Cập nhật tin 24-5-2012

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị cấm xuất cảnh

AFP – Chính quyền Việt Nam vừa cấm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không cho đi Pháp vào đầu tháng Sáu nhân dịp ra mắt tác phẩm “Tình yêu, tội ác và trừng phạt” của ông do nhà xuất bản Pháp L’Aube giới thiệu. Hôm thứ Hai 21/05/2012 nhà xuất bản L’Aube đã cho AFP biết như trên.

 
Tác phẩm “Tuổi hai mươi yêu dấu”
do NXB L’Aube phát hành tại Pháp
 Theo nhà xuất bản này, vốn sẽ xuất bản bộ truyện ngắn toàn tập của nhà văn vào tháng Sáu, thì “Nguyễn Huy Thiệp – mà tội duy nhất là viết lách – một lần nữa lại bị cô lập: thư từ bị lấy trộm, điện thoại bị cắt và bị cấm xuất cảnh”.
Trong một thông báo, nhà xuất bản L’Aube nhắc lại, để có thể tự do gặp gỡ các độc giả, “nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thành lập một nhà hàng dưới chân cầu Long Biên ở Hà Nội”. Thông cáo nói tiếp: “L’Aube nhấn mạnh sự ủng hộ vô điều kiện đối với nhà văn hiện đang bị mất quyền tự do di chuyển và tự do ngôn luận – mà chúng tôi hy vọng là chỉ tạm thời – và đề nghị mỗi người trong chúng ta cũng ủng hộ cho ông”.
Từ khi thành lập, nhà xuất bản L’Aube luôn cam kết dành tiếng nói cho các nhà văn bị ngăn trở trong việc tự do diễn đạt ở trong nước. Chẳng hạn như đã xuất bản cuốn “Thẩm vấn từ xa” của Vaclav Havel năm 1989 khi ông đang còn trong nhà tù. L’Aube cũng là nhà xuất bản đã in các tác phẩm của Cao Hành Kiện, nhà văn đã rời Trung Quốc từ năm 1988 và sau đó đoạt giải Nobel văn chương. Hoặc Abed Charef, bị buộc phải đi khỏi Algérie sáu tháng sau khi cho ra đời tác phẩm “Algérie, bước trượt ngã dài”.
———————————————————————————-

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có kế hoạch thăm Việt Nam

Ông Leon Panetta cũng từng nắm CIA nhưng nay lo về quốc phòng

Đài tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, ông chủ Lầu Năm góc Leon Panetta sắp tới thăm Việt Nam.

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 22/5 loan báo người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ sẽ sang thăm Việt Nam 2 ngày nhân chuyến công du Châu Á trong vòng một tuần lễ bắt đầu từ tuần tới.

Ông Leon Panetta sẽ khởi hành ngày 30/5 lên đường sang Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh thường niên của giới chức quốc phòng cấp cao từ các nước châu Á-Thái Bình Dương. Sau đó, ông sẽ thăm Việt Nam trước khi ghé qua Ấn Độ.

Phát ngôn viên Lầu Năm góc, George Little nói Hoa Kỳ có cam kết lâu dài trong việc phát triển một mối quan hệ quốc phòng song phương vững mạnh với Việt Nam dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau và chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta sẽ là cơ hội để Washington tiếp tục làm việc hướng tới mối quan hệ cực kỳ quan trọng này.

Ông George Little cũng nhấn mạnh rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vai trò ngày càng quan trọng đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ông Little nói các đối tác của Mỹ tại khu vực này hết sức quan trọng và Hoa Kỳ đang tiếp tục đầu tư vào các mối quan hệ đó.

Người tiền nhiệm của Bộ trưởng Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, cũng đã từng sang thăm Việt Nam vào năm 2010.

——————————————————————————————-

Cha đẻ của điều khiển tivi từ xa qua đời

Chiếc điều khiển TV từ xa tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp giải trí tại nhà. (Nguồn: Reuters

Eugene Polley, người sáng chế ra chiếc điều khiển TV từ xa, vừa qua đời ở tuổi 96.

Thiết bị điều khiển TV từ xa mang tên “Flash-Matic” của Polley mà hãng Zenith giới thiệu vào năm 1955 được coi là thiết bị điều khiển từ xa đầu tiên. “Nó sử dụng thiết bị giống như đèn flash để kích hoạt các tế bào quang điện trong TV để thay đổi kênh chương trình,” Zenith viết trong thông cáo báo chí.

“Người xem dùng một đèn flash hướng về phía TV để kích hoạt bốn chức năng điều khiển, để bật hoặc tắt âm thanh, hình ảnh và thay đổi các kênh bằng cách quay phím điều chỉnh theo chiều đồng hồ hoặc ngược lại,” Zenith nói.
Vì thế, Flash-Matic ra đời đã tạo nên cuộc cách mạng, và Polley được tung hô với rất nhiều từ hoa mỹ, như “cha đẻ của củ khoai tây ngồi ghế bành” hay “vua của niềm phấn khởi”, hay “chàng trai lướt kênh trên bãi biển”.
Sinh ra ở Chicago, Polley làm việc với vai trò kỹ sư tại Zenith trong thời gian dài. Những phát minh, sáng chế của ông, phần lớn trong lĩnh vực TV đã nhận được 18 bằng sáng chế của Mỹ.
Các nhà phân tích công nghệ, nhà bình luận và những người sử dụng TV nhân dịp này đã một lần nữa tôn vinh phát minh của ông.
Điều khiển TV là tiền thân của ngành công nghiệp giải trí tương tác – và cũng là một phần lý do các thế hệ hiện nay có thể định hướng nội dung số một cách tự do.

Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh: Sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề bài báo về vụ việc ở Viện Hán Nôm


Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Trần Nhung

Chiều 22/5/2012 tại văn phòng báo Cựu chiến binh, 34 Lý Nam Đế, đoàn của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, chị Nguyễn Thị Anh Thư cùng một số nhân chứng của vụ việc đã xảy ra sáng 18/5/2012 tại Viện Hán Nôm đến báo Cựu chiến binh để làm việc với Tổng Biên tập về bài báo đăng trên tờ báo này về vụ việc nói trên. Ông Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Trần Nhung đã tiếp và làm việc với đoàn. Phóng viên Hoàng Linh, người viết bài đã không có mặt do “bận đi học”.

Đoàn đã nêu ý kiến và quan điểm của mình đối với bài báo đăng trên tờ Cựu chiến binh, qua đó nêu rõ những chi tiết bịa đặt, xuyên tạc sự thật, vu cáo công dân Nguyễn Thị Anh Thư là phụ nữ công tác tại Viện Hán Nôm. Đồng thời bài báo đã cổ động cho hành vi vô luật pháp của một đám người tự nhận là thương binh nặng, tự tiện xông vào cơ quan làm việc gây náo loạn, đập phá tài sản, có hành vi trấn áp cán bộ công chức tại đây, đồng thời có những hành động hết sức vô văn hóa như cởi truồng giữa cơ quan xâm phạm quyền của công dân.

Tiếp ý kiến của đoàn, ông Trần Nhung, Tổng biên tập tờ báo đã cho biết, ông đã đọc các bài viết liên quan đến về vụ việc này và đã hứa sẽ giải quyết thỏa đáng vụ việc theo yêu cầu trong đơn của cô Thư. Trước hết phóng viên Hoàng Linh sẽ phải có bài tường trình đầy đủ sự việc rồi sẽ tổ chức gặp gỡ giữa cô Thư và phóng viên này. Sau đó căn cứ trên những vấn đề được kết luận và sự thật đến đâu để xử lý theo quyền hạn của báo. Sau khi đã có cơ sở những vấn đề chứng minh rõ ràng là bài báo sai, báo sẽ đăng bài cải chính theo luật yêu cầu.

Ngày 21/5/2012 chị Nguyễn Thị Anh Thư, nhân viên Viện Hán Nôm cũngđã gửi đơn đến TBT Trần Nhung khiếu nại về vụ việc.

Đoàn cũng chỉ rõ rằng sự việc diễn ra hôm đó không hề có sự có mặt của bất cứ phóng viên của báo nào được cử đến cũng như lực lượng công an đã được gọi điện thoại nhưng 2 tiếng đồng hồ sau khi sự việc kết thúc mới có mặt đến cơ quan. Thế nhưng, phóng viên tờ Quân đội nhân dân và Cựu chiến binh đã đăng bài viết xuyên tạc sự thật. Vậy đề nghị cho biết phóng viên lấy nguồn tin từ đâu, đây là sai sót trong nghiệp vụ hay là hành động theo một âm mưu, kế hoạch nào đó của ai? Với vai trò Tổng biên tập, người chịu trách nhiệm với nội dung tờ báo, yêu cầu ông thực hiệ đúng luật pháp về nguồn tin, lý do hoặc ý đồ việc đưa bản tin này? Đoàn cũng đã nói lên những suy nghĩ của mình về quy trình đưa tin và cách làm việc của tờ Cựu chiến binh đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm của tờ báo.

Buổi làm việc trên tinh thần cởi mở, cầu thị và tôn trọng lẫn nhau.

TBT báo Cựu Chiến binh đã thống nhất sẽ xử lý nhanh chóng vụ việc trên tinh thần bảo vệ sự thật, sự công bằng.

Thái độ và tinh thần của TBT tờ Cựu chiến binh là rất đáng hoan nghênh.

Thời gian qua, sau sự việc xảy ra hôm 18/5/2012 tại Viện Hán Nôm, không chỉ trang điện tử của báo Cựu chiến binh, mà tờ Quân đội Nhân dân cũng đã đã đăng bài viết xuyên tạc sự thật, vu cáo công dân và đổi trắng thay đen cổ võ cho những hành động vi phạm pháp luật của nhóm người tự xưng là “thương binh nặng”.

Theo tin nhận được, trong thời gian tới, các nhân chứng, nhữnng người bị hại và các nhân sĩ, trí thức sẽ tiếp tục đến Báo Quân đội Nhân dân để yêu cầu được trả lời và xử lý thích đáng việc báo này đã có những hành động vi phạm pháp luật như đã nói ở trên.

Mặc dù hai bài báo trên tờ Quân đội Nhân dân và Cựu chiến binh đã buộc phải gỡ bỏ khỏi trang điện tử, nhưng việc đó không có nghĩa là mọi việc đã xong. Việc dùng các tờ báo là tiếng nó của lực lượng vũ trang nhân dân để vu cáo công dân, trong khi lơ là bỏ rơi các vấn đề thuộc nhiệm vụ cốt yếu của các tờ báo này là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc bị xâm hại và xâm phạm nghiêm trọng, tính mạng đời sống của người dân bị đe dọa… đã làm dấy lên sự phẫn nộ của rất nhiều người.

Ngày 22/5/2012

J.B Nguyễn Hữu Vinh

@ JBNguyenhuuVinh Blog

**************************

Những gì đằng sau vụ Vinalines

Giáo sư Carl Thayer

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Úc

Dư luận đang chú ý vào ông Dương Chí Dũng và bà Đặng Thị Hoàng Yến

Trong nhiều năm nghiên cứu chính trị Việt Nam, tôi chưa bao giờ chứng kiến một nỗ lực kiểm soát thông tin về các động thái nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam chặt chẽ như trong những năm gần đây.

Giới chức cộng sản đã thành công trong việc làm nhụt chí báo giới nước ngoài ở Việt Nam, và ít ai trong số phóng viên thường trú ở Hà Nội nay dám cả gan tường thuật về chính trị nội bộ Việt Nam như những người đi trước, thí dụ Murray Hiebert (Far Eastern Economic Review) và Robert Templer (AFP).

Đảng gia tăng kiểm soát các cơ quan tuyên truyền và hạn chế truyền thông Việt Nam tiếp cận các hội nghị và họp hành của Đảng.

Nhận định của tôi về kiểm soát thông tin quanh các quyết định nội bộ trong Đảng được đúc kết ra từ tường thuật các tranh luận hiện thời về việc sửa đổi Hiến pháp, cũng như chiến dịch chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng.

Toàn bộ các tường thuật của báo giới Việt Nam về kết quả Hội nghị Trung ương 5 vừa rồi đều thiếu vắng chi tiết. Điều này, theo tôi, chỉ dấu rằng đang có mâu thuẫn lớn trong nội bộ Đảng về cả các chính sách và các cá nhân.

Mạng lưới quyền lực

Việt Nam hẳn đang bấn loạn vì các bê bối nhiều tỉ đôla liên quan các tập đoàn khổng lồ của nhà nước là Vinashin và Vinalines. Hai bê bối này có liên hệ trực tiếp tới trọng tâm chính trị Việt Nam hiện nay vì chúng dính líu tới mạng lưới ngầm của quyền lực về kinh tế và chính trị.

Nói cách khác, Vinashin và Vinalines không chỉ dính líu tới các chủ tịch, giám đốc, nhân viên của hai tập đoàn, mà các ông bầu chính trị đằng sau họ.

Các tập đoàn này đã được tung hoành mà không cần minh bạch và thiếu giám sát có hiệu quả. Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải xin lỗi trước Quốc hội vì bê bối Vinashin.

Rõ ràng là phong cách lãnh đạo tùy hứng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn khiến cho quyền lực tập trung ngày càng nhiều vào tay thủ tướng, đã khiến Đảng và các cơ quan của Đảng bị giảm quyền lực để có thể giám sát và kiểm soát hiệu quả. Mạng lưới sâu rộng của Thủ tướng vừa là cầu thủ vừa là trọng tài trong nền kinh tế Việt Nam.

Cần nhớ rằng chính ông Nguyễn Tấn Dũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng do ông đứng đầu, sau khi ông được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên.

Tại Hội nghị Trung ương 5, quyết định thành lập một Ban Chỉ đạo Trung ương mới chống tham nhũng có vẻ là một trong các bước đầu tiên của Đảng nhằm tái lập kiểm soát với chính phủ.

Nếu các tin tức là chính xác, Thủ tướng sẽ thôi chức trưởng ban và thay vào đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ban Nội chính Trung ương sẽ đóng vai trò thường trực của Ban Chỉ đạo mới.

Hai trường hợp

Nếu chính trị Việt Nam hiện thời phản ánh cả chính sách lẫn cá nhân, nó có thể giải thích cơn khốn khó của đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến và lệnh bắt ông Dương Chí Dũng, cựu lãnh đạo Vinalines.

Bà Hoàng Yến được đồn là thân cận với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sự nghiệp kinh doanh lên như diều gặp gió của bà được đánh dấu bằng nhiều lần xuất hiện trước công chúng với các bức hình chụp cùng ông Sang.

Ông Dương Chí Dũng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đứng sau)Một số người xem vụ điều tra ông Dương Chí Dũng (trái) là nhắm đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đứng sau)

Đơn xin từ nhiệm của bà bị Thường vụ Quốc hội bác bỏ với lý do các đại biểu đánh mất lòng tin nhân dân chỉ có thể bị Quốc hội bãi nhiệm. Nếu bà Yến từ nhiệm, câu chuyện đã kết thúc. Nay bà sẽ phải đối diện cuộc bỏ phiếu gây hổ thẹn tại Quốc hội.

Thủ tướng Dũng, về phần mình, thì phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các tập đoàn kinh tế nhà nước. Lệnh bắt ông Dương Chí Dũng và các quan chức khác của Vinalines có thể được xem là nhằm giảm bớt phe cánh của Thủ tướng, tương tự như khi các lãnh đạo Vinashin bị truy tố.

Cuộc đấu tranh nội bộ ngầm hiện tại giải thích vì sao đang có một đợt trấn áp đáng kể nhắm vào các blogger và phóng viên kể từ sau Đại hội Đảng XI.

Giới chức an ninh, sau khi đã thuần phục truyền thông nước ngoài, quay sang bịt miệng các nguồn thông tin khác duy nhất còn lại nói về chính trị nội bộ của Việt Nam.

Chính phủ cần đưa ra các quyết định lớn về cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sở hữu đất đai và chống nạn tham nhũng. Các quyết định này sẽ tác động tới mạng lưới quyền lực và bảo trợ ở các cấp độ.

Nếu vụ Đặng Thị Hoàng Yến và Dương Chí Dũng báo trước một sự chia rẽ nội bộ trong Đảng vì các chính sách và các cá nhân, thì Việt Nam dường như sẽ bước vào một giai đoạn bất an về chính trị. Tình hình này sẽ lại càng trầm trọng thêm vì nền kinh tế yếu kém.

@bbc