Cập nhật tin 11-12-2010

Gorbachev: Tham nhũng, xu hướng phản dân chủ đe dọa nước Nga

Cựu lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev

Hình: AP

Ông Gorbachev nói rằng tệ nạn tham nhũng đang thẩm thấu chế độ quan liêu của đất nước đang làm băng hoại mọi mặt của xã hội

Cựu lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev hôm thứ Sáu cảnh báo mức tham nhũng ngày càng tăng và các xu hướng phản dân chủ đang đe dọa ổn định của Nga trong tương lai.

Nói chuyện với tờ Novaya Gazeta, một tờ bào mà ông có phần hùn, ông Gorbachev nói rằng tệ nạn tham nhũng đang thẩm thấu chế độ quan liêu của đất nước đang làm băng hoại mọi mặt của xã hội.

Ông cho rằng nước Nga đang tách rời những cải cách dân chủ.

Ông cũng cảnh báo kinh tế Nga đang quá lệ thuộc vào trữ lượng dầu khí.

Đang làm Tổng bí thư của đảng Cộng sản vào năm 1985, chức vụ nhiều quyền lực nhất Liên-xô, ông Gorbachev đã lãnh đạo chiến dịch cải cách “perestroika”, thay đổi cơ chế chính trị của Liên-xô.

Nhiều người đổ lỗi ông đã làm Liên-xô sụp đổ.

==============================================================================

Giải Nobel Hòa bình được đặt lên một ghế trống

Giải thưởng được đặt lên chiếc ghế trống dành cho ông Lưu Hiểu Ba

Hình: AP

Giải thưởng Nobel Hòa Bình được đặt trên chiếc ghế trống dành cho ông Lưu Hiểu Ba. Bên trái là Chủ tịch Ủy ban Nobel ông Thorbjorn Jagland và bên phải là bà Kaci Kullman Five một thành viên trong ủy ban

Giấy chứng nhận lãnh giải Nobel Hòa bình năm nay đã được nhẹ nhàng đặt lên chiếc ghế trống của ông Lưu Hiểu Ba trong buổi lễ trao giải hôm thứ Sáu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ phê phán buổi lễ tổ chức tại thủ đô của Na Uy, gọi đây chẳng khác nào một “màn kịch chính trị” dựa trên “những lời dối trá”.

Bắc Kinh chận mọi thông tin tường thuật buổi lễ.

Bất chấp sự giận dữ này, quan khách đến từ khắp thế giới đứng dậy vỗ tay khi ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel, ca ngợi quyết tâm của ông Lưu Hiểu Ba trong vấn đề nhân quyền, dân chủ và hòa bình.

Ông Jagland tỏ ý tiếc khi ông Lưu không có mặt để nhận giải thưởng, cho rằng “chính vì có sự kiện này nên giải thưởng là cần thiết và thích đáng.

Ông Lưu không đến được vì còn ngồi tù về tội lật đổ chế độ và cả vợ ông cũng bị quản thúc, không được thay mặt ông đến nhận.

===========================================================================

Mỹ sắp có tân đại sứ tại Hà Nội

David Shear, nhà ngoại giao chuyên nghiệp

Ông David Shear, phó phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, vừa được Tổng Thống Barack Obama đề cử làm đại sứ tại Việt Nam, thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết hôm Thứ Năm.

Phó phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông David Shear, vừa được đề cử làm đại sứ tại Việt Nam. (Hình: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)

“Người dân Mỹ sẽ được phục vụ tốt nhất vì khả năng và sự dấn thân của ông David Shear trong vai trò mới. Tôi rất vinh dự được làm việc với ông trong chính quyền hiện nay, và tôi mong đợi tiếp tục làm việc với ông trong vai trò mới trong những năm tới,” thông cáo trích lời Tổng Thống Hoa Kỳ cho biết.

Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, ông David Shear là nhà ngoại giao chuyên nghiệp kể từ năm 1982 và là phó phụ tá ngoại trưởng phụ trách Ðông Á Thái Bình Dương Sự Vụ từ tháng 9, 2009.

Trước đó, ông là giám đốc văn phòng Trung Quốc Sự Vụ, sau khi đảm nhận chức vụ phó đại sứ Hoa Kỳ tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Ông từng công tác tại Tokyo, Bắc Kinh và Sapporo.

Tại thủ đô Washington, DC, ông Shear từng là phó giám đốc Triều Tiên Sự Vụ, phụ tá đặc biệt cho phụ tá ngoại trưởng đặc trách chính trị, giám đốc Nhật Sự Vụ, phó giám đốc Ðông Á Sự Vụ, giám đốc Trung Quốc và Mông Cổ Sự Vụ. Ông cũng từng là tùy viên đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.

Ông David Shear tốt nghiệp cử nhân đại học Earlham College và tốt nghiệp cao học bang giao quốc tế tại đại học Johns Hopkins University.

Theo trang web của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông David Shear từng là nghiên cứu sinh chương trình Rusk Fellow nghiên cứu ngoại giao tại đại học Georgetown University, Washington, DC, từ năm 1988 đến năm 1989.

Ngoài ra, ông còn theo học tại một số đại học ở ngoại quốc như Waseda University, Taiwan National University và Nanjing University.

Ông David Shear có đệ nhất đẳng huyền đai võ Kendo, một môn võ của Nhật, từng được giải thưởng “Superior Honor Award” của Bộ Ngoại Giao và giải thưởng “Civilian Meritorious Service Award” của Bộ Quốc Phòng, và nói được tiếng Nhật và tiếng Hoa.

Hiện chưa rõ bao giờ Thượng Viện Mỹ sẽ họp để phê chuẩn ông David Shear vào chức vụ mới.

Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hiện nay là ông Michael Michalak, với nhiệm kỳ, đáng lẽ, đã hết hạn hôm 31 tháng 8, 2010.

Nếu được phê chuẩn, ông David Shear sẽ là đại sứ thứ năm của Mỹ tại Hà Nội kể từ khi hai quốc gia cựu thù tái lập bang giao năm 1995.

Ðại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh là ông Douglas “Pete” Peterson, một cựu tù binh trong cuộc chiến Việt Nam, từng bị tù tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, trong sáu năm, sau khi máy bay của ông bị bắn rớt. (Ð.D.) ( NguoiViet )

=====================================================================

‘Ngàn Năm Thăng Long’ tốn bao nhiêu tiền?

Sau năm lần bảy lượt tránh né, sáng ngày 8 tháng 12, ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, Hoàng Mạnh Hiển mới chịu hé môi: “Hà Nội đã chi gần 266 tỉ đồng cho riêng hoạt động văn hóa, tiếp tân và quà tặng trong dịp tổ chức đại lễ Ngàn Năm Thăng Long.”

Ðêm hội văn hóa 1000 năm Thăng Long hôm 10 tháng 10, 2010 tại sân vận động Mỹ Ðình-Hà Nội. (Hình: thanglonghanoi.gov.vn)

Dù vậy, ông này vẫn nói thêm rằng số tiền đó vẫn còn thấp so với dự tính ban đầu, 350 tỉ đồng.

Ông Hiển còn khoe, Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội “tiết kiệm” được mấy chục tỉ đồng như thế nhờ “ý thức tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tự nguyện cắt giảm một số tiết mục không thiết thực, không hợp lý.”

Theo VnExpress, Bộ Trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của các dân biểu trong cuộc họp mới đây lại cho biết đã chi trên 200 tỉ đồng, và Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa-Thể Thao cũng đã chi 88 tỉ đồng từ ngân quỹ quốc gia.

Tới nay sắp tròn hai tháng tổ chức đại lễ “Ngàn Năm Thăng Long,” người ta vẫn chưa biết con số tổng chi của nhà nước chính xác là bao nhiêu.

Có những lời đồn đãi trong dư luận xã hội là tiền kinh phí cho “Ngàn Năm Thăng Long” phải lên nhiều ngàn tỉ đồng. Theo các con số do thành phố Hà Nội hay ông Vũ Văn Ninh đưa ra, số tiền này cũng chưa đủ để thực hiện một số phim ảnh truyền hình và điện ảnh trong đó có nhiều phim đang còn bị ngâm vì tai tiếng “Hồn nhà Lý, da Trung Quốc” dù lễ hội đã qua đi.

=============================================================

Tổng thống Nam Hàn nói sẽ thống nhất với Bắc Hàn một ngày không xa

SEOUL, South Korea (AP) – Tổng thống Nam Hàn vừa tuyên bố rằng việc Bắc-Nam Hàn thống nhất đang đến gần, một phát biểu gây nhiều ngạc nhiên giữa lúc đang có tình trạng căng thẳng cao độ trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy việc thống nhất là một mục tiêu được cả Bắc và Nam Hàn nói tới lâu nay, điều này có vẻ là một giấc mơ xa vời trong năm nay, sau khi xảy ra cuộc tấn công làm chìm một chiến hạm Nam Hàn, việc Bình Nhưỡng loan báo mở rộng chương trình nguyên tử và, mới gần đây nhất, vụ pháo kích vào một hòn đảo Nam Hàn hai tuần trước đây.

Sau vụ pháo kích hôm 23 tháng 11 vào đảo Yeonpyeong, cả hai bên đều góp phần tạo thêm sự căng thẳng qua các phản ứng giận dữ và đe dọa trả đũa. Tổng thống Nam Hàn, ông Lee Myung-bak, không ngần ngại sử dụng ngôn từ mạnh mẽ sau khi bị dư luận trong nước chỉ trích là có phản ứng quân sự quá yếu kém trong vụ tấn công.

Nhưng hai lần trong tuần này, khi đang viếng thăm Malaysia, ông Lee bày tỏ sự lạc quan rằng ngày thống nhất không còn xa.

“Bắc Hàn nay là một trong những quốc gia hiếu chiến nhất trên thế giới,” ông Lee cho hay trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Star, số ra ngày Thứ Sáu. Nhưng ông cũng cho biết thêm “điều ai cũng thấy là hai nước sẽ phải sống chung hòa bình và sau cùng sẽ đạt được thống nhất.”

Trong bài diễn văn tối Thứ Năm, ông Lee đưa ra những phát biểu tương tự, nói rằng người dân Bắc Hàn ngày càng thấy rõ ràng là Nam Hàn thịnh vượng hơn. Ông không cho biết là làm thế nào mà sự hiểu biết của dân chúng Bắc Hàn được cải thiện, nhưng nói rằng đây là “sự thay đổi quan trọng mà không ai có thể ngăn cản.”

“Ngày thống nhất đang đến gần,” ông Lee cho hay, theo trang web của phủ tổng thống.

Ông Lee cũng kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy đồng minh Bắc Hàn tiến hành việc cởi mở kinh tế như từng giúp hàng triệu người dân Trung Quốc ra khỏi hoàn cảnh nghèo khó – và nói rằng sự độc lập về kinh tế của Bắc Hàn là điều kiện chính yếu đưa đến thống nhất.

Hiện chưa rõ vì sao ông Lee liên tục nhắc tới vấn đề thống nhất. Tuy nhiên, ở Seoul cũng có sự lo ngại về các chi phí xã hội và kinh tế lớn lao đi cùng với việc thống nhất Bắc-Nam Hàn.

Từ trước đến nay, dư luận vẫn cho rằng Trung Quốc, đồng minh chính của Bắc Hàn, sẽ phản đối việc này. Nhưng một công điện ngoại giao bị lộ mật thời gian gần đây lại cho rằng Bắc Kinh sẽ không ngăn cản nếu điều này xảy ra.

Hồi tháng 8, ông Lee nói rằng Nam Hàn nên chuẩn bị cho việc thống nhất bằng cách nghiên cứu khả năng đưa ra “thuế thống nhất” nhằm có thêm tiền trả cho chi phí hợp nhất.

Ông Lee đề nghị tiến trình thống nhất kéo dài ba giai đoạn, trong đó hai bên sẽ thành lập “cộng đồng hòa bình,” rồi sau đó “cộng đồng kinh tế” với sau cùng là “cộng đồng Hàn Quốc” mà không có hàng rào thể chế ngăn trở. (V.Giang)

———————————————————————————————————————————————————————————————————

‘Việt Nam phải có biện pháp để phục hồi tin tưởng vào tiền đồng’

Hình: REUTER

Các kinh tế gia hôm thứ Sáu kêu gọi nhà nước Việt Nam hãy đề ra biện pháp để phục hồi niềm tin của tiền đồng, sau khi đơn vị tiền tệ của Việt Nam tuột giá trong mấy tháng gần đây.

Tin của hãng thông tấn DPA tường thuật rằng, mặc dù các ngân hàng chính thức chỉ được đổi tiền theo suất 1 đôla đổi lấy 19,500 đồng, thế nhưng trên thực tế, từ hồi đầu tháng 11, 1 đôla đổi được hơn 21,000 đồng Việt Nam tại các tiệm vàng và trên thị trường chợ đen.

Ông Trần Đình Cung, Phó Giám đốc Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, nói rằng “rõ rệt là trong bối cảnh này, việc phục hồi sự tin tưởng vào đồng bạc Việt Nam là điều hết sức cần thiết”.

Ông Nguyễn Đình Anh, quyền Giám đốc của Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả, cũng nói rằng lẽ dĩ nhiên là không ai muốn giữ tiền đồng vì nạn lạm phát cao.

Nói chuyện với trang mạng VietnamNet hồi tháng trước, đại diện của Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Benedict Bingham nói rằng với đà tăng trưởng 6,5% trong năm nay, xuất khẩu tăng 20%, và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng, việc tiền đồng sụt giá là một “điều bất thường”.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, cũng được trang mạng VietnamNet trích lời nói rằng không ai muốn trữ tiền đồng vì các chính sách không nhất quán của nhà nước.

Theo lời bà Kwakwa, các chính sách của chính phủ Việt Nam, tập trung vào việc kiềm chế lạm phát hồi đầu năm nay đã khích lệ sự tin tưởng vào tiền đồng, tuy nhiên việc chính phủ Việt Nam quay lại với các chính sách hướng tới phát triển trong nửa sau của năm 2010, đã tạo điều kiện để lạm phát gia tăng. Và đó chính là nguyên nhân vì sao người Việt Nam đổi tiền lấy đôla và vàng.

Ông Nguyễn Đình Anh, quyền Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả, nói phục hồi niềm tin vào đồng bạc Việt Nam là một tiến trình lâu dài, và cần các chính sách nhất quán.

Ông Anh nói chính phủ cần có biện pháp để giải quyết nạn lạm phát và tỷ giá hối đoái.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ hồi tháng 8, đã duy trì giá trị tiền đồng ở mức xê dịch từ 19,060 tới 19,500 đồng 1 đôla, và theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, đó là lý do vì sao nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lâm vào tình trạng kiệt quệ.

Trong một cuộc hội thảo ở thành phố HCM hôm qua, công ty chứng khoán Morgan Stanley cảnh giác rằng tiền đồng đang “đối mặt với nhiều khó khăn, và có nguy cơ cao bị mất giá”.

Ông Stewart Newnham, chiến lược gia tiền tệ Châu Á của Morgan Stanley, nêu lên những khó khăn trong cán cân thanh toán, một nền kinh tế tăng trưởng yếu và mức thâm hụt thương mại, như những yếu tố tăng sức ép đẩy giá trị tiền đồng xuống thấp.

Tuy nhiên, cùng ngày 10 tháng 12, tin của Bloomberg nói rằng giá trị đồng tiền Việt Nam có triển vọng tăng vọt trong tuần này, do các nhà xuất khẩu bán đôla ra thị trường.

Hãng tin tài chính Bloomberg trích lời ông Thio Chin Loo, một nhà phân tích thuộc Ngân hàng BNP Paribas ở Singapore, nói rằng giá trị tiền đồng cải thiện còn do nhu cầu về đôla của các tập đoàn đa quốc giảm.

Nguồn: Bloomberg, DPA, AFP

———————————————————————————————————————————————————————————————————-

Ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo?

Phương Loan

Nhìn về Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu và người dân quốc đảo Singapore thường đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam ngồi trên nhiều núi vàng mà vẫn nghèo?

Đó là câu hỏi mà Ts Vũ Minh Khương, giảng viên trường Đại học Quốc gia Singapore thường xuyên nhận được từ đồng nghiệp hay  những người dân Singapore mà ông có dịp tiếp xúc.

Họ so sánh: Singapore chỉ cần một cảng biển, một đảo Sentosa cũng có thể làm nên sự thịnh vượng giàu có, vậy mà trên khắp Việt Nam này, có bao nhiêu những Phú Quốc, Hạ Long, bao nhiêu Vân Phong…. mà vẫn không cách gì khai thác được. Việt Nam vẫn bị xếp vào hàng các quốc gia phát triển trung bình thấp và năng lực cạnh tranh thấp ngay cả so với các quốc gia láng giềng ít tiềm năng hơn.

Thực tế như một sự thách đố sự hiểu biết của người Singapore lại không quá khó hiểu với những người có chút kinh nghiệm làm việc ở xứ này. Người ta có thể tìm thấy lời giải đáp từ bất kì một quan sát nhỏ nào trong nền kinh tế đất nước.

Triệt tiêu sức cạnh tranh của chính mình

Nhìn vào thực tế phát triển ở Việt Nam, TS Vũ Minh Khương cho rằng, vấn đề của Việt Nam không phải ở chỗ chúng ta không có tiềm năng mà có lẽ vì chúng ta có nhiều tiềm năng quá, những nguồn lực xung đột, mà lại không biết lựa chọn chính xác hướng đi nào cho mình.

Giống như người ta được trời phú cho nhan sắc, lại có thông minh cộng tài năng âm nhạc, lại thêm vẽ tranh… nhưng lại không biết mình thực sự muốn gì, muốn phát triển theo hướng nào. Thôi thì, lúc này đi làm nghiên cứu khoa học, lúc khác chơi một chút nhạc, lúc khác nữa làm hội họa…., tận dụng mỗi thứ một chút, để rồi không thành ông, cũng chẳng thành thằng.

Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh đã được trời phú một vịnh Hạ Long lại được trao thêm trữ lượng than dồi dào. Bỏ cái gì cũng tiếc, rút cuộc, chúng ta khai thác hết, nhưng đầu tư vào lĩnh vực nào cũng nửa vời. Khai thác than tàn phá môi trường Quảng Ninh, gây hại cho việc làm giàu từ Vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh đã giàu tài nguyên than

Cách làm du lịch, trong khi đó, lại mới dừng ở mức “thu bạc lẻ”, lo thu hút cho đông khách, mà quên mất, vấn đề không phải ở việc thu hút thêm được bao nhiêu khách, mà là mỗi ngày, du khách sẽ tiêu bao nhiêu tiền. “Người ta chỉ tiêu dùng nhiều khi Việt Nam có sẵn nhiều hoạt động chất lượng cao, dịch vụ tốt, nhiều sản phẩm hay để họ mua“, chuyên gia về năng lực cạnh tranh, GS Michael Porter phân tích. Thế nhưng, đó lại là điều Việt Nam hoàn toàn thiếu sự đầu tư.

lại có thêm Vịnh Hạ Long.

Câu chuyện Quảng Ninh không phải là ngoại lệ ở Việt Nam. Đến ngay cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng bây giờ cũng ngồi lo suy tính làm thế nào để khai thác được bể than sông Hồng nằm ngay dưới vựa lúa, điều nhiều nơi khác thèm được sở hữu trong bối cảnh an ninh lương thực đang là mối nguy, mà không cân nhắc hết thiệt hơn, mạnh yếu.

Định hướng bởi cách nghĩ làm thế nào để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao, tỉ trọng công nghiệp lớn cho cái gọi là “nền kinh tế GDP tỉnh”, các địa phương mải mê vận động để xin được nhiều tiền ngân sách, thêm được nhiều vốn đầu tư vào tỉnh, có được các dự án… nhưng lại chưa suy tính xem thực sự mình mạnh gì và nên phát triển theo hướng nào.

Các quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển của các tỉnh thành là một sự sao chép lẫn nhau, không dựa trên đặc thù riêng của địa phương mình, cả về lợi thế và vị trí riêng. Thế mạnh địa phương không được phát huy, trong khi đó, “bạn không thể ra sức để trở thành mọi thứ“, GS Michael Porter đã đúc kết quy luật chung trong phát triển như vậy.

Và triệt tiêu sức cạnh tranh lẫn nhau

Không chỉ triệt tiêu sức cạnh tranh của chính mình, các địa phương còn khai thác tiềm năng theo kiểu triệt tiêu sức cạnh tranh lẫn nhau, khi chính sách phát triển của các địa phương không được đặt trong mối liên kết với các địa phương khác trong vùng và trong tổng thể phát triển chung của đất nước.

Hãy nhìn câu chuyện phát triển cảng biển Việt Nam. Dọc bờ biển Việt Nam chi chít những dự án cảng biển, tỉnh nào cũng muốn sở hữu cảng biển của riêng mình. 10 năm tới, Việt Nam có kế hoạch phát triển 39 cảng biển với 108 bến được xây dựng mới và nâng cấp, trong đó 32 cảng biển có kế hoạch xây dựng mới.

Chúng ta quên mất một điều: năng lực cạnh tranh chỉ tốt khi doanh nghiệp được sử dụng cảng biển với chi phí thấp nhất, bất kể cảng đó thuộc tỉnh nào. Càng nhiều cảng phân tán, lượng hàng càng bị chia sẻ manh mún, hiệu quả khai thác cảng càng giảm, và chi phí tất yếu tăng lên.

Chúng ta cũng quên mất rằng, ở Mỹ, dọc bờ biển phía Tây dài 1900km cũng chỉ có 3 cảng chính.

Và ta cũng quên hẳn bài học của Malaysia trong phát triển cảng biển. Trước năm 1970 chỉ có 2 cảng chính, sau đó Chính phủ quyết định mở rộng thêm 4 cảng quốc gia và 3 cảng nội địa, điều đó dẫn tới tình trạng dư thừa năng lực và cạnh tranh gay gắt giữa các cảng. Sự cạnh tranh lẫn nhau của các cảng biển làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh chung của đất nước, khiến Malaysia rơi vào thế bất lợi.

Dọc bờ biển phía Tây dài 1900km của Mỹ cũng chỉ có 3 cảng chính trong khi 10 năm tới, Việt Nam định phát triển thêm 39 cảng biển.

Không thể phủ nhận, là quốc gia có đường bờ biển dài, ở vị trí địa chiến lược, Việt Nam có lợi thế để làm trung tâm trung chuyển quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt những sáng kiến về kết nối giao thông khu vực đều tính đến Việt Nam như cửa ngõ ra biển. Thế nhưng, tận dụng thế nào điều kiện ấy là câu chuyện Việt Nam cần bàn.

Có một thời, tỉnh nào cũng đua nhau có nhà máy mía đường, xi măng lò đứng, thì nay, cùng với cuộc đua có cho được nhà máy thép…, tỉnh nào cũng lo có cho được cảng biển riêng…, mà cảng nào cũng nhỏ, lại thiếu các điều kiện đi kèm.

Hiện Việt Nam không có cảng container trung chuyển quốc tế. Ta có một số hải cảng quốc tế như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng đón nhận được các tàu lớn, song dịch vụ của các cảng này chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí dịch vụ cao, thời gian thông quan lâu (từ 3 đến 7 ngày, có khi lên tới 1 tháng trong khi ở Singapore là 10 phút.) Hệ thống đường sắt, đường bộ kết nối liên tuyến với hệ thống cảng không được đầu tư. Các điều kiện hậu cần cho cảng hoàn toàn bỏ ngỏ. Cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Có một ví dụ thường được các chuyên gia dẫn chứng như một minh họa sinh động cho những ràng buộc về lợi ích cục bộ, địa phương gây cản ngại cho một chiến lược đầu tư sáng suốt trong câu chuyện cảng biển. Hiện tại, cảng Cái Mép – Thị Vải của Vũng Tàu đã được một số tàu mẹ các nước đến ăn hàng. Xét về mọi mặt, đây là cảng biển có nhiều lợi thế hơn cả để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế.

Thế nhưng, Tp.HCM và Long An cũng đòi đầu tư để cảng của mình thành trung chuyển quốc tế! Trong khi nguồn lực đầu tư của đất nước vào cơ sở hạ tầng vốn đang vô cùng khan hiếm.

Câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài của các tỉnh cũng là một ví dụ khác. Mặc dù đã có quy định về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, thế nhưng, thực tế, các địa phương vẫn làm theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Ngoài các chính sách thu hút đầu tư của nhà nước, nhiều tỉnh đã phá rào, đưa thêm nhiều quy định khuyến khích đầu tư, từ ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế và giảm tiền thuê đất.

Cuộc khảo sát do Bộ Tài chính tiến hành năm 2006 tại 48 tỉnh, thành phố cho thấy có tới 32 tỉnh (chiếm 2/3) ban hành thêm các văn bản pháp lý trái luật nhằm quy định các ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án đầu tư. Theo khảo sát này, có 18 tỉnh vi phạm các quy định về ngân sách, 21 tỉnh đưa ra những ưu đãi về đất đai nằm ngoài những quy định của chính sách đất đai quốc gia, 11 tỉnh vi phạm quy định về thuế thu nhập DN và nhiều tỉnh có nhiều hơn 2 vi phạm. Hầu hết các tỉnh đưa ra các khuyến khích rất hào phóng về phí sử dụng đất, mở rộng thời kì miễn giảm thuế lên tới 10-20 năm.

Rút cuộc, cuộc đua của các tỉnh không mang lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế. Quy hoạch tổng thể bị xới tung, cày nát. Đến nỗi có chuyên gia đã phải kêu lên rằng: cuộc đua thu hút FDI giữa các tỉnh chẳng khác nào cuộc “chạy đua xuống đáy”, khi các tỉnh hoặc là cùng chạy, hoặc là cùng chờ.

Nói như TS Vũ Minh Khương, ĐHQG Singapore, cách làm này tạo nên sự phát đạt cho một vài người nhưng lại gây hại cho sự phát triển chung của đất nước.

Vừa cạnh tranh, vừa hợp tác

“Thay vì cạnh tranh, cần khuyến khích sự phối hợp và hợp tác giữa các địa phương, các ngành”, GS Michael Porter khuyến nghị. “Các vùng và địa phương cần được khuyến khích nâng cao năng lực cạnh tranh của mình dựa trên những lợi thế và vị trí đặc thù của địa phương”.

Nhìn tổng thể quốc gia, đã tới lúc Việt Nam cần nghiêm túc thảo luận xem mình muốn đứng ở vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu, đâu là những ngành, lĩnh vực và thế mạnh về môi trường kinh doanh của Việt Nam mà thế giới sẽ biết tới.

Vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, đó là mục tiêu mà Việt Nam cần hướng tới, nếu muốn thực sự định vị mình ở một vị trí cao hơn trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-08-ngoi-tren-nui-vang-sao-viet-nam-van-ngheo-

———————————————————————————————————————————————————————————————————-