Đọc cuối tuần – Nhà thơ Chế Lan Viên: Cắt đứt lòng anh trăng của em

Chế Lan Viên là một hiện tượng độc đáo trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Năm 16 tuổi, quyển Điêu tàn của ông “đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” (Hoài Thanh). Nhận xét ấy đúng đâu phải chỉ với tập thơ đầu tay, mà với cả sự nghiệp thơ của Chế Lan Viên. Đặc biệt là với những tập Di cảo ra đời sau khi nhà thơ đã mất.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Chế Lan Viên gắn bó chặt chẽ với nhà văn Vũ Thị Thường, một cây bút truyện ngắn gần gũi với mảng đề tài nông thôn Việt Nam. Từ khi Chế Lan Viên qua đời, nhà văn Vũ Thị Thường đã coi việc sưu tầm, góp nhặt, tuyển chọn và xuất bản những di cảo thơ của ông là công việc quan trọng nhất của đời mình.

Cách đây nhiều năm, trong chương trình Điểm tựa tài năng, một chương trình rất có ý nghĩa, nhằm tôn vinh những người mẹ, người vợ của các bậc tài danh của đất nước do Nhà văn hoá Lao động và Báo Phụ nữ T.P HCM kết hợp tổ chức, bà Vũ Thị Thường đã khiến bao khán giả phải trào nước mắt vì xúc động, khi nghe bà kể lại những kỷ niệm trong đời sống thường ngày cũng như trong hoạt động sáng tạo của cặp vợ chồng nghệ sĩ này.

Tình yêu và lòng quý trọng đối với người chồng là một nhà thơ có tài đã giúp bà có thêm lòng quyết tâm và nghị lực khi bắt tay vào thực hiện công việc của mình. Ba tập Di cảo thơ ra đời có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó giúp cho nhiều thế hệ bạn đọc có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về một nhà thơ lớn của thời kỳ hiện đại.

Tuy vậy Chế Lan Viên còn có một cuộc đời khác. Hay nói chính xác hơn, cuộc đời ông còn có thời kỳ gắn bó với  một người phụ nữ khác – là người vợ đầu của ông. Nhưng người ta ít nói đến vì một lẽ đơn giản là hai người đã chia tay nhau từ lâu. Mọi chuyện đã trở thành quá khứ.

Sau khi chia tay cả hai người đều đã có một gia đình khác, một cuộc sống khác. Nhưng chắc chắn rằng người phụ nữ ấy đã có thời là tất cả tình yêu của nhà thơ Chế Lan Viên. Và điều đáng nói hơn cả ở đây là cuộc chia tay của họ có một vẻ gì đó thật khác thường, được ghi dấu bằng một bài thơ tứ tuyệt chưa bao giờ được công bố.

Nhà thơ Chế Lan Viên (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà thơ
Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn. Ảnh: A.T.

Từ nỗi đau của sự chia cắt và ly biệt, từ cảnh ngộ của riêng mình nhà thơ đã gửi gắm tình cảm của mình qua những câu thơ giản dị, chân thành mà trĩu nặng ưu tư. Để có thể hiểu rõ hơn hoàn cảnh ra đời của bài thơ, xin được nói đôi lời về người đàn bà đã từng đi qua đời nhà thơ Chế Lan Viên, vào những năm tháng trẻ trung, sôi nổi nhất.

Bà tên là Nguyễn Thị Giáo. Bà Giáo vốn là bạn đồng trang lứa và lại là người đồng hương Đà Nẵng với cha tôi – nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Cụ thân sinh ra bà là thầy giáo dạy cha và các chú tôi (Lưu Quý Thảo, Lưu Trùng Dương) ở một trường trung học tại thành phố Đà Nẵng những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Chế Lan Viên cũng có thời từng là học trò của cụ. Thời con gái, bà Giáo được nhiều chàng trai ở thành phố biển Đà Nẵng thầm yêu trộm nhớ, vì vẻ đẹp mặn mòi và nét duyên dáng của một cô tiểu thư khuê các. Nhưng bà đã nặng lòng với người thi sĩ mang họ Chàm từ khá sớm. Vượt qua nhiều khó khăn trở ngại từ phía gia đình, bà nhất quyết đi theo tiếng gọi của lòng mình.

Tháng 9 năm 1943, hai người tổ chức đám cưới. Khi đó Chế Lan Viên 23 tuổi và cô thiếu nữ Nguyễn Thị Giáo vừa tròn 18 tuổi. Cuộc sống hạnh phúc của ông bà kéo dài được 15 năm. Kết quả của tình yêu đó là ba người con, hai trai (Phan Lai Triều, Phan Trường Định) và một gái (Phan Thị Chấn Thanh) lần lượt ra đời.

Năm 1958, sau một chuyến đi chữa bệnh dài ngày ở Trung Quốc của nhà thơ Chế Lan Viên, gia đình ông gặp chuyện sóng gió. Khi thấy nguy cơ đổ vỡ của gia đình, Chế Lan Viên rất đau khổ và không hề muốn điều đó xảy ra. Ông sẵn lòng chấp nhận tất cả, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện để giữ được tổ ấm của mình.

Tình yêu còn đến đâu thì chưa biết, nhưng chắc chắn ông thương các con của mình, khi đó đang còn bé dại cả. Nhưng có thể vì lòng tự ái hay vì một lí do riêng nào đó mà bà Giáo từ chối mọi lời đề nghị của Chế Lan Viên. Cuộc chia tay không thể nào tránh khỏi. Mọi lời khuyên can, hòa giải đều vô ích. Bạn bè văn nghệ sĩ và những người đồng hương đều tiếc cho hai ngưòi.

Ngày hai ông bà ra tòa chia tay nhau có mặt cha tôi. Ông đến dự phiên toà với tư cách là đại diện cơ quan (ngày đó ly hôn phải có đại diện cơ quan) và với tư cách là bạn lâu năm của cả hai người. Cha tôi kể lại rằng suốt buổi hôm đó Chế Lan Viên ngồi im lặng. Sau khi đã xong hết mọi thủ tục, trước khi ra về, ông mới lặng lẽ đứng lên và đọc bài thơ, thay cho lời nói cuối cùng.

Đến chỗ đông người anh biệt em
Quay đi thôi chớ để anh nhìn
Mày em trăng mới in ngần thật
Cắt đứt lòng anh trăng của em

Sự việc đó khiến mọi người vô cùng sửng sốt. Đúng là có một không hai.

Thông cảm với nỗi đau của ông, người ta càng thêm kính trọng nhân cách và lòng nhân hậu, vị tha của một thi sĩ tài năng. Nếu ai đã gặp bà Giáo, thì càng thấy cảm phục cái tài và cái tình của Chế Lan Viên. Nét nổi bật nhất trên gương mặt của bà Giáo là cặp lông mày hình vòng cung, cong như lá liễu.

Khi đã là một người đàn bà ở tuổi 80, đôi lông mày của bà vẫn còn nguyên nét mảnh mai, son trẻ như mảnh trăng đầu tháng. Ấn tượng mà bài thơ từ biệt của Chế Lan Viên để lại trong lòng cha tôi thật sâu đậm. Nhiều năm sau này ông vẫn còn kể về nó. Đặc biệt là sau những lần bà Giáo đến nhà thăm cha tôi, cùng với những người bạn đồng hương.

Nhiều năm tháng đã đi qua trong cuộc đời mỗi người. Nhà thơ Chế Lan Viên và bà Nguyễn Thị Giáo từ lâu đều đã có một gia đình khác, có những niềm hạnh phúc khác. Nhưng chắc rằng những tháng năm chung sống cùng nhà thơ Chế Lan Viên đã trở thành một phần đời không dễ nguôi quên đối với bà Giáo.

Trong một lần trò chuyện với anh Phan Lai Triều, con trai cả của nhà thơ và bà Giáo, tôi được biết rằng khi nhà thơ Chế Lan Viên đang đau nặng, nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, bà Giáo đã yêu cầu anh đưa bà vào thăm. Nhưng để tránh sự xúc động quá lớn cho cả hai người, anh Triều đã khuyên mẹ không nên gặp lại cha mình khi cả hai đều đang đau yếu (lúc đó bà Giáo mới trải qua một cơn tai biến não).

Bà Giáo đã nghe theo lời con trai và ra về, chỉ nhờ anh chuyển đến Chế Lan Viên một chút quà. Hiện nay tuổi đã cao, sức yếu, bà sống với con tại TP HCM. Cách đây hơn nửa thế kỷ nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nói về Chế Lan Viên: “Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được”.

Tất nhiên chúng ta đều hiểu rằng nhận xét đó là để nói về thơ của ông. Nhưng chỉ qua một bài thơ tứ tuyệt được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy, chúng ta thấy lời khen ấy thật là xác đáng cả về tài năng cũng như tấm lòng của một thi sĩ mà tầm vóc đã vươn tới một chiều kích khác

Lưu Khánh Thơ

Bí thư Quảng Đông: « Đảng Cộng sản Trung Quốc không mang lại hạnh phúc cho dân »

Tú Anh
TRUNG QUỐC 
« Nói đảng Cộng sản và chính quyền phục vụ nhân dân là một điều sai quấy cần phải dẹp đi ». Lời tuyên bố « lịch sử » này đã được ông Uông Dương, bí thư tỉnh Quảng Đông đưa ra vào ngày 09/05/2012 nhân đại hội đảng bộ địa phương, trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị thay đổi lãnh đạo.

Phải chăng một trang sử mới tại Trung Hoa lục địa đang hé mở ? Lần đầu tiên một khẩu hiệu tuyên truyền chính thức của đảng Cộng sản bị một quan chức cao cấp thuộc khuynh hướng cải cách xé bỏ. Trong cuộc họp của đảng bộ tỉnh Quảng Đông cách nay hai hôm, Bí thư Uông Dương tuyên bố: « Chúng ta phải vất bỏ đi ý tưởng sai lầm cho rằng hạnh phúc của nhân dân là do đảng và chính phủ mang lại ».

Chưa hết, nhân vật được tiếng thuộc phe cải cách bổ túc thêm : Mưu tìm hạnh phúc là quyền lợi của người dân. Còn vai trò của chính phủ là để cho nhân dân được tự do dũng cảm đi tìm hạnh phúc bằng con đường riêng của mình.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông nhấn mạnh chuyện xây dựng hạnh phúc của người dân và vấn đề cá nhân mà đảng Cộng sản và chính quyền không có vai trò gì cả. Nếu có, thì Đảng và Nhà Nước phải phục vụ cho dân chứ không phải ngược lại.

Quan điểm trên đây thật ra là một ý tưởng bình thường tại các nước dân chủ nhưng nó không bình thường trong chế độ phong kiến « ơn vua lộc nước » và trong chế độ được gọi là cộng sản « nhờ ơn Đảng và nhà nước… »

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông đã hơn một lần chứng minh ông là một nhà cải cách. Khi dân làng Ô Khảm biểu tình đuổi chính quyền địa phương thì chính ông đã dàn xếp không dùng biện pháp đàn áp, và để cho dân làng tổ chức bầu cử tự do chọn người mới. Tuy tuyên bố « không theo mô hình Tây phương » ông cũng chống lại chủ trương « tân Mao-ít » của cựu lãnh đạo Trùng Khánh, Bạc Hy Lai.

Nhận định về sự kiện độc đáo này vừa xảy ra tại Trung Quốc, hãng tin công giáo Á châu Asia News ghi nhận rằng ông Uông Dương đã tách ra khỏi những tín điều truyền thống : nhờ Đảng mà Trung Hoa được độc lập, hạnh phúc, ổn định và thành công.

Từ khi Mao Trạch Đông cướp được chính quyền tại Hoa lục thì từng thế hệ học sinh được dạy là mang ơn Đảng từ viên kẹo cho đến quyển vở. Mao chủ tịch được tôn vinh như Ngọc Hoàng giáng thế, chăm lo đời sống của nhân dân từ lúc lọt lòng cho đến lúc qua đời. Thế nhưng, từ khi hàng loạt chế độ cộng sản sụp đổ, và Đặng Tiểu Bình phải cải cách kinh tế để tự cứu thì tại Trung Quốc tràn ngập những vụ bê bối, tham ô, những lạm quyền thế, biển thủ công quỹ mà thủ phạm là cán bộ, quan chức. Tệ hại hơn nữa là họ tìm cách đưa con cháu vào các chức vụ quan trọng để tính chuyện thống trị lâu dài.

Trong khi đó thì người dân Trung Quốc được gì ? Chỉ cần đơn cử một thống kê của Viện Khoa học Xã hội hồi cuối năm ngoái : trong 20 năm trở lại đây, chính sách cưỡng chế trưng thu đất đai đã làm cho 50 triệu người dân mất nhà, mất đất. Hôm qua, tại Vân Nam, một phụ nữ dân oan bị trưng thu nhà đã cho bom nổ tự sát ngay trong văn phòng chính quyền địa phương.Đó chỉ là một trường hợp thương tâm trong muôn ngàn oan khiên trong chế độ mà trung bình mỗi sáu phút có một cuộc biểu tình chống tham ô và nhũng lạm quyền thế.

Theo Asia News, đối với những cán bộ có suy nghĩ, con đường hạnh phúc của họ là tách dần ra khỏi đảng. Theo thống kê năm 2006, trong số 70 triệu đảng viên, hơn một phần ba chọn theo một tôn giáo. Hơn 20 triệu theo đạo Thiên chúa.

Những lời phủ nhận tín điều truyền thống trên đây được xem là « lịch sử » vì ông Uông Dương tuyên bố công khai, và ông là một nhân vật lãnh đạo cao cấp, rất có thể sẽ là một trong những ủy viên thường trực Bộ Chính trị nhân đại hội Đảng vào cuối năm nay.

Mặc dù báo chí chính thức không tường thuật, nhưng trên mạng internet những lời tuyên bố này đã được loan tải rộng rãi và được dự báo sẽ « đi vào lịch sử ».

 @Viet-Studies

Vòng quay Thăng – Dũng

Con đường thăng tiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng không có gốc rễ về chuyên môn đào tạo. Từ một kế toán làm công tác đoàn theo cơ cấu và phong trào, sau đó được đẩy lên làm Phó bí thư thành ủy Thành phố Huế với hàm ủy viên TW Đảng đã là một bước tiến quá nhanh khi không có thành tích gì nổi bật. Đáng lẽ ra, với con người Thăng thì cứ nên để chuyên trách làm công tác Đảng, Đoàn, tha hồ khoa chân, múa mép, chém gió. Còn đẩy Thăng sang làm kinh tế là đại họa cho đất nước. Nhưng khen thay con mắt tinh đời của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận thấy rằng: với cái tính cách liều lĩnh đến vô liêm sỉ, tài chạy chọt đút lót của Thăng rất cần cho việc vơ vét, tận thu, mua chuộc, lũng đoạn nhằm phục vụ mục đích dễ bề thao túng của Dũng.
Trước đó, TT Dũng đã đẩy Thăng sang làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) – một tập đoàn kinh tế đóng góp gần 30% GDP cho quốc gia. Dĩ nhiên Dũng rất hài lòng khi Thăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn này.
Có thể nói thông qua Thăng mà Dũng đã lũng đoạn được toàn bộ ban chấp hành TW và Bộ chính trị bằng TIỀN. Thăng với đống tiền khổng lồ của PVN đã triển khai hàng loạt các dự án từ trong đến ngoài nước, số tiền lên đến hơn chục tỷ USD với sự bợ đỡ chính sách từ chính TT Dũng mà không cần phải thông qua Quốc hội về ngân sách chi tiêu, cũng không phải tuân thủ luật đấu thấu. Đồng thời, PVN dưới quyền của Thăng đã mở mang phát triển kinh doanh ngoài ngành bừa bãi đã chiếm đoạt, rửa tiền, tham nhũng; để tư túi, đút lót,  lũng đoạn.
Gần hết số ủy viên Bộ chính trị đã bị mua chuộc, lũng đoạn cho nên TT Dũng từ chỗ bị thất thế sau vụ VINASHIN đã lật kèo thắng thế trong Đại hội Đảng lần thứ 11 trở thành SUPERKING (Siêu vua) trong 14 vị vua. Không thể phủ nhân công lao của Thăng với TT Dũng trong giai đoan nước sôi lửa bỏng của đại hội 11 vừa qua. Việc đưa Thăng lên làm Bộ trưởng BGTVT vừa như là một sự hàm ơn và cũng là một vòng quay mới trong mê cung Tiền & Quyền của sự vô liêm sỉ và mục rỗng.

Trụ sở Bộ GTVT ở khu đất “vàng” trung tâm thành phố Hà Nội. Ảnh: Vneconomy
Gần đây, khi Thăng được TT Dũng đồng ý cho bán trụ sở Bộ Giao Thông Vận Tải theo giá thị trường, dư luận trước đó đã biết rằng ai đứng đằng sau trong việc hoán cải “lô đất vàng” 8000 m2 này. Tính sơ bộ với giá chênh lệch theo quy định của thành phố là 82 triệu/m2 với giá thị trường khoảng trên 500triệu/m2 thì số tiền chênh lệch khoảng 30 nghìn tỷ đồng sẽ được Thăng chuyển hóa, phù phép như thế nào? Cơ chế đấu thầu, mua bán chuyển nhượng, làm sao đúng thủ tục pháp lý, làm sao công minh, công bằng thì hồi sau sẽ rõ, nhưng với sự thao túng của TT Dũng và BT Thăng đây là một thương vụ không thể mất cơ hội được.
 Có thể khẳng định rất nhiều “khu đất Vàng” của các Bộ, các cơ quan TW khác lại không được hưởng quy chế, biện pháp này là vì họ không có biệt tài biến không thành có như BT Thăng để cho TT Dũng tin tưởng.
Cũng cần nói thêm, việc bán trụ sở Bộ GTVT đã được bà Phạm Chi Lan nói rõ trong một bài phỏng vấn (đã đăng lại trên Dân Làm Báo) là vi phạm Pháp luật vì trụ sở Bộ Giao Thông Vận Tải là tài sản công, không phải của Bộ GTVT nên không thể giao cho Bộ GTVT bán theo cơ chế thị trường, và cũng không thể đứng tên chủ sở hữu của tài sản này. Nhưng vòng quay Thăng- Dũng vẫn đang chuyển động huyền ảo không thể dừng lại và sự bốc hơi của hàng chục nghìn tỷ đồng là có cơ sở hiện hữu mà tiền lệ của nó đã xảy ra ở VINASHIN, PVN, EVN …
Hoàng Việt