Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng thay đổi lập trường về Biển Đông?

Blog RFA

Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu lãnh hải thuộc vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam đến nay đã tròn hai tháng, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và cho thấy một lối thoát. Cho dù hành động này của phía Trung Quốc được dư luận coi đây là một hành động có chủ ý, với mục đích được sử dụng như một nước cờ chính trị nhằm tạo tiền lệ cho những bước lấn chiếm khác trong việc độc chiếm Biển Đông trong yêu sách Đường lưỡi Bò 9 đoạn của họ.Trong bối cảnh từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đánh dấu sự bình thường hóa trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể từ đó Việt Nam đã hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về mọi mặt, kể cả kinh tế và chính trị. Nói như cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thì đây là một thời kỳ Bắc thuộc mới đối với Đảng CSVN. Đáng chú ý, trong lúc này Việt Nam đang đối mặt với sự suy thoái về kinh tế và sự kiện giàn khoan HD-981 xảy ra vào lúc Việt Nam hoàn toàn cô độc, không có một đồng minh nào về chính trị và quân sự. Về phía lãnh đạo Trung Quốc thì đã quá biết rõ rằng Đảng CSVN không thể rời bỏ chỗ dựa an toàn là người đồng chí có cùng ý thức hệ Trung Quốc, vì chỉ có gắn chặt vào Trung Quốc như thế thì mới có thể duy trì sự tồn tại của Đảng và chế độ với những đặc quyền đặc lợi quá lớn.

Các phản ứng của phía Việt Nam trong 02 tháng vừa qua được dư luận chung đánh giá là quá mềm mỏng, nhũn nhặn, điều đó được coi là phù hợp với xu thế giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, nhằm để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tránh xung đột. Với phản ứng chiếu lệ nếu không nói là yếu hèn của các tàu chấp pháp thuộc các lực lượng Cảnh Sát Biển, Kiểm ngư… của Việt Nam đối với các lực lượng tàu thuyền của Trung Quốc, cũng như các phản ứng và các lời tuyên bố yếu ớt và không thống nhất theo lối “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng đã khiến không ít người nghi ngờ về lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Đành rằng các phát biểu hay hành động của các lãnh đạo cao cấp trong mỗi thời điểm nhạy cảm là một vấn đề, thông qua các lời tuyên bố, các hành động của một vài lãnh đạo cao cấp thì dư luận cũng như người dân một quốc gia cũng có thể suy đoán được thái độ của chính quyền trong vấn đề đó. Điều đó đòi hỏi các lãnh đạo cao cấp cần phải kiệm lời và thận trọng trong các phát ngôn, hành động. Tuy nhiên tất cả các phát ngôn hay hành động đó của tập thể lãnh đạo phải hướng về một phía với sự nhất trí cao. Song dư luận trong thời gian qua đã cho thấy hoàn toàn không chấp nhận và nghi ngờ sự im lặng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người giữ cương vị cao nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước và chính quyền.

Đó là lý do vì sao, khi ngày 01.7.2014 các tin tức của truyền thông nhà nước cho biết về một số hoạt động cũng như phát biểu mang tính tích cực của lãnh đạo Đảng và cơ quan Chính phủ liên quan đến vấn đề quan hệ Việt – Trung. Đây là những động thái đáng lưu ý, được đánh giá là những dấu hiệu tích cực của phía Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong lúc phía Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngạo mạn bất chấp luật pháp quốc tế. Theo đó, phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) sáng 1-7,  đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD-981 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố một cách công khai khi khẳng định rằng “Việt Nam cần phải gìn giữ hữu nghị với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng phải giữ vững được chủ quyền” . Đáng lưu ý khi nói về vấn đề Hoàng sa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Ta nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974 khi chúng ta chưa giải phóng miền Nam. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa”. Không chỉ thế, ông Tổng Bí thư còn thẳng thắn đề cập đến vấn đề xấu nhất trong quan hệ Viêt – Trung có thể xảy ra, ông nói rằng “Có người hỏi nhỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Thì chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng. Chúng ta mong chiến tranh không xảy ra và cố gắng làm cho nó đừng xảy ra”. Đây là một động thái hoàn toàn không bình thường.

Đáng lưu ý, động thái này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xảy ra cùng ngày với việc  tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao các cơ quan liên quan củng cố hồ sơ pháp lý Kiện Trung Quốc để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông. Được biết cũng tại Hội nghị này Thủ tướng Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý và quan hệ song phương khi hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh hành động này của TQ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Và không chỉ thế Chính phủ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị cho “tình huống xấu” nhất với Trung Quốc. Những động thái nói trên cho thấy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã một lần nữa lại xấu đi, khác trước là các phản ứng của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cho thấy họ đã tìm được một tiếng nói chung.

Hành động của ông Tổng Bí thư đã được coi là ông Nguyễn Phú Trọng đã ngầm chuyển tín hiệu bày tỏ sự đồng thuận của mình với Chính phủ trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam. Đây là bước đột phá mới và điều đó trái với các đánh giá nhận định từ trước đến nay của dư luận trong và ngoài nước cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật đứng đầu phe giáo điều bảo thủ và có xu hướng thân Trung Quốc, người luôn có tư tưởng ủng hộ bảo vệ đại cục trong mối quan quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Hành động này của ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự xích lại gần nhau về quan điểm giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam trong Bộ Chính trị, điều mà các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang… đã từng lên tiếng trong những ngày trước đó với các nội dung tương tự.

Vấn đề đặt ra là: “Vì sao ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại có sự thay đổi quan điểm một cách bất ngờ như vậy và sự xích lại gần nhau về lập trường – quan điểm giữa hai phe “Cải cách” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe “Bảo thủ – thân Trung Quốc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có là tín hiệu mới để chuyển tải thông điệp Thoát Trung hay không?”

Nếu theo dõi diễn biến về quan điểm và lập trường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề Biển Đông trong thời gian gần đây, sẽ thấy ông Tổng Bí thư nay đã tỏ ra quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông thay cho việc phát biểu vô trách nhiệm hoặc sự im lặng đáng ngờ như trước đây không lâu. Gần đây, trong buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì trong tháng 6.2014 ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng tuyên bố về tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5.2014 đến nay đối với Việt Nam, điều đó đã ảnh hưởng đến cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực. Và mới đây, ngày 01.7.2014 Tổng Bí thư đã khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là trước sau không thể thay đổi. Ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đấu tranh với Trung Quốc là việc lâu dài, chúng ta làm sao phải khẳng định được chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa.”.

Phải chăng sự thay đổi đột ngột này là kết quả của sự tỉnh ngộ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi bị Chủ tịch Trung Quốc đã từ chối tiếp, khi trong tháng 5.2014 ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề nghị được tiếp kiến để bàn thảo về vấn đề giàn khoan HD-981? Đây là điều mà các nhà bình luận và phân tích chính trị cho rằng đã đến lúc phe bảo thủ thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng CSVN đã bị Bắc Kinh coi rẻ và không thèm đếm xỉa tới nữa. Vì Trung Quốc từ xưa đến nay – nhất là từ sau Hội nghị Thành đô đã nắm được tử huyệt của ban lãnh đạo Đảng CSVN. Đó là trước hay sau thì ban lãnh đạo Việt Nam sẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc thoát Trung, bởi ngoài Trung Quốc ra thì không có một chỗ dựa nào khác dành cho họ.

Tuy nhiên một trong những lý do khiến ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng buộc phải thay đổi quan điểm được đánh giá cao, đó là mâu thuẫn giữa các phe phái trong nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN ngày càng trầm trọng. Được biết, trong buổi tiếp xúc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, của Chủ tịch Nước ông Trương Tấn Sang,  ông Lê Kế Lâm chuẩn đô đốc hải quân Việt Nam đã đưa ra thông tin là Trung Quốc sẽ dùng 20 tỷ đô la Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) và 100 tỷ đô la tín dụng để mua chuộc Chính phủ Việt Nam. Đến nay thông tin này chưa được kiểm chứng, song một thông tin tày đình như vậy được đưa ra bởi một sỹ quan quân đội cao cấp trong một cuộc họp của người đứng đầu Nhà nước – Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thì cơ sở tin cậy của nguồn tin này là khá cao. Đây phải chăng là một trong những lý do có sự thay đổi lập trường của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Quan trọng hơn, từ đầu năm 2014 trở lại đây trở lại đây có nhiều dấu hiệu cho thấy phe của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở thế thượng phong và khuynh loát. Nhiều dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đang nắm số đông trong Bộ Chính trị và đa số trong Ban Chấp hành TW. Với bằng chứng rõ ràng nhất là trong thông điệp đầu năm mới 2014 của mình, ông Dũng đã không ngại ngần đề cập tới vấn đề cải cách thể chế chính trị đúng vào ngày Bản Hiến pháp 1992 Sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Điều đó xảy ra vào lúc chỉ còn hơn một năm Đại hội Đảng khóa XII sẽ khai mạc, mà đây là lúc quyền lực giữa các phe phái trong Đảng sẽ được thỏa thuận làm cơ sở để chia chác quyền lực. Đó là mục tiêu cuối cùng của các phe phái trong Đảng CSVN đang hướng tới để làm sao chiếm được ưu thế trong Đại hội 12 sẽ diễn ra năm 2016. Và từ nay đến lúc khai mạc Đại hội Đảng khóa XII thì các quyết định liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Biển Đông sẽ có thay đổi gì không? Đây là vấn đề sống còn giữa các phe phái, vả lại thời gian cũng còn quá ít nếu vào lúc này ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không quyết tâm thay đổi thì chắc chắn sẽ lãnh thất bại. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải thay đổi cho phù hợp và để duy trì sự tồn tại của bản thân và phe nhóm. Chứ sự thay đổi về lập trường trong vấn đề quan hệ Việt – Trung hoàn toàn là hành động mang tính chiến thuật để lôi kéo dư luận trong và ngoài Đảng, chứ không vì mục đích phục vụ cho lợi ích của dân tộc hay của đất nước.

Về lâu dài trong vấn đề quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc mãi mãi sẽ vẫn là lợi ích cốt lõi, nhưng nó sẽ được che giấu một cách tinh vi và khéo léo hơn. Mà công văn của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi cho các ban, ngành và một số tỉnh, thành phố về “Các việc cần làm” sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Hoa, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Đông là một ví dụ điển hình về quan hệ giữa hai người vừa là đồng chí, vừa là thù địch này. Văn bản này, được phát đi chỉ một tháng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình, điều đó đã và gây căng thẳng rất nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước là điều không bình thường. Không chỉ thế, theo Tạp chí Xây Dựng Đảng nà 26-6-14 cho biết một đoàn cán bộ Ban Tổ chức Trung ương sẽ sang nghiên cứu về công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc từ ngày 15-6 đến 24-6-2014. Nói như thế để thấy quan hệ giữa hai Đảng CS Việt Nam và Trung Quốc chỉ là vấn đề bằng lòng mà không bằng mặt, hay nói một cách khác là hình như hai Đảng, hai chính quyền của Việt Nam và Trung Quốc đang diễn trò để hợp thức hóa sự có mặt của các giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với phương châm để lâu cứt Trâu hóa bùn. Nếu đúng như thế thì là điều cực kỳ nguy hiểm.

Điều đó cho thấy mọi hy vọng sẽ có sự chuyển hướng ngoại giao thân phương Tây hơn để Thoát Trung của chính quyền Việt Nam trong thời gian tới chỉ là sự vô vọng và viển vông. Vì chả bao giờ những người (mang danh) cộng sản lại đoạn tuyệt với những người đồng chí “kẻ thù” có cùng ý thức hệ để ngả theo bọn đế quốc, nếu không tiến hành cải cách thể chế chính trị một cách triệt để và toàn diện.

Ngày 02 tháng 7 năm 2014

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Trung Quốc & Mỹ trên mặt trận lôi kéo đồng minh

Mạnh Kim

Cuộc chiến giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc được thể hiện trên mọi mặt trận. Lôi kéo đồng minh là một mặt trận như vậy. Chuyến công du của họ Tập sang Seoul ngày 3 và 4-7-2014 là một ý đồ như thế của Bắc Kinh. Đánh giá Seoul là mắt xích lỏng lẻo nhất trong nhóm đồng minh Mỹ tại châu Á, Bắc Kinh đang “tấn công” dồn dập Hàn Quốc bằng các kết nối kinh tế.

Chưa bao giờ quan hệ kinh tế song phương Trung-Hàn gắn bó bằng lúc này. Trong báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (ISIS, Washington DC) tung ra giữa tháng 6-2014, nhóm tác giả cho biết, dù dư luận Hàn Quốc luôn xem Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh, Hàn Quốc đồng thời ngày càng gắn kết sâu với Trung Quốc qua con đường mậu dịch, kinh tế và thậm chí văn hóa.

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường năm 1992, mậu dịch song phương đã tăng 35 lần. Năm 2004, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Mậu dịch với Trung Quốc năm 2013 chiếm 26% tổng xuất khẩu Hàn Quốc và chắc chắn tiếp tục tăng, khi mà hai nước hiện thảo luận Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với vòng đàm phán mới đây tổ chức vào tháng 3-2014; chưa kể các cuộc đàm phán về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP – một FTA mà Trung Quốc đóng vai trò “chủ xị” giữa ASEAN và các đối tác FTA khác gồm Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand…).

Kế hoạch lôi kéo Hàn Quốc bứt khỏi trục Mỹ của Trung Quốc có thuận lợi ở chỗ: sự bất thành trong dàn xếp quan hệ Tokyo-Seoul mà trọng tài Mỹ chưa thể giải quyết. Bất hòa Tokyo-Seoul lại có nguồn gốc từ lịch sử – một điểm chung mà Bắc Kinh có thể “chia sẻ” và “đồng cảm” với Seoul. Cho đến nay, sách giáo khoa Hàn Quốc vẫn còn kể lại chuyện nhà Minh từng giúp Triều Tiên chống quân xâm lược Nhật vào thập niên 1590. Hơn nữa, dư luận Hàn Quốc cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với Mỹ. Năm 2002, biểu tình bạo động tại Seoul đã nổ ra khi hai nữ sinh Hàn Quốc bị xe quân đội Mỹ cán phải. Trong suốt một thập niên sau đó, loạt chiến dịch kêu gọi chấm dứt sự có mặt quân đội Mỹ liên tục bùng nổ ở Hàn Quốc.

Phần Hàn Quốc, Seoul sở dĩ “qua lại” với Bắc Kinh là vì hai lý do. Thứ nhất, họ muốn Bắc Kinh giúp kiềm chế sự hoang dã của Bình Nhưỡng; thứ hai, họ muốn… chọc tức Mỹ! Seoul hy vọng Washington sẽ chú ý hơn và phải “đối xử công bằng” với họ như đối với đồng minh Nhật. Washington cho phép Nhật sản xuất hạt nhân trong khi Hàn Quốc bị khước từ là một ví dụ của sự “bất công” như vậy. Washington chia sẻ thông tin tình báo với Úc về Trung Quốc nhưng thường không làm tương tự với Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên. Trong một số trường hợp, Washington đã không đếm xỉa Seoul khi muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, những cứ liệu nói trên thật ra là chưa đủ để Bắc Kinh lôi kéo được Seoul, cho dù có thể tạo ra bao nhiêu ràng buộc kinh tế đi nữa. Vấn đề nằm ở chỗ yếu tố Bình Nhưỡng. Trung Quốc luôn muốn duy trì sự chia cắt Nam-Bắc Triều Tiên, để không chỉ sử dụng Bắc Triều Tiên làm vùng đệm chiến lược mà còn dung túng Bình Nhưỡng nhằm có thể giật dây con rối Bình Nhưỡng cho những mục đích cụ thể ở những thời điểm cụ thể. Bắc Triều Tiên và sự hoang dã đến mức sơ khai trong “văn minh chính trị” của họ đã trở thành công cụ đắc dụng trong các cuộc mặc cả “hòa bình khu vực” của Trung Quốc, dù trong thực tế, sự thể hiện đầy tính “ngẫu hứng” một cách quái đản có khi không thể lý giải của Bình Nhưỡng cũng khiến Bắc Kinh đau đầu.

Seoul thật ra không thể liều lĩnh bỏ Mỹ, trên mọi phương diện. Đó là điều chắc chắn. Mọi tương quan với Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn chỉ đặt trên cơ sở quan hệ kinh tế. Hàn Quốc vẫn cần sự hiện diện của 28.000 lính Mỹ để phòng vệ trước Bắc Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc vẫn sử dụng chủ yếu thiết bị quân sự Mỹ (gần đây họ dự tính chi khoảng 8 tỉ USD để mua ít nhất 40 chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin). Hàn Quốc tiếp tục tập trận thường xuyên với Mỹ…

Nói cách khác, muốn kéo Seoul về phía mình, Bắc Kinh phải chấp nhận phủi tay giũ bỏ Bình Nhưỡng, mà điều này là bất khả, dù trong thâm tâm, Trung Quốc chẳng coi Bắc Triều Tiên ra cái đinh gì và càng chẳng xem Kim Jong-un ra cái thứ gì. Chuyến công du của họ Tập (lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc đến Seoul trước, thay vì Bình Nhưỡng) hẳn là một thông điệp như vậy mà Bắc Kinh gửi đến Bình Nhưỡng, với một “phụ chú” đính kèm: coi chừng, liệu cái thần hồn, Trung Quốc cúp gạo là chết đói cả lũ! Dù vậy, Bình Nhưỡng hẳn đã biết tỏng, còn lâu Trung Quốc mới dám đẩy họ vào con đường cùng, và chắc chắn càng không thể, khi mà ngay thời điểm hiện tại, Tokyo đang nỗ lực làm một cú móc từ cự ly rất xa chuyền quả bóng giao hảo đi đường vòng bay vào sân Bình Nhưỡng!

Xích Tử – Lại lẩn quẩn

Xích Tử
Đó là sự lẩn quẩn thể hiện trong những lời của ông Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ – Hà Nội trong ngày 1/7. Nó xuất phát từ một sự lúng túng, bế tắc trong tư duy, nhận thức thực tiễn, định hướng đường lối chính sách tầm cỡ Tổng Bí Thư của chính đảng duy nhất cầm quyền, nhưng lại hướng đến mục tiêu nói lấy được, khoả lấp, tung hoả mù để xoa dịu những căng thẳng, bức xúc của dư luận xã hội, những chuyện nóng trong tình hình đất nước được một số cử tri có lựa chọn phát biểu.Xin được bàn đến một số trong những lời lẩn quẩn nói trên.

Thứ nhất, về trường hợp ông Trần Văn Truyền, ông nói ngay “về hưu cũng không bỏ qua” và dẫn ý trong báo cáo của đương Tổng Thanh tra Nhà nước (Ông Trọng gọi sai tên cả ông này) rằng phía Uỷ Ban Kiểm Tra Đảng đang vào cuộc. Cái nhầm lẫn, vô ý hoặc cố ý là ông Tổng Bí Thư không phân biệt đương sự là đối tượng đang nói là đảng viên (mà là đảng viên cấp Bộ Chính Trị quản lý) với công chức đang làm việc, công chức đã về hưu hay là một công dân. Sự không phân biệt đó lại có liên quan đến sự tự không phân biệt của phía chủ quan của người nói, là Tổng Bí Thư hay một đại biểu quốc hội.

Ở đây, theo trình tự bình thường, nếu ông Truyền là công chức – đảng viên đương chức, cũng là một công dân, nếu có dấu hiệu vi phạm tham nhũng quả tang trực tiếp hoặc liên đới trách nhiệm trong công vụ, vụ án, thì cơ quan kiểm tra đảng và các cơ quan điều tra, công tố, tố tụng, xét xử của Nhà Nước sẽ thực hiện các công việc theo luật định (trừ trường hợp có sự can thiệp của cấp tổ chức quản lý cán bộ phía đảng). Việc xử lý ấy sẽ “án tại hồ sơ”.

Nếu không có dấu hiệu quả tang, việc phát hiện, xử lý tham nhũng phải được tiến hành trước hết bằng việc kê khai tài sản, rồi xác minh, kiểm chứng v.v..sau khi bản kê khai được niêm yết nội bộ (hoặc như đã có đề nghị là công bố xã hội) theo Nghị định 78/2013 của Chính Phủ. Theo đó, ông Truyền bị điều chỉnh bằng qui định đối tương kê khai tại Điều 7 của Nghị định nói trên.

Việc này hiện nay rất khó làm, và nếu có làm đôi khi cũng mất 5 – 10 năm, rồi cũng chẳng đi đến đâu vì nhiều lý do do cơ chế, luật pháp, điều kiện nhân thân của đối tượng.

Biệt thự “khủng” của nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn TruyềnTrong tình trạng hiện nay của ông Truyền, không thể áp dụng cách xử lý nói trên do chỉ có dư luận về cái nhà hoành tráng chứ không vi phạm quả tang hoặc liên đới trách nhiệm. Ông Truyền cũng không còn là đối tượng qui định tại điều 7 của Nghị Định nói trên. Ông Truyền chỉ còn là đảng viên và công dân nên trước hết cơ quan kiểm tra tác nghiệp theo qui định của đảng, và nếu có kết quả gì đó, chỉ bị xử lý đến mức khai trừ để mèo lại hoàn mèo; hồ sơ kiểm tra không thể là căn cứ để xử lý hành chính hay hình sự. Còn với trách nhiệm công dân, việc điều tra xử lý (nếu có) đối với ông Truyền sẽ vô cùng phức tạp về phương pháp, phạm vi điều tra, xét xử, về các điều kiện pháp lý: cho đến nay, không có căn cứ nào để khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì chưa tốn một đồng bạc nhà nước nào để mua nguồn tin tố cáo về ông (với giá lên sàng là 10 triệu một nguồn tin); rối nếu có như thế, sẽ điều tra vào đối tượng nào và việc khởi tố, điều tra có vi phạm qui định không hồi tố hay không ? Khó quá. Nếu giải quyết không bỏ qua kiểu này thì sẽ phải lôi cả đối tượng là nguồn học bổng nước ngoài của 3 người con đương kim Thủ tướng, hoặc việc in tiền polymer ở Australia…Do vậy, khi ông Trọng nói không bỏ qua là để xoa dịu tại chỗ ý kiến cử tri thôi; qua đó ông bày tỏ lạc quan về việc kiểm tra của đảng mà ông là Tổng Bí thư, nhưng ông lại không có hiểu biết pháp luật đầy đủ theo yêu cầu với một đại biểu quốc hội.

Thứ hai, ông nói rằng “không ai chọn được láng giềng”. Câu khái quát triết lý này rất hay, như một câu thơ vậy, đã được dùng nhiều, tương tự như không ai chọn được một đất nước, một gia đình để sinh ra (trừ thụ tinh nhân tạo, đẻ thuê và cloning hiện nay). Triết lý đó đúng với mọi quốc gia có đường biên giới chung với nhau. Tuy nhiên, ông cũng nên phải nhớ rằng không có nước láng giềng nào lại chủ động, tự giác, phấn khởi chọn hệ ý thức, thể chế chính đảng và chế độ chính trị cùng cách vận hành y chang như nước láng giềng kia cho mình, được nước láng giềng kia công nhận sớm nhất, rồi giúp vũ khí, nhu yếu phẩm, và cả con người để mình đánh đến người cuối cùng của mình. Không ai chọn một cách đối xử hào phóng với nước láng giềng bằng cách gởi công hàm với ẩn ý công nhận chủ quyền của họ đối với lãnh thổ của mình, tức cũng là ẩn ý từ bỏ chủ quyền của mình. Không ai lại đối xử với láng giềng suốt mấy chục năm cùng mê muội tin tưởng vào tình quốc tế vô sản, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa đến mức nó nhả đạn vào mình vẫn không biết, rồi sau đó là bốn tương, bốn tốt, mười sáu chữ vàng và không có nước láng giềng nào lại bán rẻ tài nguyên cho láng giềng, để đất nước của mình lệ thuộc nhiều mặt, nhất là lệ thuộc tuyệt đối về kinh tế vào nước láng giềng kia…

Ông cũng nên nhớ rằng, sau chiến thắng, Hoàng Đế Quang Trung đã đối xử với nước láng giềng đó bằng cách cử Phạm Công Trị đóng giả mình sang để xin thụ phong và cầu hoà, biến Phạm Công Trị thành ông tổ của vai đóng thế trong lịch sử sân khấu và điện ảnh. Với hệ thống gián điệp, tình báo của nhà Thanh lúc ấy, việc này không phải họ không biết; và với tính cách gian ngoan hiếu chiến, hung bạo của Càn Long, việc ấy không thể bỏ qua. Ấy vậy mà nó đã được lịch sử hợp lý hoá, để hai bên vẫn láng giềng tốt nhiều năm sau đó. Còn bây giờ, lại than vãn như bị phụ tình, lại triết lý không ai chọn được láng giềng thôi sao?

Thứ ba, cũng chuyện Biển Đông, ông nói “chúng ta không muốn chiến tranh”. Khi nói câu này, nghe cả hội trường vỗ tay vì nó quá đúng, và vì có tiếng vỗ tay của một quân xanh dư luận viên nào đó phục sẵn. Nó đúng, vì quốc gia nào cũng nói như vậy; Tập Cận Bình hiện nay cũng nói như vậy; loài người đều nói như vậy. Nó thể hiện giấc mơ, nhu cầu muôn thuở về hoà bình. Khi ông nói câu này, ông tuyên ngôn cho một quốc gia láng giềng biết, cả thế giới biết về triết lý, thái độ, quan điểm, đường lối …hiếu hoà của Việt Nam. Thế nhưng tại sao truyền thống đó lại không đem ra áp dụng với nội bộ hai miền Việt Nam sau Hiệp định Genève khi phía Việt Minh cài lại ở Miền Nam gần 10.000 cán bộ, bộ đội cùng nhiều kho vũ khí chôn giấu để sau đó chủ động tạo ra cuộc chiến tranh 16 năm? Nếu không có việc ấy, có lẽ bây giờ cũng không có chuyện ông lại mếu máo khi nói với cử tri những chuyện về người bạn láng giềng vĩ đại như vậy.

Xích Tử

Vài suy nghĩ nhân phát biểu của Tổng Bí Thư

Trần Kinh Nghị
Hôm qua 1/7 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ để nói lên quan điểm của người đứng đầu cao nhất của đất nước về một chủ đề hệ trọng nhất của đất nước-đó là quan hệ Viêt-Trung và chủ quyền biển đảo. Vậy là sau một thời gian im lặng bác Tổng đã lên tiếng. Nội dung chi tiết xin mời đọc tại đây http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/183735/tong-bi-thu–khong-ai-chon-duoc-lang-gieng.html

Công bằng mà nói, những lời của bác Tổng là thực lòng và do đó có lẽ đã phần nào góp phần xua tan bớt nỗi băn khoăn trăn trở cùng sự hoài nghi trong dư luận thời gian qua. Có lẽ sẽ bớt đi phần nào những dị nghị trong dân chúng rằng ông kia bà nọ bán nước, cầu vinh… Nhưng qua đó cũng cho thấy sự lúng túng bế tắc cùng cực về cả chiến lược lẫn sách lược trong đối sách của Việt Nam trước những bước đi quả quyết đến mức trắng trợn và ngang ngược của TQ.

Trong phát biểu Tổng Bí thư có đoạn nói: “Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với TQ, “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

Tiếp đó lại có đoạn “Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”, và không quên nhấn mạnh “Đây là việc khó”.

Xem ra những gì vị lãnh đạo tối cao của đất nước vừa nói đều đã được nói trước nay, không có gì mới, trong khi tình hình TQ lấn chiếm biển đảo thì hoàn toàn mới và đang ngày càng diễn biến rất khẩn trương và phức tạp. Đã có quá đủ bằng chứng để cho thấy TQ đã dứt khoát vứt bỏ quan hệ hữu nghị láng giềng, anh em, thức hệ … nhằm đạt mục tiêu độc chiếm biển Đông mà trong đó VN là đối tượng chính và trước tiên. Vậy mà người đứng đầu VN vẫn gọi TQ “bạn láng giềng lớn”… “muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán nước ,và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau tuyên bố với thế giới “VN không liên minh với ai…”. Làm sao phải “chưa khảo mà xưng” như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược?

Cũng đừng đổ cho lịch sử bằng cách cố tình hiểu sai lịch sử. Quên rồi sao Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã từng mang quân đánh sang Quảng Đông-Quảng Tây nhằm bảo vệ kinh thành Thăng Long. Cũng đừng quên khí phách của “Hịch tướng sĩ”. Thử hỏi suốt 70 năm qua Lãnh đạo VN có mấy ai kế thừa được quá khứ như thế hay chỉ toàn núp bóng tiền nhân để biện minh cho sự đớn hèn và sai lầm của mình? Xin hỏi các vị nào hay đề cao cái gọi là “mềm dẻo, khôn khéo”: Tại sao VN chỉ mất đất, mất biển đảo sau mỗi lần nhún nhượng trước TQ? Đó là Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1956 đã đặt VN vào thế khó đòi lại chủ quyền Hoàng Sa; đó là “giải pháp đỏ” Thành Đô 1989 dẫn đến những thua thiệt khi phân định lại biên giới Việt-Trung; đó là chủ trương “không được nổ súng” để mất bãi Gạc Ma và 6 vị trí khác tại Trường Sa năm 1988. Với đà này làm sao có thể tin VN sẽ ngăn chặn quân xâm lược TQ chỉ bằng sự khôn khéo mềm dẻo với kẻ thù!

Khi đề cập đến chủ trương phân hóa nội bộ giữa nhân dân, chính quyền và các thế lực hiếu chiến TQ… chẳng lẽ bác Tổng không thấy rằng trường hợp TQ khác xa với trường hợp “đế quốc Mỹ” ở chỗ tất cả đều theo sự chỉ đạo của Đảng CS Trung Quốc(?). Một kết quả thăm dò dư luận của TQ gần đây cho thấy “không dưới 80% người dân cùng hô một tiếng “Đánh Việt Nam!”. Vậy đâu dễ gì phân hóa được họ.
Tổng Bí thư cũng có đề cập lướt qua về việc chọn bạn/thù với câu “Thời buổi này, ai cũng phải nghĩ đến lợi ích quốc gia dân tộc mình, nên tạo sự ủng hộ của quốc tế cũng cần thực chất, thực lòng”. Đúng vậy. Nhưng xin đừng vì thế mà chần chừ không dám chọn bạn xa để đối phó với kẻ thù gần. Thử hỏi, cả hai cựu thù Pháp, Mỹ có ai đã lấy được tấc đất nào của VN.., hay chỉ có “bạn gần” TQ liên tục gậm nhấm lãnh thổ biển đảo của VN? Với tham vọng bá chủ của TQ hiện nay thì nguy cơ càng lớn hơn nhiều.

Qua phát biểu công khai dù hiếm hoi của người đứng đầu đất nước lần này cho thấy thêm dấu hiệu để lý giải một vài động thái gần đây. Việc ông Phạm Bình Minh hoãn chuyến thăm Mỹ theo lời mời của người đồng cấp Mỹ trước đó để tiếp khách “bạn láng giềng” thì có thể hiểu được. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu tới đây ông Minh sẽ không đi thăm Mỹ. Việc VN trì hoãn phát đơn kiện TQ cho thấy thái độ bị động và lo ngại không cần thiết mà tự tước mất một thế mạnh hiếm hoi của VN. Những động thái trên đây không có gì khác là sự báo hiệu về tình trạng bị động bế tắc của giới lãnh đạo đất nước trước mưu đồ thâm hiểm của Bắc Kinh.

Muộn còn hơn không, xin chân thành khuyên Tổng Bí thư cùng Bộ CT hãy nhìn vấn đề một cách thực tế linh hoạt trên cơ sở cầu thị lắng nghe lòng dân và ý kiến của bạn bè quốc tế để kịp thời thay đổi chính mình may ra vẫn còn cơ hội để cứu nước./.

VN ‘chuẩn bị cho tình huống xấu’ với TQ

Cuộc họp chính phủ hôm 1/7

Chính phủ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị cho ‘tình huống xấu’ với Trung Quốc, trong lúc ý kiến chuyên gia nói Bắc Kinh sẽ không chọn cách cắt giao thương.

“Với tình huống xấu xảy ra, hoạt động giao thương kinh tế thương mại với Trung Quốc đình trệ thì cần mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Văn Nên, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, được báo Dân Trí dẫn lời nói trong cuộc họp chính phủ hôm 1/7.

“Trong các tình huống đó, tuy có ảnh hưởng nhưng không quá lớn đến mức chúng ta không giải quyết được”.

“Thực ra các kịch bản này đã được đề ra từ lâu. Với đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam, các cấp lãnh đạo nhà nước đã nêu yêu cầu làm sao để nền kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường nào”, ông nói thêm.

Căng thẳng trên Biển Đông từ khi Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã gây nhiều lo ngại rằng nền kinh tế Việt Nam, vốn dựa vào Trung Quốc để làm nguồn cung vật liệu và sản phẩm trung gian cho nhiều ngành xuất khẩu, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không muốn quan hệ thương mại với Việt Nam bị xấu đi.

Trả lời BBC ngày 2/7, tiến sỹ Vũ Minh Khương, giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, nói “khả năng Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn là không có”.

“Nếu Việt Nam bị thiệt hại một thì Trung Quốc cũng bị thiệt hại thêm nhiều lần.”

“Hơn ai hết, Trung Quốc rất sợ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mà cách hành xử vừa qua của Trung Quốc đối với khu vực và thế giới đã tạo ra những trở lực rất lớn cho Trung Quốc phát triển nhanh chóng.”

“Việt Nam phải chủ động trong những tình huống có thể xảy ra và xem tình huống hiện nay là động lực để cải cách toàn diện, trong đó có những cải cách lâu nay vẫn ngần ngại.”

‘Hy sinh cho thế hệ sau’

Theo ông Khương, Việt Nam cần chú trọng vào việc “vượt trên đầu” những người muốn ngăn trở mình, thay vì chỉ “đối đầu”.

“Đây là một nguyên lý rất quan trọng để Việt Nam trỗi dậy trong những thập kỷ tới”, ông nói.

“3 chữ C: Con người, cơ chế, chiến lược sẽ cho Việt Nam khả năng vượt lên đầu và tránh đối đầu.”

“Cần tìm những người có lòng với đất nước, cần có hệ thống chính trị sẵn sàng đổi mới cơ chế để cho phép người tài được cống hiến hết khả năng của mình và từ nhiệm khi đã hoàn thành nhiệm vụ.”

Ông cho rằng căng thẳng hiện nay là động lực để Việt Nam tái cân bằng điều mà ông gọi là sự ‘rối loạn về cơ cấu thương mại’.

“Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ hơn 15 tỷ đôla, hầu hết là hàng nông sản, nguyên liệu, trong khi nhập hơn 35 tỷ đôla. Đó là mức thâm hụt rất lớn”, ông nói.

“Việt Nam nhập siêu rất nhiều hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu, nhưng không có tính chất gì về công nghệ hay giá trị cao cả, chỉ tham giá rẻ, chấp nhận chất lượng thấp.”

“Trong ngắn hạn mà nói thì mọi rối loạn về thương mại đều gây sốc cho nền kinh tế, nhưng đó là cú sốc buộc Việt Nam phải chấn chỉnh cơ cấu thương mại mất hợp lý quá lâu dài”.

“Thế hệ ngày này phải chấp nhận những hy sinh gian khổ rất lớn để thế hệ sau có thể thừa hưởng những thành quả mà thế hệ này đã tạo ra.”

‘Không thiếu nguồn lực’

Tiến sỹ Vũ Minh Khương nói nỗ lực của Việt Nam hiện nay không bằng Hàn Quốc và Đài Loan thời Chiến Tranh Lạnh

Ông Khương cho rằng Việt Nam không thiếu nguồn lực mà thiếu ‘tâm thế’ để vượt lên.

“Đài Loan và Hàn Quốc gặp rất nhiều thách thức trong thời Chiến Tranh Lạnh và tài trợ của thế giới vào họ rất hạn chế, chủ yếu là từ Mỹ,” ông nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 2/7.

“Nhưng tôi quan sát kinh nghiệm của họ thì thấy các nhà đầu tư giúp đỡ họ đều cảm thấy kinh ngạc vì nỗ lực của những nước này vượt xa kỳ vọng của nhà viện trợ.”

“Trong khi đó, nếu nhìn lại các dự án của Việt Nam thì phần lớn đều bị đánh giá thấp hơn kỳ vọng hoặc trung bình thấp.”

“Như vậy vấn đề ở đây là sử dụng nguồn lực thế nào để vượt lên chứ không phải là thiếu nguồn lực.”

“Ba chữ C mà tôi nói: con người, cơ chế, chiến lược, mới là cái Việt Nam đang thiếu.”

“Cần phải có quyết tâm lớn từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Rất nhiều bạn bè quốc tế cũng rất sẵn sàng tư vấn để giúp Việt Nam phát triển.”

“Có điều họ có coi trọng sứ mệnh đưa đất nước trở nên phồn vinh hay không, hay vẫn bám lấy thứ ý thức hệ giáo điều, lợi ích cá nhân và những thứ mơ hồ khác?

@bbc

Ông Tập chống tham nhũng và giữ Đảng

Ông bà Tập thay đổi diện mạo chính trị TQ bằng nụ cười

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang lại gương mặt mới cho chính trị Trung Quốc.

Ăn há cảo cùng dân thường, lên truyền hình giải thích chính sách bằng ngôn ngữ mà ai ai cũng hiểu, và gây ấn tượng với lãnh đạo các nước trên thế giới bằng phong cách thân thiện mà lại tự tin đầy quyền lực; ông Tập khác người tiền nhiệm lạnh lùng và nhạt nhẽo Hồ Cẩm Đào một trời một vực.

Thế nhưng điều này có làm thay đổi bản chất của nền chính trị Trung Quốc hay không?

Tập Cận Bình không phải lúc nào cũng cười. Chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ mà ông khởi xướng đang lôi ra hết nhân vật cao cấp này tới nhân vật cao cấp khác, phơi bày không chỉ tham nhũng vặt mà cả những khối tài sản khổng lồ của các lãnh đạo Trung Quốc.

Vụ nhà tài phiệt Lưu Hán bị tử hình hồi tháng Năm vừa qua vì tội “tổ chức và chỉ đạo tội phạm và giết người kiểu mafia” cũng cho thấy một điều khác: đó là sự xâm nhập của các mạng lưới tội phạm hùng mạnh vào bên trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập cũng không hẳn là bước ngoặt như người ta tưởng.

Bình cũ rượu mới?

Ông Lưu Hán bị xử từ hình trong tháng 5 vừa qua

Mục tiêu của chiến dịch này đúng là đã lên tới các cấp cao [của hệ thống chính trị] nhưng dường như chỉ hạn chế trong số các đối thủ của ông Tập và tay chân của những người này, thí dụ như cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Nói cho cùng thì đây cũng chỉ là chuyện chính trị nội bộ, mà vụ Bạc Hy Lai đã gây chia rẽ nặng.

Việc ông Bạc bị thanh trừng, cùng các nỗ lực hạ bệ Chu Vĩnh Khang cùng vây cánh cho thấy một điều cũ như trái đất.

Chia rẽ bên trong tầng lớp chóp bu của Đảng CSTQ chính là nguồn gốc của sự bất ổn của thể chế và đối với lãnh đạo Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là các đe dọa từ bên ngoài như lực lượng ly khai, bất đồng chính kiến hay tôn giáo cực đoan. Cạnh tranh của các phe nhóm đang phá hoại sự đoàn kết trong Đảng và làm tan vỡ vỏ huyền bí của điều được cho là quyền lãnh đạo thiêng liêng của Đảng CS.

Tuy nhiên cũng cần phải chú ý rằng đang có những thay đổi trong hệ thống chính trị Trung Quốc mà thoạt tiên tỏ ra không mấy choáng ngợp nhưng về lâu về dài có thể trở nên vô cùng quan trọng.

Sự phát triển của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã thay đổi hệ thống xã hội Trung Quốc, làm nảy sinh các mâu thuẫn và xung đột quyền lợi mới.

Các tập đoàn nội địa và ngoại quốc, các tập hợp người trung lưu, nông dân bị mất đất, nạn nhân của tình trạng thiếu an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường hay lao động nhập cư… nay đều có thể gây ảnh hưởng về chính trị.

Nói chung Đảng CSTQ không tìm cách trấn áp mà quản lý và điều phối ảnh hưởng của các nhóm lợi ích lên hệ thống chính trị, cách tiếp cận này thường được gọi là “quản trị xã hội”. Thế nhưng nay Đảng không còn hoàn toàn ở vị trí chủ động nữa.

Đảng quản trị xã hội càng tốt thì xã hội lại càng có nhiều không gian và đòn bẩy để ‘quản lý’ lại Đảng và chính phủ.

Hệ thống đơn từ khiếu nại hay hệ thống luật pháp cho phép người dân được thưa kiện đòi bồi thường, và ý kiến của họ phải được giới chức tiếp thu khi soạn thảo hay thực thi chính sách.

Còn có những phương cách ít biết đến hơn, mà qua chúng các nhóm xã hội khác nhau để dấu ấn lên hệ thống chính trị.

Để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách, các tổ chức NGO, hội đoàn kinh doanh cả trong và ngoài nước đã và đang tổ chức nhiều hội nghị, viết bài, cung cấp tư liệu phân tích và trực tiếp tiếp xúc với các lãnh đạo.

Về phần mình, Đảng CSTQ và chính phủ đã phát triển cách thức riêng để ra quyết đị́nh chính sách, như nghiên cứu, thu thập ý kiến chuyên gia và trưng cầu dân ý.

Các viện nghiên cứu (think-tank) đã bắt đầu được thành lập trong những năm 1980 và nay mỗi bộ ngành đều có các viện nghiên cứu riêng của mình.

Các trường Đảng cũng như các trường đại học đều thường xuyên thực hiện các dự án liên quan chính sách. Bản thân Bộ Chính trị Đảng CSTQ cũng có những khóa nghiên cứu tập thể.

Có nhiều kênh để giới làm ăn tác động vào chính sách nhà nước

Kể từ đầu thập kỷ 1990, ngày càng nhiều người Trung Quốc có học vấn làm việc trong bộ máy Đảng và chính quyền. Những người này cho rằng tìm cách ảnh hưởng từ bên trong thì sẽ hiệu quả hơn là chống chính quyền từ bên ngoài như các nhân vật bất đồng chính kiến hay giới vận động lưu vong.

Bắc Kinh đang ngày càng trở nên giống các trung tâm chính trị lớn của phương Tây như Washington hay Brussels, nơi đầy các viện nghiên cứu, nhóm vận động, tổ chức và các quỹ nhầm gây ảnh hưởng lên bộ máy quyền lực.

Tất nhiên quá trình ra chính sách vẫn được thực hiện một cách nội bộ nhưng nay không hoàn toàn tách biệt với bên ngoài nữa. Chính sách đã được ảnh hưởng thông qua nhiều kênh khác nhau, các kênh này phát sinh tự nhiên hay có dàn xếp.

Giảm bớt kiềm tỏa về quyền lực

Điều này dẫn đến câu hỏi về tham nhũng.

Nếu như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhằm để làm sạch hệ thống chính trị Trung Quốc thì cũng phải hỏi là tham nhũng đã thay đổi thực chất tiến trình chính trị ở Trung Quốc như thế nào. Thí dụ việc ăn hối lộ hay lợi ích kinh doanh của các ông tỷ phú đỏ ảnh hưởng thế nào tới quá trình hoạch định và thực thi chính sách?

Liệu Đảng CSTQ có trở thành phương tiện của một bộ phận quyền lực để họ cai trị đất nước vì lợi ích riêng của mình hay không?

Trả lời được các câu hỏi này, chúng ta sẽ biết được mức độ giao quyện của quyền lực, tài chính và tội phạm có tổ chức, mức độ ảnh hưởng của nó tới Đảng CSTQ và cả hệ thống chính trị, cũng như sự chênh lệch giữa lý thuyết Đảng và thực tế ở trong nền chính trị Trung Quốc.

Nếu như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhằm để làm sạch hệ thống chính trị Trung Quốc thì cũng phải hỏi là tham nhũng đã thay đổi thực chất tiến trình chính trị ở Trung Quốc thế nào

Hệ thống chính trị Trung Quốc tiếp tục phát triển về các hướng mà chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ: chắc chắn là không phải về hướng dân chủ đa đảng của phương Tây nhưng cũng không phải một chính thể độc tài chuyên quyền. Có lẽ là có các yếu tố của cả hai hệ thống, cộng thêm vài yếu tố mới.

Đảng CSTQ đang đi một con đường chưa có người qua. Không có ai, kể cả bản thân các lãnh đạo Đảng, biết được tương lai sẽ như thế nào. Có rất nhiều thách thức ở phía trước về kinh tế, chính sách, xã hội và chính trị. Trước khi giải quyết các vấn đề này thì vai trò của Đảng phải thay đổi.

Thứ nhất, phải tăng cường sự minh bạch và vai trò trách nhiệm. Hệ thống hiện hành còn nhiều mập mờ trong quá trình làm chính sách trong Đảng.

Tất nhiên lãnh đạo Đảng có thề tiếp tục các hình thức đấu tranh chống tham nhũng xưa nay vẫn làm, thanh trừng và bí mật nội bộ. Thế nhưng Đảng cũng có thể tìm cách thay đổi cuộc chơi bằng cách đưa vào các quy trình và nguyên tắc minh bạch trong cạnh tranh chính trị, thảo luận và quyết định chính sách.

Tiến trình này cần được công khai cho người dân theo dõi kiểm tra một cách chặt chẽ hơn là nguyên tắc “dân chủ tham khảo” hiện nay.

Để đấu tranh chống tham nhũng, lãnh đạo Đảng cần công khai với dân các lợi ích của mình. Quy tắc và quy trình cần được thiết lập để làm sao các nhân vật lãnh đạo không tham gia vào các quyết định có thể mang lại lợi ích cho bản thân họ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh lên nhờ Tập Cận Bình?

Thứ hai, cần tách bạch Đảng và xã hội. Hiện các quyền tự do của người dân, công ty, hội đoàn và tổ chức đều phụ thuộc phần nào vào Đảng.

Nếu người dân tự cho mình là trẻ con cần người lớn cầm tay dạy dỗ thì không sao nhưng tình trạng hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy tình hình không như thế nữa.

Đảng CSTQ cần bớt ám ảnh về ổn định xã hội và tin tưởng hơn vào chính xã hội mà Đảng đã tạo ra.

Các sự khác biệt về tư tưởng và tôn giáo, xung đột hay cạnh tranh, đều không hẳn là xấu hay đe dọa ổn định xã hội. Ngược lại, chúng là dấu hiệu cho một xã hội ổn định, chín chắn và mạnh mẽ.

Đảng CS sẽ còn lãnh đạo Trung Quốc, có lẽ là rất nhiều năm nữa. Có lẽ đây là điều tốt cho người dân, đất nước Trung Quốc, và thậm chí cả toàn thế giới. Thế nhưng đã đến lúc nới lỏng vòng kiềm tỏa quyền lực.

Trung Hoa đã trưởng thành rồi.

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, Giáo sư ngành Nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Leiden, Hà Lan. Ông hiện đang viết một cuốn sách về chính trị và xã hội Trung Quốc, sẽ do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành vào năm 2015.