‘Tình hình nhân quyền ở VN không cải thiện, thậm chí còn xấu đi
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam không được cải thiện mà thậm chí còn đang xấu đi. Đó là nhận định của các dân biểu Hoa Kỳ và các nhân chứng tham gia phiên điều trần tại trụ sở Quốc Hội hôm thứ tư về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện Mỹ Ed Royce trong bài phát biểu khai mạc buổi điều trần nói:
“Ở Việt Nam, chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng đang xấu đi khi chính phủ mạnh tay đàn áp những người chỉ trích chế độ. Chúng ta biết rằng chính phủ Việt Nam trấn áp gần như mọi ý kiến bất đồng thông qua sự đe dọa, bạo lực, thông qua các án tù rất dài hạn; những blogger trẻ tuổi này thường lĩnh án 7 năm tù nếu viết về các đề tài như tự do phát biểu chẳng hạn.”
Trong những năm gần đây số lượng các vụ xử và bắt giam các blogger, nhà báo và những người bất đồng quan điểm đã gia tăng. Theo ước tính của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, có khoảng 150 đến 200 tù nhân chính trị ở Việt Nam và 63 người trong số đó bị kết án trong năm 2013. Theo cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân Chủ-Nhân Quyền-Lao Động Lorne Craner, những cuộc đàn áp đó ban đầu được cho là có liên quan đến cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2011, nhưng chính phủ tiếp tục siết chặt những hạn chế đối với các quyền tự do ngôn luận và tôn giáo có lẽ là do sự lo sợ của họ sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập.
Theo Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, người mới được chính phủ Việt Nam thả sau hơn 3 năm bị giam giữ do “tuyên truyền chống nhà nước”, có khoảng 400 tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Ông Craner, Chủ tịch Viện Cộng Hòa Quốc Tế, là một trong 4 người làm chứng tại buổi điều trần.
“Việt Nam là quốc gia đàn áp chính trị nhiều nhất trong 3 nước mà chúng bàn thảo ngày hôm nay. Đó là quốc gia độc đảng và không dung thứ sự chống đối có tổ chức và hạn chế nghiêm nhặt các quyền tự do tôn giáo và tự do báo chí.”
Tại buổi điều trần này, ủy ban thảo luận tình hình nhân quyền ở 3 nước, bao gồm cả Miến Điện và Campuchia, trong đó các vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam được các dân biểu quan tâm và bàn thảo nhiều nhất.
Ông Craner cũng nói để đối phó với Việt Nam về vấn đề nhân quyền, ‘chúng ta cần xem họ như một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh’. Ông nói thành tích về nhân quyền ở Việt Nam là tệ nhất thế giới.
Theo chủ tịch Ed Royce, người triệu tập buổi điều trần, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có 18 cuộc họp trong khuôn khổ Đối thoại về Nhân quyền mà vẫn không đạt được tiến bộ nào.
“Tôi kêu gọi chính phủ Việt nam lập tức đình chỉ những vụ vi phạm nhân quyền. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị ở đó.”
Ủy viên Quận Cam Janet Nguyễn và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS, cũng cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam đang đi xuống và kêu gọi quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua các dự thảo luật nhân quyền về Việt Nam.
“Việt Nam đã không giảm sự đàn áp đối với người dân, bao gồm cả các nhà báo, những người bất đồng chính kiến, hoặc chỉ đơn giản là các nhà đấu tranh cho nhân quyền. Gần 4 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng quyền lực, sự hăm dọa và giam cầm để đàn áp và buộc người dân im tiếng.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, mặc dù gần đây có thả tự do trước thời hạn 1 số tù nhân lương tâm nhưng chính phủ Việt Nam lại bắt thêm gấp ba số người được thả. Việt Nam, do áp lực quốc tế, đã phải nhượng bộ trong một số trường hợp, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. Nhân quyền là một trong những điều kiện của việc thông qua hiệp định.
“Tình hình nhân quyền của Việt Nam đi xuống thấy rõ. Những người biểu tình ôn hòa ủng hộ cho lập trường của nhà nước bảo vệ Biển Đông mà vẫn bị bắt bớ, đánh đập và có người bị tạm giam để truy tố…Các quyền về tự do ngôn luận không có; quyền về tụ tập biểu tình ôn hòa không có; và quyền lập hội thì hoàn toàn không.”
Bà Janet Nguyen kêu gọi việc ủng hộ thông qua H.R.4254, một dự luật do Dân biểu Royce đệ nạp, về chế tài các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Tại buổi điều trần, bà Janet Nguyen trình lên một danh sách chữ ký của các thành viên trong cộng đồng Quận Cam ủng hộ bản dự thảo, và danh sách các công dân Việt Nam được cho là đã vi phạm những quyền con người cơ bản đối với các công dân Việt khác. Bà cũng kêu gọi việc xem xét đưa “Danh sách những cá nhân lạm dụng nhân quyền” vào bản dự thảo và đưa những cá nhân đó vào danh sách bị trừng phạt.
Tiến sĩ Thắng cho rằng dự thảo này, nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam.
“Các quan chức Việt Nam có tài sản ở Hoa Kỳ có thể sẽ bị tịch thu và trục xuất, và sẽ không được đặt chân đến Hoa Kỳ dù là đi họp. Nó sẽ tác động tâm lý và chính danh của các giới chức đó trong con mắt của người dân. Và nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giới chức đó. Đối với người dân, giới chức đó là những tội phạm đã vi phạm trầm trọng luật pháp quốc tế về nhân quyền.”
H.R. 4254 là một trong 2 dự luật về nhân quyền ở Việt Nam đang được bàn thảo ở Hạ viện và Thượng viện.
——————————–
Thành phần siêu giàu ở VN tăng gấp ba trong thập niên qua
Một phúc trình của Ngân hàng Thế giới nói rằng thành phần giàu có đã tăng gấp ba ở Việt Nam trong thập niên qua.
Tin của VNN hôm nay trích lời kinh tế gia lão thành Gabriel Demonbynes của Ngân hàng Thế giới phát biểu như vừa kể hôm 8 tháng 7, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội.
Ngoài ra, theo tập đoàn bất động sản toàn cầu Knight Frank, Việt Nam có khoảng 110 đại gia có tài sản cá nhân vượt quá 30 triệu đôla trong năm 2013, tăng 34 người so với 10 năm trước đây.
Theo các số liệu thống kê thì vào cuối năm 2013, Việt Nam có 30 triệu phú trong lĩnh vực chứng khoán có tài sản hơn 1 triệu đôla.
Tổng cộng tài sản của 100 nhân vật giàu có nhất đạt gần 3,4 tỉ đôla.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là nhân vật giàu có nhất nước, với tài sản gần 20,000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Ông Vượng được đánh giá là giàu gấp 6 lần những đại gia trung bình tại Việt Nam.
Tuy nhiên phúc trình của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo rằng người dân Việt Nam nói chung rất quan tâm tới tình trạng chênh lệch giàu nghèo trong nước.
Ước lượng 80% những người sinh sống ở các thị thành nêu tình trạng chênh lệch này là một quan tâm hàng đầu, trong khi 50% những người sống ở thôn quê nêu đây là quan tâm hàng đầu của họ.
Nguồn: Far Eastern Agriculture, Vietnamnet
———————————-
Ngân hàng TQ bị cáo buộc rửa tiền
@bbc

Hai trong số các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm quy tắc quản lý ngoại hối, trợ giúp chuyển tiền mặt ra khỏi Trung Quốc cho giới nhà giàu muốn định cư ở nước ngoài, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin.
Hãng truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã cáo buộc Bank of China (BOC) “rửa tiền” khi thực hiện các hành vi trên.
Một ngân hàng khác là Citic Bank, vốn được kiểm soát bởi tập đoàn Citic Group được điều hành trực tiếp từ Hội đồng Nhà nước, cũng chịu cáo buộc tương tự.
Tuy vậy, một nguồn tin từ Bưu điện Hoa Nam nói đó không phải là “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”.
“Cả BOC và Citic Bank chỉ có thể thực hiện hoạt động kinh doanh này khi nhận được sự cho phép từ chi nhánh Quảng Châu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc,” một quan chức giấu tên nói với Bưu điện Hoa Nam.
“Nếu có vấn đề gì, thì không phải là về việc nó có hợp pháp hay không, mà là nó được làm như thế nào.”
BOC sau đó đã phủ nhận cáo buộc từ CCTV.
“Ngân hàng Trung Quốc giới thiệu dịch vụ chuyển tiền xuyên quốc gia từ năm 2011, chỉ cho phép chuyển tiền vì mục đích nhập cư hoặc đầu tư tài sản nước ngoài,” BOC được trích trên Bloomberg nói. “Ngân hàng có quy trình xử lý rất nghiêm ngặt.”
‘Đòn bất ngờ’
Vào thứ Tư, CCTV cho chiếu một đoạn hình cho thấy phóng viên điều tra của họ đang được một nhân viên của BOC chi nhánh Quảng Đông chỉ dẫn cách lách luật ngoại hối để chuyển tiền ra nước ngoài.
Chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép mỗi cá nhân chuyển đổi tối đa 50 nghìn đô la từ đồng nhân dân tệ mỗi năm.
BOC mở dịch vụ gọi là Youhuitong từ năm 2011 để chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, trong một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm quản lý tốt hơn số dự trữ ngoại hối hơn bốn nghìn tỷ đô la và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Bưu điện Hoa Nam cho rằng việc CCTV ‘tấn công’ một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước là động thái bất ngờ, đặc biệt là sau chỉ thị của cơ quan quản lý báo chí hồi tháng trước cấm truyền thông ‘đưa tin chỉ trích’ các tổ chức thuộc nhà nước nếu không được cho phép. Quy mô và tính nghiêm trọng của cáo buộc cho thấy CCTV đã nhận được sự đồng ý từ chính quyền cấp cao, Bưu điện Hoa Nam viết.
Tổ chức Global Financial Integrity ước tích trong một báo cáo vào năm ngoái là Trung Quốc mất khoảng một nghìn tỷ tiền vận chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp từ 2002 đến 2011.