————————————————————————————————————————————————————————————————————————————-
Day: 08/09/2011
CẬP NHẬT TIN 8-9-2011
Gần 40 doanh nghiệp Mỹ tìm cơ hội hợp tác với Việt Nam
Ngày 6 – 9, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có tiếp đoàn Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) và các doanh nghiệp thành viên đang có chuyến thăm và tìm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đây là đoàn doanh nghiệp Mỹ thăm Việt Nam đông nhất từ trước đến nay với khoảng gần 40 tập đoàn, công ty lớn do Chủ tịch USABC, ông Alexander Feldman và Chủ tịch Ủy ban Mỹ – Việt của USABC, ông Stuart Dean, dẫn đầu. Chuyến thăm của đoàn nhằm tìm hiểu mục tiêu và các ưu tiên trong chính sách của Việt Nam sau khi có Chính phủ mới, các biện pháp đối phó với các thách thức kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế; vấn đề thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Mỹ trong bối cảnh hai nước tiếp tục tăng cường và nâng tầm quan hệ; các vấn đề hợp tác khu vực như tiến trình liên kết ASEAN và đàm phán Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP).
Quang cảnh buổi tiếp
Phát biểu tại buổi tiếp đoàn, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các công ty của Mỹ tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, làm ăn lâu dài tại Việt Nam, và có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa trong việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ. Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đã đề nghị các công ty Mỹ tiếp tục tham gia vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, nhân đạo và các hoạt động xã hội ở Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu và toàn diện trên mọi lĩnh vực; giữ vững và phát huy hình ảnh Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Ông Alexander Feldman thay mặt đoàn cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp đoàn và trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Ông khẳng định doanh nghiệp Mỹ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường, nhân đạo và xã hội.
=================================================================
Nhân sĩ, trí thức kiện Ðài truyền hình Hà Nội
Hôm 5 tháng 9, mười nhân sĩ trí thức đã gởi đơn đến Tòa Án Nhân Dân Quận Ðống Ða, thành phố Hà Nội, để kiện đài phát thanh và truyền hình Hà Nội với nội dung “đã phát sóng truyền hình có nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, vi phạm Luật Báo Chí và Bộ Luật Dân Sự.”
|
Bức hình này đã được Ðài PTTH Hà Nội dùng để vu khống
các trí thức biểu tình chống Trung Quốc. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện) |
Mười người ký tên trong đơn kiện là: Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Nguyễn Huệ Chi, ông Nguyễn Văn Khải, ông Ngô Ðức Thọ, ông Vũ Ngọc Tiến, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, TS Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Ðăng Quang, ông Lê Dũng và TS Nguyễn Xuân Diện.
Bị đơn là “Ðài Phát thanh và truyền hình Hà Nội (Viết tắt Ðài PT-TH Hà Nội). Trụ sở: Số 3 và số 5 Huỳnh Thúc Kháng, quận Ðống Ða, Hà Nội.”
Mở đầu, đơn kiện viết: “Gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có hành vi gây hấn ở Biển Ðông, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây thiệt hại và uy hiếp nhiều hoạt động kinh tế của các tổ chức, công dân Việt Nam tại Biển Ðông. Bức xúc trước những hành vi gây hấn, xâm hại này, từ ngày 5 tháng 6, 2011 đến ngày 21 tháng 8, 2011 đã có 11 cuộc biểu tình tự phát của người Việt Nam tại Hà Nội.”
Những người gởi đơn kiện nói rằng, họ “đã tham gia những cuộc biểu tình này, để thể hiện lòng yêu nước, ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bảo vệ ngư dân Việt Nam, phản đối những hành vi xâm hại Việt Nam từ phía Trung Quốc.”
Thế nhưng, vẫn theo lời đơn kiện: “Ðài PT-TH Hà Nội trong hai buổi phát sóng ngày 21 tháng 8 và ngày 22 tháng 8, 2011 đã có nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình trong đó có chúng tôi, vi phạm Luật Báo Chí và Bộ Luật Dân Sự.”
Cụ thể, “Trong hai buổi phát sóng này, HTV1 có đưa hình ảnh của nhiều người biểu tình, trong đó có ảnh của các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, kèm với lời bình như: “Việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các ‘thế lực thù địch phản động’ hay ‘bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động…’’”
Vẫn theo nội dung đơn kiện: “Ngày 26 tháng 8, 2011, chúng tôi có thư yêu cầu Ðài PT-TH Hà Nội đăng phát biểu của chúng tôi về một số nội dung đã phát sóng của Ðài PT-TH Hà Nội liên quan đến những người biểu tình và yêu cầu đài này xin lỗi, cải chính.”
Ðơn viết tiếp: “Ngày 31 tháng 8, 2011, ông Trần Gia Thái, tổng giám đốc Ðài PT-TH Hà Nội đã có thư trả lời, phản hồi thư yêu cầu trên của chúng tôi, nhưng không thể hiện sẽ đăng bài phát biểu của chúng tôi trên đài truyền hình theo Luật Báo Chí, không xin lỗi, cải chính về những nội dung đã phát vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình.”
Những người ký vào đơn kiện nói rằng: “Chúng tôi làm đơn khởi kiện này để yêu cầu Ðài PT-TH Hà Nội và nhóm phóng viên liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm Luật Báo Chí và Bộ Luật Dân Sự do họ gây ra.”
Theo đó, những người gởi đơn kiện xác định đã bị “Ðài PT-TH Hà Nội vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng đến những người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, trong đó có chúng tôi và buộc đài này phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn và những người biểu tình khác.”
Cụ thể, Ðài PT-TH Hà Nội phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho mỗi nguyên đơn và mỗi người biểu tình khác 40 triệu đồng cho 2 lần vi phạm.
Và do đăng ảnh những người biểu tình không được sự đồng ý của họ, làm tổn thương đến uy tín và nhân phẩm của họ, nên phải bồi thường cho mỗi người bị đăng ảnh mỗi lần đăng là 20 triệu đồng.
Trước mắt các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Khải và Nguyễn Huệ Chi yêu cầu Ðài PT-TH Hà Nội bồi thường cho mỗi ông 40 triệu đồng cho việc đăng ảnh 2 lần.
Những nguyên đơn tuyên bố toàn bộ số tiền bồi thường cho họ sau khi trừ các chi phí kiện tụng sẽ chuyển cho một số quĩ trợ giúp những ngư dân Việt Nam bị thiệt hại bởi những hành vi xâm hại từ phía Trung Quốc.
Ngoài ra, phía nguyên đơn còn “buộc Ðài PT-TH Hà Nội phải đăng lời phát biểu của những người biểu tình (trong đó có chúng tôi) về nội dung phát sóng của đài này trong các ngày 21 tháng 8 và 22 tháng 8, 2011. Lời phát biểu này phải được phát sóng 2 lần trong 2 ngày từ khoảng 18h30-19h trong ngày.”
Thêm vào đó, “Buộc Ðài PT-TH Hà Nội phải đăng lời xin lỗi và cải chính do đã phát nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng đến những Nguyên Ðơn và những người biểu tình khác theo đúng Luật Báo Chí.”
Ðồng thời, “buộc đài này phải xin lỗi các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Khải và Nguyễn Huệ Chi và những người biểu tình khác vì đã đăng ảnh họ mà không xin phép họ trước.”
============================================================================
Số tiền này được để trong hai va li với thẻ lên máy bay mà điểm đến là Hà Nội. Tiền được cuộn chặt, bọc trong giấy bạc, giấu trong các chai nước xốt cà chua, dầu gội đầu và trong các hộp lớn đựng ca cao. Theo cơ quan điều tra, có khả năng số tiền này “gắn kết với sự cướp bóc, gian lận, chứ không phải do làm ăn lương thiện”.
![]() |
Người phụ nữ 35 tuổi suy sụp khi bị bắt giữ với tang vật. Ảnh: Juergen Mahnke |
Một điều tra viên nói với phóng viên tờ báo Bild của Đức: “Một cuộc đánh chặn rất lớn! Một đòn nặng cho các ông chủ của mafia thuốc lá, những người muốn bí mật tạo ra tiền với sự giúp đỡ của các bị cáo đồng hương”.
Người phụ nữ Việt Nam bị bắt đến từ Berlin và đã bị còng tay đưa ra khỏi máy bay. Tuy nhiên, cho đến nay, người phụ nữ này 35 tuổi gốc Việt vẫn không có bất cứ sự hợp tác nào với cơ quan chức trách mà hoàn toàn im lặng.
———————————————————————————————————————————————————————————————————————————-
TQ ảnh hưởng tới chính trị VN tới đâu?
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có điện tín dài bốn trang đánh giá về ảnh hưởng của Trung Quốc tới chính trị nội bộ Việt Nam.
Điện tín đánh đi ngày 27/1/2010 được Wikileaks công bố cho thấy Đại sứ Michael Michalak dùng tới những từ như “móng dài” và “răng nhọn và sắc” của “gấu trúc”, ám chỉ Trung Quốc.
BBC không có điều kiện để kiểm chứng toàn bộ các ý kiến nêu ra trong những điện tín ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ qua Wikileaks nên chỉ có thể trình bày lại các nét chính để giới thiệu.
Điểm chung của nội dung này là Hoa Kỳ theo dõi rất kỹ các cuộc tranh luận nội bộ và biết đến nhiều nhân vật tại Việt Nam, từ quan chức quốc phòng, Đảng, giới nghiên cứu và đại biểu quốc hội.

Nhưng kết luận của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ về mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh lại khác xa so với những người chỉ trích Trung Quốc ở Việt Nam.
Điện tín nhận định các chỉ trích Trung Quốc đã tăng lên trong những tháng trước Đại hội 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam do sự phản đối việc Trung Quốc tham gia vào dự án bauxite cũng như lệnh “cấm đánh cá” mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra trên Biển Đông.
Đại sứ Michalak nói một số quan chức cao cấp của Việt Nam từng bị tố cáo thân Trung Quốc và đây là việc dán ‘mác’ nhiều khi có động cơ chính trị.
Phía Hoa Kỳ dẫn lời một nguồn tin khẳng định rằng Trung Quốc lợi dụng lòng tham của các đảng viên Đảng Cộng sản và tạo cơ hội để họ có thể thu lợi cá nhân.
Nguồn khác lại nói Trung Quốc lưu giữ hồ sơ của các “cán bộ đang lên” và ủng hộ những người có chung lý tưởng trong khi ngăn cản những ai làm mất lòng họ.
Trong khi đó đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, thành viên ủy ban hợp tác quốc hội Việt Nam – Trung Quốc, lại tỏ ra nghi ngờ ảnh hưởng của Bắc Kinh tới các vấn đề nhân sự.
Nhưng điện tín cũng nói ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng các quan chức Việt Nam có thể “tự kiểm duyệt” khi biết dư luận chung nói Việt Nam chịu sức ép của Trung Quốc.
‘Chiến đấu và chiến thắng’
Đại sứ quán ở Hà Nội dẫn lời một tổng biên tập báo và một giáo sư luật than phiền rằng Việt Nam chấp nhận đề nghị của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội, những người muốn Việt Nam sa thải các nhà báo viết bài chống Trung Quốc.
Một số blogs chính trị của Việt Nam, theo bức điện tín, cũng đổ lỗi cho Trung Quốc khi Việt Nam kết án blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, về tội trốn thuế.
Các blogger nói vụ kết án ông Hải có động cơ chính trị và ông là người có quan điểm chống Trung Quốc và đã lập kế hoạch phân phát các áo phông khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Điện tín cũng dẫn nguồn tin nói với Thời báo Kinh tế Viễn đông rằng Tổng cục II, cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng và khi đó do Tướng Nguyễn Chí Vịnh điều hành, là “một trong những công cụ chính để Trung Quốc gây ảnh hưởng lên Việt Nam.”
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói Tổng cục II có thể là nghi phạm vì cơ quan này từng dính tới vụ scandal “dạng Watergate” khi họ nghe lén các đối thủ trong Bộ Chính trị của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong thập niên 90 và bố vợ của ông Nguyễn Chí Vịnh, Tướng Đặng Vũ Chính, người cũng từng nắm Tổng cục II, bị cho là vu khống Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhưng Đại sứ Michalak cũng nói Tướng Vịnh không phải là người mà Trung Quốc “dễ nắn gân”.
Ông Michalak nhắc lại Tướng Vịnh từng nói thẳng về khả năng xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc và trong một cuộc gặp với quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, tướng Vịnh đưa ra một bức tranh về các ảnh hưởng “lành” của Trung Quốc.
Ông Vịnh nhấn mạnh rằng thành công về kinh tế của Trung Quốc tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam và có thể đảm bảo ổn định trong khu vực.
Điện tín của Hoa Kỳ nói ông Vịnh không lảng tránh vấn đề Biển Đông. Ông tướng này bác bỏ tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc và nói Việt Nam “biết cách chiến đấu và chiến thắng”.

Lợi ích và mưu đồ
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói các cách tiếp cận giống nhau của Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề như bất đồng chính kiến phản ánh hệ thống chính trị, ý thức hệ giống nhau bên cạnh sự ám ảnh chung của hai bên về ổn định nội bộ và an toàn chế độ.
Điện tín trích lời Giáo sư Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, nói rằng Việt Nam là Trung Quốc là hai nước Cộng sản theo hướng tư bản ít ỏi trên thế giới và các nhà lãnh đạo hai nước có nhiều điểm chung.
Nhưng nguồn của Sứ quán Mỹ không nói Giáo sư Nguyễn Huy Quý còn được biết đến nhiều qua một số vụ trả lời phỏng vấn và bài viết liên quan đến Trung Quốc gây xôn xao dư luận mạng Việt Nam.
Đại sứ Michalak cũng nhận định: “Trung Quốc không thể bắt Việt Nam phải theo và công chúng Việt Nam cũng không làm như vậy được.”
Hoa Kỳ nói Đảng Cộng sản Việt Nam chọn làm theo Trung Quốc những gì có lợi cho họ, chẳng hạn như kìm hãm những tư tưởng chống chế độ được công chúng ủng hộ hay chỉ thay đổi tới mức mà quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng.
Điện tín viết: “Vấn đề là ảnh hưởng của Trung Quốc ít tính trực tiếp hơn nhiều so với những gì các nhà chỉ trích nói và nó thường xuyên phản ánh qua lợi ích, mưu đồ và niềm kiêu hãnh.
“Việt Nam làm sao để có thể đối phó hiệu quả với Trung Quốc là đề tài gây chia rẽ nội bộ đáng kể, nhưng đây là cuộc thảo luận không đơn thuần chỉ là giữa phe thân và chống Trung Quốc.
“Thật dễ dàng khi chúng ta và cả những tiếng nói chỉ trích từ bên trong Việt Nam chỉ tay về phía Trung Quốc.
“Cuối cùng thì Việt Nam vẫn nhất quyết độc lập và chính họ phải chịu trách nhiệm về những thành công hay thất bại của [chính sách này].”
Hiện hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang có vòng đàm phán về lãnh thổ do Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc của Trung Quốc chủ trì tại Hà Nội.
@bbc
———————————————————————————————————————————————————————————————————————————
Đã đến lúc Việt Nam phải lựa chọn
Với tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước” từ ngày 22-28 tháng 8 năm 2010 Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam sang thăm và làm việc với Bộ Quốc Phòng Trung Quốc. Tại lần này, trong tình hình mà mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc được coi là “Tốt đẹp”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố chính sách “3 không” của quốc phòng Việt Nam. Một lần nữa Việt Nam thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, thể hiện tính hòa hiếu tự ngàn đời của ông cha để lại, thể hiện sự tôn trọng với một láng giềng hùng mạnh.
Và đây là hành xử của Trung Quốc:
Gần một năm sau sự đánh giá “tốt đẹp”, Trung Quốc trắng trợn gây hấn trong khu vực Đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam, cố tình biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp để ép Việt Nam “cùng khai thác”. Đòi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, ngang ngược. Họ vừa ăn cướp vừa la làng vu cáo Việt Nam “xâm lược” và giở giọng côn đồ “dạy cho Việt Nam bài học”. Họ nghênh ngang diễu võ dương oai tập trận hết đợt này đến đợt khác. Họ “bật đèn xanh” cho bọn lâu la trên báo, mạng khua môi múa mép xúc phạm dân tộc Việt Nam, đe dọa chiến tranh thôn tính Việt Nam…
Vẫn biết bản chất của nhà cầm quyền ở Trung Quốc là thế nào. Vẫn biết không phải một năm sau khi Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông mà ít nhất là từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến giờ không có khi nào, không có nơi nào Việt Nam được yên với Trung Quốc. Hết cản Việt Nam đánh Mỹ, chỉ cần có vùng đệm an toàn thôi vì sợ Mỹ, lại đến cản Việt Nam thống nhất vì sợ Việt Nam hùng mạnh. Cướp đảo Hoàng Sa xong còn tiếp tục cướp đảo Trường Sa…Vẫn biết thế, nhưng chúng ta muốn hòa bình, muốn thân thiện, hữu nghị với các nước láng giềng và khi còn cơ hội hòa bình dù là mỏng manh thì cũng phải tận dụng. Đó là cách hành xử của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, cách hành xử của một dân tộc mà lịch sử luôn gắn liền với những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm và nghệ thuật bang giao với cái “ông hàng xóm phương Bắc” mà Tổ tiên để lại.
Ngày 29/8/2011 cuộc đối thoại cấp thứ trưởng quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần thứ 2. Tình hình có vẻ như hai bên đã hiểu nhau và lắng dịu… Những chuyện vừa qua coi như gác lại, lấy quan hệ đại cục làm trọng…
Và đây là hành xử của Trung Quốc:
Chưa, mới vừa nói xong, ít ra cũng chứng tỏ “miệng quan (Trung Quốc) không giống…”
Nhưng hãy cẩn thận. Thực tế đã chứng minh nhiều lần rằng trong mối quan hệ với Trung Quốc, mỗi khi lãnh đạo hau nước có những ngôn từ tốt đẹp về nhau, khi Việt Nam có vẻ như cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào những lời “Hảo, hảo” là y như rằng không sớm thì muộn Trung Quốc bất ngờ hành động. Và dĩ nhiên khi Việt Nam lên tiếng tố cáo, hành động đó thì… việc đã rồi.
Tại sao họ luôn hành xử như vậy với ta? Quá ngây thơ khi cho rằng Trung Quốc tráo trở. Chính quan điểm này vô tình làm Việt Nam mất cảnh giác. Vì bản chất, dã tâm của họ đối với ta không bao giờ thay đổi, cho nên hành xử này có tính logic. Trung Quốc tùy theo những lúc mạnh yếu khác nhau, yếu thì thực hiện mưu mô thâm độc, xảo quyệt; mạnh thì chèn ép ngang ngược, trắng trợn, đe dọa dùng vũ lực… Có thể nói Thôn tính Việt Nam là lời trăng trối truyền đời chết mà không nhắm mắt của những thế hệ cầm quyền Trung Quốc từ xưa tới nay.
Trung Quốc đang trỗi dậy. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, họ tăng cường tiềm lực quân sự vượt ngoài giới hạn phòng thủ. Họ coi Việt Nam là trở ngại lớn nhất cần phải dẹp bỏ đầu tiên trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của mình. Vì vậy, không còn con đường nào khác, chúng ta phải cảnh giác cao độ, phải chuẩn bị toàn bộ để đối phó với nguy cơ này.
Chúng ta còn nhớ gần đây nhất trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, dân tộc ta hầu như từ hai bàn tay trắng mà phải đối đầu với xe tăng, đại bác. Không nói cũng biết khó khăn gian khổ như nào, tuy dành được độc lập, thống nhất đất nước nhưng xương chất thành núi, máu chảy thành sông, thời gian chiến tranh dài như vô tận, ba thế hệ con người Việt Nam lên đường ra trận.
Mấy năm qua, nhờ vào công cuộc đổi mới, đất nước có “của ăn, của để”, Đảng, Nhà nước đã không ngừng tăng cường khả năng quốc phòng. Với quyết định “đưa thẳng lực lượng không quân, hải quân… lên chính quy, hiện đại” (thay vì trước đây chỉ là “tiến dần lên chính quy, hiện đại”) nó làm tăng thêm khả năng phòng thủ và răn đe, đồng thời tạo thế cho dân tộc ta “năm nay đánh giặc nhàn” như câu nói của Trần Quốc Tuấn với các tướng lĩnh nhà Trần trong lần quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3.
Tuy nhiên chỉ chuẩn bị vũ khí, trang bị thôi chưa đủ. Để bảo vệ Tổ Quốc trước một kẻ thù đông người lắm của, chúng ta ngoài phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh dân tộc là chính thì chúng ta cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, dựa vào sự ủng hộ chí tình chí nghĩa của các nước bạn bè. Việc Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam tuyên bố chính sách “ba không”(với Trung Quốc) có nghĩa là: “Nếu Việt Nam không bị nước nào tấn công xâm lược hoặc đe dọa xâm lược thì quốc phòng Việt Nam thực hiện theo chính sách “ba không”. Còn nếu như anh (Trung Quốc?) mà tấn công xâm lược hoặc đe dọa xâm lược Việt Nam thì… chẳng lẽ Việt Nam tự trói tay, trói chân, trùm chăn lại cho anh đánh? Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ Tổ quốc mình.
Thực tế trong hai cuộc chống Pháp và Mỹ thì Việt Nam, Lào và Campuchia đã từng liên minh quân sự để chống kẻ thù chung (nhưng liên minh mang tính phòng thủ, không tấn công nước nào) đã phát huy hiệu quả to lớn. Năm 1979 nếu không có Hải quân Liên Xô ở Cam Ranh thì chắc gì Hải quân Trung Quốc đã không tham chiến? Trung Quốc từng cảnh báo Việt Nam nào là “nước xa không cứu được lửa gần”; nào là “Mỹ có lợi ích với Trung Quốc nhiều hơn với Việt Nam, nếu khi Trung Quốc tấn công Việt Nam thì Mỹ sẽ bỏ mặc Việt Nam” vân vân và vân vân. Nghĩa là đừng có “thân Mỹ, không lợi lộc gì đâu; đừng có thân Nga, xa lắm, lửa gần không cứu được đâu. Việt Nam chỉ còn cách thuần phục Trung Quốc mà thôi”(!). Rõ ràng là Trung quốc không muốn Việt Nam là bạn với những quốc gia này. Ngày trước chỉ có Liên Xô giúp đỡ hạn chế, Trung Quốc thì giúp một phá ba, mà Việt Nam vẫn thống nhất được hai miền thì ngày nay nếu Nga giúp đỡ tận tình, Ân Độ tận nghĩa, Mỹ, Nhật Bản giúp đỡ cứ cho là hạn chế đi thì Việt Nam như “hổ mọc thêm cánh”, liệu Trung Quốc có thôn tính nổi không?
Hiện nay tình hình Biển Đông ngày càng nóng, sức ép của Trung Quốc vào Việt Nam càng gia tăng đã khiến cho Việt Nam vào một tình thế buộc phải phải đột phá, buộc phải lựa chọn, không thể “lởn vởn” như ngày xưa. Biển Đông không phải là cái hồ của Trung Quốc, nó là nơi gắn liền “lợi ích quốc gia” của rất nhiều nước. Vì thế không đời nào các quốc gia liên quan chịu để yên cho Trung Quốc làm gì thì làm hòng nuốt trọn Biển Đông. Đây là cơ hội cho Việt Nam “chọn bạn mà chơi”, là cơ hội để “dứt tình vướng víu” không thương tiếc, để xây dựng lại mới mối quan hệ đối ngoại với Trung Quốc một cách sòng phẳng, minh bạch trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Công tác đối ngoại của Đảng nói chung và của quốc phòng nói riêng phải dựa trên nguyên tắc: Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải là bất khả xâm phạm. Đã là nguyên tắc là bất di bất dịch. Tuy nhiên sách lược thì phải mềm dẻo như Bác Hồ dạy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thời gian gần đây theo dõi mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Nga, Ân Độ và Nhật Bản, đặc biệt là Nga càng thấy rõ sách lược của Hà Nội là tuyệt vời, có những bước đi bài bản đầy bản lĩnh. Xử lý rất khôn khéo, linh hoạt mang đậm bản sắc Việt Nam trong vấn đề Vịnh Cam Ranh.
Nhưng tại sao Việt Nam không liên minh với những quốc gia mà họ cũng có những nguy cơ giống Việt Nam?
Thực ra “liên minh” cũng chỉ là cách gọi. Giả sử ta có với Nga hay Mỹ một hiệp ước phòng thủ chung nào đó thì khi Việt Nam bị xâm lược hoặc bị đe dọa xâm lược thì khuôn khổ hiệp ước cũng chỉ giới hạn là phía đối tác sẽ hỗ trợ ta về kinh tế, quân sự (bao gồm vũ khí trang bị, chia xẻ tin tức tình báo…) mà thôi. Không thể hơn và không nên hơn. Cho nên với tình hình ngày nay thì không liên minh quân sự với quốc gia nào như tuyên bố của tướng Vịnh là đắc sách. Nhưng hợp tác, đối tác chiến lược…song phương là một nhu cầu tất yếu và bức thiết. Nga, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là những đối tác rất quan trọng, là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Hợp tác chiến lược; đối tác chiến lược khi đã được 2 nước “nâng lên tầm cao mới” thì so với “liên minh quân sự” cũng chỉ là cách gọi.
Một khi kẻ thù đã xuất đầu lộ diện nghênh ngang, không e dè, trắng trợn đe dọa dùng vũ lực thì Việt Nam chỉ có thể là Cảnh giác, cảnh giác và chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đối phó thích đáng vì quyền lợi, tự do của Dân tộc.
@VietStudies
———————————————————————————————————————————————————————————————————————————–