đồn quân sự của Việt Nam và Philippines trong quần đảo Trường Sa năm ngoái.

Ngoài khơi một đảo do Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa, một nhân viên giám sát TQ ghi nhận những cải tiến và xây dựng mới do VN thực hiện. Họ cũng theo dõi các lính Philippines ở đảo Bình Nguyên (Flat Shoal), được Philippines gọi là Patag.

“Người này đang lấy nước,” một viên chức TQ nói, chỉ vào một lính Phi Luật Tân trên một màn hình giám sát. “Người này chỉ mới đến bằng một chiếc thuyền nhỏ,” một nhân viên thứ hai nói thêm.

“Hãy nhìn vào lá cờ. Đó là lá cờ của Philippines,” nhân viên đầu thêm vào. “Ôi một căn nhà tệ hại” bạn đồng hành của anh ta châm biếm khi nhìn vào căn lều dột nát của quân đội Philippines.

Tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Philippines gọi là Ayungin TQ gọi là Re’nai (Nhân Ái), một sĩ quan TQ nhận thấy có thứ gì trông giống như một mảnh mới của bức tường ở phía hông tàu Hải quân Philippine BRP Sierra Madre mắc cạn với một ít thủy quân lục chiến Philippines đang trú đóng trên đó.

“Cái này được xây dựng sau khi con tàu bị mắc cạn,” một viên chức TQ cho biết. “Nó giống như khu nhà ở của họ”, một viên chức hải giám nói thêm.

Logic của tất cả mọi thứ: dầu, khí đốt, tài nguyên, lãnh thổ và an ninh của TQ

Bộ phim tài liệu mô tả vùng biển tranh chấp này là vùng biển lớn nhất của TQ rất quan trọng đối với an ninh và là một biên giới then chốt cho nhiên liệu và thực phẩm.

Bộ phim tiết lộ rằng TQ đã bắt tay thực hiện nhiều thăm dò dầu khí lớn nhưng không nói ở đâu. Thay vào đó, nó cho thấy hai mỏ dầu ngoài khơi đã phát triển được trang bị với thiết bị hiện đại.

TQ ước tính có khoảng 23-30 tỉ thùng dầu và khối lượng lớn khí tự nhiên nằm dưới biển Đông Hàng chục ngàn tấn kim loại quý và khoáng chất đã được phát hiện, bao gồm mangan, niken, đồng và coban. Ngoài ra, một lượng lớn thứ mà họ gọi là “băng cháy” (combustible ice) đã được tìm thấy và có thể được TQ phát triển như là một nguồn năng lượng thay thế.

Ít nhất 1 500 loài cá và sinh vật biển được tìm thấy ở vùng biển tranh chấp, bao gồm cả đuối khổng lồ, rùa khổng lồ, cá vẹt, cá bay. Vùng biển này tràn ngập khoảng 2,81 triệu tấn cá, trong đó có 500 000 tấn trong quần đảo Trường Sa.

TQ bắt đầu những nghiên cứu khoa học đầu tiên về dự trữ dầu khí tiềm năng ở quần đảo Trường Sa vào năm 1984, trên 38 rạn san hô, trong một nghiên cứu được gọi là Điều tra khoa học tích hợp Nam Sa. Theo bộ phim này, sau khi đã trở nên rõ ràng rằng các vùng nước rộng lớn này có thể chứa nhiều mỏ dầu và khí đốt khổng lồ, các nước đối thủ bắt đầu cướp lấy lãnh thổ của TQ, làm dấy lên các cuộc xung đột.

Với tất cả thứ vàng đó, TQ đã và sẽ sử dụng sức mạnh của mình để khẳng định quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp, các nhà phân tích nói.

“Tôi nghĩ rằng hành động của TQ cho thấy rằng họ quyết tâm sử dụng các nguồn lực của biển Đông, bất chấp các tranh chấp pháp lý,” chuyên gia phân tích đóng ở Singapore Parag Khanna, giáo sư tại trường Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) Đại học Quốc gia Singapore, nói với GMA News Online.

Sáu tháng sau khi bộ phim tài liệu của TQ công bố, phản ứng từ cộng đồng quốc tế “là một sự im lặng cùng khắp,” phản ánh sự miễn cưỡng của nhiều nước trong việc đối mặt với TQ, nhà phân tích Thayer nói. Nhưng toàn bộ khu vực, không phải chỉ có những kẻ thù về lãnh thổ hiện nay của TQ mới phải chú ý tới những lá cờ đỏ trong video này, Thayer cảnh báo.

“Về mặt tư riêng, video này phải được xem như là phiền toái không chỉ đối với nước tranh chấp chính, Việt Nam và Philippines mà còn với các nước đi biển khác ở Đông Nam Á”, ông nói.

KG/RSJ, GMA News