Cười chút chơi

Vợ Và Bồ

Trong quán bia, có hai anh trung niên đọc hai câu thơ văn xuôi về quan hệ giữa vợ và bồ. Một anh đọc:

– Vợ là kẻ địch, bồ bịch là ta, chiến tranh xảy ra, thì ta thua địch, hoà bình giục dịch, ta lại về ta.

Anh khách bảo:

– Hay lắm! Nhưng nếu xếp vợ là kẻ địch thì không nên. Chẳng lẽ anh chung sống với địch à. Tớ có câu này hay hơn: “Bồ là phở, vợ là cơm. Sáng đưa cơm đi ăn phở. Trưa mời phở đi ăn cơm. Chiều phở về nhà phở, cơm về nhà cơm. Tối ngủ với cơm mà lòng lại nhớ phở”.

******************************************************

Còn Lạ Gì Nó

Một chị hớt hải chạy đến trạm cảnh sát báo cáo về việc mất trộm. Anh cảnh sát hỏi:

– Chị mất vàng và tiền phải không?

– Ðúng vậy!

– Chị để đâu mà mất, trong tủ hay trong va ly quần áo.

– Tôi để trong người, chỗ này này. Chị vừa nói vừa vạch áo mình ra để hở chiếc áo coóc-xê với những đường chỉ khâu rất vụng làm chỗ giấu tiền của.

– Thế nó lấy lúc chị đang ngủ?

– Không ngủ! Tôi thức đấy chứ. Nó ôm lấy tôi, âu yếm tôi, đè tôi ra giường, lần tay vào chỗ tôi giấu tiền. Tôi cứ tưởng bở là… Ai ngờ nó móc tiền rồi đi thẳng.

– Chị có nhìn rõ mắt nó không?

– Còn lạ gì nó nữa! Thằng chồng khốn nạn của tôi thì sao lại không biết!

Sản phẩm nông nghiệp kỳ lạ : “hàng độc” miền Tây

Bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu xe hơi,… Tất cả đã sẵn sàng lên phố phục vụ Tết Nhâm Thìn.

Cả tuần nay, các chủ vườn ở Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp hối hả thu hoạch “hàng độc” để kịp giao cho các thương lái mang về phố trước Tết. Năm nay, bưởi hồ lô có chữ tài, lộc và dưa hấu thỏi vàng, hình hồ lô, hình vuông được chuyển đi khắp các tỉnh trong nước, nhiều nhất vẫn là thị trường TP Hồ Chí Mình và Hà Nội.

Riêng sản phẩm bưởi hồ lô ở Châu Thành (Hậu Giang) thuộc CLB khuyến nông Phú Trí A lần đầu tiên được xuất sang Trung Quốc. Đây cũng là điều phấn khởi nhất của bà con nông dân sau bao khổ cực để “nặn” ra sản phẩm thuộc hàng hiếm này.

Nhìn chung năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, lụt lội nên tỷ lệ thành công trong việc định dạng trái bưởi, quả dưa chỉ đạt khoảng 60%. Do vậy, giá bán các sản phẩm này cũng tăng gần gấp đôi.

Trong đó, bưởi hồ lô nổi chữ tài, lộc, loại đặc biệt có giá 700.000 đồng/cặp, loại 1 có giá 500.000/cặp, loại 2 giá 300.000/cặp. Dưa hấu thỏi vàng, hình xe hơi loại 1 giá đến 10 triệu đồng/cặp. Dưa hấu hồ lô loại 1 năm nay cũng tăng gần gắp đôi, loại từ 2,5 kg trở lên có nổi chữ giá 4.000.000đ/cặp.

Mặc dù quả nào cũng có giá bạc triệu trở lên nhưng các chủ vườn không lo sản phẩm bị ế, vì hiện tại đến giờ này không còn hàng để bán, thậm chí có nhiều thương lái gọi điện đến các chủ vườn hỏi mua thêm hàng nhưng không có.

Cận cảnh các sản phẩm “không đụng hàng” phục vụ Tết ở miền Tây:

Dưa hấu vuông và dưa hình thỏi vàng.

Sản phẩm dưa hấu vuông của anh Đức Trí ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp sẵn sàng lên phố

Anh  Trần Thanh Liêm (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy- TP Cần Thơ) rất vui khi tạo hình thành công 4 cập dưa hấu hình xe hơi

 Phân loại dưa hồ lô dựa vào trọng lượng và chữ nổi nhiều hay ít
Cẩn thận cho dưa hồ lô vào thùng
 Chỉ cần một cơn mưa, mỗi công dưa bị hao từ 10 – 20 trái
 Bưởi hồ lô
Ông Võ Trung Thành – Chủ Nhiệm CLB Khuyến nông Phú Trí A rất vui khi lần đầu tiền bưởi hồ lô xuất đi Trung Quốc.
Ngô Nguyễn – Huỳnh Hải
@DanTri

Giàu có thật không?

Nguyễn Vĩnh

Nguồn: Blog Nguyễn Vĩnh

Hai bài viết dưới đây trình bày bởi một tác giả ở trong nước và một từ giới truyền thông nước ngoài.

Không đi vào khía cạnh chỗ đứng, về quan điểm thái độ này kia trước sự việc (như bài thứ hai chẳng hạn) mà chỉ đối chiếu sự phản ánh “Hà Nội có ăn chơi xa hoa hay không” với một thực tế cuộc sống thực của Hà Nội – mà các tác giả này thể hiện – thì ai cũng phải công nhận các cây bút này đều đã rất trung thành phản ánh sự thực – một sự thực đang diễn ra lâu nay là có một giới người, một lớp người “giàu có mới” của Việt Nam, của Hà Nội đã quá xa hoa, đã quá đáng phung phí tiền của trong khi đất nước và đa phần nhân dân xung quanh họ còn bao gian khó nghèo nàn…

Người bạn tôi thời đi làm có cương vị chính thức kha khá trong xã hội bảo tôi cứ đưa lên blog để những kẻ xa hoa kia “xấu hổ” vì những hành động mà anh cho là lố lăng dớ dẩn trong một đất nước còn nghèo như Việt Nam.

Bằng kinh nghiệm tôi nói ngay rằng, bạn ơi rất đáng tiếc là bọn giàu xổi dửng mỡ, kiếm tiền như cướp được kia lại chẳng bao giờ đọc blog đọc báo vào những bài-mục như thế này đâu; hoặc giả đọc phải thì cũng vờ như không thấy không biết, thậm chí còn cho rằng chúng ta là lũ hấp, khốt-ta-bít, chẳng hiểu thời thế là gì sất; ờ người ta có người ta tiêu xài, người ta ăn uống đấy, chứ nào có động đến ai; thật toàn cái đồ ghen tị, lạc hậu không biết kiếm tiền… – đại thể đó là mấy lời tôi nói với ông bạn già của mình khi nhìn nhận về bọn người tiêu bạc triệu bạc tỉ dễ dàng như chúng ta tiêu dăm bạc chục ngàn đồng hàng ngày vậy!

Tôi nói vậy không có nghĩa là “đánh đồng” tất cả mọi người có tiền như nhau. Trong một xã hội đã công nhận nền kinh tế thị trường (dù lãnh đạo đất nước không bao giờ quên kèm cái đuôi định hướng…) thì việc có người giàu xuất hiện, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng xa cách, việc người có tiền kiếm được chính đáng chi tiêu thoải mái mạnh bạo không có gì đáng phê phán nặng nề cả. Điều đáng nói đáng bàn là bọn làm giàu bất chính.
Cuối cùng vấn đề thực chất là sự tiêu tiền như thế thì Hà Nội là giàu có thật sao? Đáng tiếc câu trả lời là “Không”. Việt Nam hiện không phải là đất nước giàu có. Và Hà Nội cũng chưa phải là thành phố giàu sang thực chất.

Hai bài viết dưới đây phần nào nói lên thực trạng hiện nay nhưng đã ở mức độ rất đáng báo động.

Hà thành ăn ngủ xa hoa

TTCT – Ăn sáng bằng một tô phở 650.000 đồng, ăn tối trong một căn phòng vàng và đêm đến thì ngủ ở một khách sạn với giá 6.200 USD/đêm…? Hà Nội là nơi có thể thỏa mãn bất cứ ai có tiền bằng những dịch vụ đắt tiền như thế.


Bát phở bò Sagagyu 650.000 đồng – Ảnh: Việt Dũng

Trên những con phố Hà Nội chật chội, ngột ngạt vì kẹt xe, vỉa hè ngập tràn những quán vịt om sấu hay bún ốc, ít ai ngờ rằng thủ đô có những chốn “xứng danh kim tiền” đến vậy.

Dát vàng khắp nơi

Ấn tượng đầu tiên về khách sạn Grand Plaza Hà Nội khánh thành mới đây trên đường Trần Duy Hưng, gần Trung tâm hội nghị quốc gia, là từ sảnh lớn cho tới nhà vệ sinh đều dát kim loại màu vàng. Khách sạn có 618 phòng khách cao cấp và phòng hạng sang cùng nhiều nhà hàng mang nhiều phong cách ẩm thực, phòng tiệc, hội nghị…

Có hai phòng tổng thống với giá cao ngất: phòng 325m2 giá 3.900 USD/đêm, còn phòng 410m2 giá 6.200 USD/đêm, tức hơn 125 triệu đồng. Kim loại màu vàng dát đầy trên các chi tiết trang trí trong phòng, theo như lời kể của ban quản lý khách sạn. Bước vào căn phòng này, sờ tay vào cái giường ngủ của “tổng thống”, ta có cảm giác như mình đang bước vào một bảo tàng kim hoàn.

Nếu đã ở phòng “tổng thống” thì sao không đi ăn tối theo kiểu “hoàng đế”, với một phòng ăn được gọi là phòng vàng tại nhà hàng Long Đình trên phố Quán Sứ? Nhà hàng này nhìn bên ngoài cũng khá bình thường, nhưng có thêm những phòng ăn đặc biệt gọi là phòng vàng, phòng bạc. Những ly tách muỗng nĩa trên bàn lấp lánh màu của kim tiền. Thực đơn của quán toàn những món với tên gọi hào nhoáng và tiền thì tất nhiên cũng… xả láng. Cô Phạm Thị Vân Anh, phụ trách PR của công ty sở hữu nhà hàng này, cho biết một bát xúp vi cá giá 72 USD, một bữa tiệc có giá ít nhất cũng 800 USD.

Anh Việt, một doanh nhân Hà Nội từng mời bạn hàng Trung Quốc đến nhà hàng Long Đình, kể: “Người ta đến đây để hưởng cảm giác yến tiệc hơn là để ăn. Hôm đó năm người, tôi phải thanh toán hết gần 2.000 đô…” – anh cười. Cung cách phục vụ như thế nào là tùy theo ý muốn của khách, nhưng theo giới thiệu của nhà hàng thì khi ngồi ở phòng vàng, thực khách được phục vụ như “hoàng đế”.


Những họa tiết trang trí trong phòng tổng thống khách sạn Grand Plaza Hà Nội được dát màu vàng rực rỡ – Ảnh do KS cung cấp

Bát phở giá bằng cả tạ thóc

Bát phở bò này có giá 650.000 đồng, bằng giá một tạ thóc nếu tính giá cao 6.500 đồng/kg. Nhưng “có người sáng nào cũng ăn, có người kéo cả gia đình ba bốn thế hệ đến thưởng thức, thanh toán tiền ăn sáng hết vài triệu đồng là chuyện bình thường” – ông Tô Lâm, tổng giám đốc khách sạn Vườn Thủ Đô kiêm ông chủ nhà hàng trong khuôn viên khách sạn, nơi duy nhất ở Hà Nội bán loại phở bò đắt khủng khiếp này, kể về khách hàng của mình. Bãi đỗ xe nhà hàng chật ních những loại xe sang trọng, đắt tiền như Porche, Lexus…

Có gì khác biệt giữa hai loại phở? Phở Sagagyu 650.000 đồng được đặt trong tô bằng sứ có mạ vàng với một cái muỗng cong, còn bát phở bò Mỹ 125.000 đồng đặt trong tô thường, muỗng thẳng. Cũng khác biệt so với phở thường nữa là ở chỗ nhân viên chỉ mang bát phở có nước dùng ra, phần thịt bò được thái mỏng bằng máy và bọc trong một đĩa riêng để khách hàng tự tay nhúng. Khi cho vào bát phở chỉ sau chốc lát thịt bò đã chuyển từ màu đỏ sang màu sẫm. Cho vào miệng nhai có cảm giác miếng thịt tan rất nhanh, mềm, đậm đà và thơm. Ngoài ra còn có loại phở Kobe giá 500.000 đồng chế biến từ thịt bò Kobe, hoặc “mềm” hơn là phở Wagyu với thịt bò Úc có giá 220.000 đồng.

Làm khách sạn hơn 20 năm, bán phở đã năm năm nhưng chỉ hơn một năm trở lại đây ông Lâm mới bán phở bò Kobe. Ban đầu ông chỉ có mong muốn đơn giản là mang đến cho khách hàng những món ăn truyền thống đậm đà hương vị xứ Bắc. Nhận thấy thị hiếu khách hàng đất Hà thành ngày càng cao, ông quyết làm một bước đột phá: bán loại phở bò thượng hạng. Không ngờ món phở bò “quý tộc” này lại thu hút nhiều khách hàng đến vậy.

Ông Tô Lâm cho biết mặc dù đắt đỏ là vậy, nhưng nhiều hôm cả ba nhà hàng của khách sạn phục vụ 150 suất ăn một lúc vẫn bị quá tải. Lượng khách thưởng thức món phở này khá phong phú nhưng theo lời ông Lâm, hầu hết là giới doanh nhân tiếp đối tác, bàn chuyện làm ăn. Khách cuối tuần thường là gia đình giàu có.

Đứng dậy cầm hóa đơn thanh toán, dù biết trước giá cả nhưng chúng tôi không khỏi “xót ruột” khi trả hơn 800.000 đồng cho hai bát phở bữa sáng. Chợt nghĩ tới hóa đơn thanh toán của những người kéo cả gia đình đến ăn sáng bằng phở bò Kobe. Giá tiền trả cho một bát phở Sagagyu có thể đủ cho một bữa tiệc 5-6 người với vịt om sấu và rượu vodka – món ăn thuộc loại thịnh hành nhất trên vỉa hè Hà Nội hiện nay.

Hà Nội còn rất nhiều thứ xa hoa khác đang phô diễn trên những “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, từ những chiếc xe siêu sang cho đến những cửa hiệu thời trang dành cho người có thu nhập rất cao. Những thương hiệu thời trang danh tiếng nhất trên thế giới khi vào Việt Nam vẫn chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên. Chẳng hạn như nhãn hiệu Hermes tại Việt Nam hiện chỉ có ở Hà thành, trong một khách sạn nổi tiếng nhất tại trung tâm thành phố. Và bây giờ là khách sạn 6.200 USD/đêm, là bữa tiệc vàng…

Còn bò Kobe hay Sagagyu? Vấn đề khiến người ta ngỡ ngàng không phải ở chỗ nó là món thịt đắt nhất vì chúng vẫn được bán nhiều trong các nhà hàng khác ở Việt Nam đấy thôi, mà là chuyện nó nằm trong một tô phở – món ăn vẫn bán đầy vỉa hè ngoài kia. Chẳng đâu xa, chỉ cần bước ra khỏi Vườn Thủ Đô mấy trăm mét, ta gặp ngay một cái bàn ven đường dưới tấm vải bạt, nơi những sinh viên, công nhân đang xì xụp những tô phở 15.000-20.000 đồng nghi ngút khói.

VŨ THANH BÌNH – LÂM HOÀI

Đây là một thói quen xài sang của một tầng lớp – tạm gọi là tầng lớp “người Việt mới”. Kinh tế thị trường ở bất kỳ nước nào trên thế giới đều gây ra hệ lụy là khoảng cách giàu nghèo, và khoảng cách đó chỉ ngày càng cách xa nhau chứ khó có thể xích lại gần nhau. Như cụ Đào Duy Anh từng viết, đại ý: việc xã hội tĩnh tại chuyển sang xã hội chuyển động sẽ làm phát sinh nhiều điều cần phải giải quyết dài dài.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có người bỏ ra gần 1 triệu đồng để ăn một bát phở, vì đơn giản người ta thấy hài lòng với việc mình làm, nghĩ mình xứng đáng được ăn bát phở với giá trị – mà thực tế chỉ bằng một phần rất nhỏ, bé gấp nhiều lần so với thu nhập của người đó. Ở góc độ xã hội, tôi cho rằng phải chấp nhận với thực tế của hiện tượng trên, nhưng rõ ràng có nhiều điều phải suy ngẫm, bởi nước ta tỉ lệ người nghèo còn quá cao. Hơn nữa, phải nhìn nhận ngoài những người giàu từ làm ăn chính đáng, kết quả từ việc đầu tư công sức, tiền của, chất xám, không loại trừ có không ít cá nhân làm giàu từ đồng tiền bất chính. Những cá nhân này không bao giờ tiếc và không ngại phung phí đồng tiền của họ.

Tuy nhiên, nhìn nhận công bằng hơn, không thể “bình quân chủ nghĩa”. Người kiếm được nhiều tiền thì tiêu nhiều, kiếm ít phải chấp nhận tiêu ít, không có lý do để buộc người có nhiều tiền phải tiêu ít đi. Nhìn nhận lạc quan hơn thì xuất hiện thói quen xài sang của một bộ phận người Việt cũng là tín hiệu đáng mừng về thu nhập đang tăng lên, sâu xa hơn là tín hiệu về một đất nước đang giàu lên, nền kinh tế đang ngày càng phát triển.

PGS-TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI
(Chủ nhiệm bộ môn văn hóa – truyền thông ĐH KHXH&NV Hà Nội)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/Phong-su-ho-so/418573/Ha-Thanh-an-ngu-xa-hoa.html

Cách nhìn ở bài viết dưới đây (trích lược) là của truyền thông nước ngoài chắc chắn có những điểm khác biệt với trong nước. Cần đọc tham khảo để càng thấy rằng, hoang phí (trong khi nước còn nghèo) không chỉ đơn thuần là hoang phí mà nó còn dẫn tới những liên hệ và suy diễn hết sức nguy hại cho đất nước.

Việt Kiều dành dụm mang tiền về nước làm từ thiện cho nhà giầu Hà Nội ăn chơi xa hoa

Vi Anh

Phóng viên Alastair Leithead từ Hà Nội gửi tin về bản đài nói về dân nhà giàu ăn chơi. Tựa đề phóng sự là “Ăn Phở 35 Đô Ở Nước Việt Nam Cộng Sản”.
Còn chuyện chơi xe máy Harley Davidson mà một thành viên người ngoại quốc của Câu lạc bộ nhận xét với phóng viên rằng “ông sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe hạng sang như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới đâu”. Chơi xe hơi giá thật mắc (đắt tiền nhất), mới và lạ không thể tưởng tượng được ở VN. XePorsche hai cầu dù Alastair Leithead là nhà báo đi nhiều nhưng chưa biết có loại xe đó; còn xe Rolls-Royce Phantom chế tạo theo ý người đặt hàng mua cũng đã xuất hiện nhiều tại VN.

Tin RFA, thống kê của Bộ Công thương tại Hà Nội công bố trong năm 2010, ViệtNam CS đã “nhập khẩu“ những mặt hàng xa xỉ lên đến 10 tỷ đô la Mỹ. Ô tô và xe máy chiếm khoảng 1 tỷ đô la, trong khi “hàng hiệu” được xem là xa xỉ phẩm như điện thoại di động loại mới, mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá, đồ trang sức, đá quý và quần áo loại sang chiếm đến 9 tỷ đô la. Thật khủng!

Số triệu, tỷ phú đô la nổi ở trong nước mỗi năm đều tăng lên. Có người chẳng những mua xe sang mà mua luôn máy bay để đi lại nữa. Số triệu, tỷ phú chìm ắt còn nhiều hơn nữa nhưng họ dĩ nhiên là muốn giấu kín sự giầu có… Đó là những cán bộ đảng viên có quyền khi tham nhũng trở thành quốc nạn. Tài sản họ thu gom được, thực chất như là “cướp được” của nhân dân và đất nước họ cũng nhiều vô số kể.

Trong bối cảnh tham nhũng là quốc nạn, một số trong hơn 3,6 cán bộ đảng viên CS đã lợi dụng chỗ đứng để bòn rút, hối mại từ quyền thế, tham ô nhũng lạm, dĩ công vi tư .. Đám này giàu có, thừa mứa, mỗi năm xài cả tỷ Mỹ kim cho hàng hóa “nhập” xa xỉ trên kia.

Người Việt hải ngoại đâu có giàu như họ được dù phải làm việc một tuần 40 giờ, với hàng chục thứ hoá đơn phải trả, đóng thuế cao, đâu có được hưởng quyền lợi ưu đãi gì như ở VN? Tại sao khi có thiên tai thì những kiều bào này lại bị kêu gọi góp tiền đem về cứu trợ.

Hỏi có người Việt Hải ngoại nào ăn tô phở bò 35 Đô mắc như vàng như ở VN? Ai mà dám đi xe máy dầu nhãn mác Harley Davidson hạng sang, các loại xe hơi Porsche hai cầu, Rolls-Royce Phantom chế tạo theo ý của người chủ mua? Và liệu có mấy người mua Iphone 4 mới ra với giá tương đương 900 Đô?…

Nguồn: http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=6284

Luật sư Việt Nam đòi tư hữu hóa đất đai

Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện nhiều ý kiến đòi bãi bỏ quy định chỉ có “công hữu đất đai” của chế độ cộng sản.

Tuyên bố này của ông Luật Sư Trần Hữu Huỳnh, trưởng Ban Pháp Chế Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam sau vụ chính quyền địa phương cưỡng chế để thu hồi đất của nông dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng gây chấn động dư luận.

Ðất đai là mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam hiện nay. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, vụ cưỡng chế đất của gia đình nông dân Ðoàn Văn Vươn chỉ là một sự kiện của một “giọt nước làm tràn ly.”

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Huỳnh cho rằng luật đất đai tại Việt Nam hiện nay vừa đồ sộ về khối lượng, vừa khó áp dụng vì thay đổi xoành xoạch và không đồng nhất, lại động chạm đến đại đa số người dân.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Hội Nông Dân Việt Nam mới đây đề nghị nâng thời hạn giao đất cho nông dân từ 20 năm lên 50-70 năm để nông dân yên tâm canh tác trên mảnh đất của mình được giao. Theo Hội Nông Dân, đề nghị này cũng nhằm khuyến khích nông dân đặt hết tâm trí và sức lực vào việc khai thác đất đai, tránh lãng phí và tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh thì chủ trương kéo dài thời hạn giao đất lên 70 năm cũng chưa phải là một quyết định lâu dài vì đến lúc hết hạn thì người ta lại loay hoay thu hồi, đo đất và cấp lại đất cho nông dân.

Ông Huỳnh cho rằng luật pháp xác nhận “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” theo Hiến Pháp Việt Nam hiện nay chỉ được áp dụng tại nước Việt Nam cộng sản, không giống hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Theo ông Huỳnh, Việt Nam cần phải trở lại chế độ sở hữu tư nhân đối với đất đai từ đất thổ cư cho đến đất nông nghiệp.

Ông Huỳnh nói: “Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta thấy có nhiều điều bất hợp lý cho nên không thể tiếp tục duy trì mãi cơ chế cũ đang cản trở năng lực cạnh tranh của đất nước.”

Ông Huỳnh cũng cho rằng việc công nhận sở hữu cá nhân về đất đai sẽ tạo ra một động lực mới trong hoạt động đầu tư, giảm tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực điều hành, tăng tính chất hữu hiệu trong việc sử dụng đất và tạo điều kiện cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Huỳnh cũng nói rằng, “Việt Nam nên chọn mục tiêu nâng cao khả năng của nền kinh tế giúp dân giàu, nước mạnh thay vì chấp nhận sự bình đẳng trong nghèo đói và chậm phát triển.”

Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Việt Nam coi đất đai thuộc sở hữu nhà nước.

Tại các địa phương trong toàn cõi Việt Nam, các viên chức chính quyền áp dụng chính sách “cào bằng” ruộng đất, tịch thu đất của cả các gia đình nông dân trung lưu để chia cấp cho người không có đất, phần lớn là cán bộ của họ.

Trong những năm đầu tiên dưới chế độ cai trị của chính quyền cộng sản, miền Nam Việt Nam từ là vựa lúa của vùng Ðông Nam Á trở thành nơi thiếu gạo trầm trọng, kéo dài cho tới hơn mười năm sau.

@NguoiViet

Hà Nội cướp đất của dân và giết người công khai tại thôn La Dương, Hà Đông.

‘Sự lạc quan vô tận’

Nhà văn Phạm Thị Hoài
120116162749_pham_thi_hoai_304x304_phamthihoai_nocredit.jpg

Nhà văn Phạm Thị Hoài nhấn mạnh đang có một tầng lớp đối lập trung thành tại Việt Nam.

Sau bài phỏng vấn với Giáo sư Chu Hảo về trí thức trong xã hội và hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, BBC nhận được nhiều bài viết đáp lời. Xin giới thiệu với quý vị bài của nhà văn Phạm Thị Hoài từ Berlin:

Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành.

Đối lập trung thành tại Việt Nam là ai? Theo quan niệm của tôi, họ là những người không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống.

Họ gắn bó với hệ thống vì xác tín, vì thói quen hoặc vì không có, hay không biết đến lựa chọn nào khác. Họ góp phần tích cực xây dựng và duy trì hệ thống, và qua đó có địa vị, uy tín và những quyền lợi nhất định trong hệ thống. Mong muốn của họ là cải tạo hệ thống nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nó. Sự sụp đổ này đồng nghĩa với sự phủ định họ ở một số phương diện căn bản. Điều đó chắc chắn là đau đớn.

Họ thường là đảng viên Đảng Cộng sản, lực lượng chính trị duy nhất độc quyền cầm quyền và độc quyền xác quyết sự độc quyền của mình trong Hiến pháp Việt Nam. Giới hạn xa nhất mà họ có thể đi là thỉnh cầu Đảng của họ nhượng cho những lực lượng chính trị khác thuê vài mét vuông để ngụ cư trong lãnh địa mênh mông của Đảng mà hợp đồng thuê đương nhiên do Đảng soạn thảo. Như thế là đã quá nhiều hào phóng.

So với một số nhà đối lập trung thành đi trước, ông Chu Hảo còn đứng vững ở bên này giới hạn cho phép. Thay vì bị trừng phạt như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Hộ hay bị thanh lí như Trần Độ, bị vô hiệu hóa như Trần Xuân Bách, những người đã đặt ít nhất là một nửa bàn chân sang phía bên kia hoặc ở giai đoạn cuối đã đoạn tuyệt hệ thống, ông Chu Hảo còn được đảm đương những chức vị tuy không có thực quyền nhưng có một bục đứng để phát ngôn trong một không gian nhất định, còn được phép dấn thân vào những dự án tâm huyết chừng nào chúng chưa bị hệ thống coi là nguy hiểm, còn được xuất hiện như một nhân vật của công chúng chừng nào ông biết làm cho hình ảnh của mình giống một bông hoa cài lên ve áo chế độ hơn là một cái gai.

Ông cũng còn được yên ổn sau khi phát biểu trên những cơ quan truyền thông ngoại quốc như BBC hay RFA Việt ngữ, chừng nào ông vẫn đủ cảnh giác trước nguy cơ “các thế lực thù địch có thể lợi dụng” “thông tin sai lệch”, như mới đây ông đã cảnh báo. Lê Công Định và Cù Huy Hà Vũ cũng phát biểu trên những cơ quan truyền thông này và họ đang ngồi sau song sắt.

‘Trả giá mềm’

Giáo sư Chu Hảo cho rằng chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với trí thức ở trong nước.

Đối lập trong một chế độ toàn trị tất nhiên là phải trả giá. Tuy những người cộng sản nổi tiếng về sự thanh trừng nội bộ trong chính hàng ngũ của mình không thua gì sự đàn áp kẻ thù bên ngoài, nhưng cái giá của đối lập trung thành chưa bao giờ cao chạm trần và có thể thỏa thuận, tùy ở tài mặc cả của những người trong cuộc và cũng tùy thời giá. Thời giá hôm nay, theo tôi, thuận lợi cho những người đối lập trung thành hơn hẳn các đồng chí của họ vài thập kỉ trước.

Cái giá duy nhất mà họ phải trả, như ông Chu Hảo phàn nàn, là tiếng nói phản biện của họ không có hồi âm. Tôi nghĩ, đó là một cái giá rất mềm, so với những ví dụ chúng ta được biết từ hơn nửa thế kỉ qua. Thay vì bị trừng phạt, bị thanh lí, bị vô hiệu hóa, họ chỉ không được đếm xỉa.

Dĩ nhiên không có chuẩn để so sánh nỗi đau tâm lí. Ở người không được đếm xỉa, nó có thể lớn hơn ở người bị trừng phạt.

Từng là một quan chức nhà nước tương đối cao cấp, dù chỉ ở một chức vụ không có nhiều quyền bính, ông Chu Hảo hiểu rõ hơn hàng chục triệu người, vì sao số phận của phản biện ở Việt Nam lại hẩm hiu như thế. Được hỏi, vì sao các trí thức phản biện chỉ phản biện khi đã về hưu, ông giải thích rằng khi đang còn chức quyền, “họ là con người của guồng máy đó nên phải tôn trọng những kỉ luật của guồng máy” đã được xác lập.

Tình thế thực ra quá rõ ràng. Hoặc là bạn đứng trong guồng máy và tôn trọng kỉ luật của nó, bạn chẳng phản biện gì hết và cũng không buồn nghe ai phản biện. Hoặc là bạn vẫn đứng trong guồng máy và thử giới hạn khoan dung của nó cũng như giới hạn chịu đựng của bạn, bạn hơi phản biện một chút và nó khạc bạn ra như một miếng đờm.

Hoặc là bạn tự nguyện ra khỏi guồng máy và xắn tay lên phản biện, nhưng xin đừng gửi về địa chỉ của guồng máy và cũng đừng trách nó dửng dưng với bạn. Với nó, bạn đã không còn tồn tại và bạn nên lấy đó làm mừng, đừng gửi gắm nốt phần đời vừa được giải phóng của bạn vào chính cái cũi đã nhốt bạn chừng ấy năm trời.

Với tôi, phát ngôn của ông Chu Hảo, rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, là thông điệp tệ nhất.

 Phạm Thị Hoài

Ra khỏi guồng máy dễ hơn thoát khỏi hệ thống. Hệ thống bủa vây những người đối lập trung thành trong tư duy, trong diễn đạt, trong cả vốn từ vựng của họ.

Vì sao cùng một người, ở đây là ông Chu Hảo, vừa có thể phàn nàn rằng Việt Nam không có tầng lớp trí thức đích thực theo ông định nghĩa, tức những người có một số phẩm chất, trong đó nổi bật là năng lực tư duy độc lập, lại vừa có thể nhận định rằng cái giới trí thức (chưa có) đó tiếp tục cần đến sự lãnh đạo (có thực) của Đảng Cộng sản Việt Nam, như trong phát biểu mới đây của ông trên BBC?

Tôi xin thử một câu trả lời: nửa thế kỉ qua, hệ thống toàn trị của Đảng đã biến đổi thành công bộ nhiễm sắc thể của các đảng viên, “sự lãnh đạo của Đảng” đã ăn vào gen trong cơ thể họ và tự động phát tiết, trong cả những tình huống không phù hợp nhất.

Năm 2012 mở đầu với nhiều tin xấu: vụ bắt giữ nhà báo Hoàng Khương, vụ xung đột ở Tiên Lãng, vụ xét xử Lê Văn Luyện, những vụ xe cứ cháy người cứ chết từ cuối năm ngoái chưa dứt…

Với tôi, phát ngôn của ông Chu Hảo, rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, là thông điệp tệ nhất. Nếu nó đến từ ông Đinh Thế Huynh, sếp tư tưởng đương chức của Đảng, thì tôi có chút cảm thông. Ông ấy cần công ăn việc làm, vì chắc chắn không được đâu mời làm trưởng thôn như Bộ trưởng Đinh La Thăng nếu mất chức, mà cũng không làm thơ hay như ông Nguyễn Khoa Điềm, người tiền nhiệm của ông hai khóa trước, để cuộc sống tiếp tục có ý nghĩa.

Hơn hai mươi năm trước, các nhà lãnh đạo tư tưởng Đông Đức cũng rất bế tắc khi bỗng nhiên không ai cần đến sự lãnh đạo của họ nữa. Nhưng thông điệp nói trên đến từ vị giám đốc, linh hồn và trụ cột của Nhà xuất bản Tri Thức, cái nôi quý giá cho những tác phẩm quan trọng của tri thức nhân loại có thể lọt lòng tại Việt Nam.

Tinh thần toát lên từ khối tri thức mà ông Chu Hảo tổ chức truyền bá bằng một sự dấn thân đáng khâm phục ấy là tình yêu, ý thức và khát vọng tự do, trước hết là tự do tư tưởng. Vừa cổ vũ cho tự do tư tưởng, vừa biện minh cho sự cần thiết của chiếc gông tròng vào cổ trí thức Việt Nam và đè nặng lên họ, khiến họ chỉ còn nhận thức độ cao trí tuệ bằng khoảng cách từ cổ xuống đất chứ không bằng khoảng cách từ đầu lên trời? Nghịch lí, những điều chỉ có ở Việt Nam, cũng không chừa ông Chu Hảo.

Nghịch lí ấy hẳn có tên khác, “biện chứng cách mạng”, trong từ vựng chính thống. Không để ý tên tác giả, có thể nhầm phát biểu của ông Chu Hảo với phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu đăng trên Quân đội Nhân dân hay phát biểu của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà ông Chu Hảo thiết tha đặt kì vọng, vì cả ba ông đều sử dụng vô tư và vô trách nhiệm vốn từ vựng sáo mòn đang từng ngày làm tổ trong năng lực ngôn ngữ, công cụ và thành quả của tư duy, của cộng đồng.

“Đổi mới” thì luôn đi kèm “quyết tâm” như thuở nào và hai thứ này cộng lại luôn phải “triệt để và sâu rộng” cũng như “chỉ đạo” thì cần “quyết liệt”, “sửa đổi” thì phải “căn bản”, “thực hiện” thì “nghiêm túc”; các “thảo luận” thì không tránh khỏi “thẳng thắn, dân chủ” và chỉ có cách “ưu tiên, mở rộng” chúng; “hạn chế, yếu kém” thì Đảng cần “khắc phục” và “chủ nghĩa cá nhân” thì cần “đấu tranh triệt để”.

Lại “triệt để” rồi. Có doping “triệt để” lên nữa và lên nữa cũng vô ích, nhờn ngôn từ không khác nhờn thuốc kháng sinh. Không một nội dung cụ thể nào có thể sờ được trong cái cẩm nang từ vựng chính trị lười biếng đó.

Nếu cách tư duy, cách diễn đạt, nếu ngôn ngữ chính thống này hoàn toàn thắng thế thì trong vòng ba thế hệ tới, sẽ không còn ai đọc và hiểu những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

‘Lạc quan vô tận’

Nhiều người đối lập trung thành tin rằng mình phải đứng trong hệ thống, phải thuộc về nó mới có cơ hội thay đổi nó, hay ít nhất mới có điều kiện để “làm một cái gì đó có ích” như cách nói nôm na. Những cống hiến của ông Chu Hảo và nhiều trí thức đứng trong hệ thống nhưng đứng ngoài guồng máy đủ lớn để bỏ qua sự xỉa xói vô liêm sỉ từ phía những người thường xuyên đem họ ra dè bỉu, trong khi mình thì đóng tất cả các vai, từ vai em ngoan biết phận qua vai đàn anh đàn chị khinh bạc, chưa kể vai chỉ điểm, chỉ trừ vai bồi bàn trong đại tiệc thủ lợi khổng lồ của các cá nhân do hệ thống đẻ ra.

Và cũng đủ lớn để bỏ qua sự mạt sát bạt mạng từ những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng, những kẻ thừa khí phách để chê bai giới trí thức trong nước xu phụ quyền lực, trong khi mình thì chỉ thiếu một giọt can đảm để chính danh. Tôi kính trọng những cống hiến của ông Chu Hảo, nhưng không chia sẻ tọa độ chính trị của ông. Tôi cũng tin rằng những lựa chọn đối lập khác có thể có ích không kém, nếu không muốn nói là càng ngày càng cần thiết hơn.

Song mỗi lựa chọn đều là một thực đơn trọn gói chứ không phải một buffet trong tiệc đứng để ta lẩy riêng những món vừa miệng. So với các lựa chọn đối lập khác, vị đắng trong gói đối lập trung thành còn là ít hơn cả.

Tôi biết rằng mình đứng từ xa, không thể nhìn thấu những họa tiết đang từng ngày biến hóa trong bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam, nơi vài thập niên trước có nằm mơ cũng không thấy những cánh cửa đã mở của hôm nay. Những bước đi rất nhỏ, rất chậm, rất vất vả, đã gộp thành một chặng đường.

Tôi biết rằng từ một vị trí ưu đãi, không có gì để mất trừ hi vọng gặp lại quê hương và gia đình, mình dễ bất công hay dễ đánh mất sự cảm thông với những thỏa hiệp không tránh khỏi của những người phải tồn tại trong một chế độ toàn trị. Nhưng từ vị trí nào thì cuối cùng chúng ta cũng đứng trước câu hỏi phải làm gì với nó. Giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn.

Đến tận những ngày cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức, một số trí thức và văn nghệ sĩ hàng đầu của quốc gia này còn theo đuổi mô hình một chủ nghĩa xã hội nhân đạo. Họ cũng là những nhà đối lập trung thành, muốn cải tạo chứ không phá bỏ hệ thống.

Sứ mệnh không thành của họ, ở thời lịch sử sắp cáo chung, còn dễ định nghĩa. Chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam nay chỉ còn trên giấy tờ, trong sách giáo khoa và trong tâm tưởng của thế hệ những người từng coi nó là lí tưởng sống. Các nhà đối lập trung thành ở Việt Nam phải theo đuổi một chủ nghĩa xã hội hồng có bộ mặt người trên lí thuyết và đối diện với một chủ nghĩa tư bản đỏ có bộ mặt rừng rú trong thực tế. Sứ mệnh của họ là cải tạo hệ thống nào để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống nào, thật không dễ trả lời, chưa nói tới việc thực hiện.

Nhưng ông Chu Hảo là người lạc quan. Lạc quan vô tận. Tạp chí Xây dựng Đảng Xuân Nhâm Thìn này có bài “Tết đến rồi…!” của ông. Cứ từ từ, “tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước”, như ông tuyên bố.

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của nhà văn, nhà báo Phạm Thị Hoài, chủ nhiệm trang blog pro & contra, cựu chủ biên tạp chí Talawas. Tác giả đang sống tại Berlin, CHLB Đức.

@bbc