Trong khoảng những năm 1920, ở cánh đồng Nọc Nạn thuộc huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu ngày nay xảy ra vụ án một gia đình nông dân dùng vũ khí thô sơ đứng lên chống lại chính quyền địa phương khi bị thu hồi đất đai sai luật. Mấy chục mẫu đất do gia đình nông dân Tám Luông đứng ra khai phá bị bọn cường hào cấu kết với chính quyền địa phương cướp trắng. Uất ức, mấy chục con người quyết tử chiến với lực lượng thu hồi đất. Kết cục 17 người bao gồm cả lực lượng trấn áp và trong gia đình Tám Luông bị chết. Vụ án đồng Nọc Nạn gây rúng động toàn cõi Đông Dương khiến chính quyền cấp trên phải đưa vụ án tranh chấp đất ra xét xử, kết cục xử thắng cho gia đình Tám Luông. Theo sử liệu của Đài phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu, trước đó chính quyền cấp trên đã xác định việc thu hồi đất của nông dân do họ khai phá là sai nhưng những quan chức địa phương vẫn quyết lấy đất, kết cục gây ra thảm án.
Vụ Tiên Lãng, qua báo chí thấy có những nét tương đồng với vụ Nọc Nạn cách nay gần một thế kỷ về mặt nguồn gốc xung đột: mâu thuẫn giữa người nông dân khai phá đất và chính quyền địa phương đại diện cho nhà nước trong việc thu hồi đất.
Nhân đây xin nói qua vài nét về vụ việc anh Đoàn Văn Vươn. Tinh thần chung trong luật đất đai của chúng ta vẫn là giao đất cho các cá nhân có quá trình sử dụng đất lâu dài ổn định, có công khai phá bồi đắp. Còn thời hạn giao đất chỉ là hình thức, thể hiện cá nhân không có quyền sở hữu đất đai vĩnh viễn, mà đất đai là sở hữu toàn dân, chứ không phải vin vào cái thời hạn ấy để thu hồi đất của những người có công khai phá bồi đắp đất đai để giao cho những người giàu có hoặc có thế lực này khác… Theo tài liệu của báo Pháp luật & đời sống, anh Đoàn Văn Vươn là người có công khai phá bồi đắp khu đất bồi ven biển, nếu đúng như vậy thì khi thời hạn giao đất 20 đã hết, chính quyền địa phương phải xem xét giao tiếp một chu kỳ nữa cho anh, không được giao cho người khác. Việc chính quyền mặc cả với người dân để xem xét cho thuê đất là hoàn toàn sai.
Vụ đồng Nọc Nạn, khi sự kiện bùng nổ, theo sử liệu, người Pháp đã đưa vụ án ra xem xét ở góc độ đất đai chứ không lờ đi để dung túng cho những cái sai của cấp dưới. Vụ án Đồng Nọc Nạn đã mở ra một án lệ: Khi nông dân khai phá đất hoang, đóng thuế cho nhà nước, họ đương nhiên được sở hữu đất đai. Hy vọng vụ Tiên Lãng, chính quyền cấp trên cũng sẽ xem xét ở góc độ đất đai, ngoài việc nghiêm trị những cá nhân chống người thi hành công vụ. Chúng ta không cổ súy việc chống người thi hành công vụ nhưng cũng cần đặt câu hỏi, vì lẽ gì một người từng là kỹ sư, từng tham gia quân đội, gia đình có truyền thống cách mạng, lại hành xử một cách tiêu cực như vậy? Phải chăng họ bị dồn vào bước đường cùng?
@QueChoa
______________________________
Vụ bắn vào lực lượng cưỡng chế ở Hải Phòng: Sẽ xem lại việc thu hồi đất
Một cán bộ Thành ủy Hải Phòng cho biết như trên. Ông cũng nói: Nếu phát hiện sai phạm trong quá trình thu hồi đất, TP sẽ xử lý.
Hành vi dùng súng bắn vào lực lượng cưỡng chế, những người thi hành công vụ là không thể chấp nhận. Các cơ quan pháp luật đang khẩn trương truy xét, làm rõ vai trò của từng nghi can trong vụ vi phạm pháp luật hết sức nghiệm trọng này để xử lý nghiêm. Tuy nhiên, qua vụ việc này có một số điều cần làm rõ trong hành xử của chính quyền đối với các hộ dân được giao đất.
Người ngăn bão cho làng
Mấy ngày nay, ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, cứ bần thần khi nghe tin cả gia đình anh Đoàn Văn Vươn lâm vào vòng lao lý khi nổ súng vào lực lượng cưỡng chế thu hồi đất đầm.
“Cậu ấy đã có công với bà con xóm làng chúng tôi, nếu không có cậu ấy làm bờ kè tạo tấm lá chắn thì không biết bao giờ người dân Vinh Quang mới hết cảnh vỡ đê, chạy bão” – ông Danh bồi hồi.
Trong ký ức của ông, những trận bão biển đánh sạt đê bao luôn là nỗi ám ảnh. Mỗi lần có bão, cả làng, cả xã lại phải chạy bão. “Thế mà thằng Vươn nó ngăn được bão vào làng” – ông Danh nói. “Hơn 20 năm trước, thằng Vươn nó đề nghị tôi nhận bãi biển phía ngoài đê làm đầm. Hồi ấy cả vùng này là biển nước mênh mông. Tôi khuyên nó: “Cháu không làm được đâu, Nhà nước còn không làm được thì mày làm sao được”. Nhưng nó không nghe, cứ quyết tâm làm”.
Chàng kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn trình bày với cha về ý tưởng “lấn biển” của mình. Ai ngờ, thấy con quyết tâm “đánh bạc với giời”, ông Đoàn Văn Thiểu lại gật cái rụp. Ông bán đàn vịt hàng ngàn con cùng 20 tấn thóc đưa hết cho con đi vỡ đất. Anh Vươn huy động tất cả bảy anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng anh tiến ra vùng biển hoang. Ngày ngày họ trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya. Bao nhiêu tiền của, công sức đã đổ xuống biển với mong muốn tạo nên con đập vững chãi nhưng không biết bao lần thất bại. Biết bao tàu đất đá đổ xuống hôm trước, sáng ra đã bị sóng cuốn tan tành. Có người thấy anh “khùng” như vậy đã thách: “Nếu mày làm được, tao biếu không mày cái xe máy đẹp”. Không nản, anh Vươn bán cả nhà cửa, huy động anh chị em có gì đáng giá bán sạch.
Chủ đầm Đoàn Văn Vươn sau bao năm bám biển nay bị cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: MT Xui rủi đầu tiên xảy đến. Một hôm, trong khi cả nhà đang mải mê lo chuyện ngoài bãi, con gái lớn của anh mới tám tuổi ở nhà loay hoay thế nào lại bị chết đuối dưới cống. Nén nỗi đau, anh Vươn vẫn quyết tâm vỡ đất. Anh tìm các loài cây sú, vẹt trồng ở phía ngoài, khi cây vững mới tiếp tục đắp kè. Sau năm năm với biết bao lần bị bão biển cuốn phăng, cuối cùng bờ kè dài hai cây số của anh đã hình thành tạo nên bãi bồi màu mỡ. Phía ngoài anh trồng một vạt rừng ngập mặn rộng 60 ha.
Bị thu trắng
Vùng cửa biển mênh mông sau hàng chục năm cải tạo đã trở thành khu đầm thủy sản trù phú. Từ đó, người dân Vinh Quang đã thoát khỏi cảnh vỡ đê chạy bão. Biết bao bà con xóm chùa gần đó được anh tạo công ăn việc làm, nhà ai túng bấn lại được anh giúp đỡ. Khi đó, gia đình anh Vươn tiếng là khá giả nhưng vẫn đang gánh khoản nợ vài tỉ đồng…
Thế mà bỗng dưng anh Vươn nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Không bồi thường, không giao lại. Không chỉ anh Vươn mà nhiều hộ khác, trong đó có ông Vũ Văn Luân (ngụ xã Hùng Thắng) cũng cùng chung cảnh ngộ. Cho rằng đầm nuôi thủy sản phải được giao 20 năm, khi hết thời hạn sẽ được giao tiếp, anh Vươn và ông Luân đã khởi kiện quyết định thu hồi đất ra tòa. Bị TAND huyện Tiên Lãng bác yêu cầu, họ kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng. Tòa TP tổ chức cho hai bên thỏa thuận, nghe đại diện của UBND huyện hứa hẹn nếu rút đơn sẽ cho thuê tiếp, anh Vươn và ông Luân đã rút đơn. Sau đó, họ nhiều lần làm đơn xin thuê tiếp nhưng không có hồi âm. Tháng 11-2011, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Rồi đến cái ngày “định mệnh” 5-1-2012, UBND huyện tổ chức lực lượng thực hiện quyết định cưỡng chế… Ông Luân bức xúc: “Trong biên bản thỏa thuận tại Tòa án TP Hải Phòng, đại diện UBND huyện nói sẽ tiếp tục cho thuê nên chúng tôi rút đơn. Chúng tôi tin văn bản thỏa thuận có chữ ký của các bên và chữ ký của thẩm phán là có giá trị pháp lý. Ai ngờ huyện quay ngoắt 180 độ. Tòa nói biên bản thỏa thuận không có giá trị thì hóa ra chúng tôi bị lừa à?”. Theo ông Luân, trong nhiều năm qua, các chủ đầm đã nhiều lần đi nộp thuế nhưng không được thu. Họ làm đơn đề nghị được nộp thuế nhưng Chi cục Thuế huyện trả lời không thể thu được nên lâu nay họ đành chịu tiếng không làm nghĩa vụ với Nhà nước. Khi PV liên lạc với ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT huyện Tiên Lãng, người đại diện UBND huyện hứa sẽ giao đất nếu ông Luân và anh Vươn rút đơn kháng cáo, ông Hoa đã từ chối trả lời. Liên lạc với ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Hiền cáo “đang có việc bận, gọi lại sau” nhưng sau đó liên lạc nhiều lần ông không trả lời. Theo các chủ đầm thủy sản, trước đây huyện ra quyết định giao đất với thời hạn không cố định, 4-14 năm. Các chủ đầm đã nhiều lần đề nghị UBND huyện giao đất theo đúng thời hạn 20 năm mà Luật Đất đai quy định nhưng không được xem xét. Huyện căn cứ vào thời hạn trong quyết định giao đất, cứ đến hạn là thu trắng, không bồi thường cũng không cho thuê lại. Ngay sau khi thực hiện cưỡng chế, toàn bộ nhà cửa trên đầm của anh Vươn đã bị san phẳng.
Giải thích không thuyết phục
Theo ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, ngày 8-1, liên chi hội này đã ra văn bản gửi cơ quan chức năng khẳng định việc thu hồi đất đối với hai hội viên là anh Vươn, ông Luân là trái pháp luật. Văn bản này nhấn mạnh: “Đại diện cho chính quyền huyện Tiên Lãng đã ký thỏa thuận với người dân để giải quyết vụ án hành chính có sự chứng kiến của TAND TP nay lại lật lọng với thỏa thuận đó”. Tuy nhiên, ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (ông Liêm là em ruột Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền), lại cho rằng việc cưỡng chế thu hồi hơn 38 ha đầm của anh Vươn là đúng pháp luật vì đã có bản án của tòa rồi. Tuy nhiên, khi được hỏi thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản không đủ 20 năm có đúng luật không thì ông Liêm không lý giải được. Theo ông Liêm, hiện xã đã tiếp nhận khu đất chờ đấu thầu giao cho chủ đầm khác sử dụng. Trong cuộc họp báo chiều 5-1-2011, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, cũng nói thu hồi đất để tổ chức đấu thầu cho những ai có điều kiện tốt hơn thuê. Trong khi đó, dư luận ở địa phương từ lâu đã râm ran chuyện chính quyền “quyết tâm” thu hồi đầm của anh Vươn, ông Luân để giao cho các ông K. (ngụ xã Tiên Hưng), H. (ngụ xã Vinh Quang), P. (ngụ xã Nam Hưng). Dư luận đó thực hư ra sao? Những ông này quan hệ thế nào với các cán bộ huyện, xã cũng là điều cần làm rõ.
Pháp luật về tố tụng hành chính không cho phép tòa án công nhận sự thỏa thuận của các đương sự giống như trong tố tụng dân sự. Do vậy nếu đại diện UBND huyện đồng ý “nếu các hộ rút đơn thì được tiếp tục thuê đất” thì tòa án cần tạo điều kiện về mặt thời gian để UBND huyện hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định thu hồi đất bị khởi kiện, đồng thời UBND huyện trao quyết định hủy bỏ hoặc thay đổi đó cho người khởi kiện. Sau đó, tòa án mới hướng dẫn cho người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc rút đơn kháng cáo. Trên cơ sở đó thì việc ban hành các quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đình chỉ giải quyết vụ án của tòa án cấp phúc thẩm mới chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
Mặt khác, đối với quyết định thu hồi đất, Luật Đất đai quy định rõ: “Trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì UBND có thẩm quyền thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại”. Vì thế, nếu do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên người khởi kiện đồng ý rút đơn kháng cáo, đơn khởi kiện khi trong tay họ chỉ có một biên bản ghi nhận ý kiến của UBND huyện, còn quyết định thu hồi đất của họ vẫn đang tồn tại trên thực tế thì hơn ai hết, chính thẩm phán giải quyết vụ án đó phải phân tích cho họ nắm được hậu quả pháp lý của việc rút đơn để họ cân nhắc, quyết định. Chỉ khi làm được điều đó thì việc giải quyết mới triệt để, đúng pháp luật và công minh.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, Thẩm phán TAND Tối cao
Quyết định thu hồi khiến dân không phục
Tôi thấy huyện ra quyết định thu hồi đất không thỏa đáng. Cả cuộc đời cậu ấy cùng mấy anh chị em bỏ ra bám biển sao không giao tiếp cho cậu ấy để người ta làm ăn trả nợ trả nần. Tòa đã hòa giải rồi, hứa hẹn cho thuê tiếp rồi mà lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi là không cần thiết. Cần giải quyết bằng đối thoại chứ sao lại đối đầu như thế. Bây giờ cho máy móc phá tan nhà hai tầng của anh em cậu ấy khiến cho dân thắc mắc, xì xào khắp nơi.
Ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang
HUY HOÀNG
Nguồn: Pháp luật Tp HCM.
______________________________
Người chống cưỡng chế ở Tiên Lãng khai nguyên nhân nổ súng
Chiều tối 7/1, Đoàn Văn Quý, 45 tuổi, trú xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CATP Hải Phòng đầu thú.
Đoàn Văn Quý là nghi can chính trong vụ đặt mìn, nổ súng chống lại lực lượng cưỡng chế sáng 5.1 tại khu đầm hồ xã Vinh Quang, làm 6 công an bị thương.
Đoàn Văn Quý và các vật dụng dùng để chống lực lượng cưỡng chế. Ảnh: CAHP. Trước đó, khi phóng viên một số tờ báo tiếp tục xuống huyện Tiên Lãng tìm hiểu thêm thông tin về vụ nổ súng trong quá trình cưỡng chế, người thân của Quý đã nhờ các nhà báo đưa nghi can này đến cơ quan Công an thành phố Hải Phòng đầu thú.
Trước lúc đến trụ sở Công an, Quý cho biết: nguyên nhân phạm tội do quá bất bình với việc UBND huyện Tiên Lãng đã dùng đủ mọi cách thu hồi vùng đầm nuôi trồng thủy sản rộng 38 ha mà Quý cùng cả đại gia đình đã đổ không biết bao nhiêu tiền của, mồ hôi cải tạo suốt gần 20 năm qua. Anh trai của Đoàn Văn Quý là Đoàn Văn Vươn, dù có bằng ĐH nhưng cũng bỏ công việc văn phòng để khai phá đầm hồ.
Đoàn Văn Quý khai nhận đã dựng hai hàng rào tre chắn ngang đường vào khu đầm, chuẩn bị sẵn mìn tự tạo, bình ga, xăng, rơm… để chống lực lượng cưỡng chế. Người này cũng thừa nhận chính mình đã trực tiếp cầm súng hoa cải bắn vào lực lượng tham gia giải tỏa. Sau khi nổ súng, Đoàn Văn Quý trốn vào vùng rừng ngập mặn ven biển nhằm trốn tránh sự truy bắt. Trong thời gian lẩn trốn, Đoàn Văn Quý rất muốn đến cơ quan công an đầu thú nhưng do lo sợ nên phải chờ người có thể tin cậy nhờ đưa thẳng đến Công an TP.
Được biết, ngôi nhà hai tầng mà các nghi phạm đã cố thủ để chống trả cảnh sát là của Đoàn văn Quý. Còn vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn sống trong ngôi nhà lợp bổi gần đó.
Hiện, lực lượng chức năng tiếp tục điều tra và kêu gọi Đoàn Văn Thoại – em ruột Quý, Phạm Thái – em ruột vợ Quý ra đầu thú.
Đặng Hồ
Theo Đất Việt
“Tù nhân” Ba Sương & “tội phạm” Văn Vươn
Đất là thiêng liêng, là mồ hôi, là nước mắt và trộn cả máu. Thời hội nhập, đất càng giá trị. Nếu không hiểu triết lý đơn giản này và chính quyền không biết đối xử với đất thì tiếng khóc còn đau đớn và máu còn tiếp tục đổ.
“Tù nhân” Trần Ngọc Sương
Nhiều người biết bà Trần Ngọc Sương là Anh hùng lao động, con gái của Giám đốc tiền nhiệm Trần Ngọc Hoằng. Người cha đã một nắng hai sương với hàng chục ngàn nông dân nơi đây, đưa Sông Hậu thành nông trường anh hùng.
Ngày 19/11/2009, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đã đưa vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu ra xét xử phúc thẩm. Tại đây, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường.
Không ai có thể biết động cơ đứng đằng sau vụ án này là gì. Chỉ biết rằng, hàng nghìn hecta đất của nông trường do mấy 16 ngàn nông dân đào đắp, khai phá từ 30 năm nay, bây giờ có thể thành miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư.
Người ta ngạc nhiên về một người anh hùng, bị buộc tội dùng quĩ đen mấy tỷ đồng, mà cuối đời bà Sương không nhà, không cửa, ngủ trên một cái giường cá nhân với 8 năm tù đang đợi. Nghịch cảnh rơi nước mắt.
Vụ án tưởng đi vào quên lãng, nhưng mới đây thôi, người ta lại định đưa bà ra xử. VTC News cho biết, số tiền “quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu đã có từ trước năm 1994, đến năm 2000 bà Sương mới làm Giám đốc, nên bà không phải là người “lập quỹ trái phép”.
Bà Sương đã viết đơn kêu oan gửi tứ phương và nói : “Đối với tôi bây giờ, sức khỏe đã tàn tạ, danh dự bị các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ cố tình bôi nhọ. Nếu họ cố tình xử tù tôi, vào tù thiếu thốn đủ thứ lại ốm đau bệnh tật cũng dễ chết sớm, đó là bước đường cùng mà Viện KSND TP Cần Thơ giao và Viện KSND huyện Cờ Đỏ muốn dồn tôi đến chỗ chết. Tôi nghĩ: thà rằng chết trước khi bị đưa ra xét xử còn được nén nhang của bà con cô bác, của hầu hết cán bộ, nhân viên Nông trường Sông Hậu vẫn hằng ngày quý mến và đòi chân lý cho tôi thắp cho hơn là chết ở trong tù trong nỗi oan ức triền miên và sự cô quạnh tột đỉnh”.
“Tội phạm” Đoàn Văn Vươn
Anh Đoàn Văn Vươn không nổi tiếng như bà Ba Sương. Cha của anh là đảng viên trung thành tuyệt đối, anh Vươn từng đi bộ đội, một nông dân hiền lành chất phác, chí thú làm ăn, bỏ đại học để chinh phục biển, nhưng bỗng anh trở thành tội phạm chống chính quyền.
Cách đây hơn một năm (22-7-2010) báo Pháp luật và Đời sống đã đăng về một người được gọi là “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển”.
Đó là phóng sự về anh Vươn biến vùng đất khỉ ho cỏ gáy ven biển, không ai thèm để ý, thành một khu đầm nuôi trồng thủy sản rộng hàng trăm hecta. Họ được thuê đất 20 năm, kể từ năm 1993, nhưng nay mới là 2012 thì đã tiến hành thu hồi.
Theo báo CAND, một số người dân trên địa bàn cho rằng, việc thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của UBND huyện Tiên Lãng có điều chưa minh bạch, chủ trương chia lại đất trong quy hoạch phát triển sân bay vừa không đúng với chủ trương giao đất nông nghiệp lâu dài, ổn định đã khiến cho gia đình anh Vươn và một số chủ đầm khác phản ứng tiêu cực.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, một số chủ đầm đã gửi “tối hậu thư” đến cấp lãnh đạo huyện với nội dung nếu cuộc cưỡng chế xẩy ra, sẽ có đổ máu.
Mấy ngày qua, anh Vươn được lên mặt báo là do vụ đấu súng với chính quyền, làm sáu công an bị thương. Dân Hải Phòng không dọa suông, máu đã đổ thực sự.
Đất – mồ hôi, nước mắt và máu
Từ ngàn đời, để tạo nên những vùng đất phì nhiêu, nuôi sống con người, bao nước mắt và mồ hôi đã đổ xuống. Để bảo vệ đất có cả máu.
Vụ án bà Ba Sương và nay là vụ đổ máu tại Hải Phòng đều liên quan đến đất. Và còn nhiều vụ khác nữa mà truyền thông chưa có dịp được nói.
Người nông dân chất phác đổ mồ hôi, sôi nước mắt, biến một vùng khỉ ho cò gáy thành bờ xôi, ruộng mật, thì bỗng có kẻ dòm ngó. Chuyện còn lại là làm việc với người có “thẩm quyền”.
Đất ở ta là sở hữu toàn dân, nhưng quyết định dùng như thế nào lại nằm trong tay “đầy tớ của nhân dân”.
Phản ứng khi bị thu hồi đất, có người đi biểu tình, rồi khóc và dọa tự tử như bà Ba Sương. Nhưng có người thề chết như anh Vươn.
Câu hỏi ở đây là ai đã biến những anh hùng, người lính, đảng viên và cả những người nông dân hiền lành thành tội đồ một cách dễ dàng đến thế.
Khi tìm ra được nguyên nhân và giải pháp, chắc chắn không còn những anh hùng Ba Sương – tù nhân và người lính Văn Vươn – tội phạm.
Vĩ thanh
Tôi chợt nhớ bài diễn văn của ông trùm da đỏ Seattle. Sau khi tạo nên khu vực bang Washington năm 1853, chính phủ Mỹ đã đề nghị người da đỏ ký các hiệp định để mua đất của họ. Người da đỏ biết là không thể nào từ chối được. Ông Seattle (1786-1866), trùm da đỏ, đã đọc một bài diễn văn thống thiết trước thống đốc Isaac Stevens. Diễnvăn này được coi là một tài sản văn hoá vô giá để đời và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Trích đoạn “Làm sao các người có thể mua bán khung trời và hơi ấm của đất? Ý nghĩ đó đối với chúng tôi thật kỳ lạ. Thế nếu chúng tôi không sở hữu cái mát mẻ của không khí và cái lung linh của mặt nước, thì các người làm sao mà mua? Mỗi mẩu đất này đều thiêng liêng cho dân tộc chúng tôi.
Linh hồn những người da trắng đã quên xứ mình sinh ra khi đi vào giữa các vì sao. Linh hồn những người chết chúng tôi không bao giờ quên trái đất tuyệt vời này, vì trái đất là mẹ của người da đỏ.
Các ông (người da trắng) phải dạy cho con cháu là đất chúng bước lên được tạo bởi tàn hương của tổ tiên. Dạy cho chúng biết tôn trọng đất, bảo chúng là đất được giầu có bởi đời sống của dòng dõi. Dạy cho con cái các ông những điều mà chúng tôi dạy cho con cái chúng tôi, là đất là người mẹ. Cái gì xẩy đến cho đất sẽ xẩy đến cho con cái của đất. Ai khạc nhổ lên đất là khạc nhổ lên chính mình.”
Triết lý “sống trong đất, chết vùi trong đất” của người da đỏ là thế.
Bà Ba Sương và 16 ngàn công nhân nông trường Sông Hậu, rồi hàng chục vạn nông dân “bỗng nhiên mất đất”, kể cả những chủ trại nuôi tôm ở Tiên Lãng (Hải Phòng), cũng yêu đất không khác ông Seattle cách đây 150 năm.
Nhưng liệu rằng, chính quyền có biết trên đời này có “tình yêu đất” như thế hay không?
ThíchThích