Cuối tuần nhâm nhi – Tươi ngon hải sản Ninh Hòa

Cách thành phố biển Nha Trang khoảng 20km về phía bắc là những cánh đồng lúa, những cánh đồng muối và những đầm nuôi tôm cùng nhiều loại sinh vật biển khác – đó là Ninh Hòa, Một vùng đất quen thuộc với du khách vì có con đường dẫn tới bãi biển Dốc Lết nổi tiếng, với những hàng quán hải sản tấp nập ven đường quốc lộ 1A.
Tôm hấp nước dừa

Hàng quán nơi đây thường là những nhà sàn được dựng trên mặt nước của đầm nuôi hải sản mà chủ quán cũng là chủ đầm. Quán tuềnh toàng, chỉ là phên liếp che chắn trông khá tạm bợ, cũng chẳng có bản thực đơn cầu kỳ ngoài vài dòng viết tay nguệch ngoạc trên tấm bìa cứng, giới thiệu những thứ đồ biển sẵn có.Trên bàn ăn thường là bằng gỗ tạp có mấy cái hũ nhựa đựng các loại gia vị, đĩa chanh ớt, lọ nước mắm… Trước khi vào quán, trông những chiếc cột khẳng khiu chống đỡ căn nhà sàn đông thực khách, quả là cũng… ơn ớn, nhưng cảm giác ấy cũng mau chóng tan biến khi các món ăn nóng hổi được dọn ra và lại là những sản vật biển vừa được vớt từ đầm nuôi hay từ biển khơi.

Tôm nướng lửa than

Và đến đây rồi thì thực khách hoàn toàn yên tâm với chất lượng những con cá, mực, tôm… mình ăn. “Tươi rói” là yếu tố đầu tiên mà tất cả những quán ăn ở đây đều đảm bảo, có hơn nhau chăng là ở cách chế biến, nêm nếm gia vị, hoặc thêm một chút về cảnh quan.Này là những con tôm còn búng tanh tách được chính tay bạn gắp bỏ lên bếp than hồng; chúng cong lại, đỏ ửng lên dưới sức nóng, tỏa mùi thơm… điếc mũi. Lột bỏ lớp vỏ đã cháy sém của con tôm nướng vừa chín tới để lộ ra lớp thịt trắng hồng quyến rũ rồi chấm với chút muối tiêu chanh – không có gì so sánh được với sự ngon lành đó, nhất là khi bạn đang đói ngấu!

Còn một cách thưởng thức món tôm cũng hấp dẫn không kém: hấp với nước dừa tươi vốn rất sẵn ở vùng biển này. Rồi những con mực vừa được câu tối hôm trước đang chờ bạn quyết định sẽ làm món gì: cũng nướng lửa than giản dị, hay hấp gừng hoặc xào chua ngọt với rau củ?

Mực một nắng nướng

Bạn cũng có thể gọi món rất thông dụng ở vùng biển là mực một nắng nướng. Loại mực chỉ phơi heo héo qua một nắng, nướng lên vẫn còn mềm và chấm với tương ớt tuyệt ngon.Còn với cá thì có nhiều lựa chọn: cá mai để ăn món gỏi, cá thu nướng, cá đối chiên giòn…, nhưng đệ nhất hạng của biển Khánh Hòa vẫn là cá mú và cách ăn ngon nhất loại cá này là làm một cái lẩu chua cay với bún hoặc cơm.

Cũng có thể gọi một tô bún cá dầm và chả cá thu. Nếu dùng cơm thì món tôm rim với thịt ba rọi xắt lát ăn mãi không thấy no! Thôi thì những ngày nghỉở vùng biển ta cũng cho phép mình ăn nhiều hơn bình thường vậy.

Bún cá dầm

Trong số những quán ăn dọc đường số 1A này, quán Gió có lẽ là khá nhất. Có mặt từ năm 1988, quán Gió dần dà trở thành điểm dừng chân nếm trải món ăn biển khơi cho du khách bốn phương và cả với dân Nha Trang vào dịp cuối tuần, cho dù Nha Trang cũng không thiếu nhà hàng, quán ăn đồ biển tươi ngon. Nguồn hải sản ở quán Gió, theo chủ nhân cho biết, được cung cấp từ đầm Nha Phu.

Lẩu cá mú

Cùng với những món kể trên, quán Gió có món cháo hải sản đã “danh bất hư truyền” thứ cháo ngọt lịm và bổ dưỡng vì đầy hàu, tôm, cá, mực tươi. Ngoài quán Gió ở gần chân đèo Rọ Tượng, do kinh doanh phát triển nên gia đình chủ nhân đã mở thêm ba địa chỉ tại Nha Trang và đều lấy tên Gió: một trên đường Trần Phú, nhìn thẳng ra biển, một ở phía bắc và một ở phía nam cầu Trần Phú.

LƯU HƯƠNG
@Doanhnhansaigon

Nhà báo Phạm Chí Dũng: ‘Đảng chỉ còn mang bóng hình của các nhóm lợi ích’

Thụy My

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng. DR

Sau luật gia Lê Hiếu Đằng, tối qua 05/12/2013, nhà báo tự do đồng thời là nhà bình luận tên tuổi, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã viết bức tâm thư từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Kèm theo đó là hành động cụ thể với lá đơn xin ra đảng gởi đến nơi đang làm việc là Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Bức thư bày tỏ nỗi thất vọng trước vai trò độc đoán về chính trị của đảng, đã dẫn xã hội Việt Nam đến tình trạng như ngày nay. Quốc nạn tham nhũng, sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu chính trị, hố phân hóa giàu nghèo, xã hội suy đồi toàn diện…chứng tỏ sự lãnh đạo của đảng đã thất bại cay đắng.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích. Lời thề trung thành với đảng của anh đã bị thực tế phủ nhận, đã đến lúc những người như anh cần phải nhận chân rằng vai trò của đảng không phải là vĩnh viễn.

Anh cho rằng việc từ bỏ đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để đến gần với nhân dân, và một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.

RFI Việt ngữ đã có hân hạnh được nhà bình luận Phạm Chí Dũng tiếp chuyện tối qua, ngay sau khi vừa viết xong bức tâm thư.

RFI: Xin chào anh Phạm Chí Dũng. Thưa anh, vì sao anh lại quyết định từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam, và theo như bức tâm thư thì đây là một quyết định khó khăn trong đời phải không?

Đây là một quyết định khó khăn trong đời tôi, khó thể nói là dễ dàng được. Vì đối với những người hai mươi năm tuổi đảng như tôi, thì tôi nghĩ cũng như nhiều người khác thôi, họ có một cái rào cản vô hình nằm trong não trạng và có lẽ nằm cả trong tim nữa. Có một sự ràng buộc vô hình mà khó dứt áo ra đi. Điều đó ăn sâu vào từ những năm tháng được đào tạo trong môi trường của Nhà nước được gọi là Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Và tôi cũng như nhiều người khác chịu một mối dây liên hệ, một mối dây ràng buộc để khi quyết định rời bỏ môi trường cũ thì đó là một sự khó khăn. Điều đó giải thích vì sao mà nhóm Kiến nghị 72 từ đầu năm 2013 đã đưa ra những kiến nghị có thể nói rất cải cách, mang tính chất động trời như vậy, nhưng vẫn chưa hề diễn ra một hiện tượng thoái đảng theo đúng nghĩa – điều mà nhiều người đang mong chờ và cho là cần thiết.

Còn đối với cá nhân tôi thì thực ra như tôi đã trình bày trong bức tâm thư, lòng tin của tôi đối với đảng Cộng sản đã mất từ những năm 2000. Lúc đó tình hình đã xấu, suy thoái kinh tế và vấn đề đạo đức xã hội đã lan tràn. Tất nhiên chưa tới mức như ngày nay, nhưng mà tình trạng tham nhũng và lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hành trong giới quan chức lúc đó đã khá phổ biến, và tham nhũng lúc đó đã đến mức gần như không thể chống nổi nữa.

Sau thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đến thời những Tổng bí thư khác thì tôi không còn niềm tin nữa, và thấy công cuộc chống tham nhũng gần như là thất bại. Khi đó niềm tin của tôi đối với quyền năng của đảng đã gần như chấm dứt.

Nhưng từ đó đến nay đã mười năm mà không có một chút cải cách nào khác, và tình hình thậm chí còn tệ hơn rất nhiều, như tôi đã trình bày trong bức tâm thư.

Đây là một cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện, và suy đồi toàn xã hội. Không còn niềm tin ở đảng Cộng sản, và đảng Cộng sản cũng không xứng đáng với vị trí lãnh đạo đất nước, khi để đất nước tàn tạ như ngày hôm nay. Thế thì trách nhiệm một đảng viên cần phải làm gì? Giữ khư khư quan điểm đối với đảng, hay giữ tuyệt đối lòng trung thành đối với đảng chỉ trên danh nghĩa, và chỉ làm lợi cho cá nhân mình?

Với cá nhân tôi, và tôi nghĩ có lẽ là với nhiều đảng viên khác, họ không chấp nhận điều đó. Chỉ có khác nhau là có người thì lên tiếng, có người im lặng, có người lựa lúc mà nói, và có những người về hưu rồi mới nói. Hiện nay có khoảng từ 35 tới 40% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng. Đó là một hiện tượng mà chính con số của một số cơ quan đảng trung ương đã phải thừa nhận.

Điều đó cho thấy là đảng không hấp dẫn, không thuyết phục người ta bằng lý luận, và bị phản bác bởi thực tế. Thực tiễn quá khác với những gì trong lý luận mà đảng vẫn thường nêu ra. Và thực tiễn ngày nay lại càng trái khoáy với những điều mà giới triết gia của đảng Cộng sản đang nêu ra.

Tôi cho rằng một sự trung thành mù quáng là không thể chấp nhận được, và hơn nữa, khi biết sự thực hoàn toàn không trung thành với nhân dân, là một sự trung thành giả dối. Cho nên tôi vẫn quan niệm là, thôi, thà là một công dân tốt còn có ý nghĩa hơn rất nhiều lần so với một đảng viên tồi.

Vì vậy thực ra trong tôi đã manh nha ý định xin ra khỏi đảng từ lâu, từ những năm 2005-2006. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một sự ràng buộc, một nỗi sợ hãi mơ hồ. Nỗi sợ hãi đó từ cấp trên xuống cấp dưới, từ thượng tầng kiến trúc đi tới tận cơ sở, và người ta khó thoát ra được.

Nếu như không có sự việc anh Lê Hiếu Đằng chính thức từ bỏ đảng như hôm 4/12, thì tôi cũng không biết là bản thân mình có thể quyết định được vào lúc nào sẽ chính thức từ bỏ đảng. Nhưng tôi phải cám ơn anh Lê Hiếu Đằng, và chiều nay cùng với một số anh em đi vào thăm anh Đằng, tôi muốn hỏi anh coi như là ý chung quyết, vì anh là lớp người đi trước – là tiền bối, tôi chỉ là hậu bối thôi. Và tôi thầm nghĩ ý kiến của anh sẽ là chung quyết đối với tôi.

Khi thấy anh nói về việc anh từ bỏ đảng, và một giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt của anh, thì tôi quyết định ngay: thôi, tới lúc rồi, và không thể chần chừ được nữa. Ít nhất cá nhân mình cũng phải bày tỏ chính kiến về việc này. Và mình phải thể hiện, nếu không phải là trách nhiệm của một công dân tốt, thì ít nhất cũng phải là một người biết vượt qua được rào cản vô hình nào đó. Hay nói cách khác là vượt qua được nỗi sợ hãi.

Và đó là một cách – như tôi trình bày – con đường ngắn nhất để có thể đưa những đảng viên còn lương tâm đến gần gũi với nhân dân, với những người dân nghèo và có thể chia sẻ với họ nhiều hơn. Như vậy còn hơn là tình trạng vẫn sinh hoạt đảng nhưng sinh hoạt một cách giả tạo, lời nói không đi đôi với việc làm.

RFI: Thưa anh, có lẽ một trong những lý do khiến người ta dù không đồng tình nhưng vẫn không muốn rời đảng là vì gắn liền với chức vụ và quyền lợi, vì lâu nay tiêu chuẩn chính cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp là đảng viên chứ không phải năng lực?

Điều đó hoàn toàn đúng trong xã hội Việt Nam và trong giới công chức, viên chức Việt Nam. Thường đối với cấp sở, ngành, chuyên viên, cán bộ bình thường có thể không phải đảng viên, nhưng từ cấp phó phòng trở lên chắc chắn phải là đảng viên. Trong giới báo chí cũng vậy, đội ngũ ban biên tập đương nhiên phải là đảng viên.

Và cũng đúng là thực tế có khá nhiều người – tôi cho là từ 70 đến 80% – bị phụ thuộc vào chức vụ và quyền lợi. Cho nên điều rất dễ thấy trong hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay là rất nhiều người than thở, bức xúc về đủ thứ, về chính cấp trên của họ và chính sách của Nhà nước. Thậm chí họ có thể chỉ trích công khai đối với đảng – chỉ trích trong các quán cà phê, cả trong cuộc họp nữa.

Nhưng bảo ra khỏi đảng thì họ không đồng ý. Họ không lên tiếng, không có chính kiến về chuyện đó. Thâm tâm họ không muốn ra khỏi đảng vì họ bị ràng buộc về quyền lợi và chức vụ như vậy.

Chúng ta cũng có thể thấy một hiện tượng rất đặc trưng là trong việc bỏ phiếu cho Hiến pháp năm 2013 mới diễn ra cách đây không lâu, đã gần như tuyệt đối 100% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận. Cho những điều mà trước đó thậm chí có nhiều đại biểu cho là bất công! Chẳng hạn như vấn đề thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội, hay vấn đề kinh tế quốc doanh là chủ đạo – là một vấn đề cực kỳ bất hợp lý trong tình hình hiện nay.

Nhưng mà họ vẫn bỏ phiếu thuận, vì sao? Thứ nhất, vì họ bị thói quen ràng buộc, não trạng trì trệ ràng buộc. Thứ hai, họ bị sự im lặng lâu ngày ràng buộc. Và thứ ba, họ bị quyền lợi của họ ràng buộc. Đó là quyền lợi đại biểu, dù là quyền lợi nhỏ ở cấp địa phương, cơ sở nhưng vẫn là quyền lợi.

Và họ ngại. Họ sợ sự thay đổi, sợ va chạm. Sợ đụng độ với những thế lực mới, và trong những hoàn cảnh mới bắt buộc họ phải thay đổi thói quen của họ, và không còn đem lại, không còn giữ gìn được cho họ quyền lợi như cũ nữa.

RFI: Thưa anh, như luật gia Lê Hiếu Đằng nói, có lẽ đảng Cộng sản đã trở thành một thứ tập đoàn lợi ích?

Tôi cho là có nhiều nhóm lợi ích đang tồn tại trong đảng Cộng sản. Và vô tình hay hữu ý, những người xưng danh nghĩa là cộng sản đang dung dưỡng, nuôi dưỡng và thậm chí là tổ chức cho những nhóm lợi ích như vậy.

Cho nên trong bức tâm thư tôi mới nói là, nói tới đảng Cộng sản bây giờ chúng ta chỉ thấy hình bóng và hơi thở của những nhóm lợi ích. Đó là những nhóm lợi ích kinh tế, và trên nữa là những nhóm thân hữu về mặt chính trị. Đặc biệt về sau này những nhóm lợi ích kinh tế và thân hữu chính trị có khuynh hướng kết chặt với nhau càng ngày càng bền vững, càng gắn chặt và càng trục lợi.

Hậu quả của sự trục lợi đó thì 90 triệu người dân Việt Nam phải chịu. Và toàn bộ lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an và quân đội, cũng phải gánh chịu những đợt tăng giá vô tội vạ của những tập đoàn độc quyền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

RFI: Theo như những gì mà chính quyền nói và làm, có lẽ cái tên « Cộng sản » không còn đúng nữa; thực trạng Việt Nam hiện giờ rõ ràng là một nền kinh tế theo kiểu tư bản?

Cách đây hai mươi năm, từ thời mở cửa đã có một câu dân gian là « Đảng viên nhan nhản, nhưng mà cộng sản không có bao nhiêu ». Còn về sau này thì người ta không nói tới điều đó nữa, mà người ta nói thẳng ra là không còn cộng sản nữa!

Có một số người vẫn phê phán chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, tôi thấy hơi oan uổng. Tại vì thâm tâm tôi đánh giá là thế hệ già đã gần như qua đi rồi. Những người tốt nhất, những người trung thành và chính thống nhất của chủ nghĩa cộng sản thời chiến đã gần như đã đi qua. Nhiều người đã đi vào cõi vĩnh hằng, những người còn lại thì đã rất lớn tuổi.

Số đó có thể họ có một não trạng khác biệt với một số quan điểm cởi mở. Nhưng phải thừa nhận là trong số họ có nhiều người tốt. Họ tổt về mặt đạo đức, họ giữ được đạo lý, và nếp sống của họ trong sạch hơn hẳn so với nhiều cán bộ đảng viên cao cấp hiện nay.

Còn nhiều đảng viên cao cấp lại là một tầng lớp mới, mà người ta gọi là « tư sản đỏ ». Tư sản đỏ vẫn là một khái niệm được duy trì cho tới nay và không hề mờ nhạt, thậm chí còn được đề cao hơn nữa. Chẳng hạn ở Trung Quốc người ta gọi là tầng lớp « thái tử », tức là còn hơn cả tư sản đỏ. Đó là một tầng lớp vua chúa, một thứ vua chúa của thời hiện đại.

Hiện nay nói về chủ nghĩa cộng sản hoặc chế độ cộng sản ở Việt Nam, thì rất đau buồn là theo cá nhân tôi đánh giá, gần như không còn hình bóng của những gì tốt đẹp nhất – nếu xét theo phương diện tốt nhất của chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ còn các nhóm lợi ích mà thôi, và những quyền lợi riêng tư.

Hoặc những người được coi là tốt nhất hiện nay, nếu không dính dáng về vấn đề vật chất, thì cũng bị che mờ bởi một bức màn giáo điều, kinh viện. Họ gần như không thoát ra được điều đó. Và nếu không thoát ra được, họ sẽ không gần gũi dân chúng. Do đó sự xa cách đối với người dân càng làm cho vị trí của họ trở nên mờ nhạt trong lòng dân chúng, và làm mất niềm tin của dân đối với chế độ.

RFI: Như vậy, như trong thư anh đã nói, đã đến lúc phải nhận chân vai trò của đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn?

Tôi cho là như vậy! Không có một đảng nào tồn tại vĩnh viễn, và đã đến lúc người ta cũng cần thấy rằng – nói như một triết gia Hy Lạp cổ đại – không thể đứng giữa hai dòng nước được.

Việt Nam không phải đứng giữa hai dòng nước mà giữa nhiều dòng nước, giữa cả một dòng xoáy của thời đại. Nhà nước Việt Nam sẽ tồn tại như thế nào trong dòng xoáy thời đại đó, khi trong lòng bản thân Nhà nước cũng là một dòng xoáy khổng lồ?

Có thể nói đó là cái thế nội công, ngoại kích mà Nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt, và đối mặt một cách hết sức nguy hiểm. Trong lòng dân tộc, tình cảm phẫn nộ của dân chúng đang dâng lên như sóng triều, và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Ở bên ngoài, Nhà nước Việt Nam không gặp được nhiều thuận lợi, hoặc nói cách khác là rất ít thuận lợi trong các mối quan hệ quốc tế. Người ta nhìn Việt Nam bằng con mắt xem thường. Xem thường về nhiều thứ, trong đó đặc trưng là xem thường về bản lĩnh chính trị và đạo lý chính trị đối với giới chính khách Việt Nam. Thế thì còn làm ăn gì được nữa.

Đó là một sự thay đổi mà Nhà nước Việt Nam cần phải có, nếu không muốn bị người khác thay đổi. Nói tóm lại, những người đề cập tới việc cần phải thay đổi điều 4 Hiến pháp của đảng Cộng sản Việt Nam, tôi cho là có lý. Vì đã đến lúc cần xem xét, cần phải có một đối trọng chính trị nào đó, để mọi thứ phải được kiểm soát lẫn nhau theo cơ chế tam quyền phân lập.

Ít nhất là như vậy thì mới có thể chống tham nhũng được. Bởi nếu không chống tham nhũng thì chắc chắn là đảng sẽ sụp đổ. Lúc đó sẽ không ai giơ tay ra cứu đảng nữa, đặc biệt là dân chúng thì sẽ quay lưng với đảng.

RFI: Thưa anh, nhưng cũng có quan điểm là phải còn ở trong hàng ngũ mới có thể đấu tranh được?

Đó là một quan điểm tồn tại cách đây mươi, mười lăm năm. Người ta cố gắng suy nghĩ rằng cần phải ở trong hàng ngũ, để đấu tranh. Và lúc đó tôi cũng suy nghĩ như vậy! Tôi cũng cho là có thể đấu tranh được, và dù sao tiếng nói vẫn còn được cấp trên nghe tới. Tôi nhớ cách đây mười lăm năm, một số ý kiến của tôi vẫn được cấp trên tiếp nhận và có xem xét.

Nhưng mà cách đây mười năm thì đó là một sự vô vọng! Đã không có sự tiếp nhận một kiến nghị nào cả. Một số anh em đảng viên tâm huyết mà tôi biết có kiến nghị nhiều, cũng như vậy. Lúc đó họ phải xem lại, một số những người bạn tôi đã thoái đảng. Thực chất họ không xin ra khỏi đảng nhưng không sinh hoạt đảng, coi như là một cách từ bỏ đảng, thế thôi.

Còn đối với tôi thì lúc đó tôi phải suy nghĩ. Mình còn nằm trong nội bộ, còn sinh hoạt đảng, nhưng mình không đóng góp được cái gì cả. Và mình tiếp tục phải chịu trận những cuộc sinh hoạt đảng với không khí im lặng hoàn toàn.

Tức là những buổi sinh hoạt hàng tháng vẫn phải duy trì thường xuyên. Sau khi đọc bản nghị quyết và hỏi có đồng chí nào giơ tay có ý kiến gì không, thì khá nhiều, hoặc hầu hết mọi người đều im lặng. Vì mọi người đều biết rằng nghị quyết đã như thế, mọi thứ sẽ được thông qua, sẽ không có gì thay đổi cả. Góp ý kiến cũng chẳng để làm gì. Và thế là người ta im lặng. Im lặng hết từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, và tôi cũng vậy.

Tôi là người im lặng nhiều nhất. Tại vì tôi biết không để làm gì cả. Đó là sự im lặng mà tôi cho là đã phủ trùm lên cả Quốc hội vào thời nay. Đó là một thói quen im lặng, mà chỉ có những người ở trong nội bộ mới hiểu được nguồn cơn sâu xa của sự im lặng đó đến từ đâu.

RFI: Anh có nghĩ là sẽ có những người hưởng ứng theo không?

Tôi hy vọng là sẽ có những người đồng cảm với tôi. Tôi không biết là họ có hưởng ứng hay không, tôi làm như thế vì ít nhất đây là vấn đề của cá nhân tôi, tôi phải giải quyết. Phải thể hiện chính kiến, và tôi cho đó là một cách để có thể dứt khoát theo con đường gần gũi với nhân dân, với người dân nghèo nhiều hơn.

Nhưng theo tôi biết thì trong giới hưu trí hiện nay cũng rất bức xúc, nhiều người bất mãn. Họ có nhiều lý do để họ bỏ sinh hoạt đảng, thoái đảng hoặc từ bỏ đảng. Tôi cho nếu không phải là anh Lê Hiếu Đằng thì sau này cũng sẽ có những người khác đi tiên phong trong việc nêu ra thực tế vấn đề, nhận chân ra vấn đề, để thay đổi vấn đề.

Đừng nghĩ rằng ra khỏi đảng là hành vi chống đảng. Đó cũng là một hành động bình thường theo điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi, hoặc là bất cứ đảng phái chính trị nào trên thế giới. Đã có vào thì có ra, chuyện đó hết sức bình thường. Nhưng mà ở Việt Nam, trong thể chế độc tài chính trị thì đó lại là một điều phạm húy, cho nên người ta e sợ.

Nhưng nếu như có một số người cũng cùng làm điều này, cũng cùng thoái đảng, từ bỏ đảng, cùng phát biểu chính kiến của mình và nêu rõ tại sao mình làm như vậy đủ để thuyết phục những người khác, thì tôi nghĩ sẽ trở thành một hiện tượng bình thường. Không phải là một hiện tượng chính trị, mà đó sẽ là một hiện tượng xã hội, và thậm chí còn là một hiện tượng văn hóa nữa.

RFI: Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận trả lời RFI Việt ngữ.

Một bài viết về Nelson Mandela từ sáu năm trước: Nhìn Nam Phi Ngẫm đến Việt Nam

Nguồn Blog Đào Hiếu


Hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc họp thượng đỉnh G8 tại Heiligen-Damm, miền bắc nước Đức. Thiên hạ bàn cãi về những kết quả của cuộc họp này, về các cuộc biểu tình của những người phản đối G8 v.v… Nhưng đối với tôi có một tin làm cho tôi suy nghĩ khá nhiều. Đó là việc hôm nay nhóm G8 sẽ phải ngồi lại để bàn về các vấn đề nổi cộm của nhân loại với nhóm G5 bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Brazil và Nam Phi. Nhóm này được đánh giá là đại diện của các nền kinh tế đang vươn lên và trong tương lai sẽ là thành viên của G13. Khi đó mọi vấn đề của nhân loại sẽ không thể thiếu tiếng nói của họ. Về các nước như Trung Quốc, Ấn độ, Brazil, Mexico thì ta khỏi phải bàn, vì tiềm năng về nhân lực tài nguyên, và xuất phát điểm của họ đều trội xa Việt Nam. Nhưng trường hợp Nam Phi làm tôi rất ngạc nhiên, vì trước đây nhóm G8 có đề cử Nam Triều Tiên là nước sẽ tham gia vào, bên cạnh các nước kia.Sự ngạc nhiên này làm tôi nhớ lại Nancy, một cô gái Nam Phi mà tôi gặp trên chuyến bay Bangkok–Sài gòn (BKK–SGN) khi về Việt Nam ăn Tết đầu năm nay. Cô gái da trắng dễ thương này ngồi bên cạnh tôi trong chuyến bay ngắn đó và khi cô nhờ tôi giúp khai tờ Xuât Nhập Cảnh thì tôi mới biêt cô mang hộ chiếu Cộng Hòa Nam Phi. Tôi hỏi:

– Cô đi Việt Nam làm gì vậy ?
– Tôi tự đi theo kiểu “tây Balô“ để thăm Việt Nam xem sao, nghe nói đất nước ông đẹp lắm mà.
– Vâng, nhưng bên Nam Phi cô cũng nghe nói đến Việt Nam à?
– Ông nghĩ là Nam Phi ít thông tin lắm sao, không có Internet sao? Cô nhìn tôi ngạc nhiên và hỏi lại.
– Không, tôi xin lỗi, vì tôi hiểu quá ít về nước của cô. Trước kia tôi chỉ biết có Apartheid, nay thì chỉ biết đến ông Nelson Mandela.

Cô ta nói ngay: Phải ông ấy là con người nổi tiếng! và cũng là con người đáng kính!

Bây giờ đến lượt tôi ngạc nhiên, vì nghe câu nói đó từ mồm một người Nam Phi da trắng. Thế là chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều. Nancy hỏi tôi về cách đi du lịch ở Việt Nam, về ngày Tết, về đổi tiền v.v… Còn tôi thì hỏi cô về cuộc sống ở Nam Phi hiện nay, đặc biệt là của cộng đồng da trắng.

Qua câu chuyện tôi được biết Nancy 26 tuổi, mới tốt nghiệp đại học kinh tế ở Cape Town, trong khi gia đình cô lại ở Port Elisabeth. Bố cô có một hãng dệt may nhỏ, với vài chục công nhân, chuyên có hơp đồng may cho quân đội và cảnh sát nên lúc nào cũng sống được. Anh cô hiện vẫn là sỹ quan cảnh sát. Khi tôi hỏi có phải anh cô mang hợp đồng về cho bố cô không? Nancy cười hiền khô và nói là anh ta chỉ là sỹ quan trinh sát (detective), chứ không phải là cán bộ quản lý (manager). Rõ ràng cô không hiểu ý của môt lão già Viêt láu cá như tôi. Nhưng sự việc đó làm tôi liên tưởng đến cậu Thông, em họ tôi, trước 1975 là cảnh sát giao thông ở Nha Trang, sau đó đi cải tạo mấy tháng rồi về đạp xích lô cho đến nay, dù đã ngoài 60 tuổi.

Khi tôi hỏi cô về cảm tuởng sau khi người da trắng bị thất cử năm 1994 và chính quyền rơi vào tay African National Congress (ANC), đại diện cho đa số da mầu, Nancy nói là khi đó cô còn nhỏ đâu có hiểu gì, chỉ nghe kể lại. Bố mẹ cô là người thiên chúa giáo sùng đạo, không hề làm điều ác gì với dân da đen trước đó nên hiện nay công ty của bố cô còn lớn mạnh hơn trước kia. Bố cô vẫn cứ nói vói gia đình: Ơn chúa mà chúng ta được thế này! Cô chỉ biết là trong 5 năm học ở đại học mỗi năm cô lại thấy có nhiều sinh viên da đen hơn năm trước mà thôi. Nhưng giáo sư da đen thì chưa có nhiều…

Chúng tôi chia tay nhau tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi không biết qua chuyến đi này, Nancy sẽ có ấn tượng gì về Việt Nam của tôi, nhưng tôi thì rất có ấn tượng vế những điều cô ta kể về đất nước Nam Phi của cô. Câu chuyện tình cờ đó làm tôi suy nghĩ và so sánh khá nhiều với nội tình nước ta. Một bên là cuộc nội chiến giữa Cộng Sản và Quốc gia suốt 20 năm, bên kia là cuộc xung đột chủng tộc diễn ra suốt 3 thế kỷ. Cuộc chiến tranh Việt Nam được kết thúc bởi tiếng xích xe tăng phá cửa dinh Độc lập, trong khi xung đột chủng tộc tại Nam Phi được kết thúc bằng cuộc bầu cử dân chủ năm 1994, sau khi tổng thống W.F. De Klerk trả lại tự do cho Nelson Mandela và mời ANC tham gia tranh cử.

Tuy những người tiến vào dinh Độc Lập tuyên bố là không có bên thắng, bên thua, nhưng sau ngày 30/04/1975, ở Việt Nam đã không có hòa giải dân tộc. Hàng trăm ngàn binh lính, sỹ quan, công chức, chính khách chế đô Sài Gòn cũ lần lượt bị đưa đi cải tạo, giam giữ. Thậm chí nhiều người bị xử tử mà không có bản án. Từ những hi vọng được làm lại cuộc đời trong một quốc gia hòa bình thống nhất, nhiều người Việt thua trận sau đó đã mang nặng hận thù với bên chiến thắng. Cuộc vượt biên lớn nhất trong lịch sử loài người với gần hai triêu người tham gia ra đời từ những bi kịch đó. Hàng trăm ngàn mạng người Việt Nam nằm lại giữa biển đông. Danh từ “Boat people”, “Thuyền Nhân” xuất hiện trong tự điển quốc tế là hậu quả và thành quả của nền chuyên chính vô sản ở nuớc ta.

19 năm sau đó, tháng 4, 1994 ông De Klerk, thủ lĩnh đảng Quốc gia cầm quyền của người da trắng tuyên bố thua cuộc bầu cử và chúc mừng ông Mandela lên nhậm chức tổng thống. Hành động dũng cảm và cao thượng đó của De Klerk đã đưa ông đi vào lịch sử như một người có công trong công cuộc giải phóng Nam Phi khỏi chế độ Apartheid và năm sau, 1995 ông được trao giải thưởng hòa bình Nobel.

Song cao thượng hơn nữa là thái độ của những người chiến thắng. Nelsson Mandela, người bị giam giữ suốt 27 năm liền trong nhà tù, và các đồng chí của ông đã không tìm cách trả thù những kẻ đã đàn áp nòi giống mình suốt 3 thế kỷ. Trong giai đoạn quá độ từ 1994–1997, khi đang chờ xây dựng hiến pháp mới, chính phủ ANC hầu như tìm cách giữ nguyên hiện trạng (chỉ thay đổi các bộ truởng và các vị trí chủ chốt trong hành pháp). Tất cả các đảng phái chính trị tham gia bầu cử tự do đều tiếp tục được hoạt động, không hạn chế. Bộ máy công an và quân đội giũ nguyên hiện trạng. Một “Ủy ban tìm hiểu Sự thât và Hòa giải” (Truth and Reconciliation Commission) do tổng giám mục Desmond Tutu dẫn đầu với sự có măt của tất cả các đảng phái (kể cả da trắng) có nhiệm vụ tìm hiểu sự thật đã xảy ra trong chế độ Apartheid. Những kẻ vi phạm tội ác, bất kể mầu da, đều bị xử bởi các phiên tòa công khai, có luật sư bào chữa (đa số luật sư là da trắng). Những ai được kết luận là không có tội thì vẫn là công dân tự do.

Khi đọc đến đây trong wikipedia.org, tôi mới hiểu ra, tại sao gia đình Nancy vẫn sống đàng hoàng, vì sao anh cô vẫn là cảnh sát sau khi người da trắng mất quyền lãnh đạo.

Khi ông Mandela rút khỏi chính trường, nhiều người lo ngại sẽ có phân biệt chủng tộc ngược của người da mầu. Nhưng Thabo Mbeky, người kế tục sự nghiêp của Mandela vẫn tiếp tục chính sách hòa giải dân tộc, và về nhiều mặt, nhất là kinh tế, còn rộng mở hơn ngừoi tiền nhiệm. Lý do đơn giản là ông Mbeky được giao du học hành nhiều hơn lãnh tụ Mandela, người mà gần nửa cuộc đời chỉ biết có lao tù. Chính sự cao thượng, sự công minh của Mandela và đảng ANC đã biến Nam Phi từ một quốc gia bị cả thế giới tẩy chay năm 1994, nay thành quốc gia đứng đầu châu Phi, được cả thế giói kính nể, kể cả các nước G8 ngạo mạn nhất. Uy tín của Mandela và ANC cũng góp phần đưa giải vô địch bóng đá thế giới đến với Nam Phi năm 2010, mặc dù cho đến nay họ chưa có lấy 1 sân nào đạt tiêu chuẩn. Đôi bóng của họ, xét về thứ hạng, chỉ hơn Việt Nam ta mấy cấp, còn về sự cuồng nhiệt bóng đá thì dân họ thua xa dân mình (Bên đó khúc côn cầu và cricket thịnh hành hơn)

Xét về kinh tế, tuy chỉ có 43 triệu dân, trong đó hơn 70% là da đen, kém về văn hóa, nghèo về kinh tế, nhưng Nam Phi đã đạt tổng sản phâm quốc dân gần 600 tỷ USD, đứng thứ 24, (Việt Nam đông dân gấp đôi nhưng Tổng sản phẩm = 258 tỷ USD). Thu nhập đầu người Nam Phi đạt 13.100 USD, đứng thứ 76, vượt xa nhiều nước đã có hòa bình trươc họ (Việt Nam với 3100 USD/ đầu người, xếp thứ 157 trong bảng xếp hạng 2006. Theo www.Cia.gov).

Đọc đến đây ắt sẽ có người nêu ý kiến: Nam Phi trong suốt cả thời gian Apartheid cho đến nay vẫn là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, đứng đầu thế giới về xuất khẩu kim cương, đúng thứ 10 về dịch vụ ngân hàng nên được hưởng những lợi thế mà Việt Nam không có! Điều đó đúng, nhưng chỉ là tương đối. Cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi, phong trào giải phóng dân tộc da mầu ở Namibia và Zimbabwe cũng lên nắm chính quyền. Cả ba vùng này đều có những đặc điểm y hệt nhau trong những năm 90 đó. Namibia thì tôi không biết nhiều lắm. Nhưng chính phủ của ông Mugabe ở Zimbabwe lại thi hành chính sách độc tài, triệt hại người da trắng, tước đoạt của cải đất đai của họ, đàn áp chính cả các đảng phái đối lập của người da đen. Hậu quả của nó thế nào thì đã rõ. Hiên nay tại Zimbabwe , nạn đói đang bắt đàu hoành hành! Một ví dụ khác: Việt Nam đã liều mạng tiêu diệt cơ sở của CN tư bản ở Miền Nam, làm mất đi cả một đôi ngũ trí trức, kỹ nghệ gia sau năm 1975, kéo lùi lịch sử dân tộc lại vài chuc năm. Nay đến cả ông Võ Văn Kiệt và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải công nhận sai lầm này, chỉ có điều họ không đủ dũng cảm và cao thượng để xin lỗi cả dân tộc.

Như vậy rõ ràng việc tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki hôm nay đến Heiligen Damm để toạ bàn với Bush, Merkel, Blair v.v về phân chia lại quyền lợi kinh tế, tài nguyên, khí thải trên thế giới này là kết quả của đường lối hòa giải dân tộc và chính sách thu phục nhân tâm đúng đắn của ông ta và những người tiền nhiệm, chứ không phải là sự thừa huởng của một nền móng kinh tế đã có sẵn. Tư thế của lãnh tụ da đen này khác hẳn với chủ tịch Nguyễn Minh Triết, khi đi thăm Mỹ phải cò kè bằng việc thả hai, ba hay bốn người đối lập.

Bài học Nam Phi này làm cho chúng ta xót xa, khi mà một dân tộc mang tiếng có 4000 năm văn hiến, vậy mà 32 năm sau chiến tranh vẫn chưa biết hòa giải với nhau. Những đề tài như „Nghĩa trang Biên Hòa“, „Bia mộ thuyền nhân“ chỉ làm tăng thêm sự hổ thẹn. Vì người ngoại quốc khi nghe chuyện này, họ không quan tâm đến việc Cộng sản hay Chống cộng, mà họ chỉ nghĩ đên một dân tộc! Một giống nòi không có nhân đạo với cả người chết! Báo chỉ trong nước thì vẫn luôn nhắc nhở đến “chiến thắng lịch sử“, và coi những kẻ thua chạy ra bên ngoài, vẫn ôm mối hận cũ là các “thế lực phản động“. Trong khi họ đã lại nhìn nhận các kẻ thù cũ, đã đưa quân sang bắn giết người Việt như Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc thì lại là bạn thậm chí là đồng chí.

Còn các “thế lực phản động” thì chỉ còn biết viết báo chửi Cộng sản cho sướng miệng mặc dù biết rằng người trong nước đâu có đọc được các bài báo đó. Mà nếu có ít người vượt tường lửa đọc được thì họ đâu có chia sẻ những quan điểm đó, vì họ sống trong thế giới khác hẳn. Thấy chửi Cộng sản mãi không được, họ quay lại chửi cả những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, làm cho những người như Phương Nam, hay cả tướng Trần Độ bị bắn cả từ hai phía (xem “Những tên đặc công đỏ…” trên Vietnamexodus.org)

Qua đó chúng ta thấy dân tộc Việt không có sự đồng thuận, kể cả giữa các nhóm lợi ích ở trong nước, giũa các nhóm ở nước ngoài, giữa người trong và ngoài nước, giữa người đã trót thắng và người đã thua. Tôi đọc báo của cả hai bên mà ít thấy (không phải là không có) những bài báo chỉ ra được con đường để dân tộc ta được mở mày mở mặt, mỗi khi đi đâu không phải xin xỏ như kiểu ông Nguyễn Văn Bàng*, hay chí ít cũng không phải nhờ vào các dân biểu nước ngoài (như cô Sanchez) gây áp lực hộ mình .

Bài học của Nam Phi cho thấy, để xứ sở của họ đạt được tầm cỡ về kinh tế và uy tín như ngày nay, kể cả kẻ thắng và người thua đều phải có bản lĩnh và đạo đức. Lẽ tất nhiên trách nhiệm chính nằm trên vai những người “chiến thắng“ đang cầm quyền!

Nguyễn Việt
08/06/2007

* Cựu đại sứ VN tại Liên Hợp Quốc, phải bay cấp tốc sang Mỹ để giàn xếp cho chuyến đi của chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang Mỹ bằng cách hứa thả 2 tù nhân lương tâm