Ngày Tết kể chuyện vui : Chuyện chỉ có ở Tản Đà

Sinh thời, thi sĩ Tản Đà được xem là người có biệt tài song tính tình lại “ngang như cua”. Từng có người gọi ông là “Ông thần ngông”.

Một lần, vì hâm mộ tài thơ của tác giả “Thề non nước”, một người bạn mới quen đã mời thi sĩ dùng cơm cùng gia đình mình. Bữa ăn đủ các món cao lương mỹ vị, song Tản Đà không thật thỏa mãn. Ông đánh tiếng: “Ước gì có một đĩa tiết canh vịt thì hay quá”.

Chủ nhà, vì chưa quen tính nết Tản Đà nên bỏ câu nói ấy ngoài tai. Riêng Tản Đà thì không quên. Suốt bữa ăn, ông chỉ nhắm rượu suông chứ quyết không động đũa vào bất cứ món ăn nào. Cuối cùng chủ nhà phải xuống thang. Ông sai người đi lùng mua bằng được món tiết canh vịt đễ đãi riêng vị khách khó tính.

Trong đời, Tản Đà từng nhiều lần lâm vào cảnh túng thiếu, phải đi vay nợ. Hồi tham gia cùng Ngô Tất Tố viết bài cho tờ Đông Pháp thời báo, ông phải thuê nhà mỗi tháng hết 28 đồng. “Không tháng nào ông Tản Đà không phải lật đật về tiền nhà” – Ngô Tất Tố cho biết.

Nợ thì nợ vậy nhưng một lần, do chủ nhà thúc riết quá, Tản Đà lên Sài Gòn vay tiền. Đêm ấy trở về, một tay cầm chai rượu Tây, một tay cầm con vịt quay, ông lắc đầu nói với Ngô Tất Tố: “Hỏng, hỏng rồi ông ạ”.

Ngô Tất Tố ngạc nhiên. Tản Đà giải thích ông chỉ vay được hai chục đồng. Nghĩ nếu có trả tiền nhà vẫn còn thiếu 8 đồng nên ông quyết định mua ít đồ về đánh chén. Vị chi hết 10 đồng…

Ngô Tất Tố nghe vậy kêu trời. Tản Đà khoát tay an ủi: “Cứ chén đã. Tiền nhà rồi ta lại xoay…”.

Cũng trong thời gian làm tờ Đông Pháp thời báo, Tản Đà được ông Diệp Văn Kỳ – chủ bút giao đứng coi phần phụ trương văn chương. Một lần, vì thiếu bài, người giữ cương vị xếp bài (kiểu một dạng thư ký tòa soạn bây giờ) đã đưa thêm vào phụ trương một bài thơ. Khi báo in ra, Tản Đà trông thấy bài thơ thì giận lắm. Ông mắng người xếp bài là chuyên quyền, không hỏi ý ông. Ông nọ bảo báo thiếu bài, đang lên khuôn, ông ta không thể đến tận nơi trọ của Tản Đà để hỏi ý kiến được. Tức thì Tản Đà mắng: “Nếu thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi”.

Thật là một cách hành xử chỉ có ở Tản Đà

Hà Nội nhìn từ nhà quê

Trần Chiến

Ngôi nhà tạm

Tôi thường có ý nghĩ “thương” Hà Nội, nhất là khi ra đường. Thành phố gì mà chen chúc, nhem nhếch, vứt rác ra đường, đang đi gặp người quen đứng lại nói chuyện cản trở giao thông… đều hồn nhiên. Quê quá. Đúng là quê chứ gì, người đô thị mà ai cũng “có ngón chân cái còn dính bùn”, nói như nhà văn Nguyễn Khải. Nghĩ vậy rồi tìm hiểu thêm, càng tâm đắc với những “khái quát” của riêng mình và chả phải của mình.

Như là tại Thủ đô, nơi phải có cỡ hai ba triệu người ngoại tỉnh đang đổ về, cơ cấu dân cư đã bị phá vỡ, kèm theo đó là sự mất ổn định các giá trị, nền nếp. Hai quá trình thành thị hoá nông thôn, nông thôn hoá thành thị cứ tồn tại song song, “tranh đấu” với nhau; một người trở nên “thanh lịch” thì lại thêm hai ba người về nhà không đóng cửa, ăn nói mở đài cứ oang oang.

Như là vì hình thành từ những làng nghề nên quá trình đô thị hoá của Hà Nội bị chậm, không như Sài Gòn. Hà Nội như một cái làng lớn, anh thợ trẻ nào nghĩ ra mẫu hàng nào mới, dễ bị ông trưởng họ, trưởng phường mắng là không tôn trọng truyền thống, qua mặt các tiên sư lắm, thế là trí sáng tạo nhụt đi, không dám hướng về cái mới nữa.

Như là…, như thế nghĩa là cái tuổi một đô thị không nói hết được trình độ đô thị hoá của nó.

Nghĩ thế và viết ra, tất nhiên có cả “luận điểm” rằng Hà Nội mạnh mẽ, phong phú, đứng làm tinh hoa văn hoá, giáo dục cho cả nước là còn do có bao người tài từ tứ xứ tụ về. “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện, Nghệ Quỳnh Đôi”…, thành phố tiếp nhận, sàng lọc, nâng cao lên rồi lan toả ảnh hưởng đi nơi khác. Về đây, con người ta trở nên lịch duyệt, phát huy được cái ưu điểm trong mình, gột rửa những thiên kiến thiển cận, hẹp hòi kiểu trong luỹ tre làng, chỉ biết “chào cờ xã ta”. Những anh đồ, “lều”, “lán” thơ đã chả trở nên vĩ đại nếu không tắm táp trong không gian văn hoá Thăng Long. Nhưng dù thế nào, về Kẻ Chợ, trong bao năm qua, đâu phải chỉ tinh hoa, mà cả cặn bã, khôn mống chứ, nó làm nên cái chất tiểu thị dân trong tôi, trong anh, người nấy người nọ. Không thể không viết ra rằng nhiều tập người ở tỉnh lên bản năng sinh tồn quá mạnh, tạo ra một không gian sống thuần tuý thực tế. Không hài hước, không hề mơ mộng, mà tràn đầy sinh lực, khát vọng quyền lực, họ pha vào cộng đồng những quan hệ cục bộ kiểu phe giáp, coi đó như ngôi nhà tạm, thuần tuý làm phương tiện chứ chả yêu thương gì. Hà Nội giầu truyền thống, đúng quá, nhưng cũng không ít lần ngoảnh đi trước những con người mới, những cơ hội đổi mới…

Đọc những bài viết của tôi, có người bảo đúng nhưng nghiệt ngã, buồn bã quá. Có người chỉ nhìn chả nói, ra điều “thành phố này của riêng mình anh đấy a?”. Vẫn biết Thủ đô được bồi đắp cả nghìn năm nay bằng những người tài từ tứ xứ đến, cô đọng lại thành tinh hoa, nhưng không thể không viết ra những “nhận thức trái chiều” trên. Và mỗi Tết đến, được hưởng cái thú đi bộ trong thành phố tinh tươm, vắng lặng (người ngoại tỉnh về cả rồi mà), cứ ước ao cái nơi mình trú ngụ nó cứ như thế này mãi.

Gần chỗ tôi ở có gia đình từ Bắc Giang về trú, nguyên cả nhà. Họ để ruộng lại cho người nội tộc cấy, thu hái chút đỉnh, bảo những tiền thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, đóng góp làm đường làng, quỹ khuyến học khuyến tài, nuôi văn nghệ… nặng quá, chỉ đủ ăn chứ chả tương lai gì. Ra đây cày đường nhựa, dù chỉ là bốc hàng theo chuyến, thuê xích lô chở người nhưng khá hơn, chỉ về lúc giỗ tết thôi. Rồi một hôm họ kêu ầm lên rằng cái dự án lấy đất ở nhà tính cả đền bù với hỗ trợ trên chỉ trả 30 triệu đồng một sào, quá bằng cướp không. Nông dân không có đất thì chết chứ còn gì, con gái chỉ có nước đi làm đĩ… Thế là tranh đấu, những đám đông đến trụ sở công quyền đứng cả ngày, can trường, kiên trì đến lúc được giải quyết. Hể hả, thoả mãn được vài năm, lại thấy vợ chồng nhà ấy ước giá có dự án lấy đất nữa, để lại được đền bù. Nghĩa là nghĩ đúng kiểu “chân đất mắt toét” gì cũng muốn, muốn gì cũng chỉ là cái trước mắt. Cái nhà ấy bao năm nay chỉ độc làm thuê, chả cất mình lên nổi.

Lại nhà khác, những nhà khác, về thị thành đã sẵn nong né, có họ mạc làm to để được nhờ. Ban đầu khiêm nhường, rón rén, chắc chân, phất lên rồi thì “tinh tướng” hẳn, vặn loa tra tấn cả con ngõ hẹp.

Những cảnh người quê, những phận người quê ra tỉnh, hình như rất khác nhau, “đi lên” hay “đi ngang” mỗi ông mỗi kiểu. Nó làm tôi rối tinh khi muốn “phát triển óc quan sát”. Lâu rồi chả có bom đạn để ta lại sơ tán với đi bộ đội đóng nhà dân, thật khó biết “chân dung” nông thôn với “đội quân chủ lực” hôm nay ra thế nào.

Rồi tôi về quê, bỗng nhiên về, cái chốn mình hằng ghi trong trích ngang trích dọc nhưng chả biết nó màu hồng hay tím, hình tròn hay chữ nhật. Là bởi vì ý thích du lịch, khám phá trỗi dậy trong cái vỏ hiếu hạnh với quê nhà, về để thắp hương mộ các cụ, để biết cái ao cha ông mình đã bì bõm ra sao… Mới cưỡi ngựa xem hoa, thè lưỡi ra “nếm” vị quê, đã thấy bao nhiêu quan sát, nhận xét, chiêm nghiệm rất không giống cái cũ của mình. Đâm ra ngổn ngang quá.

Dòng sông trong mát

Quê tôi thuần nông, còn giữ được khá nguyên vẹn cái hình ảnh làng truyền thống. Không còn tường chình mái lá, những ngôi nhà xây khiêm nhường vẫn núp dưới bóng cây xanh rợp. Những mít, na lúc lỉu, kiến bò quanh quẩn trên cành. Ngoài đồng đỗ, lạc trồng cạnh cây lúa, lách chách tiếng vịt đàn rỉa gốc, ông lão thảnh thơi vung cây gậy buộc lá chuối. Cấu trúc đình – đền – chùa còn nguyên vẹn. Nhìn lá cờ hội phấp phới đầu mái đao cong vút lên, tôi nhớ đến anh bạn phó nháy, hắn phàn nàn nông thôn giờ khó kiếm được góc máy nào không bị vướng dây điện với nhà mái bằng quá. Khi tôi bảo thế cậu có “đi” được trong những “toa lét” có thúng gio để rắc xuống không, hắn già giọng: “Nhìn theo quan điểm ấy thì chết!”

Cảnh thế là đẹp, là êm ả rồi, để ta có thể tĩnh tâm với những “suy tư” thơ mộng. Thế mà gặp họ hàng, người làng, bước chân vào từng căn nhà, cảm giác về ngôi làng bình dị, an ổn của mình cứ bong ra, thay vào là sự lo lắng, thậm chí thấy bất trắc.

Nhà nào cũng toàn người già, trẻ con. Đàn ông đàn ang đi tiệt, ra phố làm thợ xây, xe ôm, lâu lâu có thể thành thợ chính hoặc đủ tiền thầu “công trình”. Bà chị họ tôi trông cháu, tết thảm, ngày được hai nghìn bạc, thịt không dám ăn. Cột nhà dán mảnh giấy ghi ba chục ngày giỗ trong năm, lo đủ ngần ấy cái là bạc mặt ra rồi. Tội nghiệp, tôi không tả nổi nét mặt bà lão sáu chục khi nhận món quà trị giá ba cốc bia chưa có cái gắp của thằng em “rơi từ trên trời xuống”. Lại một bà chị khác, quý hoá chân tình, kể tình đầu các cụ bên tôi tử tế thế nào, nhưng chả dám giữ khách ở lại ăn trong khung cảnh quá nhếch nhác.

Đất không nuôi nổi người, nói thế là quá. Nhưng chỉ cho đủ ăn, chứ không thoả mãn được những giấc mơ ngày càng phức tạp, cao vời. Thế nên nhà nào cũng “trống toang”, như nhà văn Dạ Ngân nói. Phụ nữ “kiêm nhiệm” hết, từ cầy bừa đến xấp mặt cắm cây lúa, được cái đã có đôi ủng cao quá đầu gối tha hồ lội bùn không sợ mảnh sành, đỉa với thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Kể cũng lạ, đôi ủng cao su tiện lợi, hơn tám chục nghìn mà cũng phải “made in China”. Các bà làm việc nặng nhọc, mới ngoài ba mươi đã nhầu nát, da đen, dáng cứng cỏi, chả được túng tắng ném quả tình như mợ nhà tôi ngoài sàn nhẩy. Và vừa phun thuốc sâu về nhà chả tắm gội đã vạch áo cho con bú là làm sao…

Khá nhất làng là Khị. Ngoài bẩy mươi, ông cứ một mực gọi tôi là chú cho đúng tôn ti. Nhà xây ba tầng rìa làng, trần đắp phào tô xanh đỏ, có bức cuốn thư chạm chữ nho gì gì mà cả tôi và Khị đều không đọc nổi. Nhưng tường chưa trát, những ô cửa trống hốc, mái lợp tạm tôn ốt Nam, khách ngự trên chiếu khai mù vì “xa lông cha mua được”. Giữa tiếng trẻ u ơ, tiếng tivi vặn to hết cỡ, cố gắng lắm tôi mới thủng được gia cảnh. Rằng cậu con trai, ngoài ba mươi, đi kéo cưa lừa xẻ trên ngược. Chúng đẻ hai con vịt giời, cay lắm, tính tiếp nữa nhưng phải làm kinh tế trước đã. Vợ nó chạy dăm chục triệu được suất “ô sin” ở Đài Loan, đi bốn năm mang ba trăm triệu về xây nhà, mới được cái xác mà chưa có ruột, bèn tốn bẩy chục triệu để sang Đài thêm lần nữa. Tiền con trai đem về, nuôi bố mẹ và con chả hết bao nhiêu, nhưng xây được khu mộ tổ tổ bố, oách cũng nhất làng rồi. Khị tự tin giữ tôi lại ăn cơm. Nhng tôi chả, sợ rằng rượu vào lại hỏi ông có phải thằng con lên trên ấy làm lâm tặc, và vợ nó, mới hai sáu, liệu đi “ô sin” có thoát khỏi tay ông chủ… Cái sự từng trải thị dân lắm lúc tưởng ra những nhiễu sự rất khốn nạn.

Tôi định ở quê thêm mấy ngày. Khung cảnh thanh bình, tiếng chim, câu kể rủm rỉm của bà lão tám mơi níu giữ ghê lắm. Nhưng cùng với nấy là bao thứ nhiêu khê. Đi đường với anh trưởng họ, chào ông cụ thì ấy đừng, còn là cháu mình, gặp anh giáo trẻ định xưng hô lối bằng vai thì bị mắng té tát vì “đứng về bên bà ngoại vợ tôi thì bố cậu phải gọi tôi là anh kia”… Khổ quá, bố tôi mà còn sống, về làng chắc cũng mắc cái tội vô lễ hay khiêm nhường chả phải lối. Muốn sang bà chị họ nghe chuyện thì phải đáo nhà này, nhà kia trước đã, không bị chửi thối ra ngay. Những quan hệ rằng rịt trong ngôi làng nhỏ bé như cái màng nhầy, ngăn không cho ta được là ta, mà trước hết phải là một thành viên của cộng đồng đã. Thế là “trần văn tút”. Anh trưởng họ rất tiếc, hỏi bao giờ lại về, tôi không hẹn được.

Còn một cảm giác kinh khủng, chả dám phô to. Sao mà ở làng trông ai cũng bé nhỏ, mặt mũi chậm chạp? Hay là vì cái thói “ta về ta tắm ao ta”, vợ chồng gần máu nhau quá mà đâm phản động về sinh lý?

*Quê ta làm sao ấy nhỉ, vừa thương lại vừa tội. Những ý nghĩ mới ngổn ngang trong đầu khi tôi trở lại đô thị. Nó làm cho tôi khoan dung hơn, bớt dị ứng với những thói tật quê mùa bị áp đặt bấy lâu nay. Những ông xe ôm, tôi thấy thật can trường khi phải xa hơi vợ, suốt ngày tranh đấu trên đường mà không thể cậy làng cậy họ. Đứa trẻ đánh giầy đã ba lần bị “nhặt” trả về địa phương vào các dịp lễ lớn, mấy hôm sau lại “vũ như cẫn”, tôi thấy gan góc lắm. Và may mắn làm sao, những cô “ô sin” được tha hồ mặc áo hở lưng chả sợ mắng, những sinh viên tốt nghiệp trường kì bám trụ đợi cơ may. Thời chiến tranh, nhà nhà đổ về quê tránh bom đạn, tưới tắm tấm lòng nhân ái rộng lớn của những bầm, bủ. Giờ đây, theo chiều ngược lại, Hà Nội như dòng sông lớn, sông Mẹ bao dung, ai cũng xuống tắm được. Thành phố, vì thế lấm láp, tẹp nhẹp, luộm thuộm hơn, nhưng đã như cái đầu tầu kéo kẻ quê đi lên. Hồng hộc, nặng nhọc, nó giải phóng được cho bao người khỏi những tủn mủn, chật hẹp của nếp sống sau luỹ tre làng. “Ta về ta tắm ao ta” mãi cũng tức là đóng cửa, bảo thủ chứ gì.

Nghĩ đại thể là thế. Phải khoan thứ, nhìn mọi nhẽ theo đại sự, đừng chấp nê cái lặt vặt theo đòi hỏi của mình, tôi tự nhủ. Nhưng sáng nay ra đường gặp ông hàng xóm “đến từ Yên Bái” tay cầm túi rác đi vứt bậy, miệng đon đả chào hỏi thì lại bừng bực. Ối giời ơi, thế thì cái thằng tôi nghiệt ngã trước đây với cái thằng tôi rộng lượng bây giờ, đứa nào đúng đây…

@Viet-Studies

Trung Quốc trở thành nước xài sang nhất thế giới

Barbara Demick/Los Angeles Times
Triệu Phong/Người Việt (chuyển ngữ)

BẮC KINHTrung Quốc đang trở thành khách hàng sộp đầy hứa hẹn đối với các thương hiệu sang trọng trên thế giới, trong khi quá nhiều nước nay đang phải sống cần kiệm, theo điều tra của báo LA Times.

 

Thành viên “Beijing Super Sport Car Club” đậu 50 chiếc xe thể thao hiệu Ferrari,
Porsche, Lamborghini, Aston Martin bên ngoài tòa nhà tổ chức Beijing Auto Show
hồi Tháng Tư, 2010. Dân Trung Quốc ngày càng xài sang hơn so với trước đây.
(Hình: Feng Li/Getty Images)

Năm 2011, Trung Quốc mua nhiều xe hơi đắt tiền như Lamborghini và Rolls Royce hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Ðặc biệt cho Tết năm nay, Rolls Royce cho trình làng kiểu xe “Năm Con Rồng,” với hình rồng thêu tay trên gối kê đầu bọc bằng da. Giá mỗi xe kiểu này bắt đầu từ $1.6 triệu.

Chỉ mới một thập niên trước, dân Bắc Kinh đi xe đạp trên các con hẻm chạy dọc trước sân những căn nhà không có nhà vệ sinh. Nay những con hẻm này được thay thế bằng những đại lý bán xe Lamborghini, Ferrari, Bugatti và Rolls Royce.

Thương vụ của Gucci bán sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2011 tăng 39%, trong khi các hãng sản xuất ví đắt tiền của phụ nữ như Bottega Veneta tăng 80%, và Prada dự trù mở 50 tiệm trong ba năm tới.

Một cái ví đầm hiệu Bottega Veneta làm bằng da cá sấu Phi Châu giá có thể đến $51,000 và một điện thoại di động có gắn nữ trang trị giá $132,000.

Tại một hội nghị về thương mại ở đảo Hải Nam hồi Tháng Mười Một năm ngoái, người ta cho trình làng một bồn cầu mạ vàng với giá hơn $200,000.

Một tiệm bánh sang trọng mới khai trương ở Bắc Kinh, tên Black Swan Luxury Bakery, cho trưng trước tiệm một cái bánh cưới nhiều tầng, giá ghi bên cạnh là $314,000.

Tại Trùng Khánh, một thành phố một thời sôi sục tinh thần cách mạng, một tiệm bán bóp đầm Louis Vuitton mới khai trương hồi Tháng Chín, 2011, nằm đối diện Ðài Tưởng Niệm Giải Phóng.

Cũng tại đây, con trai một đại gia kinh doanh về xe hơi đưa lên trang mạng tương tự YouTube của Trung Quốc, đoạn video cho thấy anh ngồi trong một chiếc xe thể thao Bugatti Veyron, trị giá $4.5 triệu, chạy qua các đường phố.

Trên thực tế, số thương vụ này vẫn chưa nói lên được mức chi tiêu chính thức của người dân Trung Quốc, vì người giàu ở đây phần lớn chỉ xài tiền ở ngoại quốc để tránh bị trả thuế cao trên các đồ xa xỉ và điện tử.

Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục duy trì mức thuế cao nhất thế giới đánh vào đồ xa xỉ, khiến giá thành của món đồ đắt thêm 60%. Ðây là lý do vì sao giới giàu có ở Trung Quốc trở thành dân mua sắm sộp nhất khi đi ra nước ngoài.

Phụ nữ thời thượng Trung Quốc đang thay thế dần phụ nữ Nhật qua các món hàng xa xỉ nhất thế giới như khăn quàng cổ hiệu Burberry. Công ty tư vấn McKinsey & Co. dự trù đến năm 2015, Trung Quốc sẽ qua mặt Nhật trong việc tiêu thụ hàng hóa đắt tiền.

Theo Viện Nghiên Cứu Hurun có trụ sở đặt tại Thượng Hải, giới mua sắm hàng đắt tiền ở Trung Quốc thường là người tuổi tương đối còn trẻ, tương ứng với giới triệu phú trẻ tuổi đang nổi lên ở Trung Quốc (trẻ hơn 15 tuổi so với Tây phương).

Ông Wilson Ho, chủ đại lý xe Lamborghini Sparkle Rolls ở Hồng Kông, nói: “Khách của chúng tôi là những đại phú gia, những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai được thừa hưởng gia tài, hoặc được cha mẹ bỏ tiền mua xe cho con. Cha mẹ Trung Quốc thường cưng chiều con cái, họ mua những gì con cái họ thích.”

Một số người mới giàu nhờ sản xuất hàng loạt đồ rẻ tiền và bán ra ngoại quốc. Tuy nhiên, họ lại muốn mua cho mình đồ “xịn” nhất mà thôi.

Liu Lijuan, một bà mẹ trẻ, móc tiền từ chiếc bóp Salvatore Ferragamo từ trong một cái giỏ của Louis Vuitton để trả tiền cho chiếc bánh sinh nhật của đứa con gái 2 tuổi ở tiệm bánh Black Swan, nói: “Không phải chỉ đơn thuần là người ta muốn khoe khoang mà chính vì chất lượng của sản phẩm.”

Thăm dò của McKinsey công bố hồi Tháng Ba, 2011, cho thấy số phần trăm người Trung Quốc mua nữ trang giả giảm từ 31% trong năm 2008 xuống còn 12%.

Theo một nghiên cứu thị trường, khác với bên Tây phương, nơi người ta sắm đồ đắt tiền cho chính bản thân, trong khi ở Trung Quốc, người ta sắm để vừa làm quà vừa cho chính họ.

Cô Liang Chunfeng, 26 tuổi, người đang mang chiếc ví hiệu Chanel màu đỏ, mà theo cô là món quà người ta tặng cô. Cô nói: “Tôi thích hàng hiệu đắt tiền. Khi mua tặng ai một món đồ gì, cái giá trị của nó nói lên cái lòng của mình đối với người ta.”

Người Trung Quốc có khi dùng quà cáp đắt tiền như bút mực Montblanc hay đồng hồ đắt tiền, hoặc một gói thuốc lá với giá $100, như là một hình thức cho mọi sự được trơn tru khi làm một việc kinh doanh. Ðối tác thông thường là các quan chức chính quyền.

Hồi Tháng Chín năm ngoái, một nhà hoạt động dân chủ cho công bố một báo cáo về những chiếc đồng hồ mà các viên chức chính quyền đang mang, dựa theo tấm hình chính thức của truyền thông nhà nước, đem phóng lớn và phân tích. Nổi bật nhất là Bộ Trưởng Hỏa Xa Sheng Guangzu, người được cho là sở hữu đến bốn chiếc đồng hồ đắt tiền, gồm cả một cái Rolex, trị giá tổng cộng lên đến $62,000.

Nhà hoạt động Daniel Wu nói: “Tôi không thể nói liệu có sự liên hệ nào giữa đồng hồ đắt tiền với tham nhũng hay không, nhưng quí vị cần tự hỏi do đâu mà họ có được những thứ ấy vì chúng vượt xa đồng lương bình thường của họ.”

Một phụ nữ 20 tuổi trở thành “Kẻ Thù Số Một của Công Chúng” hồi Tháng Sáu, 2011, khi cô đưa lên mạng tấm hình của chính cô bên cạnh những ví xách sang trọng, nữ trang, hai chiếc xe hơi sang trọng, Maserati và Lamborghini. Trên một trang blog, người phụ nữ viết dưới tên Guo Meimei tự xưng mình là một quản trị viên của Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc.

Hóa ra cô này không phải là người của hội mà chỉ có quan hệ với một người đàn ông làm việc cho hội này. Chính quyền Trung Quốc ra lệnh điều tra và công chúng phẫn nộ khi biết số lượng máu người ta hiến tặng không cánh mà bay rất nhiều và đến nay vẫn chưa thu hồi lại được.

Ðồng thời, người phụ nữ xuất hiện trên một đài truyền hình ăn khách ở Hồng Kông, vừa khóc vừa xin lỗi rằng những gì cô viết trên trang blog là phóng đại. Sự thật, cô chỉ làm chủ chiếc Maserati, một món quà cô được tặng nhân dịp sinh nhật 20 tuổi, còn chiếc thứ nhì không phải là chiếc Lamborghini mà chỉ là một chiếc Mini Cooper.

Ở Trung Quốc hiện còn 150 triệu người dân đang sống với mức lương dưới $1/ngày.

@NguoiViet

Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng: Tướng Thệ, tướng Hương đồng loạt lên tiếng

Thảo Lăng

Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng đang là tâm điểm chú ý của nhiều tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bước sang ngày thứ 13, vụ cưỡng chế ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, Bộ Công An và Bộ Tài nguyên Môi trường đã chính thức vào cuộc.

Trong lúc các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sự việc thì những bất cập trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương vẫn là câu chuyện làm bức xúc không chỉ những công chúng bình thường, mà còn trở thành tâm điểm chú ý của những vị tướng tài của đất nước.

 Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lên tiếng, nhiều vị tướng lĩnh khác cũng bày tỏ chính kiến.
 Trong cuộc trao đổi thân mật với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên Tư lệnh Quân khu I) và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị) đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ 
Nói về “phản ứng tiêu cực” bắn súng hoa cải làm bị thương 6 chiến sĩ công an, bộ đội của ông Đoàn Văn Vương trong buổi cưỡng chế, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, bản thân ông Vươn là người được học hành tử tế, là một kỹ sư nông nghiệp, nên ông ta không dễ gì có những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật như vậy. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở cách giải quyết của chính quyền địa phương và cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này. 
Cùng nội dung này, tướng Huỳnh Đắc Hương đưa ra một ví dụ điển hình, câu chuyện chống người thi hành công vụ ở Tiên Lãng không phải bây giờ mới có. Trước đây, ở Thái Bình, chính quyền đã từng bán đất của nhân dân để mua ô tô, làm sân tennis, khiến cho nhân dân uất ức mà chống đối. Điều này cho thấy, sự chống đối của người dân xuất phát từ cách làm của chính quyền địa phương mà ra. 
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương 
Ông nói thêm, vào năm 1999, nhân một chuyến du lịch, tôi cùng gia đình và một số đồng đội của mình đã ghé thăm khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Khi đó, ông Vươn và gia đình họ Đoàn nổi lên là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi.
Khi chính sách khuyến khích lấn biển làm kinh tế của nhà nước ta ban hành, không phải ai cũng dám bỏ công, bỏ của ra để làm. Nhưng ông Vươn cùng người nhà đã thực hiện rất thành công. Nhìn vào khu đầm phá này, người ta sẽ phần nào hiểu được công sức, tiền của mà chủ đầm phải đầu tư.
Theo ông Hương, những người như ông Vươn là tấm gương làm kinh tế mà các người dân ở nước ta phải noi theo. Và với tấm gương sáng như vậy, thay vì tạo điều kiện giúp đỡ, mà tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản của họ, thì tôi cho rằng những lãnh đạo địa phương không có tấm lòng.
Nói về chuyện hòa giải của Thẩm phán Ngô Văn Anh đối với phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiên Lãng với các hộ thuộc diện cưỡng chế, tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, cơ quan tham mưu, cơ quan chức năng địa phương quá non kém về mặt chính trị. Bởi vì, hành động ấy chằng khác nào lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi nhân dân. 
Ông nói thêm, việc đưa lực lượng liên ngành tạo nên một cuộc cưỡng chế rầm rộ như đã làm ở Tiên Lãng chẳng khác gì đẩy người nông dân vào đường cùng. Trong trường hợp ấy, lẽ ra ông Vươn trở thành một người dân tốt, người làm kinh tế giỏi bỗng chốc bị dồn vào đường cùng và biến thành tội phạm. Như vậy là thất bại. Và những yếu kém trong cách quản lý của chính quyền địa phương đôi khi vô tình sẽ tạo nên kẽ hở cho những thế lực thù địch lợi dụng.
Đối với câu chuyện san bằng ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn, tướng Huỳnh Đắc Hương nói thêm, nếu chính quyền địa phương không ra lệnh, thì không ai dám phá nhà người khác.
Với những người hiểu về pháp luật, không khó gì trong việc tìm ra cái sai của chính quyền địa phương. Vấn đề là họ có dám thẳng thắn nhận sai hay ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm. Và chỉ có những người vô liêm sỉ mới không dám nhận cái sai của mình.
Qua sự việc này, Thiếu Tướng Huỳnh Đắc Hương mong rằng, các Bộ tham gia điều tra, làm rõ việc quản lý đất đai ở Tiên Lãng trong thời gian tới đây sẽ trung thực, nghiêm túc và giải quyết triệt để vấn đề nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa nhân dân và Nhà nước ngày càng vững bền hơn. Và có thể lấy câu chuyện ở Tiên Lãng làm điển hình cho những địa phương khác trên toàn quốc.
@Baomoi.com