Giữa hành lang hội nghị, một ông hồn nhiên “nổ” ầm ầm, khoe toáng chuyện mình vừa đi Tây về. Thấy mọi người quay lại nhìn, ông lại càng hãnh diện “nổ” tiếp: Chà, ấn tượng nhất là hôm ở Ý. Phong cảnh ở đấy sao mà đẹp thế, người ta có hàng ngàn di tích đáng xem. Nhất là cái đấu trường La Mã. Tài thật đấy, từ trước công nguyên mà người ta đã xây dựng được một khán đài chứa cả vạn người, họ tính toán thế nào mà ở giữa đấu trường chỉ đánh rơi một đồng xu thôi, cả đấu trường đều nghe thấy. Hàng ngàn năm trước người ta còn văn minh thế, chả trách họ là những cường quốc… Tớ có chụp một số ảnh bằng điện thoại di động đây (nói đoạn ông móc điện thoại ra). Cái này tớ mới tậu đấy, Nokia đời mới nhất, 7 triệu đồng. Có cái này tiện lắm, đa chức năng luôn. Chụp ảnh độ phân giải cao, “ba chấm hai” cơ đấy, bằng với máy ảnh kỹ thuật số của dân làm báo còn gì. Thẻ nhớ của nó lớn lắm, 512 “mê”, lưu được cả trăm bức ảnh, vài chục đoạn phim. Đây này, ông thấy chưa, nói có sách mách có… ảnh nhé. Câu chuyện cứ thế con cà con kê, giờ giải lao 15 phút đã qua, ông còn níu bạn lại thêm 5 phút nữa mới xong câu chuyện, mà toàn là ông độc diễn.
Có một thời người ta thường giấu bớt đi những thứ mình có, ăn cơm với thịt gà phải cắt bằng kéo vì sợ hàng xóm ghen. Nhưng ngày nay xã hội đã cởi mở, con người tự tin lên nhiều, người ta thoải mái phô phang bản thân, mà xét cho cùng thì khoe cũng là một nhu cầu của con người, nhưng mà khoe thì cũng nên đúng cách chứ. Tôi nhớ hồi mới ra trường, đang thất nghiệp nằm khàn ở nhà, một hôm có điện thoại reo, đầu dây bên kia là là một bà bạn của bố tôi. Tôi đáp bố không có nhà, bà quay sang hỏi tôi: “Thế cháu đang học trường gì vậy?”. Tôi trả lời là vừa tốt nghiệp đại học Luật. “Vậy à, thế đã đi làm ở đâu chưa cháu?”. “Dạ chưa cô ạ, xin việc bây giờ có đơn giản đâu”. Cứ thế bà “nổ” một tràng khoe … con nhà bà: Có người khó, có người dễ cháu ạ. Chả nói đâu xa, thằng con nhà cô tốt nghiệp năm ngoái, khi chưa tốt nghiệp nó đã đi làm thêm rồi. Vừa xong Đại học đã có mấy nơi nhận, bây giờ lương nó đã tới 4 “vé” một tháng. Mà thằng bé nhà cô chịu khó học lắm, từ khi phổ thông nó đã học tiếng Anh rồi, lên đại học nó lại càng chăm ngoại ngữ, trình độ tiếng Anh của nó chả kém gì sinh viên tốt nghiệp đại học ngoại ngữ ra. À, mà cháu có biết ngoại ngữ gì không? Tôi đáp về cái món ngoại ngữ tôi chỉ biết mấy cây hê-lô, gút-bai thôi. “Ấy chết, thế thì không được, thời buổi này mà không biết ngoại ngữ chả bao giờ khá được. Thằng bé nhà cô đi phỏng vấn xin việc, nó nói chuyện vanh vách thẳng với sếp Tây, trả lời phỏng vấn nỏ như ngô rang, sếp ưng lắm. Ngoại ngữ và chuyên môn giỏi thì sẽ tự tin lên cháu ạ. Mới đi làm có một năm mà nó đã để được tiền mua xe máy, lại còn mua tặng mẹ cái dây chuyền. Cũng bõ công mình nuôi nó vất vả. Gớm, lứa tuổi các cháu chả biết thời bao cấp khổ thế nào đâu. Tiêu chuẩn cả tháng của cô được có 3 lạng thịt lợn… cứ thế, bà lại kể lể một hồi, mắng mỏ thời bao cấp, báo hại tôi phải nghe, chuyển điện thoại hết từ tai nọ sang tai kia. Cuối buổi bà chốt lại một câu rằng: “Cháu ạ, cháu phải đầu tư ngoại ngữ đi, mới có cơ hội xin việc làm lương cao”. Chúa ơi, khuyên thế thì ai chả khuyên được. Đang nẫu ruột vì thất nghiệp, lại phải nghe sự thành đạt của người khác, thật là… cực hình.
Quán cà phê Đi-mô, một buổi sáng đẹp trời tôi đang ngồi với bạn thì có điện thoại của cô đồng nghiệp: “Tôi có chuyện này cần bàn với ông, ở đâu tôi ra”. Nửa tiếng sau cô tới và tôi cùng anh bạn bị “tra tấn” gần hai giờ đồng hồ. “Ông vẫn viết phóng sự đấy chứ?” – cô hỏi. “Ừ, thì vẫn túc tắc, có biết làm gì nữa đâu”. “Các báo giả thế nào?”. “Bà còn lạ gì, vài trăm một bài”. “Bỏ, dẹp đi, làm thế bao giờ khá lên được. Tôi bàn với ông việc này: bây giờ tôi chuyên việc tổ chức sự kiện, vận động doanh nghiệp tài trợ. Vừa rồi tôi làm chương trình “thắp sáng niềm tin”, vận động trao học bổng cho các cháu con nhà nghèo. Ông biết không, tôi xin được hơn năm chục doanh nghiệp, cả thẩy 400 triệu. Buổi trao học bổng tôi còn mời được cả đài phát thanh và truyền hình đi đưa tin. Trong buổi trao, mình làm một băng-rôn to, dán lô-gô các doanh nghiệp tài trợ lên, họ thích lắm. Xong việc có nhiều giám đốc điện thoại cho mình bảo chương trình hay thế, sao không mời doanh nghiệp họ tham gia. Họ bảo có nhiều đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện, nhưng làm đầu voi đuôi chuột, không tin được, chỉ có mình là đàng hoàng uy tín thôi. Lần sau có tổ chức gì lại nhớ mời đến họ. Sắp tới tôi đang định làm hội thảo: “Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập WTO”.
Tôi đã chuẩn bị được khoảng 40 bài tham luận rồi, toàn của các giáo sư tiến sỹ với giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp lớn thôi. In vào quyển kỷ yếu rồi vận động các doanh nghiệp quảng cáo trong quyển này, ít nhất doanh số cũng phải hơn một tỷ. Trừ tất tật chi phí cũng còn dư đôi trăm. Đấy, làm ăn là phải thế, phải nghĩ lớn, làm một phát ăn cả năm…
Cô thao thao bất tuyệt sùi cả bọt mép, phải khó khăn lắm tôi mới chen vào được một câu rằng thế tôi có thể làm được việc gì. Cô bảo: “Ông đi vận động quảng cáo cho tôi, tôi trả 40% hoa hồng”. Ôi trời ơi, tưởng giúp nhau thế nào, chứ lại rủ mình đi chạy quảng cáo. Cái mặt thằng tôi chẳng hiểu sao hãm lắm, xin chả ai cho. Đã thế tính lại sĩ diện, không muốn xin xỏ. Thế là vừa phải nghe cô “nổ”… điếc tai, lại mất thêm tiền cốc sinh tố xoài. Hại quá.
Thường các quý ông hay nổ chuyện… bồ bịch, chuyện ăn chơi du hí, quý bà thích nổ chuyện chồng con, chuyện váy áo son phấn, tiện dịp nào là xả luôn cho sướng. Chỉ cần la cà quán xá một buổi là ta có thể nghe được vô khối chuyện khoe khoang. Trưa hè nóng nực, quán cóc vỉa hè có hai chàng “ngồi đồng” từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chỉ với hai cốc trà đá và câu chuyện nổ như… B40. Một chàng: “Tuần trước tao xuống Quất Lâm, úi giời, dưới đấy là một “địa chỉ sung sướng” còn hơn cả Đồ Sơn, toàn gái choai mơn mởn. Rẻ lắm, sáu chục nghìn. Khoái nhất là kiểu tắm đôi ở biển: thuê phao rồi ra ngoài rỡn, múc nhau dưới nước luôn, cảm giác lạ lắm. Bọn gái vùng biển, da săn giòn, chắc lắm. Ông phải xuống đấy một chuyến đi…”. Chàng kia: “Cần chó gì phải xuống tận Quất Lâm, lích kích tàu xe, phòng nghỉ. Quơ mẹ nó trên này cho tiện. Sướng nhất vẫn là chơi gái sinh viên mày ạ, vừa văn hoá, lại vừa sạch sẽ, tình cho không biếu không. Tao vừa túm được một ẻm ở làng sinh viên Phùng Khoang. Con bé này người Thanh Hoá, xinh, máu lắm. Quen nhau 3 buổi, tao đã rủ được em đi “khai đao” rồi. Em cứ rên ầm ầm…”.
Bực mình vì suốt ngày phải nghe thiên hạ “nổ”, rồi lại tỏ vẻ thương hại cái công việc phóng viên khốn khổ của mình, tôi cũng quyết định nổ chơi cái cho khỏi kém cỏi. Gặp đúng dịp mấy ông ở quê ra quyên góp tiền tôn tạo đình chùa di tích gì đó. “Nhà báo ở Trung ương, chắc là lương cao lắm nhỉ?”. “Dạ, cũng thường thôi bác. Mỗi bài báo nhuận bút khoảng triệu bạc, cộng với lương mỗi tháng thu nhập cũng chỉ ngót nghét chục triệu thôi” (thú thực nói xong câu này tôi ngượng đến cứng cả quai hàm). “Ối chà, những chục triệu mà còn bảo là thường, bằng mấy tấn thóc đấy. Đợt này quê ta trùng tu đình làng, nhà báo ủng hộ quê hương nửa tháng lương chứ nhẩy”.
Mặt tôi phút chốc xám như đổ chàm.
@ Hội những người thích nổ
—————————————————————————————————————————————————————————————————————————————-