Day: 12/05/2012
MOTHERS’DAY – LỊCH SỬ “NGÀY CÁC BÀ MẸ”
Trên cả thế giới, có hơn 46 quốc-gia dành một ngày đặc-biệt để tôn vinh các Bà Mẹ, nhưng không phải mọi quốc-gia đều mừng cùng một ngày. Chúng ta mừng các Bà Mẹ với thiệp mừng, kẹo bánh, hoa và những bửa ăn ở ngoài. Nhưng các bạn có biết làm sao ngày nầy đã trở thành một ngày nghỉ hợp-pháp ở Mỹ chăng?
NGÀY CÁC BÀ MẸ được JULIA WARD HOWE đề-xuất lần đầu tại Mỹ. Bà là người đã sáng tác Ca Khúc Hành Quân của Nền Cộng-Hoà (Battle Hymn for the Republic). Cô gợi ý rằng ngày nầy được dâng hiến cho Hòa-bình. Cô Howe đã tổ-chức những cuộc Họp Ngày Bà Mẹ hằng năm. Năm 1877, Bà Juliet Calhoun Blakely không ngờ mình đã lập ra Ngày Các Bà Mẹ. Vào Chuá Nhật, ngày 11/5/1877, ngày sinh nhật của Bà, Vị Mục-sư Giáo Hội Trưởng Lão của Bà thình lình rời toà giảng, quẫn trí vì tư cách đạo đức của đứa con trai. Bà Blakely bước lên bục giảng để tiếp tục phần còn lại của buổi phụng vụ và kêu gọi các bà mẹ khác cùng theo Bà. Hai đứa con của Bà Blakely bị đánh động bởi hành động của Bà, đến nỗi chúng thề sẽ trở lại thành phố sinh trưởng ở Albion, Mich, mỗi năm để mừng sinh-nhật của Bà và đóng góp tiền cho Bà.
Thêm vào đó, hai anh em cố gắng thuyết phục những người cùng cộng tác kinh doanh và những người họ gặp khi đi giao dịch, để cùng TÔN VINH CÁC BÀ MẸ VÀO CHÚA NHẬT THỨ HAI CỦA THÁNG NĂM. Họ cũng đề xuất Giáo Hội Trưởng Lão ở Albion dành riêng Chúa Nhật thứ hai của mỗi tháng Năm để tôn vinh TẤT CẢ CÁC BÀ MẸ.
Trong khi có những ngày tổ chức mừng ở địa phương, sự thừa nhận Ngày Các Bà Mẹ như một ngày nghỉ quốc gia (Mỹ) lại là kết quả của những nổ lực của Anna Jarvis. Mẹ của Cô, Bà Anna M. Jarvis, đã dùng biểu diễn âm nhạc để phát-triển “Ngày Ái Hữu Các Bà Mẹ”, một phần của tiến-trình chữa lành vết thương cuộc Nội Chiến. Để tỏ lòng tôn kính mẹ của Cô, Cô Jarvis muốn dành hẳn một ngày để tôn vinh tất cả mọi bà mẹ, CÒN SỐNG và ĐÃ QUA ĐỜI. Năm 1907, Cô Anna Jarvis bắt đầu cuộc vận động để thiết lập Ngày Các Bà Mẹ toàn quốc. Cô thuyết phục Nhà Thờ của cô ở Grafton mừng Ngày các Bà Mẹ vào ngày giỗ thứ hai của Mẹ Cô, vào Chúa Nhật thứ hai Tháng Năm. Năm kế đó, Ngày các Bà Mẹ cũng được mừng ở thành phố của Cô ở Philadelphia. Cô Jarvis và những người ủng-hộ cô bắt đầu viết cho các mục sư, doanh nhân, các nhà chính-trị trong cuộc vận động lớn nầy, để thành-lập Ngày Các Bà Mẹ Toàn Quốc. Chiến-dịch thành-công.
Năm 1911, Ngày Các Bà Mẹ được cử hành trong hầu hết các bang trong Hợp-chủng-quốc. Năm 1914, tổng thống Woodrow Wilson đã chính thức công bố Ngày Các Bà Mẹ là NGÀY LỄ NGHỈ QUỐC GIA và được tổ-chức mỗi năm vào Chúa nhật thứ hai Tháng Năm. Cuộc vận động do một người đàn bà khởi xướng như Anna Jarvis thường bị coi nhẹ trong các sách lịch sử, bởi vì đầu những năm 1900, phụ nữ dấn thân vào vô số cố gắng cải tổ khác, nhưng có vẽ như những cải tổ ấy giúp dọn đường để Anna Jarvis thành công trong chiến dịch vận động của Cô cho NGÀY CÁC BÀ MẸ.
Xin nhớ rằng: Ngày Các Bà Mẹ [Mothers’ Day] cũng dành cho các Bà Nội Ngoại [Grand-Mothers’ Day].
***********************************************************************************************************
Câu chuyện về một người mẹ : Tôi muốn con tôi sống
Đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu?
Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.
Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: “Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước”. Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: “Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm”. Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa… Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: “Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”.
Về những người lãnh đạo Trung Quốc
I. Ðại Hội 18 của Ðảng Cộng Sản Trung Hoa
Nếu không có gì thay đổi thì trung tuần tháng 10 tới, đảng Cộng Sản Trung Hoa sẽ tổ chức Ðại Hội Khóa 18. Nếu có trục trặc, mà e rằng có, người ta phải đợi đến thượng tuần tháng 11. Nghĩa là lãnh đạo đảng mất thêm hai tuần để thống nhất quan điểm.
Lý do trục trặc là 5 năm vừa qua, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quá nhiều đổi thay và gặp những thách đố mới. Vào dịp khác, “Hồ Sơ Người-Việt” sẽ nói về những thách đố mà thời sự hàng ngày đã có thể cho thấy.
So với đại hội trước, Ðại Hội 18 vào năm nay có tầm quan trọng 10 năm mới thấy một lần, vì đảng sẽ đề cử những người lãnh đạo cho thập niên tới và chuẩn bị tìm người cho thập niên sau đó. Giới quan sát Trung Quốc gọi đó là “Thế hệ lãnh đạo thứ năm.” Thế hệ sẽ giải quyết những thách đố mới và chuyển giao cho thế hệ thứ sáu, sẽ lãnh đạo từ năm 2022 trở đi, nếu như đảng Cộng Sản vẫn tồn tại.
“Hồ sơ Người-Việt” tuần này mở đầu với chuyện thế hệ và nói về những đổi thay nhân sự trên thượng tầng đảng.
Năm thế hệ lãnh đạo
Quy ước thông thường của giới nghiên cứu về đảng Cộng Sản Trung Hoa định nghĩa như sau về các thế hệ lãnh đạo
Thế hệ thứ nhất là những người đã trưởng thành và tham gia việc thành lập đảng năm 1921 và cuộc Vạn Lý Trường Chinh trong thập niên 1930. Họ lên lãnh đạo Trung Quốc từ 1949 đến 1976. Mao Trạch Ðông là người tiêu biểu.
Thế hệ thứ nhì là các đảng viên dưới quyền lãnh đạo của Mao đã tham gia kháng chiến chống Nhật (Thế Chiến II) và lên lãnh đạo khi Mao tạ thế, từ năm 1976 đến 1992. Khuôn mặt tiêu biểu là Ðặng Tiểu Bình và các “lão đồng chí” đã đẻ ra nhóm “Thái tử đảng” hiện nay.
Thế hệ thứ ba là những người trưởng thành thời nội chiến Quốc-Cộng và tham gia xây dựng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc năm 1949, rồi lên lãnh đạo từ 1992 đến 2002. Giang Trạch Dân là người tiêu biểu cho thế hệ đó.
Cả ba thế hệ này đều có một đặc tính chung là “cách mạng” – chống ngoại xâm và xây dựng xã hội chủ nghĩa trong một chuỗi mưu thuật chính trị đầy chất gian hùng.
Khi nhìn lại thì từ Mao Trạch Ðông (1893-1976) qua Ðặng Tiểu Bình (1904-1997) đến Giang Trạch Dân (sinh năm 1926), lớp người lên lãnh đạo đều trải qua nhiều cuộc chính biến và thanh trừng đẫm máu trong đảng, từ những năm 1927 đến 1989. Như Giang Trạch Dân lên lãnh đạo khi Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương bị cách chức rồi bị quản thúc tại gia năm 1989 (vụ thảm sát Thiên An Môn) cho đến khi từ trần năm 2005.
Giữ vị trí bản lề giữa ba thế hệ, Ðặng Tiểu Bình đã chứng kiến và vượt qua ngần ấy hoạn nạn. Ba lần bị “xuống chuồng bò,” nghĩa là hạ tầng công tác và bị giam lỏng, thậm chí bị truy lùng, mà ông vẫn vượt thoát và trở lại nắm quyền để đưa đảng và đất nước qua hướng khác.
Rút kinh nghiệm đó, Ðặng Tiểu Bình là người chọn Giang Trạch Dân cùng Kiều Thạch, Lý Bằng và Chu Dung Cơ lên cầm quyền. Cũng chính ông đã tuyển người sẽ lên lãnh đạo thuộc thế hệ thứ tư. Tiêu biểu nhất là đương kim Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào, sinh năm 1942, bên cạnh là Ngô Bang Quốc (1941), Ôn Gia Bảo (1942)…
Thế hệ thứ tư này là những người trưởng thành trong thời khủng hoảng của Trung Quốc là “Bước Nhảy Vọt Vĩ Ðại” (Ðại Dược Tiến, từ 1958 đến 1961) và “Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Ðại” (Ðại Văn Cách, từ 1966 đến 1976). Ðộng lực kinh tế rồi chính trị của Mao đã gây biến động kéo dài nên ảnh hưởng đến tâm tư và cách ứng xử của họ. Là các kỹ thuật gia dè dặt, kín đáo, họ giữ nét chung là sự chừng mực. Nhưng nổi bật nhất là nỗi sợ hãi “cách mạng” – hiểu theo nghĩa phiêu lưu.
Thế hệ thứ năm là những người không nhớ hoặc không thể biết (vì sinh sau) những gian nan thời “dựng nước” là các biến cố trước 1949. Tuổi ấu thơ của họ còn bị vết hằn của Ðại Văn Cách vì đi chăn bò khi trường đóng cửa. Họ trưởng thành từ những năm 1970 về sau và tương đối có học hơn các thế hệ trước. Nét chung là nếu đa số thế hệ thứ tư là những người tốt nghiệp kỹ sư thì thế hệ thứ năm có nhiều người học luật, kinh tế, khoa học nhân văn và cả bang giao quốc tế.
Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình (sinh năm 1953) và Phó Thủ Tướng Lý Khắc Cường (1955) thuộc vào thế hệ đó. Ðấy là hai người sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc sau Ðại Hội 18. Vì sao người ta đoán như vậy?
Thường Vụ Bộ Chính Trị
Trên lý thuyết, lãnh đạo đảng là Ðại Hội Toàn Ðảng, năm năm tổ chức một lần. Sự thật lại là sự chọn lựa từ trên xuống chứ không từ dưới lên. “Dân chủ Tập trung” là vậy.
Tham dự đại hội là hơn 2400 đại diện của 80 triệu đảng viên. Ðại hội bầu ra Ban Chấp Hành Trung Ương gồm hơn 200 Ủy viên Trung ương và khoảng 170 Ủy viên Dự khuyết. Ban Chấp Hành bầu ra Bộ Chính Trị gồm 25 người, cao nhất bên trong là 9 người của Thường Vụ Bộ Chính Trị, và 6, 7 người trong Ban Bí Thư Trung Ương.
Thường Vụ BCT là cơ quan lãnh đạo tối cao sau khi tham khảo ý kiến của cả Bộ Chính Trị. Còn lại, chuẩn bị nghị trình thảo luận để quyết định là Ban Bí Thư. Sau thời Hồ Diệu Bang làm tổng bí thư (1982-1987), Ban Bí Thư này hết còn tầm quan trọng như xưa.
Do một quy luật bất thành văn của Ðặng Tiểu Bình, những người lãnh đạo phải về hưu ở tuổi 70. Sau đó, nhu cầu trẻ trung hóa đã hạ mức hồi hưu xuống 68 tuổi, và lần này có thể còn thấp hơn.
Do quy luật đó, 7 trong 9 người của Thường Vụ BCT hiện nay sẽ phải về hưu, hai người trẻ nhất còn lại là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Họ sẽ lãnh đạo cùng các ủy viên Bộ Chính Trị hiện nay được nâng vào Thường Vụ. Như vậy, nếu Ðại Hội 18 quy định số ủy viên Thường Vụ vẫn là 9 người thì trên nguyên tắc có 7 cái ghế sắp trống. Từ mấy năm qua, mọi cuộc vận động, tranh thủ hoặc đấu tranh trên thượng tầng đều nhắm vào 7 chỗ trống này.
Nhưng quyết định chung cuộc vẫn do sự dồng thuận giữa 9 ủy viên được đưa vào Thường Vụ BCT qua các Ðại Hội 16 năm 2002 và Ðại Hội 17 năm 2007. Họ là những ai?
Thứ bậc bên trong
Thực ra, Thường Vụ BCT cũng có đẳng trật trong nội bộ. Báo chí quốc doanh có nhiệm vụ tôn trọng đẳng trật đó khi tường thuật. Muốn hiểu rõ về đẳng trật cao thấp và quyền uy thực tế của từng người khi họ chuẩn bị nhân sự lãnh đạo sau này thì ta còn phải hiểu thêm về cách tổ chức của đảng.
Trung Quốc có ba cơ chế lãnh đạo quan trọng nhất là đảng, nhà nước rồi tới quân đội.
Bên trong đảng thì đó là lần lượt Thường Vụ Bộ Chính Trị, Bộ Chính Trị và các ủy ban Trung Ương Ðảng mà họ gọi là Ủy Hội. Bên trong bộ máy nhà nước thì có 1) Ðại Biểu Nhân Dân (Quốc Hội), thường được gọi tắt là “Nhân Ðại,” mà thật sự lãnh đạo là Thường Vụ Quốc Hội, rồi 2) Quốc Vụ Viện (Hội Ðồng Chính Phủ) mà người cầm đầu là tổng lý, tức là thủ tướng, rồi 3) một cơ chế tư vấn gọi là Hội nghị Hiệp thương Chính trị, thường được gọi tắt là “Chính Hiệp.”
Cơ chế đảng và nhà nước cùng nhau lãnh đạo quân đội qua hai cơ quan có cùng tên, cùng thành phần nhân sự và cùng chức năng. Ðó là Trung Ương Quân Ủy Hội của đảng và của nhà nước. Tổng bí thư đảng, số một trong Thường Vụ BCT, là chủ tịch cả hai cơ quan cùng tên này, thường được gọi tắt là Quân Ủy, bên dưới mới là các tướng lãnh cầm đầu Bộ Quốc Phòng và quân đội. Chính cái thế hai mũ một chức vụ khiến quân đội và các tướng lãnh có ảnh hưởng chìm mà mạnh trong đảng và nhà nước mặc dù quân đội “phải nằm dưới sự chỉ huy của đảng.”
Ðại Hội 17 đã đưa 9 người lên lãnh đạo theo đẳng trật từ cao đến thấp sau đây:
1. Hồ Cẩm Ðào (1942), Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch hai Quân Ủy Trung Ương của đảng và của nhà nước.
2. Ngô Bang Quốc (1941), Bí thư đảng trong Thường Vụ Quốc Hội và Chủ Tịch Quốc Hội.
3. Ôn Gia Bảo (1942), Bí thư đảng trong Quốc Vụ Viện, tức là Tổng Lý Quốc Vụ Viện mà ta gọi là Thủ Tướng. Dù vẫn được thời sự nhắc đến hàng ngày, trong hệ thống đảng, ông này còn thấp hơn Ngô Bang Quốc.
4. Giả Khánh Lâm (1940), Bí thư đảng kiêm Chủ tịch Chính Hiệp, cơ quan tư vấn quy tụ các đoàn thể quần chúng do đảng lập ra và thực tế lãnh đạo, từ “mặt trận tổ quốc” đến công đoàn.
5. Lý Trường Xuân (1944), Trưởng ban Kiến thiết Tinh thần Văn minh của Trung ương đảng.
6. Tập Cận Bình (1953), Phó chủ tịch nước, Phó Chủ tịch hai Quân Ủy của đảng và nhà nước, Trưởng ban Bí Thư Trung ương và Giám đốc Trường đảng (Trung Ương Ðảng Giáo) cơ quan đào tạo 1.300 đảng viên ưu tú sẽ lên lãnh đạo sau này.
7. Lý Khắc Cường (1955), Phó Bí thư Quốc Vụ Viện nên cũng là Phó Thủ tướng.
8. Hạ Quốc Cường (1943), Bí thư (Trưởng ban) Kiểm Tra Kỷ Luật của Trung ương đảng.
9. Chu Vĩnh Khang (1942), Bí thư (Trưởng ban) Chính Trị và Pháp Luật Trung Ương.
Trong lối tổ chức này, người có nhiều quyền uy nhất phải lãnh đạo cả đảng, nhà nước lẫn quân đội. Kế tiếp là người của đảng có nhiệm vụ lãnh đạo Quốc Hội, sau đó mới là lãnh đạo Chính phủ và các đoàn thể quần chúng (Chính Hiệp).
Khi nhìn vào cách tổ chức, người ta cũng có thể thấy vai trò quan trọng của tư tưởng xuyên qua vị trí của nhân vật số năm, Lý Trường Xuân, ông ta chỉ đạo các ban tuyên truyền, huấn luyện và kiểm soát tư tưởng, truyền thông báo chí.
Song song, vai trò của Ban Kỷ Luật Trung Ương (Hạ Quốc Cường) cũng đáng kể vì có nhiệm vụ thanh lọc hàng ngũ đảng viên, và còn quan trọng hơn Ban Tổ Chức. Hạ Quốc Cường từng là Trưởng ban Tổ Chức trước khi Lý Nguyên Triều lên thay thế.
Sau cùng, trong hệ thống lãnh đạo, Chu Vĩnh Khang là người cuối bảng, cầm đầu Ban Chính Pháp với nhiệm vụ chỉ đạo hai bộ máy nội vụ (Bộ Công An) và an ninh (Bộ An Toàn Quốc Gia). Bộ Công An chỉ huy lực lượng cảnh sát, có võ trang hay không, và Bộ Quốc An chỉ huy hệ thống tình báo, an ninh và phản gián. Chu Vĩnh Khang là bộ trưởng Công An từ 2002 đến 2007 và đang bị dính líu đến việc nâng đỡ hoặc bênh vực Bạc Hy Lai.
Chín người trong Thường Vụ Bộ Chính Trị này phải dàn xếp để chọn trong số ủy viên Bộ Chính Trị còn lại những ai sẽ lên kế vị. Ngoài Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, các nhân vật có triển vọng hiện nay là Trưởng Ban Tổ Chức Lý Nguyên Triều (1950), Bí thư Quảng Ðông Uông Dương (1955), Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn (1948), Trưởng ban Tuyên Truyền Lưu Vân Sơn (1947), Phó Thủ tướng Trương Ðức Giang (1946), người vừa thay Bạc Hy Lai làm Bí thư Trùng Khánh.
Ngoài ra, cũng có chút hy vọng là Lưu Yến Ðông (1945) Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Phó Chủ tịch Hiệp Chính – phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính Trị – kế đó là Trương Cao Lệ (1947) Bí thư thành phố Thiên Tân, hay Ðại tướng Từ Tài Hậu (1943), Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, sĩ quan duy nhất trong Bộ Chính Trị hiện nay.
Nếu nhớ lại tiêu chuẩn về hưu là 67 hay 68 tuổi thì ai sinh vào quãng 1944 coi như ít hy vọng (Từ Tài Hậu và Lưu Yến Ðông) và nếu có thì chỉ được một nhiệm kỳ, đến Ðại Hội 19 vào năm 2017 là phải đi (Trương Ðức Giang, Trương Cao Lệ hay Lưu Vân Sơn). Chi tiết đó nói lên một khía cạnh khác: việc quy định tuổi tác có thể là yếu tố đấu tranh.
Sau khi mô tả hệ thống tổ chức, vào một kỳ sau, “Hồ Sơ Người-Việt” giới thiệu tiếp các phe phái trong trận, như “Thái tử đảng,” “Ðoàn phái,” “cánh Thượng Hải” và “Thái thượng hoàng,” các lãnh tụ đã hoặc sắp về hưu như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Ð
II. Phe phái trong Cộng Ðảng Trung Hoa
Chúng ta nhớ lại Giám đốc Công an Vương Lập Quân đã vào tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ xin tỵ nạn hôm mùng 6 tháng 2, sau đó là vụ Bạc Hy Lai bị cách chức bí thư Trùng Khánh qua lời thông báo chính thức của Lý Nguyên Triều, trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương vào ngày 15 tháng 3. Ngày hôm trước, khi kết thúc kỳ họp thứ 5 của Quốc Hội khóa 11, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo báo động là Trung Quốc có thể bị nguy cơ khủng hoảng như trong vụ Cách Mạng Văn Hóa từ 1966 đến 1976.
Thời sự nóng hổi lại bị nhồi trong tin đồn qua 4 ngày 19-22 tháng 3 về một âm mưu đảo chánh quân sự do Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, trưởng Ban Pháp Chính Trung Ương, tiến hành. Sau đấy, ngày 10 tháng 4 thì Bạc Hy Lai bị đuổi ra khỏi Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng, một chuyện khá hy hữu bất ngờ.
Những biến cố đó khiến dư luận xôn xao mà quên mất lời báo động của Ôn Gia Bảo, kèm theo là một phát biểu còn lạ hơn: “Sẽ có lúc chúng ta phải nhìn lại vụ Thiên An Môn năm 1989.”
Phải chăng ông ta hàm ý là đảng nên tự kiểm điểm về vụ này? Hơn 20 năm sau, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa mới hé răng nói đến một vụ tàn sát thường dân. Mà nhắc tới điều ấy trước khi có đại hội để đưa thế hệ thứ năm lên lãnh đạo và chuẩn bị nhân sự cho thế hệ thứ sáu, những người sẽ lãnh đạo Trung Quốc sau năm 2023.
Chi tiết ấy khiến ta chú ý đến sự kiện là những người sắp lên lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đều trưởng thành sau vụ Thiên An Môn nên rất sợ tái diễn khủng hoảng: 90 năm sau khi thành lập đảng Cộng Sản (năm 1921), hơn 60 năm sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ra đời (1949) và sau hơn 30 năm cải cách kinh tế (1979), Trung Quốc chưa tìm ra thể thức chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, yên ổn. Và mươi năm một lần, đến thời chuyển quyền xứ này lại gặp bất ổn vì đấu tranh nội bộ.
Nhớ lại khung cảnh chung rồi, chúng ta mới lần giở hồ sơ về các phe phái hay vây cánh trong trận đánh về quyền lực sắp tới.
Hai quan niệm về quyền lực
Đảng Cộng Sản Trung Hoa tự nhận là đại diện của 1) các lực lượng sản xuất tiên tiến, 2) nền văn hóa tiên tiến và 3) đại đa số quần chúng nhân dân. Ðấy là lý luận “tam cá đại biểu” của Giang Trạch Dân khi ông tổng hợp 80 năm kinh nghiệm của đảng và thông báo tại Ðại Hội 16 vào năm 2002, trước khi trao quyền cho thế hệ thứ tư là Hồ Cẩm Ðào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo.
Phần lý thuyết là vậy. Thực tế vẫn là vì đảng giữ vị trí độc quyền, các đảng viên đều cố lên vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị, vì quyền hay vì lợi. Lý luận “dân chủ tập trung” thì giả định là tiến trình tuyển cử lãnh đạo vẫn có đặc tính dân chủ trong đảng, chứ thật ra vẫn là chuyện gây bè kết phái.
Từ hai chục năm qua, người ta thấy chuyện bè phái kết tinh vào hai xu hướng.
Rất hợp lý với mưu thuật chính trị trong một xã hội không có dân chủ, xu hướng thứ nhất đi từ trên xuống. Họ là thành phần tự coi là tinh hoa của đảng khi tốt nghiệp hệ thống đào tạo cao cấp nhất hoặc xuất thân từ gia đình công thần. Xu hướng này cũng có lãnh tụ các tỉnh duyên hải xây dựng sự nghiệp quanh họ Giang và liên kết với nhau theo chủ trương là phải cải cách kinh tế để nâng cao khả năng cạnh tranh của xứ sở trên trường quốc tế. Nơi có sức cạnh tranh cao nhất chính là các tỉnh miền Ðông. Nhờ ưu thế chính trị và quan hệ thân tộc, họ bị mang tiếng là cấu kết và tham nhũng. Trong xu hướng gọi là “tinh hoa,” người ta có “Cánh Thượng Hải,” “Cánh Thanh Hoa” và nổi tiếng nhất là “Thái tử đảng.”
Xu hướng thứ hai đi từ quần chúng lên. Ở tuổi trung niên, họ phục vụ tại các địa phương có nhiều vấn đề rồi lên chức trong mạng lưới xây dựng nhân sự tương lai của đảng là Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản (“Cộng Thanh Ðoàn”). Ðặc tính của họ là “thân dân,” “đại chúng,” hay “mị dân,” tùy cách gọi. Khi lên tới chức vụ cao cấp thì họ nâng đỡ nhau với chủ trương tăng cường quyền lực trung ương để phân bố lại tài nguyên cho các tỉnh lạc hậu bên trong hầu có thể phát triển một xã hội hài hòa và ổn định. Xuất thân từ nguồn gốc đó, Hồ Cẩm Ðào là người dẫn đầu và nâng đỡ xu hướng này, mà người ta gọi là “Ðoàn phái.” Tuy nhiên, trong số này cũng có người tốt nghiệp các trường ưu tú như Ðại Học Bắc Kinh hay Phục Ðán ở Thượng Hải.
Chúng ta khó nhìn ra cái hợp lý của chuyện phe phái nếu không chú ý tới hai hướng “tinh hoa” và “thân dân” đó. Hồ sơ này xin dùng chữ một cách vô tư để diễn tả cái nhìn của kẻ trong cuộc, là các diễn viên trên chính trường Trung Quốc. Còn chuyện cách mạng, lý luận vô sản hay các khẩu hiệu khác, như “cải cách quốc gia” hay “bảo vệ chế độ,” đều chỉ là bề mặt.
Tuy nhiên, tút tỉa kinh nghiệm Cách Mạng Văn Hóa thuở ấu thơ và biến cố Thiên An Môn 1989 ở tuổi trưởng thành, các đảng viên đang tiến lên vị trí lãnh đạo đều ý thức được rằng còn đảng mới còn quyền. Cho nên, dù có tranh chấp và bè phái đến mấy, họ cũng rất sợ gây ra khủng hoảng trong đảng và vận dụng tối đa mưu lược cho việc chiếm tay lái mà không làm đắm thuyền.
Từ những nét chung đó, chúng ta đi vào từng phe.
Cánh Thượng Hải
Ðây chỉ là một phe trong đảng, quy tụ các trung ương ủy viên đã lên chức tại Thượng Hải nhờ sự cất nhắc của Giang Trạch Dân, xưa kia từng là bí thư Thượng Hải. Ngoài ra cũng có các đảng viên cao cấp từng phục vụ dưới quyền của họ Giang. Cách gọi tên phản ảnh một sự phê phán về âm mưu củng cố quyền lực của Giang khi đã phải về hưu từ sau Ðại Hội 16 vào năm 2002 mà vẫn gài người vào để chi phối hệ thống lãnh đạo của Hồ Cẩm Ðào, như Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Tăng Bối Viêm.
Cánh Thượng Hải bị tai tiếng nặng với vụ bí thư Thượng Hải là Trần Lương Vũ bị ra tòa và năm 2008 lãnh án 18 năm tù vì tội tham nhũng. Chu Vĩnh Khang, người nâng đỡ Bạc Hy Lai cũng thuộc cánh này. Chi tiết ấy khiến ta nên lưu ý đến lập trường hay sự im lặng của Giang Trạch Dân trong vụ khủng hoảng Trùng Khánh vừa qua. Vì lý do tuổi tác, cánh này mất dần ưu thế, nhưng vẫn có một đại diện sáng giá là Tập Cận Bình, người có hy vọng thay thế Hồ Cẩm Ðào là thế hệ lãnh đạo thứ năm.
Trong thế hệ này, ngoài họ Tập, Lý Trường Xuân, Trương Ðức Giang, Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lợi cũng thuộc cánh này…
Cánh Thanh Hoa
Ðại Học Thanh Hoa ở Bắc Kinh là ngôi trường nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc và đào tạo ra một lớp đảng viên ưu tú đã lên tới những chức vụ cao cấp nhất trong 10 năm vừa qua. Hồ Cẩm Ðào, Ngô Bang Quốc, Lưu Yến Ðông hay Tập Cận Bình đều xuất thân từ đây. Một số không nhỏ trong cánh này đã dám nghĩ tới việc dân chủ hóa từ dưới lên, nhất là những người tốt nghiệp xong còn được đi học tại Hoa Kỳ. Tuổi thanh niên của họ là dưới trào lưu cải cách của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương (từ 1980 đến 1989) nhưng lý tưởng ấy cũng bị sự biến Thiên An Môn 89 làm giảm bớt nhiệt tình. Tùy từng vấn đề mà họ có thể thiên về xu hướng “tinh hoa” hay quan điểm của Hồ Cẩm Ðào. Nhắc tới Thanh Hoa, người ta lại thấy ra khuôn mặt Tập Cận Bình.
Thái tử đảng
Theo nghĩa hẹp, đây là con cháu của tám công thần thời lập quốc gọi là “Bát đại nguyên lão” (Ðặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm, Trần Vân, Bành Chấn, Bạc Nhất Ba, Dương Thượng Côn, Hoàng Chấn và Tống Nhậm Cầm). Thật ra, họ thuộc tầng lớp “con ông cháu cha” thời cách mạng, con số thật có thể lên đến hơn 200. Trong số này cũng có người tốt nghiệp các đại học uy tín và đã lên tới vị trí cao cấp từ Ðại Hội 17. Ðiển hình là Tập Cận Bình, con trai Tập Trung Huân (hay Tập Trọng Huân? THD) và xuất thân từ trường Thanh Hoa và cũng đã đi học bên Mỹ (không có tài liệu nào về việc này — THD).
Nhóm người này không có một chủ trương hay quan điểm thống nhất ngoài tính chất có vẻ văn minh vì giao du với bên ngoài và liên kết cùng nhau vì quyền lợi. Nổi tiếng tích cực trên doanh trường – và tham nhũng – họ có một đặc tính chung là theo chủ nghĩa cơ hội. Giang Trạch Dân đã khéo vận động thành phần này làm thế lực đôi khi mâu thuẫn với Hồ Cẩm Ðào.
Trong thế hệ thứ năm, các khuôn mặt nổi của đám quý tộc đảng gồm có Phó Thủ Tướng Vương Kỳ Sơn, con rể của Ðào Y Lâm; Giang Miên Hằng và Tướng Giang Miên Khang, con trai Giang Trạch Dân; Trần Hạo Tô, con trai Thống chế kiêm Ngoại trưởng Trần Nghị; Tướng Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ; Trần Nguyên, con trai Trần Vân; Tăng Duy, con trai Tăng Khánh Hồng…. Cùng với Tập Cận Bình, Bạc Hy Lai là ngôi sao sáng nhất của nhóm này thì nay đã rụng.
Ðoàn phái
Trong các phe phái và vây cánh mạnh nhất ngoài tiền trường và trong hậu trường chính trị Trung Quốc có những đảng viên xuất thân và lên chức từ “Cộng Thanh Ðoàn.” Lý do đầu tiên là tổ chức.
Trước khi thành lập năm 1921, đảng Cộng Sản đã xây dựng lực lượng từ đoàn thể thanh niên này và ngày nay, họ có 73 triệu thành viên. Cái khung của việc đoàn ngũ hóa thanh niên làm nguồn nhân lực cho đảng khiến tổ chức này phát triển ở mọi địa phương và có quy củ hơn những kết hợp ngẫu nhiên vì gia cảnh (Thái Tử Ðảng) hay nghề nghiệp, chức vụ.
Từ khi Ðặng Tiểu Bình chọn Hồ Cẩm Ðào lên làm lãnh tụ đời thứ tư, “Ðoàn phái” đã thành hình: Họ Hồ tìm kiếm và nâng đỡ các thành viên rồi đưa họ đi phục vụ từ dưới cơ sở lên và ai thành công thì tiến dần vào hệ thống lãnh đạo của đảng. Mẫu số chung của phái này là nắm vững tình hình địa phương và vào tới trung ương thì tìm cách củng cố quyền lực trung ương để phát triển các địa phương nghèo hầu tạo ra quân bình và ổn định trong xã hội.
Trong thành phần sẽ lên vị trí lãnh đạo từ năm tới có Phó Thủ Tướng Lý Khắc Cường, Trưởng Ban Tổ Chức Lý Nguyên Triệu, Bí Thư Quảng Ðông Uông Dương, Ủy Viên Quốc Vụ Viện Lưu Yến Ðông (nữ), Phó Trưởng Ban Tổ Chức Lệnh Kế Hoạch, Bí Thư An Huy Trương Bảo Xuân, Bí Thư Tứ Xuyên Lưu Kỳ Bảo, Phó Bí Thư Sơn Tây Viên Thuần Thanh…
***
Nhìn trên toàn cảnh thì ta thấy ra sự tròng tréo về thành phần, xuất xứ, kiến thức và quan hệ giữa ngần ấy phe. Họ cùng nhắm vào thứ nhất một trong bảy ghế của Thường Vụ Bộ Chính Trị, thứ hai là một trong 25 ghế của Bộ Chính Trị, và các chức vụ then chốt trong đảng và nhà nước. Tinh thần chung là xây dựng sự đồng thuận của tập thể và cân bằng lực lượng để không phe nào có thế lực lấn át. Do hoàn cảnh lịch sử, Cánh Thượng Hải còn ưu thế mà mất dần, Ðoàn phái thì có nhân lực thay thế và còn nhắm vào thế hệ thứ sáu. Ðám Thái tử đảng ở giữa thì tìm cơ hội.
Cũng do bản năng tồn tại, thành phần lãnh đạo hiện nay ưu tiên chú ý đến tư tưởng, lý luận, kỷ luật và tổ chức an ninh với một quan niệm xã hội trái ngược với triết lý của Marx hay Engels: không phải những thay đổi vật chất – hay kinh tế – mà là tinh thần và văn hóa mới “cải tạo xã hội.” “Màu sắc Trung Hoa” hay sự tự tôn văn hóa có thể giải thích hiện tượng này.
Chi tiết ấy là điều đáng lo cho người Việt. Lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam có thể là vô văn hóa và có đầy bằng giả chứ lãnh đạo Trung Quốc thì không
III. Khẩu súng của Cộng Ðảng Trung Hoa
Đầu tiên xin nhớ rằng đảng có hai hệ thống quân sự. Một là “Trung Quốc Nhân Dân Giải Phóng Quân,” là quân đội theo nghĩa thông thường của các nước, mà họ gọi tắt là “Giải Phóng Quân,” PLA (People’s Liberation Army) theo Anh ngữ. Hai là “Trung Quốc Nhân Dân Võ Trang Cảnh Sát Bộ Ðội,” họ gọi tắt là “Cảnh Sát Võ Trang,” PAP (People’s Armed Police) theo Anh ngữ, với cấp số còn cao hơn quân đội dù là thoát thai từ quân đội ra kể từ năm 1983. Chi tiết nên ghi là “Cảnh Sát Bộ Ðội.”
Kỳ trước, ta đã chú ý đến đặc tính của đảng là cực kỳ quan tâm đến tư tưởng, lý luận và kỷ luật bên trong đảng. Kỳ này, nói về sức mạnh trấn áp của đảng để duy trì kỷ luật đó thì nên chú ý đến sự kiện bất thường của Trung Quốc: ngân sách và quân số của lực lượng bảo vệ an ninh nội bộ, từ cảnh sát võ trang đến công an và “bộ đội nội an” lại cao hơn của quân đội.
Khi làm báo hay viết sách, nên thấy rằng chi tiết ấy phản ảnh một sự việc: lãnh đạo Bắc Kinh sợ nội loạn hơn ngoại xâm. Xin nhớ nằm lòng sự kiện ấy vì khẩu súng của đảng ưu tiên nhắm vào người dân bên trong hơn là kẻ thù hay đối thủ tiềm thế ở bên ngoài. Chuyện “Lưỡi Bò Ðông Hải” hay hỏa tiễn liên lục địa là có thật, nhưng không thể che giấu nguy cơ nội loạn mà Cộng đảng cho là ưu tiên hơn.
Bây giờ, xin hãy cùng nhìn từ trên xuống…
***
Khẩu súng nội an và quốc phòng
Mao Trạch Ðông đưa ra chân lý khét tiếng: “Vì ‘quyền lực đến từ họng súng’, đảng mới chỉ huy súng chứ súng không chỉ huy đảng.” Ai cũng có thể hiểu chuyện này.
Từ chân lý đó, ngày nay và cũng là tháng 3 vừa qua mà thôi, Hồ Cẩm Ðào nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các lực lượng võ trang là “bảo đảm ổn định chính quyền, hệ thống chính trị và trật tự xã hội nhằm bảo vệ quyền lực đảng.” Ðó là ưu tiên thứ nhất, gọi là “hạch tâm quyền lợi” hay quyền lợi cốt lõi, trước khi quân đội nói đến “nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất toàn dân.”
Chúng ta cứ coi đây là khẩu hiệu, thường được nhắc nhở mỗi khi có kỳ họp của Quốc Hội, mới nhất là vào tháng 3 vừa qua, để các lực lượng võ trang bày tỏ sự tuyệt đối trung thành của họ, không phải với Nhân dân hay Quốc Hội, mà với đảng. Thời sự hàng ngày vẫn loan tin như vậy và người ta coi đó là sáo ngữ của tuyên truyền.
Nhưng đấy là đường hướng chỉ đạo của cả một hệ thống tổ chức chính trị.
Ðảng quan niệm, và Quốc Hội viết thành “Luật Quốc Phòng” ban hành năm 1997, hoặc Bộ Quốc Phòng công bố trong Bạch thư về Quốc Phòng, rằng các lực lượng võ trang của Trung Quốc gồm các đơn vị chủ lực và trừ bị của Quân Ðội Giải Phóng và của Cảnh Sát Võ Trang (báo Mỹ thì viết là PLA và PAP). Giải phóng quân thì “có nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc” (với hàm ý hiếu hòa là phòng thủ chứ không phải là tấn công) nhưng cũng có nhiệm vụ “hỗ trợ trật tự công cộng.” Bảo vệ trật tự công cộng là phần vụ của Cảnh Sát Võ Trang.
Trên mặt nổi thì quân đội đứng trước cảnh sát hay công an, trong thực tế thì quân đội giữ vai trò yểm trợ cho công an bên trong lãnh thổ. Trên mặt nổi thì quân đội nằm dưới quyền điều động của Bộ Quốc Phòng, còn cảnh sát công an nằm dưới quyền điều động của Bộ Công An. Trong thực tế thì cả hai đều nằm dưới quyền lãnh đạo của đảng.
Nhưng làm sao đảng thể hiện cái quyền đó?
Trước hết, Bộ Quốc Phòng chỉ là một bộ phận của Trung Ương Quân Ủy Hội bên phía nhà nước do chủ tịch nước lãnh đạo. Một Trung Ương Quân Ủy Hội khác, có cùng tên và cùng thành phần nhân sự, nằm trong hệ thống đảng mà cũng do tổng bí thư là chủ tịch. Tổng bí thư cũng là chủ tịch nước và hai quân ủy này thực tế là một và đảng thực tế kiểm soát quân đội qua cơ chế đó. Các tướng có lên lon hay đeo sao thì cũng từ đấy mà ra.
Hồ Sơ Người Việt sẽ có dịp tìm hiểu sau về bộ phận này và về vai trò của các tướng lãnh.
Ngoài Bộ Công An, Trung Quốc còn có Bộ An Toàn Quốc Gia hay “Quốc An” có trách nhiệm về an ninh đối ngoại, tình báo và phản gián. Thế giới bên ngoài có thể hiểu lầm khi nghe nói hoặc viết về Ministry of Public Security là “Gongan bu” (Công An Bộ) và Ministry of State Security là “Guoan bu” (Quốc An Bộ). Cả hai Công An Bộ và Quốc An Bộ đều nằm trong vòng kiểm soát và lãnh đạo của Ban Chính Pháp Trung Ương (Chính trị và Pháp luật). Ðấy mới là bàn tay của đảng.
Một thí dụ khác, thời sự vừa nói đến vụ luật sư khiếm thị Trần Quang Thành muốn đào thoát và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải xử lý với Bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Nhưng Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì mới chỉ là ủy viên Trung Ương Ðảng và người quyết định về ngoại giao là Ủy Viên Quốc Vụ Viện Ðới Bỉnh Quốc. Ông cầm đầu “Trung quốc Ngoại sự Công tác Lãnh đạo Tiểu tổ” – là mọi công tác đối ngoại – một bộ phận thuộc phạm vi trách nhiệm của Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Ðào. Ðới Bỉnh Quốc có thẩm quyền ra lệnh cho ngoại trưởng, sau khi có ý kiến của Tổng Lý Quốc Vụ Viện (cầm đầu Hội Ðồng Chính Phủ tức là thủ tướng) Ôn Gia Bảo và trên cùng là của Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước Hồ Cẩm Ðào.
Chi tiết ấy giải thích vì sao mà trong khuôn khổ “Ðối thoại về chiến lược và kinh tế,” Ngoại Trưởng Hillary Clinton lại nói chuyện với Ủy Viên Quốc Vụ Viện Ðới Bỉnh Quốc, chứ Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì chỉ giữ vai phụ dù đã tốt nghiệp Ðại Học Luân Ðôn và có văn bằng tiến sĩ Sử học.
Như vậy, khẩu súng hay cái lưỡi về đối ngoại của Trung Quốc vẫn nằm trong tay đảng.
Ðiểm quân tính số
Bây giờ, hãy nói về quân số và tổ chức.
Bộ Công An điều động một lực lượng hơn ba triệu người, gồm một triệu chín trăm ngàn cảnh sát, một triệu cảnh sát võ trang được huấn luyện và trang bị để bảo vệ an ninh (dẹp loạn, phá vỡ biểu tình), và những cơ quan an ninh mà ta hiểu là công an, có đồng phục hay không, với số lượng là bao nhiêu thì bên ngoài không biết. Ngoài ra còn có nhân sự bảo vệ tòa án và quản lý các trại trù.
Lực lượng này được tổ chức từ trung ương xuống các địa phương là tỉnh, thành phố, quận, huyện, hương trấn, v.v… Ngân sách tài khóa 2012 của lực lượng này được tăng từ 629.3 tỷ đồng Nguyên lên tới 701.8 tỷ, tương đương với 111.4 tỷ đô la. Xin hãy nhớ con số 111 tỷ.
Bộ Quốc Phòng thì có ngân sách tương đương với 106.4 tỷ đô la để điều động một lực lượng binh lính là hai triệu ba hiện dịch và nửa triệu trừ bị (tổng cộng là hai triệu tám) qua hệ thống song hành là các quân khu và đảng ủy địa phương. Nhưng các sĩ quan phải làm việc cùng các đảng ủy và cơ quan nhà nước ở cùng cấp bậc, từ tỉnh, thành phố xuống quận huyện, hương trấn.
Trong công vụ thường nhật, Giải Phóng Quân tức là quân đội không nằm trong hệ thống chỉ huy về an ninh của Bộ Công An, nhưng lại được các đảng ủy lãnh đạo, từ cấp trung ương tới địa phương. Khi hữu sự, quân đội là sức mạnh có nhiệm vụ tưởng là thụ động, hiện diện trong trại để hỗ trợ cảnh sát và công an. Nhưng khi có yêu cầu về an ninh, thí dụ như cứu trợ động đất hoặc dẹp loạn, mà cảnh sát, cảnh sát võ trang và công an không giải quyết nổi, thì quân đội ra tay.
Quyết định về việc đó không nằm tại Bộ Quốc Phòng hay các quân khu mà nằm trong đảng, từ trung ương xuống.
Thí dụ như tháng 3 năm 2008, khi có vụ nổi loạn tại Lhasa trong khu Tự Trị Tây Tạng (Lhasa là thủ đô của nước Tây Tạng đã bị Trung Quốc thôn tính và hoàn toàn kiểm soát từ năm 1959), quân đội ra khỏi trại để yểm trợ cảnh sát về chuyển vận và kiểm soát các trục lộ giao thông. Quyết định ấy là do đảng ủy Lhasa yêu cầu sau khi có sự đồng ý của đảng bộ ở cấp cao hơn.
Quan niệm chỉ đạo và cách tổ chức này khiến giới quan sát bên ngoài tranh luận khá lý thuyết về định nghĩa của ngân sách quốc phòng hay quân phí của Trung Quốc. Ngân sách cho cảnh sát võ trang có được coi là quân phí về quốc phòng không?
Nhưng người ta nên nhìn ra một chuyện bất ngờ từ lề lối tổ chức đó.
Quân đội Trung Quốc có những biểu trưng ra ngoài qua hình ảnh chiến cụ tối tân như hỏa tiễn, chiến xa, pháo hạm, v.v… làm thế giới chú ý và lân bang e ngại. Ðấy là phần “danh” của hình ảnh qua các binh chủng như Bộ Binh, Hải Quân, Không Quân và Ðệ Nhị Pháo Binh (hỏa tiễn chiến lược là chữ dễ hiểu). Phần thực là khả năng tác chiến.
Tác chiến với ai khi mục tiêu và nhiệm vụ được ghi ngay trong văn bản là phòng thủ và nhất là bảo vệ an ninh quốc gia, tức là hỗ trợ cảnh sát và công an để dẹp loạn?
Khi ấy, người ta nên chú ý đến việc quân đội vừa mới được trang bị thêm và huấn luyện lại việc sử dụng trực thăng và thiết giáp để yểm trợ an ninh nội địa. Chính thức là để chống khủng bố, thực tế vẫn là để dẹp loạn. Lực lượng Cảnh Sát Võ Trang đã có kinh nghiệm và phương tiện hoàn thành nhiệm vụ này, và thực tế đã có những đơn vị bộ binh cơ động mà xứ khác có thể gọi là khinh binh hay light infantry. Bây giờ mới đến lượt Giải Phóng Quân được huấn luyện về chiến thuật dẹp biểu tình. Nó hơi khác với truy lùng khủng bố.
Từ sự thể ấy, người ta nên chú ý đến các bản tin liên quan đến loại quyết định về nội an.
Mối nguy đến từ đâu?
Tháng 3 vừa rồi, nhân kỳ họp Quốc Hội (Nhân Ðại), Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Ðào hiệu triệu cả quân đội lẫn công an cảnh sát (PLA và PAP theo cách tường thuật của truyền thông quốc tế mà báo chí của ta dịch lại) là “phải quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ trật tự xã hội, kể cả trật tự của lực lượng quân sự.” Khi báo chí phiên dịch mà quên mất thứ tự ưu tiên là nội an rồi mới đến quốc phòng, PAP trên PLA, thì người đọc không thấy ra mối lo của đảng. Và chẳng để ý đến lời căn dặn của Hồ Cẩm Ðào: “Ngần ấy nhiệm vụ, kể cả bài trừ tham nhũng, phải được hoàn thành với ưu tiên là công tác tư tưởng và chính trị nhằm đảm bảo quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng trên mọi lực lượng võ trang.”
Thời sự trong tháng 3 có nhắc đến vụ Bạc Hy Lai và tin đồn đảo chính quân sự do trưởng ban Chính Pháp Trung Ương là Chu Vĩnh Khang dự tính thi hành. Khi phiên dịch và bình luận mà quên mất lời phát biểu của Hồ Cẩm Ðào và ưu tiên công an trên quân đội, chúng ta không giúp độc giả và dư luận thấy ra nỗi lo xương tủy của lãnh đạo Bắc Kinh.
Kết luận ở đây là lãnh đạo Cộng đảng Trung Hoa đang lúng túng về nhận thức và tổ chức. Về nhận thức, họ e ngại nội loạn sẽ gia tăng còn hơn áp lực của Hoa Kỳ hay các nước vây quanh. Trong khi ấy, về tổ chức thì Tổng Cục Chính Trị của quân đội vẫn cho các sĩ quan, đều phải là đảng viên, học tập về yêu cầu đối phó với ngoại xâm. Khoảng cách tâm lý giữa nội an và quốc phòng khiến quân đội đã không cập nhật được khả năng dẹp loạn và đối phó với “các thế lực thù nghịch bên ngoài.” Báo chí quốc tế thì diễn giải thế lực thù nghịch là từ bên ngoài Trung Quốc, thật ra, lãnh đạo Bắc Kinh nói đến thế lực bên ngoài đảng.
Từ chuyện ấy mà suy diễn ra những lúng túng của đảng, ta có thể thấy nỗi khó khăn của Bắc Kinh khi phân bố phương tiện (ngân sách) và nhân sự cho hai lãnh vực quốc phòng và nội an. Bên quân đội thì nhấn mạnh đến mối nguy ngoại xâm qua lời phát biểu của tướng lãnh để vận động ngân sách cho yêu cầu hiện đại hóa lực lượng quân sự. Nhưng ở trên lại ưu lo về nội an và chống động loạn.
Ðảng Cộng Sản cầm súng trong tay mà khẩu súng chưa rõ là phải chĩa vào đâu
@ viet-Studies