Tác giả và tác phẩm : Alberto Ruy Sánchez – người gọi tên ‘chất thơ của tính dục’

Hoàng Anh Lê

‘Khi con người ta làm tình, không đơn giản chỉ là một hành vi xác thịt, mà nó là sự trao đổi, thẩm thấu nội tâm giữa những con người đang yêu và khát khao bày tỏ’. Điều đó tự nhiên, ngọt ngào và thơ ngây như ‘tên của khí trời’, ‘làn da của đất’ và ‘đôi môi của nước’ – tên những tiểu thuyết của Alberto Ruy Sánchez.

Lần đầu tiên tới Việt Nam, nhà văn nổi tiếng người Mexico mang theo hơi thở của vùng đất Mỹ Latin kết hợp với chất Ảrập trong các tác phẩm của mình truyền tới độc giả Việt. “Tên của khí trời”, “Làn da của đất” và “Đôi môi của nước” là ba tác phẩm nằm trong bộ bốn tiểu thuyết của Alberto Ruy Sánchez lấy cảm hứng từ đề tài tình yêu, dục vọng. Dựa trên bốn thành tố cơ bản làm nên thực tại: Không khí, đất, nước và lửa, Alberto tạo tác một thế giới của những khát khao hoan lạc, những cuồng nhiệt ngây thơ, những giấc mơ vô hình nhưng hiện hữu… Tất cả được nuôi dưỡng bằng một mạch văn thấm đẫm chất thơ – thứ văn chương đẹp mà theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, nó khiến những ai chạm vào sẽ mở rộng tâm hồn để đến với địa hạt tâm hồn nhân loại.

Nhà văn Alberto Ruy Sánchez (trái) và dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Ảnh: Hoàng Anh.

Tính dục xuyên suốt chuỗi tác phẩm. Tính dục được kết thành từ những giấc mơ, khát khao vừa thầm kín vừa bộc trực. Nó là khát vọng yêu đương đầy nữ tính, e ấp nhưng không kém phần táo bạo của những người đàn bà trong “Tên của khí trời” – khi mỗi người đều lạc vào hành trình đi kiếm câu trả lời cho những ham muốn bí mật của mình; Nó cũng là những giấc mơ tình ái của đàn ông trong “Đôi môi của nước”, với hẳn một “giáo phái” những người Mộng du, đi tìm tình yêu, tìm người yêu qua nhiều nơi, nhiều thế kỷ, để rồi bắt gặp mình trong nhiều người khác; Hay người đàn bà bí ẩn trong “Làn da của đất”, chỉ chấp nhận cho người đàn ông gần gũi mình nếu mỗi đêm được nghe kể về một khu vườn trong thành phố mà nàng chưa bao giờ biết đến. Thế rồi, trong suốt những đêm huyền hoặc như “Nghìn lẻ một đêm” ấy, người đàn bà lần lượt khám phá ra những cung bậc ham muốn của chính mình.

Alberto Ruy Sánchez chia sẻ về các sáng tác của mình. Ảnh: Hoàng Anh.

Alberto Ruy Sánchez chia sẻ, ông tin rằng cuộc sống vốn được tạo ra từ những khao khát và đam mê. Nó khiến chúng ta trở thành người nào đó, sống với ai đó, có hay không một điều gì đó. Bởi vậy, dẫu vô hình nhưng chúng tồn tại. Và những giấc mơ chính là để đặt tên cho những khát khao của con người. Trong chuỗi tác phẩm của Alberto Ruy Sánchez vì thế có vô số giấc mơ. Nhà văn tiết lộ, tác phẩm của ông giống như một cuốn sách tư liệu, ở đó chứa giấc mơ của hơn 100 người phụ nữ khác nhau mà Alberto đã phỏng vấn trực tiếp trong cuộc sống, và đó cũng là sự cộng hưởng những nhịp đập trái tim của họ.

Nói về sức sống tác phẩm của mình, Alberto Ruy Sánchez cho biết, khi cuốn sách được xuất bản tại Mexico và nhiều nước khác, có những email từ người lạ gửi tới cho ông. Họ nói rằng họ cũng có những giấc mơ tương tự. Có người nói, cuối cùng họ đã tìm được ngôn từ để nói với người mình yêu. Có người muốn khắc lên da thịt những hình xăm giống như hình ảnh minh họa trên các cuốn sách. Bởi, những gì Alberto Ruy Sánchez viết, dù là đề tài tính dục, đã chạm đến phần tự nhiên nhất của con người – cái mà bình thường người ta vừa vụng trộm khám phá, vừa muốn thổ lộ ra ngoài nhưng chưa tìm được cách để thể hiện hay diễn đạt.

Bìa ba cuốn sách của Alberto Ruy Sánchez được xuất bản tại Việt Nam.

Những câu chuyện mà Alberto kể, diễn ra ở một quảng trường, một góc phố hay mọi kẽ ngách của thành phố cảng Mogador vừa thực vừa ảo. Mogador là tên cổ của thành phố Essaouira, nằm trên bờ biển phía tây của Marốc, một mê cung được bao bọc bởi những “bức tường trắng ẩn mật”, có phố chợ, nhà thổ, có những khu vườn bí ẩn để ươm giấu bí mật. Mogador cũng là thế giới tưởng tượng với những mê lộ của tình ái, ở đó, dục vọng rên rỉ và hân hoan – như hàng nghìn tiếng dế đồng vọng cất lên từ một hòn đảo trong đêm thanh vắng, mà như Alberto nói, trong thơ ca, âm thanh của loài vật đôi khi phản chiếu tâm hồn của con người.

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng – người đầu tiên của Việt Nam đọc Alberto Ruy Sánchez, cũng là người chuyển ngữ cuốn “Tên của khí trời” sang tiếng Việt – gọi Alberto là “người lữ hành không ngừng nghỉ” trong hành trình đi tìm cái đẹp (mượn cách người ta vẫn thường dành gọi nhà thơ Nhật Kawabata). Cũng theo Trần Tiễn Cao Đăng, với các tác phẩm của mình, Alberto Ruy Sánchez đã làm một hành vi đẹp và mạnh mẽ, kéo chất thơ của tính dục về với đời sống. Dịch giả khẳng định, “hữu xạ tự nhiên hương”, không có lý gì thứ văn chương đẹp đẽ của Alberto Ruy Sánchez lại không đến và ở lại trong lòng độc giả Việt, bằng cách này hay cách khác.

Buổi giao lưu với nhà văn Alberto Ruy Sánchez, đồng thời giới thiệu ba cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt của ông diễn ra chiều 28/5 tại 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Tham dự chương trình có dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, đại sứ Mexico cùng đại sứ các nước Mỹ Latin khác.

——————————————————————————————

Alberto Ruy Sánchez sinh năm 1951, người Mexico, là một nhà văn đa tài và được đánh giá là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất với văn học Mỹ Latin đương đại. Ông đã nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Jussieu, Paris. Kể từ năm 1988, ông là Tổng biên tập và là người sáng lập ra tạp chí Nghệ thuật hàng đầu Mỹ Latin: Nghệ thuật Mexico. Tháng 2/2000, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật.

Cho đến nay, Alberto Ruy Sánchez đã viết 7 cuốn tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, một tập thơ và hàng chục tiểu luận. Ông cũng có nhiều bài viết đăng tải trên các tạp chí học thuật và được nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới ca ngợi. Tác phẩm của ông được Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam phối hợp xuất bản tại Việt Nam gồm Tên của khí trời, Đôi môi của nước (2009), Làn da của đất (2011).

@EVan

Người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh

Tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hoà), vùng nuôi cá mú được xem là lớn nhất Việt Nam, người Trung Quốc không chỉ thu mua mà còn sử dụng mặt nước vịnh để nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá mú.

Điều đáng nói là tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” nuôi cá tại một vịnh có vị trí quan trọng này diễn ra từ lâu, nhưng chính quyền tỏ ra lúng túng.

 
Lồng bè do những người Trung Quốc điều hành.

Bè cá Trung Quốc hoành tráng

Hầu như mọi ngư dân và người buôn bán nào ở gần cảng Cam Ranh đều biết các đìa cũng như lồng bè nuôi cá, tôm của người Trung Quốc. Ông Đạt, một chủ đìa tại đây nói đìa nuôi tôm hùm của A Xìu nằm cạnh cảng Cam Ranh, còn phía ngoài vịnh cách đó chừng 200m là lồng bè nuôi cá mú của những người Trung Quốc khác. Mỗi lồng bè nuôi cá, tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng.

Từ xa có thể thấy khu trại nuôi cá của A Xìu gồm những khu nhà kiên cố, có cả hàng rào, cổng cao khác hẳn với những khu trại tạm bợ của người Việt bên cạnh. Tuy nhiên, khi đến gần thì khu trại này đóng cửa.

Lên một chiếc tàu, chúng tôi rời cảng tiếp tục đến bè nuôi của người Trung Quốc phía ngoài vịnh. Bè này nằm cách cảng Cam Ranh chừng vài trăm mét và có thể thấy rõ quân cảng Cam Ranh ở phía bên kia bờ vịnh. Từ xa, bè của những người Trung Quốc nổi bật giữa biển bởi sự hoành tráng so với những chiếc bè nhỏ của người Việt gần đó. Các bè này cũng giống như trại nuôi cá của A Xìu: không bảng hiệu, được gắn với nhau, mỗi bè có nhiều lồng, trên bè có đến ba ngôi nhà lợp tôn kiên cố với tổng diện tích khoảng 100m2. Huy, một người địa phương làm công tại một bè cá của người Trung Quốc ở đây cho biết, ở bè này có sáu người Trung Quốc làm việc với gần 100 lồng. Ngoài ra họ còn thu mua cá mú khắp nơi nhưng nhiều nhất là tại Cam Ranh, Phú Yên và đảo Phú Quý.

“Người Trung Quốc ở đây ai cũng có thể nói được tiếng Việt, bởi họ qua đây đã sáu, bảy năm rồi. Người Trung Quốc cân cá, mua cá, xuất bán cá… còn em chỉ lo chăm sóc cá thôi. Mỗi năm có hàng ngàn tấn cá được xuất đi, khi nào đủ số lượng thì sẽ có tàu của Trung Quốc cập bè đưa cá về bên đó”, Huy nói.

Chúng tôi quan sát thấy xung quanh bè thấy có chừng ba, bốn chiếc tàu cá mang biển số Khánh Hoà, Bình Thuận đang chở cá đến để bán cho người Trung Quốc. Trên bè các bảng thông báo, thẻ đánh số đều được ghi bằng tiếng Trung. Tại một góc khác của bè, hai người đàn ông Trung Quốc tự xưng là A Ngán và A Keng vừa hút thuốc lào vừa quan sát những người Việt làm việc. A Ngán cho hay quê ở Quảng Châu, chuyên mua và nuôi cá mú. Cá mú đen thu mua về rồi nuôi tiếp, đến khi cá nặng chừng 1kg mới bán; cá mú nghệ nặng 10kg thì bán, có thể đóng thùng đi đường bộ hoặc tàu từ Trung Quốc qua thu mua tại bè. “Chúng tôi ở đây đã lâu, có người lấy vợ Việt Nam và tách ra làm riêng rồi”, A Ngán khoe.

Theo ông Hoàng Gia Ánh, chủ tịch hội nông dân phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, giá cá mú đen thương phẩm loại 1kg tại Cam Ranh hiện bán 200.000 đồng/kg, cá mú nghệ 250.000 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc tại các bè trên đang thu mua loại cá mú nhỏ 0,5 – 0,6kg với giá bằng 1/2 giá cá thương phẩm. “Họ thu mua cá nhỏ sau đó nuôi thêm rồi xuất khẩu, bởi làm như vậy lời hơn so với mua cá lớn rồi xuất ngay”.

 
Những người Trung Quốc trên vịnh Cam Ranh.

 “Họ tự làm chứ chúng tôi không cho phép”

Theo ông Nguyễn Thành Long, đội phó đội Quản lý thị trường số 3, tại Cam Ranh đang có ít nhất bốn cơ sở thu mua và một cơ sở nuôi bè hải sản của người Trung Quốc, nhưng do người Việt Nam đứng tên; phường Cam Phúc Bắc có hai cơ sở, phường Cam Phú có một cơ sở. Riêng tại phường Cam Linh có hai cơ sở, trong đó cơ sở nuôi bè trên biển của công ty TNHH Song Phong. Song, ông Trần Tính, phó chủ tịch UBND phường Cam Linh cho rằng trên địa bàn chỉ có một cơ sở thu mua hải sản với khoảng 5 – 7 người Trung Quốc hoạt động, đứng tên kinh doanh là công ty TNHH Khải Hoàn của người Việt Nam. “Cơ sở này thuê đất trên bờ của người Việt, còn lồng bè trên biển thì họ tự làm chứ chúng tôi không cho phép”, ông Tính nói.

Ông Tính cho biết thêm ở khu vực lồng bè có người Trung Quốc hoạt động, hiện nhiều lực lượng đang quản lý: trạm kiểm soát của đồn Biên phòng cửa khẩu, đồn Biên phòng 384, công an… Rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng ông Tính phân bua: “Quá nhiều lực lượng song chúng ta đang lúng túng trong phân cấp xử lý vấn đề người nước ngoài. Qua các buổi giao ban chúng tôi đều có ý kiến về việc này, bản thân tôi thấy cần phải rút kinh nghiệm”.

Cũng theo ông Tính, mỗi lần có mưa bão, phường ra di dời những người trên lồng bè vào bờ để tránh nguy hiểm, nhưng gặp khó khăn khi muốn đưa người Trung Quốc vào bờ. “Phần vì chúng tôi nói thì họ không hiểu, phần vì họ nghe dự báo thời tiết từ đài của họ nên họ không chịu di dời. Thực sự chúng tôi không biết họ có bao nhiêu người ở trên những bè đó”, ông Tính nói.

Phó chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh Nguyễn Ngọc Sơn, thừa nhận trên địa bàn có một số người nước ngoài nuôi trồng thuỷ sản. “Tuy nhiên, trên thực tế đến nay chưa có doanh nghiệp hay người nước ngoài nào xin phép nuôi trồng thuỷ sản tại vịnh Cam Ranh… Chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Sơn nói.

BÀI VÀ ẢNH: LÊ ANH

@Sgtt

12 tập đoàn nhà Nước nợ hơn 218 nghìn tỷ đồng

Bốn tập đoàn nợ lớn nhất là: PetroVietnam nợ 72.300 tỷ, EVN nợ 62.800 tỷ , Vinacomin nợ 20.500 tỷ và Vinashin nợ 19.600 tỷ

Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính trình bày tại Phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 4, tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của DNNN lớn là 415.347 tỷ đồng tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước.
Trong đó, hơn một nửa số nợ tập trung vào 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (218.738 tỷ) chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng. Bốn tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam ( 72.300 tỷ), EVN (62.800 tỷ), Vinacomin (20.500 tỷ) và Vinashin (19.600 tỷ).
Cũng theo đề án, có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần. Đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần gồm TCT Xây dựng Công nghiệp (Tập đoàn Sông Đà), TCT Xây dựng CTGT 1, TCT Xây dựng CTGT 5, TCT Xây dựng CTGT 8, TCT Xăng dầu Quân đội, TCT Thành An và TCT Phát triển đường cao tốc.
Tính đến tháng 10/2011, cả nước có 1.309 doanh nghiệp nhà nước gồm 11 tập đoàn, 11 tổng công ty đặc biệt và 74 tổng công ty. Tổng quy mô tài sản đạt 1.760 ngàn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 700 ngàn tỷ đồng. Năm 2010, các DNNN đóng góp 34% GDP cả nước.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, đa số các DNNN có lãi và đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Các tập đoàn lãi lớn là PetroVietnam, VNPT, Vinacomin, Viettel,  Sông Đà, các TCT Lương thực Miền Bắc, Miền Nam và Thương Mại Sài Gòn.
Tuy nhiên một số tập đoàn có lỗ lớn như EVN ( năm 2010 lỗ 12.313 tỷ, lũy kế hợp nhất 2010 là 24.262 tỷ), Vinashin (năm 2009 lỗ 5.000 tỷ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ), TCT Chè Việt Nam, TCT Dâu Tơ tằm,  TCT Xăng dầu Quân đội, TCT Xây dựng  Công trình đường thủy…  Tổng số lỗ lũy kế của các tổng công ty, tập đoàn đến ngày 31/12/2011 là 26.110 tỷ đồng
Đề án nhận định: Tình hình tài chính của nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả.
Một số tập đoàn, tổng công ty trong những năm qua đã tham gia góp vốn vào ngân hàng TMCP, CTCK, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty bảo hiểm, bất động sản. Việc đầu tư này chưa thực sự hợp lý khi nguồn vốn cho HĐKD chính còn hạn chế. Hiệu quả các khoản đầu tư này không cao hoặc không có hiệu quả.

(Theo TTVN)