Cập nhật tin 11-5-2012

Nhiều bác sĩ dỏm từ Trung Quốc đến Hà Nội hành nghề chui

Nhiều bác sĩ từ Trung Quốc đến Hà Nội hành nghề chui tại các phòng mạch, mà theo báo Tiền Phong, họ “không giấy phép lao động, cũng không biết đó có phải là bác sĩ được hành nghề khám đông y hay không. Thực tế này khiến nhiều người tiền mất, tật mang.”
Tại phòng khám 59 Khương Trung, Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh phát hiện 12 bác sĩ dỏm
người Trung Quốc. (Hình: Báo Tiền Phong)

Báo Tiền Phong cho biết, “Mới đây, phòng khám 59 Khương Trung (Hà Nội) bị nhiều bệnh nhân tố là thuê thầy thuốc Trung Quốc kê đơn, chẩn bệnh nhưng những người này không có giấy phép lao động cũng như trình độ về chuyên môn nghề y.”

“Họ không những chẩn đoán bệnh vô tội vạ mà còn đưa ra các mức giá trên trời,” chị T. (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nói với báo Tiền Phong.

Theo chị T., được báo Tiền Phong thuật lại cho biết, “Khi đến khám phụ khoa tại phòng khám này, chị được một bác sĩ tên là Vương Tiểu Hoa khám và kiểm tra. Qua người phiên dịch, bác sĩ này cho biết, chị T. bị bệnh sùi mào gà rất nặng, phù nề ổ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, nguy cơ cao dẫn đến ung thư. Quá hoang mang, chị T. đồng ý khám chữa bệnh ở đây.”

“Trong vòng 7 ngày, tôi phải chi hơn 50 triệu đồng khám chữa bệnh,” chị T. cho biết.

“Cũng theo chị T., lạ lùng là, mỗi lần khám, bác sĩ người Trung Quốc đưa ra một mức giá khác nhau. Bên cạnh đó còn kèm theo những lời dọa dẫm về hậu quả của bệnh tật.”

Trong khi đó, vẫn theo báo Tiền Phong, “Các nhân viên phòng khám Khương Trung còn thường xuyên nói quá lời về năng lực của các bác sĩ người Trung Quốc để lừa bệnh nhân. Họ khẳng định, có tới 4 bác sĩ người Trung Quốc đang làm việc tại phòng khám này.”

Báo Tiền Phong dẫn lời Trung Tá Ðặng Tuấn Việt, trưởng phòng 7 (thuộc Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công An), cho biết, “Kiểm tra tại phòng khám 59 Khương Trung, phát hiện một nhóm người nước ngoài mặc áo blue trắng đang làm việc, trong đó 2 người tự khai là bác sĩ, số còn lại tự nhận là kỹ thuật viên, chuyên chăm sóc máy móc ở phòng khám.”

Sau đó, Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh đã xử phạt hành chính 12 lao động là người Trung Quốc làm việc cho phòng khám 59 Khương Trung mỗi người 15 triệu đồng, đồng thời đề nghị số người này phải xuất cảnh về nước.

Nhưng theo báo Tiền Phong, “Lạ thay, 10 ngày sau, số lao động trên lại được nhập cảnh vào Việt Nam, quay trở lại phòng khám 59 Khương Trung làm việc bình thường.”

—————————————————————————————————-

Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu-Thái Bình Dương LA 

Nhiều phim Việt, vừa sâu sắc vừa giải trí

LOS ANGELES (NV) – Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu-Thái Bình Dương ở Los Angeles (Los Angeles Asian Pacific Film Festival – LAAPFF) khai mạc vào tối Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012, tại rạp Directors Guild of America với cuốn phim “Shanghai Calling” của đạo diễn Daniel Hsia cùng các tài tử nổi tiếng Daniel Henney và Eliza Coupe.

Poster phim của các đạo diễn gốc Việt hoặc về đề tài Việt Nam của Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu-Thái Bình Dương ở Los Angeles. (Hình: Ban Tổ Chức cung cấp)

Kéo dài trong 10 ngày, đại hội sẽ trình chiếu 195 phim thuộc nhiều thể loại của các nhà làm phim gốc Á Châu tại Hoa Kỳ và quốc tế.

Ðặc biệt, Ðại Hội cũng sẽ chiếu nhiều phim của các đạo diễn gốc Việt như Thiên Mệnh Anh Hùng (Blood Letter) – phim cổ trang, võ hiệp kỳ tình của Victor Vũ; Viette, phim về những xung đột gia đình, tình yêu, đổ vỡ và hy vọng của Mye Hoàng; phim tài liệu Uploaded: the Asian American Movement của Kane Diệp nói về phong trào xuất hiện ào ạt trên youtube của các nghệ sĩ trẻ gốc Á; và một số phim ngắn của các đạo diễn Việt Nguyễn, Nguyễn Tấn Hoàng, Diệu Huỳnh, Kim Nguyễn, Duno Trần,…

Một số phim đào sâu vào đề tài liên quan đến người Việt cũng hứa hẹn gây nhiều chú ý trong kỳ đại hội này, như cuốn phim Mr. Cao Goes To Washington của Leo Chiang, phim tài liệu về cựu Dân Biểu Joseph Cao Quang Ánh trong bối cảnh phức tạp của chính trường đảng phái của Hoa Kỳ.

“Các đạo diễn gốc Việt, một lần nữa, chứng tỏ sức sáng tạo và chọn những đề tài sâu sắc nhưng đồng thời cũng mang đến cho khán giả sự giải trí cần thiết,” ông Abraham Ferrer, giám đốc đại hội điện ảnh, phân tích.

“Những bộ phim mới của Mye Hoàng và Victor Vũ đang được rất nhiều khán giả mong đợi, còn các phim Mr. Cao Goes To Washington và Uploaded: The Asian American Movement cho thấy một cộng đồng Việt vượt ra ngoài ranh giới cộng đồng và trở thành một phần quan trọng trong xã hội Hoa Kỳ.”

Thành lập vào năm 1983, Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu-Thái Bình Dương ở Los Angeles đã từng trình chiếu nhiều phim của các đạo diễn gốc Việt, điển hình như phim Green Dragon (Rồng Xanh) của đạo diễn Timothy Linh Bùi, ra mắt năm 2001. Năm 2006, đại hội khai mạc với phim Vượt Sóng của đạo diễn Hàm Trần, và năm 2007 đại hội trao giải Phim Xuất Sắc Nhất cho Dòng Máu Anh Hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn.

Mọi chi tiết về Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu Thái Bình Dương ở Los Angeles, xin vào trang nhàwww.asianfilmfestla.org.

————————————————————————————————–

Gái bar và các chiêu ‘bẫy’ trai Tây

Trận địa” của các em phải là quán bar, cafe dành cho Tây ở phố cổ Hà thành… Có  “em” mồi được một khách Tây bèn theo về khách sạn, đến nơi mới biết phải phục vụ 3 gã; “tởn” mất hơn tháng.

Để nhận biết những đối tượng chuyên “chài” Tây, người ta chỉ cần tinh ý nhìn thoáng qua là biết: Em nào em nấy ăn mặc mát mẻ, quần cạp trễ lồ lộ, quanh mình xăm đầy biểu tượng đặc trưng thương hiệu sexy cá ngựa, “play boy” (đầu thỏ)… và “lắc” hết mình. Không cần biết em là ai, từ đâu đến nhưng nom thoáng qua cũng đủ để đoán các em đang tự “tố cáo” cái “nghề” của mình.

Nói tới đám gái vũ trường, cave… các em nhếch mép “cười ruồi” bảo hạ đẳng “đò nát”. Đẳng cấp của các em là tiếng Anh như gió, cặp đôi với dân mũi lõ, tóc vàng từ nửa kia của trái đất…

Đôi lần, cùng gã bạn vào các quán bar, cafe fastfood được nhiều người hiểu ngầm “chỉ dành cho Tây” vì giá cả khá mắc tại Hàng Trống, Hàng Hành và ngõ Bảo Khánh, tôi bắt gặp nhiều cô gái Việt khá xinh đẹp, trang điểm son phấn đắt tiền với phục trang sành điệu ngồi “xì xồ” cùng các chàng ngoại quốc. Philip Mauret, một người bạn Pháp của tôi, khá thân thuộc các địa chỉ vui chơi giải trí ở Hà Nội sau đó đã xác nhận với tôi, đó chính là những cô gái chuyên đi bán dâm cho khách ngoại quốc.
Mới đây, qua sự giới thiệu của một ông bạn là Việt kiều Đức về thăm gia đình ở Hà Nội tên Tuấn, tôi làm quen được với Vân Anh, khách quen của một quán cafe dành cho Tây tại ngõ Bảo Khánh. Mới gặp không ai nghĩ cô là gái bán dâm. Vân Anh sành điệu chơi “củ kiệu” Piaggio LX, điện thoại Iphone đời mới nhất, trên người toàn quần áo hàng hiệu.
Điều đặc biệt ở Vân Anh là “kín cổng cao tường” chứ không hở hang giống mấy cô gái “đứng đường” ở khu vực vườn hoa Bát Cổ. Tuấn tâm sự, Vân Anh đã từng là “bạn” của anh trong chuyến đi Đà Lạt bảy ngày vào cuối tháng 7 vừa rồi. Trước đó, trong vài chuyến đi nghỉ cuối tuần tại Sa Pa, Tam Đảo anh cũng “mời” cô đi cùng. Tuấn khoái cái vẻ sành điệu song cũng khá nền nã, lại mang chút “bí ẩn phương Đông” ở Vân Anh.
Sau hồi trò chuyện kiểu “nhà nghề”, khi câu chuyện giữa tôi và Vân Anh trở nên thân mật, em bắt đầu “bật mí” những “kỹ xảo” “đong” và “vợt” giai Tây: Cứ khoảng 8h tối, khi các quán cafe trên phố cổ bắt đầu đông nghẹt khách Tây trở về thư giãn sau một ngày lang thang, du lịch khắp phố phường Hà Nội, thì cũng là lúc cô xuất hiện, kiếm một chỗ trống ngồi và chờ một anh chàng đến từ xứ sở của một vùng nào đó bên tận trời âu, Mỹ…
“Đó chỉ là phần vỏ thôi, nếu không chăm đến phần lõi thì cũng chẳng có được mối nào. Tây bây giờ cũng tinh lắm!”, Vân Anh thỏ thẻ. Theo em, phần lõi chính là việc chăm sóc cơ thể sao cho thật hấp dẫn.
Ai bước vào nghề này mỗi tuần chẳng đến thẩm mỹ viện dăm ba lần chăm sóc da, chuốt lại tóc…, song nếu lười mà bỏ qua khoản tập thể dục thẩm mỹ cho cơ thể săn chắc thì bao công sức cũng đành đổ đi.
Giới mại dâm cho khách ngoại quốc cũng có sự phân biệt “hàng chợ” và “hàng hiệu” khác nhau tùy theo nhan sắc và sự sành điệu. Các cô hay lân la săn mồi tại các quán bar, cafe fastfood trên khu phố cổ thường tự coi mình là “hàng hiệu” so với các cô cave, gái nhảy làm việc trong các vũ trường.
Vân Anh bảo: “Riêng bọn em cứ phải trăm (USD) trở lên”. Một người bạn của tôi khá sành sỏi thế giới ăn chơi ở Hà thành cho biết, hiện nay giới cave cho Tây còn có một chiêu “tiếp cận” khách hàng khá hiệu quả là dùng điện thoại di động đời mới để vào các trang web sex ngay trước mặt khách.
Với kiểu này thì ngay cả những người ngù ngờ nhất cũng hiểu các cô muốn gì. Và đến lượt mình, chỉ cần thứ tiếng Anh bồi, các cô vẫn có thể “giao dịch” một cách mỹ mãn với khách hàng!
 Kiếm được USD rủng rẻng, dễ dãi tự cho mình thuộc đẳng cấp “quý tộc” trong xã hội, khi họ toàn xài hàng xịn, đi xe đắt tiền, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn… song nhiều cô gái Việt chấp nhận dấn thân vào nghề này cũng phải nếm trải không ít cay đắng và tủi nhục chẳng khác gì những cô gái bán thân “bình dân” khác. Những ngày lang thang trong thế giới của các cô, tôi nghe được nhiều chuyện khó mà tin được.
Đó là chuyện của “em Thuỷ” nào đó vớ được một ông ngoại quốc đồng ý trả tận 200 USD cho một lần “over night”.
Cứ tưởng vớ bẫm, báo hại gặp phải ông Tây thuộc tuýp bạo dâm. Sau một đêm cô nàng trở về từ khách sạn với mặt mày, thân thể thâm tím phải “nghỉ dưỡng thương” cả tháng trời sau đó mới bình phục.
Rồi chuyện một “em” mồi được một khách Tây bèn theo về khách sạn, đến nơi mới biết phải phục vụ những ba gã; sau trận đó cũng “tởn” mất hơn tháng….
Theo Nguoiduatin

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và lực cản lợi ích nhóm

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là không tránh khỏi “đụng chạm” đến các nhóm lợi ích.

Có ý kiến cho rằng cần “đánh động” vào lương tâm của người lãnh đạo để giải quyết mâu thuẫn này. Tuy nhiên, kêu gọi lương tâm sẽ là sáo rỗng nếu mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và vai trò ra quyết định không tách bạch.

Lợi ích nhóm chi phối và làm hao hụt vốn nhà nước cũng là mặt trái của quá trình cổ phần hoá. Đã có trường hợp, việc định giá doanh nghiệp về giá trị thương hiệu và giá trị đất đai ở mức rất thấp so với giá thực tế trên thị trường.

Doanh nghiệp làm ăn kém, lãnh đạo vẫn giàu

Ông Hoàng Trần Hậu, Phó giám đốc Học viện Tài chính cho rằng cái khó nhất trong xác định giá trị doanh nghiệp chính là xác định quyền sử dụng đất và các tài sản vô hình như giá trị thương hiệu. “Một khu đất ai cũng nói được giá trị khoảng bao nhiêu. Nhưng khi quy chiếu theo các văn bản thì khó”, ông Hậu giải thích.

Thêm vào đó, vị phó giám đốc này cũng cho rằng, xác định giá trị doanh nghiệp cao thì thu được nhiều tiền nhưng bán với giá thấp thì lại có quan điểm cho là “làm mất vốn nhà nước”. Do đó, định giá doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu bán được tại mức giá đảm bảo quyền lợi của hai bên.

Trong khi đó, xét về lợi ích nhóm của quá trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp này, ông Nguyễn Văn Tường, Chuyên viên tài chính cao cấp cho là vẫn có hiện tượng “anh” nào cũng “đòi” làm chủ. Bộ chủ quản làm chủ, các ngành, hội đồng quản trị của tổng công ty cũng làm chủ. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không có chủ đích thực hoặc “vô chủ”.

“Bên cạnh đó, người chủ sở hữu, người đại diện nhà nước tại doanh nghiệp, từ trên xuống dưới đều không muốn cổ phần hoá vì sợ mất quyền lợi. Mặc dù doanh nghiệp làm ăn kém nhưng một số vị quản lý vẫn rất giàu!”, ông Tường nói.

Cũng theo chuyên gia này, trước đây, các doanh nghiệp khai lãi giả, lỗ thật nhưng bây giờ thì ngược lại, muốn nói lỗ cũng được mà lãi cũng xong bằng cách “giấu” nguồn. Là người chắp bút cho chính sách cổ phần hoá với nhiều năm theo dõi quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp nhà nước, ông Tường nhận định rằng, doanh nghiệp sau cổ phần hoá mà phần vốn nhà nước càng ít thì quản trị càng tốt, vì được điều hành một cách dân chủ.

Ở khía cạnh khác, ông Hậu cho rằng việc tái cơ cấu là không dễ vì liên quan đến quyền lợi của một số người.

Chẳng hạn, khi sáp nhập một số công ty con, thì sẽ có nhiều tổng giám đốc bỗng nhiên phải làm phó hoặc chuyển đi nơi khác. “Quá trình tái cơ cấu sẽ đem lại nhiều lợi ích chung nhưng không phải ai cũng hiểu, có người cố tình không hiểu vì liên quan quyền lợi của họ. Đã có trường hợp lãnh đạo công ty con mới sáp nhập thiếu sự phục tùng, chưa chịu nghe chỉ đạo của tập đoàn, hoặc chống chế”, ông nói.

Lợi ích nhóm là lực cản khó giải quyết nhất

Cách giải quyết lợi ích nhóm được ông Hậu đưa ra là quyết tâm của ban lãnh đạo và kêu gọi lương tâm của các cá nhân có liên quan. “Nếu không giải quyết được bài toán lợi ích nhóm thì nhiều tập đoàn sẽ khó thành công trong tái cấu trúc. Đây cũng chính là bài toán về việc lựa chọn con người cho quá trình này”, ông Hậu nhận định.

Một thành viên khác trong ban soạn thảo đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cho rằng, lợi ích nhóm chính là lực cản khó giải quyết nhất của quá trình tái cơ cấu.

Đặt niềm tin nhiều vào mô hình tổng cục quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp trong vai trò là đầu mối giám sát tài chính, tuy nhiên, ông Tường cũng đề xuất, để không hình thành lợi ích nhóm như một số ý kiến lo ngại thì cơ quan này cũng không được ôm quá nhiều quyền, đồng thời với trao quyền là trách nhiệm.

Cụ thể, bộ chủ quản chỉ quản lý vấn đề nhân sự còn tổng cục giám sát hoạt động tài chính. Theo đó, tổng cục này phải nắm được doanh nghiệp đang vay nợ bao nhiêu và cần kết hợp với bộ phận thuế để tăng cường giám sát. Qua giám sát tài chính biết được khả năng quản trị, biết được doanh nghiệp nào làm mất vốn, doanh nghiệp nào tiêu cực tham nhũng. Nếu tài chính mà giám sát tốt thì biết được chất lượng của doanh nghiệp.

Ông Tường cũng đề xuất tổng cục này cũng nên có sự phân cấp rõ ràng. Tại địa phương, tổng cục chỉ hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương làm, việc mình mình làm, việc địa phương địa phương làm.

Theo VnEconomy

Thư ngỏ của Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài của Hoa Kỳ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Kính thưa ngài:
Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài của Hoa Kỳ, một tổ chức đã bảo vệ tự do báo chí và tự do ngôn luận hơn 70 năm qua, rất lấy làm đau buồn bởi tình trạng ngày càng gia tăng bóp nghẹt tự do, đặc biệt là đối với các bloggers ở đất nước của ngài.
Các ví dụ gần đây nhất của sự đàn áp truyền thông là bản cáo trạng đối với 3 nhà báo bị giam giữ trong nhà tù Việt Nam suốt nhiều tháng qua. Các cáo buộc đối với ông Nguyễn Văn Hải,Phan Thanh Hải và bà Tạ Phong Tần liên quan đến tổng cộng 421 bài báo mà họ đã viết và đăng trên blog cá nhân, được cho là đã “phỉ báng nhà nước”. Cả ba người có thể phải lãnh án tù lên đến 20 năm nếu bị kết tội theo quy định của Điều 88, khoản 2 của Bộ luật hình sự Việt Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Theo tờ báo New York Times, ông Nguyễn Văn Hải, 60 tuổi, còn được gọi là Nguyễn Hoàng Hải, đã bị cầm tù từ năm 2008 về tội danh “trốn thuế”, trên thực tế thì sự “vi phạm” của ông là “viết về những vấn đề nhạy cảm của quyền con người, tham nhũng tại Việt Nam và chỉ trích tình trạng nhân quyền của Trung Quốc” ở trên blog chính trị mang tên Điếu Cày. Vào ngày dự kiến được trả tự do sau khi hoàn thành bản án 30 tháng tù về tội “trốn thuế” vào năm 2010, gia đình ông đã bị đánh thức bởi một cuộc đột kích của cảnh sát trước bình minh, và vợ của ông đã bị đánh đập bởi cảnh sát và nói rằng ông sẽ không được thả ra và chờ những cáo buộc mới. Tổ chức Ân xá quốc tế đã báo cáo rằng ông ta bị bệnh và đã mất sụt cân rất nhiều.

Phan Thanh Hải, 43 tuổi, bút danh Anh Ba Sài Gòn, đã bị bắt vào tháng 10 năm 2010 bằng lệnh tạm giam 4 tháng và đã bị giam giữ bắt không xét xử trong 18 tháng qua. Ông đã viết về các vấn đề chính trị nhạy cảm trên blog của ông, bao gồm tranh chấp với Trung Quốc về biên giới trên biển, một vụ bê bối liên quan đến nợ nần của một công ty đóng tàu của nhà nước, dự án khai thác bauxite nhiều tranh cãi và những nghiên cứu về trường hợp của những người bất đồng chính kiến nổi tiếng. Trớ trêu thay, ông cũng đã đăng một bài viết kêu gọi việc bãi bỏ Điều 88 vì ông tin rằng nó đã vi phạm Điều 69 của hiến pháp (đảm bảo quyền tự do ngôn luận) và Điều 53 tôn trọng các quyền của mọi công dân tham gia thảo luận các vấn đề của quốc gia và vùng miền.
Tạ Phong Tần, 44 tuổi, ghi chép những bất công xã hội và tố cáo tham nhũng trên blog của bà là Sự Thật và Công Lý. Bà bắt đầu sự nghiệp viết lách như là một nhà báo tự do, viết cho nhiều tờ báo chính thống ở Việt Nam và BBC Tiếng Việt. Bà đã lập trang blog vào tháng 10 năm 2006, viết về các vấn đề xã hội như sự ngược đãi trẻ em, tham nhũng trong guồng máy, bất công trong thuế phí, tịch thu đất đai bất hợp pháp bởi các quan chức địa phương, cũng như sự lạm dụng quyền lực lan tràn bởi công an tại Việt Nam. Là một nữ công an trước đây, bà bị bắt vào ngày 05 tháng 9 năm 2011.
Tại tất cả các quốc gia tân tiến, các nhà báo có nhiều chức năng quan trọng, trong đó góp phần nâng cao dân trí để người dân có thể tham gia hiệu quả vào các thảo luận của các vấn đề của đất nước, như được ghi rõ trong Điều 53 của Hiến pháp. Một vai trò quan trọng khác của nhà báo là điều tra đã phát hiện ra tham nhũng để các sai trái có thể bị truy tố. Ví dụ, Nguyễn Văn Khương, bút hiệu Hoàng Khương, đã vạch trần tình trạng tham nhũng của cảnh sát giao thông tham nhũng trong phóng sự điều tra của ông cho Báo Tuổi Trẻ. Đây cũng là một thể hiện đầy tính nhạo báng khi phóng sự của ông về nhân viên cảnh sát nhận hối lộ để bỏ qua hành vi vi phạm giao thông lại dẫn đến việc ông bị bắt giam vào ngày 02 tháng 01, 2012, để điều tra ông về hành vi hối lộ cảnh sát.
 Thưa ngài, thật là kinh ngạc khi tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã xếp Việt Nam vào hạng 172 trong 179 nước được khảo sát về Chỉ số Tự do báo chí hàng năm. Chỉ có bảy quốc gia đã được báo cáo là đàn áp truyền thông hơn so với Việt Nam. Theo RSF, hiện Việt Nam bỏ tù 5 nhà báo và 18 blogger.
Những thành viên của Ủy Ban Tự Do cho Báo Chí của Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài kêu gọi ngài trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo, các blogger và thực hiện ngay các bước có thể để bảo vệ quyền tự do phát biểu, đảm bảo bởi Điều 69 của Hiến pháp của nước Việt Nam và Điều 19 của  Bản Tuyên ngôn Nhân quyền.
 Trân trọng,
Susan R. Schorr
Larry Martz
Ủy ban Tự do Báo chí
Gửi đến:
Chủ tịch Trương Tấn Sang

Văn phòng Chủ tịch
1 Hoàng Hoa Thám
Hà Nội
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Fax: (011.84.4) 823,1872
cc:
 H.E. Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Chính phủ
Văn phòng của Thủ tướng Chính phủ
1 Bách Thảo
Hà Nội
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
 H.E. Nguyễn Quốc Cường
Đại sứ Việt Nam tại U.S.A.
Đại sứ quán nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1233 20th Street, NW (Suite 400)
Washington, DC 20036
Fax: (202) 861.0917
 Đại sứ Lê Hoài Trung
Đại diện thường trực
Công cán thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc
866 United Nations Plaza, Suite 435
New York, NY 10017
Fax: (212) 644.5732
 H.E. David B. Shear
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Đại sứ quán Hoa Kỳ
7 Láng Hạ
Quận Ba Đình
Hà Nội
Việt Nam
Fax: (011.84.4) 38.50.50.10
 Maria Otero
Trợ lý ngoại giao cho Dân Chủ và Quan hệ quốc tế
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
2201 C Street, N.W.
Washington, DC 20520
@ Danlambao