Day: 07/09/2011
CẬP NHẬT TIN 7-9-2011
Quảng Nam cấp phép khai thác 2 mỏ vàng lớn
Tỉnh Quảng Nam có 2 mỏ vàng lớn đang được khai thác có tổng trữ lượng gần 20 tấn nằm tại Bồng Miêu và Đăk Sa.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tại có khoảng 45 loại khoáng sản giá trị có trữ lượng lớn được phát hiện, thăm dò và khai thác trên địa bàn tỉnh, trong đó đáng chú ý là 2 mỏ vàng vừa kể trên.
Hiện tại, Bộ Tài Nguyên – Môi trường, Bộ Công thương và UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp 100 giấy phép, trong đó có 36 giấy phép cho khai thác thăm dò, khai thác và chế biến vàng.
============================================================
Công an ăn hối lộ dầy đặc quốc lộ 1A
Lần đầu tiên giới tài xế xe vận tải Việt Nam lên tiếng tố cáo bị công an giao thông làm tiền trắng trợn dọc theo quốc lộ 1A, suốt đoạn đường đi qua các tỉnh.
|
Công an giao thông chận xét xe đòi tiền mãi lộ. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
Một tài xế xin được giấu tên tâm sự: “Tôi là người lái xe vận tải có bằng từ năm 1994 đến nay xin xác nhận đã đi nhiều, biết nhiều, chung chi nhiều và bị phạt rất nhiều.” Ông này còn kể chuyện bị giam xe một tháng tại trạm Diễn Châu ở tỉnh Nghệ An.
Ông nói: “Ngày xưa mỗi tỉnh chỉ có mỗi trạm, còn bây giờ đố bác tài nào đi xe vận tải mà không dính mỗi tỉnh ít nhất 2 trạm. Năm ngoái, tôi đi từ Hà Nội vào Ðà Nẵng bị móc túi nộp tiền mãi lộ không sót một tỉnh nào.”
Nạn công an giao thông thổi còi chặn đường xét để buộc tài xế xe vận tải nộp tiền “mãi lộ” mặc dù họ không có lỗi gì hết ngày nay tràn lan đến độ không còn làm ai ngạc nhiên. Một trong những chặng đường dầy đặc nạn mãi lộ là đoạn từ Ðà Nẵng đến Hà Nội, đi qua Hòa Phước (Ðà Nẵng), Phú Gia (Thừa Thiên- Huế), Lệ Thủy, Bố Trạch (Quảng Bình), Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Nghi Lộc, Diễn Châu (Nghệ An), Tĩnh Gia, Hà Trung, Hậu Lộc (Thanh Hóa), Phủ Lý (Hà Nam), Gia Lâm, Thường Tín (Hà Nội)…
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 6 tháng 9 cho biết người dân không còn lạ gì cảnh công an giao thông chặn đường xe vận tải lại, ngoắc tài xế bước đến bên cạnh. Một công an giao thông nạt nộ đòi “chung” 1 triệu đồng mà không hề “tuyên bố lý do” trong khi đồng đội của ông ta phì phèo điếu thuốc trên môi và không quên nhả khói vào mặt người tài xế xe vận tải một cách khinh bỉ.
Tại một chốt gác đường ở tỉnh Hà Tĩnh, có người còn trông thấy một tài xế ôm mặt khóc rấm rứt vì bị công an giao thông tuổi đáng con cháu mình mạt sát “mầy tao” và mặc cả từng đồng tiền hối lộ. Có ông tài xế quên hết thể diện, quỳ sụp xuống lạy mấy “ông” công an giao thông như tế sao.
Một số nhân chứng cho hay từng đi xe đò đã nhìn thấy tận mắt cảnh công an giao thông nhận tiền hối lộ của giới tài xế xe chở khách. Ông này nói rằng “nếu áp dụng biện pháp đuổi việc công an giao thông nhận tiền hối lộ thì sẽ không còn ai làm công an giao thông”.
|
Lệnh công an giao thông: “Ðưa tiền mới được đi.” (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
Một người khác còn tố cáo tệ mãi lộ ở miền Nam từ Ðà Lạt, Ðồng Nai, Vũng Tàu cho đến Sài Gòn, chứ không riêng gì miền Bắc. Có người còn kể, trước mỗi một dịp lễ lạt, công an giao thông xuất hiện dầy đặc trên quốc lộ chặn xe vận tải, xe đò để kiếm tiền mua bia cống nộp cấp trên và để mở tiệc liên hoan nội bộ.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Công An Việt Nam đã yêu cầu thuộc cấp ở 7 tỉnh thành từ Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội đến Ðà Nẵng xem lại việc người dân tố cáo nạn đòi hối lộ tại các chốt kiểm soát dầy đặc trên đường.
Dư luận e chắc rằng lệnh này được tung lên cho có lệ rồi cũng chả được tích sự gì.
======================================================================
Trẻ em ở cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) trên con đò
mỏng manh đi dự khai giảng năm học mới mà không có áo phao –
Ảnh: ĐÔNG TRIỀU
———————————————————————————————————————————————————————————————————————————-
‘Chê Tướng Hưởng khen Tướng Tô Lâm’
Điện tín rò rỉ từ Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đánh giá thấp hiểu biết của Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng về Hoa Kỳ khi còn tại chức nhưng tỏ ra khen ngợi một vị tướng khác, hiện là thứ trưởng công an.

Cựu Phó Đại sứ Virginia Palmer nhận xét sau buổi ăn tối với Tướng Hưởng hôm 8 tháng Hai năm 2010.
Đại sứ Michael Michalak, người nay đã mãn nhiệm, cùng dự cuộc gặp mà phía Việt Nam còn có Tướng Tô Lâm, khi đó là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh và nay là Thứ trưởng Công an.
Phần nhận xét về cá nhân ông Hưởng của điện tín ngoại giao đánh đi từ Hà Nội hôm 12 tháng Hai năm 2010 có đoạn:
“Sự phân tích của ông Hưởng về các chính khách Hoa Kỳ và “các thế lực chống Việt Nam” cho thấy sự thiếu hiểu biết về hệ thống của Hoa Kỳ và phân tích rất kém cỏi.
“Ông [Hưởng] cũng thừa nhận rằng trước ông đã từng nghĩ Đại sứ [Hoa Kỳ] chỉ giải quyết những vấn đề như nhân quyền và không hiểu rằng đại sứ đóng vai trò đại diện cho Tổng thống và là người phụ trách tất cả các vấn đề liên quan tới quyền lực quốc gia của Hoa Kỳ ở một nước, trong đó có cả lĩnh vực tình báo và quốc phòng.”
Trong phần cuối, điện tín cũng cho thấy đánh giá của họ về Tướng Tô Lâm, người cùng dự bữa ăn tối.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói Tướng Lâm là người thường có mặt trong các cuộc gặp với phía Đại sứ quán Hoa Kỳ và nhận định:
“Ông Lâm cũng là nhân vật cứng rắn, nhưng thông minh và quan tâm tới việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực.”
Điện tín cũng nói ngay trước bữa ăn tối, phía công an Việt Nam thông báo việc ông Lâm sẽ sớm được thăng hàm Trung Tướng và sẽ được cử giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh.
Trung Tướng Lâm được phong chức Thứ trưởng Công an hồi tháng Tám năm nay.
‘Thuộc địa’ của Trung Quốc
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói trong điện tín rằng Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng mời Đại sứ Michalak và cố vấn cao cấp của đại sứ tới buổi ăn tốisau khi đã nhiều lần phớt lờ các đề nghị gặp mặt của phía đại sứ quán.
Điện tín viết: “Trong suốt bữa ăn kéo dài hai giờ, ông Hưởng nhắc tới ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, nói rằng những hợp đồng kinh doanh không ràng buộc của Trung Quốc đã khiến tạo ra điều có thể coi là sự thuộc địa hóa Miến Điện, Lào, Thái Lan và Campuchia cũng đang ngày càng [theo hướng như vậy].
Ông cũng nhắc:
“Hoa Kỳ đã “đi sau” trong trao đổi kinh tế và ngoại giao ở Châu Á và nhiều nước trong khu vực đã “mất niềm tin vào Hoa Kỳ” trong khi Trung Quốc đang lấp khoảng trống [mà Hoa Kỳ tạo ra].
“Ông Hưởng có vẻ chấp nhận bình luận của Đại sứ rằng Hoa Kỳ đang mở rộng quan hệ với ASEAN nhưng rõ ràng [ông Hưởng] muốn đánh giá sự sẵn sàng của Hoa Kỳ trong việc cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.”
Trong một cuộc gặp với phía Hoa Kỳ hồi năm 2008 mà BBC đã đưa tin dựa trên điện tín rò rỉ qua Wikileaks, Tướng Hưởng cũng đã than phiền về chuyện Hoa Kỳ không ủng hộ Việt Nam trước đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Còn trong cuộc gặp hồi đầu năm 2010, Tướng Hưởng được trích lời nói rằng Việt Nam từng chỉ xem quan hệ quốc tế là quan trọng khi nó giữ được sự ổn định của xã hội (và của Đảng Cộng sản -chú thích của Đại sứ quán Hoa Kỳ) nhưng quan hệ với Hoa Kỳ đã đóng vai trò quan trọng để Việt Nam nhìn thấy ý nghĩa lớn hơn của quan hệ quốc tế.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng nhận xét trong điện tín rằng họ “cảm nhận được mong muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, một phần vì lợi ích kinh tế của quan hệ song phương, nhưng chủ yếu là cách để cân bằng vai trò khu vực ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc”.
‘Cứng rắn về nhân quyền’
Điện tín mà người ký tên là Phó đại sứ, bà Virginia Palmer nói ông Hưởng đã bác bỏ những lo ngại của Hoa Kỳ về nhân quyền:
“Chẳng hạn, khi Đại sứ nêu vụ LS Lê Công Định, ông Hưởng giơ tay lên và nói “Tôi sẽ không nghe đâu. Anh ta [tạm dịch từ chữ ‘He’ của tiếng Anh – không rõ ông Hưởng dùng từ gì] là công dân Việt Nam.”
“Ông Hưởng phản đối các tuyên bố của phương Tây chỉ trích một loạt vụ kết án gần đây và coi đó là ‘can thiệp vào công việc nội bộ’ của Việt Nam.
“Khi Đại sứ bày tỏ lo ngại về sức khỏe xấu đi của Cha (Nguyễn Văn Lý), ông Hưởng tuyên bố (không thành thực) rằng ông không biết và nói một cách giễu cợt, “Tôi có thể nói với quý vị rằng ông ấy sẽ được các cơ quan hữu quan chăm sóc. Tôi không có thông tin gì thêm về người được gọi là Cha Lý.”
Vẫn phần điện tín của bà Palmer ghi lại:

“Đại sứ nói rằng bất chấp mong muốn của chúng ta về mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn, tình trạng nhân quyền thấp kém ở Việt Nam hạn chế khả năng thúc đẩy [quan hệ] trong nhiều lĩnh vực.”
Trong cuộc gặp hồi năm 2008 với phía Hoa Kỳ, Tướng Hưởng cũng từng đề nghị Đại sứ quán báo trước cho công an Việt Nam và chính quyền địa phương mỗi khi họ muốn có các cuộc gặp “nhạy cảm”.
Ông Hưởng nói việc các quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ gặp gỡ những nhân vật bất đồng chính kiến của Việt Nam “khuyến khích các hoạt động bất hợp pháp và thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho các hoạt động chống lại nhà nước.”
Trước đó trong cuộc gặp hồi tháng Ba năm 2005, Tướng Hưởng cũng cảnh báo Đại sứ quán Hoa Kỳ không nên gặp gỡ bí mật với những nhân vật “cực đoan” như ông Trần Khuê ở thành phố Hồ Chí Minh hay gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Khi đó ông Hưởng cũng đề nghị chính phủ Mỹ “có hành động đối với các nhóm “thù địch” ở Hoa Kỳ gồm có các ông Kok Ksor, Võ Văn Ái, Nguyễn Hữu Chánh và đảng Việt Tân.
Báo chí Việt Nam cũng từng đưa tin về cuộc gặp của ông Hưởng với Đại sứ Michalak và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Scott Marciel hồi tháng 2/2010 khi ông Hưởng nhắc lại quan điểm của mình về quan hệ song phương.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định xử những nhân vật đấu tranh dân chủ hoặc vận động nhân quyền.
Nay không còn là thứ trưởng nhưng ông được bổ nhiệm làm Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề An ninh Tôn giáo, theo các trang web của ngành công an Việt Nam.
@bbc
———————————————————————————————————————————————————————————————————————————–
Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam
Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh đã viết Bức thư ngỏ, yêu cầu các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước làm sáng tỏ 02 sự việc gần đây, mà theo ông thì các vị có phần liên quan trách nhiêm, nếu không là trách nhiệm cao nhất.
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
THƯ NGỎ
Kính gửi:
– Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CH XHCN VN
– Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCH TW ĐCS VN
– Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội nước CH XHCN VN
– Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CH XHCN VN
Thưa các vị,
Tôi là Lê Hiếu Đằng, công dân đang thường trú tại Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh, viết thư ngỏ này đề nghị các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, của Đảng làm sáng tỏ hai sự việc đã xảy ra trong thời gian gần đây mà xét đến cùng các vị cũng có phần trách nhiệm, nếu không nói là có trách nhiệm cao nhất.
Hai sự việc đó là:
1) Chủ trương cấm các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa chống bành trướng Trung Quốc của một bộ phận nhân sĩ, trí thức, nhân dân Thủ đô Hà Nội và sau đó là hành động bắt bớ, đàn áp những người biểu tình, dùng các phương tiện truyền thông, báo chí của Nhà nước phát những tin tức, hình ảnh lập lờ cố tình bôi xấu, chụp mũ “phản động” đối với một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn mà nhân cách, uy tín và quá trình đấu tranh vì nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam không ai có thể phủ nhận được.
Việc làm nêu trên hoàn toàn đi ngược lại khuyến cáo đầy thiện chí của các nhân sĩ, trí thức, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức văn nghệ sĩ Hà Nội và đông đảo anh chị em trong phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn trước 1975 trong Tuyên Cáo ngày 25/6/2011, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của một số nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và một bộ phận nhân dân Thủ đô Hà Nội đã từng tham dự các cuộc tuần hành, biểu tình yêu nước liên tiếp chống hành động bành trướng của Trung Quốc trong các buổi sáng chủ nhật vừa qua.
2) Trong vòng đối thoại thường niên về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước CH XHCN VN, đã có những phát biểu mà nhiều người, trong đó có tôi và những người đấu tranh trong phong trào ở các thành thị miền Nam trước 1975, cho rằng vượt thẩm quyền của một thứ trưởng quốc phòng. Nội dung gây phẫn nộ trong những nhân sĩ, trí thức và đông đảo nhân dân là việc ông Vịnh đã thông báo cho phía Trung Quốc “chủ trương kiên quyết xử lí vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”. Ông Vịnh nhân danh ai, nhân danh cái gì mà đã hạ mình để làm vui lòng nhà cầm quyền Trung Quốc khi thông báo và hứa với Trung Quốc như vậy ? Việc nhân dân Việt Nam biểu tình chống lại hành động bành trướng xâm lược có hệ thống của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và thái độ của Nhà nước Việt Nam hoàn toàn là chuyện nội bộ của một nước có chủ quyền. Ông Nguyễn Chí Vịnh lấy quyền gì mà cam kết một cách nhục nhã với nhà cầm quyền Trung Quốc như vậy ? Các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam có ủy quyền cho ông Vịnh nói với Trung Quốc nội dung trên hay không ? Hành động và lời nói của ông Vịnh đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn và danh dự của cả một dân tộc đã có một quá trình chống ngoại xâm vô cùng hiển hách.
Thưa các vị,
Tôi nêu hai sự việc trên để các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và của Đảng, hơn nữa các vị đều là đại biểu Quốc hội, làm rõ trước công luận :
– Hai sự việc nêu trên xảy ra gần đây có phải là chủ trương chính thức của Nhà nước Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không ?
– Nếu đây không phải là chủ trương chính thức của Nhà nước Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì các vị có biện pháp gì để kiểm điểm trách nhiệm đi đến xử lí, kỉ luật các cán bộ thuộc quyền đã có những hành động lạm quyền, vượt quyền, nếu không nói là lộng quyền như trên hay không ? Hay nói theo cách nói tế nhị của giáo sư Ngô Bảo Châu khi phê phán phiên tòa sơ thẩm xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là “có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.
Tôi với tư cách công dân, với tư cách một cử tri của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh dùng quyền chất vấn của mình để các vị làm rõ trước công luận hai sự việc nêu trên vì tôi quan niệm rằng trong một chế độ chính trị độc đảng nếu Nhà nước không tự nghiêm khắc với chính mình thì hiện tượng lạm quyền, lộng quyền của những cán bộ có chức quyền sẽ làm trầm trọng thêm tệ quan liêu tham nhũng, chuyên quyền, vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích và các quyền công dân, chà đạp lên luật pháp, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của đất nước.
Qua thư ngỏ này, tôi tin tưởng rằng với trách nhiệm của mình, các vị sẽ có những biện pháp đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả để tránh những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra trong thời gian gần đây, để Việt Nam thân yêu của chúng ta hòa mình thật sự vào dòng chảy tự do, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội hiện nay trên thế giới.
Trân trọng,
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 9 năm 2011
Kí tên,
LÊ HIẾU ĐẰNG
– Nguyên Phó Tổng thư kí Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968-1977)
– Nguyên Tổng thư kí Ủy ban Nhân dân Cách mạng Khu Sài Gòn – Gia Định (1969-1975)
– Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM (1989-2009)
– Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM Khóa 4, 5.
———————————————————————————————————————————————————————————————————————————–