Làm lãnh đạo đất nước Việt Nam quá dễ, ai chả làm được?

Người nghèo ở Việt Nam

This slideshow requires JavaScript.

Hoang Nguyen Van

Nhiều người nói làm lãnh đạo rất khó, phải có đầu óc, học hành thế nọ thế kia… Tôi thì thấy làm lãnh đạo ở Việt Nam quá dễ.

Đi vay về làm thì ai chả làm được!?

Khai thác kiệt quệ tài nguyên khoáng sản bán giá rẻ ai chả khai thác được!?

Làm theo kiểu “nói một đằng làm một nẻo” ai chả làm được!?

Làm mà không bị dân giám sát, không công khai minh bạch ai chả làm được!?

Chỉ đạo nhưng cấp dưới không làm theo hoặc làm không ra gì ai chả chỉ đạo được!?

Chống tham nhũng mà càng chống tham nhũng càng mạnh ai chả chống được!?

Làm theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “đánh bùn sang ao” ai chả làm được!?

Làm vừa xong đã hỏng ai chả làm được!?

Làm tốn kém gấp nhiều lần thế giới ai chả làm được!? Lát 1 mét vỉa hè hết 1 tỷ VND ai chả lát được!?

Làm sai thì sửa ai chả làm được!?

Thua lỗ thì “khoanh nợ”, “giãn nợ”, “gánh nợ”, “xóa nợ” thì ai chả sản xuất, kinh doanh được!?

Đất nước phát triển cùng với nợ công tăng cao thì ai chả làm được!?

Làm để hàng trăm ngàn doanh nghiệp thua lỗ, phá sản thì ai chả làm được!?

Làm để mất lòng dân thì ai chả làm được!?

Làm để dân oán thán thì ai chả làm được!?

Giá chỉ có tăng không giảm, không theo mặt bằng thế giới, đắt gấp nhiều lần thế giới ai chả làm được!?

Làm để người nghèo mắc bệnh phải nằm nhà chờ chết vì không có tiền để vào bệnh viện chữa trị thì ai chả làm được!?

Làm mà đạo đức xã hội ngày càng bại hoại, con người ngày càng vô cảm, dã man thì ai chả làm được!?

Làm mà để người dân phải tự tử để thoát nghèo thì ai chả làm được!?

Làm để hàng trăm nghìn thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp thì ai chả làm được!?

Làm để đánh giày, nhặt rác, osin… cũng được coi là nghề thì ai chả làm được!?

Làm mà đất nước ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới thì ai chả làm được!?

Làm mà người chết và tật bệnh mỗi năm một tăng cao thì ai chả làm được!?

Nói những điều vô nghĩa, vô tri thì ai chả nói được!?

“Giữ gìn môi trường hòa bình” bằng cách mặc kẻ xâm lược ở trong lãnh thổ của mình thì ai chả “giữ gìn” được!?

Để làm được như vậy đâu có gì khó, cần chi phải lựa chọn, bầu bán!? Những hậu quả sờ sờ không thể chối cãi như thế, liệu đường lối chúng ta đi có “đúng đắn” và “sáng suốt”!?

N.V.H (Fb Hoang Nguyen Van)

Ðàm phán Mỹ-Trung đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ

kk                                                 Kerry nói chuyện với Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh –  photo by Jim Bourg

Scott Stearns

Ngoại trưởng John Kerry và các quan chức chính quyền hàng đầu khác của Mỹ hôm thứ Năm đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc cho cuộc Ðối thoại kinh tế và chiến lược. Chuyến đi diễn ra vào thời điểm quan trọng của mối quan hệ Trung – Mỹ, là mối quan hệ đã bị thử thách bởi nhiều sự việc trong năm vừa qua. Thông tín viên VOA Shannon Van Sant tường thuật từ hội nghị ở Bắc Kinh.

Các quan chức hàng đầu Mỹ đã kết thúc hội nghị hai ngày tại Bắc Kinh vào tuần này, nhưng không có báo cáo về bất cứ sự đột phá nào.

Trong bài diễn văn kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Kerry nói Trung Quốc và Mỹ tìm được sự đồng thuận về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, cấm phổ biến hạt nhân, Bắc Triều Tiên và tầm quan trọng của luật pháp.

Ðối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tìm được sự đồng thuận đối với những vấn đề quan trọng là một việc không dễ dàng.

Ông Trình Hiểu Hà, giáo sư môn Quan hệ quốc tế của Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nói chuyến viếng thăm của ông Kerry diễn ra vào một thời điểm quan trọng. Ông nói:

“Tôi nghĩ Trung Quốc nhận thức được sự cần thiết của việc ổn định mối quan hệ với Hoa Kỳ và tôi cho rằng Trung Quốc cũng nhận thấy đây là cơ hội tốt để ổn định mối quan hệ với Hoa Kỳ”.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã bị thách thức một lần nữa trong tuần này, với những tin tức cho biết tin tặc Trung Quốc đã tìm cách xâm nhập các kho dữ liệu có chứa những hồ sơ tuyển dụng của các nhân viên của chính phủ Mỹ.

Trung Quốc bác bỏ tố cáo đó. Bắc Kinh cũng đã hủy bỏ cuộc họp của nhóm công tác hỗn hợp Mỹ-Trung về an ninh mạng vốn được dự trù diễn ra trong tuần này.

Sự hủy bỏ đó là để đáp trả việc Hoa Kỳ quyết định truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc bị tố cáo thực hiện những vụ tấn công mạng nhắm vào các công ty và tổ chức ở Mỹ.

Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc cũng gây ra những vụ căng thẳng cho mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Việc Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển có tranh chấp với Nhật Bản và đưa giàn khoan 1 tỷ đô la vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam đã gặp phải sự phản đối của các nước láng giềng và của Hoa Kỳ.

Tuy có những sự căng thẳng như vậy, tường thuật của truyền thông nhà nước Trung Quốc về các cuộc họp cấp cao trong tuần này hầu hết là có tính chất tích cực. Tờ Nhân dân nhật báo nói rằng các giới chức “đã đạt được những thành quả tích cực và đưa ra những thông tin quan trọng để cải thiện và phát triển mối quan hệ Mỹ-Trung.” Báo này nói thêm rằng “hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng đã củng cố cho nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung.”

Tuy có rất ít thành quả cụ thể được loan báo tại phiên bế mạc của hội nghị, giáo sư Trình Hiểu Hà nói rằng hội nghị này có phấn chắc là có tính chất xây dựng:

“Tôi có một ấn tượng rất mạnh là quan hệ Mỹ-Trung không xấu như chúng ta tưởng và có thể được cải thiện đôi chút bởi vì trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình, ông ấy đã khẳng định là mối quan hệ Mỹ-Trung là vô cùng quan trọng.”

Tuy vậy, thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là đối với những yêu sách chủ quyền lãnh thổ, có thể tạo thêm nhiều thách thức cho mối quan hệ với Washington.

Giào sư Trình Hiểu Hà nói rằng những vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với các lân bang giờ đây đã dính líu tới Hoa Kỳ. Bên trong Trung Quốc, một số nhà quan sát tố cáo Washington tìm cách bao vây và ngăn chận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ở nước ngoài, các nhà phân tích nói rằng căng thẳng đã gia tăng vì những hành động hung hãn của Trung Quốc, như mang giàn khoan khổng lồ đến đặt ở ngoài khơi Việt Nam. Ông Trình Hiểu Hà nói:

“Đây là những vấn đề giữa Trung Quốc và một số các nước láng giềng, nhưng nó đã ảnh hưởng mỗi ngày một nhiều lên mối quan hệ Mỹ-Trung, bởi vì Hoa Kỳ, trong tư cách là phe thứ ba, đã can dự nhiều hơn vào những vấn đề này.”

Cuộc họp cấp cao sắp tới giữa hai nước dự trù diễn ra vào tháng 11, khi tổng thống Barack Obama đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

@VOA

Quan chức JTC bị buộc tội hối lộ VN

Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) cùng hai cựu lãnh đạo và một người còn đương nhiệm của công ty, bị buộc tội hối lộ các quan chức Việt Nam trong một dự án đường sắt theo truyền thông Nhật.

Văn phòng Công tố Tokyo buộc tội ông Tamio Kakinuma, 65 tuổi, cựu chủ tịch công ty; ông Tatsuro Wada, 66 tuổi, cựu giám đốc điều hành; và Koji Ikeda, 58 tuổi, hiện đang là thành viên hội đồng quản trị – vi phạm Luật Phòng chống Cạnh tranh bất bình đẳng của Nhật, theo Bấm Asahi Shimbun đưa tin hôm 11/07.

Thông báo của văn phòng Công tố và dựa trên các nguồn tin khác của Asahi Shimbun, ông Wada và ông Ikeda đã trả tổng cộng 69.9 triệu Yên (tương đương 690.360 USD) cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 tới tháng Hai 2014.

Ông Kakinuma bị cáo buộc đã phê duyệt 6 triệu Yên trong tổng số tiền nói trên.

Gói hợp đồng tư vấn mà JTC từng giành được bao gồm dự án xây dựng đường tàu ở Hà Nội do quỹ ODA hỗ trợ vốn.

“Lại quả”

Một lãnh đạo của JTC từng khai với cơ quan công tố Tokyo rằng đã hối lộ một quan chức Việt Nam 66 triệu Yên (tương đương 16 tỷ đồng) để giành dự án có sử dụng vốn ODA trị giá 4,2 tỷ Yên ở Việt Nam.

Theo tin đưa trên Bấm Japan Times hôm 11/07, JTC đã đưa tiền lại quả lên tới khoảng 168 triệu Yen (tương đương 1.58 triệu USD) ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan.

Hồi tháng Sáu, Nhật Bản đã tạm ngừng viện trợ ODA sau nghi án hối lộ với quan chức đường sắt Việt Nam được phanh phui vào tháng Ba.

Hai quốc gia cũng đã có cuộc ‘họp kín chống tham nhũng’ hôm 24/06 nhằm tránh sự việc tương tự xảy ra ở Việt nam sau này.

Sáu quan chức của công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra, bao gồm Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Đông, hai Phó giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đường sắt Phạm Quang Duy và Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng dự án 3 Nguyễn Nam Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc bộ Giao thông) Trần Văn Lục, cùng với Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc Công ty Đường sắt).

Các cán bộ cấp cao này bị cáo buộc các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy vậy, hiện chưa ai bị cáo buộc tội “nhận hối lộ”.

Luật phòng chống cạnh tranh bất bình đẳng của Nhật được đưa ra năm 1993 có quy định cấm đưa tiền hoặc các loại lợi ích khác cho công chức ở nước ngoài, với mức phạt tù có thể lên tới 5 năm và phí phạt khoảng 5 triệu Yên, cũng theo Japan Times.

@bbc

Thượng viện Mỹ yêu cầu TQ rút giàn khoan

Tàu Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục va chạm hàng ngày tại vùng biển đặt giàn khoan

Thượng viện Mỹ hôm 10/7 thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng các hành vi khiêu khích và gây hấn để thay đổi hiện trạng, gây mất ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Nghị quyết có đoạn yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vị trí hiện tại, đảm bảo nguyên trạng trước thời điểm tháng 5/2014.

Sự kiện này được đánh giá là thuận lợi ngoại giao cho Việt Nam, nhưng chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào.

Văn bản có số hiệu Bấm S.Res.412 này cũng kêu gọi Trung Quốc dừng việc thực thi Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông.

Nghị quyết trên được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Robert Menendez từ New Jersey, đưa ra bởi Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ.

Nghị quyết tái khẳng định “sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ cho tự do hàng hải và việc khai thác sử dụng biển và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như việc sử dụng các giải pháp ngoại giao để xử l‎ý tranh chấp lãnh thổ và hải phận.”

‘Hoan nghênh’

Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại

Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN

S.Res.412 cũng nhắc lại chính sách của Mỹ trong đó bao gồm việc ủng hộ đồng minh và đối tác ở khu vực, phản đối tuyên bố chủ quyền ảnh hưởng đến quyền sử dụng hợp pháp và tự do hàng hàng hải, và đảm bảo sự tiếp tục hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình được TTXVN dẫn lời nói “Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs);lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Trước đó gần một tháng trước, Quốc hội Việt Nam đã không ra nghị quyết riêng về Biển Đông.

Trong phiên họp Quốc hội hôm 23/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa được báo trong nước dẫn lời nói “nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang”.

Nhưng trả lời báo chí bên lề phiên họp ngày 23/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói sẽ không có nghị quyết riêng về Biển Đông vì “ngay từ đầu kỳ họp Quốc hội đã bàn bạc rất kỹ về tình hình Biển Đông và sau đó có thông báo tuyên bố rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và nói rõ quan điểm xử lý vấn đề Biển Đông”.

@bbc

Ngũ Giác Ðài có chiến thuật mới để ngăn chặn TQ ở Biển Đông

Hải quân Mỹ, Philippines trong cuộc tập trận chung tại Cavite city, phía tây Manila.

Hải quân Mỹ, Philippines trong cuộc tập trận chung tại Cavite city, phía tây Manila.

Mỹ đang đề ra những chiến thuật quân sự mới để răn đe âm mưu của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Những chiến thuật mới gồm sử dụng máy bay trinh thám và điều tàu hải quân tới gần các vùng biển có tranh chấp.

Báo The Financial Times nói rằng Ngũ Giác Đài đã tái xét các chiến thuật của Mỹ, tiếp theo sau một loạt hành động xâm nhập và những bước tuần tự của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, hướng tới kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trong vùng biển này. Hàng năm, hàng hóa vận chuyển bằng tàu qua khu vực có tổng trị giá lên tới 5,300 tỉ đôla.

Thách thức đối với quân đội Mỹ là tìm ra những chiến thuật răn đe những động thái kiểu ‘tằm ăn dâu’ của Trung Quốc, mà không leo thang bất cứ cuộc tranh chấp riêng lẻ nào thành xung đột quân sự.

Một số yếu tố trong chiến lược mới của Mỹ đã xuất hiện từ hồi tháng Ba, khi Washington điều hai máy bay thám thính bay vào không phận trên bãi Cỏ Mây, một bãi cạn không có người ở trong Biển Đông hiện đang do Philippines kiểm soát.

Máy bay của Mỹ bay ở cao độ thấp để bảo đảm phía Trung Quốc trông thấy họ.

Theo lời một giới chức Ngũ Giác Đài, thì thông điệp Mỹ muốn đánh đi là ‘Hoa Kỳ biết Trung Quốc đang làm gì, rằng các hành động của Bắc Kinh chắc chắn sẽ có hậu quả, và Hoa Kỳ có khả năng, cũng như quyết tâm ngăn cản Trung Quốc thực hiện ý định’.

Tình hình căng thẳng tại Biển Đông, kể cả Việt Nam và Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981, đã làm lu mờ cuộc Đối Thoại Mỹ-Trung về Chiến Lược và Kinh tế tại Bắc Kinh.

Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew dẫn đầu một mặt tìm cách cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã mong manh, trong khi cùng lúc, nêu lên những quan tâm của Mỹ về chính sách bành trướng của Trung Quốc, và các hoạt động tin tặc mà chính phủ Mỹ quy cho một số giới chức quân sự Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc bày tỏ sự bất bình về việc Hoa Kỳ tiến hành truy tố các giới chức quân sự Trung Quốc về các hoạt động tin tặc, và quan hệ liên minh giữa Mỹ với các nước Á Châu. Bắc Kinh cho rằng đây là một cách để kiềm chế Trung Quốc.

Nguồn: Financial Times, CNBC

@VOA

Chọn ai: Thời gian quyết định không còn dài nữa

Choices 1Nguyễn An Dân
Theo nhiều nguồn tin hành lang “không có cách gì kiểm chứng”, thì trung ương đảng đang rất lo ngại về nội dung cuộc gặp Trung Quốc-Mỹ (Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung) đang diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 08-09/07/2014. (1)

Nỗi lo của đảng là liệu rằng Mỹ và Trung Quốc, sau hàng loạt những phát ngôn leo thang của hai nước về việc Trung Quốc đang dùng các giàn khoan dầu bành trướng Biển Đông, đã nhận ra quyết tâm của nhau và “sự lừng chừng của Việt Nam”, nên có thể sẽ đi đến một thỏa hiệp “gạt Việt Nam sang một bên” nhằm chia chác các lợi thế địa chính trị của Việt Nam cho lợi ích riêng của các cường quốc. Nếu có thỏa thuận đó thì “thân phận” Việt Nam sẽ như thế nào?

Trước tiên, việc Mỹ muốn ủng hộ Việt Nam và tác động vào đảng cầm quyền để từ đó dựng lên một phe chính quyền thân Mỹ là điều có thể xẩy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là bản thân phe này phải tự mình mạnh lên và nắm quyền chủ động khi tình thế đòi hỏi quyết tâm hành động. Bất kỳ vì một lý do gì làm cho phe này lừng chừng lại và đưa Việt Nam vào một tình thế “muốn có cả Mỹ và Trung Quốc là đồng minh” để “vừa giữ nước vừa giữ đảng trong chiến lược lâu dài” thì điều kiện đủ lại không có để điều kiện cần kia xẩy ra được. Đảng hãy nhớ rằng các cường quốc họ đối lập trong chiến lược nhưng luôn có sự hợp tác khi cả hai cùng có lợi trong từng thời điểm.

Điểm qua những tuyên bố gần đây nhất của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN, thì dường như đảng vẫn chưa dứt khoát muốn thoát Trung. Ngày 1/7 phát biểu trước cử tri Hà Nội “bức xúc” vì tình hình biển Đông, ông vẫn nói về Trung quốc như “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau”, và cho rằng làm gì thì cũng phải “giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, không để nội bộ rối ren”. (2)

Dù đảng có nói gì đi nữa, tôi biết đảng thừa hiểu rằng chỉ có thể dựa vào Mỹ để ngăn cản âm mưu lấn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc đối với Việt Nam nên hôm nay họ “lo lắng không yên” cũng là phải. Đảng biết kịch bản các nước lớn bắt tay để chia chác lợi ích trên vai các nước nhỏ là chuyện xưa nay không thiếu. Nhưng với những tuyên bố như trên từ người lãnh đạo cao nhất nước, làm sao Mỹ yên tâm để “bắt tay” với Việt Nam?

“Khu tự trị Việt Nam”

Mỹ và Trung Quốc, trong chiến lược đường dài dĩ nhiên họ là đối thủ, nhưng trong chiến thuật ngắn hạn, sự liên minh tạm thời là điều luôn luôn có vì những lợi ích kinh tế. Nhất là Mỹ, bản thân nhà nước Mỹ xây dựng trên học thuyết Tư Bản, có nghĩa là các bước đi ngoại giao, chính trị, quân sự nào đó…thì cũng chỉ phục vụ cho lợi ích kinh tế. Trong quan hệ Mỹ-Trung-Việt cũng thế, khi Mỹ xét chọn, kết quả kinh tế sẽ là yếu tố quyết định cho quả cân nghiêng về bên nào.

Trừ khi Trung Quốc xâm phạm đến Mỹ (hoặc những đồng minh lâu đời của Mỹ) một cách thẳng thắn và bá đạo thì khác, còn lại đối với những nước mà quan hệ “chưa đạt được gì cụ thể” như kiểu Việt Nam thì dù Trung quốc có “bắt nạt” kiểu nào, mà Việt Nam lại vẫn “lùng khừng” muốn “bắt cá hai tay”, Mỹ dĩ nhiên phải tính toán “được-mất”. Trong tình thế đó thì lợi ích kinh tế sẽ là yếu tố chi phối quan trọng, theo đó Mỹ sẽ chọn chiến thuật mà cả Mỹ và Trung Quốc đều có sự hài lòng tương đối. Việt Nam với một thị trường tiêu thụ chỉ bằng 8% thị trường Trung Quốc, kim ngạch Mỹ- Trung cũng cao hơn kim ngạch Mỹ-Việt gấp hơn 10 lần, dĩ nhiên Mỹ phải ưu tiên Trung Quốc hơn Việt Nam trong các quyết sách đối ngoại ngắn và trung hạn của mình theo nhu cần trong từng thời điểm.

Về địa chính trị, biết rằng vai trò của Việt Nam là quan trọng ở Biển Đông và với dự án Kênh Đào Kra, nhưng Mỹ cũng không thể bảo vệ Việt Nam được nếu đảng cầm quyền Việt Nam không tỏ ra một thiện chí cho thấy họ thật sự coi trọng quan hệ Việt-Mỹ hơn quan hệ Việt-Trung. Đó là nói về mặt lý thuyết chiến lược, còn lý thuyết chiến thuật ngắn hạn hiện nay thì Mỹ cũng không thể bảo vệ Việt Nam được khi mà về công khai, chưa có hiệp ước quân sự hay đồng minh chiến lược nào được ký kết chính thức giữa hai nước.

Trong quá khứ đến hiện tại (và nhiều khả năng là sẽ còn tiếp diễn ở tương lai), Việt Nam (dưới sự dẫn dắt của đảng CS) đã nhiều lần từ chối các bàn tay mà Mỹ chìa ra cho mình, khiến cho quan hệ Mỹ-Việt chiều rộng thì có mà chiều sâu thì chưa vì vốn dĩ thể chế hai bên khác nhau, và đa số người dân Việt Nam (trong và ngoài nước) đều không tin cậy chính quyền Việt Nam, thì làm sao Mỹ tin cậy đảng cầm quyền Việt Nam để cùng tiến vào chiều sâu được?

Mỹ cần Việt Nam cho chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nhát là trong chính sách xoay trục hiện nay không? Khẳng định là có. Chính vì thế nên từ năm 1991 Mỹ xem xét bỏ cấm vận, tái lập quan hệ đại sứ, ủng hộ cho Việt Nam vào Asean, WTO…cấp quy chế có lợi cho Việt Nam trong hiệp định thương mại Việt-Mỹ…khi các ông thủ tướng Việt Nam sang Mỹ vận động và xin giúp đỡ. Mới nhất là Mỹ đã “thông cảm” cho Việt Nam được tạm hoãn và thi hành dần dần một số điều kiện để vào TPP bất chấp nội lực của Việt Nam là yếu nhất và mô hình chính trị “không giống ai” của Việt Nam trong khối đó. Sự kiên nhẫn của chính phủ Mỹ với đảng cầm quyền Việt Nam theo tinh thần “chúng ta cùng thắng” (win-win) là thiện chí ai cũng có thể thấy và không thể phủ nhận.

Thế nhưng bất chấp các thiện chí trên của Mỹ, đảng cầm quyền luôn lý luận rằng quan hệ với Mỹ không cần thiết bằng quan hệ với Trung Quốc, vì mục tiêu giữ đảng và đường lối XHCN. Ngay cả khi lúc này, dù đa số nhân dân (và các đảng viên thân Mỹ) cũng đã biết rằng dã tâm của Trung Quốc là lấn chiếm lãnh thổ (cả trên biển và đất liền) của Việt Nam. Dùng miếng mồi ý thức hệ XHCN để chi phối hệ thống chính trị Việt Nam, Trung Quốc đã và đang tiến tới việc biến Việt Nam chỉ còn là một quốc gia độc lập trên danh nghĩa nhưng trong thực tế thì ở tư thế như một “tỉnh tự trị” của Trung Quốc. Các điều kiện cần của âm mưu này đều đã thể hiện ra bằng các thỏa thuận “ngầm” song phương mang tính áp chế và ràng buộc mà đến nay phe chính quyền đang xì ra cho dân biết dần dần.

Cường quốc thôn tính nước nhỏ tưởng chỉ có một bài bản. Đó là làm nước nhỏ suy yếu về nội lực, phụ thuộc về kinh tế-chính trị-quân sự…cô độc về ngoại giao để không phản kháng được. Điều này đảng cũng biết, thế nhưng đảng vẫn đưa Việt Nam sa vào ngày càng sâu. Trong các bước đi quan trọng, Trung Quốc đều muốn Việt Nam phải đi theo và đi sau mình. Sự kiện Trung Quốc cản trở Việt Nam gia nhập WTO là một ví dụ gần và dể thấy nhất.

Sau năm 1972, Mao Trạch Đông chủ động bắt tay với Mỹ để phát triển kinh tế theo học thuyết “mèo trắng mèo đen” của Đặng Tiểu Bình để tái thiết Trung Quốc. Dù thế, họ vẫn ép đảng tiếp tục đánh Mỹ “đến người Việt Nam cuối cùng” và coi Mỹ là “thù địch”. Sau khi thành công trong việc làm Việt Nam xa lánh Nga và Mỹ, Trung Quốc đi các bước tiếp theo là tất yếu, xâm lấn lãnh thổ và tìm cách “chi phối chính trị để gián tiếp đô hộ”. Tiến công chi phối-phá hoại toàn diện từ kinh tế, chính trị, an ninh quân sự cho đến việc hôm nay là các giàn khoan…tất cả là một bài bản nhịp nhàng logic và là chiến lược lâu dài.

Vậy quan hệ thân thiết với Mỹ hay với Trung Quốc, quan hệ nào có lợi và bất lợi cho Việt Nam hơn, chắc mọi người Việt “tử tế” đều thấy rõ. Đảng chẳng lẽ không thấy sao, nhưng dường như đảng không muốn chọn lối đi tốt nhất cho đất nước và cho dân tộc. Nguyên nhân nằm ở đâu?

Gần đây nhất, Mỹ và các đồng minh trong khu vực Đông Á đều chính thức lên tiếng là sẽ ủng hộ Việt Nam nếu Việt Nam thoát Trung cũng như cải cách chính trị để nội lực mạnh lên, nhằm phụ họ trong việc kềm chế Trung Quốc trong đường dài, nhưng phe đảng quyền vẫn tỏ ra không muốn thực hiện. Điều đó dĩ nhiên làm các nước phương Tây và đồng minh Đông Á càng có cơ sở để hoài nghi việc liệu họ có nên giúp đỡ Việt Nam mạnh mẽ hơn không? hay là họ giúp Việt Nam lúc này để rồi sau này Trung Quốc hưởng lợi vì Việt Nam vẫn là đàn em của Trung Quốc?

Nếu Việt Nam cứ tiếp tục chọn con đường trở thành “khu tự trị và là tiền đồn ĐNÁ” của Trung Quốc như lâu nay, thì tôi tin rằng Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam mà thỏa hiệp với Trung Quốc để làm dịu đi sự căng thẳng vì mấy cái giàn khoan lúc này. Nếu Việt Nam là “ông em” của “ông anh Trung Quốc”” thì dĩ nhiên các “đại ca” như Mỹ sẽ không quan trọng đàn em nữa mà đàm phán với “ông anh-người có quyền quyết định”. Đó là phong cách làm việc của tư bản, nhanh gọn lẹ và đúng người đúng việc.

Điều này đã bắt đầu hé lộ khi chúng ta thấy các phát biểu của Tập Cận Bình (*) với John Kerry tại Bắc Kinh trong ngày 09/07/2014. Một mặt Trung Quốc khẳng định với Mỹ là lập trường của họ trong tranh chấp Biển Đông (với Việt Nam) hiện nay là đúng và sẽ không từ bỏ, một mặt Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ và đề nghị củng cố thương mại để cùng nhau kiếm tiền. Tập Cận Bình dùng những từ ngữ mang tính hàm ý rất cao như “Đối đầu TQ – Mỹ chắc chắn sẽ là một thảm họa (Mỹ-Trung không nên vì một Việt Nam “thấp kém và không nhất quán” như thế mà đi đến đối đầu?). Phát ngôn của Tập Cận Bình hàm ý như thế e rằng không sai mấy nếu Việt Nam không nhanh chóng tỏ rõ lựa chọn đối ngoại của mình.

Nội dung quan chức hai bên như John Kerry và Tập Cận Bình nói ra cho thấy khả năng thỏa hiệp Biển Đông theo mô thức “bỏ Việt Nam qua một bên” là có cơ sở để nhận định nếu Việt Nam vẫn cứ “thiếu nhất quán” như lâu nay. Nếu đảng cầm quyền Việt Nam vẫn tự huyển hoặc rằng Biển Đông, kênh đào Kra và cảng Cam Ranh là những lợi thế địa chính trị để mặc cả với Mỹ hơn là thiện chí chân thành hợp tác để hai bên cùng có lợi thì Mỹ sẽ bỏ thật. Công thức thỏa hiệp có thể dự đoán theo kịch bản: tranh chấp lãnh hải với các nước Philippin, Nhật Bản, Hàn Quốc (các đồng minh của Mỹ lâu nay) thì Trung Quốc nên và phải dừng lại (ít nhất là tạm thời trong lúc này) vì các nước này Mỹ không thể bỏ. Còn lại là Nga cứ ở Cam Ranh, Trung Quốc cứ lấy Hoàng Sa-Trường Sa vả Mỹ sẽ giữ kênh đào Kra. Thế là xong vấn đề Việt Nam, và ba cường quốc Mỹ-Nga-Trung Quốc tạm chấm dứt vấn đề Biển Đông để quay qua các khu vực khác. Kịch bản đó là đối với Việt Nam chính là thời kỳ Hán thuộc lần thứ 3.

Cơ hội cuối cùng cho tất cả

Một quốc gia Do Thái Giáo nhỏ bé như Israel mà quyết tâm lập quốc và làm mình lớn mạnh lên được trong một khu vực toàn các quốc gia Hồi Giáo, là nhờ làm đồng minh với Mỹ-Âu châu. Dù khác nhau về hình thức nhưng giống nhau về bản chất trong kiểu như Việt Nam ở sát bên Trung Quốc. Vậy vì cái gì mà đảng cầm quyền Việt Nam không thể đưa đất nước làm được như dân Do Thái, phải chăng vì chủ nghĩa Mác Lê và quyết tâm tiến lên CNXH quan trọng hơn lãnh thổ và sự hùng mạnh, tự chủ của quốc gia-dân tộc trong một tư thế như Israel hôm nay?

Chừng nào đảng còn muốn giữ quan hệ cộng sản và XHCN cho “giống Trung Quốc” thì sẽ không có ông Mỹ- ông Âu nào có thể giúp gì được cho Việt Nam vì họ không tin và không cần mối quan hệ “thiếu nhất quán” đó. Nếu các quan chức trung ương đảng thuộc phe thân Mỹ lo sợ sự thỏa hiệp này sẽ làm Việt Nam “mất nước” như tôi nghe đồn sáng nay thì hơ hãy nhanh chóng hành động trước khi quá trễ, đây là CƠ HỘI CUỐI CÙNG CỦA ĐẢNG để chọn con đường chuyển hóa từ trên xuống trước khi cuộc cách mạng quần chúng từ dưới lên xảy ra (mà các điều kiện cần và đủ đang dần hội tụ rồi) Coi chừng đây cũng là cơ hội cuối cùng, mà chọn lựa sai lầm sẽ “sai một ly đi một dậm”: sẽ dẫn đến mất nước và mất cả đảng.

Chuyện xưa không xét, nếu Hoàng Sa-Trường Sa mất lúc này, dân tộc Việt Nam “có đầy đủ thông tin và thẩm quyền” để nhận định: “tội là ở đảng”

Nguyễn An Dân

_________________________

(1) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/185125/ong-tap-can-binh–doi-dau-voi-my-se-la-tham-hoa.html

(2) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/183735/tong-bi-thu–khong-ai-chon-duoc-lang-gieng.html