Danh sách những công nghệ sắp biến mất trong tương lai

Với tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay, công nghệ mang lại cho chúng ta ngày một nhiều tiện ích bất ngờ, những trải nghiệm thú vị. Những phát minh hiện đại đang hoặc sẽ dần thay thế những công nghệ “lỗi mốt”. Dưới đây là danh sách 15 công nghệ sẽ biến mất trong tương lai không xa.
1. Internet có dây
Internet không dây sẽ chưa thống lĩnh thị trường trong vòng 8 đến 10 năm tới song nó sẽ nhanh chóng “bức tử” mạng có dây vì chi phí thấp và dịch vụ không giới hạn.
2. Máy ảnh và máy quay phim chuyên dụng
Camera tích hợp trên điện thoại thông minh đang dần giết chết máy ảnh và máy quay phim chuyên dụng sử dụng cho gia đình.
Không giống như máy ảnh, vật dụng chúng ta chỉ mang theo khi cần chụp hình, điện thoại thông minh luôn luôn theo sát chúng ta. Thiết bị công nghệ cao này cung cấp tất cả các ứng dụng và bộ lọc để điều chỉnh hình ảnh theo ý muốn đồng thời cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh, video trực tuyến ngay khi chúng ta ghi được.
3. Điện thoại cố định
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh năm 2010, chỉ 26% các  hộ gia đình Mỹ sử dụng điện thoại không dây. Nhưng đến năm 2017, các chuyên gia dự đoán chỉ còn lại một số ít người già sẽ tiếp tục sử dụng điện thoại cố định. Hầu hết mọi người sẽ thích điện thoại cầm tay vì những lợi ích và thuận tiện mà thiết bị di động này mang lại vô cùng đa dạng.
4.  Chờ máy tính khởi động
Chờ đợi máy tính khởi động là một trong những nỗi thất vọng công nghệ lớn nhất trong kỷ nguyên máy tính. Nhưng thất vọng này sẽ nhanh chóng biến mất vì giờ đây với Windows 8, hệ điều hành cực nhanh, cho phép khởi động máy tính trong vòng 1-2 giây.
5. Cửa sổ điều hành
Mặc dù hệ điều hành của Microsoft vẫn tồn tại nhưng chúng ta sẽ sớm nói lời tạm biệt với hệ thống cửa sổ nơi các ứng dụng được hiển thị ở hộp kéo xuống cùng với thanh tiêu đề và ứng dụng vì hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới đã có kế hoạch thay thế cửa sổ bằng giao diện người dùng Metro được mặc định cho Windows 8.

 Internet có dây sẽ nhanh chóng biến mất (Ảnh: Livescience)

6. Ổ đĩa cứng
Ổ đĩa trạng thái rắn SSD cuối cùng cũng cho phép chúng ta vĩnh biệt cách thức lưu trữ dữ liệu trên đĩa từ. Do không có phần chuyển động nên đĩa SSD nhanh và bền hơn rất nhiều đĩa từ. Hiện giá của SSD vẫn cao hơn đĩa từ song trong tương lai máy tính không thể thiếu ổ đĩa SSD.
7. Rạp chiếu phim
Nhiều chuyên gia dự đoán rạp chiếu phim sẽ bị “khai tử” khi tivi ra đời và giữ vị  trí cai trị trong thế giới truyền thông. Đến thời điểm này, dự đoán đang trở thành hiện thực khi tivi HD màn hình lớn xuất hiện ngày càng nhiều trong các hộ gia đình và giá của tivi 3D ngày càng hợp lý hơn.
Ngoài ra, các nhà phát hành phim cũng phát các bộ phim theo yêu cầu của khách hàng cùng thời điểm bộ phim được chiếu tại rạp.
Với công nghệ phục vụ tận nhà như hiện nay, chúng ta sẽ không phải tốn một khoản tiên kha khá để mua vé cho cả gia đình đến rạp chiếu bóng thưởng thức một bộ phim yêu thích.
8. Chuột máy tính
Chuột máy tính có thể không biến mất trong vòng 5 năm nữa nhưng sẽ trở thành lựa chọn thứ hai bởi các nhà sản xuất máy tính đang có xu hướng tung ra thị trường dòng sản phẩm cảm ứng hay điều khiển bằng cử chỉ.
9. Kính 3D
Kể từ khi những bộ phim 3D đầu tiên được công chiếu vào những năm 1950, người xem buộc phải đeo kính chuyên dụng 3D mới có thể trải nghiệm hiệu ứng nổi.
Năm 2011, Toshiba đã tung ra thị trường máy tính xách tay F755. Máy tính mini  này sử dụng webcam để theo dõi chuyển động của mắt và phục vụ hình ảnh 3D vô cùng sống động.
Năm ngoái, hai nhà sản xuất điện thoại HTC và LG cũng cho ra mắt 2 thiết bị tích hợp màn hình 3D cho phép người dùng xem phim 3D mà không cần kính.
Với tốc độ này, kính 3D sẽ nhanh chóng trở thành dĩ vãng.
10. Điều khiển từ xa
Điện thoại thông minh sẽ giúp chúng ta chuyển kênh tivi mà không cần tới điều khiển từ xa và người dùng thậm chí có thay đổi chương trình bằng giọng nói hay cử chỉ. Điều khiển từ xa đo đó không còn lý do để tồn tại.
11. Máy tính để bàn
Trong kỷ nguyên công nghệ phát triển từng giờ như  hiện nay, các nhà sản xuất máy tính sẽ không tiếp tục sản xuất máy tính để bàn. Thay vào đó là máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại thông minh…
12. Số điện thoại
Với sự ra đời của dịch vụ chat Voice như Skype, Google Talk và Facebook audio…bạn có thể tha hồ nói chuyện với bạn bè, người thân khắp nơi trên thế giới chỉ cần đăng kí tài khoản người dùng. Thế hệ trẻ khi gặp nhau sẽ hỏi ID thay vì hỏi số phone.
13. Chương trình truyền hình phát vào khung giờ cố định
Trước kia mọi người thường phải ngồi quanh tivi vào giờ nhất định để xem chương trình mà họ yêu thích. Giờ đây, tivi internet cung cấp tất cả các chương trình truyền hình miễn phí mà người dùng có thể xem bất cứ khi nào, ở đâu. Chúng ta thậm chí cũng không cần phải ghi lại các chương trình truyền hình vì chúng luôn sẵn có trên mạng.
14. Máy fax
Trong thời đại thư điện tử, nhiều công ty sẽ chấp nhận chữ ký điện tử thay vì chữ ký được gửi qua máy fax. Đây là lý do khiến thiết bị này có thể không tồn tại thêm bao lâu nữa.
15. Đĩa quang học
Với sự tăng trưởng của  các dịch vụ tải video từ mạng, đĩa quang học không phải là lựa chọn để người dùng ghi dữ liệu và các nội dung giải trí. Đĩa quang học do đó sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường.

Song Hà (Theo Livescience)

Phóng sự điều tra : Kinh hoàng chợ tình nghĩa trang

Mỗi đêm, nghĩa trang Bình Hưng Hòa trở thành nơi hành nghề của nhiều cô gái bán hoa. Kẻ mua dâm và gái bán dâm hiên ngang trao đổi ‘hàng hóa’ trước bia mộ của vô số người đã khuất.

Kì 1: Xâm nhập chợ tình nghĩa địa

Em út lượn lờ

Một lần đến viết bài tại một khu công nghiệp ở quận Bình Tân (TP HCM), chúng tôi nghe công nhân bàn tán khá sôi nổi về việc buôn bán mại ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Chúng tôi tỏ ra không tin, một nam công nhân khiêu khích: “Không tin thì anh cứ đến rồi biết. Các em ở đó không đẹp nhưng có nhiều cái lạ lắm”.

Lời nói này khiến chúng tôi tò mò và quyết định lên kế hoạch viết loạt phóng sự này.

Một cô gái bán hoa nấp phía sau cổng nghĩa trang chờ khách

Quả thực, từ trước đến nay, chúng tôi chỉ mới nghe đến chợ tình ở những công viên, gầm cầu… chứ chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra chợ tình ở nghĩa trang sẽ như thế nào.

Nghĩa trang là nơi chôn cất những người đã chết. Trong suy nghĩ của người Việt, đây là nơi bất khả xâm phạm, đặc biệt là về đêm. Nhiều người không bao giờ dám bước vào các khu nghĩa địa vào buổi tối vì cảm giác sợ hãi. Vậy mà giữa Sài thành đô hội lại có một chợ tình ở ngay nơi giành cho người chết.

Vào một buổi tối tháng 5, chúng tôi chạy xe lượn lờ ở những con đường gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Quả thực, công nhân khu công nghiệp đã “quảng cáo” không sai. Trước mắt chúng tôi là một “chợ” tình thực sự. Theo quan sát của chúng tôi, có hơn chục cô gái đứng ở trên đường Bình Long và năm, sáu cô đứng lang thang trên đường Tân Kỳ Tân Qúy, đoạn qua nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Một dấu hiệu dễ dàng nhận biết, gái bán hoa ở địa điểm này là những cô gái ăn mặc khá mát mẻ, thông thường là một chiếc quần ngắn không thể ngắn hơn. Khuôn mặt đánh phấn, đi ngang có mùi nước hoa rẻ tiền. Đặc biệt nhất là trên tay các cô đều cầm mũ bảo hiểm. Mỗi khi có người đàn ông nào đi qua, các cô gái này lại cất lên lời lả lơi, mời gọi.

Nhiều gái bán hoa lượn lờ chờ khách ở đường Bình Long

Hơn một tuần “ăn nằm” ở chợ tình nghĩa trang này, chúng tôi nhận thấy, cứ chiều tối, chừng 6 giờ, các “nàng” lại bắt đầu đổ ra đường. Đây là thời điểm tan tầm, mọi người đi làm về nhiều và bóng tối cũng đã bắt đầu buông xuống. Tuy nhiên thời điểm này, các cô gái chưa bắt khách mà chỉ mới “trưng hàng”, ý chừng “bật đèn xanh” cho những kẻ muốn “đổi gió” quay lại vào khi trời tối hẳn.

Trên đoạn đường Bình Long chạy qua nghĩa trang Bình Hưng Hòa, đèn điện lờ mờ, các “nàng” thường đứng ra ngay giữa đường mời khách một cách công khai. Trong khi đó, ở trên đường Tân Kỳ Tân Quý, gái bán hoa thường nép phía sau những cánh cổng đi vào nghĩa trang.

Giá rẻ bất ngờ

Đứng quan sát hồi lâu, chúng tôi giả vờ là khách hàng lượn xe đến khu vực có nhiều gái bán hoa trên đường Bình Long. Xe chúng tôi chỉ mới chạy chậm lại, một cô gái mặc chiếc quần ngắn cũn với chiếc áo hở hang níu xe lại chào mời: “Đi đâu xa hả anh? Em đứng chờ anh mãi”. Thấy chúng tôi vẫn im lặng, cô gái lả lơi tiếp: “Đi đi anh, em lấy giá rẻ cho”.

 

Nghĩa trang chính là nơi “hành sự” của các cô gái bán dâm và khách

Đến lúc này, chúng tôi hỏi “Giá bao nhiêu hả em?”. Cô gái trườn người tới trước cổ xe trả lời “Mỗi cuốc một xị. Qua đêm ba xị” (mỗi xị = 100 ngàn đồng). Chúng tôi giả vờ chê đắt, cô đưa ngón tay di di vào mu bàn tay tôi: “Đắt gì hả anh. Anh đi mấy nơi khác xem, đắt hơn em cả mấy lần đó”.

Lấy lý do đắt quá, chúng tôi cáo từ và dong xe chạy tiếp. Bị từ chối, cô gái thay đổi ngay thái độ, chửi với theo: “Đ.M giỡn mặt với bà hả con?”.

Khoảng chừng nửa tiếng sau, chúng tôi lái xe trở lại nghĩa trang, nhưng lần này là đến đường Tân Kỳ Tân Quý. Tấp xe gần một chiếc cổng đi vào nghĩa trang, phía sau chiếc cột xi măng, hai cô gái ăn mặc mát mẻ chạy ra bảo chúng tôi: “Đi anh nhé. Hai đứa em, anh lựa ai cũng được”.

Tôi hỏi giá, một cô gái bảo y chang giá cô gái tôi hỏi khi nãy. Tôi lại chê đắt, cô gái này tiếp lời: “Thấy anh là người mới, em giảm giá cho năm mươi phần trăm”. Thấy tôi vẫn ngại ngùng, cô gái bên cạnh bảo “Thôi. Em nói thế này nhé! Giảm giá cho anh một cuốc ba chục (30 ngàn đồng) vào ngay bên trong nghĩa trang”.

Không thể tin giá của những cô gái ở đây lại “bèo” tới mức đó, tôi bày tỏ lo sợ về việc “hành sự” ngay trong nghĩa trang. Một cô bảo: “Sợ gì hả anh. Em làm ở đây đã hơn một năm rồi, lúc nào cũng tiếp khách trong này, có vấn đề gì đâu”.

Lấy lí do bận việc, tôi xin cáo lui và hẹn vào dịp khác. Không như cô gái ở đường Bình Long ban nãy, một cô bảo: “Không có gì đâu anh. Anh đi nhé, lúc nào cần thì cứ đến đây tìm em. Em lúc nào cũng phục vụ anh tận tình”.

Tôi dong xe trở về phòng trọ mà trong lòng miên man suy nghĩ, lẽ nào giá để mua nhân cách một con người lại rẻ mạt đến như vậy? Câu hỏi đó cứ quẩn quanh trong tâm trí khiến tôi không thể chợp mắt nổi.

Theo những người làm nghề xe ôm ở khu vực này cho biết, mỗi đêm có hàng chục người đến nghĩa trang để mua dâm. Điều đáng sợ là, khi mua dẫm, ai cũng biết những cô gái bán hoa ở đây trên người rất nhiều nốt ghẻ ngứa, lở loét. Nhưng vì một phút ham vui, khách mua dâm tặc lưỡi cho qua mọi chuyện.

Thậm chí, có cô gái mang trong mình virus HIV đã đến giai đoạn chuẩn bị “lên nóc tủ” cho biết, khi đề nghị khách mua dâm dùng bao cao su cho an toàn, khách còn nguây nguẩy lắc đầu.

Chuyện đáng sợ này thực hư thế nào, mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo.

Kì 2: Những cô nàng hết date
@ GiaoducVN

Khoảng 50 nghìn doanh nghiệp có thể “chết” trong năm 2012

Nguyên Thảo (VNEconomy) 

Dự báo không mấy lạc quan về hoạt động của doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục được đưa ra.

Tại phiên họp sáng 14/5 của Ủy ban Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã công bố số liệu mới nhất về tình hình doanh nghiệp tại báo cáo chính thức của Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ ba được khai mạc vào ngày 21/5 tới đây.

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có khoảng 24 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 130 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng và 14,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2011. 
 Cũng trong 4 tháng, có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trung bình một tháng sẽ có từ 4 đến 4,5 nghìn doanh nghiệp giải thể.
Như vậy, tính đến 30/4, trong tổng số hơn 647,6 nghìn doanh nghiệp đã thành lập, cả nước còn khoảng 463,8 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 71,6%, có trên 81,9 nghìn doanh nghiệp đã giải thể, trên 16 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và trên 85,8 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký.
Với riêng con số doanh nghiệp giải thể ở 4 tháng đầu năm nay, Chính phủ phân tích rằng, có nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh cần phải được cơ cấu lại. 
Còn gần 30% doanh nghiệp đã “chết”, báo cáo của Chính phủ cho rằng đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được. Con số so sánh được đưa ra là tại Anh, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 – 5 năm là 70%, còn tại Mỹ tỷ lệ này sau 5 năm hoạt động là dưới 50%.
Bên cạnh các doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại, việc bổ sung một lực lượng mới doanh nghiệp đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới được nhìn nhận sẽ là nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Sức khỏe của các doanh nghiệp cũng là vấn đề được đề cập ở hầu hết các phát biểu tại phiên họp, đi kèm với băn khoăn về mức độ chính xác của các con số tại báo cáo.
Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định con số 183 nghìn doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động từ trước đến nay là kết quả điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Riêng 2011 là hơn 53 nghìn và 4 tháng đầu năm nay là 17,7 nghìn, hai con số này cộng lại chiếm hơn 40% tổng số  doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động từ trước đến nay, điều đó nói lên mức độ khó khăn của doanh nghiệp, ông nhấn mạnh.
“Nếu cứ đà này trung bình một tháng sẽ có từ 4 đến 4,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, thì chắc chắn năm nay con số sẽ xấp xỉ năm ngoái, dự báo khoảng 50 nghìn doanh nghiệp sẽ giải thể, ngừng hoạt động”, ông Sinh ước tính.

Thư ngỏ gửi anh Đặng Hùng Võ

Tác giả  : Vũ ngọc Tiến

Thưa anh,

Lâu nay trong mắt tôi, anh là người trí thức có tâm, có tài và là một quan chức xông xáo, hiểu nghề, biết việc vào bậc nhất ở Bộ Tài Nguyên & Môi trường. Ngay sau sự kiện 24/4/2012, anh đăng đàn trả lời phỏng vấn, khẳng định việc cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang là đúng luật làm tôi sững sờ. Thế rồi gần đây công luận xôn xao rằng bản tường trình 5 trang về việc giao đất cho dự án Ecopark của Bộ Tài nguyên & Môi trường trình lên Chính phủ do chính tay anh ký khiến tôi thất vọng. Mà thôi, 2 việc đó đã có luật sư Trần Vũ Hải gửi thư công khai chất vấn và công luận đang chờ anh hồi đáp. Tôi viết thư này trao đổi với anh về một việc khác.

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 14/5/2012 đưa tin “Người dân Văn Giang khởi kiện Chủ tịch huyện.” (Bài đã bị rút xuống trưa nay). Theo tường thuật của các phóng viên Hoàng Hiệp & Minh Quang thì UBND xã Xuân Quan từ gần 20 năm qua đã giấu đi một diện tích đất canh tác là 158 mẫu, 8 sào, 9 miếng đất (tương đương 57 ha) để cho thuê lấy tiền làm quỹ đen, nhưng được sự bao che, dung túng của huyện, bất chấp khiếu kiện của nông dân, kết luận của Thanh tra tỉnh. Khi thu hồi đất giao cho dự án Ecopark, tiền đền bù cho diện tích đất này đã bị ỉm đi chia chác là sự thật ở Xuân Quan. Theo hiểu biết của tôi, hiện tượng trên ở xã Xuân Quan là phổ biến, diễn ra nhiều năm ở các xã thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thế nên tôi rất bất ngờ khi báo Tuổi Trẻ trích lời của GS Đặng Hùng Võ: “Đây là trường hợp đầu tiên mà tôi biết chuyện để diện tích đất nông nghiệp làm đất công ích vượt quá 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Luật đất đai năm 1993 và 2003 đều quy định địa phương không thể để vượt quá 5% diện tích đất nông nghiệp toàn xã làm đất công ích, làm nguồn thu cho ngân sách xã”. Anh Võ nói không sai, nhưng tôi thất vọng ở chỗ đây là lần đầu tiên anh biết, chứng tỏ anh cũng như nhiều vị quan chức khác xa dân, xa rời thực tế đất đai ở nông thôn. Nhiều năm cộng tác với đài VTV đi làm phim tài liệu ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh… tôi đều được nghe dân kể về hiện tượng giấu diện tích đất nông nghiệp phát canh thu tô làm quỹ đen của chính quyền xã. Nguyên nhân là  vào thời HTX cấp cao, theo sáng kiến của nhà bác học Lương Định Của nên khắp nơi trong đồng bằng Bắc Bộ có phong trào làm bờ vùng bờ thửa, chiếm một diện tích đất nội đồng khá lớn. Khi giải thể HTX, chia ruộng cho nông dân người ta xén nhỏ các bờ vùng bờ thửa dẫn đến diện tích canh tác dôi dư so với sổ sách cũ. Vì thế, ở rất nhiều địa phương, ngoài 5% diện tích đưa vào đất công ích theo Luật đất đai năm 1993 và 2003 thì diện tích dôi dư vừa nêu kia người ta cũng giấu nhẹm làm quỹ đen cho xã, có nơi chiếm trên 10% tổng diện tích. Gần đây nhất, trước khi bắt tay viết loạt bài về tam nông trên báo Văn Nghệ Trẻ (2008), tôi đã về Bắc Ninh khảo sát hai xã Phù Chẩn và Đình Tổ, cũng phát hiện thấy hiện tượng giấu đất làm quỹ đen. Xin trích 1 đoạn trong bài viết về tam nông ở Đình Tổ: “Hiện trong thôn có hơn 10 nhà nuôi bò sữa, tổng cộng 40 con, số con vắt được sữa đạt sản lượng trên 200 lít/ngày. Với sản lượng này họ không đủ thành lập bồn chứa vì sữa không đủ ngập cánh khuấy nên mỗi lít sản phẩm bị mất đi 400 đồng cho người thu gom và chủ bồn ở Dốc Lời cách đó 10 Km. Tôi hỏi: “Nuôi bò sữa lãi thế sao đàn bò không phát triển lên 120 con để lập bồn chứa?” Ông đáp: “Bò sữa mỗi con cần 80 kg cỏ/ngày và cứ 1 lít sữa cần cho bò ăn thêm 3 lạng thức ăn công nghiệp. Cái khó ở đây là 1,5 sào trồng cỏ mới đủ nuôi 1 con bò sữa. Muốn tăng trưởng đàn bò thì phải dồn điền đổi thửa cho các hộ nuôi bò tập trung lại thành đồng cỏ lớn.” Tôi lại hỏi: “Đảng và Nhà nước từ lâu đã có chủ trương dồn điền đổi thửa phù hợp với quy luật sản xuất hàng hóa cơ mà?” Ông cười nheo mắt nói hóm: “Ở đất này thì còn lâu, bác nhà văn ạ! Người ta sợ nếu dồn điền đổi thửa phải đo lại ruộng sẽ lòi ra vài chục thậm chí hàng trăm mẫu làm quỹ riêng cho các quan, vượt quá quy định 5%, dễ chừng đạt cỡ 20% chứ bỡn. Tế nhị lắm!”

Thưa anh Đặng Hùng Võ!

Nhân báo Tuổi Trẻ vừa đưa tin “Nhân dân Văn Giang khởi kiện Chủ tịch huyện” có trích dẫn lời bàn của anh, tôi mạo muội viết thư bàn kỹ với anh về hiện tượng giấu diện tích đất làm quỹ đen không chỉ ở Xuân Quan mà phổ biến ở rất nhiều nơi. Điều này không thể xem nhẹ vì hệ lụy của nó vô cùng đau xót. Thứ nhất, khi còn tại chức anh đã nhiều lần cổ động chủ trương dồn điền, đổi thửa ở nông thôn, xem đó như là một bước đi quan trọng của chính sách tam nông, nhưng các địa phương vẫn chây lì, ì ạch bởi nếu làm sẽ lộ ra diện tích bấy lâu giấu nhẹm làm quỹ đen. Thứ hai, hễ nơi đâu có lệnh cưỡng chế thu hồi đất thì các quan từ thôn, xã đến huyện đều hung hăng thực hiện bằng mọi thủ đoạn nhẫn tâm, độc ác với nông dân bởi ngoài khoản tiền lót tay hỗ trợ thu hồi đất của chủ đầu tư, còn một khoản lớn từ tiền đền bù hàng chục ha lâu nay họ giấu làm quỹ đen nay có cơ hội để chia chác. Thảm cảnh diễn ra ở Phù Chẩn năm 2008, ở Văn Giang- Hưng Yên, Vụ Bản- Nam Định vừa rồi chẳng đã là minh chứng cụ thể, phải không anh Võ?…

Muốn chống tham nhũng đất đai phải sửa Hiến pháp và Luật đất đai, nhưng trước mắt cần kiến nghị lên Quốc Hội và Bộ Tài nguyên môi trường tiến hành tổng kiểm tra quỹ đất công ích ở các địa phương. Nếu việc nhỏ và dễ làm ấy cũng không thực hiện nổi thì an dân sao được, thưa anh!…

Hà Nội 14/5/2012

******************************************************************

Người dân Văn Giang kiện chủ tịch huyện

Bài này trên báo Tuổi Trẻ ngày 14-5-12 đã bị rút xuống

Một số người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) gồm các ông Đàm Văn Đồng, Đàm Như Hải, bà Nguyễn Thị Thậm đã nộp đơn đến TAND huyện Văn Giang khởi kiện chủ tịch UBND huyện vì đã không thực hiện theo yêu cầu của thanh tra tỉnh liên quan đến 57ha đất xã Xuân Quan cho thuê.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Tĩnh, chánh án TAND huyện Văn Giang, cho biết cơ quan này đã nhận được đơn khởi kiện của người dân. Tuy nhiên qua xem xét đơn khởi kiện, TAND huyện Văn Giang đang yêu cầu người dân bổ sung tài liệu chứng minh các nội dung khởi kiện mà người dân đưa ra. Hiện TAND huyện mới nhận đơn, chưa thụ lý đối với đơn khởi kiện hành chính này.

Theo đơn khởi kiện, UBND xã Xuân Quan cố ý làm sai, giấu diện tích đất và để tỉ lệ đất công ích trái quy định. Trong đó một phần diện tích đất xây dựng dự án Ecopark là đất công ích của xã Xuân Quan. Người dân cho biết 158 mẫu 8 sào 9 miếng đất (tương đương hơn 57ha, hiện đã thu hồi 20ha để làm đất dịch vụ) nằm toàn bộ ngoài đê do xã quản lý chứ không được chia cho các hộ dân. Ông Lê Thạch Bàn, xã Xuân Quan, cho biết: “Diện tích đất ấy chúng tôi phải thuê lại của xã để trồng hoa màu, nuôi cá và chăn nuôi”.

Viện dẫn bằng chứng về số đất bị giấu này, ông Lê Thạch Bàn chìa ra báo cáo kết quả làm việc của thanh tra tỉnh Hải Hưng (bao gồm Hưng Yên và Hải Dương ngày nay) ban hành ngày 4-9-1995 sau khi thanh tra đất đai theo kiến nghị của các hộ dân xã Xuân Quan. Theo đó, trong phần kiến nghị nêu rõ: yêu cầu UBND xã thu hồi 158 mẫu 8 sào 9 miếng gồm đất do HTX nông nghiệp quản lý, đất ao hồ đầm, đất sản xuất gạch và đất chuyển sang ao cá chưa được phép của UBND huyện.

Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, cả địa phương và huyện đều không thu hồi diện tích đất này mà vẫn tiếp tục cho bà con nông dân thuê và đấu thầu để trồng cấy.

Cụ Lê Văn Chi, 84 tuổi, nguyên đại biểu HĐND xã Xuân Quan nhiệm kỳ 1989-1994, cho biết: “Lúc đầu không ai biết tổng diện tích đất nông nghiệp là bao nhiêu, nên khi xã thực hiện nghị quyết của thường vụ tỉnh ủy Hải Hưng trong việc giao đất nông nghiệp, bà con không ai thắc mắc gì. Sau đó, thấy diện tích đất xã cho thuê quá nhiều nên một vài người làm đơn kiến nghị. Năm 1995, thanh tra tỉnh Hải Hưng đã về Xuân Quan làm việc và có báo cáo kết quả thanh tra. Nhưng thay vì chia ruộng đất lại cho dân thì lãnh đạo xã lại giấu bản thông báo ấy đi”.

Đến năm 1999, người dân thôn 1 mới được tiếp cận bản thông báo của thanh tra. Từ đó đến nay, nhiều lần bà con nông dân trong xã lên huyện, lên tỉnh, lên cả trung ương để kiến nghị.

Sau đó, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã giao UBND huyện Văn Giang lập đoàn thanh tra liên ngành (có sự đại diện của công dân xã Xuân Quan) để kiểm tra hồ sơ đất đai và hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của xã Xuân Quan, báo cáo kết quả trước ngày 31-12-2008, nhưng đến nay chưa có một đoàn thanh tra nào được lập. Vì vậy 57ha “đất giấu” vẫn chìm trong im lặng.

Khẳng định đây là việc làm “trái quy định và luật pháp”, ông Bàn nói: “Cả Luật đất đai năm 1993 lẫn Luật đất đai năm 2003 đều khẳng định căn cứ vào quỹ đất và đặc điểm nhu cầu của địa phương mà mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cấy hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản… để phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương”.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quý Đôn – phó chủ tịch UBND xã Xuân Quan – phủ nhận việc xã giấu 57ha đất để dư ngoài sổ sách.

HOÀNG ĐIỆP – MINH QUANG

@ Viet-Studies