Cập nhật tin 3-5-2012

Hàng trăm con hạc vừa xuất hiện đã thành mồi nhậu 

Hàng trăm con chim bạch hạc vừa xuất hiện ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ngay lập tức bị các thợ săn bắn hạ làm mồi nhậu.

Loài chim hạc trắng vừa xuất hiện ở Nghệ An. (Hình: Dân Việt)

Theo báo Dân Việt, “hôm 20 tháng 4, hàng trăm con bạch hạc bay về đậu kín đền Cả (xóm Trung Thuận, xã Nhân Thành, Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Rất nhiều người dân hiếu kỳ trong và ngoài xã đổ về xem.”

“Chỉ trong vòng một tuần, đàn bạch hạc hơn 200 con đã bị các tay súng bắn hạ làm mồi nhậu.”

Báo Dân Việt dẫn lời những người dân sống ở gần đền Cả cho biết, “vào thời điểm trên hàng trăm con hạc bay lượn nhiều vòng trên không trung rồi sà xuống đậu kín những cây cối trong khu vực đền Cả, chúng còn rủ nhau xuống hồ bán nguyệt để tắm.”

Báo này mô tả rằng, “Loài hạc này màu trắng, chân cao và rất dễ gần, nhiều người thấy hạc tắm đã đến đứng trên bờ vỗ tay nhưng nó không bay mà còn nô đùa, chao liệng rất đẹp mắt. Tuy nhiên, hàng trăm người kéo đến xem ồn ào nên đàn hạc đã bay đi khỏi đền vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 21 tháng 4.”

Tin cho biết, “Ðàn hạc này không bay đi xa mà quanh quẩn ở các xã Vĩnh Thành, Ðồng Thành, Mã Thành… nên đã bị hàng chục tay súng bắn hạ để làm mồi nhậu.”

Một tay thợ săn ở xã Ðồng Thành, nói với báo Dân Việt, “Loài hạc này dễ gần nên các tay súng tha hồ bắn hạ. Trong một buổi sáng ngày 26 tháng 4, riêng anh này đã bắn hạ được 27 con.”

Vẫn theo báo Dân Việt, “đàn hạc hơn 200 con này đã bị diệt gần hết, may mắn chỉ còn khoảng 5-6 con sống sót. Và điều đáng nói là chính quyền địa phương vẫn biết đàn hạc này bay về Ðền Cả và các xã lân cận nhưng dường như vẫn không có một hành động bảo vệ nào?”

Tại Việt Nam, nhiều tổ chức, báo chí truyền thông, đã lên tiếng về các vụ tận diệt chim trời để làm mồi nhậu nhưng những lời khuyến cáo này dường như không có tác dụng. 

——————————————————————————————————

Nhiều ‘gái bao’ ở Việt Nam là ‘ca sĩ, tài tử, siêu mẫu’ 

Tuyên bố tại cuộc họp về vấn đề ma túy hôm 1 tháng 5, cục phó Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội của Bộ Lao Ðộng-Xã Hội Việt Nam, Lê Ðức Hiền, thú nhận “gái bao” hiện đang là một nghề ăn khách tại Việt Nam.

Gái bán dâm đứng đón khách trên đường phố Hà Nội. (Hình: Báo Kiến Thức)

Không chỉ thế, “nghề” này trở nên loại hoạt động “phồn thịnh” trong giới thượng lưu. Kẻ “bao gái” thường là các đại gia của giới thượng lưu còn “gái bao” là các cô ca sĩ, tài tử điện ảnh, người mẫu…

VNExpress dẫn lời của ông Lê Ðức Hiền cho biết hiện nay nghề “gái bao” đang được “trẻ hóa” và đường dây “gái bao” có sự tham gia của các nữ sinh viên chưa tới tuổi hai mươi. Nhiều người còn ký hợp đồng “hành nghề dài hạn” với các đại gia “chồng hờ” muốn giành độc quyền “khai thác” cuộc đời của các “nàng kiều nữ” này.

Một phúc trình của Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội còn cho biết phần lớn các cô “gái bao” thuộc giới trí thức và “ngoại hình” đẹp. Nhờ “vốn liếng tự có” và kỹ thuật làm “vui lòng, đẹp ý” các đại gia, một số cô có thể ký hợp đồng làm việc, đóng vai thư ký, trợ lý của các ông giám đốc để hợp pháp hóa hoạt động mua bán dâm giữa đôi bên.

Phúc trình này còn cho biết, họ là sếp và thư ký riêng trước mắt mọi người trong những chuyến công tác, hội họp… nhưng sau đó là những người “chung chăn gối.”

Tại cuộc họp kể trên, Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội của Bộ Lao Ðộng-Xã Hội CSVN còn tiết lộ một số dẫn chứng về “người thật, việc thật” của một số đường dây “gái bao.”

Một trong những vụ án làm rùm beng dư luận bị khám phá vào năm 2001 tại Sài Gòn. Theo VNExpress, đường dây “sex tour” bị khám phá đã làm dư luận bán tín bán nghi về một số tổ chức “mãi dâm hạng sang” tại Việt Nam.

Ðến năm 2004, một ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn tên Lâm Nhật Ánh bị bắt giúp dư luận xác tín được đường dây “gái bao” quy tụ toàn các ca sĩ, tài tử điện ảnh, người mẫu không còn là chuyện “đáng nghi ngờ.”

Vào năm 2005, tú bà Trần Thị Phố bị bắt đã để lòi ra một nữ tài tử điện ảnh từng là người mẫu nổi tiếng và một người mẫu đoạt giải nhì cuộc thi triển vọng điện ảnh tại Sài Gòn.

VNExpress còn nêu đích danh cô người mẫu, tài tử nổi tiếng đó là Yến Vy từng xác nhận rằng mỗi lần “đi khách” của cô đáng giá từ 700 đến 1,000 đôla.

Báo này cũng cho rằng hoạt động của giới “gái bao” hình thành một thế giới ngầm quy tụ một số ngôi sao nổi tiếng của sân khấu ca nhạc, điện ảnh, người mẫu… cùng với các đại gia thừa tiền ăn chơi trụy lạc tại Việt Nam.

Cuối cùng thì dư luận cho rằng đã gọi là “thế giới ngầm” thì Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội của Bộ Lao Ðộng-Xã Hội dù cố gắng đến mấy cũng phải chào thua giới “gái bao” và các đại gia giàu sụ.

———————————————————————————————————

“Sài Gòn nhậu tối, Hà Nội nhậu trưa”

Nhậu mọi lúc, nhậu mọi nơi từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau và với mọi lý do ái, ố, hỉ, nộ. Vui uống, buồn uống, yêu uống mà ghét cũng uống.

Các đệ tử Lưu Linh trên toàn thế giới về cơ bản là giống nhau mà người xưa đã đúc kết thành “thất ẩm tửu”. Đó là tiên tửu, thánh tửu, hiền tửu, phật tửu, nhân tửu, cuồng tửu, cẩu tửu. Tuy nhiên, tùy theo các điều kiện địa lý, văn hóa, thói quen… mà có những cách nhậu khác nhau.

“Sài Gòn nhậu tối, Hà Nội nhậu trưa” là đúc kết rất chính xác của một nhà báo, nhà thơ và ông cũng là một trong những đệ tử ruột của thần tửu Lưu Linh.

Đã có không ít người từ Sòn Gòn ra đã không nắm được “tập tính” này của người Hà Nội và ngược lại, cũng không ít người từ Hà Nội vào không biết được thói quen này của người Sài Gòn và hậu quả là không ít cuộc nhậu có nguy cơ … tan vỡ.

Vậy vì sao lại có tập tính này?

Theo người viết bài này thì đầu tiên có lẽ do điều kiện địa lý. Miền Nam nắng nóng quanh năm nên nhậu vào buổi tối, khi khí trời dịu mát là thích hợp nhất. Ngược lại, miền Bắc mùa đông thường lạnh, nhất là các tháng cuối năm, cái rét cắt da cắt thịt khiến người ta không muốn bước ra khỏi nhà.
Nguyên nhân thứ hai có lẽ do người Sài Gòn làm ra làm mà nhậu ra nhậu.

Cái lối nhậu “tới bến” này mà diễn ra vào buổi trưa là toi mất cả ngày và kéo đến hết đêm. Hà Nội thì khác. Dân Hà Nội phần nhiều là công chức, làm lằng nhằng mà nhậu cũng lằng nhằng nên không ít cuộc nhậu kéo dài từ trưa sang 3 – 4 giờ chiều để rồi đảo về cơ quan làm dăm ba việc, chấn chỉnh tư trang, dung mạo cắp cặp về nhà như vừa trở về từ … cơ sở.

Nguyên nhân thứ ba có lẽ do đàn ông Hà Nội tinh ranh, ma giáo nên rất chú trọng bữa cơm gia đình buổi tối. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm nhưng buổi tối là dứt khoát về nhà quây quần quanh mâm cơm với vợ, với con kiểu thực hiện chính sách “hậu phương quân đội”.

Có lẽ vì vậy mới có câu “Sáng dẫn cơm đi ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm, tối cơm về nhà cơm, phở về nhà phở”.

Đàn ông Hà Nội nhậu đâu thì nhậu, say mấy thì say nhưng vẫn nhớ điện về cho vợ phần cơm anh nhé để rồi khi ngật ngưỡng bước qua khung cửa là xì xúp bát nước rau muống luộc, miệng rối rít khen nước rau vợ luộc sao ngon thế.

Có lẽ về khoản này, đàn ông Sài Gòn ít kinh nghiệm hơn và phụ nữ miền Nam cũng ít sư tử Hà Đông hơn chăng?

Một nguyên nhân nữa là người Hà Nội thường đã về nhà là không muốn đi đâu nữa vì đường xá đông đúc, chật chội và bụi bặm. Cái ngõ nhỏi, hun hút lúc nào cũng đông người, lạch được cái xe ra ngoài là cả một sự kiện.

Có một đặc điểm người Hà Nội khác người Sài Gòn nữa. Người Sài Gòn thích mời khách đến nhậu ở nhà nhưng người Hà Nội thì ngược lại, chỉ thật thân thiết mới mời nhau đến nhà còn chủ yếu là kéo nhau ra quán.

Lý giải điều này có lẽ do người Hà Nội giàu thì kín đáo, không muốn phôi trương, sợ người khác nhờ vả hay suy diễn mà nghèo thì muốn giấu đi bởi “xấu xa đậy điệm”. Chả ai muốn khoe cái nghèo, cái khổ của mình trừ thời cải cách ruộng đất. Đối với các vị có chức, có quyền thì việc đến nhà gần như là quá hiếm.

“Sài Gòn nhậu tối, Hà Nội nhậu trưa”. Cái đúc kết tưởng như vớ vẩn này nhiều khi lại rất quan trọng. Đã không ít các cuộc nhậu trên bờ phá sản bởi không biết đến điều này. Tuy bản chất của nhậu giống nhau nhưng phong tục mỗi nơi mỗi khác.

Vì sao hàng loạt ‘quan’ ngân hàng ‘ngã ngựa’?

Chức vụ cao, lại làm việc trong ngành nghề có mức lương vào hàng ‘khủng’ nhất nhưng vì hám lợi, hàng loạt quan chức các ngân hàng bỗng chốc ‘trắng tay’.

Giám đốc, Phó giám đốc BIDV Phú Yên bị cách chức

Mới đây nhất, ngày 24/4, ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh tỉnh Phú Yên, cho biết: Hội đồng quản trị của BIDV Việt Nam đã có quyết định cách chức đối với ông Nguyễn Công (SN 1956), Giám đốc BIDV Chi nhánh tỉnh Phú Yên.
Ngoài ra, BIDV Việt Nam cũng có quyết định cách chức Phó giám đốc BIDV Phú Yên đối với ông Nguyễn Văn Tuyến và cảnh cáo Phó giám đốc Nguyễn Duy Sinh  vì có sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tài chính – tín dụng.
Trước đó, Đoàn kiểm tra của BIDV Việt Nam phát hiện Chi nhánh BIDV Phú Yên có nhiều khoản cho vay thiếu minh bạch, dẫn đến khả năng mất vốn. Điều này góp phần làm cho tình trạng nợ xấu tăng cao ở Chi nhánh BIDV Phú Yên trong thời gian ông Công làm giám đốc từ năm 2003 đến nay.
Hiện, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra, làm rõ trách nhiệm của ông Công và một số thuộc cấp liên quan đến việc vợ chồng Hồ Minh Hậu – Phạm Thị Ái Loan – hiện đang bị Interpol truy nã quốc tế – bởi hành vi lừa đảo các ngân hàng với số tiền lên đến hơn 400 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Giám đốc Ngân hàng Phương Nam lĩnh án chung thân

Do “ỉm” hơn 15 tỷ đồng tiền vay của nhiều chủ nợ, tháng 8/2011, nguyên giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Nam, Trần Thị Gái đã bị TAND Hà Nội tuyên phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Giám đốc ngân hàng Phương Nam lĩnh án chung thân do “ỉm” 15 tỷ đồng.

 Theo cáo buộc của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, khi đương chức Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam, bà Gái đã vay, chiếm đoạt hơn 15,2 tỷ đồng của 5 chủ nợ. Cụ thể, từ tháng 4 đến 7/2007, bà Gái 12 lần vay tiền của ông Phạm Quang Tuấn (quận Hai Bà Trưng), tổng cộng hơn 12,8 tỷ đồng. Trong số này, người vay chỉ trả nợ được gần 6 tỷ đồng. Trong tháng 10/2007, bà Gái tiếp tục chiếm đoạt tiền của ông Nguyễn Toán Hùng (huyện Gia Lâm) khi vay 2,4 tỷ đồng và nhận tiền 1,2 tỷ đồng tiền bán nhà nhưng không chịu giao nhà…

Với tội danh tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và không có khả năng hoàn trả, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phương Nam, Trần Thị Gái đã bị tuyên phạt tù chung thân. 

Giám đốc VietinBank Trà Vinh bị khởi tố
Ngày 25/11/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Ngô Công Bình – giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Trà Vinh (51 tuổi).
Trước đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Ngô Công Bình và ông này đã bị bắt tại nhà riêng ở khóm 3 phường 4, TP Trà Vinh vì có dấu hiệu “tham ô tài sản”. 
Cụ thể, ông Ngô Công Bình chỉ đạo bà Ngô Thị Thanh Vân – Phó giám đốc và cấp dưới lập hơn 600 hồ sơ khống chiếm đoạt khoảng 2,2 tỉ đồng từ việc chi hoa hồng môi giới huy động vốn. Những hồ sơ này ông Bình chỉ đạo bà Trần Thị Hạnh Dung (phó phòng kế toán – phụ trách phòng) lấy thông tin từ các khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, lập khống hồ sơ và rút tiền.
Ông Bình cũng chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hòa – Phó phòng kho quỹ tiền tệ, chuyển toàn bộ số tiền hoa hồng môi giới vào tài khoản của bà Hòa. Khi khám xét trụ sở Ngân hàng Vietinbank Trà Vinh, cơ quan điều tra đã tịch thu một số lượng vàng và hơn 700 triệu đồng trong tài khoản của bà Hòa.
Ông Bình cũng chỉ đạo trích tiền từ quỹ lương hơn 600 triệu đồng để chi cho công tác huy động vốn, nhưng không hề có chứng từ và lập khống kế hoạch hội nghị khách hàng 6 tháng đầu năm 2011 để chiếm đoạt số tiền dự kiến mua làm quà tặng cho khách hàng.

Phó tổng ngân hàng BIDV hầu tòa

Khoảng đầu tháng 2/2010, cả nước như rúng động bởi thông tin Đoàn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam bị bắt do lợi dụng chức vụ để trục lợi nhiều tỷ đồng.

Đoàn Tiến Dũng tại tòa. 

Có trình độ kỹ sư Đại học Xây dựng và thạc sĩ Học viện ngân hàng cộng thêm kinh nghiệm làm việc trong ngành 23 năm, Đoàn Tiến Dũng đang giữ chức vụ cao tại một ngân hàng lớn thuộc tốp nhất nhì trong nước,bỗng dưng mất chức, mất quyền lại vướng vào vòng lao lý vì cái tội hám tiền.
Theo điều tra của cơ quan công an, từ năm 2006 đến năm 2008 ông Hoàng Văn Khánh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Dệt may xuất khẩu Hải Phòng đã vay vốn tại Chi nhánh ngân hàng BIDV Hải Phòng số tiền trên 45 tỷ đồng. Sau đó, ông Khánh quyết định bán tài sản thế chấp là bãi cảng container tại quận Hải An (TP.Hải Phòng) với giá 57 tỷ đồng.Sau khi hoàn tất hợp đồng, bên mua đã chuyển 57 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Cổ phần Dệt may Xuất khẩu Hải Phòng tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV Hải Phòng. Tuy nhiên, khi ông Hoàng Văn Khánh đề nghị được thực hiện thủ tục rút tiền mặt và chuyển khoản thì lãnh đạo ngân hàng BIDV Hải Phòng không đồng ý. Tiếp đó, ông Đoàn Tiến Dũng Phó TGĐ ngân hàng BIDV đòi ông Khánh phải “lót tay” 5 đến 7 tỷ đồng thì việc mới được giải quyết.Ông Khánh chấp nhận và chuyển cho ông Dũng cùng đồng bọn tổng số hơn 6 tỷ đồng, chia làm 3 lần. Tuy nhiên, ông Đoàn Tiến Dũng vẫn đòi thêm 1 tỷ đồng.Sáng ngày 2/2/2010, tại một quán phở trên phố Giảng Võ, Hà Nội khi ông Đoàn Tiến Dũng đang nhận 1 tỷ đồng tiền hối lộ thì bị lực lượng thuộc Phòng PC15 công an Hà Nội bắt quả tang.

@ DatViet

Tiên Lãng, Văn Giang: Bước đầu của cuộc ‘cách mạng nông điền’

Hoàng Hạc/Người Việt

Trước vụ Văng Giang, nếu nói xa hơn một chút, có thể nhắc đến Cồn Dầu, Dakmin, Can Lộc… và Tiên Lãng. Những sự kiện này đều có chung một điểm là nhân dân nổi giận trước sự áp chế vô lý của chính quyền lên quyền lợi của mình và phản đối, phản kháng.

Trong vụ Văn Giang, người nông dân công khai gọi chính quyền là kẻ cướp đất. (Hình: Internet)

Theo thời gian, những sự kiện này có cấp độ mạnh dần về cả hai phía, nhà nước và nhân dân.

Nếu như những sự kiện trước Tiên Lãng đều dừng ở mức biểu tình, treo biểu ngữ phản đối chính quyền bất công thì từ Tiên Lãng trở đi, vũ khí bắt đầu xuất hiện, cấp độ và qui mô phản đối cũng như cưỡng bức ngày càng tăng cao.

Ở Tiên Lãng, gia đình anh Ðoàn Văn Vươn đã dùng súng hoa cải để đối phó với các loại súng chuyên nghiệp cũng như chó săn và lựu đạn cay của công an. Kết quả, súng đã nổ và mọi sự rơi vào giằng co bất phân minh, gia đình anh Vươn gặp thêm nhiều khó khăn chồng chất vì chịu sức ép từ chính quyền nhưng họ vẫn kiên định đấu tranh.

Ở Văn Giang, số lượng người bày tỏ thái độ bất bình và đấu tranh tăng lên cao, lên đến vài trăm người, họ quyết chống đối đến cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Ðể đối đầu với nhân dân, chính quyền đã huy động hàng ngàn công an, cảnh sát đến trấn áp, dùng lựu đạn cay, dùi cui và quả đấm để đè bẹp, bắt bớ nhân dân.

Có một mẫu số chung đáng nhớ ở tất cả những sự kiện liên quan đến đất đai tại Việt Nam: Những quyền lợi của các đại gia, trọc phú, được công an thay mặt nhà nước bảo vệ đến tận cùng; Quyền lợi của người dân không được đoái hoài đến và thậm chí bị áp bức, đàn áp một cách dã man.

Trong những cuộc đàn áp này, nhà nước, chính quyền ra lệnh, công an thực thi mệnh lệnh một cách không cần suy nghĩ, hành động và hành động, khiến người chứng kiến phải đặt câu hỏi: Công an là ai? Họ có phải là con người?

Công an là ai?

Xin thưa, họ là những con người được học hành, được đào tạo từ nhân dân để trở về phục vụ nhân dân.

Sở dĩ nói họ được đào tạo từ nhân dân là chính xác 100% bởi vì ngành công an được đào tạo trong một môi trường đặc thù mà tất cả các ngành khác không có được. Từ vấn đề học phí được miễn 100% trong quá trình học cho đến sứ mệnh của họ trong tương lai: “Công an nhân dân.”

Và thử đặt lại vấn đề, đảng Cộng Sản, chính quyền, nhà nước Việt Nam này tồn tại mấy mươi năm nay là nhờ đâu, nếu không dựa vào nhân dân, nếu nhân dân không đóng thuế hằng ngày, hằng giờ để nuôi họ, liệu họ có tồn tại được cho đến ngày hôm nay?

Và, các trường đại học có tồn tại được cũng hoàn toàn dựa vào công sức của nhân dân, hiểu trên mọi nghĩa đều như thế.

Trường đào tạo công an thì càng nặng nợ với nhân dân gấp nhiều lần những trường khác, vì nhân dân đóng thuế hằng ngày để nuôi nấng họ từng bữa ăn, cái giường ngủ, bộ áo quần, để họ học tập đến nơi đến chốn, tốt nghiệp, ra trường với đầy đủ kỹ năng bảo vệ an ninh.

Nhưng, những sự kiện gần đây, từ những trí thức yêu nước xuống đường biểu tình chống Trung Quốc cho đến những người dân thấp cổ bé họng kêu gào đau đớn vì những quyền lợi xương máu của họ bị lấy đi không thương tiếc… đều bị “công an nhân dân” quay mặt, đàn áp và giải quyết bằng bạo lực.

Không biết, trong số công an tham gia những cuộc bắt bớ, có ai có (hoặc từng có) cha mẹ là nông dân? Có ai từng chứng kiến những giọt mồ hôi vắn dài trên trán, trên lưng của cha mẹ? Có ai từng nhìn thấy cha mẹ cấp ca cấp củm từng đồng lẻ cho con mình ăn học, rồi mua sắm, rồi đóng thuế, vì họ luôn ý thức đóng thuế là yêu nước?!

Cuộc cách mạng nông điền

Nếu chịu khó quan sát và xâu chuỗi mọi sự kiện, tình huống và kết quả, sẽ cho ra được đáp án rất đáng xấu hổ: Nhân dân càng lúc càng xa lánh, thậm chí có người thù hận công an, tương lai của ngành công an trở nên đen tối.

Nói tương lai của công an đen tối là hoàn toàn có cơ sở, một chế độ, một ngành nghề, một nhóm hay một đảng phái có tồn tại được hay bị bứng gốc đều tùy thuộc vào thiện cảm và tấm lòng của nhân dân dành cho họ.

Chuyện đất đai, chuyện chủ quyền đất nước là vấn đề sống còn của nhân dân, của dân tộc. Những ai chống đối và đàn áp những chí hướng bảo vệ phần thiêng liêng này đều trở thành phản động trong con mắt nhân dân.

Và kết cục của một kẻ phản động sẽ như thế nào?

Sự kiện Văn Giang đã lộ rõ chân dung của kẻ phản động nhân dân, bất chấp mồ hôi, xương máu và tiếng thở dài, tiếng kêu bi thương của họ mà soán đoạt tận xương tủy.

Nhân dân sẽ đau đớn, nhân dân sẽ thù hận.

Nhưng, con tốt thí lần này dùng để ném về phía nhân dân lại là những công an nhân dân. Một ván cờ quá hiểm độc, gây đau khổ cho cả nhân dân và công an.

Vô hình trung, những đồng lương còi cọc cùng chức năng “bảo vệ đảng” đã đẩy những công an ra chường mặt, chịu trận, chịu tội phản động trước nhân dân, nhưng thành quả, miếng ngon thì lại thuộc về kẻ khác ở “phía trên.”

Ðiều này nhắc nhớ đến những con chó săn tội nghiệp và những gã thợ săn tinh ranh. Mỗi khi có mồi, những thợ săn thả chó và ra sức kích động cho nó săn, nó có thể trả giá bằng tính mạng trong lúc tranh sống còn với con mồi.

Nhưng, khi con mồi chết, gã thợ săn chễm chệ làm thịt con mồi chè chén nó say, nếu còn chút trắc ẩn, gã thợ săn sẽ ném cho con chó một miếng xương gọi là thưởng công.

Ðó là chưa nói đến chuyện lỡ có một giai nhân đến bên gã thợ săn nũng nịu rằng mình đang thèm thịt con chó săn này vì nó đẹp, nó giỏi, thịt của nó sẽ ngon!

Dù sao, những người công an, suy cho cùng, họ cũng đáng tội nghiệp vì họ bị mắc bẫy ngay từ trứng nước. Phàm đã làm người, ai cũng mong muốn con người hướng thiện, hành thiện lành, quay đầu là bờ…

Và, cái bẫy lớn nhất ở đây chính là những người “bề trên” đã phản bội ra mặt đối với không những nhân dân mà cả công an, họ đã đẩy công an vào tình thế đối đầu với nhân dân, chịu trận và gây hận thù với nhân dân. Trong khi họ ngồi chễm chệ nhìn những con tốt mình thí chết dần mòn…

Và, với đà trấn áp mỗi lúc một mạnh tay, qui mô càng thêm rộng và sắt máu với nhân dân, thì câu chuyện khó mà dừng ở đây! Và, có khi nào người công an tự hỏi về số phận của họ một khi Việt Nam xảy ra cuộc Cách Mạng Nông Ðiền giống như Cách Mạng Hoa Nhài chẳng hạn?!

@NguoiViet