Vaslav Havel – Chủ nghĩa cộng sản tiếp tục dạy chúng ta những gì?

Phạm Nguyên Trường dịch

Bản dịch được thực hiện nhân giỗ đầu Vaslav Havel (18/12/2011-18/12/2012)

Lễ kỷ niệm lần thứ 15 Cách mạng Nhung (ngày 17 tháng 11 năm 1989), cuộc Cách mạng đã đưa chế độ độc tài cộng sản ở Tiệp Khắc đến chỗ cáo chung, là cơ hội để suy tư về ý nghĩa của hành vi mang tính đạo đức và hành động tự do. Hiện nay chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ, nhưng nhiều người – không chỉ ở Cộng hòa Czech – vẫn tiếp tục tin rằng họ không phải là chủ nhân của số phận của mình. Họ đã đánh mất niềm tin rằng họ có thể thực sự có ảnh hường đối với những sự kiện chính trị, và còn có ít ảnh hưởng hơn đối với xu hướng phát triển của nền văn minh của chúng ta.

Trong giai đoạn cộng sản, đa số người dân đều tin rằng những cố gắng của cá nhân nhằm tạo ra thay đổi đều chẳng có ý nghĩa gì. Các nhà lãnh đạo cộng sản luôn luôn khẳng định rằng hệ thống đó là kết quả của những quy luật khách quan của lịch sử, những quy luật không thể nghi ngờ và những người không chấp nhận logic này đã bị trừng phạt – chỉ có thế thôi.

Đáng tiếc là, cách nghĩ được các chế độ độc tài cộng sản ủng hộ đó đã không biến mất hoàn toàn. Một số chính khách và học giả khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ sụp đổ dưới sức nặng của chính nó – một lần nữa, lại nhờ “những quy luật khách quan” của lịch sử. Một lần nữa, trách nhiệm cá nhân và hành động cá nhân bị coi nhẹ. Họ bảo chúng ta rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trong những ngõ cụt của chủ nghĩa duy lí của phương Tây, chỉ cần chờ đợi ngày diệt vong của nó mà thôi.

Chính những người đó lại thường tin vào những lời tuyên bố về tính tất yếu của những quy luật của thị trường và “bàn tay vô hình” định hướng cuộc sống của chúng ta. Vì trong cách tư duy đó không có nhiều chỗ cho hành động mang tính đạo đức của cá nhân, cho nên những người phê phán xã hội thường bị chế nhạo, bị coi là những nhà đạo đức ngây thơ.

Đấy có thể là một trong những lí do vì sao 15 năm sau ngày sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản chúng ta lại phải chứng kiến thái độ lãnh đạm chính trị. Chế độ dân chủ ngày càng được xem như một nghi thức đơn thuần. Nói chung, xã hội phương Tây dường như đang trải qua một cuộc khủng hoảng của các đặc tính dân chủ và quyền công dân tích cực.

Có khả năng là những gì chúng ta đang chứng kiến là chỉ một sự thay đổi hệ hình, do công nghệ mới tạo ra, và không có gì phải lo lắng cả. Nhưng có lẽ vấn đề nằm sâu hơn: cáctập đoàn toàn cầu, các tập đoàn truyền thông và các cơ quan nhà nước đầy sức mạnh,đang biến cải các đảng phái chính trị thành các tổ chức mà nhiệm vụ chính không phải là phục vụ xã hộimàlà bảo vệ các thân chủ và quyền lợi cụ thể. Chính trị đang trở thành chiến trường cho những người vận động hành lang; các phương tiện truyền thông đại chúng biến những vấn đề quan trọng thành tầm thường; chế độ dân chủ trông giống như một trò chơi cho người tiêu dùng, chứ không còn là một công việc nghiêm túc dành cho những công dân nghiêm túc nữa.

Chắc chắn là chúng tôi, những người bất đồng chính kiến khi mơ về tương lai dân chủ, đã có một số ảo tưởng mà hiện nay chúng tôi đã nhận thức được một cách rõ ràng.Nhưng chúng tôi đã không lầm khi khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản không chỉ là một ngõ cụt của chủ nghĩa duy lí của phương Tây. Trong hệ thống cộng sản quá trình quan liêu hóa, thao túng theo kiểu nặc danh và nhấn mạnh vào thái độ phục tùng của quần chúng đã được đẩy đến mức “hoàn thiện”, nhưng chính những mối đe dọa này hiện nay vẫn đang song hành cùng chúng ta.

Lúc đó chúng tôi đã biết chắc rằng nếu chế độ mà thiếu các giá trị và chỉ quy giản xuống còn là sự cạnh tranh giữa các đảng phái, tức là những đảng phái “cam đoan” có những giải pháp cho mọi vấn đề thì đấy có thể là chế độ hoàn toàn phi dân chủ. Đấy là lý do vì sao chúng tôi nhấn mạnh đến chiều kích đạo đức của chính trị và xã hội công dân đầy sức sống, coi chúng như là đối trọng đối với các đảng phái chính trị và các thiết chế của nhà nước.

Chúng tôi còn mơ về một trật tự quốc tế công bằng hơn. Sự cáo chung của thế giới lưỡng cực là cơ hội tuyệt vời cho việc thiết lập một trật tự quốc tế nhân bản hơn. Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến quá trình toàn cầu hóa về mặt kinh tế, thoát khỏi sự kiểm soát chính trị; và nó đang tạo ra những tàn phá về mặt kinh tế cũng như tàn phá hệ sinh thái tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản là cơ hội để tạo ra những thiết chế chính trị toàn cầu hiệu quả hơn – dựa trên các nguyên tắc dân chủ – những thiết chế có thể chặn đứng những thứ dường như là xu hướng – trong hình thức hiện thời – tự hủy của thế giới công nghiệp của chúng ta. Nếu chúng ta không muốn bị những lực lượng ẩn danh giày xéo thì những nguyên tắc của tự do, bình đẳng và đoàn kết– nền tảng của ổn định và thịnh vượng trong các chế độ dân chủ ở phương Tây – phải bắt đầu có hiệu lực trên bình diện toàn cầu.

Nhưng, trên hết – cũng như thời còn cộng sản – chúng ta không được đánh mất niềm tin vào những trung tâm tư duy thay thế và hành động dân sự. Xin đừng để người ta lèo lái dẫn đến tin rằng mọi cố gắng nhằm thay đổi trật tự “đã được thiết lập” và thay đổi những quy luật “khách quan” là việc làm vô nghĩa. Xin hãy cố gắng xây dựng xã hội công dân toàn cầu, và xin hãy luôn luôn khẳng định rằng chính trị không chỉ là công nghệ của quyền lực, mà nó cần phải có chiều kích đạo đức nữa.

Đồng thời, các chính khách trong những quốc gia dân chủ cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về những cuộc cải cách các thiết chế quốc tế, vì chúng ta rất cần những thiết chế đủ sức quản trị thế giới. Thí dụ, chúng ta có thể bắt đầu với Liên hiệp quốc, với hình thức như hiện nay tổ chức này chỉ là di vật của tình hình ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Nó không phản ánh được ảnh hưởng của một số siêu cường mới ở các khu vực, trong khi đánh đồng những nước mà những người đại diện được bầu một cách dân chủ với những nước mà những người đại diện, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ đại diện cho chính họ hay cho nhóm sĩ quan cầm quyền, là việc làm vô đạo đức

Người châu Âu chúng ta có một nhiệm vụ đặc biệt. Nền văn minh công nghiệp, nay đã lan ra toàn thế giới, có xuất xứ từ châu Âu. Tất cả những điều kì diệu, cũng như những mâu thuẫn làm người ta phải khiếp sợ của nó, có thể được lý giải như là hậu quả của một đặc tính có xuất xứ từ châu Âu. Vì vậy mà châu Âu thống nhất phải thiết lập một thí dụ về cách đối diện với những mối hiểm nguy và kinh hoàng khác nhau đang nhấn chìm chúng ta hôm nay cho phần còn lại của thế giới thấy.

Thực ra, nhiệm vụ như thế – tức là nhiệm vụ gắn chặt với sự thành công của sự hội nhập của châu Âu – sẽ là sự hoàn thành một cách xác thực ý thức trách nhiệm toàn cầu của châu Âu. Và nó sẽ là chiến lược tốt hơn hẳn so với việc đổ lỗi cho Mỹ về những vấn đề khác nhau của thế giới đương đại.

Bài này được Vaslav Havel viết ngày 12 tháng 11 năm 2004

Nguồn:http://www.project-syndicate.org/commentary/what-communism-still-teaches-us

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Hình Ảnh Thư Giãn Của Lính Gác Trại Tập Trung Auschwitz Làm Người Đức Kinh Hoảng

Lề Trái dịch Việt Ngữ

(Người dịch gửi đăng)

Lời người dịch: Lý do tôi dịch bài này vì đọc phải “’Bên Thắng Cuộc’ lột trần nhiều “huyền thoại” về một số lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ không phải là những ác quỷ “bán nước” (thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân) như những người thù ghét họ thường khẳng định” của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Hữu Dũng bên viet-studies trong bài nhận định về cuốn sách mới của nhà báo Huy Đức (*). Đúng, họ không mang hình thù “ác quỷ”, và theo nhiều nghiên cứu, một số sĩ quan và nhân viên của Đức Quốc Xã (**) thậm chí đã là những người chồng, người cha tốt, người con hiếu thảo, những viên chức cần mẫn và công dân tốt trong xã hội mình – lập lại lời nhận định của Hannah Arendt. Tôi tưởng tượng một tình huống Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Hữu Dũng đang thưởng lãm những bức ảnh này, và gần như có thể đọc được lời bình của ông, rằng những bức ảnh trong bộ sưu tập này “đã lột trần nhiều ‘huyền thoại‘ về một số những sĩ quan SS. Họ không phải là ác quỷ (thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân) như những người thù ghét họ thường khẳng định.”

(*)http://viet-studies.info/THDung/THDung_DocHuyDuc.htm

(**) Chủ Nghĩa Quốc Xã hay Phát Xít, từ đúng là Chủ Nghĩa Xã Hội Quốc Gia (National Socialism). Ở đây tôi dùng theo cách thông thường –nhưng không đúng- là Quốc Xã hoặc Phát Xít (Nazis, Fascism).

Tuần qua, những bức hình mới phát hiện của các nhân viên SS ngồi ghế bố, tham gia ca hát tập thể và tận hưởng thời gian rảnh rỗi trong khu nhà nghỉ gần Auschwitz đã làm nhiều người ở Đức xửng sốt.

Mười hai người nhân viên SS cấp thừa hành ngồi trên cây ngang hàng rào ăn dâu xanh (blueberries) do một nhân viên SS đưa. Tấm hình được chụp vào năm 1944 ở Solahutte, một nhà nghỉ gần Auschwitz cho đội SS phụ trách điều hành trại tập trung này. Tấm khác là những lính thừa hành này giả bộ khóc giỡn khi đĩa của họ hết dâu.

Trên đây chỉ là 2 trong số 116 bức hình trong bộ ảnh do Viện Bảo Tàng Quốc gia về Holocaust ở Washington đưa ra tuần này. Bảo tàng nhận được bộ ảnh hồi đầu năm nay từ một nhân viên ngành tình báo đã nghỉ hưu của Mỹ, tình cờ thấy bộ ảnh trong một căn hộ ở Frankfurt và bây giờ tặng lại cho viện bảo tàng.

Những tấm hình này được chụp khoảng từ tháng Năm đến tháng Mười Hai 1944, và cảnh là những nhân viên và lính gác đang thư giãn và vui đùa cùng nhau – trong khi vô số người đang bị giết và thiêu ở trại tử thần gần đó.

Trong một số hình, có thể thấy những nhân viên SS ca hát. Trong số khác, họ đi săn và trong một tấm khác một người đang trang trí cho cây thông Giáng sinh trong một thứ có thể coi là mùa lễ trong địa ngục.

“Những bức hình đặc biệt này diễn tả rất sinh động cuộc sống thỏa mãn của họ trong khi phụ trách một thế giới (khác) với những đau khổ vô song,” Sarah Bloomfield điều hành viện bảo tàng đã nói trong một phát biểu. “Chúng đưa ra một cách nhìn quan trọng về tâm lý của những kẻ gây ra diệt chủng”.

Người phụ trách bộ sưu tập nhiếp ảnh của viện bảo tàng, Judith Cohen nói rằng không có bức nào mà không mô tả về những điều bình thường, “và chính vì vậy mà chúng trở thành kinh khủng”.

Báo Berliner Morgenpost viết, những bức ảnh này đáng chú ý vì ngày nay còn lại rất ít những hình ảnh về “cuộc sống đời thường ” của những nhân viên SS chịu trách nhiệm về việc giết người với số lượng lớn (mass murder) ở Auschwitz. Tờ báo cho rằng đây là những hình ảnh đầu tiên được khám phá về những sĩ quan SS của trại tập trung này, mặc dù có những hình ảnh tương tự ở các các trại khác, kể cả ở Sachsenhausen, Dachau và Buchenwald.

Vui Đùa cạnh Phòng Hơi Ngạt

Với hơn 4 triệu độc giả, Bild, tờ báo có số lượng lớn của Đức nói những tấm hình này là “những hình ảnh làm phẫn nộ thế giới!”

“Không cái tên nào làm liên tưởng tới những tàn bạo và kinh hoàng hơn” như Auschwitz, một bài báo trong số thứ Sáu của tờ báo trên nói. “Trại tử thần này là đỉnh điểm của Phát xít giết người Do Thái … Và bây giờ, hình ảnh của những kẻ gây ra tội ác đã xuất hiện, những văn bản của ác mộng cho thấy các thành viên đội SS đã vui đùa cạnh phòng hơi ngạt một cách vô liêm sỉ và vô tư đến cỡ nào”.

Tập ảnh thuộc về Karl Hocker, phụ tá cho sĩ quan chỉ huy cuối cùng của Auschwitz, Richard Baer. Hocker chụp những tấm hình này cho riêng mình. Tập hình còn có 8 tấm ảnh của Josef Mengele –là một phần trong số rất ít hình ảnh của ông bác sĩ khét tiếng của trại tập trung này trong thời gian ông ta làm việc ở đây (ND: Tất nhiên, những bức hình cũng đánh tan “những huyền thoại” cho rằng Mengele cũng không phải là ác quỷ [thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân] như những người thù ghét ông thường khẳng định).

Trước khi Đồng Minh giải phóng trại, Hocker trốn khỏi Auschwitz. Sau chiến tranh, hắn làm việc hàng nhiều năm cho một ngân hàng mà không bị phát hiện. Nhưng vào năm 1963 hắn bị buộc phải trả lời cho những cáo buộc về vai trò của mình ở Auschwitz, tại một tòa án ở Frankfurt. Trong lời nói cuối của mình, Hocker cho rằng: “Tôi không có bất cứ một khả năng nào có thể ảnh hưởng tới những gì xảy ra và tôi không muốn chúng xảy ra cũng như không muốn tham gia. Tôi không hại ai và không ai chết ở Auschwitz vì tôi”. Dù vậy, cuối cùng, hắn bị kết án về những tội giúp đỡ và tạo điều kiện cho việc giết 1000 (một ngàn, ND) người Do Thái và bị tuyên án 7 năm tù. Hắn được thả ra sau 5 năm thi hành án, đã chết vào năm 2000 ở tuổi 88.

Cho tới nay, chỉ có khoảng 320 tấm hình được chụp trước khi Nga giải phóng Auschwitz được mọi người biết đến. Những hình ảnh này thuộc về bộ sưu tập được gọi là “Auschwitz Album”, đưa ra cho công chúng vào năm 1980. Những tấm hình ghi lại sự kiện dân Do Thái gốc Hung tới trại tử thần này và được/bị các nhân viên SS thanh lọc.

Những tấm ảnh vừa được khám phá về cuộc sống thường ngày vô tư của (nhân viên) Phát Xít ở Auschwitz cho thấy một sự tương phản ma quái so với bộ sưu tập (Auschwitz Album, ND) trên.

Nguồn: http://www.spiegel.de/international/germany/laughing-at-auschwitz-leisure-photos-of-camp-guards-shock-germans-a-507175.html

@X-Cafe

Hình ảnh do nguoisantin sưu tầm

@http://www.spiegel.de/fotostrecke/photo-gallery-laughing-at-auschwitz-fotostrecke-25000-16.html

aal12 aal11 aal10 US AUSCHWITZ PHOTOS US AUSCHWITZ PHOTOS US AUSCHWITZ PHOTOS US AUSCHWITZ PHOTOS US AUSCHWITZ PHOTOS mengele, hoess US AUSCHWITZ PHOTOS US AUSCHWITZ PHOTOS

Dốt nát như thế, giảng bài không xấu hổ sao?

Đại tá Trần Đăng Thanh

Đại tá Trần Đăng Thanh

Cái sự dốt ngút ngàn, trùng điệp của quan chức ta lâu nay giống như mùa rươi, nhiều đến nỗi chán đến mức không thể đếm và không muốn bàn thêm nữa… Thế nhưng, đọc bài giảng của ông TĐT thì quả là quá sức chịu đựng – thần kinh căng thẳng gần như sắp bị đột quỵ vì không thể nào tưởng tượng nổi một người kém cỏi và u mê đến thế vẫn có thể giảng bài cho những “siêu nhân” của nghệ thuật giảng bài? Mọi giới hạn của lòng tự trọng và tính khiêm tốn, sự đúng mực của hiểu biết đều bị biến thành trò hề chính trị thích bỡn cợt với nỗi đau của 90 triệu con người…

Như đã nói ở trên, những cái sai của TĐT là nhiều như rươi – “Con rươi ‘nở’ giữa bầy rươi/loằng ngoằng kiếm chác trêu ngươi cuộc đời”, nên không thể kể cho hết, chỉ xin nêu ra mấy loại sai không thể dung thứ sau đây.

1.Kiến thức đa phần sai bét sai be

Ông TĐT cho rằng GDP của Mỹ năm 2011 là 14.700 tỷ USD, gấp ta khoảng 150 lần (?) Nói như thế có khác gì ông TĐT cho rằng các số liệu mà Đảng và Nhà nước ta công bố là nói khống, bởi theo thông tin chính thức, GDP VN năm 2011 là 122 (126?) tỷ USD; còn theo ông TĐT chỉ là… 98 tỷ USD (!). Chẳng lẽ ông TĐT nghĩ và tin rằng 30 tỷ USD dư ra đó là sự dối lừa chăng?

Ông TĐT nói rằng Biển Đông lớn thứ hai thế giới “sau Địa Trung Hải”. Chẳng lẽ ông không hề xấu hổ một chút nào khi cái kiến thức sơ đẳng về biển, trẻ lớp 3 nó bấm ‘clốc’ là ra liền: Biển Philippines có diện tích 5,177 triệu km2, Biển Coral 4,791 triệu km2, Biển Ả rập 3,862 triệu km2, Biển Đông 3,537 triệu km2 – còn Địa Trung Hải mà TĐT nói lớn nhất thế giới chỉ có… 2,510 triệu km2 (!) Ông còn nhầm tệ hại khi ghép Vịnh Thái Lan thuộc Biển Đông!

Mang danh là Đại tá mà kiến thức quân sự của ông TĐT chưa bằng một học sinh phổ thông. Căn cứ vào đâu để ông nói rằng 90% tiếp tế hậu cần – kỹ thuật của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ là “qua Biển Đông”? Chẳng lẽ Mỹ lấy đồ tiếp tế từ các nước Đông Nam Á hay Ấn Độ chắc, hay là nó cho tàu bè chở ngược từ Đại Tây Dương để qua châu Âu, vòng qua châu Phi, qua Ấn Độ Dương để băng qua Biển Đông rồi mới đến Guam? Lệnh “cấm” đánh bắt cá quái gở của TQ năm nào cũng từ 16.5 đến 1.8 mà ông không biết sao? Nếu biết sao ông lại nói từ 1.6?

Muốn nịnh TQ bá quyền nhưng ông TĐT toàn sai, ông quên mất rằng khen ai đó mà khen không đúng là mặc nhiên trở thành kẻ thù của người ta đó, thưa ông. Hoàng đế Phổ Nghi thoái vị ngày 12.2.1912, chứ không phải năm 1911; và, cái thời Thương – Ân chẳng có đủ chữ (vì nó còn sơ khai lắm với các văn bản khắc trên xương quạt trâu bò hay mai rùa) nên không thể có cuốn sách nào của Khương Tử Nha viết năm 1776 tr.CN. Thực ra, có một Khương Tử Nha thật, tức Tề Thái Công, nhưng ông ta sống vào vào thế kỷ XI tr.CN (khoảng 1045 – 1015 tr.CN). Như vậy, ông TĐT đã nhầm lẫn rất, rất chi là chân thành (vì nói đi nói lại chắc như đinh) có hơn… 600 năm chơ mấy(!) Hay ông TĐT nghĩ ‘Khương’ với ‘Thương’ là một?… v.v. và v.v…

2.Ấu trĩ đến mức thảm hại

Nói chuyện Tàu từ xưa đến nay mà ông chẳng hiểu dẫu chỉ là một chút về cái thâm hiểm, nguy hiểm khôn cùng của chủ nghĩa Đại Hán. Ông cho rằng Tàu nó vừa bắt tay ta vừa đá lung tung ư? Xin thưa với ông, chỉ có ông mới đá, mới múa may lung tung như một kẻ khùng chứ Tàu nó đã đá thì đá cú nào chắc chắn trúng chỗ hiểm cú đó. Ông nghĩ một nước cờ, nó tính đủ 30 nước mà ông sẽ đi; nó gài bẫy tinh vi, ác độc đến mức muốn giãy không thể nào giãy nổi bởi những sai lầm của ông hôm nay là bắt buộc tiếp tục sai từ cái sai những 20 năm, 30 năm trước ông ạ.

Ông coi thường “nguyên khí quốc gia” (như ông nói) một cách đáng phẫn nộ: Nói chuyện với tinh hoa trí tuệ của Thủ đô Hà Nội mà ông “dọn món” cơm thiu ôi với các hình ảnh lấy từ năm 2009 (!) Đó là chưa nói chuyện ông khinh khi quá quắt khi oang oang hợm hĩnh rằng “báo cáo các đồng chí nước Mỹ đến năm 2011 tên của họ vẫn không có gì thay đổi, vẫn là Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Rồi dân số nước Mỹ hiện nay đến năm 2011 là 301 triệu người dân…”. Nói như thế chẳng khác gì nói “báo cáo các đồng chí tình hình tên gọi không có gì thay đổi, bé trai có chim và bé gái thì có bướm”. Xin thưa với ông là CHÚNG chứ không phải ‘chủng’ và dân số Mỹ đến 31.12.2010 là 308,6 triệu người. Số liệu công bố đầy dẫy mà ông không biết chứng tỏ ông có đọc bao giờ đâu!

Ông đã chứng tỏ cái dốt tệ dốt hại của ông về kiến thức trong mọi điều ông nói nhưng có lẽ điển hình nhất là việc ông nói Mỹ thực hiện công thức 10-30-30 (!). Từ thuở biết đọc đến giờ tôi chưa hề biết có cái nước nào trên thế giới chuẩn bị chiến tranh trong vòng… 10 ngày (!)? Đó là cách chuẩn bị của của “tinh hoa quân sự” là ông chăng? Dù là “chiến tranh” để chiếm đất của nhà hàng xóm cũng phải nhiều hơn 10 ngày chuẩn bị, thưa ông Đại tá, PGS.TS.NGƯT rất chi là… Căn cứ vào đâu để ông khẳng định Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, Hàn Quốc thì hai nước đó phải nuôi từ A đến Z? Ông cứ nói xằng nói bậy như thế mà dám thay mặt QĐND VN anh hùng để giáo huấn cho tinh hoa trí thức nước nhà ư?

Căn cứ vào đâu để ông nói Yeltsin công bố sắc lệnh không trả lương hưu cho những người đã tham gia chính quyền cũ? Vậy là hàng chục triệu người Nga đã chết đói cả rồi sao? Chính xác là bao nhiêu người chết, chết như thế nào – bởi chắc chắn là họ không có điều kiện tham nhũng như ở ta và cũng không đi ăn cướp của dân đâu ông. V.v và v.v…

3.Lú lẫn về ân nghĩa – bạn – thù

Ông TĐT cho rằng chúng ta không được quên “ƠN” TQ đã “giúp” VN trong chiến tranh, sao ông không hỏi lại TQ mang ơn nhân dân VN những gì? Ví dụ, trong Chiến tranh thế giới Hai, Mỹ viện trợ cho Liên Xô 11 tỷ USD để chống lại phát xít Đức (được cụ thể hóa bằng hàng trăm ngàn máy bay, xe tăng, đại bác, xe vận tải…) không có nghĩa là LX phải mang ơn mà chính ra là ngược lại: Người Nga hy sinh 27 triệu người trong khi Mỹ chỉ mất có 343.000 người (!). Mặt khác, ông TĐT đã lú lẫn tuyệt đối khi không hề đánh giá tội ác của quân xâm lược TQ gây ra với VN năm 1974, 1979, 1988…, mà lại đánh giá tội ác của Mỹ là “trời không dung đất không tha”? Đã là tội ác thì trời không bao giờ dung, đất chẳng bao giờ tha mà chỉ có con người có thể xóa bỏ hận thù hay không mà thôi. Xin hỏi ông TĐT rằng “tiêu chí” để đánh giá tội ác là căn cứ vào mốc thời gian (gần – xa) hay số lượng, hay hành vi, cách thức gây ác? Về thời gian, tội của quân xâm lược TQ gây ra với VN gần hơn Mỹ. Về số lượng thì chỉ riêng tội ác làm chết 57,5 triệu người dân TQ (theo số liệu của chính ông TĐT trong bài giảng này) đã gần bằng toàn bộ số người chết trong cuộc Chiến tranh thế giới Hai rồi – đó là chưa nói chuyện ngưởi TQ giết người TQ. Ông TĐT cho rằng đó là tội của Mao (?) Thưa ông, đó là tội ác của ĐCS TQ chứ một mình Mao sao có thể giết nhiều người thế? Ông cố tình đổi trắng thay đen khi nói về tội ác ấy bằng cách đổ sai cho một người (Mao) nhằm biện minh cho giả thiết “lòng tốt” của “anh bạn vàng” ư? Về hành vi, trên đời này có bao giờ có anh bạn của chúng ta (từ của TĐT) nào nhân khi bạn mình mới thương hàn ốm dậy (sau 30.4.1975) lại tìm đến đánh vùi, đánh lấp cho tàn hại thêm không? Trên thế giới, cách hành xử tàn nhẫn đến tận cùng như thế, chỉ có thiên đường XHCN TQ mới đối xử với CNXH VN kiểu đó thôi, thưa ông. Và, cũng nhấn mạnh thêm rằng, chẳng có chính quyền nào dùng xe tăng để chà lên sinh viên như TQ, năm 1979. Con em họ mà họ còn dã man, táng tận lương tâm đến thế, chẳng lẽ ông và không ít người nữa còn hy vọng vào “lòng tốt” của anh bạn hay “đá lung tung” ư?

4. Ông TĐT chống lại Đảng và Nhà nước

Cả lịch sử dân tộc VN hào hùng, vĩ đại như thế mà ông viết có 39 TRANG thì chẳng khác gì ông sổ toẹt tất cả những cuốn lịch sử khác – chỉ tính riêng lịch sử Đảng CSVN đã dày hàng trăm trang rồi. Ông còn tự hào, huênh hoang là nhiều người đòi ông in thành sách, và ông dám kêu gọi các thầy cô giáo ngồi nghe ông nói, đem 39 trang A4 đó về photo phát cho sinh viên, đừng mất công học những sách sử dài dòng làm gì, chẳng phải là đang chống lại Đảng sao?

Trong khi hàng vạn con ông cháu cha đang theo học ở các trường đại học của Mỹ mà ông nói là Mỹ đang phá hoại chúng ta về giáo dục, chẳng khác gì ông vả vào mặt nhiều lãnh đạo của Đảng đang có con học ở Mỹ, ở thế giới giãy chết. Chẳng hạn, ‘thực dân Anh’ (như ông nói) đã góp phần đào tạo nên Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đoàn TNCS HCM đó thôi. Không thể phủ nhận tài năng, hiệu quả của nền giáo dục “thực dân Anh” khi nó đào tạo một đứa trẻ 14 tuổi, sau 7 năm, thành ra cán bộ đoàn cao cấp của CNXH. Vậy, sao lại còn rủa sả thành công ấy; hay là, ông giương đông kích tây, muốn gài thế cán bộ đó?

Ông cố tình phá hoại khối đoàn kết VN – Cămpuchia khi ông nói rằng “Vùng Tây Nam Bộ thì xin thưa với các đồng chí đây là vùng Tây Nam Bộ, nó rất phức tạp. Báo cáo các đồng chí nó liên quan đến đảo Cổ Tru, đảo Phú Quốc v.v… Đây cái đảo Phú Quốc của chúng ta. Đây là vùng nước lịch sử mà Việt Nam ký với Campuchia năm 1982. Tại sao chúng ta ký được? Sau năm 1978 chúng ta cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng cho nên vùng nước lịch sử là như vậy. Thưa các đồng chí, hiện nay họ lại đang đòi, họ lại đang ý kiến và hiện nay chúng ta phải dựa vào cái đường Bre-vơ. Cái đường này mới là cái đường quan trọng. Cái đường này là đường mà người Pháp đã ký có công ước quốc tế từ năm 1939. Ta xem thì đúng là đây cũng gần (CPC) thật nhưng bởi vì người nước Việt Nam, đất có thổ công sông có hà bá, sống ở đây lâu rồi thì họ phải chịu thế chứ. Báo cáo các đồng chí là như vậy, … nó rất phức tạp”. Ông nói như thế trước trí thức – tức là công khai trước công luận, chẳng khác gì nói VN đang ép CPC để lấy đất, lấy biển đảo vì đã “cứu”, vì “đất có thổ công…”(!)?

Ông cũng đặt Bộ Ngoại giao VN vào tình thế hiểm nghèo bởi trong khi cả thế giới lên án Bắc TT về vụ bom nguyên tử thì ông công khai nói “họ làm tất cả các nước lớn mất ăn mất ngủ và rất là lo lắng về quả tên lửa của họ. Cái điều mà chúng ta phải cần học tập”. Vậy là VN sẽ đi theo ngọn cờ Bắc TT – để mặc dân chết đói, chết rét, làm bằng được tên lửa, nguyên tử để cho thế giới chạy nháo nhào sao? Nói thật, nếu lãnh đạo mà nghe ông (hay nghe rồi?) thì đất nước này chỉ có đường xuống hố cả nút, ông ơi! Ông TĐT ca TQ “cả ngày” nhưng ông có biết đâu rằng chỉ cần một câu thôi, ông sổ toẹt tất cả, và dĩ nhiên là TQ sẽ cho ông vào sổ đen, ông có biết câu gì không ông TĐT? Đó là câu “hiện nay nhiều quốc gia đặc biệt là Châu Phi họ đang đánh giá Trung Quốc là một dạng thực dân kiểu mới”. Điều này chứng tỏ ông “giảng” mà chẳng hiểu mình đang nói cái chi. Cũng xin nhắc ông luôn rằng, chỉ cần câu này không thôi, anh ‘bạn vàng’ của ông sẽ hành lãnh đạo của ông lên bờ xuống ruộng đó, ông để yên mà coi!

Cái điều khủng khiếp nhất là ông TĐT đã cho rằng “Và tôi đi giảng bài cho tất cả các đối tượng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu, ví dụ các đồng chí ngồi tại đây. Cho nên ta phải nói rõ luôn, hiện nay chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ bằng được Tổ quốc Việt Nam thời XHCN”. Kính thưa ông TĐT, tôi tuy không phải là đảng viên, nhưng tôi nguyện suốt đời đi theo Đảng bởi tôi tin vào CNXH, CNCS, đạo đức, tấm gương HCM. Nhưng bây giờ, nghe ông nói thế, tôi hết cả hồn vía bởi ông nói tuy VN thời XHCN có nhiều nội dung nhưng ông LƠ MẶC NHIÊN mọi nội dung khác, chỉ nói cái nội dung SỔ HƯU thì chẳng phải ông đang tầm thường hóa, trần tục hóa, tiền hóa, thực dụng hóa CNXH đó sao? LÝ TƯỞNG SỔ HƯU là “tư tưởng sáng tạo” của “Tổ quốc THỜI XHCN”? Ngay đến Tổ quốc cũng chỉ là món hàng có thời hoặc lỗi thời thì quả thật, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã trở thành cái đáy tận cùng của sỉ nhục. Nó là “sản phẩm” của ai đó, thưa ông TĐT?… v.v và v.v…

15.000 m2 Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm phải chịu 328.000 tấn bom đạn, tức mỗi ngày 4.100 tấn bom đạn – tức phải cần 1.000 chuyến xe chuyên chở đạn dược mỗi ngày, hoặc tức là phải huy động 2.000 lượt máy bay ném bom phản lực mỗi ngày, tức là cứ một vuông đất xấp xỉ 4X4m phải chịu 4 tấn bom đạn/ngày – và liên tục 81 ngày như thế: Chỉ riêng lượm sắt vụn mảnh bom đạn trên mỗi vuông đất ấy đem bán = vài trăm tấn, đủ xây mấy cái nhà lầu (?)! Ôi chao là con số! Trẻ nít nó cũng không thèm tin ông, ông TĐT ơi!…

Đọc bài của TĐT đã nhọc, viết để bàn còn nhọc hơn đi củi ngàn lần. Nói thật, cử những người như ông TĐT đi giảng bài thì đó là cách tốt nhất để phá nát mọi điều tốt đẹp còn sót lại trên thế gian này. Lăng mạ hiểu biết, coi khinh trí thức, tầm thường hóa đạo đức, rác hóa lý tưởng cao đẹp…, là thực chất những gì TĐT muốn chuyển tải đến 90 triệu người dân VN.

Huế, 20.12.2012

H.V.T. (Bauxite)

Tớ- khán giả của 12 ngày đêm đánh nhau với B52- xin có ý kiến

Hai cô dân quân bên xác B52. Tháng 12/ 1972. Ảnh Google

Hai cô dân quân bên xác B52. Tháng 12/ 1972. Ảnh Google

Mấy hôm nay, các phương tiện truyền thông lề đảng liên tục đăng bài, đưa hình ảnh, tổ chức cho các nhân chứng lịch sử phát biểu về cái «chiến dịch Điện Biên Phủ Trên Không» cách đây 40 năm!

Thôi thì đủ thứ tài tình của Đảng ta về chiến lược, chiến thuật, nào là về nghệ thuật quân sự, nào là 4 mũi giáp công để đánh thắng trận Điện Biên Phủ Trên không, nào là buộc Đế Quốc Mỹ và tay sai phải ngồi vào bàn hội nghị ký kết «Hiệp định Lập Laị Hòa Bình và Chấm dứt chiến Tranh ở Việt Nam», buộc quân Mỹ phải «rút lui nhục nhã», tạo điều kiện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn…

Chao ôi! Toàn những lời lẽ đã được viết trên sách vở báo chí của họ cả 40 năm qua! Một chứ mười thằng Mỹ mà gặp phải cái sự tài tình vô biên của «Bộ Chính Trị Đảng ta» thì cũng đi tiêu luôn!

Cho nên, hôm nay Đảng được quyền làm vua, muốn gì được nấy,bất khả xâm phạm là cái lẽ thường tình! Thằng nào phủ nhận cứ là chộp đi tù hết!

NHƯNG KHÔNG! Không phải như thế!

Tớ, nhân danh một người có cái đầu biết nghĩ, có cái tim biết rung động, và có cái «gan» dám nói ra những điều mà khối người nghĩ như tớ mà chẳng dám hé môi, xin tuyên bố:

Theo tớ:

CHIẾN DỊCH 12 NGÀY B52 DỘI BOM MIỀN BẮC VIỆT NAM KHÔNG HỀ CÓ MỘT MỤC ĐÍCH QUÂN SỰ NÀO!

Mỹ cũng chẳng muốn tiếp tục tham chiến, mà ta cũng chẳng mong tiêu hao bớt không lực Hoa Kỳ để đọ tài nghệ thuật quân sự làm gì!

Tất cả chỉ nhằm mục đích là kéo phái đoàn Lê Đức Thọ trở lại Paris để ký kết cho xong cái Hiệp Nghị đã hoàn chỉnh và ký tắt, trừ một điều khoản chưa thống nhất mà quan trọng bậc nhất là «phía Mỹ phải bồi thường chiến tranh với số tiền là…tỷ ??? đô-la….».

Chính cái sự bế tắc tạm thời này mà hai bên đều tạm nghỉ, để chuẩn bị một «ván cờ chính trị bằng …bom đạn» cuối cùng, mà nguời Mỹ đang nóng lòng chấm dứt ngay cái cuộc dính líu “tốn kém tiền bạc và mạng người nhất trong lịch sử của nước Mỹ”

Trong cái tháng 12/1972 đó, chẳng phải chỉ có những cán bộ tuyên huấn như tớ, không ai là cán bộ nhà nước ở miền Bắc mà không phải học qua chiến lược, chiến thuật «Bốn mũi giáp công» của Đảng ta!

Nghĩa là: Trên chiến trường càng đánh mạnh thì trên bàn hội nghị càng dễ cho “ta”… mặc cả. Cú 4 mũi giáp công lần này không ngờ lại được chính người Mỹ mang áp dụng ngay vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972!

Chiến trường miền Nam chưa dọa được nổi ai thì ở miền Bắc, Nixon đã ký lệnh tiến hành ngay chiến dịch “Linebacker 2″ đe dọa “đưa miền Bắc VN trở lại thời kỳ đồ đá” như H. Kissinger đã công khai báo trước!(«push the Viet Nam to the Stone age»)! bằng cuộc tấn công từ trên trời suốt 12 ngày đêm bằng đủ loại máy bay gồm cả B52 rải thảm ở trên 140 địa điểm của 5 thành phố! Chỉ riêng Hà Nội, 67 xã ngoại thành (nặng nhất là Yên Viên),19 trận địa tên lửa, 14 trận địa phòng không, 8 sân bay đã bị dội 36.000 tấn bom.
Làm chết (theo “ta”) là 4025 người và (theo Mỹ) là 2200 trên 5 tỉnh bị bom B52, mà chỉ riêng Hà Nọi là…1.318 người!

Thiệt thòi về vật chất, cầu đường, kho tàng quả là to lớn nhưng so với khối lượng hơn 36.000 ngàn tấn bom đổ xuống (bằng tất cả số bom Mỹ đã đổ xuống hai miền VN từ 1961 đến 72) thì sao cái số người chết lại quá ít thế nhảy? “Thằng Mỹ có mắt như mù”, “B 52 là bê quăng sai” (*) thật sao? Trường quân sự Mỹ đào tạo ra toàn thứ vô tích sự thua cả một anh nông dân chính cống Thái Bình lái máy bay sao?

“Hiện đại thế này mà chỉ rải thảm ở…ngoại thành bởi vì…Sợ dân nội thành quá hay sao?

Là người chứng kiến từ đầu đến cuối không sót một trận nào trên một sân thượng đường Quan Thánh của nhà đạo diễn điện ảnh Đỗ Ngọc: tớ xin nói thẳng một điều mà người ta sợ chạm đến nhất, ĐÓ LÀ:

TRƯỚC SAU NHƯ MỘT KHÔNG QUÂN MỸ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ĐÁNH VÀO KHU DÂN SỰ!

Điều này giải thích tại sao dân Hà Nội trong đó có tớ thì.., «dù ai đi đâu thì đi, Quyết tâm ở lại một ly không rời!».

Trong những ngày mà người ta hô hoán lên, tưởng như Hà Nội sắp bị san thành bình địa ấy, tớ và bạn bè, đặc biệt những anh em trong dàn nhạc của xưởng phim truyện (ngày ấy còn trẻ hơn tớ nhiều nên nay chắc khối người còn sống) chắc không thể nào quên!

Tất cả chúng ta đều ra ngồi ngắm cái «trò chơi nắn gân chết người» bên bờ hồ Tây ngay cạnh studio của xưởng, đúng vào những ngày thu thanh âm nhạc cho phim “Bài ca ra trận” của tớ (Đạo diễn Trần Đắc)

Chẳng anh nào có lấy một cái hầm cá nhân! Anh nào cũng yên chí «Mỹ nó đánh có mục tiêu cả đấy!» hoặc “Nếu bị tên bay đạn lạc thì có đi sơ tán hay xuống hầm cũng chết vì…có số cả thôi”!

Như ông Đại sứ Santini và cô nhân tình nào đó đã bị Thần chết điểm danh nên mắc phải «tên bay đạn lạc»! Chứ Sức mấy mà Mỹ nó dám làm cỏ cả gần trăm cái sứ quán! Có mà chính trị…Rồ!

Cho nên: Cách tránh máy bay Mỹ tốt nhất chính là…ở lại Hà Nội! Thậm chí có nhiều gia đình cơm nắm, muối vừng lên cạnh hai sứ quán Liên Xô và Trung Quốc trải chiếu nằm la liệt suốt đêm ngày!

Nói trắng ra rằng, Không lực Mỹ đã có lệnh nên cố tránh hết sức các mục tiêu phi quân sự.

Một vài nơi như mặt sau phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai đều do cảnh tên bay, đạn lạc, né tránh tên lửa, pháo cao xạ mà xảy ra. Chưa kể có đêm, khán giả đã chứng kiến cảnh lạnh người tên lửa ta vừa phóng lên bỗng vì sao chẳng biết không bay lên tới đích mà lại bay vòng cầu, rớt trúng một khu dân cư nào đó ở ngoại thành! Trừ bọn tớ, ai nghe nổ đùng trên đầu chẳng cho là… bom địch!

Còn chuyện sơ tán ư? Có những bài phơi-ơ-tông viết cứ như thật của mấy anh ký giả «nghe kể lại rồi tán láo»…thì…đúng là không mấy ai biết được rằng:

a-/Hà Nội đã bắt buộc phải đi sơ tán từ lâu! Ngay gia đình tớ cũng có 3 nơi sơ tán vì 3 con phải đi theo 3 trường!

Dân số Hà Nội lúc ấy chẳng còn được nửa triệu người. Đặc biệt qua bao năm sống dưới chế độ bao cấp sau “cải tạo XHCN”, mất tất tần tật rồi, có ai còn gì đâu để mà thương tiếc! Có cái xe đạp là quý nhất với một cuốn sổ gạo và một nắm tem dầu, mỡ, đậu phụ, là…hấp lên đường!

Chính cái không khí «hòa bình đến nơi rồi» đã làm nhiều người «hồi cư» sớm tí chút nên mới có chuyện một đêm 18/12/1971 di tản được 50 vạn người! Nhưng Trở lại nơi sơ tán mới đúng là tính chất của cái đêm đáng nhớ ấy!

Chẳng cần lệnh liếc, chẳng cần phải tổ chức đội đoàn…, chẳng cần ai “lãnh đạo”, mạnh ai thì cứ «vô tư» trở về nơi sơ tán! Ai có xe dùng xe! Ai chạy bộ thì chạy bộ!…

Cho nên, các con đường dẫn ra khỏi thủ đô, tối hôm đó đều…«vui như trẩy hội»!

Con nít vừa đi vừa chạy trên đường sáng trăng, đuổi nhau la hét om sòm. Tớ cũng cảm thấy rất vui khi trực tiếp chứng kiến cái cảnh này do cũng phải đưa đứa con út về nơi sơ tán vì nó cũng như nhiều học sinh khác cứ tưởng hòa bình đến nơi, nên nhân ngày nghỉ lễ, mò về Hà Nội thăm nhà! Nào ngờ! Nói phỉ phui, nếu Đế Quốc Mỹ chủ trương giết người thì chỉ đêm đầu tiên, nó có thể tiêu diệt cả ngàn người trên những con đường dẫn ra khỏi Hà Nội như chơi!

Nhưng may thay, cho đến gần sáng, khi xuất hiện những chiếc ô-tô đủ loại đuổi theo đoàn người đi sơ tán tự động, mới các cháu “ưu tiên lên xe”, tất cả không hề xảy ra một chuyện đáng tiếc nào!

Vậy mà người ta cứ nói «phóng» lên sự thần kỳ của cuộc di tản trong một đêm của nhân dân Hà Nội dưới dự lãnh đạo và tổ chức tài tình cuả Đảng đã đập tan âm mưu của «Đế Quốc Mỹ»! Ôi! tuyên truyền nhồi sọ láo toét cho ba cái anh nông dân i-tờ-rít cách đây 40 năm nay mang ra diễn lại với dân Việt thời @ này! Đúng là họ …liều thật !

Tóm lại VỤ 12 NGÀY ĐÊM, chính phía Mỹ đã dùng chiến thuật ĐÁNH ĐỂ ĐÀM của Việt Cộng một cách hiệu quả hơn «ta» chứ chẳng nhằm mục đích quân sự nào cụ thể! Và họ đã ép «ta» phải trở lại Hội Nghị Paris bằng cái giá tiền, của, và sinh mạng của cả 2 bên không rẻ chút nào!

Bản hiệp ước Paris vẫn được ký mà vẫn không có được sự đòi hỏi của phía Việt Nam là Bồi Thường Chiến Tranh! Chẳng thêm cũng như bớt được điều gì so với bản ký tắt do ông Sáu Thọ mang từ Paris về mà bọn mình đã phải học để mà…”quán triệt” để mà viết baì ca ngợi sự tài tình của Đảng-Bác (dù bác đã chết cả 3 năm rồi)!

Không những thế, nó đã đánh dấu một thời kỳ lịch sử đau thương mới của dân tộc Việt: Đó là sự rút lui khỏi một cuộc chiến bị khoác cho là «xâm lược» của người Mỹ, để lại cho mảnh đất hình chứ S một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn thêm hơn ba năm nữa mang tên «Chiến tranh giải phóng» nhưng thực chất là cuộc chiến để cộng sản hóa khắp vùng Đông Nam Á này!!!

Chính cái thắng lợi 1975 của những người cộng sản miền Bắc đã đưa cả dân tộc Việt này vào chỗ «không thể hòa hợp» cho đến hôm nay và…cho đến…«bao giờ…cho đến bao giờ!» bắt đầu từ cuộc «nắn gân nhau» bằng xương máu của hàng vạn con người…là như vậy đấy!

Là nhân chứng lịch sử còn sót lại («eyes and ears witness»), mình càng thấy «đau» hơn khi người ta đã liều lĩnh bóp méo sự thật, để lừa gạt những thế hệ hôm nay và mai sau!
Và mình quyết phải nói lên, dù mới chỉ nói ra được mới có 1/10 sự thật!
Ai còn sống sót đến ngày hôm nay hãy bổ xung cho lớp trẻ hôm nay được rõ thêm kẻo cứ phải nghe mấy ông già, dù ít tuổi hơn mình, nhưng hầu hết đã lẩm cẩm hết hơi, đang lên Tivi nói ra những điều mà tớ bỗng dưng thấy cần phải viết ngay entry này.

Theo Blog Tô Hải
————————————-

(*) Tất cả những con số tớ đều tra cứu nghiêm túc từ Google (cả ta lẫn Mỹ)! Sức mấy mà tớ nhớ được! Tuy nhiên không tin thì các bạn cứ tra cứu mà xem. Còn nhiều chuyện hay vô cùng!

Thông tin về phiên tòa phúc thẩm xử các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do ngày 28.12.2012

Phạm Viết Bằng (Danlambao) – Cho đến ngày 20.12.2012 thì các luật sư vẫn chưa tiếp xúc với các thành viên CLBNBTD. Dù phiên tòa phúc thẩm chỉ còn 1 tuần nữa sẽ diễn ra. Mọi thông tin về phiên tòa này vẫn được che giấu kín đáo. Ngay cả quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cũng được “ém” rất kín. Về phía các luật sư thì cũng mới nhận được quyết định bào chữa vào ngày 14.12.2012. Hiện chúng tôi được thông tin ban đầu về các luật sư như sau:
1. Anh Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) thì có luật sư Hà Huy Sơn bào chữa.
2. Anh Phan Thanh Hải (blogger Anhbasaigon) có luật sư Đoàn Thái Duyên Hải bào chữa.
3. Chị Tạ Phong Tần (blogger Công Lý & Sự Thật) thì có luật sư Nguyễn Thanh Lương và luật sư Nguyễn Quốc Đạt tham gia bào chữa.
Phiên tòa phúc thẩm dự kiến chỉ 1 buổi sáng trong ngày 28.12.2012.
Thư ký phiên tòa phúc thẩm tên là Nguyễn Anh Quân.
Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm bắt buộc là 3 thẩm phán. Nhưng hiện nay chúng tôi chỉ biết được 2 người trong hội đồng xét xử:
1. Thẩm phán Lê Thành Văn làm chủ tọa phiên xử phúc thẩm này. Ông là người gốc Bình Định, trước đây là Phó chánh án tòa án tỉnh Đồng Nai. Ông Lê Thành Văn mới về Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao khu vực 3, được giới hoạt động tư pháp ở Sài Gòn đánh giá là người ôn hòa, ít nói.
2. Thẩm phán Huỳnh Lập Thành là thẩm phán thứ nhì trong phiên xử phúc thẩm các thành viên CLBNBTD. Ông Huỳnh Lập Thành là con trai của ông Huỳnh Tấn Phát. Một trớ trêu trong việc kiêm nhiệm là ông Huỳnh Lập Thành cũng là một Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội Sài Gòn; tức là một người vừa làm bên lập pháp cũng làm luôn công việc tư pháp
3. Thẩm phán thứ 3 thì chúng tôi chưa được biết. Nhưng một cán bộ tham mưu của tòa án thành phố thì tiết lộ có khả năng người thứ 3 là thẩm phán Lương Bội Trâm. Bà Trâm là vợ của thẩm phán Phan Thanh Tùng (người Thanh Hóa) hiên đang là thẩm phán Phó chánh án tòa dân sự Sài Gòn.
Xung quanh dự đoán kết quả phiên phúc thẩm này thì tất cả đều cho là sẽ y án. Sẽ không có gì thay đổi kết quả trong phiên sơ thẩm vừa qua. Trong phiên tòa phúc thẩm kỳ này thì các luật sư sẽ được trình bày trong vòng 20 đến 25 phút chứ không như phiên sơ thẩm mỗi luật sư chỉ có 10 phút để bào chữa
Một nguồn tin từ tòa án thành phố cho hay là bản thân và gia đình của thẩm phán Vũ Phi Long rất lo lắng việc ông bị Liên Minh Âu Châu cấm nhập cảnh vào EU vì ông làm chủ tọa phiên xử sơ thẩm vừa qua. Phiên xử sơ thẩm các thành viên CLBNBTD đã bị dư luận trong và ngoài nước bất bình. Phiên xử này vừa vi phạm luật pháp của nhà cầm quyền hiện nay cũng như chà đạp lên các công ước quốc tế về nhân quyền mà nhà cầm quyền nhà nước cộng sản Việt Nam đã ký kết
Chúng tôi sẽ theo dõi mọi diễn tiến của phiên xử phúc thẩm sắp đến và thông tin đến bạn đọc thôn Danlambao.

Năm người được trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett

Các blogger Việt Nam được vinh danh vì đã dấn thân cho nhân quyền

aaaho

Năm người được trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett 

HRW (New York, ngày 20 tháng Mười Hai năm 2012) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố có năm blogger người Việt trong số 41 cá nhân xuất sắc từ 19 quốc gia vừa được trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett để ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị. Đó là Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Minh HoàngVũ Quốc Tú (xin xem tiểu sử tóm tắt của từng người ở cuối bài).
“Cũng như những người Việt khác đang thực thi quyền tự do ngôn luận, nhiều người trong giới blogger ngày càng phát triển của đất nước này đang phải chịu sức ép gia tăng từ các hành động đe dọa, tấn công, thậm chí bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa,” ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, là tổ chức quản lý giải thưởng thường niên Hellman/Hammett nói. “Qua việc vinh danh năm cá nhân dũng cảm này, những người đã phải chịu đựng nhiều và đang tiếp tục đối mặt với những nguy cơ đe dọa các quyền cơ bản của mình, chúng tôi có vinh dự được tiếp thêm sức mạnh cho những tiếng nói mà Đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam muốn ngăn cản họ không được tham gia công luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội của Việt Nam.” 
Những người Việt mà tiếng nói phê bình và cảnh tỉnh bị chính quyền muốn dập tắt được trao giải năm nay thể hiện sự đa dạng của nhiều thành phần trong xã hội, gồm: nhà vận động tự do tôn giáo Nguyễn Hữu Vinh (J.B Nguyễn Hữu Vinh); nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Minh Hoàng (bút danh Phan Kiến Quốc); nhà báo tự do Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ), nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn và nhà bình luận chính trị, xã hội trẻ tuổi Huỳnh Thục Vy. Cả năm người đều bị chính quyền đàn áp vì những bài viết của họ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cản trở một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, và đàn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, vạch trần quan chức tham nhũng, hay kêu gọi các giải pháp dân chủ thay thế cho chế độ cai trị độc đảng. Những người cầm bút thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị các “tòa án nhân dân” kết án tù nhiều năm, bị công an tạm giữ và thẩm vấn liên miên, bị nhiều cơ quan chính quyền theo dõi gắt gao, hạn chế đi lại trong nước và cấm xuất cảnh, bị nhân viên an ninh và côn đồ lạ mặt đánh đập, bị phạt hành chính, và bị cản trở các cơ hội tìm việc làm để sinh sống.
Vào ngày 16 tháng Mười Hai, tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, công an cấm blogger Huỳnh Trọng Hiếu rời Việt Nam đi Mỹ để nhận giải thưởng Hellman/Hammett năm 2012 thay cho cha Huỳnh Ngọc Tuấn và chị gái Huỳnh Thục Vy, đồng thời tịch thu hộ chiếu của anh. Theo công an, họ làm như vậy theo yêu cầu của công an tỉnh Quảng Nam, nơi gia đình họ Huỳnh sinh sống. Hai người được nhận giải Hellman/Hammett 2012 khác là blogger Nguyễn Hữu Vinh và Vũ Quốc Tú cũng từng bị cấm rời khỏi Việt Nam (Nguyễn Hữu Vinh trong tháng Tám năm 2012 và Vũ Quốc Tú vào tháng Năm năm 2010). Blogger Phạm Minh Hoàng đang thi hành án 3 năm quản chế, và không được ra khỏi địa phận phường đang cư trú.
Trong một vụ việc gần đây, ba thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, từng được nhận giải thưởng Hellman/Hammett, Nguyễn Văn Hải (viết blog với bút danh Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải (viết blog với bút danh Anhbasg) bị xử án tù giam vào ngày 24 tháng Chín năm 2012 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.” Cũng trong tháng đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang chịu sức ép đấu đá chính trị, đã lệnh cho Bộ Công an tấn công các blog và trang mạng không vừa ý chính phủ, trừng phạt những người sáng lập ra các blog và trang mạng đó, và cấm công chức, viên chức nhà nước đọc và/hoặc phát tán thông tin từ các trang nói trên.
“Trong khi chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các cộng đồng liên mạng đang cất lên tiếng nói trực ngôn ngày càng mạnh bạo, hơn bao giờ hết, thế giới cần hưởng ứng việc làm của năm người Việt Nam được nhận giải thưởng Hellman/Hammett năm nay,” ông Adams phát biểu. “Các quốc gia dân chủ trên thế giới không nên lẳng lặng tiếp tục làm ăn với Việt Nam như không có chuyện gì xảy ra. Ngược lại, họ nên đặt yêu cầu thả hết các tù nhân chính trị và những người cầm bút làm một điều kiện cho quan hệ hữu hảo.” 
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng tưởng niệm cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người nhận giải thưởng Hellman/Hammett năm 1994 mới qua đời tại nơi lưu vong vào ngày mồng 2 tháng Mười năm 2012. Từng được suy tôn là một trong những nhà thơ chính trị lớn nhất của Việt Nam, Nguyễn Chí Thiện là biểu tượng của ý chí và lòng dũng cảm cá nhân, bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền Việt Nam nhằm dập tắt tiếng nói của ông trong suốt mấy thập kỷ. Lần đầu Nguyễn Chí Thiện bị bắt là năm 1960 vì ông dám bắt bẻ phiên bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về lịch sử. Vào năm 1979, trong khoảng thời gian được tự do ngắn ngủi giữa các đợt tù đày, ông tới sứ quán Anh ở Hà Nội để tìm cách công bố với thế giới hàng trăm bài thơ do ông thầm lặng sáng tác và thuộc lòng trong những lần ở tù trước đó, dù biết mình sẽ bị bắt lại. Các bài thơ đó được xuất bản trong tập thơ có tựa đề “Hoa Địa ngục,” trở thành hiện tượng văn học trên khắp thế giới trong khi chính tác giả đang mòn mỏi sau song sắt của hàng loạt nhà tù ở Việt Nam.
Về Giải thưởng Hellman/Hammett 
Giải thưởng thường niên Hellman/Hammett được trao cho các nhà văn trên khắp thế giới là nạn nhân của đàn áp chính trị hoặc lạm dụng về nhân quyền. Một ban tuyển chọn uy tín sẽ trao giải thưởng bằng tiền mặt nhằm vinh danh và trợ giúp những cây bút mà công việc sáng tác và hoạt động của họ bị đàn áp do chính sách hà khắc của chính quyền.
Giải thưởng này mang tên nhà biên kịch người Mỹ Lillian Hellman và bạn đồng hành lâu năm của bà, tiểu thuyết gia Dashiell Hammett. Cả hai đều từng bị truy vấn trước các ủy ban quốc hội Mỹ về niềm tin chính trị và liên hệ với các nhóm phái của họ trong thời kỳ điều tra chống cộng ngặt nghèo do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy dấy lên vào thập niên 1950. Hellman chịu thiệt thòi về nghề nghiệp và gặp khó khăn khi kiếm việc làm. Hammet phải vào tù một thời gian.
Năm 1989, những người chịu trách nhiệm điều hành di chúc của Hellman đề nghị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thiết lập một chương trình nhằm giúp đỡ các cây bút bị đàn áp vì bày tỏ những quan điểm ngược với chính phủ của họ, vì chỉ trích các quan chức hoặc các hành động của chính phủ, hoặc vì viết về những đề tài mà chính phủ của họ không muốn phơi bày ra ánh sáng.
Trong 23 năm qua, hơn 750 cây bút từ 92 nước đã nhận giải Hellman/Hammett với phần thưởng lên tới 10.000 đô la Mỹ một người, tổng giá trị lên tới hơn 3 triệu đô la Mỹ. Chương trình này cũng trao những khoản tài trợ khẩn cấp nhỏ cho những người cầm bút đang cần cấp tốc rời khỏi đất nước của họ, hoặc những người cần được điều trị y tế ngay sau khi ra tù hoặc bị tra tấn.
“Giải Hellman/Hammett nhằm mục đích giúp đỡ những nhà văn đã chịu thiệt thòi vì bày tỏ những ý kiến hoặc thông tin chỉ trích các chính sách hay phê phán nhà cầm quyền,” Lawrence Moss, điều phối viên của giải thưởng, phát biểu. “Nhiều nhà văn được vinh danh qua giải thưởng này cùng chia sẻ mục đích chung với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Bảo vệ nhân quyền cho những người dễ bị tổn thương bằng cách đưa ra trước ánh sáng những vụ lạm dụng và xây dựng áp lực công luận để thúc đẩy những thay đổi tích cực.” 
Để xem tiểu sử của tất cả các nhà văn được công khai trao giải thưởng Hellman-Hammett năm 2012, xin truy cập: http://www.hrw.org/node/112138
Hạn nộp hồ sơ đề cử giải thưởng Hellman/Hammett 2013 là ngày 15 tháng Hai năm 2013.
Thông tin thêm về chương trình Hellman/Hammett và mẫu đề cử giải 2013 có tại trang http://www.hrw.org/hhgrants/nominations
Muốn xem thêm các báo cáo về Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xin truy cập: https://www.hrw.org/languages?lang=vi
Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Đăng ký cập nhật trên twitter @johnsifton
Ở New York, Lawrence Moss (tiếng Anh), +1-212-216-1810; +1-212-228-4272 (di động); hoặc mossl@hrw.org
Ở Boston, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): + 1-917-378-4097 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Đăng ký cập nhật trên twitter @Reaproy
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-510-926-8443 (di động); hoặc adamsb@hrw.org. Đăng ký cập nhật trên twitter @BradAdamsHRW
Lý lịch và trích dẫn bài viết của những người ở Việt Nam được trao giải Hellman -Hammett 2012 
Huỳnh Ngọc Tuấn 
Huỳnh Ngọc Tuấn là một cây bút có nhiều ảnh hưởng với hàng chục bài báo, xã luận và một tập truyện phơi bày những bất công xã hội và bạo quyền của chính phủ. Các bài viết của ông đề cao nhân quyền, dân chủ và niềm tin cá nhân về tính ưu việt của một hệ thống đa đảng. Ông bị bắt vào tháng Mười năm 1992 vì muốn chuyển ra nước ngoài tập truyện phê phán chính sách nhà nước, khiến ông bị khởi tố về tội tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Vào tháng Tư năm 1993, ông bị xử 10 năm tù kèm theo 4 năm quản chế. Mặc dù vậy, sau đó ông vẫn tiếp tục duy trì thái độ bất đồng chính kiến, và viết một cuốn hồi ký ghi lại quãng thời gian mười năm trải qua các nhà tù khác nhau. Năm 2007, ông gia nhập Khối 8406, một nhóm cổ vũ cho dân chủ.
Năm 2011, công an khám nhà Huỳnh Ngọc Tuấn và tịch thu một máy tính, các phụ kiện máy tính và nhiều sổ tay, vở viết. Ông bị phạt 100 triệu đồng Việt Nam (khoảng 5.000 đô la Mỹ) về tội dùng công nghệ thông tin hoạt động tuyên truyền chống nhà nước. Công an gây sức ép khiến Huỳnh Ngọc Tuấn không thể tìm được việc làm. Hai người con ông Huỳnh Ngọc Tuấn là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu cũng là những người viết blog nổi tiếng. Họ cũng phải chịu sự theo dõi, đe dọa, thẩm vấn và các hình thức sách nhiễu khác của công an, như bị thu máy chụp hình và điện thoại di động.
“Ở VN chi phối mọi mối quan hệ xã hội không phải là Luật pháp mà là ý chí của Đảng CS. Đảng CS có toàn quyền tuyệt đối trong mọi quyết định, từ những việc có liên quan đến vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc cho đến kinh tế, văn hóa và đời sống của nhân dân. Đảng CS vừa có trong tay sức mạnh “cứng” như nhà tù, công an hùng hậu, quân đội đông đảo và cả hệ thống “Pháp luật” để phục vụ cho quyền uy đó. Và họ có cả “quyền lực mềm” như: nguồn tài nguyên quốc gia, hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình, giáo hội quốc doanh… cho nên họ có thể kiểm soát và chi phối xã hội bằng sức mạnh của quyền lực “cứng” hoặc sử dụng quyền lực “mềm” như chiếc đũa thần chỉ đạo từ trên cao, và dân chúng bị biến thành một bầy cừu, một thứ con rối mà không hề hay biết hoặc hay biết nhưng bất lực hoặc đồng lõa.” – Huỳnh Ngọc Tuấn, 2012
Huỳnh Thục Vy 
Con gái ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy là một người viết blog chính trị trẻ tuổi có nhiều bài viết được phổ biến rộng rãi trên mạng. Vì có cha là tù nhân chính trị, Huỳnh Thục Vy sớm phải chịu sự kỳ thị từ thời thơ ấu. Đến cuối năm 2008, cô bắt đầu đăng một số bài viết trên trang web Đàn Chim Việt ở nước ngoài. Các bài viết của Huỳnh Thục Vy đề cập đến nhiều vấn đề chính trị, xã hội và đề cao một hệ thống chính trị đa đảng, tự do và dân chủ, và kêu gọi những người trẻ tuổi quan tâm hơn đến chính trị và xã hội. Dù chỉ tự học về luật, nhưng Huỳnh Thục Vy nổi lên như một nhân vật vận động cho một xã hội pháp quyền, và viết nhiều bài ủng hộ những nhà hoạt động pháp lý bị bỏ tù vì các tham gia các hoạt động ôn hòa.
Sau khi tư gia của gia đình họ Huỳnh bị khám xét, sách vở và máy tính bị tịch thu (như đã kể ở phần trên), Huỳnh Thục Vy bị phạt hành chính 85 triệu đồng Việt Nam (khoảng 4,250 đô la Mỹ). Cũng giống như cha mình, sức ép của công an khiến Huỳnh Thục Vy gặp nhiều trở ngại khi đi tìm việc làm để sinh sống.
“Ở Việt Nam, đi bầu cử là một chuyện không thể không làm – dù có muốn hay không. Đơn giản vì chuyện bầu bán ở đây không có gì quan trọng bởi nó hoàn toàn không thay đổi hay ảnh hưởng gì đến bất cứ vấn đề lớn nhỏ nào liên quan đến quốc gia ở tầm vĩ mô, nó cũng chẳng liên quan gì đến đời sống của từng cộng đồng dân cư cụ thể nào…
“Im lặng trước nghịch lý chính là đồng ý với sự nghịch lý đang diễn ra và điều ấy là thiếu trách nhiệm với bản thân mình, cũng như thiếu tinh thần xã hội với đất nước. Chúng ta phải lựa chọn cho chính mình một xã hội tiến bộ, trong đó quyền bầu cử, ứng cử phải được diễn ra trong công bằng, dân chủ và tự do đúng nghĩa.” – Huỳnh Thục Vy, 2011
Nguyễn Hữu Vinh 
Nguyễn Hữu Vinh (Jean Baptiste Nguyễn Hữu Vinh hoặc J.B Nguyễn Hữu Vinh) là một blogger Công giáo nổi tiếng, vận động cho tự do tôn giáo và các quyền cơ bản của con người. Ông viết về các vấn đề được công luận quan tâm nhiều, ví dụ như nạn cưỡng chế đất đai, nạn bạo hành của công an, chính sách hà khắc của chính quyền, và các hành động đàn áp tôn giáo và tự do tôn giáo. Ông cũng nổi tiếng với loạt phóng sự năm phần tả chi tiết phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động pháp lý nổi tiếng, Ts. Cù Huy Hà Vũ. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Vinh còn sáng tác thơ và truyện ngắn bình về các vấn đề chính trị và xã hội. Trong số các bài viết năm 2012 trên blog của ông có truyện trào phúng bốn kỳ nhan đề “Gặp Tổng thống Obama” với nhân vật chính là tác giả, gặp được Obama trong mơ và hai người trao đổi về các vấn đề như tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Nguyễn Hữu Vinh bị theo dõi gắt gao, đe dọa, thẩm vấn và tạm giữ. Ông từng hai lần bị côn đồ lạ mặt tấn công: lần thứ nhất vào tháng Giêng năm 2010, khi đưa tin công an ngược đãi giáo dân trong vụ tranh chấp đất đai giữa giáo xứ Đồng Chiêm và chính quyền địa phương; lần sau, vào tháng Bảy năm 2012, sau khi đưa tin trên blog về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hồ Hoàn kiếm, Hà Nội. Hồi tháng Tám năm 2012, chính quyền cấm Nguyễn Hữu Vinh rời Việt Nam để đưa mẹ đi chữa bệnh tại Singapore.
Con đường hàng tỉnh tôi đi
Sáu mươi năm ấy có gì đổi thay?
Bên đường, biệt thự đang xây
Ống tiêm, kim chích vứt đầy lối xưa
Mấy đứa nghiện hút vật vờ
Cháu con các cụ ngày xưa đi cày
Mấy đứa nghiện hút vật vờ.
Là con các cụ ngày xưa đi cày
Hỏi sao ra nông nỗi này
Thưa rằng, dự án đổi thay từng giờ
Bờ xôi ruộng mật khi xưa
Đã thành dự án cho vừa lòng quan
Nửa mơ, nửa tỉnh bàng hoàng
Nông thôn đổi mới, tan hoang từng nhà
Nông dân, người chủ khi xưa
Thành dân lưu lạc, vật vờ hôm nay
Dân oan tăng trưởng từng ngày
Trước làm nông nghiệp, ngày nay… thị thành – Nguyễn Hữu Vinh, 2012
Phạm Minh Hoàng 
Phạm Minh Hoàng (bút danh Phan Kiến Quốc) từng giảng dạy khoa học ứng dụng tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Trên blog, ông viết về các vấn đề chính trị và xã hội, như quyền của người lao động, nạn hủy hoại các di tích văn hóa trên khắp đất nước và nạn ô nhiễm môi trường. Ông mở các khóa dạy kỹ năng “mềm” cho thanh niên, dạy họ cách xây dựng lòng tự tin và hình thành thế giới quan khoa học để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Theo báo chí nhà nước, Phạm Minh Hoàng bị quy là đã dạy thanh niên về bất phục tùng dân sự trong các khóa học này.
Phạm Minh Hoàng bị bắt ngày 13 tháng Tám năm 2010 vì bị quy cho là có quan hệ với một đảng bị chính quyền Việt Nam cấm đoán là Việt Tân, tổ chức từng âm mưu nổi dậy chống cộng sản nhưng sau này đã chuyển hướng sang đấu tranh ôn hòa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không thấy chứng cứ nào cho thấy Phạm Minh Hoàng đã ủng hộ hay tham gia bạo động chống chính phủ. Ngược lại, theo chính báo chí nhà nước, “tội” của Phạm Minh Hoàng là đã viết “33 bài xuyên tạc chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước.” Ông bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử ngày mồng 10 tháng Tám năm 2011 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Ông bị kết án theo điều 79 của bộ luật hình sự Việt Nam với mức án ba năm tù giam, kèm theo ba năm quản chế. Trong phiên xử phúc thẩm ngày 29 tháng Mười Một năm 2011, Tòa án Nhân dân Tối cao giảm mức án dành cho ông xuống còn 17 tháng, nhờ đó Phạm Minh Hoàng được thả ngày 13 tháng Giêng năm 2012. Tuy nhiên, ông hiện đang trong thời gian quản chế ba năm, và không được rời khỏi địa bàn phường đang cư trú.
“Trong một thời gian dài, VN là nơi có giá nhân công thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngành thâm dụng lao động. Đến nay, VN đã trở thành nơi gia công lớn trong khu vực. Hệ quả của giá nhân công rẻ là đời sống công nhân ngày càng tồi tệ. Từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, ngừng việc tập thể…
“Nếu nhà nước không có những cơ chế bảo vệ người lao động mà mãi chạy theo con số tăng trưởng thì những xung đột này sẽ chẳng bao giờ chấm dứt và VN sẽ mãi mãi chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp gia công với những rủi ro, những bất trắc, những lệ thuộc mà chúng ta vẫn thường thấy.
“Để trả giá cho việc ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế, nông dân và công nhân là nạn nhân đã đành, nhưng còn một tác hại vô cùng quan trọng là vấn đề ô nhiễm môi trường đã đang và sẽ hủy hoại sức khỏe của hàng triệu người trong những năm tháng tới.” – Phạm Minh Hoàng, 2009
Vũ Quốc Tú 
Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ) là một nhà báo tự do và blogger. Ông viết cho báo chí của nhà nước trong thập niên 1990 và bắt đầu viết blog từ giữa những năm 2000. Vũ Quốc Tú là thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, được thành lập vào tháng Chín năm 2007 với mục đích vận động cho tự do ngôn luận và báo chí độc lập. Sau khi ra đời, trong mấy tháng đầu tiên, các thành viên của câu lạc bộ liên tiếp đưa tin về những chuyện hoặc sự kiện bị chính quyền và báo chí nhà nước ỉm đi hoặc lờ đi. Ví dụ như, họ đưa tin về những cuộc đình công tự phát của công nhân khu công nghiệp Bình Dương, về vụ xử các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, các vụ biểu tình ngoài đường phố phản đối Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008, các vụ tranh chấp đất đai giữa nhà thờ Công giáo và chính quyền địa phương, và các vụ biểu tình của sư sãi Miến Điện năm 2007. Ba thành viên khác của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cũng đã từng được nhận giải thưởng Hellman/Hammett, là các blogger: Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), Phan Thanh Hải (bút danh Anh Ba Sài Gòn hay Anhbasg) và Tạ Phong Tần, cả ba người đều đang phải ngồi tù vì đã thực thi quyền tự do ngôn luận.
Vũ Quốc Tú viết về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Ông là người điểm sách cuốn “Trại Súc vật” của Orwell, và các tập thơ bất đồng chính kiến của Trần Vàng Sao và Bùi Chát. Ông cũng lên tiếng bênh vực cho cây bút đồng nghiệp Nguyễn Văn Hải đang bị tù đày.
Vũ Quốc Tú sống cùng vợ là Lê Ngọc Hồ Điệp, người viết blog với bút danh Trăng Đêm. Hai vợ chồng họ đã bị công an sách nhiễu trắng trợn, từ theo dõi gắt gao đến thẩm vấn và đánh đập. Vào ngày mồng 1 tháng Năm năm 2010, công an tạm giữ Vũ Quốc Tú và Lê Ngọc Hồ Điệp ở sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh khi họ chuẩn bị lên máy bay đi Băng Cốc nghỉ tuần trăng mật. Công an câu lưu và thẩm vấn họ trong suốt mấy tiếng đồng hồ và cấm họ xuất cảnh, viện dẫn lý do cần bảo vệ an ninh quốc gia. Công an cũng gây sức ép ngăn không cho Vũ Quốc Tú tìm được việc làm.
“…chúng tôi tham gia biểu tình cũng là một cách bày tỏ thái độ một cách ôn hòa. Nhưng nhiệt tình của thanh niên Việt Nam từ Hà Nội đến Sài Gòn đã bị từ chối, các cuộc biểu tình ôn hòa tắt ngấm. Tôi mất việc đến hôm nay, nhiều người khác mất chỗ ở, mất việc làm kiếm sống. Những người hăng say nhất lại bị gặp khó khăn nhiều nhất. Có người bỏ nước ra đi… Những tấm lòng yêu nước nhìn nhau e dè. Nhưng tôi vẫn tin, dù chỉ là những cánh én nhỏ nhoi, những người thanh niên đầy sức sống ấy đã báo hiệu là Mùa Xuân của tổ quốc Việt Nam đang về.” – Vũ Quốc Tú, 2009.
HRW gửi Dân Làm Báo

danlambaovn.blogspot.com

By nguoisantin

Huy Đức – Không thể cứ trú ngụ trong sự sợ hãi

Huy Đức

373111_513382712014083_581802536_nCó rất nhiều câu hỏi tác giả muốn trả lời nhưng thật là không phải nếu mình đã đặt ra “luật” rồi lại không tuân theo “luật”. Không ngờ việc điều chỉnh những sai sót mà bạn đọc giúp phát hiện sau khi phát hành Gải Phóng và công việc “bếp núc” cho Quyền Bính lại mất nhiều thời gian như vậy. Nên xin lỗi là tới hôm nay tác giả Bên Thắng Cuộc mới có thể trả lời 10 câu hỏi được gửi tới trong tuần qua của bạn đọc.:

Dao Truong Theo anh dự đoán, chính quyền và nhà nước Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào về cuốn sách này?

Tôi không dự đoán. Nhưng khi viết cuốn sách này tôi quan tâm tới sự phản ứng bên trong của những người đọc có lương tri, kể cả những người đọc đang làm việc trong chính quyền Việt Nam, hơn là quan tâm đến những phản ứng công khai.

Long Nguyen Anh Huy Đức có đặt mục tiêu làm tiếp cuốn 3 về sai lầm trong giai đoạn 2006- hiện tại ko?

Cuốn sách của tôi nói về những gì đã xảy ra chứ không chỉ nói về những sai lầm. Nhưng, bạn đâu đã biết cuốn II của tôi nói về giai đoạn nào?

Thaiduong Nguyen Câu hỏi này hơi riêng tư, nhưng chú Osin HuyDuc có nghĩ rằng việc cho ra đời bộ sách này sẽ cản trở việc chú về thăm lại Việt Nam? Chú có ký tặng sách cho 10 câu hỏi nào có nhiều like nhất không?

Tôi nghĩ, những người đã nhận được câu trả lời thì không nên nhận sách tặng nữa! Thời gian fellowship của tôi chỉ một năm, học xong tôi sẽ về Việt Nam luôn chứ không có ý định về… thăm bạn ạ.

Con Đường Bụi Nắng xin hỏi bác Huy Đức một câu hỏi xưa như trái đất: Tiết lộ thông tin nội bộ của Đảng, Nhà nước trong cuốn sách này bác có “sợ” những điều không hay xảy ra với mình vì vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước[1] không ạ?

Tôi không nghĩ là mình nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định đó. Tôi ý thức được những gì mình đang làm. Sự thật không chỉ giúp chúng ta tìm ra phương thuốc đúng để chữa lành các vết thương cũ mà còn giúp những người đang nắm vận mệnh quốc gia không phạm các sai lầm mới. Không ai muốn hứng chịu “những điều không hay” nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sợ hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra bạn ạ.

Joseph Trí Kinh Thánh có câu: “Sự thật giải thoát anh em”, phải chăng anh muốn mọi người ở các bên đang còn u mê, định kiến được giải thoát và xúc tiến một tiến trình hòa giải dân tộc đích thực?

Tôi không rõ Thiên chúa nói điều đó trong hoàn cảnh nào. Hòa giải đối với một dân tộc như Việt Nam không chỉ phải vượt qua những “định kiến, u mê” mà còn phải vượt qua biết bao đau thương cho nên chỉ “sự thật” thì chưa đủ để “giải thoát anh em”. Tuy nhiên, như tôi đã nói trong lời mở đầu cuốn sách, “không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ”, nếu bạn mong muốn có một tương lai hòa giải thì ngay bây giờ bạn phải đối diện với từng sự thật.

Jiraiya Sama Làm thế nào để sách của chú được phổ biến rộng rãi cho thế hệ học sinh, sinh viên trong nước khi họ đã và đang “được” đào tạo bởi những quyển SGK khô khan, thiếu thốn sự kiện lịch sử?

Nếu chính mình không từng là nạn nhân của những bộ sách giáo khoa khô khan, phiến diện, thì tôi đã không cố gắng để thực hiện cuốn sách này. Tôi nghĩ khả năng phổ biến của internet là đủ rộng rãi để cho bất cứ ai mưu cầu kiến thức đều có thể tiếp cận. Đó là lý do tôi chọn internet làm kênh phát hành. Hiện nay, theo các số liệu trên Amazone, Smashwords và theo những thông tin mà tôi biết được thì Bên Thắng Cuộc đang chủ yếu được đọc bởi người Việt Nam trong nước.

Tuấn Cận Bao giờ có bản free hở bác?

Như tôi đã nói trong một status, “khi quyết định tự mình đưa cuốn sách Bên Thắng Cuộc lên ‘tủ sách’ của Amazon và Smashwords, tôi muốn giới thiệu công trình nghiên cứu của mình với các bạn với tư cách là một người ghi chép sự kiện lịch sử bằng kỹ năng của một nhà báo. Việc quyết định không chuyền tay miễn phí sản phẩm này, với tôi, có một ý nghĩa quan trọng: Tôi không muốn bộ sách bị nhìn nhận như một bản truyền đơn dài, hoặc một tài liệu lén lút tìm cách đặt vào tay bạn đọc qua những kênh không chính thống”. Cách làm này đã có được sự ủng hộ rộng rãi của bạn đọc và điều đáng mừng là trong những ngày gần đây, nội dung cuốn sách đang được các bên bàn luận tới.

Tran Vu Dung mới đọc được nửa cuốn của chú, cảm nhận dưới ngòi bút của chú các lãnh đạo Bắc Việt nhu LD, VVK…đều tốt, đều hiểu và trăn trở về tình hình nội ngoại nhưng tất cả đều phải làm sai do cơ chế, do sức ép của TQ và LX… có phải chú vẫn chưa nói hết?

Tôi chỉ có thể nói hết những sự thật mà tôi biết, những sự thật mà tôi có đủ bằng chứng và có đủ niềm tin. Còn ai tốt, ai xấu là tùy thuộc vào cách cảm nhận của từng người đọc. Theo tôi, khi đánh giá một nhà cầm quyền phải đánh giá cả những ứng xử mang tính cá nhân mà đôi khi chỉ gây ảnh hướng tới những người thân và những quyết định mang tính chính sách thường gây ảnh hưởng tới toàn xã hội. Một nhà lãnh đạo có nhân thân tốt không có nghĩa là sẽ không phải chịu trách nhiệm về những gì mà ông ta đã gây ra cho nhân dân, cho đất nước.

Thuc Nguyen Bao nhiêu người đang lãnh đạo “Bên thắng cuộc” sẽ đọc quyển sách này? Họ có chấp nhận đó là sự thật, là lịch sử hay lại gọi tác giả là “phản động”? Qua quyển sách này, những người của “Bên thắng cuộc” có nhìn ra được những bước đi sai lầm để đưa dân tộc Việt đi vào đúng con đường dân chủ và phát triển mà hơn 90 triệu người Việt khắp nơi trên thế giới đã từng và vẫn đang mong ước không?

Tôi mong các nhà lãnh đạo hiện nay đọc Bên Thắng Cuộc cho dù họ đánh giá cuốn sách như thế nào. Nhận ra những sai lầm để “đưa dân tộc Việt Nam đi đúng con đường dân chủ, phát triển” là mong ước của chúng ta. Nhưng tương lai dân tộc không thể chỉ được trông cậy vào một cuốn sách hay vào chỉ trông cậy vào các nhà lãnh đạo ở “bên thắng cuộc”.

Nguyễn Đình Trị Rồi anh Osin HuyDuc sẽ có giống như những Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên… không?

Tôi không nghĩ là tôi có thể “giống” được chị Dương Thu Hương hay anh Vũ Thư Hiên. Thế hệ chúng tôi đã tự vấn rất nhiều khi đọc “Đêm Giữa Ban Ngày” của anh Vũ Thư Hiên. Còn văn chương của chị Dương Thu Hương thì tôi đọc từ khi đang là một người lính. Gần đây khi đọc lại những phát biểu vào năm 1989, 1990 của chị Dương Thu Hương (mà tôi sẽ đề cập trong cuốn II) tôi thực sự ngưỡng mộ sự hiểu biết lúc đó của chị. Hầu hết những việc làm có ý nghĩa nhất của chị Dương Thu Hương đều được tiến hành khi chị ở Việt Nam. Dương Thu Hương là một ví dụ cho thấy chúng ta có thể làm được nhiều việc từ trong nước nếu như chúng ta không sợ hãi.

Theo blog FB của HĐ

…………………………

[1] Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/12/1997 của Bộ Chính trị về việc “Nói và viết những vấn đề liên quan đến lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”; Chỉ thị 48-CT/TW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ bí mật của Đảng trong phát ngôn và sử dụng bảo quản thông tin, tài liệu trong tình hình mới”; Khoản 3 “Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định”, khoản 4 “Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” thuộc Điều 10, Luật Xuất bản; Điều 271 Bộ Luật Hình sự của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam “Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác”

By nguoisantin

Việt Nam ‘gần cuối bảng về độ hạnh phúc’

Người bán hàng rong đẩy xe trên phố ở Hà Nội hôm 14/9/2012Người Việt Nam được cho là kém hạnh phúc so với hơn 100 nước khác

Một khảo sát vừa công bố của Gallup nói người Việt Nam xếp thứ 121/148 nước và lãnh thổ về độ hạnh phúc, ngang với Nga, Iran và Palestine nhưng trên Singapore, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong số 10 nước đứng đầu về chỉ số hạnh phúc có hai nước trong khối ASEAN – Thái Lan và Philippines xếp thứ sáu và thứ tám.

Bảy trong số tám nước còn lại trong top 10 nằm ở Mỹ Latin với Panama, Paraquay, El Salvador, Venezuela chiếm các vị trí nhất, nhì, ba, tư.

Gallup nói họ đã hỏi 1000 người dân tại mỗi trong số 148 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát trong năm 2011.

Các câu hỏi chính bao gồm:

  • Bạn có nghỉ ngơi thoải mái ngày hôm qua không?
  • Bạn có được đối xử một cách tôn trọng trong suốt cả ngày hôm qua không?
  • Bạn có mỉm cười và bật cười nhiều trong ngày hôm qua không?
  • Bạn có học hay làm điều gì thú vị ngày hôm qua không?
  • Thế còn các thú vui thì sao?

Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới thuộc khối G8 nằm ở các vị trí khác nhau trong bảng xếp hạng: Canada – 11, Anh -30, Hoa Kỳ – 35, Đức – 50, Pháp – 51, Nhật Bản – 59, Ý – 90 và Nga – 118.

Các nước đứng cuối bảng theo thứ tự từ đáy lên là Singapore, Armenia, Iraq, Georgia, Yemen, Serbia, Belarus, Lithuania, Madagascar và Afghanistan.

‘Việt Nam là sướng’

Tin Việt Nam đứng gần cuối bảng về chỉ số hạnh phúc cũng được trang tin Bấm VnExpress của Việt Nam đưa lại với tít ‘Người Việt ít hạnh phúc’.

Còn một nhà báo tại Sài Gòn bình luận trên mạng xã hội: “Tin hay không thì tùy nhưng theo kết quả khảo sát vừa công bố của Viện Gallup, dân Việt hài lòng với cuộc sống hơn dân Singapore nhưng bất hạnh hơn dân Lào, Cam bốt và tất cả các nước ASEAN còn lại.”

Trong khi đó một số độc giả của  BBC trên Facebook, hầu hết là những người trẻ tuổi, cũng có những bình luận của riêng mình.

“Ai sang nước ngoài học tập và làm việc mới hiểu ở Việt Nam là sướng, tất nhiên là trong trường hợp phải có đồng ra đồng vào, chứ không có tiền thì ở Việt Nam lại nhục hơn.”

Nguyen Thanh Hung trên Facebook của BBC Tiếng Việt

“Ngày hôm qua là ngày tồi tệ của mình, hỏi hôm khác thì hầu hết là mình cười và hạnh phúc” – đó là lời của Nguyễn Thùy Linh.

William Truong viết: “Người Việt Nam ít khi nào thú nhận điều không tốt về họ, hoặc trả lời đại cho qua – chẳng trách cái Viện Gallup này nhầm lẫn.”

Nguyen Thanh Hung nhận xét: “Có đi nước ngoài học tập và làm việc mới hiểu, ở Việt Nam tâm lý hưởng thụ còn nặng.

“Các bạn đang quen sáng ăn bún phở, trưa cơm văn phòng, chiều bia bọt, tối cà phê?

“Ai sang nước ngoài học tập và làm việc mới hiểu ở Việt Nam là sướng, tất nhiên là trong trường hợp phải có đồng ra đồng vào, chứ không có tiền thì ở Việt Nam lại nhục hơn.”

Hồi giữa năm nay Bấm báo chí Việt Nam dẫn một khảo sát khác nói người Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về hạnh phúc, chỉ sau Costa Rica.

Một số độc giả BBC cũng chỉ ra điều này và Trần Hùng bình luận: “Hạnh phúc là đúng rồi, sáng làm, chiều cà phê, tối nhậu, zô zô thế sao không vui, bia tiêu thụ nhiều mà không hạnh phúc sao được?”

‘Con đường nguy hiểm’

Hãng tin AP của Hoa Kỳ dẫn lời một số chuyên gia nói rằng sự thịnh hành của chỉ số hạnh phúc có thể là “con đường nguy hiểm vốn có thể cho phép các chính phủ dùng cảm nhận tích cực của công chúng như cái cớ để phớt lờ các vấn đề”.

Một số người trả lời phỏng vấn AP nói lý do các nước ở khu vực này lọt vào top 10 có thể do tính cách lạc quan của họ chứ không nhất thiết phản ánh mức sống hay tình trạng kinh tế.

“Cuộc sống thật ngắn ngủi và chẳng có lý do gì để buồn vì nếu chúng ta giàu thì chúng ta cũng vẫn có vấn đề.”

Maria Solis, người bán hàng rong ở Paraguay

“Phản ứng tức thời của tôi là điều này [độ lạc quan] bị ảnh hưởng bởi thiên lệch văn hóa” – đó là nhận xét của Eduardo Lora, người từng nghiên cứu thước đo thống kê về hạnh phúc khi còn là kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.

Ông Lora cũng nói: “Các tài liệu thống kê cho thấy một số nền văn hóa thường phản ứng trước bất kỳ dạng câu hỏi nào theo cách tích cực hơn.”

AP cũng hỏi người dân tại Panama, Paraguay, hai nước đầu bảng và Singapore, đứng cuối bảng.

Công nhân xây dựng Carlos Martinez nói ông không vui vì tội phạm gia tăng nhưng hạnh phúc về gia đình:

“Nhìn chung tôi hạnh phúc vì đây là đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, một đất nước có vai trò quan trọng trên thế giới.

“Chúng tôi là người Caribbe, chúng tôi thích ăn mừng, ăn ngon và sống càng lành mạnh càng tốt. Ở đây có nhiều cơ hội, chỉ cần phải hy sinh hơn một chút thôi.”

Còn Richard Low, một doanh gia ở Singapore nói: “Chúng tôi làm như chó mà được trả lương chết đói. Gần như chẳng có thời gian để đi nghỉ hay nghỉ ngơi nói chung vì người ta luôn phải lên kế hoạch – khi nào thì thời hạn chót hay cuộc gặp tiếp theo sẽ đến.”

Trong khi đó Maria Solis, người bán hàng rong ở Paraguay nói: “Cuộc sống thật ngắn ngủi và chẳng có lý do gì để buồn vì nếu chúng ta giàu thì chúng ta cũng vẫn có vấn đề.

“Chúng ta phải tự cười chính bản thân thôi.”

@bbc

12 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2012 tại Việt nam

2012

 Là người thường xuyên bám sát các sự kiện xảy ra tại Việt Nam trong năm 2012, tôi lựa chọn, theo chủ quan của bản thân, 12 sự kiện trong năm, mà tôi cho là quan trọng và có ảnh hưởng nhất tới dư luận trong nước, cũng như phản ứng của nhà cầm quyền CSVN, đặc biệt là sự tham dự của báo chí truyền thông lề đảng.

Trong từng sự kiện được nêu ra tôi đều đã có các bài viết phân tích và đưa ra những nhận định của mình.

Tôi không xếp theo mức độ quan trọng của sự kiện, mà xếp theo thứ tự thời gian xảy ra từ tháng 1 đến tháng 12. Các bán có thể đồng ý  với tôi và ngược lại, có thể đưa ra sự lựa chọn khác hợp lý hơn.

1. Nhà báo Hoàng Khương

hoangkhuong

Ngày  2/1 phóng viên báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ và khởi tố về tội “đưa hối lộ”.

Trong bài viết “Nhà báo Hoàng Khuơng, tai ương nghề nghiệp và tình người” tôi có trích dẫn lời của nhà báo Huy Đức:

“Cho dù không đồng tình với một số biện pháp nghiệp vụ, Tuổi Trẻ cần phải khẳng định trên mặt báo điều mà Hoàng Khương đã tường trình: “Tôi cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác. Mặt khác, những hiện tượng tiêu cực, vi phạm nói trên đã được Khương thể hiện trong các bài viết và được tòa soạn đồng ý cho đăng tải”.

“Điều 8, Bộ Luật Hình sự quy định: “Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm”. Hành vi của Hoàng Khương chỉ nguy hiểm cho những kẻ tham nhũng chứ không hề nguy hiểm cho xã hội. Có thể, sau khi bắt Hoàng Khương trên báo chí chỉ còn tin cảnh sát giao thông trả lại tiền hối lộ chứ không còn “ăn” hối lộ. Nhưng, không phải những thông tin như thế sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, bởi điều mà người dân cần là tham nhũng không còn chứ không phải là những nhà báo chống tham nhũng không còn nỗ lực để khui ra tham nhũng”.

Bất chấp phản ứng của dư luận, ngày 7/9 Toá án thành phố Sài Gòn đã xử Hoàng Khương 4 năm tù giam.

Trong bài “Nước mắt nghiệp chướng và “Nụ cười Hoàng Khương” tôi viết:

“Bản án dành cho nhà báo Hoàng Khương đã làm tôi, cũng như nhiều người khác phẫn nộ và càng thấy quý mến Hoàng Khương hơn, cho dù khi bắt đầu phiên toà tôi đã ý thức rằng, đối đầu với “thanh gươm và lá chắn” của chế độ, Hoàng Khương khó có thể tránh được đòn trả thù của bộ máy công an trị hà khắc nhất Đông Nam Á. Hơn thế, tham nhũng đã và đang là bản chất của bộ máy cai trị của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) hiện nay, là phương tiện sống còn để vinh thân phì gia của quan chức, đặc biệt là giới khoác áo nhân danh pháp luật tiếp cận hàng ngày với đời sống sinh hoạt của quần chúng”.

“Nhưng bên cạnh những giọt nướcc mắt, nỗi cay đắng, xót xa, tủi nhục của thân phận người làm báo lề đảng, vẫn sáng lên nụ cười. Hoàng Khương cười, với khuôn mặt điềm tĩnh nhìn đồng nghiệp tại phòng xử án và với hai tay bị còng trước khi bị đưa lên xe bít bùng của công an trở về nhà tù, bên cạnh những khuôn mặt hung tợn của đám công an”.

Được biết Hoàng khương đã kháng án và một nguồn tin trên Facebook nói phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra vào cuối tháng 12, khi Hoàng Khương được tại ngoại về chịu tang mẹ hôm 6/12.

2. Đoàn Văn Vươn

DoanVanVuong

Sáng 5/1, với lực lượng hơn 100 công an và quân đội, nhà chức trách địa phương đã cưỡng chế thu hồi đầm nuôi cá Cống Rộc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, và bị gia đình ông Vươn chống trả. Những người trong gia đình đã dùng đạn hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế, làm 4 công an và 2 bộ đội bị thương.

Công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố bắt giam Đoàn Văn Vươn và những người có liên quan, gồm các ông Đoàn Văn Quý (em ruột ông Vươn),  Đoàn Văn Sinh, và Đoàn Văn Vệ, với cáo buộc “giết người và chống người thi hành công vụ”, mặc dù trong ngày xảy ra sự vụ 5/1 ông Vươn vắng mặt vì bận lên Viện Kiểm sát Nhân dân Hải Phòng kháng cáo.

Ngôi nhà hai tầng của ông Vươn bị nhà cầm quyền cho ủi sập. Công an cũng khởi tố Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) nhưng không giam giữ.

Ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận vụ cưỡng chế trái với pháp luật và yêu cầu nhà chức trách địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao.

Chiều ngày 23/2, chủ tịch và phó chủ tịch Uỷ Ban (UB) huyện Tiên Lãng bị cách chức. Ngày 22/10, Cơ quan Công an cũng đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Văn Khanh, phó chủ tịch UB huyện Tiên Lãng; Phạm Xuân Hoa, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng; Phạm Đăng Hoan, Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang; Lê Thanh Liêm, chủ tịch UB xã Vinh Quang, vì hành vi “hủy hoại tài sản”, vi phạm điều 143 Bộ Luật Hình sự.

Tuy nhiên, đến nay ông Vươn vẫn ngồi tù cùng những người thân, còn gia đình chưa có nhà ở, và nói chung chưa được giải quyết bất cứ quyền lợi gì thoả đáng, theo tinh thần kết luận của Thủ tướng.

Trong bài “Thời thổ tả” nhà văn Thuỳ Linh viết:

“Rồi đây anh Vươn sẽ ra sao ở trong lao lý? Nỗi uất nghẹn có thể phá tung gan ruột một người để dẫn người ta đến cái chết. Mình cam đoan anh Vươn sẽ khóc. Những giọt nước mắt còn hơn cả nỗi tuyệt vọng và đau khổ. Nó vượt qua sự chịu đựng và nỗi đau đớn của kiếp người”.

Trên trang Web Bauxite VN ngày 12/2, Ban Biên Tập nhận định:

“Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ông Thủ tướng lại chỉ đặt vấn đề kiểm điểm (đành rằng sau đó một ngày, Bộ trưởng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có tuyên bố rằng “sẽ xem xét kỷ luật lãnh đạo TP Hải Phòng”)? Chẳng lẽ ông không biết rằng nếu không có một cái gật đầu của bọn họ thì bọn ăn cướp ở Tiên Lãng dù có máu tham bằng mười cũng chẳng dám ho he sao? Ông có nghĩ rằng nếu cướp được chừng ấy đầm của ông Vươn, đám cướp Tiên Lãng đâu có dám ăn lấy một mình, còn phải cống nộp nữa chứ. Hãy cứ xem cái mặt núc ních của đại tá Ca thì cũng đủ đoán biết ông ta là người như thế nào, và chắc chắn không phải vô cớ và vô tư khi ông ta tỏ ra rất hể hả nói rằng việc phá nhà ông Vươn ông Quý là một trận đánh tuyệt đẹp đáng viết lại thành sách mẫu mực về chiến công của công an và bộ đội thời buổi này”.

Ông Bí thư Thành uỷ Hải phòng Nguyễn Văn Thành với “Gúc gồ chấm Tiên lãng” và “một trận đánh đẹp” của giám đốc công an Đỗ Hữu Ca, trở thành đề tài châm biếng, mỉa mai trên các phương tiện truyền thông mạng.

3. Ngô Bảo Châu về trí thức Việt Nam

intelectualy

Trên tờ Tuổi Trẻ ngày 20/1/2012, giáo sư Ngô Bảo Châu, được xem là biểu tượng của giới trẻ VN trong nước, phản đối việc “coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm trí thức”, và nói “trí thức là người lao động trí óc… Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.

Nhận xét này đã gây một làn sóng tranh luận sôi động trong giới trí thức, đặc biệt giới cầm bút.

Không đồng ý với Ngô Bảo Châu, bài của tôi viết “Clerc-ism, trí thức trùm chăn và lưu manh giả danh trí thức“, được chuyển trực tiếp cho Ngô Bảo Châu trên Blog “Thích học Toán”, có đoạn:

“Trí thức, nếu được “phong hàm”, thì phải gắn với vai trò phản biện xã hội, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất”.

“Giá trị của sản phẩm có thể “không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội” thật. Nhưng nếu nó được làm ra từ “lao động trí óc” thuần tuý, thì chẳng to tát gì hơn bộ bàn ghế đẹp được làm ra bằng bàn tay khéo léo của người thợ mộc. Tìm ra đáp số bài toán hay chứng minh bổ đề, trong ý nghĩa này, là sản phẩm của anh thợ toán”.

“Cần phải nói rằng, giai tầng trí thức giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống. Stalin gọi họ là ‘những kĩ sư tâm hồn’. Vâng, họ là đối tượng chính của những vụ đàn áp, mà lại rất tàn khốc nữa. Nhưng mặt khác, chính quyền lại luôn sử dụng họ nhằm củng cố hệ thống. Không có nhóm xã hội nào được ve vãn và nịnh bợ như thế, ngoài tầng lớp “con ông cháu cha” cộng sản ra thì không có giai tầng nào được nhiều đặc quyền đặc lợi như trí thức”.

“Vì thế, trí thức phải là tiếng nói của xã hội đã bị bịt miệng. Đối với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy”.

4. Cưỡng chế Văn Giang

vangiang

Vào ngày 24/4 tại huyện Văn Giang, khoảng 3 ngàn cảnh sát cơ động, công an, an ninh được nhà cầm quyền huy động vào một cuộc cưỡng chế vô tiền khoáng hậu, nhằm thu hồi đất của nông dân ba xã thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên, giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án xây dựng đô thị Ecopark.

Trong bài viết “Còn lại gì cho Văn Giang hôm nay và ngày mai?” tôi đã trích lời của cụ Lê Hiền Đức từ bài “Phản cách mạng đã rõ ràng!“:

“Qua việc “tích cực”, “hăng hái” tham gia các vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai đối với người dân, những lực lượng mang danh “Uỷ ban nhân dân”, “Công an nhân dân”, “Quân đội nhân dân”, “Viện kiểm sát nhân dân”, “Toà án nhân dân”… ở VN đã nghiền nát, phá sạch, đốt sạch chữ “Nhân dân” trong cái tên của chúng”.

“Đã sống qua thời VN còn chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít, đã hoạt động hậu địch trong kháng chiến, đã xem phim ảnh, nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn vụ chính quyền “của dân, do dân, vì dân” cưỡng chế, thu hồi đất đai, nhà cửa, tài sản đối với người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song tôi chưa bao giờ thấy người dân bị đàn áp một cách man rợ đến như thế, với quy mô lớn như thế”!

“Mâu thuẫn giữa người dân với kẻ rắp tâm ăn cướp đất đai, tài sản của họ đã lên tới đỉnh điểm, đã tới mức không thể dung hoà. Trong cuộc đấu tranh giữ lấy đất, giành lại đất, có thể nhân dân phải tạm lui bước vào lúc này, lúc khác, tại nơi này, nơi khác, song chắc chắn họ sẽ thắng, như bao đời nay vẫn thế! “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ “ – Thuyền bị lật mới biết sức dân như nước. Cứ cái đà này thì ngày ấy chẳng còn xa…”.

Tôi cũng dẫn lời của nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh:

“Ngút trời tiếng khóc xé vành môi bà mẹ, chị em tôi, những người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, để kiếm hạt thóc nuôi con khôn lớn đi đánh giặc giữ nước, giữ làng. Giờ Làng Nước có rồi nhưng Đất lại bị đưa vào cuộc bán buôn kiếm chác của những kẻ chức quyền tham lam vô độ, vô nhân”.

Trong nhiều tháng qua, nông dân Văn Giang vẫn thường xuyên tập trung ở Hà Nội khiếu nại việc thu hồi đất đai này và vẫn là đề tài thời sự chưa thấy hồi kết trên mặt báo lề đảng cũng như lề trái.

5. Khoả thân phản kháng ở Cần Thơ

CanTho

Trưa ngày 22/5, hai người phụ nữ VN, bà Phạm Thị Lài, ngụ tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và bà Hồ Nguyên Thủy, con ruột của bà Lài, kế toán viên của một công ty kinh doanh vật tư xây dựng, đã khoả thân tên mảnh đất của nhà mình, phản đối việc thi công dự án.

Trong bài “Khoả thân phản kháng ở Cần Thơ: Những bi kịch đau lòng sẽ còn tiếp diễn” tôi viết:

“Người có một chút lương tâm thôi sẽ đặt câu hỏi vì sao nên nỗi mà người dân phải chống lại bất công bằng cách sử dụng hình thức đau xót, xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt như thế”.

Tôi trích lời của cụ Lê Hiền Đức viết trên Blog của mình:

“Đang trong trạng thái “lõa thể”, bà Lài nói trong nước mắt uất nghẹn: “Đất của gia đình vợ chồng tôi dành dụm, mua bằng tiền mồ hôi nước mắt để cất nhà sinh sống, làm ruộng, trồng rau, nuôi gà… cả mấy chục năm rồi. Công ty địa ốc vào đây tự đưa ra giá rồi ép chúng tôi nhận tiền mà không cho chúng tôi quyền được thỏa thuận mua bán. Ủy ban còn hỗ trợ Công ty, dùng lực lượng Công an cưỡng chế đất tôi giao cho công ty. Chồng tôi sức yếu thế cô chỉ biết tự tử để phản đối. Giờ mẹ con tôi biết làm gì ngoài việc lột hết đồ đạc, ráng chịu nhục nhã để phản đối họ?! Nhục lắm mấy cô mấy chú ơi!”.

Hình ảnh hai phụ nữ trần truồng bị kéo lê lết trên mặt đất đã làm dư luận bất bình, ghê sợ. Thế nhưng cơ quan điều tra đã đề nghị phạt hành chính bà Lài 1,5 triệu đồng về “hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức và 80 ngàn đồng cho hành vi được cho là vi phạm thuần phong mỹ tục”.

Không thấy báo chí đề cập đã có quyết định phạt trong thực tế hay không.

6. Quan làm báo

QuanlamBao

“Quan làm báo” được xem là hiện tượng trong báo chí truyền thông mạng.

Xuất hiện vào khoảng tháng 5/2012, trang web “Quan Làm Báo” đã giành được sự quan tâm khác thường của bạn đọc trong, ngoài nước, của báo chí nước ngoài, với hơn 37 luợt triệu người truy cập (xếp hạng 82 tại VN, theo Alexa Ranking, vào thời điểm tháng 9/2012).

Tôi có hai bài viết về hiện tượng này: “Quả đấm phản tác dụng thảm hại của Nguyễn Tấn Dũng” và “Tờ Quan Làm Báo bị tấn công: Cú ra đòn hạ cấp“, trong đó có các đoạn:

“Quan Làm Báo” tập trung đưa thông tin về những câu chuyện liên quan đến hậu tường của ĐCSVN, tấn công thẳng vào những người có vị trí lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, bằng cách vạch trần những việc làm ăn mờ ám, gây tổn hại cho nền kinh tế VN, đồng thời khai thác những bí mật từ cuộc tranh giành ảnh hưởng quyền lực trên thượng tầng kiến trúc của ĐCSVN”.

“Dẫu biết rằng một nửa chiếc bánh mỳ không phải là một chiếc bánh mỳ, một nửa sự thật chưa phải là sự thật, nhưng trong một xã hội bị bịt miệng và đói thông tin về hậu trường của những người cầm cân nảy mực, quản lý đất nước, độc giả sẵn sàng ngốn ngáo ngon lành nửa chiếc bánh mỳ khô. Khi bóng đêm của dối trá, bất lương trùm phủ, một nửa sự thật cũng đủ làm ngọn nến soi sáng”.

” Người dân bị trị chẳng còn cách nào khác. Trong bối cảnh những vụ hối lộ, móc ngoặc làm ăn bất chính được thực hiện dưới gầm bàn, trong góc tối, tại dinh thự riêng hay qua trung gian các bà vợ, con cái, thân hữu của các quan chức, sẽ vô cùng khó khăn, nếu không nói là vô phương để có thể “bắt tận tay day tận trán”. Để không trở thành những Hoàng Khuơng tiếp theo, các “hiệp sĩ” buộc phải theo phương châm “cùng tất biến, biến tất thông”, ra đòn trên mặt trận thông tin và tạm thời giấu mặt”.

“Thực tế sau khi ban hành văn bản số 7169/VPCP ngày 12/9/2012, trong đó Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị xử lý các trang mạng đưa thông tin bôi xấu đảng và nhà nước CSVN, nêu đích danh “Dân Làm Báo”, “Quan Làm Báo”, “Biển Đông”,… được báo chí lề đảng nhất tề tiền hô hậu ủng, đã chứng minh cho thế thượng phong không chối cãi của báo ngoài lề đảng”.

“Sau khi công bố văn bản, ngay lập tức số lượng độc giả truy cập “Dân Làm Báo”, “Quan Làm Báo” tăng cao đột ngột bất thường. Tên của hai tờ báo xuất hiện trên nhiều trang báo của các hãng tin lớn trên thế giới. Còn trang Biển Đông, nhiều người chưa biết đến, đã cố gắng tìm xem tờ báo nói gì mà được cả Thủ tướng quan tâm đến thế!”.

Thông tin từ “Quan làm Báo” đã không đủ để góp phần hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng. Sau Hội nghị Trung Ương 6, tờ báo ít sôi động hơn và lượng độc giả cũng bị giảm (xuống hạng 290 tại VN trong ngày 16/12, theo Alexa Ranking). Tuy nhiên nó vẫn tiếp tục là trang thu hút sự tò mò, thích thú cho độc giả về hậu cung của triều đại CSVN.

 7. Bầu Kiên bị bắt

baukien

“Bầu” Kiên, tức Nguyễn Đức Kiên, một trong những ông chủ của ngân hàng ACB,  bị công an bắt hôm 20/8/2012. Hiệu ứng của sự việc làm rung động dư luận VN và quốc tế, chưa từng thấy từ trước đến nay với một vụ án kinh tế. Trị giá của sàn chứng khoán VN chỉ trong ba ngày sau đã bốc hơi trên 1 tỷ USD. Các tờ báo lớn uy tín trên thế giơi chuyên về kinh tế tài chính đồng loạt đưa tin với những tiêu đề rất sốc như “Chính trường VN nóng lên cũng như kinh tế đang rúng động” (Jakarta Post 26/8/12); “Sự sụp đổ tiếp tục ở Ngân hàng VN” (New Yorl Times 24/8/12); “Fitch: Các lỗ hổng của bề mặt ngân hàng VN; RTG rủi ro gia tăng” (Reuters 24/8/12); “Cổ phiếu VN giảm nhiều nhất ở châu Á” (Bloomberg 23/8/12); -”Ngân hàng của VN: lòng tự tin bị mục nát” (Financial Times 23/8/12); “VN bị nghiền nát bởi bong bóng bất động sản” (Business Insider 23/8/12); “Tại VN: Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế” (New York Times 22/8/12)…

Trong bài “Nước Việt buồn và gia tài để lại của mafia đỏ” nói về cách kiếm tiền của “bầu” Kiên, tôi viết:

“Những tay chơi bạc là những tay tổ sư của trò các trò ma giáo “mượn đầu heo nấu cháo”, “lấy mỡ nó rán nó”, dù chẳng lạ lẫm gì trong giới làm ăn, vì đã từng được các tay trùm mafia đỏ ở nước Nga áp dụng trong thập niên 90, nhưng là sân chơi riêng vô cùng hạn hẹp của giới quyền lực đầu sỏ. Những con bạc máu mê đặt cược hàng trăm triệu, hàng tỷ đôla, nhưng “khi thua có người cứu, ngân hàng thương mại mà chết thì có Ngân hàng Nhà nước cứu. Như vậy là anh đem tiền của nhân dân đi đánh bạc, thắng anh ăn, anh thua – nhân dân chịu. Nói chung, đó là đánh bạc không sợ mất vốn” – Ông Bùi Văn, cựu Phó Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định trên tờ Pháp Luật”.

“Ngay cả khi tiến trình điều tra, có thể phanh phui thêm những liên kết ma quỷ, như dư luận đồn thổi, giữa “bầu” Kiên với Nguyễn Thanh Phượng, ái nữ của Nguyễn Tấn Dũng thì, bằng mọi giá, kể cả thủ tiêu đối tác hay thí tốt, Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm mọi thứ để cứu mình và con gái. Nếu như Trung tướng Phan Văn Vĩnh Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Trưởng ban chuyên án vụ “bầu” Kiên cho hay “nội dung cụ thể thuộc phạm vi bí mật nhà nước”, thì người ta có thể suy luận rằng, các nhân vật thế lực trong nhóm lợi ích ngân hàng này sẽ tìm mọi biện pháp che chắn những gì có thể để bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng, ngăn cặn phản ứng của dư luận”.

Bầu Kiên đang bị tạm giam 4 tháng để điều tra, một cuộc điều tra với đầy những toan tính khi các nhóm lợi ích ngân hàng cũng đã được nêu ra trên báo lề đảng. Kết quả vụ án thế nào sẽ còn là chủ đề làm tốn nhiều thời gian và giấy mực cho những người cầm bút.

8. Hội nghị Trung ương VI và ông X

lecacaczarownica

Hội nghị Trung ương 6 của ĐCSVN (HN TW6) cuốn hút sự chú ý của xã hội lớn, vì nó diễn ra trong lúc hàng loạt thông tin được tung ra trên báo chí ngoài lề đảng về các vụ bê bối kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng liên quan đến chính sách của chính phủ và những nghi ngờ về mối quan hệ thân hữu giữa giới đầu sỏ ngân hàng với Thủ tướng, gia đình ông và phe nhóm lợi ích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước và đời sống thường nhật của mọi tầng lớp xã hội.

HN TW6 còn hấp dẫn, mang kịch tính hơn vì cuộc đấu đá này được cho là trận thỉ hí sống còn giữ một bên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một bên khác là Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng.

Khi HN TW6 diễn ra, trong bài “Hội nghị Ương 6 tại Hà Nội: Việt Nam quo vadis?“, tôi nhận định:

“Giới quyền lực chóp bu: Đấu đá nhau tranh giành quyền lực, nhưng tay nào cũng có con tin để áp lực lên đối thủ chính trị, vì tay nào cũng có bàn tay ít nhiều nhúng chàm, không bản thân thì người thân trong gia đình, họ hàng. Phương án cuối cùng sẽ là thoả hiệp cứu đảng. Một tay nào đó nếu bị buộc rời ghế cũng sẽ hạ cánh bình an, vì sẽ được bảo đảm an toàn trong cuộc mặc cả. Đừng  đặt hy vọng nào từ biến động về nhân sự (nếu có) của HN TW6 (đang diễn ra từ ngày 1 đến 15/10 tại Hà Nội) sẽ mang lại điều tích cực gì đó cho tiến trình Dân chủ của VN. Gần 200 uỷ viên trung uơng, tập hợp quan trọng nhất tạo ra toàn bộ bộ máy cai trị, vẫn sẽ mãi giữ vững chắc nguyên tắc tuyệt đối: Còn đảng còn mình”.

Khi HN TW6 kết thúc, trong bài “Úm ba la, chúng ta tha chúng mình!“, tôi viết:

“Chúng ta tha chúng mình”- là cách nói giễu cợt, mỉa mai của tạp chí kinh tế Anh, một tờ báo có uy tín hàng đầu trên thế giới “The Economist”, trong bài “We forgive us” phân tích về diễn biến nhân sự trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua”.

Bởi vì “Bộ Chính trị (BCT) thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên”, nhưng vì “để giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng”, “kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ”, “Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật BCT và một đồng chí trong BCT”.

Uỷ viên BCT không bị kỷ luật trên được ông Trương Tấn Sang  gọi là “X”, trở thành đề tài đàm tiếu, giễu cợt của dư luận. Nhà báo Trương Duy Nhất viết:

“Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị BCT  yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là “một đồng chí ủy viên BCT” như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy? Đến mức khi giải trình với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”. Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ “tình đồng chí” trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực? Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?”.

Trong bài “Ông Thủ tướng khinh trí tuệ, trọng bạo lực“, nhà văn Phạm Đình trọng viết:

“Lời hứa của danh dự, lời hứa của lịch sử (từ chức nếu không chống được tham nhũng) cũng không thực hiện thì liêm sỉ đâu còn nữa. Liêm sỉ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chìm nghỉm, mất hút trong tham nhũng. Lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành lừa dối với nhân dân, dối trá với lịch sử! Sự dối trá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu tấm gương cho xã hội. Cả xã hội dối trá. Dối trá là lẽ sống. Dối trá được coi trọng. Dối trá lên ngôi thì sự trung thực không còn đất sống”.

Trong bài “Nguyễn Tấn Dũng không từ chức là một may mắn cho Việt Nam“, tôi viết:

“Một cuộc lên đồng tập thể (vì phấn hứng) may mắn đã không diễn ra, nhờ Nguyễn Tấn Dũng không từ chức. Điều này làm cho hàng chục triệu người Việt cân bằng lại tâm lý, nhìn kỹ hơn chính mình, đoạn tuyệt với ảo tưởng, quay về với thực tế mà tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng để lại cho các thế hệ tiếp nối”.

“Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục tại vị còn tránh được bi kịch khủng hoảng lãnh đạo ở thượng tầng kéo dài, có thể đẩy đất nước vào tình cảnh rối loạn hơn, khi đám kiêu binh của ông ta trong ngành an ninh và các khu vực kinh tế chủ chốt quậy tưng bừng trả đòn. Nồi cơm VN đã bị khê lại thêm nhão nhoét!”

9. Các nhà báo tự do Điếu cày, Anh Ba Sài Gòn và Tạ Phong Tần

DieuCay

Phiên toà ngày 24/9 kết án hết sức nặng nề ba nhà báo tự do, Nguyễn Văn Hải: 12 năm tù, 3 năm quản chế; Tạ Phong Tần – 10 năm tù, 5 năm quản chế; Phan Thanh Hải – 4 năm tù, 3 năm quản chế,

Trong bài “Khi súng đạn kết hợp với sợ hãi và ngu xuẩn“, tôi viết:

“Ở vòng ngoài, từ rất xa khu vực của toà án, trước và trong khi phiên toà diễn ra, công an chìm nổi dày đặc đã thẳng tay trấn áp, đánh đập tàn nhẫn và bắt giữ những người có nguyện vọng đến toà theo dõi phiên xử “công khai”. Thậm chí thân nhân của anh Điếu Cày, chị Dương Thị Tân và con trai, những người có đủ quyền lợi và nghĩa vụ tham gia phiên toà, đã bị bắt, bị hành hung và Vũ Văn Hiển, trung tá công an phuờng 6, quận 3, TP HCM, đã thằng thừng đe doạ bạo lực bằng thái độ vô học, hạ cấp, ngay tại trụ sở, trước mặt nhiều người”.

“Ở vòng trong, phiên toà diễn ra nhanh đến kinh ngạc, ngỡ ngàng. Xét xử ba người bị quy kết phạm tội nghiệm trọng mà chỉ trong mấy tiếng đồng hồ! Trong khi các nhân chứng không được triệu tập đầy đủ (chỉ 3/9 người). Luật sư và những người bị quy kết tội phạm không có cơ hội và thời gian để trình bày, phản biện, đối chất với các nhân chứng”.

“Luật sư Gerard Staberock, Tổng thư ký của Đài Quan Sát Bảo Vệ Các Nhà Đấu Tranh Bảo Vệ Nhân quyền, gọi “phiên xử này là trò hề công lý” là quá nhẹ, bởi vì trò hề ít ra còn có thể mua vui cho thiên hạ, còn phiên toà này không những không gây cười cho ai, mà tạo ra sự khinh bỉ, tởm lợm và lòng căm phẫn trước một nhà nước vô luân, đểu cáng, coi thường và thách thức trâng tráo tiếng nói lương tâm của hàng triệu người Việt, của các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và nhân quyền quốc tế, các đoàn ngoại giao và cả lời kêu gọi của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama”.

Nhà văn Phạm Đình Trọng viết:

“Nhà nước của tòa án đã buộc tội và tuyên bản án nhục nhã trong lịch sử cho những người yêu nước Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải. chính là Nhà nước đã buộc tội và tuyên án cả Trần Bình Trọng khi Trần Bình Trọng dõng dạc hét lên: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua chư hầu cho đất Bắc. Và các anh, chị Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải chính là Trần Bình Trọng của hôm nay. Tên tuổi các anh chị còn mãi với lịch sử Việt Nam hào hùng còn Nhà nước đã buộc tội và tuyên án các anh, chị sẽ bị nhân dân và lịch sử công minh xét xử”.

Được biết ba nhà báo tự do đã kháng cáo và phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra tạai Sài Gòn ngày 28/12. Tôi khó tin là mức án sẽ thay đổi vì ba người không chỉ là những cái gai lớn đâm vào mắt Hà Nội mà còn cả Trung Nam Hải.

10. Nguyễn Phương Uyên

NguyenPhuongUyen

Bị bắt biệt tăm từ ngày 14/10, tới ngày 3/11, công an thành phố Sài Gòn mới kết hợp với công an tỉnh Long An họp báo về việc bắt giữ Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi, nữ sinh viên năm thứ ba thuộc trường đại học Công nghệ Thực Phẩm Sài Gòn, cùng Đinh Nguyên Kha, với cáo buộc “vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) về tội tuyên truyền chống Nhà nước”, vì đã “rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước VN tại cầu vượt Quang Trung (quận 12, Sài Gòn)”.

Trong bài “Trò dàn dựng ‘nhận tội, xin khoan hồng’ cũ rích hoàn toàn bị phá sản“, tôi đã phân tích và chứng minh khó ai bắt bẻ về trò “gắp lửa bỏ tay người”, đổi trắng thay đen trắng trợn trong cuộc họp báo so với thực tế, khi công an dẫn ra “tang vật thu được của vụ án gồm hơn 700 truyền đơn và cờ của chế độ Ngụy quyền, hơn 2kg hoá chất tạo thuốc nổ cùng một số tang vật khác” và “trong vụ án còn một số dấu hiệu của tội khủng bố”.

Tôi cũng nhấn mạnh trò dàn dựng “nhận tội” đã không gây nên chút ấn tượng nào, ngược lại còn làm dư luận khinh bỉ thêm nhà cầm quyền và vẫn dành tình cảm quý mến cho cho cô sinh viên mới ở tuổi 20. Cha mẹ của Phương Uyên cũng không tin vào những gì mà con gái ông bị cáo buộc hay “nhận tội”, cũng bày tỏ lòng “cảm phục” và “hãnh diện” về con gái.

Nguyễn Phương Uyên và người bạn hiện đang bị giam giữ điều tra và chúng ta sẽ chờ đợi một phiên toà với mức án định trước, không khác bao nhiêu với phiên toà đã xử ba nhà báo tự do Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn và Tạ Phong Tần.

11. Biểu tình 9/12

9-12

Cuộc biểu tình cùng lúc ở Hà Nội và Sài gòn trong ngày 9/12 đã không diễn ra với số lượng tham gia không lớn và rầm rộ như trong mùa hè 2011, và đã bị dập tắt rất nhanh trong vòng nửa tiếng đồng hồ, nhưng có ý nghĩa lớn: Nó được nhân sĩ, trí thức miền Nam, những người đã từng nổi tiếng tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975, phát động và thông báo công khai với nhà chức trách.

Nhà cầm quyền đã huy động công an, mật vụ dày đặc tìm cách không chế, ngăn cản, cô lập những nhân tố tích cực và bắt giữ những người thoát được vòng phong toả tham gia biểu tình.

Sự đàn áp này làm công luận càng căm phẫn trước tình trạng gây hấn ngày mỗi leo thang và ngạo ngược của Trung Cộng trên  Biển Đông và thái độ nhịn nhục thái quá của ĐCSVN.

Các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, những người đã ký tên vào Thông báo tổ chức mít tinh, biểu tình vào ngày 9/12 tại quảng trường Nhà hát Thành phố, đã viết tuyên bố công khai “cực lực phản đối những hành vi thô bạo vi phạm pháp luật của các lực lượng công an và chính quyền địa phương tại những Phường và Quận nơi cư trú và nơi tổ chức mít tinh”.

12. “Bên thắng cuộc”

BenThangCuoc

Nếu “Quan Làm Báo” là hiện tượng của các trang web điện tử, thì tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” của nhà báo Huy Đức là hiện tượng của phát hành sách Việt ngữ tại Mỹ. Cuốn sách đã thu hút rất lớn người đọc, đặc biệt trong nước, những người quan tâm đến cuộc chiến tranh VN và tình hình đất nước sau cuộc chiến.

Giáo sư Trần Hữu Dũng từ đại học Wright thuộc tiểu bang Ohio Hoa Kỳ, gọi đây là cuốn sách “cầm lên không thể đặt xuống” và “cuốn sách viết về lịch sử hay nhất sau năm 1975″.

Tôi không cho đây là cuốn sử ký mà là cuốn sách tổng hợp công phu các sự kiện lịch sử, được sắp xếp, đan chéo hợp lý, bằng kỹ năng của một nhà báo chuyên nghiệp, có tài. Nhờ những quan hệ đặc biệt với các nhà lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN, hiện đã chết, cũng như còn sống, và với những nhân chứng của hai bên cuộc chiến, Huy Đức mang đến cho độc giả nhiều sự kiện mới từ một xã hội bị bịt miệng và những thông tin liên quan đến các nhà lãnh đạo thượng tầng của ĐCSVN được xem như bí mật quốc gia. Sự khéo léo đưa ra những câu chuyện sinh động có thật để chứng minh cho các sự kiện là một trong những ưu thế mà cuốn sách làm tăng thêm sự tò mò của độc giả.

Với công sức thu thập tư liệu trong 20 năm và miệt mài làm việc trong 3 năm, phong cách thể hiện công bằng, điềm tĩnh mạch lạc và trong sáng, tác giả Huy Đức đã cung cấp cho bạn đọc một kho tư liệu lịch sử khổng lồ, có giá trị để để đời cho nhiều thế hệ và kho tàng tư liệu văn hoá-lịch sử của Việt Nam. Thế nhưng tôi thực sự băn khoăn, không biết nhà báo Huy Đức (hiện đang tu nghiệp tại Mỹ) khi trở về nước sẽ phải chịu hệ lụy như thế nào trước nhà cầm quyền CSVN.

Kết

Rất có thể nhiều người sẽ đưa ra các sự kiện khác không kém phần làm sôi động dư luận như bà Bùi Thị Minh Hằng được trả tự do (4/2012); thương binh-côn đồ quậy phá ở Viện Hán Nôm (5/2012); cụ Lê Hiền Đức bị nhốt tại Sở Văn hoá Thông Tin Tuyên truyền Hà Nội (6/2012); Huỳnh Thục Vy tham gia biểu tình chống Trung Cộng và bị bắt (7/2012), bà Đinh thị Kim Liêng tự thiêu (7/2012); Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Vinalines bỏ trốn, bị truy nã và bị bắt trở lại (6-9/2012), phiên toà xử Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình (10/2012), v.v…

Nhưng như mở đầu, tôi chú trọng theo chủ quan của mình về tầm ảnnh hưởng đến dư luận và phản ứng từ phía nhà cầm quyền, báo chí đảng, để đưa ra 12 sự kiện nêu trên.

© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog

Giới trung lưu ‘mỏng manh’ ở Việt Nam

Trang web của đài phát thanh Đức Deutsche Welle (DW) hôm 17/12 đăng bài phân tích về tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, đang đối diện những khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.

Bài viết mở đầu bằng nhận định: “Tầng lớp trung lưu của Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên từ thập niên 1990.”

“Từ đó đến nay, họ đã giành được vài quyền tự do, nhưng vẫn còn mỏng manh. Nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa xóa tan những thành tựu ấy.

“Siêu thị, siêu thị, siêu thị,”, cô con gái bốn tuổi của Tuyên và Liên nhảy lên xuống trên giường. Cô cảm thấy không thể đợi lâu hơn nữa để được đi,

Giống như nhiều gia đình trung lưu khác, gia đình này dành ngày Chủ Nhật để đi mua sắm ở một siêu thị tại Hà Nội.

“Chủ nhật là ngày duy nhất mà cả gia đình có thể ở bên cạnh nhau mà không phải làm gì cả,” Tuyên nói.

“Tôi làm việc 50 tiếng một tuần, đó là chưa kể ba tiếng đi xe. Vì thế nên không có nhiều thời gian. Ở siêu thị, trẻ con có thể được giải trí và bố mẹ có thể tranh thủ đi mua sắm.”

Tầng lớp trung lưu đang lên

“Khó có sự chống đối nào có thể đến từ tầng lớp trung lưu. Họ có quá ít tự tin vào sức mạnh của chính mình.”

Will, chuyên gia Việt Nam

Những siêu thị đầu tiên của Việt Nam xa xỉ đến nỗi chỉ có những người giàu mới đến đấy. Ngày nay, mọi thứ khác xưa rất nhiều, nhất là sau khi chính phủ thực hiên “Đổi mới”.

Từ bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung, chính phủ nước này đã áp dụng mô hình kinh tế đem lại cho người dân nhiều tự do và quyền lợi hơn; chính sự tự do đó khiến nước này tăng trưởng khá ổn định.

“Một tầng lớp trung lưu đã ra đời trong giai đoạn Đổi mới này,” Gerhard Will, một chuyên gia VIệt Nam của Viện nghiên cứu quốc tế và An ninh của Đức (SWP) nói.

Gia đình nhà họ Nguyễn kể trên là một trong những thế hệ đầu tiên được hưởng lợi từ Đổi mới. Cả hai đều được sinh ra vào cuối thập niên 70 và chứng kiến những năm nở rộ về kinh tế mà thế hệ bố mẹ họ không dám mơ tới.

Những thế hệ đi trước có vẻ đầy hoài nghi về sự phát triển kinh tế. Khi Tuyên về đến nhà với một món đồ dùng gia dụng trong bếp hay một món đồ chơi mới cho Mai Chi, bố mẹ và ông bà của anh tỏ ra ngờ vực về mức độ cần thiết của những món đồ đó, hoặc tại sao không tiết kiệm đề phòng tình huống xấu.

Sự thịnh vượng đang lung lay

Và có lẽ những thế hệ đi trước không sai.

Trước hậu quả của khủng hoảng toàn cầu năm 2007, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng mờ nhạt đi.

Kinh tế gia Adam Fforde, trường đại học Victoria tại Melbourne, Úc khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với DW: “Khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam là nghiêm trọng”.

Sự kết hợp độc hại: Lạm phát cao và sản lượng kinh tế suy giảm

Lạm phát – 7% vào tháng Mười năm nay, đang bào mòn thu nhập, ông Fforde nói. “Giá trị bất động sản trượt dài, khiến nhiều hộ gia đình phải trả các khoản nợ trị giá lớn hơn nhà của họ,” ông nói thêm.

“Trong lúc đó, chi phí giáo dục và y tế lại lên cao.”

“Các khoản chi phí, trong một số trường hợp là rất cao, lại không đáng đồng tiền bát gạo”, Will, một chuyên gia Việt Nam khác nói. Ông Will cũng cho rằng hệ thống giáo dục cần được cải cách và hệ thống y tế ở đây bị suy đồi.

“Bằng đại học thường xuyên bị mua hoặc bán, hoặc đem đi cầm cố cho các nhân vật trung thành với Đảng hơn là thực sự có được.”

“Chỉ băng bó hoặc tiêm vắc-xin cũng tốn rất nhiều tiền,” ông nói.

Thiếu tự tin

Sự lên xuống của kinh tế Việt Nam gây ảnh hưởng nặng nhất đến tầng lớp trung lưu non trẻ. Những năm gần đây đã đe dọa lật ngược những thành tựu đạt được trong quá khứ.

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam dường như lung lay trước khi kịp củng cố vị thế của mình.

“Tầng lớp trung lưu đã phải gánh chịu những hạn chế đáng kể về cả mặt kinh tế lẫn chính trị,” Will nói.

Biểu tìnhCác cuộc biểu tình tại Việt Nam đều bị đàn áp thẳng tay

Mặc cho viễn cảnh buồn thảm đó, cho đến giờ vẫn chưa có cuộc biểu tình nào đáng nhắc đến.

“Khó có sự chống đối nào có thể đến từ tầng lớp trung lưu. Họ có quá ít tự tin vào sức mạnh của chính mình,” Will nhận xét.

“Người ta sợ sẽ mất tất cả những gì đã cố gắng có được trong những năm qua nếu như có biến động đột ngột hoặc thay đổi lớn.”

Trong lúc đó, Tuyên chỉ biết trông cậy vào chính mình.

“Biểu tình phản đối chính phủ là vô ích, thế nhưng trông cậy vào chính phủ thì còn vô ích hơn. Phải tự biết trông cậy vào bản thân thôi,” anh nói.

Thêm vào đó, từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, chính phủ ngày càng trở nên lo lắng và thẳng tay đàn áp các ý kiến chỉ trích.

“Sự buộc tội các blogger là một tín hiệu cho những người khác.” Will ghi nhận.

Hồi tháng 10, blogger nổi tiếng với tên gọi Điếu Cày đã bị kết án 12 năm tù giam.

Một ngày sau khi trả lời phỏng vấn DW, Tuyên gửi một tin nhắn trong lúc đang ở công sở và con gái ở nhà trẻ.

“Đã có những thời điểm còn khó khăn hơn trước cuộc khủng hoảng. Có thể Việt Nam có nhiều vấn đề hơn các nước phương Tây, nhưng so với tình hình cách đây 20, 30 năm, chúng tôi vẫn đang sống tốt.”

@bbc