TRUYỆN CẢM ĐỘNG : Câu chuyện Đồng-nghiệp

Trong hinh nay: BS Võ Tam Anh va Trần văn Chơn là bạn học với anh VDGiai và VD Dac. Ngòai ra, còn có BS Võ khắc Tuy đã tử tự chết ở ngòai Bắc, BS Hòang như Tùng hiện ở Houston. Anh Chơn là em ruột giao su Trần văn Louis.

Phương-vũ VÕ Tam-Anh   

Một bác-sĩ cách-mạng từ Bắc vào, hăm-hở đến tiếp-thu bệnh-viện Vĩnh-long sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã thốt ra câu nói đầu tiên với chúng tôi :
“Các anh là kẽ thù của nhân-dân, đáng tội chết…”

Tuy mới mấy ngày sau khi “giải-phóng” nhưng tai chúng tôi cũng đã quen với câu nói đó, chỉ có khác là lần này được phát ra từ miệng một bác-sĩ mà chúng tôi chờ đợi để hy-vọng thấy được một nụ cười hay một chút thông-cảm trong tình đồng-nghiệp. Chẳng khác gì những cán-bộ khác, bác-sĩ cũng tuông ra câu học thuộc lòng:
“Nhưng Đảng và Nhà-nước khoan-hồng tha tội chết cho các anh…”

May thay, chúng tôi được tha tội chết, nhưng thay vào đó, phải lảnh cái án “dở sống dở chết ” kéo dài năm này qua năm nọ trong các nhà tù, nhường sự-nghiệp lại cho các đồng-nghiệp mới, huênh-hoang trong cái độc-quyền nhân-đạo với các bảng hiệu « Lương Y như Từ-mẫu » treo nhang nhản khắp xó xỉnh trong bệnh-viện.

Có lẽ Cụ Hippocrate ở dưới suối vàng cũng không khỏi phẫn-nộ khi các môn-đệ ở Miền Bắc không chịu học lời thề Cụ dạy trước khi ra trường:
“Tôi thề sẽ giúp đở các đồng- nghiệp và gia-đình họ trong cơn ngặc nghèo, tôi sẽ mất hết danh-dự và bi khinh-bỉ nếu tôi không giữ lời thề đó”.

Trước mặt thì đồng-nghiệp gọi chúng tôi bằng “anh”, nhưng quay lưng lại là “thằng”, là “chúng nó” ngay, không hiểu là vì thói quen, vì văn-hóa, vì mặc-cảm hay vì chính-sách.

Ngày đầu tiên mới đặt chân lên đất Bắc trên con đường lưu đày, khi mà tầm mắt đang còn ngỡ-ngàng với rừng sâu núi thẳm, khi mà thể xác và tinh-thần chưa lai tỉnh qua cuộc hành trình định-mệnh kinh-hoàng, thì chúng tôi được đón tiếp vồn-vã bởi một đồng-nghiệp. Vồn-vã không phải để thăm hỏi sức khỏe hoặc để an-ủi một lời nào, mà để tịch-thu thuốc men và dung cụ y-khoa mà chúng tôi mang theo, nhất là để tò mò tìm hiểu những điều mới lạ trong cuộc sống “phồn-vinh giã-tạo” ở trong Nam.

Câu nói đầu tiên và gần như là câu chào hỏi ở cửa miệng mỗi khi gặp nhau: “Anh ăn mấy lạng ?” (gạo mỗi ngày), làm chúng tôi bở ngở không biết đâu mà trả lời. Thì ra cái quan-tâm hàng đầu của nền y-khoa miền Bắc là cái bao-tử, và xã-hội được chia ra làm nhiều loại bao-tử khác nhau tùy theo đẳng-cấp và sự trung-thành với Đảng: 120 lạng ,150 lạng, 170 lạng…. cái hàn-thử-biểu để đo vị-trí mình trong xã-hội. Kế đó là thắc mắc về những phần thit đươc bồi-dưỡng trong những ngày lể, ngày Tết… Thấy chúng tôi không ở cùng một tần-số trong cái hội-chứng đường ruột đó, bác-sĩ bèn lên mặt chỉ-đạo: “Chớ có trốn trại nghe, không thoát đâu “. Quả-nhiên lời khuyên có chấp-chứa ít nhiều tình thật đó lại là không sai. Chỉ có vài ngày sau khi đặt chân đến cái nơi núi rừng chằng chịt mang tên Sơn-la đó, khi chưa xác-định được vị-trí trong cái bản-đồ mênh-mông của miền Thượng-du Bắc Việt, thì một số anh em đã lần lượt trốn trại rồi lần lượt bị bắt lại để gánh chịu những hình phạt ghê gớm đang chờ sẵn. Trong số đó phải kể đến hai đồng-nghiệp, một Thiếu-tá Y-sĩ- trưởng Trung-tâm Hồi-lực ở Sài-gòn và một Y-sĩ Đại-úy Thủy-quân Lục-chiến, đã thoát khỏi lao tù vì đã trốn qua “bên kia thế -giới” sau khi không thành-công trong cuộc tổ-chức trốn qua “bên kia biên-giới”.

Sau một thời gian xáo trộn, chúng tôi gồm có tám bác-sĩ, một nha-sĩ, hai dược-sĩ được tập-trung lại để thành-lập một “trạm-xá ” có nhiệm-vu săn sóc sức khỏe cho anh em tù trong vùng. Bằng những phương-tiện của thời-đại đồ…tre, với kỹ thuật từ thời Hoa-đà, chúng tôi cũng được an-ủi bằng một số thành-công trong nhiệm-vụ chửa trị, và đã lưu lại cho chúng tôi nhiều kỹ niệm khó quên. Anh T. bị bệnh phung, bọn cai tù ghê sợ, biệt giam trong một cái chòi giữa rừng, thường ngày chúng tôi đến thăm viếng, theo dỏi bệnh tình, chia nhau từng cù sắn củ khoai, khích lệ cho nhau cho đến ngày về. Anh H. bị mất trí vì trúng độc khi ăn phải trái cây rừng, suốt ngày la hét, phải cách ly trong một túp lều ở giữa rừng, chúng tôi chia phiên nhau túc trực ngày đêm bên cạnh để canh chừng, nhưng cuối cùng anh cũng qua đời.

Phải kể đến những trường hợp giải-phẩu theo kiểu…rừng, với tất cả liều lỉnh rủi may. Trang-bị bằng một bộ trung-phẩu dã-chiến của Trung quốc và một lò hấp ướt (autoclave), với mấy bình ether và cái masque Ombredane là dụng cụ đánh thuốc mê hở (circuit ouvert) cổ lổ sĩ dùng trước thế chiến 1914-1918. Trong những “bloc” được ngăn cách bởi những tấm phên tre và tấm vải mùng, muổi mòng tha hồ bay lượn, dưới ngọn đèn dầu và đèn pin, mà nhờ trời chúng tôi cũng thành-công được trong nhiều trường hợp, những chấn-thương vì tai-nạn lao-động, hay trường hợp anh N. bị tắc nghẻn ruột, phải giải-phẩu để tái tạo một hậu-môn tạm thời, phải theo dỏi và săn sóc từ A đến Z trong nhiều tháng với sự tận-tình của mọi người nên kết quả rất khả-quan, vân vân và vân vân. Chúng tôi đã đóng tất cả các vai trò trong việc điều trị, từ lao-công, y-tá, phụ mổ, gây mê, cầm dao, rồi hậu-phẩu, vệ-sinh, giặt giủ v…v…bù lại khỏi phải đi lao-động đốn vầu, đốn nứa, đẩy xe trong những lúc đó.

Một sự tình cờ khiến chúng tôi phải giải-phẩu cấp cứu thành-công cho một tên cán-bộ bị viêm ruột thừa cấp-tính mà không biết chở đi đâu. Mấy tháng sau, nhân dịp Tết Nguyên-đán 1978, có mấy cán-bộ trong ban chỉ-huy trại đến cám ơn chúng tôi, và tưởng-thưởng bằng một tấm hình chụp chung mấy anh em chuyên-môn trong bệnh-xá, một kỹ-niệm độc nhất vô nhị của những ngày tù ở Sơn-la.

Tiếng đồn lên tới Bộ Chỉ-huy Đoàn. Một số cán-bộ có thiện-tâm muốn mở tầm hoạt-động của chúng tôi cho dân-chúng trong vùng Mường Thải, huyện Phù-yên, nơi mà xưa nay dân chúng chưa hề thấy đươc cục xà bông chớ đùng nói chi đến viên thuốc tây. Thế rồi dân chúng đến xin chửa trị mỗi ngày một đông, tuy thuốc men chẳng có gì nhiều nhưng cũng giúp ích được một số lớn trường hợp và ít ra cũng giúp họ làm quen với y-khoa ngày nay thay vì phải uống lá rừng suốt đời. Khi đặt ống nghe vào ngực, có người đã huênh-hoang khoe rằng là được… rọi điện. Đông nhất là phần chửa răng. Ngậm một cái răng sâu năm này qua tháng nọ như một cái đinh đóng vào óc, nay được nha-sĩ nhẹ nhàng xoi xỉa với một cái máy quay đạp bằng chân, hoặc nhổ đi mà không đau đớn gì, thật là một điều mà dân Mường ở đó không bao giờ mơ tới.

Một đêm nọ, đang lúc giữa khuya, một cán-bộ cầm cây đèn bảo xăm xăm bước vào phòng giam chúng tôi, bảo rằng một người đàn-bà trong bảng Mường đang nguy kịch vì đẻ không ra đã hai ngày nay. Anh Thức, chuyên môn về phụ-khoa được cử đi cấp-cứu. Trong môt gian nhà sàng rộng rải không có vách ngăn, ở giữa là cái bếp lửa cháy suốt ngày đêm, dăm ba người đàn ông ngồi quanh nói chuyện ồn-ào tỏ vẻ lo lắng, ở trong góc một người đàn bà đang quằn quại rên la một cách tuyệt-vọng. Trong khi mọi người bu quanh chăm chú và nghiêm-nghị nhìn anh Thức khám bệnh như nhìn một phù-thủy đang làm phép, anh Thức bình-tỉnh khám thấy rằng đó là một trường hợp song thai, hai đứa bé ôm quàng lấy nhau mà lại nằm ngang, không đẻ ra bằng đường tự-nhiên được. Phải chở đi bệnh-viện để mổ lấy con ra, nhưng anh Thức quên rằng chuyện đó không thể có được ở đây. Không làm gì hơn được, anh bèn tạm thời dẹp sách vở qua một bên mà cố gắng xoay một đứa cho cái đầu ở vị-trí thuận-lợi để ra trước, rồi đến đứa kia, cuối cùng được mẹ tròn con vuông, trong sự rối rít cám ơn của mọi người mà trước đó đã được học tập để coi chúng tôi như những kẽ ác ôn, lúc nào cũng sẳn sàng “cho một mũi tên độc”.
Từ đó các cô gái Mường trong bảng cũng tự -nhiên hơn, cưới đùa mỗi khi tắm suối mà có chúng tôi đi lao động ngang qua, có khi còn chọc ghẹo nửa. Có anh trong phút chốc bốc đồng đã quên mình là tù đang đói rách, cũng gồng mình nhảy xuống tắm theo, chỉ tiếc là không có sẵn cục xà bông để tặng mấy cô Mường, lúc đó hẳn là muôn phần quý giá hơn cả viên kim cương đem tặng đào ở Sài–gòn nửa. Về sau mỗi cô gái Mường lại đươc đặt cho cái tên của một ca sĩ nổi tiếng, nào là Mai-Lệ-Huyền, Phương-Dung, Giao-linh, Phương-Hồng-Quế v…v…, để rồi lúc chiều về, trong khi ngậm-ngùi nhai từng hột bo bo, thường kể cho nhau nghe rằng hôm nay đi rừng gặp được ca-sĩ nào, ai nghe tưởng như mới đi phòng trà về mà tạm quên trong giây lát cái cảnh nước sông công tù mình đang sống.

Một hôm, một cô giáo hớt ha hớt hãi tìm tới chúng tôi, vì chồng cô, một bộ-đội công-tác ở trong Nam được về nghỉ phép, bổng nhiên thấy mình mẩy nổi mề đay lên đỏ rần, ngứa khắp cả người. Chúng tôi đoán là bị dị-ứng với trứng gà, vì thường ngày đi lao-động ngang qua trường học, thấy cô giáo cứ o bế mấy con gà để chờ ngày chàng về mà bồi-dưởng. Chúng tôi bèn lục lạo đươc mấy viên thuốc Phénergan đưa hết cho cô. Mấy hôm sau đi lao-động gặp lại, chúng tôi hỏi : “Sao? Anh nhà đã đở chưa?” Cô vui vẻ trả lời : “Thuốc các anh cho hay quá, khỏi ngay.” Chưa kịp hỏi thêm thì bổng thấy cô cúi mặt e thẹn, ấp úng nói thêm như không muốn cho chúng tôi nghe: ” Nhưng ngủ li bì, về phép có năm ngày mà ngủ như chết suốt cả năm ngày” .Chúng tôi hối hận vì đã cho thuốc ngủ mà không dặn trước, làm cho cô phải bỏ lở một cơ-hội bằng vàng.

Thế rồi trạm-xá càng ngày càng đông khách, dân chúng từ xa cũng nghe đồn kéo lại để cho trạm-xá được hoạt-động đúng với danh-nghĩa y-tế của nó. Thiện-cảm và uy -tín càng tăng thì, ngược đời thay, cấp chỉ-huy Trại càng lo lắng. Cuối cùng, Uỷ-viên Chính-trị trên Đoàn lập tức ra lệnh không được khám bệnh cho dân nửa, vì trái với chính-sách, và lý-luận rằng từ mấy ngàn năm nay họ đã chửa trị bằng lá rừng thì đã sao đâu.

Chúng tôi trở lại lao-động, cũng đốn vầu đốn nứa như những anh khác.
Phải cái tội cao giò, tôi thường được chọn đi công tác gánh hàng ở xa, để gánh luôn tất cả tủi nhục của kiếp làm… tôi mọi. Buổi sáng ra đi thì còn dể chịu, trời mát, gánh nhẹ. Nhưng buổi trưa lúc trở về, trời nắng gắt miền núi như đốt cháy da, lại phải leo đèo, mồ hôi chảy giọt, bụng đói cồn cào, cái đầu nặng trỉu, chiếc đòn gánh đè nặng trên vai đang nghiền nát da thịt như những con dao. Người cán-bộ đi theo cũng không quên máng thêm vào chiếc nón cối, cái áo trấn-thủ mà hồi sáng mang trong người vì trời lạnh, nay không cần nửa thì tội gì mà không để cho rảnh tay, vì tay đang bận cầm cây roi, một thứ thời trang của cán-bộ quản-giáo khi đi bên cạnh tù. Đã thế mà khi gặp một bạn đồng-hành cán-bộ cũng không quên niềm-nỡ mời :”Đồng-chí có mang gì không, đưa cho nó gánh luôn”. Tôi nghe mà rụng-rời, mắt hoa lên mà không dám nhắm lại vì sợ ngả sẽ không bao giờ dậy lại được, cũng không dám nhìn xa hơn mấy đầu ngón chân vì sợ không đủ can-đảm để bước thêm….

Một hôm vì nhu-cầu cấp-cứu một bệnh-nhân tù đang nguy kịch, tôi được cử theo một cán-bộ đến bệnh-viện Phù-yên để xin mấy chai nước biển. Đã lâu bị giam hãm giữa bốn bức tường núi, nay được dịp thấy lại làng mạc với cảnh sinh-hoạt của nhân-dân, lòng cũng không khỏi thích-thú vì tầm mắt đươc hé rộng ra một chút và thỏa -mãn thêm tánh tò mò nghề-nghiệp muốn biết tổ-chức y-tế miền Bắc ra sao mà các “đồng-nghiệp ” đề cao như là đúng hàng đầu trên thế-giới.

Huyện Phù-yên thuộc tỉnh Sơn-la, nằm giữa một thung-lũng nhỏ, bốn bề là núi nhưng rất nên thơ. Từ trại tới huyện phải đi qua ngọn đèo Bang xinh xinh, có con đường mòn uốn quanh, có hoa rừng thơm ngát. Từ trên nhìn xuống gần giống như một bức tranh Tàu, mờ mờ ảo ảo., rải rát nơi nơi là nhũng túp lều lụp xụp bám theo sườn núi. Bước vào huyện phải qua một con suối lớn, mùa khô thì chỉ là một suối đá hiền-hòa thơ-mộng, nhưng khi mưa xuống thì trở nên một thác lũ kinh-hoàng. Bắt ngang qua suối là một cây cầu treo, gió thổỉ đu đưa, mà lại được anh em tù gán cho cái tên rất hấp-dẩn để cho trí tưởng-tượng được nâng cao là cầu Golden Gate. Mỗi khi gánh hàng qua Golden Gate, tôi có cảm-tưởng như mình đang là một nghệ-sĩ đu giây trong một đoàn xiệc mà có thể hụt tay bất cứ lúc nào.

Bên kia cầu là một túp lều không vách, gió lộng bốn phía, đó là trường học với dăm bảy em bé ốm tong teo, bụng ỏng thề lề, mỗi đứa cầm một que củi đang cháy quơ qua quơ lại trước người cho đở lạnh trong những bộ áo Mường mỏng manh. Trong khi các em nghêu ngao hát bài “Hôm qua em mơ thấy Bác Hồ…” thì cô giáo đang chăm chú ngồi vá áo, mắt đăm chiêu, hình như cũng đang mơ thấy những chuyện mà dĩ-nhiên khác hơn là thấy Bác Hồ. Hình ảnh đó làm cho tôi có cảm tưởng rằng Cụ Cao-Bá-Quát đã đi ngang qua đây để cảm-hứng mấy câu thơ:

“Một thầy một cô một chó cái,
Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi.”

Bên cạnh trường là một cái “cối giả gạo” có lẽ đã được sáng chế từ đời vua Thần Nông. Nước từ con suối nhỏ đươc dẩn qua một máng xối đục từ một thân cây, chảy xuống một thân cây dài khác, một đầu là cái chày, đầu kia đục thành một máng chứa nước. Hể máng đầy nước thì cái chày tự -động ngóc lên, rồi nước bị đổ ra ngoài để cho chày giả xuống cái cối ở đằng trước. Cứ thế mà tiếp-tục, cối cứ giả ngày giả đêm, tạo nên một tiếng đập nhịp nhàng khô khan để đánh thức cô giáo và lủ học trò khỏi ngủ gật. Năm thì mười họa, một năm vài lần cối mới có gạo để giả, vì dân phải đóng cho nhà nước hết ba phần tư số thu hoạch, vốn đã nghèo nàn trên những mãnh ruộng bằng bàn tay xếp thành từng tầng trên sườn núi.

Khi đến cổng bệnh-viện, tôi được chứng-kiến một cảnh tấp-nập khác thường, nghỉ bụng rằng chương-trình y-tế ở đây đã thành-công vì được dân-chúng hưởng-ứng đông đảo. Mọi người bu quanh một tấm bảng, hình như để theo dỏi một thông-báo gì quan-trọng của bệnh-viện về một biện-pháp y-tế nào đó chăng. Lại gần, tôi thấy rõ thông-báo như sau “Hôm nay bệnh-viện có mổ lợn, bán theo giá chính-thức. Đồng-bào nào muốn mua xin ghi tên ở phòng ngoại-chẩn”. Tôi suýt té ngửa vì sau bao nhiêu năm hoạt động trong ngành y- tế tôi vẫn chưa biết được rằng cung-cấp thực-phẩm cho dân chúng cũng là một khía cạnh trong chương-trình y-tế.

Trái với cảnh xôn-xao ngoài cổng, trong bệnh viện lại vắng tanh. Tìm cho ra người thủ-kho để xin thuốc thì được biết cô gái Mường này bận đi hái bông lau về làm nệm để tặng một cô bạn gái sắp về nhà chồng, một tục-lệ không thể bỏ được của người Mường. Lân la mãi mới gặp được bác-sĩ trực, vị này không mấy niềm-nỡ vì đang bận cải-hoạt (có nghĩa là cải-tiến sinh-hoạt để cho đời sống vui tươi hơn) bằng cách ngốn nghiến mấy củ khoai. Bác-sĩ trực cho biết “Chỉ có bác-sĩ thủ-trưởng mới có quyền quyết-định, nhưng bác-sĩ đang bận mổ.” Tôi thất-vọng chán chường, nghỉ đến bệnh-nhân ở trại đang hấp-hối mong chờ mấy giọt nước hồi-sinh, nghỉ đến con đường về vừa nắng gắt vừa phải leo giốc, nghỉ đến cái dạ-dày đang cồn-cào vì sáng nay không may đọc được mấy chữ “thịt lợn” trên bảng thông-cáo mà nước bọt cứ chay dài (chẳng lẽ tôi lại biến thành con chó của Pavlov, hể nghe tiếng chuông là dịch tiêu -hóa cứ tuông chảy, rồi hay sao?) Tôi buồn rầu thất vọng, không biết bao giờ bác-sĩ trưởng mới mổ xong, vã lại áo quần lem-luốt thế này làm sao gặp được bác-sĩ ở khu giải -phẩu. Tôi đánh bạo tìm đến bác-sĩ trưc hỏi : “Thế tôi có thể gặp bác-sĩ thủ -trưởng được không?” Lần này vị y-sĩ trực vui vẻ trả lời (vì đã ngốn xong mấy củ khoai): ” Được chứ, có gì đâu, anh ấy đang bận mổ lợn dưới ao đấy mà”. Tôi như từ cung trăng rơi xuống.

Quả nhiên, cách đó không xa, cạnh bờ ao, năm ba người đang bao quanh một con lợn đã cạo lông trắng nõn nằm trên một tấm thớt lớn. Trong khi đó, bác-sĩ thủ-trưởng bệnh-viện, mình trần, quần xắn tới bẹn, áo bờ-lu vắt ở hàng rào, đang nhanh nhẹn ra tay mổ bộ đồ lòng với tất cả sự nhanh nhẹn và khéo léo của một…đại giải -phẩu gia.

Lẽ tất nhiên tôi phải chờ cho ông bạn đồng-nghiệp thanh toán xong con lợn để giải -quyết cho mấy chai nước biển rồi mới hân-hoan ra về. Ra tới cổng, tôi gặp lại đám dân-chúng cũng đang hân-hoan thở phào nhẹ nhõm như tôi khi được tin bác-sĩ đã mổ xong…lợn.

Trên đường về, lần này chiếc đòn gánh đè nặng lên vai không còn cho tôi cảm-giác đau đớn như trước nửa, vì đầu óc tôi đang bị ám-ảnh bởi một ý-tưởng muôn phần nặng-nề hơn, vì tôi đã nhìn thấy được sự thật, đã chứng-kiến tận mắt một hiện-tượng sinh-hoạt phản-ảnh lối sống của những “đồng-nghiêp” bên kia bức màn tư-tưởng.

—————————————————————————————————————————————————————————————————————————————–

CẬP NHẬT TIN 2-9-2011

Trung Quốc chặn chiến hạm Ấn Ðộ khi rời hải phận Việt Nam

Một chiến hạm Trung Quốc đã chặn chiến hạm Ấn Ðộ ở trong vùng biển quốc tế khi tàu này vừa rời vùng biển Việt Nam hồi cuối tháng 7.

Tàu đổ bộ INS Airavat của hải quân Ấn Ðộ đậu ở cảng Hải Phòng ngày 26 tháng 7, 2011. (Hình: Báo Hải Phòng)

Ðây là lần đầu tiên thấy có một biến cố như vậy của hải quân hai nước nói trên tại biển Ðông.

Theo bản tin của Financial Times, chiếc chiến hạm Trung Quốc, không thấy xác định tên tàu, đòi ban chỉ huy tàu đổ bộ tấn công INS Airavat của Ấn Ðộ phải tự xác định danh tính và giải thích lý do tại sao có mặt ở vùng biển quốc tế này chỉ một thời gian ngắn sau khi tàu Ấn Ðộ hoàn tất chuyến thăm viếng cảng Việt Nam.

Financial Times cho hay có 5 người hiểu biết vụ việc thông tin cho tờ báo.

Sự kiện mới nhất này về chủ trương coi biển Ðông như của riêng của Trung Quốc đã gây bực tức cho viên chức quốc phòng của Ấn Ðộ và Việt Nam.

“Bất cứ hải quân nước nào trên thế giới cũng có toàn quyền đi qua những vùng biển này.” Một giới chức hải quân Ấn Ðộ bình luận với Financial Times về biến cố.

“Ðối với bất cứ nước nào tuyên bố chủ quyền hay hỏi quyền đi qua (biển quốc tế) của một nước khác là không thể chấp nhận được”.

Theo Financial Times, Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhìn nhận tàu đổ bộ tấn công INS Airavat đã đến thăm Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 7, 2011 nhưng cho hay không biết gì về chuyện tàu Ấn Ðộ bị tàu Trung Quốc chận.

Bộ Quốc Phòng cũng như Bộ Ngoại Giao Trung Quốc từ chối lời đề nghị bình luận của Financial Times. Phía Ấn Ðộ cũng vậy.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), “Tàu độ bộ tấn công INS Airavat đến quân cảng Nha Trang thăm viếng vào các ngày từ 19 đến 22 tháng 7, 2011. Sau đó, chiến hạm này đến thăm cảng Hải Phòng từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 7, 2011”.

INS Airavat có trọng tải 5,650 tấn là một trong ba tàu đổ bộ tấn công tối tân nhất của Ấn mới bắt đầu sử dụng từ giữa năm 2009.

Càng ngày, Hải quân Trung Quốc càng đóng vai trò mạnh bạo hơn trong nhiệm vụ khẳng định chủ quyền biển đảo cũng như sức mạnh của họ trên biển. Ðiều này không những các nước nhỏ láng giềng của Trung Quốc thấy bất an, mà cả Ấn Ðộ cũng thấy quan ngại.

Theo Financial Times, chính phủ Ấn đã nêu vụ việc nói trên với Bắc Kinh, theo một nguồn tin ngoại giao. Nhà ngoại giao không nêu tên cho rằng hậu ý của Bắc Kinh là quyền canh chừng biển Ðông là của họ.

Những dấu hiệu mấy ngày gần đây cho thấy Hà Nội muốn vuốt ve làm hòa với Bắc Kinh kể từ khi các tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.

Hôm Thứ Hai, Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã gặp Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sau khi đã họp với Mã Hiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng. Tin tức phổ biến trên TTXVN cho thấy ông Vịnh ca ngợi mối tình “đồng chí anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ðồng thời, cam kết sẽ “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam” và cam kết “không để sự việc tái diễn”.

Ông Vịnh cam kết “không chống Trung Quốc” và cũng nói Việt Nam không có ý định “quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Những điều này hoàn toàn ngược với ý kiến của nhiều giới quan tâm tới vận mạng đất nước.

Mười một cuộc biểu tình đã diễn ra ở Hà Nội từ đầu tháng 6, 2011 sau khi tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Khoảng 50 người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội đã bị bắt giữ dù tướng giám đốc công an thành phố cam kết không đàn áp. Ða số đã được trả tự do trong ngày nhưng một số nhỏ bị giữ và thẩm vấn từ 3 tới 5 ngày sau mới thả.

========================================================================

Quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Ấn Độ khiến Trung Quốc khó chịu

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri AK Antony duyệt hàng quân danh dự nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ngày 12/10/2010 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri AK Antony duyệt hàng quân danh dự nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ngày 12/10/2010 tại Hà Nội.

Reuters

Nếu sự kiện tàu Trung Quốc gây khó dễ đối với tàu đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ được xác minh, thì đấy là lần đầu tiên sự cố nảy sinh giữa hải quân hai cường quốc này tại vùng Biển Đông. Giới phân tích đã gắn liền sự kiện này với thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong việc đòi hỏi chủ quyền trong khu vực, và với việc các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang khuyến khích New Delhi tăng cường quan hệ với khu vực hầu cân bằng thế lực của Bắc Kinh.

Đối với Trung Quốc, hơn 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, và trong những năm gần đây, hải quân Trung Quốc càng lúc càng gia tăng áp lực, nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực. Các hành động nhiều khi rất hung hăng của Trung Quốc đã làm cho các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền càng lúc càng lo ngại.

Trong tình hình đó, để khỏi phải đơn độc đối phó với Trung Quốc, nhiều quốc gia Đông Nam Á, đi đầu là Việt Nam, đã đẩy mạnh chiến lược tăng cường quan hệ với các cường quốc bên ngoài khu vực, cũng quan tâm đến vấn đề Biển Đông, với hy vọng là giảm thiểu được sức ép của Bắc Kinh. Ngoài Hoa Kỳ, Ấn Độ là cường quốc thứ hai được chú ý trong tư cách là một đối tác đáng tin cậy, giúp cho Đông Nam Á bớt bị Trung Quốc chèn ép.

Về phần mình, New Delhi cũng ngày càng quan ngại trước tiềm lực quân sự gia tăng của Trung Quốc, đồng minh thân cận của Pakistan, đối thủ truyền thống của Ấn Độ. Trong khuôn khổ chính sách ‘’Đông tiến’’ (Look East) đề ra từ đầu thập niên 1990, New Delhi ngày càng muốn thắt chặt thêm quan hệ mọi mặt với vùng Đông Nam Á, trong đó có quan hệ quốc phòng.

Trong lãnh vực quân sự, New Delhi ngay từ đầu, đã có những quan hệ khá chặt chẽ với Việt Nam, nhất là trong vấn đề vũ khí vì lẽ Ấn Độ là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực sản xuất và bảo trì vũ khí, thiết bị quân sự do Liên Xô (và sau này là Nga) sản xuất, vốn đang được quân đội Việt Nam sử dụng.

Theo ghi nhận của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc, vào năm 2000, hai bên đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong đó có cả việc Ấn Độ đồng ý giúp Việt Nam nâng cấp đội máy bay MiG-21 của mình, cũng như đội hộ tống hạm và tàu tấn công nhanh.

Qua năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược, và ngay sau đó, Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam một số lượng lớn phụ tùng thay thế để duy trì hoạt động của đội tàu có từ thời Liên Xô, đồng thời hiện đại hóa năng lực chống tàu ngầm của quân đội Việt Nam. Ngoài ra, tàu hải quân Ấn Độ bắt đầu ghé cảng Việt Nam thường xuyên hơn.

Theo nhận xét của giáo sư Thayer, hợp tác quốc phòng Việt Ấn thể hiện một sự tương đồng chiến lược, giúp cho hai bên mở rộng khả năng ứng phó với Trung Quốc và các cường quốc khác. Qua Việt Nam, Ấn Độ có thêm điều kiện tăng cường quan hệ với ASEAN và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Đông Á, còn nhờ Ấn Độ, Việt Nam tránh được việc bị lệ thuộc vào một cường quốc duy nhất.

Quan hệ quốc phòng được tăng cường giữa Việt Nam với Ấn Độ đương nhiên không làm cho Trung Quốc hài lòng. Ấn Độ đã từng có những mối liên lạc quốc phòng chặt chẽ với Singapore, Indonesia hay Malaysia, Thái Lan, những nước cùng chia sẻ quan tâm với họ về vùng biển Andaman, bên Ấn Độ Dương, hay eo biển Malacca, phía Nam Biển Đông.

Tuy nhiên, các quan hệ đó dường như không làm Bắc Kinh khó chịu bằng việc tàu chiến Ấn Độ lần ngược lên phía Bắc Biển Đông, trong khuôn khổ các thỏa thuận ký kết với Việt Nam. Hành động chưa từng thấy là chận đường xét hỏi chiếc INS Airavat có thể được xem là phương cách Trung Quốc biểu thị thái độ bực bội của mình.

===================================================================

‘Đếm’ casino Vit trong Nam ngoài Bc

“Một trong những yếu tố khiến tỷ lệ khách nước ngoài đến Việt Nam chưa cao là do thiếu casino, trong khi lĩnh vực này có thể mang về nguồn ngoại tệ rất lớn cho Việt Nam”, ông Jackson Chang, Chủ tịch cơ quan phụ trách đầu tư nước ngoài của Macau, cho biết.

Do kinh doanh casino từ lâu được coi là một lĩnh vực nhạy cảm, nên Việt Nam hiện mới chỉ có một số ít casino hợp pháp, như: ở Đồ Sơn và một số khách sạn, dành phục vụ người nước ngoài.
Lượng ít…
Ngày 29/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông dẫn đầu đoàn công tác liên ngành, với sự có mặt của các nhà tư vấn thiết kế quốc tế, đã có buổi làm việc với đại diện UBND tỉnh Kiên Giang xoay quanh vấn đề xây dựng casino ở đảo Phú Quốc. Casino được xác định đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài và đấu thầu cạnh tranh. Chủ đầu tư dự án phải hoạt động trong lĩnh vực sòng bạc và có năng lực tài chính đảm bảo vì tổng mức đầu tư cam kết lên tới 4 tỉ USD.

Phú Quốc sẽ có casino diện tích khoảng 30.000m2, bố trí 200-400 bàn đánh bạc.

Ông Đặng Công Huẩn, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết tại khu vực bãi Đá Chồng (xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc) được quy hoạch 135ha xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hội nghị, hội thảo quốc tế, trung tâm dịch vụ casino. Quy mô khu casino diện tích khoảng 30.000m2, bố trí 200-400 bàn đánh bạc. Ngoài ra, còn xây dựng từ 5-6 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và các khu nghỉ dưỡng với khoảng 2.500-3.000 phòng.

Theo một nguồn tin, cụm phức hợp gồm khu du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế và casino duy nhất tại đảo Phú Quốc có thể được tư vấn thiết kế bởi nhà thiết kế Singapore. Dự kiến, cuối năm 2011, thiết kế cơ bản của khu phức hợp này sẽ hoàn tất để đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư. Hiện nay, có gần 10 nhà đầu tư lớn từ nước ngoài muốn bỏ vốn vào dự án này, nhưng “chỉ một nhà đầu tư duy nhất được chọn để phát triển cụm phức hợp này”, ông Nguyễn Văn Hôn, Phó ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, cho biết.

Hoạt động đánh bác ở casino.

Về các dự án casino, khắp trong Nam ngoài Bắc, nơi nào cũng có khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Chẳng hạn, New City (Phú Yên) vốn 4,3 tỷ USD; Silver Shores Hoàng Đạt (Đà Nẵng) 160 triệu USD; Nam Hội An (Quảng Nam) 4 tỷ USD; Hoàng Đồng (Lạng Sơn) 2 tỷ USD… Ông Lâm Bảo Kỳ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Lạng Sơn, chủ đầu tư dự án casino Hoàng Đồng cho biết: “Chúng tôi chọn Lạng Sơn vì nó gần Trung Quốc, cũng như Macao vậy. Doanh thu thuần của mảng casino ở Macao là 16 tỉ USD vào năm 2009, chúng tôi đặt mục tiêu cho Hoàng Đồng là 1,6 tỉ USD, chỉ bằng 1/10 Macao thôi, nhưng như vậy đã là rất tốt”.

Ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng  có tới hai dự án: Hồ Tràm Strip 4,2 tỷ USD và Sài Gòn Atlantic, 4,1 tỷ USD. Chưa kể, dự án Bãi biển Rồng (Quảng Nam) 4,15 tỷ USD, đã bị thu hồi chứng nhận đầu tư năm ngoái. Dự án khu phức hợp Hồ Tràm (164 ha ở Xuyên Mộc) do tập đoàn của Canada là Asian Coast Development Ltd (ACDL) và đối tác Harbinger Capital của Mỹ khởi công hồi tháng 5/2008, trong đó có casino trên biển theo kiểu Las Vegas. Giai đoạn đầu (hoàn thành vào 2013), dự án triển khai hai khách sạn 5 sao lên tới 2.300 phòng, một casino 90 bàn chơi bài, 500 máy đánh bạc… Khi hoàn thành vào 2015, dự án có cả thảy 5 khách sạn 9.000 phòng và xây thêm một casino khác, tổng cộng 180 bàn chơi bài và 2.000 máy đánh bạc điện tử. Đại diện dự án Hồ Tràm khẳng định, dự án đang tiến triển khá tốt và cam kết hoàn thành đúng tiến độ…

Casino Đồ Sơn là sòng bạc hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam, hoạt động từ năm 1995.

Thống kê đến nay cho thấy, Việt Nam có 4 casino quy mô nhỏ đã được cấp phép hoạt động ở Đồ Sơn, Quảng Ninh (2) và Lào Cai. Hồi giữa tháng 7, tỉnh Yên Bái và Phú Thọ cũng đặt vấn đề xây dựng casino do chủ đầu tư ở Macau triển khai, tại đầm Vân Hội (giáp ranh hai tỉnh), có tên Thành phố sáng tạo Hoàng Gia. Ở Bình Thuận khả năng cũng có casino trên cù lao Cau.

Hoạt động từ năm 1995, casino Đồ Sơn là sòng bạc hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam và chỉ người nước ngoài mới được bước vào. Một số người từng “đột nhập” thành công sòng bạc này cho biết, sự cẩn mật của casino có lẽ chỉ kém trại tạm giam của ngành công an. Ngay từ lối đi vào, các trạm gác đã mọc lên rải rác. Không cần đếm, cũng thấy ngay có đến ba lớp bảo vệ cho đến trước cửa kiểm soát. Tại đây, có những tấm biển rất dễ thấy: không nhận người dưới 18 tuổi, không mang theo máy ảnh, máy quay phim, không mang theo túi xách hoặc các vật lạ.

Trong casino Đồ Sơn, khách không được dùng tiền mặt, mà phải đổi ra xèng hoặc chíp. Thắng bạc hoặc đánh không hết, khách đổi xèng, chíp để lấy lại tiền mặt. Không có chuyện khách sát phạt nhau, mà là khách đánh bạc với công ty. Các môn chơi gồm: Baccarat, Black jack, Roullet, Big Small… Có bàn chơi bằng các con bài tây, có bàn lại dùng một chiếc nón kỳ diệu. Thay vì chiếc kim chỉ số, một viên nhựa tròn như quả bóng bàn nảy công cốc trên hai mâm xoay ngược chiều nhau quyết định vận đỏ hay đen. Cầm càng các bàn chơi là chủ cái  – là các chàng trai, cô gái người Việt Nam đang thoăn thoắt cầm những chiếc xẻng như chiếc bay của thợ nề để hót chíp. Tài năng và tay nghề của chủ cái có thể nhận biết được một phần qua cách chia bài, thu tiền của họ. Casino có camera theo dõi tất cả các bàn và có các floor man, tức các ông người nước ngoài mặc áo đỏ ngồi trên các ghế cao kia kiểm soát, nên tuyệt đối không có sự lừa bịp…

Tổng giám đốc Công ty Đồ Sơn Casino Tăng Phát Bảo từng chia sẻ, 70% khách chơi tại Đồ Sơn là người Trung Quốc, số còn lại đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Tuy nhiên, hiện nay luật pháp Việt Nam cấm người Việt chơi bạc nên rất nhiều đại gia nhà giàu đã mang tiền ra nước ngoài để thử vận đỏ đen.

… Chất: hốt bạc, nhưng dễ rửa tiền!
“Một trong những yếu tố khiến tỷ lệ khách nước ngoài đến Việt Nam chưa cao là do thiếu casino, trong khi lĩnh vực này có thể mang về nguồn ngoại tệ rất lớn cho Việt Nam”, ông Jackson Chang, chủ tịch cơ quan phụ trách đầu tư nước ngoài của Macau, cho biết. Dẫn chứng từ Macau, theo ông Chang, Macau rộng không quá 25km, dân số chưa đến 600.000 người, nhưng mỗi năm Macau thu trên 30 tỷ USD từ các dịch vụ vui chơi giải trí.
Bà Jenny Goh, giám đốc người Malaysia của một công ty du lịch ở TP.HCM cho biết, nhờ casino mà du lịch Singapore thay đổi một cách chóng mặt. Trước đây, khách chơi bài từ Singapore phải qua Malaysia, nhưng giờ đã không còn.
Đại diện các hãng lữ hành và chuyên gia du lịch cho rằng, việc xúc tiến đầu tư xây dựng casino ở Phú Quốc là hoàn toàn hợp lý. Ông Robert Tan, chuyên gia người Singapore, nhấn mạnh đến những cái lợi cho ngành du lịch nếu xây dựng casino tầm cỡ ở Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ triển khai quảng bá mạnh mẽ casino khi nó đi vào hoạt động, qua đó góp phần cùng ngành du lịch quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra toàn thế giới. Đồng thời mang lại cho Việt Nam nguồn thu lớn từ việc thu hút du khách quốc tế và tiền thuế. Ngoài ra, sẽ cải thiện đối tượng du khách quốc tế đến Việt Nam, vì đây là khách có nhiều tiền và chi tiêu mạnh tay.Từ phía người dân, bác Thắng ở ngõ 120 đường Hoàng Quốc Việt, cho biết: “Nên cấp phép cho những dự án caisino xa rời đất liền và các dự án này nên nằm trên các đảo bán đảo của Việt Nam để góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam được phát triển và casino không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục… của Việt Nam hiện tại”. Trong khi đó, Hoàng Nam, sinh viên năm thứ 1 Học viên Ngân hàng, bày tỏ: “Casino là một lĩnh vực kinh doanh hái ra tiền trên thế giới và lợi nhuận cũng như số tiền đóng góp cho ngân sách quốc gia từ loại hình kinh doanh này thì khỏi phải nói. Tuy nhiên, với Việt Nam, kinh doanh casino còn khá nhạy cảm, nhưng thực tế thì đại gia Việt vẫn cứ ném tiền qua các sòng bài ở khu vực biên giới, nguồn ngoại tệ mà đáng lẽ Việt Nam có thể thu được lại cứ lặng lẽ chảy ra nước ngoài”.
“Tôi có cảm giác như địa phương nào phát triển du lịch đều muốn sở hữu một casino, cụ thể là hàng loạt các dự án sòng bạc đang có mặt ở các tỉnh, như: Đà Nẵng, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu…, nên tôi sợ nảy sinh phong trào casino. Hơn nữa, sòng bạc và các loại hình cá cược là nơi rửa tiền nhanh nhất và dễ nhất, nên cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ và cấp phép hạn chế”, anh Văn, một cán bộ nhà nước, nêu quan điểm.
—————————————————————————————————————————————————————————————————————————————

Hội thảo nội bộ Trung Quốc, đòi chiếm trọn biển Đông

Hà Giang/Người Việt (lược dịch)

 LTS: Tờ International Herald Leader, thuộc Tân Hoa Xã của Trung Quốc mới cho công bố bản tường trình độc quyền về buổi hội thảo có tên “Trách Nhiệm của Truyền Thông Trước Tình Hình Biển Ðông”, do đài truyền hình Vân Nam và Viện Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương (thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc) đồng tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, giữa lúc những tranh chấp ở vùng biển này đang căng thẳng nhất.

Những học giả Trung Quốc được mời tham dự đưa ra một loạt biện pháp mà Trung Quốc nên dùng để đối phó với các nước trong vùng, chẳng hạn như hướng dư luận thế giới đến cái nhìn thiện cảm hơn với Trung Quốc, nhưng vẫn có một chính sách ngoại giao cứng rắn, cộng với sự hậu thuẫn chuẩn bị của quân đội, và đáng chú ý nhất là ý kiến nại cớ truy lùng hải tặc để tiến vào những vùng biển đang tranh chấp.

Dưới đây là những quan điểm tiêu biểu của các học giả được đăng trong bài tường trình của International Herald Leader.

1.    Nhượng bộ để giảm thiểu tranh chấp là không nên

2.    Ðó là quan điểm của ông Zhou Fangyin, tổng biên tập của tờ Contemporary Asia-Pacific Studies, một ấn bản của Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, cơ quan đồng tổ chức buổi hội thảo.

Ðề Ðốc Hải Quân Trung Quốc Yin Zhuo, người phát biểu trong cuộc hội thảo

“Trách Nhiệm của Truyền Thông Trước Tình Hình Biển Ðông”rằng Trung Quốc phải

“Tránh đưa tranh chấp biển Ðông ra tòa án quốc tế”. (Hình: www.cnr.cn)

Ông Fangyin nói, “Chúng ta tuyệt đối không tạo cho Việt Nam và Phi Luật Tân cái cảm tưởng là mỗi khi lên tiếng kêu ca họ sẽ có lợi. Chúng ta không thể mơ hồ mà phải khẳng định rõ lập trường của Trung Quốc. Nếu giữ vững lập trường, chúng ta có thể bị chỉ trích và một số tổn hại trước mắt, nhưng về lâu về dài, thái độ cứng rắn vẫn có lợi hơn. Vì thế không nên nhượng bộ để giảm thiểu tranh chấp.”

2. Bảo vệ quyền lợi trên biển một cách trường kỳ

Ðồng quan điểm với Fangyin, ông Li Jinning, giáo sư của South Pacific Studies, thuộc Viện Nghiên Cứu Bang Giao Quốc Tế của đại học Xiamen University, cho rằng trước tiên Trung Quốc phải tăng mức tuyên truyền về vấn đề biển Ðông, và gửi càng nhiều bài viết cho các tạp chí nước ngoài để quảng bá lập trường của Trung Quốc càng tốt.

“Ngoài ra, vào thời điểm thích hợp, phải tổ chức các hội nghị quốc tế trong giới hàn lâm để tranh thủ dư luận quốc tế, Việt Nam đã có hai buổi hội thảo như thế rồi.”

Ông Jinning nói.

Quan trọng hơn, ông Jinning khuyến cáo là phải tiếp tục cho tàu thường xuyên tuần tra trong vùng biển Ðông, và “mạnh mẽ chống lại việc quốc tế hóa tranh chấp biển Ðông, và bác bỏ giải pháp đa phương”, vì theo ông “tương quan giữa các nước trong khối ASEAN không thuần nhất”, cho nên Trung Quốc “cần phải đối phó với từng nước một và làm sao cho các thành viên ASEAN không kết thành một khối chống lại Trung Quốc”.

3. Chuẩn bị về mặt quân sự

Ông Li Quoqiang, phó giám đốc của Borderland History and Geography Research Center, cũng thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc còn tiến một bước xa hơn khi đề nghị Trung Quốc phải có những chuẩn bị thích hợp về mặt quân sự.

Ông Quoqiang nhận định rằng có ba hướng giải quyết tranh chấp gồm ngoại giao, quân sự và luật pháp. Tuy nhiên, theo ông, ngoại giao không chưa đủ, vì thế cần phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra trong vùng, và dùng vũ lực nếu cần để đoạt lại những quần đảo thuộc về Trung Quốc.

Quan trọng hơn, ông Quoqiang đề nghị phải tìm mọi cách để giới hạn can thiệp của Hoa Kỳ, chẳng hạn như tạo nhiều tổn thất tài chánh cho bất cứ nước nào muốn khai thác dầu trong vùng biển Ðông.

4. Tránh đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế

Ðô Ðốc Hải Quân Yin Zhuo thì đề nghị không nên mang tranh chấp biển Ðông ra trước tòa án quốc tế, nơi ông cho rằng sẽ dựa đa số nhưng phán quyết trên luật biển thường gọi là UNCLOS (United Nation Convention on the Law of the Seas) vì như thế không có lợi cho Trung Quốc.

5. Chủ động hơn trong việc tranh thủ công luận

Trong khi đó ông Ye Hailin, bình luận gia kiêm tổng biên tập của tờ South Asian Studies, ấn bản của Viện Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương (thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc) cổ vũ giới truyền thông tích cực tham gia vào việc phổ biến những bước kế tiếp của Trung Quốc để giải quyết tình hình căng thẳng trong biển Ðông.

Ông cho rằng truyền thông “không thể chỉ tham gia vào những cuộc thảo luận” mà còn phải “chuẩn bị tâm lý quần chúng, vận động quần chúng ủng hộ hướng giải quyết của chính quyền”.

“Tiếc thay trong tranh chấp biển Ðông không có giải pháp nào mà không gây tổn thất. Một giải pháp hòa hoãn không có lợi cho đất nước, trong khi đó, hoàn toàn cứng rắn sẽ mang 100% thắng lợi cho Trung Quốc, nhưng lại gây tổn thất về mặt ngoại giao. Bất cứ giải pháp nào cũng sẽ gây phản ứng tiêu cực nếu tâm lý quần chúng không sẵn sàng.” Ông Hailin nhận định.

6. Nại cớ hải tặc để xâm nhập biển Ðông

Sáng kiến độc đáo nhất định phải là của Giáo Sư Xu Ke, thuộc Viện Nghiên Cứu Bang Giao Quốc Tế, đại học Xiamen University.

Giáo Sư Xu Ke thản nhiên vạch ra rằng hải tặc hay hoành hành ở vùng biển Ðông, vì thế Trung Quốc có thể nại cớ truy lùng hải tặc để làm mũi xâm nhập sâu vào vùng biển này.

Ông nói: “Dùng cớ đối phó với hải tặc chúng ta có thể lãnh đạo phong trào truy lùng hải tặc tại vùng Châu Á, và cùng lúc đó, tạo sự có mặt thường xuyên ở đây, rồi từ đó kiểm soát vùng hết vùng biển Ðông.”

Ðó là một số mưu đồ tiêu biểu mà các học giả Trung Quốc đã thản nhiên và mạnh dạn hiến kế cho lãnh đạo Trung Quốc giành phần thắng cho quốc gia họ, mà không sợ gặp khó khăn với chính quyền, ngược lại kết cuộc hội thảo còn được cơ quan truyền thông nhà nước cho công bố, với mục đích tranh thủ tâm lý dân chúng.

Trước sự kiện này, giới quan tâm không thể không nghĩ đến một tình trạng hoàn toàn tương phản tại Việt Nam, nơi mà giới trí thức vô cùng e ngại khi bầy tỏ quan điểm về chủ quyền quốc gia.

Trước sự kiện này, giới quan tâm không thể không nghĩ đến một tình trạng hoàn toàn tương phản tại Việt Nam, nơi mà giới trí thức vô cùng e ngại khi bầy tỏ quan điểm về chủ quyền quốc gia.

—————————————————————————————————————————————————————————————————————————————–

Chị Bùi Thị Minh Hằng tường thuật việc bị CA giả dạng côn đồ theo dõi & tấn công

Bất chấp những đe dọa thường trực, chị Bùi Thị Minh Hằng vẫn tỏ ra khá vui vẻ trong chuyến đi nghỉ của mình. - BH : Dưới tượng nũ tướng Lê Chân. Xin nguyện làm hậu duệ của bà
Bùi Thị Minh Hằng: Những nỗi buồn & mối đe dọa luôn trực chờ quanh cuộc sống chúng ta
Ôi! Kỳ nghỉ của tôi, những ngày “nóng bỏng” và sông sục tại Thành phố Hoa Phượng Đỏ này…. Xin kể sơ sơ cho bà con mình nghe, coi như món quà 2-9.
BH (Bùi Hằng) rời khỏi HN vào buổi chiều 28-8-2011. Hôm ấy, sau khi kết thúc cafe Thuỷ Tạ, cùng với lời nài nỉ “tha thiết” của cô Minh an ninh: Chị chưa ra khỏi khu vực Hoàn Kiếm thì bọn em không về được! Chạnh lòng, mình nghĩ: Làm người ai nỡ “làm phiền” người khác như thế? Đành phải đi lang thang, dạo qua các con phố cổ kính mua bán lặt vặt, ghé hàng bún đậu mắm tôm Ngõ Gạch, rồi lên taxi đi về Đống Đa.

Đi đến đâu BH cũng phát hiện có nhiều cặp mắt bất minh theo sát, không biết chúng là côn đồ, trộn cướp, hay là gián điệp Tàu … Tự hỏi phải đi đâu bây giờ ? BH không có nhà ở Hà Nội, ngôi nhà bố mẹ để lại ở Sơn Tây thì đã bị “đầy tớ nhân dân” cướp mất. Đành tiếp tục đi lòng vòng xem sự thể ra sao, tốn mấy trăm ngàn tiền xe mà vẫn cứ thấy bọn lưu manh bất, chính rình mò. Cuối cùng, phải ghé quán bia ngay đầu đường Thanh Niên cùng mọi người, BH quyết định rủ Binh Nhì cùng T. đi Hải Phòng chơi. Mình cũng muốn đi xa HN ít ngày trong dịp lễ và cũng muốn thăm lại ít người quen xưa …

Nhưng hình như cái bọn kia phát hiện BH nhiều tài sản hay sao ý, chúng vẫn tiếp tục bám đuổi. Qua khỏi Hà Nội tới Hải Dương ăn tối, linh tính của một người nhiều lần bị cướp của và bị bọn xấu tấn công đã cho BH biết mình không nhầm một đối tượng nào. Những hình ảnh được ghi lại từ cặp mắt và linh tính quả không sai chút nào.
Cướp ư ? Đừng hòng ! BH giấu của kỹ lắm rồi. Cứ đi theo đi, để xem chúng sẽ làm gì ? Mình tự trấn an là vẫn đang sống trong một đất nước “Hòa Bình, An Ninh” – “Điểm đến an toàn cho du khách” như lời những vị lãnh đạo từng tuyên bố. Hơn nữa, mình là một người dân yêu nước, trên vai in đậm bốn chữ “Nợ nước – Thù nhà”. Những kẻ lạ mặt kia dù có là côn đồ, trộm cướp thì cũng chẳng nỡ hãm hại người như mình mình, dù gì cũng là đồng bào một nước với nhau.  Còn nếu bọn chúng là gián điệp Tàu thì mình chẳng sợ, đây là đất nước VN, nếu chúng dám giở trò thì nhà nước sẽ can thiệp, nhân dân sẽ bảo vệ mình. Mình vẫn sẽ hiên quang đi lại trên quê hương đất nước mình.
Từ chủ nhật tới giờ xem nào: BH đếm được hết thảy hơn mười khuôn mặt. Về sau, có lẽ bọn chúng đã có “kinh nghiệm” nên không dám lộ mặt ra nữa, chúng bắt đầu bịt mặt khi “tắc nghiệp”, biển số xe thì thay đổi mỗi ngày. Xe số 16-M8-9219 ra tận Đồ Sơn để theo dõi làm mình chán chẳng muốn xuống biển. Ngày qua, người thì cũ nhưng xe thì mới. Hai tên đi xe số 6H6- 4323 “quen” đến mức có hôm BH nhờ chúng tiện xe chở đi đổi tiền. Chúng hằn học bảo: Đi ra ngân hàng mà đổi ! – Gần 8 giờ tối, ngân hàng nào làm việc ? Đúng là chỉ gián điệp Tàu mới không biết điều này. Đành phải vào tiệm vàng đổi, vậy mà chúng vẫn bám theo, đứng lấp ló ngoài đường. Nhân lúc báo chí đang nói về vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, mình phải cảnh báo chủ tiệm vàng cần “đề cao cảnh giác” về sự xuất hiện của những kẻ lạ này.
Khuya về, hai chị em đang ngồi tán gẫu với nhóm bạn yêu nước thì lễ tân gọi lên báo: Khách sạn vừa ra phường đăng kí cho khách lưu trú, CA phường chỉ đạo không cho “Trai – Gái” ở chung phòng, cán bộ còn nhắc đến quy định là phải có giấy kết hôn mới cho ở chung (?!) – Cười té ghế ! Mình từng lang bạt khắp nơi trên đất nước này, đi Đông đi Tây cũng có, đây là lần đầu tiên được nghe cái “quy định” tày trời như thế. Phòng mình thuê có hai giường, giấy tờ đầy đủ, ở mấy ngày rồi mà bây giờ họ nó thế là sao nhỉ ? Cũng tội cho cơ sở kinh doanh, họ cũng ngại bị bọn ô hợp địa phương bắt bẻ, gây khó dễ. Người dân đôi khi cũng không rành về luật, hơi sức đâu mà cãi với bọn cán bộ chày cối. Mình phải chạy xuống giải thích về luật pháp và trấn an họ, nhân tiện cũng nói rõ lý do vì sao mà bọn chúng lại “gây hấn” với mình. Sau khi hiểu ra sự việc, đại diện khách sạn lập tức xin lỗi và hứa sẽ bảo vệ cho khách hành. Sau đó mọi việc đều ổn thỏa, ku em đi chung không còn sợ phải ngủ ngoài hành lang.
An ninh mật vụ theo dõi & tấn công chị Bùi Thị Minh Hằng
Sáng nay, 2/9, càng gần đến lễ lớn nên không khí càng sôi động và nóng bỏng hơn. BH rủ thêm đứa em đi chụp hình ngoài trời, đến khu vực Nhà Hát Lớn, rồi đến viếng tượng nữ tướng LÊ CHÂN. Lúc vào đền thờ bà Lê Chân, BH làm hai lá sớ, một lá cầu xin cho gia quyến bản thân, một lá còn lại đứng tên đoàn biểu tình chống TQ xâm lược… Mình tin rằng điều này sẽ được liệt tổ liệt tông cùng các anh hùng chấp nhận và ủng hộ con cháu.
Ra khỏi đền thì tới giờ ăn trưa, mấy chị em ghé luôn con hẻm thông sang khu vực vườn hoa ngõ 23 Nguyễn Đức Cảnh – Hải Phòng ăn bún chả, nem cua bể… Vừa mới kéo ghế ngồi xuống, chưa hiểu chuyện gì thì bỗng thấy một tên côn đồ đi trên xe 16F6-9048 lao xe vào chỗ ngồi của mọi người gây sự. Bọn chúng hung hăng, đòi đánh T. em mình, thêm ba tên côn đồ khác trong ngõ cũng xộc xe ra. Mình đứng lên hỏi: Gì đấy? – Vừa dứt lời thì nghe chúng chửi bới thô tục: ĐM mày, mày muốn quay chụp không, đánh chết mẹ mày bây giờ !
Thấy ồn ào, mọi người bắt đầu hoảng hốt. Trong quán có người chạy ra, mọi người xung quanh đều can ngăn, nhưng bọn người này gồm 4 tên, mặt bịt kín, vẫn rất hung hăng chửi bới, đe doạ. Hai tên trong đó còn dọa: DM chúng mày, đánh cho mày vỡ hết răng bây giờ. BH hỏi chúng là ai, sao lại gây sự đánh người vô cớ ? Một tên bị mặt mặc áo kẻ caro nhạt màu nói: Thích đánh đấy, thì sao?
Khi người dân cũng như chủ quán ra can ngăn bảo vệ, thì chúng mới chịu bỏ sang đường nhưng vẫn hung hăng quay sang chửi bới, đe doạ. BH nhìn thấy anh thanh niên của quán gọi điện cho ai đó tới, và an ủi mọi người cứ yên tâm ăn uống, nghỉ ngơi. Sau đó, người nhà của quán tới nơi, họ sang đương gặp những kẻ càn quấy kia để nói chuyện. Lúc họ quay trở lại, người nhà chủ quán bảo: bọn người kia là công an ? Nhiều người chứng kiến lúc đó đều rất ngỡ ngàng, cụ già bán nước vói mấy chị phụ nữ đều lắc đầu ngao ngán. Thế là BH lại được dịp phải mở máy tính, giới thiệu chuyện BH là người tham gia biểu tình chống TQ trong những ngày qua tại HN, từng bị họ bắt giam trái pháp luật ở CA Hoàn Kiếm và nhà tù Hỏa Lò, mới được thả ra bởi sức ép dư luận người yêu nước…. Và như thế thêm nhiều người dân thường hiểu được CA VN hiện nay là ai, mọi người cũng đồng ý với BH rằng chúng ta phải đòi lại hai chữ “Nhân dân”.
O du kích nhỏ ! “Hoa hậu quý bà biểu tình” – theo cách gọi của AnhBaSam, hoặc “Nữ tướng” Bùi Thị Minh Hằng theo cách gọi của bà con Thôn Dân Báo.
Buồn một chút buồn chuyến đi nghỉ bị phá – Đau nhiều vì dân tộc đang bị lũ giả dạng Đảng, giả dạng CA,  giả dạng hai tiếng ND mà đang công khai trở thành kẻ thù hại dân, đúng như những gì mình chứng kiến trong những ngày qua
Hỡi các vị lãnh đạo Đảng nhà nước, hỡi những “công bộc” của dân ? Hỡi các cấp chính quyền đoàn thể và trên hết, hỡi nhân dân Việt Nam? Chúng ta đang sống ở đâu đây? Chúng ta đang ở thời nào đây ?
Tại sao tội ác, sai trái lại lộng hành ? Tại sao những kẻ côn đồ dám công khai và thách thức như thế này?
Chúng ta còn quyền con người không ? Chúng ta còn Tổ quốc và Dân tộc nữa không?
Tôi hy vọng những câu hỏi này sẽ được các vị lãnh đạo trả lời. Hôm nay, tôi đã ghi chép lai những gì bọn tội phạm đã làm, nhưng số xe của chúng, hình ảnh của chúng, và tôi cũng đã gọi điện thoại báo cho một viên an ninh HN biết. Như thế, không gì có thể mờ ám trong chuyện này. Tôi cũng như toàn thể mọi người đều cần phải biết và nghe câu trả lời của những người có trách nhiệm
Bùi Thị Minh Hằng
@Danlambao
——————————————————————————————————————————————————————————————————————————————