Day: 19/05/2012
Cười chút chơi
Bồ con…Bạn bố
Ông bố nói với con gái: “Bố không đồng ý để con yêu thằng đó đâu!”.
– Sao thế ạ? Anh ấy rất giàu có, lại chững chạc, đứng đắn. Con rất hiểu anh ấy…
– Con đã quen nó bao nhiêu lâu rồi mà bảo hiểu nó?
– Dạ 1 năm rồi bố ạ.
– Một năm? Còn bố thì học chung với nó những 5 năm cấp 1 và 4 năm cấp 2. Bố hiểu con người đó hơn con.
*********************************************************************
To nhưng vẫn nhanh
Trong cuộc thi chạy việt dã của một công ty, ai cũng bất ngờ khi người về nhất là… sếp.
Hai anh bạn đồng nghiệp trò chuyện với nhau:
– Vừa rồi, công ty tổ chức chạy việt dã, đố cậu biết ai được giải nhất?
– Ai vậy?
– Sếp mình.
– Tài thật! Ông ấy phục phịch, bụng to như thế mà về nhất ư?
– Ừ, đúng vậy! Bởi vì khi chạy có ai dám… chạy qua mặt ông ấy đâu!
– ?!!
*********************************************************
Một phút… hớ hênh
Vợ mới sinh con, thương chồng bị “cấm vận” lâu ngày, lại vất vả ngược xuôi, khổ trăm bề, nên cho chồng đi ‘ăn phở’.
Vợ mới sinh con, thương chồng bị “cấm vận” lâu ngày, lại vất vả ngược xuôi, khổ trăm bề, nên đưa cho chồng một ít tiền, thì thầm bảo chồng đi “thư giãn” ở ngoài :
– Xả van một tí cho đở bực bội và con người không khó chịu anh ạ. Em không trách anh đâu!
Ông chồng đi ra ngoài một lúc, rồi trở về . Trả lại gần nửa số tiền rồi kể :
– Anh định vào quán, nhưng vừa ra cửa gặp cô A. hàng xóm, cô ấy hỏi chuyện, thông cảm vợ đẻ nên bằng lòng “giúp” anh, lại còn giảm giá 50%!
– “Con ranh, láo toét….!”, cô vợ gầm lên .
– Ô kìa em! Đỡ tốn một nửa tiền, hàng lại “bảo đảm”, sao em lại giận chứ ?
Cô vợ điên tiết la ầm lên :
– Anh thì biết gì! Hồi nó đẻ, em có lấy của chồng nó xu nào đâu ….!
Cập nhật tin 19-5-2012
34 người chết trong tai nạn xe Đắc Lắk

Tai nạn xe khách rơi xuống sông Serepok trên đường từ Đắc Lắk xuống TP HCM làm 34 người chết và 21 người bị thương, theo truyền thông Việt Nam hôm nay 18/5/2012.
Vụ việc xảy ra với chiếc xe khách 50 chỗ ngồi vào lúc nửa đêm thứ Năm, khi các hành khách đều ngủ.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đắc Lắc, Y Bliu Arul được trích lời nói rằng cả hai lái xe đều nằm trong số nạn nhân chết vì tai nạn ngay tại chỗ.
Hai người khác chết trong bệnh viện và trong số 21 người sống sót có 16 người bị thương nặng, theo bệnh viện.
Chiếc xe đã rơi xuống từ độ cao 18 mét và đâm thẳng đầu xuống sông, sau đó mới nổi lên một phần trên dòng Serepok.
Nhà chức trách nói đội cứu hộ phải dùng rìu để phá lối cứu những người sống sót ra khỏi chiếc xe.
Có người kể lại ông đã thoát vì chui ra khỏi cửa sổ được những người khác đập vỡ.
Đây là tuyến đường 350 km nối tỉnh ở cao nguyên trung phần Việt Nam với TP Hồ Chí Minh.
Các hãng thông tấn nói Việt Nam là nước có số tai nạn giao thông đường bộ cao vào hàng nhất thế giới, với trên 11 nghìn người thiệt mạng trên đường mỗi năm.
‘Năm an toàn’
Hồi tháng 11 năm ngoái, có ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người đã bị thương trong vụ tai nạn ở tỉnh Bình Thuận khi một xe chở khách đâm vào xe container, gây bốc cháy dữ dội.
Vào cuối năm ngoái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, qua Đài tiếng nói Việt Nam, trực tiếp gửi thông điệp “Năm An toàn Giao thông Quốc gia 2012” tới toàn dân.
Ông Dũng khẳng định điều ông gọi là “Thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước” theo đó “phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông”.
BấmBộ giao thông vào tuần đầu tháng Năm ra báo cáo nói tính chung trong bốn tháng đầu năm 2012, cả nước đã xảy ra 3.660 vụ tai nạn giao thông làm 3.167 người chết, 2.712 người bị thương.
“So với cùng kỳ năm 2011, tai nạn giao thông giảm 929 vụ (-20,24%), giảm 694 người chết (-17,97%), giảm 830 người bị thương (-23,43%)”, báo cáo cho hay.
Ngày 11/5, báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Tp HCM cho hay trong 4 tháng đầu năm triển khai và thực hiện Năm An toàn giao thông 2012, trên địa bàn thành phố xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông, làm chết 200 người và bị thương 94 người.
Báo cáo này nói “So với cùng kỳ, số vụ tai nạn giao thông giảm 30%, số người chết giảm 27% và số người bị thương giảm 50%”.
Báo cáo An toàn Giao thông năm 2010 cho thấy đối với các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng là do vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai qui định, tranh giành khách đã chiếm 80% trong tổng số vụ nghiêm trọng.
Kết quả phân tích nguyên nhân gây ra 13.713 vụ tai nạn giao thông trong 2010 cho thấy đa số vụ là do người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, tránh vượt sai, vi phạm tốc độ và chuyển hướng không quan sát.
Cơ sở hạ tầng yếu kém và các nguyên nhân khác chiếm 18%.
—————————————————————————————-
Sài Gòn sẽ chi hơn $2. 35 tỉ xây dựng đường metro
Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đang có kế hoạch chi 47,000 tỷ đồng, tương đương với 2.35 tỉ đô la để xây dựng tuyến tàu điện từ Bến Thành đi Suối Tiên (quận Thủ Ðức) và dự tính sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
|
Tuyến tàu điện vượt qua nhiều tuyến đường trong thành phố. (Hình: VNE) |
Tuyến tàu điện Bến Thành-Suối Tiên dài 19.7 km, đi qua quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Ðức và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Ðể có số tiền này, Việt Nam đã ký 2 hiệp định vay vốn 65.1 tỷ yên từ JICA của Nhật Bản.
Theo VNExpress, “gói thầu” thứ nhất là “17.5 km đường trên cao và 11 nhà ga thuộc tuyến tàu điện Bến Thành-Suối Tiên dự kiến khởi công cuối năm nay với tống vốn hơn 15,000 tỷ đồng”.
“Gói thầu này là hạng mục đầu tiên được triển khai trong số 4 gói thầu xây lắp của dự án tàu điện, sẽ được thi công bởi liên doanh Sumitomo-Cienco 6 trong hơn 4 năm.”
Ngoài ra, dự án còn có gói thầu xây dựng 2.2 km đi ngầm với 3 nhà ga ngầm.
Tin cho biết, sau khi hoàn thành, tuyến tàu điện này sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông ngày một gia tăng tại Sài Gòn.
—————————————————————————————–
Bạc Hy Lai đối mặt án tử hình
Báo New York Times hôm 16/5 dẫn nguồn tin của “quan chức cao cấp” Trung Quốc cho biết, nước này sẽ công bố kết quả điều tra vụ Bạc Hy Lai vào tháng 7 tới.
Nguồn tin cũng cho biết, giới lãnh đạo Trung Quốc nhất trí về việc xử lý vụ này. Trong bài phỏng vấn với báo Spiegel của Đức, chuyên gia Lý Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Viện Brookings (Mỹ) cho rằng, ông Bạc nhiều khả năng bị tuyên tử hình, sau đó sẽ chuyển thành tù chung thân với khá nhiều tội danh, nghiêm trọng nhất là liên quan đến việc sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood.
Trong khi đó, nhiều quan chức có quan hệ mật thiết với ông Bạc cũng bị triệu tập để điều tra và ít nhiều chịu ảnh hưởng từ vụ việc. Báo Financial Times trước đó cho biết, Ủy viên Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang người phụ trách cao nhất của ngành an ninh Trung Quốc đã mất quyền kiểm soát lực lượng an ninh vì đã “tích cực” bênh vực cho ông Bạc.
TS Nguyễn Xuân Diện bị bao vây ở Thư viện Hán-Nôm Hà Nội
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Sáng 18/5 vào lúc 8 giờ 30, một nhóm thương binh côn đồ đã tới Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm bao vây trụ sở này và xông vào hành hung nhân viên trong thư viện với mục đích tìm kiếm TS Nguyễn Xuân Diện.
Xe của nhóm thương binh côn đồ đậu trước cổng Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm – Hà Nội sáng 18/5/2012.
Đánh người vô cớ
Một nhân viên trong thư viện cho chúng tôi biết:
“Khoảng 8 giờ rưỡi hay 9 giờ kém 15, xe chở thương binh tới đỗ ngổn ngang trước cổng Thư viện của Viện Hán Nôm. Thương binh đã xông vào đánh một cô bé đang làm việc trong Viện vì cô này bảo rằng đây là thư viện, không được vào… thế nọ thế kia… Cô ấy chỉ nói thế thôi chứ không có vấn đề gì cả thế là họ bảo cô ấy là láo, xông vào đánh cô ấy.
Lúc ấy em đi xuống nhà có người hỏi là TS Diện ở đâu. Em xuống nhà và thấy có mấy người nữa là thương binh xông thẳng vào, họ chửi ỏm tỏi lên là “phản đảng, phản đảng” Em có cảm giác là không bình thường thì em chạy lên. Lúc ấy thương binh họ xông thẳng lên tầng ba em nghe thấy trên ấy vẫn ầm ĩ tiếng bàn ghế. Em không dám lên vì lúc nãy bọn ấy còn xông vào đánh bọn em mà. Khoảng bảy tám người gì đấy hoặc hơn nữa, em không rõ lắm nhưng toàn là những người trông hùng hổ, sợ lắm, bọn em còn run mà.
Bọn em đã báo công an rồi nhưng không biết công an tới chưa, hình như là có rồi em không biết rõ lắm, em không dám ra vì lúc nãy họ đe tao trông thấy mặt mày thì lần sau tao tới tận nhà chúng mày.”
Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Đăng Quang nguyên đại tá công an đã về hưu hiện là một torng những người quen với TS Nguyễn Xuân Diện, ông Quang cho biết:
“Xin lỗi anh tôi cũng đang ngồi trên xe để đi đến chỗ hiện trường, lúc nào có điều kiện thì mình trao đổi thêm. Tôi với một luật sư đang ngồi trên xe đây.”
Lúc 10 giờ sáng hơn ba mươi người bạn và blogger đã tập trung tại Viện Hán Nôm để theo dõi tình hình và bảo vệ cho sinh mạng của TS Diện. Một người trong nhóm cho chúng tôi biết:
“Tình hình bây giờ vẫn đang căng thẳng trong phòng anh ạ. Họ yêu cầu TS Diện chấm dứt kêu gọi tẩy chay điện hạt nhân, yêu cầu tịch thu máy tính, yêu cầu hãm blog. Họ là thành phần thương binh có sáu người tất cả. Họ là thành phần rất là nhạy cảm cho nên chúng tôi đứng ngoài và quan sát. Hiện tại họ cũng chưa dám có những hành động mạnh họ chỉ tranh luận dữ dội và gào thét ở trong phòng thôi chứ hiện tại họ chưa xâm phạm gì tới thân thể anh Diện cả, vẫn nói chuyện bình thường.”
Cho tới 11 giờ sáng chúng tôi vẫn không liên lạc được với TS Nguyễn Xuân Diện để hỏi thăm ông về những diễn biến bên trong thư viện của Viện Hán Nôm nơi ông làm việc.
TS Nguyễn Xuân Diện trong vài năm gần đây rất nổi tiếng do trang blog của ông luôn theo dõi những diễn biến thời sự, xã hội nóng bức để thông tin đến dư luận. Ông đưa tin những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, các vụ cưỡng chế từ Tiên Lãng tới Văn Giang, Vụ Bản. Hồi gần đây trang blog này đã tập trung chữ ký của nhiều người kiến nghị lên chính phủ yêu cầu chấm dứt dự án nhà máy điện hạt nhân sau khi Nhật Bản lên tiếng trợ giúp VN trong việc xây dựng và triển khai nhà máy, trong khi Tokyo đã bãi bỏ hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân sau sự cố Fukushima.
_________________
Nhà văn Phạm Viết Đào – Tin thêm về vụ tấn công tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại viện Hán Nôm
Sáng nay, khoảng 10 h 20 ngày 18/5/2012, tôi đã có mặt tại Viện Hán nôm để tìm hiểu về vụ tấn công này; Đến cổng viện vẫn còn thấy 3 xe thương binh án ngự. Tôi xin phép vào trong Viện và tìm đến tầng 3 của Viện nơi Ts Nguyễn Xuân Diện làm việc. Khoảng 20 người, những bạn bè của Nguyễn Xuân Diện đã có mặt tại hàng lang…Thấy có mặt cụ bà Lê Hiền Đức, Ls Trần Vũ Hải và nhiều người quen trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc…
Khi đến, được biết lãnh đạo Viện Hán nôm và Trung tâm Khoa học Xã hội nhân văn quốc gia đang làm việc trong phòng với đại diện của một số thương binh và TS Nguyễn Xuân Diện…
Khoảng 11 h 15 cuộc làm việc giữa lãnh đạo Viện và đại diện các vị thương binh kết thúc, các thương binh ra về với vẻ mặt không thấy gì toát ra vẻ thù hằn, căng thẳng…
Thấy cửa mở anh em bạn bè ùa vào; ông Mạnh Viện trưởng Viện Hán nôm; Ông Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Ông chủ tịch Công đoàn Viện đã tiếp và làm việc với các thương binh, không có đại diện của cơ quan công an. Theo ông Mạnh thông báo sơ bộ: Sáng nay một số thương binh đã tự ý xông vào Viện, lên tận phòng TS Nguyễn Xuân Diện để phản đối những bài viết trên blog Nguyễn Xuân Diện trong đó có Thư gửi Thủ tướng Nhật về dự án điện hạt nhân…, những thương binh này đã yêu cầu Ts Nguyễn Xuân Diện gỡ các bài này xuống…Theo ông Mạnh, thay mặt lãnh đạo Viện ông đã yêu cầu lập biên bản ghi lại ý kiến của các bên, sẽ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên xem xét để giải quyết vụ xung đột này… Chứng kiến vụ việc, chủ Blog và một vài người tỏ ra băn khoăn: Không nhẽ các nhà đầu tư Nhật lo sợ các bài viết trên blog của Nguyễn Xuân Diện gây áp lực sẽ làm mất cơ hội làm ăn của họ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, do vậy nên họ đã nhờ mấy vị thương bình này dằn mặt hộ; Hay các vị thương binh này hy vọng: Có dự án điện hạt nhân này họ sẽ có cơ hội kiếm việc làm, nếu hỏng thì ảnh hưởng đến họ và gia đình họ; hay đây chẳng qua chỉ là cái cớ “giết gà dọa khỉ”; chắc vừa qua do việc blog Nguyễn Xuân Diện lên tiếng quyết liệt về vụ Văn Giang nên có thể có thế lực nào đó muốn sử dụng thương binh để gây sức ép với Ts Nguyễn Xuân Diện… Sự việc hạ hồi sẽ tìm hiểu và cập nhật thông tin tiếp; nhất là chờ ý kiến của TS Nguyễn Xuân Diện bộc bạch ý kiến của mình trên blog…
Nguồn: Blog nhà văn Phạm Viết Đào
Video: Thương binh gây rối tại phòng làm việc anh Nguyễn Xuân Diện
Việt Nam: Xoáy trôn ốc bởi các nhóm lợi ích
Trường Sơn
Dù đang rất cần một sự đồng thuận từ lòng dân, nhưng con đường hướng đến một cấp độ cùng vị thế chính trị toàn trị trong tương lai của Nguyễn Tấn Dũng rất có thể sẽ bị phản tác dụng bởi chính các nhóm lợi ích mà ông, vô tình hay hữu ý, đã dung dưỡng.Hậu quả sau hai mươi năm
Hiểu theo nghĩa nào đó, Việt Nam là một quốc gia quá thận trọng trong việc lượng định những vấn đề thuộc về mặt trái xã hội. Thường thì một số xác nhận mơ hồ đã chỉ hình thành sau một thời gian đủ dài cho quá trình kết tụ của hàng loạt hậu quả đặc biệt hữu hình.
“Nhóm lợi ích” là một minh họa điển hình. Vào cuối tháng 7/2011, khi một Chính phủ mới được Quốc hội bầu ra, đã chỉ thấp thoáng khái niệm “lợi ích nhóm”, nhưng không phải được nêu ra bởi các đại biểu dân cử mà đơn giản được khởi phát từ các nhà hoạt động xã hội như Lê Đăng Doanh, Tương Lai – những người có bề dày nghiên cứu về vô số hệ quả phát sinh trong hai mươi năm qua. Kể từ thời mở cửa năm 1991 đến nay, đối với toàn bộ nền kinh tế, tất nhiên việc này cũng gây nên tác động rất cay đắng cho “sân sau” của nền kinh tế đó: thực trạng ngổn ngang và đầy rẫy bất công trong xã hội.
Trong suốt năm 2011, có lẽ nhận định sâu sắc nhất, gián tiếp chĩa mũi dùi vào nhóm lợi ích đã thuộc về nhà kinh tế Lê Đăng Doanh: Từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế – xã hội lại xấu như hiện nay.
Nhưng phản ứng với nhận định trên cùng nhiều phản biện của các trí thức khác, Chính phủ mới vẫn hoàn toàn im lặng. Về phía Quốc hội thì xem ra họ đã làm đúng thiên chức khi “biểu thị tiếng nói đồng thuận của người dân đối với các chính sách đúng đắn của chính phủ”.
Nhưng khác với những năm trước, lần này sự thể đã không còn nằm trong vòng kềm tỏa của những người cầm cương vận mệnh kinh tế dân tộc. Quý 3 năm 2011 đã bất chợt gióng lên tiếng chuông cảnh báo khẩn cấp đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hoạt động này, chỉ mới tính từ năm 2007 đến thời điểm đó, đã quá đủ cho những hậu quả ê chề.
Tại Việt Nam, khối DNNN tuy chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp khoảng 37-38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng.
Chỉ riêng năm 2009, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) đã là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng, thì nợ của khu vực DNNN đến năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP của năm 2009. Hàng năm có tới 12% DNNN có kết quả kinh doanh thua lỗ và mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Nguồn cơn nào đã tích tụ và dẫn đến những hậu quả trên?
Sự thừa nhận quá muộn màng
Nguyên nhân năng lực quản trị yếu kém vẫn thường được nêu ra như một lý do muôn thuở, nhưng dù sao đó chỉ là một trong thiên hình vạn trạng của mà các tập đoàn kinh tế nhà nước biểu hiện. Đầu tư trái ngành, trong đó đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, cộng với khả năng phán đoán sai về các thị trường đầu cơ đã khiến cho một loạt DNNN như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cùng nhiều DNNN khác sa chân vào con đường dẫn tới vực thẳm.
Chính Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã phải thừa nhận tình hình bĩ cực trên, cho dù như một “quy luật”, những hàng rào che chắn vẫn luôn hiện ra trên con đường dẫn ra sự minh bạch. Vào tháng 11/2011, một phiên họp của Quốc hội đã lần đầu tiên đặt vấn đề về “lợi ích nhóm”, và ngay cả Chính phủ mới cũng phải thừa nhận là đang tồn tại những nhóm lợi ích ngay trong lòng nền kinh tế quốc doanh. Cùng lúc, giới truyền thông trong nước cũng bùng lên lời cảnh báo về hiện tượng mới về tên gọi nhưng cũ về bản chất này.
Dù sao, thời điểm cuối năm 2011 cũng đánh dấu sự thừa nhận đầu tiên của chính quyền đối với hiện tồn nhóm lợi ích ở Việt Nam. Tiếp theo đó, một số nhân vật chủ chốt của Bộ Chính trị, trong đó đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và một vài quan chức cấp cao khác của Đảng, cũng đã đề cập đến cụm từ này, tuy mỗi người có một mức độ lưu ý khác nhau.
Song như một căn bệnh mãn tính, người ta vẫn không thể vạch mặt chỉ tên những điều đã hiện hình từ quá lâu nay. Nhóm lợi ích, hay lợi ích nhóm đã chỉ xuất hiện với tư cách là những khái niệm, thậm chí là khái niệm xã hội học và thiên về tính chất nghiên cứu chứ không nhằm phục vụ cho mục tiêu mổ xẻ, phản biện và điều chỉnh tự thân nó. Vẫn lồng trong truyền thống văn hóa “đóng cửa bảo nhau” của người Việt, cho tới nay vẫn không hề xuất hiện bất cứ một nhóm lợi ích cụ thể nào.
Những bài diễn văn và các diễn từ lê thê của các quan chức cấp cao trong Chính phủ, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến một số Bộ trưởng ngành Tài chính, Ngân hàng, Đầu tư… đã chỉ nhắc đến nhóm lợi ích như một trào lưu, một kinh nghiệm tham khảo của các nước tư bản, hay chính xác hơn là một hình ảnh mang tính phủ dụ trước tâm trạng khó có thể kềm chế hơn nữa của người dân.
Nhóm lợi ích bao cấp
“Chưa bao giờ các nhóm lợi ích lại hùng mạnh như bây giờ” – đó chỉ là một đánh giá hoàn toàn riêng lẻ, thậm chí riêng tư mà không được công nhận chính thức về mặt nhà nước, xuất phát từ tiếng nói hiếm hoi của một đại biểu Quốc hội. Phát biểu đó không phải được đưa ra trên các diễn đàn chính thức của cơ quan dân cử này mà chỉ từ một hành lang khuất nẻo nào đó.
Những gì mà các quan chức mới chỉ “cảm thấy” và còn đang “trong quá trình nghiên cứu” thì người dân đã sờ thấy, và hơn thế nữa, người dân cùng xã hội đã trở thành nạn nhân của sự cảm thấy ấy. Đó cũng là một hình ảnh đồng thuận ở mức độ cao trong xã hội Việt Nam đương thời, giữa người dân đóng thuế và các nhóm lợi ích.
Sự đồng thuận tiêu biểu nhất hẳn nhiên liên quan đến cơ chế “bù lỗ vào giá” mà những nhóm lợi ích tiêu biểu nhất, trực diện nhất về ảnh hưởng xã hội đã gây ra. Với hơn ba chục ngàn tỷ đồng của EVN và hơn chục ngàn tỷ đồng của Petrolimex từ hậu quả lỗ lã do đầu tư trái ngành, cùng thế độc quyền và đặc quyền, cũng như thường xuyên được “bảo kê” bởi những cơ quan quản lý nhà nước cấp cao như Bộ Công thương và sự thỏa hiệp của ngay một bộ trưởng ngành tài chính được coi là trong sạch như Vương Đình Huệ, các DNNN này đã âm thầm tiến hành những chiến dịch tăng giá sản phẩm điện và xăng dầu từ tháng 12/2011.
Kết quả của việc tăng giá điện do EVN vào cuối tháng 12/2011 đã thúc đẩy chỉ số lạm phát có cớ để tăng thêm ít nhất 0,36% (chỉ tính theo một ước lượng ở mức tối thiểu của Cục quản lý giá – Bộ Tài chính), trong khi nhiều mặt hàng tiêu dùng và sinh hoạt cũng tận dụng cơ hội trời cho này để tăng vọt đến 20-30%.
Nhưng nếu EVN đã được hưởng đặc quyền tăng giá 5% thì Petrolimex còn làm được gấp đôi như thế: 10% tăng giá xăng dầu vào đầu tháng 3/2012.
Có thể nói, EVN và Petrolimex là hai nhóm lợi ích dễ thấy nhất, hữu hình nhất và có tác động trực tiếp nhất đối với giá sinh hoạt và mặt bằng dân sinh. Tuy nhiên, một điều hoàn toàn khó hiểu nhưng lại không khó để nhận ra là sau khi các Bộ Công thương, Tài chính lặng lẽ thỏa hiệp với những cú tăng giá bất thường này, ngay cả Chính phủ, với vai trò trực tiếp của Thủ tướng, lại không có bất cứ một động tác can thiệp nào nào nhằm “bình ổn giá”.
Nhóm lợi ích thị trường
Bản thân Nguyễn Tấn Dũng cũng là một mâu thuẫn có tính tự thân. Trước Quốc hội vào tháng 8 và tháng 11/2011, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã luôn đưa ra cam kết sẽ kềm chế lạm phát ở mức tối thiểu; và trong năm 2012 sẽ giữ lạm phát chỉ dưới một con số. Sự hứa hẹn này được nêu ra, cùng với nhiều khuyến khích từ các tổ chức quốc tế như ADB, ANZ, Moody’s, IMF… đã như củng cố thêm cho căn bệnh thành tích duy ý chí mà không cần đặc biệt quan tâm đến sự phân tích lượng lý từ thực tiễn nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đã tăng đến 50%, còn hố phân cách thu nhập xã hội ngày càng rộng thêm ra.
Ở một trường hợp khác, người ta lại chứng kiến mối quan hệ khá bất thường giữa Nguyễn Tấn Dũng với Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Là một thành viên trong Chính phủ mới từ tháng 8/2011, ông Bình đã nhanh chóng chuyển từ tư thế một lãnh đạo được kỳ vọng về chuyên môn và sự công tâm sang việc vận dụng chuyên môn vào mục tiêu “bật đèn xanh” cho các nhóm lợi ích khác – vàng và ngân hàng.
Trong suốt nửa cuối năm 2011, thị trường vàng Việt Nam đã không hề được “bình ổn giá”. Thay vào đó là hình ảnh nhộn nhạo bất tuân pháp luật của các nhóm đầu cơ vàng trong hàng loạt chiến dịch nhập khẩu độc quyền, bán vàng giá cao, treo giá vàng trong nước chênh cao so với giá vàng thế giới đến 4-5 triệu đồng/lượng…
Tương tự, nhóm ngân hàng cũng trở nên một ví dụ sống động về đặc quyền do Ngân hàng Nhà nước tạo ra, với lãi suất cho vay treo cao, bất chấp hơn 50.000 doanh nghiệp đã phải giải thể, và hàng tháng vẫn đang có ít nhất hàng ngàn doanh nghiệp khác phải phá sản do không có vốn để đầu tư sản xuất.
Nếu những DNNN đầy tai tiếng như EVN và Petrolimex phải dựa vào thói quen bao cấp và cơ chế chạy chọt để tìm ra lối thoát, thì nhiều ngân hàng lại tồn tại đầy vững vàng với núi lợi nhuận cao ngất trong suốt năm 2011. Đặc biệt từ khi Nguyễn Văn Bình chấp nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng đã vượt lên trên tất cả các nhóm lợi ích khác, trở thành nhóm lợi ích số một, thao túng gần như toàn bộ huyết mạch tài chính và nền kinh tế Việt Nam.
Xoáy trôn ốc thể chế
Giữa lời nói và việc làm của các quan chức điều hành kinh tế Việt Nam đã luôn tồn tại một sự bất nhất đến khó hiểu và khó lường. Sự im lặng gần như tuyệt đối của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước động thái chây ì không chịu hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã khiến người ta có khá nhiều cơ sở để nghi ngờ vào thái độ thiếu khách quan của ông. Trong khi chính ông, trong không ít lần diễn giải trước công luận và dư luận, lại lên tiếng đòi hỏi loại trừ đặc quyền đặc lợi của các nhóm lợi ích.
Quả là chưa bao giờ ở Việt Nam lại diễn ra một khác biệt lớn đến thế giữa phía trước và phía sau tấm màn nhung điều hành thể chế. Trong khi các nhân vật thuộc nhóm lợi ích kinh tế đã hoàn toàn lộ diện tính chất lũng đoạn của chúng trước 99% khán giả trên sân khấu quốc gia, thì sau tấm màn nhung vẫn là động thái “không thấy, không nghe, không biết” của 1% giới quan chức điều hành.
Vẫn biết là Nguyễn Tấn Dũng đang rất cần một sự đồng thuận từ lòng dân, đặc biệt từ sau tháng 8/2011, và bộc lộ đầu tiên của vị thủ tướng này đã diễn ra trước Quốc hội vào tháng 11/2011 về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thừa nhận tính yêu nước của hoạt động biểu tình tại Hà Nội chống sự can thiệp của Trung Quốc vào khu vực biển Đông… Nhưng những biểu hiện nhằm tái hiện hình ảnh “công bộc của dân” mà Nguyễn Tấn Dũng thể hiện vẫn còn là quá ít ỏi, quá nhỏ bé so với những hiện tồn và hậu quả ghê gớm từ hiện trạng các nhóm lợi ích đang mượn danh nghĩa Chính phủ để thao túng gần như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Bởi nếu vẫn chỉ duy ý chí hoặc gián tiếp tạo điều kiện cho sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích, bản thân Nguyễn Tấn Dũng lại đang rơi vào một tình thế khá nguy hiểm: phía trước, bên cạnh và cả phía sau ông vẫn hiện diện những thế lực chính trị và tài phiệt không hoàn toàn đồng thuận với ông. Những thế lực này lại có mối liên hệ với dân chúng ở những chiều cạnh khác, kín đáo và có tác dụng hơn so với quá nhiều phản cảm từ phía hệ thống chính quyền từ trung ương xuống địa phương gây ra đối với nhân dân.
Nói cách khác, con đường hướng đến một cấp độ cùng vị thế chính trị toàn trị trong tương lai của Nguyễn Tấn Dũng rất có thể sẽ bị phản tác dụng bởi chính các nhóm lợi ích mà ông, vô tình hay hữu ý, đã dung dưỡng.