Trung Quốc: Nồi supde đang bắt đầu được nén!

Mạnh Kim

Tờ Nhân Dân nhật báo số ra ngày 30-11-2011 đã dẫn lại một dự báo của Ngân hàng UBS AG cho biết, năm 2012, tăng trưởng GDP Trung Quốc chỉ có thể đạt 8%, giảm so với đánh giá trước đó là 8,3%. Với ảnh hưởng từ sự kiện “cháy nhà” domino ở Trung Đông cùng tình trạng thảm não của EU – những địa bàn đầu tư chiến lược vài năm qua của Trung Quốc, kinh tế nước này đang bì bõm lội vào giai đoạn khó khăn thật sự. Và điều đáng quan tâm hơn nữa là họ đang giấu kín những khoản nợ quốc gia khổng lồ…

Những tác nhân gây nợ

Có nhiều dấu hiệu báo bão, nếu không nói đó là những đám mây đen kịt đang vần vũ đe dọa làm chệch hướng bay của con rồng kinh tế Trung Quốc. Chỉ số các đại công ty Hoa lục niêm yết tại Thị trường chứng khoán Hang Seng (Hong Kong) đã giảm 26% từ đầu năm 2011 đến nay, một tỉ lệ suy trầm tồi tệ nhất châu Á (1). Lĩnh vực u ám gây ảnh hưởng mạnh nhất đối với chỉ tiêu GDP Trung Quốc là bất động sản. Tháng 10-2011, giá địa ốc đã giảm tại 33 trong 70 thành phố; trong khi doanh số bất động sản giảm hơn 50% tại 6 thành phố lớn trong đó có Bắc Kinh. Tình trạng sản xuất đình trệ cùng nạn lạm phát đã dẫn đến nhiều xáo trộn xã hội nghiêm trọng. Từ năm 2010 đến nay, vô số cuộc đình công và biểu tình đã liên tục nổ ra. Vụ biểu tình của hàng ngàn công nhân tại Đông Hoàn (Quảng Đông) ngày 24-11-2011 là một ví dụ. Trước đó, ngày 22-11, khoảng một ngàn công nhân thuộc một nhà máy điện tử Đài Loan tại Thâm Quyến cũng biểu tình. Rồi ngày 28-10, hàng trăm công nhân thuộc một hãng đồ gia dụng cũng xuống đường với phong cách và khí thế “Chiếm lấy phố Wall”, sau khi lão chủ đào thoát mất dạng và xù ba tháng tiền lương công nhân. Washington Post (2) cho biết, chỉ riêng Đông Hoàn, nơi chứng kiến loạt đình công-biểu tình đậm màu sắc bạo động thời gian gần đây, khoảng 450 nhà máy nhỏ và vừa đã phải đóng cửa từ đầu năm 2011 đến nay bởi sự tụt giảm hoặc ngưng hẳn đơn hàng từ nước ngoài.

Điều thật sự đáng quan tâm là Trung Quốc hiện mắc nợ trầm trọng và Bắc Kinh đang cố giấu kín những con số tồi tệ này. Theo tác giả Kirk Elliott (3), tình cảnh nợ quốc gia của Trung Quốc chẳng thua gì Mỹ và EU. Nợ công Trung Quốc – theo Kirk Elliott – hiện khoảng 36 ngàn tỉ NDT (tức chừng 5,68 ngàn tỉ USD), hơn nhiều so với con số mà Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc đưa ra vào tháng 6-2011 là 10,72 ngàn tỉ NDT, tức 1,65 ngàn tỉ USD (4). Giới kinh tế gia nhận định tỉ lệ nợ xấu (không có khả năng chi trả) của hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể tăng hơn 10% trong vài năm tới. Một trong những tác nhân gây ra nợ chẳng phải bởi yếu tố khách quan bên ngoài (suy thoái kinh tế thế giới) mà từ chính “ý chí” chủ quan bên trong với định mức chỉ tiêu phát triển GDP bằng mọi giá. Cụ thể, để kinh tế trong nước không bị tác động của suy thoái thế giới, năm 2008, Bắc Kinh đã mở két chi 4 ngàn tỉ NDT (tương đương 615 triệu USD thời điểm đó), với chừng 50% trong số đó được rải xuống các chính quyền địa phương rồi được bơm trực tiếp vào loạt dự án bất động sản, nhằm duy trì công ăn việc làm cho người dân đồng thời không làm ảnh hưởng và lu mờ sự lung linh của những con số GDP tổng kết cuối tháng, cuối quý, cuối năm… Kết quả, những vụ đầu tư bất động sản chiếm đến 46,5% GDP năm 2010. Công ăn việc làm có tạo ra được thật đó. An ninh kinh tế quốc gia duy trì được thật đó. Tỉ lệ tăng trưởng GDP có ổn định được thật đó. Nhưng tất cả đều giả tạo, không thực và không đúng với bản chất phát triển thật sự cần có của một nền kinh tế lành mạnh.

Tấm kính che đậy đang ít nhiều bắt đầu rạn nứt, với những cuộc biểu tình công nhân như thấy gần đây, hoặc vụ tai nạn hỏa xa cao tốc tại Ôn Châu mà nguyên nhân sâu xa của nó chắc chắn không chỉ là lỗi kỹ thuật, đã lộ ra sự giả tạo trong bản chất vấn đề. Tội nhân đáng được “cẩu đầu trảm” nhất trong vấn đề này là văn hóa chỉ tiêu. Phải nói là văn hóa chỉ tiêu đã ăn sâu vào nếp sống và tư duy Trung Quốc. Khi phác thảo chương trình phát triển 5 năm lần thứ 12 vào đầu năm 2011, ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc kinh tế, rằng Quốc vụ viện thậm chí đang muốn hạ nhiệt kinh tế và giảm chỉ tiêu tỉ lệ tăng trưởng hàng năm còn chỉ độ 7%. Tuy nhiên, “mấy anh” nói thế nhưng dưới này “chúng nó” đâu có nghe! Vốn dĩ lâu nay sống quen với văn hóa báo cáo thành tích, “mấy em dưới này” cứ thế hô hào tăng GDP bằng mọi giá, tăng gấp đôi càng tốt! Như nhận xét của kinh tế gia Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học khoa học-kỹ thuật Bắc Kinh, viên chức địa phương luôn tin rằng việc có thể làm tăng GDP, trong tình hình khủng hoảng như vậy, chứng tỏ rằng mình có “thực tài”, có “năng lực”, có “tính Đảng” tốt và nhờ đó hoạn lộ hiển nhiên có khả năng hanh thông. “Bọn người ấy chẳng cần quan tâm các khoản nợ xấu để lại, bởi đó là trách nhiệm thuộc những kẻ kế nhiệm, những người được hiểu là phải dọn dẹp cho cuộc chè chén của đám đi trước. Thế rồi bọn sau, để trả được nợ, lại phải nghĩ ra thủ đoạn gì đó…” – phát biểu của kinh tế gia Hồ Tinh Đẩu.

Tất cả ngày càng cho thấy rõ lỗ hổng của cơ chế chính trị Trung Quốc, trong việc bổ nhiệm, trong việc dạy dỗ đào tạo cán bộ, trong việc đề cao văn hóa chỉ tiêu… Sự tệ hại của chính sách kích cầu bằng đòn bẩy bất động sản còn thể hiện ở chỗ, nó nảy sinh nhiều tiêu cực tham nhũng, khi giới chức địa phương lợi dụng chính sách nhà nước để “xẻ thịt” đất công và tư túi, dẫn đến nhiều xìcăngđan chấn động mà kết quả là những bản án tử hoặc tử hình treo, chẳng hạn vụ liên quan thị trưởng Thâm Quyến Hứa Tông Hành và vụ phó thị trưởng Hàng Châu Hứa Vạn Vĩnh. Một số vụ thậm chí còn len sâu vào chốn “cung đình” trung ương. Tháng 6-2011, Thứ trưởng Bộ đất đai tài nguyên Lý Nguyên đã bị tống khỏi Đảng trước những cáo buộc nhận hối lộ từ giới trùm bất động sản. Một viên chức cấp cao khác liên quan “cạp đất” cũng bị bỏ tù là Hoàng Tùng Hữu, (nguyên) phó chủ tịch Tối cao nhân dân pháp viện!

“Quốc phú dân cùng”!

Nhận định về sự vận hành kinh tế Trung Quốc theo “chuẩn” chỉ tiêu GDP, Hứa Tiểu Niên – giáo sư tài chính Trường kinh thương Trung Quốc-châu Âu (Trung Âu quốc tế công thương học viện, tại Thượng Hải) – kết luận: “Những gì Bắc Kinh đang làm là họ đơn giản đốt tiền để duy trì thắp sáng cho các dự án vốn”. So sánh với một con bệnh, giáo sư Hứa nói thêm rằng “việc đốt tiền và in nhân dân tệ có thể làm cho hắn ta (con bệnh) trông khỏe ra nhưng điều đó không có nghĩa căn bệnh của hắn được chữa”. Quả thật, khó có thể nói việc bung tiền ra cực mạnh để đầu tư vào những dự án cực khủng mà chẳng hề sinh lãi là bằng chứng tốt cho sự phát triển kinh tế hoặc là dấu chỉ của sự tích cóp của nả để được giàu có. Có rất nhiều dự án bất động sản nay vẫn không đem lại đồng lời nào, hay nói cách khác là chôn vốn 100%, bởi chúng nằm liệt bất động (không có giao dịch mua bán). Cái gọi là những thành phố ma được khai sinh từ cơn lốc “kích cầu” đã được báo chí nói đến nhiều thời gian gần đây. Trong khi đó, những thành tố cơ bản có giá trị như nền tảng cho phát triển kinh tế, chẳng hạn tỉ lệ tiêu dùng hay tỉ lệ đầu tư kỹ thuật, lại dậm chân tại chỗ. Theo nhà báo kỳ cựu Willy Lam (4), dân Trung Quốc – tiếng là sống trong một nước có tỉ lệ tăng trưởng GDP ngoạn mục nhất thế giới – lại ngày càng cẩn thận hơn trong chi tiêu. Tỉ lệ tiêu xài cá nhân so với GDP đã giảm khoảng 35%, mức thấp nhất trong số các nước phát triển lớn và các nước có nền kinh tế mới nổi. Lý do? Chính sách bảo hiểm và lương hưu được thực hiện không đến nơi đến chốn khiến dân Trung Quốc không dám mạnh tay tiêu dùng. Xài rộng rãi bây giờ mai này bệnh tật rồi tuổi già ai lo? Hơn nữa, lương lậu lại bèo bọt. Năm 2010, lương công nhân Trung Quốc chỉ tương đương 25% GDP, so với mức trung bình 55% của thế giới. Thế cho nên xã hội Trung Quốc bây giờ đang phổ biến truyền khẩu câu “guofu minqiong” (国富民穷 – quốc phú dân cùng – nước thì giàu nhưng dân thì “hẻo”!). Gút lại, một nền kinh tế không có tiêu dùng không thể được gọi là nền kinh tế hưng thịnh!

Một điểm yếu nữa của cơ chế kinh tế Trung Quốc là nhà nước trung ương vẫn duy trì chính sách “trọng công, khinh tư”, khi rót vốn chủ yếu và ưu đãi cho vay đối với các công ty-tập đoàn thuộc nhà nước quản lý. Điều này dẫn đến nạn đục khoét ngân sách nhà nước – mà nếu nói cho đúng phải hiểu là tiền thuế của dân – rồi còn nảy sinh văn hóa “cha chung không ai khóc” (trong việc qui kết trách nhiệm và hậu quả) lẫn văn hóa “xài của chùa” (trong việc chi tiêu ngân sách công một cách vung vít vô tội vạ). Chính sách này vô hình trung còn phá vỡ cái cục diện chính trị an ninh xã hội mà Bắc Kinh không bao giờ muốn thấy: sự bất mãn lòng dân. Tại sao? Bởi nó khiến doanh nghiệp tư nhân dễ bị tổn thương do họ không được ưu tiên vay “tiền nhà nước” (hoặc bị tính lãi suất cực cao); từ đó, doanh nghiệp sụp đổ, công nhân bị sa thải rồi bạo loạn xã hội nổ ra. Trong diễn văn nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thừa nhận: “Những vấn đề về mất cân đối, thiếu đồng bộ và thiếu bền vững trong phát triển đang trở nên nghiêm trọng”, và những rào cản trong cấu trúc như vậy cần phải được “giải quyết bằng cải cách sâu rộng”. Cần nói thêm, từ “cải cách” đã xuất hiện 44 lần trong diễn văn 14.000 từ của ông Hồ Cẩm Đào.

Những quả bom nổ chậm

Hầu như tất cả lỗ hổng cơ cấu phát triển kinh tế như trình bày ở trên đều đang trở thành yếu tố tạo ra quả bom nổ chậm về nợ công của Trung Quốc. Trên giấy tờ, nợ quốc gia so với GDP của Trung Quốc là dưới 20% – một tỉ lệ đẹp như mơ so với một số nước EU (trên 100%). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu uy tín gốc Hoa Bùi Mẫn Hân (5), nếu tính gộp nợ của các chính quyền địa phương, tính đến yếu tố chi phí tái cơ cấu nguồn vốn của những ngân hàng nhà nước, số trái phiếu được hệ thống ngân hàng nhà nước phát hành, số trái phiếu hỏa xa, thì tổng nợ Trung Quốc phải lên đến 70-80% GDP. Điều đáng chú ý ở chỗ Trung Quốc lại đang đi trên một con đường tích nợ cực nhanh; và với tốc độ gây nợ như hiện thời, quả bom nợ sẽ nổ tung trong một ngày không xa. Mức độ tích nợ đang thể hiện rõ ở chỗ, các chính quyền địa phương khó có khả năng trả nợ trong khi những món đầu tư của họ, đặc biệt bất động sản, đang bị đóng băng chết cứng. Chừng ½ khoản vay từ các chính quyền địa phương sẽ đến hạn phải trả (như được qui định) trong hai năm tới (tức 2013) nhưng làm thế nào để xoay tiền trả nợ vẫn còn là bài toán bế tắc.

Ngoài quả bom nợ công, một quả bom khác với khả năng sát thương thậm chí kinh khủng hơn chính là quả bom bất an xã hội. Trung Quốc đang ở trong một cái thế cực kỳ tiến thoái lưỡng nan. Nếu thuận theo chính sách điều chỉnh tỉ giá như yêu cầu Mỹ, xuất khẩu Trung Quốc – đang èo uột bởi suy thoái toàn cầu – càng lao đao hơn bởi họ sẽ mất lợi thế giá rẻ. Hậu quả, người lao động thất nghiệp rồi dẫn đến bạo loạn. Điều này thật ra đang xảy ra. Còn nữa, như tác giả Kirk Elliott (3) cho biết, lạm phát Trung Quốc không phải ở con số vài phần trăm như báo cáo chính thức mà thật ra là 16%, trong khi thuế doanh nghiệp lại quá cao (70% thu nhập!). Trong khi đó, công nhân nhập cư vẫn bị đối xử như công dân hạng hai, không chỉ bởi luật hộ khẩu mà còn bởi những chính sách cụ thể rất ngặt nghèo, chẳng hạn hàng chục ngôi trường dành cho con em công nhân nhập cư tại Bắc Kinh đã bị đóng cửa từ giữa năm 2011 đến nay khiến 30.000 học sinh bị ảnh hưởng (6). Sự phẫn nộ càng được kích động khi cùng lúc người ta biết Bắc Kinh chuẩn bị xây 1.000 ngôi trường cho châu Phi với tổn phí 2 tỉ NDT (312 triệu USD)!

Với những chi tiết bất ổn kinh tế-xã hội như vậy, có thể thấy rằng áp suất của nồi súpde đang bắt đầu được nén ở mức độ có thể nói là đặc biệt nguy hiểm!

Mạnh Kim

1- Xuất khẩu Trung Quốc đang đình đốn
2- Bất động sản đang đóng băng
3- Trong khi lực lượng lao động ngày càng bức xúc (trong ảnh là cuộc biểu tình của khoảng 10.000 công nhân tại Đông Hoàn-Quảng Đông phản đối chính sách tiền lương của các nhà máy địa phương vào ngày 17-11-2011)

(1) Predictions of an economic collapse in China are in vogue, David Pierson, Los Angeles Times (28-11-2011)

(2) China labor unrest linked to global economic slowdown, Europe debt crisis, Keith B. Richburg, Washington Post (27-11-2011)

(3) Beware China’s lies: Red dragon is about to go bankrupt, Kirk Elliott, WorldNetDaily (22-11-2011)

(4) Local Debt Problems Highlight Weak Links in China’s Economic Model, Willy Lam, China Brief Volume (15-7-2011)

(5) China’s Ticking Debt Bomb, Minxin Pei, The Diplomat (5-7-2011)

(6) Chinese Regime Shuts Down Migrant Workers’ Schools while Building Schools in Africa, Gu Qing, Epoch Times (28-8-2011)

@Danluan

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s