Hoàng Hạc
Hơn một trăm người đã có mặt tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’espace) chiều 7 tháng 1 năm 2012 tham dự buổi tọa đàm ra mắt tiểu thuyết “3.3.3.9 Những mảnh hồn trần”. Chủ tọa cho buổi tọa đàm là Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Lai Thúy, Đà Linh, Nguyễn Đình Hoan và chính tác giả Đặng Thân.
Sau ý kiến phát biểu với tư cách cá nhân của Nguyễn Quang Thiều (đại diện Hội nhà văn Việt Nam) rất thú vị với cuốn sách và ông đề cử giải thưởng văn học Hà Nội năm 2012 nên trao cho tác phẩm này, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đọc tham luận với tiêu đề “cuôc chạy tiếp sức trong lịch sử văn học Việt Nam” trong đó ông nêu lên hai cột mốc văn học: Nguyễn Huy Thiệp mở màn cho văn chương hiện đại và Đặng Thân cho văn chương hậu hiện đại. Đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn với vai trò MC của buổi tọa đàm đã châm ngòi cho các phát biểu của ngươì tham dự. Nhà lý luận Nguyễn Hoàng Đức nổ phát pháo đầu tiên bác bỏ cách đánh giá của Đỗ Lai Thúy, ông cho là văn học Việt Nam kể cả Nguyễn Huy Thiệp chưa có gì gọi là nền văn học hiện đại theo định nghĩa của văn học thế giới, ông cũng bác bỏ việc sắp đặt Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Thân như là những cột mốc văn học Việt Nam tiêu biểu cho văn học hiện đại và hậu hiện đại, ông nói nền văn học Việt Nam vẫn là nền văn học “nông dân”!! Nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái phát biểu bác bỏ quan điểm của cả Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Hoàng Đức, Một số độc giả đặt câu hỏi: liệu “3.3.3.9 Những mảnh hồn trần” có nên gọi là tiểu thuyết không khi nó vượt ra ngoài định nghĩa về tiểu thuyết, một số độc giả cho rằng cuốn sách là một thứ vụn vặt, chắp vá bởi cách cắt dán của tác giả….Nhà phê bình Nguyễn Đình Hoan quên mang theo bản tham luận nói vo về tác phẩm “3.3.3.9 ” là một thử nghiệm, nó như là một trò chơi (game) trong đó các game thủ luôn luôn phá vỡ các quy tắc. Nhà giáo Phạm Toàn đề nghị “có bàn gì thì bàn, vẫn phải có mẫu số chung cho một tác phẩm văn học đó là nó phải hấp dẫn và làm người đọc xúc động”. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đọc tham luận đánh giá “3.3.3.9” đã đưa ra được cuộc xung đột giữa văn minh kiểu Hitler và văn hóa con giun….Có thể tóm tắt một điều về đánh giá tác phẩm “3.3.3.9 Những mảnh hồn trần” : nhiều người khen nhưng cũng không ít kẻ chê, riêng tôi có thêm một nhận xét là rất nhiều người phát biểu đều chưa đọc tác phẩm “3.3.39 Những mảnh hồn trần” kể cả Nguyễn Hoàng Đức!!
Dưới đây là tham luận của tôi, người đã đọc “3.3.3.9 Những mảnh hồn trần” tới 2 lần, nhưng vì thời gian eo hẹp nên đành post nó lên mạng vậy! Tôi về phe khen “3.3.3.9 Những mảnh hồn trần”.
Hãy để sự cao hứng tột độ và trí tưởng tượng dẫn dắt chúng ta.
Đọc 3.3.3.9 Những mảnh hồn trần của Đặng Thân tôi không khỏi khâm phục công lao sưu tầm, tìm kiếm và đưa vào cuốn sách một khối lượng thông tin khổng lồ thuộc đủ mọi lĩnh vực. Đặc biệt tôi muốn nhắc đến những trang viết về Mahler, nhạc sỹ người Áo-Bohemien vĩ đại (từ trang 408 tới trang 411 và từ trang 422 tới trang 433 sách đã dẫn), đây là những trang Đặng Thân viết rất hay. Tôi nghĩ Đặng Thân chắc chịu ảnh hưởng rất nhiều Mahler, nên anh giữ những dấu ấn âm nhạc của Mahler trên văn xuôi của mình chăng? Ta có thể thấy văn xuôi của Đặng Thân gần như cũng sử dụng các thủ pháp của Mahler – Đó là những gián cách cực đoan và bất ngờ, thiên hướng Parodie (Giễu nhại), sự trích dẫn( của người khác và cả của chính mình) cùng với việc đặt cạnh nhau những phong cách cả “cực cao” lẫn “cực thấp”….Tôi cho rằng chính Maher với những phong cách nổi bật như vậy đã đặt nền móng cho Post-moderne (hậu hiện đại), một chủ đề gây nhiều bàn cãi nhất trong giới cầm bút ở Việt Nam hiện nay.
Chắc chắn, Đặng Thân phải chấp nhận một số người có tiếng tăm “chửi bới” và “tráchh mắng” mình khi họ đọc “3.3.3.9 Những mảnh hồn trần” về sự quá khích của tác giả (Một ông Văn Bảy nào đó còn viết trên báo gọi tiểu thuyết này của Đặng Thân là một thể nghiệm quá trớn), nhưng tôi thì nghĩ rằng xét cho cùng, cái gì mới và lạ đều gây ra dị ứng trong người đọc và người nghe, cũng như Mahler đã từng bị Ralph Vaughan Williams mô tả tác phẩm của ông là “một bản sao có thể chấp nhận được của nhà soạn nhạc”, còn Igor Stravinsky nổi tiếng gọi trệch tên ông thành malheur (tai họa) của âm nhạc! Đời mà lại!Có cái gì mới mà ban đầu không bị la ó đâu! Ngay Stravinsky khi trình diễn lần đầu bản Rite of Spring (Thánh lễ mùa xuân) tại Paris, một nửa hội trường đã đứng lên la ó :” Đây đâu phải là âm nhạc”! Đến bây giờ thì Thánh lễ mùa xuân của Stravinsky được coi là tuyên ngôn của âm nhạc hiện đại, một thứ thánh kinh âm nhạc tương tự như giao hưởng số 9 của Beethoven vậy!
Tôi đã từng cùng Đặng Thân “nằm lặng người” nghe giao hưởng số 6 mang tiêu đề “bi thương” của Mahler, nhìn thấy bộ mặt y quằn quại, đau đớn, còn đầu óc tôi tê dại, lúc như tỉnh lúc như mê khi nghe những giai điệu và hòa âm vừa thánh thần vừa ma mị ám ảnh, tôi hiểu Đặng Thân không phải viết để thử nghiệm sự phá phách. Tôi đánh giá cao những nhà văn xuôi viết dưới cảm hứng cao độ và trí tưởng tượng dẫn dắt đặc biệt bởi âm nhạc như Đặng Thân. Thú thực là tôi đã từng nghe Symphony No.6. của Mahler, Symphony No.6 của Tchaikovsky, Symphony số 9 của Beethoven, bản “Bolero” của Raven…v…v…rất nhiều tác phẩm âm nhạc đã khiến ta nghe phải phát khóc, chẳng khác gì Henric Heine khi xưa đã tới bảo tàng Le Louvre ngồi hàng giờ bên tượng thần Vệ nữ ở Milos mà khóc. Chẳng có gì đáng xấu hổ cả, chúng ta khóc vì sự toàn thiện toàn mỹ mà con người có thể đạt tới.
Tôi nhớ Pautovsky có lần nói:” Có những chân lý không cần phải bàn cãi, nhưng chúng thường nằm yên vô ích, không giúp gì cho hoạt động của con người, chỉ vì chúng ta lười biếng và dốt nát.
Một trong những chân lý không cần phải bàn cãi ấy có liên quan đến nghề văn, đặc biệt đối với công việc của những người viết văn xuôi. Chân lý đó là sự hiểu biết những lĩnh vực nghệ thuật hàng xóm láng giềng của văn chương như thi ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc và âm nhạc, nó làm cho thế giới bên trong của người viết văn xuôi trở nên phong phú dị thường, và làm cho văn của người đó có sức biểu hiện đặc biệt. Văn được bồi bổ thêm ánh sáng và màu sắc của hội họa, cái tươi mát của những từ vốn thuộc thi ca, cái cân xứng của kiến trúc, sự rõ ràng, có khối hình đường nét trong điêu khắc, nhịp điệu, tiết tấu và tính du dương của âm nhạc. Nhà văn không thể khinh miệt bất cứ một cái gì có thể mở rộng nhỡn quan của mình đối với thế giới. ”
Đọc Đặng Thân cái làm tôi thú vị nữa là tính tri thức. Một tri thức trải rộng khắp cuốn sách, từ tôn giáo, phật giáo, hồi giáo, thiên chúa giáo…tới triết học, y sinh học, tâm lý học, địa trắc học, nhân chủng học, lịch sử…Có một bạn đọc đã comment khi đọc Đặng Thân là anh ta sẽ mua cuốn sách và để đầu giường tham khảo như một cuốn bách khoa thư, còn ông anh tôi, một nhạc sỹ già 78 tuổi đã về hưu (lớp tuổi dễ dị ứng nhất với cái mới) thì nói:” Tôi đọc nó và thấy khá thú vị”.
Dĩ nhiên những tri thức vụn vặt được Đặng Thân sao chép và ném vào chỗ này, chỗ kia khiến cho bố cục cuốn sách trở nên khó định hình, khiến nhiều người than phiền là rất khó đọc. Người ta không biết xếp loại bố cục 3.3.3.9 Những Mảnh hồn trần là loại bố cục gì: bố cục đa tuyến tính theo chương hồi như tác giả đã định ra hay là bố cục kiểu xuắn ốc, một cấu trúc pha trộn, giễu nhại và liên văn bản … Tôi thì tôi cho rằng Đặng Thân đã đưa ra một loại bố cục rất hậu hiện đại tôi tạm gọi nó là bố cục kiểu phân kỳ và hội tụ. Giống như một chùm tia sáng chiếu qua một kính phân kỳ nó được khuếch tán thành nhiều tia chạy tới vô tận, đôi khi nó chiếu qua một kính hội tụ và nó quy về một điểm nóng nhiệt đốt cháy tâm can chúng ta. Tôi có cảm giác như Đặng Thân gặp phải “vần đề” với các nhân vật của mình, dường như các nhân vật này ngọ nguậy, nổi loạn và dẫn dắt tác giả đi qua những khúc quanh bất ngờ mà chính tác giả cũng không lường trước được.Có vẻ như là một nghịch lý, nhưng nếu ai đã xem cuốn phim Secret window (cửa sổ bí mật) sẽ thấy đôi khi nghịch lý đó đã xảy ra với một số tác giả! Tôi đồng cảm với Đặng Thân điều này, vì nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một thứ công việc, nghề văn là một sứ mệnh, cái thôi thúc họ đến với lao động nặng nhọc và cay đắng của nghề viết chính là tiếng gọi của trái tim, của cảm hứng và trí tưởng tượng! Đọc từng chương, từng chương của cuốn sách, tôi dường như nghe thấy lúc thì tiếng kêu đầy đắng cay của con người tuyệt vọng nhưng vẫn cố bám víu những hy vọng mong manh, lúc thì phẫn nộ giận dữ trước những bất công, lúc thì chua cay, châm biếm, lúc lại là những lời an ủi đượm mùi hài hước nhưng buồn man mát….
Để kết luận, tôi nghĩ các bạn hãy đọc kỹ tác phẩm này, một tác phẩm điển hình cho lối viết hậu hiện đại, nói như La nause (buồn nôn) của Jean Paul Shartre, các bạn đọc đi và sẽ thấy một Mộng Hường, Schditt, Dương Đại Nghiệp…dần dần hiện lên trong bạn, quậy quọ, lăn lộn và gào thét, tôi dám chắc có bạn sẽ phải nôn ra một đống tướng sau khi đã tiêu hóa nó và lúc đó các bạn sẽ nghĩ ngay đến câu:” trong mỗi con người đều có tồn tại một con lợn, chỉ có điều không biết con lợn đó giờ đang thức hay đang ngủ!”
Day: 08/01/2012
Câu chuyện về ông Đoàn Văn Vươn – Người nông dân nổ súng chống lệnh cưỡng chế
LTS : Bài viết “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển” được đăng trên báo Đời Sống & Pháp Luật từ tháng 07/2010, nội dung nói về câu chuyện vui buồn trong cuộc đời ông Đoàn Văn Vươn – một người nông dân với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, đồng thời cũng chính là người nổ súng bắn bị thương lực lượng cưỡng chế hôm 05/01. Sau một ngày diễn ra cuộc đấu súng, ông Đoàn Văn Vươn cùng em trai đã bị bắt. Bài viết được Dân Làm Báo đưa lên như một thông tin bổ sung cần thiết, để những ai quan tâm có cái nhìn rõ ràng hơn, để hiểu tại sao con người đó lại cầm súng bắn vào Công an ….
Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển
![]() |
Anh Vươn (bên trái) và tác giả bên cống Rộc |
Quang Trung (Đời Sống & Pháp Luật) – Đã biết về anh cách đây mấy năm, biết về cuộc đời đầy sóng gió và bão táp, biết cả những nỗi đau và day dứt hằn sâu tâm can con người anh, nhưng tôi chưa có dịp tìm hiểu sâu về cuộc đời nhiều bi hùng ấy. Trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi lại có dịp về Tiên Lãng, đúng vào ngày có dự báo cơn bão Conson chuẩn bị đổ bộ vào nước ta, để ngồi với anh, nghe anh kể về cuộc chinh phục lời nguyền của biển…
Chinh phục “thần” biển
Câu tôi nói vui với anh, ngay khi biết về những việc anh đã làm, là cái tên anh nó vận vào đời anh nhiều quá. Anh tên là Đoàn Văn Vươn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, T.P Hải Phòng. Dường như, khi cha mẹ sinh ra anh đã có dự cảm về cuộc đời đứa con mình nên đã đặt cho anh cái tên lạ lạ: Vươn. Cái tên như gửi gắm một hi vọng: anh sẽ vươn ra biển khơi, chinh phục cuộc đời, chinh phục biển cả để thoả lòng mong mỏi của người cha già với nguyện ước “con hơn cha, nhà có phúc”.
Đối với người dân vùng biển, biển luôn là người mẹ nuôi dưỡng những khát khao. Biển cũng là nguồn tài nguyên thuỷ hải sản vô giá và cũng là nỗi lo sợ, ám ảnh trước những cơn bão tố. Một trận cuồng phong có thể san bằng tất cả! Hơn ai hết, Đoàn Văn Vươn, người con của một vùng biển nghèo hiểu rõ điều đó. ở tuổi hừng hực chí trai, sức trẻ, anh đã đầu quân đi bộ đội. Môi trường quân đội đã thêm một lần nữa rèn giũa ý chí, nghị lực cho anh. Rời quân ngũ năm 1986, trở về địa phương, anh chỉ có một khát khao duy nhất, chinh phục chính miền đất quê mình để làm kinh tế. Để có cái ăn, để có cái mặc. Mặc dù đã nhanh chóng trang bị kiến thức bằng một tấm bằng đại học Nông lâm, nhưng anh lại từ chối làm cán bộ Nhà nước. Từ bỏ mộng quan trường ở thời điểm đó là một quyết định “lạ đời”, nhất là khi có bằng cấp trong tay. Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một người nông dân thực thụ. Quyết làm một điều mà trước anh không ai dám nghĩ đến, chứ đừng nói là bắt tay làm.
Bỏ bằng đại học đi làm nông dân
Tiên Lãng có một địa danh gắn với sự dữ dội của biển và nghèo khó của con người: cống Rộc. Mỗi mùa mưa bão đến, sóng biển, gió biển ào ạt ngập lụt, đói kém thì sự cùng cực mà người dân nơi đây phải gánh chịu, phải chống đỡ trong kiệt quệ tinh thần, vật chất không gì diễn tả nổi. Trên một con đê trải dài ngút ngát, cống Rộc như một hiệp sỹ dũng cảm đối đầu với biển cả để bao bọc, chở che cho những người dân trót gắn đời mình vào phận biển. Nhưng sức mạnh khủng khiếp của thiên tai đã không biết bao lần bắt cống Rộc phải đầu hàng và cũng vì thế nó thành nỗi khiếp sợ mỗi khi bão biển, nước biển vượt qua phòng tuyến này. Lúc đó chỉ là mênh mông trời nước. Lòng người cũng dậy sóng theo từng con nước lớn.
![]() |
Ảnh chụp chiều 06/01/2012 – Ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn đã bị ủi sập sau trận đấu súng với lực lượng cưỡng chế. (Ảnh: Phạm Duẩn – Tiền Phong) |
Hiểu rõ điều đó, Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục “thần” biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản. Chuyện đời, đâu dễ như nói.
Bằng cách nào để khuất phục biển? Đó là câu hỏi ngày đêm Đoàn Văn Vươn trăn trở. Anh đã bỏ hàng tháng trời để ăn biển, nằm biển, lắng nghe từng cơn sóng thuỷ triều lên, xuống, mải miết tìm đáp án. Không có sách vở nào dạy, không có kinh nghiệm tiền lệ nào để học theo. Chỉ có một điều đang dần lớn lên – Đó là ý chí. Bão lòng người đang dần lớn hơn bão biển. Nó dường như muốn phá tung khao khát đang bùng cháy trong anh. Đoàn Văn Vươn đối diện với hàng ngàn thách thức, suy tư. Khi đã hiểu rõ quy luật con nước, hiểu rõ thời điểm nào cần “ra tay” để bắt đầu, thì anh vấp phải không ít sự dèm pha.
Cái sự dám khuất phục “thần” biển của Đoàn Văn Vươn chả hiểu thế nào lại lan ra khắp vùng, lan ra cả các địa phương khác, trong đó có vùng đất Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Anh kể: “Lúc đó có một người chuyên khai thác các vùng đất ven biển của huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, để làm ăn. Khi biết tôi có ý định chinh phục vùng biển quê Tiên Lãng này, người ấy đã thông qua nhiều người thách thức tôi, rằng nếu tôi làm được, sẽ sẵn sàng mất cho tôi một chiếc xe máy đẹp. Người ấy mỉa mai, diễu cợt việc làm của tôi. Người vùng biển, nói là làm, người kia thách thức tôi chắc vì nghĩ tôi không làm nổi. Mặt khác, tôi hiểu đây còn là một sự thách đấu. Lúc đó, một chiếc xe máy đẹp có thể ví như con xe Camry bây giờ. Người thách đấu tôi không sợ, chỉ sợ Trời thách đố tôi thôi”, anh nói, mắt nhìn xa xăm. “Đã thế tôi càng quyết tâm làm”.
Đã có người bảo Vươn dại như con vích. Một con vật kỳ lạ của biển, là hay lôi ngược lại người ta. Nếu muốn bắt nó vào bờ, thì thay vì lôi nó vào bờ, người ta lôi nó ra… biển để nó đi theo chiều ngược lại. Cũng có người bạo mồm nói, thằng Vươn dám đi khuất phục “thần” biển là việc làm mạo hiểm.
“Vui sao nước mắt lại trào”
![]() |
Anh Đoàn Văn Vươn |
Nhiều năm trời, người dân nơi đây chứng kiến Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng quần quật lao vào cuộc trường chinh lấn biển. Có khi hôm trước làm, hôm sau sóng biển san thành bình địa. Hôm sau nữa lại làm, sóng biển lại biến sức người thành bong bóng. Có khi nhìn thấy ít đất, đá còn bám trụ sau con sóng mà rơi nước mắt, Vươn đã tự đặt câu hỏi, thế này thì đến bao giờ? Hay là mình thất bại? Cứ thế, cứ thế, từng hạt đất bám trụ, từng viên đá trơ gan bám trụ là lại thêm một tia hi vọng. Một ngày trôi qua là khắc khoải chờ đợi một ngày mới, công sức bỏ ra không biết bao nhiêu mà kể hết.
Nói với chúng tôi, anh bồi hồi nhớ lại: “Nếu tính sơ sơ, đã có trên 20.000 m3 đất, đá được đưa đến đây, trên vùng đất ven biển Tiên Lãng mà các anh đang đứng trong cuộc chinh phục biển cả của tôi. Nói ra chính tôi cũng ngỡ ngàng, tôi làm như mê, như say. Bởi chỉ còn phía trước để tiến, chỉ còn biển để vươn ra. Tôi không có đường lùi, bởi thành công chỉ có cách duy nhất với tôi, đó là vươn ra biển”.
Ngoài hàng chục ngàn m3 đất, đá đó, là biết bao sức người, sức của. Vừa lấn biển, chỉnh trị dòng nước triều dâng, vừa trồng cây bám đất, đã biết bao lần cây trồng lên lại bị biển nuốt trôi. Mất sạch. Tiếp tục trồng lại từ đầu, hàng ngàn cây bần, cây vẹt đã theo con sóng lẫn vào trùng khơi. Tiếp đó, không chỉ đất đá, hàng trăm tấn xi măng được đưa vào để tiếp thêm sức gắn kết thô mộc của đất và đá… Cuối cùng Trời không phụ lòng người, dòng chảy của biển ngoài đê biển cống Rộc đã bị khuất phục mà chuyển hướng. Phía chân đê có chỗ sâu gần 2 m, cốt âm, đã được nâng lên cốt dương. Từ đó hàng chục héc ta đất bãi bồi ven biển hình thành. Cũng theo đó, gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Không có tiếng vỗ tay.
Ngày nhìn thấy thành công trong mắtN, trong lòng, thoả khát khao của ước mơ ngàn đời “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, lại là ngày nước mắt ầng ậc tuôn trào. Một nỗi đau câm nín, ngày đón nhận sự thành công mà có người đã nói là không tưởng đó, Đoàn Văn Vươn đã một mình đi lang thang ven biển. Đi trên chính phần đất bồi ven biển mà công sức anh đã tạo nên. Một mình vừa đi vừa lẩm nhẩm gọi tên đứa con gái xinh xắn dễ thương của mình, để tưởng nhớ đến nỗi đau và mất mát của riêng anh. Con gái anh, đứa con gái 8 tuổi ngây thơ và thân thương, nó cũng mang trong mình dòng máu chinh phục biển cả của bố đã vĩnh viễn ra đi. Và lý do cũng chính vì con nước biển trào dâng dẫn đến việc cháu chết đuối ở cống Rộc, trong chính những ngày bão tố ầm ầm, khi đó cũng là lúc anh đang chinh phục biển. Nỗi khiếp đảm khi nhắc lại chữ cống Rộc với người dân xứ này giờ trở nên thanh bình kỳ lạ. Anh đã thành công, cống Rộc trở nên yên ả trước phong ba, bão tố. Còn anh, một mình hứng nỗi đau câm lặng.
Anh không nói, nhưng vị đồng nghiệp đi cùng bảo, sự thành công trong việc trồng rừng chắn sóng, lấn biển của anh đã khiến người Nhật quan tâm. Một số chuyên gia nguời Nhật cũng đã tìm đến anh để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Ngẫm ra, anh cũng là bậc kỳ tài rồi. Vậy mà 3 năm gặp lại, kể từ ngày biết anh, anh vẫn thế, mộc mạc và thuần hậu. Những việc anh làm có trời biết, đất biết. Còn việc đời và mất mát của anh, tôi cũng chỉ chia sẻ được phần nào. Bởi có những lúc, lòng người còn dậy sóng hơn biển cả. Đứng với anh trên con đê nơi có cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh, mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông…
Quang Trung
Sức mạnh mềm (Made in China)
Cuối năm 2011 tôi được giới thiệu với một người Mỹ cùng tuổi, nghe nói anh rất thích văn hóa Á Ðông, đọc và viết chữ Hán, nói tiếng Quan Thoại trôi chảy từ hồi còn trẻ.
Dick đã hẹn gặp mấy người bạn nên lái xe chở tôi đi cùng. Thế là tình cờ tôi gặp cả một nhóm người Mỹ và người Trung Hoa từ lục địa qua. Họ đều tham dự trong một tổ chức ở Ðại Học Wisconsin, Platteville, mang tên “Confucius Institute”! Tôi biết Bắc Kinh đã mở ra 300 cái “Confucius Institute” nho nhỏ khắp thế giới, riêng nước Mỹ có 75 cái, người Trung Quốc gọi là Khổng Tử Học Viện. Nhưng tôi không ngờ tại thành phố Platteville bé nhỏ này, với 11 ngàn dân mà trong đó ba phần tư là sinh viên, cũng có một Confucius Institute, do một bà giáo sư người Mỹ làm chủ tịch, và mấy thầy cô giáo từ Vũ Hán, Bắc Kinh, Quảng Châu qua tận tiểu bang Wisconsin dậy tiếng Tàu cho sinh viên Mỹ học!
Quả nhiên, Dick nói tiếng Tàu rất giỏi, anh còn đứng lên hát chung với một cô giáo Tàu, đối đáp từng câu, trông như thật! Một thầy giáo trẻ tuổi đang dậy tiếng phổ thông ở Confucius Institute Ðại Học Platteville ngồi kế bên tôi. Anh ta họ Hạ, nhưng yêu cầu gọi tên Jack, cho “hòa hài” với các người bạn Mỹ mới. Sau mấy câu chuyện xã giao, tôi hỏi Jack: “Nếu anh dậy thêm được một người Mỹ nói tiếng Tàu thông thạo, chắc anh coi đó là một thắng lợi cho nước anh, phải không?” Jack vui vẻ gật đầu. Tôi nói tiếp: “Người Mỹ họ cũng nghĩ như vậy đấy. Nếu có thêm một người Mỹ nói thông thạo tiếng Tàu, nước Mỹ họ cũng có lợi!”
Tôi nêu thí dụ: “Coi anh Dick đây này, nửa thế kỷ trước Dick bị động viên; đi lính không quân đóng ở Okinawa, Nhật Bản. Chính phủ Mỹ lúc đó cấp học bổng, thuê người vào trại lính dậy ngoại ngữ, anh ấy chọn học tiếng Tàu, chỉ vì tò mò. Khi học xong còn được gửi sang Ðài Loan thực tập nữa.” Jack nghe, tỏ ý thú vị, tôi giải thích thêm: “Khi trả tiền cho những anh lính như Dick học tiếng Tàu, tiếng Nhật, Cao Ly, chính phủ Mỹ đã đầu tư vào cuộc đời của họ. Ða số dân Mỹ lười, ít ai thích học tiếng ngoại quốc, khi cần kiếm không ra. Thêm một người Mỹ biết một tiếng ngoại quốc, cũng giống như học được một nghề, một kỹ thuật mới vậy; chính phủ Mỹ cho là nước họ trước sau cũng có lợi. Cũng giống như khi họ đầu tư vào giáo dục; cứ một người dân giỏi thêm về một món nào đó, cả quốc gia sẽ có lợi! Thành ra anh Jack, anh đang giúp nước Mỹ đấy nhé!”
Tôi chắc đến giờ này Jack vẫn chưa hiểu hết vấn đề này. Các giáo viên như anh được tập huấn rằng họ sẽ đi dậy tiếng Tàu cho người ngoại quốc, tức là truyền bá văn minh Trung Hoa. Anh đóng vai một chiến sĩ văn hóa, cũng giống như các phái bộ truyền giáo Tây phương hồi thế kỷ 16 đưa người sang Tàu vậy. Thật là khó hiểu, nếu những giáo sư được Bắc Kinh trả lương lại đang “phục vụ” cho cả nước Mỹ! Ðây là một vấn đề lập trường và quan điểm chứ không nhỏ! Người dân các nước cộng sản vẫn có thói quen suy nghĩ theo lối chơi “zero-sum game” tức là ở đời này “thằng này ăn, thằng kia phải thua”. Họ không hiểu được trên đời lại có cuộc chơi mà mình thắng lợi thằng kia nó cũng được lợi!
Người Trung Quốc vẫn chưa quen với lối suy nghĩ này. Chỉ cần nghe ông Hồ Cẩm Ðào nói cũng đủ biết là Jack chưa thế nào quen. Trong tuần lễ đầu năm 2012, tạp chí Cầu Thực, một cơ quan lý thuyết của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng một số lời phát biểu của ông Hồ. Trong một bài huấn thị trước các cán bộ cao cấp của đảng, ông Hồ đã cảnh cáo: “Các thế lực thù địch quốc tế đang gia tăng âm mưu chiến lược” với mục đích tấn công, xâm nhập trường kỳ vào “các lãnh vực chủ thuyết cùng văn hóa” của Trung Quốc!
Tại sao ông Hồ phải nói như vậy? Vì đảng Cộng Sản sợ. Họ dư biết chủ nghĩa Mác Lenin Mao lạc hậu, ngớ ngẩn, dở hơi, chẳng ai thèm tin nữa. Nhưng họ vẫn muốn kiểm soát chặt chẽ cái gì chứa trong đầu hơn một tỷ người Trung Hoa! Vẫn phải chiếm độc quyền thông tin, độc quyền trên báo chí, điện ảnh, truyền hình, vân vân. Ðảng Cộng Sản sợ những hiểu biết mới, ý kiến mới, tư tưởng, quan niệm mới; không dám cho xâm nhập vào đầu óc người dân Trung Hoa, đặc biệt là các thanh niên, trí thức.
Trong khi đó, Cộng Sản Trung Quốc vẫn muốn lợi dụng cái tên ông Khổng Tử để gây ảnh hưởng khắp thế giới, một thứ ảnh hưởng bây giờ quen gọi là “Sức Mạnh Mềm”. Soft Power là một từ do Giáo Sư Joseph Nye, Ðại Học Havard bày ra để phân biệt với Sức Mạnh Cứng (Hard Power) của một quốc gia, như quân đội, vũ khí, tiền bạc. Một nước có thể gây ảnh hưởng trên thế giới mà không cần dùng tiền tài hay vũ lực, nếu có các sức mạnh mềm. Người Trung Hoa dịch Soft Power là “Nhuyễn Thực Lực,” nhuyễn nghĩa là mềm. Bắc Kinh có chủ ý mở các Viện Khổng Tử, làm một “mũi nhọn” tấn công bằng sức mạnh mềm.
Nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể biến Khổng Tử thành một “chiến sĩ tiền phương” cho cuộc chinh phục thế giới bằng “Sức Mạnh Mềm” hay không? Có một nhà trí thức Trung Hoa đã trả lời là không thể nào được!
Giáo Sư Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), Ðại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nghiên cứu vấn đề “Nhuyễn Thực Lực” từ lâu. Ông đã phân tích khái niệm này để đặt câu hỏi xem nước ông có thể tạo được Sức Mạnh Mềm bằng cách nào. Ông liệt kê các sức mạnh gọi là mềm theo cách trình bày của Joseph Nye. Có thể kể ra: Hệ thống sản xuất kinh tế; hệ thống giáo dục; rồi đến những kinh nghiệm phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa mà nước khác có thể học được; lại thêm sức lôi cuốn từ các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; số giải Nobel đã nhận được; các ngôi sao thể thao, văn nghệ được thế giới hâm mộ; và nói chung, uy tín tinh thần khiến người nước khác kính nể; khả năng ảnh hưởng trong các định chế quốc tế; vân vân. Không quốc gia nào có được tất cả các sức mạnh kể trên; nước nào càng đạt được nhiều yếu tố thì càng mạnh.
Sau khi liệt kê các tiêu chuẩn của sức mạnh mềm, Giáo Sư Bàng Trung Anh nhận xét nếu nhìn trên các yếu tố tạo thành Nhuyễn Thực Lực thì Trung Quốc hiện nay còn rất nhiều vấn đề, không thể sánh với Mỹ được. Bàng Trung Anh thú nhận trong thế giới bây giờ Trung Quốc chưa có cái gì để làm mẫu cho các nước khác noi theo cả. Nước Trung Hoa hiện đóng vai Xưởng Máy của Thế Giới (World Plant). Và đóng vai Người Làm Công của thế giới (World Employed Laborer). Như vậy chưa đủ. Muốn tạo được Sức Mạnh Mềm, Bàng Trung Anh viết, thì một quốc gia phải tin tưởng vào một số giá trị phổ quát (Universal Values, người Trung Hoa gọi là Phổ Thế Giá Trị); và cùng chia sẻ các giá trị đó với các dân tộc khác. Tự do tư tưởng, Quyền con người, đó là những giá trị đang được loài người chia sẻ. Nhưng hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đều phủ nhận những “Phổ thế Giá trị;” trừ ông Ôn Gia Bảo lâu lâu tỏ ra là thuộc “Phổ thế phái”. Theo Giáo Sư Bàng Trung Anh , chưa ai thấy Sức Mạnh Mềm nào Made in China cả!
Về việc sử dụng hình ảnh Khổng Tử, Bàng Trung Anh nhận thấy khi đem một nhà tư tưởng sống trước đây 2,500 năm ra làm khuôn mẫu, hành động đó chỉ chứng tỏ cảnh thiếu thốn, nghèo nàn! Nước Trung Hoa bây giờ không có được một kiểu mẫu, một thần tượng đương thời nào cho nên mới phải khiêng một ông thánh đời xưa ra trưng bày!
Bàng Trung Anh nói thẳng: Không nên nghĩ đến việc khai thác Khổng Tử. Nếu Trung Quốc muốn có “Nhuyễn Thực Lực” thì hãy lo phát triển một nền giáo dục phổ cập cho toàn dân; lo bảo vệ đạo đức trong xã hội. Hãy hướng về tương lai, đi tìm các tư tưởng, các giải pháp phù hợp với thế giới trong tương lai đó. Ông nói thẳng: Sức Mạnh Mềm đáng kể nhất thời nay là chế độ dân chủ.
Chúng ta không hy vọng đa số người Trung Hoa có thể đồng ý với Giáo Sư Bàng Trung Anh. Thường họ dám suy nghĩ ngoài những khuôn khổ do các ông Ðặng Tiểu Bình cho tới Hồ Cẩm Ðào cho phép. Họ vẫn được nhào nặn theo lối nghĩ “zero-sum game,” trò chơi “ăn bù thua”. Thí dụ, công ty Disney của Mỹ mới khởi công xây dựng một khu giải trí ở Thượng Hải, sẽ đầu tư khoảng bốn tỷ đô la. Tân Hoa Xã loan báo tin này, kèm theo lời bình luận coi khu giải trí này sẽ là “một đấu trường về Sức Mạnh Mềm (Nhuyễn Thực Lực) giữa các dân tộc”. Một blog bên Tàu cũng báo động: “Sức mạnh mềm của Mỹ đang tấn công vào nền văn minh rực rỡ 5,000 năm của Trung Quốc!”
Ðây là dấu hiệu của tình trạng thiếu tự tin: Nhìn đâu cũng sợ hãi. Trong một “xã hội mở,” người ta không sợ cho dân chúng tiếp xúc và học hỏi những cái mới lạ, thí dụ, học một ngôn ngữ khác. Người ta cũng sẵn sàng đón nhận những hiểu biết mới, các ý kiến, quan điểm mới, các sinh hoạt nghệ thuật, giải trí mới. Vì biết rằng cuối cùng quốc gia sẽ được lợi nhiều hơn là bị thiệt. Trên thế giới bây giờ trẻ em thích các trò chơi của Disney cũng như mê phim hoạt họa Nhật Bản, người lớn mê coi phim bộ Ðại Hàn; nam phụ lão ấu đều mê coi đá banh; trẻ con Mỹ cũng hâm mộ Yao Ming, cầu thủ bóng rổ người Tàu; giới thẩm âm thích nghe Yo Yo Ma hay Lang Lang đàn. Tại sao không nhìn thấy tất cả những cuộc trao đổi đó là có lợi cho tất cả mọi người? Tại sao nhìn một khu giải trí lại lo lắng nó sẽ thành cái đấu trường trong đó có người ăn phải có người khác thua? Ðúng là thần hồn nát thần tính!
Chỉ riêng cách suy nghĩ đó đã chứng tỏ nước Trung Hoa vẫn chưa có Sức Mạnh Mềm. Một quốc gia có Sức Mạnh Mềm thì trước hết phải rất tự tin. Họ không sợ hãi khi phải gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, thi đua với các sản phẩm văn hóa, giáo dục, các tin tức, các ý kiến, quan điểm từ các nước khác tới. Khi ông Hồ Cẩm Ðào còn tưởng tượng ra các “thế lực thù địch” lo chúng sẽ ảnh hưởng trên bộ óc của người Trung Hoa, thì nước ông còn chưa đủ mạnh. Không những thế, các người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc cứ lo như vậy tức là họ đang kìm hãm dân Trung Hoa khiến họ không quen suy nghĩ độc lập; còn lâu mới phát triển được sức mạnh mềm. Ðời xưa những thế hệ các ông Khổng Tử, Lão Tử, truyền tới Mạnh Tử, Trang Tử, Hàn Phi, đã dựng lên cơ sở cho Sức Mạnh Mềm của văn minh Trung Hoa. Họ đã ảnh hưởng tới các nước Á Ðông trong hai ngàn năm. Ngày nay thế giới đã thay đổi. Loài người đã khám phá ra những giá trị mới trong ba trăm năm gần đây. Giờ đây ai cũng thiết tha với giá trị tự do, với các luật chơi dân chủ; ai cũng tin rằng phẩm giá của từng con người phải được tôn trọng. Năm 2011 đánh dấu cuộc thức tỉnh của hàng trăm triệu người Á Rập do giới thanh niên, trí thức dẫn đầu. Nếu thanh niên Trung Hoa vẫn bị bịt tai, che mắt, không được biết đến các giá trị đó, không được chia sẻ và thảo luận với nhau, thì còn lâu Trung Quốc mới tiến được. Chính cái đầu chật hẹp của giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa mới nguy hiểm; chính họ làm cho Trung Quốc chậm tiến!
@NguoiViet