Trực Ngôn – Tham nhũng qua tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ ở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Trực Ngôn
Sau loạt bài nói về sự tham nhũng và rửa tiền ngân sách của lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) được đăng trên Dân Luận, chúng tôi liên tiếp nhận được thông tin phản hồi của các cán bộ ở cơ quan này, đồng tình với Dân Luận và tự nguyện cung cấp thêm các thông tin quan trọng khác về sự ăn bẩn và ứng xử vô học của “bè lũ bốn tên” lãnh đạo LHHVN.

Chúng tôi đã dừng lại một thời gian, chưa vội viết, vì chúng tôi cũng muốn cho lãnh đạo LHHVN một cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Tuy nhiên, “non sông dễ cải, bản tính khó di”, bọn họ không những không thay đổi gì, mà còn ra mặt thách thức. Họ tuyên bố trong cơ quan, Dân Luận là trang mạng của bọn phản động ở hải ngoại, không có giá trị gì, “mặc chó cứ sủa, người cứ đi” – nguyên văn câu mà Đặng Vũ Cảnh Linh (cháu Chủ tịch Đặng Vũ Minh) viết trên FB của mình.

Một trong những tin khẩn mà bạn đọc cung cấp, đó là việc mua quan bán chức của tay “dốt mà làm to” Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký LHHVN, kẻ từng bị nhân viên tố cáo là ăn bẩn từ cuộn giấy vệ sinh mua cho cơ quan ăn đi. Tất nhiên, tuy không ra mặt nhưng việc mua quan bán chức có sự thông đồng của “bố già” Đặng Vũ Minh. Biết rằng với loạt bài tố cáo của Dân luận thì bọn hắn sẽ khó trụ được thêm khoá nữa ở LHHVN, nên đang cùng bộ sậu bàn mưu tính kế làm chuyến “tàu vét” trước khi rời nhiệm sở, đó là lên kế hoạch “bán ghế” cho một loạt cán bộ vốn là người nhà và tay chân của họ vào các chức vụ mà hàng chục năm qua bỏ trống.

pham_van_tan_-_pho_chu_tich_kiem_tong_thu_ky_lhhvn.jpg
Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký LHHVN
Không để cho Phạm Văn Tân và bộ sậu bắt trước cựu Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu đã làm, chúng tôi dành bài này nói về những sai phạm của lãnh đạo LHHVN, đặc biệt là Phạm Văn Tân trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ để bạn đọc có cái nhìn toàn diện về tư cách và trình độ của những kẻ cầm cân nẩy mực ở LHHVN, ngõ hầu mong muốn chặn được vòi bạch tuộc được Phạm Văn Tân cấy vào cơ thể LHHVN để chôm chỉa ngân sách nhà nước.LHHVN được Bộ Nội vụ ấn định cho 29 chỉ tiêu biên chế, đến năm 2013 xin thêm được 4 chỉ tiêu, tổng cộng là 33 biên chế. Hàng chục năm nay LHHVN không sử dụng hết số lượng biên chế này. Bằng chứng cho tới cuối năm 2011, số biên chế chính thức của LHHVN theo danh sách chỉ có 19 người. Mặc dù danh sách biên chế là vậy, nhưng Phạm Văn Tân chỉ đạo bộ phận tài vụ khai khống số biên chế lên 29 để lấy nguồn ngân sách. Họ lập 2 danh sách biên chế khác nhau, một ở cơ quan, một để đối phó với các cơ quan chức năng rút tiền ngân sách. Trong 6 năm qua, riêng ngân sách hành chính sự nghiệp cấp cho LHHVN đã gần 30 tỷ đồng và tăng liên tục từ 2,7 tỷ/năm 2009 lên 5,2 tỷ đồng/ năm 2011 và 9,6 tỷ đồng/ năm 2013. Hàng chục năm nay LHHVN nói dối với Nhà nước thực hiện đủ 29 biên chế, nhưng thực tế chỉ có 19 người, như vậy với 10 “biên chế ma” kia họ ăn không khoảng dăm trăm triệu mỗi năm, vì ngân sách Nhà nước vẫn chi đủ để nuôi 29 người, nhưng thực tế chỉ phải nuôi 19 người.

Mãi đến năm 2013 khi được Bộ Nội vụ cho thêm 4 biên chế, đồng thời nghĩ phải cho “thực thi” để kịp tiến độ hưu nên Lãnh đạo LHHVN xét tuyển 10 biên chế. Chúng tôi được nghe phản ánh nhiều về vụ tuyển biên chế này. Một cô kế toán học tại chức, trình độ rất kém, lại lưu manh, hay hạnh họe các đơn vị khi họ xin thanh toán tiền đề tài để đòi phong bì, nhưng vì chịu chi nên điểm xét tuyển còn cao nhất.

Cơ quan cả năm không làm việc gì, cán bộ thì vật vờ vì lãnh đạo chỉ lưu manh trộm cắp chứ không nghĩ ra việc cho anh em làm cải thiện thu nhập. Vậy nhưng Phạm Văn Tân vẫn liên tục tuyển thêm cán bộ hợp đồng để nhận hối lộ. Riêng năm 2012 nhận thêm 7 người về cơ quan, năm 2013 thêm 3 người. Thậm chí đến một chân phụ trách Đảng ủy, bình thường có thể cử cán bộ kiêm nhiệm, vậy mà Tân vẫn nhận một người thân quen vào. Đã có cán bộ tố cáo Phạm Văn Tân nhận một người đồng hương vào làm hợp đồng, người này phải chi 50 triệu, đây là giá “hữu nghị” vì là đồng hương, chứ người khác phải hơn.

LHHVN hoạt động đã trên 30 năm, thế mà cho đến nay bộ khung chưa hoàn thành, nhiều cán bộ trưởng, phó ban nghỉ hưu nhưng họ cố tình không đề bạt cán bộ tại chỗ, để còn dành chỗ cho con cháu cánh hẩu và bán mua kiếm lời. Nhiều cán bộ công tác tại LHHVN hàng chục năm không được đề bạt, họ toàn đưa người ngoài vào, điển hình là việc đưa Đặng Vũ Cảnh Linh, một kẻ vừa dốt vừa lưu manh, chuyên nói dối, nịnh bợ, trước kia chỉ là một cán bộ quèn ở Học viện Báo chí lên làm Phó ban thông tin và phổ biến kiến thức (ngang Vụ phó), chỉ vì Linh là cháu của Đặng Vũ Minh.

Bỉ ổi nhất là lãnh đạo LHHVN bày trò quy hoạch cán bộ. Họ cũng vờ vĩnh lấy ý kiến cán bộ trong cơ quan cho ra vẻ dân chủ, nhưng người phiếu cao thì không đưa vào quy hoạch, người phiếu thấp hơn lại được. Phạm Văn Tân lấy quyền Bí thư Đảng uỷ đặc cách đưa người vào vị trí. Những người tuy được đưa vào quy hoạch, nhưng chẳng qua cũng chỉ là “quy hoạch treo”, vì nếu không có tiền đấm đút thì “hãy đợi đấy”. Việc quy hoạch treo như thế rất có lợi cho lãnh đạo, bởi tết nhất nào những người này cũng phải đến nhà quà cáp biếu xén, trong cơ quan thì họ làm mật thám, tai mắt dò xét cho lãnh đạo. Thật là “nhất cử lưỡng tiện”, vứt cho cái bánh vẽ mà lợi thu về vô kể. Chúng tôi còn nhận được tố cáo, có trường hợp một tay Phó chủ tịch LHHVN còn “gạ tình” một nữ cán bộ, hứa hẹn đưa cô này lên làm Phó ban. Để giữ danh dự và nhân phẩm cho nữ cán bộ này, chúng tôi xin phép không nêu tên.

le_duy_tien_-_truong_ban_khtc_cua_lhhvn.jpg
Lê Duy Tiến – Trưởng ban KHTC của LHHVNVụ việc ỳ xèo nhất mới đây là bổ nhiệm ông Lê Duy Tiến – Giám đốc Quỹ VIFOTEC (một đơn vị thuộc LHHVN) lên làm Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính (tương đương Vụ trưởng). Điều đáng nói là ông Tiến không phải viên chức nhà nước, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không thể được bổ nhiệm làm Trưởng ban một tổ chức chính trị – xã hội (LHHVN theo như Chỉ thị 42/CT của Bộ Chính trị đã được xác định là tổ chức chính trị xã hội). Nghe đồn ông Tiến bỏ ra 300 triệu cho vụ này.

Một điều cũng cần nói, đó là Ban kế hoạch – Tài chính không được Bộ Nội vụ phê chuẩn trong cơ cấu tổ chức của LHHVN. Nhưng lãnh đạo LHHVN cố ý làm trái để có thêm ghế bán kiếm tiền.

Về ông Lê Duy Tiến, mới đây chúng tôi đã nhận được đơn thư của cán bộ Quỹ VIFOTEC, tố cáo ông này tham nhũng, phá nát quỹ. Từ một kẻ khố rách áo ôm, sau mấy năm làm Giám đốc Quỹ VIFOTEC, ông này đã có 3 tòa nhà và đất ở Hà Nội, cho 2 con đi du học Mỹ. Ông này chuyên tổ chức mua bán giải thưởng để kiếm tiền, thông đồng với kế toán ăn bớt tiền tài trợ giải thưởng. Khi vụ việc tham nhũng ở Quỹ bị nhân viên tố cáo, ông Tiến đã dùng tiền chạy chọt chuyển cơ quan, ban đầu định xin về Ban Kinh tế Trung ương nhưng không có trình độ gì nên không được nhận, ông này định chạy về một cơ quan Chính phủ cũng không xong. Cùng đường ông Tiến chạy lên LHHVN, được lãnh đạo LHHVN bán rẻ cho cái chức này. Một kẻ bị kiện cáo tùm lum ở cơ quan, đi đâu cũng không ai chứa, vậy nhưng LHHVN vẫn sẵn sàng chứa, đủ biết lãnh đạo ở đây ăn bẩn đến thế nào.

TRỰC NGÔN

Biển Đông: Ðề tài hàng đầu trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry.

Scott Stearns / VOA
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel sẽ lên đường đi Bắc Kinh trong tuần này để tham gia các buổi họp với các vị tương nhiệm Trung Quốc về vấn đề thương mại và an ninh. Như lời tường thuật của Thông tín viên Scott Stearns của VOA từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bao gồm các giàn khoan dầu mới của Trung Quốc trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở ngoài khơi Việt Nam, một vấn đề đã làm tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Việt Nam nói các giàn khoan của Trung Quốc nằm trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, và công bố một băng video chiếu cảnh một chiếc tàu của Trung Quốc đang đâm vào một tàu kiểm ngư Việt Nam gần địa điểm này.

Việt Nam đang làm việc với Philippines về việc đưa Trung Quốc ra tòa để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi mà Malaysia, Brunei, và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền. Nhưng Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị thiệt hại nhất, theo Giáo sư Hillary Mann Leverett của Đại học American University. Bà nhận định:

“Cả Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định quốc phòng với Hoa Kỳ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này, ngay cả trong cuộc tranh chấp về một hòn đảo hiểm trở. Chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Thế cho nên Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn so với Nhật Bản hay Philippines.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng những nước đang đẩy mạnh việc đưa cuộc tranh chấp Biển Đông ra trước tòa án trọng tài quốc tế, vi phạm những lối hành sử thông thường về mặt pháp lý.

Ông Tần Cương nói: “Một số quốc gia đang trương lên những bảng hiệu luật pháp để vi phạm các quyền hợp pháp và các lợi ích của những nước khác, khoác ra ngoài một cái áo “hợp pháp” để che đậy các hành động vi phạm luật pháp của họ.”

Tuy Hoa Kỳ đang giúp nâng cấp hải quân Philippine, Washington không có lập trường về bất kỳ vụ tranh chấp đối kháng nào ở vùng Biển Đông. Sau đây là nhận định của ông Michael Auslin, thuộc Viện Kinh doanh Mỹ:

“Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi nhìn thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm được. Nhưng chính quyền của ông Obama, ít nhất trong nhiệm kỳ này, đã quyết định sẽ sử dụng sự mơ hồ về pháp lý để không can dự vào.”

Và sự kiện đó, theo ông, đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược S&ED trong tuần này.

“Nói một cách nghiêm túc, chúng ta phải đặt câu hỏi S&D có còn tác dụng gì nữa hay không? Nó đã không đạt được điều gì có thực chất.”

Các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng ở Bắc Kinh diễn ra tiếp theo việc hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia các cuộc thao diễn hải quân ngoài khơi Hawaii. Các giới chức Hoa Kỳ cho rằng điều đó có thể góp phần giải quyết các khó khăn đa phương. Các giới chức Trung Quốc nói nó chứng tỏ điều họ gọi là “các thái độ tích cực của quân lực Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực.

Bùi Tín – Lực lượng công an trong mắt triết gia Trần Đức Thảo

Bùi Tín
Sau khi tôi giới thiệu trên VOA cuốn sách Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối của nhà báo Tri Vũ, một số bạn trẻ trong nước gửi thư điện tử cho tôi hỏi rằng tôi đã trích ra mấy đoạn ngắn khi tác giả khắc họa chân dung “ông Cụ” – cụ Hồ – rất sống động, chân thực, vậy cuốn sách có chứa đựng chân dung nào khác cũng lý thú, sinh động như vậy không?

Xin thưa là có, có khá nhiều, như chân dung các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… cũng cô đọng, sinh động không kém.

Đó là những nhân vật đè nặng như ma ám suốt 40 năm ròng trên sinh mệnh của triết gia Trần Đức Thảo, buộc ông phải ngậm đắng nuốt cay, đóng vai kẻ lẩn thẩn dở hơi để tồn tại, để rồi trong gần 6 tháng cuối đời đã để lại cho hậu thế những phán xét sâu sắc được nghiền ngẫm kỹ càng. Qua lời kể của ông, mới vỡ lẽ ra là khi ông phê phán bài “Hãy đi theo bảng chỉ đường của trí tuệ” của nhà dân chủ Hà Sỹ Phu là làm theo lệnh trên, nhằm được yên thân để còn sống được và thổ lộ tư duy tỉnh táo của mình và lúc cuối đời.

Dưới đây xin trích dẫn vài đọan ngắn khi ông Trần Đức Thảo nói về lực lượng công an CS Việt Nam, những người đã theo dõi, rình rập, đe dọa, đấu tố ông trong suốt 40 năm ông phải sống trong nhà tù lớn Việt Nam.

Nhận định về lực lựơng công an chìm và nổi, Trần Đức Thảo cho biết:

“Có một ngành quen dùng dối trá như một phương pháp hành động chính quy, đó là ngành công an, Với những cán bộ chìm và nổi dày đặc trong xã hội, miệng thì nói công an là bạn dân, là bảo vệ dân, nhưng thực tế công an là ngành đã quản thúc, quản chế dân bằng phương pháp khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng, đe dọa tài sán. Công an đáng lẽ là lực lượng giữ gìn, bảo vệ trật tự, kỷ cương cho xã hội, mà lại luôn tận dụng dối trá thủ đoạn để áp đảo, thống trị xã hội như thế thì làm sao duy trì được tính lương thiện trong dân, làm sao giữ được trật tự kỷ cương, được luân thường đạo lý cho xã hội? Các cụ ta đã dạy “thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, “gieo gió thì gặt bão”, ngày nay ngành công an dùng quá nhiều hành động bất chính, gieo toàn là thủ đoạn dối trá, hận thù… thì rồi chế độ này sẽ gặt được gì? Các dân tộc từng sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã có đủ kinh nghiệm để trả lời! Thực tế là guồng máy công an đã phá hoại lý tưởng, đã bôi đen, bôi bẩn đảng, đã làm ô danh chế độ, làm ung thối cách mạng nhiều nhất. Dư luận vẫn than sự lộng quyền của ngành công an là đã hằng ngày đào sâu mồ chôn chế độ”.

Ở một đoạn khác, ông nói thêm:

“Tôi thấy cái cấp bách là cần phải can đảm bãi bỏ hẳn mọi phương pháp tổ chức. mọi chính sách hành động bất chánh trong toàn thể guồng máy cai trị của đảng và nhà nước, cả về mặt tuyên truyền lẫn mặt hành chính. Đứng đầu là phải thay đổi hẳn cách huấn luyện, phải tổ chức hẳn lại ngành công an. Dùng công an để kiểm soát và đàn áp tư tưởng là việc làm vô ích. Công an không thể bịt miệng dân, không thể kiểm soát những suy tư trong đầu người dân. Chính những người CS lãnh đạo có kinh nghiệm đó hồi bị thực dân, phong kiến đàn áp, cầm tù. Nhà tù, trại cải tạo luôn luôn là lò đào tạo ý chí phản kháng mạnh nhất. Vậy mà nay chính quyền lại hành động thống trị còn tệ hơn cả thời thực dân phong kiến! Dân chúng cứ bị đẩy về phía căm thù chế độ. Chế độ như vậy thì không thể nào sửa sai, sửa lại mà dùng được…”

Rồi ông kết luận đoạn này như sau:

“Tôi chống thủ đoạn gian dối về mọi mặt chứ không chỉ về mặt tuyên truyền hay công an… Tôi chống đây là chống cái gian, cái ác, tức là chống một cách xây dựng. Không lắng nghe tôi là chế độ sẽ ngày càng bị lún sâu vào hư đốn, cho đến khi bị đào thải… Tôi biết những nhận xét ngay thẳng đó là những liều thuốc đắng, nhưng không chịu lắng nghe thì rồi chính lãnh đạo và nhân dân sẽ phải trả giá, có khi là rất đắt. Tôi luôn luôn cố vận dụng sự trong sáng của lương tri trong những ý kiến đối kháng, phản biện… “

Có những hoài nghi rất có cơ sở là chính một vài tên công an nỗi và chìm trong sứ quán VN ở Paris đã được lệnh kết thúc cuộc đời ông khi họ nghi rằng ông đang viết một cuốn sách tâm huyết, bạch hóa hết những thâm cung bí sử mà ông được biết, nhằm đền đáp lại nhân dân, với niềm tin rằng nhân dân sẽ hiểu ra cuộc đời trong sáng của một trí thức chân chính và nhận ra chủ nghĩa Mác và đảng CS VN cũng như “ông Cụ” và các đồng chí của “ ông Cụ” là tai họa thật sự của dân tộc, của nhân dân.

Phải chăng để che dấu cả chuỗi dài tội ác với nhân dân và với cá nhân ông Trần Đức Thảo mà đã có những điều không bình thường xảy ra sau khi ông chết bất ngờ vì “đau bụng” ngày 23/4 /1993: đó là việc Đại sứ VN Trịnh Ngọc Thái ở Pháp được lệnh đến cơ sở hỏa táng trong Nghĩa trang Père Lachaise ngày 29/4/1993 để báo tin ông được truy tặng Huân chương Độc lập (mà không có một lời điếu văn nào); sau đó 7 năm, năm 2000 ông được tặng “Giải thưởng Nhà nước”, mà không ai nói rõ về thành tích và công lao gì. Hẳn dưới suối vàng ông đã cười to một mình về những điều trái khoáy kỳ quặc như thế trong một chế độ quái dị.

Cả Bộ Chính trị 16 người, 200 ủy viên Trung ương đảng CS, và đặc biệt là hơn 400 viên tướng và hơn 1.000 cán bộ cấp cao khác của riêng ngành Công an hãy đọc kỹ “Những lời trăng trối” của nhà triết gia Trần Đức Thảo và tự vấn lương tâm, rút ra nhiều điều bổ ích.

Đây là việc làm cấp bách, vì khi nhà triết học nói lên những sự thật trên đây từ 21 năm trước đến nay, lực lượng công an còn sa sút thêm nhiều, trượt dài trên quá trình trở thành tai họa thật sự cho nhân dân. Công an bịt mồm linh mục giữa tòa án, đạp giày lên mặt anh đảng viên CS trẻ đang xuống đường chống bành trướng, tra tấn hành hung các cụ ông cụ bà cao tuổi, giết hại nhiều công dân ngay trong trụ sở công an…

Nếu còn sống triết gia Trần Đức Thảo chắc sẽ đau lòng lắm khi thấy những tên móc túi, những ké trộm vặt, trộm gà, trộm chó thì bị bắt, bị tra khảo, ngồi tù, còn những quan chức, tướng lãnh cướp của nhà nước, của nhân dân hàng triệu, hàng tỷ, hàng trăm ngàn tỷ đồng, kết thành nhóm thành phe thì vẫn nhởn nhơ thống trị xã hội, còn được phong tướng tá công an, với một ngân sách kinh hoàng là không kém ngân sách quốc phòng.

Chỉ tiếc là triết gia yêu nước thương dân không còn sống để chứng kiến sự rệu rã của một chế độ mục nát phi nhân, đúng như ông đã dự đoán trong những lời trăng trối tâm huyết và những lời cảnh báo nghiêm khắc “Công an đang hằng ngày đào mồ chôn chế độ”.

Huỳnh Tấn Mẫm – Thư tâm tình gởi các bạn thanh niên – sinh viên – học sinh

BS Huỳnh Tấn Mẫm
Sài Gòn, ngày 4 tháng 7 năm 2014

Cùng các bạn Thanh niên – Sinh viên – Học sinh thân mến,

Tôi là Huỳnh Tấn Mẫm, không mang một danh phận nào trong guồng máy công quyền hay một địa vị xã hội, tôi chỉ là một thanh niên – nếu các bạn cho tội dùng từ này – một thanh niên nhiều tuổi, và hơn thế, là một công dân có ý thức trách nhiệm về tình hình đất nước hiện nay. Tôi tiếc là không còn nhiều thời gian và sinh lực như các bạn, để có thể cống hiến một cách xứng đáng và trọn vẹn cho một vận hội mới đang đến với dân tộc.

Như các bạn đã biết, sự kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc hiện diện hai tháng nay ở vùng lãnh hải Việt Nam, không phải là sự kiện lớn đơn thuần, mà nó biểu hiện một tiến trình vô cùng hệ trọng đối với sinh mệnh của Tổ Quốc chúng ta, nó là màn mở đầu công khai cuộc xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ, lãnh hải nước ta trong kế hoạch có quy mô thôn tính cả Biển Đông, từng bước khống chế toàn vùng Đông Nam Á, để thực hiện mộng siêu cường bá chủ không giấu diếm của mình. Nó còn bộc lộ cho toàn dân ta biết mối quan hệ mờ ám được che giấu lâu nay dưới các từ ngữ và khẩu hiệu đẹp đẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Việt Nam ta.

Nhưng đồng thời cũng cần hiểu rằng đây là vận hội mới cho dân tộc, vì nó mang ý nghĩa thức tỉnh toàn diện của một giai đoạn lịch sử, bởi toàn bộ sự thật đã được phơi bày.

Việt Nam là một nước nhỏ về quy mô dân số và diện tích so với họ, lại chậm phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật, về công nghệ thông tin, công nghệ quân sự… lại đúng vào lúc xã hội đang suy yếu, kinh tế bên bờ vực thẳm, tầng lớp lãnh đạo thì suy thoái tư tưởng – đạo đức – lối sống, tham lam, nhũng nhiễu đầy khắp. Thử hỏi trong tình thế đó làm sao có thể đối địch trước một tham vọng vĩ cuồng như thế của đối phương?

Câu hỏi ấy đang xoáy vào lòng mỗi người dân nước ta, và chúng ta thật sự day dứt về câu trả lời.

Dù chúng ta yêu hòa bình bao nhiêu, chân thành mong muốn hữu nghị bao nhiêu, tất cả cũng bằng thừa, nếu không nói là tự huyễn hoặc lấy mình, trước tham vọng của chủ nghĩa Đại Hán phương Bắc.

Bành trướng Bắc Kinh đang tiến công chúng ta ở thế áp đảo về bạo lực, thế thượng phong về kinh tế, đánh phủ đầu ta về ngoại giao tuyên truyền. Quan chức cao cấp của Trung Quốc – Dương Khiết Trì – đến nước ta, đưa ra một thông điệp với tư cách cao ngạo của một nước lớn, thể hiện mối quan hệ bất bình đẳng không phải đột nhiên mới có: yêu cầu ta chấm dứt cái gọi là “quấy nhiễu” chúng ở giàn khoan HY981, đe dọa nếu ta kiện chúng ra tòa án quốc tế, ta sẽ nhận lấy “hậu quả” khôn lường. Nếu ta “ngoan cố” không hàng phục, chúng sẽ phong tỏa kinh tế, phong tỏa bờ Biển Đông, và mọi tai họa khác sẽ xảy đến. Chúng ngăn cản ta không được mở rộng liên minh quân sự với Mỹ và các nước khác, bởi làm như thế chúng quy là ta mang tội “khiêu khích” chúng.

Các bạn thử nghĩ xem. Họ bao vây và khống chế ta, nhưng không cho ta la lên để nhờ người can thiệp, không cho ai giúp sức, vâng, trói lại và đánh, buộc ta phải tự nguyện đầu hàng!

Qua cách nói và hành động của họ, cơ hồ như ta đã là quốc gia phụ thuộc không có bao nhiêu chủ quyền?

Các quốc gia có chủ quyền, có quan hệ bình đẳng, bất kể là nước lớn hay nhỏ, chưa từng nói năng như thế. Hồ đồ, trịch thượng phải bắt nguồn từ một thực tế. Song, yếu kém, nhu nhược vốn cũng không phải không có nguyên nhân. Có khi là sự tương thích bắt nguồn từ những sự kiện chưa bộc lộ từ phía nhà cầm quyền nước ta chăng? Dù sao cũng đã có một câu phương ngôn đáng nhớ: “Nếu ta đứng lên, là ta ngang hàng, nếu ta quỳ xuống, thì ngang rốn đối phương”.

Các bạn thân mến,

Đó là kết quả của một thực tế yếu kém, hay từ một tinh thần bạc nhược, hay cả hai? Sự than trách hay nguyền rủa đối phương lúc này quả là một sự xa xỉ.

Làm công dân của một nước, làm sao ta không thấy đau lòng khi đất nước bị xâm lăng? Làm sao ta không thấy nhục khi bị kẻ khác lăng nhục vào dân tộc mình? Trên những con đường mà các bạn đi làm hay đi học hằng ngày, trong công viên mà các bạn dạo chơi, trong sách sử mà các bạn đã đọc, luôn phảng phất bóng dáng của tiền nhân, mang tên những vị anh hùng, trong lịch sử hàng nghìn năm trải qua từng thế hệ, đã chống trả lại bọn xâm lược phương Bắc oanh liệt ra sao, và không hề khiếp sợ. Tiền nhân đã để lại cho chúng ta một giang sơn vẻ vang. Đến lượt chúng ta, chúng ta không thể thoái thác, và không hề thoái thác bởi bất cứ lý do gì, để hết lòng bảo vệ giang sơn ấy.

Nhưng lời tâm tình của tôi là vô nghĩa, nếu tôi không nói với các bạn rằng, sức mạnh có ưu thế nhất đang lớn lên từ trong tim và trong trí tuệ của các bạn, là niềm hy vọng của dân tộc – những thế hệ Thanh niên – Sinh viên – Học sinh hôm nay. Các bạn đang đứng ở đầu thề kỷ 21 của một nhân loại đang toàn cầu hóa, mà tri thức thì trở nên vô biên giới và không ai có thể che giấu hay độc quyền được.

Một cuộc chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc bằng mọi biện pháp và thông minh mà các bạn sẵn sàng dấn thân, và một xã hội mà các bạn cần xây dựng, có tương lai như thế nào, là hai vấn đề quyện vào nhau mà có lẽ các bạn đang suy nghĩ?

Để có một đất nước độc lập tự do, trước hết mỗi chúng ta cần có một trí tuệ độc lập tự do, không để bị nhuộm đen, nhuộm đỏ, hay bất cứ màu nào khác; nó phải là lòng yêu nước nồng nàn, trong sáng, yêu hòa bình độc lập và dân chủ bằng một nhận thức kịp thời đại. Một cuộc chiến đấu chỉ bằng niềm tin và sinh mạng dù rất cao cả, nhưng nó sẽ đem lại một kết quả ra sao?

Một xã hội các bạn mong muốn, chưa biết là thế nào, nhưng ít nhất, và chắc chắn nó không thể là một xã hội như các bạn đang nhìn thấy, nó đầy dẫy những bất công, trên một tầng nền của hẹp hòi và thiển cận, nó không bao giờ là bền vững!

Tôi không muốn nói một câu như sáo ngữ: tương lai đang nằm trong tay thanh niên, với nghĩa nó là màu hồng. Không, có thể nó không đến các bạn với màu hồng, nò tùy thuộc vào ý thức của các bạn. Đó là cái nhìn thẳng vào thực tế với đôi mắt biết đúng sai và nói được tiếng nói của trái tim mình. Một cuộc chiến đấu sẽ rất mạnh mẽ khi nó có đầy đủ chân lý.

Điều tôi muốn nói cùng các bạn, chúng ta phải cương quyết làm người công dân tự do, dù xã hội chưa có luật pháp thừa nhận tự do đúng nghĩa. Chúng ta cương quyết làm con người có quyền con người, dù quyền con người chưa được thừa nhận đầy đủ. Chúng ta có quyền và có nghĩa vụ – quyền sống tự do và nghĩa vụ bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Tôi trộm nghĩ, tự do trong bối cảnh Việt Nam hôm nay quan trọng hơn vì nó chứa cả sự độc lập. Tôi muốn nói đến một thể chế dân chủ, một xã hội dân sự, nó sẽ không bị đem ra mua bán hay đổi chác bất ngờ bởi một đất nước, nếu nằm gọn trong tay của một nhóm người độc quyền.

Chúng ta tin tưởng sẽ giữ được độc lập tự do, sẽ bảo vệ được giang sơn vì chúng ta có hai điều quan trọng:

– Một, chúng ta có chính nghĩa, lẽ phải ở về phía chúng ta. Thế giới bây giờ là sự liên kết rộng lớn và có sức mạnh vô tận, vấn đề là ta có làm cho sức mạnh ấy hội tụ lại được hay không? Chúng ta có làm rõ chính nghĩa để xứng đáng được nhận sự ủng hộ đó hay không? Chế độ phát xít của Bắc Kinh hiện nay với chủ trương bạo lực và bành trướng đang tự đào mồ cho mình, và nhân loại sẽ chôn chúng. Tôi tin chắc chắn điều đó sẽ xảy ra như lịch sử nhân loại đã cho thấy.

– Hai, chúng ta biết sửa mình. Một quốc gia hùng mạnh là vì có phương hướng đúng, một quốc gia yếu kém là vì có phương hướng sai. Đó là một thể chế chính trị tiến bộ hay lạc hậu, có tạo được sức mạnh đoàn kết của toàn dân hay không mà Việt Nam ta phải cấp bách xem xét để sửa đổi. Sự sửa đổi đó phải đến từ sức mạnh đoàn kết của nhân dân, kể cả những lực lượng, những con người từ trong bộ máy nhà nước, và đồng bào ở nước ngoài.

Tôi tự hỏi, có lẽ cũng giống như các bạn, vì chúng ta không muốn hy sinh xương máu khi chưa cần thiết, và nếu chúng ta là chính nghĩa, tại sao chúng ta không dám kiện để đưa họ ra tòa án quốc tế? Thế giới ngày nay không còn ở thời kỳ hồng hoang, nhân loại không phải là bầy thú trong rừng để con lớn dễ dàng giày xéo con bé, hay chính chúng ta mang mặc cảm tự ti, tội lỗi và hẹp hòi mà không dám nhìn nhận và tiếp nhận sức mạnh đang rộng mở của thời đại? Làm sao chúng ta có thể tin là an toàn và có giá trị khi tự thu mình, núp vào hang ổ “hữu nghị” giả dối dưới nách của kẻ xâm lược?

Thưa các bạn,

Bao giờ, hay ngay bây giờ chúng ta có thể cất lên tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ đối với những người đang mang trọng trách dẫn dắt dân tộc?

Hiện nay, tôi không tán thành nhiều điều, trong đó có hai điều căn bản và cấp bách mà Chính phủ của Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện:

1- Đặt Hiến pháp cũng như luật pháp của một Quốc gia dưới cương lĩnh và các chỉ thị của Đảng Cộng sản. Thay vì ngược lại, Đảng Cộng sản phải đặt mình dưới Hiến pháp và luật pháp nhà nước, với chức năng là thi hành chứ không phải chỉ đạo. Từ sự trái ngược đó, với quyền hành độc đoán trong tay, Đảng đã tự tha hóa và suy thoái (như đã tự thừa nhận), đưa đến một Chính phủ thiếu trách nhiệm và không hiệu quả, làm cho xã hội rệu rã, không phát triển và mất dần sức sống, người dân trở nên lơ láo, mất phương hướng và tích lũy nỗi bất bình. Tình trạng này là điều kiện phù hợp ý muốn của kẻ xâm lược.

2- Đường lối đối ngoại hiện nay, là thuộc về Đảng Cộng sản, cụ thể là Bộ Chính trị, chứ không phải do một Chính phủ của nhân dân, vì thế đã không giữ được tư thế chính danh của một Quốc gia, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc. Các từ ngữ: hữu nghị, bạn, môi răng, đồng chí, anh em, 16 chữ vàng (*), 4 tốt…đã xóa tan tư cách và khoảng cách phải có của một quốc gia với một quốc gia. Mối quan hệ mang tính chất tình cảm quá đà và độc hại đó đã tràn ngập trong tư tưởng giới lãnh đạo, quan chức, các đoàn thể, kể cả Đoàn Thanh niên Cộng sản mới lớn sau chiến tranh, thể hiện lời nói, phong cách trong các văn kiện cũng như trong cách hành xử, chứng tỏ một tinh thần dựa dẫm, bấu víu, lệ thuộc, thiếu tự tin của tâm lý nhược tiểu chưa trưởng thành về mặt quốc gia, làm mất quốc thể, của giới lãnh đạo hiện nay. Lẽ ra, mối quan hệ không chính danh đó phải được chấm dứt, khi chiến tranh chấm dứt và đất nước thống nhất. “Ân đền oán trả” gì khi còn nằm trong rừng sâu suối lạnh, thì cũng phải minh bạch trong chính sách ngoại giao, không “giáo dục” toàn dân theo cách “xóa tan biên cương” mập mờ như thế được! Vì thế, làm sao trách thái độ kẻ cả của Dương Khiết Trì khi bảo Việt Nam “quấy rối” chúng ở giàn khoan, hay kêu gọi Việt Nam “ đứa con đi hoang hãy sớm quay đầu về”, hoặc bí thư Quảng Đông gởi “danh mục công việc phải làm” cho Bộ Ngoại giao ta?

Tôi sống ở miền Nam, và biết người dân miền Nam đều nhận thấy cực kỳ phẫn nộ về cách ngoại giao xa lạ như trên.

Thưa các bạn,

Văn hóa ngoại giao cũng là biểu hiện chiều sâu của thực thể. Lẽ nào tôi dám nói ép, nói oan cho các lãnh đạo Việt Nam chăng, khi cho rằng mối quan hệ được biểu hiện như thế là xuất phát từ hành vi và tư duy lệ thuộc do quán tính, hoặc do “tận đáy lòng”?

Tôi không tán thành về mối quan hệ bất bình đẳng, được gọi là “hữu nghị” giữa Việt Nam và Trung Quốc lâu nay, mà ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đang cố gắng níu kéo một cách vô vọng trong cô đơn và sợ hãi, có tác dụng cuốn cả đất nước rơi vào quỹ đạo của bành trướng Bắc Kinh. Tôi cho rằng Trung Quốc là không đáng sợ, một nước rộng về đất, đông về dân, mạnh về bạo lực, chứ không hề là một nước lớn với ý nghĩa là có sức mạnh văn hóa, văn minh và đáng nể trọng. Không tự cúi người xuống để phong Trung Quốc là đại ca vô địch. Cũng không thể có ý nghĩ đến việc có thể hay không thể “rinh” đất nước chạy đi nơi khác với lời than thở vô nghĩa: “Có ai chọn được láng giềng đâu!”. Thật ra đó là ý của một tướng Tàu đã nói ở Hà Nội các đây hai năm, nhằm đe nẹt Việt Nam đã lỡ nằm cạnh Trung Quốc, không thể “chọn” thân phận khác được đâu, lẽ ra không nên lặp lại theo cách áo não như thế. Thủ tướng Nhật, chưa từng than van chuyện phải bê mấy hòn đảo của mình đi đâu. Nữ Tổng thống Hàn Quốc cũng không có một lời nào tương tự!

Tôi chân thành bày tỏ, chia sẻ cùng các bạn về niềm tự tin và tự hào của dân tộc, trước vó ngựa của quân Nguyên-Mông xưa, nay là trước sự hung hăng của quân Tập, với tinh thần là nhân dân phải biết làm chủ vận mệnh của mình, thông qua một thể chế dân chủ bởi một Hiến pháp đứng đắn, và quan hệ bình đẳng không lệ thuộc Bắc Kinh. Đó là khẳng định căn bản và lâu dài, dù cho nay mai giàn khoan có thể rút đi, hay thay một chiếc khác. Mối quan hệ giữa “hai” dân tộc – theo nghĩa dân sự – xưa nay chưa từng có vấn đề, ngoại trừ bọn cầm quyền hung hăng mỗi lúc. Nhắc lại điều này với dân chúng cũng lại là một xa xỉ nữa.

Hai điều nêu trên, không phải là vô cùng hệ trọng của hiện tình đất nước đáng trăn trở hay sao?

Chúng ta không để sự thờ ơ của hôm nay là nỗi hối tiếc của ngày mai. Chúng ta không muốn một đồng bào nào của mình phải tự thiêu như người Tây Tạng, không muốn những nhóm thanh niên ta đến lúc phải vung dao liều chết vào bọn Hán tộc ở các bến tàu như ở Tân Cương. Và chúng ta cũng cần tinh tường cảnh giác về những kẻ diễn hài nội địa.

Một phương châm chân chính đã từng vang lên trong lòng dân tộc: “Chúng ta yêu hòa bình nhưng sẵn sàng chiến tranh” để bảo vệ Tổ quốc.

Mong rằng tôi có nhiều cơ may được gặp các bạn, góp phần nhỏ bé của mình cùng các bạn bước tới, cùng cả đất nước đứng hẳn lên đấu tranh, giữ vững độc lập trước sự khống chế và xâm lược của Bắc Kinh, xây dựng một xã hội dân sự vững chắc, công bằng vàdân chủ.

Ao ước thay!

Trân trọng kính chào.

Huỳnh Tấn Mẫm – một thanh niên nhiều tuổi./.

(*) “Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan” (!) – thập lục tự phương châm – do Trung Quốc đưa ra, dịch thành phương châm hành động: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Tác giả gửi BVN.

Tư duy lãnh chúa

Dương Hoài Linh
Lâu nay lên mạng thấy ở đâu cũng là lãnh hải. Bội thực! Thôi thì để đổi món mình xin chuyển qua một “lãnh” khác: “lãnh chúa”. Đây lại là lĩnh vực thể hiện rất rõ sự lạc hậu của xã hội Việt nam so với thế giới. Nó chẳng khác thời tiền sử. Khi mà những hô hào về một nền “pháp trị” chỉ ở trên giấy thì khái niệm về sự cát cứ của tư duy lãnh chúa là có thực, đã và đang chi phối toàn bộ xã hội Việt Nam.

Thực sự thì Việt Kiều ở khắp nơi trên thế giới đều muốn trở về thăm quê hương mình. Thăm lại những kỷ niệm xưa,thưởng thức các món ăn dân tộc đậm đà, gặp gỡ thân nhân, bạn bè… là những lý do chính đáng khiến họ phải vượt hàng ngàn km để có mặt trên mảnh đất sinh ra và lớn lên. Thế nhưng càng ngày càng có nhiều người không muốn về nữa. Không phải vì họ đã vơi đi nỗi nhớ quê, cũng không phải vì lý do kinh tế mà vì họ đã quá quen với cuộc sống của một nền “pháp trị”. Trở về nước họ bắt buộc phải đối diện với những phiền hà không hề có nơi xứ người, buộc phải thích nghi lại là điều khó khăn.

Tôi vẫn thường hay buồn cười khi gặp một số người bạn ở trong nước sang, sau khi quen biết liền đưa tấm card “Về Việt Nam nếu có gì rắc rối, anh gọi cho em” hoặc một số bạn tận tình: “Qua hải quan, nếu mang nhiều đồ anh cứ phone cho em một tiếng”. Một số người khác thì tự hào “Tỉnh không nói, trong phạm vi Sài Gòn tôi bao hết”. Đây là tư duy chỉ có ở Việt Nam. Kiểu tư duy mà khi gặp chuyện thường móc điện thoại ra, a lô cho anh Ba, anh Tư nào đó. Đến hải quan sân bay, không nhét năm đồng vào hộ chiếu là bị nhìn như một “quái vật “đến từ hành tinh khác:

– Anh mới về Việt Nam lần đầu à?

Không lẽ phải nói thẳng độp là 5 đồng chẳng đáng gì nhưng thấy ghét không móc túi thôi, các anh muốn làm gì thì làm. Lại điền đơn, ký giấy… bị hành đủ trò, rồi những gợi ý sát sườn,trắng trợn. Cứ cho các cậu hành, tớ đủ thời gian “chơi” với các cậu. Nhất quyết không hối lộ.

Một lần khác đang đi qua ngã tư đèn vàng thì bị kẹt cứng vì những xe bên trái, bên phải bất chấp chưa có tín hiệu đã ào vào chặt cứng. Công an giữ xe, đưa về đồn vì cái tội vượt đèn đỏ. Nếu chịu khó a lô thì thoáng cái là xong nhưng cái tật gàn nên bị quay như dế, hết đi xe ôm về nhà dưới trời nắng lại lên kho bạc đóng tiền, dẫu biết rằng đóng cho mấy “ảnh” thì chỉ tốn có nửa tiền.

Chưa kể nửa đêm đang ngủ nghe lục cục, nhìn ra thấy một bóng đen to chần vần đang bám vào tường nhà mình. Tưởng là ăn trộm hóa ra anh CA khu vực đang tìm cách vào kiểm tra hộ khẩu sau khi bấm chuông hoài không ai mở cửa. Thì ra hồi chiều ra trình báo ở CA phường mà không có “ảnh” ở “ngoải”. Rồi con cái tháo dạ vì chưa quen thức ăn, lại phải lên bệnh viện chầu chực. Đút lót tiền thì vi phạm những gì mình cam kết với lòng, không đút lót thì con mình bị đối xử như với kẻ ăn mày, đủ thứ quát nạt, hách dịch,coi người bằng nửa con mắt.

Bạn bè đi nhậu thường kháo nhau thằng nọ thằng kia giờ “oách” lắm, gặp CA chỉ cần nói mấy câu là chuyện “hung” hóa “kiết”. Làm giấy tờ nhà đất, mua bán chuyển nhượng hoặc có việc xác nhận ở Sở Tư pháp, Xuất nhập cảnh… chỉ cần gọi số này, số kia là xuôi chèo mát mái. Mọi chuyện ơn nghĩa, chung chi để đó từ từ tính. Đứa nào quen biết càng nhiều càng có dịp “lấy le” với bạn bè, người đẹp.

Thế nên câu nói cửa miệng “Có biết tao là ai không?” luôn xuất hiện trong mọi hoàn cảnh,từ ông bụng phệ cho đến thằng nhãi ranh. Ai có dịp chứng minh được cái tôi của mình càng được nhiều người nể trọng. Tư duy ấy mang ra cả nước ngoài và mấy phen bị bẽ mặt. Một tiếp viên hàng không sau khi nhận được câu hỏi đó đã lên loa phóng thanh dõng dạc: “Có một người Việt không biết ông ta là ai, xin mọi người làm ơn giúp giùm”.

Nếu ở nước ngoài, đối diện với chiếc đèn đỏ bạn chỉ có hai lựa chọn: phạm luật hay không phạm luật. Nhưng ở Việt nam, bạn lại có thêm hai lựa chọn khác: khôn hay dại. Nếu không có CA mà vẫn dừng xe, tức là dại, bạn sẽ bị chửi như tát nước từ phía sau. Tương tự có bất cứ việc gì dính đến cơ quan công quyền, nếu không biết đi cửa hậu, bạn sẽ bị cho là kẻ khờ khạo, bởi Việt nam không chỉ có một cửa. Nhiều người luôn xa lạ với luật pháp và càng không mong có luật pháp cũng là bởi trong tư duy của họ không hề có chúng. Do đó đòi hỏi Việt Nam đi đến một xã hội pháp trị như Âu, Mỹ chắc hẳn sẽ còn lâu lắm.

Bóng dáng quyền lực vẫn còn ngự trị trong từng cá nhân, gia đình và xã hội. Quyền lực càng cao sự tha hóa càng rộng. Đó chính là nguyên nhân căn bản tạo nên sự băng hoại. Báo chí gần đây đang phanh phui những tập đoàn, nhóm lợi ích… ở các lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, tài chính hoặc chỉ ra giang san, lãnh thổ các tỉnh do các ông trùm trong bộ máy quyền lực của Đảng cát cứ là điều có thực. Và nó cũng minh chứng rằng xã hội Việt Nam đang quay ngược về các thế kỷ trước, thời kỳ của loạn 12 sứ quân, của băng đảng mafia… hỗn quân, hỗn quan.

Có lẽ chỉ khi nào người dân đã quá quen với luật sư và tòa án thì “tư duy lãnh chúa” mới không còn đất để tồn tại. Nhưng từ “quen” đến “tin” lại là một chuyện khác trên hành trình đi đến một đất nước văn minh. Xem ra ước vọng về một xã hội công bằng và thịnh vượng vẫn còn xa lắm thay!