Cập nhật tin 31-1-2012

Nông dân Việt Nam chưa được hưởng sự giàu có

Phương Anh thưc hiên

Một trong những sự kiện nóng trong năm 2011 là chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng nông nghiệp ít được nhắc đến. Tiền Phong trao đổi với điều phối viên Phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Steven Jaffee, về vấn đề phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.

Ông Steven Jaffee: “Nông dân Việt Nam cần phải bán ra các sản phẩm có giá trị cao hơn”.  Ảnh: P.A.
Ông Steven Jaffee: “Nông dân Việt Nam cần phải bán ra các sản phẩm có giá trị cao hơn”.   Ảnh: P.A.

Ông nghĩ gì về mục tiêu chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn của Việt Nam?

Thú thật là tôi thấy băn khoăn khi biết Việt Nam sẽ giảm lao động làm nghề nông từ 62% hiện nay xuống còn 30% vào năm 2020, theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia đến năm 2020. Là một nước có nền tảng là kinh tế nông nghiệp, tôi băn khoăn là với thiết kế 30% đó, số người còn lại sẽ đi đâu?

Bởi trong 10 năm tới, khi lương nhân công ở Việt Nam tăng lên, thì các công ty làm về may mặc hoặc da giày sẽ chuyển tới Campuchia, Myanmar hoặc Lào. Liệu rằng trong 10 năm tới, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như chip máy tính chưa?

Ý ông là nông nghiệp vẫn sẽ là thế mạnh của Việt Nam?

Việt Nam có truyền thống làm nông nghiệp, nhưng hiện nay, so với các nước láng giềng, giá trị gia tăng trong lĩnh vực này rất thấp, tính trên đầu người rất thấp, không chỉ so với Thái Lan, Trung Quốc, Philippines mà thậm chí so với cả Campuchia. Bởi phần lớn đất đai của Việt Nam là dành cho lúa gạo, là loại hàng có giá trị thấp.

Nhưng Việt Nam vẫn đang là nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về gạo?

Nông dân vẫn phải làm việc vất vả Ảnh: Hồng Vĩnh
Nông dân vẫn phải làm việc vất vả.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đúng là Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, thứ hai về cà phê, thứ 5 về chè, thứ nhất về tiêu đen… Mặc dù vậy, hãy suy xét một chút. Nếu như hầu hết gạo của Thái Lan xuất với giá 700 – 800 USD/tấn, thì gạo của Việt Nam lại chỉ có giá 300 – 400 USD.

Dù sản lượng gạo của Việt Nam rất cao nhưng nông dân Thái vẫn giàu có hơn nông dân Việt Nam. Họ có những nông trang lớn, phương thức canh tác khác nên giá trị tăng thêm cũng cao hơn.

Gạo của Việt Nam hầu hết được bán cho khách hàng là các tổ chức công ở Philippines, Indonesia, dành cho các chương trình phân phối cho người có thu nhập thấp, có bao cấp của Chính phủ. Đó không phải là khách hàng.

Những người muốn mua gạo của Việt Nam không phải là khách hàng giàu có; họ thích gạo của Thái Lan, Pakistan, Indonesia hơn. Nên Việt Nam không xuất gạo sang các thị trường như Đức, Mỹ. Họ sẵn sàng trả hàng ngàn USD cho một tấn gạo, còn Việt Nam chỉ xuất loại 400 USD cho Philippines, Indonesia, Iraq, Cuba…

Tôi muốn nói rằng, khi còn là một nước có thu nhập thấp, Việt Nam đã làm tốt việc xuất khẩu gạo (giá thấp). Nhưng hiện nay, các bạn đã là nước có thu nhập trung bình, thì nông dân cần phải bán ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, xứng đáng với công sức, với số đất đai, nước…đã bỏ ra.

Vậy Việt Nam cần phải thay đổi thế nào, theo ông?

Không chỉ riêng với gạo, thủy sản cũng thế. Vấn đề là xuất khẩu một con cá thôi, chứ không cần xuất đến 2 triệu tấn. Là nhà xuất khẩu lớn về số lượng không cần thiết là điều tốt, vì nó tiêu hao nhiều tài nguyên như đất, nước, công sức. Các bạn phải tạo ra giá trị cao cho các sản phẩm
của mình.

Vì sao Việt Nam chưa làm được điều đó?

Tôi rất ngạc nhiên là tại sao vốn đầu tư nước ngoài FDI vào nông nghiệp Việt Nam lại ít ỏi như vậy. Có thể là do ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều công ty Nhà nước, họ can dự ở nhiều lĩnh vực và khiến các nhà đầu tư nước ngoài không biết “luật chơi” là gì, khiến khu vực tư nhân băn khoăn, làm sao họ có thể cạnh tranh.

Thứ hai, nông nghiệp Việt Nam không có điều kiện để làm những điền trang lớn (diện tích bị chia cắt thành các khoảnh nhỏ). Các nhà đầu tư khó có thể làm việc với hàng ngàn nông dân được. Chẳng hạn như ở Thái Lan, Campuchia, họ có những thửa rộng hàng ngàn hecta.

Trở lại câu chuyện nhân lực ngành nông nghiệp, theo ông, Việt Nam cần có định hướng như thế nào?

Lực lượng lao động dồi dào của các bạn có thể giúp tạo ra hàng hóa nông thủy sản có giá trị cao. Chẳng hạn, họ tham gia chuỗi nhà máy chế biến hoặc hệ thống dịch vụ phân phối nông sản. Đó là nơi Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển.

Hiện Việt Nam vẫn là nguồn xuất thô nhiều nguyên liệu, chứ ít thấy sản phẩm Made in Vietnam. Việt Nam có nhiều tre nhưng lợi nhuận lại được làm ra ở Trung Quốc. Họ nhập tre và làm ra các sản phẩm có giá trị cao.

Họ nhập sắn từ Việt Nam để chế biến thức ăn chăn nuôi… Nhiều loại nguyên liệu khác cũng vậy. Nếu không có đầu tư thì Việt Nam mãi chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu thô và lợi nhuận được tạo ra ở những nơi khác.

Và ấn tượng của tôi với nông thôn Việt Nam là người nông dân không được hưởng thụ sự giàu có từ công việc của mình và họ vẫn phải làm việc rất vất vả. (TPO )

————————————————————————————————————-

Vụ phó tài chính bị tố lừa gạt 80 tỉ rồi trốn

Một ông vụ phó của “Vụ Tài Chính Hành Chính Sự Nghiệp” thuộc Bộ Tài Chính Việt Nam bị cho là đang trốn ở nước ngoài sau khi đã lừa được nhiều người một số tiền khá lớn.

Trần Anh Tuấn. (Hình: Lao Ðộng)

Theo tờ Thanh Niên, công an đang hoàn tất thủ tục để truy nã Trần Anh Tuấn, 37 tuổi, vụ phó của cơ quan nói trên. Tuấn đã bị truy tố với lý do “lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong số những “phi vụ” mà quan phó nói trên thực hiện, nguồn tin dựa vào cơ quan điều tra nói ông Tuấn đã lừa một chủ một doanh nghiệp có trụ sở ở phố Hòa Mã, Hà Nội, số tiền 1.2 tỉ đồng. Ông Tuấn viết giấy vay nợ của bà chủ doanh nghiệp này nhưng đáo hạn không thấy ông trả tiền. “Liên lạc thì ông Tuấn tắt máy điện thoại,” báo Thanh Niên kể.

Trước đó, theo công an nói, một giám đốc một xí nghiệp ở Hải Phòng được Trần Anh Tuấn hứa hẹn giúp “lo lót” để được trúng thầu xây dựng trường Ðại Học Hùng Vương ở Phú Thọ, với số tiền 4 tỉ. Ông giám đốc đưa trước $1.5 tỉ nhưng lại không được thầu.

Theo tờ Thanh Niên, sau nhiều vụ lừa, Trần Anh Tuấn đã trốn ra nước ngoài từ tháng 12 vừa qua.

——————————————————————————————————

Thực phẩm màu đen

Thường ngày chúng ta vẫn hay tiếp xúc với các loại thực phẩm có màu đen như gà ác, mè đen, đậu đen, gạo nếp cẩm… Màu đen thường không được nhiều người thích nhưng trong việc lựa chọn thực phẩm thì điều này lại là một sai lầm.

Chẳng hạn như gà ác (còn gọi là gà đen, gà chân chì…) thì thịt của chúng là một vị thuốc quý mà y học cổ truyền gọi là “ô kê nhục”. Thịt gà ác rất giàu vitamin, gồm khoảng 18 loại acid amin, nhiều loại vitamin như A, B1, B2, B6, E, PP… và các nguyên tố vi lượng nên được dùng để hỗ trợ điều trị trong các trường hợp bị bệnh về phổi, thận, mồ hôi trộm, đau lưng, đái tháo đường, di tinh, hoạt tinh, kiết lỵ lâu ngày, nóng trong xương, chân tay yếu mỏi, thiếu máu… Do đó, người vừa khỏi bệnh, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh, người già yếu, trẻ còi xương,… ăn thịt gà ác rất tốt.

Đậu đen có tính mát, vị ngọt, bổ máu. Ảnh minh họa Internet

Gạo nếp cẩm thì đã được nhiều nhà khoa học phương Tây thừa nhận là “siêu thực phẩm”. Mới đây, một nhóm nhà khoa học ở Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm và phát hiện hàm lượng rất cao chất chống ôxy hóa anthocyanin. Các nhà khoa học cho rằng chất chống ôxy hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN – yếu tố dẫn đến ung thư.

Kinh nghiệm dân gian ở nước ta ghi nhận việc phụ nữ có thai sắp sinh con nếu thường xuyên ăn món chè mè đen thì sẽ dễ sinh; sau khi sinh, nếu  thiếu sữa thì đem sao hạt mè đen với muối, giã ăn hằng ngày. Để chữa nhọt lở lâu ngày không liền miệng, lấy mè đen 20 – 30 g sao cháy, giã đắp hằng ngày.

Mè đen nấu với hạt sen là món ăn an thần thông dụng trong dân gian. Ảnh minh họa Internet

Y học cổ truyền cũng ghi nhận việc danh y Tuệ Tĩnh dùng hạt mè đen sao cháy tán bột, mỗi lần uống 12 g với một ít rượu pha mật hoặc nước gừng để chữa đau lưng, rất hiệu nghiệm. Chè mè đen nấu với hạt sen là món ăn, vị thuốc an thần thông dụng của dân ta. Dầu mè đen thì đã được khẳng định là có tác dụng hạ cholesterol trong máu vì chứa nhiều acid béo không bão hòa.

Đậu đen là thực phẩm quen thuộc, dân dã và rất lành. Quả già còn sống đem luộc hoặc hạt phơi khô nấu chè đều là những món ăn rất ngon. Trong số các acid amin có ở đậu đen thì có rất nhiều thứ cần cho cơ thể như phenylamin, lyxin, meslionin, leuxin, tritophan,  histiclin…
Trong đông y, đậu đen được ghi nhận là có tính mát, vị ngọt và là thuốc bổ âm, bổ can thận, bổ huyết, giải độc, trừ phong nhiệt độc, lợi tiểu.  Được ghi nhận là tá dược tốt trong đông y nhưng do đậu đen có tính mát nên những ai bị loét hành tá tràng hoặc dễ tiêu chảy… khi ăn các món chế biến từ đậu đen nên kèm chút gừng tươi hoặc sau đó uống một ít chè thuốc sẽ yên tâm hơn.
Lương y Hoàng Châu

‘Đại gia’ vẫn hốt bạc thời khủng hoảng

Năm 2011 được cho là một năm khó khăn chung đối với toàn bộ nền kinh tế, song bóng đen khủng hoảng dường như không mấy ảnh hưởng đến các ngân hàng và doanh nghiệp lớn với những con số lãi khổng lồ gây choáng ngợp.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để sống sót này, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn trở nên “phất” hơn. Trước hết phải kể đến những “đại gia” ngân hàng. Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietin Bank) cho thấy, lợi nhuận trước thuế cả năm của ngân hàng này đạt 8.105 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2010 và vượt 58,9% kế hoạch Đại hội cổ đông đặt ra là 5.100 tỷ đồng.

VietinBank dự kiến, lợi nhuận trước thuế năm 2012 này sẽ tăng khoảng 20%, tương đương với 9.726 tỷ đồng. Mới đây, ngân hàng này cũng đã chính thức tăng vốn điều lệ đợt II/2011 lên gần 20.300 tỷ đồng, tăng 33% so năm 2010.

Trong khi đó, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lãi “khủng” không kém, với lợi nhuận hợp nhất cả năm đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 4% so năm trước đó. Doanh thu thanh toán quốc tế đạt kỷ lục gần 1 tỷ USD, tăng hơn 30% so năm 2010.

Đến hết năm 2011, tổng tài sản Vietcombank đã đạt hơn 369.200 tỷ đồng, tăng 20,3%. Vốn chủ sở hữu đạt gần 29.200 tỷ đồng, tăng hơn 8.500 tỷ đồng so năm trước. Ngân hàng này cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế cho năm nay tăng thêm 15% sau khi đã tăng vốn điều lệ thêm 12% lên 19.700 tỷ đồng vào hồi tháng 9 năm ngoái.

Một “đại gia” khác là ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với lợi nhuận trước thuế 4.174,6 tỷ đồng, tăng 24% so năm 2010 và vượt 1,8% kế hoạch. Lũy kế cả năm 2011, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 6.701,8 tỷ đồng, tăng 58% so năm 2010.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi của ngân hàng mẹ đã hơn 3.050 tỷ đồng, tăng hơn 1.241 tỷ đồng ( tương ứng tăng 69%) so với thực hiện 2010. Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt hơn 5,297 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2010.

Cùng năm hoạt động, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng lãi trước thuế ước 2.728 tỷ đồng, tương đương 101% kế hoạch năm. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) lợi nhuận trước thuế 2011 đạt gần 1.100 tỷ đồng, tăng 45%. Tính đến hết 2011, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 57.034 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với năm 2010.

Lãi “khủng” doanh nghiệp lớn không hề kém cạnh Song hành cùng lợi nhuận khổng lồ của các nhà băng thì một số “đại gia” doanh nghiệp cũng phát tài không hề kém cạnh.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong bản công bố kết quả kinh doanh năm 2011 cho biết, lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty này đạt 4.167 tỷ đồng, tăng 16% so năm trước và vượt 16% kế hoạch năm.

Tập đoàn Bảo Việt trong năm 2011 doanh thu hợp nhất cũng ước tăng 20,7% so năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2011 tăng khoảng 22% so với năm trước, vượt 6% kế hoạch.

Năm 2012, Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.773 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5% so với ước thực hiện năm 2011, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.632 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5%.

Trong khi đó, thông tin từ CTCP Bảo hiểm Pijico cũng cho hay, năm 2011, công ty ước tổng doanh thu đạt 2.294 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch và tăng 17% so với thực hiện 2010. Lợi nhuận trước thuế năm 2011 đạt 135,8 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2010 và hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cũng báo cáo, trong năm 2011 công ty này ước đạt 8.936 tỷ đồng doanh thu, tăng 34% so với thực hiện năm 2010 và vượt 28% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 55% so với lợi nhuận năm 2010 và vượt 85% kế hoạch.

Chưa công bố lợi nhuận năm vừa rồi nhưng kế hoạch lợi nhuận 2012 của Vincom đặt ra sau sáp nhập cũng dự kiến gấp 4 lần kế hoạch 2011 của Vincom, với 17.965 tỷ đồng doanh thu, 5.456 tỷ đồng lợi nhuận.

Trong bài viết này chưa đề cập hết đến tất cả các tổ chức kinh doanh có lãi khác cũng như nhiều “ông lớn” chưa công bố kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm vừa qua, song có thể thấy, thời khủng hoảng không phải ai cũng trở nên nghèo đi.

(Theo Dân trí)

Tin rất nóng: Tiên Lãng đã phát nổ một quả bom sự thật

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Sau nhiều ngày, với nhiều lý lẽ rất loăng quăng, tiền hậu bất nhất, dối trá, cố đấm ăn xôi của các cấp lãnh đạo Hải Phòng, Tiên Lãng về vụ cưỡng chế đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn; sau nhiều ngày chỉ nghe tiếng nói phản đối một phía từ báo chí, các quan chức, nhân sĩ trí thức, dư luận, các cơ quan nhà nước Trung ương về những sai phạm của chính quyền Hải Phòng, Tiên Lãng trong việc cấp đất, thu hồi và cưỡng chế đất; sau nhiều ngày cảm tưởng như hệ thống cơ quan ban ngành ở Tiên Lãng một lòng một dạ, cố sống cố chết bảo vệ sai trái của lãnh đạo huyện…Hôm nay, chúng tôi có trong tay văn bản báo cáo chính thức của Hội nuôi trồng thủy hải sản huyện Tiên Lãng (một đơn vị trực thuộc sự lãnh đạo của huyện Tiên Lãng) đã phát một văn bản báo cáo, vạch trần toàn bộ sự thật về những sai trái, thậm chí phạm pháp của lãnh đạo của mình, nó có sức mạnh như một quả bom tấn, nó là tiếng nói của một tổ chức có tư cách pháp nhân, đóng dấu đỏ…Những sự thật trong văn bản sẽ làm ngả ngửa giới chức lãnh đạo Tiên Lãng vì nó phanh phui những bí mật động trời…Văn bản ngay lập tức trong chiều nay đã được gửi cho rất nhiều các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ…

Người trong cuộc đã lên tiếng vì sự thật.

Một thông tin rất nóng và cần thiết vào lúc này. Một tài liệu quan trọng cho các đoàn kiểm tra Trung ương. Văn bản như một quả bom sự thật của chính người trong cuộc đã châm ngòi.

Chúng tôi có niềm vui được công bố lần đầu văn bản này

Tặng những cựu chiến binh của Cu Vinh và các bác bài hát VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH, nghe bài này trong lúc đọc mới sướng.

b1_0.jpg
b2_0.jpg
b3_0.jpg
b4_0.jpg
b5_0.jpg
b6_0.jpg
b7_0.jpg
b8.jpg
b9.jpg
b10.jpg
b11.jpg

______________________

Các bác yêu dấu.

Lúc này, một lá đơn của người dân Tiên Lãng, một báo cáo của một tổ chức xã hội nghề nghiệp (như báo cáo này), một tiếng nói của một cán bộ, đảng viên ở địa phương…tất cả là đường dẫn cho các cơ quan kiểm tra tìm đến các ngóc ngách, bằng chứng của sự thật. Với công tác điều tra, những thông tin này quý giá như vàng. Ví dụ, sở Tư pháp Hải Phòng đã phát công văn yêu cầu huyện Tiên Lãng thu hồi văn bản trái pháp luật mà huyện không thu hồi, ví dụ một số văn bản của huyện về một số chủ trương không báo cáo Thành phố mà thực hiện lén lút…v..v..Tất cả những điều đó sẽ biến thành sự thật chính thống của các đoàn kiểm tra. Có đường dẫn này, các đoàn kiểm tra sẽ giảm đi rất nhiều thời gian tìm kiếm sự thật. Với Cu Vinh, văn bản này đọc xong, chỉ có cách uống cốc trà, phả khói thuốc và he he he.

Với công việc điều tra sai phạm, đôi khi chỉ là mấy dòng chữ viết rất vội trên võ bao thuốc lá mà phanh phui ra cả một tội tày đình các bác ạ.
Cái giá trị văn bản báo cáo này nằm ở chỗ đó.

_____________

CÁC BÁC TIẾP TỤC ĐÓNG GÓP TIỀN GIÚP GIA ĐÌNH ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN NHÉ, NHÉ NHÉ…HÌ HÌ

Thời gian đóng góp 10 ngày (kể từ hôm nay thứ 7 ngày 28/1/2012 đến ngày 8/2/2012). Số tiền này dùng chủ yếu để ủng hộ việc gia đình anh Vươn làm lại căn nhà ở, gây dựng lại cuộc sống trong thời gian chờ đợi CÔNG LÝ gõ cửa. Các khoản đóng góp chúng tôi sẽ công khai cập nhật từng ngày. Để tiện theo dõi, khi chuyển tiền đề nghị mọi người thông báo tên, địa chỉ và số tiền đóng góp giúp đỡ qua Email: vinhbanhtet@gmail.com.

Tiền đóng góp từ trong nước xin chuyển về: NGUYỄN QUANG VINH, số Tài khoản: 0311000492977, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Bình (54- đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Đồng Hới)

Ở nước ngoài xin xin sử dụng thêm Swift code: bftvvnvx

Từ nước ngoài cũng có thế gửi tiền ở OMNEX GROUP,INC qua dịch vụ kiều hối của Ngân hàng ĐÔNG Á bằng số điện thoại của người nhận là Nguyễn Quang Vinh 0973155550 nhận tại Hà Nội.

Đề nghị mọi người ghi rõ: Tiền ủng hộ gia đình anh Đoàn Văn Vươn