Cập nhật tin 14-5-2012

Việt Nam đóng tàu lớn cho cảnh sát biển

Việt Nam đang gia tăng việc bảo vệ chủ quyền trên biển bằng cách sắp bàn giao cho lực lượng cảnh sát biển một chiếc tàu lớn nhất từ trước đến nay.

Chiếc tàu cho cảnh sát biển đang được đóng tại nhà máy Z189. (Hình: VNExpress)

VNExpress cho hay, một chiếc tàu ‘hiện đại, lớn nhất của lực lượng cảnh sát biển đang được hoàn thiện tại nhà máy Z189, thuộc Bộ Quốc Phòng. Dự kiến cuối năm nay, tàu sẽ hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam”.

Theo bản tin, “Ðây là loại tàu tìm kiếm cứu nạn đa năng, với đội thuyền viên 70 người. Con tàu có lượng giãn nước 2,200 tấn, hoạt động trong mọi điều kiện sóng gió với thời gian 60 ngày đêm liên tục. Tốc độ tối đa 21 hải lý mỗi giờ.”

“Dự kiến, sau khi hạ thủy vào tháng 7 tới, đến cuối năm, tàu sẽ được bàn giao. Tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu, phía sau có sân đỗ trực thăng. Loại máy bay được chọn để đi cùng con tàu là Casa-212 – máy bay tuần thám chuyên dụng hiện đại.”

Vẫn theo bản tin, con tàu sẽ mang tên tàu Cảnh Sát Biển 8001.

Lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam được thành lập năm 1998. Tuy mang tên là ‘Cảnh Sát Biển’ nhưng ban đầu lực lượng này nằm dưới quyền điều hành của Bộ Tư Lệnh Quân Chủng Hải Quân. Và kể từ năm 2008, nó do Bộ Quốc Phòng trực tiếp quản lý và điều hành.

Hồi tháng 11 năm ngoái, một đoạn video clip dài 3 phút 44 giây ghi lại cảnh một con tàu của Việt Nam đuổi và đâm tàu hải giám của Trung Quốc được tung lên trang youtube. Sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, Ðại Tá Phạm Thanh Hóa, chính ủy Hải Quân Vùng 4, Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam, đã xác nhận “chiếc tàu này là của cảnh sát biển Việt Nam”.

——————————————————————————————–

Thú chơi ngông “đế vương” của đại gia Việt

Với họ, không có khái niệm “bão giá”. Dù ở thời nào đi nữa, họ vẫn không quên mình là đại gia và vẫn mạnh tay cho những thú chơi mà có lẽ trước đây chỉ dành cho các bậc đế vương.

Nuôi… thú dữ

Nuôi chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc… giờ đây đã không còn thể hiện được đẳng cấp nữa. Đại gia bây giờ là phải nuôi trăn khổng lồ, rắn cực độc, gấu, hổ, cá sấu…Tóm lại là “thứ dữ phải đi liền với thú dữ”

Thú chơi ngông "đế vương" của đại gia Việt
Mốt nuôi thú dữ

Mốt nuôi thú dữ bắt đầu được giới nhà giàu ưa chuộng từ khoảng 3 – 4 năm trở lại đây. Các đại gia đua nhau săn lùng những con thú lạ, thú độc, càng đứng đầu danh sách đỏ càng tốt. Trong nước không có thì đánh mối bên Lào, Campuchia, Ấn Độ… làm sao càng dữ, càng “độc” thì mới thể hiện được đẳng cấp. Thường thường thì “chơi” đà điểu, heo rừng, hươu, sóc, khỉ… Còn thời thượng, tay chơi hơn thì trong bộ sưu tập phải có gấu, có hổ, báo, hay sư tử, tê giác, trăn, rắn độc… trong vườn nhà.

Thú chơi của nhiều đại gia bây giờ là ra vùng ngoại ô, cất biệt thự vườn, mở một trang trại mini, và săn, tậu cho kỳ được những con quái thú càng lạ, càng độc chiêu càng tốt. Với danh sách những “vật nuôi” kể trên, con số trăm triệu đồng phải bỏ ra là điều không khó tưởng tượng, đấy là chưa kể các khoản chuồng trại, thức ăn và một đội ngũ chăm sóc, trông nom, dạy dỗ “thú cưng”… đi kèm.

Câu nói của vị đại gia kinh doanh bất động sản cất biệt thự vườn ở Quận 12 (TP.HCM) tuyên bố trên báo chí cách đây ít lâu hẳn vẫn khiến nhiều người phải “choáng váng”: “Nuôi cá kiểng đâu có gì độc đáo. Tao xây hồ nuôi luôn chục con cá… sấu làm kiểng, mới oai! Chiều chiều ngồi nhìn đàn cá sấu đớp mồi để… thư giãn đầu óc”.

—————————————————————————————

Bỏ quốc tịch Mỹ, nhà đồng sáng lập Facebook bớt được thuế

Eduardo Saverin, một trong bốn người đồng sáng lập trang mạng xã hội Facebook, vừa từ bỏ quốc tịch Mỹ, theo tin của MSNBC.

Eduardo Saverin. Người đồng sáng lập Facebook tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ, và nhờ vậy sẽ bớt được bạc triệu tiền thuế

sau khi Facebook lần đầu tiên bán cổ phiếu trên sàn giao dịch.

(Hình: Jason Kempin/Getty Images for Common Sense Media)

Quyết định này có thể làm nhẹ bớt tiền thuế của ông, sau khi cổ phiếu của Facebook được đưa ra IPO, tức bán cho công chúng lần đầu tiên. Giá trị của mạng xã hội này, theo Bloomberg, có thể lên đến $96 tỉ.

Wall Street Journal nói rằng, Facebook hy vọng gầy thêm được $11.8 tỉ qua việc bán IPO, mà cổ phần của Saverin có khoảng 2%.

Saverin vốn là cư dân của Singapore, ra đời ở Brazil, từng giúp Mark Zuckerberg thành lập Facebook lúc còn học ở Harvard University. Ông bị đẩy ra khỏi công ty từ thuở sơ khai, với số phần hùn trong công ty của mình bị giảm đi từ 34% xuống dưới 10%. Sau khi bán bớt cổ phần, số còn lại của ông lại ít hơn nữa. Tuy vậy ông thu lợi được đáng kể nhờ bán IPO.

Hồ sơ do sở thuế IRS công bố hôm 30 tháng 4 cho thấy tên ông nằm trong danh sách những người xin từ bỏ quốc tịch.

—————————————————————————————————————————
200 nhà tranh đấu chiếm đóng khu trung tâm Moscow

Khoảng 200 nhà tranh đấu đã chiếm đóng khu thương mại ở trung tâm Moscow để phản đối việc Vladimir Putin lên làm tổng thống và tình trạng các nhà lãnh đạo đối lập bị giam cầm.

Người biểu tình ở Nga đàn và hát tại trại biểu tình ngay trung tâm Moscow, phản đối Tổng Thống Vladimir Putin, hôm Thứ Sáu. (Hình: Andrey Smirnov/AFP/GettyImages)

Giới tranh đấu hôm Thứ Sáu phân phát các băng trắng, biểu tượng của cuộc phản kháng, và kéo về khu thương mại nằm trên đại lộ chính của Moscow.

Các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố từng diễn ra hôm Chủ Nhật tuần qua, một ngày trước khi ông Putin tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Hơn 400 người bị bắt giữ sau khi cảnh sát đàn áp cuộc biểu tình, đưa đến các cuộc đụng độ trên đường phố.

Phía tranh đấu cũng liên tục mở ra các vụ tụ tập bất ngờ khắp nơi trong thủ đô Moscow từ hôm Thứ Hai, kéo dài cho tới đêm, để bày tỏ sự phản đối. Có thêm hai nhà lãnh đạo nổi tiếng phía đối lập bị bắt hôm Thứ Tư vì không tuân lệnh giải tán của cảnh sát.

Các hành động phản kháng này được coi như cũng giống phong trào Chiếm Ðóng Wall Street ở Mỹ.

Chuyện ‘ông Nghị’ với vốn liếng ‘vài câu tiếng Anh’

Năm 21 tuổi mới vượt biên tới Mỹ, không có cha mẹ đi cùng, trên lưng vốn liếng chỉ có vài câu tiếng Anh bập bẹ học trên đảo. Rồi 26 năm sau, trở thành nghị viên một thành phố trong đó hầu hết cử tri da trắng, lần đầu tiên thành phố này bầu một nghị viên không phải người da trắng. Ðó là câu chuyện của sự thành công nhờ tự cố gắng của Tom Huỳnh, nghị viên thành phố West Valley City ở Utah.

Ông Tom Huỳnh, nghị viên thành phố West Valley City. (Hình: Ông Tom Huỳnh cung cấp

Tom Huỳnh không xa lạ với người Việt Nam ở Utah. Trong bốn năm từ 2002-2006, ông là chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam. Từ 2006 tới 2007, ông là phó chủ tịch Ủy Ban Tượng Ðài Chiến Sĩ, một dự án khởi đầu từ 2003 và nay đã thành sự thật.

Không phải tới gần đây Tom mới tham gia công việc cộng đồng. “Hồi 19 tuổi vượt biên tôi đã làm việc thiện nguyện rồi,” ông kể cho báo Người Việt Utah.

Năm 1986, Tom Huỳnh vượt biên. Cha ông đã mất tích từ thời Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972. Mẹ ông không đi cùng.

Vào trại tỵ nạn ở Philippines, Tom xông xáo tình nguyện làm giúp cộng đồng tỵ nạn. Mới 19 tuổi, Tom Huỳnh đã là phó ban kế hoạch của trại, một chức vụ khá quan trọng so với tuổi. Vượt biên tới Philippines, Tom ở trong trại tỵ nạn 2 năm, tới 1988 thì qua định cư ở Oregon.

Ngay cả chuyện định cư cũng là một sự may mắn. Lẽ ra Tom đã bị rớt phỏng vấn rồi. Nhưng vào năm 1987, chiến tranh giữa quân đội chính phủ Philippines và phiến quân lan tới gần Bataan và Palawan. Ðể giải tán bớt người tỵ nạn, người ta cho một số người được phỏng vấn đợt nhì. Tom được phỏng vấn, và đã đậu.

“Tôi qua Mỹ 21 tuổi không biết tiếng Anh,” ông kể lại. “Tức là có biết bập bẹ chút xíu những gì mình học bên đảo thôi, nhưng ở đảo mình lo ngóng ngày đi, học đâu có tập trung đâu. 21 tuổi phải học ESL ở Portland Community College.”

Theo đạo Mormon, Tom đi truyền giáo từ 1990 tới 1992. Ðạo Mormon là một đạo phát sinh ngay tại Hoa Kỳ, tên chính thức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô – tiếng Anh là Church of Jesus Christ of Latter Day Saints, viết tắt LDS.

Mọi thanh niên Mormon đều phải đi truyền giáo 2 năm. Tom thực hiện nghĩa vụ với đức tin của mình ngay tại Washington DC. Một mình Tom lớn tuổi hơn các bạn truyền giáo – bình thường thanh niên Mormon đi truyền giáo năm 18-19 tuổi, Tom lớn hơn, 23 tuổi.

Sau hai năm truyền giáo, Tom dọn về Utah, trung tâm của đạo LDS.

Năm đó đã 25 tuổi, tới lúc đó Tom mới vào đại học. Tom vừa học Brigham Young University, vừa dạy trong trung tâm đào tạo người truyền giáo, và tốt nghiệp cử nhân ngành nghiên cứu Châu Á.

Tom Huỳnh hiện làm đại lý bất động sản, chuyên về bất động sản thương mại. Ông dọn tới West Valley City năm 2005.

Năm ngoái, Tom Huỳnh đắc cử vào Hội Ðồng Thành Phố, đại diện khu vực 1 của West Valley City, trở thành nghị viên đầu tiên của West Valley City mà không phải người da trắng.

Trong khu vực 1, chỉ có đúng 67 căn nhà là Việt Nam, Tom Huỳnh nói. “Tôi tới gõ cửa gặp hết 67 nhà,” ông tiếp.

Trong số này, có gần 60 nhà là qua Mỹ khá lâu, công việc làm ăn ổn định. “Có nhiều nhà, năm ngoái là lần đầu tiên họ đi bầu,” Tom nói.

Khu vực 1 nơi Tom đại diện có lợi thế là nhiều cơ sở thương mại, ngân khoản tài chánh dồi dào. Costco, mall, tọa lạc trong khu vực 1. Mặt khác, cư dân tại đây hầu hết là người cao niên đã về hưu, tiền hưu cố định.

Vì vậy, mối quan tâm của Tom là thuế property tax, “điều quan ngại nhất của đồng bào trong khu vực 1 là thuế lên tới 18.15%.” Tom nằm trong phe chống thuế, chung với thị trưởng và một nghị viên khác. Phe muốn giữ thuế cao có 4 phiếu. “Vậy là đang 3-4,” Tom tính toán. Ông hy vọng thuyết phục một nghị viên đổi ý, “lật ngược thành 4-3.”

Tom đã bảo lãnh mẹ qua Mỹ năm 1992; bà hiện đang ở California. Tại Utah, Tom ở với gia đình mình – vợ và hai con trai, một cháu 8 tuổi, một cháu chưa đầy năm.

Sau hơn 20 năm ở Mỹ, Tom rút ra một bài học: “Mình cần có mục tiêu trong đời sống. Có mục tiêu, mình mới có kỷ luật làm việc.”

Nhớ lại thời mới qua Mỹ, Tom kể, “Nhiều người nói mình 21 tuổi rồi, tiếng Anh không biết, đừng học làm gì, đi làm kiếm tiền đi.”

Nhưng Tom đã không lấy cái “21 tuổi tiếng Anh không biết” đó làm trở ngại. Tom đã cố học tiếng Anh, học đại học, tạo sự nghiệp.

“Cần có mục tiêu trong đời sống,” Tom nhắc lại.

Rất khó chối cãi chuyện Tom đã có mục tiêu trong đời sống.

@NguoiViet

Công an đánh phụ nữ ở Văn Giang?

Vừa xuất hiện cáo buộc công an đánh phụ nữ trong vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, Hưng Yên, hồi cuối tháng Tư.

 

Một đoạn video vừa được đăng tải trên YouTube cho thấy lực lượng cưỡng chế gồm cả công an mặc sắc phục đã uy hiếp và đánh một người phụ nữ đầu đội mũ bảo hiểm.

Một công an trên clip video này còn co chân đá vào người phụ nữ đã bị người khác giữ tay.

Video nói trên hiện đang được phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Người phụ nữ bị đánh được nêu danh là bà Ngô Thị Ánh, dân xã Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang. Hôm 24/4, khi lực lượng cưỡng chế đang hoạt động, bà Ánh đứng ngay tại hiện trường, được nói là “khu vực nhà văn hóa xã Xuân Quan”.

Trước đây cũng đã có nhiều đoạn video được tung lên mạng internet cho thấy cảnh bạo lực trong vụ cưỡng chế gây xôn xao dư luận hôm 24/4.

Trong đó có clip một người đàn ông mặc đồ trắng, đầu đội mũ bảo hiểm, bị đánh rất dã man. Người này về sau được xác định là ông Hán Phi Long, thuộc phòng Phóng viên Thời sự-Chính trị-Kinh tế (thuộc Trung tâm tin của Đài Tiếng nói Việt Nam), khi đó đang tác nghiệp cùng ông Nguyễn Ngọc Năm, trưởng phòng.

Bản thân ông Năm cũng bị đánh.

Ngày 2/5, trong hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, nói rằng đã có video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để ‘bôi nhọ’ chính quyền.

Ông nói: “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.

Xin thông cảm

Tuy nhiên sau đó hai nhà báo đã lên tiếng khẳng định mình bị đánh, dẫn tới việc Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu xác minh xử lý.

Sau khi có phản ứng chính thức từ cơ quan chủ quản của hai nhà báo, dường như công luận có cơ hội viết nhiều hơn về vụ cưỡng chế Văn Giang, tuy cũng chỉ tập trung vào vụ hành hung phóng viên đang làm nghiệp vụ.

Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, đã đến trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam để làm việc. Ông Ngạn nói việc xảy ra bạo lực là ‘nằm ngoài ý muốn’ xin các nhà báo “thông cảm”.

Ngày 10/5, ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên lại cho hay rằng đã xác định được người đánh phóng viên là dân phòng và hứa cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên sẽ có buổi làm việc cụ thể với hai phóng viên bị hành hung và nhóm lực lượng làm nhiệm vụ tại buổi cưỡng chế để làm rõ sự việc.

Mới nhất, Chủ tịch Trung ương Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh đã có công văn gửi Bộ Công an; Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc hai phóng viên bị hành hung.

Công văn viết:”Hội Luật gia Việt Nam xét thấy đây là vụ việc có tính chất pháp lý cần phải làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cũng là hội viên Hội Luật gia Việt Nam.

@bbc

“Moi hết tim gan” để nói với Đinh Bộ Trưởng một lần!

Bài này đã bị báo Người Lao Động rút xuống

Bộ trưởng Đinh la Thăng

Mạnh Quân

LTS: Trong số các comment của bạn đọc gởi đến Báo Người Lao Động hôm nay có một comment rất đặc biệt. Đặc biệt vì nó dài đến hơn 2.500 từ, được viết lên bằng tất cả tâm huyết của tác giả. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến ấy đến bạn đọc.

Đã gần 9 tháng kể từ khi ông Đinh La Thăng được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng GTVT. Sau những tuyên bố mạnh mẽ đầu tiên của ông tại Quốc hội và một loạt tuyên ngôn và các hoạt động điều hành của ông trên cương vị người đứng đầu ngành giao thông, cũng đã đủ thời gian để dư luận có những đánh giá đầy đủ hơn về trình độ, năng lực và cả phẩm chất của vị bộ trưởng này.

Ai cũng hiểu, hệ thống giao thông, vận tải có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đến thế nào trong việc phát triển kinh tế, đến đời sống dân sinh. Trong nhiều năm qua, sự yếu kém, lạc hậu của hệ thống đó, tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông thường xuyên ở cả đường bộ, đường sắt… đã gây cản trở biết bao nhiêu cho sự phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn biết bao nhiêu cho việc đi lại của người dân.

Chính vì thế, ngành giao thông hơn lúc nào hết, cần một người lãnh đạo có tầm nhìn, hiểu biết, có tài năng và tâm huyết để chỉ đạo, điều hành, tổ chức lại hệ thống yếu kém đó, một cách toàn diện. Đáp lại sự kỳ vọng đó của đa số dân chúng, của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian đầu, sự xuất hiện của ông Đinh La Thăng – nguyên là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), với những tuyên bố, hành động ban đầu khá mạnh mẽ và rõ ràng, dư luận đã tưởng rằng, đây chính là một người lãnh đạo cần phải có trên chiếc ghế bộ trưởng GTVT.

Ngay trong ngày được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng GTVT, ông Thăng tuyên bố: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”. Ông cũng nói rõ, phương hướng, kế hoạch hành động của mình với báo giới: “Bộ Giao thông sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên”.

Một hành động khác đáng chú ý của Bộ trưởng Đinh La Thăng sau 2 tháng nhậm chức là khi đi kiểm tra công trình nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, ông đã chỉ đạo thay chức vụ Trưởng ban quản lý dự án dự án xây dựng nhà ga này. Tiến độ công việc tại dự án này sau đó tiến triển rõ rệt. Với những sự khởi đầu như vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận được những đánh giá tích cực từ dư luận, báo chí.

Người ta đã tưởng rằng, đây chính là vị bộ trưởng mà ngành giao thông cần có trong thời điểm hiện nay. Trong thời điểm ấy, chỉ có một điểm khá lợn cợn khi người ta đánh giá về Bộ trưởng Thăng là tại kỳ họp Quốc hội, ông có đề nghị Quốc hội dành 40.000 tỷ đồng tổng thu vượt dự toán từ nguồn dầu thô quốc gia để dành hết cho Bộ GTVT sử dụng. Đây là một đề nghị bất ngờ do tính phi lý, cục bộ của người đề xuất.

Nhưng với một loạt hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tiếp của ông Đinh La Thăng trong những tháng gần đây đang khiến cho dư luận từ ủng hộ chuyển sang nghi ngờ về năng lực, tầm hiểu biết, phẩm chất thực sự của người đứng đầu ngành giao thông. Một trong những điểm người ta dễ đặt câu hỏi nhất là trình độ hiểu biết pháp luật của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Một thành viên Chính phủ, đứng đầu một lĩnh vực quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến quốc kế, dân sinh không thể không hiểu rõ hệ thống, quy định chính sách, pháp luật. Nhưng với nhiều quyết định, chủ trương của ông Đinh La Thăng, người ta không thể không nghi ngờ về sự hiểu biết của ông trong vấn đề này. Ngay từ khi Công văn số 6630/BGTVT-TCCB do ông ký ngày 17-10-2011. Trong đó quy định: “Các đồng chí lãnh đạo thuộc diện bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên không chơi gôn, không tổ chức hoặc tham gia các giải gôn”. Theo ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, đây là văn bản có nội dung “sai thẩm quyền, vi phạm quyền cán bộ công chức”.

Một ví dụ khác rõ hơn, ngày 16-3-2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng ký ban hành ban hành công văn số 1782 yêu cầu dừng ngay việc nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe cơ giới cải tạo. Công văn có hiệu lực ngay ngày ký. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, công văn trên có nhiều điểm sai như: không phải là văn bản quy phạm pháp luật (vì không phải thông tư hoặc thông tư liên tịch hay chỉ thị, quyết định) nhưng yêu cầu dừng thực hiện một văn bản có tính quy phạm pháp luật (Quyết định số 15/2005/QĐ-BGTVT năm 2005 của bộ trưởng GTVT). Hơn nữa, lại yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành thực hiện ngược lại nội dung trên, thực hiện ngay rồi mới soạn thảo quyết định thay thế quyết định cũ.

Điều này cho thấy, ông Đinh La Thăng thiếu sự hiểu biết về pháp luật mặc dù đây là một kiến thức rất đơn giản mà một cán bộ nhà nước cần phải nắm bắt. Để thực hiện kế hoạch hành động mang tính “đột phá” cho ngành GTVT-giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có những chủ trương và có nhiều chỉ đạo trực tiếp nhưng cho đến nay, những hoạt động này cũng khiến không ít người dân, tổ chức nghi ngờ, mất lòng tin vào các hành động đó.

Cụ thể như việc đổi giờ học, giờ làm ở thành phố Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn đã chứng minh không đem lại hiệu quả. Hay mới đây, việc đề xuất thu thuế hạn chế phương tiện giao thông cũng gây bức xúc lớn không chỉ trong dư luận mà cả các chuyên gia, cán bộ có uy tín của ngành giao thông. Nhiều người đánh giá đây là chủ trương bất hợp lý, không khoa học, làm tăng thêm chi phí vận tải, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

Chính vì điều này, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét lại chủ trương này để trình vào một thời điểm khác. Nhưng hết chủ trương trên thì Bộ trưởng Giao thông lại đề ra sáng kiến thu tiền của dân qua “Quỹ tham gia giao thông” – một dạng quỹ có thể coi như quỹ chết – đóng hụi, để dễ thu tiền của người tham gia giao thông khi có vi phạm.

Việc tập trung các giải pháp để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông là đúng đắn nhưng nó cần phải bằng các giải pháp thực sự khoa học, có nghiên cứu, tính toán đầy đủ và có tính giải trình cao. Nhưng với tất cả những giải pháp do Bộ GTVT đề xuất như vừa rồi trong đó có những biện pháp, giải pháp có dấu ấn cá nhân của Bộ trưởng Đinh La Thăng nó cho thấy chưa đem lại hiệu quả, chưa tạo được sự ủng hộ từ dư luận, từ nhiều cơ quan, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Thậm chí, trong nhiều thời điểm, các giải pháp đó bị đánh giá tiêu cực, khó có thể triển khai do những sự bất hợp lý, thiếu những cơ sở khoa học, thực tế về giao thông đường bộ và không được lòng dân.

Người ta đang lo ngại, với những chính sách mới của ngành GTVT, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam mới bắt đầu hình thành một chút, ngành vận tải… đang đi vào ngõ cụt. Các hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô như đang dần đông cứng lại. Theo số liệu của bộ Tài chính thì chỉ trong quý I/ 2012, số thu thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm trên 4000 tỷ đồng – một số tiền đủ xây dựng gần 20 cái cầu vượt lắp ghép dạng nhẹ đang phát huy hiệu quả chống ùn tắc tại Hà Nội – và nên nhớ – mới chỉ trong 1 quý.

Những bức ảnh mới đây đăng trên các báo về minh họa cho tình trạng ùn tắc giao thông cho thấy, có nhiều con đường lớn ở một số thành phố, phần đường dành cho ô tô vắng hoe trong khi phần đường dành cho xe máy chật cứng như nêm, kéo dài hàng cây số. Phải chăng, nó đang phản ánh cho sự lệch lạc của chính sách?

Trong bối cảnh dư luận thất vọng với những đề xuất, giải pháp mới về chống ùn tắc giao thông thì việc mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại có đề xuất dành hơn 10.000 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống văn phòng, trụ sở làm việc của Bộ GTVT càng khiến hình ảnh tốt đẹp mà vị Bộ trưởng này gây dựng được trong mấy ngày đầu biến mất trong cách nhìn của những người ủng hộ, có lẽ còn rất ít ỏi của ông.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, chính Bộ trưởng GTVT còn phải nghĩ nhiều cách để thu thật nhiều tiền của dân qua việc đề xuất thu nhiều loại phí giao thông đường bộ như phí hạn chế phương tiện rồi “quỹ tham gia giao thông”… để có tiền đầu tư, thì việc đề xuất dành hơn 10.000 tỷ đồng trên để xây dựng trụ sở làm việc cho thấy cách xử lý, tầm nhìn của một vị bộ trưởng như vậy là rất có vấn đề.

Hơn nữa, trong khi các bộ khác: Kế hoạch, Tài chính… bắt đầu thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công mà Chính phủ yêu cầu thì việc lãnh đạo Bộ GTVT lại đề xuất đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng cho trụ sở như vậy, thật là điều bất bình thường.

Đáng nói hơn nữa, là Bộ trưởng GTVT còn đề xuất vay vốn ODA để xây trụ sở lại càng phản cảm vì vốn ODA là vốn vay, cuối cùng cũng phải trả bằng những đồng tiền thuế do dân, doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách và nó chỉ nên sử dụng, đầu tư cho những công trình, dự án cấp bách cho phát triển kinh tế – xã hội chứ không phải để làm nhà làm việc cho ngành giao thông.

Nhưng giao thông cũng không chỉ có chuyện ùn tắc, tai nạn. Người ta cũng chưa thấy vai trò của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc xử lý nhiều vấn đề quan trọng khác của ngành này. Như tình trạng làm ăn thua lỗ, bết bát của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành giao thông: tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…

Trong khi Vinalines đang làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỷ, hàng chục tàu cũ lạc hậu… thì việc quy hoạch, tiếp tục dành cả 100.000 tỷ đồng đầu tư cho doanh nghiệp này liệu có phải là giải pháp đúng đắn? Hay trong lĩnh vực hàng không, trong khi cần phải xây dựng một môi trường cạnh tranh thì việc cho phép Vietnam Airlines thâu tóm, chiếm cổ phần chi phối trong hãng hàng không Jetstar Paciffic để độc quyền khoảng 90% thị trường hàng không trong nước có đúng đắn?

Sự yếu kém, lạc hậu của hệ thống giao thông đường sắt, chưa thấy có những đổi mới đáng kể nào từ khi Bộ trưởng Đinh La Thăng lên nắm quyền. Một câu chuyện liên quan đến tính trung thực của Bộ trưởng. Trong khi Chánh văn phòng Bộ GTVT khẳng định xe Land Cruiser chở Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bị một ôtô khác đâm trong chuyến công tác tại Ninh Bình, thì ông Thăng phủ nhận sự việc đó: “Không có chuyện ai bị tai nạn nào hết. Tôi khẳng định là không có chuyện đó”. Người ta tất nhiên có quyền đặt câu hỏi nghi vấn về lời thanh minh của Bộ trưởng bởi ba nhẽ: báo chí trưng ra hình ảnh ô tô của ông bị đâm; chánh văn phòng là người phát ngôn của bộ nên lời của ông mang tính chính thức của tổ chức; không một báo nào đăng tin bộ trưởng đâm đã phải cải chính, nếu họ đưa tin không đúng.

Cơ sở hạ tầng đang là 1 trong 3 nút thắt để Việt Nam phát triển. Giải quyết nó không phải là những tuyên bố ngẫu hứng, những văn bản tùy tiện. Hơn lúc nào hết, ngành giao thông cần một bộ trưởng có phẩm chất của một nhà chính trị và nhà kỹ trị, có cái nhìn dài hạn, bao quát và ý thức được những tuyên bố và chính sách của mình đối với sự phát triển của đất nước. Nhìn toàn diện tất cả các vấn đề như vậy để thấy, mặc dù ngành GTVT đang rất cần phải có một Bộ trưởng giỏi giang, quyết đoán, có tâm, có tầm nhưng cho đến giờ này, với lựa chọn là Bộ trưởng Đinh La Thăng, có thể cần phải xem lại. Cũng có thể nói, BT Đinh La Thăng có một số phẩm chất tốt: quyết đoán, nhanh nhẹn, dám làm… nhưng ở cương vị một chính khách, một bộ trưởng có lẽ phải cần nhiều hơn thế: tầm hiểu biết, cách làm bài bản, khoa học – những điều người ta chưa thấy có ở ông mà người ta chỉ thấy rõ hơn đó là sự nóng vội và nông nổi.

Thường vụ Quốc hội mới rồi họp cũng đã có bàn đến việc bỏ phiếu tín nhiệm với cấp bộ trưởng trở lên. Việc này nếu làm được, sẽ giúp Quốc hội đánh giá, nhìn nhận lại những chức danh đã phê chuẩn-để có những vị trí nào chưa phù hợp, có thể điều chỉnh lại, có thể, bước đầu là rất nên với vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT?

@Viet-Studies