Đời sống hôn nhân – Sức hấp dẫn chết người của… phụ nữ “xấu”

Đàn ông thích phụ nữ đẹp là chuyện đương nhiên. Nhưng đàn ông cũng thích cả phụ nữ xấu, nếu không phải như vậy sao dân gian lại có câu: “Đàn bà không xấu đàn ông không yêu”.

Xem ra những phụ nữ “xấu” vẫn có nhiều lợi thế trong chuyện tình cảm.

Cuốn sách của tác giả Sherry Argov (Mỹ) nhan đền Why Men Love Bitches sau khi xuất bản năm ngoái đã được bán rất chạy tại Trung Quốc. Tại Trung Quốc cuốn này được đặt tên “Phụ nữ xấu có người yêu” nội dung miêu thuật lại 180 câu chuyện, cách ứng xử của những người phụ nữ trong thực tế cuộc sống. Như lời tác giả, cuốn sách của ông trả lời cho câu hỏi: “Tại sao đàn ông lại thích những phụ nữ “xấu”?”. Cái mà Argov nêu lên không phải ca ngợi người phụ nữ nên tốt hay nên xấu mà để cho chúng ta học hỏi kinh nghiệm trong cách ứng xử tình cảm giữa nam và nữ.

Tình cảm giữa nam và nữ giống như trò chơi cút bắt. Họ thích nhau, chờn vờn nhau, ai là người hiểu đối phương sẽ là người thắng cuộc. Thử nhìn lại những người phụ nữ tạm được xếp là “tốt”. Ừ thì họ tốt thật, hiền lành, chân thật đó là ưu điểm cũng là nhược điểm của họ, bởi vì bất luận trong tình yêu hay hôn nhân họ cũng luôn là người chịu thiệt thòi. Họ có thể sống hết mình vì người đàn ông họ yêu và nhiều khả năng người đàn ông đó lại chết mê chết mệt một người khác – một phụ nữ bị cho là “xấu”.

Có người nói, lừa đàn ông rất dễ mà không dễ, phụ thuộc vào bản tính và quá trình tích lũy kinh nghiệm của phụ nữ. Đàn ông thích lời nói dịu dàng, hảo ngọt thế nên đôi khi chỉ cần phụ nữ giở chiêu “thảo mai điêu chác” một tí là có thể “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. Ví như hai vợ chồng giận dỗi nhau, cô vợ cứ ngồi trong lòng chồng ôm chặt mà nói: “Em giận anh lắm! Anh làm em buồn lắm!”. thử hỏi anh chồng có dám quát tháo nữa hay không? Tiếc là không phải ai cũng làm như thế được. Người phụ nữ tự cho mình là sống chân thật thì hẳn đã phải làm cho rõ ràng ai sai, ai đúng. Thế nên dù phải chịu thiệt thòi cũng có lý của nó.

Một số kinh nghiệm của phụ nữ trong cách ứng xử với nam giới mà Argov đưa ra trong cuốn sách cụ thể như sau:

– Hãy luôn bí ẩn: Bí ẩn là một vũ khí lợi hại của phụ nữ để đàn ông luôn phải tìm hiểu, giống như đọc một cuốn sách hay mà mãi không biết được chương kết sẽ thế nào.

– Biết cách đề cao giá trị bản thân: Trong khi giao tiếp với phái mạnh nên biết khi nào thì nên nói về bản thân mình và nói những gì.

– Yêu chính bản thân mình: Chẳng ai yêu bạn hơn chính bạn, nên đừng nghĩ rằng mình yêu người ta “chết đi sống lại” thì họ sẽ đối xử lại với bạn như vậy. Trước hết bạn cần yêu chính mình rồi sau đó mới đến đối phương.

– Thông minh phải biết giấu mình: Đừng lúc nào cũng chứng minh mình thông minh hơn đàn ông, đó không phải là cách ứng xử khôn khéo trong lĩnh vực tình cảm.

– Hương vị phụ nữ: Để giữ đàn ông của mình điều quan trọng bạn phải có hương vị phụ nữ. Hương vị phụ nữ chẳng gì khác ngoài nét nữ tính mà ông trời ban tặng cho phụ nữ. Vậy nên bạn hãy khai thác và vận dụng nét đáng yêu vốn có của mình. Một bữa cơm ngon, một giọng nói ngọt ngào, một ánh mắt ấm áp dịu dàng… ai có thể rời xa bạn được? 

– Biết nắm giữ vận mệnh của chính mình: Chẳng cần biết bạn theo đuổi đàn ông thế nào, nắm giữ họ ra sao, một điều cốt yếu là cần phải biết nắm giữ vận mệnh của mình. Nếu bản thân không định hướng rõ ràng cho cuộc sống của mình thì bạn còn có thể quyến rũ ai, nắm giữ được tâm hồn của ai nữa?

“Đàn bà không xấu đàn ông không yêu” dường như là một quy luật bất thành văn. Dù rằng, tốt và xấu đôi khi lại trở thành cặp phạm trù khó có thể phân định rõ ràng. Nhưng biết học cách thay đổi tính tình một chút, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống và làm chủ cuộc đời mình đó là điều quan trọng mà phụ nữ dù tốt, hay “xấu” đều nên tìm hiểu học hỏi.

Theo Thể thao&Văn hoá

Di dân gốc Việt và những được mất đời thường

“American Dream” – Giấc Mơ Mỹ – giấc mơ cho tất cả những ai khao khát một cuộc sống tốt hơn, giàu hơn và đầy đủ hơn. Và tùy từng hoàn cảnh, từng cuộc đời, mỗi di dân đến mảnh đất này mang theo một “giấc mơ Mỹ” rất khác nhau.

Câu chuyện của bà Quách Ngọc Yến (Yến Lê) ở San Jose, của ông Ðạt Diệp ở San Diego, và của ông Jimmy Phan ở Bắc California, những người Mỹ gốc Việt có mặt tại miền đất tự do này từ hơn 20 năm qua, cho thấy phần nào những thành, bại cũng như cảm nhận về ý nghĩa của hai chữ “tự do” đa dạng và thú vị hơn những điều mọi người vẫn nghĩ.

Từ chiếc xe lunch đến Lee’s Sandwiches

Bà Quách Ngọc Yến, cư dân San Jose: “Muốn nhận thật nhiều, trước hết tay phải mở rộng.” Hình: Vợ chồng

chủ hệ thống Lee Sandwiches, bà Quách Ngọc Yến và ông Lê Chiêu. (Hình: Gia đình cung cấp)

Tám cửa tiệm Lee’s Sandwiches tại miền Nam California, 40 tiệm ‘franchise’ trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, và hơn 300 xe “lunch” (lunch trucks) đậu trong “sân nhà” là những gì mà vợ chồng bà Quách Ngọc Yến cùng gia đình gầy dựng được từ khi đặt chân tới Mỹ năm 1979, cho đến nay.

Năm 1978, bà Quách Ngọc Yến, khi đó mới 21 tuổi, con một chủ vựa bán vật liệu xây dựng ở Sài Gòn, cùng chồng là ông Lê Chiêu, con một chủ lò đường ở Long Xuyên, cũng 21 tuổi, mỗi người dẫn theo 3 người em ruột, theo một ông chú, xuống tàu vượt biên.

Ðến Mỹ năm 1979, cũng vất vả, khó khăn như bao người di dân khác, ông Chiêu Lê khởi đầu công việc mưu sinh bằng nghề xẻ thịt bò tại tiểu bang New Mexico.

Sáu tháng sau, khi cả gia đình đoàn tụ tại Mỹ, vợ chồng bà Yến dời về miền Bắc California, chọn San Jose làm nơi định cư. Tại đây, ông Chiêu Lê bắt đầu công việc phụ bán hàng cho một xe “lunch.” Nhưng chỉ sau hơn 2 tháng, với số tiền dành dụm được, vợ chồng bà Yến mua lại một chiếc xe lunch của người Mỹ. Kể từ đó, “tôi lái xe, còn anh Chiêu đứng chiên xào thức ăn trong lúc xe đang chạy, lái lòng vòng mấy hãng điện tử, những nơi đang xây dựng, để bán cho người ta vào giờ ăn trưa.”

Bằng giọng nói thanh thản, nhẹ nhàng, chủ nhân hệ thống Lee’s Sandwiches kể tiếp, “năm 1981, tức chỉ một năm sau, với sự phát triển và trợ giúp của gia đình, vợ chồng tôi phát triển lên thành 10 chiếc, rồi mở hãng. Có thời gian, mình có tới cả 500 chiếc xe lunch của khách hàng đậu ở bến của mình để sáng mình cung cấp hàng cho họ đi bán.”

Song song với việc kinh doanh xe “lunch,” từ năm 1983, mỗi Chủ Nhật, thấy xe để không, ông bà Lê Văn Bá, thân phụ mẫu của ông Chiêu, đề nghị “dùng xe lunch để mang bánh mì ra bán nơi ngã tư coi có được không.”

“Ai ngờ lúc đậu đó bán, người ta ủng hộ rất đông. Thế là khoảng 3 năm sau, do đậu xe ở đó bị cảnh sát phạt hoài nên gia đình bàn nhau mướn tiệm để làm, rồi phát triển luôn.” Bà Yến nhớ lại.

Tuy nhiên, từ năm 1983 đến năm 2000, bánh mì Lee’s Sandwiches vẫn chỉ có hai tiệm ở San Jose. Năm 2001, ông Chiêu Lê cùng người con trai lớn là Minh Lê bắt đầu suy nghĩ đến chuyện phát triển thương hiệu bánh mì Lee’s Sandwiches thành hệ thống chi nhánh “franchise” có tầm vóc lớn hơn.

Cuộc đời, người ta vẫn nói “ông trời không cho ai được mọi sự hoàn hảo nhưng cũng không đẩy ai đến bước cùng cực không lối thoát.” Ý tưởng đưa thương hiệu Lee’s Sandwiches vào thị trường Mỹ vừa thành hình thì một tai nạn lớn xảy ra cho gia đình: Minh Lê qua đời trong một tai nạn giao thông.

Nỗi đau đớn tê điếng đó không làm vợ chồng bà Yến ngã quỵ, mà ngược lại, nó như tiếp thêm ý chí để người mẹ, người cha vừa mất con này, bằng mọi cách phải thực hiện cho được ước mơ, ý tưởng của đứa con trai mình.

Hai vợ chồng bà cùng làm. Cả gia đình cùng làm. Ðể miền Nam California có sự hiện diện của Lee’s Sandwiches kể từ đó. Ðể nhiều tiểu bang trên đất nước Hoa Kỳ có Lee’s Sandwiches kể từ đó. Và, để một thương hiệu bánh mì Việt Nam chính thức bước vào thị trường dòng chính kể từ đó.

Không dừng lại ở bánh mì, ông Chiêu Lê còn sang Pháp tìm người học cách pha chế cà phê, từ rang, xay, đến thử hương vị. Gần 10 năm nay, cà phê Lee’s Sanwiches không chỉ trở nên quen thuộc và được ưa thích, mà từ cuối năm 2011 những bình cà phê sữa hiệu Lee’s Sandwiches đã tự hào có mặt trên kệ hàng của công ty Costco, khu vực Nam California.

Ðánh giá sự thành công của Lee’s Sandwiches đến ngày hôm nay, bà Yến Lê cho rằng “thực sự là do may mắn và nhờ ơn trên,” kế nữa là “nhân viên quá giỏi, vì nếu không, mình chỉ có hai tay thì không làm nổi đâu.” Ðồng thời “nếu không có sự thương mến, ủng hộ của khách hàng thì những dự tính của mình cũng không thành.”

Dường như bà không muốn nhắc đến những nhọc nhằn mà vợ chồng bà đã bỏ ra trong suốt những năm tháng đầu, làm việc 6 ngày một tuần, ngủ chừng 5 tiếng mỗi đêm, và nỗi lo thường nhật: “Liệu bán có đủ tiền chi phí cho gia đình, tiền tả sữa cho con hay không.”

Theo chủ nhân Lee’s Sandwiches, “Trong suốt mấy mươi năm qua, dù có những lúc lao đao, nhưng chưa bao giờ mình có ý định bỏ nghề, chuyển theo hướng khác. Tôi thấy ở xứ này, nếu mình cố gắng, làm thật tốt thật chăm, đương nhiên phải có cơ hội nữa, nhưng nếu mình cố gắng, đừng chán nản thì mình không bị phụ lòng đâu.”

Bà Yến Lê nói như tâm tình: “Vợ chồng tôi quan niệm, tay mình phải mở thì mình mới nhận được, tay mình cứ nắm thì mình không nhận được gì hết. Muốn nhận thật nhiều, trước hết tay phải mở rộng. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là điều mình phải luôn ghi nhớ từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội. Tôi dạy con mình cũng theo suy nghĩ ấy.”

Không thể kể hết những đóng góp của Lee’s Sandwiches đối với cộng đồng, đối với đất nước này. Nhưng riêng với người dân Little Saigon, Orange County, chỉ cần nhìn thấy ngôi trường Coastline Community College, với trung tâm Le-Jao Center cạnh tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ, là người ta lại nhớ đến tấm lòng của người đứng đầu hệ thống Lee’s Sandwiches.

Ðạt Diệp và niềm tin vào cơ hội

“Năm 1978, trước ngày đổi tiền lần thứ hai một ngày, tụi phường đội và ủy ban nhân dân phường ập vô nhà yêu cầu nội bất xuất ngoại bất nhập và đọc văn bản nói nhà tôi là tư bản thương nghiệp cần được cải tạo, không được ở thành phố mà phải đi kinh tế mới.”

Ông Ðạt Diệp, cư dân San Jose: “Ai vừa chịu khó vừa có ý chí tiến thân thì đây là

đất nước tạo ra cho mình được mọi điều.” Hình: Ông Ðạt Diệp cùng vợ và hai con. (Hình: Gia đình cung cấp)

Kể từ ngày đó, cậu học trò lớp 10 có tên Ðạt Diệp chấm dứt cuộc đời học sinh, theo gia đình về sống ở vùng kinh tế mới Tầm Vu, Long An.

Ông Ðạt Diệp, hiện là cư dân ở San Diego, nhớ mãi kỷ niệm ngày đầu đi “kinh tế mới:” “Nơi mình tới là Tầm Vu-Long An, nhưng vì họ muốn lấy nhà mình ngay nên dù nhà lá ở kinh tế mới chưa xây xong họ vẫn xúc mình đi và cho mình ở tạm trong một trường học tại huyện Thủ Thừa.”

Theo lời ông Ðạt, thân phụ ông không quen ngủ dưới sàn nhà nên bèn “ra chợ dò la coi có ai cho thuê phòng không.” Cảm thương cho hoàn cảnh, một bà cụ đồng ý cho hai cha con ông Ðạt đến ngủ nhờ “không lấy tiền.”

“Thế nhưng, đêm đó cúp điện, khi chuẩn bị bước vào nhà đi ngủ thì tôi nghe những tiếng chen chét, chin chít ghê rợn thật to chan chát vào tai. Tôi cầm cái đèn dầu từ nơi tay bà cụ soi lên thì thấy một cảnh tượng kinh khủng. Chuột, chuột và chuột. Tới hàng trăm con trừng mắt chăm chăm vào hai cha con tôi. Ðêm đó thật hai cha con tôi không ngủ được, cứ nằm mà nhìn lên nóc mùng xem chuột diễn hành. Rồi phải nằm co chân lại vì thẳng chân ra là nó gặm ngón chân.” Ông Ðạt nhớ lại cái “đêm thật dài” đó.

Sau một năm sống ở kinh tế mới, Ðạt Diệp trở về Sài Gòn, bắt đầu “lang thang buôn bán ngoài chợ, làm gì sống được thì cứ làm” cho đến đúng ngày 30 tháng 4 năm 1985, ông Ðạt có mặt tại Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh ODP.

“Lúc đó mới bắt đầu lo. Tương lai mờ mịt. Không biết phải bắt đầu như thế nào. Khi đó chỉ có tôi và người chị dưới 21 tuổi, được đi theo ba má tôi. Cho nên cảm thấy nỗi lo còn nhiều anh chị em và các cháu còn ở Việt Nam.” Ông Diệp kể.

Nỗi niềm đó khiến Ðạt Diệp, lúc ấy mới 23 tuổi, “không nghĩ đến chuyện đi học lại, vì sợ đi học không thì không có tiền, nên chọn đi học nghề sửa xe.”

Cùng thời gian đi học nghề, buổi tối ông Ðạt lại đi phụ làm thêm ở một quán cà phê. Ðến lúc lấy được bằng sửa xe, không kiếm được việc làm, người đàn ông này khi đó chuyển sang đi làm cho tiệm phở 54 ở San Diego.

Năm 1987, khi tiệm phở mở cổ phần, ông Ðạt cũng gom góp, mượn thêm người thân cho đủ số $6,000 hùn vào. Tuy nhiên, hai năm sau, tiệm bắt đầu thua lỗ, ông Ðạt rút lại cổ phần của mình và “lúc đó tôi đi học lại lấy bằng như trung học.”

Nhờ sự giới thiệu của một người bạn, từ năm 1989, ông Ðạt Diệp vào làm ở hãng Autosplice Inc. cho đến Tháng Sáu năm 2009.

Ông Ðạt cho biết: “Thời gian đó, cũng do sức mình cố gắng, hơn một năm sau thì tôi lên làm ‘lead.’ Ðến 1997 thì được lên làm ‘production supervisor’. Tôi không được lên làm manager vì tôi không có bằng đại học 4 năm, dù lương bổng của tôi tương đương với người quản lý.”

Do kinh tế xuống dốc, từ giữa năm 2009, công ty chuyển qua Mexico, ông Ðạt thất nghiệp sau 20 năm làm việc cho hãng Autosplice Inc.

Nhìn lại 27 năm sống tại mảnh đất tự do, ông Ðạt Diệp bày tỏ: “Tôi cảm ơn đất nước này lắm. Vì mình là người Việt Nam nhưng mình lại không được chấp nhận trên quê hương mình. Vậy mà mình sang đây, đất nước này lại cưu mang mình, cho mình nhiều cơ hội để thăng tiến. Người khác tôi không biết, nhưng như bản thân tôi, trình độ văn hóa không có, không có cái gì hết, tôi thấy đất nước của cơ hội, ai vừa chịu khó vừa có ý chí tiến thân thì đây là đất nước tạo ra cho mình được mọi điều.”

Sau thời gian không kiếm việc được ở San Diego, hiện tại, ông Ðạt có được việc làm billing cho một hãng Ambulance ở thành phố Huntington Beach, Orange County.

Tuy nhiên, người đàn ông này nói lạc quan: “Tôi không bỏ cuộc. Hiện nay mỗi ngày tôi vẫn đi kiếm việc làm, vẫn đi rải đơn. Mong ước của tôi là có việc làm ở San Diego để trở về gần với gia đình, với vợ và hai con của tôi.”

Jimmy Phan và câu chuyện “làm người tử tế”

“Ở Việt Nam, cuộc sống của tôi là ngày qua ngày, và tôi có lý do để sống hoang đàng. Ở đây, cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, nhưng suốt thời gian qua, lúc nào tôi cũng mang tâm trạng lo cơm áo gạo tiền, nhà cửa, con cái, cảm thấy buồn vì mình không sống tự do như mình muốn, mà phải ép mình làm người tử tế.”

Ông Jimmy Phan, cư dân Bắc California: “Dù không muốn, tôi phải ép mình làm người tử tế khi sang đây.

” Hình: Ông Jimmy Phan cùng các cháu nội ngoại của mình. (Hình: Gia đình cung cấp)

Ông Jimmy Phan, 55 tuổi, vừa nghỉ hưu sau 16 năm làm việc cho San Jose Evergreen District, nêu suy nghĩ một cách thẳng thắn, sau hơn 20 năm đặt chân đến Hoa Kỳ.

Năm 1975, vừa xong trung học thì ngày 30 tháng 4 ập đến, “không còn đến trường, không thấy tương lai, lại bị khủng bố tinh thần bởi chuyện bị bắt đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, tôi mở quán cà phê vỉa hè ở góc Hàn Thuyên, bên hông nhà thờ Ðức Bà kiếm sống. Rồi bị đuổi chạy, chuyển sang bán chợ trời, bán đủ thứ.” Ông Jimmy kể bằng một giọng bất cần đời.

Theo lời ông Jimmy, thời điểm đó “bố mẹ còn không thể tự lo cho họ được nữa thì mình phải tự bươn chải, mạnh ai nấy sống” và ông “sống bụi đời” theo nghĩa “sống ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, ngủ ở nhà bạn, ngủ ngoài quán cà phê vỉa hè, bạ đâu ăn đó.”

Trong hoàn cảnh như vậy, ông “lập gia đình sớm với một phụ nữ có đứa con lai” và tiếp tục cuộc sống như nhiều người dân Sài Gòn khi đó: “Vợ bán bánh cay, bán thuốc lá, tôi mở hai cây xăng, tức 2 cục gạch thẻ đặt trên lề đường, vợ tôi một cây, tôi một cây.”

“Lúc đó ai làm được gì thì làm. Khi có chút ít để dành thì chuyển sang đạp xích lô. Cũng có lúc tôi làm lò bánh mì. Cũng có lúc tôi kiếm được rất nhiều tiền, rồi sa vào cờ bạc, trai gái, cũng trắng tay.” Ông Jimmy nhớ lại.

Cuộc sống cứ vậy trôi qua, đến năm 1990, “thoắt cái tôi qua Mỹ theo diện con lai, khi trong đầu chưa từng nghĩ đến chuyện vượt biên, đi Mỹ.”

Ông Jimmy không nhắc đến những bỡ ngỡ của buổi đầu đến Mỹ, ông chỉ nhớ những điều ông bị “sốc” khi vừa rời khỏi Sài Gòn, đến Philippines chờ ngày sang Mỹ.

Vẫn bằng giọng nói có chút gì như cay đắng, ông kể tiếp: “Lúc ở Sài Gòn, mình muốn ăn cái gì mình ngồi một chỗ kêu là có người mang tới, từ cơm phở đến cà phê, ở nhà thì có ba mẹ lo cho. Nhưng khi ngày đầu đến Phi, phải xếp hàng bưng cái mâm chờ người ta múc cơm múc đồ ăn đổ vào, tôi ‘sốc’ không ăn. Rồi khi đó tiếng Anh lại không hiểu không biết, lúc đứng chờ lên xe bus, người ta nói gì mình chả hiểu, thế là một ông đến đá đá vào chân tôi. Các con tôi còn nhỏ, lần đầu tiên nhìn bố bị người ta đá như vậy, tụi nó khóc òa lên. Tôi lại bị ‘sốc.’”

Tuy nhiên, khi đặt chân đến San Jose, được dẫn đến khu Lion Plaza, nhìn thấy cảnh người ta chơi cờ tướng, đánh domino, binh xập xám chướng thì ông Jimmy cảm thấy chẳng khác chi Việt Nam. Và ông bằng lòng với cuộc sống nơi đó.

Người Việt tại Quận Cam có mức phân phối dân số theo tuổi cũng gần tương tự như dân số toàn bộ quận Cam,

chỉ khác ở chỗ nhiều người ở lứa tuổi 35 tới 44 hơn, theo thống kê 2010. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Sau một năm chờ cho đủ thời gian trở thành thường trú nhân, ông trở lại trường học từ năm 1991, bắt đầu từ những lớp ESL. Ðến năm 1995, Jimmy lấy bằng college 2 năm ngành CIS và được giới thiệu vào làm việc tại San Jose Evergreen District cho đến giữa Tháng Ba năm 2012 thì về hưu sớm cùng một số hứa hẹn đãi ngộ về bảo hiểm y tế.

Hiện tại, ông Jimmy vui trong việc lo chăm sóc cho 3 đứa cháu ngoại của mình, từ việc chăm sóc, ăn uống, đưa đón học hành.

Ông chia sẻ: “Hiện tại, tôi không phải lo về kinh tế, bởi tôi đã tạo dựng được nhà cửa đề huề cho vợ con tôi. Tôi không phải lo toan làm lụng vì tôi có thể sống bằng lương hưu của mình. Nhưng sao tôi vẫn có cảm giác mình không sống thật với mình được. Tình cảm giữa người với người ở đây không có sự gần gũi như khi còn ở Việt Nam.”

Nhưng điều khiến người đàn ông này “bức bối” nhất dường như là bởi ông “không được làm người ‘hoang đàng tử tế’” như ông mong muốn, mà “phải ép mình làm người tử tế khi sống tại đây.”

@NguoiViet

Đất gọi

Phạm Đình Trọng
Đồng quê thanh bình

1. Cả nước đang sôi sục, nóng bỏng, đang ầm ầm dậy sóng những đoàn người khiếu kiện và đang cuồn cuộn những con sóng ngầm phẫn nộ trong lòng người vì đất đai.

Tiếng súng Đoàn Văn Vươn nổ ở Tiên Lãng, Hải Phòng, phá tan sự thanh bình, êm ả ngàn đời của làng quê Việt Nam cũng vì đất đai.

Sự biến ở Văn Giang, Hưng Yên, hàng ngàn công an trập trùng mũ sắt, khiên đồng, súng đạn, dùi cui trấn áp vài trăm người dân lương thiện, lam lũ cũng vì đất đai.

Vụ án ngang trái, oan khiên ở nông trường Sông Hậu, Cần Thơ cũng vì đất đai.

Đất đai đã trở thành sự xung đột giữa quyền sử dụng đất của người dân được ghi trong Hiến pháp: Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài (Điều 18, Hiến pháp 1992) với những nhóm quyền lực kinh tế kết hợp với quyền lực chính trị hối hả tìm kiếm lợi nhuận kếch xù, mau lẹ và dễ dàng bằng đất đai.

Đất đai đã trở thành sự xung đột ngay trong những văn bản pháp luật. Thế lực kinh tế liên kết với thế lực chính trị liên tục sửa Luật đất đai để họ dễ bề chiếm đoạt đất đai, làm giầu trong phút chốc bằng đất đai. Càng sửa, Luật đất đai càng xa rời Hiến pháp, ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, càng vô hiệu Hiến pháp, đất đai càng vô chủ, càng kích thích lòng tham, càng có thêm nhiều dự án treo đầu dê bán thịt chó về đất đai.

Đất đai đã trở thành sự xung đột giữa mục đích tối cao của nhà nước là an dân với những người nhân danh nhà nước chiếm đoạt mảnh đất sống ổn định của dân, gây sự xao xác, bất bình trong lòng dân, gây ra sự phản kháng mạnh mẽ, sự bùng nổ rộng rãi trong xã hội, gây đổ vỡ lòng tin của người dân với nhà nước.

Đất đai là nơi chỉ ra rõ nhất bản chất một nhà nước. Nhà nước ứng xử với đất đai như ở Tiên Lãng, Hải Phòng, như ở Văn Giang, Hưng Yên mà tự nhận là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đó là sự giả dối.

Đất đai đã làm băng hoại đạo đức xã hội, phá nát kỉ cương phép nước. Vì đất đai, quyền lực ngang nhiên chà đạp lên pháp luật, vất bỏ đạo đức làm người, coi thường cả đạo lí xã hội.

2. Đất đai gây đổ vỡ trong lòng người; đất đai làm rối loạn xã hội; vì đất đai, quyền lực thản nhiên chà đạp lên pháp luật thể hiện sâu sắc nhất trong vụ án nông trường Sông Hậu, Cần Thơ và trong vụ nhà nước dùng bạo lực chiếm đất của dân Văn Giang, Hưng Yên giao cho doanh nghiệp vẽ lên những dự án mĩ miều: đổi đất lấy hạ tầng nhưng thực chất chỉ là kinh doanh bất động sản mà quyền lực nhà nước trở thành đồng vốn quan trọng nhất trong loại kinh doanh đó.

ĐẤT NÔNG TRƯỜNG SÔNG HẬU, CẦN THƠ – NAM BỘ

Hai người Anh hùng, hai thế hệ cha con nối tiếp nhau lao động tận tụy, quên mình đã biến mảnh đất phèn Sông Hậu đến cỏ cũng không mọc nổi, người không thể sống được, chỉ có lơ thơ lăn lác hoang hóa thành mảnh đất bát ngát đồng lúa, xum xuê vườn cây trái. Hàng ngàn gia đình nông dân không có đất gieo trồng, sống lay lắt, nghèo khổ, lang bạt, nay có nơi an cư, trở thành nông trường viên nông trường Sông Hậu, có cuộc sống khấm khá và đang ngày càng giầu có.

Nhưng mảnh đất không có sự sống nay đã trở thành đất sống, mảnh đất nghèo nay đã trở thành đất giàu lại lọt vào tầm ngắm, lại là nỗi thèm khát của những phi vụ kinh doanh nhà đất. Người đàn bà Anh hùng giám đốc nông trường Sông Hậu liền nhận được gợi ý giao lại đất nông trường để chính quyền sử dụng đất vào những dự án khác mà ai cũng biết đó là những dự án đô thị hoành tráng.

Đất nông trường Sông Hậu đã là đất sống ấm no của hiện tại, đất khát khao hi vọng, đất rực rỡ trong tương lai của hàng ngàn gia đình nông trường viên. Vì những gia đình nông dân bình dị, thân thiết như ruột thịt đó, người đàn bà Anh hùng giám đốc nông trường không thể giao đất theo gợi ý của quyền lực. Người Anh hùng liền trở thành tội phạm.

Ủy viên trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy định tội rồi lệnh cho công an điều tra, viện Kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử! Tòa sơ thẩm rồi tòa phúc thẩm có sẵn bản án trong túi đều tuyên người đàn bà Anh hùng tám năm tù. Đó là lần thứ nhất pháp luật bị quyền lực chính trị khinh bỉ, chà đạp trên mảnh đất Sông Hậu!

Người Anh hùng bị tù oan khuất chống án. Lương tâm xã hội rầm rộ lên tiếng. Cơ quan quyền lực chính trị gồm mười bốn thành viên liền nhóm họp xem xét biểu quyết số phận người Anh hùng Sông Hậu. Mười một phiếu biểu quyết dừng vụ án, miễn truy tố người Anh hùng Sông Hậu. Cơ quan quyền lực chính trị đã làm thay cả tòa án của nhà nước, xóa tội cho người đàn bà Anh hùng Sông Hậu. Quyền lực chính trị cấp tỉnh chỉ định tội và lệnh cho công an, tòa án làm án buộc tội người Anh hùng Sông Hậu. Nay quyền lực chính trị cấp cao còn xử thay cả quan tòa! Đó là lần thứ hai pháp luật bị quyền lực chính trị ngang nhiên khinh miệt, chà đạp trên mảnh đất Sông Hậu!

Vụ án nông trường Sông Hậu chỉ xô đẩy mấy người trong ban giám đốc nông trường Sông Hậu vào vòng lao lí oan khiên, ngang trái nhưng đã bộc lộ hai điều lớn lao hệ trọng của xã hội, liên quan tới mọi số phận người dân.

Một là, Đất đai đã trở thành một thế lực ghê gớm, khuynh đảo cả pháp luật. Đất đai đã tạo ra một lớp người giầu có và một lớp quan chức hối hả tham nhũng bằng đất đai. Hai lớp người này lập tức liên kết với nhau làm thay đổi cả bản chất nhà nước, từ nhà nước của dân, do dân, vì dân trở thành nhà nước đối lập với dân.

Hai là, Từ đất đai, người dân phải cay đắng nhận ra là họ đang phải sống ở thời không có pháp luật, quyền lực chính trị đứng trên pháp luật, làm thay pháp luật mà vụ án ở nông trường Sông Hậu là minh chứng.

ĐẤT VĂN GIANG, HƯNG YÊN – BẮC BỘ

Ruộng vườn Văn Giang, Hưng Yên trên tầng đất phù sa sâu cả chục mét do con sông Hồng màu mỡ bền bỉ bồi đắp từ hàng triệu năm tạo lên. Hoa màu đang tươi tốt, cuộc sống đang yên ổn trên đất đai của tổ tiên từ ngàn đời để lại, bỗng ầm ầm ô tô chở công binh, công an đến, rầm rập công an dàn hàng ngang, nổ súng, vung dùi cui, xả đạn hơi cay vào dân. Những người nhân danh nhà nước đã biến cánh đồng của màu xanh bình yên thành bãi chiến trường mù mịt khói lửa, quyết ăn thua đủ với dân, quét dân ra khỏi đất hương hỏa cha ông. Rồi máy gạt, máy ủi gầm rú nghiến nát hoa màu như thời nô lệ năm 1944 lính Nhật hung hãn kéo đến quật nát lúa đang ngậm đòng bắt dân nhổ lúa, trồng đay phục vụ cuộc chiến tranh của Nhật.

Người dân cả mấy làng ở Văn Giang, Hưng Yên kéo ra đồng suốt đêm đốt lửa giữ đất như thời hồng hoang con người đốt lửa xua bầy thú dữ. Bầy thú bốn chân thời tiền sử đã lùi vào quá khứ hàng ngàn năm nhưng ngày nay người dân tay không giữ đất lại phải đối mặt với bầy công cụ hai chân, đầu mũ sắt, tay khiên, tay súng còn hung dữ gấp ngàn lần bầy thú hồng hoang vì bầy công cụ đông tới hàng ngàn tên. Sự kiện đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên thực sự đưa xã hội văn minh trở về thời hoang dã xa xưa, bạo lực hung hãn trút xuống đầu dân, bạo lực ngạo nghễ giành chiến thắng trên nỗi đau khổ, uất nghẹn căm phẫn của người dân.

Trong xã hội dân sự yên bình, sự chiến thắng của bạo lực nhà nước với dân lành đồng nghĩa với cái thua của pháp luật, cái thua của đạo lí, cái thua của văn hóa trị nước an dân: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Pháp luật thua, đạo lí thua, văn hóa trị nước thua vì nhà nước đã không đứng về phía nhân nghĩa, không đứng về phía công bằng xã hội, không đứng về phía số đông người dân lao động lương thiện mà đứng về số ít người có của, những nhà đầu tư trong nước, ngoài nước. Bạo lực nhà nước đã được huy động tối đa ra trấn áp dân, chiếm bằng được mảnh đất sống cuối cùng của dân, giao cho người có của xây nhà kinh doanh, làm giầu trên nỗi nghèo đói, bất an vô định của số đông dân lành.

Đại diện nhà nước cấp tỉnh, ông chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên nói rằng chỉ có 30% diện tích đất của Dự án Ecopark Văn Giang dành cho xây nhà kinh doanh, còn lại là đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh nên Dự án Ecopark Văn Giang là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải dự án thương mại kinh doanh đơn thuần. Đó chỉ là cách nói lấp liếm, nói lấy được của thứ quan gian “muốn nói gian làm quan mà nói”. Đường sá, cây xanh, công trình phúc lợi xã hội bao quanh những tòa nhà cao tầng của khu dân cư chỉ làm cho những căn hộ trong khu dân cư có giá cao chót vót và bán đắt như tôm tươi mà thôi. Tỉ lệ cây xanh càng cao, những con đường thênh thang càng kéo những thành phố lớn lại gần thì khu dân cư càng đắt giá và nhà đầu tư càng lời lớn mà thôi.

3. Những cuộc chiến tranh đẫm máu liên miên suốt gần nửa thế kỉ, từ 1945 đến 1989, chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Mĩ, chiến tranh chống Pôn Pốt diệt chủng, chiến tranh chống Đại Hán bành trướng, chiến tranh giai cấp sắt máu trong lòng dân tộc… làm cho đất đai đồng ruộng Việt Nam đã thấm đẫm mồ hôi lại thấm đẫm máu người nông dân. Gần nửa thế kỉ chiến tranh, nhà nước đã huy động đến kiệt cùng sức người, sức đất của người nông dân. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người cho cơn khát của chiến tranh. Cả trong cuộc chiến tranh giai cấp sắt máu, số nông dân bị đôn lên địa chủ và bị bắn giết cũng phải đủ chỉ tiêu do giai cấp vô sản đề ra. Người nông dân phải chịu hi sinh mất mát lớn nhất cho chiến tranh, cho chiến thắng, cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hôm nay.

Sống còn bằng máu người nông dân, thế mà ngày nay nhà nước Việt Nam lại giành giật mảnh đất thấm đẫm máu người nông dân giao cho những nhà đầu tư để họ kinh doanh kiếm lời, đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng không còn đất sống. Đó là sự phản bội, vô ơn, táng tận lương tâm, không còn biết đến đạo lí làm người và văn hóa cai trị.

Máu người không phải nước lã. Máu người thiêng lắm. Mảnh đất đã thấm đẫm mồ hôi và máu người nông dân, mảnh đất ấy có hồn thiêng. Hồn thiêng của đất đã gọi và đang khẩn thiết gọi những người nông dân để họ biết phải làm gì giữ đất. Đất gọi và tiếng súng Đoàn Văn Vươn đã dõng dạc trả lời. Bao giờ những người nông dân cũng là nơi tiềm ẩn sức mạnh quyết định của mọi cuộc cách mạng xã hội.

@Danluan