Về một con người đời thường

Lê Thăng Long (Danlambao) – Giờ này không biết anh đang làm gì, đọc một cuốn sách, sáng tác một bài thơ? Nhưng tôi đoan chắc một điều là anh không bao giờ thôi suy nghĩ về người khác. Có thể là một người bạn cũ, một nhân viên bảo vệ công ty trước đây hoặc những người mà anh chỉ gặp một lần nhưng không bao giờ quên được những cảnh đời của họ. Gần 5 năm làm bạn học, 15 năm làm đồng nghiệp và gần 2 năm làm bạn tù với anh tôi thường được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện đời thường xung quanh anh. Chúng rất dung dị nhưng thật đáng học hỏi.

Dịp sinh nhật 46 của Thức tôi nghĩ mãi cả tuần nên viết gì tặng anh. Trải qua một thời gian dài hơn 26 năm thâm tình với anh, tôi chứng kiến và học hỏi ở anh rất nhiều, từ nhỏ nhặt đến lớn lao. Ngẫm nghĩ kỹ thì tôi nghiệm ra rằng những điều có giá trị nhất là chính từ cuộc sống đời thường của anh mà ít người được biết. Chính cách sống đó đã làm nên một con người có những suy nghĩ và bài viết rất gần gũi với cuộc sống, chứ không phải từ những tư tưởng to tát, những lời đao to búa lớn.
“Trao đổi để nhìn vào chiều sâu của cuộc sống. Xã hội cần được xây dựng từ dưới lên” là câu mà Thức dùng để làm phương châm cho blog Trần Đông Chấn, bây giờ vẫn còn nguyên tại địa chỉ trandongchan.wordpress.com Khi suy nghĩ, anh luôn vươn xa, mở rộng để phóng tầm nhìn đến những điều lớn lao, táo bạo. Nhưng khi hành động thì anh luôn bắt đầu từ những gì cụ thể, từng bước và chăm hỗ trợ những người khác để họ có điều kiện tốt mà cùng tiến đến tầm nhìn đó. Đó là lý do vì sao những bài viết của anh dù đề cập đến những vấn đề hết sức to lớn, phức tạp nhưng lại rất dễ hiểu và thực tế.
Anh nhìn vào hiện thực cuộc sống để tìm ra giải pháp làm nó tốt dần lên, cao dần lên. Chứ không bê những lý thuyết cao siêu vô hồn từ đâu đó và áp xuống một cách độc đoán bất chấp thực tế, rồi cố gắng tô vẽ cho đẹp. Muốn vậy phải thấu cảm được hoàn cảnh sống của người khác. Anh thường nhắc tôi phải đặt mình vào vị trí của người khác mà nghĩ, đừng chỉ nghĩ theo hoàn cảnh của mình và đừng bao giờ vô cảm với những cảnh đời cơ nhỡ.
Một lần vào khoảng năm 2007, tôi bay từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc. Tài xế riêng của anh ra sân bay đón tôi. Cậu ấy kể câu chuyện này để giải thích vì sao cậu ấy đến trễ để tôi chờ. Trước khi đi sân bay cậu ấy phải chở anh đến một nơi hẹn. Tới bùng binh Quách Thị Trang chợ Bến Thành anh nhìn thấy một bà cụ đang chống gậy đi qua khu tam giác dành cho người đi bộ thì bị ngã quỵ. Anh vội nói tài xế quay đầu xe lại chạy đến chỗ bà cụ. Anh lao xuống xe và bế xốc bà cụ vào dưới mái che cây xăng cạnh đó, kêu tài xế lấy dầu xức cho bà. Anh hỏi bà đi đâu mà để như thế này. Bà thều thào rằng bà đi ăn xin nhưng sáng giờ chưa xin được gì nên đói quá mà ngã. Anh kêu tài xế chạy ngay đến bánh mì Như Lan gần đó mua cho bà, cả nước uống. Anh hỏi nhà bà ở đâu, con cháu đâu mà để bà phải làm như vậy. Bà nói nhà ở tận Củ Chi, con cháu đứa nào cũng nghèo, có đứa cũng đi xin nên đâu lo cho bà được.
Bà ăn xong, anh hỏi bà đã đỡ mệt chưa, thực sự không có gì nguy hiểm trong người nữa phải không, rồi anh móc hết trong bóp ra còn một vài triệu đưa hết cho bà. Anh dặn tài xế ở lại đưa bà đến trạm xe buýt, phải đưa lên tận trong xe kiếm chỗ cho bà ngồi rồi mới được về. Trước khi đi anh dặn bà rất kỹ là hôm nay phải về, không được đi nữa, về nhà cũng phải nghỉ ngơi vài tuần cho lại sức. Rồi anh mượn tài xế ít tiền và bắt taxi đến chỗ hẹn. Tôi hỏi vui cậu tài xế: “anh Thức mượn tiền em có trả không?” Cậu ấy cười hì hì và nói: “ảnh mượn tiền em hoài, không trả ai cho mượn nữa.”
Thỉnh thoảng Thức lại rủ một số đồng nghiệp công ty và cả hai đứa con nhỏ của mình tham gia các chuyến chữa bệnh miễn phí và phát chẩn ở những vùng xa nghèo khổ. Những chương trình này được hội cứu tế Tzu-Chi của Đài Loan do bạn anh làm đại diện ở Việt Nam tổ chức. Những chuyến đi như vậy anh làm tình nguyện viên đưa đón, bồng, cõng những người bệnh già yếu suốt cả ngày. Anh tận dụng thời gian đó để tìm hiểu cuộc sống của họ. Trong tù anh vẫn không quên viết thư dặn dò con mình hãy quan tâm và dành ít thời gian tham gia vào những chuyến đi như vậy. Anh nói với con rằng những ánh mắt hạnh phúc của người nghèo khó được chăm sóc, trân trọng là những phần thưởng không có gì mua được cả.
Thức kể với tôi anh chọn hội Tzu-Chi để làm tình nguyện viên vì hội đó rất trân trọng người được cứu tế. Cho quà phải nâng bằng hai tay và gập người xuống. Họ dặn các tình nguyện viên rằng: “Của cho không bằng cách cho. Người nghèo thường ít được tôn trọng, do vậy đây là dịp để họ nhận được những sự đối đãi trọng thị.”
Thức nói rằng những người đang khốn khổ như vậy còn quá nhiều, việc thiện nguyện dù rất ý nghĩa cũng không giúp được bao nhiêu. Nhưng nó sẽ làm mình thực sự hiểu được những cuộc sống mà mình không phải trải qua hàng ngày. Chỉ như thế mới nhìn ra được những cách giải quyết thực tế và căn cơ. Anh cũng thường phê phán hiện tượng một số người làm giàu trên sự thiệt thòi của người khác rồi vun tiền đóng góp cho từ thiện để được danh nghĩa vì người nghèo.
Triết lý kinh doanh của Thức rất dứt khoát: “Không kiếm lời từ bất kỳ công việc nào mà nó không tạo ra lợi ích cho nhiều người hoặc cậy thế chèn ép người khác”. Anh khuyến khích sự sáng tạo để có lợi thế cạnh tranh về công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh, và không cho phép các hoạt động đầu cơ chụp giật. Cá nhân anh không bao giờ mua bán đất đai, bất động sản hoặc chứng khoán vì anh nói các lĩnh vực này đang là bong bóng không tạo ra giá trị thật nên khi mình kiếm được tiền thì sẽ có ai đó mất. Anh cũng chỉ có một căn nhà và không đầu tư thêm bất kỳ bất động sản nào khác, dù mọi người thường ngạc nhiên trước những dự báo chính xác của anh về các cơn sốt nhà đất, chứng khoán.
Thức là thế, luôn nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho dù đó không phải là cách luôn có lợi trong một xã hội đang có quá nhiều các giá trị bị đảo lộn. Anh luôn kiên trì với cách đó và rất phê phán các kiểu sống cơ hội. Thức là người nóng tính (và còn rất nhiều những tật xấu khác nữa :D ) nên những người thân cận với anh thường thấy anh nổi xung trước những hành động theo kiểu sống này. Nhưng đó cũng là cách để anh duy trì nhiệt huyết của mình để không bị nhiễm những cái xấu tràn lan trong xã hội. Anh thích câu danh ngôn của ông Adam: “Hãy biết giận nhưng đừng giận”. Đó cũng vừa là triết lý sống vừa là bản tính của Thức, không bao giờ để bụng hay thù hận ngay cả với những người đã làm hại mình, nhưng cũng không xem sai trái của họ là điều chấp nhận được.
Không mấy người biết mẹ anh Thức đã từng bị ngồi tù. Những năm 1978, 1979 Việt Nam không những bị nạn thất mùa trên khắp cả nước mà còn phải chịu đựng gánh nặng trả nợ cho Trung Quốc. Đó là những năm mà ngay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gặp phải cảnh thiếu gạo. Vào lúc đó mẹ anh Thức làm nông ở Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), gia đình rất đông con mà mùa màng lại thất bát. Nhưng chính sách những năm đó phải đóng thuế theo hạn mức cố định mà không xét được hay thất mùa. Thu hoạch được chẳng bao nhiêu, nếu đóng lúa thuế thì hết sạch lấy gì để cả nhà dùng để độn khoai mà ăn đến mùa vụ tới. Nên bác gái quyết định không đóng lúa thuế và xin khất qua mùa sau, nhưng không được chấp nhận.
Sau nhiều lần đọc tên trên loa phóng thanh mà bác vẫn không đi nộp thuế, du kích xã vào bắt giam bác trong lúc bác đang trốn dưới gầm giường. Họ lôi bác đi trước tiếng khóc của bầy con còn nhỏ. Rồi bác bị đưa ra tòa xử 6 tháng tù vì tội trốn thuế và còn phải đóng thuế phạt. Hơn 20 năm sau Thức có lần về quê dự giỗ ông ngoại, anh gặp lại những người đã từng ức hiếp gia đình mình, bỏ tù oan sai mẹ mình và còn làm rất nhiều điều cường bạo khác. Nhưng anh vẫn bắt tay họ. Họ mời anh ghé nhà chơi, thấy có người gặp hoàn cảnh khó khăn anh vẫn lấy tiền giúp họ.
Anh kể tôi nghe câu chuyện này và nói rằng: “Họ cũng chỉ là nạn nhân của những sai lầm có hệ thống gây ra giáo điều và ngu muội. Ngay cả đến bây giờ mà những người có học cao còn không tránh được bị cái hệ thống đó biến thành sai trái và thiếu hiểu biết, đừng nói gì đến những người dân quê thiếu học mà được nắm quyền hành.”
Rồi anh phân tích rất nhiều những sai trái, vi hiến của các thông tư liên bộ giữa Bộ công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc định tội và kết án cho một số loại hành vi mà bản chất của chúng không vi phạm các điều luật được qui định trong bộ luật hình sự. Những thông tư như vậy lại rất phổ biến và ngang nhiên trở thành căn cứ pháp lý được dẫn ra trong các bản án và cáo trạng. Bằng một cách đơn giản như vậy thì công an, kiểm sát, tòa án dễ dàng đứng trên mọi quốc hội hoặc các thiết chế quyền lực khác để giải thích luật hình sự tùy tiện theo cách của họ để kết tội oan trái cho người dân, bất chấp bản chất của hành vi có phạm tội hay không. Thức hiểu biết sâu về lĩnh vực tư pháp này vì lúc đó anh đang cùng luật sư Lê Công Định nghiên cứu để viết về cải cách pháp luật trong quyển sách Con đường Việt Nam nhằm chỉ ra nguồn gốc và đề nghị loại bỏ những cách thức sai trái, vi hiến của các hoạt động tư pháp gây ra oan sai phổ biến cho người dân, không chỉ trong các vụ án chính trị mà còn trong rất nhiều vụ án hình sự.
Nhiều người ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng của Thức. Anh có khả năng tự học rất đặc biệt nhờ luôn quan sát kỹ, phân tích sâu và suy luận rộng các hiện tượng để thấu rõ bản chất cốt lõi của chúng. Nhưng gần Thức rất lâu nên tôi hiểu rằng khả năng đó trước hết xuất phát từ một tính cách luôn nghĩ đến người khác của anh. Nghe, thấy một hiện tượng hoặc sự kiện nào đó. Việc đầu tiên anh luôn đánh giá xem tác động của nó đối với những đối tượng khác nhau chịu ảnh hưởng như thế nào. Từ đó anh mới phân tích sâu xa nguyên nhân của các tác động, ảnh hưởng đó và nghĩ ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề. Đó có thể là những việc không thuộc trách nhiệm thường xuyên của mình nhưng anh vẫn luôn nghĩ đến nó. Còn nếu là những vấn đề quốc kế dân sinh thì anh chẳng bao giờ bỏ qua.
Đã 4 sinh nhật anh trải qua trong tù – thời gian để một người như anh làm được rất nhiều việc lớn có ích cho đời nếu không bị giam cầm tùy tiện. Và cũng trong thời gian đó nền kinh tế đất nước tiếp tục trượt dài đúng như anh đã cảnh báo và phê phán. Nhưng tôi biết rằng anh không hề hối tiếc. Anh cho rằng những gì đã xảy ra với mình và đất nước là điều khó tránh được để dẫn đến những thay đổi tốt đẹp. Nên anh chấp nhận những nghịch cảnh ấy như một sứ mệnh mà mình nhận lãnh.
Phong trào Con đường Việt Nam sắp phát hành trong tháng tới một quyển sách viết về anh và biên tập, tổng hợp lại những bài nghiên cứu tình hình đất nước và cảnh báo nguy cơ về kinh tế – chính trị – xã hội của nhóm Chấn (cùng với luật sư Lê Công Định). Dù đã được viết cách đây 5 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị của nó. Cuốn sách cũng giới thiệu rõ hơn nội dung của quyển sách “Con đường Việt Nam” mà anh Thức đang viết dở về các biện pháp cải cách, chấn hưng đất nước.
Quyển sách sắp phát hành cũng mong muốn thức tỉnh lương tri của cộng đồng về một con người bị cầm tù vì nặng lòng với đất nước mà nói lên chính kiến của mình để anh không phải trải qua thêm một sinh nhật nữa trong tù.
Những nỗ lực vận động của gia đình, bạn bè và cộng đồng quốc tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc chống giam giữ tùy tiện (WGAD) đã phán quyết việc bắt giữ anh và những người bạn mình là vi phạm luật pháp quốc tế mà Việt Nam ký kết và sẽ đưa vấn đề ra Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nếu Chính phủ Việt Nam không đáp ứng việc trả tự do cho anh, anh Lê Công Định và anh Nguyễn Tiến Trung. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng đã tiến hành và chuẩn bị những chiến dịch vận động mạnh mẽ cho anh và những tù nhân chính trị khác. Liên minh Châu Âu và chính phủ nhiều nước cũng đã và sẵn sàng tiếp tục lên tiếng để tiếp sức cho những tiếng nói của lương tri đòi tự do cho anh và nhiều tù nhân lương tâm nữa.
Chỉ cần thêm những tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng thì sẽ dẫn đến tự do cho anh và nhiều người khác. Đó cũng sẽ là sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp đến với đất nước.
Và ngay bây giờ, ai đọc được bài viết này thì xin hãy thầm gửi anh một lời chúc sinh nhật. Tôi tin người có tâm hồn như anh sẽ cảm nhận được và thấy rất ấm lòng nơi ngục tối lạnh lẽo, hoang vắng. Xin cảm ơn.
Chúc mừng sinh nhật bạn. Hãy giữ sức khỏe và yên tâm rằng con đường bạn đi đang ngày càng có nhiều người bước tới.
1h sáng, 28/11/2012, một ngày trước sinh nhật Thức.

Bỏ đánh giày ở Hà Nội sang châu Phi làm tỷ phú

Từ Luanda (thủ đô của nước Angola), câu chuyện lập nghiệp của Đặng Văn Hòa (Alex Hòa) có quỹ lương cho nhân viên 40.000 USD/tháng. Ít ai ngờ rằng, thuở mới lớn, Hòa đã từng bỏ nhà lên Hà Nội đánh giày.

Từ đôi bàn tay trắng

Sinh năm 1987 ở thôn Khang Giang, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nhiều hàng xóm bây giờ kể lại vẫn nhớ về tuổi thơ của cậu bé Hòa nghịch ngợm. Năm 14 tuổi, đang yên đang lành, cậu đùng đùng bỏ nhà lên Hà Nội để đi đánh giày. Về sau, gia đình tìm được mang về nhưng việc học hành cũng kể từ đó mà trễ nải.

Câu chuyện làm giàu ở châu Phi của bạn trẻ Đặng Văn Hòa rất đặc biệt.

Không chọn được học vấn để tiến thân, Hòa chọn nghề xây dựng vì đơn giản đó là công việc anh đam mê và phù hợp với năng lực của mình. Cậu bé Hòa bắt đầu theo các chú, các anh để học nghề xây dựng, một công việc vất vả.

Tháng 9/2008, được người thân giới thiệu, Hòa quyết định sang Angola với mục đích ban đầu là làm thợ xây vì thu nhập ở đây khá hơn tại Việt Nam. Hòa kể: “Ban đầu sang mới sang, mình làm thuê cho người Angola, mỗi tháng trừ tiền ăn ở, lương được 500 USD/tháng. Được 6 tháng, công ty làm ăn thua lỗ, cắt giảm lương của anh em người Việt. Để xoay xở thu nhập, mình phải kéo anh em ra ngoài nhận thêm công trình để làm”.

Sau những công trình nhỏ, Hòa mạnh dạn đột phá chuyển sang kinh doanh và nhận về những công trình lớn hơn.

Khó khăn ban đầu lớn nhất của Hòa khi tự lập nghiệp chính là những bất đồng về ngôn ngữ và giấy tờ để hợp pháp hóa công việc xây dựng mà anh đang theo đuổi. Khi mới tách ra, vốn liếng của Hòa chỉ là một ít quan hệ với người bản xứ, ban đầu, anh chỉ nhận được những công trình rất nhỏ, số tiền thu về chỉ đủ để chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Có một số vốn nhỏ kèm theo vay mượn, anh mở cửa hàng đầu tiên với dịch vụ chụp ảnh và photocopy.

Hòa cho biết: “Ban đầu thiếu vốn nên chạy vạy cũng vất vả lắm, lãi cũng không có nhiều. Nhưng mình may mắn được nhiều anh em giúp đỡ, thêm nữa, điểm đặt cửa hàng lại nằm ở khu vực trung tâm nên lấy lại vốn cũng nhanh. Trong một năm sau khi mở cửa hàng, mình không gửi được một đồng nào về nhà, nhưng đồng thời cũng đã mở được 3 cửa hàng để bán đồ điện tử và dịch vụ internet”.

Gần một năm sau khi tách ra làm riêng, Hòa mới đủ tiền lo giấy tờ hợp pháp để lao động ở xứ người, tránh được nỗi lo canh cánh việc chính quyền Angola kiểm tra.

Cho đến nay, Hòa đã có 5 cửa hàng kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ tại Angola.

Khi trở nên hợp pháp, ngoài những công trình về nhà ở, Hòa bắt đầu nhận những công trình lớn hơn như trường học. Anh đã thêm trong tay 5 cửa hàng điện tử, quán net, dịch vụ chụp ảnh, photocopy và các dịch vụ giải trí khác… Cho đến thời điểm này, Hòa đã có một lực lượng lao động với 30 người Việt Nam và 10 người bản xứ. Anh đang liên kết để thành lập một công ty, dự kiến khai trương vào đầu năm 2013.

Làm giàu – không thể thiếu đam mê

“Với quỹ lương 40.000 USD/tháng, hiện tại, lương của thợ đầu cánh mình trả là 1.500 USD/tháng; lương bình quân của các thợ và phụ khác khoảng 1.100 – 1.200 USD/tháng; nhân viên của cửa hàng là 700 – 900 USD/tháng. Tất cả đã bao ăn ở và chu cấp tiền thuốc men khi bệnh tật, tai nạn”, Hòa cho biết.

Nguồn lao động người Việt Nam của Hòa chủ yếu là các thanh niên lành nghề cùng quê với anh. Hòa cho rằng, tuyển người đồng hương để làm việc cùng nơi đất khách, ngoài việc có thể tin tưởng thì cũng là một cách để xây dựng quê hương.

Thành công đến với Hòa là bởi sự nỗ lực và niềm đam mê.

Đất nước châu Phi Angola rất giàu tài nguyên và phát triển kinh tế bằng việc xuất khẩu kim cương, dầu mỏ… Lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1975, hiện nay có hàng nghìn người Việt Nam đang sinh sống ở Angola với nhiều nghề như xây dựng, kinh doanh và các chuyên gia giáo dục và y tế…

Bên cạnh sự phát triển kinh tế, tình hình an ninh đối với người Việt Nam ở đất nước này còn nhiều bất ổn. Hòa kể: “Tháng 7/2011, 7 tên cướp có vũ trang mang theo dao và súng đến đe dọa mà cướp đi của mình 50.000 USD cùng với nhiều tài sản quý khác. Kể từ đó, mình cũng phải cẩn thận hơn, chuyển chỗ ở và lắp camera để đảm bảo an ninh cho anh em yên tâm làm việc”.

Angola là một đất nước đang phát triển.

Hiện tại, hoạt động xây dựng và kinh doanh của Hòa đã đi vào ổn định, anh cho biết, tất cả các mục tiêu anh đặt ra từ đầu năm cho đến nay đều đã đạt được. Về tương lai gần, anh dự định mở tiệm làm gạch và cửa hàng bán vật liệu xây dựng để hỗ trợ thêm cho nghề xây dựng vốn là sở trường của anh. Hiện tại, anh đã mua máy móc và phương tiện, và đang tìm kiếm địa điểm thuận lợi để đặt xưởng. Dù những may mắn và thành công đến với Hòa nhanh nhưng anh vẫn mong một ngày được trở về Việt Nam, vì chẳng nơi nào an toàn hơn quê hương mình.

Giải lao sau lao động của người Việt Nam tại Angola.

Lập nghiệp thành công dù con đường học hành trắc trở, Hòa tâm sự: “Nếu được lựa chọn lại, mình sẽ đi học và vẫn chọn nghề xây dựng để lập nghiệp. Được đi đó đi đây với những công trình là niềm yêu thích của mình từ ngày còn nhỏ”.

@Infonet

TQ tuyên bố chủ quyền ‘vu vơ’

Trung Quốc đã xuất bản bản đồ chi tiết về ‘Tam Sa’ để tiếp thục hiện thực hóa ‘chủ quyền’ của họ

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một lần nữa lại được đưa ra mổ xẻ tại một hội thảo quốc tế do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Chỉ trước đó mấy ngày, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thành phố Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Nhã, chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam, đã nói với BBC rằng dường như các học giả Trung Quốc ‘tỏ ra mềm mỏng hơn’ khi nói về chủ quyền của họ trên vùng biển này.

Tại hội nghị quốc tế Việt Nam học vừa kết thúc vào chiều thứ Tư ngày 28/11, GS Nguyễn Quang Ngọc, thuộc Viện Việt Nam học và Các vấn đề phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng các học giả trong nước và quốc tế đã bàn về tính hợp pháp của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Với tư cách trưởng tiểu ban Hợp tác và an ninh trên biển, một trong 15 tiểu ban của hội thảo này, GS Ngọc cho biết ông đã nêu thẳng vấn đề ‘đường lưỡi bò’ và ‘hộ chiếu lưỡi bò’ của Trung Quốc ra để thảo luận.

‘Phi luật pháp’

“GS Eric Frank đến từ Bỉ đã viết một bài phân tích về đường lưỡi bò đã nêu lên tính phi lịch sử và phi luật pháp quốc tế của nó,” ông Ngọc nói với BBC từ Hà Nội ngay sau khi kết thúc hội nghị.

Ông cho biết Eric Frank là giáo sư về luật chuyên nghiên cứu sâu về vấn đề này và các học giả tại hội nghị đã truy hỏi về nguồn gốc chiếc lưỡi bò yêu sách của Trung Quốc có từ lúc nào.

“Nó xuất hiện từ trong bản đồ do Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch đưa ra từ năm 1947,” ông nói, “Đó là bản đồ nội bộ họ tự vẽ với nhau chả có công bố gì (ra quốc tế) nên về mặt luật pháp quốc tế chẳng có ý nghĩa gì.”

Mãi đến năm 2009 thì Trung Quốc mới đưa yêu sách đường lưỡi bò của mình ra Liên Hiệp Quốc thì quốc tế mới coi đó là cơ sở xem xét, ông nói.

“Cơ sở lịch sử không có, cơ sở pháp lý cũng không. Đó chỉ là tuyên bố vu vơ,” ông Ngọc bình luận về yêu sách của Trung Quốc.

“Nhưng người Trung Quốc có cái kiểu là bắt đầu nói vu vơ đã. Cứ nói mãi thì cũng có người nghe.”

GS Nguyễn Quang Ngọc, Đại học Quốc gia Hà Nội

“Nhưng người Trung Quốc có cái kiểu là bắt đầu nói vu vơ đã. Cứ nói mãi thì cũng có người nghe,” ông nói thêm.

“Các học giả Trung Quốc ngồi thấy đông nhưng không ai phát biểu gì cả,” ông kể về phiên thảo luận về đường lưỡi bò của Trung Quốc trong tiểu ban của ông, “Có lẽ họ phân công người nói ở tiểu ban khác.”

Ngoài ra, một số học giả Việt Nam cũng trình bày những lập luận về chủ quyền Việt Nam dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế mà ông Ngọc nhận xét là ‘phân tích kỹ lắm dựa trên tư liệu và sách vở cổ của Việt Nam và Trung Quốc’.

Ông cho biết là không thấy có ý kiến phản biện các lập luận về chủ quyền Việt Nam mà chỉ phát biểu để ‘đóng góp thêm và làm sáng tỏ thêm thôi’.

Đây là hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư do Viện Khoa học xã hội kết hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với sự tham gia của gần 300 học giả đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chủ đề của cuộc hội thảo năm nay là ‘Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững’ – bàn về tất cả các lĩnh vực trong sự hội nhập quốc tế của Việt Nam như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực.

@bbc

PUTRAJAYA – Thành phố thông minh của thế giới

Putrajaya cách thủ đô Kuala Lumpur 25 km về hướng Nam, được xem là trung tâm hành chính của Malaysia. Vào năm 1999, các quan chính phủ đã được chuyển từ Kuala Lumpur đến Putrajaya do tình trạng ùn tắc và quá tải ở Kuala Lumpur.

Putrajaya là đứa con tinh thần của cựu thủ tướng Dr Mahathir Mohammad, được đặt tên theo vị thủ tướng đầu tiên của đất nước này Tunku Abdul Rahman Putra. Trong tiếng Malay, “Putra” có nghĩa là “hoàng tử” và “jaya” có nghĩa là “thành công” hay “chiến thắng”. Sự phát triển của Putrajaya bắt đầu từ năm 1990 và ngày càng gia tăng vượt bật cho đến ngày hôm nay.

Theo chia sẻ của nhiều người đến Putrajaya du lịch, mọi thứ ở đây cứ như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng mà mọi người hay xem trên tivi. Tưởng là “không có thật” và “viễn tưởng” nhưng Malaysia, một nước Đông Nam Á, đã làm được điều này.
Cuộc sống ở Putrajaya được xem là đẳng cấp thế giới và có môi trường làm việc vô cùng hiện đại. Do đó, thật dễ hiểu khi ngay cả những vị khách đến từ phương Tây cũng phải trầm trồ khen ngợi, nơi đây chính là đỉnh cao của trí tuệ loài người: không ô nhiễm môi trường, không tệ nạn, không có lạc hậu, không có khái niệm ngu dốt và dân cư thì được tinh lọc rất kỹ lưỡng. Mức sống ở đây rất cao và dịch vụ công cộng thì vô cùng tuyệt vời.
Công dân của thành phố là những trí thức thông thái và làm việc trong bộ máy nhà nước. Đây cũng là thành phố điện tử đầu tiên của Châu Á, khi mọi thứ đều được quản lý thông qua tin học. Phải nói rằng ở đây, nhất cử nhất động đều sử dụng điện tử. Người dân không cần phải mang theo tiền, chìa khóa, trẻ em cũng không cần sử dụng cặp sách hay phải đến trường, vì tất cả đều được phát một thẻ riêng có ghi đầy đủ những thông tin cá nhân vô cùng cụ thể để giải quyết mọi vấn đề bình thường của cuộc sống như truy cập mạng, thanh toán, đi xe buýt, học online…

Những điều thú vị kể trên không phải là tất cả những gì Putrajaya có. Chính quyền thành phố, ngoài mục tiêu điện tử hóa, thì còn thực hiện xanh hóa thành phố, 38% diện tích 4.900 ha của thành phố là dành cho cây xanh và các công viên. Các công trình nghiên cứu tái chế và loại bỏ những khí độc hại đang được ủng hộ và đẩy mạnh hoạt động.

Ngoài ra, Putrajaya còn là một điểm son du lịch của Malaysia với những địa danh du lịch nổi tiếng như: Nhà thờ Hồi giáo Putra, văn phòng Thủ tướng, trung tâm hội nghị và những cây cầu.
Nhà thờ Hồi giáo Putra:
Đây là một trong những địa danh hàng đầu của Putrajaya. Nhà thờ Hồi giáo có ốp đá granít màu hồng này đó sức chứa 15.000 tín đồ cầu nguyện. Thiết kế tầng hầm có nét tương đồng với nhà thờ Hồi giáo vua Hassan ở Casablanca, trong khi phần tháp được cho là giống nhà thời Hồi giáo Sheikh Omar ở Baghdad.

By nguoisantin

Quyết nắm Biển Đông?

Nguyễn Lễ

viết cho BBCVietnamese.com từ Bắc Kinh

Ngư dân ‘Tam Sa’ khoe kết quả đánh bắt. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trước hết tôi phải xin lỗi vì cái tựa đề nghe như khẩu hiệu của Đảng có thể gây lầm tưởng là tôi cổ vũ tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thực ra đối tượng mà tôi muốn nói ở đây lại là Trung Quốc.

Nếu thế thì chắc có người cho rằng phải để tựa là ‘quyết chiếm Biển Đông’ mới đúng. Nhưng cũng vì chữ ‘chiếm’ này mà tôi đã bị phản ứng rất gay gắt.

Nước cờ cao

Suốt mấy ngày qua dân tình trong nước sục sôi với câu chuyện hộ chiếu của người láng giềng phương Bắc thòng chiếc lưỡi lỗ mãng xuống liếm gần hết Biển Đông.

Nước cờ này tuy mạo hiểm nhưng đã được tính toán kỹ trong ván cờ Biển Đông mà cao thủ Bắc Kinh đang buộc Hà Nội và Manila phải chơi theo ý họ.

Xét cho cùng đây cũng là một bước đi logic của chính quyền Trung Quốc.

Trên chuyến bay của hãng Air China đi Bắc Kinh để tường thuật về Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi đã phát hiện cơ man những chiếc lưỡi bò như thế.

Tạp chí của hãng để trước mặt hành khách có rất nhiều bản đồ Trung Quốc, và trên mỗi bản đồ này, dù lớn hay nhỏ, người ta đều không quên đính kèm một cái lưỡi bò.

Cái lưỡi đứt chín đoạn với chấm chấm bên trong giờ đây đã trở thành một phần không thể tách rời cái bụng phình to của đại lục.

Một khi cái lưỡi này đã xuất hiện trên mỗi bản đồ Trung Quốc thì không có lý do gì nó lại không có mặt trên những tấm bản đồ cuối cùng trên hộ chiếu.

Bảng điện tử của một công ty du lịch ở Bắc Kinh
Chủ nhân hãng lữ hành ở Bắc Kinh này cũng quyết lên tiếng về chủ quyền đối với ‘Điếu Ngư’

Chính vì thế mà hộ chiếu lưỡi bò là một bước đi logic của Bắc Kinh. Từ 10 triệu sẽ có ngày có đến cả tỷ cái lưỡi bò nhan nhản tỏa đi khắp nơi trên thế giới.

Cá tươi Điếu Ngư

Ngày đầu tiên ở Bắc Kinh, bước ra khỏi khách sạn tôi nhìn thấy đối diện bên kia đường có một bảng điện tử liên tục chạy chữ bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Câu tiếng Anh dịch ra là ‘Điếu Ngư Đảo là của Trung Quốc’.

Bảng điện tử đó là của một công ty lữ hành mà lý ra phải chạy các thông tin chào tour.

Trên tờ báo nhiều ‘ân oán’ với Việt Nam là Hoàn cầu Thời báo tôi nhìn thấy tấm ảnh chụp một sạp cá trong một khu chợ ở Bắc Kinh căng một tấm biển trắng ghi dòng chữ rõ to được dịch sang tiếng Anh là: ‘Đây là cá tươi mới đánh bắt ở Điếu Ngư’.

Tôi tin cả bảng điện tử lẫn băng rôn đều là việc làm tự phát tự giác của người dân chứ chính quyền chẳng hơi đâu sai bảo những việc chả ảnh hưởng gì đến quyền cai trị của họ.

Cá ‘Điếu Ngư’ thì được tung hê như thế, còn cá ‘Tam Sa’ thì sao?

Câu trả lời có ngay: trang web chính thức của Đại hội 18 cũng tranh thủ quảng bá một phóng sự ảnh về ‘Tam Sa’.

Tôi nhìn thấy những ngư phủ sạm đen nắng gió trưng ra những con cá to bằng cả thân người họ vừa bắt được.

Có lẽ cá ‘Điếu Ngư’ mới là hàng độc cần phải rao, còn cá ‘Tam Sa’ đã là ‘chuyện thường ngày ở huyện’.

Người bán cá ở một khu chợ ở Bắc KinhKhông rõ tấm bảng viết ‘cá tươi Điếu Ngư’ có giúp người bán cá này được đắt hàng không? (Ảnh: CFP)

Không những mắt thấy mà chính tai tôi cũng đã nghe (dù qua phiên dịch) những thường dân Bắc Kinh nói về ‘chủ quyền’ của họ.

Có những người đã đồng ý trả lời nhưng lại đổi ý ngay khi biết một người Việt Nam lại đi hỏi chuyện về ‘Tam Sa’.

Tuy nhiên, những ai chịu nói đều thể hiện một niềm tin chắc như đinh đóng cột rằng ‘Tam Sa’ và ‘Nam Hải’ là của Trung Quốc. Không có gì phải bàn cãi!

‘Thảo dân’ lên tiếng

Bà Dương Quế Linh, 35 tuổi, tiểu thương bán rau cải ở Quận Hải Điến mặc dù lúc đầu khăng khăng không biết gì về chính trị nhưng trước sự nài nỉ của chúng tôi cuối cùng bà cũng phát biểu:

“Cái gì thuộc về Trung Quốc thì là của Trung Quốc. Với tư cách là công dân Trung Quốc, tôi hy vọng chính phủ sẽ dùng hết sức để lấy lại phần lãnh thổ thuộc về Trung Quốc.”

Và nữa:

“Vấn đề tranh chấp Điếu Ngư Đảo và tranh chấp Tam Sa đều quan trọng như nhau. Đây không phải là vấn đề bình thường. Đây là vấn đề liên quan đến lãnh thổ quốc gia.”

Lời lẽ của một chị bán rau nghe như giọng điệu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao!

Thể theo yêu sách đòi đến 80% Biển Đông của Trung Quốc thì một quốc gia biển như Việt Nam thành ra không có biển. Trước sự hùng hồn của bà Dương, tôi xoáy sâu vào điểm này mà tôi cho là không thuyết phục rõ ràng trong yêu sách đường chín đoạn để xem người dân Trung Quốc nói sao.

Biểu tình chống Nhật ở Trung QuốcNgười dân Trung Quốc tin tưởng chắc chắn rằng Tam Sa và Nam Hải là của họ không có gì bàn cãi

Anh Tăng Vũ, 24 tuổi, nghiên cứu sinh ngành chế tạo xe hơi mà chúng tôi ‘chộp’ được tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, có câu trả lời còn bất ngờ hơn:

“Thật sự tôi cũng không quan tâm lắm đến con số cụ thể nhưng nếu nói con số 80% là quá đáng thì đáng lẽ ra phải là 100% mới đúng vì biển đó là của Trung Quốc.”

“Tôi nghĩ Trung Quốc cần phải dùng biện pháp cứng rắn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, không thể tiếp tục nhượng bộ vì như thế Trung Quốc sẽ thiệt thòi.”

Tuy nhiên sau những lời lẽ ‘quá nhiệt huyết’, anh Tăng có phần đấu dịu:

“Mỗi người đều có lòng yêu nước, đều yêu đất nước của mình. Bản thân bạn cũng thế. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề hiện tại. Chúng ta nên nhìn về lâu dài. Giữa các quốc gia với nhau cần phải tìm hướng giải quyết để cùng nhau phát triển.”

Anh Tăng Vũ chính là người đã phản ứng quyết liệt với người phiên dịch của tôi khi cô dùng chữ Trung Quốc ‘chiếm đoạt’ 80% Biển Đông mà tôi đã đề cập ở đầu bài.

Một sinh viên khác, họ Giả, 25 tuổi, cùng trường và đang học sau đại học ngành Quang học, tỏ ra khá mềm dẻo với điều kiện ẩn danh.

“Đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ thì số liệu không thể hiện được sự chính xác thông tin. Có thể thấy được một bên nhiều hơn một bên ít hơn nhưng số liệu có được cũng có lý riêng của nó.”

“Cá nhân tôi mong muốn hòa bình song song với lãnh thổ được nguyên vẹn không xảy ra tổn thất gì. Chính phủ với tư cách là đại diện của người dân phải xem xét và quyết định làm sao cho đạt được nguyện vọng của người dân.”

Bản đồ Tam Sa mà Trung Quốc vừa công bốTrung Quốc đang từng bước từng bước một hiện thực hóa ‘chủ quyền’ của họ trên Biển Đông

Người bạn phiên dịch của tôi, một du học sinh Việt Nam ở Bắc Kinh đã ba năm, cho biết kể từ khi bùng nổ vụ Điếu Ngư, người dân Trung Quốc dồn tất cả căm hờn vào Nhật Bản và gần như quên Việt Nam.

Vấn đề là tại sao một hòn đảo bỏ hoang lại có thể khuấy động tinh thần của người dân Trung Quốc hơn một vùng biển chiến lược có lợi ích dồi dào.

Nếu xem ‘Điếu Ngư’ là cái bánh khó nhằn còn ‘Nam Hải’ là miếng ngon trước sau gì cũng nuốt trọn thì câu trả lời sẽ rõ.

Ít ra đây cũng là ý kiến của ông Vương Gia Tường, 72 tuổi, một kỹ sư đã về hưu.

“Vấn đề tranh chấp Điếu Ngư Đảo tương đối khó khăn,” ông trả lời tôi, “Nhưng một khi đã giải quyết được Điếu Ngư thì vấn đề Tam Sa sẽ dễ dàng giải quyết.”

Rõ ràng hộ chiếu mới của Trung Quốc có đính kèm lưỡi bò nhưng lại không dám động đến ‘Senkaku’ nên Tokyo cho qua không nói gì.

Tôi đã soi rất kỹ trên các bản đồ trong các sách vở của Trung Quốc để tìm dấu vết của ‘Điếu Ngư’ nhưng cũng không hề thấy đánh dấu.

Có thể thấy rằng với Tokyo tuy Bắc Kinh có lớn tiếng nhưng vẫn vừa đi vừa ngó chừng. Trong khi đó, đối với Hà Nội và Manila Bắc Kinh sẵn sàng ra mặt bặm trợn.

Đây có lẽ vận vào ý ‘dễ trước khó sau’ mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra cho chiến lược biển đảo của họ chăng?

Không có đường lui

Hồ và Tập trong cuộc họp Quân ủy trung ương sau Đại hội 18Lãnh đạo Trung Quốc sẽ không lùi bước trên vấn đề ‘Nam Hải’

Thế thì nếu cả Tokyo, Hà Nội và Manila có cùng hành động gây sức ép cùng một lúc thì tôi tự nhủ Bắc Kinh sẽ như thế nào?

Có lẽ họ sẽ phải vất vả chống đỡ, nhưng dù thế nào chăng nữa thì trước áp lực quyết liệt của dân chúng tôi cho rằng khả năng Trung Quốc lui bước trên Biển Đông là hoàn toàn không có chứ đừng nói là rất ít.

Cũng sẽ có những lúc nhà cầm quyền Bắc Kinh càng phải tỏ ra cứng rắn trong vấn đề chủ quyền nếu họ cần tranh thủ sự ủng hộ của người dân.

Ý chí quyết liệt của người dân hòa với mưu tính của nhà cầm quyền khiến Bắc Kinh ở vào tư thế chỉ có thể tiến chứ không thể lùi trên vấn đề ‘Nam Hải’.

Muốn hoàn thành bá nghiệp Trung Quốc phải vươn ra biển. Như thế trước hết phải có ‘ao nhà’. Cho nên có thể nói Biển Đông là chiếc chìa khóa Trung Quốc quyết phải nắm mà nếu mất thì cũng tan tành giấc mộng mà đời đời đất nước Trung Hoa luôn ấp ủ.

Chưa kể danh dự một nước lớn. Nếu tuyên bố chủ quyền mà cuối cùng lại để mất vào tay nước nhỏ thì chẳng mất mặt lắm sao?

Cho nên dù tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông có thể bị xem là ‘vô lý’ nhưng chính phủ họ lại rất tự tin với điều ‘vô lý’ đó.

Tự tin vì họ biết họ phải nắm Biển Đông bằng mọi giá. Tự tin vì họ đang và sẽ có đủ tiềm lực để thực hiện điều đó.

Sự tự tin này cũng có thể thấy với hộ chiếu lưỡi bò. Một bước đi rủi ro nhưng họ rất mạnh dạn chứng tỏ họ đã lường trước tất cả hệ lụy.

Thách thức cao ngất

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà NộiChính quyền Việt Nam không cảm thấy thoải mái với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân

Khoan bàn đến lý lẽ của mỗi bên, khoan so về tương quan lực lượng mà chỉ dừng lại ở tinh thần bảo vệ ‘chủ quyền’ của người dân Trung Quốc, tôi thấy đã là một ngọn núi cao ngất đối với Hà Nội.

Đó là niềm tin từ gan ruột của họ, bất kể có lý hay phi lý. Đó là sự tự giác bảo vệ chủ quyền đến mức cực đoan. Đó là sự lan tỏa đến từng người dân bình thường.

Có lẽ sẽ hồ đồ khi cho rằng người Việt Nam không máu lửa như người Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền. Nhưng ở Việt Nam tôi chưa thấy được sự tự giác và lan tỏa ở mức độ như ở Trung Quốc.

Ít nhất thì người dân Trung Quốc cũng xuống đường rầm rộ để hà hơi tiếp sức cho chính quyền gây áp lực với Nhật Bản trên vấn đề Điếu Ngư.

Trong khi đó thì các cuộc biểu tình bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa ở Hà Nội số lượng chẳng được bao nhiêu mà lại còn bị chính quyền gây khó dễ đủ điều.

Nhìn trước mắt thì hộ chiếu lưỡi bò cũng chỉ là một trong rất nhiều đòn mà Bắc Kinh sẽ tiếp tục tung ra để nhằm hạ gục Hà Nội và Manila.

Trong khi chờ đợi, ông Lương Thanh Nghị nên chuẩn bị sẵn tinh thần hoặc tranh thủ tìm bài gì mới xi-nhê hơn.

Trong câu chuyện này, ở Việt Nam, Đảng đã giành hết quyền lo. Người dân không được phép xía vào. Họ đang trông chờ Đảng ‘lo’ tốt hơn chứ không phải chỉ la oai oái trước những cú ra đòn hiểm hóc của Trung Quốc.

Nếu có việc gì xảy ra thì chắc chắn toàn bộ trách nhiệm thuộc về Đảng. Đó là trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước tổ tiên và trước các thế hệ mai sau.

Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả, không phải của BBC Việt ngữ.

@bbc

Rodion Ebbighausen – Sự suy thoái kinh tế nguy hiểm của Việt Nam

Rodion Ebbighausen, Deutsche Welle
Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước

Ảnh: ReutersCách đây hơn một thập kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là nóng nhất châu Á. Một cuộc khủng hoảng kinh tế cộng thêm sự quản lý yếu kém về tất cả mọi mặt đã đẩy đất nước đến bờ vực của sự hủy hoại. Hiện nay, tất cả mọi việc đều tùy thuộc vào chính phủ xem họ có thể cứu nguy những gì còn lại hay không.Tuấn là một người Việt trẻ tuổi, có học thức và đầy tham vọng đến từ thành phố Hà Nội. Thời kinh tế vàng của đất nước gần đây cho phép Tuấn dành dụm được một gia tài nho nhỏ – ít nhất là đủ mua được một căn hộ cho cả gia đình. Ông thậm chí còn có ý định mua một chiếc xe ô-tô. Là một quan chức làm việc cho nhà nước ở địa phương, ông cũng có một khoảng thu nhập kha khá. Ngoài ra, ông còn đầu tư vào bất động sản và một công ty kỹ thuật truyền hình.

Tuy nhiên, sự lạc quan của ông gần đây đã trở nên lu mờ bởi sự sợ hãi và bất định. Ông đã từ bỏ ý định mua xe ô-tô. Giờ đây ông đang lo lắng bị mất tiền tiết kiệm và thị trường bất động sản sẽ sụp đổ.

“Tôi không biết tình hình này sẽ ra sao. Hiện nay nợ quốc gia đang trở thành một gánh nặng trên vai đất nước chúng tôi. Cuối cùng, tất cả chúng tôi là những người phải chịu đựng gánh nặng đó”.

Giá bất động sản cho đến nay đã giảm 30%. Trong khi đó lạm phát tiếp tục tăng cao; chỉ riêng trong tháng 10 năm 2012, tỷ lệ lạm phát là 7%. Chỉ số chứng khoán HNX tại sàn Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong năm nay. Các cơ quan xếp hạng tín dụng như Moody’s và Standard & Poor đã hạ cấp trái phiếu của Việt Nam xuống còn “đầu cơ cao”.

Suy thoái nguy hiểm

Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay đã chậm lại chỉ còn từ 4-5%. Chỉ số tăng trưởng này không đủ để tạo ra công ăn việc làm cho dân số ngày càng tăng nhanh và số lượng người dân bắt đầu đi vào thị trường để tìm việc làm ngày càng nhiều.

“Suy thoái hiện nay rất quan trọng đối với chế độ vì nó đi đôi cùng tính chính danh của họ với tốc độ tăng trưởng kinh tế,” theo giáo sư Adam Fforde thuộc trường Đại học Victoria ở Melbourne, Australia.

Giáo sư Fforde ước tính rằng khoảng một triệu người đã bị mất việc làm trong vòng hai năm qua – một sự phát triển dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng tại một nước thiếu vắng hệ thống phúc lợi xã hội như Việt Nam.

Chính phủ giải cứu?

“Tôi thực sự hy vọng rằng chính phủ sẽ tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế”, Tuấn lạc quan và thận trọng cho biết.

Chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Fforde – cùng với nhiều chuyên gia khác – hoài nghi về khả năng của chính phủ trong việc tìm ra một giải pháp, vì ngay từ đầu chính bản thân chính phủ là người chịu trách nhiệm một phần lớn đối với những khó khăn kinh tế của đất nước. Chương trình “Đổi mới” được giới thiệu rộng rãi vào năm 1986 về cả chính trị lẫn kinh tế nhằm mở cửa thị trường và cải cách quốc gia, đã chứng minh không phải là chương trình phát triển bền vững.

“Trong năm 2007, sự cân bằng đã bị vỡ nát”, theo giáo sư Fforde. “Cuối cùng, sự thật đáng buồn đã trở nên nổi bật: chính phủ có thể không kiểm soát nhiều quyền hạn như họ tưởng và rằng tất cả mọi thứ cho đến nay có thể chỉ là may mắn”.

Chỉ trích cách quản lý yếu kém

Việt Nam – một nước có thị trường xuất khẩu mạnh – đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 2007. Những người ra quyết định tại Hà Nội đã đưa ra các gói kích cầu tốn kém nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, một phần lớn số tiền đó đã bị lạc trong các vụ tham nhũng và quản lý yếu kém. Tất cả những điều đó đã để lại cán cân thiếu hụt rất lớn. Các ngân hàng [Việt Nam] hiện đang bị kẹt với các khoản nợ xấu lên đến 15%.

Cuối cùng, lãnh đạo đảng cũng đã ngã ngũ sau nhiều tháng tranh giành quyền lực nội bộ – một biểu hiện cho thấy chính phủ đã “hiểu tình hình nghiêm trọng như thế nào”, chuyên gia về Việt Nam – Jörg Wischermann nói với Deutsche Welle. Đối với các nhà lãnh đạo đảng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lực của họ, sau đó mới đối phó với các vấn đề kinh tế của đất nước.

Giáo sư Fforde cho rằng giải pháp đối với cuộc khủng hoảng hiện nay của Việt Nam nằm trong sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Ông cho rằng Việt Nam cần thiết phải đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục và y tế cũng như cơ sở hạ tầng. Cải cách nông nghiệp, lĩnh vực chưa được cập nhật kể từ năm 1986, cũng tối quan trọng trong tình hình hiện nay.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

Nguồn: Deutsche Welle

Mưu sinh trong làn sóng thất nghiệp dâng cao

Theo thống kê, sáu tháng đầu năm nay tại Sài Gòn có 26 ngàn doanh nghiệp bị phá sản phải giải thể do làm ăn thua lỗ, làm cho làn sóng thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Trong số những người thất nghiệp thì giới lao động đang độ tuổi thanh niên chiếm tới hơn 61%.

Quang cảnh đông đúc tại một phòng bảo hiểm thất nghiệp ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Dưới đây là những câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận được từ những người đang vất vả tìm kiếm việc làm, mưu sinh ở Sài Gòn.

Ba năm, chuyển việc 3 công ty, vẫn thất nghiệp

Gặp H. tại một hội chợ triển lãm đồ Mỹ Nghệ, thấy cô có vẻ “happy” trong việc trang trí và giới thiệu gian hàng sản phẩm của công ty. Hỏi thăm thì được biết H. tốt nghiệp trường Mỹ Thuật và làm thiết kế cho công ty, cô rất vui vì được làm đúng ngành nghề, dù vẫn còn đang trong giai đoạn “thử việc”.

Gần hai tháng sau chúng tôi gọi điện hỏi thăm, cô H. vui vẻ cho biết là bây giờ cô đã về làm cho một công ty… bất động sản. Hỏi lý do thì H. cho biết, khi mới vô công ty Mỹ Nghệ (loại công ty gia đình, nhỏ) cô được ông giám đốc “khuyến cáo” là cứ phát huy hết năng lực rồi công ty sẽ “bồi hoàn” xứng đáng.

H. đem hết tâm huyết của một sinh viên mới ra trường để thiết kế mẫu mã cho công ty, thậm chí cô còn bỏ cả tiền túi ra cho những sản phẩm thử nghiệm của mình. Nhưng kết quả là mẫu mã của H. thì bị người ta “chôm” còn khi cô trình giám đốc những gì cô đã bỏ tiền ra để mua vật liệu thiết kế để xin công ty thanh toán thì giám đốc gật đầu “OK”, rồi kêu cô xuống gặp thủ quỹ (là bà vợ giám đốc) thì bà này làm… lơ.

Tiền lương không có, chỉ có tiền tạm ứng “nhỏ giọt” không đủ cho H. đổ xăng (vì công ty xa tận Bình Dương). H. đành bỏ của chạy lấy người, về đầu quân cho một công ty bất động sản có văn phòng ở Sài Gòn, vì cô còn đang theo đuổi một chương trình học lên nữa ở thành phố.

Khi chúng tôi “khuyến cáo” H. là thị trường bất động sản đang “đóng băng” e là về công ty loại này khó mà có việc lâu dài. H. hồn nhiên cho biết là công ty cô đầu quân “lớn lắm”, ngày động thổ cho dự án còn mời cha của một danh ca nhạc Pop nổi tiếng thế giới tới tham dự và ông ta đã phát biểu hứa hẹn sẽ đầu tư rất nhiều Mỹ kim vào “miền đất hứa” này. Hơn nữa lần này cô đã ký hợp đồng lao động lâu dài với công ty nên không phải lo như những lần trước.

Mới đây, H gọi điện thoại mời chúng tôi đi uống cà-phê, mới gặp H. đã thểu não thông báo: “Lại thất nghiệp nữa rồi!” H. kể, về công ty bất động sản được hơn một năm thì dự án một thời được truyền thông Việt Nam quảng cáo rùm beng đã nhanh chóng bị “xếp xó”. Công ty ký quyết định cho H. và một nhóm thiết kế nữa nghỉ việc, H. cự và dọa sẽ kiện ra tòa đòi bồi thường hợp đồng lao động vì cô ký lao động lâu dài với công ty chứ đâu có ký với dự án mà lấy lý do “dẹp” dự án mà bắt cô nghỉ việc?

Thấy “căng” công ty bèn không đuổi việc vô lý nữa mà điều H. đi làm những công việc linh tinh, không hợp với chuyên môn, chưa hết, với lý do kinh tế khó khăn chung, công ty cắt giảm lương và trả lương cầm chừng có khi trễ tới… hai tháng. Buồn bực vì những “chiêu trò” của một công ty mang tiếng là “đại gia”, một lần nữa H. đành “cất bước ra đi” mà không dám quay đầu nhìn lại.

H. bực tức thổ lộ, đáng lý ra công ty nên mời tụi em nói chuyện tử tế, khó khăn chung tụi em chấp nhận nghỉ việc với sự đền bù là một hoặc hai tháng lương gọi là “an ủi”, đằng này họ lại “giở trò”. Cho tới nay mấy đứa tụi em cũng chưa nhìn thấy cuốn sổ bảo hiểm của mình, dù tháng nào họ cũng trừ lương để đóng bảo hiểm mà không biết thực sự họ có đóng không thì em cũng không biết. H. thở dài, lắc đầu ngao ngán…

Người thất nghiệp đông, nhưng việc vẫn mỏi mắt chờ người

Khi tập đoàn Intel mở rộng sản xuất tại Việt Nam, họ cần tuyển 4 ngàn lao động, nhưng chỉ tuyển được 1 ngàn lao động Việt Nam, phần còn lại phải tuyển lao động đến từ các nước khác.

Một tổng giám đốc người nước ngoài “thắc mắc” có lẽ sinh viên Việt Nam toàn học “lộn” trường hay sao đó, mà khi công ty tuyển người vô hầu như toàn phải đào tạo lại, ngay cả những kỹ năng cơ bản của chuyên môn.

Thực ra thì toàn bộ hệ thống đào tạo, giáo dục tại Việt Nam đã quá sức lỗi thời và lạc hậu vì nó có từ thời “mồ ma” xã hội chủ nghĩa bao cấp kiểu trại lính, hoàn toàn không đáp ứng được nguồn nhân lực cho nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Gần đây, một công ty đăng thông báo tuyển lao động “giúp việc nhà” đi làm việc tại Hong Kong và tại Trung Ðông, mặc dù mức lương tính bằng Mỹ kim rất hấp dẫn nhưng hầu như không có ứng viên dự tuyển vì vướng “rào cản” là khả năng Anh ngữ cũng như kỹ năng chuyên môn (ở Việt Nam không có trường đào tạo giúp việc nhà).

Trong khi tại những khu nhà giàu ở Sài Gòn, như Thảo Ðiền (quận 2), Phú Mỹ Hưng (quận 7) giúp việc nhà cho người nước ngoài tại đây đều là “ô-sin” người Philippines.

Theo số liệu của tổng cục thống kê, thì ở Việt Nam hơn 40% lao động thành phố ở độ tuổi thanh niên không được đào tạo về chuyên môn, còn ở miền quê thì hơn 70% thanh niên không có chuyên môn, nói nôm na là không có nghề ngỗng gì ráo trọi!

Vậy thì thất nghiệp ở Việt Nam là thất nghiệp kiểu gì? Vì về nguyên tắc thì có nghề nghiệp mà không có việc làm thì mới được gọi “đúng danh” là thất nghiệp.

Tự tạo việc để mưu sinh

Mới đây, cô H. mời chúng tôi tới quán cà-phê do cô và mấy người bạn thất nghiệp “hùn” nhau mở. Quán tuy nhỏ, nhưng mấy cô dân Mỹ Thuật thiết kế rất có “phong cách”, quán tuy chưa đông nhưng có vẻ… hứa hẹn

Hơn 40% lao động thành phố ở độ tuổi thanh niên không được đào tạo về chuyên môn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

H. cho biết, lo cho “cái bụng” trước đã, vì ông bà mình đã nói: “Có thực mới vực được đạo!” Cũng có lý, vì nếu mở quán cà-phê mang phong cách nghệ thuật mà mưu sinh được thì nói là “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” gì có lẽ đều được cả.

Hơn nữa, giữa một Sài Gòn đông đúc, náo nhiệt, ồn ào, bụi bặm, một quán nhỏ dễ thương níu chân người, cũng có thể được xem như một đóa hoa lặng lẽ làm dịu mát cảnh đời gió bụi, vô thường.

@nguoiviet

Trần Văn Huỳnh – Cần bao nhiêu thế hệ nữa?

Trần Văn Huỳnh
Kính gửi: BBT báo Dân LuậnXin gửi đến BBT báo Dân Luận bài viết dưới đây. Mong BBT báo Dân Luận đăng tải để chia sẻ suy nghĩ của tôi về thời cuộc.Xin cảm ơn BBT báo Dân Luận và chào trân trọng.

Trần văn Huỳnh.

Đang xem lại các bài viết của Thức, tôi đọc thấy câu chuyện ngụ ngôn con voi:

Từ lúc còn rất nhỏ, voi con bị con người giữ chân bằng dây xích chặt vào cột. Vài lần nó cố giật bứng cái cột đi, nhưng sức bé làm nó thất bại. Từ đó định hình trong đầu nó một giáo điều là nó không thể làm được điều đó. Sức vóc nó lớn nhanh, nhưng đầu óc nó vẫn xơ cứng với giáo điều như vậy. Nó đã lớn đến mức thừa sức hất phăng cây cột giữ chân nó lâu nay, nhưng sự xơ cứng đầu óc đã ngăn cản mọi suy nghĩ thay đổi của nó. Nó vẫn nghĩ mình không đủ sức để có được tự do mà nó hằng ao ước từ bé. Tệ hơn nữa là nó còn hàm ơn những người đã xiềng xích mình vì được cho ăn. Cuối cùng nó chết già và hài lòng với những lời thương tiếc và ca ngợi của chủ.

Ngày xưa, Thức thường dùng ngụ ngôn này để nói với các nhân viên công ty rằng phải luôn suy nghĩ độc lập và sáng tạo, đừng tự trói mình bằng thói quen “không thể” và xơ cứng của chính mình và bằng lối suy nghĩ lệ thuộc vào người khác. Giờ câu chuyện này xuất hiện trong các tài liệu của Con đường Việt Nam để kêu gọi thế hệ trẻ tư duy và hành động bằng chính mong muốn và khát vọng của mình để trở thành những con người tự do. Có như vậy nước nhà mới độc lập, dân tộc mới tự do, xã hội mới dân chủ, người dân mới thịnh vượng.

Đọc lại ngụ ngôn này khiến tôi phải giật mình cho chính mình. Đã gần 80 tuổi, được bao nhiêu năm mình thực sự là một người độc lập. Chắc hẳn là không nhiều. Không chỉ riêng mình mà đa số thế hệ của mình cũng vậy. Nếu không thì đất nước giờ đây đã phải rất thịnh vượng và văn minh rồi. Nhưng nếu mình tự an ủi rằng thế hệ của mình chấp nhận hy sinh vì tương lai mai sau thì cũng không thể trả lời được rằng mai sau ấy là bao nhiêu thế hệ nữa.

Tôi vừa đi thăm một gia đình tứ đại đồng đường còn đủ 4 thế hệ: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu. Chủ gia đình là một phụ nữ đang điều trị ung thư giai đoạn cuối. Bà là một người phụ nữ kiên cường, đã chống chọi với căn bệnh này suốt 5 năm qua một cách mạnh mẽ, không để nó khuất phục mình thành người vô ích. Bà là một đảng viên, là con của một liệt sĩ hy sinh khi bà còn rất nhỏ. Mẹ bà ở vậy nuôi con thờ chồng đến tận bây giờ. Chồng bà đã từng là một người lính rồi trở thành thương binh hạng 4/6 thời kỳ chống thực dân Pháp, nhưng vẫn vượt lên sự nghiệt ngã để trở thành giáo sư dạy đại học. Năm nay ông đã hơn 80 và là một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng. Con trai duy nhất của bà là một tù nhân chính trị đã ra tù nhưng đang bị quản chế. Trong 3 năm con trai ở tù, bà dù đã bị ung thư nặng nhưng vẫn đều đặn đi thăm con và vẫn gánh trọng trách trong gia đình. Bà là người khẳng khái đến mức hay làm người khác khó chịu một cách không cần thiết, nhưng sự thẳng thắn của bà cũng khiến cho các quan chức địa phương kiêng dè. Giờ thể chất đã kém lắm rồi nhưng ánh mắt bà vẫn tinh anh. Bà kể về những việc bà đấu tranh với sự nhũng nhiễu hành chính, với những sự bất hợp lý trong các chính sách ở cơ quan. Bà tự hào về đứa con trai duy nhất của mình thừa hưởng tính cách không chấp nhận sự ngang trái giống mình nên đã dấn thân tranh đấu với chúng. Nhưng giờ bà lại lo lắng cho con trai vì nghĩ rằng không thể thay đổi những cái xấu ấy được nữa.

Bà kể trước khi con trai ra tù, đại diện của cơ quan chức năng nói bà nên khuyên nhủ anh ấy trở về hãy chí thú làm ăn mà lo cho gia đình, chăm sóc cha mẹ già, đừng “chính trị, chính em” gì nữa mà lại rước họa. Vì thương con bà cũng đã khuyên anh như thế, có lúc còn gây áp lực. Bà chính là mẹ của Lê Thăng Long.

Long dù rất yêu thương mẹ và gia đình nhưng vẫn quyết định tiếp tục con đường mình đã chọn. Mẹ Long nói rằng bà đã rất buồn và lo lắng, không khí gia đình đã có lúc rất căng thẳng dù Long mới đoàn tụ chỉ vài tuần. Nhưng Long đã kiên trì thuyết phục để gia đình hiểu những gì mình làm. Rồi Long lấy câu chuyện ngụ ngôn con voi kể trên để nói rằng không muốn cha mẹ mình, mình và con cái mình và bao nhiêu người dân khác nữa phải sống và chết theo một kiếp như vậy. Gia đình cuối cùng rồi cũng chấp nhận những gì Long đã lựa chọn.

Nhưng cũng kể từ đó, áp lực lại đến từ bên ngoài. Dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ năm nay, khoảng hơn một tháng sau khi Long phát động phong trào Con đường Việt Nam, chính quyền địa phương đã không đến nhà thăm hỏi và tặng quà cho bà ngoại Long, ba Long như vẫn làm đầy đủ những năm trước. Mẹ Long đã rất giận dữ gọi ra phường hỏi lý do thì họ mới xin lỗi và bảo là thiếu sót, hôm sau cho người đến. Bà nói rằng còn nhiều áp lực khác mà nó vô hình nên chẳng biết đầu mối ở đâu mà hỏi cho ra lẽ.

Tháng trước Long trình diện ở phường theo thủ tục hàng tháng dành cho người bị quản chế. Long kể rằng những người của cơ quan an ninh xuất hiện bất ngờ ở đó yêu cầu Long làm việc với họ mà không hề hẹn trước. Long từ chối và nói rằng phải về nhà chuẩn bị cho mẹ vào bệnh viện vì đang rất nguy cấp. Nhưng họ kiên quyết không cho Long về trừ khi Long tuyên bố từ bỏ phong trào Con đường Việt Nam, Long đã bác bỏ yêu cầu đó nên họ giữ Long lại chỉ để trả lời những câu hỏi của họ trong mấy giờ liền. Mục tiêu cũng không ngoài việc gây áp lực. Nhưng Long vẫn tiếp tục con đường của mình.

Tôi hỏi Long: “Cháu có bao giờ thấy hối tiếc vì con đường đã chọn không?” Long trả lời: “Không bác à. Thỉnh thoảng có buồn nhưng hối tiếc thì không. Cháu chọn con đường làm người chứ không chọn con đường làm voi!”, rồi cười rất vui.

Đất nước này rất nhiều gia đình với nhiều thế hệ như vậy. Phải hy sinh bao nhiêu thế hệ nữa để có được tương lai mai sau tươi sáng? Hai thế hệ đầu tiên đã hy sinh tính mạng và xương máu cho tổ quốc rồi tiếp tục sống và cống hiến bằng sức lao động chân chính của mình. Nhưng hai thế hệ con, cháu của họ vẫn chưa được sống trong một hiện tại tốt đẹp. Họ sắp trở về với tổ tiên, nhưng vẫn chưa nhìn thấy được một tương lai tươi sáng, chí ít bằng một niềm hy vọng khả dĩ. Bà ngoại Long đã hơn 90 tuổi, đã sống và chứng kiến cả một thời kỳ dài lịch sử hy sinh của dân tộc trải qua nhiều chế độ từ thời Pháp thuộc, giờ vẫn phải chịu những áp lực xảy đến với cháu mình và cả gia đình mình.

Nhưng có lẽ đó chính là sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp. Nếu Lê Thăng Long chọn con đường sống yên thân, phì gia thì Long đã vào đảng, rồi dựa vào lý lịch gia đình mà thăng quan tiến chức. Long kể hồi học đại học Long cũng từng nghĩ như vậy nên rất tích cực hoạt động đoàn và trở thành sinh viên đầu tiên làm bí thư đoàn của toàn khoa Điện đại học Bách khoa Tp HCM. Nhưng Long đã sớm từ bỏ con đường đó sau khi ra trường và làm cho một doanh nghiệp nhà nước rất lớn. Long nhận ra nếu tiếp tục con đường đó thì mình phải chấp nhận nhiều sai trái, nhiều lúc còn phải luồn cúi. Long rời bỏ nó đi làm cho một công ty liên doanh, rồi sau đó thành lập doanh nghiệp cùng với Thức và trở thành doanh nhân. Và dấn thân.

Một con đường khó khăn nhưng nó cho họ được sống đúng với mong muốn và khát vọng tự do của mình. Dù khó khăn nhưng ngày càng có nhiều người chọn đi trên con đường đó. Những thế hệ đàn anh lớn hơn Long như Nguyễn Văn Hải, nhỏ hơn như Việt Khang và cả những thế hệ còn rất trẻ có thể gọi Long hàng chú bác như Phương Uyên. Đã và sẽ còn rất nhiều người nữa bước vào con đường đó dù biết rằng thân xác mình có thể bị cầm tù nhưng tinh thần mình mãi được tự do. Và đó chính là những đoạn khởi đầu không thể thiếu cho một con đường để đi đến với tự do, dân chủ, thịnh vượng và văn minh cho cả một dân tộc.

Lịch sử đã cho thấy mỗi cá nhân thiếu tự do thì cả dân tộc không thể không lệ thuộc, nô lệ và phải hy sinh triền miên từ thế hệ này đến thế hệ khác mà vẫn không thể có được một hiện thực tốt đẹp. Tương lai thì bất định với những hy vọng tươi sáng được gửi gắm từ đời này qua đời khác.

Rồi để tìm chút an ủi trước khi trở về với cát bụi thì đành lòng chấp nhận như chuyện con voi.

Do vậy cần bao nhiêu thế hệ nữa để được sống trong dân chủ và thịnh vượng tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động tự do của các thế hệ hiện tại, nhất là thế hệ trẻ.

Trần Văn Huỳnh

“Hãy chuẩn bị cho ngày Trung Quốc sụp đổ”*

Những ngày qua, cái tên Trung Quốc đã gần như thu hút mọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Người ta nói về sức mạnh của Trung Quốc, dự đoán khi nào Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới… Nhưng người ta đã không để ý rằng, những dấu hiệu “diệt vong” đang xuất hiện lại khá nhiều ở Trung Quốc.

Không thể phủ nhận sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm qua đã khiến không ít quốc gia phải lo ngại và thậm chí là gióng lên những hồi chuông báo động ở những cường quốc mạnh nhất thế giới. Tại Diễn đàn An ninh quốc tế vừa diễn ra hồi tuần trước tại Halifax (Canada), cái tên Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của mọi cuộc thảo luận. Ở đó, các đại biểu đặt câu hỏi liệu ông Obama có bị hút theo vị tân lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc hay không? Liệu nước Mỹ sẽ làm gì với những cuộc tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay ASEAN? Liệu Tokyo và New Delhi có bỏ Washington để chạy về phía Bắc Kinh hay không?… Từng đó câu hỏi đã cho thấy sức ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây đã lớn đến thế nào.

Nhưng cũng có nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, thực tế những dấu hiệu diệt vong giống như những gì đã có ở Liên bang Xô viết trước kia giờ đây đang xuất hiện trở lại khá nhiều ở Trung Quốc và rất có thể Trung Quốc sẽ sụp đổ trước khi kịp vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, cách đây 2 thập kỷ, cả chính phủ Mỹ và CIA đã khá bối rối khi bất ngờ nhận ra rằng đối trọng của mình đã sụp đổ quá nhanh chóng đến như vậy và giờ đây, đã đến lúc nước Mỹ cần phải lắng nghe lời kêu gọi: “Hãy chuẩn bị cho ngày Trung Quốc sụp đổ”.

Nhưng những dấu hiệu đó là gì? Các chuyên gia đã chỉ ra ít nhất 5 yếu tố cho thấy lịch sử đang chuẩn bị lặp lại.

1. Hàng ngũ lãnh đạo bị chia rẽ và bê bối

Trong năm 2012, vụ bê bối của chính trị gia thuộc nhóm “ngôi sao đang lên” Bạc Hy Lai đã trở thành vết nhơ lớn nhất trong vòng 40 năm qua của chính trường Trung Quốc. Nhưng theo bình luận của tờ The Diplomat (Nhà Ngoại giao) vụ bê bối này cũng cho thấy những cuộc đấu tranh giành quyền lực tại Trung Nam Hải đang diễn ra gay gắt và vấn nạn tham nhũng đã “leo cao, chui sâu” đến mức nào trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Bạc Hy Lai

Đại hội 18 của Đảng cộng sản vừa kết thúc nên những cú sóng dồn mới chỉ đang ở mức độ bắt đầu đối với ông Tập Cận Bình và 7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Không ai dám chắc, một vụ scandal tương tự vụ Bạc Hy Lai sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Tập và nếu có, nó sẽ khiến cho sự chia rẽ và rạn nứt trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn nữa đồng thời sẽ gây ra những sự bất mãn dẫn đến bất ổn nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc.

Trong thời gian vừa qua, các nhà phân tích còn nhắc đến vấn đề “phe quân đội” cũng đang trỗi dậy ngày một mạnh mẽ và “nếu ông Tập không vững tay lái, rất có thể con dao sắc này sẽ khiến ông đứt tay”, The Diplomat nói.

2. Tăng trưởng kinh tế chậm lại

Trong suốt 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế cho cả thế giới. Sau gần 30 năm liên tục tăng trưởng với tốc độ trên 10%, bước sang năm 2012, kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc khá nhanh. Quý trước, tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt 7,4% do kinh tế Mỹ và châu Âu khủng hoảng. Sự “thất tốc” đột ngột này đã trở thành một đòn giáng mạnh vào toàn bộ lực lượng lao động Trung Quốc và đã bắt đầu phát sinh những bất ổn, đặc biệt là sự giận dữ của hàng triệu người dân ở nông thôn hay công nhân trong các nhà máy khi phải nhìn thấy thu nhập của mình giảm nhanh chóng.

Chỉ tính riêng trong năm 2010, nền kinh tế yếu đã khiến Trung Quốc phải gánh chịu khoảng 180.000 cuộc đình công, biểu tình hay thậm chí là bạo loạn và điều này đã trở thành gánh nặng khó chịu cho toàn xã hội cũng như hệ thống chính trị Trung Quốc.

Kinh tế khó khăn khiến làn sóng di cư trong nước và sang cả các nước châu Á khác tăng mạnh. Những cuộc đụng độ nảy lửa giữa người bản xứ và dân di cư cũng bùng nổ thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Chưa hết, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với vấn đề nợ của các chính quyền địa phương cũng như bong bóng bất động sản đang ngày một phình to ở những đô thị lớn. Chỉ cần 1 trong 2 quả bong bóng này phát nổ, những hệ lụy kinh tế đối với cả nước trở nên vô cùng khó lường.

Cuối cùng, tác động của chính sách một con kéo dài đã đẩy Trung Quốc vào một vấn đề rất khó giải quyết: lực lượng lao động ngày một mỏng đi khiến các kế hoạch phát triển kinh tế trong tương lai trở nên ít khả thi hơn rất nhiều.

3. Những vụ tranh chấp chủ quyền không lối thoát

Trong gần một thập kỷ, chính sách “ngoại giao nụ cười” đã giúp Trung Quốc có được khá nhiều bạn bè cũng như thiện cảm của thế giới. Đã có lúc người ta coi Bắc Kinh là đối tác dễ chịu và sáng tạo hơn tất cả các quốc gia khác, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Cùng với đó, các dự án viện trợ hào phóng cũng giúp cho Trung Quốc gây dựng được sự hiện diện ở khắp thế giới. Nhưng tất cả những thành tựu này đang có nguy cơ tan thành mây khói bởi tuyên bố đòi chủ quyền tại các vùng biển Hoa Đông với Nhật Bản và Biển Đông với các nước ASEAN. Để lấy chỗ dựa, Trung Quốc buộc phải kích động chủ nghĩa dân tộc trong nội bộ nước mình nhưng có điều đó là con dao 2 lưỡi vì chính quyền sẽ không thể kiểm soát được ngọn lửa này. Kết quả là các nước nhỏ hơn sẽ liên kết với nhau để đối phó với Trung Quốc. Châu Á – Thái Bình Dương trở nên bất ổn sẽ tác động ngược trở lại nền kinh tế Trung Quốc, gây ra những khó khăn mới đồng thời trong con mắt cộng đồng quốc tế, Trung Quốc trở thành kẻ hiếu chiến, xấu xa và sẽ bị cô lập dần dần.

4. Những thảm họa môi trường đang chực chờ

Đã đến lúc Trung Quốc phải trả giá đắt cho việc chỉ chú tâm phát triển kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường. Trong những năm gần đây, các nguồn nước có thể uống được đã giảm đi nhanh chóng, hạn hán tại các vùng Tây Bắc trở thành vấn nạn thường xuyên hơn do lượng mưa ngày một giảm trong khi nhiệt độ lại cứ tăng đều đều. Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm không khí đã ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm đồng thời tình trạng mất an toàn thực phẩm cũng tiếp diễn với chiều hướng ngày một xấu hơn.

Để giải quyết vấn nạn môi trường, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ còn một cách duy nhất: Hy sinh tăng trưởng kinh tế để đầu tư vào cải tạo môi trường. Nhưng cũng chính từ đây, các bất ổn xã hội sẽ được dịp bùng phát mạnh hơn nữa.

5. Không có ý tưởng mới

Có lẽ một trong những mối lo ngại lớn nhất của ông Tập Cận Bình và 6 thành viên khác trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là họ không có một ý tưởng thực sự “hay ho” nào để thúc đẩy cải cách. Thực tế, những cá nhân có ý tưởng và tài năng để cải cách ở Trung Quốc không thiếu nhưng có điều ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc sẽ không thể mạo hiểm hy sinh những chức vụ quan trọng hàng đầu để trao nó vào tay những cá nhân này. Trong lúc này, ông Tập lại phải đối mặt với sức ép từ giới thượng lưu, nhà giàu đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp để bảo đảm quyền lợi cho họ còn những tầng lớp còn lại thì giận dữ với nạn tham nhũng và tình trạng mức sống suy giảm nghiêm trọng. Đến một lúc nào đó, những sức ép này lớn dần và buộc ban lãnh đạo cấp cao quốc gia phải vội vã tiến hành cải tổ. Kịch bản này có vẻ như khá giống với những gì ông Mikhail Gorbachev đã làm ở Liên Xô 25 năm trước.

Dưới thời của mình, ông Hồ Cẩm Đào đã cố tình giảm nhẹ vai trò của kinh tế tư nhân và chú trọng vào các doanh nghiệp nhà nước nhưng đến nay, các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã hết thời. Dưới thời của mình, liệu ông Tập sẽ làm gì để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế đồng thời xoa dịu sự bất mãn của người dân trong bối cảnh các chính quyền địa phương lãnh đạo ngày càng yếu kém?

Câu hỏi đặt ra là: Đâu là tầm nhìn cho Trung Quốc trong vòng 10 hay 25 năm tới?

Các chuyên gia tại Halifax kết luận: Dù đây mới chỉ là những dấu hiệu nhưng diễn biến của nó trong khoảng 10 năm tới vẫn còn khá phức tạp và điều quan trọng là hiện nay, khi các nền kinh tế đã giao thoa với nhau khá sâu sắc, chắc chắn Mỹ và phương Tây cũng sẽ không thể yên ổn nếu Trung Quốc sụp đổ và nhiệm vụ của họ là phải theo dõi rất kỹ những tín hiệu này đồng thời có bước chuẩn bị “thoát thân” cho chính mình.

Nguồn: infonet.vn (Bộ Thông tin & Truyền thông)

—————————————–

* Cái tựa của bài  sau khi lên mạng vài giờ đã được đổi thành: Thách thức với Trung Quốc “mới”.