Phan Châu Thành – Ba vấn đề lớn trong các “đại án kinh tế” (2)

Phan Châu Thành

Phần 2: Những nguyên nhân phá sản từ Mô hình kinh tế Nhà nước

Trong Phần 1 – Những vấn đề pháp lý trong các “đại án tham nhũng”, chúng tôi đã chỉ ra những nguyên nhân trong hệ thống pháp lý đã tham gia tạo nên (như là những cái bẫy pháp lý) sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế nhà nước (KTNN) như Vinashin, Vinalines…

Nhưng những cái bẫy pháp lý (thường là ngu xuẩn và vô bổ như NĐ 49/CP) giăng trên đầu và xung quanh các tập đoàn KTNN đó, khiến chúng tự mắc vào và tự sập bẫy cũng chỉ là bối cảnh mà hệ thống pháp lý kinh tế của thể chế này vô tình tự dựng nên cho các con cưng của mình – các doanh nghiệp KTNN, mà thôi. Chính cái cơ cấu tổ chức và phương cách quản lý kinh tế của nhà nước này, hay còn gọi là mô hình tổ chức kinh tế nhà nước, với 127 các tổng công ty và tập đoàn KTNN ở trung tâm và “là chủ đạo” để đảm bảo “định hướng XHCN”, mới khiến các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty và tập đoàn KTNN đó trở thành những cỗ máy tự động vận hành đến… sự sụp đổ tất yếu của chúng, như Vinashin và Vinalines hay như nhiều công ty NN khác đã tự “vận hành” tự sát, mà chúng ta đã đang và sẽ còn thấy nhiều.

Vậy điều gì trong cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý của các tổng công ty và tập đoàn KTNN khiến chúng sẽ tất yếu đi đến phá sản? Đó là điều tôi xin sẽ trình bày trong phần 2 này.

Thứ nhất, về tổ chức, sau gần trăm năm thí nghiệm trên hàng chục quốc gia với hàng tỷ dân số, “phe” XHCN vẫn chưa tìm ra mô hình tổ chức đơn vị kinh tế XHCN cho mình thì tất cả (những quái thai thí nghiệm mang tên công xã, HTX, liên hiệp xã, xí nghiệp, nông trường, liên hiệp các xí nghiệp…) đã sụp đổ khắp nơi trước hay cùng bức tường Berlin năm 1991. Còn lại ở Trung Quốc và Việt Nam người ta đều vội vã học theo mô hình công ty hay tổng công ty của bọn tư bản “thối tha”, để tồn tại.

Nhưng VN đã áp dụng ba “cải tiến” chính, cơ bản để chúng vẫn đảm bảo “tính XHCN”: đầu tiên là, sở hữu “toàn dân” – do đảng sở hữu và đảng cử người “đại diện sở hữu” các công ty đó (Chủ tịch HĐTV), tức là công ty chỉ có 1 (một) cổ đông duy nhất, thay vì công ty phải do nhiều cổ đông sở hữu và các cổ đông đó bầu ra chủ tịch HĐTV; hai là, công ty nhà nước thực chất không có pháp nhân độc lập vì công ty không được độc lập mà phải phụ thuộc đảng/nhà nước, và vì đảng hay nhà nước chỉ có và chỉ là một pháp nhân duy nhất; và ba là: đảng bổ nhiệm trực tiếp luôn Giám đốc/Tổng giám đốc điều hành công ty/tổng công ty thay vì chủ tịch HĐTV chọn thuê người điều hành.

Với ba điều chỉnh chính trên, mô hình công ty, tổng công ty hay tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam không còn là công ty (The Corporate body) như là một trong những thành tựu sáng tạo vĩ đại nhất của Loài người (à quên: của bọn tư bản thối tha) sau mấy thế kỷ trải nghiệm từ thế kỷ 18, thời Adam Smith đến nay, nữa, mà chỉ còn là những quái thai XHCN mới của Việt Nam.

Hiện đảng và nhà nước VN có ba mô hình chính là công ty TNHH một thành viên (!), tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó mô hình tập đoàn vẫn đang là “thí nghiệm”. Chính những mô hình tổ chức công ty XHCN quái thai này đã, đang và sẽ biến những con người vận hành chúng thành những quái nhân như Phạm Thanh Bình và Dương Chí Dũng, đưa các tổ chức kinh tế quái thai đó đến những cái chết tất yếu như Vinashin, Vinalines…

Ở Vinashin, chúng ta thấy ông Bình được đảng “thí nghiệm” bổ nhiệm cả hai chức danh chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc Tập đoàn (mãi đến khi tập đoàn đã sập ông Bình mới nhường chức tổng giám đốc cho ông…), nên ông đưa cả tập đoàn đến cái chết ngoạn mục hơn Vinalines.

Ở Vinalines, đảng rút kinh nghiệm bổ nhiệm 2 ông Dũng và Phúc độc lập nhau, đúng “thiết kế”, nhưng thiết kế lại sai ở chỗ làm tổng giám đốc và chủ tịch HĐTV luôn luôn đối chọi nhau kịch liệt. Đó là chuyện đã xảy ra ở Vinalines và đang xảy ra ở mọi doanh nghiệp nhà nước, làm chúng không thể hoạt động hiệu quả. Bởi vì, chủ tịch HĐTV có “quyền” có thế nhưng không có “lực”, còn tổng giám đốc thì có “lực” mạnh hơn nhưng lại vẫn phải theo chỉ đạo của chủ tịch. Đó là một trong những lực cản cơ bản khiến các doanh nghiệp nhà nước không bao giờ hoạt động thành công lâu dài và phát triển bền vững được. Bao giờ cũng có kẻ này lấn lướt kẻ kia trong hoạt động (không đúng thiết kế) hoặc hai bên căng nhau thì hoạt động kinh doanh càng bị ảnh hưởng xấu…

Nhưng nếu chủ tịch và tổng giám đốc bắt tau nhau “đoàn kết” thì sao? Thì… mỗi khu rừng sẽ có hai chúa sơn lâm, vui vẻ “chia nhau sơn hà”, dân sẽ khổ hơn gấp đôi và nhà nước mất vốn nhanh gấp đôi…

Thứ hai, về chính sách, các doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ và ưu tiên mọi nguyền lực (tài chính, đất đai, các quyền ưu tiên…) và được độc quyền “chức năng” trên thị trường. Các tập đoàn và tổng công ty đầu nghành còn có chức năng quản lý chuyên môn ngành nữa – họ là những người chấp bút viết ra các kế hoạch, chiến lược và chính sách cho cả ngành thay chính phủ mà chính phủ chỉ việc thông qua rồi đưa vào thực hiện. Nghị định 49/2006/NĐ-CP là một ví dụ về khả năng thao túng chính sách của các tổng công ty và tập đoàn nhà nước “đầu ngành”…

Nói chung các chính sách quản lý kinh tế các ngành của nhà nước VN hiện nay đều do các doanh nghiệp nhà nước viết ra. Vấn đề không chỉ là các chính sách đó chỉ có lợi cho họ, mà trước hết là các chính sách đó chỉ có tầm nhìn của họ chứ không có tầm nhìn của cả quốc gia, vì lợi ích lâu dài của cả nền kinh tế.

Thứ ba là về phương cách điều hành kinh doanh, khi được cho tự do toàn quyền mở rộng kinh doanh bằng “vốn tự có”, hầu như tất cả các tổng công ty và tập đoàn đều nhảy ra kinh doanh ngoài ngành của mình. Vinashin thì lập các đội tàu và kinh doanh vận tải biển, còn Vinalines thì mở nhà máy mới (nhập ụ nổi) để kinh doanh… đóng và sửa chữa tàu thuyền, và cả hai đều sa lầy và chìm xuồng ở lĩnh vực mở rộng vốn không phải “sân nhà” của họ đó.

Tại sao vậy? Vì cả hai (hay mọi tập đoàn nhà nước) đều luôn nói dối và nói quá lên với chính phủ về tương lai sáng lạn của ngành mình để xin chính phủ cho đầu tư lớn, và khi đã được chính phủ cho vốn đầu tư lớn rồi thì cả hai (hay tất cả) vốn đều biết ngành mình rất khó nhai (mà đã giấu diếm không nói thật) nên để “bảo vệ’ vốn được giao thì tốt hơn là đầu tư vào ngành “ngon ăn hơn” của bên kia… mà mình “biết là ngon”. Thế là có ngay một vài thuyền trưởng láu cá và thất sủng của Vinalines được Vinashin “trọng dụng” lập nên các “Vinashin-lines”, còn một vài giám đốc cơ hội và thất thế của Vinashin được Vinalines “tin cậy” mời về để dựng lên các xưởng “Vinaline-shin” cho các ông Bình, Dũng… tạo nên những bãi lầy tài chính, kinh doanh (và đạo đức), làm các ông sẽ phải chết chìm và chết chùm trong đó.

Vậy nếu chính phủ không cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài ngành nữa (như hiện nay) thì vấn đề đầu tư kém hiệu quả sẽ được giải quyết? Không. Khi không được kinh doanh ra ngoài, lấn sân – tức là không được “phình to ngang”, mà vẫn đang có vốn lớn để phải đầu tư đúng ngành, các doanh nghiệp nhà nước sẽ… ”phình to dọc”. Phình dọc là khi các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án lớn đúng ngành nhưng họ biết chắc (và ai cũng biết) kiểu gì cũng chết, đằng nào cũng sẽ lỗ – nhưng họ vẫn đầu tư!

Tại sao họ biết lỗ mà vẫn làm? Bởi vì ba lý do chính sau: Cứ đầu tư là họ cơ hội rút ruột công trình chia nhau, lời lỗ tính sau (lý do quan trọng nhất); Họ đã xin vốn (khống và vống lên), Nhà nước đã cho vốn là họ phải đầu tư, nếu không kỳ sau họ sẽ không xin được vốn nữa! Và, đầu tư là họ có công trình, có thành tích, tạo công việc cho nhân viên, các sếp dễ thăng tiến cao hơn, còn kết quả đầu tư…tính sau!

Ví dụ cho kiểu “phình dọc” bất chấp hiệu quả này là các công trình thủy điện của EVN, các nhà máy chế tạo nhiên liệu sinh học ở Bình Phước, Phú thọ… của PV Oil (PetroVietnam), lọc dầu Bỉm Sơn, Thanh hóa (PVN)… và vô số các “công trình” khác của các tổng công ty tập đoàn kinh tế nhà nước.

“Phình dọc” cũng sẽ dẫn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến những cái chết kinh tế lớn, nhưng chúng khó bị phát hiện từ ngoài hơn, vì thế càng nguy hiểm hơn khi chúng tích tụ và bùng phát.

Thứ tư là về quản lý vốn và hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước. Chính phủ giao vốn và tài sản lớn của Nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước mà không có một chế tài nào cụ thể về trách nhiệm của đối với những người “đại diện nhà nước” về quản lý vốn và hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước đó, ngoài hy vọng vào đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp họ sẽ bảo toàn vốn. Thật quá vô cùng dễ dãi! Đại đa số người được giao tài sản lớn “của nhà nước” như thế đều dần dần tự coi mình như chủ, cảm thấy mình là chính chủ sở hữu. Và thế là đảng đã “đẩy” họ ra sức… sở hữu tài sản được giao “đại diện”! Chỉ đến khi doanh nghiệp sụp đổ, vốn và tài sản nhà nước đã tiêu tan hết, đã bị “đại diện sở hữu” sở hữu hết, như Vinashin hay Vinalines, thì nhà nước mới can thiệp thì đã quá muộn. Nhưng nếu nhà nước ngồi vào kiểm tra công việc hàng ngày thì không thể làm được, và doanh nghiệp thì mất tự chủ, tự do, sáng tạo…

Gần đây, một số doanh nghiệp nhà nước đưa ra sáng kiến quản lý: nếu doanh nghiệp lỗ 2 năm thì giám đốc sẽ bị cách chức. Thế có giải quyết được vấn đề quản lý hiệu quả doanh nghiệp không? Không. Vì mọi doanh nghiệp trong mọi nghành đều có chu kỳ thăng trầm: vài năm phát triển và năm khó khăn, các giám đốc đều biết điều đó và nếu gặp năm khó khăn thì họ sẽ báo cáo láo rằng vẫn lãi chút chút để được “qua đò”, và khi gặp những năm phát triển tốt thì họ cũng vẫn báo cáo “chỉ lãi chút chút” để dự phòng hay bù lại cho những năm khó khăn…

Không cần dọa cách chức thì hiện nay đại đa số giám đốc các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm thế rồi. Và cái phần lãi thực nhưng “để dự phòng cho khi khó khăn” nên không được báo cáo đó thì ai quản và quản thế nào? Điều đó là nguyên nhân phổ biến bắt đầu cho mọi tham nhũng, mà tham nhũng là khởi điểm và kết thúc của phá sản doanh nghiệp.

Đó là nững con đường tất yếu mà các doanh nghiệp nhà nước, cách này hay cách khác, đều sẽ phải đí qua, vì chúng được sinh ra với “bản năng” như vậy – để đến kết cục không thể tránh: phá sản, như Vinashin hay Vinalines hay v.v… và v.v…

Vậy vấn đề nằm ở đâu và làm sao tranh điều đó?

Vấn đề nằm ở cấu trúc tổ và chức quản lý quái thai của các công ty nhà nước, với các “cải tiến” như trên từ mô hình doanh nghiệp của tư bản – công ty hay corporate body.

Chỉ có thể tránh kết cục phá sản của nền kinh tế với những cái chết kiểu Vinashin, Vinaline… bằng cách xóa bỏ các công ty nhà nước theo mô hình công ty XHCN quái thai như trên, và thay hoàn toàn bằng các công ty tư nhân và công ty cổ phần (qua cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước) – các “corporate bodies”.

Tất nhiên, đảng và nhà nước ta không thể làm thế, vì họ không thể để mất “định hướng XHCN”, cho dù điều đó mang lại sự thịnh vượng của cả dân tộc – trong đó có họ. Với đảng CSVN, quyền lợi của họ cao hơn quyền lợi dân tộc.

Chỉ còn một khả năng: đảng sẽ cố giữ các doanh nghiệp nhà nước như thế, và chúng sẽ lần lượt hay cùng nhau chết thảm như Vinashin, Vinalines và đảng tất nhiên cũng rã đám theo, nhưng các cán bộ đảng thì đã thành tư bản đỏ rồi.

Chỉ có nhân dân là luôn phải trả giá đau đớn nhất trong cái chết tất yếu của nền kinh tế “định hướng” đó. Vấn đề là, nếu đã biết vậy thì nhân dân có sẽ để cho đảng làm vậy với dân không?

Tôi tin rằng: không.

PCT

Lượm lặt tin 17-12-13

Mỹ đề xuất cung cấp 18 triệu USD khoản hỗ trợ mới để tăng cường khả năng cho các đơn vị tuần tra ven biển, bắt đầu với việc cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam.

Chiều 16/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, cảnh sát biển, lãnh hải,  Biển Đông, nhân quyền, TPP
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry

Phó Thủ tướng chào mừng chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông John Kerry trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ – cũng là lần thứ 14 ông đến Việt Nam trong 20 năm qua. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển, trong đó có đóng góp của cá nhân ngài Ngoại trưởng từ khi còn là thượng nghị sĩ.

Những dấu mốc đóng góp của ông John Kerry được Phó Thủ tướng nhắc tới, đó là bình thường hóa quan hệ song phương, ký Hiệp định Thương mại song phương, trao quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), ủng hộ Việt Nam là thành viên của WTO, và gần đây là xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Chúng tôi khẳng định coi trọng thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ – một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội đàm, Phó Thủ tướng hoan nghênh việc Hoa Kỳ đã cung cấp 4,2 triệu đô la giúp tăng cường năng lực cho Việt Nam trong đàm phán TPP và đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục dành linh hoạt cho Việt Nam trong đàm phán cũng như dành cho Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cần thiết trong giai đoạn thực thi Hiệp định. Đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ, mở cửa hơn nữa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, cũng như hạn chế các vụ kiện chống phá giá và trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đánh giá cao việc hai bên vừa ký Biên bản ghi nhớ về giải quyết bom mìn còn sót lại cũng như việc Hoa Kỳ đã bắt đầu quá trình đánh giá môi trường tại sân bay Biên Hòa, chuẩn bị cho việc tẩy độc điểm nóng da cam này; ông đề nghị hai bên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, nhân đạo cung giải quyết hậu quả chiến tranh trong đó có việc tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, cảnh sát biển, lãnh hải,  Biển Đông, nhân quyền, TPP

Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách của Hoa Kỳ với châu Á – Thái Bình Dương, cũng như sẽ sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký chính thức Hiệp định 123; tăng cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề da cam/dioxin, khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; cam kết tăng hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề an ninh nguồn nước sông Mekong thông qua Sáng kiến hạ nguồn Mekong (LMI); viện trợ 17 triệu đô la giúp Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu.

Hai bên cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế; khẳng định tiếp tục cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, đảm bảo tự do và an toàn, an ninh hàng hải và hàng không; nhất trí những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Trục xoay hướng mạnh về Đông Nam Á

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh những nội dung quan trọng đạt được trong hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry.

Về phần mình, trong phát biểu tại họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng John Kerry một lần nữa nhấn mạnh chính sách trục xoay hướng về châu Á – TBD, trong đó có Đông Nam Á của chính quyền Tổng thống Obama.

Ông thông báo Hoa Kỳ sẽ dành 32,5 triệu đô la Mỹ cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để tăng cường khả năng thực thi luật pháp trên biển. Gói tài trợ sẽ bao gồm đào tạo, mua tàu tuần tra cao tốc giúp lực lượng cảnh sát biển thực thi các nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, kiểm soát lãnh hải.

Trên trang web, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm về khoản viện trợ trên. Cụ thể, tại Việt Nam, Mỹ đề xuất cung cấp 18 triệu đô la khoản hỗ trợ mới để tăng cường khả năng cho các đơn vị tuần tra ven biển nhằm triển khai nhanh chóng việc tìm kiếm cứu hộ, ứng phó thảm họa và các hoạt động khác. Bắt đầu với việc đào tạo, cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam.

ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, cảnh sát biển, lãnh hải,  Biển Đông, nhân quyền, TPP

Nhấn mạnh nỗ lực chung đảm bảo an ninh hàng hải, Ngoại trưởng John Kerry cho hay Hoa Kỳ cùng các nước trong khu vực coi trọng đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông là một “ưu tiên hàng đầu”.

Ông cho hay Hoa Kỳ phản đối những hành động khiêu khích, gây sức ép để đạt được những mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua nỗ lực ngoại giao, ủng hộ ASEAN sớm hoàn tất đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đề quan hệ song phương với Việt Nam, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh một trong những trọng tâm hiện nay, đó là hai bên cùng các đối tác hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại – kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển nhanh chóng

Không để nhân quyền trở thành “cản trở” quan hệ

Chiều cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; khẳng định coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng của Việt Nam.

Ông đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ hiện có và trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu…, mong muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ rào cản thương mại và tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, cảnh sát biển, lãnh hải,  Biển Đông, nhân quyền, TPP

Tổng bí thư ghi nhận một số việc làm của Hoa Kỳ trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giải quyết tích cực nhất những vấn đề về chất độc da cam, rà phá bom mìn và tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh.

Tại buổi tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến việc hai nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đề nghị trong đàm phán, Hoa Kỳ xem xét điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là tiếp cận thị trường hàng hóa dệt may và da giày để đạt được thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được.

Về vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thời gian qua Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cơ chế đối thoại và xử lý trên tinh thần hợp tác, xây dựng và hiểu biết, không để vấn đề này trở thành cản trở trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Ngoại trưởng John Kerry cho rằng, việc đàm phán thành công Hiệp định TPP sẽ là dấu mốc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Ông khẳng định, Hoa Kỳ rất quan tâm tới hợp tác bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở, mọi tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Linh Thư – Xuân Quý – Bạt Tuấn – Minh Thăng

@Vietnamnet

——————————————-

Dù kinh tế suy thoái, GDP giảm sút, ngành bia vẫn tăng trưởng đều đặn với mức 10%/năm và người Việt càng ngày uống bia càng nhiều.

Bia là mặt hàng được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam những năm qua

Quy hoạch phát triển ngành rượu – bia – nước giải khát của Bộ Công Thương đang được xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan lập quy hoạch, tốc độ phát triển ngành như hiện nay là hợp lý và nhiều khả năng sẽ không thay đổi mức dự báo sản lượng năm 2015 như đã đề ra.

Tăng mạnh từng năm

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sản lượng bia các loại trong tháng 11-2013 ước đạt 273,9 triệu lít, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản lượng bia các loại ước đạt trên 2,67 tỉ lít, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 490,9 triệu lít, tăng 9,4%; bia thương hiệu Sài Gòn ước đạt trên 1,19 tỉ lít, tăng 5,7%. Bộ Công Thương cũng cho biết theo thực tế báo cáo của các doanh nghiệp lớn, sản lượng bia sẽ cán mốc 2,9-3 tỉ lít đến hết năm nay, tốc độ tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia toàn quốc năm nay sẽ vào khoảng 10%.

Nên định hướng xuất khẩu

Ông Lê Bá Cơ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), dự báo nếu giữ tốc độ tăng trưởng ổn định như hiện nay thì đến năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong nước sẽ đạt 3,3 tỉ lít; năm 2015 khoảng 3,6 tỉ lít.

Mức tăng trưởng dự báo này thực tế chưa đạt mốc dự báo của Bộ Công Thương trong quy hoạch phát triển ngành rượu – bia – nước giải khát đến năm 2010, tầm nhìn năm 2015.

Theo dự báo của quy hoạch này, đến năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,2-4,4 tỉ lít bia, bình quân 45-47 lít/người/năm. Mười năm sau đó, mức bình quân mỗi người Việt tiêu thụ bia sẽ đạt 60-70 lít/năm.

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết hiện bộ này đang trình dự thảo sửa đổi quy hoạch phát triển ngành công nghiệp rượu – bia – nước giải khát.

Tuy nhiên, tổng sản lượng đề ra đến năm 2015 không thay đổi nhiều so với dự thảo cũ, vẫn nằm ở mức ít nhất là 4 tỉ lít. Bộ đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành bia như hiện nay là khá hợp lý vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Ông Lê Bá Cơ nêu quan điểm ngành sản xuất bia nên được nhìn nhận một cách tích cực vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành này không rơi vào phá sản như các ngành khác mà vẫn phát triển, có lãi và đóng thuế lớn cho ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo sản lượng bia đạt 4,2-4,4 tỉ lít vào năm 2015 là hợp lý vì thời điểm xây dựng quy hoạch ngành, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao và rất lạc quan.

Hiện tại, khi GDP không thể vượt quá 5%-6% và dự báo chưa có khả năng tăng mạnh trong 1-2 năm tới thì mức tăng trưởng sản xuất bia như hiện nay dù không đạt quy hoạch đề ra nhưng vẫn chưa cân đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cho rằng sự tăng trưởng nóng của ngành sản xuất bia sẽ đem lại cả mặt lợi cũng như hại cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Cái hại là nếu sa đà vào “nhậu nhẹt”, người Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc phát sinh nhiều bệnh tật, giảm tuổi thọ, đáng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, mất an toàn giao thông và các vấn đề trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình…

TS Nguyễn Minh Phong đề xuất nếu tận dụng kinh nghiệm và năng lực sản xuất bia sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể định hướng ngành công nghiệp bia trong nước thành ngành cung cấp sản phẩm xuất khẩu, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động…

Hiện Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đứng đầu thị phần bia nội địa với khoảng 1,3 tỉ lít/năm, chiếm 40% tổng sản lượng toàn quốc; Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với sản lượng khoảng 700 triệu lít/năm, chiếm 20%; còn thương hiệu nước ngoài Heineken với 5 nhà máy sản xuất tại Việt Nam chiếm 20% thị phần.

“Hiện Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều bia, sản xuất và cung cấp cho thị trường trong nước là chủ yếu, thậm chí bỏ ngỏ thị phần không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) ngoại khai thác, trong khi DN trong nước hoàn toàn có thể đầu tư để đẩy mạnh ngành này hơn nữa và hướng ra xuất khẩu. Đây là định hướng cần được kích thích để không lãng phí thế mạnh sẵn có” – ông Phong đề xuất.

Nguồn: NLD

Dương Chí Dũng sẽ là một Xiêng Phênh?

 

Trần Dân

Cách đây 17 năm, ngay tại trường bắn, tử tù người Lào Xiêng Phênh đã quyết định khai ra đồng bọn buôn ma túy Đại úy công an Vũ Xuân Trường. Lời khai này đã giúp y thoát án tử hình, nhưng dẫn đến ít nhất 8 án tử hình khác và hàng chục án chung thân, tù nhiều năm cho các đồng phạm khác, trong đó có Đại úy Vũ Xuân Trường và nhiều sỹ quan công an khác.

Dương Chí Dũng khó thoát khỏi án tử hình trong vụ đại án tham nhũng được Ban chỉ đạo chống tham nhũng trực tiếp giám sát. Những luật sư hàng đầu bào chữa cho Dũng đã không thuyết phục được ai rằng Dũng không tham ô, cụ thể không được chia 10 tỷ từ vụ bán ụ nổi 83M. Những bằng chứng kết tội Dũng lại khá thuyết phục, ví dụ:

1- Ông chủ công ty môi giới AP là bạn thân của Dũng;

2- AP đã có thỏa thuận chia cho bên thứ ba 1,666 triệu USD để làm thủ tục cho giao dịch mua bán ụ nổi sẽ được tiến hành sau đó;

3- AP đã chuyển cho công ty em của Trần Hải Sơn (cấp dưới của Dũng) đúng 1,666 triệu USD;

4- Sơn khai đã lấy trong số tiền trên chuyển cho Dũng 10 tỷ đồng. Một lần tại một khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh (trao cho Dũng vali kéo đựng 5 tỷ đồng). Dũng thừa nhận được Sơn trao cho một vali kéo, nhưng chỉ chứa rượu;

5- Sau đó, Dũng mua 2 căn hộ cao cấp cho bồ. Ban đầu Dũng khai do kinh doanh nên có số tiền mua 2 căn hộ này, tại tòa Dũng khai do vợ đưa tiền. Vợ Dũng khai do Vũ Tiến Sơn (thượng tá công an, cấp dưới của Dương Tự Trọng, em trai Dũng) giao 13,8 tỷ đồng để nhờ mua bất động sản, nhưng không có xác nhận từ Vũ Tiến Sơn (hiện đã bị bắt do giúp Dũng trốn ra nước ngoài).

Đáng tiếc các luật sư đã không chỉ cho Dũng, với những bằng chứng này tòa án đương nhiên sẽ kết tội Dũng tham ô và án tử hình là không thể tránh khỏi, trừ khi Dũng nhận tội và khắc phục toàn bộ hậu quả, để được hưởng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.

Dũng đã biết án tử hình sẽ được tuyên, nhưng có vẻ Dũng khá bình tĩnh, trái ngược với thái độ của Dũng khi được tin bị khởi tố, bị bắt đã hoảng loạn, tìm mọi cách chạy trốn, liên lụy đến cả em trai. Một kẻ như Dũng không sợ chết mới lạ. Chỉ có thể diễn giải được ông ta tin rằng sẽ không bị xử tử, vì ông ta đã có bài tẩy. Ông ta đã khai kẻ báo tin cho ông ta chạy trốn, đương nhiên ông sẽ sẵn sàng khai kẻ đã “bảo kê” cho ông ta nếu được đổi lại cái gì đó, dĩ nhiên không phải là vali tiền mà mạng sống của chính mình. Dũng sẽ học tập Xiêng Phênh? Trần Hải Sơn đã tố Dũng để bảo toàn mạng sống. Tại sao Dũng sẽ không như Sơn? Sự xuất hiện của ông Nguyễn Bá Thanh có vẻ hợp lý. Một vụ đại án nữa có vẻ bắt đầu.

Tác giả gửi Quê Choa

Ai mật báo và ai mới thực là đầu trò tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn?

Đôi lời: Hai câu hỏi trên liên quan tới hai bài báo hôm nay trên Tuổi trẻ và Pháp luật TPHCM: + Ai mật báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn? + Sắp xử em trai Dương Chí Dũng.

Trước hết, thật nực cười cho ông Hội thẩm nhân dân, cho là phiên tòa xử về tham ô, “không liên quan gì đến án bỏ trốn, nên bị cáo có khai hay không cũng không quan trọng.”

Có hai điều nực cười. 1- Vụ bỏ trốn của DCD là tình tiết tăng nặng cho việc quyết định mức án trong vụ này, vậy thì sao lại không cần làm rõ nó được? 2- Nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng kẻ báo cho DCD trốn lại chính là đồng phạm, thậm chí “đầu vụ” trong cả tiến trình tham ô ăn cắp của DCD, muốn “cứu” y nhưng chính là để cứu mình và toàn bộ băng nhóm.

Và câu hỏi thứ hai, liên quan tới phiên tòa có lẽ sẽ “hấp dẫn” hơn nhiều, ngay trong tuần này, là ai mới thực sự đóng vai trò tổ chức cho DCD bỏ trốn. Có phải là Dương Tự Trọng, cựu Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, như bài báo nêu, hay là nhân vật cao hơn – chính là kẻ đã gọi điện trực tiếp báo cho DCD bỏ trốn, hay còn kẻ “to đầu” nữa?

Để góp phần gợi mở những nghi vấn trên, xin bổ sung cho lời bình ngày 13/12ngày 14/12 của chúng tôi, là theo một số nguồn tin trong báo giới thì kẻ gọi điện đó không những đã đóng vai trò quyết định hoàn toàn quá trình bỏ trốn của DCD, mà còn chính là người chủ chốt trong quá trình điều tra vụ án này. Biết đâu cũng có thể trong phiên tòa tới, kẻ này nếu như bị tiết lộ danh tính, thì chỉ được cho là “vì tình cảm” mà “vô tình” để lộ bí mật mà thôi, và sẽ được tòa lờ đi trách nhiệm hình sự tầy đình?

Thế nhưng… một trong những câu hỏi to đùng bao trùm mọi câu hỏi là ông Tổng bí thư cùng ê-kíp “chỉnh đốn đảng” của ông có đi tới cùng khi con bài tẩy đang nằm trong tay, chỉ tính riêng vụ này, ngon ơ để lau cạn những giọt nước mắt nghẹn ngào trước công chúng năm ngoái? Hay ông sẽ phải thỏa hiệp bởi sẽ đụng phải rất nhiều nhân vật tai to mặt lớn khác, và bởi ông cần “trả ơn” cho những thỏa hiệp với ông qua cú thông qua Hiến pháp vừa rồi? Hay là ông sẽ … lật kèo?

Câu hỏi to đùng khác nữa, là ngoài ông TBT, có còn thế lực nào muốn “tham chiến” trong vụ này, mà ông khó kiểm soát nổi, để đích nhắm tới là cuộc đua vào Đại hội đảng 12?

BT Diễn đàn Xã Hội Dân Sự

* * *

Ai mật báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn?

16/12/2013 10:37 (GMT + 7)

TT – Tại phiên xét xử Dương Chí Dũng, tòa đã yêu cầu bị cáo này cho biết ai đã mật báo tin sẽ bị khởi tố để bị cáo này bỏ trốn, nhưng Dương Chí Dũng một mực không chịu nói.


Bị cáo Dương Chí Dũng (trái) tại phiên xử ngày 13-12 Ảnh: DOÃN TẤNĐó là câu hỏi chưa được trả lời trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines.

Trong phiên tòa này, khi tòa đề cập việc ai báo tin sẽ bị khởi tố, Dương Chí Dũng trả lời: “Tôi đã khai ở cơ quan điều tra rồi, không khai lại ở đây nữa, không tiện nói tên người báo”. Tình tiết này đang được dư luận rất quan tâm. Câu hỏi được đặt ra là có cần thiết công khai danh tánh người báo tin cho Dương Chí Dũng? Liệu có chuyện bỏ lọt người, lọt tội?

* Ông Nguyễn Sĩ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Đông đảo cử tri đều quan tâm

Cá nhân tôi và chắc là đông đảo cử tri đều quan tâm đến một chi tiết hết sức quan trọng, đó là: ai mật báo cho ông Dương Chí Dũng thông tin về việc bị khởi tố và tạm giam, để ông này bỏ trốn?

Tôi còn nhớ, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 14-6-2012 liên quan đến vấn đề ông Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi thi hành lệnh bắt tạm giam, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, xem có lộ, lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật”.

Rõ ràng người ngoài thì không thể biết được các thông tin mật của vụ án, phải là người trong cuộc. Nếu làm rõ được câu hỏi này, tôi tin rằng sẽ góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy công quyền.

* Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương):

Không thể để trôi qua

Lâu nay không phải không có ý kiến băn khoăn trong chống tham nhũng ta nói nhiều nhưng làm chưa tương xứng, hay nói đúng hơn là làm không đáp ứng được yêu cầu. Gần đây, qua bước đầu xét xử một số đại án tham nhũng, trong đó có vụ án Vinalines với những bản án hết sức nghiêm minh, những ai quan tâm đến lĩnh vực này đều nhận thấy thật sự có bước chuyển động.

Hơn lúc nào hết, các cán bộ, đảng viên làm công tác tư pháp, công tác điều tra, kiểm sát… có liên quan đến những vụ án lớn đã, đang và sẽ được đưa ra xét xử phải chứng minh cho dư luận thấy sự công tâm, trí tuệ và khách quan của mình. Không chỉ là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà còn không được để lọt tội phạm, gây băn khoăn trong dư luận. Chẳng hạn như trong vụ án Vinalines, cần làm rõ khởi nguồn việc Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt, khám xét… Vai trò của em trai bị cáo là ông Dương Tự Trọng đến đâu và có hay không vai trò mật báo của ai nữa? Không thể để cho việc này trôi qua mà không được làm rõ.

*Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu):

Tình tiết quan trọng cần làm rõ

Người mật báo cho Dũng là ai? Làm sao biết được thông tin để báo tin cho bị cáo Dũng? Những vấn đề này rất cần phải được làm sáng tỏ. Tuy tình tiết này không liên quan trực tiếp đến việc xác định tội danh, sai phạm của Dương Chí Dũng tại Vinalines nhưng nó cũng nằm trong chuỗi sự kiện diễn biến khách quan của vụ việc, cần phải làm rõ mới giúp hội đồng xét xử đánh giá toàn diện, khách quan về vụ án.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử có hỏi đến việc này nhưng bị cáo Dũng từ chối khai báo mà nói đã khai tại cơ quan điều tra và không muốn khai tại phiên tòa này nữa. Theo điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự, nguyên tắc xét xử của tòa án là công khai. Tại sao có những vấn đề có liên quan chặt chẽ đến vụ án mà lại không công khai tại phiên tòa? Việc tòa dừng lại, không truy tiếp đối với Dương Chí Dũng về tình tiết này khiến những người dự tòa cảm thấy hụt hẫng vì bị ngắt khúc.

Xét về mặt chứng cứ, tình tiết có cuộc điện thoại báo tin cho Dương Chí Dũng biết rất quan trọng, cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ để xem xét xử lý. Đáng lẽ khi xét hỏi đến vấn đề này, hội đồng xét xử cần hỏi tiếp để xác định trách nhiệm của người mật báo cho Dương Chí Dũng, làm rõ luôn việc người này có bị xem xét trách nhiệm trong vụ án “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” (sắp tới sẽ xét xử) hay chưa? Nếu qua xét hỏi, thấy người gọi điện cho ông Dũng chưa được xem xét trong vụ án đó thì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, hội đồng xét xử có thể kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát làm rõ hoặc ra quyết định khởi tố vụ án.

* Ông Nguyễn Thanh Hà (Hội thẩm nhân dân phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines):

Phiên tòa này không liên quan tới án bỏ trốn

Phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, tranh luận. Các bị cáo, luật sư, người liên quan cũng như đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa không còn ý kiến gì. Về việc Dương Chí Dũng không khai tên người báo tin cho Dũng bỏ trốn, phiên tòa sắp tới đây sẽ làm rõ điều đó. Việc này liên quan đến vụ án xét xử những tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, điều đó buộc phải làm rõ. Còn phiên tòa này là án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, không liên quan gì đến án bỏ trốn, nên bị cáo có khai hay không cũng không quan trọng.

* Kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM):

Phải xem xét đầy đủ trong vụ án tiếp theo

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo có quyền khai hay không khai nhận hành vi của mình. Trường hợp bị cáo từ chối khai báo tại phiên tòa thì hội đồng xét xử có quyền căn cứ vào các chứng cứ và lời khai khác để xét xử. Những trường hợp cần thiết, nếu bị cáo không khai báo, tòa có quyền công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.

Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đang bị xét xử về tội tham ô, cố ý làm trái, việc làm rõ làm sao bị cáo biết thông tin bị khởi tố để bỏ trốn tuy có ý nghĩa làm rõ thêm các tình tiết của vụ án nhưng không ảnh hưởng đến việc xác định tội phạm của Dương Chí Dũng. Theo tôi biết, việc Dương Chí Dũng bỏ trốn và những cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ bị cáo bỏ trốn đã được khởi tố điều tra để xem xét trong vụ án khác. Khi xử vụ án này tòa cần triệu tập Dương Chí Dũng, nếu lúc đó mà tòa không truy vấn, làm rõ để xem xét trách nhiệm của người điện thoại mật báo cho Dũng bỏ trốn thì mới bị xem là vi phạm tố tụng, bỏ qua dấu hiệu tội phạm.

V.V.THÀNH – C.MAI – T.LỤA thực hiện

* * *

Sắp xử em trai Dương Chí Dũng

Đó là ông Dương Tự Trọng (nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an), người chủ mưu tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.

Tin từ TAND TP Hà Nội cho biết dự kiến trong tuần này, sau khi tuyên án vụ Vinalines, tòa này sẽ đưa vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài ra xét xử. Bị cáo đầu tiên trong vụ án này là Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng, người đang phải đối mặt với án tử hình trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Quá nửa số bị cáo trong vụ án này trước khi bị khởi tố là cán bộ công an, trong đó Dương Tự Trọng là Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng.

Hành trình đào tẩu của Dương Chí Dũng

Theo cáo trạng, chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng biết được thông tin sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam (về tội cố ý làm trái…) nên đã thông báo với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng). Trọng đã hướng dẫn Dũng tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái Trọng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Kế đó, Trọng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng) tổ chức, chỉ đạo, phân công các cá nhân khác sử dụng xe ô tô chở Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh, sau đó vào TP.HCM và lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi tổ chức cho Dũng trốn sang Campuchia.


Ông Dương Tự Trọng khi còn đương chức. Ảnh: CTV

Sáu ngày sau khi nhận được cú điện thoại mật báo, Dũng đã đặt chân lên đất Campuchia. Hôm sau, Dũng từ Campuchia sang Singapore để từ đây làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.

Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27-5, sau khi quay về Campuchia, Dương Chí Dũng đã thông báo cho Dương Tự Trọng biết. Trọng lại sai người sắp xếp cho Dũng trốn tại Campuchia. Sau đó, Trọng đã đưa cho Vũ Tiến Sơn 30.000 USD chuyển cho Dũng để Dũng có tiền chi phí trong thời gian trốn tại đây…

Đến ngày 4-9-2012, tức gần bốn tháng sau ngày chạy trốn, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ và đưa về Việt Nam.

Không thành khẩn

Theo cáo buộc của VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác điện thoại, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đồng phạm thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội…

Hành vi của Trọng, Sơn và những bị cáo khác, theo nhận định của VKS, “đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do cơ quan CSĐT (Bộ Công an) khởi tố điều tra mà Dương Chí Dũng là bị can chính trong vụ án”. Nó còn “tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Cáo trạng cũng thể hiện trong khi các bị can khác đều “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội” thì Dương Tự Trọng “chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội”.

Dương Tự Trọng bị truy tố theo khoản 3 Điều 275 BLHS về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép với mức án cao nhất là 20 năm tù.

Dương Chí Dũng khai bỏ trốn vì quá hoảng

Tại phiên tòa vừa diễn ra, Dương Chí Dũng khai chiều tối 17-5, bị cáo nhận được cuộc điện thoại từ người quen cho biết bị cáo bị khởi tố. “Lúc đó tôi hoảng quá, tất cả rối bời, chỉ nghĩ phải đi càng xa TP Hà Nội càng tốt. Tôi nhận điện thoại thì đi luôn không về nhà” – Dũng cho hay.

“Trốn là một sai lầm. Sai lầm nọ dẫn đến sai lầm kia. Đây là cái dở nhất. Lúc đó tôi tính sang Campuchia rồi sang Mỹ. Tới Mỹ, họ không cho tôi nhập cảnh và trả tôi về lại Campuchia theo đúng vé khứ hồi. Sau đó, tôi bị bắt ở Campuchia” – bị cáo nói thêm.

“Người quen đó là ai?” – chủ tọa hỏi. “Bị cáo không muốn nói ra ở đây. Nếu tòa buộc khai thì tôi sẽ khai nhưng việc này đang liên quan đến một vụ án khác mà nói ra ở đây mọi người hiểu không đúng vấn đề sẽ tạo dư luận không tốt” – Dũng đáp.

– “Bị cáo lấy tiền ở đâu mà đi?” – chủ tọa truy tiếp.

– Vì tôi hay phải đi công tác nên trong cặp lúc nào cũng có sẵn hộ chiếu, giấy tờ tùy thân và đồ dùng cần thiết, tiền thì có sẵn, không ai đưa cho tôi cả nên cứ thế là tôi đi.

– Việc trốn ra nước ngoài, ngoài mục đích trốn tránh trách nhiệm không có mục đích nào khác chứ?

– “Tôi trốn đi chỉ vì quá hoảng loạn, không có mục đích nào khác, không có mục đích móc ngoặc với tổ chức nước ngoài để chống lại Nhà nước. Vì chống lại Nhà nước nghĩa là tôi chống lại bố mẹ tôi, bố mẹ vợ và chống lại sự nghiệp của mình” – Dũng trả lời.

ĐỨC MINH