Cười chút chơi – Hanoi cái gì cũng rẻ

aaahhh

Hà Nội cái gì cũng rẻ
Phim rạp sáu chục 1 vé
(Nếu mà mua qua chị “phe”
Thì lên trăm “k” còn bé)

Hà Nội cái gì cũng rẻ
2 ngàn – trà đá vỉa hè
(Trời nắng thì giá tăng… nhẹ
4 ngàn 1 cốc… be bé
Trà nhạt như nước lá me)

Hà Nội cái gì cũng rẻ
10 ngàn một ký… cave
(Nhưng mà cũng không… “sạch sẽ”
Chỉ được cái vẻ “màu mè”)

Hà Nội chỗ nào cũng… tè
Bờ tường, cột điện, bến xe
Một mùi “thơm” thật mạnh mẽ
Cứ ngỡ Chanel, Arpège…
(Con đường gốm sứ ven đê
Đàn ông thì khỏi nói nhé
Chị em cũng “ấy” sè… sè)

Hà Nội nói tục lắm nhé
Còn dùng tiếng lóng mới “phê”
(Toàn tên bộ phận… sinh đẻ
Đảm bảo chỉ cần thoáng nghe
Mặt đã đỏ lên rồi nhé!)

Hà Nội hung hăng thấy ghê
Va chạm một tí đã hằm hè
Xông vào đấm đá, chửi thề
Mặt sưng quả bưởi, quả lê
(Đấy là còn ít đấy nhé
Chỉ cần thiếu chút kìm chế
Nhẹ thì được “khiêng về quê”
Nặng thì coi như tàn phế)

Hà Nội giao thông cũng “ghê”
Còi xe bấm không hạn chế
Đánh võng, lạng lách vè vè
Đường tắc lao cả lên hè
Đèn đỏ vẫn phóng mải mê
Cứ không cảnh sát là ô kê
Cầu vượt thì cứ mặc kệ
Băng đường bên dưới sợ… giề
(“Người phố” phải đi như thế
Văn hóa là do mình “chế”
Như vậy thì nó mới “phê”)

Hà Nội phục vụ rất tệ
Bán hàng mặt như “đâm lê”
Hất hàm chỉ khách để xe
Mặc cả – nghe chửi lộn mề
Ăn uống nhỡ buột miệng chê
Bị mắng như mắng… lợn sề
(Mất tiền chả được làm thượng đế
Lại còn mang tiếng “nhà quê”)

Hà Nội cũng khoái số đề
Cụ già, cụ trẻ đều mê
Thậm chí có người còn “phê”
Dọn nhà ra tít… bờ đê
(Hàng xóm bỗng thấy vắng vẻ
Gọi điện thì tò… tí… te
Hóa ra người ta đã “té”
Trốn gặp lũ đòi nợ thuê)

Hà Nội lắm tệ nạn ghê
Massage, tẩm quất, cà phê
Gội đầu, thư giãn, ê hề
Nói chung là… Bê-Sa-Mê
(Khách xa xin cẩn thận nhé
Kẻo không, chả có quần về)

Hà Nội có nhiều cái nể
“Dưng” mà cũng lắm điều chê
Nếu có thời gian ngồi kể
Chắc là dài đủ lê thê
(Thôi thì cuộc đời vẫn thế
Tặc lưỡi cho đỡ… tái tê
Sống gắng làm người… tử tế
Giấy rách phải giữ lấy lề)

Hà Nội mở hội bia, cám ơn ‘thượng đế’

Trong khi công an cho hay sẽ bắt đầu phạt người lái xe uống rượu bia thì “hội bia” diễn ra tưng bừng tại Hà Nội hôm 2 tháng 12.

Hội bia tri ân khách hàng tại Hà Nội. (Hình: VTC News)

Theo báo mạng VTC News, hội bia lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội trong vòng 6 năm trở lại đây. Hội bia này do công ty Bia-Rượu-Nước Giải Khát Hà Nội tổ chức tại Cung Thể Thao Quần Ngựa, thuộc quận Ba Ðình để gọi là “tri ân khách hàng.”

Cũng theo VTC News, ngày hội bia tại Hà Nội “thật sự là bữa tiệc lớn dành cho khách hàng… yêu bia Hà Nội.” Thương hiệu này đã có mặt tại thị trường Việt Nam gần 100 năm nay, được cho là một trong các “sản phẩm mang phẩm chất vàng.”

Hồi năm rồi, thống kê của tổ chức quốc tế Euromotitor International nói rằng Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia hàng đầu các quốc gia Ðông Nam Á. Phúc trình của tổ chức này cho biết riêng trong năm 2011, Việt Nam đã “ngốn” khoảng 2.6 tỉ lít bia, nhiều gấp đôi hai quốc gia được xếp hạng nhì và hạng ba là Thái Lan và Philippines.

Trong khu vực Ðông Nam Á, Myanmar được coi là quốc gia uống bia ít nhất, khoảng 30.4 triệu lít mỗi năm.

Công ty Euromotitor International trước đó đã tiên đoán rằng thị trường bia Việt Nam sẽ “tăng trưởng với tốc độ cao đến chóng mặt.” Tính ra, số lượng bia được người dân Việt Nam “nốc cạn” đã tăng 15% trong vòng 3 năm. Với tỉ lệ này, Việt Nam được đưa vào danh sách 25 quốc gia tiêu thụ bia hàng đầu thế giới.

Cũng trước đó, báo chí đưa tin tai nạn giao thông xảy ra tại Việt Nam tăng vọt, đã cướp đi khoảng 7,000 sinh mạng mỗi năm, chưa kể hàng trăm ngàn người bị thương nặng, nhẹ.

Phúc trình của ngành công an Việt Nam còn nói rằng, hơn phân nửa số vụ tai nạn giao thông xảy ra vì tài xế say “xỉn” trong lúc lái xe.

@nguoiviet

CSVN chống tham nhũng kiểu đánh trống bỏ dùi

Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã bị nhiều “cử tri” chất vấn về tình trạng tham nhũng là “một bộ phận không nhỏ” từng được ông cảnh cáo trước đây, bây giờ đang “nằm ở đâu” nhưng không được ông trả lời.

 

Tổng bí thư đảng CSVN tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội bị chất vấn về tham nhũng. (Hình: Tiền Phong)

Không những không trả lời cho biết “bộ phận không nhỏ” tham nhũng “nằm ở đâu,” ông còn cho hay đụng đến nó là “đụng lợi ích nhóm” và “đụng tới sự tồn vong của đảng” tức là nguy cơ sụp đổ chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội. Thay vì chỉ ra chúng ở đâu, ông lại nói gây “thù oán” và “làm rối nội bộ.”

Rất nhiều báo nhà nước tại Việt Nam tường thuật cuộc tiếp xúc của vị tổng bí thư đảng CSVN với cử tri ở đơn vị Hà Nội mà ông cũng là một đại biểu Quốc Hội diễn ra sáng Thứ Bảy. Thông thường, những người gọi là cử tri được chọn lọc trong số các cư dân địa phương là đảng viên nghỉ hưu hay nhiều tuổi đảng và từng có vai vế cao, không phải ai muốn đến dự cuộc tiếp xúc cũng đều tự do đến.

Hầu như các báo lớn đều tường thuật những lời chất vấn của hàng chục “cử tri” về tình trạng tham nhũng vô cùng nghiêm trọng tại Việt Nam. Ðây là vấn đề từng có lần được nhiều đại biểu gọi là “quốc nạn” qua nhiều triều đại tổng bí thư với những luật phòng chống tham nhũng, nghị quyết hay chỉ thị buộc quan chức kê khai tài sản theo những chiến dịch rất rầm rộ rồi vẫn chẳng đi đến đâu.

“Tôi xin hỏi, bộ phận không nhỏ chiếm bao nhiêu phần trăm? Bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu? Trung ương bảo như vậy nhưng về các tỉnh thành chúng tôi chẳng thấy bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu cả,” cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Ðình) chất vấn ông Trọng. “…Nếu (đám quan chức tham nhũng lại là đại biểu Quốc Hội) mang tư tưởng của 48%, 70% vào nghị trường mà bỏ phiếu thì kết quả đi đến đâu?”

Một “cử tri” khác, tên Trần Viết Hoàn, chỉ trích cán bộ tham nhũng hiện nay của chế độ, “Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, làm cái lọng che thân, làm cái cân cho công lý, làm cái cần cho lý trí và tiền với họ là hết ý. Vì vậy, đó là những kẻ quá giàu có, giàu hơn cả thời địa chủ, tư bản. Ðảng, nhà nước, và nhân dân coi đây là giặc nội xâm, giặc quốc nạn.”

Trước những chất vấn, thúc giục, và đả kích chính sách chống tham nhũng kiểu “đầu to đít teo” hay “đánh trống bỏ dùi” của đảng và nhà nước CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng thanh minh cho kết quả chính sách chống tham nhũng “không kỷ luật được ai cả” là vì “kỷ luật mà không tính kỹ sẽ trở nên xấu, mai kia lại thù oán, đối phó, thành phe phái, làm rối nội bộ,” theo báo Tiền Phong tường thuật.

Ông Trọng nêu ra cái sự thật phũ phàng của chống tham nhũng, “Chả bao giờ mình (kẻ tham nhũng) thấy khuyết điểm của mình đâu, chỉ thích ca tụng, vuốt ve thôi, nó khó như thế. Ðụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là một khi lợi ích nhóm móc ngoặc với nhau thành đường dây vô cùng phức tạp.”

Lời thú nhận của ông tổng bí thư đảng CSVN tố cáo chế độ Hà Nội có những phe cánh trong nội bộ mà ngay cả tổng bí thư hay chủ tịch nước cũng phai “gờm,” không dám đụng chạm.

Ngày 16 tháng 1, 2012 ông Nguyễn Phú Trọng ký bản nghị quyết có tên là “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay,” trong đó nêu ra các giải pháp chống tham nhũng như là những võ khí chống “giặc nội xâm.”

“Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với đảng.”

“Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.”

“Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng.”

Bản nghị quyết của Hội Nghị Trung Ương 4 đảng CSVN mà ông Trọng ký, viết như vậy và còn minh định rõ, “Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.”

Nay thì ông không những không thấy cái “bộ phận không nhỏ” đó ở đâu mà tỏ ra sợ cái “lợi ích nhóm,” sợ “rối nội bộ.”

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng là một thành phần của “nội bộ” nên ông biết nó sẽ rối nên thoái thác chỉ ra “bộ phận không nhỏ” tham nhũng ở đâu mà nói nó “khó” và trừu tượng.”

Mới cách đây ít ngày, TTXVN tường thuật buổi “làm việc” của ông Nguyễn Phú Trọng với “cán bộ chủ chốt tỉnh Vĩnh Long” ngày Thứ Hai, 26 tháng 11, ông Trọng hô hào: “Cần phải có cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chống lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm.”

Ðến ngày Thứ Bảy, 1 tháng 12, tức chỉ sáu ngày sau, ông nói ngược lại.

@nguoiviet

Alan Phan – Không còn là dự đoán kinh tế nữa

Alan Phan 30.11.2012

Khi không biết đích đến là đâu, thì con đường nào cũng đều đến đích.

Thấm thoát đã năm hết Tết đến. Mùa của các dự đoán kinh tế cho 2013 bắt đầu.Các chuyên gia kinh tế kiếm cơm nhờ mùa này. Cá nhân tôi có 12 tờ báo đặt hàng; chưa kể đến những diễn thuyết tham luận tại các diễn đàn và hội thảo. Khi tôi từ chối vì thực ra không còn gì để dự đoán…ai cũng ngạc nhiên. Như Tết mà không có bánh mứt dưa hành, Xuân không có trẩy lộc mai đào…và báo Xuân không có dự đoán.

Các năm trước, những chuyên gia kinh tế kiếm tiền quá dễ. Trừ những anh chị phải lạc quan vì nhận chỉ thị hay tiền thưởng, bất cứ ai vô tư phán xét đều thấy rõ lối đi của chiếc xe kinh tế Việt.

Quá dễ để tiên đoán

Doanh nghiệp nhà nước làm chủ thể lãnh đạo? Tất cả kinh nghiệm từ OPM (tiền người khác) qua 5 ngàn năm lịch sử cho thấy sự lãng phí tham ô là hệ quả tất yếu (và người chủ thực sự của đồng tiền phải cày lưng trả nợ trong một thời gian dài).

67% tiền đầu tư của quốc gia cho vào bất động sản ư? Bong bóng phải phình căng và ngày bể bụng là chuyện thời gian. Rồi 82% phần trăm nợ ngân hàng xuất xứ từ thế chấp BDS? Khi bong bong BDS vỡ, thì các mùi hôi thối chôn vùi trong đống rác phải xì theo. Không thể có kết luận nào khác.

Trong khi đó, nguồn vốn thực của các ngân hàng bị méo mó vì sở hữu chéo, vì công ty sân sau của các chủ ngân hàng, vì “quan hệ” quan trọng hơn tính khả thi của dự án….Ngày mà mọi người liên quan phải chốt sổ kết toán phải là ngày của chuông báo tử.

Còn thị trường chứng khoán? Khi giá cả tùy thuộc vào đội lái tàu và tin đồn hay hỏa mù, thì sớm hay muộn, các nhà đầu tư chính thống phải chào thua và bỏ chạy. Trên nguyên tắc, một canh bạc bịp không thể kéo dài vì số lượng người ngu thường có giới hạn.

Lạm phát, lãi suất và tỷ giá? Khi chánh phủ qua Ngân Hàng Nhà Nước quyết định các con số và được Cục Thống Kê hổ trợ đắc lực, xa rời mọi can thiệp của thị trường, thì hoang tưởng xâm nhập cơ thể và cả quốc gia phải “lên đồng” và mọi người thi nhau ca múa.

Thị trường là một thế lực cứng đầu

Tôi về Việt Nam vào 2007 với tất cả háo hức của một đứa con vừa tìm về nhà. Chỉ 6 tháng sau, tôi bắt đầu thấy rõ những thủ thuật qua những con số thống kê thoa nắn, những chiêu tiếp thị vô trách nhiệm và những lòng tham cá nhân không kiểm soát. Tôi viết về những dự đoán không lấy gì làm sáng sủa và những quyền lực đang cầm lái cho chiếc xe kinh tế phản bác với những lạc quan hồ hởi kiểu viết biểu ngữ. Dù tôi sai về thời điểm (tôi nghĩ 2010 là năm bản lề) nhưng trận bão năm Thìn 2012 cũng đã đến với một cường độ Việt Nam chưa hề trải nghiệm.

Tôi kể lại chuyện cũ không phải để khoe vì thực ra mọi chuyên gia kinh tế có chút hiểu biết đều đi đến kết luận như tôi (tuy có vài người không tiện nói). Tôi nói ra để mọi người hiểu là chuyện dự đoán cái vũng lầy mà chúng ta đang mắc cạn ở đây không gì là khó khăn. Một sinh viên mới ra trường cũng có thể luận giải được điều này.

Tóm lại, chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn.

Định hướng nào đây, bác Mao ơi?

Dĩ nhiên có rất nhiều giải pháp để kéo chiếc xe ra khỏi đầm lầy. Chúng ta có thể kêu mấy cha tư bản ở xa (Âu Mỹ Nhật IMF..) đem chiếc xe câu tối tân đến kéo thoát. Chúng ta có thể chạy qua nhờ anh hàng xóm (TQ) dùng chiếc bán tải. Nhưng dĩ nhiên, ông Alan đã nói là “không gì là miễn phí”. Chúng ta phải cân nhắc so sánh giá cả phải trả, kể cả bổng lộc chức quyền của mọi người trong phe nhóm . Chúng ta cũng có thể về nhà, bắt mẹ đĩ phải lấy “vàng” hay “đô la” cho phe ta đem bán? Hay chúng ta có thể quyết định tử thủ vì lý tưởng vĩ đại, sống trên xe và chơi giữa đầm lầy như Bắc Triều Tiên.

Dĩ nhiên, tôi đoan chắc là không chuyên gia kinh tế nào có thể…dự đoán nổi cái giải pháp sẽ được chọn lựa. Vì tình hình hiện nay đã không còn là …kinh tế, mà là chánh trị. Chánh trị ở xứ này thì không ai có dự đoán chính xác, ngoài 5, 10 người sẽ “đóng cửa bảo nhau”.

Vì thế, khi các báo yêu cầu tôi viết một bài về …”dự đoán kinh tế cho 2013” thì tôi chỉ mỉm cười. Sau 5 năm đi về thường xuyên ở đây, nhân vật quyền lực nhất mà tôi quen biết là ..ông bảo vệ trong khu chung cư tôi sống. Tôi nghĩ ông cũng như 99.99% các người Việt hoàn toàn không can dự và hay biết gì về quyết định ảnh hưởng đến đời sống của ông và kinh tế Việt năm 2013 và 5, 10 năm sau đó.

Tôi quen làm khán thính giả cho rất nhiều vở kịch suốt 67 năm qua tại rất nhiều hí viện. Có nhiều vở kịch nồng hơn mắm ruốc…nhưng tôi bị cấm không được bỏ về sớm.  Phần lớn đạo diễn và diễn viên đều ghét nhà phê bình. Nhưng mọi thứ rồi cũng thành thói quen. Mizaru, Kikazaru, Iwazaru….(a)

Alan Phan Blog

Tư duy Việt có đang lạc điệu?

Nguyễn Giang

bbcvietnamese.com

Lòng dũng cảm của Malala thắp lên một phong trào dân sự

Điểm qua 100 người được trang Foreign Policy chọn làm ‘những khối óc toàn cầu’ năm 2012 điều đầu tiên tôi nhận thấy là không có ai từ Việt Nam.

Các tên tuổi người Việt hoặc gốc Việt ở nước ngoài mà báo chí trong nước nhắc đến như gương sáng trong nhiều lĩnh vực cũng không lọt vào danh sách ‘100 global thinkers’.

Không thể nói 90 triệu người Việt Nam trên toàn cầu thuộc nhóm không suy nghĩ gì.

Nhưng có vẻ như các bộ óc Việt trong và ngoài nước đang lo những chuyện khác, không ‘cộng hưởng’ cùng nhân loại.

Hoặc chúng ta cũng nặng lòng ưu tư về các việc riêng, việc chung và có nhiều hoạt động nhưng vì tiếng nói quá yếu nên thế giới không biết đến.

Ta cũng có thể bác bỏ ‘bảng phong thần’ của Bấm Foreign Policy và cho rằng họ thiên vị.

Thế giới nghĩ gì?

Nhưng kể cả như vậy có lẽ cũng cần biết họ đang ‘thiên vị’ với những ai và xu hướng gì trên thế giới.

Trước hết, nếu ai bảo Foreign Policy nghiêng về các nhân vật Phương Tây thì sẽ sai lầm.

Vì con số các gương mặt châu Á (Miến Điện, Trung Quốc), hoặc từ Thế giới Ả Rập và Hồi giáo năm nay chiếm con số đông đảo.

Các tên tuổi từ Châu Phi, Nga, Đông Âu, vùng Balkan cũng không ít.

Foreign Policy xác nhận hai nhân vật cùng đứng số một là bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Thein Sein của Miến Điện:

Tướng Thein Sein nhờ dũng khí cải tổ mà được cả ngợi là người ‘buông dao thành Phật’

“Tạo cảm hứng đặc biệt nhất là hai nhân vật hàng đầu anh hùng và hiếm có được vinh danh: bà Aung San Suu Kyi, nhà bất đồng chính kiến từng bị tù, và ông Thein Sein, vị tướng lâu năm. Họ cùng nắm tay để mở lối cho một trong số chế độ độc tài tàn tệ nhất thế giới.”

Tuy nêu tên nhiều nhân vật đấu tranh, các văn nghệ sỹ và các blogger có tác động chính trị từ Trung Quốc, Nga đến Pakistan, Foreign Policy cũng không coi nhẹ vai trò của những người giàu có và các chính khách.

Tổng thống Malawi, bà Joyce Banda được ca ngợi nhờ ý tưởng về một châu Phi ‘sạch sẽ’, ít tham nhũng, hay cựu ứng viên Phó Tổng thống Mỹ, Paul Ryan về ý tưởng cho ngân sách tiết kiệm công quỹ.

Cả hai ông bà Bill và Melinda Gates, tỷ phú làm từ thiện, đều đứng tên trong danh sách năm nay.

Như thế, làm chính trị hay có nhiều tiền tự nó không có gì là xấu, thậm chí còn rất tốt nếu họ thực sự muốn thúc đẩy xã hội tiến lên.

Tổng thống Tunisia, ông Moncef Marzouki đứng thứ hai vì là người “nuôi dưỡng tinh thần Mùa Xuân Ả Rập”.

“Họ cùng nắm tay để mở lối cho một trong số chế độ độc tài tàn tệ nhất thế giới”

Foreign Policy viết về Aung San Suu Kyi và Thein Sein

Với báo chí ở Việt Nam, chắc sự vinh danh này sẽ giúp điều chỉnh lại quan niệm rằng Mùa Xuân Ả Rập là điều gì đó xấu xa, mang tính ‘phản loạn’.

Vì khi chính tổng thống của Tunesia ủng hộ Mùa Xuân Ả Rập thì đây đã là một phong trào ‘chính thống’ của một khu vực thế giới có nền văn minh lâu đời, dân số trẻ, năng động, bản sắc tôn giáo mãnh liệt.

Dân chủ trẻ tuổi

Ngoài ra, không thể phủ nhận tinh thần “dân chủ bình dân” mà Foreign Policy đề cao.

Cũng vì thế, họ để thiếu nữ Pakistan 15 tuổi, Malala Yousafzai, (thứ 6), trên cả Tổng thống Barack Obama (thứ 7).

Blogger trẻ tuổi này, xuất phát từ ham muốn được đi học, đã thành người anh hùng dám đứng lên chống lại Taliban và tất cả những ý thức hệ cổ hủ của họ.

Malala bị phe Taliban bắn trọng thương nhưng được cứu thoát và được đề cử dự giải Nobel không phải chỉ vì ngòi bút sắc bén (viết blog từ năm 12 tuổi) mà vì lòng dũng cảm của cô đã tạo ra một phong trào xã hội rộng khắp.

Nhưng Foreign Policy đề cao cả các sáng kiến công nghệ và các nhân vật có tư duy phát kiến mở đường cho nhân loại hoặc đang vận dụng công nghệ vào kinh doanh có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Mùa Xuân Ả Rập đang thành trào lưu biến đổi thế giới

Đó là lý do các nhân vật như Sebastian Thrun, Andrew Ng, Sheryl Sandberg (Facebook), Marissa Mayer (Yahoo), Eugene Karspersky…có tên trong danh sách.

Nhìn vào châu Á, ngoài Miến Điện như đã nêu, sự có mặt của các nhân vật Trung Quốc cũng là một bài học cho Việt Nam để dự đoán quốc tế mong đợi gì từ một quốc gia Đông Nam Á.

Từ Trung Quốc có nghệ sĩ độc lập Ngải Vị Vị, nhà đấu tranh Trần Quang Thành, nhà vận động môi sinh Mã Quân thuộc nhóm nổi bật nhờ các hoạt động vì cộng đồng, hay triệu phú Lý Khai Phục người Mỹ gốc Đài Loan từng lãnh đạo Google China.

Nhưng Foreign Policy cũng nêu tên Giáo sư Vương Tập Tư (Wang Jisi), học giả giảng tại Trường Đảng ở Bắc Kinh vì ông liên tục “nói thẳng cho người Mỹ biết Trung Quốc nghĩ gì về Hoa Kỳ”.

Như thế, để được nêu danh là nhà tư tưởng toàn cầu không cứ phải là tiếng nói đối lập với chính quyền nhưng nhất thiết phải là tiếng nói thẳng và thật.

Nhìn lại danh sách ‘100 global thinkers’ của Foreign Policy, có thể thấy ba xu hướng lớn:

Dân quyền lan rộng với các tác nhân tham gia đòi tạo thay đổi ngày càng rộng và tuổi càng trẻ.

Trào lưu toàn cầu

  • Dân quyền lan rộng với lứa tuổi ngày càng trẻ
  • Công nghệ lan tỏa tăng đối thoại công khai
  • Hợp tác gia tăng xuyên qua mọi lĩnh vực
  • Lòng dũng cảm tạo đà cho tiếng nói công dân

Nỗ lực hợp tác gia tăng từ cả khu vực công, tư và doanh nghiệp để tìm giải pháp toàn cầu cả về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường.

Công nghệ mới mở rộng không gian đối thoại và lan tỏa của thông tin, thách thức sự chần chừ, chậm trễ hoặc bất minh trong mọi lĩnh vực.

Nhưng quan trọng hơn cả là lòng dũng cảm và tinh thần dám làm, dám chịu.

Như ví dụ của Yevgenia Chirikova, nhà vận động môi sinh từ Nga.

Vốn là một nữ doanh nhân thành công, bà chỉ bắt đầu hoạt động xã hội khi đứng ra vận động cứu khu rừng Khimki gần Moscow khỏi một dự án xây đường cao tốc.

Cuộc đấu tranh đã khiến bà bị cảnh sát Nga bắt giam nhiều lần nhưng bà vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng ‘mỗi người cứu một cây xanh’ mà bà cho là cần thiết cho đất nước.

Việt Nam và người Việt toàn cầu chắc chắn cũng đang tham gia và chịu tác động của những làn sóng này trên mọi lĩnh vực kể trên nhưng đáng tiếc rằng chúng ta hiện tạm thuộc nhóm đi theo, nghĩ theo, ít ra là theo cách nhìn của một tạp chí quốc tế.

Hy vọng sang năm tình hình sẽ khác.

@bbc

Lưỡi bò và lưỡi liềm

Có lẽ chưa bao giờ, một động thái của Trung Cộng liên quan đến chủ quyền được ngang nhiên bàn tán thoải mái như bây giờ ở Việt Nam. Thoải mái là nói theo nghĩa đã được “ẳng” lên trên báo lề phải, chứ không còn dấm dúi, tự bịt miệng như những năm trước đây.

Còn nhớ chưa xa, mới vài năm trước đây thôi, nhiều người đã khốn nạn với câu nói “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”, dù họ chỉ nói câu đó, mặc chiếc áo hoặc bất cứ hành động gì khẳng định điều đó đều nghiễm nhiên biến thành tội phạm. Thậm chí, có người đã kêu lên: Vậy thì Hoàng Sa – Trường Sa là của ai? Không chỉ báo chí mà một người dân nào dám nói đến điều đó đều là cấm kỵ và chịu hậu quả nặng nề. Cho đến khi, tai họa mất nước sừng sững đứng trước mọi nhà, thì nhà nước Việt Nam hoảng hốt và lúng túng trong mọi xử lý. Khi đó, báo chí mới được mở miệng trong một giới hạn nhất định. Nay thì báo chí có thể kêu lên rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

Tiếc rằng khi được nói như vậy, thì Hoàng Sa đã nằm trong tay Trung Cộng từ lâu, Trường Sa, một phần đã nằm dưới gót giày bọn xâm lược. Còn trên đất liền, khắp nơi từ trong nam đến ngoài Bắc, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng có thể thấy người Trung Quốc nghênh ngang đi lại. Đất đai đang được người Trung Quốc thuê trồng rừng, các công trình quốc gia được các nhà thầu Trung Quốc xây dựng, hàng hóa Trung Quốc ngập tràn lãnh thổ, từ chiếc áo ngực phụ nữ chứa đầy chất lạ đến những lô gà thải độc hại, trái cây nhiễm độc và nhiều vật dụng được nhập về nhiều vô biên.

Sau nhiều động tác khiêu khích, dọn đường và lấn chiếm bằng nhiều cách, bỗng nhiên vài năm gần đây, Trung Cộng thò ra cái đường lưỡi bò đứt khúc liếm gần trọn vẹn Biển Đông của Việt Nam. Nếu cái lưỡi bò này không bị chặt đứt, thì sau này Luật Biển Việt Nam sẽ phải sửa đổi nhiều điều khoản. Trong đó sẽ có một điều quy định rằng: Khi điều khiển thuyền bè ở ven biển, phải lưu ý đi dọc bờ, không quay ngang tàu thuyền vuông góc với bờ biển để tránh xâm phạm lãnh hải của nước bạn láng giềng 4 tốt và 16 chữ vàng. Trong trường hợp ai vi phạm ráng chịu và nhà nước sẽ không can thiệp.

Khi Trung Cộng quyết định bước chơi mới bằng cái hộ chiếu vẽ hình lưỡi bò, những phản ứng yếu ớt của nhà cầm quyền Hà Nội được người dân chú ý và có nhiều ý kiến khác nhau. Đa số các ý kiến, đều chưa thấy được sự mạnh mẽ cần thiết từ phía nhà nước để đối phó với âm mưu thâm độc này của nhà cầm quyền bành trướng Bắc Kinh. Nhưng, đa số những ý kiến trên các phương tiện truyền thông mà mạng internet là chủ yếu đã chưa đi đến cội nguồn của đường lưỡi bò Bắc Kinh vì sao lại thò ra và làm sao hóa giải.

Đường dây nóng giữa hai Đảng và nhà nước được thành lập, chắc chỉ để thỉnh thoảng cho lãnh đạo hai nước tán tỉnh nhau cùng củng cố “con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội là chính”? Còn chuyện lãnh thổ, tranh chấp, ngư dân bị bắn, bị bắt và bị giết, quân đội Trung Cộng đổ ra Biển Đông chỉ là chuyện nhỏ?

Mưu đồ và hành động bành trướng có tính hệ thống

Năm 1949, nhà nước Trung Quốc cộng sản được thành lập. Trước đó, nhà nước Việt Nam cộng sản cũng đã được thành lập trên nửa đất nước. Hai bên ra sức tô thắm tình hữu nghị Quốc tế vô sản lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Ở đó, có quy định rất rõ rằng: “Khi lợi ích của phong trào Cộng sản quốc tế và lợi ích dân tộc có mâu thuẫn với nhau, thì phải hi sinh lợi ích dân tộc cho lợi ích của phong trào Cộng sản quốc tế”. Có lẽ sự hăng máu và nhiệt tình thực hiện điều này số một là chính quyền Cộng sản Việt Nam. Còn anh bạn vàng Trung Cộng thì không thế, bất cứ lúc nào và ở đâu nếu thấy có lợi cho máu bành trướng, họ luôn tận dụng.

Một thời gian dài trong chiến tranh, hết nóng rồi lạnh thì phong trào Cộng sản quốc tế phát triển rồi lục đục, đánh nhau chí tử. Oái oăm thay, những cuộc đánh nhau, tàn sát nhau khốc liệt nhất lại là từ những cuộc chiến của “anh em trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa” là chính. Trong đám hỗn quân hỗn quan XHCN, thì anh nào cũng hô rất to chỉ có mình là theo Chủ nghĩa Mác – Lênin chân chính, còn tất cả thì không xét lại, cũng chỉ là giả cầy. Việt Nam cũng thế, có lẽ vì muốn sự chân chính rõ ràng, nên thực hiện các nguyên tắc của nó khá triệt để.

Năm 1958, Trung Cộng tuyên bố về lãnh hải thể hiện mưu đồ bành trướng của chúng, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã nhanh chóng gửi công hàm rằng “Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành…” Dù công hàm này có giá trị pháp lý hay không, thì cũng cần ghi nhận đây là bước đầu tiên, thể hiện bằng giấy trắng mực đen việc nhà cầm quyền CSVN đã hi sinh lợi ích dân tộc cho chủ nghĩa Bành trướng Bắc Kinh. Nguyên nhân không cần nói ai cũng hiểu, trong cuộc chiến của mình, nhà cầm quyền CSVN đã được nhà cầm quyền Trung cộng đỡ đầu nhiều mặt vì hai nước cùng phe XHCN. Nếu như lúc đó, không phải là Việt Nam, mà là Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc Việt Nam không thuộc phe XHCN lấy Mác – Lênin làm kim chỉ nam thì chắc sẽ không có công hàm 1958 nói trên.

Kế đến, năm 1974, khi Quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay giặc Trung Cộng, nhà cầm quyền Hà Nội đã không có một phản ứng cần thiết khi Tổ quốc bị xâm lăng. Cụ thể là Trung Cộng nuốt gọn Hoàng Sa mà người dân miền Bắc không hề hay biết. Chẳng những thế, sau ngày 30/4 năm 1975, Tổng bí thư Đảng CSVN Lê Duẩn còn lớn tiếng tuyên bố: “Kể từ nay, đất nước ta sạch bóng quân thù” – nghĩa là Hoàng Sa không phải là lãnh thổ Việt Nam? Không phải thế mà chỉ là vì Hoàng Sa đang bị chiếm đóng không phải bởi quân thù mà là anh em XHCN Trung Cộng.

Rồi đến năm 1988, Trường Sa bị tấn công và lấn chiếm trong âm thầm, nhà cầm quyền Việt Nam nghiến răng chịu đựng để tiến tới Hội nghị Thành Đô. Cũng chỉ vì khối cộng sản thi nhau đổ sụp ở Đông âu và trên thế giới, sự đô đơn, sợ hãi đã đẩy nhà cầm quyền CSVN đi đến con đường tìm lại kẻ thù truyền kiếp mà nương náu, mặc dù đã là người dân Việt Nam, ai lại không biết mưu đồ bành trướng của chúng vẫn luôn luôn tồn tại. Điều đơn giản để đi đến kết cục đó, là trên thế giới chỉ còn lại vài ba nước vẫn kiên trì bám trụ Chủ nghĩa Mác – Lênin mà thôi.

Tiếp theo là những năm gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng luôn gây áp lực và ngày càng ngang ngược đòi hỏi hết sức vô lý về lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Nhưng đáp lại những hành động ngang ngược đó là thái độ ươn hèn, khiếp nhược và sợ hãi từ ngay chính nhà cầm quyền Việt Nam. Ngư dân Việt Nam bị cấm đánh cá trên biển Việt Nam, bị bắt bớ, xua đuổi đánh đập, thậm chí báo chí còn không được gọi đích danh, mà chỉ là “tàu lạ”. Những hành động xâm lấn dần dần tăng cường về cường độ và tần suất bao nhiêu, thì người ta thấy những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam đi ngược lại với thái độ hiếu chiến của bọn bành trướng bấy nhiêu. Nhân dân phẫn uất xuống đường biểu tình, liền bị đàn áp và bôi xấu, báo chí bị bịt miệng. Về báo chí, những tờ báo có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc, đã phớt lờ nguy cơ mất nước, ngược lại chỉ nhăm nhăm chống “diễn biến hòa bình” và thế lực thù địch trong nhân dân với sở trường bôi xấu và kết tội. Thậm chí, những tờ báo Đảng, còn ngang nhiên ca ngợi tướng Tàu hoặc tệ hơn nữa là tuyên truyền Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc.

Đặc biệt, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước chỉ nhăm nhăm tung tiền dân để diễn tập chống bạo loạn, chống người dân biểu tình do bị cướp đất… Nói chung là chống lại nhân dân. Còn với giặc bên ngoài, thì im như thóc giống.

Khi bọn bành trướng càng hung hăng, nhà cầm quyền Hà Nội càng tổ chức đình đám hơn các lễ lạt “nhớ ơn Trung Cộng”. Trong tất cả những gì có thể làm trước họa xâm lược Tổ Quốc, chỉ có thể là vài lời phát ngôn sáo mòn, cũ rích từ người phát ngôn Bộ ngoại giao mà mỗi lần nghe lại, người ta muốn “phát nôn”.

Một quãng đường khá dài để bọn bành trướng hiểu thế, lực của Việt Nam, đặc biệt là thái độ, tinh thần của nhà nước Việt Nam như thế nào. Và kết cục hôm nay là đường lưỡi bò đã chính thức được đưa lên thành điểm nóng kết hợp “Thành phố Tam Sa”, rồi “bản đồ Tam Sa mới phát hành… Đấy là những hành động xâm lược trắng trợn. Đặc biệt ngày hôm nay, chúng tuyên bố bắt giữ khám xét tất cả tàu thuyền trên biển của Việt Nam.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân? Cái liềm và chiếc búa

Người dân Việt Nam ngơ ngác, không hiểu nổi nhà cầm quyền đang định làm gì trước họa mất nước? Đặc biệt nhiều người không thể hiểu và không thể giải thích thái độ của nhà nước trước kẻ thù.

Nhiều câu hỏi được đặt ra.

Có phải vì nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc quá hữu nghị, do vậy nhân dân Việt Nam sẵn sàng nhường biển đảo cho Trung Cộng? Xin thưa là không, muôn đời nay, dù có thể mất tất cả, song chủ quyền, lãnh thổ chưa bao giờ bị coi nhẹ hoặc đem ra đổi chác.

Có phải vì nhân dân Việt Nam quá ươn hèn? Chắc chắn là không, lịch sử đã chứng minh rằng những cuộc chiến giữ nước vĩ đại đã từng xảy ra với tinh thần bất khuất đầy kiêu hãnh và lãnh thổ luôn được bảo vệ vẹn toàn.

Có phải vì Trung Quốc quá lớn so với đất nước chúng ta nên phải chấp nhận vị trí chư hầu? Cũng không phải thế, đất nước ta chưa bao giờ lớn so với anh chàng khổng lồ thâm hiểm phương Bắc đầy tham vọng. Nhưng cũng chưa bao giờ khuất phục đầu hàng hoặc ươn hèn như hôm nay.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra lời giải đáp: “Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Có thể nhiều người không hiểu, nhưng đây mới là đáp án cho mọi nguy cơ đối với đất nước chúng ta lâu nay. Khi ý thức hệ cộng sản với cái gọi là Chủ nghĩa Mác – Lênin đã từng bị loài người cho vào sọt rác, nhưng ở đây vẫn được đặt cung kính trên bàn thờ, thì hậu quả của nó là khủng khiếp. Chính câu trả lời của ông Nguyễn Sinh Hùng, hiện là Chủ tịch Quốc hội đã cho thấy điều cơ bản rằng cái học thuyết Cộng sản sẵn sàng hi sinh lợi ích dân tộc, quốc gia cho Cộng sản Quốc tế đã lấn át những hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc, quốc gia?

Cũng chính vì thờ phượng cái mớ lý thuyết bạo lực Mác – Lênin mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thật lịch sử quyết tâm xâm lược đất nước ta bằng đường lưỡi bò tự sáng tác. Song đó vốn là căn bệnh chung của cộng sản: Chính quyền sinh ra từ họng súng khi chúng có cơ hội.

Chủ nghĩa Mác – Lênin với biểu tượng của chiếc búa và cái liềm đã được đưa vào áp đặt vào nhân dân ta mấy chục năm nay, đã sinh hoa kết trái trong lòng dân tộc. Tiếc rằng hoa trái của nó đã là những hoa độc và quả đắng. Một đất nước đã từng tự hào trong lịch sử, biết đoàn kết chống ngoại xâm, luôn lấy tình yêu thương và đùm bọc, đoàn kết làm nền tảng giữ nước đến hôm nay lâm vào trạng thái suy đồi mọi mặt. Văn hóa dân tộc bị băng hoại nghiêm trọng, tinh thần xuống cấp thảm hại, sự chia rẽ, phe phái càng ngày càng nặng nề. Tham nhũng và lãng phí làm đất nước đang kiệt quệ…

Sau mấy chục năm lấy học thuyết Mác – Lênin làm nền tảng để quản lý xã hội bằng đấu tranh giai cấp đã đưa đất nước đến thảm cảnh trong ngoài lục đục, trên duới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán.

Đó là cơ hội cho đường lưỡi bò vươn ra liếm Biển Đông.

Đó cũng là hậu quả của chiếc búa và lưỡi liềm mấy chục năm tung hoành trên đất nước chúng ta.

Như vậy, cái lưỡi bò hôm nay là hệ quả tất yếu của cái lưỡi liềm mấy chục năm qua.

Hà Nội, ngày 30/11/2012

Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh

Lê Thị Công Nhân – VÀNG, ĐÔ và ĐÀO TẨU

Lê Thị Công Nhân

aaco

VÀNG

Cái gì quý người ta thường ví như vàng. Đây là kiểu ví von truyền thống đã thành một thành ngữ của Việt Nam, và không chỉ của riêng Việt Nam, mà còn là chung của thế giới. Thậm chí ví von nghĩa bóng người ta cũng dùng đến vàng, như nguyên tắc vàng, ông bạn vàng, khu đất vàng, thời điểm vàng, đám cưới vàng ..v..v.. Còn ở Việt Nam hiện nay vấn đề gì nổi trội vì sự khó khăn, khó đoán biết, liên tục thay đổi thì người ta nói là “nóng như thị trường vàng” hoặc “điên như giá vàng”. Răng lại có cớ sự như rứa ở cái đất nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu này ?

Từ khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quyết định mở cửa và cởi trói cho nền kinh tế từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước sau gần nửa thế kỷ vừa đóng cửa vừa lấy còng số 8 trói chặt nền kinh tế để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa thì các nhà lãnh đạo vĩ đại của cộng sản hơi choáng váng vì thấy dân vẫn cất giấu được khá nhiều vàng. Lãnh đạo cộng sản tưởng rằng sau những vụ cướp vĩ đại mà họ đã làm như vụ Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản, Cải tạo công thương nghiệp – là những vụ lớn, và vô vàn những vụ nhỏ mang tính chất thường xuyên mà các cấp địa phương, cấp nhỏ hơn đến nay vẫn làm hàng tháng, hàng ngày để cống nạp lên cấp to hơn, thì tưởng rằng vàng trong dân đã được moi gần cạn hết rồi. Ấy vậy mà đến cuối mùa hè năm 2008 khi lạm phát phi mã bộc lộ và thấm thía đến từng người dân để mở đầu cho thời kỳ suy thoái kéo dài đến tận bây giờ thì giá vàng tăng đến 60% chỉ trong vòng 2 tháng từ khoảng 1,8 triệu đồng/chỉ tăng vọt lên 2,9 triệu đồng/chỉ. Thành ngữ “điên như giá vàng” phổ biến từ đấy.

Ngộ nhất là mùa hè năm ấy ở trong tù, tù nhân khố rách chúng tôi cũng bàn tán xôn xao và theo dõi sát sao giá vàng từ sáng mở mắt dậy đến tận đêm có kẻng báo ngủ gõ đinh tai nhức óc, thì giá vàng hôm nay thế nào, lên bao nhiêu rồi cứ gắn chặt vào mồm vào miệng để hỏi nhau, kể cho nhau, buôn dưa lê với nhau. Đến bản tin tài chính trên tivi thì cả phòng im phăng phắc, các đôi tai lừa ve vẩy lắng nghe tin. Tự khắc mà chăm chú tập trung hết chỗ nói!

Tại thời điểm cuối năm 2008 đó việc giá vàng tăng vọt và sau đó không bao giờ hạ xuống nữa có nguyên nhân là do khi ấy hậu quả tai hại của nền kinh tế nội lực yếu, vốn phần lớn là đầu tư nước ngoài còn phần vốn trong nước lại chủ yếu là vốn đối ứng được chuyển từ “giá trị quyền sử dụng đất” góp vào, và nền kinh tế vừa được vu cho là kinh tế thị trường lại vừa được chỉ đạo dẫn dắt theo chủ nghĩa xã hội, có thể hiểu ngắn gọn là kinh tế tư bản kiểu cộng sản. Trong nền kinh tế này, cái phần thị trường lại chính là tư bản kiểu nguyên thủy man rợ mà chính phe cộng sản (Không biết họ có thực học và thực hiểu về kinh tế tư bản không?) luôn vu cho các nước tư bản là như thế: người bóc lột người, tàn phá thiên nhiên, khai thác tận diệt tài nguyên, lừa đảo chộp giật đủ kiểu. Phần định hướng xã hội chủ nghĩa thì là: kiên định quyết tâm bất chấp mọi thủ đoạn đảng cộng sản phải lãnh đạo mọi mặt nền kinh tế tức là tất cả các tổ chức kinh doanh sản xuất đều phải có sự cho phép của đảng cộng sản khi thành lập, khi đang hoạt động và ngay cả khi phá sản.

Ngoài ra, đảng cộng sản còn lãnh đạo tuyệt đối mọi tổ chức kinh doanh của nhà nước và áp đặt tất cả tổ chức kinh tế quốc doanh này phải là chủ đạo. Từ đó trút vô tội vạ vốn từ ngân sách nhà nước do nhân dân còm cõi lầm than đóng thuế vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như vào một cái thùng không đáy để các thể loại nhân sự của những tổ chức kinh tế quốc doanh từ tổng giám đốc tới nhân viên bảo vệ đều 100% phải là con cháu người quen của các tầng tầng lớp lớp đảng viên cộng sản làm sếp to, sếp nhỏ của cơ quan ấy mới được vào làm. Cái nền kinh tế như thế, sau 20 năm sung sướng xả hơi vật vả kiếm tiền cho hả, cho bõ để bù lại gần 40 năm bị cùm, bị trói, bị bịt mắt ấy thì đến năm 2008 – như một kết thúc tất yếu, bộc lộ hết bản chất nửa dơi nửa chuột của mình ra và cả nước chính thức bước vào thời kỳ suy thoái thật sự do chính mình gây ra – chứ không do giọng điệu tuyên truyền láo lếu nhảm nhí ra rả đêm ngày là do suy thoái kinh tế thế giới nói chung ảnh hưởng đến Việt Nam. Suy thoái kinh tế thế giới nói chung ảnh hưởng đến Việt Nam đương nhiên là điều tất yếu, nhưng nó chỉ là một phần mà không phải là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Việt Nam như thế này.

Và khi ấy người dân lại càng tin, càng muốn cất trữ tài sản mà mình làm ra vào một thứ có giá trị bền vững và phổ biến nhất – là vàng. Ngoài ra cần phải nói thêm rằng người Việt Nam từ trước đến giờ vẫn có thói quen cất trữ tài sản vào vàng như vậy. Ấy là do trong lịch sử Việt Nam, có thể nói chưa bao giờ nước ta được lãnh đạo bởi những vị vua sáng suốt tài giỏi thương dân đến mức coi sự thịnh vượng và tiến bộ của dân chúng là thành công, vinh quang và hạnh phúc của người cầm quyền. Có thể nói gần như tất cả những vị vua của Việt Nam trong quá khứ và hiện nay nếu nói điều ấy thật lòng thì cũng chỉ ở mức muốn dân chúng đủ ăn đủ mặc để an phận làm con dân mà thôi.

Đến giữa năm 2011 thì nền kinh tế bắt đầu rơi vào vùng đáy của suy thoái và không ai biết được khi nào sẽ thoát khỏi suy thoái khi mà các dấu hiệu thì rất nhiều người thấy, và cũng nhiều không ít hơn số ấy là dự đoán của các chuyên gia hàng đầu của rất nhiều trường phái học thuật tài chính kinh tế, nhưng tựu trung lại cũng chỉ là vấn đề niềm tin và đạo đức, rằng “Khi nào mọi thứ trở lại/về giá trị thực của nó thì kinh tế sẽ phục hồi.”. Chân lý này thường bị quên trong nhiều trường hợp, và đặc biệt hay bị quên trong lĩnh vực kinh tế. Tất nhiên những lãnh đạo cộng sản chóp bu hoàn toàn nhận thấy rõ điều ấy, thậm chí còn nhận thấy trước dân chúng rất nhiều. Do đó, một mặt họ vẫn tiếp tục ngu dân, mỵ dân bằng những bài tuyên truyền nhảm nhí, một mặc ra sức thu vén tư lợi bất chính bằng việc in tiền khống. Không gì thu lợi được nhiều hơn từ bóc lột và tận thu cùng kiệt sức lực và tài sản của dân.

Và, vàng chính là thứ mà người dân tích lũy nhiều nhất công sức lao động của mình vào để tránh lạm phát ăn mòn tài sản của họ. Nhu cầu chính đáng này là phổ biến và bình thường ở một đất nước mà việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt và niềm tin của của người dân vào nền kinh tế và giá trị đồng tiền là rất kém. Do vậy, phải tìm mọi cách để lấy được vàng của dân ra, vì vàng thì chính quyền không sản xuất khống được như là việc in tiền-suy cho cùng cũng chỉ là tờ giấy, mà lại là giấy nội địa, loại giấy có mặt ông Hồ to tướng mà chỉ cần sang tới Thái Lan thôi đã chẳng ai thừa nhận, không còn chút giá trị nào.

Thế là Nghị định 24/2011 ra đời, hiệu lực tháng 5.2012 đến nay mới chỉ 6 tháng mà đã làm thất điên bát đảo thị trường vàng Việt Nam vốn đã không ổn định, thì nay nhờ có chính phủ trứ danh của ông Dũng mà trở nên quái đản dị thường chưa từng thấy. Xin điểm ngắn gọn vài hậu quả của chính sách chống vàng hóa trong giao dịch mua bán và ổn định thị trường vàng của chính quyền cộng sản Việt Nam:

–         Hoàn toàn không có bất kỳ một dấu hiệu nào là thành công nhỏ nhoi trong việc chống vàng hóa trong các giao dịch mua bán;

–         Hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu nào là thị trường vàng được ổn định, mà chỉ có:

–         Trước thì giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 500.000-1.000.000 đồng/lượng giờ thì đã cao hơn 3.000.000 đồng/lượng (*);

–         Chỉ trong 5 tháng Ngân hàng nhà nước đã thu mua được 60 tấn vàng từ trong dân (*);

–         Thị trường vàng trong nước không còn liên thông với thế giới, tức là không còn thể hiện sự liên quan bình thường với thị trường vàng thế giới, Việt Nam một mình một kiểu không giống ai;

–         Nhãn hiệu vàng SJC bỗng dưng-bằng một mệnh lệnh hành chính nhà nước, trở thành thương hiệu vàng quốc gia, và tăng giá một cách kỳ lạ, trở nên kiêu kỳ và khó tính trong cả việc bán đi và mua lại vàng của chính mình sản xuất;

–         SJC thu lợi số tiền khổng lồ mà không ai bên ngoài có thể thống kê được. Số lợi khổng lồ không chính đáng này đến từ chênh lệch giá vàng và việc mua rẻ, ép người dân phải bán lại giá rẻ có khi lên tới 500.000 đồng/lượng vàng cũ của chính mình sản xuất ra, với lý do mà bất kỳ một nhân viên thu mua vàng nào của SJC cũng luôn leo lẻo mỗi khi gặp khách đến bán vàng là “Túi chân không bị rách, có hơi ẩm, vàng méo, vàng xước, chữ/hoa văn chỗ nọ chỗ kia không rõ  ..v..v.. Bớt 300.000 đồng/500.000 đồng (so với giá niêm yết). Không bán thì thôi.” Tự tin như đinh đóng cột! Tất nhiên nếu khách bán thì số tiền chênh lệch ấy nhân viên trực tiếp mua không “ăn” một mình, SJC cũng không thể “ăn” một mình, mà tất cả bọn họ từ kẻ lãnh đạo ăn trên ngồi tróc đêm ngày ủ mưu bày kế bóc lột dân ra lệnh, đến các đại gia giám đốc quản lý tập đoàn này, còn các nhân viên trực tiếp cấp dưới thì đương nhiên cũng có những phần thưởng theo khoán, theo chỉ tiêu, định mức thu mua.

–         Thị trường vàng trở nên quái đản chưa từng thấy với chênh lệch giá giữa nhãn hiệu SJC cao hơn khoảng 5% so với vàng cùng loại của nhãn hiệu khác. Đây là một con số rất lớn đến mức kinh dị chưa từng có đối với mặt hàng đặc biệt này;

–         Dân chúng đổ xô đi bán vàng nói chung, và riêng với các nhãn hiệu không phải là SJC;

–         Nghị quyết 21/2011 của quốc hội yêu cầu bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, thành vô nghĩa. Chính phủ hoàn toàn coi thường quốc hội…v..v..

Và cuối cùng thì không thể khác những điều như ông nghị Nguyễn Trí Dũng – Nhóm tư vấn chính sách vĩ mô – Ủy ban Kinh tế quốc hội nói “Nhu cầu tích lũy tài sản bằng vàng để tránh lạm phát bào mòn tài sản tích lũy là nhu cầu chính đáng của người dân. Trước kia ngân hàng chưa huy động vàng người dân vẫn tích lũy, nếu đồng tiền cứ mất giá thì người dân vẫn phải giữ vàng và sẽ tìm được cách giữ vàng.” (Báo Tuổi trẻ, thứ 7, 17.11.2012, page 7)

Vậy là sao? Tiếc là ông Trí Dũng này, nếu tôi đoán không nhầm, lại quá lịch sự không đúng chỗ, khi ông không nói thẳng ra rằng “nếu đồng tiền cứ mất giá thì người dân vẫn phải giữ vàng và sẽ tìm được cách giữ vàng, chính quyền đừng hòng moi được hết vàng của dân, nhá !”

Giả thuyết của tôi hoàn toàn phù hợp với phát biểu của ông nghị Nguyễn Văn Tuyết – Bà Rịa Vũng Tàu rằng “Thống đốc trả lời khôn cũng tốt nhưng đừng nghĩ là dân không biết gì.”.

Đúng vậy! Có thể dân – trong đó có tôi, chưa biết sự thật là gì (vì được che giấu quá kỹ), chưa biết tốt đẹp, thịnh vượng, văn minh là như thế nào nhưng chắc chắn chúng tôi biết rằng cái hiện tại của đất nước này, của chính quyền cộng sản Việt Nam này là độc tài, là gian dối, là ngu dốt. Vì vậy, mà tận sâu trong lòng người dân Việt Nam giờ đây quá chán ngán tất cả những gì cộng sản nói, bằng chứng là học sinh Việt Nam bây giờ coi môn lịch sử chỉ là môn học nhảm nhí, thậm chí không cần học, thậm chí ngay cả ông bộ trưởng giáo dục Việt Nam còn xưng xưng phát biểu rằng “50% học sinh thi tốt nghiệp trung học môn sử dưới 2 điểm, là bình thường.”

Kết thúc phần Vàng, xin trích 2 phát biểu:

–    Ông nghị Trần Du Lịch phát biểu tại phiên chất vấn thống đốc Nguyễn Văn Bình sáng 13.11.2012 “Qua phần trình bày của thống đốc, dường như muốn tiêu diệt thị trường vàng, chứ không muốn bình ổn thị trường vàng.”

–  Thống đốc Nguyễn Văn Bình “Sau 6 tháng thực hiện nghị định 24, nhà nước đã thu mua được 60 tấn vàng.” phát biểu cùng buổi sáng hôm ấy tại quốc hội.

Vô cùng sung sướng và mãn nguyện!

ĐÔ LA

Câu chuyện của đô la ở Việt Nam hiện nay cũng thú vị không kém câu chuyện của vàng. Chỉ khác là việc nhà nước thắt chặt việc mua bán ngoại tệ đã có từ rất lâu, nhưng làm thì đì đùng, vì thật ra là không làm nổi, không muốn làm. Chính thế mà nhiều người dân bị mất tiền oan khi đi mua bán ngoại tệ, vừa mất số tiền đem mua, bán, vừa bị phạt thêm một số tiền rất lớn, nên uất ức vô cùng. Giới công an, quản lý thị trường và nhất là các thể loại trinh sát liên ngành chỉ việc thỉnh thoảng phố hợp với nhau đi rình ở các hiệu vàng, các điểm mua bán ngoại tệ tư nhân mà ai cũng biết, rồi thích bắt ai là bắt, hoặc bắt theo chuyên án để vớ được quả “bẫm” mà chia nhau.

Việc thắt chặt mua bán ngoại tệ, mà chủ yếu là đô la khác với vụ quản lý vàng ở trên là chính quyền không thể bỗng dưng chọn một loại ngoại tệ nào để làm đối tượng siết được vì nó có sẵn rồi, chỉ vài loại như thế, như thế, mà mình lại chẳng thể tác động gì vào nó, không in khống được, không làm giả được, cũng không làm nó tăng hay giảm giá trị được, vậy phải làm cách nào đây để thu gom được thật nhiều ngoại tệ, càng nhiều càng tốt. Thế là chính quyền, với công cụ quyền lực trong tay, nghĩ ra ngay những mệnh lệnh hành chính cho đám lâu la bộ sậu hùng hổ thực thi.

Ngày 29.08.2011 Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 20 về mua bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép. Những quy định của thông tư cực kỳ nhiêu khê và còn có dấu hiệu của “nước đái chuột”. Mỗi ngày mỗi người được mua tối đa là 100 đô la cho một ngày đi công tác, du lịch, khám chữa bệnh, công tác, thăm viếng ..v..v.. và chỉ được mua tối đa cho 10 ngày, với điều kiện phải trình bày lý do bằng văn bản có các giấy tờ khác chứng minh kèm theo. Đối với doanh nghiệp thì khỏi phải nói về những nhiêu khê khốn khổ trong hành trình đi mua đô la của họ.

Ngược lại với thủ tục áp cho người mua ngoại tệ cực kỳ quan liêu, nhiêu khê, theo đúng cái cách mà chính quyền cộng sản này luôn đối xử với dân là “Chúng mày cần nhưng bọn ông đếch cần.”, thì dân tình ngây ngô được khuyến khích đem hết ngoại tệ ra mà bán cho ngân hàng, không hạn chế số lượng, thậm chí bán cả ngoài giờ và ngay tại nhà dân thì nhân viên ngân hàng cũng sẽ rất vui lòng vác bị đến mua luôn và ngay. Còn với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì thậm chí ngân hàng còn có sáng kiến và lạm quyền tự động giữ lại đô la của doanh nghiệp mà bên phía nước ngoài trả cho doanh nghiệp trước đó qua các LC tại ngân hàng và bắt doanh nghiệp muốn lấy được số tiền chính đáng của mình phải mất rất nhiều thời gian công sức cho các thủ tục quan liêu hành dân, đến mức gần như tất cả các doanh nghiệp đều phải cho nhân viên ngân hàng ăn của đút để giải quyết cho họ được rút ngoại tệ của họ ra

Xin nhắc lại chút ít rằng tất cả các ngân hàng nội địa Việt Nam dù là tư nhân (nguồn gốc thành lập) hay quốc doanh được cổ phần hóa thì đều có cổ đông lớn nhất là phe cánh, bè nhóm của các thể loại lãnh đạo chóp bu cộng sản.

Ví dụ: Ngày 31.08.2012, tại Huế, công an đã bắt 1 vụ mua bán ngoại tệ trái phép của ông Lộc – người bán 10.000 đô la Mỹ với bên mua là hiệu vàng Phước Lộc trên đường Mai Thúc Loan – tiền để mua là 209 triệu đồng. Người bán và mua bị tịch toàn bộ số tiền này, ngoài ra còn bị phạt mỗi người một số tiền khổng lồ là 80 triệu đồng. Báo Thanh tra điện tử đăng ngày 17.10.2012, ngoài ra bài viết còn nhấn mạnh “Theo các điều tra viên, việc mua bán ngoại tệ trái phép này nhằm thu lợi bất chính. Do thủ đoạn, hành vi hết sức tinh vị nên lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ công an thành phố Huế đã phải mất nhiều thời gian mới bắt được.”

Ở Việt Nam, lên tiếng đòi tự do ngôn luận, viết báo đòi tự do lập hội, đi biểu tính đòi tự do yêu nước còn bị chính quyền vu cho là “để kiếm tiền, nhằm thu lợi bất chính” thì việc mấy người trên bị đối xử như tội phạm bắt quả tang, bị tịch thu hết cả tiền bạc, rồi còn bị xử phạt là cũng đúng thôi. Nhưng cái “đúng” này nên nhớ là đúng với nhu cầu ăn cướp, đúng với cách hành pháp hành dân, bẫy dân của chính quyền cộng sản Việt Nam, chứ hoàn toàn không phải là sự đúng đắn và phù hợp với nhu cầu thực tế và hành xử bình thường có đạo lý của xã hội và người dân Việt Nam. Bằng chứng là ai biết về vụ việc này ngay khi nó xảy ra và bây giờ khi kiểm chứng bài viết này thì chỉ đều thấy phẫn nộ chính quyền cộng sản Việt Nam là một lũ cướp đê tiện, và xót xa oán thán thay cho 2 công dân kia.

Khỏi phải nói sau 1 năm thực hiện thông tư 20 nêu trên, các ngân hàng đã moi được của dân  bao nhiêu đô la! Ý quên, mua ạh !

ĐÀO TẨU

Khi quyết định đào tẩu, có 3 điều quan trọng phải nghĩ kỹ:

1-     Đào tẩu sang nước nào?

2-     Đào tẩu khi nào?

3-     Đem theo gì khi đào tẩu?

Đối với lãnh đạo cộng sản cao cấp kiêm tư bản đỏ ở Việt Nam hiện nay thì các câu trả lời đương nhiên là:

1-     Đào tẩu sang các nước tự do, dân chủ. Thật đáng tiếc cho họ các nước cộng sản ruột thừa anh em chi sống chí chết của họ lại chẳng có đồng chí nào là tự do, dân chủ cả, nên đành phải vác cái mặt trơ trẽn méo mó cô hồn dị hợm đào tẩu sang các nước tư bản giẫy chết vậy.

2-     Đào tẩu khi thời điểm thuận lợi, nhất là việc chuẩn bị tài lực cho cuộc sống sau đào tẩu đã chuẩn bị xong. Nhưng ôi chao! Cái việc này lại hay bị kéo dài vì lòng tham của bọn chúng là vô đáy, với lại mọi sự trên đời này nào có mấy khi như ý mình. Sự không như ý ấy vừa đến từ những rủi ro hoàn toàn ngẫu nhiên, vừa đến từ tình đồng chí cộng sản – cái thứ tình mà ngày hôm trước còn ôm hôn nịnh bợ nhau không biết ngượng như mất trí thì ngay hôm sau đã có thể ra lệnh bắt nhốt nhau, đấu tố nhau và cả giết nhau nhân danh sự “cải tạo”.

3-     Hành trang đem theo khi đào tẩu đương nhiên là một lý lịch mới (Con em cộng sản đi du học còn làm hẳn bộ lý lịch và cả cha mẹ mới, bất chấp tự trọng và tình cảm tự nhiên của con người, huống hồ là đào tẩu!) và thật nhiều, thật nhiều tiền và kim loại quý dễ quy đổi và sử dụng được như tiền.

Vậy, tiền ấy là tiền nào, kim loại ấy là kim loại gì mà ở đâu, lúc nào cũng có giá trị ổn định nhất so với các loại tiền và kim loại quý khác?

Ấy là vàng và đô la. Vàng ở đâu cũng là vàng. Đô la ở đâu cũng là đô la. Giá trị luôn được bảo toàn gần như tuyệt đối bằng nhau ở mọi nơi có sử dụng vàng và đô la trên thế giới này (Tất nhiên có thể có xê dịch chút ít, nhưng đảm bảo là rất ít!).

Do vậy, với một chính quyền đã thối nát đến tận cùng, nền kinh tế đã be bét, rách bơm không che giấu vào đâu được nữa, cộng sản chỉ còn trông mong vào sự khiếp sợ của ngươii dân mà nỗi sợ ấy đã được dày công gieo mầm nuôi dưỡng trọn vẹn 3 thế hệ trong hơn nửa thế kỷ qua, để vơ vét nốt được ngày nào hay ngày ấy, rồi đánh bài chuồn. Quá trình chuẩn bị đào tẩu đã được chuẩn bị chu đáo từ lâu dưới mọi hình thức mua bất động sản, chứng khoán, đầu tư trực tiếp kinh doanh, cho con cái du học, kết hôn với người có quốc tịch nước ngoài, đem đô la, vàng kiếm được bất hợp pháp ra gửi ở nước ngoài.

Vàng, đô la ấy kiếm thêm, moi thêm ở đâu ra bây giờ? Đầu tư nước ngoài đã chựng lại vì bộ mặt lật lọng tham nhũng phơi lộ bầy hầy nhớp nhúa đến nỗi tài nguyên thiên nhiên và giá lao động rẻ mạt cũng không còn hấp dẫn như trước nữa rồi. Dân thì cũng đã khôn ra một tí, có bị chính quyền lừa mỵ đến mấy cũng đã bình tĩnh hơn mà suy xét sáng suốt cất giữ bảo tồn tài sản của mình vào những thứ đáng quý và thực chất, và đặc biệt là có giá trị ổn định khi giao dịch toàn cầu.

Ấy là vàng và đô la.

Bỗng dưng lại tưởng tượng có một tên cộng sản tư bản đỏ nào đó lại dựng ngược lên “Ờh đấy! Bọn tao đào tẩu thì phải cần vàng, cần đô la chứ. Dở người mà mang theo tiền đồng Việt Nam để làm giấy lộn àh. Lũ dân đen chúng mày thì đi đâu, cứ yên tâm mà dùng tiền Việt, nhá! Có bao nhiêu vàng, đô hãy mang ra đây, ông có nhà máy ông in tiền đồng ông đổi cho. Chúng mày mà không đổi đúng đầu nậu nhà ông là ông tịch thu hết đấy, nhân danh nhà nước hẳn hoi, nhá! ”

Hà Nội, 20.11.2012

Tác giả gửi cho NTT’s Blog