CẬP NHẬT TIN 6-8-2011

Căng thẳng Việt-Trung đang hạ nhiệt?

Ông Đới Bỉnh Quốc bên trái tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương tại Hà Nội

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ thứ Hai 5/9 đến thứ Sáu 9/9, theo Tân Hoa Xã. Giới quan sát đánh giá đây là nỗ lực hạ nhiệt trong quan hệ hai nước.

Ông Đới Bỉnh Quốc đến Việt Nam lần này để chủ trì phiên họp thứ 5 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung cùng với người đồng nhiệm, Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Chuyến thăm được giới phân tích đánh giá là sự kiện quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng về biển Đông gia tăng thời điểm gần đây.

Trước đó, phía Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều hoạt động nâng cao khả năng quân sự.

Trong khi đó, trả lời trước báo chí Việt Nam và Trung Quốc, cả hai đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thơ và đại sứ CHND Trung Hoa ở Việt Nam, Khổng Huyền Hựu cho biết hai nước vẫn đang củng cố tình hữu nghị hai nước và coi đây là xu hướng chính trong quan hệ song phương.

Hôm 3/9, ông Khổng Huyền Hựu, đại sứ nhiệm kỳ lần thứ 16 của Trung Quốc ở Việt Nam, cho biết trong thời gian thăm tại Hà Nội, ông Đới Bỉnh Quốc sẽ hội kiến và hội đàm với các lãnh đạo của Việt Nam, cùng điểm lại tình hình phát triển quan hệ hai nước trong một năm qua và điều phối, đưa ra quy hoạch thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định.

‘Giảm nhiệt’

Báo Việt Nam dẫn lời ông Khổng Huyền Hựu nói: “Chuyến thăm này là sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước chúng ta trong năm nay, cũng là sự tiếp xúc quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước.”

“Tôi mong muốn triển khai một số công tác như giao lưu hữu nghị, tăng thêm tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị.Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, để không ngừng chỉ rõ phương hướng phát triển đúng đắn cho quan hệ hai nước. Chúng ta cần thực hiện tốt cơ chế hợp tác giữa các Bộ ngoại giao, Quốc phòng, Công an.. hai nước, cũng như các Ban Đối ngoại, Tuyên giáo của hai Đảng.”

Hôm 4/9, trả lời trước báo chí Trung Quốc bên thềm sự kiện này, đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thơ, nói sự có mặt của ông Đới Bỉnh Quốc là một sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương.

“Mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn nồng ấm mặc dù có các tranh chấp xảy ra giữa hai quốc gia trong khu vực Biển Đông.”, đại sứ Thơ nói.

Nhiều phân tích gia cho rằng đây là những nỗ lực ‘giảm nhiệt’ trong quan hệ Việt – Trung.

Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, được khởi động từ năm 2006 tại Hà Nội, đóng vai trò như nền tảng cho các đối thoại giữa các quan chức cấp cao hai nước. Ủy ban này họp mỗi năm một lần nhằm thảo luận các vấn đề chiến lược và quan trọng có ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.

Trong phiên họp có sự tham dự của các quan chức từ hai đảng cầm quyền, các quan chức quân sự, trung ương và lãnh đạo chính quyền địa phương từ hai quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Thơ cho biết: “Trong 5 năm qua, uỷ ban đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều phối hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Ủy ban đã có những đóng góp to lớn nhằm thúc đẩy quan hệ song phương theo chiều sâu và một cách toàn diện.”

Đại sứ Thơ đã nhấn mạnh về ‘kết quả và những kinh nghiệm quý báu trong việc phân định Vịnh Bắc Bộ và biên giới trên bộ sẽ là tiền đề quan trọng’ để hai bên tiếp tục đưa ra các thảo luận chung trước vấn đề Biển Đông.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời đại sứ Khổng Huyền Hựu nói: “Tôi tin rằng, miễn là hai bên nghiêm chỉnh thực hiện những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, tiếp thu, tham khảo một cách đầy đủ kinh nghiệm thành công về phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền của hai nước, cũng như về phân định vịnh Bắc bộ của hai nước, thì chúng ta nhất định có trí tuệ để tránh được, không để những bất đồng làm ảnh hưởng tới sự phát triển thuận lợi của quan hệ hai nước.”

================================================================

Sáu năm liền, vẫn đúng ‘22 triệu’ học sinh tựu trường

“Năm học 2011-2012, cả nước có gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới,” bản tin Thông tấn xã Việt Nam viết trong bản tin Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng niên học mới tại một trường trung học Hà Nội.

Các nữ sinh trường THPT Việt Ðức, một trong những ngôi trường nổi tiếng

của thành phố Hà Nội làm lễ khai giảng sớm một ngày. (Hình: VNExpress)

Con số “22 triệu” này trong suốt nhiều năm qua vẫn không thay đổi, bất kể dân số mỗi ngày mỗi tăng.

Ðúng một năm trước, TTTXVN cũng có bản tin khai giảng niên học mới với “gần 22 triệu học sinh, sinh viên” trên cả nước.

Nhiều năm trước đó, các bản tin tựu trường đều dùng con số “22 triệu” mặc dù mỗi năm nước Việt Nam tăng thêm hơn một triệu người.

Theo con số được Liên Hiệp Quốc nêu ra nhân Ngày Dân Số Thế Giới 11 tháng 7 năm 2011, dân số Việt Nam là hơn 87 triệu người.

Cuối năm 2010, dân số Việt Nam là 86.9 triệu người. Năm 2010 có thêm 1 triệu 240,000 trẻ em chào đời, giảm 4% so với năm 2009.

Trước đây hai năm, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố dân số Việt Nam năm 2009 là 85.8 triệu người.

Năm 2007, Tổng Cục Thống Kê loan báo dân số “khoảng 84 triệu người”.

Vào đầu thế kỷ, kiểm kê dân số năm 2000 thấy có 77,635,400 đầu người.

Trong khi đó, bản tin về tựu trường vẫn cố định sĩ số học sinh sinh viên ở mức 22 triệu.

Năm 2005, bản tin báo Sài Gòn Tiếp Thị loan tin khai giảng niên khóa 2005-2006 cả nước có 22.5 triệu học sinh sinh viên. Tờ báo này nói trong bản tin là “ngành giáo dục đã có nhiều kỳ vọng và đã có nhiều thay đổi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học”.

Năm 2007, báo Nhân Dân loan tin “gần 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2007-2008”.

Năm sau, báo Ðất Việt loan tin năm học mới năm này có “gần 22 triệu học sinh, sinh viên” bước vào niên học 2008-2009.

Năm 2009, báo điện tử VNMedia nói: “Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền tổ quốc tưng bừng bước vào năm học mới 2009-2010. Trong đó giáo dục mầm non có hơn 3.4 triệu; giáo dục phổ thông gần 16 triệu; giáo dục đại học, cao đẳng hơn 1.8 triệu và hơn 1.2 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp, bổ túc văn hóa”.

Ngay vào ngày khai trường năm 2010, báo Thanh Niên dám nói ra một phần nào một trong những sự thật của nền giáo dục lạc hậu tại Việt Nam: “Năm học mới, nỗi lo cũ” khác hẳn với cái khẩu hiệu tuyên truyền. Các vấn nạn “chạy trường,” rồi tiền trường và sách vở, đủ mọi thứ đóng góp tự nguyện nhưng không đóng không được mà giới phụ huynh nghèo khó không thể kham nổi cho con.

Hồi khai giảng năm 2007, báo Tuổi Trẻ có bài viết về gánh nặng đầu năm của phụ huynh học sinh khắp nơi là “Cái gì cũng tiền!”

Mang tiếng là học trường “công lập” nhưng mọi thứ phí tổn giáo dục gần như cha mẹ học trò phải gồng hết nên tỉ lệ học sinh bỏ học rất cao hàng năm, chưa nói gì đến phẩm chất giáo dục.

Năm 2008, báo Lao Ðộng cho hay từ niên học 2003-2004 đến hết học kỳ I của niên học 2007-2008, đã có “hơn 3.5 triệu học sinh bỏ học”. Hai lý do chính được nêu ra là nạn “ngồi nhầm lớp” và chi phí học hành quá sức gánh vác của gia đình học sinh, gia đình nghèo không đủ ăn, rất nhiều học sinh phải bỏ học để phụ giúp kiếm cơm.

==============================================

 

CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG : Mang cha ra khỏi đất tù, sau hơn 30 năm

Ngọc Lan/Người Việt
Mùa Hè 2010, trong hành trang Daniel Ðiền Lương mang theo trên chuyến bay trở về Los Angeles, có một thứ rất đặc biệt. Ðó là chiếc mộ bia “nặng khoảng 30 pound,” trên đó có tên cha anh, cựu Ðại Úy Pháo Binh VNCH Lương Văn Hoa.

Daniel Ðiền Lương và tấm bia mộ của cha, cựu Ðại Úy Pháo Binh VNCH Lương Văn Hoa, được mang về Mỹ sau 33 năm nằm ở Làng Ðá, Yên Bái. (Hình: Daniel Ðiền Lương cung cấp)

Sau hơn 30 năm lạnh lẽo, cô độc nằm trong đất tù Làng Ðá, cuối cùng, “người tù cải tạo” Lương Văn Hoa đã có thể nở nụ cười mãn nguyện khi được trở về trong vòng tay người thân, dù chỉ qua hình hài của một tấm bia và những nắm xương còn sót lại.

“Tôi vui, vì dù sao, hơn 30 năm, ba tôi cũng được mang ra khỏi đất tù để trở về với gia đình,” anh Daniel, người con trai lớn của người lính pháo binh năm nào, thổ lộ.

Câu chuyện hơn ba thập kỷ trước

“Lần chót tôi nhìn thấy ba tôi là lúc ông còn trong Nam,” anh Daniel Ðiền Lương bắt đầu câu chuyện.

Sau Tháng Tư, 1975, “theo lời kêu gọi của chính phủ,” ba của Daniel, “trở về Cần Thơ đi trình diện”.

“Ba tôi, cũng như nhiều người sĩ quan khác của Việt Nam Cộng Hòa được tập trung vào một trại lính cũ ở Cần Thơ để ‘học tập cải tạo’. Lúc đó, mỗi tuần họ đều cho gia đình mang đồ ăn lên,” anh Daniel kể.

Trong ký ức của Daniel, người kỹ sư lập trình 47 tuổi, vẫn còn ghi nhớ hình ảnh cậu bé 12, 13 tuổi ngày nào cứ mỗi trưa Thứ Bảy, đạp xe gần hai giờ đi thăm cha mình.

Anh trầm ngâm, “Tết Nguyên Ðán năm 1976, tôi nhớ tôi có gặp ba tôi, lúc đó tôi khoảng 12 tuổi.”

Ðó cũng là lần cuối cùng Daniel được nhìn thấy cha anh. Bởi, chỉ vài tuần sau, cũng như thường lệ, khi gia đình anh mang thức ăn lên thăm cha, nơi trại lính “trống rỗng, không còn dấu vết gì hết”.

Họ đi đâu hết rồi? Tại sao người ta đưa cha anh đi đâu mà không cho biết? Sao tất cả biến mất một cách khó hiểu như vậy?

Hoang mang. Lo lắng. Sợ hãi. Là tâm trạng mà Daniel và gia đình anh phải trải qua.

Ði hỏi công an. Họ nói, “về nhà chờ đi”.

Thấp thỏm đợi chờ trong nỗi lo “không biết ba sống chết ra sao” cho đến khoảng hai, ba tháng sau thì gia đình Daniel thấy một lá thư gửi về.

“Thư không ghi địa chỉ, chỉ có số hòm thư, nhưng nhìn dấu bưu điện thì thấy ‘Hà Nội’. Vậy là gia đình nghĩ chắc họ đã mang ba tôi ra Bắc rồi.” Người con trai nhớ lại.

Thế nhưng, sau vài lần thư đi tin lại, “chừng sáu, bảy tháng sau lại bặt tin ba tôi. Thư cứ gửi đi mà không thấy thư gửi về”.

Lại một lần nữa, nỗi lo lắng dồn về trong không khí gia đình vợ con người lính pháo binh Lương Văn Hoa.

“Một vài gia đình quen biết, có người thân ở tù cùng với ba tôi, viết thư về nói rằng ba tôi mất rồi.” Anh trầm giọng.

Ðến tám tháng sau, giấy báo tử Ðại Úy Pháo Binh Lương Văn Hoa mới đến tay vợ con ông, kèm theo đó là “cái đồng hồ và cái nhẫn của ba tôi, ngoài ra không còn gì hết”.

Theo những thông tin nhận được, ba của Daniel “mất ngày 3 Tháng Tám, 1977 vì sốt rét”.

Nơi chôn ông là “Làng Ðá, xã Cẩm Nhân, huyện Thác Bà, tỉnh Yên Bái”.

Tấm bia mộ của cựu Ðại Úy Pháo Binh VNCH Lương Văn Hoa được tìm thấy ở Làng Ðá, vào Tháng Bảy, 2010. (Hình: Daniel Ðiền Lương cung cấp)

Daniel nói như tự an ủi chính mình, “Biết nơi ba tôi được chôn, nhưng lúc đó nghèo quá, làm sao dám nghĩ đến chuyện lội ra Bắc. Mà ngoài Bắc là như thế nào, chúng tôi đâu ai biết.”

Nhận giấy báo tử, “má tôi không chờ nữa, lại thêm khi đó chiến tranh Cambodia xảy ra, thấy nhiều bà con bị bắt lính, nên má tôi tìm cách đưa hết mấy anh em tôi đi vượt biên”.

Những chần chừ, lần lữa, bỏ cuộc

Như bao nhiêu thuyền nhân của thập niên 1970 và 1980, bước chân xuống thuyền ra đi, không mấy ai có ý định sẽ có ngày quay trở về. Gia đình Daniel cũng không khác, “chẳng hề nghĩ đến chuyện sẽ có ngày trở về để bốc mộ ba”.

Anh kể, “Vì khi ra đi, mang theo ít đồ bị hải tặc bắt lấy hết trơn, không còn gì hết. Riêng giấy báo tử của ba để lại cho người cô ở Việt Nam nên mới còn, chứ không cũng mất luôn rồi, cũng sẽ không còn biết ba tôi ở đâu.”

Sang Mỹ từ năm 1979, miệt mài với việc học hành, mưu sinh, hình ảnh người cha còn nằm lại một nơi xa lạ nào đó nơi rừng núi Bắc Việt chìm khuất trong muôn nỗi lo toan cho đời sống thường nhật của mẹ con anh Daniel.

“Ðến khoảng năm 1991-1992, gia đình mới bắt đầu nghĩ đến chuyện về Việt Nam tìm lại mộ ba tôi.” Daniel nhớ lại.

Nghĩ là vậy, nhưng đến cuối thập niên 1990, người kỹ sư lập trình này mới lần đầu về thăm quê nhà sau 20 năm ra đi. Tuy nhiên, lần đầu tiên đó, Daniel cũng chỉ làm được một việc duy nhất là tìm lại được tấm giấy báo tử, trên đó có ghi nơi chốn cha anh yên nghỉ.

“Tôi cầm tờ giấy đó về Mỹ nhưng thực sự vẫn không biết là phải đi tìm như thế nào, tìm làm sao, không biết mồ mả còn không. Nhiều bà con ở dưới quê lại không dám mang chuyện cũ ra bàn sợ liên lụy. Rất nhiều điều không chắc chắn làm chúng tôi phải suy nghĩ.” Người con trai băn khoăn.

Một lần nữa, ý định đi tìm mộ Ðại Úy Pháo Binh VNCH Lương Văn Hoa lại bị bỏ qua.

Tuy nhiên, sáu năm sau, tức năm 2005, qua một người quen biết ở Hải Phòng, gia đình Daniel nhờ người đi dọ hỏi, tìm kiếm.

“Ðúng là có bia mộ ba tôi ở Làng Ðá,” anh nói.

Có điều, người ta cho gia đình anh biết rằng “các tấm bia bị xô dạt hết, chứ không nằm trên mộ, do đó không thể biết chính xác mộ nào là của ai”.

“Thỏa mãn là biết nơi chôn ba tôi thôi nhưng nghĩ đâu biết mộ nào mà bốc cốt, nếu bốc lầm thì sao? Mà muốn thử DNA thì chẳng lẽ mang hết tất cả về thử? Ai cho phép mình làm như vậy!”

Lần thứ ba, “Chúng tôi lại bỏ cuộc.”

Quyết định tình cờ

Dân gian vẫn thường nói “bất quá tam”. Sau ba lần, hơn 30 năm, những tưởng mọi chuyện có thể xếp vào quên lãng, coi như chấm dứt sự hiện hữu của một con người. Nhưng có những điều thuộc về tâm linh không thể lý giải. Một điều gì cứ lẩn khuất.

“Ðầu năm 2010, một người bạn của má tôi tình cờ đọc trên báo Người Việt thấy có đăng tin về việc những ngôi mộ chôn tại Làng Ðá sẽ được bốc đi. Trong danh sách tên những người nằm tại đó có tên ba tôi,” con trai người quá cố kể tiếp.

Theo hướng dẫn trên bài báo, Daniel Ðiền Lương liên lạc với ông Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch hội Vietnamese American Foundation (VAF), nơi có chương trình The Returning Casualty nhằm tìm kiếm và đưa hài cốt của những tử sĩ trở về với gia đình sau nhiều năm nằm lại nơi rừng hoang núi lạnh, để tìm hiểu và xin được tham gia chuyến đi ra Yên Bái, đến bốc mộ tại Làng Ðá.

Tháng Bảy năm 2010, Daniel cùng vài người thân và một số gia đình khác, có gia đình từ Mỹ trở về, có gia đình ở tại Việt Nam, cùng đoàn của ông Nguyễn Ðạc Thành đi ra Yên Bái để bốc hết những ngôi mộ ở Làng Ðá và đưa những “sample” về Mỹ thử DNA.

Anh thổ lộ, “Khi đến nơi chôn ba tôi, vui một lúc buồn một lúc. Vui vì thấy bia mộ ba tôi đây rồi. Buồn vì không biết có tìm được hài cốt ba tôi không, vì thấy đã có người bốc trước rồi, không biết họ có bốc đúng không nữa.”

Theo danh sách của chính quyền sở tại đưa, phải còn 22 ngôi mộ nằm lại Làng Ðá, chưa có thân nhân bốc dỡ. Tuy nhiên, khi đến đào lên thì chỉ còn có 12 bộ hài cốt.

Ông Nguyễn Ðạc Thành cho biết, “Trên danh sách, có 31 ngôi mộ được chôn tại Làng Ðá, nhưng chín ngôi mộ bị người ta bốc chui, không phép tắc. Thêm vào đó, do nhiều mộ bia đã bị sạt lở nên nhiều người, do lời chỉ dẫn của người địa phương chỉ cốt muốn lấy tiền, nên họ đã không bốc đúng hài cốt của thân nhân mình.”

Không biết chắc rằng trong những hài cốt còn sót lại, có cái nào là hình hài của người đã sinh ra mình không, “nhưng cái mộ bia này chắc chắn là của ba tôi rồi”. Nghĩ vậy, Daniel đã không ngần ngại mang tấm bia có tên cha anh trở về Mỹ, “dù không biết có đặt lên bàn thờ được không, nhưng tôi vẫn cứ mang về”.

Anh trầm giọng, “Chuyện ba mất xảy ra đã lâu quá rồi, buồn thì không còn buồn nữa nhưng cũng cảm thấy sao đó khi ra ngoài đó. Thấy hoang vắng quá!”

Ngừng lại vài giây, Daniel nói tiếp những suy nghĩ của mình, “Tôi nghĩ dù không còn trại tù nhưng những người nằm đó cũng giống như nằm tù 30 năm nay. Giờ mình đào lên, mang họ qua ngọn đồi kế bên mà mình phải trả tiền mướn, đặt họ lên đó.”

“Nhiều bác nằm đó gia đình không biết, giờ có người đã mang các bác đó ra khỏi đất tù, xem như mấy bác đã được tự do sau ba mươi mấy năm. Mình cũng thấy an ủi khi làm được chuyện như vậy.” Daniel Ðiền Lương chậm rãi tiếp.

Ý nghĩa giải thoát cảnh tù, mang lại tự do cho những người tù cải tạo, dù muộn màng, dù giờ họ chỉ còn là những nắm xương không nguyên vẹn, lại mang ý nghĩa nhân bản, thiêng liêng đến dường nào.

Theo thông báo từ ông Nguyễn Ðạc Thành, trong năm gia đình cùng đi bốc mộ người thân ở Làng Ðá, chỉ mới có hai gia đình tìm được đúng hài cốt thân nhân mình sau khi thử DNA, trong đó có gia đình Daniel Ðiền Lương, “còn lại ba gia đình đã bị ai đó lấy lộn hài cốt rồi”.

Ông kêu gọi, “Ai đã bốc lộn những hài cốt này xin liên lạc với chúng tôi để nhận diện thử DNA để mang hài cốt đúng về, còn hài cốt không đúng thì gửi lại, vì nếu không đúng của mình mà mang về nhà thờ thì cũng đâu có được.”

Riêng với Daniel, anh chỉ còn chờ đợi thời gian tới, quay trở về ngọn đồi tự do, nơi ba anh đang yên nghỉ, đưa hài cốt ông về Sài Gòn, “thiêu và đặt ba tôi kế hai ông bác tôi để ấm cúng hơn”.

@NguoiViet

——————————————————————————————————————————————————————–

Chính trường rụng một lá nho


(Nhân ngày tiếp sứ giả phương Bắc – Đới Bình Quốc)
Hà Sĩ Phu

Mấy hôm nay trời oi ả, mưa nắng thất thường, có thể bạn thấy trong người bực bội. Tôi xin kể hầu bạn câu chuyện “to-nhỏ” tào lao để thư giãn. Tất nhiên có những chuyện “to-nhỏ” rất nghiêm túc như lời bác Hồ “Nước ta có vinh dự LỚN là một nước NHỎ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc TO là Pháp và Mỹ” (nhưng bác không biết rồi một “đế quốc TO” khác lại bắt mình thử thách), song dân thì vốn “gian” nên nhiều lúc cứ đem tất cả sự to-nhỏ ra mà cười với nhau:

Ở một nước nho nhỏ có một thủ đô rất to
Trong cái thủ đô rất to có những con đường rất nhỏ
Bên những con đường rất nhỏ có những cái biệt thự rất to
Trong cái biệt thự rất to có những cô “vợ nhỏ”
Những cô “vợ nhỏ” là vui thú của những quan rất to
Những quan rất to hay xách những cái cặp nho nhỏ
Trong những cái cặp nho nhỏ có những dự án rất to
Những dự án rất to thường mang lại những hiệu quả rất nhỏ
Hiệu quả nho nhỏ nhưng thất thoát lại rất to
Thất thoát rất to nhưng ở nước ta chỉ là chuyện…
                                                                    nhỏ như con thỏ…
Thế rồi đến chương trình khai thác bô-xít, đáng lẽ là chuyện to phải thông qua Quốc hội, người ta bèn chia thành nhiều đề án nhỏ , thế là trót lọt…
Nhưng đề án này ở tầm “bộ Chính trị đã thông qua” nên phải đâu chuyện nhỏ, lại thành to…, lúc to lúc nhỏ như cái “của…nợ ”!
Nhưng chuyện to-nhỏ này mới gớm. Xin chép nguyên văn bài Ðón Sứ Tàu, mà một Blog đã kể lại theo truyền thuyết:
Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang nước ta. Chúa nghe nói tên này là kẻ hống hách, hợm hĩnh, bèn kêu (Trạng) Quỳnh vào, giao cho giữ việc nghênh tiếp.
Quỳnh phụng mạng vua, đồng thời xin triệu thêm bà Ðoàn Thị Ðiểm giả làm người bán hàng nước cho khách qua đường, còn mình giả trang làm anh lái đò đưa sứ bộ qua sông.
Khách Tàu đến, đi ngang quán bà Ðiểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền hùa nhau kéo vào uống nước, sẵn thói buông lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Một tên líu lo đọc bâng quơ:
“Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh”
南 邦一 寸 土 不 知 几 人 耕
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ)
Bà Ðiểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc:
“Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất”
北 國 諸 大 夫 皆 由 此 途 出 
(Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả )
Nghe xong câu ấy, cả bọn ngừng uống nước, tròn mắt, há hốc miệng nhìn bà Ðiểm. Chúng không thể ngờ rằng một bà bán nước bên đường lại có sức học kinh người đến thế ! (Hết trích).
Tên sứ giả ra câu đối đã có ý cậy thế nước lớn nói lời khinh miệt, chẳng ngờ bị cú “phản biện” trời giáng: những vị tai TO mặt LỚN nhất của nước LỚN nhất của quý ngài cũng từ cái chốn NHỎ nhất, như của những người NHỎ nhất (ngày xưa còn trọng nam khinh nữ) ở cái xứ NHỎ nhất này như tôi đây mà chui ra! Vậy ai to hơn, cái gì to hơn?
Lời giải đáp đầy tính sinh học và hình học (géometrie) không cãi vào đâu được. Vũ khí trời cho nằm ngay trong thân thể mình, nhưng có thành vũ khí được hay không là do cái khí chất anh hùng từ trong tim trong máu mình có còn hay không thôi.
Thế mà những kẻ có vũ khí tuyệt đối trong tay là sức mạnh nhân dân, sức mạnh của tám chục triệu Đoàn Thị Điểm-Trạng Quỳnh, lại mang danh đại diện Tổ quốc, mà tự quỳ xuống trước mặt những tên sứ giả vô danh phương Bắc, nói lời bán nước, xỉ nhục đồng bào, làm nhục quốc thể…thì những cái mặt “đại diện” (rất đại) ấy liệu có dám đối diện với cái “nhất thốn thổ” của con cháu Bà Trưng Bà Triệu như các chị Minh Hằng, Phương Bích, Kim Tiến…hôm nay hay không?
Nói cái “sự đời” lại động đến cái lá nho. Trời sinh cái lá có diện tích “tương đối” và hình dáng mỹ thuật đủ để làm chức phận che. Có khi cả một “tòa thiên nhiên” tuyệt mỹ cũng cần chút lá để giấu bớt cái đẹp khiến cho cái đẹp thành vô biên. Nhưng có khi ngược lại, cái xấu toàn cục cũng cần chiếc lá che mặt như một ẩn số để níu kéo chút hy vọng, để sự đời khỏi bị đẩy đến chỗ tận cùng.
Nhưng nếu quá đáng, Trời cũng không thương được, nổi lên một “trận gió cuốn cờ” thì lá che cũng rụng, thế là “Point final” !
Khi giới văn nghệ sĩ đầy tính văn hóa và tế nhị đã phải thốt lên “Rõ rồi nhé, rõ mồn một rồi nhé”, Thôi nhé, hiểu quá rõ rồi… thì biết mùa lá nho đã rụng tả tơi theo đồng chí “Nguyễn Trường Tô… hô” hết cả.
Chế độ Phong kiến thường dùng những con số lớn như “cửu trùng”, muôn năm, vạn tuế… để mô tả những cái lớn lao, trang trọng, trong khi lại khinh thường phụ nữ, và giả đạo đức bằng cách dè bỉu bộ phận kín đáo, nơi “Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất” ! Chẳng biết có phải để lột trần sự đạo đức giả ấy mà các cụ nhà ta ngày xưa cũng dùng những con số rất lớn như “ba vạn, chín nghìn” để gọi cái nơi khiêm tốn của mình (thực ra là vĩ đại), qua mặt những “cửu trùng, vạn tuế” hay không?
Viết đến đây, tôi xin phép nhắc đến một câu thơ trước đây của mình, liên hệ khăng khít cái nhỏ đơn chiếc với cái lớn lao:
Chính trường rụng một lá nho
Tái tê Ba vạn, tô hô Chín nghìn
nhưng tôi đã sửa lại thành: Tái tê Ba vạn, tô hô Cửu trùng… cho rõ cái ý đối chiếu ấy.
Ngẫm ra tầm cỡ người thấp người cao, nước lớn nước nhỏ cũng do “kích thước” của nhân cách con người, nhân cách dân tộc mà ra cả.
@Danlambao blog
——————————————————————————————————————————————————————–