“Thế giới đại đồng” và độc đảng đang đẩy Hà Nội làm trò hề cho Bắc Kinh!

Âu Dương Thệ / Viet-Studies

Bắc Kinh đang ngang ngược lấn chiếm biển, đảo, tài nguyên và đe dọa độc lập thì Hà Nội vẫn loay hoay không biết chọn cách nào, cô đơn không có đồng minh tin cậy và đủ mạnh.

Liên minh không phải là gây chiến tranh mà chính là làm chiến tranh không thể xẩy ra, làm cho kẻ thù không dám phiêu lưu. Hòa bình theo kiểu cúi đầu nhượng bộ từng bước trong suốt hơn 20 năm qua là hòa bình trong nô lệ.

Nhưng một liên minh vững vàng và tin cậy chỉ diễn ra dưới điều kiện giữa các nước cùng theo đuổi những giá trị xã hội chung. Muốn liên minh với các nước dân chủ mà lại đòi giữ nguyên chế độ độc tài thì chỉ là nuôi ảo tưởng với chính mình và đánh lừa nhân dân! 

Từ đầu tháng 5. 2014 Bắc Kinh đã sử dụng cả trăm tầu chiến, phi cơ, tầu hải giám và kiểm ngư hộ tống giàn khoan HD 981 xâm nhập hải phận VN và dựng giàn khoan khủng này ngay trong thềm lục địa VN. Trong những ngày vừa qua Bắc Kinh còn dựng thêm hai giàn khoan khác ở vịnh Bắc bộ trong vùng đang còn tranh chấp giữa VN-Trung Quốc và tự ý công bố bản đồ mới thay vì 9 khúc thành 10 khúc mở rộng thêm quyền kiểm soát trên biển Đông. Để bảo vệ các hành động xâm lấn của mình, Bắc Kinh đang cho tăng cường các tầu chiến, máy bay quân sự trong các khu vực họ vừa dựng các giàn khoan, đồng thời sử dụng các tầu bọc thép ngăn cản và đâm nát nhiều tầu hải giám VN đang làm công tác tuần tra trên phần lãnh hải của VN
Các hành động xâm lấn ngang ngược và nguy hiểm trên đây đã chứng tỏ chính sách xâm lược công khai của tân đế quốc Bắc Kinh vào đầu Thế kỉ 21. Nó chứng minh chủ nghĩa đế quốc bành trướng thực dân kiểu mới của Bắc Kinh đang là kẻ thù nguy hiểm trực tiếp của toàn dân tộc ta.
Nhưng trước những phẫn uất của nhân dân và cả một phần trong Đảng, người cầm đầu chế độ toàn trị đã trả lời như thế nào?
Ngày 1.7 trước sự bức xúc và lo ngại của nhân dân, nhiều cử tri ở Tây hồ, Hoàn kiếm Hà Nội đã đặt câu hỏi với người cầm đầu chế độ toàn trị về thái độ và cách đối phó trước các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc Kinh từ khi họ dựng giàn khoan ngay trên thềm lục địa của VN từ đầu tháng 5. Sau khi rào trước đón sau Nguyễn Phú Trọng đã trả lời: “Đặc biệt là phải tập trung bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.” [1]
Khi nói câu này người cầm đầu chế độ toàn trị và từng là lí thuyết gia chiến lược của chế độ độc tài đã bộc lộ một số chủ trương căn bản trong việc đối phó với Bắc Kinh: 1. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu là “bảo vệ Đảng” và “bảo vệ chế độ” toàn trị. 2. Vì thế đối với Bắc Kinh, vẫn muốn “giữ vững môi trường hòa bình” dù họ đang xâm lấn ngang ngược. 3. Đối với sự chống đối của nhân dân VN thì Đảng sẵn sàng cho bộ máy công an đàn áp để giữ gìn “an ninh chính trị”. Gói ghém trong ba điểm chính trên ông Trọng đã bộc lộ chủ trương là sẽ không dám động đến chân lông “Bạn” “bốn tốt“ và lường trước là, như thế sẽ gặp phải sự chống đối càng mạnh của nhân dân, đi đầu là trí thức và thanh niên, cho nên bộ máy an ninh đàn áp sẽ phải ra tay mạnh hơn, chỉ như vậy mới tiếp tục bảo vệ được sự độc quyền của Đảng. Tóm lại, ở đây ông Trọng vẫn lặp lại chủ trương mà nhân dân đang nguyền rủa kết án “hèn với giặc, ác với dân”, “đảng trước nước sau” của những người cầm đầu chế độ toàn trị!
Nhưng vì sao vài người có quyền lực nhất trong Bộ chính tri ĐCSVN lại rất lo sợ trước Bắc Kinh, lúng túng không biết chọn giải pháp nào và đang rơi vào cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược? Tại sao thay vì một chính sách đại đoàn kết chống ngoại xâm phương Bắc, nhưng cũng chính những người này lại vẫn tiếp tục thẳng tay đàn áp các trí thức và thanh niên và chia rẽ các tầng lớp nhân dân chỉ vì chống Bắc Kinh xâm lược? Nắm vững được tình hình và nguyên nhân sẽ thấy rõ con đường đi mới của VN và sứ mệnh lịch sử của nhân dân ta, đi đầu là trí thức và thanh niên, kể cả những người CS tiến bộ biết quí tự trọng!
Chế độ độc đảng lấy „thế giới đại đồng“ coi mộng làm thực
là hai nguyên nhân chính giúp Bắc Kinh trở thành kẻ thù nguy hiểm trực tiếp của Việt Nam
Trong khuôn khổ giới hạn của bài, ở đây chỉ dẫn chứng một số sự kiện quan trọng tiêu biểu về việc những người cầm đầu CSVN, qua nhiều thế hệ lãnh đạo, đã tôn thờ tư tưởng về “thế giới đại đồng“ từ Marx-Lenin đến Mao là “tiến bộ“, “khoa học”, “chân lí” và còn khẳng định, chỉ có duy trì sự độc tôn toàn trị của ĐCS mới thực hiện được mục tiêu tiến tới “thế giới đại đồng”! Chính vì thế người sáng lập ĐCSVN đã công khai coi chủ nghĩa Marx-Lenin như là những cây đũa thần và từ khi Mao Trạch Đông giải phóng lục địa Trung Quốc và viện trợ súng đạn và cố vấn thì ông Hồ chọn thêm tư tưởng Mao làm thần tượng!
Mặc dầu tư tưởng “thế giới đại đồng“ chỉ là một huyền thoại viển vông, nhưng họ lại tin tưởng tuyệt đối vào nó và coi tình anh em giữa các ĐCS cao hơn quyền lợi chính đáng và lâu dài của dân tộc. Trong khi đó, đối với chính nhân dân, đồng bào của mình, vì chủ trương giai cấp đấu tranh và tôn thờ tuyệt đối vào bạo lực nên đã bao nhiêu lần họ đã thẳng tay tiêu giệt những người dân chủ, đàn áp nông dân, trí thức và các tôn giáo.
Nhiều thế hệ lãnh đạo CSVN đã lẫn lộn giữa mục tiêu và phương tiện, thậm chí lấy phương tiện làm mục tiêu. Như Hồ Chí Minh lúc đầu dùng học thuyết Marx và phương pháp cướp chính quyền của Lenin (phương tiện) để giải phóng đất nước, giành độc lập cho VN (mục tiêu). Nhưng sau khi cướp được chính quyền lại bắt dân phải tuyệt đối tuân theo chủ nghĩa Marx-Lenin, tôn thờ lí tưởng không tưởng “thế giới đại đồng”, xua bao nhiêu triệu người vào 30 năm chiến tranh làm nghĩa vụ quốc tế cho các đảng “anh em”. Quan điểm cực kì sai lầm này đã được một số chuyên viên cao cấp của chế độ cảnh báo ngay từ cuối thập niên 80 trong một số cuộc hội thảo do chính Tạp chí CS khi ấy tổ chức. Vì chính khi đó phe giáo điều bảo thủ trong Bộ chính tri đang tìm cách giành lại tay lái và chuẩn bị quay đầu sang chầu Bắc Kinh.[2]
Có nắm vững được hai chủ trương “thế giới đại đồng” và độc đảng theo “chuyên chính vô sản” của nhóm cầm đầu CSVN khi ấy mới hiểu được, vì sao đã có Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi Thủ trướng Trung Quốc Chu Ân Lai 14.9.1958 nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông; đồng thời hoàn toàn im lặng trước việc Bắc Kinh dùng hải quân đánh chiếm Hoàng Sa của VN 1.1974, khi ấy đang dưới sự quản trị của Việt Nam Cộng hòa. Nhưng chính khi đó lại cho đổ toàn bộ quân đội từ miền Bắc vào miền Nam để giết hại đồng bào mình! Và trong các sách giáo khoa của CSVN giảng dậy trẻ em VN trước 1974 cũng đã từng coi các đảo Hoàng Sa-Trường Sa là thuộc Trung Quốc. Chính vì vậy trong Văn thư gởi Liên hiệp quốc 8.6.2014 nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dẫn chứng các văn kiện chính thức này của CSVN đối với các quần đảo tranh chấp để chứng minh lí lẽ của họ.[3] Nghĩa là nhóm cầm đầu Bắc Kinh hiện nay đã lợi dụng sự mơ tưởng hão huyền đến độ cực kì ngây thơ của nhà cầm quyền Hà Nội để làm bằng chứng cho việc họ chiếm đóng Hoàng Sa-Trường Sa của VN!
Sau sự sụp đổ của các nước CS Đông Âu và Liên xô vào cuối thập niên 80 những người cầm đầu CSVN khi ấy (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh…) vẫn theo tiêu chí giá trị Đảng trước nước sau, vì sợ chế độ toàn trị bị tiêu vong, hay ít nhất sẽ bị mất độc quyền; nên họ đã tin rằng nếu CS Trung Quốc trụ được thì CSVN cũng trụ được; nghĩa là trong tình hình đen tối chung thì Bắc Kinh cũng sẽ mở vòng tay cứu vớt Hà Nội! Vì thế nhóm cầm đầu CSVN khi ấy đã cúi đầu thần phục, do đó mới có cuộc họp bí mật ở Thành Đô, Trung Quốc vào đầu tháng 9.1990. Từ đó không chỉ “hợp tác chiến lược toàn diện” trên các bình diện đảng, nhà nước giữa hai bên trong chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Độc hại nữa là, hi vọng Bắc Kinh sẽ vực dậy nền kinh tế đang phá sản của chế độ độc đảng ở VN, Hà Nội còn mở toang cửa kinh tế cho Bắc Kinh thả cửa làm ăn ở VN. Vì thế chỉ mới trên hai thập niên qua nền kinh tế VN đã gần như bị buộc chặt vào thị trường Trung Quốc (từ nông sản, khoáng sản, nguyên liệu đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; đại đa số các công trình hạ tầng đều nằm trong tay các công ti Trung Quốc; kim ngạch nhập siêu từ Trung Quốc từ 200 triệu USD (2001) lên tới gần 24 tỉ USD (2013).[4] Sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc đã tới mức nguy hiểm, nên chính Trương Tấn Sang đã phải nhìn nhận: “Chỉ còn hơn một năm rưỡi thì đến ngày 1.1.2016 về thương mại hóa tự do Trung Quốc – ASEAN, nếu cứ lình sình như thế này thì đến ngày 1.1.2016, hàng hóa các loại của Trung Quốc sẽ tràn ngập lãnh thổ Việt Nam”.[5]
Lệ thuộc kinh tế đã là nguy hiểm, nhưng nô lệ trong tư tưởng trong tâm lí với Bắc Kinh của những người cầm đầu chế độ toàn trị Hà Nội còn cực kì nguy hiểm hơn! Vài năm trước ngay tại Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã từng tuyên bố “Tình hình biển Đông không có gí mới”, rồi trước các Hội nghị Trung ương người cầm đầu chế độ còn gọi những lãnh tụ Bắc Kinh, những kẻ đang xâm lấn biển đảo VN, là “Bạn”. Tới giữa tháng 6 sau khi giàn khoan HD 981 đã dựng chỗm chệ trong thềm lục địa VN, nhưng khi tiếp Dương Khiết Trì Nguyễn Phú Trọng vẫn xưng hô là “đồng chí”.[6] Có hiểu như thế mới thấy được động cơ nào và nhằm mục tiêu gì trong tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng ngày 1.7: “Đặc biệt là phải tập trung bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.”!
Những tuyên bố cực kì sai trái như trên của người cầm đầu chế độ toàn trị đã làm tê liệt ý chí cảnh giác của đảng viên cũng như nhân dân trước ý đồ của Bắc Kinh, đồng thời đánh lạc toàn bộ sự theo dõi của dư luận quốc tế; không có cường quốc nào tin tưởng chế độ Hà Nội dám đứng thẳng trước Bắc Kinh! Chính chế độ độc tài suốt trên 60 năm khiến cho những người cầm đầu mới có thể làm mưa làm gió, đưa ra các tuyên bố vô trách nhiệm và các quyết định cực kì sai lầm, đồng thời ngăn cấm những quan điểm đúng đắn, đàn áp những tiếng nói trung thực, trong khi đó lại ca tụng những chuyện không tưởng viển vông và lấy thù làm bạn. Vì thế họ đang đẩy đất nước vào hoàn cảnh cực kì nguy hiểm như hiện nay!
Trong các nước Dân chủ đa nguyên đảng cầm quyền thường xuyên bị các chính đảng đối lập, các tổ chức dân sự và các báo chí độc lập theo dõi và kiểm soát các hoạt động. Vì thế các cuộc tranh luận công khai và thẳng thắn ngay tại quốc hội và trên các cơ quan báo chí làm cho đảng cầm quyền phải thận trọng và cân nhắc trước các quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới vận mạng dân tộc và quyền lợi thiết thực của nhân dân. Nếu không thì đảng cầm quyền sẽ mất chính quyền khi đa số cử tri bỏ phiếu chống lại trong các cuộc bầu cử dân chủ tự do.
Dưới chế độ độc đảng toàn trị của ĐCSVN đã hoàn toàn không có các điều kiện trên. ĐCS một mình một chiếu, độc thoại, độc quyền, Quốc hội theo lối đảng cử dân bầu, trong đảng thì làm việc theo tập trung dân chủ khiến cho chỉ vài ông vua tập thể trong Bộ chính tri làm mưa làm gió, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm cá nhân. Chính cơ chế sinh hoạt của chế độ độc đảng là mụ đỡ cho các tệ trạng xã hội như tham nhũng, gia đình trị, nhóm lợi ích. Nó cũng là thủ phạm gây ra những sai lầm nguy hiểm và kéo dài trong chính sách an ninh đối ngoại; vì không được nhân dân ủng hộ nên những người có quyền lực phải nhờ các thế lực bên ngoài che chở. Đây chính là hoàn cảnh của VN hiện nay dưới chế độ độc đảng. Nguy hiểm rõ ràng là, hiện nay những người cầm đầu chế độ toàn trị Hà Nội đã bị biến thành những anh hề làm trò xiệc để Bắc Kinh ngang ngược lấn biển, chiếm đảo và đang đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và độc lập của VN!
Lúng túng với kẻ thù, ông nói gà bà nói vịt trong Bộ chính trị
Từ lệ thuộc tư tưởng và chính trị tới lệ thuộc kinh tế, thương mại ngày càng trầm trọng, khiến cho tứ trụ triều đình CS ở Hà Nội đang rơi vào thế bị động và vô cùng lúng túng đặc biệt từ khi Bắc Kinh đặt giàn khoan HD 981:
– Hội nghị Trung ương 9 của CSVN diễn ra đúng vào dịp Bắc Kinh đặt giàn khoan HD 981, nhân dân cả nước lo ngại và phẫn uất, dư luận quốc tế rất quan tâm. Là đảng độc quyền và khẳng định là lực lượng lãnh đạo dân tộc, nhưng Bộ chính tri đã không cho Trung ương đảng thảo luận mà chỉ thông tin nhỏ giọt những gì họ cho phép. Vì vậy Hội nghị Trung ương 9 đã không có tuyên bố chung kết án các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc Kinh. Mặc dầu theo Điều lệ Đảng Trung ương đảng là cơ quan cao nhất. Như thế cho thấy họ đòi lãnh đạo dân tộc, nhưng lại vô cảm và vô trách nhiệm với vận mệnh dân tộc! [7]
– Cũng vào thời gian này Quốc hội khóa 13 đang họp kì 7 suốt 5 tuần cũng không giành ưu tiên một buổi họp đặc biệt về tình hình căng thẳng trên biển Đông sau khi Bắc Kinh dựng giàn khoan HD 981. Cho nên cuối cùng Quốc hội cũng không ra được một tuyên bố hay nghị quyết kết án hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc Kinh. Mặc dầu theo Hiến pháp thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất! Khi Quốc hội bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã không dám ra trước báo chí trả lời tại sao Quốc hội lại vô cảm trước bức xúc của nhân dân, nên đã giao cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời ấp úng và lúng túng về việc tại sao Quốc hội không ra được một tuyên bố kết án Bắc Kinh xâm lấn.[8] Trong khi đó một nhân vật thân cận của Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nói thẳng “Quốc hội Việt Nam chưa ra nghị quyết riêng về Biển Đông vì tình hình chưa ‘đặc biệt nghiêm trọng’ ” !!![9] Nhận định này của ông Thuận phản ảnh quan điểm của Nguyễn Phú Trọng khi còn là Chủ tịch Quốc hội: “ình hình biển Đông không có gì mới!“
– Giữa tháng 6 sau 6 tuần ngang ngược dựng giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa VN và đánh phá các tầu tuần tra của VN Bắc Kinh đã cử Dương Khiết Trì, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, sang dọa dẫm VN và ra lệnh: “Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc“.[10] Nhưng thật là quái đản, ngày 18.6 Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu chế độ toàn trị vẫn gọi Dương Khiết Trì là “đồng chí“![11] Không những thế vì sợ Bắc Kinh nên Bộ chính tri lại cản không cho PhóThủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sang Washington thảo luận với Mĩ về tranh chấp biển Đông với Bắc Kinh theo lời mời cùa ngoại trưởng Kerry. Nhưng lại cho Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thúc giục Liên minh Âu châu (EU) lên tiếng kết án Trung Quốc. Thật là lúng túng, mâu thuẫn cùng cực! [12]
– Trong các tuần gần đây Nguyễn Tấn Dũng lại đóng vai anh hùng rơm, mượn cơ hội tuyên bố rất nổ trong một số dịp liên quan tới giàn khoan HD 981. Nhưng khi cần có tiếng nói của người cầm đầu chính phủ thì ông lại tránh né. Như việc ông Dũng không dám ra trước Quốc hội tuyên bố kết án Bắc Kinh bành trướng trên biển Đông. Từ lâu mọi người đầu biết là anh Ba Dũng hay “Đồng chí X” trước sau vẫn chỉ là người “đón gió“ nhưng không dám “đổi cờ”! Mỗi khi xẩy ra những bức xúc trong dư luận thì Nguyễn Tấn Dũng lại dùng ngôn ngữ rất nổ và hô hoán lớn, nhưng sau khi đánh trống xong thì quẳng dùi đi, chỉ muốn mượn gió bẻ măng mà thôi! Mới đầu năm nay Nguyễn Tấn Dũng đã từng quả quyết “phải làm lễ kỉ niệm 19.1 và 17.2“ và phất cao “ngọn cờ dân chủ“.[13] Nhưng sau khi Tập Cận Bình ra lệnh qua đường giây nóng thì ông Dũng lại im thin thít. 8 năm dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng cũng là thời kì kinh tế VN càng lệ thuộc Trung Quốc, những người dân chủ bị giam cầm và đàn áp thô bạo nhất; chính ông ra lệnh cấm biểu tình chống Bắc Kinh xâm lấn và cấm chuyên viên, trí thức được phản biện công khai và cũng là thời kì tham nhũng trắng trợn nhất! [14]
***
Sự phá sản của chủ nghĩa Marx-Lenin vào cuối thập niên 80 với sự tan rã của Liên xô và các nước CS Đông Âu như trận động đất chính trị, nhưng đã không làm những người CSVN độc tài bảo thủ thức tỉnh. Trái lại vì đặt quyền lợi “đảng trước nước sau” nên họ đã hốt hoảng chạy sang Thành Đô cúi đầu xin bao bọc của phương Bắc. Hành động hốt hoảng này của họ cũng giống như triều đình nhà Nguyễn trước đây. Khi ấy tiếng súng đại bác của phương Tây cũng không đánh thức được các vua quan bạc nhược nhà Nguyễn thức tỉnh để canh tân đất nước kịp thời như Minh trị thiên hoàng ở Nhật. Triều đình nhà Nguyễn cũng đã hốt hoảng chạy sang Bắc Kinh cầu viện, nhưng khi ấy chế độ phong kiến ở Trung Quốc cũng không khá hơn, nên cuối cùng Triều đình Nguyễn không tránh khỏi tan rã.
Ngày nay với chủ trương đảng trước nước sau và đàn áp nhân dân nên chế độ toàn trị CSVN không dám đụng đến chân lông “Bạn bốn tốt“, mặc dù Bắc Kinh đang ngang ngược xâm lấn biển, đảo của VN. Đây là lập trường và thái độ thực sự của Bộ chính tri và đã được người cầm đầu tuyên bố ngày 1.7 đã nói ở trên!
Nhưng thái độ ươn hèn này đang đẩy VN vào lệ thuộc phương Bắc và đế quốc kiểu mới của Bắc Kinh đang trở thành kẻ thù nguy hiểm trực tiếp của dân tộc ta. Vì thế chế độ toàn trị CSVN sẽ không có lối thoát! Hoàn cảnh của nhóm cầm đầu CSVN hiện nay rõ ràng như „Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra“ !
Nhân dân VN – đi đầu là trí thức, thanh niên, kể cả những đảng viên CS tiến bộ- quyết không nuôi ảo tưởng, quyết không để “trái tim nhầm chỗ để trên đầu“. Một số nhân sĩ trong nước đã cảnh báo là, những người dân chủ chúng ta không được để cảm tính thay cho lí trí, chỉ như vậy mới không bị đánh lừa của bất cứ ai chỉ “đón gió“ nhưng lại không dám „đổi cờ“ trong việc đấu tranh chống độc tài và bảo vệ đất nước![15]
5. 7. 2014

Ghi chú

[1] Quân đội Nhân dân điện tử 1.7

[2] Sách nghiên cứu của tác giả sẽ được xuất bản.

[3] Đài Bắc Kinh 9.6

[4] Thụy My/Phạm Chí Dũng “Vì sao Kinh tế VN quá khó để thoát Trung”, RFI 26.6.14.

[5] Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói trước cử tri tại Sài gòn ngày 28.6, Lao động 28.6

[6] Cộng sản 18.6

[7] Xem cùng tác giả „Sự phá sản trong chính sách Trung Quốc chứng minh sự sai lầm cực kì nguy hiểm của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị“, trong http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2014/adt175.htm

[8] VN Economy 24.6

[9] Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời phỏng vấn của BBC 24.6.

[10] Đài Bắc Kinh 18.6.

[11] Cộng sản 18.6

[12] Song Chi, „VN –tâm lí „chờ sung rụng“ và trạng thái „bị lờn thuốc““, RFA 25.6

[13] Xem cùng tác giả: „Thông điệp năm mới 2014: Nguyễn Tấn Dũng đóng đúng vai anh „treo đầu dê bán thịt chó“ ! Trong: http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2014/thongdiep.htm

[14] Các hành động „đón gió nhưng không dám đổi cờ“ của ông Dũng trong thời gian làm Thủ tướng xem….“Quốc hội nhảy múa theo đồng chí mếu và đống chí X:„Nguyễn Như Vân“ muôn năm !“ http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2012/qh2811.htm

„Trọng ngố, Dũng hèn đang đưa đất nước tới vực thẳm !Và con đường của chúng ta“ trong http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2012/hntu6.htm

[15] Nguyễn Quang A, „Trái tim nhầm chỗ để trên đầu!“ , Dân quyền 26.5. Hà Sĩ Phu, „Muốn thoát Hán phải thoát Cộng!“, Dân quyền 26.5

 

‘TQ sẽ thắng nếu hải chiến với VN’

Máy bay xuất phát từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Một nhà nghiên cứu hải quân của Mỹ nhận định trên nhật báo New York Times rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chiến thắng ‘trong mọi kịch bản có thể’ nếu xảy ra chiến sự với Việt Nam.

Giáo sư Lyle J. Goldstein ở Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc trực thuộc Trường Hải chiến của tiểu bang Rhode Island đã đưa ra nhận định trên trong bài phỏng vấn dưới dạng hỏi đáp đăng hôm 5/7.

Tuy vậy, cũng theo nhà nghiên cứu này thì ‘gần như chắc chắn Việt Nam cũng có thể gây tổn thất cho hải quân và không quân Trung Quốc’ do nước này đã có ‘những đầu tư khôn ngoan’ vào quân sự.

Lợi thế của Trung Quốc

Với việc Trung Quốc đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ từ hai thập niên qua kể từ khi họ chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 thì giờ đây Trung Quốc ‘đang gặt hái thành quả’, theo lời vị giáo sư.

“Để chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh khác nhau với Hoa Kỳ hay Nhật Bản, Trung Quốc đã xây dựng sức mạnh được trang bị đầy đủ và huấn luyện tốt,” ông giải thích.

“Trong những lĩnh vực then chốt như tàu ngầm, giao tranh trên mặt nước hay tấn công chớp nhoáng, Trung Quốc có những lợi thế kỹ thuật đáng kể mà có thể giúp cho họ giành chiến thắng (trước Việt Nam) mặc dù có chịu thể tổn thất,” ông nói.

Trong trường hợp tuyệt vọng, Hà Nội có thể tính đến việc đẩy xung đột từ trên biển sang trên bộ ở khu vực biên giới giữa hai nước do lục quân của họ có thể sánh ngang với quân đội Trung Quốc.

Giáo sư Lyle J. Goldstein

Giáo sư Goldstein cũng cho rằng ở một số khía cạnh nào đó của một cuộc xung đột quân sự, Việt Nam cũng có lợi thế.

Ông chỉ ra rằng Trung Quốc đặc biệt không mạnh trong việc tiếp liệu trên không nên Việt Nam có thể tận dụng điều này để chiếm ưu thế trên vùng trời nhất là ở khu vực Biển Đông vốn nằm cách xa không phận Trung Quốc.

“Trong trường hợp tuyệt vọng, Hà Nội có thể tính đến việc đẩy xung đột từ trên biển sang trên bộ ở khu vực biên giới giữa hai nước do lục quân của họ có thể sánh ngang với quân đội Trung Quốc,” ông phân tích nhưng cũng cho biết Trung Quốc có thể không kích hoặc phóng tên lửa vào các căn cứ không quân và hải quân của Việt Nam.

Giáo sư Goldstein có bằng thạc sỹ chuyên ngành nghiên cứu chiến lược tại Trường Quan hệ Quốc tế John Hopkins và theo học tiến sỹ tại Đại học Princeton. Ông nói thông thạo tiếng Hoa và có thời gian nghiên cứu ở Trung Quốc.

Học viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc mà ông có công sáng lập và làm giám đốc đầu tiên cho đến năm 2011 có chức năng nghiên cứu về hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc để phục vụ cho Hải quân Hoa Kỳ.

Hiểu rõ Việt Nam?

Hải quân Việt Nam chưa đủ trình độ điều khiển tàu ngầm lớp Kilo?

Theo ông thì Bắc Kinh đã theo dõi năng lực quân sự của Việt Nam ‘cực kỳ chặt chẽ’ và việc cả hai nước đều lệ thuộc vào vũ khí Nga đã giúp Trung Quốc nắm rõ hơn về thực lực quân sự của Việt Nam một cách tổng thể.

Giáo sư Goldstein cho biết cuộc xung đột biên giới hồi năm 1979 đã khiến Trung Quốc ‘có sự tôn trọng đáng kể’ đối với năng lực chiến tranh của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng theo ông thì các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã chỉ ra một số điểm yếu trong sức mạnh quân sự của nước láng giềng của họ.

Đó là Việt Nam không có kinh nghiệm điều khiển những khí tài đặc biệt tối tân như tàu ngầm vốn đang được xem là sức mạnh chủ lực của họ.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng nhìn thấy những điểm yếu của Việt Nam trong các lĩnh vực do thám, nhắm mục tiêu và xử lý chiến sự.

“Có một suy nghĩ chung là Trung Quốc sẽ chiến thắng trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào (với Việt Nam) sau khi đã xảy ra trận chiến mà các nhà quân sự Trung Quốc gọi là ‘mô hình 14/3’, tức trận hải chiến ngày 14/3 năm 1988 ở quần đảo Trường Sa mà khi đó chỉ một hạm đội nhỏ của Trung Quốc cũng đã đánh chìm một số tàu chiến của Việt Nam,” ông phân tích.

Liệu xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển có dẫn đến chiến tranh?

Nhà nghiên cứu người Mỹ cũng cho biết các nhà phân tích từ lâu nay đã chỉ ra rằng Trung Quốc đặc biệt yếu về chiến tranh dưới lòng biển và rằng Hà Nội có thể đã tìm ra điểm yếu trong hệ thống khí tài của Trung Quốc mà họ có thể khai thác.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã ý thức được họ còn yếu chỗ nào và đã cố gắng cải thiện năng lực chiến tranh chống ngầm bằng cách đưa vào sử dụng hàng loạt các chiến hạm nhẹ nhưng hiệu quả trong hai năm qua.

Yếu tố Mỹ

Về phía Việt Nam, Giáo sư Goldstein cho rằng nước này đã chứng tỏ họ có khả năng chỉ huy bộ binh hiệu quả nhưng năng lực không quân và nhất là hải quân của họ thì vẫn còn rất hạn chế.

Do đó, ông cho rằng mặc dù các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua từ Nga giúp tăng cường đáng kể năng lực hải quân của nước này nhưng do hạm đội tàu ngầm vốn thuộc vào dạng lực lượng phức tạp nhất của quân đội nên Việt Nam phải cần hàng chục năm mới xây dựng được một đội tàu ngầm thật sự hiệu quả và đáng tin cậy.

Khác với các nước như Nhật Bản và Philippines vốn là những nước đồng minh mà Mỹ có hiệp ước, trong đó có quy định việc bán vũ khí hay tập trận chung, Việt Nam phải xây dựng quan hệ quân sự với Mỹ từ con số không.

Giáo sư Lyle J. Goldstein

Về khả năng Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Giáo sư Goldstein nhận định rằng Washington ‘sẽ thận trọng’ do lợi ích của việc này đối với Mỹ ‘chẳng có bao nhiêu’ trong khi nó có thể sẽ làm theo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

“Việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam có thể được Bắc Kinh hiểu là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc. Do đó, nó không chỉ đổ thêm dầu vào lửa vào mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mà nó còn gây tổn hại rất lớn cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc,” ông giải thích.

Khác với các nước như Nhật Bản và Philippines vốn là những nước đồng minh mà Mỹ có hiệp ước, trong đó có quy định việc bán vũ khí hay tập trận chung, Việt Nam phải xây dựng quan hệ quân sự với Mỹ từ con số không.

Trong một số lĩnh vực như do thám trên biển thì Việt Nam có thể nhờ rất nhiều vào công nghệ Mỹ nhưng họ sẽ gặp khó khăn để tích hợp thiết bị của Mỹ vào hệ thống vũ khí hiện có của họ mà đa phần là mua từ Nga.

Nhà văn Tô Hoài từ trần ở tuổi 94

@bbc
to_hoai

Nhà văn Tô Hoài, một trong những cây viết tên tuổi của nền văn học cận đại ở Việt Nam, qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 94 tuổi.

Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, và lớn lên tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Sáng tác nhiều ở các thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, v.v…, nhưng có lẽ ‘Dế Mèn Phiêu Lưu Ký’ mà ông viết hồi năm 1941 là một trong những tác phẩm của ông gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc thiếu niên Việt Nam nhất.

Tác phẩm này cũng từng được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

‘Vợ Chồng A Phủ’, một sáng tác khác của ông, được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa phổ thông và được dựng thành phim ở Việt Nam.

‘Cách nhìn chính thống’

Năm 1992, hồi ký ‘Cát Bụi Chân Ai’ của ông đã gây ồn ào dư luận khi đưa ra chân dung một số nhà văn thuộc hàng ‘vai vế’.

Trong hồi ký, ông có nhắc tới Nhân văn Giai phẩm, một chủ đề luôn được coi là nhạy cảm, tuy cách ông đề cập, nhận định vấn đề được đánh giá là chính thống, phù hợp với cái nhìn của giới chức.

Gần đây hơn, tác phẩm ‘Ba Người Khác’ mà ông viết về thời cải cách ruộng đất, cũng gây tiếng vang ít nhiều. Được biết tiểu thuyết này được viết xong từ 1992 nhưng tới 2006 mới được phép in.

Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng văn học, gồm Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (1966), Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1956, Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970), Giải thưởng Hội Nhà văn Á – Phi (1970).

Tin ông qua đời chỉ trong vài giờ đồng hồ thu hút hơn nửa triệu người xem trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, với hàng chục ngàn người bấm nút likes, hàng ngàn người tham gia bình luận và hơn một ngàn người bấm nút Shares.

Phó Tổng thanh tra CP nói về tài sản

Ông Ngô Văn Khánh làm phó Tổng thanh tra từ cuối 2011

Phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh vừa lên tiếng về khối tài sản lớn của ông mà báo Người Cao Tuổi công bố hồi tuần trước.

Trong bài ngày 28/2 ở mục Bạn đọc, tờ Người Cao Tuổi đề cập tới các tài sản của ông Ngô Văn Khánh, được nói là theo bản kê khai của chính ông khi ông Khánh làm thủ tục theo quy trình bổ nhiệm ông vào vị trí Phó Tổng thanh tra Chính phủ vào tháng 11/2011.

Theo đó, ông Ngô Văn Khánh kê khai rằng ông và gia đình sở hữu các bất động sản gồm hai ngôi nhà và một mảnh đất.

Hai nhà được nói là của ông đều ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và đều đã xây 5 tầng: nhà thứ nhất diện tích 114m2 đất, và nhà thứ hai diện tích 248m2 đất.

Mảnh đất của ông Ngô Văn Khánh rộng tới 1.800m2, nằm trong khuôn khổ dự án Mê Linh gần đền Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Người Cao Tuổi, giá đất tại đó trong thời điểm hiện nay là 10 triệu – 15 triệu đồng/m2; có nghĩa riêng mảnh đất này đã có giá trị ít nhất 18 tỷ đồng.

Ngoài ra, bài trên Người Cao Tuổi cũng cho hay ông có tài khoản trị giá trên 7 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng VIB và nhiều cổ phiếu tại bốn ngân hàng và hai công ty.

Bài của Người Cao Tuổi không ký tên và cũng không dẫn nguồn.

Ngày 6/3, ông Khánh đã lên tiếng phản hồi về các thông tin trên trong phỏng vấn với báo Pháp luật Việt Nam, được các báo khác đăng tải lại.

Không phải việc của cá nhân

Ông Ngô Văn Khánh nói ông đã xin ý kiến Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và ông Tranh đã cho ý kiến rằng: “Đây không không phải chuyện của riêng cá nhân tôi nữa”.

“Vì vậy, cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng và cơ quan chức năng của nhà nước liên quan nói chung sẽ có trả lời chính thức về việc này.”

Ông cũng khẳng định mọi việc ông vẫn “đang làm đúng theo quy định của pháp luật”.

Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về tài sản cán bộ như biệt thự của ông Trần Văn Truyền (trong ảnh)

Ngoài ông Ngô Văn Khánh, báo Người Cao Tuổi còn nhắm vào phanh phui điều mà báo này gọi là “của nổi” của người tiền nhiệm của ông Huỳnh Phong Tranh – ông Trần Văn Truyền, người từng giữ vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ từ 2007-2011.

Ông Truyền còn là cựu Ủy viên Trung ương Đảng CSVN.

Tuy trong các bài viết, Người Cao Tuổi không đề cập tới nguồn gốc tài sản của các vị quan chức và cựu quan chức ngành thanh tra, thông tin mà báo này đưa ra đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về khối tài sản đồ sộ của họ.

Cũng có dấu hỏi về cách thức đề cập vấn đề của các bài báo, mà một số người cho rằng trái với quyền riêng tư của công dân.

Công khai trong giới hạn?

Báo Lao Động hôm thứ Sáu 7/3 đăng phỏng vấn với ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Tuyển, Chính phủ đã có quy định về chế độ công khai bản kê khai tài sản của cán bộ công chức trong Nghị định 68 ra năm 2011.

Theo đó, phạm vi và đối tượng công khai bản kê khai tài sản của cán bộ “chỉ là những người cùng làm trong một cơ quan” và người chịu trách nhiệm công khai bản kê khai ấy là thủ trưởng cơ quan đó.

Ông Phí Ngọc Tuyển nói: “Xét về mặt tổ chức thì chỉ có tổ chức mới được công khai, không phải cá nhân nào cũng được công khai bản kê khai ấy”.

Pháp luật luôn bảo vệ tài sản hợp pháp của bất cứ ai và việc công khai tài sản phải nằm trong những giới hạn nhất định.

Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển

“Như vậy, bất kể nghị định nào, cách công khai nào mà vượt quá phạm vi, địa điểm công khai, không đúng người có thẩm quyền công khai thì đều là sai.”

Nói cách khác, lãnh đạo Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ hàm ý rằng việc công khai bản kê khai tài sản của ông Ngô Văn Khánh không phải từ thủ trưởng cơ quan – ở đây là Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, là sai.

Ông khẳng định: “Pháp luật luôn bảo vệ tài sản hợp pháp của bất cứ ai và việc công khai tài sản phải nằm trong những giới hạn nhất định”.

Cục phó Phí Ngọc Tuyển giải thích rằng chưa thể công khai tài sản cán bộ trên mạng internet, “với tất cả mọi người”, là vì lý do an ninh.

“Nước ta, trong bối cảnh các loại tội phạm gia tăng, hoạt động hết sức tinh vi, nhưng cơ chế bảo vệ tài sản của cán bộ, công chức lại chưa tốt; bây giờ tôi công khai tài sản rộng rãi trên mạng, bọn tội phạm biết được sẽ nhòm ngó, lúc ấy ai bảo vệ tôi, vợ con, tài sản của tôi?”

“Quốc hội cũng đã họp và cân nhắc việc công khai tài sản cán bộ ở nơi cư trú, nhưng phải đi kèm với việc bảo vệ tốt hơn; do vậy, phải có lộ trình nên chưa thể nóng vội.”

Ông cũng nói Thanh tra Chính phủ không tránh né việc này, và câu hỏi có thể được đặt ra cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ cuối tháng Ba.

@bbc

Ông Ngô Văn Khánh – Tài sản khủng – Kết luận thanh tra đáng ngờ tại EVN

Anh Quân

Khối tài sản khủng của các Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp tục là đề tài thu hút dư luận. Vấn đề là, vật chất không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Nhưng chiếu theo nguyên lý này thì người viết thấy thật khó cho Ông Khánh, Ông Truyền trong giải thích nguồn gốc khối tài sản trên. Bởi, chẳng lẽ, Ở Việt Nam, đối với quan chức cỡ bự, vật chất lại sinh ra, mất đi theo quy luật khác…

nvk_pttt.jpg

Liên quan đến kết luận về những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại EVN thời gian qua của Thanh tra Chính phủ (TTCP), dư luận tiếp tục đòi hỏi TTCP, cá nhân Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP, các Bộ, Ngành Công Thương, Tài chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP), EVN và Thủ tướng Chính phủ công khai làm rõ: Vì sao hàng loạt sai phạm hết sức nghiêm trọng tại EVN lại được bỏ qua dễ dàng như thế; vì sao một cuộc thanh tra kéo dài, tốn nhiều công sức và tiền bạc nhưng kết luận lại mỗi lúc một khác như trò hề, bất chấp luật pháp như thế?

Còn nhớ, cuộc thanh tra được mở đầu từ năm 2011, đến ngày 31/10/2012, TTCP có văn bản 2835/TTCP-VI do Phó Tổng Nguyễn Văn Sản ký, báo cáo Thủ tướng về dự thảo kết luận thanh tra tại EVN. Theo đó, số tiền sai phạm cần xử lý hơn 7.000 tỷ đồng. Gần tháng sau, ngày 30/11/2012, VPCP thông báo Thủ tướng đồng ý với kết luận thanh tra (VB 2024/VPCP-V1). Vậy nhưng 11 tháng sau đó, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh đã ký kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013. Theo kết luận này, hơn 6.500 tỷ đồng sai phạm đã được hợp thức hoá.

Giải thích về kết luận thanh tra đã lược bỏ gần 6.500 tỷ đồng do các sai phạm cố ý, có hệ thống, có tổ chức tại EVN, Ông Ngô Văn Khánh, trong cuộc họp báo ngày 15/10/2003 liền vấy ngay cho tập thể. Ông Khánh nói Ông dựa trên ý kiến của Vụ Giám sát Thẩm định và cuộc họp của tập thể lãnh đạo TTCP đã quyết định việc cắt giảm này. Kỳ thực thì đây là kết luận thanh tra có nhiều biểu hiện mất dân chủ, thiếu công khai, minh bạch; có dấu hiệu bao che, chạy tội cho EVN. Hầu hết các thành viên đoàn thanh tra đều không đồng tình với bản kết luận này. Họ đã không được giải thích đầy đủ vì đâu mà có sự sai khác quá lớn giữa 2 bản kết luận thanh tra, được ký cách nhau gần 1 năm giữa 2 phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản và Ngô Văn Khánh. Hơn nữa, khi thay đổi kết luận thanh tra, hẳn nhiên, hệ thống các biên bản làm việc với đối tượng và các số liệu đi kèm bắt buộc cũng phải ký lại theo quy định. Vậy nhưng lần này thì Ông Ngô Văn Khánh đã bất chấp…

(http://nguoicaotuoi.org.vn/phap-luat/lien-quan-den-ket-luan-thanh-tra-tap-doan-dien-luc-viet-nam-evn-ong-ngo-van-khanh-pho-tong-ttcp-cat-giam-6-500-ti-dong-nham-muc-dich-gi.html)

Để hiểu rõ hơn, hãy xem những sai phạm nào của EVN đã được Ông Ngô Văn Khánh và TTCP “linh động” bỏ qua?

1. Để giảm bớt khó khăn cho ngành điện, Chính phủ đã bảo lãnh cho EVN vay 8.170 tỷ đồng (giá trị vay bằng đồng yên Nhật, theo tỷ giá tạm tính tại thời điểm 31/12/2012) (Vốn ODA của Nhật bản, lãi suất 1,7%/năm). Mục đích của Chính phủ là giúp EVN giảm chi phí từ đó kéo giá thành điện xuống để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng không, EVN đã lợi dụng ưu đãi này làm vụ “áp phe” vi phạm pháp luật nghiêm trọng. EVN đã luân chuyển lòng vòng nguồn vốn này: Cho nhà máy nhiệt điện Phả lại (Nay là Công ty cổ phần nhiệt điện Phả lại, PPC) vay rồi vay lại PPC. Cụ thể, EVN nhận vốn vay từ Chính phủ với lãi suất 1,7%/năm và chuyển cho nhà máy nhiệt điện Phả lại vay cũng với lãi suất ưu đãi đó. Thế rồi bằng các hợp đồng số 03/2010/EVN-PPC ngày 20/11/2010 cho EVN vay 350 tỉ đồng; hợp đồng số 01/2011/EVN-PPC ngày 20/8/2011 cho EVN vay 1.000 tỉ đồng và hợp đồng số 02/2011/EVN-PPC ngày 25/10/2011 cho EVN vay 1.000 tỉ đồng (Tổng cộng, PPC cho EVN vay lại 2.350 tỷ đồng), nhưng chết người ở chỗ lãi suất mà EVN vay lại của PPC lên tới 17%/năm, gấp 10 lần khi EVN cho PPC vay!

Cú “áp phe” này đã làm lợi phi pháp cho PPC cùng nhóm lợi ích EVN và đương nhiên móc túi của người dùng điện ít nhất 300 tỷ/năm. Vô lý đến vậy nhưng TTCP và các Bộ Ngành – Công bộc của dân vẫn cho rằng EVN vô can, EVN đang phát huy nội lực?!

Đây là hành vi cố ý làm trái không thể chối cãi. Vi phạm luật doanh nghiệp. Theo đó, PPC cho EVN vay 2.350 tỷ đồng theo mức lãi suất áp dụng tại các ngân hàng thương mại là sai so với giấy phép đăng ký kinh doanh số 0403000380 ngày 25/01/2008 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải dương cấp. Nói cách khác, PPC không có chức năng kinh doanh tài chính nên không được phép tiến hành hoạt động cho vay và hưởng chênh lệch (trái quy định tại điều 8 luật các tổ chức tín dụng: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của Công ty chứng khoán”.

Trong một hoạt động có liên quan, EVN đã cho vay và thu phí theo tỷ lệ áp dụng tại tổ chức tài chính trái quy định 112 tỷ đồng. Bản chất của hoạt động này là EVN tăng thu trái phép đồng thời đã làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện thêm 112 tỷ đồng.

Ngoài ra, những năm qua, lãi suất ngân hàng rất cao, có lúc chi phí vốn xấp xỉ 20%/năm thì Ban Tài chính kế toán EVN, vì lợi ích cá nhân, đã móc nối tận dụng dòng tiền thu được mỗi ngày (thu tiền điện hàng ngày), gửi tại các ngân hàng, hưởng lãi suất qua đêm hàng trăm tỷ đồng, mặc cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư lúc nào cũng thiếu vốn. Đáng tiếc việc này đã được một số thành viên đoàn thanh tra sờ tới nhưng đã được chỉ đạo bỏ qua?!

Cần khẳng định, sai phạm này của EVN giống hệt đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty ALC II. Công ty ALC II chỉ có chức năng cho thuê tài chính, không được thực hiện nghĩa vụ cho vay. Vậy nhưng, các Bị cáo đã ký hợp đồng cho thuê tài chính núp bóng cho vay, gây thiệt hại 500 tỷ mà toà vừa tuyên 2 án tử hình. Tổn thất mà EVN gây ra (và người dùng điện phải gánh chịu) trong sai phạm này lớn hơn nhiều. Mỗi năm, PPC và EVN thụ hưởng trái pháp luật chừng 500 tỷ đồng còn người dân, dù kiệt quệ, vẫn phải cam chịu vét hầu bao để “cõng” EVN. Thử hỏi, còn nghịch lý nào lớn hơn như vậy?

Hãy so sánh hành vi kinh doanh trái phép này và hành vi kinh doanh của bầu Kiên vừa bị tuyên rất nặng (Tổng cộng 30 năm tù giam trong đó có tội kinh doanh không đúng ngành nghề trong giấy phép hoạt động) sẽ thấy sự bất công, chà đạp pháp luật của TTCP, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước khác khi cùng một hành vi, thích thì xử không thích thì dùng mọi biện pháp để bao biện, lấp liếm. Phải chăng do EVN độc quyền, hay EVN là DNNN?. Dư luận mong Ban Nội chính và Cơ quan đều tra sớm vào cuộc, loại khoản chi phí trái pháp luật này ra khỏi giá thành ngành điện. Xin các vị đừng “đánh trống bỏ dùi” nữa, vì như thế là nối giáo cho giặc đấy.

2. Hạch toán sai chế độ, sai quy định của nhà nước; dối trên, lừa dưới, không minh bạch; giao chỉ tiêu lỗ cho các đơn vị thành viên để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, trắng trợn biến tiền lãi thành chi phí sản xuất…EVN đã không từ thủ đoạn nào nhằm mục đích đánh lừa dư luận và các cơ quan quản lý để tăng giá điện.

EVN lúc nào cũng tự coi mình là Chính phủ thu nhỏ, bất chấp các Bộ Ngành, bất chấp quy định của nhà nước về quản lý kinh tế. Tự tiện hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn sai quy định tại 11 dự án. Hậu quả là tiền lãi thu được biến thành chi phí sản xuất kinh doanh, tức là làm tăng giá điện có chủ đích để móc túi người dùng điện. Số tiền 224 tỷ đồng.

http://dantri.com.vn/chinh-tri/thanh-tra-khang-dinh-hang-loat-sai-pham-tai-evn-825962.htm

Kinh doanh viễn thông thua lỗ 3.000 tỷ đồng, chưa biết đẩy vào đâu, EVN liền bày trò gian dối chuyển lỗ cho các đơn vị 3.366 tỷ đồng bằng cách tự mình quy định giá bán buôn nội bộ trái pháp luật. Kết quả thanh tra chỉ rõ, theo thông tư 05/2011/TT-BCT ngày 25/2/2011, giá bán buôn theo quy định là 891,4 đồng/kWh nhưng EVN tự ý xác định giá bán bán buôn nội bộ bình quân năm 2011 là 978,78 đồng/kWh, làm cho các Công ty điện lực lỗ 3.366 tỷ đồng. Cũng có nghĩa là EVN thu thêm được từng ấy. Cách biến báo này đã làm nhà nước thất thu 200 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tương tự, Chi phí truyền tải của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng được EVN “tự quyết” theo hướng giảm 165 tỷ so với mức được Bộ Công thương phê duyệt, làm cho ngân sách nhà nước thất thu thêm 41,3 tỷ đồng.

http://laodong.com.vn/kinh-te/tien-dien-cua-dan-ganh-nhung-du-an-thua-lo-cua-evn-141701.bld

Tất cả những việc làm sai trái này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về kế toán, thống kê, làm méo mó và biến dạng giá thành điện năng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý nói chung. EVN làm như vậy nhằm cố ý che dấu khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành trái quy định và kém hiệu quả của EVN đồng thời lừa dối người tiêu dùng để dễ bề tăng giá điện. Ấy vậy mà Ông Ngô Văn Khánh, TTCP và các Bộ Ngành vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ qua hết thảy hoặc có chăng cũng chỉ nhắc nhở qua loa. Dư luận mong các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, công khai minh bạch để người dân được biết.

3. Là Doanh nghiệp độc quyền, mọi chi phí được dễ dàng hạch toán vào giá điện, sai đúng thế nào đã có người dùng gánh chịu. Tận dụng triệt để lợi thế đó, EVN đã không ngần ngại chi hàng triệu USD để đào tạo thạc sỹ QTKD “chui”, bằng thạc sỹ đến nay vẫn không được công nhận. Kết quả thanh tra đã làm rõ, hợp đồng đào tạo 4 lớp thạc sỹ QTKD với khoa sau đại học, Đại học Quốc gia Hà nội có nhiều dấu hiệu sai phạm. EVN ký hợp đồng đào tạo với Khoa sau đại học, Đại học Quốc gia nhưng thực tế hợp đồng lại do trung tâm công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) thực hiện; giá cả thoả thuận lúc đầu và giá cả thực hiện theo hợp đồng chênh lệch theo hướng thiệt hại cho EVN, khoản chênh lệch hợp đồng (hơn 5 tỷ đồng) rơi vào túi ai chưa được làm rõ…

(http://www.baomoi.com/Ve-ket-luan-thanh-tra-tai-Tap-doan-Dien-luc-Viet-Nam-EVN-Ong-Ngo-Van-Khanh-Pho-Tong-Thanh-tra-Chinh-phu-cat-giam-hon-6000-ti-dong-tien-vi-pham/45/12908630.epi).

Dư luận băn khoăn vì không có Doanh nghiệp nào hào phóng bỏ hàng triệu USD để tạo tạo thạc sỹ mà đến nay ai cũng biết chỉ có những người mua bán bằng cấp để thăng quan tiến chức mới được đào tạo tại lò này. Phải chăng, các thạc sỹ, tiến sỹ và các nhà quản lý của EVN đều được đào tạo từ đây, hèn gì mà mà chất lượng quản lý càng ngày càng theo hướng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Vì sao khi ký kết luận thanh tra, Ông Ngô Văn Khánh không gắn sai phạm này tại EVN với hàng loạt sai phạm tại ETC mà TTCP đã có kết luận rất nghiêm khắc trước đó? Nên chăng, những người có trách nhiệm trong thương thảo, ký kết HĐ đào tạo này và các học viên phải trả lại tiền cho EVN. Bởi đơn giản, đó là tiền của dân, Dân không thể tối ngày “đầu tắt mặt tối” trả giá điện cao cho cán bộ ngành điện tung tẩy đi học thạc sỹ chui cốt để lấy tấm bằng tiến thân như vậy.

4. Với việc đầu tư ngoài ngành (EVN telecom) làm cho EVN thua lỗ trầm trọng dẫn đến mất hết vốn. Tính đến thời điểm bàn giao tài sản cho Viettel (29/11/2011), EVN đã đầu tư vào viễn thông hơn 2.425 tỷ đồng, thì phải gánh khoản lỗ lên tới 3.000 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do lãnh đạo EVN đã có sai lầm khuyết điểm trong việc đánh giá, lựa chọn công nghệ không phù hợp, mô hình tổ chức vẫn theo lối độc quyền, thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo các thanh tra viên thì đó chỉ là nguyên nhân bề ngoài. Thực tế cho thấy hàng trăm trạm tiếp sóng, hàng chục tấn thiết bị được EVN nhắm mắt nhập về, 30% trong số đó coi như lãng phí vì lắp đặt xong nhưng không sử dụng. Nhiều lô thiết bị lớn được tranh thủ hết sức để nhập ngay khi biết chủ trương chuyển giao EVN Telecom sang Viettel, và đương nhiên là vô dụng…

Chứng kiến sự sụp đổ của Vinashin và Phạm Thanh Bình, Vinalines và Dương Chí Dũng, nhân dân và công luận đã “xây xẩm mặt mày”. Nhưng tất cả đều không thể so sánh với thất thoát kinh hoàng mà EVN gây ra trong thương vụ EVN telecom. Dư luận mong mỏi Ban Nội chính Trung ương và cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc làm rõ thất thoát, tham nhũng và các hành vi cố ý làm trái tại EVN liên quan đến đầu tư kinh doanh viễn thông, làm rõ trách nhiệm và thu hồi tài sản cho nhà nước, cho nhân dân.

Kinh doanh viễn thông thì mất luôn vốn như nói ở trên, nhưng khi bàn giao EVN telecom, khoản tiền cho Viettel thuê cột điện, đường chuyền trị giá 10.000 tỷ đồng trong 30 năm, tương đương 350 tỷ/năm) đáng lẽ phải thu về cho EVN để giảm giá thành thì với sự vô trách nhiệm vô hạn với người dùng điện, EVN đã biếu không cho Viettel. Không còn nghi ngờ gì nữa, khoản tiền này Viettel đã được hưởng lợi một cách phi pháp còn người dân thì lại phải nai lưng gánh chịu một cách oan uổng. Đến bao giờ người dùng điện mới thoát khỏi cảnh ngộ bi kịch này? Sao khi ký kết luận thanh tra, Ông Ngô Văn Khánh không quyết liệt yêu cầu khoản lỗ này tuyệt đối không được hạch toán vào giá điện dưới mọi hình thức? Phải chăng đã có sự bôi trơn nào ở đây?

5. Vấn đề đưa cả “bikini” vào giá điện và mua xe sang vượt tiêu chuẩn. Đây là cách ví von hài hước nhưng đắng cay của nhà báo Đào Tuấn trên báo Lao động. Thật đáng kinh ngạc, sai phạm rõ như ban ngày thế rồi mà EVN cứ nói vòng quanh. Sự thiếu trung thực, coi thường dư luận của EVN đã đến mức thượng thừa. Có thể khẳng định nếu không có thanh tra thì 600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng biệt thự (đơn lập, song lập…), bể bơi, sân tennis đã được hạch toán êm ru vào giá điện. Trắng trợn và bất chấp luật pháp như thế nhưng Ông Chủ tịch EVN vẫn bao biện là việc cần thiết và nhân văn, lại còn dối trá khi cho rằng EVN hạch toán riêng, không hạch toán vào giá điện…?!

Được ngồi trên tiền, lại không có ai kiểm tra kiểm soát, nếu chẳng may sai phạm thì được anh nọ, chị kia; bộ này, ngành khác chống lưng việc gì EVN cũng dám làm. Pháp luật quy định một đằng nhưng EVN cứ làm một nẻo, chẳng làm gì được nhau. Thì đây, việc mua xe sang gấp 2 – 3 lần quy định là một thí dụ. Lãnh đạo EVN, những người chủ trương chà đạp lên các quy định của pháp luật trong việc mua bán, sử dụng xe công vẫn bình an vô sự. Ông Ngô Văn Khánh và TTCP chỉ đề nghị kiểm điểm qua loa, thế là xong chuyện. Thật đáng tiếc, TTCP chỉ phát hiện được 2 xe vượt tiêu chuẩn tại cơ quan EVN để trang bị cho Chủ tịch và Tổng Giám đốc EVN, thế còn hàng trăm xe khác tại các đơn vị, cũng chỉ để Chủ tịch và Tổng Giám đốc đơn vị đi thì nghiễm nhiên được dội vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năng.

Hàng ngày, hàng giờ những sai phạm trên vẫn đang diễn ra tại EVN. Mỗi năm sai dăm ngàn tỷ. Thế rồi lại chính EVN, Bộ Công thương tìm đủ mọi cách lấp liếm, lừa dối dư luận chỉ để nhằm tăng giá điện, đổ lên đầu nhân dân, làm kiệt quệ nền kinh tế và bần cùng hoá các “ông chủ”. Chủ đạo là thế đấy!

…Thanh tra là công cụ quan trọng thuộc hàng bậc nhất trong công cuộc phòng chống tham nhũng lãng phí. Mỗi cuộc thanh tra đều kéo dài thời gian hàng 6 tháng – 1 năm, kéo theo rất nhiều tiền của, công sức. Quá trình thanh tra các thanh tra viên đã phải đối mặt và vượt qua nhiều cám dỗ, hiểm nguy. Kết luận thanh tra phải nghiêm minh, công khai minh bạch, phản ánh khách quan diễn biến quá trình thanh tra. Kết luận thanh tra do lãnh đạo TTCP ký ban hành nhưng phải được cả đối tượng thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra và nhân dân tâm phục khẩu phục trên cơ sở đối thoại thẳng thắn, công khai dưới sự giám sát của nhân dân, công luận. Thử hỏi Kết luận thanh tra tại EVN vừa qua do Ông Ngô Văn Khánh, phó Tổng TTCP ký ban hành đã đạt được những yêu cầu tối thiểu này chưa, hay chỉ úp úp, mở mở; dấu giếm như mèo dấu…vậy, chẳng khác nào chạy án!

Thanh tra như vậy thì ắt, EVN sẽ ngày càng lấn tới, bất chấp luật pháp hơn. Chẳng thế mà Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN trong lần tiếp xúc báo chí mới đây đã lớn tiếng: “Tìm đâu ra một doanh nghiệp gánh trên vai hơn 90 triệu dân …?!”. Ổng còn nói: “…Nói là Tập đoàn điện lực Việt nam, nhưng bản chất chính là chính phủ Việt nam. Nếu vỡ nợ thì sẽ thế nào…”. Ô hay…

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tong-giam-doc-evn-khong-nuoc-nao-cho-nganh-dien-pha-san-2364017/

Mấy hôm nay, dân lại kêu thấu trời vì bỗng dưng hoá đơn tiền điện tăng gấp hai, gấp ba, thậm chí gấp mười lần. Cách giải thích vẫn lòng vòng, trơ tráo theo bổn cũ soạn lại. Quá khứ đã vậy, lần này cũng thế thôi. Nếu có bị nhân dân bắt quả tang, trưng ra bằng chứng không thể chối cãi thì … đành kỷ luật qua loa vài nhân viên thấp cổ bé họng là xong. Xem ra, nhân dân còn khổ dài dài với kiểu cách làm ăn của EVN…

Nguyễn Tiến Trung – Chào mừng Hội nhà báo độc lập!

Nguyễn Tiến Trung
Anh Phạm Chí Dũng và một số anh em khác đã thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam vào ngày thứ sáu 4/7/2014. Mình rất vui vì lại có thêm một hội đoàn độc lập nữa ra đời để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, nghề nghiệp, tương trợ giữa những người cầm viết.

Lại nhớ tới anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và chị Tạ Phong Tần vẫn đang bị giam cầm vì đã tham gia thành lập Câu lạc bộ Nhà báo tự do. Các anh chị bị mức án rất nặng vì đã công khai thực hiện quyền công dân của mình: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do hội họp.

Dù vậy, có thể thấy những vụ bắt bớ và xử mức án nặng đã không thể làm những người Việt Nam yêu tự do và dân chủ chùn bước hay sợ hãi. Ngày thứ sáu 4/7 vừa qua, lại có thêm một hội đoàn nhà báo độc lập được thành lập. Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cần thấy rõ rằng việc đàn áp cuối cùng đã phản tác dụng. Việc bắt bớ những công dân thực hiện quyền làm người của mình chỉ mang đến nỗi nhục nhã cho đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, lại càng thêm nhiều người căm phẫn trước bất công và lại tham gia vào phong trào dân chủ. Chúng ta có thể thấy ngay cả các trí thức lớn của đất nước, các cựu chiến binh, thanh niên – sinh viên, người dân bình thường, dân oan… tham gia ủng hộ dân chủ ngày càng nhiều.

Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cần nhận thức rằng hành vi những công dân tự thực hiện quyền của mình hoàn toàn không phải là hành vi “chống đối”. Không công dân nào cấm đoán những đảng viên cộng sản thực hiện quyền công dân như tự do hội họp, tự do báo chí,… Do đó, đảng viên cộng sản có quyền gì thì công dân có quyền đó, chiếu theo nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, và “không ai bị phân biệt đối xử” như đã quy định tại điều 16 Hiến pháp. Không thể quy chụp công dân một cách vô cớ! Thật ra thì chính những người lãnh đạo đảng Cộng sản đã chống đối lại nhân dân khi tước đoạt quyền của dân.

Vừa rồi có một anh an ninh nói rằng những quan điểm của mình đã vi phạm điều 4 Hiến pháp quy định đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mình đã chỉ ra rằng thật ra những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã vi phạm điều 2 Hiến pháp quy định “nhân dân làm chủ”. Những người lãnh đạo đảng Cộng sản tự cho mình quyền lãnh đạo không cần qua bầu cử, nghĩa là quyền lựa chọn người lãnh đạo đất nước của nhân dân đã bị tước đoạt. Như vậy điều 2 Hiến pháp đã bị vi phạm do điều 4 Hiến pháp.

Tóm lại, điều 4 Hiến pháp đã vi phạm điều 2 và điều 16 Hiến pháp. Và những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cần chấm dứt chuyện sai phạm này, trả lại quyền làm chủ thực sự cho người dân, để công dân tự do thực hiện quyền của mình.

Cần nhắc lại rằng ngay ở thời thực dân Pháp báo chí tư nhân khá phát triển, góp phần lớn vào công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ và nâng cao dân trí. Nhưng kể từ khi đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền thì trong nước không còn tờ báo tư nhân nào. Việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân bây giờ còn tệ hơn cả vào thời thực dân Pháp. Do đó, việc anh Phạm Chí Dũng và các anh khác lập Hội nhà báo độc lập là hợp pháp, hợp đạo lý và cần thiết. Chúng ta cần phải tự cởi trói cho chúng ta.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140704-pham-chi-dung-hoi-nha-bao-doc-lap-tieng-noi-cua-su-that

Dưới đây là ảnh chụp tại nhà riêng với anh Phạm Chí Dũng và chị Tân, vợ anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).

 

Né tránh hay ‘câu giờ’ không thay đổi được tình thế

 Song Chi/Người Việt
Đã hơn 2 tháng trời kể từ khi Trung Cộng đưa giàn khoan khủng Hải Dương-981 cùng lực lượng tàu bảo vệ các loại vào sâu trong vùng biển thuộc lãnh hải của Việt Nam.

Đọc báo thì thấy Trung Cộng ngày càng ngang ngược và ít nhất, đã coi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là ao nhà của họ, họ muốn làm gì thì làm. Tha hồ điều bao nhiêu tàu, kể cả máy bay quân sự đến bảo vệ giàn khoan, hung hăng đâm húc tàu cá của ngư dân và tàu của lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư Việt Nam, tha hồ muốn đưa thêm mấy giàn khoan nữa thì đưa…

Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam làm gì?

Họ đẩy ngư dân ra làm “lá chắn sống”, để mặc cho lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam nhọc nhằn đối phó với tàu bảo vệ của Trung Quốc đông, lớn mạnh và hiện đại hơn gấp bội, còn họ ngồi ở Ba Đình chơi trò mỵ dân.

Sau một thời gian im lặng như không hề tồn tại khi giặc đã vào đến cửa nhà, các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam bắt đầu xuất hiện, tuyên bố chỗ nọ chỗ kia.

Người thì “chém gió” ở ngoài nước, tuy chỉ mới vài câu khá mạnh mà dân chúng đã hết sức vui mừng, chỉ có điều sau đó không thấy hành động gì khác. Người thì đi thăm hỏi, vỗ vể, khích lệ ngư dân, cảnh sát biển, tuyên bố sẽ giữ vững chủ quyền, rằng cả dân tộc này sẽ không cúi đầu, rằng sẽ đòi lại Hoàng Sa Trường Sa mà nếu đời này không đòi được thì đời con cháu…

Người khác lại nhắn nhủ người dân hãy tiếp tục kiên nhẫn, bình tĩnh, bởi không ai chọn được láng giềng, có thế nào thì cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau…

Bên cạnh đó, họ thả cho dân làm những việc yêu nước kiểu như những phong trào “cả nước hướng về Trường Sa Hoàng Sa”, “chung tay đóng góp cho biển Đông, cho ngư dân”, khuyến khích công nhân, dân nghèo nhịn ăn nhịn mặc để hỗ trợ cho ngư dân… Nhưng tất nhiên, không được biểu lộ lòng yêu nước bằng cách xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc vì như vậy sẽ làm Trung Quốc giận.

Tương tự, những cái gì có thể xoa dịu được phần nào sự bức xúc, phẫn nộ của người dân nhưng lại không chọc giận Trung Cộng thì họ làm. Ví dụ như cam kết sẽ không liên minh quân sự, không tìm kiếm đồng minh với bất cứ nước nào, cũng không kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế v.v…

Thật ra, ai có hiểu biết cũng thấy rõ rằng tham vọng của Trung Cộng là chiếm gần như toàn bộ biển Đông, tiếp theo thực hiện giấc mơ Trung Hoa vươn lên thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới. Và trên chặng đường dài đó, bước đầu tiên là phải giải quyết Việt Nam, một cái gai vừa khó nhổ do chí khí quật cường của dân tộc Việt, nhưng cũng vừa rất dễ do nhà cầm quyền Việt Nam đã bị Trung Cộng mua chuộc, gài bẫy, trói tay từ lâu.

Trước những mục tiêu, chiến lược rõ ràng như vậy, việc cố gắng nhịn nhục, tìm mọi cách để gìn giữ mối quan hệ giữa hai bên theo cái cách mà nhà cầm quyền Việt Nam đã và đang làm bao lâu nay là hoàn toàn thất bại. Dù nhà nước Việt Nam có cố tránh chiến tranh bằng mọi giá, họ cũng chỉ kéo dài thêm được một thời gian, vấn đề có đánh hay không, và bao giờ, hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh.

Chưa kể, khác với Hoa Kỳ hay các nước văn minh tự do dân chủ khác, đấu tranh với một nhà nước độc tài như Trung Cộng mà sử dụng sức ép từ truyền thông hay dư luận trong ngoài theo kiểu “quan ngại, phản đối, kịch liệt lên án” rồi không làm gì, là không ăn thua.

Trung Cộng không sợ dân, không sợ báo chí như các nước dân chủ. Báo chí truyền thông, luật pháp nằm trong tay nhà cầm quyền. Còn người dân Trung Hoa, lâu nay Bắc Kinh đã tuyên truyền tẩy não, kích động lòng tự hào dân tộc, tự hào nước lớn cho dân chúng nên họ tin theo và cho là chính phủ đúng còn những nước láng giềng mới sai trái.

Bắc Kinh thật ra cũng chẳng sợ dư luận quốc tế. Khi nào thế giới phản ứng căng quá thì tạm thời lùi lại một bước, rồi khi mạnh hơn, khi có cơ hội, lại dấn tới. Không có đồng minh bạn bè nhưng Bắc Kinh vẫn có thể sử dụng ưu thế nước lớn và đồng tiền để mua chuộc một số nước, khiến các nước này đứng ngoài cuộc những sự kiện tranh chấp trên biển Đông, biển Hoa Đông.

Như vậy, tất cả những biện pháp đối phó nửa vời của nhà cầm quyền Việt Nam lâu nay nhằm mục đích gì?

Thứ nhất, để chứng minh với người dân rằng họ vẫn đang làm tất cả để bảo vệ chủ quyền, rằng họ đang kiên trì theo đuổi đường lối hòa bình chứ không phải họ hèn, họ bán nước. Thứ hai, để thế giới thấy Việt Nam là nạn nhân và ủng hộ.

Mục đích đó có thể đạt được trong thời gian ngắn hạn, nhưng sau đó lại gây ra những hậu quả tệ hại hơn. Giống như một người bị ung thư giai đoạn cuối nhưng lại né tránh đối diện với sự thật, chỉ tiêm thuốc an thần và sử dụng những biện pháp như chữa ghẻ, cuối cùng cũng phải chết.

Đối với quốc tế, lúc đầu khi Trung Cộng mới đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhà nước Việt Nam lên tiếng, đa số các nước đều ủng hộ Việt Nam, chỉ trích mạnh mẽ Trung Cộng. Khiến Bắc Kinh sau đó phải tiến hành chiến dịch tuyên truyền chống lại Việt Nam mà họ gọi là “làm cho thế giới hiểu rõ sự thật” và những hành động “đáp trả” lại.

Trong đó có việc đi trước một bước, kiện Việt Nam ra trước Liên Hiệp Quốc, với những “bằng chứng” thừa nhận Trường Sa Hoàng Sa là của Trung Cộng, từ phía chính phủ nước VNDCCH trước đây.

Nhưng sau một thời gian, thấy Việt Nam không có phản ứng gì mạnh mẽ khác hơn, trái lại các lãnh đạo Việt Nam cứ phát biểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, bất nhất, thậm chí Hà Nội vẫn tỏ ra muốn duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh. Dư luận quốc tế liền ngãng ra, chuyển sang những sự kiện mới nóng bỏng hơn.

Đối với người dân Việt Nam, sau một thời gian phẫn nộ, mỏi mòn chờ đợi những phản ứng tích cực, dứt khoát hơn từ phía nhà cầm quyền, cũng dần dần nản chí trước những hành động “nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu”. Trước sự trì trệ, bạc nhược không hề muốn thay đổi trong chính sách ngoại giao, quốc phòng của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Những người yêu nước, nóng lòng quan tâm đến vận mệnh đất nước, tiếp tục bày tỏ tâm trạng bức bối, căm giận, tuyệt vọng trên các trang blog, trang mạng xã hội. Còn lại đa số người dân tiếp tục quay cuồng với cơm áo gạo tiền và bao nhiêu mối lo toan hàng ngày.

Trong khi đó, Trung Cộng, thông qua phép thử giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn toàn hiểu rõ tâm trạng, nội tình của nhà cầm quyền Việt Nam, nên tiếp tục công khai làm những gì chúng muốn mà cũng chưa cần phải trừng phạt Việt Nam nặng hơn.

Quan sát tất cả những việc làm, cách đối phó lại với Trung Cộng của nhả cầm quyền Việt Nam trong suốt thời gian qua, không có cách hiểu, cách lý giải nào hơn là họ đã giương cờ trắng đầu hàng giặc, thậm chí đã bán nước từ lâu.

Và ngay đến cả hai chữ bán nước bây giờ họ cũng chằng thèm sợ, chẳng thèm quan tâm nữa.

Điều quan tâm duy nhất của họ bây giờ chỉ là làm sao kéo dài được chế độ thêm một thời gian, tiếp tục giữ ghế và kiếm chác thêm. Việc trả nợ hay đòi lại chủ quyền những vùng đất, biển, đào đã mất, họ ủy thác lại cho… con cháu.

Người ta đã nói nhiều về sự tàn ác, đặc biệt đối với nhân dân mình, của các nhà nước cộng sản khác nhau trên thế giới từ Liên Xô, Đông Đức, Rumani…, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cambodia…Nhưng với nhà nước cộng sản Việt Nam, cần phải nói thêm, chưa thấy một nhà cầm quyền nào vô trách nhiệm với dân với nước như vậy.

Quan hệ với Trung Quốc: mềm hay rắn thì đúng hơn?

MEM NAN RAN BUONG
 Kể từ ngày giàn khoan của TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN, có thể nói cách nghĩ của người dân trong việc thể hiện thái độ với Tàu Cộng đang ngày một khác xa so với cách nghĩ của giới quan chức.
Về phía các quan chức, mặc dù có vài vịở cấp cao phát biểu rất gay gắt vài lần, nhưng lắng kỹ lời lẽ của các vị lãnh đạo thì thấy đa số họ lên tiếng vì buộc phải lên tiếng. Và dù khẳng định lập trường bảo vệ chủ quyền, nhưng họ cũng luôn nhấn mạnh vào những biện pháp để giữ vững hòa bình hữu nghị. Họ khéo léo nói để dân chúng hiểu rằng chiến tranh là mất mát nhiều lắm, rằng hòa bình kiểu gì cũng tốt gấp vạn lần so với chiến tranh. Họ cố tìm cách cho dân hiểu rằng chỉở tầm của họ mới có thể sáng suốt tìm ra được giải pháp hợp lý để lèo lái vận mệnh dân tộc, rằng nếu hành động theo “lòng dân” thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.

Về phía dân chúng, dù có đến bất kỳ nơi nào trên đất nước này thì cũng nghe đa số bà con thể hiện sự phẫn uất trước thái độ ngang ngược của Tàu Cộng. Đa số thể hiện thái độ chấp nhận mất mát nếu chiến tranh xảy ra.

Vậy phải chăng người dân đa số là nông cạn? Hay là họ hiếu chiến? Hay không có gì để mất?

Xưa nay, khi một con người hay một cộng đồng bị ăn hiếp, bao giờ cũng có hai quan điểm về cách phản ứng. Một là cứng: kiên quyết chống lại bằng hành động, hoặc ra những tuyên bố dứt khoát để cảnh cáo kẻ ăn hiếp, nhằm ngăn chặn những hành động ngang ngược tiếp theo. Hai là mềm. Nhưng mềm thì có hai kiểu.

Kiểu thứ nhất là làm ngơ, không thèm để tâm đến sự thóa mạ của kẻ khác khi nó không thể gây ra được những hậu quả tồi tệ. Đức Phật đã xử sự như vậy. Ngài không bận lòng chút nào đến những lời nhục mạ đối với Ngài. Hàn Tín thời Tiền Hán, vì cả sự nghiệp còn ở phía trước, đã chấp nhận chui qua háng một gã côn đồ để khỏi phí cuộc đời một danh tướng hạng nhất thiên hạ vào việc tranh chấp vặt với kẻ tiểu nhân.

Kiểu thứ hai là quỳ gối, quỵ lụy, bợ đỡ, vì hèn nhát hoặc vì quyền lợi. Đôi khi, biết rằng nếu “mềm” thì kẻ kia sẽ lấn tới mãi, đến khi kẻ “mềm” mất sạch, mà vẫn tiếp tục “mềm”.

Tuy nhiên, kẻ quỳ gối bao giờ cũng tự biện minh là mình giống Đức Phật hay giống như danh tướng cỡ Hàn Tín. Nếu việc như vậy chỉ liên quan đến kẻ quỳ gối thì mặc xác họ. Nhưng nếu sự việc liên quan đến cộng đồng thì đó là chuyện khác.

Cho dù cứng hay mềm, dù là mềm kiểu thứ nhất hay kiểu thứ hai, thì bao giờ người ta cũng cho rằng mình đúng. Người “cứng” theo kiểu liều lĩnh, hung cùn, vẫn cho mình là bậc trượng phu. Còn kẻ “mềm” theo kiểu quỵ lụy, hèn mạt, vẫn cho mình là người thông thái, biết hy sinh cái nhỏ vì “đại cục”.

Vậy trong trường hợp Tàu Cộng liên tục gây hấn hai tháng nay (và nhiều tháng, nhiều năm tới) thì thái độ nào đúng hơn, vàđúng đến mức nào?

Lý sự chỗ này rõ ràng gần như vôích. Sẽ chẳng ai chịu ai. Mọi lý sự nghe ra đều hợp lý.

Tôi không muốn lý sự. Đặc biệt khi những lý lẽ của tôi chỉ là lý lẽ của kẻ vô danh tiểu tốt. Tôi chỉ thích đối chứng. Trong trường hợp này là đối chứng với thái độ và giải pháp của hai quốc gia láng giềng khác của TQ: Nhật và Philippines. Nếu ai đó nói rằng cứng rắn hơn cách của lãnh đạo VN hiện nay ắt sẽ dẫn đến chiến tranh với Tàu Cộng thì người đó hãy xem lại thái độ của chính phủ hai nước này.

Trong vấn đề quần đảo Senkaku và Hoàng Hải, Nhật Bản kiên quyết không nhượng bộ TQ. Nhật còn tiến hành quốc hữu hóa Senkaku để ra chỉ dấu cho TQ thấy rằng họ không nên đụng đến quần đảo này. Nhật cũng kiên quyết bác bỏ việc TQ đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Trong việc nâng cao tiềm lực quốc phòng, thủ tướng Shinzo Abe nói không úp mở về mục đích đối phó và tỏ ra sẵn sàng đối đầu quân sự với TQ. Trong vấn đề biển Đông, Nhật thể hiện rõ ràng quan điểm ủng hộ tích cực tất cả các nước có tranh chấp lãnh hải với TQ. Nhật cũng đã điều tàu chiến đến hỗ trợ Philippines, và sẽ cung cấp nhiều tàu tuần duyên cho nước này. Ông Abe còn sang tận châu Âu để kêu gọi G-7 có những động thái kiên quyết phản đối sự gây hấn của TQ trên biển Đông.

Một thái độ tương tự cũng được chính phủ Philippines thể hiện trước sự ngông nghênh của TQ. Đặc biệt, Philippines đã kiện TQ ra tòa trọng tài LHQ về những yêu sách phi lý và những hành động của TQ cản trở hoạt động hàng hải của Philippines.  

Và kết quả là thế nào? Nhật Bản và Philippines đã bị TQ “trừng phạt” chăng? Không, ngược lại. Chính thái độ sẵn sàng đối đầu của chính phủ hai nước này đã làm TQ phải rụt vòi, chỉ còn lu loa như mấy mụ đàn bà lắm mồm.

TQ hiện đang hướng toàn bộ cách hành xử lưu manh của nó vào VN. Lý do chính vì cái “mềm” vô nguyên tắc của VN.

Nhìn lại mấy chục năm trước, chính quyền họ Mao ở Bắc Kinh đã từng rất muốn “giải phóng” Đài Loan. Nhưng chỉ sau vài vụ đụng độở vài đảo nhỏ trong vùng, Bắc Kinh đã phải im lặng bỏ cuộc, không còn dám nói đến việc chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực nữa.

Rõ ràng, chính quyền của cái quốc gia đông dân nhất thế giới này thuộc loại “mềm nắn, rắn buông”, nên “mềm” với bọn đó sẽ chỉ có hại.

Tất nhiên, ai đó có thể phản bác. Một là Nhật và Philippines có Mỹ “chống lưng”, còn VN thì không có cường quốc nào cỡ như Mỹ đứng sau. Hai là VN có cái khó vì là “đồng chí” với giặc Tàu. Cả hai cái lý đó đều đúng. Nhưng, thử hỏi: Ai đã đẩy VN đến tình cảnh như vậy? Các thế lực thù địch chăng?

Rõ ràng, nếu VN “rắn” từ trước thì TQ đã không dám gây hấn như trong thời gian qua. Nhưng ngay cả bây giờ, một thái độ kiên quyết và tỏ ra sẵn sàng chấp nhận những đổ vỡ trong quan hệ vẫn sẽ làm TQ phải chùn tay. Bọn họ vẫn đe nẹt được VN chỉ vì họ thấy nhà chức trách VN vẫn tỏ ra cần đến họ.

NGUYỄN TRẦN SÂM

@ Daohieu Blog