Cập nhật tin 8-5-2012

Bà Đặng Thị Hoàng Yến không có quyền từ nhiệm

Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã gửi đơn đến UB Thường vụ Quốc hội, chính thức xin từ nhiệm, nhưng không được chấp nhận.

Ngày 4/5, bà Hoàng Yến đã có đơn gửi đến UB Thường vụ Quốc hội, chính thức xin từ nhiệm. Trong lá đơn dài 2 trang, bà Yến không nói rõ lý do trực tiếp dẫn đến quyết định “xin rút khỏi Quốc hội” mà chỉ cho biết đã “mệt mỏi” vì “chịu nhiều sức ép dư luận”.
Ngày 5/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp kín, trong nội dung họp có liên quan đến vấn đề xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Trong cuộc họp này bà Yến đã không có mặt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu kín và nhất trí bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Yến, đưa nội dung này vào chương trình nghị sự chính thức tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (khai mạc ngày 21/5).

Bà Hoàng Yến trong buổi đối thoại với báo chí sáng 21/4. Ảnh: VNE.

Theo thông tin đăng trên Tuổi Trẻ Online, mặc dù bà Yến đã có đơn từ nhiệm gửi Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận.
Theo đó, một cán bộ phục vụ lâu năm tại Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng Quốc hội) giải thích: Theo Luật tổ chức Quốc hội, tại điều 56 có ghi “đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”.
“Đại biểu Quốc hội cũng có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất” (điều 57).
“Như vậy Luật tổ chức Quốc hội không có khái niệm từ nhiệm. Đại biểu không phải là chức danh do Quốc hội bầu nên cũng không thể từ nhiệm. Trường hợp của bà Yến không thể giải quyết theo điều 57 Luật tổ chức Quốc hội là xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu, bởi bà bị cho là thiếu trung thực, không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân, nên phải giải quyết theo quy trình bãi nhiệm được quy định tại Điều 56” – vị cán bộ Vụ Công tác đại biểu giải thích.
Trước khi UB Thường vụ Quốc hội họp và quyết định bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Ủy ban MTTQ trung ương và tỉnh Long An đã đồng ý đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Yến.
Bà Yến được cho là “không trung thực”, “khai man” hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 khi không khai tên người chồng đã ly hôn đang bị truy nã và việc đã từng vào Đảng. Tuy nhiên, trong các lần trao đổi, bà Yến đều không thừa nhận việc bị quy kết “không trung thực”.

——————————————————————————————

 Bình Luận giao thông  Hà Nội

Đoạn clip gần 4 phút có tên “Pha bình luận giao thông không thể đỡ” được đăng tải trên trang Youtube đang gây sốt trong cộng đồng mạng Việt Nam, khi chỉ sau 3 ngày, lập kỷ lục về độ “hót” 62.000 người xem.

—————————————————————————————————–

Những hình ảnh “quái lạ “về Hà Nội trong mắt khách du lịch ” Tây”

Các hình ảnh dưới đây do các nhiếp ảnh gia quốc tế ghi lại, được đăng tải trên trang Corbisimages.com.

Với du khách nước ngoài, ngồi trên một chiếc xe máy lao đi vun vút với tư thế như thế này quả là một điều tài tình.

Các đường phố ở Hà Nội ẩn chứa rất nhiều điều bất ngờ, ví dụ như cả một “rừng tre” ở phố Hàng Phèn.

Một người đàn ông như “biến mất” giữa những chồng vải cao có màu sắc rực rỡ.
Giấc ngủ giữa đường của một người lái xích lô.

Du khách có thể sẽ có một kiểu ảnh lưu niệm thú vị, nhưng sau đó phải trả tiền “boa” cho những người bán hàng rong hăng hái này.

Một màn “massage” lạ mắt bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Vào buổi sáng sớm, các đường phố vằng vẻ trở thành nơi tập thể dục của người dân.

Châm cứu – một phương pháp trị bệnh độc đáo được áp dụng tại một phòng khám Đông y

Không hiểu những chú chó con tội nghiệp này sẽ bị đưa đi đâu?

Có lẽ, cảnh tượng này không dành cho những người yêu chó. Nhưng yêu thịt chó thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Không chỉ có thịt chó, chân gà, móng lợn, ếch… những thực phẩm khó tưởng tượng khác có thể bắt gặp ở Hà Nội là lục phủ ngũ tạng lợn.

Và cả óc lợn. Trông thật… kinh dị.

Còn đây là gà tần. Món ăn này trông sẽ đỡ “ghê” hơn nều người ta đừng để những chú gà chổng ngược chân lên như vậy.

Đây là rượu nếp cẩm. Trông không mấy bắt mắt nhưng ăn rất ngon.

Loại quả kì dị này được gọi là “bàn tay Phật”, không dùng để ăn mà chỉ để bày trên bàn thờ.

Các túi gia vị có màu sắc sặc sỡ và mùi hương rất “nồng nàn”.

Lương của các ông chủ và CEO Việt khủng như thế nào?

Mới đây, thông tin bầu Đức nhận thù lao gần 3 tỷ đồng trong năm 2011 lại làm dấy lên sự tò mò của dư luận về lương thưởng của những ông chủ cũng như CEO các doanh nghiệp lớn, dù vẫn biết đôi khi đó chỉ là thu nhập tượng trưng, tiền còn chảy vào túi họ từ nhiều nguồn khác.

Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Trường Sơn, mới đây cho biết, Hoàng Anh Gia Lai ký hợp đồng lao động với ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT công ty, với mức lương tháng khoảng 240 triệu đồng. Nhự vậy, lương của bầu Đức một năm lên tới 2,88 tỷ đồng.

Bầu Đức cho hay, ông hài lòng với khoản tiền được nhận được, song không để tâm tới khoản này, nó chỉ là thu nhập tượng trưng, không nhận không được.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam cũng nhận mức thu nhập khủng tương tự. Năm 2011, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhận thu nhập gần 1,6 tỷ đồng và thêm 120 triệu đồng phụ cấp cho chức danh chủ tịch HĐQT.

Ngày 14/3, trong cuộc họp Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, hội đồng quản trị của công ty đã trình báo cáo thù lao của ban lãnh đạo và tổng giám đốc năm 2011. Theo đó, lương và trợ cấp của bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ năm 2011 là 111 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, CEO này còn nhận tiền thưởng tương đương 2,5 tháng lương. Tổng thu nhập của bà Dung khi làm CEO là gần 1,6 tỷ đồng (lương và thưởng)

Tờ trình cũng nêu rõ thù lao của Chủ tịch HĐQT công ty năm 2011 là 10 triệu đồng một tháng, Phó chủ tịch được nhận 7 triệu đồng và các thành viên khác là 5 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của bà Dung khi đảm nhiệm cả 2 chức vụ Chủ tịch và CEO PNJ là 121 triệu đồng một tháng, cộng thưởng 2,5 tháng lương sẽ tương đương hơn 1,7 tỷ đồng một năm.

Hồi tháng 3 năm nay, Công ty CP Cơ Điện lạnh (Mã CK: REE) cũng công bố tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012, trong đó có tờ trình thù lao Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát, lương Tổng giám đốc.

Tại tờ trình này, REE cho biết, từ năm 2007 đến 2011, mức lương Tổng giám đốc của REE là bà Nguyễn Thị Mai Thanh nhận được là 100 triệu đồng/tháng. Riêng trong năm 2011, với lãi thực đạt được là 513,64 tỷ đồng, thì tổng thù lao mà Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát của REE được nhận là 2,568 tỷ đồng.

Trong năm 2012, REE đề xuất vẫn giữ nguyên mức lương của Tổng giám đốc là 100 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn kèm theo chế độ khen thưởng trên lợi nhuận vượt kế hoạch. Và để khuyến khích công ty vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2012 thì REE cũng đề nghị Đại hội đồng cổ đông lần này phê duyệt phương án khen thưởng Tổng giám đốc và các Giám đốc điều hành của nhóm công ty 30% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch.

Tổng giám đốc hiện tại của REE là bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Bà Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại Tây Ninh, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) 1982 và có hơn 25 năm trên cương vị lãnh đạo.

Bà đầu quân cho REE từ năm 1982, đến 1986 thì REE vẫn đang là một công ty nhà nước. Chính người phụ nữ này là người đã góp công đầu trong việc cổ phần hóa công ty này từ những năm 1992 – 1993, đưa REE trở thành 1 trong 2 mã cổ phiếu đầu tiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bà cũng từng giữ chức thành viên HĐQT Sacombank trước khi chuyển giao vị trí này cho con trai là ông Nguyễn Ngọc Thái Bình. Ông Bình hiện đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tài chính (CFO) tại REE.

Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, lương của các giám đốc điều hành cũng ở mức đáng mơ ước. Theo khảo sát của Tower Watson tại 165 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong năm 2011, lương của cấp độ điều hành ở mức cao nhất với lương cơ bản 12 tháng lên đến hơn 1,05 tỷ đồng, lương tháng 13 ở mức gần 95 triệu đồng, tổng thực nhận bao gồm các khoản lên đến hơn 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có mức thu nhập khủng nhất trong giới lãnh đạo, CEO ở Việt Nam phải kể đến CEO của các ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên Tổng giám đốc Techcombank được cho là người có thu nhập cao nhất.

Về nguyên tắc, lương của các CEO ngân hàng (trừ các ngân hàng thương mại của nhà nước) không bao giờ công khai mà đều theo thỏa thuận giữa các ông chủ ngân hàng với CEO. Tại thời điểm cuối năm 2011, theo khảo sát và tìm hiểu chung có thể chia mặt bằng lương của các CEO ngân hàng cổ phần tư nhân trong nước làm ba loại. Và vị trí quán quân thuộc về ông Nguyễn Đức Vinh, khi đó đương nhiệm chức tổng giám đốc của ngân hàng Techcombank với mức lương khủng lên tới 1 triệu USD/năm (hơn 20 tỷ đồng), tương ứng hơn 1,6 tỷ đồng/tháng.

Mức thứ hai thuộc về các CEO giỏi, đã có tên tuổi, với lương khoảng 20.000 – 30.000 USD/tháng (tương đương 400 – 600 triệu đồng/tháng hay 4,8 – 7,2 tỷ đồng/năm). Mức thứ ba phổ biến nhất xấp xỉ 10.000 USD/tháng (khoảng 200 triệu đồng) thuộc những ngân hàng tốp thứ ba. Còn lại, một số ngân hàng nhỏ ít tên tuổi, thu nhập của vị trí lãnh đạo dù khá khiêm tốn, nhưng cũng từ dăm chục đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Từ đầu năm 2011, danh sách lương và thu nhập của CEO các ngân hàng cổ phần đã được lập, tuy không tới mức triệu đô nhưng cũng đủ “khủng” để khiến cơ quan chức năng lưu tâm. Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã tìm hiểu bảng kê thu nhập này.

Theo một người từng là lãnh đạo ngân hàng, lương bổng chỉ là một phần, trong thu nhập của các CEO, phải tính đến phần không nhỏ là cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu. Nếu tính các khoản lợi tức này, thời chứng khoán ở đỉnh cao, nhiều CEO ngân hàng có tổng thu nhập hàng năm lên tới triệu USD là bình thường.

@DatViet

Có những nỗi đau không nói được thành lời dù họ cũng là nạn nhân

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Hôm trước, ngồi theo dõi chuyện Văn Giang, thấy hai đoạn video clip trên mạng quay cảnh công an và côn đồ đánh đập hai người thật tàn bạo, đánh như đòn thù, đánh như chưa bao giờ được đánh. Nhìn những cú đạp bằng chân, đập bằng gậy, đá vào đầu, tát vào mặt, của cả những chàng mặc đồ công an to béo và tên và côn đồ không sắc phục vào một người mặc áo xanh đã thất thế nằm giữa hiên nhà, cứ như bọn này đánh cho hả cơn khát bạo lực lâu không được dịp thể hiện. Nhìn cảnh này, một người phụ nữ rùng mình bật lên tiếng chửi: “Mẹ cha nó, đánh thế con người ta còn sống được à? Sao con người chứ phải con thú đâu mà nó dã man thế? Con cái nhà ai mà bị đánh ra nông nỗi này thì còn sống sao được”.                                                                                              

Thế rồi hôm sau, anh Hào, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Hưng Yên lên báo cáo Thủ tướng cứ leo lẻo rằng: “Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.

Nghĩ cũng buồn cười cho trình độ của cán bộ ta. Cái sự móc nối giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước thế nào thì không biết, nhưng cái video đó mà là giả được thì quả là bọn chống đối còn tài hơn cả Tề thiên Đại Thánh có phép biến hóa thần thông. Nhưng rồi lại nghĩ chắc anh Hào này phải có một cơ sở nào đó để chắc như đinh đóng cột rằng cái video đó là giả, là dựng lên, vì chỉ cần không tìm ra người bị đánh, thì đương nhiên là không có vụ đánh người. Thực tế ở Việt Nam chúng ta đã có quá nhiều ví dụ cụ thể đấy thôi.

Nhà báo Ngọc Năm, Trưởng Phòng Thời sự – Chính trị – Kinh tế Đài TNVN

Trường hợp người biểu tình chống Trung Quốc bị đạp vào mặt được quay lại rất rõ ràng như thế, có nạn nhân hẳn hoi, mà cả bộ máy công an Hà Nội đông đúc, tinh vi như vậy còn tìm không ra thủ phạm. Đế như ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CA Hà Nội còn khẳng định là “Chúng tôi cũng không xác định được đoạn băng ấy có bị cắt, dán hay không”, thì cái chuyện giữa đám hỗn quân hỗn quan cưỡng chế cướp đất đó ai mà đi xác định được thật giả. Chắc là tin như vậy nênanh Hào mới to miệng báo cáo trước Thủ tướng như thế chăng? Có lẽ anh Hào nghĩ Thủ tướng cũng như đứa trẻ con, ăn rồi ngồi trong dinh, dưới báo thế nào thì nghe thế chứ biết cái gì.

Thế rồi mấy hôm nay nghe tin đó là hai phóng viên của VOV được phái đi công tác hẳn hoi đã bị lực lượng của “ta” tẩn cho lên bờ xuống ruộng. Hai phóng viên đó là Nhà báo Ngọc Năm, Trưởng Phòng Thời sự- Chính trị- Kinh tế Đài TNVN và Phi Long, Phòng Thời sự – Chính trị – Kinh tế Đài TNVN (VOV) thì mới té ngửa ra là cái ý nghĩ kia của mình cũng có lý. Hèn chi anh Hào to mồm khẳng định là video giả. Chỉ vì nạn nhân không may trong video đó nhưng lại rất may là “người nhà mình”, không phải là bọn nhân dân, nên chuyện này có thể xí xóa nội bộ được.

Nhà báo Phi Long, Phòng Thời sự – Chính trị – Kinh tế Đài TNVN

Nếu đó là bọn nhân dân, sau khi bị bắt đi, thì hẳn trước khi về cũng có thể đã có bản cung khai rằng “tôi đã được đối xử tốt, không bị đánh đập, bức cung hoặc tổn thất về tinh thần”. Nhưng con người thì còn đó, mà cái bọn phần tử chống đối nó nhan nhản tiềm tàng trong nhân dân còn đó thì cũng khó bịt được. Chứ quân nhà mình thì khỏe re, có cho thêm kẹo rồi đấm cho dăm quả nữa cũng đố dám kêu tiếng nào.

Quả là đúng như vậy, đến nay trên mạng đã khẳng định, chỉ đích danh hai anh nhà báo của VOV hẳn hoi, nhưng VOV vẫn cứ lặng câm như hến. Hội nhà báo Việt Nam, ngay trong ngày tự do báo chí, cũng ú ớ việt gian khi được hỏi về việc nhà báo bị đánh lại còn khẳng định sẽ có cách giải quyết riêng?

Hài hước hơn nữa, là hai nhà báo bị tẩn cho suýt “đi theo cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” mà cũng không ẳng lên được câu nào.

Điều này làm mình nhớ lại câu chuyện con chó nhà mình. Hồi đó nhà mình có con chó khá khôn, một lần đang đêm, nghe tiếng gà kêu nháo nhác, tưởng trộm vào bắt gà nên đi rình, đứng một chỗ rất lâu. Chợt con chó đen sủa lên ầm ĩ, nhìn thì không thấy gì nghĩ là nó làm lộ chuyện đi rình, bực mình, mình đá cho nó một đá thật đau, nó đã không im lại còn ăng ẳng lên liên hồi. Bực quá bấm đèn pin lên thì mới thấy một con rắn đang mò vào chuồng gà. Con chó biết mình đánh oan nên cho cứ vào trong góc ăng ẳng mãi không im.

Nhớ đến chuyện này, mới thấy khổ cho các anh phóng viên nhà nước chúng ta, bị đánh oan, đánh đau mà cấm kêu lên được một tiếng. Thói đời là thế, niềm vui khi được chia sẻ thì sẽ nhân lên, còn nỗi đau được chia sẻ thì vợi bớt. Nhưng bây giờ thì ngược lại, hai chàng nhà báo bị đánh lên bờ xuống ruộng vẫn cứ phải im. Còn nỗi đau, nỗi nhục nào bằng?

Nhớ lại kỷ niệm với phóng viên VOV một lần cách đây chưa lâu.

Đó là đêm 31/8/2008 tại linh địa Đức Bà Thái Hà, khi giáo dân đang cầu nguyện thì bị xịt hơi cay vào mặt phụ nữ và trẻ em. Hàng loạt phụ nữ và trẻ em ngất tại chỗ. Người xịt hơi cay “xin lỗi bà con vì phải hoàn thành nhiệm vụ rồi chuồn luôn”. Công an lúng túng và chối quanh khi được yêu cầu lập biên bản. Một đoàn thanh niên mang áo Đoàn TNCSHCM được phái đến gây rối.

Một anh bạn tôi vốn đã nghe những bài viết đọc ra rả lên án Thái Hà của VOV, liền gọi điện đến Trung tâm Thông tin – Đài Tiếng nói Việt Nam (số máy 04.8244354) đề nghị cho phóng viên đến hiện trường để thấy rõ vụ việc mà điều chỉnh cách truyền thông. Ông Ngọc Giám đốc Trung tâm, (số đt cố định: 04.9386140; số điện thoại di động là 0913237641) đã cử phóng viên Đình Hiếu (số điện thoại di động là 093234503) đến hiện trường. Nhưng phóng viên VOV dù đã viết rất nhiều bài về Thái Hà lại vẫn không biết lối vào Thái Hà và anh bạn tôi phải ra tận ngoài đường dẫn vào. Khi đến đó, các phóng viên báo chí, đài truyền hình, Đài Tiếng nói VN đã tận mắt thấy vụ việc, họ còn được đưa đến phỏng vấn nạn nhân…

Phụ nữ và trẻ em bị xịt hơi cay đêm 31/8/2008 tại Thái Hà

Người xịt hơi cay cầm bình xịt đứng giữa công an

Nhận lệnh

 Nhưng, sáng hôm sau, chính họ đã đổi nạn nhân thành thủ phạm một cách trắng trợn trên bài viết. Phóng viên Đình Hiếu (Đài Tiếng nói Việt Nam VOV) đã viết: “Lợi dụng trời tối, những kẻ chủ mưu đã rất thâm hiểm, xúi bẩy, mớm lời cho một số người hô hoán lên rằng bị đánh, bị xịt hơi cay đã ngất xỉu. Thế nhưng chẳng thấy ai phải sơ cứu, phải đi bệnh viện điều trị”?

Với đường lối làm việc của VOV như vậy, nên việc các phóng viên bị quân ta đánh phải quân mình mà buộc phải câm lặng là điều không có gì khó hiểu.

Về nhà đài, cách đưa tin, cách tuyên truyền là như vậy, về các cá nhân phóng viên thì công việc kiếm ăn là thế buộc phải im.

Nhưng có khi nào họ nghĩ về nhân cách con người?

Có khi nào trên giường bệnh giữa những cơn đau, họ thấy rằng họ cũng là những nạn nhân như giáo dân Thái Hà và bà con nông dân Văn Giang hôm đó?

Hà Nội, ngày 7/5/2012

J.B Nguyễn Hữu Vinh